Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Câu chuyện đời tôi - Helen Keller- Phần II (chương IV-VI)







CHƯƠNG IV


Ngày quan trọng nhất trong đời mà tôi nhớ là ngày cô giáo của tôi, Anne Mansfield Sullivan, đến với tôi. Tôi vô cùng kinh ngạc khi xét tới sự tương phản không thể đo lường giữa hai cuộc sống mà nó nối kết. Đó là ngày 3/3/1887, ba tháng trước khi tôi lên bảy tuổi.
Vào buổi chiều của cái ngày đầy sự kiện đó, tôi đứng trên thềm cổng, lặng câm, mong ngóng. Tôi mơ hồ phỏng đoán từ những dấu hiệu của mẹ tôi và từ sự đi lại lăng xăng của cả nhà rằng có gì đó khác thường sắp xảy ra, vì thế tôi ra cửa và chờ đợi trên những bậc thềm. Ánh nắng chiều xâm nhập vào khối lá khúc khắc che phủ vòm cổng, và rơi xuống gương mặt ngẩng lên của tôi. Những ngón tay của tôi bất giác nấn ná trên những chiếc lá và những nụ hoa vừa hé nở để đón chào mùa xuân ngọt ngào ở miền Nam. Tôi không biết tương lai mang tới điều tuyệt diệu hay sự ngạc nhiên nào cho tôi, Giận dữ và cay đắng đã giày vò tôi liên tục nhiều tuần và một sự suy nhược trầm trọng đã tiếp bước cho cuộc đấu tranh sôi nổi này.
Bạn có bao giờ ở trên biển trong một màn sương mù dày đặc, khi dường như thề một bóng tối màu trắng toát gần như có thể sờ thấy nuốt lấy bạn, và con tàu lớn, căng thẳng và lo lắng, dò tìm đường tới bờ biển với dây dọi và dây dò độ sâu, và bạn chờ đợi với quả tim đập dồn dập một điều gì đó sắp xảy ra? Tôi cũng giống như con tàu đó trước lúc việc học hành của tôi bắt đầu, chỉ có điều tôi không có la bàn và dây dò độ sâu, và không cách gì biết được bến cảng gần tới mức nào. ‘Ánh sáng! Cho tôi ánh sáng!” là tiếng gào thét không lời của linh hồn tôi, và ánh sáng của tình yêu soi sáng tôi vào chính giờ khắc ấy.
Tôi cảm nhận có những bước chân tới gần. Tôi giơ tay ra vì cho đó là mẹ tôi. Ai đó nắm lấy nó, và tôi bị nhấc bổng lên, bị giữ chặt trong vòng tay của cô ấy, người đã tới để hé lộ cho tôi mọi thứ, và hơn tất cả những điều khác, để thương yêu tôi.
Buổi sáng hôm sau ngày cô giáo tôi tới, cô dắt tôi vào phòng cô và đưa cho tôi một con búp bê. Những đứa trẻ mù ở Học viện Perkins đã gửi nó tới và Laura Bridgman đã mặc quần áo cho nó; nhưng mãi sau này tôi mới biết điều đó. Khi tôi đã chơi đùa với nó được một lúc, cô Sullivan chậm rãi viết lên bàn tay tôi từ “d-o-l-l” (búp bê). Tôi chú ý tới trò chơi ngón tay này ngay tắp lự và cố bắt chước theo. Rốt cuộc, khi tôi thành công trong việc viết lại đúng những mẫu tự, mặt tôi đỏ bừng với niềm vui và tự hào trẻ con. Tôi chạy xuống thang, tới chỗ mẹ tôi và giơ tay ra, viết những mẫu tự của từ doll. Tôi không biết là tôi đang ráp vần một từ hay thậm chí rằng những từ tồn tại; tôi chỉ đơn giản ngoáy những ngón tay theo kiểu bắt chước giống như loài khỉ. Trong những ngày sau đó, tôi học ráp vần theo cách thức thiếu hiểu biết này khá nhiều từ, trong đó có từ kim gút, mũcốc và một vài động từ như ngồi, đứngđi. Nhưng cô giáo của tôi phải mất nhiều tuần nữa trước khi tôi hiểu rằng mọi sự vật đều có một cái tên.
Một hôm, trong lúc tôi đang chơi đùa với con búp bê mới, cô Sullivan đặt con búp bê lớn làm bằng giẻ của tôi vào lòng tôi, viết vần “d-o-l-l” và cố làm cho tôi hiểu rằng từ “d-o-l-l” đó áp dụng cho cả hai con búp bê. Trước đó trong ngày, chúng tôi đã có một cuộc tranh cãi với các từ “m-u-g” (bùn) và “w-a-t-e-r” (nước). Cô Sullivan đã cố nhấn mạnh với tôi rằng “b-ù-n” là bùn và “n-ư-ớ-c” là nước, nhưng tôi vẫn cứ mãi lẫn lộn giữa hai từ đó. Thất vọng, cô gác lại đề tài đó trong một thời gian, chỉ nhắc lại nó khi có cơ hội đầu tiên. Tôi trở nên mất kiên nhẫn với những nỗ lực lặp đi lặp lại của cô, và, tóm lấy con búp bê mới, tôi quật mạnh nó xuống sàn. Tôi rất khoái chí khi cảm nhận được những mảnh của con búp bê vỡ dưới chân tôi. Sau cơn bộc phát cảm xúc đó, tôi không buồn cũng không ân hận. Tôi đã yêu mến con búp bê đó. Trong thế giới tối tăm, thinh lặng mà tôi sống không có tình cảm mạnh mẽ của sự dịu dàng. Tôi cảm thấy cô giáo của tôi quét những mảnh vỡ sang một phía lò sưởi, và tôi có một cảm giác mãn nguyện rằng nguyên do của sự bực dọc của tôi đã được dời đi chỗ khác. Cô mang tới cho tôi cái mũ, và tôi biết tôi sẽ ra ngoài dưới ánh mặt trời ấm áp. Ý nghĩ này, nếu một cảm xúc vô ngôn có thể được gọi là một ý nghĩ, khiến tôi nhảy cẩng lên vì vui sướng.

Ảnh: Deane, 1887
HELEN KELLER NĂM BẢY TUỔI


          Chúng tôi đi theo con đường tới cái nhà che giếng, bị hấp dẫn bởi hương thơm của lùm khúc khắc mọc trùm lên ngôi nhà. Có ai đó đang kéo nước và cô giáo của tôi đặt tay tôi dưới cái ống máng. Khi dòng nước mát trào lên một bàn tay, cô viết vào bàn tay kia từ nước, đầu tiên chậm rãi, rồi nhanh hơn. Tôi đứng yên, toàn bộ sự chú ý gắn vào những cử động ngón tay của cô. Đột nhiên tôi cảm thấy một ý thức mù mịt như sương về một điều đã bị lãng quên – một chấn động của ý nghĩ quay trở lại; và theo cách nào đó, bí mật của ngôn ngữ đã hé lộ với tôi. Lúc đó tôi biết rằng “n-ư-ớ-c” có nghĩa là thứ gì đó mát rượi tuyệt vời đang trút xuống bàn tay tôi. Cái từ sống động đó đã đánh thức linh hồn tôi, trao cho nó ánh sáng, hy vọng, niềm vui, đã giải phóng nó! Vẫn còn có những rào chắn, điều đó đúng, nhưng là những rào chắn sẽ bị quét đi vào đúng lúc.[1]
          Tôi rời khỏi ngôi nhà che giếng, nôn nao muốn học. Mọi thứ đều có một cái tên, và mỗi cái tên sinh ra một ý tưởng mới. Khi chúng tôi quay về nhà, mỗi đối tượng tôi chạm vào dường như run rẩy với sự sống. Đó là vì tôi nhìn thấy mọi vật với một thị giác mới, lạ lùng đã đến với tôi. Khi bước vào cửa, tôi nhớ tới con búp bê bị vỡ. Tôi lần mò tới chỗ lò sưởi và nhặt những mảnh vỡ lên. Tôi cố gắng gắn chúng lại một cách vô ích. Rồi đôi mắt tôi rưng lệ; vì tôi nhận ra mình đã làm gì, và lần đầu tiên tôi cảm thấy ăn năn và buồn bã.
Hôm đó tôi đã học được khá nhiều từ mới. Tôi không nhớ hết tất cả những từ đó là gì; nhưng tôi biết trong số đó có từ mẹ, cha, em gái, cô giáo – những từ khiến thế giới bừng nở như một đóa hoa đối với tôi, “như chiếc gậy của Aaron[2], với những bông hoa”. Hẳn là khó tìm được đứa trẻ nào hạnh phúc hơn tôi khi tôi nằm trong túp lều nhỏ của mình vào cuối một ngày đầy sự kiện và tận hưởng những niềm vui nó đã mang tới cho tôi, và lần đầu tiên khao khát một ngày mới sẽ đến.


CHƯƠNG V

         


       Tôi nhớ lại nhiều sự kiện trong mùa hè năm 1887 tiếp theo sự tỉnh thức đột ngột của tâm hồn tôi. Tôi không làm việc gì khác ngoài việc khám phá đôi bàn tay của mình và học tên của mọi đồ vật tôi chạm phải; và càng sờ tới nhiều thứ, học hỏi tên gọi và công dụng của chúng, cảm giác về mối quan hệ giữa tôi và phần còn lại của thế giới càng thêm phần vui thích và tự tin.
          Khi mùa hoa cúc và hoàng mao lương tới, cô Sullivan nắm tay dắt tôi băng qua những cánh đồng, nơi những người đàn ông đang chuẩn bị đất để gieo hạt, tới bờ sông Tennessee, và tại đó, ngồi trên lớp cỏ ấm áp, tôi đã học được những bài học đầu tiên về lòng từ ái của thiên nhiên. Tôi học để biết mặt trời và mưa đã giúp những cây cối ưa nhìn và cung cấp hoa trái ngọt ngào cho những bữa ăn đâm chồi nẩy lộc ra sao; lũ chim làm tổ, sinh sống và phát triển lan tràn từ vùng này sang vùng khác thế nào; loài sóc, nai, sư tử và mọi sinh vật khác làm thế nào để tìm kiếm thức ăn và nơi trú ẩn. Khi kiến thức về vạn vật của tôi tăng lên, tôi ngày càng cảm thấy vui thích với thế giới mình đang sống. Khá lâu trước khi tôi học cách làm toán cộng hay mô tả hình dáng địa cầu, cô Sullivan đã dạy tôi cách tìm ra vẻ đẹp trong những cánh rừng thơm ngan ngát, trong mỗi lá cỏ, và trong những nét lồi chỗ lõm trên bàn tay của bé gái em tôi. Cô kết nối những ý tưởng đầu tiên của tôi với thiên nhiên, và khiến tôi cảm thấy “chim chóc, hoa cỏ và tôi là những người bạn ngang hàng đầy hạnh phúc.”

Nhưng cũng vào khoảng thời gian này tôi đã có một trải nghiệm dạy cho tôi biết rằng không phải lúc nào thiên nhiên cũng tốt bụng. Một hôm cô giáo và tôi đang trở về nhà sau một cuộc dạo chơi rong ruổi dài. Buổi sáng rất đẹp, nhưng trời càng lúc càng ấm lên và oi bức khi cuối cùng chúng tôi quay mặt hướng về nhà. Chúng tôi dừng lại giải lao hai ba lần dưới một táng cây ven đường. Chặng nghỉ cuối của chúng tôi là dưới một cây anh đào dại cách nhà không xa lắm. Bóng râm thật dễ chịu, và cây anh đào dễ trèo đến độ với sự trợ giúp của cô giáo tôi có thể trườn lên một chỗ ngồi giữa những cành cây. Ở trên cây mát mẻ đến nỗi cô Sullivan đề nghị chúng tôi ngồi ăn bữa trưa ở đó. Tôi hứa sẽ ngồi yên trong lúc cô về nhà để lấy thức ăn.
          Đột ngột một thay đổi lướt qua cây anh đào. Toàn bộ hơi ấm của mặt trời rời khỏi bầu không khí. Tôi biết bầu trời đang tối sầm, vì mọi sức nóng, với tôi có nghĩa là ánh sáng, đã tắt lịm trong bầu khí quyển. Một mùi lạ lùng xông lên từ mặt đất. Tôi biết nó, nó là cái mùi luôn luôn tới trước một trận mưa giông, và một nỗi sợ hãi không tên bóp nghẹt tim tôi. Tôi cảm thấy cô đơn cực độ, bị cắt rời khỏi những bạn bè và mặt đất vững vàng. Sự mênh mông và điều không biết bao trùm lên tôi. Tôi vẫn ngồi im và mong ngóng; một cảm giác ớn lạnh kinh khủng bò dọc người tôi. Tôi mong mỏi cô giáo của tôi trở lại; nhưng trên hết tôi muốn trèo xuống cái cây đó.
          Có một khoảnh khắc lặng im hiểm độc, rồi một cơn chấn động liên miên của những chiếc lá. Một cái rùng mình chạy qua khắp thân cây, và cơn gió vụt qua thật mạnh đến nỗi đáng lẽ tôi đã bị hất xuống đất nếu tôi không dốc hết sức bám vào cành cây. Thân cây lắc lư vặn vẹo. Những nhánh nhỏ bị đứt rời và rơi xuống tôi như mưa. Một thôi thúc điên cuồng muốn nhảy xuống xâm chiếm lấy tôi, nhưng nỗi sợ kềm tôi lại. Tôi nép mình vào chạc ba của thân cây. Những cành nhánh quăng quật quanh tôi. Tôi cảm thấy những chấn động rời rạc thỉnh thoảng xuất hiện, như thể có vật nặng nào đó rơi xuống và cơn chấn động cứ men dần lên cho tới lúc nó vươn tới cành cây tôi đang ngồi. Nó khiến tâm trạng hồi hộp của tôi lên tới cực điểm, và vừa khi tôi nghĩ cây anh đào và tôi sẽ ngã xuống cùng một lúc, cô giáo của tôi chộp lấy tay tôi và giúp tôi trèo xuống. Tôi bám vào cô, run rẩy vì vui sướng khi cảm thấy một lần nữa mặt đất dưới chân mình. Tôi đã học được một bài học mới – rằng Thiên nhiên “phát động chiến tranh chống lại những đứa con của Người, và bên dưới sự vuốt ve trìu mến nhất ẩn chứa những móng vuốt đầy xảo trá.”
          Sau trải nghiệm này, lâu lắm tôi mới lại trèo lên một cây khác. Chỉ ý nghĩ đó thôi cũng phủ đầy trong tôi niềm khiếp hãi. Chính sự quyến rũ ngọt ngào của cây hoa mimosa đang trổ hoa rốt cuộc đã vượt qua nỗi sợ của tôi. Một sớm mùa xuân tuyệt đẹp khi đang ngồi đọc sách một mình trong ngôi nhà hóng mát, tôi dần dần nhận ra một mùi thơm tuyệt dịu trong không khí. Tôi đứng lên và đưa hai tay ra theo bản năng. Như thể linh hồn của mùa xuân vừa lướt qua ngôi nhà hóng mát. “Gì thế nhỉ?” Tôi tự hỏi, và khoảnh khắc sau tôi nhận ra mùi hoa mimosa đang nở. Tôi lần dò tới cuối vườn, biết rằng cây mimosa ở gần hàng rào, ở chỗ ngoặt của con đường. Vâng, nó đứng đó, run rẩy thân hình trong nắng ấm, những cành trĩu hoa hầu như chạm vào lớp cỏ cao. Đã từng có thứ gì đẹp đẽ thanh tú như thế trong trần gian trước đó hay chăng! Những đóa hoa thanh tú co lại với cú chạm trần tục nhẹ nhàng nhất; cứ như thể một loài cây chốn thiên đường đã được cấy trồng trên mặt đất. Tôi lần dò tìm đường đi qua một cơn mưa cánh hoa tới thân cây to lớn và đứng đó phân vân một lúc; thế rồi, tôi đặt một bàn chân lên khoảng rộng giữa những cánh có nhánh, đu người lên cây. Tôi gặp đôi chút khó khăn trong việc bám giữ, vì những cành cây rất to và lớp vỏ cây làm tay tôi đau. Nhưng tôi có một cảm giác thú vị rằng tôi đang làm một điều gì đó khác thường và tuyệt diệu, vì thế tôi tiếp tục trèo lên ngày càng cao, cho tới khi tôi tới một chỗ ngồi nhỏ mà ai đó đã làm sẵn trước đó lâu đến độ nó đã phát triển thành một phần của cây hoa. Tôi ngồi thật lâu, cảm thấy giống như một nàng tiên ngồi trên một đám mây hồng. Sau đó tôi trải qua nhiều giờ hạnh phúc trên thân cây của chốn thiên đường, nghĩ những ý nghĩ tươi vui và mơ những giấc mơ rực rỡ.

CHƯƠNG VI


          Giờ tôi đã có chiếc chìa khóa cho mọi ngôn ngữ, và tôi nôn nóng học cách sử dụng nó. Trẻ con nghe được thủ đắc ngôn ngữ mà không cần nỗ lực đặc biệt nào; có thể nói chúng nắm bắt ngay tức khắc những từ rời khỏi đôi môi kẻ khác một cách vui thú, trong lúc một đứa trẻ nhỏ bị điếc phải trải qua một quá trình chậm chạp và đau khổ. Nhưng bất chấp quá trình đó ra sao, kết quả thật tuyệt vời. Lần hồi, từ việc gọi tên một đối tượng chúng tôi nhích dần từng bước cho tới khi vượt qua khoảng cách mênh mông giữa nguyên âm lắp bắp đầu tiên và dòng tư tưởng trong một câu thơ của Shakespeare.
Đầu tiên, khi cô giáo nói với tôi về một thứ mới tôi đặt ra rất ít câu hỏi. Những ý tưởng của tôi mơ hồ, và vốn từ vựng của tôi chưa tương thích; nhưng khi kiến thức về các sự vật của tôi gia tăng và tôi đã học được nhiều từ hơn, lãnh vực thắc mắc của tôi mở rộng ra, và tôi thường quay trở lại một chủ đề nhiều lần, nôn nóng biết thêm thông tin. Đôi khi một từ mới làm sống lại một hình ảnh mà một trải nghiệm nào đó trước kia đã in sâu vào óc não tôi.
Tôi nhớ buổi sáng khi tôi hỏi lần đầu tiên ý nghĩa của từ “yêu”. Việc này xảy ra trước khi tôi biết nhiều từ. Tôi đã tìm ra một vài bông cúc tím nở sớm trong vườn và mang chúng tặng cô giáo của tôi. Cô cố hôn tôi, nhưng vào thời gian đó tôi không thích bất kỳ ai hôn mình trừ mẹ tôi. Cô Sullivan dịu dàng vòng tay ôm tôi và viết vào bàn tay tôi: “Cô yêu Helen.”
“Yêu là gì?” Tôi hỏi.
Cô kéo tôi tới gần hơn và chỉ vào tim tôi, cô nói, “Nó ở đây,” đó là lần đầu tiên tôi ý thức về nhịp đập của nó. Những từ của cô khiến tôi rất bối rối vì khí đó tôi không hiểu bất cứ thứ gì trừ khi tôi chạm vào nó.
          Tôi ngửi những bông cúc tím trong tay cô và hỏi, nửa bằng từ ngữ, nửa bằng dấu hiệu, một câu hỏi có nghĩa là: “Có phải yêu là mùi thơm của hoa không?”
          “Không phải.” Cô giáo của tôi trả lời.
          Tôi lại suy nghĩ. Mặt trời ấm áp đang chiếu vào chúng tôi.
          “Có phải đây là tình yêu không?” Tôi hỏi, chỉ về phía sức nóng xuất phát. “Có phải đây là tình yêu không?”
          Với tôi, dường như không có gì đẹp hơn mặt trời với sự ấm áp khiến tất cả mọi vật sinh sôi nẩy nở. Nhưng cô Sullivan lắc đầu, và tôi rất bối rối, thất vọng. Tôi nghĩ thật lạ lùng khi cô giáo không thể chỉ cho tôi biết tình yêu.
          Một hoặc hai hôm sau, tôi xâu những hạt cườm có nhiều kích cỡ khác nhau theo những nhóm đối xứng – hai hạt to, ba hạt nhỏ, vân vân. Tôi đã phạm nhiều sai lầm, cô Sullivan chỉ ra chúng hết lần này tới lần khác với sự nhẫn nại dịu dàng. Cuối cùng tôi nhận ra một lỗi rất hiển nhiên trong chuỗi hạt và ngay lập tức tôi tập trung chú ý vào bài học và cố suy nghĩ xem tôi nên sắp xếp những hạt cườm thế nào. Cô Sullivan chạm vào trán tôi và viết với sự nhấn mạnh dứt khoát ‘Suy nghĩ.”
          Trong chớp mắt, tôi biết từ đó là tên của cái quá trình đang diễn ra trong đầu tôi. Đó là nhận thức có ý thức đầu tiên của tôi về một ý tưởng trừu tượng.
          Tôi ngồi im suốt một hồi lâu – tôi không nghĩ tới những hạt cườm trong lòng tôi mà cố tìm một ý nghĩa cho từ “yêu” dưới ánh sáng của ý tưởng mới này. Mặt trời đã bị mây che khuất cả ngày và có những cơn mưa nhỏ; nhưng đột nhiên mặt trời lại ló ra với tất cả nét tuyệt vời ở miền nam của nó.
          Một lần nữa, tôi hỏi cô giáo: “Có phải đây là tình yêu không?”
          “Tình yêu là một thứ giống như những đám mây trên trời trước khi mặt trời ló ra,” cô đáp. Rồi với những từ đơn giản hơn, mà vào thời điểm đó tôi không thể hiểu, cô giải thích: “Em không thể chạm vào những đám mây, em biết đó; nhưng em cảm thấy mưa và biết những cây hoa và lòng đất đang khát vui mừng thế nào khi mưa xuống sau một ngày trời nóng. Em cũng không thể chạm vào tình yêu, nhưng em có thể cảm thấy sự ngọt ngào rót vào mọi thứ. Không có tình yêu em sẽ không cảm thấy hạnh phúc hay muốn chơi đùa.”
          Sự thật đẹp đẽ bùng nổ trong tâm trí tôi – tôi cảm thấy có những đường nối vô hình trải ra giữa linh hồn tôi và linh hồn của những người khác.
          Ngay từ khi bắt đầu giáo dục tôi, cô Sullivan thực hành việc nói chuyện với tôi như  với bất kỳ đứa trẻ nghe được nào; điều khác biệt duy nhất là cô viết những câu nói đó vào tay tôi thay vì nói ra chúng. Nếu tôi không biết những từ và thành ngữ cần thiết để thể hiện những ý nghĩ của mình, cô sẽ cung cấp chúng, thậm chí đề nghị trò chuyện khi tôi không thể tham gia cuộc đối thoại.
          Quá trình này tiếp diễn suốt nhiều năm; bởi đứa trẻ khiếm thính không học trong một tháng hay thậm chí hai hoặc ba năm vô số những cách diễn tả và thành ngữ được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày đơn giản nhất. Trẻ em nghe được học những thứ này bằng cách thường xuyên lặp lại và bắt chước. Cuộc đối thoại nó nghe được trong nhà kích thích tâm trí nó, đưa ra những chủ đề và gợi ra cách thể hiện tự phát những ý nghĩ của chính nó. Sự trao đổi ý tưởng tự nhiên này khép kín đối với một đứa trẻ điếc. Cô giáo của tôi nhận ra điều đó và quyết tâm cung cấp những loại kích thích mà tôi thiếu. Cô thực hiện điều này bằng cách lặp lại với tôi càng nhiều càng tốt, theo đúng những gì cô nghe được, và bằng cách chỉ cho tôi cách tham gia vào cuộc trò chuyện. Nhưng có một thời gian dài trước khi tôi đánh bạo bắt đầu câu chuyện, và còn lâu hơn nữa trước khi tôi tìm ra một điều thích hợp để nói ra đúng lúc.
          Người mù và người điếc thấy rất khó thủ đắc sự thú vị của việc trò chuyện. Sự khó khăn này còn tăng thêm biết bao lần trong trường hợp của những kẻ vừa mù vừa điếc! Họ không thể phân biệt được tiếng của giọng nói hoặc, nếu không có sự hỗ trợ, dõi theo âm điệu lên xuống của giọng nói vốn mang tới ý nghĩa cho những từ; họ cũng không thể quan sát biểu hiện trên mặt của người nói, và vẻ mặt thường chính là linh hồn của những gì một người nói ra.


Ảnh: Deane, 1877
HELEN KELLER VÀ JUMBO



[1]
[2] Em trai của Mose, theo Thánh kinh, chiếc gậy của Aarn có quyền lực rất kỳ diệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét