Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

VỀ


về soi bóng mình chiều vương lụa trắng
về ôm tiếng lòng ngày tháng hư hao
về nghe lá thầm gọi tên dĩ vãng
về thắp lửa hồng đêm lạc ngàn sao

ơi mênh mông
đâu những lòng
em xưa và đường ngập lá
cho heo may
ôm dáng gầy
trôi xa... trôi theo cơn mơ

đàn ơi có còn từng đêm gọi gió
đàn u oán gì một khúc thương ca
đàn gieo nỗi niềm trời nghiêng mắt đỏ
đàn buông tiếng trầm cho nặng lòng ta

2005

Mời bạn click vào đây để nghe nhạc: VỀ
Nhạc và hòa âm: Vũ Thế Dũng
Trình bày: Thùy An


Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

NHÓC, ĐIỆU VÀ CÚ - CHƯƠNG II



II. NHÓC BỊ BẮT CÓC


Chàng buồn lắm. Công việc cuối năm trước hứa hẹn đầy tốt đẹp giờ đã đổ vỡ. Hai cuốn sách dịch đã được một biên tập viên của nhà xuất bản X hứa sẽ đưa vào kế hoạch in vào quý một năm nay bị hủy vì bộ phận phát hành nhận định khó phát hành. Một cuốn khác, cộng tác với một đơn vị khác cũng gặp trục trặc, không thể sớm ra theo dự tính của chàng. Cuốn tiểu thuyết chàng đang viết giữa chừng chợt bí rị, nhân vật ngọ ngoạy đòi thoát khỏi ý đồ sáng tác. Chàng cũng muốn cho họ tự tung tự tác theo cá tính chính chàng đã tạo nên cho họ hồi đầu. Nhưng nếu như vậy, cuốn truyện này rồi cũng sẽ chẳng nhà xuất bản nào dám nhận, và thế là chấm hết. Phải làm sao?

Chàng chán nản vô cùng. Khoảng hai tháng gần đây bỗng dưng chàng hăng hái hoạt động trên làng phây ở mức độ thật sự quá đáng. Chàng thầm mong có một ý tưởng gì đó, một sự kiện gì đó kéo chàng ra khỏi tình thế lưỡng nan. Và rất tình cờ, chàng để ý tới một nick name. Một con bé, tuổi còn nhỏ xíu, theo chính những gì tự cô ta đưa lên status của mình, nhưng lại có những ý tưởng thật lạ lùng và quá tầm của một cô bé mười lăm. Đôi khi chàng tự hỏi, phải chăng có sự đùa dai nào đó. Có lẽ một người lớn nào đó đã nổi máu hận đời nên giả danh làm con nít để chọc ghẹo phá phách cho vui? Nhưng những ý nghĩ hiếu kỳ đó nhanh chóng nhường chỗ cho những ưu tư phiền muộn và những ý tưởng rối bời chọi nhau còn hơn cả hai con trâu nổi máu điên trong đầu óc của chàng. Liên miên. Thường xuyên. Mọi lúc…

Và lại tình cờ, trong một lúc buồn chán quá, chàng lò mò vào trang của cô bé nọ, truy tìm tất cả, đọc lại tất cả những gì cô đưa lên mạng từ đầu. Và chàng vô cùng bỡ ngỡ. Một con người khác, hình như thật hơn, bắt đầu hiện ra trước đầu óc giàu tưởng tượng của chàng như một con người bằng xương bằng thịt. Tâm hồn chàng bỗng dưng xáo động. Trái tim chàng hình như có chút gì đó đổi thay. Một trái tim đóng băng lạnh cóng từ rất lâu hình như bắt đầu đập những nhịp dồn dập hơn, bất thường hơn…. Yêu thì không phải! Bao nhiêu lần chàng lắc đầu tự phủ nhận. Thật lố bịch buồn cười nếu chàng lại yêu vào cái tuổi này, vào thời điểm mọi thứ tốt đẹp dường như đóng sập cửa lại trước mặt chàng. Trước mặt chàng bây giờ chỉ một màu u ám. Sao trái tim lạnh giá của chàng nỡ lòng làm khổ chàng thêm. No way, man! Cậu đừng điên nữa…

Đêm qua chàng say lăn lóc, say cái gì thì thật sự chính chàng cũng không biết rõ. Gần trưa hôm sau, khi chàng bừng tỉnh khỏi giấc mệt nhoài, điều đầu tiên chàng biết là tim chàng đập mạnh, mồ hôi túa ra. Trong đầu chàng chợt hiện lên một màn hình. Trên màn hình ghi mấy chữ: "Bị dơi bắt. Cứu với!"

Chàng hốt hoảng. Đây là lần đầu tiên chàng nhận được một thông điệp kiểu này của Nhóc. Chàng không muốn tin, nhưng không tin cũng không được. Mười lăm phút một lần, màn hình trong đầu chàng lại nhấp nháy, dòng chữ lại hiện lên.

Chàng ôm đầu suy nghĩ. Sao lại bị con dơi nào bắt chứ? Sao chuyện này có thể xảy ra với một tiểu yêu tinh đã sống một trăm mười một năm và chỉ có trêu ghẹo phá phách kẻ khác chứ chưa từng bị ai bắt nạt nổi? Sao vậy?... Chàng chợt giật mình. Chàng nhớ tới đêm qua. Chàng đã làm ngơ người bạn thân thiết nhất của chàng để đắm mình vào những mơ màng lãng mạn... Chắc là cô bé đã giận chàng đến nỗi không còn lý trí. Đã bay đi rong ruổi giữa trời đêm đầy hiểm nguy chăng kín mà quên mất việc tàng hình. Tất cả là lỗi của chàng! TẤT CẢ CHÍNH LÀ LỖI CỦA CHÀNG!

Chàng muốn khóc nhưng nước mắt của chàng đã cạn từ lâu. Chàng không biết phải làm sao. Chàng ngồi ủ rũ, suy nghĩ mãi rồi đưa lời cầu cứu lên Facebook:

NHÓC BỊ BẮT CÓC TỐI QUA! Khi thức dậy lúc 9:24 AM, tôi nhận được tin nhắn khẩn qua đường telepathy (ngoại cảm) từ Nhóc: "Bị một con dơi bắt! Cứu với!".... và chỉ có thế. Ai có được thông tin gì về Nhóc, xin nhắn tin cho tôi qua facekook hoặc gọi dt số 090xxxxxxxx. Xin cám ơn và hậu tạ!

Đời quả là khốn nạn! Người đời càng là một lũ chỉ đáng bắn bỏ bằng đạn 12.7 ly. Giá mà chàng vẫn còn một khẩu 12.7 ly trong tay, chàng sẽ xả trọn một thùng vào cái cuộc đời hình như lúc nào cũng chơi xấu với chàng. Chàng chờ mãi, chờ mãi, ruột gan nóng như thiêu đốt. Tin lành tin dữ đều chẳng có. Mọi người chết hết rồi sao? Sao status của chàng đưa lên thống thiết như vậy người ta có thể coi là một trò đùa cợt? Chàng đang ở giữa Sài Thành mà như đang ở giữa một hành tinh chỉ toàn cát đá. Ơi những người bạn tôi cần, dù chỉ một lời an ủi. Bạn đã biến đi đâu?

Chàng ngồi hoài rồi quyết định sẽ tự đi tìm Nhóc. Nhưng chàng sực nhớ ra mình đang đói bụng. Đêm qua chàng không ăn chút gì, chỉ toàn nhai những nhớ nhung.... Chàng bò xuống gác, lục nồi cơm nguội....

No nê... chàng lại thấy buồn ngủ. Nhóc ơi, tha lỗi cho tôi. Tôi không thể tìm em, cứu em trong tình trạng đầu óc mông muội như vầy.

Chàng lăn đùng xuống tấm chiếu.

Chàng mơ một giấc mơ kinh khủng. Nhóc bị một lũ dơi đem ra làm mồi nhậu. Bọn dơi thèm nhất là thịt của tiểu hoa tinh. Chúng tin, hệt như lũ yêu trong Tây du ký tin, rằng nếu con dơi nào nhá được một miếng thịt tiểu hoa tinh, con dơi ấy sẽ trở thành bất tử.

Chàng mở thật to mắt. Nhưng tay chân chàng bất động, không sao cựa quậy được. Họ nhà dơi đang nhảy điệu nhạc Mừng thịt mới man rợ quanh cô bé tiểu hoa tinh yêu quí nhất đời chàng. Chàng vùng vẫy. Một gã dơi già có chòm râu mép tiến tới gần Nhóc. Tay lăm lăm một mũi dao găm. Tiếng trống nổi lên. Mắt của gã dơi già đỏ ké.... Nhóc nhắm tịt mắt lại. Nước mắt rơi... từng giọt, từng giọt.... Tim chàng như muốn chảy tan thành nước.

Nhịp trống vẫn ầm ì. Thôi thúc! Khát khao! Đòi máu đổ.... Những hoang tưởng của một đám dơi dã man hung bạo. Chúng sắp ăn thịt Nhóc của chàng rồi....

Chàng bừng tỉnh. Điện thoại đang reo. Bên kia máy, tiếng của một đứa em: "Anh ở đâu? Em mới dìa thành phố...."

Chàng âu sầu xách xe tới điểm hẹn. Lòng chàng rối bời.... Nhóc, Nhóc ở nơi đâu?....

                                                                             ***

Nhóc đang bị cột vào một cọng lá dừa, trong một ổ dơi muỗi trên một cây dừa. Nó đang buồn và lo lắng. Không biết bọn dơi này sẽ làm gì nó đây? Mái tóc của nó đẫm mồ hôi, là thứ mà nó chưa hề biết tới trong suốt một trăm mười một năm cuộc đời của nó. Những lọn tóc bệt lại, phủ đầy bụi do những con dơi đang treo mình bên trên cựa quậy làm rơi xuống. Đang là ban ngày. Gần giữa trưa. Và lũ dơi luôn ngủ vào ban ngày. Nó sẽ phải chờ cho tới đêm đến, để biết thật ra chúng muốn gì ở nó. Hôm qua, con dơi già bắt nó chỉ nói với nó một câu duy nhất:

- Đừng sợ, bé xinh đẹp, ta sẽ không làm hại cô đâu.

- Ông định làm gì tôi?

Con dơi già nhếch miệng cười nhưng lặng im không đáp. Nhóc hỏi lại lần nữa:

- Ông định làm gì tôi?

Câu trả lời vẫn là sự im lặng. Con dơi dùng mấy sợi tơ bẹ dừa cột Nhóc vào một nhánh lá, rồi lại tung cánh bay đi tìm mồi. Sau đó cả đàn dơi lần lượt trở về hang ổ lúc trời gần sáng. Và chúng cứ lặng thinh một cách bí ẩn trước những câu hỏi của Nhóc. Cuối cùng, hình như thấy thương hại nó, một con dơi trẻ tới sát nó và nói rất khẽ:
- Đừng lo, chúng tôi chỉ muốn nhờ cô làm giúp một chuyện này. Đừng hỏi nữa.

Nhóc cố xoay đầu nhìn xuống dưới. Những cọng lá dừa che khuất mất tầm mắt nó. Toàn một màu xanh. Hôm qua, nó đã gửi tin nhắn cho Cú. Nhưng giờ đó chàng đang ngủ. Tin chỉ được kích hoạt khi chàng thức giấc. Giờ thì chàng đã biết nó bị bắt rồi. Nhưng làm sao chàng có thể tìm ra nó! Phải chờ thôi.

Nhóc hít một hơi dài. Nó đã chẳng bị bắt nếu hôm qua nó tàng hình trong lúc bay như thường lệ. Nhưng hôm qua nó ở trong một tâm trạng không vui khi tới nhà chàng chỉ để bắt gặp chàng ngồi mải mê đọc thứ gì đó trên màn hình máy tính. Chàng thậm chí không thèm để mắt tới nó một lần trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Sau cùng nó giận dỗi bỏ đi. Và quên mất việc tàng hình khi bay. Bình tĩnh đi, cô bé! Việc gì đến sẽ đến, và chắc mọi sự cũng không đến nỗi nào đâu, nó tự nhủ. Đầu óc lạc quan và vô tư lự của loài tiểu hoa tinh giúp nó kềm được nỗi buồn và lo lắng. Và nó cất tiếng réo chào một con bướm từ xa bên dưới…


Đêm. Chàng ngồi trước màn hình. Thấy vô cùng trống vắng.

Lần đầu tiên sau khi quen Nhóc chàng cảm thấy thật sự lẻ loi. Đám thằn lằn là những bạn cũ thân thiết cùng chia sẻ những đêm dài cô tịch với chàng trước khi Nhóc tới. Chàng đã thương yêu chúng, và vẫn còn thương yêu chúng, chỉ có điều ít để ý tới chúng hơn từ khi có Nhóc làm bạn. Chúng vẫn đang hiện diện trên tường. Nhưng chúng chỉ là những người bạn vô tri, luôn im thin thít trừ những tiếng tắc lưỡi buồn buồn. Thậm chí không biết chúng có thèm để ý tới sự hiện diện của chàng chăng nữa. Dù sao, chàng cũng thầm cám ơn chúng. Và chúng đã trở thành bất tử khi được chàng đưa vào một bài thơ, rồi bài thơ ấy lại được một anh bạn nhạc sĩ của chàng phổ nhạc:

“Đêm…/những con thằn lằn tắc lưỡi/gọi về thời gian mốc meo trong trí nhớ mòn…./…những con thằn lằn hát khúc hoan ca/bức tranh xưa mỉm nụ cười La Joconde nhìn tôi… (Ngụ ngôn của loài bò sát) [1]

“Tụi mày có biết giờ này Nhóc ở đâu không?” Chàng ngẩng đầu lên, lớn tiếng hỏi hai con thằn lằn đang thò đầu ra khỏi tấm các tông mà chàng từng quẹt lên đó những nét cọ điên rồ.

Dĩ nhiên là không có lời đáp. Một con xoay đầu chậm rãi về hướng trần nhà, đuôi nhỏng lên, phụt ra một bãi phân bé xíu.

Chàng bật thốt một tiếng chửi thề thô lỗ, rồi mệt mỏi cầm lấy gói thuốc bước ra ban công. Căn gác của chàng nhỏ xíu và nóng hầm hập vào những ngày mùa nắng, nhưng chàng vẫn thương yêu nó, vẫn thích nó hơn là ở dưới nhà. Vì ở đây dù sao cũng có một cái ban công nho nhỏ, cho phép chàng bước ra hít vài hơi không khí đêm trong mát và nhìn về phía những vì sao. Chàng cảm thấy gần với bầu trời và những vì sao hơn khi ở trên gác dù nó chỉ cách mặt đất có ba mét rưỡi. Cảm giác vẫn là cảm giác, và chàng thích thế.

Đêm oi bức. Không một làn gió thoảng. Chùm chuông gió trước cửa rủ xuống buồn tênh, câm lặng. Chàng đặt tay lên hàng lan can sắt, ngẩng đầu nhìn về phía sao Hỏa. Ngôi sao đỏ xa mờ mà chàng đã mến yêu từ khi đọc truyện Công chúa Hỏa tinh của Edgar Burroughs cứ nhấp nha nhấp nháy, như thể muốn trò chuyện với chàng… Mi có thông điệp gì muốn gửi ta chăng, sao Hỏa?

Chàng gắn một điếu thuốc lên môi. Tâm hồn thả trôi về một ngày xa xưa nào đó, cách nay chừng độ năm năm…

Không nhớ đêm đó xảy ra sự kiện gì, nhưng chàng vui vẻ hơn thường lệ. Chàng về nhà hơi khuya nhưng chưa buồn ngủ, cũng chưa say đến mức để lăn quay ra làm một giấc. Chàng mở máy lên, huýt sáo vang lừng. Viết một bản tình ca, chàng nghĩ. Chàng mở phần mềm encore, nhẫm lại giai điệu ngẫu hứng lúc nãy. Viết ca khúc, có khi dựa vào lời sẵn có, nhưng khi ấy giai điệu khó mà bay bổng; cũng có khi giai điệu đu đưa trong tâm trí, và chàng đón bắt giai điệu ấy, chỉ bổ sung những ngôn từ khi bản nhạc đã tương đối hình thành. Chàng vừa huýt sáo nho nhỏ, vừa ghi lại những nốt trên bản nhạc. Chợt có một âm thanh gì đó du dương lọt vào tai chàng, vừa xa vừa gần, vừa như nhạc, vừa như gió thoảng ngoài song. Chàng lắc đầu, nghĩ thầm, Bữa nay lỗ tai mình có vấn đề rồi! Chàng lại tập trung vào bản nhạc đang hình thành trong tâm trí. Nhưng giai điệu lạ lùng đến từ phía ngoài một lần nữa tiến hành cuộc xâm lăng. Chàng ngưng tay. Chàng ngồi thật im lìm. Hai tai dỏng lên….

Thật sự đang có một tiếng hát véo von, rất khẽ, nhưng rất trong, đang khi xa khi gần đổ xuống tai chàng.

Mai xa rừng rồi/ có nhớ tinh khôi/ nhớ mùi chồi biếc/ nhớ mùi chồn hôi…
…Mai xa núi đỏ/ có nhớ trăng nghiêng/ nhớ nguồn suối đó/ nhớ làn sương mềm…

Tiếng hát này có thật. Không phải ảo giác của chàng.

Rồi nó bỗng dưng im bặt. Một hình ảnh từ từ hiện lên trước mắt chàng. Chàng nhìn, trân trân, không tin vào chính mình. Chàng dụi mắt. Nhắm mắt lại. Mở ra.

Hình ảnh đó không biến đi như chàng nghĩ. Một cô bé, nếu có thể gọi là cô bé, cao cỡ một ngón tay út, đang ngồi vắt vẻo trên đầu màn hình, cười toe toét nhìn chàng.

Hình ảnh này có dáng hình của một bé gái chừng tám tuổi. Nhưng sau lưng nó lại có một đôi cánh mỏng như cánh chuồn chuồn. Mái tóc xoăn nâu nhạt xõa dài. Gương mặt be bé xinh xắn như một bông mai trắng.

Hình ảnh cất tiếng, âm thanh rất khẽ, rất trong, như tiếng một ngón tay khẻ gãy vào sợi dây đàn số 1, nhưng cũng rất rõ ràng:

- Ông có biết bài hát này không?

Chàng ngơ ngác lắc đầu. Chàng đưa tay lên, tự véo lỗ tai mình. Đau! Chàng chớp mắt ba lần. Chàng nhắm mắt lại và mở ra lần nữa… Hình ảnh ấy vẫn y nguyên. Và đôi môi nhỏ xíu đang hé một nụ cười tuyệt diệu với chàng.

Chàng ú ớ hỏi:

- Mi là ai? Quỷ sứ?... Yêu tinh?... Hồ ly tinh?... Đừng có chọc ta. Ta…

- Em là Tiểu hoa tinh. Ông có biết bài hát đó không?

Chàng trừng mắt. Hình ảnh, hay gọi nhẹ nhàng hơn, con nhỏ yêu ma tí hon vẫn cười cợt nhìn chàng. Đôi cánh nhỏ khẽ vung vẫy. Nhưng trông nó không chút gì đáng sợ. Nó xinh đẹp lắm, hiền dịu lắm, vẫn đang mỉm cười tươi tắn. Những lọn tóc xoăn nhỏ xíu lất phất bay khi cái quạt máy cũ kỹ của chàng quay sang phía nó. Chàng hít một hơi thật sâu. Từ từ thở ra. Hít một hơi khác. Chàng lặp lại bài học để lấy bình tĩnh của một thời. Và rốt cuộc chàng bình tĩnh lại, thật sự. Ngạc nhiên vẫn còn, nhưng chàng chấp nhận. Chàng biết đây là sự thật, không phải ảo giác cũng không phải men bia. Con bé vẫn đăm đắm nhìn chàng. Môi he hé nụ cười, có chút lém lỉnh, có chút thơ ngây. Chàng cất tiếng:

- Đây là một khúc hát của tôi mà. Sao…

Chàng lưỡng lự. Gọi nó bằng gì? Mày tao thì thô lỗ quá. Nếu hình vóc nó lớn hơn, chàng có thể gọi nó là cháu bé… nhưng ở nó có một vẻ gì đó kỳ lạ quá chừng. Nét mặt một con bé tám tuổi ngây thơ lại hòa lẫn vào vẻ từng trải của một thiếu phụ già đời lão luyện. Cuối cùng, chàng quyết định một danh xưng:

- Tiểu hoa tinh là gì chứ? Tôi sẽ gọi em là Nhóc… Nhóc! Sao em biết khúc ca này? Nó là do tôi viết!

Con bé vẫy cánh bay lên, và vừa bay vòng quanh đầu chàng, nó vừa hát. Giọng rất khẽ, rất trong, nhỏ như tiếng muỗi kêu nhưng rõ ràng từng từ một:

Mai về phố xá/ đừng quên cội tùng/ những chiều gió hú/ âm thầm suối rung
Mai về phố thị/ nhớ lấy mình ơi/ cội nguồn là đấy/ núi cao rừng dày….[I1]

Chàng bực dọc:

- Đây là bài ca của tôi mà, sao em lại biết? Hả Nhóc?

 ...Nhóc, từ giờ trở đi, hình ảnh lạ lùng, cô bé hiện ra như trong mộng, như một tiểu yêu, như một thiên thần… đối với chàng là Nhóc…


 -------------

Chú thích: [1] và [2] Những lời thơ này đã được nhạc sĩ Vũ Thế Dũng, một người anh, người bạn thân quý của tôi phổ nhạc. Mời bạn nghe chơi:
(click vào đây: NGỤ NGÔN CỦA LOÀI BÒ SÁT

(click vào đây:  XA RỪNG 

NHÓC, ĐIỆU VÀ CÚ -CHƯƠNG I -

Tặng những ai đã yêu, đang yêu và sắp yêu






I. NHỮNG NGƯỜI BẠN

NHÓC

Trên cây ngọc lan trong sân của một ngôi chùa nhỏ nọ có một tiểu hoa tinh. Tiểu hoa tinh mang hình dáng của một bé trai hay bé gái chừng tám tuổi tí hon, nhỏ như một con chuồn chuồn và có một đôi cánh mỏng cũng trong suốt như cánh chuồn chuồn, và từ khi ra đời cho tới chết, nó vẫn ở một độ tuổi nhất định như thế về ngoại hình. Theo truyền thuyết, một tiểu hoa tinh có thể sống tới bốn trăm năm. Truyền thuyết cũng kể rằng trên một ngọn núi nọ thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn có một loài cây cổ thụ cứ mỗi bốn trăm năm mới nở hoa một lần, mỗi lần nở bảy bông. Nếu một trong số những bông hoa ấy không rơi xuống đất mà vướng vào một hốc cây, kẻ đá nào đó, nó sẽ khô cứng lại thành đá. Đóa hoa khô nằm đó hấp thụ khí thiêng trời đất đúng bốn trăm năm nữa thì hóa thân thành một tiểu hoa tinh. Loài cây ấy giờ đã tuyệt chủng. Thế nên có lẽ tiểu hoa tinh bé nhỏ của chúng ta cũng là một trong các tiểu hoa tinh thuộc thế hệ cuối cùng của giống loài này. Loài tiểu hoa tinh không có tên, nhưng chàng kiên quyết gọi nó là Nhóc (dù nó cực lực phản đối với lý lẽ vô cùng xác đáng là nó đã một trăm mười một tuổi, già hơn chàng nhiều lắm) nên rốt cuộc nó miễn cưỡng đồng ý. Đổi lại, nó gọi chàng là Cú, vì chàng chuyên sống về đêm như một con cú vọ.

Nhóc chỉ cần chút hơi sương mai là đủ sống được cả tuần, thế nên nó không bận tâm tới việc kiếm ăn. Nó la cà rong chơi với bọn bươm bướm chuồn chuồn suốt ngày, và đêm đến thì bù khú liên hoan với lũ dế mèn, vạc sành trong những cuộc hòa nhạc mê ly. Bọn tiểu hoa tinh chỉ cần ngủ một tiếng mỗi tuần. Thời gian với chúng là để vui chơi tiêu khiển. Suýt chút tôi quên kể thêm, Nhóc, cũng như tất cả các tiểu hoa tinh, có một khả năng siêu việt là biết tàng hình, vì vậy đôi khi nó chợt nổi máu giang hồ, tàng hình bám vào chân một con chim én để làm một chuyến phiêu lưu mạo hiểm, tới một phương trời xa lạ. Nhóc đã tới chỗ ngụ cư của nó hiện giờ cũng theo phương cách đó cách đây mấy chục năm.


Chàng sống cách ngôi chùa chừng trăm mét. Chàng, đại loại là nhà văn hay là cái quái gì đó Nhóc không thèm biết, nhưng do sống ở Sài Gòn mấy chục năm nay, nó cũng có một vốn tri thức kha khá về lũ con người tội nghiệp: Một giống sinh vật phải dành hết phần lớn thời gian cho việc kiếm ăn. Chàng thì khác. Nhóc thấy chàng ít khi ra đường theo giờ giấc nhất định như mọi người. Bình thường chàng thức tới hai ba giờ sáng, ngồi gõ lóc cóc. Lâu lâu đứng dậy vươn vai để đốt một điếu thuốc hay bước ra ban công uốn lưng lộp cộp. Và chàng ngủ tới tận trưa. Lâu lâu Nhóc thấy chàng đóng bộ nghiêm chỉnh, áo bỏ trong thùng, mặt mày tươi tỉnh hơn bình thường chút chút. Ấy là lúc chàng đi ký kết hợp đồng dịch sách hay đi lãnh tiền nhuận bút gì đó. Còn bình thường chàng chỉ xỏ cái quần dài và khoác cái áo thun lên người khi bước khỏi nhà, thường là để tới một cái quán nhậu. Nhưng lúc nào ra khỏi nhà chàng cũng mang giày, dù đó là một đôi giày mọi gần há mõm, và không có vớ. Ở nhà chàng mặc tà lỏn, ở trần suốt bốn mùa. Và chàng không hề có đôi dép nào hết, dù giá một đôi dép chắc chỉ độ hai chai bia. Chàng có thể mua được một chục đôi dép nếu bỏ nhậu một cữ, đó là theo Nhóc nghĩ.

Nhóc không quan tâm mấy tới hoạt động ban ngày của chàng, vì ban ngày nó bận rong chơi. Giá mà cuộc sống vẫn hệt như bốn chục năm về trước, nó chả bao giờ thèm tới với chàng. Ban đêm mới là lúc tiệc tùng liên hoan ca múa tưng bừng vui vẻ nhất. Nhưng giờ thì mọi bạn bè ban đêm của Nhóc đều di tản về nông thôn hết cả rồi, ở những chỗ còn vườn cây đồng ruộng. Nhóc không theo chúng. Nó đã quen mùi phố thị. Dù mùi bây giờ tệ hơn, rất tệ hơn thứ mùi xưa.

 Vì không có bạn bè, ban đêm Nhóc bay vơ vẩn chỗ này chỗ khác. Cũng thường bắt gặp những chuyện vui vui thú vị. Và một hôm nọ nó tình cờ bay ngang cửa sổ phòng chàng. Nó ngạc nhiên vì giờ đó đã hơn nửa đêm mà chàng cứ tỉnh bơ rít thuốc, đôi mắt mơ màng. Nó bay vào vì trông chàng hiền lành, ngồ ngộ, và hứa hẹn sẽ mang tới cho nó nhiều trò chơi mới. Từ đó, nó coi chàng là bạn.

Nó tới thăm chàng, tàng hình bay vòng vòng căn phòng trong lúc chàng làm việc, lâu lâu tới gần búng lỗ tai chàng một cái cho chàng giật mình chơi. Chàng cũng lẹ tay lắm. Có lần suýt nữa nó đã bị chàng đập cho một phát bẹp dí. Nhưng nó biết tỏng của chàng rồi, lúc chàng đang cầm điếu thuốc trên tay, phản ứng của chàng chậm hẳn. Và dĩ nhiên nó chỉ tranh thủ lúc ấy để ghẹo chàng. Đó là kể lại chuyện hồi nó mới biết chàng, chưa muốn xuất đầu lộ diện, còn bây giờ nó và chàng đã là bạn chí cốt với nhau rồi. Chàng khoái xòe bàn tay ra cho nó đậu lên và phà khói thuốc vào nó, bảo rằng khói thuốc khiến nó trông xinh hẳn ra, mờ mờ nhân ảnh, lãng mạn hơn lên. Vì nó là một nữ tiểu hoa tinh…

 ĐIỆU

 Không phải đêm nào nó cũng tới thăm chàng. Có những hôm chàng rượu chè be bét từ trưa tới tối và nằm ngay đơ như khúc gỗ khi nó ghé nhà. Nó chán nản bay đi. Tìm một nơi thú vị khác để qua đêm.

 Và lần nọ, cũng tình cờ, nó bay qua ngang cửa sổ nhà nàng. Nàng có phần giống chàng. Nàng cũng ngồi gõ lóc cóc tới khuya. Lâu lâu đứng lên nhún nhảy mấy bước tango rồi lã lướt đi xuống nhà bếp để tìm món gì đó nhai đỡ buồn trong tủ lạnh. Nó cũng khoái nhìn cái cảnh nàng vừa nhai rôm rốp một cọng khoai tây chiên dòn vừa gật gù đọc những dòng chữ trên màn hình. Nó đoán là nàng đang làm thơ. Vì chàng, ngoài công việc, đôi khi cũng nổi hứng bất tử khi chán phứa công việc. Lúc đó chàng sẽ ngẫu hứng như sấm sét để cho ra lò một bài thơ trong thời gian kỷ lục. Nhưng thường thì chàng không có cảm hứng. Có lần, chàng đã thiểu não tâm tình cùng nó rằng cảm hứng của chàng đã cạn, Nàng Thơ của chàng đã bỏ chàng đi hoang. Những lúc đó, nó thấy thật sự tội nghiệp cho chàng… Nhưng chúng ta phải quay lại nàng. Vì nàng là nhân vật chính của đoạn này.

Nàng làm thơ khác với kiểu của chàng. Nàng vừa gõ lốc cốc, vừa cười khúc khích, đôi khi cười sặc lên một phát. Cũng đôi khi nàng vừa gõ vừa rươm rướm nước mắt. Và những lúc đó nó cũng có cảm giác tội nghiệp cho nàng, dù nó thấy chàng tội nghiệp hơn, có lẽ vì nó là giống cái! Cũng có lẽ vì nó là giống cái, nó thích tới thăm chàng hơn thăm nàng.

Nàng còn khác chàng ở chỗ nàng cũng đi làm như mọi người. Sáng sáng, sau khi vệ sinh, đánh răng rửa mặt, nàng về phòng để make-up (nó biết từ này nhé, đừng tưởng bở!). Nó khoái nhìn nàng lúc nàng làm cái sự vụ thú vị này. Một lần nữa, có lẽ vì nó là giống cái! Sau khi đã tạm hài lòng với dung nhan rạng rỡ trong gương. Nàng bắt đầu chọn bồ đồ để mặc trong ngày. Vụ này Nhóc cũng rất ư là khoái! Nàng sẽ lôi một cái váy, màu nâu chẳng hạn, mặc vào, chồng một cái áo sơmi màu xanh hay màu trắng hay vải bông vào; lắc đầu; cởi ra…. cứ thế, nàng sẽ mất khoảng nửa giờ và vài lần thay đổi như thế để tạm an tâm với bộ đồ được chọn cuối cùng. Và nàng sẽ nheo mắt đá lông mi với chính mình trong gương lần chót, trước khi yểu điệu dắt xe ra khỏi nhà…

Nó thích mái tóc cũ của nàng hơn. Tóc cũ của nàng buông xõa, bay bay trong gió sớm, mượt mà êm ái như một dòng suối nhỏ. Bây giờ nàng có mái tóc uốn cong loăn xoăn và nhuộm màu vàng Hàn Quốc (nó mới học được từ này). Nó có một mái tóc xoăn và nó từng ước suốt cả mấy chục năm rồi một mái tóc thẳng mượt như nàng. Nhưng rất tiếc chả có tiệm làm tóc nào có thứ dụng cụ tí hon cho hợp với kích cỡ “tai-nì” của nó!

Vì nàng rất điệu, nó tự tiện đặt tên cho nàng là Điệu. Hình như nàng khoái cái nick này, vì khi nó gọi nàng bằng cái nick ấy lần đầu, nàng tặng cho nó một nụ cười tuyệt đẹp.

Về nàng, có thể tóm tắt là như vậy….



Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO - Fareed Zakaria

NXB Giấy Vụn vừa cho ra mắt

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO - Nền dân chủ phi tự do ở Hoa Kỳ và các nước khác

(The Future of Freedom, Illiberal Democracy at Home and Abroad, by FAREED ZAKARIA, W.W. Norton & Company, New York, 2007)

Nguyễn Thành Nhân dịch - Nguyễn Hữu Liêm giới thiệu

Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.


Sau đây là phần Dẫn nhập của cuốn sách để các bạn tham khảo:



Mỹ nhân ngư là những nữ thần biển cả, vốn có quyền năng quyến rũ tất cả những ai nghe thấy những bài ca của họ, khiến cho những thủy thủ bất hạnh không thể cưỡng lại việc tự gieo mình xuống biển và chết đuối. Nữ thần Circe chỉ cho Ulysses cách lấy sáp nhét đầy hai lỗ tai của các thủy thủ, nhờ thế họ không nghe được tiếng hát; và chàng phải sai người trói chặt chính bản thân mình vào cột buồm, nghiêm lệnh cho họ bất kể chàng nói gì hay làm gì, họ không được cởi trói cho chàng cho tới khi họ đã vượt qua hòn đảo của những mỹ nhân ngư.
Ulysses tuân theo những hướng dẫn đó. Chàng nhét đầy sáp vào lỗ tai của mọi người, và bảo họ lấy dây thừng trói chặt chàng vào cột buồm. Khi họ tới gần hòn đảo của những mỹ nhân ngư, mặt biển yên tĩnh, và bên trên làn nước vọng lên những giai điệu nhạc mê hồn và quyến rũ đến độ Ulysses vùng vẫy để thoát ra, và gào thét, ra dấu cho thủy thủ của chàng, cầu xin họ cởi trói cho chàng; nhưng họ tuân theo những chỉ thị trước đó của chàng, nhào tới và trói chàng chặt hơn nữa. Họ tiếp tục hành trình, và tiếng hát nhòa dần cho tới khi tắt hẳn, khi đó Ulysses hân hoan ra hiệu cho mọi người tháo sáp khỏi lỗ tai và cởi trói cho chàng.
--Thomas Bulfinch, Thời đại của Ngụ ngôn hay Những câu chuyện về các vị thần và các vị anh hùng.


DẪN NHẬP

Kỷ nguyên dân chủ

Chúng ta sống trong một kỷ nguyên dân chủ. Suốt thế kỷ trước, thế giới đã được định hình bởi một xu hướng mạnh mẽ hơn tất cả các xu hướng khác – sự nổi lên của dân chủ. Vào năm 1900, chưa quốc gia nào có cái mà hiện nay chúng ta xem là một nền dân chủ: một chính phủ được hình thành bởi các cuộc bầu cử mà trong đó mỗi công dân trưởng thành đều có quyền bỏ phiếu. Hiện nay có 119 quốc gia như thế, chiếm 62% tổng số các quốc gia trên thế giới. Điều trước kia từng là một thực hành riêng biệt của một nhóm nhỏ nhà nước quanh khu vực Bắc Đại Tây Dương đã trở thành một hình thức chính phủ chuẩn mực đối với nhân loại. Các nhà nước quân chủ thì lỗi thời, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản lại cực kỳ mất uy tín. Ngay cả chế độ chính trị thần quyền Hồi giáo[1] cũng chỉ thu hút một số ít người cuồng tín. Đối với đại đa số quốc gia trên thế giới, dân chủ là nguồn sống sót duy nhất của sự hợp pháp về chính trị. Những nhà độc tài như Hosni Mubarak của Ai Cập và Robert Mugable của Zimbabwe đã bỏ ra những nỗ lực và chi phí lớn để tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia – mà, tất nhiên, họ thắng một cách dễ dàng. Khi những kẻ thù của nền dân chủ to mồm thốt lên những lời lẽ khoa trương về nó và nhại theo những nghi thức của nó, bạn biết rằng nó đã thắng cuộc chiến.
Chúng ta sống trong một kỷ nguyên dân chủ theo một ý nghĩa thậm chí sâu rộng hơn. Từ nguồn gốc Hy Lạp của nó, “dân chủ” có nghĩa là “sự cai trị của nhân dân”. Và ở mọi nơi, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dời quyền lực xuống phía dưới. Tôi gọi đây là “sự dân chủ hóa”, dù nó vượt xa khỏi phạm vi chính trị, vì quá trình này cũng tương tự thế: các hệ thống cấp bậc đang suy sụp, các hệ thống khép kín đang mở cửa, và những áp lực từ các đám đông hiện đang là cỗ máy cái của chuyển biến xã hội. Dân chủ đã tiến từ chỗ là một hình thức chính quyền tới chỗ là một cách thức của cuộc sống.
Hãy xét trong phạm vi lĩnh vực kinh tế. Điều thật sự khác biệt và mới mẻ về chủ nghĩa tư bản ngày nay không phải ở chỗ nó có tính chất toàn cầu hay giàu thông tin hay được thúc đẩy nhờ công nghệ - mà đúng hơn, là ở chỗ nó có tính chất dân chủ. Trong nửa thế kỷ vừa qua, tăng trưởng kinh tế đã làm giàu cho hàng trăm triệu người trong thế giới công nghệ, biến sự tiêu thụ, sự tiết kiệm và sự đầu tư thành một hiện tượng đại chúng. Điều này buộc các cấu trúc xã hội phải thích ứng theo. Quyền lực kinh tế, mà trong suốt nhiều thế kỷ được nắm giữ bởi những nhóm nhỏ các doanh nhân, chủ ngân hàng và quan chức nhà nước, đã, như một kết quả, chuyển dần xuống phía dưới. Ngày nay phần lớn các công ty – thật ra là phần lớn các quốc gia – cố tranh thủ sự ủng hộ của số đông thuộc tầng lớp trung lưu chứ không phải của một nhóm nhỏ những người giàu. Và điều đó đúng, vì tài sản của nhóm đầu tư độc quyền đã bị thu nhỏ lại bởi những tài sản của một quỹ lương hưu của các công nhân.
Cả văn hóa cũng được dân chủ hóa. Cái trước kia từng được gọi là “nền văn hóa cao cấp” tiếp tục nảy nở, dĩ nhiên, nhưng với tư cách một sản phẩm nhỏ dành cho tập hợp những kẻ lớn tuổi, chứ không còn nằm ở trung tâm của đời sống văn hóa của xã hội, vốn được định nghĩa và thống trị bởi âm nhạc phổ thông, những cuốn phim bom tấn, và truyền hình trong giờ cao điểm hiện nay. Ba yếu tố này hình thành quy chuẩn của thời hiện đại, một tập hợp các sở thích văn hóa mà với nó mọi người trong xã hội đều quen thuộc. Cuộc cách mạng dân chủ diễn tiến thông qua xã hội đã thay đổi chính định nghĩa của chúng ta về văn hóa. Yếu tố then chốt đối với sự nổi tiếng, của một ca sĩ chẳng hạn, trong một trật tự xưa cũ hơn là ai thích cô ta. Yếu tố then chốt đối với sự nổi tiếng ngày nay là bao nhiêu người thích cô ta. Và với cái thước đo đó, Madonna sẽ luôn luôn thành công hơn Jessye Norman. Số lượng đã trở thành chất lượng.
Cái gì đã tạo nên sự chuyển biến khá ấn tượng này? Như với bất kỳ hiện tượng vĩ mô nào, nhiều lực lượng đã giúp tạo nên làn sóng dân chủ – một cuộc cách mạng công nghệ, tài sản gia tăng của tầng lớp trung lưu, và sự sụp đổ của các hệ thống và các ý thức hệ có thể thay thế từng tổ chức nên xã hội. Còn có một nguyên nhân bổ sung cho các nguyên nhân lớn mang tính hệ thống này: nước Mỹ. Sự nổi lên và địa vị thống trị của nước Mỹ – một quốc gia có một nền chính trị và văn hóa mang tính dân chủ sâu sắc – đã khiến cho sự dân chủ hóa dường như là điều không thể tránh khỏi. Bất chấp các nguyên do của nó là gì, làn sóng dân chủ có những tác động có thể dự báo trong mọi lĩnh vực. Nó phá vỡ các hệ thống cấp bậc, trao quyền lực cho các cá thể, và chuyển các xã hội vượt ra khỏi nền chính trị của chúng. Thật sự, nhiều thứ của cái mang tính chất khác biệt về thế giới mà chúng ta đang sống là kết quả của tư tưởng dân chủ.
Chúng ta thường đọc trong thập niên 1990 ồn ào rằng công nghệ và thông tin đã được dân chủ hóa. Đây là một hiện tượng tương đối mới. Trong quá khứ, công nghệ giúp củng cố sự tập trung hóa và hệ thống cấp bậc. Ví dụ, cuộc cách mạng thông tin lớn gần đây nhất – trong thập niên 1920 bao gồm radio, TV, điện ảnh, loa – có một tác động mang tính tập trung hóa. Nó cung cấp cho cá nhân hay nhóm có khả năng tiếp cận công nghệ đó khả năng vươn tới số còn lại của xã hội. Đó là lý do vì sao bước đầu tiên trong một cuộc cách mạng hay hành động phi thường luôn là việc nắm quyền kiểm soát đài truyền hình và đài phát thanh của quốc gia. Nhưng cách mạng thông tin ngày nay đã tạo nên hàng ngàn lối ra cho tin tức khiến cho sự kiểm soát tập trung trở nên bất khả và sự bất đồng quan điểm trở nên dễ dàng. Internet đã đưa quá trình này tiến thêm một bước dài về phía trước; nó là một hệ thống mà, theo lời của nhà báo phụ trách chuyên mục Thomas Friedman, “nối kết được với tất cả mọi người nhưng không ai nằm trong vòng kiểm soát.”
Sự dân chủ hóa của công nghệ và thông tin có ý nghĩa là hầu như bất cứ một ai cũng có thể đặt tay của mình lên bất cứ thứ gì. Như các thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Giờ đây chúng ta biết rằng Osama bin Laden đã tiến hành một chương trình vũ khí sinh học nghiêm túc trong thập niên 1990. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là thông tin khoa học và những cuốn sách hướng dẫn tìm thấy tại những ngôi nhà an toàn ở Kabul của Al Qaeda không phải là những bí mật đánh cắp từ các phòng thí nghiệm của chính phủ. Chúng là những tài liệu được tải xuống từ Internet. Ngày nay nếu bạn muốn tìm những nguồn thông tin về bệnh than, các công thức điều chế thuốc độc, hay các  phương pháp biến các chất hóa học thành vũ khí, tất cả những gì bạn cần là một cỗ máy tìm kiếm tốt. Những nguồn mở tương tự sẽ, thật không may, sớm giúp cho một kẻ nào đó chế ra một quả bom bẩn thỉu. Các thành phần dễ tìm được hơn bất cứ lúc nào trước đây. Hầu như điều bạn cần là kiến thức, và cái đó đã được lan truyền rộng rãi trong suốt thập kỷ qua. Ngay cả công nghệ nguyên tử hiện giờ thường cũng có sẵn. Nói cho cùng, nó là một bí quyết năm mươi tuổi, thành phần của một thế giới của các máy phát thanh trên sóng AM và TV trắng đen. Hãy gọi nó là sự dân chủ hóa của bạo lực.
Đây không phải chỉ là một cụm từ dễ nhớ. Sự dân chủ hóa của bạo lực là một trong những đặc điểm chủ yếu, và khủng khiếp, của thế giới ngày nay. Trong suốt nhiều thế kỷ, nhà nước đã có một độc quyền đối với việc sử dụng hợp pháp sức mạnh trong các xã hội loài người. Sự bất bình đẳng về quyền lực giữa nhà nước và công dân tạo nên trật tự và là một phần của chất kết dính gắn kết nền văn minh hiện đại vào nhau. Nhưng trong vài thập kỷ qua, lợi thế của nhà nước đã suy yếu, giờ đây những nhóm người nhỏ cũng có thể thực hiện những điều đáng sợ. Và trong khi chủ nghĩa khủng bố là cú đấm nghiêm trọng nhất giáng vào thẩm quyền nhà nước, các chính phủ tập trung cũng nằm dưới sự vây hãm theo nhiều cách khác. Các thị trường vốn, các doanh nghiệp tư nhân, các chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, tất cả đang thu thập sức mạnh, hút hết chất nhựa thẩm quyền của nhà nước. Dòng chảy phi pháp của con người, ma túy, tiền, và vũ khí nổi lên trên khắp thế giới chứng thực cho sự yếu kém của nó. Sự phân tán quyền lực này sẽ tiếp tục vì nó được tiếp nhiên liệu bởi những thay đổi rộng lớn về công nghệ, xã hội, và kinh tế. Trong thế giới hậu 11-9, nhà nước đã quay lại, với quyền lực và tính hợp pháp được làm mới. Cả điều này cũng sẽ kéo dài. Thời đại của sự khủng bố do vậy sẽ được đánh dấu bởi một sự căng thẳng giữa một bên là các lực lượng thúc đẩy sự dân chủ hóa thẩm quyền, và một bên là nhà nước.
Thảo luận các vấn đề này không phải là nói rằng dân chủ là một điều xấu. Một cách áp đảo, nó có những hệ quả tuyệt vời. Ai trong số chúng ta lại muốn quay trở về một thời kỳ với ít chọn lựa hơn và ít quyền lực và sự tự trị của cá thể hơn? Nhưng như bất kỳ sự chuyển hóa lớn lao nào, dân chủ có những mặt tối của nó. Thế nhưng chúng ta ít khi nói về chúng. Làm điều đó sẽ là khơi ra sự chỉ trích ngay lập tức rằng bạn “không đồng bộ” với các thời đại. Nhưng điều này có nghĩa rằng chúng ta chưa bao giờ thật sự dừng lại để thấu hiểu những thời đại này. Bị bịt miệng bởi nỗi sợ bị gán cho danh hiệu “phản dân chủ” chúng ta không có cách nào để thấu hiểu điều gì có thể gây rắc rối từ sự dân chủ hóa không ngừng gia tăng của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta giả đoán rằng không rắc rối nào có thể được tạo nên bởi dân chủ, vì thế khi chúng ta nhìn thấy những tệ nạn xã hội, kinh tế và chính trị, chúng ta đổ lỗi cho chỗ này chỗ khác, làm chệch hướng các vấn đề, tránh né những câu trả lời, chứ không bao giờ nói về sự chuyển hóa lớn lao nằm ngay tại trung tâm của cuộc sống xã hội, chính trị và kinh tế của chúng ta.

Dân chủ và Tự do
“Giả sử các cuộc bầu cử là tự do và công bằng và những người được bầu là những kẻ phân biệt chủng tộc, những kẻ theo chủ nghĩa phát xít và những kẻ theo chính sách ly khai,” lời của nhà ngoại giao người Mỹ[2] Richard Holbrooke nhận định về Nam Tư trong thập niên 1990. “Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan.” Nó thật sự là như vậy, và không chỉ trong quá khứ của Nam Tư mà cả trong hiện tại của toàn thế giới. Ví dụ, hãy xét tới sự thách thức mà chúng ta đối mặt trên khắp thế giới Hồi giáo. Chúng ta nhận ra nhu cầu về dân chủ trong các quốc gia thường có tính chất đàn áp đó. Nhưng sẽ ra sao nếu dân chủ sản sinh ra một nền chính trị thần quyền Hồi giáo hay một thứ gì đó giống như nó? Trên khắp toàn cầu, các chế độ được bầu ra một cách dân chủ, thông thường là những chế độ đã được tái bầu cử hay tái xác nhận thông qua trưng cầu dân ý, có thói quen làm ngơ những hạn chế về lập hiến đối với quyền lực của chúng và tước đoạt các quyền cơ bản khỏi công dân của chúng. Hiện tượng đáng lo ngại này – có thể nhìn thấy từ Peru cho tới các vùng lãnh thổ của Palestin, từ Ghana cho tới Venezuela – có thể được gọi là “dân chủ phi tự do” [illegal democracy].
Đối với mọi người ở phương Tây, dân chủ có nghĩa là “dân chủ tự do” [liberal democracy]: một hệ thống chính trị được đánh dấu không chỉ bởi các cuộc bầu cử tự do và công bằng mà cả bởi nền pháp trị, sự phân lập của các quyền lực, và sự bảo vệ các quyền tự do cơ bản về ngôn luận, hội họp, tín ngưỡng và tài sản. Nhưng nhóm quyền tự do này – cái có thể mệnh danh là “chủ nghĩa tự do hiến định” [constitutional liberalism], thực chất không có liên quan gì với dân chủ, và hai phạm trù này không phải lúc nào cũng song hành với nhau, ngay cả ở phương Tây. Nói cho cùng, Adolf Hitler đã trở thành quốc trưởng nước Đức thông qua các cuộc bầu cử tự do. Trong nửa thế kỷ vừa qua ở phương Tây, dân chủ và tự do đã hợp nhất với nhau. Nhưng ngày nay hai thớ sợi của nền dân chủ tự do, vốn từng đan xen vào nhau trong tấm vải chính trị phương Tây, đang tách rời khỏi nhau trên khắp toàn cầu. Dân chủ đang phát triển mạnh mẽ, tự do thì không.
Ở một số nơi, ví dụ Trung Á, các cuộc bầu cử đã mở đường cho các chế độ độc tài. Ở một số nơi khác, chúng khiến cho xung đột nhóm và các căng thẳng sắc tộc trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ, cả Nam Tư lẫn Indonesia đều có tính chất khoan dung và thế tục hơn nhiều khi chúng được cai trị bởi những con người mạnh mẽ (Tito và Suharto, theo thứ tự) so với chúng hiện giờ với tư cách là hai chế độ, dân chủ. Và trong rất nhiều nước không theo chế độ dân chủ, các cuộc bầu cử không cải thiện vấn đề được mấy. Trên khắp thế giới Ả Rập các cuộc bầu cử được tổ chức trong tương lai chắc chắn sẽ mang tới những chế độ cầm quyền cố chấp, phản động, chống phương Tây và chống Xê-mít hơn so với các chế độ độc tài hiện tại.
Trong một thế giới ngày càng có tính dân chủ, các chế độ cưỡng lại xu hướng này tạo nên những xã hội bất bình thường – như trong thế giới Ả Rập. Người dân ở đó cảm nhận sự tước đoạt tự do một cách mạnh mẽ hơn bao giờ trước đó vì họ biết những khả năng thay thế, họ có thể nhìn thấy chúng trên đài CNN, BBC và Al-Jazeera. Nhưng các nước dân chủ mới rất thường trở thành những chế độ dân chủ giả hiệu, vốn sản sinh ra sự vỡ mộng, sự xáo trộn, bạo lực và những hình thức chuyên chế mới. Hãy nhìn sang Iran và Venezuela. Đây không phải là lý do để thôi không tổ chức các cuộc bầu cử, dĩ nhiên, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến chúng ta phải hỏi, Cái gì nằm ở gốc rễ của sự phát triển rối rắm này? Vì sao quá nhiều quốc gia đang phát triển lại có quá nhiều khó khăn trong việc tạo nên những xã hội ổn định, thật sự dân chủ? Chúng ta có buộc phải dấn thân vào sự thách thức lớn lao của việc xây dựng nền dân chủ ở Iraq không, làm sao chúng ta biết chắc chúng ta sẽ thành công?
Trước hết, hãy làm rõ cái chúng ta định nói tới thông qua dân chủ về chính trị. Từ thời đại của Herodotus[3] nó đã được định nghĩa, đầu tiên và trên hết, là sự cai trị của nhân dân. Định nghĩa này của dân chủ với tư cách một quá trình tuyển chọn chính phủ hiện đang được các học giả sử dụng một cách rộng rãi. Trong The Third Wave, nhà khoa học chính trị lỗi lạc Samuel P. Huntington giải thích vì sao:
Những cuộc bầu cử, mở rộng, tự do và công bằng, là bản chất của dân chủ, điều kiện tiên quyết không thể tránh khỏi. Các chính quyền được tạo nên bởi các cuộc bầu cử có thể bất tài, tham nhũng, thiển cận, vô trách nhiệm, bị chế ngự bởi những lợi ích đặc biệt, và không có khả năng vận dụng những chính sách được yêu cầu bởi công chúng tốt. Những phẩm chất này khiến các chính quyền đó không đáng ao ước nhưng chúng không khiến cho các chính quyền đó trở nên phản dân chủ. Dân chủ là một đức tính mang tính cộng đồng chứ không phải một đức tính duy nhất, và mối quan hệ giữa dân chủ với các đức tính và khuyết điểm mang tính cộng đồng khác chỉ có thể được hiểu nếu dân chủ được phân biệt một cách rõ ràng với những đặc tính khác của các hệ thống chính trị.
Định nghĩa này cũng phù hợp với quan điểm theo nhận biết thông thường về thuật ngữ này. Nếu một quốc gia tổ chức những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh, đa đảng, chúng ta gọi nó là quốc gia “dân chủ”. Khi sự tham dự của công chúng vào nền chính trị của một quốc gia gia tăng – ví dụ, thông qua quyền bầu cử của phụ nữ – quốc gia đó được xem là đang trở nên dân chủ hơn. Dĩ nhiên các cuộc bầu cử phải mở rộng và công bằng, và điều này đòi hỏi một số biện pháp bảo vệ cho tự do ngôn luận và tự do hội họp. Nhưng việc bước ra bên ngoài đòi hỏi tối thiểu này và gọi một quốc gia là dân chủ chỉ khi nó bảo đảm một bản liệt kê cụ thể các quyền xã hội, chính trị, kinh tế và tín ngưỡng – cái vốn khác biệt với từng quan sát viên – khiến cho từ “dân chủ” trở nên vô nghĩa. Nói cho cùng, Thụy Điển có một hệ thống kinh tế mà nhiều người lập luận rằng tước đoạt các quyền sở hữu cá nhân, Pháp, cho tới gần đây, vẫn giữ độc quyền nhà nước trong lĩnh vực truyền hình, và Anh có một tôn giáo chính thức. Nhưng tất cả các nước này đều là những nền dân chủ rõ ràng và có thể nhận diện. Việc chủ quan đồng nhất “dân chủ” với “một chính quyền tốt” khiến khái niệm dân chủ trở nên vô dụng về mặt phân tích.
Chủ nghĩa tự do hiến định, mặt khác, không phải nói về các thủ tục tuyển chọn chính phủ, mà đúng hơn, các mục tiêu của chính phủ. Nó ám chỉ truyền thống đã ăn sâu mọc rễ trong lịch sử phương Tây vốn tìm cách bảo vệ quyền tự trị và phẩm cách của một cá thể chống lại sự áp bức, bất kể đến từ nguồn nào – nhà nước, giáo hội hay xã hội. Thuật ngữ này ghép đôi hai ý tưởng có quan hệ gắn bó mật thiết. Nó có tính chất tự do[4] vì nó dựa trên khuynh hướng triết học, bắt đầu với người Hy Lạp và La Mã, vốn nhấn mạnh sự tự do cá thể. Nó có tính chất hiến định vì nó đặt nền pháp trị vào trung tâm của các chính sách. Chủ nghĩa tự do hiến định đã phát triển ở Tây Âu và Mỹ như là sự bảo vệ cho quyền của một cá thể đối với cuộc sống và tài sản và sự tự do và tín ngưỡng và ngôn luận. Để bảo đảm các quyền này, nó nhấn mạnh vào việc kiểm tra quyền lực của chính phủ, sự bình đẳng trước luật pháp, các tòa án công minh, và sự phân tách giữa giáo hội và nhà nước. Trong hầu hết những biến thể của nó, chủ nghĩa tự do hiến định lập luận rằng con người có những quyền tự nhiên (hoặc “bất khả chuyển nhượng”) nhất định và rằng các chính phủ phải chấp nhận một luật pháp cơ bản, giới hạn quyền lực riêng của chúng, để bảo đảm cho các quyền đó. Do vậy vào năm 1215, ở Runnymede, các nhà quý tộc nước Anh đã buộc nhà vua phải giới hạn thẩm quyền của ông ta. Ở các thuộc địa tại châu Mỹ, các tập quán này được mở rộng, và vào năm 1638 thị trấn Hartford đã thông qua văn bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử hiện đại. Năm 1789, Hiến pháp Hoa Kỳ tạo ra một khung pháp lý cho quốc gia mới này. Năm 1975, các nước phương Tây đã xác lập các chuẩn mực hành vi thậm chí cho các chế độ phi dân chủ. Đại Hiến chương nước Anh[5], Các Quy định cơ bản của Connecticut[6], Hiến pháp Hoa Kỳ, và Tuyên bố chung Helsinki[7], tất cả đều là những biểu hiện của chủ nghĩa tự do hiến định.
Từ năm 1945, hầu hết các chính phủ phương Tây là hiện thân của cả nền dân chủ lẫn chủ nghĩa tự do hiến định. Do vậy khó mà hình dung hai phạm trù này một cách tách biệt, dù dưới hình thức dân chủ phi tự do hay tự do chuyên chế [liberal autocracy]. Thực sự, cả hai đều từng tồn tại trong quá khứ và còn tiếp tục hiện hữu trong hiện tại. Cho tới thế kỷ 20, hầu hết các quốc gia ở Tây Âu đều theo chế độ tự do chuyên chế, hay, trong trường hợp tốt nhất, chế độ bán dân chủ [semidemocracies]. Quyền bầu cử bị giới hạn chặt chẽ, và những cơ quan lập pháp được bầu ra có quyền lực hạn chế. Năm 1830, Anh, một trong những nước dân chủ nhất châu Âu, chỉ cho phép khoảng 2% dân số bỏ phiếu cho một viện của Quốc hội Anh. Chỉ tới cuối thập niên 1940, hầu hết các nước phương Tây mới trở nên chính thức dân chủ, với quyền bầu cử phổ quát cho người trưởng thành. Nhưng một trăm năm trước đó, vào cuối thập niên 1840, hầu hết các nước này đều tiếp nhận những phương diện quan trọng của chủ nghĩa tự do hiến định – nền pháp trị, các quyền sở hữu tư nhân, và ngày càng có thêm nhiều các quyền phân lập, quyền tự do ngôn luận và hội họp. Trong phần lớn lịch sử hiện đại, cái định tính các chính phủ ở châu Âu và Bắc Mỹ, và phân biệt chúng với các nước khác trên thế giới, không phải là nền dân chủ mà là chủ nghĩa tự do hiến định. Biểu tượng tốt nhất của cụm từ “mô hình chính phủ phương Tây” không phải là việc toàn dân được quyền bầu cử mà là sự phán xét công bằng.
Trong suốt nhiều thập kỷ, hòn đảo bé xíu Hồng Kông là một minh họa nhỏ nhưng có tính chất hé mở rằng tự do không phụ thuộc vào dân chủ. Nó có những cấp độ cao nhất của chủ nghĩa tự do hiến định trên thế giới nhưng không hề là một chế độ dân chủ. Thật ra, vào thập niên 1990, khi ngày Trung Quốc lấy lại Hồng Kông sắp tới gần, nhiều tờ báo và tạp chí phương Tây đã băn khoăn về những nguy cơ của bước chuyển biến này đối với nền dân chủ của Hồng Kông. Nhưng tất nhiên Hồng Kông không có nền dân chủ nào để nói tới. Mối đe dọa là đối với truyền thống tự do và luật pháp của nó. Chúng ta vẫn tiếp tục nhầm lẫn về hai khái niệm này. Các chính khách Mỹ và Israel thường chỉ trích nhà cầm quyền Palestine về sự thiếu dân chủ của nó. Nhưng thật ra Yasser Arafat là lãnh tụ duy nhất trong toàn bộ thế giới Ả Rập là người đã được tuyển chọn thông qua những cuộc bầu cử tự do vừa phải. Vấn đề của nhà cầm quyền Palestine không nằm ở nền dân chủ của nó – mà trong khi có rất nhiều thiếu sót vẫn ít nhất thực hiện được phân nửa chức năng – mà ở chủ nghĩa tự do hiến định của nó, hoặc sự thiếu sót xuất phát từ đó.
Người Mỹ nói riêng khó mà nhận ra bất kỳ sự căng thẳng nào giữa dân chủ và tự do vì nó không phải là đề tài chiếm ưu thế trong lịch sử của chúng ta – với một ngoại lệ lớn. Chế độ nô lệ và sự phân biệt chủng tộc được bảo vệ ở miền Nam nước Mỹ thông qua hệ thống dân chủ. Từ khi thành lập nước cộng hòa, những kẻ ghê tởm chế độ nô lệ đã đối mặt với nan đề rằng đa số cử tri miền Nam luôn bảo vệ nó một cách nhiệt thành. Cuối cùng, chế độ nô lệ diệt vong không phải vì nó thua trong một cuộc bỏ phiếu mà vì các lực lượng miền Bắc đã nghiền nát miền Nam. Rốt cuộc, hệ thống Jim Crow vốn dẫn tới chế độ nô lệ ở miền Nam đã bị tiêu diệt trong hai thập niên 1950 và 1960 không phải bởi nền dân chủ mà bởi sự bất chấp nó. Dù đạo luật Giải phóng nô lệ, và đạo luật Quyền dân sự năm 1964 đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, tất cả các tiến trình trước đó diễn ra thông qua sắc lệnh của ngành hành pháp – như với sự xóa bỏ kỳ thị chủng tộc trong các lực lượng vũ trang; hay thông qua phán quyết của Tối cao Pháp viện – như với sự xóa bỏ kỳ thị chủng tộc trong nhà trường. Trong tấn bi kịch lớn nhất của nước Mỹ, tự do và dân chủ thường xung đột với nhau.

Mô hình Mỹ
Trong thập niên 1990, một học giả người Mỹ tới Kazakhstan trong một chuyến công du do chính phủ bảo trợ để giúp quốc hội mới của nước này soạn thảo các luật về bầu cử. Cộng sự của ông, một thành viên của quốc hội Kazak, đã gạt phăng nhiều khả năng chọn lựa do chuyên gia người Mỹ đề ra, nhấn mạnh rằng, “Chúng tôi muốn quốc hội của chúng tôi cũng giống như quốc hội của ông.” Chuyên gia người Mỹ kinh hãi nhớ lại, “Tôi đã cố nói điều gì đó khác hơn ba từ lúc đó lướt ngang qua đầu tôi ngay lập tức: “Không, không đâu!” Quan điểm này không có gì là bất thường. Trong vấn đề dân chủ, người Mỹ  có xu hướng xem hệ thống của họ như một cỗ máy cồng kềnh mà không quốc gia nào khác chấp nhận được. Thật ra triết lý phía sau Hiến pháp Hoa Kỳ, một nỗi e sợ đối với sự tích lũy quyền lực, ngày nay cũng thích hợp không kém so với thời điểm 1789. Kazakhstan, như chuyện đã diễn ra, sẽ được phục vụ đặc biệt tốt bởi một quốc hội vững mạnh – như Quốc hội Hoa Kỳ – để kiểm tra lòng tham vô độ của tổng thống của nó.
Điều kỳ quặc là nước Mỹ thường là ủng hộ viên của nền dân chủ vô kiểm soát ở nước ngoài. Điểm khác biệt của hệ thống Mỹ không phải ở chỗ nó dân chủ đến mức nào mà ở chỗ nó phi dân chủ đến mức nào khi áp đặt vô số hạn chế lên đại đa số cử tri như nó đang thực hiện. Dự luật về các quyền[8], nói cho cùng, là một bản liệt kê những điều mà chính phủ có thể không thực hiện, bất kể mong muốn của đại đa số quần chúng. Trong ba ngành của chính phủ Mỹ, Tối cao Pháp viện – có thể coi là ngành quan trọng nhất – được lãnh đạo bởi chín thành viên nam và nữ không qua bầu cử với nhiệm kỳ trọn đời. Thượng viện Hoa Kỳ là viện tối cao có tính chất phi đại diện nhất trên thế giới, với một ngoại lệ duy nhất là Thượng viện Anh, vốn vô quyền lực và bất kể điều gì xảy ra cũng đang bước tới gần sự chuyển hóa. Mỗi tiểu bang của Mỹ cử hai thượng nghị sĩ tới Washington, D.C., bất kể dân số của nó. Do vậy, 30 triệu dân của California có số phiếu bầu vào Thượng viện ngang với số phiếu bầu của 3,7 triệu dân của Arizona – hầu như mỗi người một phiếu.[9] Trong các cơ quan lập pháp tiểu bang và địa phương trên khắp nước Mỹ, điều nổi bật không phải là quyền lực của đảng đa số mà là những sự bảo vệ gắn liền với đảng thiểu số, thường là đối với một cá nhân thành viên cơ quan lập pháp. Các doanh nghiệp tư nhân và các nhóm phi chính phủ khác – mà Alexis de Tocqueville gọi là “các hiệp hội trung gian” – thiết lập nên một tầng lớp chủ yếu khác trong xã hội. Lớp vải giàu có này của xã hội dân sự đã góp phần cho việc định hình đặc tính của nền dân chủ Mỹ.
Nhưng nó là một manh áo mỏng, tạo nên phiên bản dân chủ phi tự do của chính nước Mỹ. Các vấn đề của Mỹ khác với – và nhỏ hơn nhiều – những vấn đề mà các nước Thế giới thứ ba đang đối mặt. Nhưng chúng có quan hệ với nhau. Ở Mỹ, luật pháp và các quyền dân sự được thiết lập một cách vững chắc. Tuy nhiên, những câu thúc phi chính thức hơn, vốn là nội dung bên trong của nền dân chủ tự do, đang biến mất. Nhiều thể chế xã hội và chính trị trong số này – các đảng phái chính trị, các nghề chuyên môn, các câu lạc bộ và các hiệp hội – có cấu trúc phản dân chủ. Tất cả các thể chế này đều bị đe dọa bởi một ý thức hệ dân chủ vốn phán xét giá trị của mọi ý tưởng và thể chế bởi một cuộc kiểm tra duy nhất: Quyền lực có được phân tán càng rộng rãi càng tốt như chúng có thể hay chăng? Nói cách khác, chúng có tính chất dân chủ như chúng có thể hay chăng? Do vậy, Quốc hội Hoa Kỳ, dù dân chủ theo định nghĩa, từng hoạt động theo một cung cách mang tính cấp bậc và khép kín, cách các áp lực công cộng một khoảng cách nào đó. Hiện nay nó là một cơ quan minh bạch, cực kỳ cởi mở đối với các quan điểm và áp lực của các bộ phận hợp thành của nó. Quốc hội đã trở thành một cơ quan có trách nhiệm hơn, dân chủ hơn, và hoạt động khác thường hơn.
Hoặc hãy xét qua các đảng phái chính trị của Mỹ, hiện tại vốn là những tổ chức hữu danh vô thực. Chúng không còn giữ vai trò lịch sử của minh với tư cách những kẻ tuyển chọn và những quan tòa trong quá trình bầu cử của Mỹ. Với các cuộc bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử giữ vai trò chủ đạo, các đảng phái chỉ đơn giản phục vụ với tư cách những thùng chứa được đổ đầy với thị hiếu công chúng ở thời điểm đó – tân tự do, bảo thủ, bất cứ thứ gì. Hoặc hãy nhìn vào các tầng lớp tinh hoa về chuyên môn của Mỹ – nhất là các luật sư – những kẻ trước đây là một dạng quý tộc địa phương với những bổn phận và trách nhiệm đối với thị trấn và thành phố của họ. Họ đã đánh mất uy tín và mục đích công của mình, trở thành những kẻ làm việc khẩn trương đầy lo lắng. Ngành y, ngành kế toán và ngân hàng cũng đi theo con đường đó. Các lực lượng hướng đạo cho nền dân chủ đang bị xói mòn nhanh chóng.
Cái đã thế chỗ cho họ là sự bầu cử. Khi viết về các thời đại này, chắc chắn các sử gia sẽ kinh ngạc với cuộc tìm kiếm thường xuyên, không bao giờ ngưng nghỉ của mọi người. Các chính khách, các tập đoàn và các phóng viên bỏ ra những lượng lớn thời gian, tiền của và năng lượng để cố phân chia quan điểm của quần chúng về mọi thứ, từ An ninh xã hội tới kiếp sau, tới các thức uống có ga. Thật sự, đây là một cuộc chạy đua để được là kẻ đầu tiên quỳ gối trước chúng. Những nhà thăm dò ý kiến đã trở thành những nhà tiên tri hiện đại, diễn dịch các cuộc khảo sát dư luận với thái độ nghiêm trọng mà những bậc tiền bối của họ từng thể hiện khi đọc ruột gà để dự đoán chuyện vị lai. Dĩ nhiên, các cuộc bầu cử, cũng giống như ruột gà, có thể rất mơ hồ hoặc mọi người có thể đổi ý – điều này đôi khi vẫn xảy ra – về thời điểm có một cuộc đổ xô về phía một quan điểm phổ biến mới. Do vậy chính những doanh nhân từng được tung hô như những thiên tài vào năm 2000 trở thành những gã lừa đảo vào năm 2002. Newt Gingrich[10], vị quân sư của đợt thắng phiếu bầu cử lớn năm 1994 đã trở thành một kẻ cực đoan quá khích vụng về một năm sau đó, khi hình ảnh của Tổng thống Bill Clinton dịch chuyển hầu như hàng tuần từ một kẻ vô lại sang một huyền thoại chính trị. Xuyên suốt diễn tiến thăng trầm này, thứ bất biến duy nhất là lòng tôn kính mang tính lễ nghi đối với công chúng Mỹ. “Dân chúng Mỹ không hề ngốc,” các chính khách nói miên man không dứt, ngay cả khi giải thích niềm mong muốn kiên trì của công chúng đối với việc giảm thuế và tăng thêm các khoản trợ cấp của chính phủ. “Dân chúng Mỹ muốn biết,” một chính khách sẽ nói thế, khi thật ra chính chính khách đó – và có lẽ chỉ một mình chính khách đó – là người có một câu hỏi. “Chúng tôi đã nghe từ nhân dân Mỹ,” một kẻ thứ ba sẽ tuyên bố, như thể thông báo về một cuộc thăm viếng thiêng liêng. Một khẳng quyết sáo rỗng ngày nay có sức mạnh của một mặc khải trong Thánh Kinh nếu được gán cho nhân dân Mỹ.[11]

Tự do và Sự câu thúc
Mặc khác, mọi người cảm nhận được một vấn đề. Người Mỹ quan tâm tới hệ thống chính trị của họ ít hơn so với bất cứ thời điểm nào trước đó. Trong vấn đề này, họ không đơn độc. Hầu hết các nước phương Tây đều thể hiện sự quan tâm thấp mang tính lịch sử đối với nền chính trị của họ. Trên thực tế, sự nổi lên gần đây của chủ nghĩa dân túy phản thể chế [anti-etablishment populism] trong mọi quốc gia phương Tây cho thấy những cảm giác này đã trở nên thật sự mạnh mẽ. Xu hướng đang nổi lên này của sự bất mãn và giận dữ đối với các hệ thống chính trị đang tồn tại xuất hiện vào một thời điểm xấu. Các nền dân chủ phương Tây nằm dưới áp lực khi chúng đương đầu với những thách thức nghiêm trọng mới như chủ nghĩa khủng bố, các chuyển biến về nhân khẩu, sự nhập cư, và những xung đột văn hóa. Các chính phủ phải bảo vệ xã hội khỏi những mối nguy hiểm mới, cách tân hệ thống phúc lợi xã hội, và khuyến khích sự nhập cư mà không tạo nên chiến tranh văn hóa – một mục tiêu khó hoàn thành vào bất cứ thời điểm nào. Nhưng hệ thống chính trị chưa bao giờ bất thường đến thế. Việc mở chiến dịch và việc chạy theo thị hiếu liên miên không ngớt, việc quyên góp tiền bạc, các lợi ích đặc biệt, và sự vận động hành lang – gay gắt nhất là ở Mỹ – tất cả đã gây mất uy tín của hệ thống trong mắt của mọi người và số cử tri thấp đến mức đáng kinh ngạc. Nền dân chủ phương Tây vẫn còn là mô hình đối với phần còn lại của thế giới, nhưng có hay chăng khả năng giống như một ngôi sao băng vào thời điểm nó chói lòa rực rỡ trong khoảng xa vũ trụ, nền dân chủ phương Tây đang trở nên trống rỗng bên trong lõi?
Nhiều người tin vào điều ngược lại – rằng sự dân chủ hóa đang gia tăng trong mọi lĩnh vực của xã hội là một điều rất tốt. Từ sự sụp đổ của các hệ thống cũ, sự mở rộng của cơ hội, và sự trao quyền hợp pháp cho mọi người, tự do và hạnh phúc cá nhân ngày càng tăng sẽ đến. Trong những năm cuối của thập niên sôi nổi 1990, hãng tư vấn Accenture đã tung ra những quảng cáo để chào hàng các phân tích nhìn xa trông rộng của mình. Một trong số này là một tít báo nhạo báng như sau: “INTERNET SẼ MANG TỚI NỀN DÂN CHỦ CHO TRUNG QUỐC”, tiếp theo là  dòng tựa nhỏ, “Giờ đây nó trở nên thú vị”. Trong lúc cơn sốt của kỷ nguyên dot-com đã hạ nhiệt, những người say mê công nghệ chỉ ra rằng internet đang trong thời kỳ trứng nước và cuối cùng nó sẽ mang tới nền dân chủ cho Trung Quốc, sự thịnh vượng cho Ấn Độ, và biến tất cả chúng ta thành những ông chủ ngân hàng, luật sư, biên tập viên, và thậm chí những nhà lập pháp của chính chúng ta. Xu hướng cuối cùng đã xuất hiện ở các bang như California, nơi chính quyền do dân cử được thực hiện khá tốt. Các xu hướng khác đang đi theo xu hướng dẫn đầu. Làm sao bạn có thể lập luận chống lại việc có nhiều dân chủ hơn?
Nhưng sẽ ra sao nếu tự do không đến từ sự hỗn loạn mà từ một mức độ trật tự nào đó – không đến từ nền dân chủ được tháo cũi sổ lồng, mang tính trực tiếp, mà từ nền dân chủ có kiểm soát, mang tính đại diện? Sẽ ra sao nếu, như trong phần lớn cuộc đời, chúng ta cần những sự dẫn dắt và những sự câu thúc? Và sẽ ra sao nếu tự do chỉ thật sự được bảo đảm khi những hàng rào an toàn này vững mạnh? Lý thuyết thay thế này, ở bất cứ giá nào, là cái đã tạo nên nền dân chủ có tính chất tự do, hiện đại. Nền dân chủ chúng ta đã sống với ở phương Tây luôn luôn là cái mà Aristotle gọi là “chế độ hỗn hợp”. Nó có một chính phủ được bầu ra, chắc chắn thế rồi, nhưng cũng có những luật pháp và quyền hiến định, một bộ máy tư pháp độc lập, các đảng phái chính trị mạnh, các nhà thờ, các doanh nghiệp, các hội tư nhân, và tầng lớp tinh hoa có chuyên môn. Nền dân chủ chính trị là một thành tố cơ bản, thật sự quan trọng, của tổng thể  – mọi người có quyền lực tối cao – nhưng hệ thống [của nó] lại là một hệ thống phức tạp với nhiều bộ phận, không phải tất cả trong số chúng đều được bầu ra. Thật sự, mục đích của nhiều thể chế và nhóm phi dân chủ trong số này là làm dịu đi những cảm xúc mạnh mẽ của công chúng, giáo dục các công dân, dẫn đường cho nền dân chủ, và từ đó bảo đảm cho sự tự do. Khi trường luật của Đại học Harvard trao bằng cho các sinh viên tốt nghiệp, nó nhắc nhở họ hãy suy nghĩ về luật pháp như là “Những sự ràng buộc khôn ngoan khiến con người trở nên tự do”. Bài quốc ca “Hoa Kỳ xinh đẹp” tuyên bố: “Hoa Kỳ, Hoa Kỳ/Thượng đế sửa chữa mọi lỗi lầm thiếu sót của bạn./Củng cố linh hồn bạn trong sự tự chủ/Tự do của bạn nằm trong pháp luật.”
Cuốn sách này là lời kêu gọi sự tự chủ, kêu gọi một sự khôi phục trạng thái cân bằng giữa dân chủ và tự do. Nó không phải là một lập luận chống lại dân chủ. Mà nó là một khẳng định rằng có thể có một nền dân chủ thái quá – một điều tốt đẹp rõ ràng là thái quá. Bản chất của một nền chính trị tự do dân chủ là sự kiến tạo nên một trật tự phong phú, phức tạp, chứ không phải một nền chính trị bị thống trị bởi một ý tưởng đơn nhất. Những vị cha già dân tộc, ví dụ, đã tìm cách tạo nên một xã hội có tính chất đa nguyên khi nhiều người tin rằng một ý thức hệ tôn giáo đơn nhất nên thống trị các xã hội. Dân chủ cũng là một ý thức hệ đơn nhất, và cũng như tất cả các khuôn mẫu như thế, nó có những hạn chế. Cái có thể hiệu quả trong một cơ quan lập pháp có thể không hiệu quả trong một tập đoàn.
Thực hiện một sự khôi phục không phải là tìm cách quay lại một trật tự xưa cũ. Chúng ta thích những thay đổi mang tính dân chủ mà chúng ta từng sống qua và từng yêu chuộng những thành tựu của chúng. Mục tiêu là nền dân chủ tự do không phải vì nó đã được thực hành trong thế kỷ 19 mà vì nó nên được thực hành trong thế kỷ 21. Các xã hội dân chủ cần những lớp đệm và những dẫn dắt, được thiết kế cho các vấn đề và các thời kỳ hiện đại. Nhưng bất kỳ sự thực hiện nào như thế phải bắt đầu bằng một cuộc quay về với lịch sử, với cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ đã bắt đầu ở phương Tây và lan rộng khắp các nơi khác. Nếu chúng ta muốn làm mới lại cuộc truy tìm vĩnh viễn quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, chúng ta phải nhớ lại những lực lượng đã sản sinh ra chúng trong lần đầu. Chỉ khi thấu hiểu quá khứ của tự do, chúng ta mới có thể giúp bảo đảm nó trong tương lai.






[1] Islam. Do người Việt, ngay cả những tín đồ của đạo Islam (Muslim), từ lâu đã quen thuộc với từ Hán-Việt “Hồi giáo”, nên người dịch xin được sử dụng từ Hồi giáo để chỉ tôn giáo này trong toàn bản dịch.

[2] Để dịch từ America và tính từ American, người dịch xin thống nhất cách dịch như sau: với những từ thông dụng như America, American people, Americans… sẽ dịch là “nước Mỹ/Mỹ”,  “người Mỹ/dân Mỹ”; các từ liên quan tới chính phủ và các thể chế sẽ được dịch là Hoa Kỳ, ví dụ: American Congress: Quốc hội Hoa Kỳ.
[3] Sử gia Hy Lạp cổ đại (484-425 tr.CN)
[4] Tôi sử dụng thuật ngữ “tự do” (liberal) theo nghĩa ở thế kỷ 19, nghĩa là liên quan tới sự tự do về kinh tế, chính trị, tín ngưỡng của cá thể, mà đôi khi được gọi là “chủ nghĩa tự do cổ điển”, chứ không phải theo nghĩa ở nước Mỹ hiện đại, vốn gắn liền nó với hệ thống phúc lợi xã hội, chương trình hành động tích cực và các chính sách khác. (Chú thích của TG)
[5] Magna Carta, tiếng Latin, dịch sang tiếng Anh là The Great Charter, do vua John của nước Anh ký kết tại Runnymede năm 1215, thừa nhận một số quyền tự do của các nhà quý tộc.
[6] The Fundamental Orders of Connecticut
[7] Helsinki Final Act
[8] The Bill of Rights, được phê chuẩn năm 1791.
[9] Khía cạnh đặc thù này của nền dân chủ Mỹ đã có những hậu quả kinh khủng khi trao cho những tiểu bang nhỏ với dân số ít tầm ảnh hưởng chính trị to lớn và những khoản trợ cấp kếch xù. Tuy nhiên, nền dân chủ Mỹ hưởng lợi phần lớn từ những đặc điểm “phi dân chủ” của nó. (Chú thích của TG)
[10] Newton Leroy McPherson (1943-), chính khách, sử gia, tác giả và cố vấn chính trị người Mỹ, từng là đại biểu cho Đảng Cộng hòa ứng cử chức tổng thống trong cuộc tuyển cử năm 2012.
[11] Như với mọi quan sát về nước Mỹ, Tocqueville đã nói trước nhất và hay nhất: “Người Pháp dưới chế độ quân chủ ngày trước coi đây như một châm ngôn, rằng nhà vua không thể làm điều gì sai,” ông viết, “và nếu nhà vua làm điều sai, trách nhiệm được đổ cho các cố vấn của ông ta…. Người Mỹ ấp ủ cùng một quan điểm đó với sự tôn trọng dành cho đa số.” Với cùng mạch ý tưởng đó. Michael Kinsley đã tập hợp các bài chuyên mục của mình trong tờ New Republic vào một cuốn sách với một cái tựa có tính cảnh báo, gọi dân chúng Mỹ là Những em bé to xác [Big Babies]. (Chú thích của TG)