Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Nhà văn già và Em Mọi nhỏ


Truyện ngắn



Ở đầu vịnh Triều Dương có một khoảnh rừng dương. Lần trước, khi ông chạy xe ngang, một đám nam thanh nữ tú trạc tuổi cuối trung học phổ thông tổ chức cắm trại ở đó, ngó cũng vui vui. Có nhóm siêng năng căng lều xanh xanh đỏ đỏ. Có nhóm lười hơn, hoặc thích chơi “mát trời ông địa” hơn, cứ trải mấy tấm bạt cao su trên lớp cỏ, rồi cứ thế mà ngồi lai rai bia bọt, đàn ca hát xướng. Cảnh tượng đó nhắc cho ông nhớ một ký ức mơ hồ, đèm đẹp, của một thời xa xưa mù mịt trong trí nhớ. Hồi thời mình học lớp 11, 12 cũng vậy mà. Cũng rủ nhau đạp xe qua núi Bửu Long, Biên Hòa cắm trại qua đêm. Có điều hồi đó quá nghèo, ai cũng nghèo, làm gì có chuyện bia bọt. Ông hình dung lại cái đêm mưa dầm ướt át ấy, cả lũ trai gái ngồi chồm hỗm sát bên nhau dưới những túp lều trại căng bằng những tấm poncho, quanh những nồi bánh canh bốc khói ngon lành, thơm phức mùi kỷ niệm. Nói mùi kỷ niệm là vì những nồi bánh canh ấy chỉ bốc lên mùi bột mì vo sợi và mùi hành lá, không thịt không cá, may mà còn có nêm chút xíu bột ngọt. Nhưng chỉ riêng mùi bột chín và mùi hành thoang thoảng cũng đủ làm cho nước miếng của đám trẻ choai choai trong đó có ông trào lên đầy khóe miệng. Nước mắm thì mặn chát, thứ nước mắm quốc doanh muối đóng cặn dưới đít cái bình nhựa một lít tới mấy phân. Hồi thời đó thì đừng nhắc chi tới bột ngọt hay đường trong thực đơn nấu nướng hàng ngày ở mỗi gia đình. Có đó, nhưng người dân Thành phố cho rằng nồi cá, hay rất lâu lâu, nồi thịt heo kho, rất nên càng mặn càng tốt, để và với cơm độn khoai lang được nhiều bữa hơn. Họ cũng cho rằng còn có những nhu cầu khác thiết yếu hơn, như làm sao ăn cho no bụng, làm sao để cái áo cái quần của mấy đứa nhỏ đến trường đừng vá chùm vá đụp. Lấy đâu ra để phục vụ cho mấy nhu cầu đó? -- Nửa trăm gram bột ngọt, nửa ký hay một ký đường… hay khi may mắn trúng thăm, có quyền được mua với giá rẻ bèo một phần ba cái sườn xe đạp Cửu Long; phân nửa cái ruột xe hay vỏ xe đạp, mà khi bán lại cũng kiếm chác được ít nhất gấp ba giá vốn. Ha, thiệt thú vị khi sực nhớ rằng vào một thời chưa thật sự xa xôi lắm, hình như người ta không thể có một thứ gì cho nguyên vẹn.  May sao lúc ấy ai cũng nghèo đói như ai. Hoặc giả có ai đó khấm khá hơn, cũng sẽ ráng che đậy để tỏ ra tui đây cũng khổ sở như bàn dân thiên hạ… Và may sao trong bữa bánh canh đó còn có mấy trái ớt xanh đỏ dầm trong những chén nước mắm đại dương, khiến miệng lưỡi cay nồng và bụng ấm lại giữa cơn mưa lạnh. Những nồi bánh canh đi trại của thời mới lớn ấy thiếu hầu hết mọi thứ cần thiết để trở thành một món ngon. Vậy mà chúng ngon lạ ngon lùng mới kỳ cục chớ. Do tuổi đang lớn và cái bụng lúc nào cũng lai rai đói? Hay do trái tim đầy lý tưởng và nhiệt huyết, chan chứa tình bạn hữu và thậm chí một thứ tình yêu rất mơ hồ nhút nhát?… Chỉ một thoáng vọt xe ngang qua những nhóm trai gái dân xứ đảo đang túm tụm ríu rít bên nhau hôm đó, trong đầu ông đã gợn lên bao nỗi nhớ.

Ông ra đảo Phú Quý đã mấy hôm rồi. Xách theo cả cái xe Dream Trung Quốc cà rịch cà tang nhưng rất trung thành, có khi còn hơn con ngựa Xích Thố của Quan Công. Từ đầu tới cuối đảo tròm trèm chừng bảy cây số. Nhưng suốt con đường từ xã Tam Thanh ở đầu này đến xã Long Hải ở đầu kia, đi đến hết đường rồi quay trở lại, ông không thấy một điểm bơm vá xe gắn máy nào hết. Hôm qua, dưới ánh nắng trưa hừng hực và bầu không khí lặng câm không một hơi gió hiu hiu, khi nhìn thấy một thanh niên lụi hụi đẩy chiếc xe không biết hiệu gì nhưng nhìn còn mới cáu (ông vốn không rành và ít quan tâm tới mấy thứ xe cộ linh tinh), ông mới giật mình. Sau đó, khi du hành lần nữa ngang dọc chiều dài đảo, ông cố tình để mắt dò tìm, nhưng quả thiệt không có chỗ nào. Ngựa sắt của ta ơi, mày ráng đừng bể bánh, xì hơi hay chết máy giữa chừng, nếu không chắc tao phải quẳng mày luôn trên hòn đảo nhỏ xíu này. Ráng lên, chiến mã của ta!... Cho tới hôm nay, con ngựa sắt hom hem của ông xem ra vẫn tỏ lòng trung không kém con chiến mã lừng danh thời Tam Quốc.

Hình như sự kiện ông tới đảo khiến một số cư dân địa phương rất ngạc nhiên. Họ cứ trố mắt nhìn ông khi con ngựa sắt của ông phi nước kiệu ngang qua, nhả ra một làn khói đen kịt và hí lên những tiếng bòm bòm do cái ống pô bị lỗ rò. Hòn đảo này tuy chưa phải là điểm du lịch tấp nập như Đà Lạt, Nha Trang, nhưng thi thoảng cũng có những nhóm du khách này khác, bản địa hay ngoại quốc đi tàu từ Phan Thiết ra thăm đảo. Du khách Việt ra đảo trước là để tham quan vẻ đẹp còn khá hoang sơ, sau là để thưởng thức mấy món hải sản mà báo chí đồn đại là rất ngon lành và chả nơi nào khác có, chẳng hạn cua hoàng đế, cá dưa… Còn người ngoại quốc, nhiều nhất là đám thanh niên Nga, thường ra đảo để chơi lướt ván. Nhưng chưa có người lạ nào từ đất liền ra đảo một mình như ông. Cũng chưa có ai ra đảo mà lại xách xe chạy lông rông hết ngày này qua ngày nọ như ông. Làm chi không biết! Người ta (Giả sử có một người ta nào đó quá chừng rảnh rang, chả có việc gì làm và quá sức tò mò để theo dõi từng phút từng giây cái ông xồn xồn kỳ lạ này, coi ổng có âm mưu bí hiểm gì trên đảo!) chưa từng thấy ổng bờ lông nhông xuống biển thử một lần, cũng chưa từng thấy ổng ghé thử vào một cái quán to to nào đó ở Long Hải, nơi có vài cái quán mà dân cư trên đảo vẫn coi là thuộc hạng sang, chỉ dành cho du khách. Rốt cuộc cái ông này, một gã đàn ông chưa hẳn già mà cũng không còn trẻ, muốn cái gì đây, định làm cái gì đây?

Trong số hơn hai mươi ngàn cư dân trên đảo, không biết có người nào chợt gợn trong đầu những câu hỏi đó hay chăng. Nhưng chí ít, một người mà ông sẽ gặp sau đó, chắc đã thắc mắc về ông. Và như thiên hạ thường nói, dù câu này giờ có vẻ quá sáo rỗng hay quá sến, “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, ông đã gặp người đó. Sau này, khi trở về đất liền, ghé nhà thằng bạn ở Phan Thiết quất thêm một chầu bảng lảng trước khi quảy gánh về lại Sài Gòn, trong cuộc chè chén say sưa, ông bật thốt một câu tâm tình thống thiết với người bạn cũ: “Tao tính giã từ dĩ vãng, dẹp mẹ nó chuyện viết lách, nhưng sau khi gặp một con bé con ở Phú Quý, tao nghĩ tao sẽ viết, phải viết lại mày ạ.” Ông không giải thích lý do lý trấu gì hết với bạn mình. Nhưng cha nội đó hình như đi guốc trong bụng của ông, hắn cười hè hè: “Chừng nào muốn viết nhưng thèm rượu và hết tiền, cứ ra đây. Tao giao cho mày miếng ruộng và cái chòi.” Người bạn của ông có một miếng ruộng ở ngoại ô thành phố Phan Thiết, trồng lúa. Hắn cất một ngôi nhà cấp 4 ngay giữa ruộng, bên cạnh ngôi nhà hắn đào một cái ao nuôi cá rô cá giếc gì đó, và lên luống trồng thêm mấy hàng thanh long. Miếng ruộng của hắn nhỏ xíu bằng cái móng tay của người ta. Nên chi hắn bảo tao trồng lúa để lúa chín rớt xuống ao cho cá ăn chơi. Cha mẹ ơi! Ông nghe hắn nói mà mồ hôi rớt lộp độp, ướt đẫm lưng cái áo thun. Không biết so với “Ngàn thu rớt hột” của đại ca Bùi Giáng, những giọt mồ hôi của ông, hay mấy hột lúa sẽ rớt xuống cái ao của người bạn đó, thứ nào rớt đậm đà nhất vào cõi “điên rực rỡ”[1]?

            Tới đây hẳn độc giả cũng đoán ra ông chính là nhà văn già, như cái tựa đề đã phát biểu rất rõ ràng minh bạch. Nhà văn già đi ra đảo tìm cảm hứng để viết sau một thời gian dài im lìm gác bút, đó là duyên cớ công khai. Nhưng còn một duyên cớ thầm kín khác. Nhà văn già vừa rất tình cờ trúng được năm tấm vé số, lô khuyến khích. Ông vốn là người không tin mấy chuyện rủi may, và lại càng không tin mình có bao giờ gặp vận may. Việc ông trúng số quả không mong mà đến. Chẳng qua hôm đó nhậu xỉn, thanh toán vừa xong, còn đúng tờ năm chục ngàn, lại đúng lúc một bà cụ rất già trông mà thương quá đến mời. Thế là mua, thế là trúng. Và nhà văn già ra đảo. Hòn đảo này, như một lần ông tình cờ đọc trên mạng, có một phong tục rất lạ đời và rất, rất ư tuyệt diệu: người ta lấy vợ hay lấy chồng không cần đám cưới! Ông nghĩ thấy hay hay, và cũng nghĩ, Có dịp cứ ra thử coi, biết đâu còn sót đâu đó trên đảo một em ngư nữ xồn xồn nhưng xinh đẹp, và nàng sẽ yêu ta đắm đuối. Ta sẽ cất một túp lều tình yêu sát bên bờ biển đầy gió lộng, rồi ngày ngày cùng nàng đi mò sò nhặt hến, chắc cũng đủ sống hạnh phúc lai rai cho tới khi về chầu ông bà ông vải. (Độc giả hẳn cũng đoán được là nhà văn già vẫn còn “độc thân vui tính”.)

 ***     

             Ông nói với hai vợ chồng chủ nhà:
            “Trưa nay đừng nấu cơm thêm cho tôi nha, tôi sẽ mua thứ gì đó ăn đỡ rồi nghỉ trưa ở mé rừng dương luôn.”

            Cô vợ gật đầu, mỉm cười:
           “Dạ, không sao anh. Bữa nào anh ăn ở ngoài cứ nói cho tụi em biết là được rồi.”

Họ đều là nhà giáo, có một đứa con trai chừng sáu bảy tuổi. Miếng đất thổ cư hơi kha khá, họ cất thêm một dãy bốn căn phòng, một gắn máy lạnh, tạm gọi là phòng VIP, và ba gắn quạt máy, để cho du khách ra đảo thuê kiếm thêm thu nhập. Ngày đầu, sau một lúc lân la khắp xã Tam Thanh dọ tìm nơi ở trọ, ông mò tới cái nhà trọ nghiệp dư này, và thấy nó quá đầy đủ, quá sang trọng với mình rồi. Anh chồng, tên Hoàng, ưu tiên cho ông ở cái phòng VIP với giá phòng quạt máy, và nói thêm:
           “Nếu chú không phiền, tụi cháu sẽ nấu thêm cơm, chú ăn cơm với vợ chồng cháu luôn cho vui, cháu lấy tiền cơm rẻ thôi, ra ngoài quán tốn tiền mà ăn không vừa miệng đâu chú.”

           Ông gật đầu, mừng vì đỡ mất công lo chuyện cơm nước. Ông thì ăn gì cũng được, miễn bụng đừng sôi rột rẹt là xong. Ông giả bộ nhăn mặt, ngó Hoàng, rồi lia mắt sang cô vợ:

          “Vậy thì tốt quá, nấu thêm cơm cho tôi ăn chung hén. Mà nè, nhìn tôi già lắm hay sao mờ kêu chú zậy? À, có lẽ râu ria mấy ngày nay chưa cạo! Kêu anh thôi nghen, kêu chú tôi zọt tới nhà trọ khác kiếm một cô chủ nhà trọ xinh đẹp nào đó chịu kêu tôi bằng anh bây giờ.”

            Hai vợ chồng cùng cười ngỏn ngoẻn. Hoàng bảo:

            “Mười một giờ đêm cúp điện, vậy anh có đi đâu ra ngoài cứ mở máy lạnh rồi đóng kín cửa sổ để giữ hơi lạnh, kẻo nửa đêm mất điện nóng khó ngủ.”

            “Ờ, cám ơn em.”

Mấy trạm điện gió ở mé Bắc đảo còn đang thi công. Trên tàu, khi hòn đảo, trông hơi giống như con cá thu hay củ khoai lang, bắt đầu hiện rõ dần, ông thấy có mấy cột gì đó cao cao, hỏi thăm mấy khách đi tàu, vốn là dân đảo ra Phan Thiết mua hàng, họ đáp:
           “Mấy trạm điện gió đó anh. Hy vọng cuối năm nay xong, đảo sẽ có điện 24 trên 24.”

Dân cư ở đảo này có giọng nói rất lạ. Không giống giọng xứ Quảng, xứ Huế, hay Nghệ An, hay giọng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói tiếng Kinh, mà hình như pha trộn tất cả những thứ giọng đó. Nặng, khó nghe, lại thêm có nhiều từ địa phương mà ông không hiểu. Hai vợ chồng chủ nhà trọ, từng học sư phạm trong đất liền, hoặc những người hay tới lui mua bán thì giọng dễ nghe hơn. Dù sao, qua mấy bữa đi tới đi lui, nói chuyện trên trời dưới đất với dân dảo, ông cũng bắt đầu quen dần với nó.

***

Sau trận bão lớn hồi cuối tháng trước, cây lá trên đảo xanh ngăn ngắt. Khoảnh rừng dương ven bãi cát trắng mịn ở vịnh Triều Dương sáng bừng lên dưới nắng. Lớp cỏ dưới những gốc dương vừa kịp lên mơn mởn. Ông chọn hai cây dương sát bãi cát, mắc cái võng rồi ngã người lên võng, lót cái túi đựng laptop bên dưới ót, nghiêng đầu nhìn ra biển. Trước đó, ông cứ nghĩ một hòn đảo nằm giữa biển khơi hẳn phải phơi mình trước trăm ngàn cơn gió liên miên. Nhưng không phải. Đảo tĩnh lặng đến lạ lùng. Những táng lá trên đầu ông im phăng phắc. Chỉ có tiếng lách tách khe khẽ khi lũ chim gì không biết nhảy chuyền từ cành này sang cành khác. Biển trước mặt ông chạy đến chân trời, xanh phơn phớt, chỉ hơi gợn sóng lăn tăn mé gần bờ. Ngoài trăm mét, mặt nước sẫm màu hơn, và bằng phẳng như một tấm gương soi. Cách chừng một ngàn mét về phía đông nam là Hòn Tranh. Xa hơn nữa, thấp thoáng vài chiếc thuyền câu của ngư dân, dường như cũng bất động không khác những con thuyền trong một bức tranh phong thủy. Hôm ra đảo, trên tàu có một nhóm người Nga, nhưng không biết họ chơi lướt ván ở mé nào, cả bãi cát chỉ có mình ông. Nằm im một lúc, đầu óc rỗng không, không một ý nghĩ trong đầu, nhưng ông thấy lòng lâng lâng dễ chịu lạ lùng. Mùi lá dương non phảng phất.

Lâu lắm rồi ông không viết nổi chữ nào. Cứ cắm cúi làm việc này việc nọ để mưu sinh riết có lẽ ngòi bút của ông đã cùn mòn. Đời có lắm chuyện, muôn màu muôn vẻ, nào có thiếu tình tiết để viết ra. Nhưng mỗi khi ông mở một trang trắng trên máy, chữ nghĩa chợt bay biến hết. Ông ngồi nhìn sững vào màn hình, những ý tưởng mơ hồ, rối rắm, chằng chịt chẳng khác gì một mê cung. Đâu rồi ý tưởng hay ho mới chợt nghĩ ra lúc nãy? Màn hình trắng lặng lẽ nhìn lại ông như đang hỏi, Anh định viết à? Anh viết để làm gì? Anh viết cho ai?... Vài người bạn viết văn bảo là ông cầu toàn quá mức, tới độ cực đoan. Ông biết không phải vậy. Ông chưa từng nghĩ hay muốn những gì mình viết ra phải là tuyệt phẩm. Nhưng ông muốn nó phải phản ánh cuộc đời một cách chân thật, ít nhất là với chính bản thân ông. Lần này sang lần khác, bỗng dưng ông thấy sợ chính cái ý nghĩ sẽ viết một câu chuyện nào đó. Đôi khi ông nghĩ, hay là thôi, không bao giờ viết gì nữa hết. Viết ra những điều không có ích cho ai, viết để phục vụ cho một cái gì khác với chính cuộc sống, cuộc sinh tồn đầy dẫy gian truân của những phận người là một sự vong thân, một sự đánh đĩ ngôn từ. Nghĩ thì nghĩ vậy, lâu lâu nỗi thèm viết lại bùng lên, rồi lại tắt ngấm ngay sau đó. Trước khi ra đảo, ông đã viết được vài chương sách, về chính cái đảo này, qua những tư liệu tìm được trên mạng internet. Sau đó bỏ quên luôn nó. Phen này ra đảo, ông quyết sẽ viết tiếp câu chuyện, với những chi tiết tràn sức sống, một câu chuyện chân thực. Nhưng giữa mấy chương sách bắt đầu từ trí tưởng tượng, dựa trên những thông tin báo chí với những gì ông cảm nhận trong mấy ngày qua là một khoảng cách thật xa, một vực thẳm khó thể bắc cầu kết nối. Chẳng hạn việc thương nhau cứ tới sống với nhau “tự nhiên như nhiên”, chả cần cưới hỏi. Hôm trước ông hỏi Hoàng về việc đó, anh ta cười hì hì: “Báo chí người ta thêm mắm dặm muối anh ơi. Tục đó có, nhưng từ hồi xưa lơ xưa lắc, và chỉ ở những gia đình ngư dân quá nghèo. Bây giờ đám cưới ở đây cũng rần rần, đám của mấy ông bà làm to có khi mời tới cỡ năm trăm khách đó anh.”

Thất vọng. Thất vọng cực kỳ. Nhưng ông còn chưa quyết định. Dân ở đảo, bất cứ người nào ông tiếp xúc trong mấy ngày qua, đều quá dễ thương, quá hiền lành chân chất. Mấy cậu lính biên phòng trẻ măng thay nhau tới uống nước  trong cái quán cà phê ông thường ghé mỗi chiều cũng rất dễ thương. Cái đảo nhỏ này còn một cái hay là khi quăng đại chiếc xe ở chỗ nào, nó vẫn nằm y nguyên ngay chỗ đó, chủ nhân tha hồ tung tăng đuổi hoa bắt bướm, không sợ bị chôm mất chiếc xe. Ít ra trên đảo này vẫn còn sót lại đôi chút không khí của “đời thái bình cửa thường bỏ ngõ”![2] Ông chưa rời đảo. Biết đâu sẽ có một sự kiện, một yếu tố nào đó xuất hiện nếu ông ở lại thêm vài hôm nữa, và nó sẽ bắc cầu ngang qua cái khoảng cách đáng sợ này.

Gió bắt đầu hây hẩy, đùa những lớp sóng ập vào bờ. Cành lá trên đầu và quanh ông lao xao nhè nhẹ. Ông chợt thấy mỏi mắt vì nhìn ra mặt biển sáng chói quá lâu. Ông nhắm mắt lại, rơi từ từ vào một cõi mơ màng giữa thức và ngủ, trong tiếng rì rào của sóng và gió. 

Lẫn trong tiếng lao xao sóng gió êm ru có âm thanh gì đó, ngày càng lớn dần, ngày càng tới gần hơn. Ông thoát khỏi giấc ngủ chập chờn, nhưng vẫn chưa mở mắt, lắng nghe. Tiếng ngâm thơ hay đọc vè gì đó, giọng con gái còn nhỏ, nghe thật kỳ cục, thật khó nghe rõ câu từ, chẳng khác gì những tiếng chim líu lo vô nghĩa, nhưng lạ ghê, nó cũng êm ru như tiếng sóng, cũng ngọt ngào trong vắt không khác tiếng chim. Ông vẫn nhắm mắt. Nghe thêm lúc nữa, cho tới khi giọng hát ru như tiếng hát thiên thần đó dừng lại, không tiến xa thêm, cách cái võng ông nằm chừng ba bốn mét. Dần dần, ông cũng xác định được nghĩa của những tiếng ngâm nga (Người kể chuyện xin ghi lại theo đúng mặt từ, chứ ghi lại theo đúng phát âm địa phương thì rất khác.):

“Hay xướng hay hát là con nàng đàn
  Đi chạy cho mau là con đuối ngựa
              Chở lương vô cửa là con nóc bầu
  Không biết nơi đâu là con lõng chõng
  Ăn trên ngọn sóng là con cá mòi
  Hát hố mà coi là con cá hố
              Lên cây lót ổ là con cá chim
  Ở tại trôn kim là con liệt chỉ
  Hay đi làm đĩ là con cá dìa
  Bề nọ bề kia là con cá đối
             Hay sáng hay tối là con chớp đèn…”[3]

Nghe tới đây ông mở mắt ra.
            Trước mắt ông, một con nhỏ đen thủi đen thui như người dân tộc, trạc mười lăm mười sáu tuổi đang tiếp tục ngâm nga. Hết câu kế tiếp, nó ngừng lại, nhoẻn miệng cười với ông. Hai hàm răng trắng bóc đều tăm tắp thiệt là tương phản với nước da trên gương mặt. Nhìn kỹ lại, nó cũng xinh gái lắm. Giá như nó trắng trẻo, và mái tóc cháy nắng hoe vàng rối bù ló ra bên dưới cái nón rơm rộng vành óng ả mượt mà hơn, chắc chắn người ta có thể gọi nó là một thiếu nữ đẹp.

          Ông ngồi thẳng lên, mỉm cười đáp lễ, rồi hỏi:
          “Cái bài cháu vừa đọc là bài gì vậy?”
          “Dạ, kêu là Vè con cá.”
          “Cháu có thuộc hết bài không?”
          “Dạ thuộc. Còn nhiều bài khác nữa.”

Ông ngoắc nó, ra hiệu tới gần hơn, rồi rời võng, ngồi xệp xuống cỏ. Ông nhìn quanh, nhận thấy có bốn năm con bò lớn có nhỏ có đang gặm cỏ gần đó. Khi nó tới gần và cũng ngồi xệp xuống bên cạnh, ông hỏi tiếp:
           “Cháu đi chăn mấy con bò này phải không?”
           “Dạ.”
           “Cháu còn đang tuổi ăn tuổi học, sao không đi học mà lại đi chăn bò vậy. Hồi trước lúc chăn bò cháu có đi học không, đến lớp mấy rồi?”
            “Lớp sáu thưa ông. Cháu phải nghỉ học để phụ mẹ nuôi em. Cha cháu đi biển bị bão chết mất xác. Cháu còn ba đứa em nữa.”

Ông nói gì nó nghe là hiểu ngay. Nhưng những câu trả lời của nó ông phải vừa nghe vừa đoán. Nghe câu trả lời cuối của nó, ông thôi không hỏi nữa, bụng thấy bùi ngùi. Hèn chi mà phải đi chăn bò. Hèn chi mà đen thủi đen thui như một cô em mọi nhỏ. Ông chợt nhớ tới Em Mọi nhỏ của ông Bùi Giáng và lẩm nhẩm thầm trong đầu mấy câu thơ loáng thoáng:
             “Mọi là Em Mọi sơ xuân
              Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh
              Giữa đêm sa mạc biên thành
             Mọi reo cung bậc cầm canh rú rừng.”[4]

Ông nhìn ra biển. Rồi quay lại nhìn nó. Nét mặt của nó vẫn bình thường, không có vẻ gì buồn rầu hay đau khổ khi nhắc tới người cha chết đắm giữa biển khơi hay tình cảnh nghèo khổ hiện tại. Có lẽ nỗi đau đã chai sạn. Nhưng cầu mong tâm hồn cháu đừng chai sạn. Mọi nhỏ ơi!
            Nó lại nhoẻn cười khoe hai hàm răng đẹp. Và lần này, người bị hỏi là ông:
           “Ông ra đảo làm chi vậy ông? Cháu gặp ông chạy xe trên đường hoài hà. Nhìn ông không giống mấy người du khách… Nhìn ông lạ hung!...”

            Ông nhớ ra hình như có vài lần gặp nó và đàn bò đang đi trên đường, nhưng lúc đó ông không để ý. Ông nhướng mắt, tính hỏi nó dựa vào đâu mà nhận xét như thế, nhưng chưa kịp mở miệng thì nó nói tiếp:
           “Du khách không ai ra đảo một mình như ông. Họ cũng không xách xe chạy tới chạy lui trên đảo miết như ông. Họ ra biển chơi hay vào quán ăn uống.”

Nó hướng về phía cái laptop của ông, chớp mắt vài ba cái liên tục, rồi nói quả quyết:
            “Ông là nhà báo. Ông ra đảo để viết bài cho báo. Hay… ông là nhà khoa học. Lâu lâu cũng có mấy ông bà nhà khoa học ra đảo để nghiên cứu gì đó. Nhưng họ thường đi thành đoàn ba bốn người. Không ai đi một mình như ông.”

Ông bật cười nhìn nó hồi lâu không đáp, nghĩ bụng, con bé này rất thông minh. Nó có vẻ mắc cỡ trước ánh mắt của ông, đưa tay lên vuốt vuốt mấy chùm tóc lòa xòa, rồi lặp lại câu hỏi:
            “Ông ra đảo làm chi?”
            “Tôi là nhà văn,” ông nhăn mặt, sực nhớ lâu lắm rồi mình không viết thêm được gì, “hay gần gần như thế, cháu có biết nhà văn là gì không?”
            “Biết chứ, nhà văn là người viết ra những bài trong sách Môn Văn,” nó đáp ngay tắp lự. “Cháu thuộc nhiều thứ trong sách Môn Văn lắm đó ông. Cháu nhớ dai lắm. Với cháu biết nhiều bài vè giống bài hồi nãy. Hồi bà cháu còn sống bà cứ đọc cho cháu nghe miết, nên cháu thuộc hồi nào không hay.”
            “Cháu đọc cho tôi ghi lại bài vè lúc nãy được không?”
             “Dạ.”

Ông mở máy, khởi động. Rồi gõ lại toàn bộ bài vè theo lời đọc của nó. Đợi cho ông viết xong câu cuối, nó đứng lên gật đầu chào ông:
           “Cháu chào ông. Cháu phải lùa đàn bò tới chỗ khác. Cỏ chỗ này hết rồi. Nếu ông vẫn ra ngồi ở chỗ này thì phải tuần sau, cỏ mọc lại, cháu mới đưa bò tới gặm. Ông còn ở đảo lâu không?”

Ông nhíu mày suy nghĩ. Ông cũng chưa biết mình sẽ ở lại đảo bao lâu. Nhưng những tư liệu cần thiết để viết tiếp hay viết lại cuốn truyện dở dang ông đã thu thập hầu như đầy đủ. Có lẽ chỉ chờ cảm hứng tới là bắt tay vào việc. Khác với hầu hết những cây bút ông quen biết, ông chỉ viết được khi có hứng. Ông ngần ngừ, rồi hỏi con bé:
            “Cháu chăn bò vầy mỗi tháng được bao nhiêu tiền công?”
            “Dạ, tám trăm ngàn.”

Ông nhìn nó thật lâu lần nữa. Nỗi xót xa bùi ngùi lại dâng lên. Tám trăm ngàn, chưa đủ một chầu nhậu trung bình của ông với đám bạn bè mỗi khi lãnh được tiền công dịch một cuốn sách tương đối dày chút đỉnh. Thương lắm, Em Mọi nhỏ ơi! Nhưng tôi cũng chỉ là một gã nghèo, tiền vào túi rồi bay khỏi túi nhanh hơn gió thổi qua lỗ trống.
            Con bé lại mỉm cười, đưa tay vuốt tóc, có vẻ do dự, rồi nói luôn một lèo:
            “Hôm nào ông rảnh, ông viết cho cháu một bài văn được không ông? Giống như mấy bài văn trong sách Môn Văn, rồi gửi ra cho cháu đọc. Cháu thích đọc lắm. Được không ông?

Ông chợt thấy cổ họng hơi nghẹn. Ông gật gật đầu, tằng hắng mấy cái cho trôi cơn xúc động và nói:
             “Tôi hứa sẽ gửi ra cho cháu một bài. Tôi hứa.”

Ông sực nhớ ra, tình tiết này sao y chang như tình tiết trong truyện ngắn For Esmé With Love and Squalor (Cho Esmé, với tình yêu và nỗi khốn cùng) của nhà văn Mỹ J.D. Salinger mà ông dịch cách nay đã lâu. Cô bé Esmé trong truyện đó cũng đề nghị nhà văn, vừa là nhân vật chính trong câu chuyện, viết cho mình một truyện ngắn. Ông chớp mắt, lặp lại:
             “Tôi sẽ viết và gửi ra cho cháu.”

Con bé gật đầu lần nữa chào ông. Rồi bước nhanh về phía đàn bò, tay vung vẩy chiếc roi. Tiếng ngâm nga lại cất lên, trong trẻo như tiếng hát thiên thần:
             “Ăn cây ăn cỏ là con cá bò
               Thức dậy ó o là con cá gáy…”

Ông đứng nhìn theo. Dáng nhỏ bé của nó khuất hẳn sau khúc quanh của con đường nhựa lên mé Bắc đảo nhưng giọng đọc vè vẫn còn văng vẳng. Ông dậm chân, nhớ ra mình đã quên không hỏi tên của nó.
             Biển ngày càng xanh dưới nắng hè rực rỡ. Mùi lá dương rất nhẹ, thoang thoảng đâu đây.

***

Hai hôm sau, ông từ giã đảo. Đêm hôm trước khi đi, ông ra quán cà phê quen lai rai vài chai bia với người chủ quán. Nói chuyện bâng quơ một hồi, ông hỏi ông Đông, chủ quán:
             “Anh có biết một con nhỏ chăn bò, chừng mười lăm mười sáu tuổi, đen như mọi nhưng xinh gái lắm?”
             “À, con Mận. Tội nghiệp con nhỏ lắm. Ba nó đi biển bị trận bão năm 2008, tàu bị sóng đánh chìm, ngư dân trên tàu được tàu khác vớt, nhưng ba nó và hai người nữa trôi mất. Nó còn ba đứa em, đứa út mới sáu bảy tuổi. Má nó chạy xấc bấc xang bang mà không lo nổi cho đàn con nên nó phải nghỉ học đi chăn bò.”
             “Nó nghỉ học thiệt uổng lắm anh Đông à, tôi thấy nó rất thông minh. Hồi xưa anh là trưởng công an xã, anh có quan hệ rộng, có thể nào có tiếng nói để ủy ban xã và ủy ban huyện đảo xem xét giúp đỡ cho gia đình nó hay không.”
             “Người nghèo trên đảo đâu có ít, tuy một số dân đã giàu lên nhờ làm ăn chí thú. Ở đâu cũng có kẻ giàu người nghèo anh ạ. Tôi và một số cán bộ cũng có bàn bạc vụ này với các cấp chính quyền hồi còn tại chức, và cũng có trợ cấp của địa phương, nhưng không đủ vào đâu. Đành chịu vậy.”

Cả hai người đàn ông lặng lẽ đưa ly bia lên miệng. Bia chợt đắng hơn thường lệ. Tiếng sóng vỗ chợt nổi lên ầm ào. Gió lớn. Mấy tàu dừa lắc lư qua lại trên đầu họ. Ông ngẫm nghĩ về những chi tiết lịch sử của hòn đảo nhỏ này. Sự tích của công chúa Bàn Tranh cùng một trăm tùy tùng nam nữ đã đặt chân ra đảo, hồi sinh cho hòn đảo hoang sơ. Sự tích của thầy Nại, một nhà địa lý và danh y người Hoa đã cứu giúp dân nghèo trên đảo. Sự tích của những vạn chài thờ cúng các “Nam Hải đại vương”, những cá voi cứu trợ ngư dân khi còn sống và phù trợ họ khi đã chết. Huyền thoại và truyền thuyết đan dệt vào thực tế cuộc sống. Và cuộc sống nhiều khi còn bí ẩn, bi hùng, ẩn chứa những diệu kỳ hơn cả huyền thoại. Cuộc sống vẫn chảy trôi như những dòng hải lưu cuồn cuộn, tiếp tục sinh sôi nảy nở. Lớp người này kế tục lớp khác trên những hòn đảo khơi xa. Biết bao nhiêu ngư dân đã bỏ mình trên biển. Biết bao phụ nữ đã trở thành quả phụ. Biết bao trẻ thơ đã trở thành trẻ mồ côi. Nhưng biển, đảo, và cư dân nước Việt sẽ mãi còn đó, âm thầm, lặng lẽ nhưng với sức sống miên man không dứt trước mọi thiên tai địch họa.
              Ông đưa tay ra, nắm lấy bàn tay của ông Đông đang đặt trên bàn.
             “Tôi có việc nhỏ này nhờ anh giúp giùm. Tôi còn một ít tiền, biết là chẳng đáng vào đâu, nhưng đỡ được lúc nào hay lúc đó. Anh chuyển giùm số tiền này cho má của con bé Mận. Tôi rất cám ơn anh.”

Ông Đông gật đầu, đưa bàn tay còn lại úp lên tay của ông. Hai người nâng ly nốc cạn khúc cuối cùng. Bia đã bớt đắng hơn hồi nãy.

***

            Sáng hôm sau, trước giờ lên tàu khoảng một tiếng, ông trả phòng, thanh toán tiền ăn ở cho hai vợ chồng Hoàng và xách xe chạy một vòng trên con đường băng dọc đảo. Mặt trời thật sự còn chìm dưới chân trời, nhưng ánh hồng đã rạng rỡ loang ra trên mặt biển. Hàng dương ở vịnh Triều Dương nghiêng ngã trong cơn gió sớm mai. Ông rất mong, rất hy vọng trông thấy cái bóng bé nhỏ lủi thủi trên con đường sau mấy con bò. Nhưng con đường vắng ngắt. Ông chạy qua chạy lại khu vực hàng dương hai lần, rồi sực nhớ con bé đã bảo sẽ lùa bò đi kiếm cỏ ở chỗ khác. Ông dừng xe, đưa mắt nhìn ra biển. Sóng cồn cào đập mạnh vào bãi cát, báo hiệu một ngày biển động nhẹ. Ông đưa tay lên, vẫy chào biển xanh, vẫy chào hàng dương, thì thầm trong tiếng gió vi vu và tiếng sóng: Em Mọi nhỏ của tôi. Mong sao cháu sẽ nên người. Và tôi sẽ viết cho cháu, cho tôi. Tôi hứa.

04/2012-11/2015
Nguyễn Thành Nhân























[1] Chữ của nhà thơ Bùi Giáng.
[2] Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ.
[3] Trích “Vè con cá”, tác giả sưu tầm được tại xã Tam Thanh, Phú Quý.
[4] Trích bài thơ Mọi em em Mọi của nhà thơ Bùi Giáng.