Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

BẢN DỊCH BÀI BÁO CỦA PAUL MILLAR


NHỮNG CỰU BINH VIỆT NAM BỊ LÃNG QUÊN



Vào ngày lễ Giáng sinh 40 năm trước, 150.000 binh sĩ Việt Nam đã vượt biên giới Campuchia, tiến hành một chiến dịch đẫm máu để lật đổ chế độ Khmer Đỏ sát nhân. Nhiều thập niên sau đó, những người từng chiến đấu với các lực lượng của Pol Pot vẫn còn những hồi ức đầy ám ảnh; bị quốc gia quên lãng và bị nhiều người họ từng giải cứu hoài nghi.
Trong hai tuần của tháng 4/1978, lực lượng áo đen của chủ nghĩa dân tộc cực đoan Khmer Đỏ đã mở cửa địa ngục trần gian. Họ xua đuổi mọi gia đình khỏi nhà họ, bắn chết nhiều đàn ông, phụ nữ, trẻ em, quật đầu những em bé vào những bức tường nhà từng che chở chúng. Trong không đầy nửa tháng, gần 3000 người trong một thôn nhỏ bị giết chết. Nhưng cuộc thảm sát này – một trong những hành động tàn ác nhất của quân Pol Pot trong hơn bốn năm cách mạng bằng bạo lực – không được tiến hành trên đất Campuchia, hay áp dụng với người Campuchia. Lính Pot đã luồn qua biên giới, xâm nhập xã Ba Chúc của Việt Nam, tàn sát một làng gồm dân Việt và dân Khmer. Chính cuộc đột kích này, một trong những chiến dịch tàn sát dã man dân Việt Nam,  còn hơn cả tội ác của Pol Pot đối với chính người dân của mình, đã đặt nền tảng cho cuộc tấn công của Việt Nam vào Campuchia mà cuối cùng sẽ xóa bỏ chế độ Khmer Đỏ.
Trong một căn phòng nhà hàng ở Sài Gòn, có vẻ như Nguyễn Công Trung vẫn còn vẹn nguyên chất lính. Mái tóc đen rẻ ngôi theo kiểu nhà binh trên một gương mặt nghiêm nghị, với đôi mắt nhấp nháy sau đôi mắt kính gọng vàng. Như nhiều cựu binh đã ném mình vào vực xoáy của cuộc nội chiến Campuchia, Trung chỉ là một thanh thiếu niên khi vào lính.
Khi chiến tranh biên giới nổ ra, tôi chỉ là học sinh trung học.  Nhưng tôi biết sự tàn ác của Pol Pot qua báo chí – ông ta giết đàn ông, phụ nữ, trẻ con. Tôi tham gia lực lượng dân quân năm 15 tuổi, hai năm sau, tôi gia nhập bộ đội chính quy." Ông nói.
Ngồi cạnh Trung, Phạm Sỹ Sáu hầu như không khác biệt bao nhiêu. Như Trung và một số cựu binh mà Southeast Asia Globe trao đổi, ông đã tới nhà hàng này từ Nhà Bảo tàng Chiến tranh  để chia sẻ ký ức về một cuộc chiến mà đất nước ông đã cố gắng quên đi. To con, lịch sự, ông đóng quân ở biên giới khi lính Pot đột kính vào Việt Nam năm  1977. Tháng 12 năm đó, ông kể, hơn 100 người đã bị giết trong một cuộc tấn công vào một làng biên giới. Ba mươi trong số đó là học sinh, thậm chí còn nhỏ tuổi hơn ông.
Tôi có mặt ở Campuchia từ đầu tới cuối cuộc chiến,” ông kể, một điếu thuốc loại nhẹ nằm hờ hững giữa mấy ngón tay. “Trước đó, tôi là một nhà thơ.”
Vừa thoát khỏi nhiều thập niên chiến tranh, trước tiên là với Pháp và sau đó là Hoa Kỳ, nước Việt Nam mới thống nhất vẫn còn què quặt bởi sự tàn phá của chiến tranh và sự phong tỏa kinh tế tàn khốc. Vừa nhấm nháp một ngụm bia Tiger, Sáu vừa thốt với vẻ cay đắng về việc một thế hệ người Việt Nam khác được giao nhiệm vụ cầm vũ khí bảo vệ quốc gia.
“Chúng tôi buộc phải tham chiến, ông nói. Những người Việt Nam đã phải chịu đựng rất nhiều từ cuộc chiến trước. Sau năm 1975, chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ có hòa bình. Nhưng chỉ sau hai năm, chúng tôi lại một lần nữa tham chiến.|
Đảng cộng sản của Việt Nam và Campuchia, ban đầu liên minh trong cuộc chiến để giải phóng Đông Dương khỏi tầm với của các cường quốc phương Tây, đã chia sẻ sự đào tạo và các nguồn lực suốt nhiều năm khi Chiến tranh Việt Nam lan qua biên giới các quốc gia của họ. Nhưng với sự trỗi dậy của phe lấy người Khmer làm thượng đẳng của đảng cộng sản Campuchia dưới thời Pol Pot, niềm tin ít oi tồn tại giữa các nước láng giềng đã bị tước bỏ khi nhà độc tài Pol Pot liên tục tấn công một cách dã man  vùng đất hạ lưu sông Mê Kông dọc biên giới Campuchia
Đầu hói, gương mặt nghiêm trang, Nguyễn Đức Hòa nói bằng giọng điệu bình thản của một kè quen ra lệnh. Giọng ông nổi lên tiếng ồn ào trong nhà hàng khi nói về việc ông nhập ngũ năm 1976 và sau đó mất hơn ba năm để đẩy lùi các cuộc tấn công của Khmer Đỏ qua biên giới.
Đơn giản thôi, chúng tôi còn trẻ”, ông nói. “Khi một kẻ thù tấn công đất nước, chúng tôi phản công. Nhưng bây giờ người Việt Nam chúng tôi muốn có một tình bạn thân thiết với Campuchia - bởi vì chúng tôi có bạn bè, người thân, đồng hương đã định cư ở Campuchia.” 
Nguyễn Thành Nhân là một người lính mà những năm chiến đấu chống tàn quân Pol Pot ở biên giới Thái Lan vẫn còn nặng nề trong hồi ức. Nhỏ con, rắn rỏi, trầm tư, Nhân liên tục rít thuốc lá và phủi tàn thuốc phủ lên một trái tim xăm mờ nhạt trên cổ tay. Bên trong trái tim là những chữ Khmer nguệch ngoạc tên người phụ nữ ông từng yêu, từ nhiều thập kỷ trước, cách rất xa quê hương ông
Cuốn sách của Nhân “Mùa xa nhà”, một tự truyện về những năm tháng chiến đấu ở Campuchia được xuất bản bằng tiếng Anh tám năm trước, là một câu chuyện nồng nàn, trữ tình về một nhóm lính trẻ đang cố gắng chịu đựng một vòng xoáy bạo lực và sợ hãi dường như vô tận. Mặc dù giới lãnh đạo Khmer Đỏ đã chạy trốn khỏi Phnom Penh chỉ hai tuần sau cuộc xâm lược, nhưng lực lượng của họ vẫn ẩn náu dọc biên giới Thái Lan, bị nhốt trong một cuộc chiến tranh tiêu hao đẫm máu với người Việt Nam và các đồng minh Campuchia của họ. Thông qua những vần thơ và một đoạn ca khúc, cuốn sách của ông  đã vẽ nên một hình ảnh sống động về nỗi kinh hoàng của cuộc chiến mười năm mà Việt Nam đã cố gắng hết sức để quên. Cuốn sách đã bị cấm bởi chính phủ của ông từ trước đó.
“Tôi không phải là một nhân chứng, nhưng chúng tôi đã nghe  về Tuol Sleng [nay là Bảo tàng Diệt chủng nổi tiếng ở Phnom Penh], ông nói. “ Sự tàn ác và diệt chủng của Pol Pot là rất, rất khủng khiếp.”

Sin Khin là một trong nhiều người Campuchia nhớ rằng sự tàn ác chỉ là quá rõ. Hiện là cố vấn cao cấp của Hội đồng Bộ trưởng, Khin sinh ra ở tỉnh Svay Rieng ở biên giới với Việt Nam, làm giáo viên dưới chế độ Sangkum của Hoàng tử Norodom Sihanouk cho đến khi cựu vương bị lật đổ bởi Tướng Lon Nol với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ năm 1970. Không thể chứng kiến ​​đất nước của mình chìm vào cuộc nội chiến với cuộc nổi dậy của cộng sản giờ được hỗ trợ bởi ông hoàng Shihanouk đang sống  lưu vong, Khin gia nhập lực lượng của Lon Nol với tư cách là một lính cứu thương. Khi Khmer Đỏ giành chiến thắng, ông đã trải qua 15 tháng lao động nặng nhọc tại một trong “những nhà tù không có tường thành” đang xuất hiện khắp quốc gia Campuchia Dân chủ mới. Ngay cả sau khi được thả ra, ông vẫn tiếp tục làm việc trên các cánh đồng dưới con mắt giám sát của cán bộ Khmer Đỏ. Mãi tới khi nhìn thấy những người lính Khmer Đỏ chạy trốn khỏi biên giới Việt Nam vào năm 1977, ông mới bắt đầu mơ tới việc trốn thoát.

Vào thời điểm đó, Khmer Đỏ bắt đầu di chuyển người dân từ biên giới vào sâu hơn trong nước vào ban đêm,” ông kể. “Lính Việt Nam và lính Khmer Đỏ đang đánh nhau - và Khmer Đỏ thua cuộc. Rất nhiều người lính đã bỏ trốn.

Khi các cán bộ Khmer Đỏ bỏ trốn, Khin tập hợp hơn 50 gia đình và chuẩn bị chạy trốn qua biên giới. Một vài người đàn ông tự vũ trang bằng dao và dao rựa do sợ rằng lính Pot sẽ quay lại. Thay vì vậy, họ thấy mình đang bị những đoàn quân Việt Nam bừng bừng sát khí bao vây.

“Tôi thấy những người lính Việt Nam đến gần làng, nhưng tôi nghĩ họ là người Khmer - những người lính Campuchia đến giải cứu chúng tôi,” ông kể. “Tôi cột một cái khăn ăn màu trắng vào một cây sào tre dài, nhưng họ đã nổ súng vào chúng tôi. Tất cả chúng tôi nằm xuống ruộng lúa. Sau đó tôi cởi hết quần áo ra và cột chúng vào một nhánh cây. Tới lúc đó họ mới bắt đầu tin [chúng tôi không phải là lính Khmer Đỏ].

Khin cất tiếng gọi những người lính bằng tiếng Việt mà ông đã học được khi học ngành y ở miền Nam Việt Nam trước khi chế độ Lon Nol sụp đổ. Những người khác không may mắn như thế. Khin kể đã có mấy chục thanh niên Campuchia trẻ tuổi bị quân đội Việt Nam bắt giữ vì nghĩ họ là tàn dư của Khmer Đỏ.

“Tôi là người đầu tiên mỉm cười với họ - tất cả những người đàn ông khác đều run rẩy,” ông nói. Và họ đã cho tôi một miếng bánh mì.

Về phía Việt Nam, những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa những người lính trẻ chiến đấu để đẩy lùi lực lượng của Pol Pot và những người gần chết đói đang mong ước được giải cứu là một phát hiện. Luôn có một nụ cười thoải mái và sẵn sàng cất tiếng cười to, Nguyễn Văn Trọng trông không giống một người đã tận mắt chứng kiến ​​sự tàn bạo của Khmer Đỏ. Dễ dàng chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Khmer mà ông học hỏi được trong thời gian ở Campuchia, nét mặt ông trở nên nghiêm trang khi nói về những ngày đầu chiến đấu qua biên giới.

“Dưới chế độ của Pol Pot, không có tiền, không có gia đình, không có trường học,” ông nói. Chỉ có một màu duy nhất: màu đen. Tất cả quần áo đều màu đen. Khi chế độ của ông ta sụp đổ, người dân Campuchia rất vui mừng. Khi họ nhìn thấy những người lính Việt Nam, như thể họ đã được sống lại.”

Từ đầu những ngày sống lưu vong ở Việt Nam, Sin Khin đã nghe đồn về một phong trào kháng chiến trong số những người tị nạn Campuchia đang vật lộn để sống còn trong các trại ở bên kia biên giới. Ít lâu sau,  khi ông trở thành người đứng đầu trại tị nạn, ông đã tiếp xúc với những người cùng chí hướng, mong muốn tấn công chống lại Khmer Đỏ. Trong nhiều tháng, Khin làm công việc tuyển mộ cho lực lượng giải phóng Campuchia có trụ sở tại Việt Nam do Heng Samrin và Thủ tướng Hun Sen dẫn đầu, cử những thanh niên đi theo quân đội Việt Nam, những người đã đùm bọc họ, để huấn luyện quân sự.

Khi Heng Samrin, Hun Sen và Chea Sim - tất cả những người đã đào ngũ từ lực lượng Khmer Đỏ và trốn qua biên giới năm 1977 để cầu xin các đồng minh cũ của họ giúp đỡ - cùng nhau đến huyện Snuol đã được giải phóng của Campuchia để thông báo về sự ra đời của Mặt trận Giải phóng Quốc gia Campuchia, Khin bắt đầu tin rằng hơn bốn năm khủng bố dưới chế độ diệt chủng cuối cùng sẽ chấm dứt.

Thoạt tiên, tôi không có chút hy vọng nào - chúng tôi chỉ gia nhập quân độ vì đó là ý chí của các lãnh đạo hàng đầu của chúng tôi. Nhưng trong lòng, tôi rất vui sướng. Tôi đã gặp rất nhiều binh lính trong khu rừng ở Snuol, và quân đội Việt Nam cùng đi để giúp đỡ họ - tôi bắt đầu hy vọng rằng, vâng, chúng tôi sẽ chiến thắng.”

Bất mãn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan điên cuồng của phe Pol Pot và khiếp sợ những cuộc thanh trừng đang gia tăng trong phong trào, đó là lý do chính của những người đào thoát khỏi Khmer Đỏ - được ủng hộ bởi số người tị nạn Campuchia ngày càng đông đảo, vốn sẵn sàng nắm lấy cơ hội để trả thù những kẻ đã giết rất nhiều người thân của họ - điều đó sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc giải phóng Campuchia của Việt Nam.

“Mọi người bắt đầu tình nguyện tham gia phong trào. Họ cảm thấy rất đau lòng bởi Khmer Đỏ,” Khin nói. “Tuy nhiên, Việt Nam luôn đứng ở tuyến đầu. Những người lính Campuchia luôn ở bước thứ hai. Họ đều là những tân binh. Và họ dũng cảm, họ muốn chiến đấu, mặc dù Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn họ. Bởi vì người Việt Nam lo rằng họ sẽ trả thù trong cơn phẫn nộ và giết chết toàn bộ lính Khmer Đỏ.”

Với cái lưng cứng đơ và đôi mày chau bên dưới mái tóc màu xám thép, bác sĩ Hoàng Cát là một cựu chiến binh của chiến dịch đã chọn định cư tại Campuchia. Từng là một y sĩ trẻ chiến đấu với những người lính chống lại lực lượng Khmer Đỏ ở tỉnh Kampong Cham, bác sĩ Cát hiện làm việc tại một bệnh viện Việt-Campuchia ở trung tâm Phnom Penh.

“Chiến trường không giống như trong phim tài liệu,ông nói. “Khi Khmer Đỏ rút lui từ nơi này sang nơi khác, quân đội Việt Nam đã đuổi theo sau và đẩy chúng ra xa hơn.”

Khi còn là một sinh viên y khoa trẻ tuổi, bác sĩ Ct đã phục vụ cùng với những người lính đã đánh đuối Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Từ “nhiệm vụ” không bao giờ rời khỏi đôi môi của ông - nhất là khi ông mô tả sự đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phẩu thuật để lấy những mảnh đạn và chì khỏi thi thể của những người lính Khmer Đỏ bị quân đội của Pol Pot bỏ lại.

“Rất nhiều binh sĩ mà tôi chữa trị, cả người Campuchia lẫn người Việt , đã bị thương vì đạn và mìn,” ông nói. Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ họ. Các bác sĩ phải điều trị cho tất cả mọi người, ngay cả Khmer Đỏ, nếu họ bị thương hoặc bị bệnh. Trước mặt bạn chỉ là một bệnh nhân cần được chữa trị.”

Đối với nhiều người Campuchia, dòng người Việt Nam sau cuộc xâm lược và chiếm đóng vẫn là một viên thuốc đắng phải nuốt. Bị kích động bởi những luận điệu thù địch rằng Thủ tướng Hun Sen và chính phủ của ông ta chỉ là những con rối được Việt Nam cài đặt để giữ Campuchia dưới ách nô lệ, phục vụ cho tham vọng đế quốc của Hà Nội, ngày càng nhiều thanh niên Campuchia xem sự chiếm đóng của Việt Nam, và những người lính từng chống lại Khmer Đỏ, là một sự vi phạm không thể tha thứ đối với chủ quyền quốc gia.

Nhân, nhà văn, vẫn gắn bó thân thiết với người phụ nữ đã nhận ông làm con nuôi trong những năm dài ở Campuchia. Ông buồn thấy rõ khi nói về nhận thức ngày càng tăng của nhiều thanh niên Campuchia rằng ông và đồng đội của mình không gì khác hơn là những kẻ xâm lược nước ngoài đang củng cố sự thống trị của Hà Nội đối với Đông Dương.

Tôi đã dành ra rất nhiều thời gian để tranh luận với những người [Khmer] trẻ tuổi trên mạng,” ông nói. “Họ không biết về những gì chúng tôi thực sự đã làm ở Campuchia - họ nghe thấy những khía cạnh xấu nhưng họ không nghe thấy những khía cạnh tốt của chúng tôi ở đó. Chúng tôi luôn cư xử rất tốt với mọi người - chúng tôi yêu họ như người thân của chúng tôi. Chúng tôi gọi những phụ nữ lớn tuổi mẹ, gọi những người nhỏ tuổi là anh em trai và chị em gái - và đó là cách hành xử của chúng tôi. Nhưng giới trẻ không biết chuyện đó.”

“Thế hệ trẻ hơn ở Việt nam cũng chẳng tốt hơn bao nhiêu. Nếu cha họ từng chiến đấu ở Campuchia, họ biết chút ít về cuộc chiến này,” Nhân nói. “Nhưng tôi nghĩ nhiều người đã quên đi.”

Nhà thơ Sáu không phải là một trong số họ. Với một nụ cười buồn, ông nói về cuộc đấu tranh lâu năm để chống lại cái mà ông và đồng đội của ông gọi là hội chứng Campuchia Campuchia – gánh nặng tâm lý của những năm kinh khủng đè nặng lên trái tim họ.

“Khi còn là lính, chúng tôi còn rất trẻ,” ông nói. “Và những trận đánh rất khủng khiếp. Chúng tôi đã phải vượt qua nó để sống sót. Nhưng nhiều năm sau, nó quay trở lại - chúng tôi vẫn gặp ác mộng. Khi chúng tôi say, những ký ức lại quay trở lại và chúng tôi có thể cư xử rất tệ.

Nhân nói rằng trong khi chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý đã được ghi nhận rõ ràng trong số những người lính Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam, thì tác động lâu dài của nhiều năm chiến đấu ở Campuchia vẫn là điều cấm kỵ sâu sắc đối với những người lính Việt Nam trở về nước.

“Bạn đã đọc những cuốn tiểu thuyết Mỹ, và sách Mỹ, về hội chứng chiến tranh Việt Nam. Ngay cả tôi, tôi vẫn gặp ác mộng về những trận đánh với lính Pol Pot,” ông nói. “Hầu hết chúng ta, kể cả tôi, chúng tôi không nói về điều đó với bất cứ ai. Chúng tôi che đậy sự thật. Mỗi người trong chúng tôi đều có những triệu chứng này - mặc dù không phải lúc nào cũng rất nghiêm trọng. Nhưng đối với một số người, nó rất nghiêm trọng. Họ phát điên.

Đối với Hòa có khuôn mặt nghiêm nghị, thời gian ở Campuchia là điều ông đã cố gắng hết sức để quên đi. Nhưng một ngày nào đó, ông nói, ông muốn đưa các con của mình đi thăm mảnh đất mà cha chúng đã chiến đấu trong cuộc chiến đã bị lãng quên của Việt Nam.

“Khi chúng tôi gia nhập quân đội, lý do chỉ là để bảo vệ đất nước của chúng tôi. Chúng tôi không nghĩ mình sẽ nhận được gì khi trở về nhà,” ông nói. “Tuy nhiên, thật sự có rất ít hỗ trợ dành cho những người lính như chúng tôi. Chúng tôi phải dựa vào chính mình. So với lính Mỹ, chúng tôi chẳng nhận được gì.”

Sống định cư ở Campuchia, bác sĩ Cát không khỏi ngạc nhiên trước câu hỏi liệu ông có còn cảm thấy được chào đón ở đất nước đang cưu mang mình hay không.

“Tôi không quan tâm tới việc mọi người nghĩ người Việt Nam đến xâm chiếm hay đến để giúp đỡ, việc đó tùy ý họ” ông nói. “Nhưng tôi biết rằng những người lính Việt Nam đã đến để giúp đỡ - để cứu người dân Campuchia.”

Sáu vẫn còn làm thơ. Trước khi nói lời tạm biệt, ông rút ra từ túi xách một cuốn thơ và ký tên với những nét cẩn thận. Bên trong, ông nói, là những ký ức của ông trong gần một thập kỷ chiến đấu để giải phóng Campuchia khỏi những tàn dư cuối cùng của chế độ Pol Pot.

Tôi đã ở Campuchia trong dịp Tết của người Khmer,” ông nói. “Vào tháng Tư, năm 1979, lần đầu tiên sau bốn năm, họ nhảy múa trên đường phố. Đó là hình ảnh đọng lại trong tôi.


Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

XA VẮNG - MỘT TRUYỆN NGẮN CHƯA TỪNG ĐƯỢC XUẤT BẢN


Xa vắng[1]
Truyện ngắn

            Xe qua khỏi cửa khẩu Xa Mát lúc trời chạng vạng. Tay hạ sĩ lái xe nhếch bộ ria mép, lầm bầm nói gì đó trong tiếng máy nổ ầm ầm, rồi thắng kít chiếc Zin quân dụng bên lề, làm tung lên một làn bụi mịt mù. Hắn chỉ kịp vơ vội cái ba lô lép kẹp, thốt nhanh lời cảm ơn rồi nhảy xuống xe. Tay lái xe giơ tay trái lên vẫy vẫy, rồi chiếc xe rú lên, quẹo ngoặt sang hướng Kà Tum, phả thêm một lớp bụi đường biên giới lên bộ mặt sạm đen bụi bặm và nắng gió của hắn. Hắn khoác chiếc ba lô lên một bên vai, mỉm cười nhìn quanh quất. Trời, quê nhà, mình đang đứng trên đất Việt thật rồi! Trái tim hắn đập rộn lên, và một cảm giác thật lạ làm hắn muốn trào nước mắt khi trên môi nụ cười còn chưa tắt hẳn. Hắn chợt muốn nằm xoài ra mà hôn lên mặt đất. Năm năm rồi hắn xa cách ánh đèn thành phố, xa cách quê hương. Năm năm trời đằng đẳng, mở mắt ra chỉ thấy những rừng, những lũng hoang vu.
            Trong trận đánh hồi cuối tháng trước, một trái B40 của địch nổ tung trước công sự của hắn. Hắn chỉ kịp nhìn thấy một nụ lửa khổng lồ xòe ra trước mặt là đã ngất đi, và khi tỉnh dậy, hắn đã nằm trong quân y viện sư đoàn được ba ngày. Cũng may, nhờ chiếc hố mèo khá sâu, hắn chỉ bị ứa máu tai, máu mũi vì sức ép chứ không dính phải miếng miểng nào. Rồi sau khi từ quân y viện  trở về đơn vị vài hôm, hắn nhận được quyết định ra quân. Vĩnh biệt chiến trường! Vĩnh biệt những vinh quang và đắng cay chua xót. Và bây giờ, hắn đứng đây, trong lòng đất Việt. Thân hình còn nguyên, trái tim nóng bỏng còn đập rộn ràng trong lồng ngực.
            Từ Tây Ninh về Sài Gòn khoảng chín mươi cây số. Hắn ước gì mình có cánh như chim để bay một hơi về tới ngôi nhà yêu dấu. Gã lái xe thật tốt, đã cho hắn quá giang suốt từ quân trạm ở Bat Đom Boong về tới đây, tiếc là gã phải rẽ sang hướng khác để quay về đơn vị. Bây giờ không có cánh thì mình cuốc bộ chút chút chơi, rồi lại quá giang chứ còn sao nữa, hắn nghĩ thầm. Thật ra, giờ đó vẫn còn có vài chuyến xe đò cuối xuôi về Sài Gòn, nhưng hắn chẳng còn một xu dính túi. Mấy đồng riel trợ cấp phục viên cuối cùng đã bị vét nốt cho bữa chiều hôm kia, và hai bộ quân phục cũ mà hắn bán đi cũng chỉ vừa đủ cho hắn cùng tay tài xế ăn cơm bụi Khmer cho đến chiều nay. Trong cái ba lô lép kẹp chỉ còn những vật kỷ niệm không bán được: cuốn nhật ký, chiếc đèn pin Trung Quốc, chiếc võng dù lũng lỗ chỗ đạn AK địch phản công trong một lần xung kích, và một hủ kem thoa mặt Thái Lan mà hắn mua ở chợ Xi-xô-phôn để làm quà cho Vân, vợ hắn.
            Hắn đi được chừng hơn một cây số thì trời đã tối đen. Con đường quốc lộ thật tồi, chẳng có một trụ đèn đường làm vốn. Hắn vừa lẩm bẩm nguyền rủa vừa bước thấp bước cao trên mặt đất mấp mô ven lộ, thỉnh thoảng lại nheo nheo mắt khi bị một chiếc xe tải chạy ngược chiều pha đèn vào mặt. Rốt cuộc, hắn cũng được một chiếc xe khách đồng ý cho quá qiang sau hơn hai giờ cuốc bộ. Chuyến xe này chắc cũng là chuyến cuối cùng, đã hơn tám giờ tối còn gì. Trên xe thưa thớt chừng mươi hành khách. Hắn gật đầu cám ơn gã lơ xe vui tính đang gân cổ rên ư ử một câu nhạc sến rồi lủi xuống dãy ghế cuối xe. Hắn ngồi dựa vào ghế, nhắm mắt lại, nhưng đầu óc tỉnh như sáo. Làm sao có thể ngủ khi lòng hắn quá chừng xao động, không thôi nghĩ tới mái ấm gia đình.
            Hắn nghĩ ngợi lan man. Lướt qua trong cơn mơ tỉnh thức của hắn là một chuỗi hình ảnh, một chuỗi khuôn mặt thân quen. Nhất là Vân. Vân với mái tóc đen dài, đôi môi dịu ngọt. Thân hình nàng ấm áp và mềm mại. Hắn vẫn còn nhớ như in sự ấm áp mềm mại đó. Hắn chỉ vừa mới cưới nàng được nửa tháng thì nhận được lệnh thi hành nghĩa vụ quân sự. Và hắn chỉ được ôm ấp thân hình mềm mại đó thêm đôi lần khi từ quân trường về phép, sau đó là hơn năm năm cách xa đằng đẳng.
            Lúc hắn mới sang K, nàng viết thư cho hắn thật nhiều, như thác lũ, gần như mỗi ngày một lá. Đơn vị hắn hành quân cơ động suốt một vùng biên giới Campuchia - Thái Lan dài hàng trăm cây số, lâu lâu mới quay về hậu cứ. Và mỗi lần về, hắn là người nhận được nhiều thư nhất, cả một xấp thư dài. Hắn thuộc lòng tất cả những lá thư đó. Hắn đọc đi đọc lại, gần như  đâm nghiện được nhìn thấy những nét chữ mềm mại thân thuộc của nàng. Rồi thác dần biến thành sông, sông thành suối, rồi suối cạn nguồn. Đã hai năm hắn chẳng nhận được lá thư nào của nàng nữa. Đôi khi hắn cũng hơi buồn, nhưng rồi hắn nghĩ chắc là nàng quá bận bịu vì sinh kế bon chen. Vả lại, từ đầu hắn đã rất ít viết thư gửi cho nàng, ngay cả lần này về hẳn cũng vậy, vì hắn muốn đem đến cho nàng một sự bất ngờ lãng mạn. Hắn không quen viết, và cũng chẳng biết viết gì cho nàng ngoài mấy câu lặp đi lặp lại. Hắn không kể cho nàng nghe về cuộc sống của hắn, vì hắn không muốn làm nàng lo sợ. Hắn chỉ biết là hắn yêu nàng, rất yêu nàng, và nàng cũng rất yêu hắn. Thế thôi. Hắn nhớ hồi mới cưới nhau, trừ ra ba ngày được nghỉ “tuần trăng mật”, nhiều đêm hắn vẫn nằm co một mình vì nàng phải đi làm ca đêm. Một cô thợ dệt như nàng quả thật cực khổ đáng thương, với đồng lương ít ỏi. May mà hắn kịp mua lại được một căn nhà ổ chuột ven kênh Nhiêu Lộc với giá thật bèo trước khi cưới ít lâu cho nàng ở. Có lần, lâu lắm rồi, nàng viết trong một lá thư, bảo rằng giá mà nàng có thai với hắn, sinh một đứa con, có lẽ nàng đỡ cô đơn hơn. Hắn không đồng ý. Hắn biết chiến tranh là gì. Và hắn không muốn nàng phải vất vả một mình nuôi con nếu lỡ ra… Phải, súng đạn vô tình lắm Vân ơi. Và anh không muốn em phải khổ vì anh. Nhưng bây giờ hắn đã trở về. Ao ước của nàng đã có thể thực hiện được rồi. Hắn mỉm cười. Hắn tưởng tượng cái cảnh nàng bế một thằng nhóc bụ bẫm trắng hồng trên tay, hai mẹ con ngồi tựa vào lòng hắn. Hắn hình dung sẽ có những buổi chiều nắng vàng nhẹ hắt ngoài hiên, hắn ngồi đùa cợt với con, còn nàng loay hoay bên bếp lửa, đôi má hồng lên, chuẩn bị cho bữa cơm tối. Làn khói bếp tỏa lên ấm áp trong chiều, đẹp như trong một bài hát mà tụi hắn vẫn thường hay hát…Rồi sẽ một ngày, có một ngày chinh chiến tàn. Anh trở về quê tìm tuổi thơ đã mất năm nao. Chuông chùa làng xa chiều lại vang. Bếp ai lên khói ấm tình thương. Bát cơm rau thấm mối tình quê... Có con trâu, có nương dâu, thiên đường mơ ước bao lâu... Giấc mơ đẹp làm tim hắn đập rộn lên, một cảm giác ngọt ngào lạ lùng tỏa lan khắp cơ thể hắn.
            Hắn đang chìm đắm trong giấc mơ êm ái đó, chợt đột ngột quay về thực tại. Một mùi nước hoa rẻ tiền nồng nặc ập vào khứu giác. Tiếng sột soạt của lớp quần áo di chuyển cọ sát nhau cho hắn biết có hành khách vừa lên xe, tới ngồi vào băng ghế phía trên. Hắn vẫn lơ mơ nhắm mắt nhưng hai tai dỏng lên, lắng nghe tiếng con gái chuyện trò tíu tít. Ra là mấy cô ả. Kể cũng hay, lâu lắm rồi mới được nghe giọng con gái Việt Nam quen thuộc, hắn nhủ thầm.
- Mày có nhớ cái thằng hay ôm cặp, vẻ ta đây cán bộ cấp cao hôn Lan? Cái thằng cao to, có hàm ria con kiến đó – Một cô gái nói, chất giọng đặc sệt dân miền Tây.
- Ừ, sao? – Cô kia hỏi lại.
- Mẹ nó! Cái cặp toàn là giấy lộn không! Vậy mà mấy lần nó dụ tao bỏ quán đi theo nó. Nó nói sẽ lo cho tao sống sang trọng như một bà hoàng.
- Đời bây giờ lắm thằng ma cô xạo sự, hơi đâu mà để ý. Đừng ngu ngơ tin lầm tụi nó là chắc ăn mày ơi.
- Nhưng tao ức lắm. Nó lừa đảo của tao hết mấy trăm ngàn chứ  ít sao. Nó nói cho anh mượn tạm, rồi vài bữa anh ra nhà băng rút tiền sẽ bù lỗ cho em thoải mái. Mẹ nó chứ thoải mái!
- Tại mày thôi, cứ mê cái vẻ bề ngoài. Thôi, thí cô hồn đi Dung.
Hắn lắc đầu chán ngán, không buồn nghe tiếp nữa. Câu chuyện của hai cô gái này thật nhạt phèo. Đây chắc là hai cô nàng tiếp viên bia ôm hay cà phê ôm gì đó. Dạo trước, hắn có nghe mấy thằng bạn sĩ quan đi phép về nước qua kể lại, rằng Sài Gòn bây giờ quậy dữ dội lắm, vui lắm, không cù lần như mấy năm về trước, nhưng hắn đâu có tin. Hắn cứ nghĩ tụi nó nổ cho vui. Vậy là Sài Gòn bây giờ vui hơn thật. Vui hơn, hay thảm hại suy đồi hơn đây, hắn tự hỏi thầm, rồi tiếp tục chìm vào giấc mơ thần tiên đang dang dở.
Chiếc xe chợt quẹo gắt làm người hắn nghiêng sang một bên. Tiếng ồn ào rao bán nước ngọt, bánh mì lao xao làm hắn giật mình mở mắt ra. Đã tới bến xe rồi. Hắn nhìn những dãy phố xá tràn ngập ánh đèn, nôn nóng. Hắn nối theo hai cô gái bước xuống xe. Một cô chợt quay sang nhìn hắn cười cười.
- Anh mới ở bên K về phải hông? Nhìn là biết ngay mà.
- Phải, lâu lắm rồi tôi mới về lại Sài Gòn – Hắn đáp. Hắn vốn tử tế và nhân hậu, dù thật ra hắn không ưa gì mấy cô gái thuộc dạng này.
- Nhà anh ở đâu?
- Ở Bình Thạnh, kênh Nhiêu Lộc.
- Bây giờ ở đó giải tỏa cả rồi, anh không biết hay sao? Anh có vợ chưa, anh chàng đẹp trai? Hay là về ở với em đêm nay nghen! – Cô gái nheo mắt, cười một tràng ròn rã, chắc là tự cho mình vừa pha trò một câu có duyên lắm lắm.
- Cám ơn, chào cô – Hắn đáp, gật nhẹ đầu chào hai cô gái, rồi quay lưng rảo bước.
****
            Hắn bước liêu xiêu lơ lửng như một tên say rượu trên con đường dọc bờ kênh, lòng gợn lên bao âu lo thắc thỏm. Tất cả đã thay đổi hoàn toàn. Những căn nhà ổ chuột nằm ven con kênh nước đen, trong đó có nhà của hắn và nàng đã biến mất. Thay vào đó là một bãi đất trống toang, ngổn ngang đất đá, gạch ngói và rác rến, tạo thành những đống lù lù dưới ánh sao khuya nhàn nhạt. Từ lòng kênh mùi bùn hắt lên nồng nặc. Vậy là cô gái ban nãy nói thật. Hắn hoang mang như một đứa bé bị lạc mẹ giữa đám đông. Nỗi nhớ Vân chợt cồn cào thiêu đốt gan ruột hắn. Nàng ở đâu, khi mà túp nhà xưa không còn nữa? Hắn đứng cô đơn trong bóng đêm, cơn gió thốc lên từ lòng kênh làm hắn thấy nhoi nhói lạnh. Hắn không biết phải làm gì, phải đi đâu trong lòng thành phố đầy quen thuộc của ngày xưa, nhưng giờ đây đã trở thành xa lạ.
            Hắn đi lang thang qua những đường phố tối. Thỉnh thoảng, hắn tạm thời quên đi nỗi lo âu do bực tức với sự quấy rầy của những lời chào mời lơi lả: “Vui vẻ không anh?” của mấy cánh bướm đêm đứng chơ vơ trong bóng tối dưới những gốc cây. Đêm đã rất sâu. Thành phố đã bắt đầu thiếp ngủ trong giây lát, để chuẩn bị cho một ngày mới đến. Thi thoảng mới có một chiếc xe gắn máy của ai đó đi nhậu về khuya vọt ngang qua. Ngày xưa, chiều chiều hắn thường hay chở Vân đi qua những con đường rợp bóng me này trên chiếc xe đạp cọc cạch. Lá me theo gió bay bay xuống vương trên áo, trên tóc của nàng. Những lúc ấy trông nàng đẹp như một cô công chúa nhỏ. Hắn nghĩ thầm, rồi bỗng thấy thân thể rã rời khi nghĩ tới hiện tại mông lung. Nàng đã đi đâu? Cuộc sống của nàng bây giờ ra sao? Hắn tự trách mình thật nhiều vì đã không duy trì thư từ liên lạc thường xuyên với nàng. Nếu không đêm nay hắn đâu phải cô đơn và lo lắng như vầy. Thèm thuốc quá! Hắn bất giác đứng lại sờ tay lên túi, tìm kiếm một mẩu thuốc lạc loài còn sót lại. May thật, còn một khúc bẹp dí dưới đáy túi. Hắn ngồi bệt xuống vỉa hè, đưa mẩu thuốc lên môi, châm lửa, rồi rít một hơi thật sâu, khoan khoái.


            Từ một góc tối, một cô gái bước tới gần hắn. Ánh đèn đường vàng vọt từ xa mờ mờ hắt xuống một bên khuôn mặt héo úa đầy son phấn rẻ tiền. Cô gái mỉm cười khi ngồi xuống sát bên hắn, đưa tay vuốt nhẹ cánh tay hắn.
- Anh còn thuốc không, cho em xin một điếu.
- Hết rồi – Hắn đáp, và vì lòng thương hại, hắn chìa mẩu thuốc ra – Còn chút xíu đót này cô có hút không?
- Thôi khỏi, cám ơn anh. Anh muốn vui vẻ không anh?
- Trời, sao mấy cô dai như đĩa vậy. Tôi không có một xu nào hết. Tôi mới từ biên giới về đây, biết không – Hắn bực mình khẽ quát.
- Vậy hả anh. Xin lỗi. Chồng em cũng là lính như anh đó. Nhưng chắc ảnh chết rồi.
Cô gái hơi xoay người sang hắn, mặt quay về hướng ánh đèn. Hắn thờ ơ nhìn lướt qua khuôn mặt của cô ta. Ừ, thật sự cũng hơi có nét, nhưng phấn son, mắt xanh mỏ đỏ trông tởm quá. Cô gái cũng nhìn vào mặt hắn, rồi người cô như chợt cứng đờ ra. Trong một khoảnh khắc thật ngắn, hình như hắn bắt gặp trong ánh mắt của cô gái thoáng hiện lên một cái gì đó, như là sợ hãi như là vui mừng lẫn lộn. Cô ta đột ngột đứng lên, gật nhẹ đầu chào hắn rồi lặng lẽ bước đi. Hắn nhìn theo, bất giác. Thì còn có gì khác để làm nữa đâu, hắn thầm tự biện hộ, dù sâu xa trong tâm cảm thật ra đang có một sự thúc ép nào đó rất mạnh mẽ buộc hắn phải nhìn theo. Cái dáng hao gầy, mái tóc chấp chới nhẹ trong cơn gió đêm lạnh lẽo có một cái gì đó thật buồn tủi và hình như … quen thuộc lắm. Hắn chợt giật mình khi nhận ra điều đó. Hắn cố gợi lại trong ký ức một hình ảnh nào đó, so sánh với khuôn mặt hắn thoáng nhìn lúc nãy, và dáng đi này. Hắn thừ người. Rồi chợt run bắn lên. Không lẽ lại là nàng sao? Không! Không bao giờ có thể! Hắn hét thầm, rồi hét lên thành tiếng. Giọng hét của hắn vang lên trong phố đêm quạnh vắng, nghe như tiếng rống của một con thú hoang bị trọng thương. Hắn chồm dậy, đuổi theo cô gái. Lúc này cô ta bước thật nhanh, gần như chạy, đôi vai gầy yếu run lên như đang khóc. Hắn lao đến, vớ lấy hai vai xoay cô gái lại một cách thô lỗ. Hắn run run hỏi, giọng lạc đi vì một cảm xúc khó tả thành lời:
-          Em… Em có phải là Vân không?
-          Không, em là Thúy… Thúy điên – Cô gái đáp, giọng thì thào thật lạ.
Hắn thở hổn hển, cầm lấy bàn tay phải của cô gái lật úp lại, đưa lên gần mắt. Ở gần chỗ cườm tay có một vết sẹo dài giống như hai cánh chim én xoảy ra. Hắn run lẩy bẩy, rồi hai mắt hắn chợt nhòa đi. Đúng thật rồi! Đây chính là Vân của hắn. Hắn lảo đảo. Trời đất như tối xầm trước mắt hắn. Hắn ôm đầu quỵ xuống, lẩm bẩm những tiếng nghẹn ngào: Tại sao? Tại sao?… Rồi hắn đứng phắt lên, trợn mắt nhìn nàng. Nàng đứng lặng câm, đôi mắt hoe đỏ nhìn xuống mặt đường. Hắn giang tay tát nàng một cái như trời giáng, làm nàng ngã quỵ.
Hắn thở hồng hộc như một con thú hồi lâu, nhìn trống vắng về phía trước. Lướt qua trong óc hắn loang loáng như một cuốn phim chạy nhanh những hình ảnh của Vân. Vân ngây thơ xinh xắn của những ngày tháng học trò, tóc mềm xõa vương vương những lá me vàng chiều nắng nhạt. Vân bé bỏng vợ hiền, nằm nép vào lòng hắn như một chú mèo ngoan. Vân mắt đỏ hoe vẫy tay chào hắn lúc chiếc xe lăn bánh lên quân trường… Tất cả những Vân của ngày xưa sao mà thương quá. Rồi cơn điên giận lắng đi. Hắn chợt bối rối, không biết phải làm gì. Sâu thẳm trong lòng hắn, nỗi đau khôn cùng, sự nuối tiếc, lòng ăn năn và thương xót trộn lẫn vào nhau, gào rú bằng những âm thanh câm lặng. Hắn quay lại phía nàng. Nàng vẫn còn nằm đó trên mặt đường giá lạnh, nghiêng người thổn thức. Tình yêu và lòng thương xót một lần nữa dâng lên làm tim hắn mềm dịu lại. Hắn nhẹ nhàng dìu nàng đứng dậy, rồi vòng tay qua ôm lấy thân hình gầy ốm. Nàng bật khóc nức nở, nép đầu vào ngực hắn.
Hai người đứng lặng, ôm chặt lấy nhau, mắt ướt đẫm thương yêu và hờn tủi. Thật lâu. Rồi Vân chợt vùng ra khỏi hắn. Nàng quẹt vội những giọt nước mắt còn hoen, nói nhanh với hắn:
-   Quên em đi. Em không còn xứng đáng với anh đâu.
-   Không! Hãy bình tĩnh đi em. Từ từ rồi kể cho anh nghe sau cũng được. Chủ yếu là chúng ta còn có nhau, Vân à. Chúng ta chưa mất nhau. Đó chính là điều kỳ diệu và tốt lành nhất trên đời. Em có hiểu không?
Họ lại nép vào nhau. Im lặng.
Khoảng trời phía trên nóc những căn nhà cao tầng ở hướng đông bắt đầu hửng lên một màu xanh nhạt. Những vì sao trở nên xa tít tắp. Từ đầu đường, một chiếc xe ba gác chở đầy rau cải dần dần tiến lại. Tiếng bánh xe lăn khua lên lạch cạch thật rõ trong đêm. Rồi một đám những chiếc xe đạp thồ cũng tiếp tục nối đuôi nhau chạy qua chỗ họ, chở rau cải hàng hóa về cho phiên chợ sáng. Đêm đã qua rồi.

1989-2002



[1] Truyện này có một phần hư cấu, một phần sự thật. Ở thời điểm sáng tác việc giải tỏa kênh Nhiêu Lộc chưa được tiến hành. Nhưng thường các tác giả có những dự cảm bất khả lý giải về những dự án liên quan tới số phận của nhiều, rất nhiều người. Thực tế ở Thủ Thiêm cho thấy điều này. (Chú thích của tác già)


Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

DÒNG SÔNG TÊN EM



Viết cho HT Thúy Hà

Mười bảy tháng Mười. Sinh nhật của em. Cái ngày mà tôi không hề cố nhớ, nhưng vẫn mãi không quên. Thảng hoặc sớm hơn, thảng hoặc muộn hơn, nhưng dù sớm hay muộn, tôi sẽ nhớ nó với một cảm giác bình an đến lạ. Tình này, trong những ngày quá vãng, khi nó mới chớm nhú mầm, đôi khi cũng nhuốm buồn thương u uất. Nhưng càng về già, khoảng cách với những cảm xúc đó càng xa, tình xưa như một đóa hoa khô ướp trong sách cũ; giở sách ra, nhìn thấy nó là kỷ niệm lại ùa về, toàn những kỷ niệm êm đềm, man mác buồn, nhưng thanh sạch, không gợn chút tỳ vết nào như bao mối tình khác của đời tôi.

Em học sau tôi ba lớp. Hồi đó cạnh nhà tôi có một cô bé Mỹ lai tên T. Em là bạn học của cô bé đó. Lần đó, gần đến mùa nghỉ hè thứ 11 của tôi, tôi qua nhà T. coi ké TV  (lúc đó trong xóm chỉ có một hai nhà có TV). T đem cuốn lưu bút ra khoe với tôi. Và tôi cũng cầm đọc loáng thoáng lướt qua. Bạn cũng biết nội dung của những quyển lưu bút ngày xanh. Chúng na ná như nhau. Nhưng trong cuốn lưu bút này có một bài thơ ngồ ngộ, với một cái tên thật êm đềm. Tôi hỏi T. có thân với con nhỏ viết bài thơ này không. T đáp có. Tôi bảo con nhỏ này làm thơ tếu quá, chắc anh phải viết một bài thơ ghẹo nó chơi. Nói là làm, tôi viết một bài thơ ngắn, nhờ T chuyển cho cô bé đó. Năm đó em sắp lên lớp 9. Thơ qua thơ lại một thời gian, chỉ toàn qua chú chim câu liên lạc tình yêu là T. Mờ thật ra đó cũng chả phải tình yêu, chỉ là những cảm giác vui vui, thú vị. Cho tới lúc đó, tôi chưa biết mặt em. Bạn học đến nhà T chơi cả một đám sáu bảy đứa, tôi không biết em là cô nhóc nào trong số đó, nhưng cũng không hỏi T. Rồi một hôm chợt nổi cơn khùng, hay cơn cảm hứng trào dâng bất tử gì đó, tôi nhờ T nhắn với em, hăm he một bữa nào đó đẹp giời sẽ đón đường xem mặt, coi con nhỏ này mặt ngang mũi dọc ra sao mờ làm thơ ngông nghênh quá xá. (Tưởng em là Hồ Xuân Hương nữ sĩ hay sao?!) Nhưng lời hăm he đó tôi không thực hiện. Rồi thời gian trôi. Tôi học hết lớp 12. Ra trường, đi làm phụ hồ. Em lên lớp 10. Đó là năm 1983. Đầu 1984, tôi đi nghĩa vụ.

Trong số những lá thư tôi nhận được, dạo ở quân trường thằng lính mới nào cũng có nhiều thư, có nhiều lá thư của em. Đến giờ, tôi vẫn còn giữ được một ít trong số đó. Những lá thời kỳ đầu không quan trọng, tôi đã xé cuộn thuốc rê sau đó, khi ở chiến trường. Những lá còn lại là những lá mà có thời gian tôi thuộc nằm lòng.

Khi ở quân trường về phép lần đầu tôi mới biết mặt em. Đi chơi, ăn chè Yên Đỗ,  xem phim với em và vài bạn khác của T. Và chợt biết hình như đây là tình yêu. Khi trở lên quân trường, tim tôi thật sự chỉ còn hình bóng của em. Những lá thư từ đó đã đổi màu, bớt hồn nhiên tếu táo, đi sâu vào những cảm xúc lơ mơ, nhưng tôi cũng không dám viết từ nào khẳng định tình cảm của mình. Tôi yêu. Và lo âu. Và sợ. Rồi tôi sang K.

Một lần nào đó, sau một cơn say, tôi viết một lá thư khẳng định tình yêu. Tôi nói tôi yêu mà không cần đáp lại, nhưng nếu không nói thì tim tôi cứ dằn xé tôi, không sao chịu nổi. Hồi âm cho lá thư tỏ tình này, em bảo em đã có người yêu. Tôi mừng cho em, và đau cho mình. Sau đó, tôi và em trao đổi thêm hai ba lá thư nữa, với khoảng cách rất dài giữa mỗi lá. Sau một lần em gửi và tôi không hồi âm, mối tình xa của tôi kết thúc.

Khi ra quân, T hỏi tôi có muốn gặp lại em không. Tôi bùi ngùi lắc đầu. Tình xưa đã chôn dưới nấm mồ kỷ niệm. Sau khi kết thúc mối tình không đoạn kết với em tôi đã yêu Tchiete, một thiếu nữ Khmer. Tôi ngỡ tôi đã quên em. Nhưng không. Thời gian càng qua đi, những gì tôi có với em càng trở nên thiêng liêng, đẹp đẽ. Như một vì sao, em trôi qua đời tôi nhưng không biến mất. Vì trong bầu trời ký ức tôi, em vẫn sáng lung linh, xa xăm nhưng gần gũi.

19/10/2018

Sau đây là một bài thơ của HT Thúy Hà viết tặng tôi. Và một vài bài thơ tôi viết tặng em.
Tháng Năm
Tặng Nhân
Cây nhỏ nghiêng qua tới bóng chiều
Vàng đôi chiếc lá tựa cành xiêu
Cây chưa rũ hết sầu theo lá
Về rất lang thang ngỡ cánh diều
Diều bay trong nắng rụng tơ mưa
Ai căng sợi chỉ thả cho vừa
Cao nguyên heo hút nhiều tâm sự
Thao thức hồn ai dậy bốn mùa

Thành phố bây chừ ở tháng Năm
Ve kêu trên những đỉnh âm thầm
Một khoảnh khắc nào như xác bướm
Tơi tả trên đường chiếc bóng câm

Tổ quốc đang cần những lớp trai
Xa trường, gác bút, mắt nhòa cay
Có vương lại chút đời phiêu lãng
Sao mắt ta nhìn chợt mến ai

Về thăm thành phồ đầu tháng Năm
Theo trăng đang sáng một đêm rằm
Chầu chè Yên Đỗ chờ ai dẫn
Những hạt đá buồn lạnh buốt răng...

Sài Gòn, tháng 5/1984
             Huỳnh Thị Thúy Hà

Không tên
Tặng Thúy Hà

mây tím vào chiều buông tơ vương
cơn gió bay qua se sẻ dừng
vẫy bàn tay nhỏ chào anh lính
mắt buồn trông mãi hướng xa xăm

lá thư nhận được chiều hôm trước
thuộc rồi nhưng cứ ngỡ là quên
bâng khuâng anh giở ra xem lại
tiếng thở buồn theo khói thuốc vàng...

trời nghiêng vai xuống cho đêm về
những tầng mây chợt xám âm u
ngọn cỏ cúi đầu nghe lặng lẽ
chút gì xao xuyến quyện trong thư

cao nguyên không có tiếng ve kêu
chỉ lá vàng bay xuống mỗi chiều
thành phố vào mùa xanh cây lá
ai vẫn từng đêm khóc nghẹn ngào?

dãy đồi xa chìm trong hoàng hôn
ai đang đếm những bước âm thầm
nghe cả tâm hồn như chết lịm
trong cơn gió khẽ hát, vô tình...

Yên Đỗ một lần xin lỗi hẹn
trăng đêm xin chỉ bước bơ vơ
suốt đời xin mãi không quên bạn
nhưng chẳng bao giờ... chẳng bao giờ...

Long Giao, 05/1984

Mười sáu trăng tròn

mười sáu trăng buồn nhớ ai
mà ngơ ngẩn một góc trời
trăng tàn dần trong tiếc nuối
đêm này bao giờ cho phai
đèn vàng theo đêm hắt hiu
ngọn bút dại cuồng quấn quýt
những dòng chữ viết theo nhau
cho buồn dâng dâng thổn thức
chợt nhớ ngày xưa điên cuồng
chợt nhớ ngày xưa mênh mông
nắng vàng hôm đó rất trong
áo em bay rất dịu dàng...
Sài Gòn, 05/1984
         (được về phép sau kiểm tra bắn đạn thật)         

Lần đầu, lần cuối
gặp em đêm vừa buông
chợt chút gì ái ngại
liều qua giáp mặt em
mắt sầu vương tóc rối
Ôi, là em đó sao
ngỡ là không gặp nữa
sao có chút u sầu
đọng trên bờ môi nhỏ
lắng tiếng em cười vui
lắng tiếng em, hối hả
say đắm nhìn em hoài
mà sao chưa thấy đủ

đôi mắt em có gì
có gì thu hút quá
tôi gọi rất thầm thì
tên em đầy nhung nhớ

đêm ấy mình xem phim
phim dở ơi là dở
tình anh không kịp ngỏ
lòng anh buồn mênh mang

phố về đêm thanh vắng
đường về đêm thênh thang
bên em mà bối rối
hàng me vương vấn hồn

nói gì thế, em ơi
chết lòng tôi phút ấy
thôi hết, hết thật rồi
hồn hoang không còn lối...

gặp em mới lần đầu
sao đã thành lần cuối
về, tôi ru ngậm ngùi
trên âm thầm sám hối...

Sài Gòn, 05/1984



Nguyện khúc

sương đêm ướt đẫm lối mờ trăng
bãi cỏ buồn ôm gió lộng ngàn
hồn chết dần đi về tái ngộ
em - người năm cũ vẫn mơ thầm

sao sáng nghìn xa vẫn vấn vương
chuyện xưa huyễn hoặc mấy năm trường
giờ sao thương nhớ, giờ sao tiếc...
một bóng người đi mấy tủi hờn

mái tóc em dài đêm ấy xõa
bờ nhỏ buồn tênh bước lặng buông
tôi về thắp nến ru thơ ngủ
và thầm gọi mãi với yêu thương

em đã giờ đây xa thật xa
còn đâu dáng đẹp tựa đêm mơ
tôi lê thân mỏi tìm năm tháng
hồn dại cuồng rồi... khóc ngẩn ngơ

giờ chỉ còn trăng sáng lạnh lùng
và tường đá cũ dấu rêu phong
một bóng ngậm ngùi trông mấy nỗi
em hỡi tình tôi có biết không

chỉ tưởng là vui, là vui thôi
những lá thư trao gửi chút ngày
nhưng hồn hoang dã sầu nhân thế
chợt đến một ngày yêu ngất ngây

thôi đành gọi chút hồn thơ cũ
về đây nối lại khúc tơ vương
trăng ngã bóng dài trên lá rũ
tôi về ôn những đớn đau lòng...

Long Giao, 05/1984


Dòng sông tên em
tên em mênh mông dòng sông
tên em ngọt dịu trên tầng yêu thương
Sông Thúy, con sông là em
chỉ tên em cũng đủ thành sóng khơi
ru tôi suốt cả một đời
cánh buồm khát vọng tìm nơi cắm hồn
tên em tôi mãi gọi thầm
tên em trang vở còn mang nỗi niềm
hãy cho tôi ngủ triền miên
cát sông em mịn tìm quên tủi hờn
ơi dòng sông nhỏ mến thương
cho tôi chết đắm trong lòng nước em
cho tôi chết thật êm đềm
cho tôi chết... chết ngậm buồn nghìn năm...

Long Giao, 06/1984