Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

33 CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN TRANH ĐÃ TÁI BẢN

Cùng các bạn thân yêu,

Xin vui mừng thông báo với các bạn bản dịch 33 CHIẾN LƯỢC CỦA CHIẾN TRANH vừa được NXB Trẻ tái bản.

Tác giả: ROBERT GREENE
Người dịch: NGUYỄN THÀNH NHÂN

Khổ sách: 16cm x 23 cm
Số trang: 586
Giá bìa: 185.000

Sách có bán tại Cửa hàng sách NXB Trẻ, 161B, Lý Chính Thắng, Quận 1, Tp.HCM hoặc bán trực tuyến ở website nxbtre.com.
Rất mong các bạn ủng hộ giùm. Đây là một cuốn sách rất thú vị và dễ đọc, nhưng lại hàm chứa nhiều kiến thức hữu dụng cho cuộc sống. Trân trọng.











































Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

SỨC MẠNH CỦA LÒNG BI MẪN - Truyện cuối


 


 

 
Angulimala: Sức mạnh của lòng bi mẫn


Thuở xưa, có người con trai của một gia đình Bà-la-môn (giai cấp cao nhất ở Ấn Độ) phục vụ trong triều vua Pasendani nước Kosala, tên chàng là Ahimsaka. Chàng được gửi tới Taxila để học tập. Ahimsaka thông minh và biết vâng lời thầy dạy; vì vậy,  chàng được cả vị thầy lẫn người vợ của ông yêu mến. Điều này khiến những học sinh khác ghen tỵ với chàng. Thế là họ tới gặp thầy mình và vu cáo rằng Ahimsaka có quan hệ bất chính với người vợ của thầy.

Lúc đầu, ông không tin họ, nhưng sau khi nghe điều này nhiều lần, ông cho là có thật và thề sẽ báo thù Ahimsaka. Ông nghĩ rằng nếu giết chết Ahimsaka sẽ ảnh hưởng không tốt tới bản thân. Niềm căm hận thúc đẩy ông yêu cầu chàng trai trẻ Ahimsaka vô tội thực hiện một điều không thể tưởng tượng nổi.

Ông bảo người học trò đi giết một ngàn người và mang về ngón cái bên tay phải của mỗi người, xem như là khoản trả ơn dạy dỗ của ông. Hẳn nhiên chàng trai thậm chí chưa hề nghĩ tới một việc như thế, vì vậy, chàng bị trục xuất khỏi nhà vị thầy và quay trở về với cha mẹ mình. Khi người cha biết Ahimsaka bị đuổi học, ông nổi giận với con mình và không cần nghe biết lý do. Ngay trong ngày hôm ấy, khi trời đang mưa như trút, ông ra lệnh cho Ahimsaka phải rời khỏi nhà. Chàng tới gặp mẹ và xin bà có lời khuyên can, nhưng bà không thể chống lại ý của chồng mình.

Kế đến, Ahimsaka tới nhà vị hôn thê của chàng (theo tập quán cổ ở Ấn Độ, hai bên đính ước hôn sự cho đôi trẻ khá lâu trước khi chúng thật sự cưới nhau), nhưng khi gia đình này biết rằng Ahimsaka đã bị đuổi học, họ cũng xua đuổi chàng đi.

Nỗi hổ thẹn, giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng của Ahimsaka khiến chàng trở nên mất trí. Đầu óc đau khổ của chàng chỉ nhớ lại duy nhất mệnh lệnh của người thầy: thu thập cho được 1.000 ngón tay cái.

Thế là chàng bắt đầu giết người, và khi giết xong, chàng treo các ngón tay lên một thân cây, nhưng vì chúng bị lũ quạ và kền kền ăn mất, nên sau đó chàng xâu các ngón tay thành chuỗi để đeo và theo dõi số lượng. Vì lẽ này, chàng được gọi là Angulimala (chuỗi ngón tay) và trở thành nỗi khủng khiếp ở vùng thôn dã.

Đức vua nghe thấy những tội ác của Angulimata và quyết định bắt giữ chàng. Khi Mantani, mẹ củaAhimsaka, nghe biết dự định của nhà vua, bà đi vào rừng trong cơn tuyệt vọng để cứu con mình.

Vào lúc ấy, xâu chuỗi quanh cổ của Angulimala đã có 999 ngón tay; chỉ còn thiếu một ngón là đủ số 1.000.

Đức Phật, biết được người mẹ đang nỗ lực để khuyên can con mình, và tiên đoán rằng nếu không có sự can thiệp, Angulimata, kẻ đang tìm kiếm người cuối cùng để hoàn tất con số 1.000, sẽ gặp mẹ chàng và có thể sẽ giết chết bà ta. Trong trường hợp đó, chàng sẽ phải gánh chịu đau khổ một thời gian dài hơn vì ác nghiệp của chàng.

Vì lòng bi mẫn, đức Phật liền đi đến khu rừng đó.


Angulimala, sau nhiều ngày đêm không ngủ, rất mệt mỏi và gần kiệt sức. Đồng thời, chàng rất nôn nóng muốn giết người cuối cùng để hoàn tất con số 1.000 và kết thúc nhiệm vụ của mình. Chàng quyết định sẽ giết chết người đầu tiên mà chàng bắt gặp. Khi nhìn xuống từ trên một mõm núi, chàng trông thấy một người đàn bà ở con đường bên dưới. Chàng muốn hoàn thành lời nguyền đạt đủ 1.000 ngón tay cái, nhưng khi tới gần, chàng nhận ra đó là mẹ của mình. Cùng lúc đó, đức Phật cũng đang tiến tới gần, và Angulimala chỉ còn đủ sáng suốt để quyết định sẽ giết nhà sư kia thay vì mẹ mình.Chàng đuổi theo đức Phật với lưỡi dao giơ cao.

Nhưng đức Phật vẫn tiếp tục đi ở phía trước chàng. Angulimala không thể đuổi kịp ngài. Cuối cùng, chàng la lên: “Này, nhà sư kia, hãy dừng lại, dừng lại!” Và Đấng Giác ngộ đáp: “Ta đã dừng lại, chỉ có con là người chưa dừng lại.”

Angulimala không hiểu kịp ý nghĩa của những lời này, vì thế chàng hỏi: “Này nhà sư! Tại sao ông bảo rằng ông đã dừng lại còn tôi thì không?”

Đức Phật trả lời: “Ta nói rằng ta đã dừng lại, vì ta đã từ bỏ việc giết hại mọi sinh linh. Ta đã từ bỏ việc làm xấu ác đối với mọi sinh linh, và đã tự tại trong tình yêu rộng mở, đức nhẫn nhục và trí huệ thông qua sự phản tỉnh. Nhưng con còn chưa từ bỏ việc giết hại hay làm điều xấu ác đối với chúng sinh và chưa tự tại trong tình yêu thương rộng mở và đức nhẫn nhục. Vì vậy, con là người chưa dừng lại.”

Khi nghe những lời này, Angulimala bừng tỉnh quay về thực tại và nghĩ thầm: “Đây là những lời của một người thông thái. Vị sư này rất thông tuệ và dũng cảm, ắt ông ta phải là người đứng đầu các nhà sư. Thật sự, ông ta nhất định chính là Đấng Giác ngộ! Chắc hẳn Ngài đã đặc biệt đến đây để giúp mình nhìn thấy ánh sáng.Nghĩ vậy, chàng ném vũ khí và cầu xin đấng Giác ngộ thu nhận chàng vào hàng ngũ Tăng đoàn, và đức Phật chấp nhận.

Khi nhà vua và binh lính tới bắt chàng, họ tìm thấy chàng ở tu viện của đức Phật. Thấy rằng Angulimala đã từ bỏ con đường ác nghiệp và trở thành một vị tỳ-kheo, đức vua và binh lính đồng ý để chàng ở lại đó.

Trong thời gian ở tu viện, Angulimala rất nhiệt tâm thực hành thiền định. Nhưng chàng không thấy an bình trong tâm vì ngay cả khi thiền định một mình, chàng thường nhớ lại những ký ức đã qua và tiếng kêu khóc thống thiết của những nạn nhân bất hạnh.

Do hậu quả của những nghiệp xấu ác đã làm nên trong khi đi khất thực chàng thường trở thành mục tiêu của việc ném đá và tấn công bằng gậy gộc. Chàng thường quay về tinh xá Kỳ viên với những vết thương trên đầu chảy máu không ngừng và những vết chém hay sưng bầm trên thân thể. Khi đó, Đức Phật nhắc nhở chàng: “Angulimala con ạ, con đã từ bỏ tâm xấu ác. Hãy kiên nhẫn. Đây là hậu quả những hành vi tội ác con đã làm trong kiếp này. Nếu không gặp ta, ác nghiệp đó sẽ còn khiến cho con phải chịu khổ đau qua vô số kiếp.”

Một buổi sáng, trong khi đi khất thực quanh thành Xá-vệ (Savatthi), Angulimala chợt nghe có người kêu khóc vì đau đớn. Khi chàng đến và thấy một phụ nữ mang thai đang chịu đau và gặp khó khăn trong việc sinh nở, chàng quán tưởng rằng, mọi chúng sinh trên thế gian đều gánh chịu khổ đau.

Lòng bi mẫn dâng tràn, chàng kể lại với đức Phật về nỗi khổ đau của người phụ nữ tội nghiệp, và ngài khuyên chàng nên đọc những câu chân ngôn được ghi lại dưới đây. Về sau, những câu này được gọi là hộ chú Angulimala.

Quay trở lại chỗ người phụ nữ đang đau đớn, chàng ngồi xuống cách nàng ta một bức màn che và đọc lên những câu sau:

Chị ơi, từ ngày tôi trở thành một A-la-hán,
Tôi không còn hủy hoại một cách vô ý thức,
Cuộc sống của bất kỳ sinh linh nào.
Nhờ vào sự thật đó, cầu mong chị được an lành,
Và đứa con chưa chào đời của chị được an lành.

Ngay lúc ấy, người phụ nữ sinh ra đứa bé một cách dễ dàng. Cả mẹ và con đều bình an mạnh khoẻ. Ngay cả ngày nay, nhiều người vẫn còn tụng đọc các câu hộ chú này.

Angulimala thích sống trong cô quạnh và ẩn dật. Về sau, người nhập diệt một cách an bình. Là một vị A-la-hán, người chứng đắc Niết-bàn. Các vị tỳ-kheo khác hỏi đức Phật rằng Agulimala sẽ tái sinh về đâu,và khi đấng Giác ngộ đáp, đệ tử Angulimala của ta đã chứng đắc Niết-bàn, các tỳ-kheo gần như không thể tin được.

Vì thế họ hỏi rằng, lẽ nào một kẻ giết quá nhiều người như vậy lại có thể đạt tới Niết-bàn.

Đức Phật trả lời rằng: “Các thầy ạ, Angulimala đã làm nhiều việc ác vì thầy ấy không có bạn tốt. Nhưng sau đó, thầy đi theo những người bạn tốt, và với sự giúp sức, với những lời khuyên tốt đẹp của họ, thầy đã vững vàng và tỉnh thức trong việc thực hành Chánh pháp và thiền định. Do vậy, các thiện nghiệp của thầy đã vượt qua cả các nghiệp xấu ác và tâm trí chàng đã hoàn toàn tẩy trừ được mọi phiền não.”

Đức Phật nói về Angulimala như sau:

 “Người nào có thiện nghiệp,
Che lấp mọi ác nghiệp,
Chói sáng thế gian này,
Như trăng thoát mây che.”
1

Sức mạnh của tình yêu thương và lòng bi mẫn mạnh hơn bất kỳ một ma chướng nào, và là những điều kiện tuyệt đối cho sự giác ngộ.
Đại đức Walpola Piyananda Thera kể

1 Nội dung này được ghi lại trong Kinh Pháp cú ở kệ số 173, phẩm Thế gian.

PHÁC HỌA TIỂU SỬ MỘT SỐ NHÀ XÃ HỘI HỌC - KỲ CUỐI




Nguyễn Thành Nhân dịch
(
từ Modern Sociological Theory của George Ritzer)

26

PIERRE BOURDIEU



Vào thời điểm bài viết này, Pierre Bourdieu đang giữ  một vị trí có uy tín trong xã hội học ở trường College de France. Ra đời ở một thị trấn thôn quê nhỏ miền Nam nước Pháp, và cha là một viên chức dân sự, Bourdieu lớn lên trong một gia cảnh của tầng lớp thấp. Vào đầu những năm 1950, ông nhập học và sau đó nhận một bằng cấp của một trường cao đẳng sư phạm có uy tín ở Paris, Ecole Normane Superieure. Tuy nhiên, ông từ chối viết luận văn, một phần ông vì phản đối chất lượng tầm thường của nền giáo dục và cơ cấu độc đoán ở nhà trường. Ông bị loại ra bởi định hướng cộng sản chủ nghĩa, đặc biệt là chủ nghĩa Stalin của nhà trường và đã hoạt động chống lại nó.

Bourdieu dạy học một thời gian ngắn ở một trường tỉnh, nhưng bị bắt quân dịch vào năm 1956, và trải qua hai năm trong quân ngũ Pháp ở Algeria. Ông đã viết một cuốn sách về những kinh nghiệm của mình và ở lại Algeria thêm hai năm sau khi mãn hạn quân dịch. Ông quay lại Pháp năm 1960 và làm việc một năm với tư cách trợ giảng ở Đại học Paris. Ông dự các khóa giảng về nhân loại học của Lévi Strauss ở College de France và làm trợ lý cho nhà xã hội học Raymond Aron. Bourdieu dời tới Đại học Lille trong ba năm và quay trở lại với vị trí Giám đốc nghiên cứu của Viện L’Ecole Practique des Hautes Etudes năm 1964.

Trong những năm sau đó, Bourdieu trở thành một nhân vật chủ yếu ở Paris, Pháp, và cuối cùng là trong các giới trí thức trên thế giới. Tác phẩm của ông có một tác động lên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, nhân loại học, và xã hội học. Ông tập hợp một nhóm học trò xung quanh ông vào những năm 1960, và từ đó những người này đã cùng cộng tác với ông cũng như có những đóng góp riêng của họ. Năm 1968, Trung tâm xã hội học Châu Âu được sáng lập, và Bourdieu trở thành giám đốc của nó kể từ đấy. Gắn liền với trung tâm là một công ty xuất bản đáng chú ý, Actes de là Recherche en Sciences Sociales, là một nơi phát hành quan trọng cho tác phẩm của Bourdieu và các ủng hộ viên của ông.

Năm 1981, khi Raymond Aron nghỉ hưu, chiếc ghế ở College de France bị bỏ trống và phần đông các nhà xã hội học hàng đầu Pháp (ví dụ, Raymond Boudon và Alain Touraine) đã cạnh tranh để chiếm nó. Tuy nhiên, chiếc  ghế này đã được tưởng thưởng cho Bourdieu.  Từ đấy, Bourdieu viết rất nhiều so với thời gian trước đó, và danh tiếng của ông ngày càng lớn.

Một khía cạnh thú vị trong tác phẩm của Bourdieu là cách thức trong đó các ý tưởng của ông được định hình, đôi lúc có tính chất hiển hiện, đôi lúc có tính chất tiềm ẩn trong việc đối thoại liên tục với những người khác. Ví dụ, nhiều ý tưởng ban sơ của ông được hình thành trong một cuộc đối thoại với hai học giả hàng đầu của thời kỳ ông còn đang được đào tạo - Jean Paul Sartre và Claude Lévi Strauss. Từ thuyết hiện sinh của Sartre, Bourdieu có một ý thức mạnh mẽ về các actor với ý nghĩa là những người sáng tạo ra các thế giới xã hội. Tuy nhiên,  Bourdieu cảm thấy Sartre đã đi quá xa và trao cho các actor quá nhiều năng lực, và trong quá trình này đã làm ngơ các kềm hãm cấu trúc lên họ. Bị cuốn theo chiều hướng cấu trúc, Bourdieu tự nhiên quay sang tác phẩm của nhà cấu trúc tiền bối, Lévi Strauss. Ban đầu, ông bị cuốn hút rất mạnh theo định hướng này; trong thực tế, ông tự mô tả bản thân trong một thời gian  là một “ nhà cấu trúc hạnh phúc” . Tuy nhiên, một số khảo cứu ban đầu đã dẫn ông tới kết luận rằng thuyết cấu trúc có sự hạn chế, mặc dù theo một chiều hướng khác, cũng như thuyết hiện sinh. Ông phản đối sự kiện các nhà cấu trúc tự  xem họ là các nhà quan sát có đăc quyền đối với mọi người, những kẻ được giả thiết là bị kiểm soát bởi các cấu trúc mà họ không ý thức được về chúng. Bourdieu đi đến chỗ ít quan tâm tới một lĩnh vực tập trung độc nhất vào các kềm hãm cấu trúc, ông nói rằng xã hội học

có lẽ không xứng để khó nhọc dù chỉ một giờ, nếu nó chỉ có mục đích duy nhất là phô bày các mối dây kích hoạt các cá thể nó quan sát - nếu nó quên rằng nó phải làm việc với con người, ngay cả những người, như những con búp bê, chơi một trò chơi trong đó họ không biết các quy tắc - nếu, nói ngắn gọn, nó không tự giao cho bản thân công việc duy trì cho con người ý nghĩa của những hành động của họ.

            Bourdieu xác định một trong những đối tượng cơ bản của ông trong việc phản ứng lại sự thái quá cực đoan của thuyết cấu trúc: “Dự định của tôi là mang các actor đời thực trở lại - những người đã biến mất trong đôi bàn tay của Lévi Strauss và các nhà cấu trúc luận khác”. Nói cách khác, Bourdieu muốn hòa hợp ít nhất là phần nào đó giữa thuyết hiện sinh của Sartre và thuyết cấu trúc của Lévi Strauss.

            Tư duy của Bourdieu cũng được định hình một cách sâu sắc bởi lý thuyết theo Marx và những người Marxist. Như chúng ta đã thấy, khi còn là sinh viên, Bourdieu đã chống đối một số các cực đoan quá khích của những người Marxist, và sau này ông phản đối các tư tưởng của chủ nghĩa Marxist cấu trúc. Trong khi Bourdieu không thể được coi là một người Marxist, hẳn nhiên có một số tư tưởng phát sinh từ  lý thuyết marxian đã vận hành trong tác phẩm của ông. Đáng chú ý nhất là sự nhấn mạnh của ông về thực hành (praxis) và khát vọng của ông nhằm hòa hợp lý thuyết và (khảo sát) thực hành  trong xã hội học của ông. (Có thể nói là thay vì thuyết hiện sinh hay thuyết cấu trúc, Bourdieu thực hiện một loại “thực hành học” [praxeology}. Trong tác phẩm của ông cũng có cả một tuyến của chủ nghĩa tự do, trong đó có thể xem là ông quan tâm tới việc giải phóng con người khỏi sự thống trị chính trị và giai cấp. Nhưng, như trường hợp của Sartre và Lévi Strauss, tốt nhất có thể xem là Bourdieu  đã sáng tạo ra các ý tưởng của ông nhờ việc sử dụng Marx và các nhà Marxist như là một xuất phát điểm.

            Có những chỉ dấu sự ảnh hưởng của các lý thuyết gia khác trong tác phẩm của ông, đặc biệt là của Weber và của lý thuyết gia xã hội học Pháp hàng  đầu, Emile Durkheim. Tuy nhiên, Bourdieu chống đối việc bị gọi là theo Marx, theo Weber hay theo Durkheim, hay bất kỳ tên gọi nào khác. Ông xem các tên gọi như thế đã hạn chế, đơn giản hóa, và sử dụng bạo lực đối với tác phẩm của ông. Theo nghĩa nào đó, Bourdieu đã phát triển các ý tưởng của ông trong một đối thoại phê phán đã khởi đầu trong khi ông còn là một sinh viên và tiếp tục cho đến ngày nay. “Mọi điều mà tôi đã làm được trong xã hội học và nhân loại học là do tôi đã làm ngược lại những gì tôi được dạy cũng nhiều bằng những gì tôi nhờ ở chúng”.

27

ANTHONY GIDDENS



            Anthony Giddens là lý thuyết gia xã hội quan trọng nhất đương thời của Anh Quốc và là một trong số ít lý thuyết gia có tầm ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới. Giddens ra đời ngày 18/1/1938. Ông theo học ở Đại học Hull, Trường Kinh tế London và Đại học London.Giddens được bổ nhiệm chức giảng viên ở Đại học Leicester năm 1961. Tác phẩm đầu của ông có tính chất thực nghiệm và tập trung vào vấn đề tự sát. Năm 1969 ông chuyển sang chức vụ giảng viên về xã hội học của trường Đại học danh tiếng Cambridge, và đồng thời là một thành viên ban giám đốc của trường King’s College. Ông tiến hành một công trình nghiên cứu văn hoá chéo, đưa đến sự thành công hiển nhiên trên phạm vi thế giới của tác phẩm đầu của mình, cuốn Cấu trúc giai cấp của các xã hội tiến bộ (1975). Trong thập niên kế tiếp, Giddens công bố một số tác phẩm lý thuyết quan trọng. Trong các tác phẩm này, ông bắt đầu một quá trình từng bước một để xây dựng viễn cảnh lý thuyết riêng của mình, được biết đến với cái tên lý thuyết cấu trúc luận. Nhiều năm lao động tích lũy đưa đến sự xuất hiện một tác phẩm vào năm 1984, Sự thiết lập xã hội: Phác hoạ về lý thuyết cấu trúc luận, đã thiết lập nên một trình bày hệ thống riêng lẻ có tầm quan trọng nhất về viễn cảnh lý thuyết của Giddens. Năm 1985, Giddens được bổ nhiệm chức vụ Giáo sư xã hội học ở Đại học Cambridge.

            Giddens đã là một lực lượng trong lý thuyết xã hội học trong suốt hai thập kỷ. Ngoài ra, ông còn đóng một vai trò sâu sắc trong việc định hình xã hội học đương thời ở Anh. Chẳng hạn, ông đã phục vụ với tư cách một tư vấn biên tập cho hai công ty xuất bản - Macmillan và Hutchintson. Một số lượng lớn tác phẩm đã được ra đời dưới quyền biên tập của ông. Quan trọng nhất, ông là đồng sáng lập viên của Polity Press, một nhà xuất bản cực kỳ năng động và có nhiều ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực lý thuyết xã hội học. Giddens cũng công bố một cuốn giáo trình theo phong cách Mỹ, cuốn Xã hội học (1987), là một thành công trên quy mô thế giới.

            Với tư cách một lý thuyết gia, Giddens có tầm ảnh hưởng rất cao ở Mỹ, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới. Điều thú vị là, tác phẩm của ông lại ít được đón nhận ngay tại quê hương Anh Quốc của ông hơn so với những nơi khác trên thế giới. Điều này có thể phần nào do thực tế rằng Giddens đã đạt được thắng lợi trong lĩnh vực lý thuyết trên phạm vi thế giới mà nhiều nhà lý thuyết xã hội Anh khác tìm kiếm nhưng không đạt được. Như  Craib nói, “Giddens có lẽ đã nhận ra khả năng tưởng tượng của nhiều người trong chúng ta, những kẻ cống hiến đời mình cho xã hội học trong quá trình tranh chấp căng thẳng và kích thích mà từ đó lý thuyết cấu trúc luận đã phát triển”.

           
            28

JURGEN HABERMAS



            Jurgen Habermas có thể  được xem là tư tưởng gia quan trọng nhất trên thế giới ngày nay. Ra đời ở Dusseldorf, Đức ngày 18/6/1929, gia đình ông thuộc tầng lớp trung lưu và khá theo truyền thống. Bố của ông là giám đốc Phòng Thương mại. Trong những năm đầu thời niên thiếu trong thời kỳ Thế chiến II, Habermas đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của chiến tranh. Sự kết thúc chiến tranh đem lại niềm hy vọng và các cơ hội mới  cho nhiều người Đức, bao gồm Habermas. Sự sụp đổ của chủ nghĩa quốc xã  đưa tới tinh thần lạc quan về tương lai của nước Đức, nhưng Habermas thất vọng vì  việc thiếu một sự tiến triển sâu rộng trong những năm sau chiến tranh. Với sự kết thúc của chủ nghĩa quốc xã, tất cả mọi loại cơ hội tri thức nảy sinh, và những quyển sách bị cấm đoán trước đây đã được đến tay chàng thanh niên Habermas, bao gồm nền trước tác của Đức và phương Tây, cũng như các tiểu luận của Marx và Engels. Giữa năm 1949 và 1954, Habermas nghiên cứu một loạt các đề tài khác nhau (ví dụ, triết học, tâm lý học, văn học Đức) ở Gottingen, Zurich và Born. Tuy nhiên, không có một ai  trong các giáo viên ở các trường mà Habermas theo học thật sự sáng chói, và phần lớn đều thoả hiệp với thực tế rằng hoặc là họ công khai ủng hộ chủ nghĩa quốc xã, hoặc  là đơn giản tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ nghề nghiệp của họ dưới chế độ quốc xã. Habermas nhận học vị tiến sĩ  ở Đại học Born năm 1954 và làm việc hai năm với tư cách một phóng viên. 

            Năm 1956, Habermas tới Viện nghiên cứu xã hội ở Frankfurt và trở nên gắn bó với trường phái Frankfurt. Trong thực tế, ông trở thành trợ lý nghiên cứu cho một  trong những thành viên sáng chói nhất của trường phái đó, Theodor Adorno, cũng như là một thành viên của viện. Trong khi trường phái Frankfurt thường được coi là có tính chất cố kết cao độ, đó không phải là quan điểm  của Habermas:

Đối với tôi không bao giờ có một thứ lý thuyết trước sau như một. Adorno viết các tiểu luận phê phán về văn hoá và cũng mở những khoá giảng về Hegels. Ông thể hiện là một người Marxist về cơ bản, và đúng là như thế.

            Trong khi ông gắn bó với Viện Nghiên cứu xã hội, Habermas đã chứng tỏ ngay từ buổi đầu một định hướng độc lập về tri thức. Thực tế, năm 1957, một bài báo của Habermas đã gây rắc rối cho ông với người lãnh đạo của Viện, Max Horkheimer. Habermas kêu gọi tư duy phê phán và hành động thực hành, nhưng Horkheimer e rằng một quan điểm như thế có thể làm mất đi sự  tài trợ công khai cho Viện. Thực tế, Horkheimer đã mạnh mẽ khuyến cáo rằng Habermas có thể bị trục xuất khỏi viện. Ông nói về Habermas: “Hẳn nhiên anh ta có một sự nghiệp tốt, hay thậm chí là sáng chói, với tư cách một nhà văn ở phía trước, nhưng anh ta sẽ chỉ gây cho viện những nguy hại lớn lao”. Bài báo cuối cùng được ấn hành, nhưng không dưới sự bảo hộ của viện, và không ám chỉ gì tới nó. Cuối cùng, Horkheimer đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận cho tác phẩm của Habermas, và Habermas xin từ chức.

            Năm 1961, Habermas trở thành một gia sư và hoàn tất “sự chuẩn bị tư cách giáo sư  của ông” (một luận văn thứ hai theo yêu cầu của các trường đại học Đức) ở Đại học Marburg. Đã xuất bản một số tác phẩm đáng chú ý, Habermas được tiến cử một chức giáo sư về triết học ở Đại học Heidelberg thậm chí trước lúc ông hoàn tất sự chuẩn bị tư cách giáo sư. Ông ở lại Đại học Heidelberg cho tới năm 1964, rồi chuyển sang Đại học  Frankfurt với tư cách giáo sư triết học và xã hội học. Từ năm 1971 cho tới 1981 ông là giám đốc của Viện Max Planck. Ông trở lại Đại học Frankfurt với tư cách giáo sư triết học, và năm 1994 ông trở thành một giáo sư danh dự ở đó. Ông đã giành được một số giải thưởng hàn lâm uy tín và được trao danh hiệu giáo sư danh dự ở một số trường đại học.

            Trong nhiều năm, Habermas đã là một người tân Marxist hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, qua thời gian, tác phẩm của ông đã được mở rộng để bao gồm nhiều nguồn đầu vào lý thuyết khác nhau. Habermas tiếp tục duy trì niềm hy vọng vào tương lai của thế giới hiện đại. Chính ở ý thức này, ông đã viết về dự án chưa hoàn tất của thời hiện đại. Trong khi Marx tập trung vào lao động, Habermas quan tâm chủ yếu tới sự thông tin, mà ông xem là một quá trình có tính chất phổ quát hơn lao động. Trong khi Marx quan tâm đến ảnh hưởng bóp méo của xã hội tư bản lên lao động, Habermas quan tâm tới cách thức cấu trúc của xã hội tư bản bóp  méo thông tin. Trong khi Marx tìm kiếm một thế giới tương lai bao gồm lao động toàn diện và sáng tạo, Habremas tìm kiếm một xã hội tương lai được định tính bởi sự thông tin tự do và cởi mở. Như vậy, có những tương đồng đáng ngạc nhiên giữa các lý thuyết của Marx và Habermas. Nói chung hơn, cả hai đều là những nhà hiện đại tin tưởng rằng vào thời của họ dự án của thời hiện đại (lao động toàn diện và sáng tạo của Marx, và thông tin tự do và cởi mở của Habermas) vẫn còn chưa hoàn tất. Thế nhưng, cả hai đều tin rằng trong tương lai, dự án đó sẽ được hoàn thành.

            Chính sự tận tâm đối với chủ nghĩa hiện đại này, và niềm tin của ông vào tương lai đã tách Habermas ra khỏi nhiều tư tưởng gia hàng đầu đương thời khác, thí dụ Jean Baudrillard và các nhà hậu hiện đại khác. Trong khi những người này thường bị lái theo chủ nghĩa hư vô, Habermas tiếp tục tin tưởng vào dự án cả đời người (và của thời hiện đại) của ông. Tương tự, trong khi các nhà hậu hiện đại khác (ví dụ Liotard) phản đối khả năng tạo tác ra các thể văn đại tự sự, Habermas tiếp tục làm việc và ủng hộ cái có lẽ là lý thuyết lớn đáng chú ý nhất trong lý thuyết xã hội hiện đại. Phần lớn đang có nguy cơ  cho Habermas trong cuộc đấu tranh với các nhà hậu hiện đại của ông. Nếu họ thắng, Habermas có thể được xem là tư tưởng gia hiện đại lớn cuối cùng. Nếu Habermas (và các ủng hộ viên của ông) giành thắng lợi, ông có thể được xem là người cứu tinh của dự án hiện đại và lý thuyết lớn trong các môn khoa học xã hội.

29

            MICHEL FOUCAULT



            Khi ông chết vì bệnh AIDS vào năm 1984 ở tuổi 57, “Michel Foucault có lẽ là nhà trí thức đơn độc, nổi tiếng nhất trên thế giới”. Danh vọng đó xuất phát từ một thể loại tác phẩm hấp dẫn, đã có ảnh hưởng tới các tư tưởng gia trong một số lĩnh vực khác nhau, bao gồm xã hội học. Fouvault cũng sống một cuộc đời cực kỳ thú vị, và các chủ đề đã định tính cuộc đời của ông cũng có xu hướng xác định tác phẩm của ông. Trong thực tế,  có thể lập luận rằng thông qua tác phẩm của mình, Foucault  đang tìm kiếm một nhận thức tốt hơn về bản thân ông và các lực lượng dẫn ông tới chỗ sống một cuộc đời như đã sống. Đáng chú ý nhất trong các chủ đề chung đối với cuộc đời và tác phẩm của ông là những ám ảnh của ông về giới tính, “các kinh nghiệm hạn chế” (chỗ mà mọi người [kể cả chính ông] lao một cách chủ định thân thể và trí tuệ của họ vào đỉnh điểm nguy cơ) và cái chết. Đáng thú vị là, các kinh nghiệm tình dục và hạn chế của ông không chỉ liên quan sâu sắc tới cuộc đời và tác phẩm, mà cả tới cái chết của ông.

            Trong các tác phẩm cuối cùng của Foucault là một tác phẩm bộ ba dành riêng cho giới tính – Lịch sử của hoạt động tình dục (1976), Sự chăm sóc bản thân (1984), và Công dụng của niềm vui (1984). Các tác phẩm này phản ánh nỗi ám ảnh cả đời của Foucault đối với giới tính. Phần lớn cuộc đời ông dường như  được xác định bởi nỗi ám ảnh này, nói riêng là  chứng đồng tính ái và bạo dâm của ông. Trong một chuyến đi tới San Francisco năm 1975, Foucault viếng thăm và bị hấp dẫn sâu sắc bởi cộng đồng đồng tính ái nam đông đảo của thành phố này. Vào lúc đó, và trong suốt nhiều lần ghé thăm sau này của ông, ông trở thành một thành viên tích cực của các hoạt động đồng tính ái và bạo dâm đang bùng nổ tới cực điểm vào giai đoạn đó trước khi có một nhận thức về  bệnh AIDS. Cụ  thể hơn, Foucault có vẻ bị lôi cuốn vào các hoạt động tình dục phi nhân tính đang phổ biến trong các nhà tắm công cộng rẻ tiền ở thời điểm và không gian đó. Sự chú ý và tham gia của ông vào các cộng đồng và các hoạt động này là một phần mối quan tâm cả đời  vào “cái không thể cưỡng lại, không nói nên lời, cái kinh khủng rùng rợn, sự sửng sốt bàng hoàng và sự mê ly”. Nói cách khác, trong cuộc đời (và trong tác phẩm) Foucault quan tâm sâu sắc tới “các kinh nghiệm hạn chế” như các hoạt động bạo dâm phi nhân tính diễn ra trong và xung quanh các nhà tắm công cộng. Niềm tin của Foucault là  chính trong những kinh nghiệm hạn chế đó, các tư duy bùng nổ về tri thức và cá nhân và các mặc khải trở thành có thể. Rõ ràng là Foucault xem các hoạt động bạo dâm (S/M) là các kinh nghiệm hạn chế như thế. Như ông nhận định, “Tôi nghĩ  S/M còn có ý nghĩa nhiều hơn thế; nó là sáng tạo thật sự về các khả năng mới của niềm vui, mà trước đó mọi người chưa từng biết”.

            Như vậy, tình dục có liên quan tới các kinh nghiệm hạn chế, và cả hai, tới lượt chúng, có liên quan tới quan điểm của ông về cái chết: “Tôi nghĩ loại niềm vui tôi xem là niềm vui thật sự sẽ rất sâu thẳm, rất mãnh liệt, rất khó cưỡng lại đến nỗi tôi không thể duy trì nó… Niềm vui hoàn toàn trọn vẹn… đối với tôi, nó gắn liền với cái chết”.  Trong khi không có cách nào biết chắc là Foucault nhiễm bệnh AIDS ở San Francisco, thực tế là ông ghé thăm thành phố đó vào các năm 1979, 1980, 1983. Thậm chí vào mùa thu năm 1983, khi ông đã biết rất rõ về bệnh AIDS và thực tế rằng những người đồng tính ái chính là các nguồn nhiễm bệnh, ông vẫn chìm vào các quan hệ tình dục phi nhân tính trong các nhà tắm công cộng ở San Francisco. Như James Miller nói: “Chấp nhận mức độ nguy cơ mới, ông lại dính vào các cuộc truy hoan kinh khủng, run rẩy với nỗi thống khổ cực kỳ, tự nguyện xóa bỏ mình, đập tan các giới hạn của ý thức, để cho cơn đau thực sự, cụ thể tan chảy thành niềm vui khoái thông qua thuật giả kim của chủ nghĩa tự kỷ”. Theo người đồng nghiệp lâu năm này của Foucault: “Ông ấy xem AIDS rất nghiêm túc… khi ông tới San Francisco lần cuối, ông coi nó là một ‘kinh nghiệm hạn chế’.” Như vậy, dường như quan tâm của Foucault vào giới tính và các kinh nghiệm giới hạn (ví dụ, chứng bạo dâm/khổ dâm) có liên quan tới cái chết của ông. Như Foucault nhận định: “Chết vì tình yêu của các chàng trai: Cái gì có thể đẹp hơn thế?”

            Tình dục không chỉ là phương cách duy nhất trong đó Foucault đẩy bản thân ông tới các giới hạn trong cuộc sống riêng tư của ông. Ông cũng có một kinh nghiệm hạn chế  với ma túy ở Zabriskie Point trong Thung lũng Tử thần vào mùa  xuân năm 1975. Ở đó Foucault thử ma túy lần đầu tiên, và ma túy đã đẩy trí tuệ của ông tới giới hạn: “Bầu trời bị nổ tung… và các vì sao rơi xuống tôi như mưa. Tôi biết nó không thực, nhưng nó là chân lý”. Với nước mắt chảy tràn trên mặt, Foucault nói: “ Tôi rất hạnh phúc… Đêm nay tôi đã đạt tới một viễn cảnh tươi mới về bản thân tôi…Giờ tôi đã hiểu về tính dục của mình… Chúng ta phải về nhà thôi”. (trích dẫn J. Miller)

            Trước khi trải nghiệm ma túy, Foucault đã vất vả với công việc khảo cứu đang thực hiện của ông về lịch sử của hoạt động tình dục. Ông dự tính tiếp cận công việc đó nhiều ngang với tiếp cận trước đó trong tác phẩm về chứng điên và các vấn đề khác. Nhưng sau kinh nghiệm với ma túy, ông cân nhắc lại toàn bộ dự án. Trong những điều khác, dự án này đi đến chỗ tập trung hơn vào bản ngã. Có lẽ đó chính là tiêu điểm mới mà Foucault lường trước, khi, trong chuyến thử ma túy của ông, ông nói về việc quay trở về nhà (trở lại bản ngã).

            Foucault đẩy bản thân tới giới hạn không chỉ trong cuộc sống nghề nghiệp của ông,  mà cả trong tác phẩm. Thực sự,  có thể lý luận rằng bản chất cực đoan của cả hai mặt này có xu hướng kích thích lẫn nhau. Dù người ta có thể nói bất cứ điều gì về tác phẩm của ông, rõ ràng nó có tính chất sáng tạo lớn lao; nó được đẩy lên và thậm chí vượt ra khỏi các giới hạn của sự sáng tạo. Tác phẩm của ông là một kinh nghiệm hạn chế đối với ông, và việc nghiên cứu về nó có thể là một kinh nghiệm hạn chế đối với người đọc.

            Vì ông đã hoạt động ở mức giới hạn, cuộc đời và tác phẩm của Foucault bất chấp các định nghĩa đơn giản. Sự bất lực này có thể là tốt đối với Foucault, đưa ra sự kiện rằng ông đã từng viết rằng: “Đừng hỏi tôi là ai và đừng bắt tôi vẫn là con người cũ… Có nhiều hơn một người, không ngờ gì nữa giống như tôi, đang viết để không còn có gương mặt nữa”.

30

GEORGE RITZER: Tiểu sử tự  thuật như là một công cụ siêu lý thuyết


            Tác phẩm tiểu sử và tiểu sử tự thuật hữu dụng trong việc giúp chúng ta thấu hiểu thế giới của các lý thuyết gia xã hội học, và của các nhà xã hội học nói chung. Nhà sử học về khoa học, Thomas Hankin, lý giải theo cách sau:

(Một) tiểu sử hoàn toàn hòa hợp của một nhà khoa học bao gồm không chỉ cá tính của anh ta, mà cả tác phẩm khoa học, bối cảnh ri thức và xã hội của thời đại của anh ta…vẫn là cách thức tốt nhất để đi tới nhiều vấn đề vây quanh công việc viết lách về lịch sử của khoa học…Khoa học được sáng tạo bởi các cá nhân, tuy nhiên nó bị lái đi rất nhiều bởi các lực lượng bên ngoài, các lực lượng này tác động qua chính bản thân nhà khoa học. Tiểu sử là một kính viễn vọng văn học mà qua nó chúng ta có thể quan sát một cách tốt nhất quá trình này.

Điều Hankins nhận định về các nhà khoa học nói chung nói lên định hướng của tôi đối với các tiểu sử của các lý thuyết gia xã hội học, bao gồm bản thân tôi. Mẩu tiểu sử tự thuật này được xây dựng để đưa ra ít nhất là một vài phương cách trong đó tiểu sử có thể là một công cụ cho phân tích siêu lý thuyết.

Trong khi tôi đã dạy ở phân khoa xã hội học gần 30 năm qua, và đã viết khá nhiều điều về xã hội học, bằng cử nhân của tôi (trường City College của New York, năm 1962) là về tâm lý học, bằng cao học của tôi (Đại học Michigan, 1964) là về quản trị nhân sự, và bằng tiến sĩ của tôi (Đại học Cornell, 1968) là về các quan hệ lao động và công nghiệp. Sự thiếu nền tảng căn bản về xã hội học đã đưa tới việc nghiên cứu cả đời về lý thuyết xã hội học, một nỗ lực mà tôi đã gọi tên nó là “sự siêu lý thuyết hóa”. Nó cũng, ít ra là ở một ý nghĩa nào đó, trợ giúp tôi cố nhận thức được lý thuyết xã hội học. Vì tôi không được đào tạo theo một “trường phái” đặc biệt nào, tôi đi tới chỗ nghiên cứu lý thuyết xã hội học với chỉ một vài khái niệm và xu hướng có trước. Đúng hơn, tôi là một sinh viên của “các trường phái tư duy”; tất cả đều có lợi cho tôi.

Có lẽ vì tôi thường không thể xử lý được xung đột, trong tác phẩm của tôi, tôi thường tìm kiếm cách để giải quyết xung đột và điều hòa các viễn cảnh và các định hướng tranh chấp nhau. Trong luận án của tôi, về sau được xuất bản như là một cuốn sách (Ritzer và Trice, 19969), tôi quan tâm tới các cách thức trong đó các nhà quản trị nhân sự giải quyết các xung đột vai trò. Trong nhiều năm, tôi đã chú ý tới các kỹ thuật được sử dụng bởi các công nhân để đối phó với các xung đột trong công việc. Vấn đề này là trọng tâm của bài viết về xã hội học nghề nghiệp của tôi (Rizer và Walczak, 1986). Quan trọng hơn, giải pháp cho xung đột đi vào trung tâm của tác phẩm về siêu lý thuyết đã là mối quan tâm của tôi trong hơn hai thập kỷ.

Tác phẩm siêu lý thuyết đầu tiên của tôi, Xã hội học: một khoa học đa mô hình, đã tìm cách không chỉ phác họa các mô hình cách biệt, và thường có tính chất xung đột trong xã hội học, mà còn để đưa ra trường hợp về sự kiên kết, sự nhảy vọt, sự bắc cầu và sự hòa hợp  mô hình. Thấy bất tiện với xung đột về mô hình, tôi muốn thấy có nhiều đồng điệu và hòa hợp hơn trong xã hội học. Khát khao đó dẫn tới việc xuất bản cuốn Hướng tới một mô hình xã hội học hòa hợp hơn, trong đó, tôi phát triển trọn vẹn hơn nhận thức của mình về một mô hình hòa hợp. Trong mấy năm gần đây, mối quan tâm đến việc xử lý sự xung đột lý thuyết đã dẫn tôi tới chỗ tập trung vào các hòa hợp vi mô-vĩ mô và cơ quan-cấu trúc, cũng như vấn đề lớn về các tổng hợp lý thuyết. Như tôi thấy, có những chứng cứ đáng kể rằng lý thuyết xã hội học từ mấy thập kỷ qua đang đi ra khỏi chủ nghĩa cực đoan về lý thuyết và sự xung đột, và hướng tới sự điều hòa, hội nhập lớn hơn về lý thuyết. Nhưng, đưa ra tính cách của tôi, người ta có thể kỳ vọng tôi thấy được điều gì?

Mối quan tâm tới tác phẩm siêu lý thuyết của tôi được lý giải bởi khao khát muốn thấu hiểu lý thuyết tốt hơn và để xử lý xung đột trong lý thuyết xã hội học. Trong cuốn Sự siêu lý thuyết hóa trong xã hội học, cũng như trong một vựng tập cải biên, Sự siêu lý thuyết hóa, tôi đã nâng cao nhu cầu được biết nhiều hơn về lý thuyết xã hội học tới cấp độ một nhu cầu đối với bộ môn theo nghĩa một tổng thể. Nói cho cùng, sự siêu lý thuyết hóa đơn giản chỉ là sự nghiên cứu có hệ thống về lý thuyết xã hội học. Tôi tin rằng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa việc này để có một nhận thức tốt hơn về lý thuyết, để tạo ra lý thuyết mới và các viễn cảnh lý thuyết bao trùm mới (hoặc các siêu lý thuyết). Nghiên cứu siêu lý thuyết cũng được định hướng tới việc gạn lọc các vấn đề hay gây tranh chấp, việc giải quyết các tranh chấp, và cho phép sự hòa hợp và tổng hợp lớn lao hơn. Ngoài ra, tác phẩm siêu lý thuyết, theo quan điểm của tôi, quá cách xa với thế giới thực tiễn đến nỗi sự xung đột được tìm thấy ở đó tương đối ít đau thương và dễ dàng khắc phục hơn.

Một đặc tính cá nhân khác, ý thức của tôi về bản thân là một cá nhân duy lý cao độ, đã dự báo tác phẩm siêu lý thuyết của tôi. Xuất phát điểm của tôi thường là lý thuyết Weber về sự hợp lý hóa, và tôi đã xử lý mối quan hệ giữa sự hợp lý hóa và sự chuyên môn hóa. Trong một tiểu luận và một cuốn sách, Sự McDonald hóa của xã hội, tôi đã lập luận rằng trong khi chế độ bàn giấy là  mô hình cho sự hợp lý hóa hình thức ở thời đại  của Weber, mô hình đó trong xã hội hiện đại là nhà hàng fast-food. Có những chứng cứ đáng kể rằng các đặc tính nền tảng của quá trình McDonald hóa đang có ảnh hưởng tới một loạt các khu vực ở Mỹ và phần còn lại của thế giới. Thực tế, một trong những vấn đề  được xử lý trong một cuốn sách gần đây hơn, cuốn Nước Mỹ cấp tốc: Một phê phán về xã hội thẻ tín dụng toàn cầu (1995), là cách thức trong đó các thẻ tín dụng đã MacDonald hóa quá trình  qua đó chúng ta thủ đắc và sử dụng tín dụng. Cuốn này cũng xử lý  một loạt các vấn đề khác, bao gồm vai trò của thẻ tín dụng (và các nhà hàng fast-food) trong các khu vực rộng lớn đang bị Mỹ hóa của phần còn lại của thế giới. Tôi cũng xử lý sự thất bại của nền công nghiệp ô-tô Mỹ và sự thành công của nền công nghiệp ô-tô Nhật bản, đặc biệt trong những năm 1970 và 1980. Luận đề của tôi là sự thất bại của người Mỹ có thể truy nguyên tới sự tin cậy tuyệt đối của nó vào sự hợp lý hình thức, trong khi thành công của người Nhật gắn liền với sự siêu hợp lý hóa của nó, bao gồm việc tận dụng tất cả bốn kiểu hợp lý của thuyết Weber - hình thức, thực chất, lý thuyết và thực hành.  Sự khôi phục gần đây của nền công nghiệp ô-tô Mỹ cho thấy nó có thể sử dụng tốt hơn cả bốn kiểu hợp lý đó.

Sau khi đánh một vòng từ  siêu lý thuyết hóa đến xây dựng lý thuyết về các hiện tượng bình thường hơn như các nhà hàng fast-food, các thẻ tín dụng và nền công nghiệp ô-tô, tôi đang trong quá trình quay trở về với các vấn đề siêu lý thuyết. Ví dụ, một số tác phẩm hiện nay của tôi xử lý mối quan hệ giữa siêu lý thuyết hóa và lịch sử các môn khoa học của Foucault, xã hội học phản ánh và xã hội học phân tích của Pierre Bourdieu, và quan trọng nhất, thuyết hậu hiện đại.