Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

TRỞ LẠI CỐ HƯƠNG by THOMAS HARDY - GIỚI THIỆU


Sách đã ra. Bạn đọc có thể mua tại NXB Tổng hợp, số 62 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đa Kao, Q, 1, Tp. HCM hoặc mua online tại:  https://nxbhcm.com.vn/7/tro-lai-co-huong-3691





VỀ TÁC GIẢ


Thomas Hardy (2/6/1840 - 11/1/1928) tiểu thuyết gia, nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng người Anh chào đời tại làng Higher Bockhampton, một trong những làng quê xa xôi hẻo lánh nhất của hạt Dorset, Anh Quốc. Ông là con cả trong số bốn người con của Thomas Hardy, một thợ xây, và Jemima, một thôn nữ có học thức. Ông lớn lên trong một ngôi nhà tranh nằm biệt lập ở rìa một cánh đồng thạch nam. Những trải nghiệm đầu đời của ông về đời sống nông thôn, với nhịp điệu theo mùa và nền văn hóa dân gian truyền khẩu, là nền tảng cho phần lớn các tác phẩm sau này của ông. Ông được mẹ dạy học tại nhà cho tới năm tám tuổi; sau một năm học ở trường làng, ông chuyển tới trường học ở Dorchester, một thị trấn gần đó. Tại đây ông đã tiếp thu được một nền tảng vững chắc về toán học và tiếng Latin. Năm 1856, ông trở thành người học việc của John Hicks, một kiến trúc sư địa phương; năm 1862, ông chuyển tới London và trở thành chuyên viên bản vẽ kỹ thuật trong văn phòng của Arthur Blomfield, một kiến trúc sư nổi tiếng. Do sức khỏe kém, năm 1867 ông trở về Dorset, lại làm việc cho Hicks và sau đó cho kiến trúc sư G.R. Crickmay ở thị trấn Weymouth.
Dù nghề kiến ​​trúc mang lại cho Hardy sự thăng tiến ở cả hai mặt kinh tế và xã hội, giữa những năm 1860, sự thiếu thốn tài chính và sự sụt giảm niềm tin tôn giáo đã buộc ông phải từ bỏ khát vọng học đại học và trở thành một linh mục. Ông bắt đầu tập trung vào sáng tác thơ, nhưng do các tác phẩm này bị từ chối xuất bản, ông miễn cưỡng quay sang sáng tác văn xuôi.
Trong hai năm 1867-68, ông viết tiểu thuyết đầu tay Chàng trai nghèo và nàng tiểu thư (The Poor Man and the Lady). Dù được ba nhà xuất bản ở London xem xét với sự cảm thông, tác phẩm này không bao giờ được xuất bản và thất lạc luôn. Sau đó, theo lời khuyên của George Meredith, một người điểm sách của nhà xuất bản, ông viết Các liệu pháp tuyệt vọng (Desperate Remedies -1871), một tác phẩm chịu ảnh hưởng của dòng tiểu thuyết“cảm giác”của Wilkie Collins. Tuy nhiên, trong tác phẩm tiếp theo, Dưới tán cây xanh (Under the Greenwood Tree -1872), Hardy đã tìm thấy giọng điệu riêng biệt của chính mình.
Tháng 3/1870, Hardy được cử đến để trùng tu ngôi nhà thờ St. Juliot đổ nát ở Cornwall. Ông đã gặp Emma Lavinia Gifford, người trở thành vợ của ông bốn năm sau đó. Bà đã tích cực khuyến khích và hỗ trợ ông trong những nỗ lực văn chương, và cuốn tiểu thuyết kế tiếp của ông, Mắt biếc (A Pair of Blue Eyes -1873), được viết dựa trên chính những trải nghiệm lãng mạn trong mối tình giữa ông và Emma.
Mùa hè năm 1872, Hardy dứt khoát từ bỏ sự nghiệp kiến trúc và toàn tâm theo đuổi văn chương khi tạp chí Tinsley ký kết hợp đồng sử dụng Mắt biếc trong 11 kỳ đăng mỗi tháng. Sau đó, Cornhill, một tạp chí có uy tín hơn nhiều mời ông cung cấp một tác phẩm đăng nhiều kỳ. Kết quả là tác phẩm Xa đám đông điên loạn (Far From the Madding Crowd – 1874)  ra đời, giới thiệu cái tên Wessex lần đầu. Và cũng từ đây trở đi, hầu hết các tác phẩm của ông, đều có bối cảnh nền là Wessex, vốn là một vương quốc của người Anglo-Saxon ở miền nam đảo Great Britain từ năm 519 cho tới đầu thế kỷ 10, khi vua Æthelstan của người Anglo-Saxon thống nhất nước Anh; với Hardy, địa danh Wessex bao gồm các hạt ở vùng tây nam Anh Quốc hiện nay.
Tháng 9/1874, Hardy kết hôn với Emma Gifford, bất chấp sự phản đối của gia đình cả hai bên. Trong thời gian đầu, họ liên tục di chuyển, khi sống ở London, khi ở Dorset. Trong thời gian này ông viết tiểu thuyết Bàn tay của Ethelberta (The hand of Ethelberta - 1876); tác phẩm này được đón nhận khá thờ ơ và không phổ biến mấy. Bù lại, tiểu thuyết Trở lại cố hương (The Return of the Native – 1878) ngày càng được nhiều người hâm mộ do bối cảnh nổi bật của Egdon Heath, dựa trên vùng hoang địa ảm đạm và khắc nghiệt mà ông từng biết hồi thời thơ ấu.
Cái chết của đột ngột của Emma vào năm 1912 kết thúc hai mươi năm sống chung với nhau trong tình trạng xa lạ, nhưng nó cũng khơi gợi lại những tháng ngày tươi đẹp trong mối tình của họ, và là nguồn cảm hứng để ông hoàn thành một số tác phẩm thơ xuất sắc. Năm 1914, Hardy kết hôn với Florence Emily Dugdale, trẻ hơn ông 38 tuổi. Dù đôi khi người vợ thứ hai này gặp khó khăn, vì Hardy quá nặng lòng với những hoài niệm về người vợ cũ, bà vẫn toàn tâm chăm sóc cho sức khỏe tuổi già của ông cho tới lúc ông qua đời vào tháng 11/1928. Tro cốt của ông được đặt trong “Góc của các nhà thơ” (Poets’ Corner) tại Tu viện Westminster, còn quả tim được chôn cất chung một nấm  mộ với Emma tại nghĩa trang giáo xứ Stinsford.
Trọn đời văn nghiệp, Thomas Hardy đã sáng tác tổng cộng 14 tiểu thuyết (các tác phẩm nổi bật nhất là Far From the Madding Crowd, The Return of the Native, The Major of Casterbridge, Tess of d’Urbervilles, và Jude the Obcure), hàng trăm truyện ngắn, hai vở kịch, và chín tập thơ. Ông được công nhận rộng rãi là một nhà văn lớn của thế kỷ 19 và nhà thơ lớn của thế kỷ 20. Ngoài ra, ông được vinh hạnh đề cử cho giải Nobel Văn chương nhiều lần (1910 - 1914, 1920, 1923 - 1927)[1].
Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim như Tess of d’Urbervilles (1913; 1979; 1998, 2008) The Return of the Native (1994), Jude the Obscure (1996), The Mayor of Casterbridge (2000, 2003), Under the Greenwood Tree (2005), Far From the Madding Crowd (2015).
Nhiều nhà văn  trẻ hơn, bao gồm D. H. LawrenceJohn Cowper Powys, và Virginia Woolf rất hâm mộ các tác phẩm của ông.
Một số nhà soạn nhạc nổi tiếng, bao gồm Gerald Finzi,  Benjamin Britten, và Gustav Holst đã lấy thơ của ông để phổ nhạc. Holst cũng soạn bản giao hưởng dựa trên chủ đề của tiểu thuyết The Return of the Native nhan đề Egdon Heath: A Homage to Thomas Hardy vào năm 1927.


***


GIỚI THIỆU

Có lẽ Trở lại cố hương được Thomas Hardy khởi thảo vào cuối năm 1876 và hoàn thành vào mùa xuân 1878. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của ông. Trong thời gian này, ông sống tại thị trấn Sturminster Newton, hạt Dorset, vừa mới quay về sau những chuyến du lịch châu Âu với người vợ mới cưới Emma. Sau thành công của Xa đám đông điên loạn[2] (1874), Hardy đã thể nghiệm thể loại trào phúng xã hội trong Bàn tay của Ethelberta (The hand of Ethelberta; 1876), tuy nhiên tác phẩm này không được đón nhận nồng nhiệt mấy, và ông quay lại với môi trường Wessex thời trai trẻ, gắn vào bối cảnh nông thôn truyền thống này một ý thức hiện đại hơn, thông qua nhân vật Clym Yeobright, một “kẻ trở lại cố hương,” giống như ông. Hardy đã giao bản thảo ban đầu của Trở lại cố hương cho Leslie Stephen, để đăng nhiều kỳ trên tạp chí Cornhill. Stephen từ chối bản thảo vì cho rằng cách xử lý quan hệ nam nữ không phù hợp với giới độc giả thời Victorian; ví dụ, lúc đầu Thomasin đã sống với Wildeve suốt một tuần trước khi phát hiện ra rằng lễ kết hôn không đúng thể thức. Hardy đã chỉnh sửa lại bản thảo và cuối cùng nó được đăng trên tờ Belgravia vào năm 1878. Tháng 11 năm đó, một phiên bản hơi khác đã được in bởi nhà xuất bản Smith, Elder & Co. Thật sự, Hardy đã chỉnh sửa tác phẩm này hai lần nữa – cho bản in năm 1895 của Osgood Mcllvaine, và bản in năm 1912 của Macmillan.
Được công nhận rộng rãi là một trong những tiểu thuyết nổi bật nhất của Thomas Hardy, tác phẩm này tìm cách giải mã mối xung đột giữa tình yêu và tình cảm gia đình, giữa hiện thực và khát vọng, giữa tự nhiên hay định mệnh tàn ác vô tình và đời người hữu hạn.[3]       

 

TÓM TẮT CỐT TRUYỆN:

Cuốn tiểu thuyết mở đầu với hai nhân vật trên con đường băng qua vùng đất Egdon, Venn, người bán thuốc nhuộm với cỗ xe ngựa chở Thomasin và Thuyền trưởng Vye, ông ngoại của Eustacia. Cuộc hôn nhân giữa Thomasin và Wildeve bị trì hoãn do một sơ sót trong thủ tục kết hôn. Thomasin tức giận và bỏ chạy khỏi nhà thờ một mình, sau đó nàng gặp Venn và nhờ gã đưa nàng về nhà của bà Yeobright, bác gái của nàng ở Bloom-Ends. Trước đó, Wildeve và Eustacia yêu nhau nhưng do nàng rất kiêu kỳ, y chủ động chia tay với nàng và quay sang Thomasin.

Khi nghe ông nàng báo tin về cuộc kết hôn không thành, Eustacia đốt một đống lửa trước nhà nàng trên đồi Mistover để ra hiệu cho Wildeve, vì nàng nghĩ hôn lễ không thành là do y còn yêu nàng. Họ gặp lại nhau sau một thời gian xa cách; nhưng một lần nữa Wildeve chứng tỏ y không phải là một người tình hoàn hảo như khao khát của nàng. Và nàng vô cùng buồn phiền chán nản.

Venn tình cờ biết được mối tình lãng mạn giữa Eustacia và Wildeve, vì đã từng yêu Thomasin nhưng bị nàng từ chối, gã quyết ra tay trợ giúp để nàng tìm được hạnh phúc của mình. Nhưng nỗ lực của Vennn nhằm thuyết phục Eustacia chịu nhường Wildeve cho Thomasin, cũng như đề xuất với bà Yeobright rằng gã sẽ tự lấy Thomasin đều thất bại.

Trong tình cảnh rối loạn này, Clym Yeobright, con của bà quả phụ Yeobright, anh họ của Thomasin quay về từ Paris vào dịp lễ Giáng sinh. Eustacia nhận ra Clym có thể là người giúp nàng thoát khỏi vùng hoang địa mà nàng vô cùng căm ghét. Thậm chí trước khi gặp Clym, nàng đã tự thuyết phục mình yêu Clym, và quyết định kết thúc mối tình bế tắt với Wildeve. Sau đó Wildeve và Thomasin lấy nhau.

Phần do chủ tâm của Eustacia, phần do số phận run rủi, Clym gặp nàng trong đêm diễn kịch dân gian tại nhà anh, khi nàng giả làm một thành viên trong đội kịch để được nhìn thấy anh. Sau đó, anh tới nhà của ông ngoại nàng trên đồi Mistover để giúp các người dân trong làng kéo cái xô bị rơi xuống giếng của ông. Lần gặp này đã dẫn tới tình yêu giữa họ. Bất chấp sự phản đối gay gắt của bà Yeobright, Clym và Eustacia kết hôn với nhau, và sống trong một ngôi nhà nhỏ do Clym thuê ở cách Bloom-Ends vài dặm.

Với cuộc kết hôn này, khoảng cách giữa Clym và mẹ anh ngày càng xa. Trong thời gian đó, mâu thuẫn cũng bắt đầu này sinh giữa đôi vợ chồng trẻ. Clym là một thanh niên yêu quê hương và có những khát vọng hơi ảo tưởng: anh muốn mở một trường học để dạy trẻ con ở quê mình, với quan niệm kiến thức cần thiết hơn sự giàu có. Anh miệt mài đắm mình vào nghiên cứu để sớm đủ khả năng thực hiện kế hoạch của mình, không hề quan tâm tới những mong muốn của Eustacia. Do quá cố gắng, mắt anh bị viêm cấp tính và mất đi một phần thị lực. Anh trở thành một thợ cắt kim tước, điều này càng khiến cho Eustacia thêm đau khổ. Tuy nhiên, với bản chất kiên cường, nàng quyết định phải tìm vui cho chính mình, để vơi bớt phần nào sự buồn bã và thất vọng. Nàng tới dự một lễ hội khiêu vũ ở làng bên cạnh, và ở đó nàng tình cờ gặp lại Wildeve. Kể từ lúc ấy, Wildeve cảm thấy y ngày càng yêu nàng hơn cả trước kia.

Với sự thuyết phục của Venn, bà Yeobright mong muốn làm hòa với đôi vợ chồng trẻ, và đã lên đường tới thăm họ vào một ngày trời rất oi bức. Tình cờ, khi bà tới nhà họ, Wildeve cũng đang có mặt trong nhà. Y tới một cách công khai, và có ý định gặp cả hai vợ chồng, nhưng lúc y đến Clym đã ngủ say do làm việc vất vả. Khi y và Eustacia đang nói chuyện, bà Yeobright tới gõ cửa. Khi nghe gõ cửa, Eustacia tới bên cửa sổ nhìn ra, và thấy bà Yeobright, nhưng nàng lưỡng lự không muốn mở cửa cho bà; khi bà gõ cửa lần thứ hai, Clym nằm mơ và cất tiếng gọi mẹ. Do tưởng rằng Clym đã thức và tự mình ra mở cửa, Eustacia tiễn Wildeve ra về theo lối cửa sau, và ở lại ngoài vườn một lúc. Bà Yeobright thất vọng ra về. Trên đường, bà bị kiệt sức do trời quá nóng nên nằm xuống nghỉ mệt trên một bãi cỏ và bị rắn cắn. Do không biết sự tình trở nên nghiêm trọng như vậy, Eustacia cũng không nói gì với Clym về cuộc thăm viếng bất ngờ của Wildve.

Chiều hôm đó, do linh tính, Clym quyết định phải tới thăm mẹ. Anh tìm gặp bà Yeobright giữa đường, đưa bà tới một túp lều bỏ hoang và tìm người tới giúp. Nhưng do kiệt sức và nhiễm độc quá nặng, bà không qua khỏi.

Clym tự trách mình rất nhiều về cái chết của mẹ; sau đó, khi biết thêm tình tiết về cái ngày bi thảm này, anh và Eustacia đã cãi nhau gay gắt và chia tay nhau. Nàng trở về sống với ông ngoại, còn Clym trở về ngôi nhà của mẹ mình ở Bloom-Ends. Lại một lần nữa đêm đốt lửa Năm tháng Mười một tới. Charley, chàng trai trẻ giữ ngựa cho Thuyền trưởng Vye, vốn rất yêu mến Eustacia, tự gom góp củi để đốt lửa vì biết nàng rất thích. Khi được báo tin về đống lửa, nàng yêu cầu Charley tắt nó đi, nhưng trong lòng nàng cũng không dứt khoát. Khi nhìn thấy đống lửa, Wildeve lên đồi Mistover để gặp nàng, và y hứa sẽ giúp nàng tới cảng Budmouth để đáp tàu sang Paris. Mọi tình tiết lên tới đỉnh điểm vào một đêm giông bão; trên đường đi tới chỗ hẹn với Wildeve, Eustacia chợt nhớ ra nàng không có đủ tiền để sang Paris, và như thế, nếu muốn đi, nàng buộc phải đi cùng với Wildeve, phụ thuộc vào y. Tác giả không nói rõ nàng chết đuối do tai nạn hay do cố tình, nhưng từ diễn biến câu chuyện, có thể tin rằng nàng đã tự trầm mình để giữ gìn phẩm cách trong sạch. Khi nhảy xuống cứu nàng, Wildeve cũng chết đuối, Clym bị ngất nhưng sau đó hồi tỉnh lại.

Ở phần Vĩ Thanh, rốt cuộc Thomasin và Venn lấy nhau, sống một cuộc đời hạnh phúc. Clym trở thành một người thuyết giảng lưu động về Điều răn thứ Mười một của Chúa Jesus.

 

VÀI PHÂN TÍCH SƠ LƯỢC:

Vùng đất hoang mênh mông mà trong tác phẩm này Thomas Hardy gọi là Egdon Heath gắn liền với nền văn hóa dân gian và những tập tục, truyền thống xa xưa, hầu hết có tính chất ngoại giáo; như việc đốt lửa vào đêm Năm tháng Mười một, diễn kịch dân gian vào dịp Giáng sinh, hay những cuộc khiêu vũ tưng bừng trong lễ hội Một tháng Năm… Những chấm phá này tạo một bức nền thật sự sinh động cho tác phẩm.

Trong Trở lại cố hương, có một xung đột mạnh mẽ giữa tự nhiên hay số phận, đại diện là Egdon Heath, và con người, đại diện là các nhân vật trong tiểu thuyết, đặc biệt là Eustacia. Tiêu đề của chương đầu tiên, “Một gương mặt mà trên đó thời gian không tạo được nhiều ấn tượng” cho thấy cánh đồng hoang có một vai trò quan trọng hơn nhiều, chứ không chỉ đơn thuần là bối cảnh cho câu chuyện. Từ “gương mặt” khiến độc giả nghĩ về Egdon Health với tư cách một cá thể con người, và về bản chất, một nhân vật chính trong tiểu thuyết: “Hiện tại, vùng đất này là một nơi chốn hoàn toàn hòa hợp với bản chất loài người – không kinh khủng, mang vẻ thù ghét hay xấu xí; cũng không tầm thường, vô nghĩa hay đã bị thuần hóa; mà, giống như con người, nhẹ dạ và giàu chịu đựng; và cũng chứa đầy lạ lùng bí ẩn trong nét đơn điệu tối tăm của nó. Giống như với vài cá nhân nào đó từng sống cách biệt lâu ngày, sự cô đơn quạnh quẽ dường như toát ra ở vẻ ngoài của nó. Nó có một gương mặt cô độc, chất chứa những khả năng bi đát”.

             Và, trong khi các nhân vật đấu tranh, trở nên mệt mỏi và vỡ mộng, hoặc chết, vùng hoang địa vẫn trơ trơ không thay đổi. Nó là một biểu tượng của sự vĩnh cửu. Các khía cạnh khác của bối cảnh cũng mang tính biểu tượng, và chúng gia tăng tính chất bi thảm của tác phẩm. Sự thống trị của bóng tối mở ra ngay từ đầu tác phẩm: những đống lửa trên cánh đồng hoang, những nguồn sáng nhỏ nhoi giữa màn đêm mù mịt nhanh chóng tàn lụi và biến mất, như hạnh phúc ngắn ngủi nhất thời của Eustacia và Clym. Vầng trăng bị che khuất trong đêm nguyệt thực dự báo cho kết cuộc của tình yêu giữa họ. Vào đêm Eustacia chết, cơn mưa bão dữ dội là tiếng vọng cho những cảm xúc mãnh liệt của nàng khi nàng đau đớn kêu lên những lời phản kháng số phận đắng cay: “Ôi chao, sự độc ác của việc đặt tôi vào thế giới dại dột này! Tôi có nhiều khả năng; nhưng tôi đã bị làm tổn thương, trở nên thân tàn ma dại và bị nghiền nát bởi những thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của tôi! Ôi, Trời cao khắc nghiệt biết bao khi nghĩ ra những hình phạt như thế cho tôi, kẻ không hề làm điều gì hại tới Trời cao!”

               Nhiều nhà phê bình tin rằng trong tác phẩm này số phận hoàn toàn chiếm ưu thế; và các nhân vật là những nạn nhân bất lực của nó. Phải thừa nhận rằng số phận đóng một vai trò quan trọng; ví dụ, Eustacia tình cờ gặp lại Wildeve trong lễ hội khiêu vũ; bà Yeobright tình cờ chọn một ngày rất nóng để tới thăm Clym, tình cờ đến nơi khi Wildeve đang ở đó, và tình cờ bị rắn hổ lục cắn khi đang nằm nghỉ mệt; Eustacia không nhận được lá thư của Clym vì ông ngoại của nàng cho rằng nàng đã ngủ, vân vân. Tuy nhiên, có thể truy nguyên hầu hết các tấn thảm kịch từ các động cơ, quyết định và hành động của các nhân vật.
               Bà Yeobright có thể bị coi là nạn nhân vì Eustacia không mở cửa cho bà, nhưng chúng ta phải nhớ rằng bà chưa bao giờ chấp nhận Eustacia và cố gắng tác động để Clym từ bỏ nàng. Bà cho rằng mình có địa vị xã hội cao hơn nhiều so với Eustacia, và không tin tưởng nàng vì nàng là một con người tự do; bà cho rằng nàng là kẻ lười nhác và vô trách nhiệm, gợi ý rằng nàng có mối quan hệ khinh suất với Wildeve; nói chung là ghen tị với nàng vì bà muốn giữ Clym cho chính mình. Bà từ chối tham dự đám cưới của Clym và đối xử với Eustacia một cách trịch thượng khi họ nói chuyện với nhau gần ao nước. Sau đó bà tránh xa con trai và vợ của anh, đủ lâu để đào sâu thêm khoảng cách giữa họ.
               Clym cũng tự mang lại cho mình nhiều rắc rối. Anh hài lòng với sự quan tâm và tình cảm say đắm mà Eustacia dành cho mình, nhưng không bao giờ thực sự nhìn thấy nàng với tư cách một cá thể hoàn toàn khác biệt. Không chú ý tới sự căm ghét cánh đồng hoang cũng như khao khát rời khỏi nó của Eustacia, anh cho rằng nàng sẽ là một phần quan trọng trong sứ mệnh giảng dạy của mình. Sau khi kết hôn, Clym bỏ mặc nàng và dành thời gian cho việc nghiên cứu; sự suy giảm thị lực có thể là một biểu tượng cho sự mù quáng trước thực tế của anh. Ngay cả khát vọng trở thành một giáo viên của anh cũng ích kỷ và không thực tế; anh cố thoát khỏi những xung đột của đời sống bằng cách tự xây dựng một hiện thực xa vời và ảo tưởng, và muốn áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Hình ảnh của Clym ở cuối truyện mang tính chất mỉa mai cay đắng: một nhà thuyết giảng lang thang chưa tới ba mươi ba tuổi.
               Eustacia là nhân vật ấn tượng nhất, nhưng cũng mơ hồ nhất của tác phẩm. Chúng ta hãy nghe Thomas Hardy miêu tả nàng: “Eustacia Vye là nguyên liệu thô của một nữ thần. Hẳn nàng sẽ đóng tốt vai trò đó trên đỉnh Olympus với chút ít chuẩn bị. Nàng có những đam mê và bản năng tạo nên một nữ thần kiểu mẫu, nghĩa là, những phẩm chất hoàn toàn không thể tạo ra một phụ nữ kiểu mẫu. Với một số người, như Susan Nunsuch, nàng là một phù thủy đáng sợ và đáng ghét. Với bà Yeobright là một cô gái lập dị, có những thói quen khác người và lười nhác. Với đa số đàn ông, nàng là một sức hút khó lòng cưỡng lại. Nàng là bóng tối, cũng vừa là ánh sáng. Nàng khao khát được yêu đến điên cuồng. Nàng cảm thấy Egdon Heath là một địa ngục, nơi giam cầm tuổi trẻ, sắc đẹp và những khao khát của mình. Lời cầu nguyện thường ngày của nàng là: “Ôi, hãy đưa tim tôi ra khỏi chốn ảm đạm quạnh hiu đáng sợ này; hãy gửi đến cho tôi tình yêu vĩ đại từ đâu đó, không thì tôi sẽ chết.” Nàng đã thua cuộc và chết, nhưng cái chết của nàng khiến cho tính chất bi kịch của đời người thêm sâu sắc, và nó biến nàng thành nhân vật không thể nào quên trong câu chuyện.
               Trên đây là một số điểm sơ lược mà người dịch nghĩ có lẽ quý vị độc giả muốn biết trước khi thưởng thức tác phẩm. Dù sao, một tác phẩm lớn có thể được nhìn nhận, cảm và hiểu  từ nhiều góc độ khác nhau, và việc đó xin nhường lại cho quý vị. Rất mong nhận được sự ủng hộ của quý vị đối với bản dịch này.
Sài Gòn, 12/2017
Nguyễn Thành Nhân





[1] Nguồn: https://www.nobelprize.org/nomination/archive/show_people.php?id=3892
[2] Bản dịch của Hà Linh, NXB Văn hóa –Thông tin, 2014.
[3] Tác phẩm đã được BBC chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 1994, do Jack Gold đạo diễn; vai Eustacia do nữ diễn viên Catherine Zeta-Jones thủ diễn. Phim đã được đề cử giải thưởng Golden Globe For Best Miniseries or Television Film. Quý vị độc giả có thể xem phim online theo link sau: http://www.dailymotion.com/video/x2kur3v.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét