Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Mẹ không về nữa


Mời bạn click vào link bên dưới để nghe nhạc melody:






Gặp chúng tôi, ông Ngọ nói: “Hẹn các bạn 15g chiều nay đến cùng bàn về trường hợp chị Trần Thị Mai ở Quảng Bình. Bạn đọc của các bạn đã có sáng kiến như vậy, tôi là người trong cuộc phải có cách ứng xử riêng với người anh hùng này”. Đúng 15g chiều, chúng tôi đến Ban phòng chống lụt bão T.Ư, nơi ông Ngọ đang chờ đợi...

* Ông biết tin về trường hợp chị Trần Thị Mai trong hoàn cảnh nào?

- Khi tôi đang ở miền Trung tham gia chống chọi cơn lũ ngày 24 đến 27-11 vừa rồi, khuya mới có thời gian đọc báo và biết về trường hợp chị Trần Chị Mai. Đúng là đất anh hùng sinh ra anh hùng, Quảng Bình là quê hương mẹ Suốt, nay lại có bà mẹ Trần Thị Mai. Câu chuyện của chị làm tôi rất xúc động: một người mẹ trẻ 33 tuổi anh dũng cứu người, rồi hi sinh để lại bảy đứa con nhỏ dại. Tôi nghĩ đây là hành động anh hùng và cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng với hành động này.
Hôm qua 3-12, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã có văn bản gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình. Trong đó nêu rõ:
“Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư nhận được thông tin về việc bà Trần Thị Mai ở thôn Hậu Thành, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình đã tử nạn do lũ cuốn trôi trong khi cứu người. Đây là một hành động vô cùng dũng cảm cần được biểu dương và có chế độ đãi ngộ kịp thời.
Trong điều 12, nghị định số 56 năm 1989 của Hội đồng bộ trưởng đã qui định: người làm nghĩa vụ lao động công ích có hành động dũng cảm…, trong khi thực hiện nhiệm vụ mà bị thương hoặc hi sinh nếu được xếp hạng thương tật hoặc truy tặng liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng chính sách đãi ngộ như thương binh hoặc gia đình liệt sĩ.
Trường hợp của bà Mai xứng đáng được hưởng chế độ đãi ngộ như pháp luật đã qui định ở trên. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão T.Ư đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Bình kiểm tra lại thông tin trên và có biện pháp giúp đỡ kịp thời gia đình bà Mai, góp phần chia sẻ nỗi đau thương, mất mát và giúp các cháu sớm ổn định cuộc sống”.

* Nhà nước đã có chính sách gì về trường hợp như chị Mai chưa, thưa ông?

- Chúng ta mới có chính sách hỗ trợ người bị nạn trong lũ: người chết được hỗ trợ 1 triệu đồng để mai táng, mất nhà cửa hỗ trợ 1 triệu đồng... Nhưng chính sách cho những người dũng cảm như thế này, chính sách cho người đem thuyền bè của mình đi cứu người... thì đang cần được bổ sung.
Tôi đã làm việc với địa phương, đề nghị chuẩn bị các thủ tục để truy tặng danh hiệu anh hùng hay Huân chương Lao động cho chị Mai. Tôi cũng đã đề nghị Bộ Lao động - thương binh & xã hội để làm sao truy tặng chị Mai danh hiệu như liệt sĩ để gia đình chị có thể được hưởng các chính sách như gia đình liệt sĩ. Nếu được như vậy thì bảy con chị cũng được an ủi.
* Từ bài báo “Mẹ không về nữa” trên TS, đã có hàng loạt bạn đọc tìm đến hỗ trợ gia đình chị Mai, nhiều người đã đứng ra nhận làm mẹ các cháu thay chị Mai. Còn ông nghĩ sao?
- Tôi đọc báo TS thấy bạn đọc đã đề nghị ba phương án. Nhưng tôi thấy cũng băn khoăn lắm. Chị Mỹ ở Bến Tre nhận nuôi cả bảy cháu thì tấm lòng quá tốt rồi. Nhưng ở một gia đình như vậy, nếu đem cả bảy cháu đi để lại một ông bố ốm đau chắc cũng khó, mà nếu xé lẻ mỗi người nuôi giúp một vài cháu chắc cũng khó.

Tôi thấy ta nên tìm người nhà của các cháu nhờ họ làm người bảo trợ. Tiền bạn đọc góp, chúng ta sẽ đem sửa nhà, lo cho các cháu học hành, số còn lại có thể kêu gọi một vài doanh nghiệp có tấm lòng đem phát triển kinh doanh, tiền lãi đưa về lo cuộc sống hằng ngày của các cháu. Gửi tiền vào tiết kiệm cũng được, nhưng tôi thấy nó vô cảm vì đến ngày lấy tiền thôi, nếu gửi một doanh nghiệp sẽ như một lời nhắc nhở họ.

VN ta có hình thức phụng dưỡng bà mẹ VN anh hùng thì chị Mai cũng chính là bà mẹ anh hùng. Tôi đã định thứ hai tuần tới cùng báo TS đi Quảng Bình, nhưng còn vướng một vài công việc... Tôi cũng đã gọi cho Bộ Lao động - thương binh & xã hội nói về trường hợp chị Mai và định ngày mai (4-12) sẽ nói thêm. Báo TS cũng cần phải nói thêm để có chính sách cho chị, mà nếu chị được truy tặng cũng sẽ có nhiều người anh dũng như chị được truy tặng danh hiệu.

Các bạn đã đặt vấn đề: một người hi sinh khi cứu người, để lại bảy đứa con có đáng anh hùng không? Có đáng bà mẹ anh hùng không? Tôi thấy bài báo của các bạn có ý nghĩa, không chỉ ý nghĩa về tình cảm, mà còn có thể đề ra một chính sách mới mà sắp tới chúng tôi phải làm thêm là chính sách cho những người bị nạn khi tham gia phòng chống bão lụt.

L.ANH - Q.THIỆN thực hiện

Mẹ không về nữa
Tôi có theo dõi những bài báo của TS về chị Trần Thị Mai, người mẹ trẻ đã hi sinh cứu người trong cơn lũ, bỏ lại bảy đứa con thơ. Xúc động trước lòng nhân ái, sự dũng cảm và cảm thương cho các đứa con của chị, tôi đã viết một ca khúc ngắn để tôn vinh người mẹ anh hùng và chia sẻ một chút nào đó nỗi đau với các con của chị.

Xin tòa soạn cho phép tôi góp phần nhuận bút dù ít ỏi vào sự đóng góp chung của mọi người cho các con của chị Mai, như là chút tấm lòng.

Chi Mai xung dang la anh hung


NGUYỄN THÀNH NHÂN
Việt Báo (Theo_TuoiTre)

.



Quên về phố ảo

Mời bạn click vào link bên dưới để nghe nhạc melody:

Hoa cúc không phải màu vàng


Mời bạn click link bên dưới để nghe nhạc melody:




Bải thơ gốc của nhà thơ Lê Minh Quốc:

Đôi mắt em rực rỡ màu rượu vang của mối tình đầu
Anh đắm đuối uống một đời say khướt
Hoa cúc không phải chỉ màu vàng
Như thềm xưa ta ngồi lúc mười lăm năm trước

Ôi, cứ tưởng hoa cúc vàng
Những tháng ngày
Anh ôm đàn vỗ nhịp tình tang
Em - con chim hót vô tư mỗi sáng
Rồi sáng nay hai đứa bỗng bàng hoàng...

Hoa cúc không vàng thì hoa cúc trắng
Màu trắng dửng dưng lạnh nhạt đến lạnh lùng
Hoa cúc không vàng thì hoa cúc tím
Màu tím buồn phiền đớn đau từng kỉ niệm
Ôi hoa cúc vàng hoa cúc của ta đâu?

Em thương yêu,
Tháng bảy mưa ngâu em buồn lắm phải không?
Hoa cúc thôi vàng như ngày xưa con gái
Hương cúc thôi dịu dàng trên tóc em thơ dại
Ôi hoa cúc vàng hoa cúc của ta đâu?

Anh lang thang trước sân nhà
Em chỉ thấy bên thềm nở đầy hoa cúc trắng
Và em dửng dưng nhìn người khách bên đường
Đứng ngoài cổng nhìn vào thầm lặng

Tưởng nhớ một mùi hương...
Ta khờ khạo cứ tưởng rằng, cứ tưởng
Hoa cúc màu vàng như em chỉ yêu anh
Bài thơ viết như lời xin lỗi... ngượng
Hoa cúc nào không khao khát sự chung tình?

1988

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Những câu chuyện kỳ bí vùng biển bắc 11




JONAS LIE
Bản dịch: Nguyễn Thành Nhân
Dịch theo Bản tiếng Anh của R. Nisber Bain
Tranh Minh họa của Laurence Housman







EM ĐÂY!

Có lần, con gái của nữ thần Gygra[1] bị ốm và thấy khó ở, nàng bắt đầu quăng những tảng đá vào sườn núi. Nàng muốn trở thành người giúp việc trong thung lũng bên dưới, nàng bảo thế.
“Vậy hãy đi xuống gặp Thần Đất trước, và hãy sửa sang gọn gàng chút ít, hãy cài một cái lược vào mái tóc của con thay vì một cái cào cỏ bằng sắt.” Kẻ trị vì những ngọn núi bảo.
Thế là con gái của Gygra xuôi theo dòng sông, cho tới khi nước toả hơi ngùn ngụt và cơn bão rít lên quanh nàng. Nàng đi xuống chỗ Thần Đất, đã cọ rửa tắm táp và chải chuốt gọn gàng.
Một buổi chiều nọ, có một cô gái to lớn thô kệch bước vào gian nhà bếp của một người thương gia lớn và hỏi rằng cô ta có thể giúp việc ở đó không.
“Cô phải nấu ăn.” Bà chủ đáp. Bà cảm thấy dường như cô gái đó là người sẽ khuấy món cháo yến mạch rất tuyệt, và sẽ không do dự với việc chẻ thêm ít củi hay chùi rửa bát đĩa.
Cô gái là một kẻ thiếu kinh nghiệm thô lỗ, và cách thức làm việc của cô cũng thô lỗ. Lần đầu tiên cô vác một khúc củi vào bếp, cô va nó vào cửa bếp thật mạnh đến nỗi làm vỡ bản lề cửa. Và dù nhiều lần người thợ mộc đã chữa lại cánh cửa, nó vẫn luôn không có bản lề, vì cô gái cứ đá tung nó ra mỗi lần cô mang củi vào bếp.
Khi cô rửa bát, cũng vậy. Những đống lọ và nồi chất cao ngất đến nỗi những ngăn kệ và bàn không thể chứa hết, và dù cô có vẻ lăng xăng rối rít, dường như chúng chưa bao giờ giảm đi.
Bà chủ của cô cũng chẳng có một ý kiến nào tốt hơn về sự sạch sẽ của cô.
Khi Toad, người ta gọi cô như vậy, dùng cát để chà rửa những cái chậu gỗ, thiếc hay đồng thau, chắc chắn là trông chúng sẽ rất sạch sẽ nếu chúng không vỡ thành từng mảnh dưới bàn tay của cô. Và khi bà chủ của cô cố chỉ cho cô cách làm cho đúng, cô chỉ biết há hốc miệng kinh ngạc.
Người ta chưa bao giờ nhìn thấy những bộ ly tách nứt nẻ, những dãy bình trà bị sứt tay cầm và những chồng dĩa vỡ như thế trong gian bếp đó.
Và cô nàng còn ăn thật khoẻ, bằng tất cả những người giúp việc khác cộng lại.
Thế là bà chủ than phiền với chồng mình, bảo rằng tốt hơn họ nên sớm cho cô ta thôi việc.
Người thương gia bước thẳng vào bếp. Mặt ông ta đỏ gay. Phải cho cô ta biết rằng, ông ta bảo, cô ta ở đó không phải chỉ để đứng quay lưng vào bếp và sưởi ấm cho bản thân bẩn thỉu của cô ta.
Lúc này, khi nhìn thấy cô gái nhếch nhác biếng lười đang nằm ườn trên chiếc ghế băng trong bếp và chẳng làm gì ngoài việc há mồm nhìn qua khung cửa sổ những con thuyền của ông ta, bấy giờ đang đậu ở gần chiếc cầu và trĩu nặng với những thùng dầu, ông ta nổi cơn giận dữ. “Hãy cuốn xéo ngay bây giờ!” Ông ta nói.
Nhưng Toad chỉ nhe răng ra cười và nháy mắt nhìn ông, và bảo rằng khi bản thân  ông chủ đã bước vào nhà bếp, ông phải thấy rằng cô không ăn bánh mì của ông mà không được việc gì.
Rồi cô lững thững đi xuống chỗ mấy con thuyền, rồi quay lại khịt mũi nhìn ông với cánh tay giơ ra trước mặt. Trước khi có ai đoán được cô muốn làm gì, cô đã vác một trong những thùng dầu nặng nhất lên vai.
Rồi cô quay về qua cánh cửa bếp, luôn mỉm cười và yêu cầu xin cho cô biết cô nên đặt nó vào đâu.
Ông chủ chỉ biết đứng há hốc miệng nhìn cô ta. Ông ta chưa từng gặp chuyện như thế này bao giờ.
Thế rồi hết thùng này tới thùng khác, cô vác chúng từ thuyền vào cửa tiệm.
Người thương gia phá lên cười cho đến lúc ông phải thở hào hển để lấy hơi, và vỗ tay vào đùi một cách vui vẻ.
Ông không cần phí lời khen ngợi.
Và ông đi vào phòng ngủ của mình cũng nhanh như lúc rời khỏi đó.
“Mẹ bọn trẻ không biết là cô ta đáng tiền thế nào đâu.” Ông bảo.
Nhưng, kể từ đó, cô gái không mó tay vào việc gì cả, kể cả móc cái then gỗ vào tường, và thỉnh thoảng, nếu ai đó không nấu một hai thứ thức ăn gì đó, trong bếp hầu như chẳng có gì để ăn. Điều tốt nhất họ có thể làm là đuổi cô ta khỏi bếp vào những buổi ăn.
Khi bà chủ than phiền về điều đó, ông chủ bảo rằng bà không nên kỳ vọng nhiều quá. Cô gái chắc chắn cần phải nghỉ ngơi chút đỉnh sau khi đã vác một số hàng nhiều như thế.
Nhưng Toad luôn nhìn hau háu và mỉm cười mỗi khi người thương gia bước ra khỏi cửa tiệm. Khi đó, cô trở nên nhanh nhẹn và linh hoạt, và làm đủ mọi loại việc linh tinh, từ việc ra suối múc nước hay tới kho để lấy bánh. Và khi cô nhìn thấy bà chủ đã đi khỏi, cô tự tiện làm theo những điều mà mình thích.
Ngay khi nồi đã được treo vào móc, cô lẫn đi với một cái đĩa lớn mật đường ra khỏi cửa tiệm. Và cô có thể hối hả múc món cháo yến mạch và ngấu nghiến ăn. Nếu có ai đó trong những người giúp việc đòi phải chia đều, cô chỉ trả lời đơn giản: “Em đây!”
Họ không dám phản đối. Từ hôm cô vác những thùng dầu, họ biết rằng cô đã được lòng ông chủ.
Nhưng bà chủ của cô sớm nhận ra việc mất mát cả những lọ mật đường lẫn đường cát, và bà cũng nhận ra những cái bánh gừng, bơ và thịt xông khói đã biến đi đường nào.
Và cô gái ngày càng tròn trịa mập mạp như thể muốn nổ tung ra.
Khi bà chủ đi khỏi và giữ chìa khoá, Toad thường ló đầu vào cửa phòng khách, liếc mắt đưa tình với ông chủ và hỏi có cần mang gì đến cửa tiệm hay không. Khi đó, người thương gia thường bước tới cửa sổ và nhìn cô ta khi cô nhấc lên và mang đi những thùng cá, đường hay những giỏ thịt.
Ông ta cười to cho tới khi bật ho rồi lau mồ hơi trên trán, la to khắp căn phòng: “Có người làm nào của ta có thể vác những kiện hàng nặng như Toad không?”
Và khi ông chủ về tới nhà, người ướt sũng và run rẩy vì giá lạnh sau chuyến hành trình mùa thu, chính Toad là người đầu tiên và trước nhất tới gặp ông, cởi khuy chiếc áo khoác da của ông, tháo cái mũ vải dầu và giúp ông cởi đôi ủng đi biển dài ra.
Ông run rẩy vì lạnh, nhưng cô nhanh chóng tháo đôi vớ dài ẩm ướt cho ông và đốt lò sưởi lên, rồi đặt ông ngồi bên góc ống khói lò sưởi ấm cúng.
Bà chủ đến và mang cho ông một ly sữa pha rượu và hương liệu nóng để giải cảm, nhưng bà bực mình khi thấy cô gái lăng xăng rối rít bên ông đến nỗi bà đi thẳng sang phòng khách và gào lên giận dữ.
Vào sáng sớm, người thương gia hét toáng lên đòi mang tới cho ông đôi vớ dài dệt bằng len. Mọi người biết rằng ông đang cáu kỉnh vì buộc phải mặc vào chiếc áo khoác đi biển và mang đôi ủng đi biển  chật cứng, và lại phải lên đường trong tiết trời lạnh giá.
Ông mở tung cửa bếp, và giận dữ hỏi họ rằng họ còn bắt ông phải chờ đợi bao lâu nữa.
Nhưng rồi miệng ông há rộng như lối vào bếp mà ông đang dứng và nét mặt ông sáng lên với sự hài lòng.
Quanh các vách tường, trong hơi ấm của lò sưởi, cái mũ da rộng vành, cái áo khoác da, cái quần dài và mọi thứ trang phục mà ông phải mặc vào đều đã khô ráo gọn gàng. Và ông nhìn thấy đôi ủng của mình đang nằm trên cái ghế dài giữa bếp, sạch sẽ, được nhúng mỡ thật đẹp, đến nỗi mỡ tràn lên cả dây ủng.
Ông không tài nào tin được một người hầu chăm sóc và quan tâm tới ông chủ như thế có thể tìm ra nhờ tình yêu hay tiền bạc, ông la lớn như thế.
Nhưng đến lúc này vợ ông không thể dằn lòng được nữa. Bà chỉ cho ông thấy rằng quần áo đều bị cháy sém, và toàn bộ một bên của cái áo khoác bị co lại vì sức nóng, chỉ cần kéo nhẹ nó sẽ nứt nẻ ra. Và bà kéo cái thùng bơ lớn tới để ông có thể tự nhìn thấy cô hầu đã nhúng đôi ủng của ông vào đó ra sao.
Người thương gia đứng đó, hoàn toàn rối trí, lúc nhìn đôi ủng, lúc nhìn vào thùng bơ. Ông bẻ ngón tay, nét mặt co rúm lại, rồi ông bắt đầu chùi nước mắt, rồi vội vã bỏ đi để mọi người không nhìn thấy ông khóc.
“Mẹ bọn trẻ không biết rằng cô gái tốt như thế nào với tất cả những ý định của cô ta.” Ông nức nở. Lạy Chúa! Nếu cô dùng bơ để đánh ủng cho ông, thì đó chỉ là do ý tốt của cô thôi. Không bao giờ ông đuổi một cô gái như vậy khỏi nhà.
Thế là bà chủ chấp nhận bỏ cuộc, để mặc cho cô hầu bếp to lớn tung hoành mặc ý. Sau đó không lâu Toad đã để chiếc chìa khoá phòng chứa hàng nằm trên cửa từ sáng tới tận chiều tối. Khi có ai cất tiếng gọi to: “Có ai trong đó không?” Cô chỉ đáp một cách đơn giản: “Em đây!”
Và cô không hề rời khỏi hộp bánh gừng nếu đã ngồi ăn, dù cho bà chủ có cho gọi. Nhưng cô luôn để mắt tới ông chủ của mình.
Ông ta chỉ chế nhạo cô chút ít, hỏi rằng cô đã đủ no chưa, và bảo rằng ông e là một ngày nào đó ông sẽ phát hiện ra cô chết vì đói.
Sắp tới mùa Giáng sinh, ngư dân sửa soạn để ra khơi đánh cá, bà chủ vô cùng bận bịu như thường lệ và ra lệnh mang cái vạc to vào phòng làm việc để rửa và đóng nhãn len.
Một số đầu bếp được thuê trong dịp này để làm bánh lefser (một thứ bánh mỏng có thể gập đôi lại ăn chung với mật đường), nướng và rán bánh trên những bếp lò. Họ mang tới từ cửa hàng những thùng cá trích, thức ăn và thịt, đã chế biến hay còn tươi sống, cân đo rồi đặt vào những ngăn dự trữ.
Dường như lúc ấy Toad không có một giây phút bình an vì những thứ nồi niêu xoong chảo. Bà chủ của cô cứ đi lại liên tục giữa phòng chứa hàng và phòng để thức ăn, để lấy thịt, đường mật, bơ cho món bánh lefser. Cánh cửa phòng chứa hàng cứ khép hờ vì bà đi ra đi vào suốt cả ngày.
Cuối cùng Toad thực sự nổi khùng. Cô quyết định chấm dứt mọi chuyện huyên náo ầm ĩ này. Thế là cô tự bôi trơn bậc cửa phòng chứa hàng bằng xà phòng xanh.
Sáng hôm sau, bà chủ là người đầu tiên bước vào, tay cầm một bát bơ và một cái muỗng gỗ. Bà bị trượt ngã ngay giữa cửa và nằm ở đó cho tới khi Toad đỡ bà đứng lên.
Cô bế bà vào phòng ông chủ với tiếng khóc gào lớn đến nỗi cả nhà đều nghe thấy. Bà chủ thường lo lắng đến chết với mọi thứ lăng xăng này, cô bảo, và giờ thì linh hồn đáng thương này đã bị ngã gẫy chân.
Người khóc nhiều nhất và không biết phải làm gì khi nghe thấy tiếng khóc và rên rĩ về vợ của mình chính là người lái buôn.
Không ai biết giá trị thực sự của cô hầu bếp này cả, ông bảo. Và thế là giờ đây Toad trở thành người trông nom mọi việc, cả phân phối kho hàng và cung cấp cho ăn uống trong nhà.
Cô đuổi tất cả những đầu bếp và những người thợ làm bánh đã được thuê ra khỏi nhà, họ chỉ ăn tàn phá mạt gia sản nhà chủ của cô mà thôi, cô bảo thế.
Món bánh lefser được đặt cạnh nhau mà chẳng có mật đường ở giữa, và cô gái dùng mỡ thay vì bơ. Cô tự chia phần bánh, và gói chúng vào những hộp đựng thức ăn.
Chưa bao giờ người lái buôn thấy công việc nội trợ nặng nề được sắp xếp một cách chóng váng đến thế. Ông hoàn toàn kinh ngạc. Và ông thực sự bối rối khi Toad đưa ông vào phòng chứa hàng, chỉ cho ông  thấy đã tiêu tốn ít như thế nào, và những bộ vai cừu xông khói, những chiếc đùi lợn muối đã được treo thành từng hàng trên rui nhà ra sao.
“Miễn là mọi việc cứ tiếp tục giống như thế này,” ông bảo, “cô ta sẽ có quyền điều hành công việc nội trợ như mẹ bọn trẻ,” vì bà vợ ông lúc này đang nằm ốm trên giường.
Vào kỳ lễ Giáng sinh, Toad nướng và quay, và xẻ mọi thứ thật đẹp mắt đến nỗi những người giúp việc hầu như muốn nhai cả thìa gỗ và gặm luôn cả xương.
Người lái buôn chưa bao giờ nhìn thấy những tảng thịt bê mập mạp, những miếng thịt heo, những cái bánh lefser đầy mật đường và bơ, những cái bánh molje và khẩu phần ăn tuyệt diệu đến thế cho những thực khách đến dự lễ Giáng sinh tại nhà ông năm đó.
Rồi ông choàng tay cô, và họ cùng đi xuống cửa hàng.
Cô có thể lấy bất cứ thứ gì, cả những chiếc váy, khăn choàng cổ và các thứ trang phục khác, để cô ăn vận và đi lại như thể chính cô là bà chủ, và cô có thể dùng bao nhiêu chuỗi hạt và tơ lụa tùy ý thích. Muốn thứ gì cô sẽ có thứ đó.
Nhưng khi viên quản gia và người từ giữ nhà thờ ngồi đánh bài, và Toad vào để trải khăn bàn, họ như muốn bật ngửa khỏi ghế. Họ chưa bao giờ trông thấy một cảnh tượng như thế. Toad đã khoác vào người mọi kiểu khăn choàng màu mè, và đính vào đầu tóc mình đủ các ruy băng xanh dương, vàng và xanh lá đến nỗi trông nó như  đuôi của một con ngựa kéo xe đỏm dáng. Nhưng họ không nói gì cả, vì thể diện của người lái buôn, kẻ cho rằng cô ta thông minh và cứ cho gọi cô ta liên tục.
Và họ buộc phải thú nhận rằng cô ta không chừa cả thịt, bia hay rượu mạnh. Vào buổi chiều thứ ba, khi họ nằm say mèm như những khúc gỗ, cô bế bổng họ đến giường như thể họ là những em bé còn đang bú tí.
Mọi việc cứ thế tiếp diễn, với tiệc tùng và vui chơi, cho tới ngày thứ hai mươi sau lễ Giáng sinh, và cả sau đó.
Cô nàng Toad thường cười ngớ ngẩn và nhìn chòng chọc quanh phòng, và bất cứ khi nào mọi người không cười hay đùa cợt vui vẻ với cô, cô sẽ đứng ngay giữa sàn nhà, xoay người vòng vòng với mọi thứ nữ trang của mình để thu hút sự chú ý, và bảo rằng: “Em đây!”
Khi thực khách rời khỏi căn nhà, họ phải thừa nhận rằng người lái buôn đúng khi bảo là một người hầu như thế không phải bất cứ ngày nào cũng có thể vớ được.
Nhưng những ngư dân đi đánh cá cho người lái buôn, và được nhận trước phần thực phẩm dự trữ đã sớm nhận ra rằng Toad cũng kiểm soát cả cửa tiệm và những kho hàng.
Mọi việc diễn ra đúng như mong đợi. Thực phẩm dự trữ của họ ít đi, và họ phải quay về nhà ngay khi cá tuyết đang cắn câu nhiều nhất, trong khi những ngư dân khác giong buồm đi xa hơn và kiếm được những mẻ cá hàng đầu.
Người lái buôn có lẽ đã bị tăng huyết áp vào ngày ông nhìn thấy những con thuyền của mình nằm trống không gần chiếc cầu khi đang vào mùa đánh cá cao điểm. Nhân công của ông đang xếp thành một hàng đi vào cửa tiệm, dẫn đầu bởi người ngư dân cao tuổi nhất, người đốc công. Họ đến để than phiền với ông.
Thực phẩm được gói vào hộp và giỏ của họ, họ bảo, không thể gọi là thức ăn của con người được. Món bánh lefser cứng đến nỗi họ phải nhai trệu trạo cả ngày, trong bánh chỉ có mỡ ôi, hiếm hoi mới có một mẫu thịt lợn muối, còn vai cừu xông khói thì mỗi người chỉ cắn một lát mỏng đã chạm tới xương.
Người lái buôn lao như tên bắn vào phòng chứa hàng.
Nhưng về phần Toad, cô đập tay lên đầu và bảo rằng chính ông, phải lo liệu để đối mặt với những phí tổn nặng nề để mua lưỡi câu và giỏ đựng cá, lưới và dây câu, không cần phải đưa bơ tươi thịt muối, bánh lefser và cà phê vào việc thương lượng. Họ không nhất thiết phải chết đói khi họ có cả khối cá trên biển ngay bên dưới mũi của họ, cô bảo.
Và rồi cô trao cho ông, để làm mẩu, một cá bánh lefse mà cô đã tẩm bơ và mật, để ông nếm thử. Ông ăn ngấu nghiến, tới nỗi mật trào ra hai khoé miệng của ông. Thứ bánh lefser ngon lành như thế ông chưa từng ăn bao giờ trước đó.
Thế là người lái buôn thay đổi ý định.
Ông đỏ mặt như một con gà tây trống; Thế là mọi người rời khỏi cửa hàng. Và già Thore, người cầm lái con thuyền lớn, bị sa thải.
Thế nhưng Kjel, người chăn gia súc, đã nấp ở cửa ra vào khi cuộc đình công diễn ra, khi người lái buôn đang la lối chửi rủa dưới sân. Kjel đứng đó và nhìn vào cái cửa sổ nhỏ. Ông ta trông thấy bà chủ, người chưa rời khỏi giường trong suốt chín tuần qua, đang bước tập tễnh và nhìn chằm chằm ra cửa sổ.
Bà ta có vẻ khủng khiếp, la hét và vẫy đôi bàn tay gầy khi nhìn thấy người đốc công già của họ bị đuổi việc, đang kéo rê cái mũ trong đôi tay như thể ông ta loạn trí.
Nhưng bà không dám la lên lời nào để an ủi ông ta, vì Toad đã đứng đó, to lớn vạm vỡ, ở cửa phòng chứa hàng với một đĩa bánh molje trong tay, và đang giơ nắm đấm về phía ông ta.
Lúc đó Kjel cũng muốn khóc... Cái con nhỏ Toad đó sẽ không thể vỗ béo với bánh molje lâu hơn trong nhà của họ, nếu ông biết lý do vì sao, ông ta nghĩ thầm.
Từ đó trở đi, Kjel theo dõi Toad thật sát sao. Có nhiều chuyện xảy ra mà ông không thể hiểu được ra sao cả.
Gần tới mùa xuân, khi mọi người dựng cột buồm lên chiếc du thuyền to mới sẽ thực hiện chuyến thương vụ đầu tiên tới Bergen, người lái buôn vui mừng đến nỗi ông cứ chạy lên chạy xuống, từ chiếc cầu tới nhà, suốt cả ngày. Ông chưa bao giờ hình dung được rằng con thuyền hóa ra lại đẹp đẽ và oai vệ đến thế.
Khi họ đã chuẩn bị xong hệ thống ròng rọc kéo buồm và các dây chằng, và đang căng buồm trên thuyền lên, người lái buôn xoay quanh gót chân và bẻ tay. “Cô nàng Toad đó sẽ đi cùng mình tới Bergen.” Ông ta nói...”Cô ta chưa bao giờ nhìn thấy thị trấn, thật tội! Trong khi đó mẹ bọn trẻ đã tới đó ba lần.”
Nhưng với Kjel, dường như ông nhìn thấy trong đó nhiều điều hơn những người khác thấy.
Còn với Toad, khi nghe thấy cô sẽ được đi Bergen. Cô thuờng xuyên quậy tung cả ngôi nhà lên. Trong cả cửa tiệm không có thứ gì đủ tốt cho cô cả; không có ngăn kệ  nào mà cô không lục tung để tìm các thứ trang phục lấp lánh nhất.
Vào buổi tối, khi mọi người đã lên giường nghỉ ngơi, cô lùng khắp của tiệm với một ngọn đèn.
Kjel, người rất ít ngủ, thức giấc và theo dõi cô một lúc, nhìn cô qua khe hở của cánh cửa.
Ông trông thấy cô cắt nhỏ những thứ thức ăn và đặt hết miếng này lên miếng nọ, bánh lefser và bánh ngọt, thịt heo muối và thịt bê cuộn chả, vào một cái rương lớn mà cô giấu ở phía sau những thùng cá trích. Và cứ thế, buổi tối cuối cùng trước khi họ khởi hành đến Bergen, cô đã nhét đầy thức ăn vào rương đến nỗi cô phải ngồi lên nó, với cả sức nặng của cô, để đè nó xuống.
Cái khoá không móc vào được, vì cô nhét quá đầy, thế là cô đứng lên và đạp mạnh vào nắp rương cho tới lúc nó kêu ầm lên, và chắc chắn là cuối cùng cô đã đè được nó xuống.
Nhưng gót chân mà cô đạp lên nắp rương trông giống móng của một con ngựa hơn là bàn chân của con người, Kjel nghĩ thầm.
Thế rồi cô mang cái rương tới cỗ xe ngựa để lén chở nó tới con thuyền mà không ai trông thấy. Sau đó, cô đi vào chuồng ngựa và cỡi dây cột ngựa. Nhưng khi đó trong chuồng ngựa thật là náo nhiệt!
Con ngựa cảm nhận được yêu khí của Toad, và không cho phép bản thân nó bị buộc vào xe. Toad kéo, kéo mãi, còn con ngựa thì nhảy ngang và tung vó đá hậu. Cuối cùng, cô gái cũng sử dụng cú đá hậu của mình, cứ hệt như một con lừa cái.
Kiểu thể thao như thế chưa có người nào từng chứng kiến.
Và Rjel chạy thẳng về phòng người lái buôn, đề nghị ông ta đến đó cùng mình.
Dưới ánh trăng, Toad, cô gái đó và con ngựa xám đang tung cước vào nhau, như đang thi đá, khiến cặp móng của hai bên va mạnh vào cánh cửa chuồng ngựa. Cặp chân dài của hai bên sượt vào vách, và những tia lửa toé ra như pháo hoa.


Khi đó, người lái buôn rùng mình và lảo đảo. Máu vọt ra mũi cũa ông, và Kjel giúp ông đi vào nhà bếp, nhúng đầu vào bồn nước. Đêm hôm đó người lái buôn không ngủ được chút nào; ông đi quanh quẩn và nện gót chân cho tới khi cả sàn nhà kêu ầm lên. Hôm sau, khi trời vừa tờ mờ sáng, ông cử Kjel cầm theo một đồng vàng đi tìm già Thore, người đốc công. Và ông cũng cử người theo cách đó tới mọi thủy thủ ở gần đấy.
Người ta bảo Thore mặc áo ngày lễ vào và chèo chiếc thuyền nhỏ đưa bà chủ tới chiếc du thuyền trong chuyến cất hàng cuối cùng. Bà sẽ đi cùng ông tới Bergen. Ở đó bà có thể mua một chiếc váy lụa và một cái khăn choàng, một cái đồng hồ vàng và dây đeo, và tìm thuê một hầu gái người Bergen.
Trời vẫn còn sáng tinh mơ khi chiếc du thuyền nằm trong vịnh với dãy cờ phấp phới, sẵn sàng xuất phát.
Khi họ kéo buồm, cô nàng Toad nặng nề cục mịch chạy tới, hào hễn băng chiếc cầu với mọi thứ trang sức, nhẫn trên mọi ngón tay thô kệch, thân hình phủ đầy những sợi ruy băng xanh, vàng, đỏ.
Cô ta đứng đó, chờ họ quay lại trên chiếc thuyền nhỏ để đưa cô lên chiếc du thuyền.
Khi họ bắt đầu nhổ neo, và người lái buôn xuất hiện trên boong với cái ống tẩu to lớn và chiếc kính viễn vọng, cô mỉm cười, uốn éo nhún nhảy và gọi to: “Em đây!”
Cô tưởng rằng ông ta muốn nhìn rõ cô hơn qua chiếc ống dòm.
Ngay lúc đó, cô trông thấy bà chủ đang đứng cạnh ông, trong trang phục du lịch, và hiểu rằng họ ra đi mà không có cô.
Khi đó, cô dậm chân mạnh đến nỗi những tấm ván cầu nứt ra bên dưới chân cô. Cô lao người xuống biển và nắm lấy cái mỏ neo, lôi giật con thuyền lại cho tới khi sợi dây cáp đứt tung.
Thân hình cô văng lên không trung, với cặp chân móng ngựa duỗi dài. Nhưng con thuyền đã lướt xa theo gió, và người lái buôn đứng đó, cười lớn cho tới khi ông ta gần như sắp rơi ra khỏi thuyền.
 
 

[1] Nữ thần vợ của Thần Núi

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Nhật ký hành trình sang K 3/2013



Chủ nhật 17/3: Lên đường với anh Nguyên và anh Trọng, hai ông anh lính 77 cùng đơn vị. 


                             Với anh Trọng C21 E4 cửa khẩu Mộc Bài

Thủ đô Phnom Penh vẫn như 2 năm trước, nhưng hình như dân số đã tăng nhiều. Xe tuk tuk, xe gắn máy và xe hơi tư nhân đúng là "ngựa xe như nước". Con gái Khmer ngày càng nhiều em trẻ tuổi trắng trẻo và xinh đẹp. Phnom Penh quạnh vắng, những người dân ăn mặc nghèo nàn, ánh mắt còn nhiều lo âu suy tư của thời mình đặt chân tới lần đầu hồi cuối 1984 đã biến mất hoàn toàn.

Đêm ngủ lại ở Phnom Penh. Ghé quán lẩu dê của Nhật, một người lính QK9 ở lại lấy vợ K. Uống vài ve và về ngủ để mai xuất phát sớm lên Poi Pet theo đường số 5.

                             Anh Trọng C21 E4 + anh Nguyên D3 cửa khẩu Mộc Bài

                         

                             Ghé thăm Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam  ở Phnom Penh







Thứ Hai 18/3: Đường lên Batdomboong xa thật, xuất phát lúc 7h mà mãi tới gần 4h chiều mới tới Ngã Ba Con voi. Mẹ nuôi của anh Nguyên ra ở tạm nhà con trai ở ngay Ngã Ba. Một đêm ngủ vùi vì xỉn. Vào phum Soya.






                                                                              Phum Soya



(Soya là một phum nằm cạnh đường buôn biên giới Thái Lan – Campuchia, ngày xưa một thời tấp nập đông đúc, sau khi bộ đội VN rút khỏi K, khu vực này bị lính Para chiếm đóng, đường buôn xưa không còn nữa, dân phum dời ra mé ngoài sát quốc lộ 5, những hình ảnh này ghi nhận lại một phum Soya bỏ hoang không người cư ngụ.)
 













Thứ Ba 19/5: Vào Ta Cuong Crao để đốt nhang tưởng niệm các anh hy sinh trận C11, D3 xóa sngày 23/4/1980 và lấy một ít đất, xem như đưa hương hồn mấy anh mất xác về VN. Mảnh ruộng thời bình xem ra hiền hòa lặng lẽ như vậy, như bất kỳ mảnh ruộng nào trên đất nước K, ngày xưa lại là những bãi chiến trường khốc liệt. Những người lính Việt đã bỏ mình trên chính những mảnh ruộng như vầy hay trong những cánh rừng, sườn núi, ngọn đồi xa l.













Sau đó xe trực chỉ huyện Phnom Srok. Lòng mình quá chừng xao động. Những phum cũ giờ thay đổi ra sao, người quen ai còn ai mất? Nàng có còn sống? Có còn ở phum cũ hay chăng?.... 

Núi hai ngọn mà mình tự đặt tên là núi Svai vì nằm sát bên phum Svai So hiện lên càng lúc càng gần. Ngọn núi đất nhỏ với quá nhiều ký ức gắn liền với nó....

Hồ T'rapeang Thmor giờ được đắp bờ cao, trở thành một khu du lịch và bảo tồn sinh thái. Những phum xưa giờ nối nhau thành một đường thẳng theo hồ nước, không còn vụ cắt đường quanh quẹo qua trảng qua rừng như trước. May mà xe hơi đi được tới nơi.




Vào phum Pô, gặp lại em. Mấy búc me ngày xưa đều đã mất, chỉ còn lại tà Cruon và một me mà mình quên tên nhưng còn nhớ mặt.  Hỏi thăm mãi mới biết ra mia Hô phum trưởng  và me đều đã mất. Con trai của mia đã chuyển tới Pai Lin sống. Hỏi thăm Tchiet. Lâu quá nên phát âm sai chút chút. Một cô bé hỏi mình với vẻ mặt láu lỉnh có phải Tchiet mà ngày xưa có một chuyện tình "thum" hay không và mình phải là người coong top đó không. Thì ra câu chuyện của mình đã được truyền tụng, đến cô bé này, chắc hẳn lúc đó chỉ mới ra đời hoặc hai ba tuổi. vẫn biết. Cười thầm, mũi phồng lên chút đỉnh. Hóa ra mình vẫn còn nổi tiếng ở đây!

Em vẫn còn ở lại phum. Đã có ba con và có cháu nội ngoại.

Vẫn còn nhận diện được em nhưng sao quá ngỡ ngàng. Cuộc sống ở phum em vẫn nghèo nàn lam lũ như xưa, gần như không có gì thay đổi. Vẫn gánh nước ngoài suối, vẫn thắp đèn dầu. Chỉ có một điều là người già chết gần hết, nhiều trẻ con chào đời và có thêm nhiều căn hộ ở phía nam phum. Con gái nàng rất giống mẹ ngày xưa, nhưng không xinh đẹp bằng. Có lẽ vì nó cột tóc túm lại chứ không để xõa như nàng ngày xưa. Còn nàng... Ôi, Tchiet của gần 30 năm trước đã xạm đen nắng gió, nhăn nheo, đôi mắt to đẹp ngày xưa hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một đôi mắt u buồn, hấp háy, mờ đục. Trong khoảnh khắc, mình gần như ao ước giá như mình đừng quay lại. Để hình bóng trong tâm tưởng vẫn sống mãi. Nhưng thôi, phải chấp nhận sự thật. Chúng ta già hết rồi, Tchiet yêu dấu ngày xưa.
















Trở ra phum Poi Sơ Nuol, tìm me của Nh(nguyên mẫu của me Sa Rinh trong Mùa xa nhà). Me cũng qua đời. Nhiều người trung niên trong phum vẫn còn nhớ tên mình. Gặp lại Soun, cô bé mà mình đã mượn tên và vài chi tiết đời thật để hư cấu thành nhân vật Soun trong Mùa xa nhà. Soun cũng già chát, còn đâu cô bé xinh xắn, bé nhỏ ngày nào.







Rời Phnum Srok về Siam Reap. Đêm đó không ngủ được. Cứ nằm thao thức nhớ mãi những chuyện ngày xưa, gần sáng mới thiếp đi chút xíu đã tới giờ lên xe về lại Phnom Penh.

Thứ Tư 20/3: Về Phnom Penh. Ở lại một đêm vì anh Nguyên quá oải ngồi xe liên tục.

Thứ Năm 21/3: xuất phát về lại Sài Gòn.

Một chuyến đi vui buồn lẫn lộn. Mơ ước được trở lại những phum xưa của một thời tuổi trẻ đã hoàn thành. Nhưng cồn cào trong lòng là một nỗi niềm khó nguôi khuây. Phải chi ngày xưa mình ở lại... Phải chi ngày xưa....