Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

SAVING MR. BANKS 2



Tôi nhớ có lần cảm xúc dâng trào khi xem cuốn phim này và tôi cũng đã viết đôi điều về nó. Cảm xúc hôm nay lại đến.

Tôi ngồi nhá một tô cơm nguội sau khi từ biệt một người bạn thân trong quán nhậu và trở về với cái bụng đói meo. Xem lại phim. Và muốn nói đôi điều.

Hình như tôi có nói trong một bài viết trước, rằng nhiều lần tôi ứa nước mắt khi xem cuốn phim này. Nước mắt lại ứa, hôm nay. 

Cuốn phim liên quan tới hai nhân vật nổi tiếng thời đó; nhà sản xuất phim Walt Disney, và nhà văn nữ P.L. Travers. Walt Disney thì tôi biết từ lúc đọc tờ Tuổi Hoa hay Tuổi Ngọc gì đó trước 4/1975 dưới hình thức truyện tranh. Nữ tác giả Travers thì tôi chỉ mới biết qua phim. Và bây giờ biết thêm sau khi tìm hiểu.

Phim này, có thể khác ít nhiều với đời thực, sao lại làm tôi cứ rưng rưng nước mắt mỗi lần xem?

Nhà văn viết một cuốn truyện, Mary Poppins,  dựa trên hồi ức ấu thơ, mơ mộng ấu thơ, hoang tưởng ấu thơ. Cuốn truyện trở thành sách đọc trước giờ đi ngủ của nhiều nhà, trong đó có gia đình của Walt Disney. Con gái của ông rất thích tác phẩm này. Ông muốn biến nó thành một tuyệt phẩm điện ảnh. Ông liên hệ với tác giả. Và bà tới Los Angeles. 

Travers là một phụ nữ trung niên khó tính, bất cần đời. Disney và các cộng sự của ông rất vất vả để tìm được một nụ cười hiếm có của bà.Vô vàn đối chọi, mâu thuẫn trong quan điểm làm việc, trong cách nghĩ, trong cách hiểu, trong cách cảm. 

Đã có lúc tim Travers chùng lại với tình cảm hồi ức thân thương, với những tình cảm chân thành của các chuyên gia biên kịch, âm nhạc, vũ đạo.... Nhưng rốt cục, bà nổi điên lên, chửi Walt Disney một trận và dứt khoát trở về London, hợp đồng chưa ký kết. Ân tình đã dứt từ đây.

Loáng thoáng trong phim là những hồi ức quay về. Những flash back trong tâm trí của nhà văn lớn tuổi. 

Yêu thương nhiều khi không có gì đặc biệt. Chỉ có thể cảm. Không thể tả nên lời. Nhưng chính những hồi ức này, theo tôi, đã làm nên giá trị bộ phim.

Watt Disney vọt qua London, gõ cửa nhà Travers. Chân tình cuối cùng đã hội ngộ chân tình. Bà ký hợp đồng, và cuốn phim ra đời. 

Ngày ra mắt phim, Travers ngồi xem, mắt nhòa nhạt lệ. Hồi ức, thực tại, và tình người, cộng lại có đủ làm tim người ta mềm nhũn?

Không biết tim ai có mềm nhũn hay chăng, ít ra, tim tôi có đôi lần mềm nhũn.

Lần 1: Mr. Banks, cha của bà Travers, một người đàn ông yêu vợ thương con nhưng thất bại trong đời, chết vì nghiện rượu. Nhưng trong ký ức của cô bé Travers, bố vẫn luôn thân yêu, thấu hiểu. Bố vẫn là người tuyệt vời nhất thế gian.Buồn phiền, thất vọng vì mọi thứ trên đời, hay chẳng vì gì cả, mẹ của bé Travers đi ra sông, định trầm mình dưới nước. Bé gái Travers bơi ra ôm mẹ.  Nước mắt hiếm hoi của tôi ứa ra lần thứ nhất.

Lần 2: Khi nhóm biên kịch, âm nhạc tìm được một phương án khiến Travers hài lòng, bà thoát khỏi cái vỏ khó ưa đáng ghét kẻ cả trong khoảnh khắc; trở thành một cô bé gái nhảy múa hồn nhiên. Nước mắt lại ứa, vô tình.

Lần 3: Khi Travers xem phim trong ngày công diễn đầu tiên, mắt bà rưng rưng bao nỗi niềm khôn tả. Và tôi cũng chợt thấy mắt mình mọng nước.

Kết luận: Tôi học được nhiều điều từ cuốn phim này:- Con người rất khó hiểu nhau, dù có khi cùng hướng về một điểm.

- Khoan dung và thấu hiểu và kiên nhẫn có thể mở toang những cánh cửa cố tình hay vô tình khép chặt.

- Tình người, tình yêu, tình cảm gia đình là vĩnh cửu.

Disney đã chết. Travers đã chết. Nhưng câu chuyện về họ vẫn còn làm cho một thằng bất cần đời là tôi rơi nước mắt. Bạn không tin, cứ thử xem phim, và nếu tim bạn còn chưa chai sạn, bạn sẽ biết giá trị của những nửa giọt lệ trên khóe mắt.

29/3/2015

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Nhớ và ghi chép


(Những ghi chép này rất lộn xộn, Nhớ gì ghi nấy. Là một chút thư giãn sau những giờ phút căng thẳng đánh vật với câu chữ trong một cuộc chơi khắc nghiệt. Những ghi chép này không cần bất cứ thứ gì, không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Nó vô điều kiện. Nó giúp tôi sống lại thêm lần nữa trong đời. Và hy vọng nó cũng đủ cho bạn mua vui nửa trống canh.)
 

Nguyễn Thành Nhân


MỘT


Khi người ta đến một độ tuổi nào đó - cơ bắp đã teo, chất xám đã cằn, cảm xúc liu riu như mùa khô thiếu nước - người ta bắt đầu điểm lại chuyện xa xưa. Quá khứ vàng son đọng đầy đáy mắt.

Quá khứ của tôi có chút vàng son? Có! Và không!


Điểm lại quá khứ của thằng tôi thử coi nè. Nó có nhiều quãng. Không phải tôi muốn chia thế nào là được thế đó. Đời tôi tự nó làm phép tính chia.

Quãng ngắn ngủi từ lúc biết nhớ - cỡ năm tuổi đến mười một tuổi - là tuổi thần tiên. Tuổi ấy, tôi nhớ mang máng thôi, nhưng mỗi lúc nhớ, mắt chợt mơ màng, hồn chợt mênh mang một hạnh phúc êm đềm quá đỗi.

Tôi nhớ căn nhà cũ. Hiện giờ tôi vẫn sống trên cùng mảnh đất, nhưng mái nhà xưa đã vĩnh viễn trôi về miền quá vãng. Nhà do ông nội cất. Ông tôi mười sáu tuổi từ Huế lang bạt kỳ hồ vào Sài Gòn, làm đủ thứ nghề ngỗng trên đời. Chàng trai xứ Huế quê gốc Kim Long sản sinh toàn gái đẹp vào cung cấm rốt cuộc dừng bước giang hồ ở chỗ mà bây giờ thuộc Quận 9: ba tôi nói là Long Trường. Không biết hồi đó là xã hay ấp. Ông tôi gặp bà tôi. Bà tôi nhìn rất nghiêm. Đẹp nhưng dữ tướng. Bà giỏi võ. Có lần bà đã đánh tan một đám cướp cạn và được báo chí thời ấy viết bài. Ông tôi thì một chiêu quyền cước cũng không. Chả hiểu sao ông tôi "cưa đổ" bà tôi! Ôi chuyện của tiền nhân, vùi lấp dưới lớp bụi thời gian. Tôi hỏi ba tôi, và ông cũng mù mờ, chỉ kể lại vài chuyện mà tôi từng biết hồi còn nhỏ xíu, do chính bà tôi kể lại. Quá khứ, dù của một gia đình nhỏ, cũng đủ thành huyền sử trong trí nhớ của người còn sống.

Bà nội mất sớm, vào năm 1972. Tôi còn nhớ rõ. Lúc đó tôi 8 tuổi, nhưng nhớ rất rõ. Ông và bà tôi không biết yêu thương ra sao, xung đột kiểu nào, nhưng trong ký ức của tôi, bà đã ly thân với ông tôi, vào chùa tu từ khi nảo khi nao. Ông tôi thì sống với bà nội hai, người Bắc di cư. Lâu lâu, dăm tuần một tháng bà về thăm con cháu. Năm 1972, ba má tôi có ba con tất cả; tôi, sinh 1964; nhỏ em thứ ba sinh 1967; và thằng em thứ tư sinh 1969. Bà về nhà, thường cho tôi và nhỏ em gái một cái bánh hay vài trái cây gì đó. Bà đã ra đi rất nhẹ nhàng.

Tôi nhớ, hầu như từng chi tiết, vì suốt cả năm trời sau khi bà mất, bà cứ hiện về làm tôi khiếp vía, dù khi bà còn sống tôi rất thương bà. Không chỉ mình tôi, vì nếu chỉ mình tôi thấy bà, có thể do ảo giác hoặc trí tưởng tượng của con nít. Có nhiều người nhìn thấy bà ở cổng chùa bà Thiên Hậu gần nhà tôi  khi trời xế chiều hay mờ sáng. Còn tôi, tôi chỉ thoáng thấy bóng bà. Bi nhiêu đó đủ làm tôi té đái luôn tại chỗ, khi đang lò mò xuống nhà dưới đi tè ban đêm. Sau vài lần kiểu đó, buổi tối tôi không dám uống nước để khỏi mắc tè lúc nửa đêm và khỏi gặp bà. Nhưng suốt một năm dài, cỡ đó, mỗi khi tỉnh giấc, tôi lại nghe tiếng bà đi lại ở phòng ngoài, tiếng ho khúc khắc quen thuộc của bà. Tôi biết hồn ma có thật từ bà nội của tôi. Sau này lớn hơn, không còn sợ ma nữa, tôi nghĩ có lẽ vì tôi thương bà nên bà về thăm tôi; chỉ có điều bà về thăm chỉ làm tôi sợ xanh cả mật mà chắc hồn bà cũng không biết.

Hôm đó bà về thăm nhà khoảng trưa, bà nằm nghỉ. Tới xế chiều, đang ngồi chơi với tôi bà nói bà lạnh chân quá. Tôi nói với ba tôi nội thấy lạnh chân, và ba tôi đưa tôi đôi vớ của ông cho bà mang vào. Bà mang vớ, lên nằm trên cái ván gỗ dầu. Và bà ra đi, vô cùng lặng lẽ.

Tôi không biết ai phát hiện ra bà mất. Nhưng mấy ngày sau đó, trong đám tang bà, tôi khóc rất nhiều. Bà có nét mặt hơi nghiêm, nhưng với tôi bà là bà nội hiền từ và thương cháu nhất đời.

Ông tôi giỏi lắm. Ông biết đủ thứ nghề, dù chả bao giờ là thợ chuyên về thứ nghề nào hết. Ngôi nhà cũ do ông cất mà chúng tôi hiện còn đang sống trên mảnh đất này xưa là nhà ngói, vách ván bổ kho, ba gian hai chái đúng kiểu truyền thống. Cột kèo đều do ông đụt lỗ mộng. Ngói thì phải mua, ván cũng thế. Nhưng những gạch xây là do ông tự đóng. Loại gạch đóng bằng xi măng, chỉ xây ở mặt tiền nhà và vách tường rào mặt tiền ngó ra đường lộ.

Nhà tôi lúc đó nằm trong mảnh đất công của Sở Nông Lâm Súc Sài Gòn, vốn là vườn ươm cây giống của sở. Có thời gian ông tôi làm nhân viên của sở này. Và tuổi thơ tôi đã lớn lên trong một cái xóm toàn là cây lá. Có ông Bảy Ngà nuôi bò, nuôi ngựa. Có ông Tám Đắc rượu vào hay lè nhè mấy câu vọng cổ.... Hồi tôi lên 5, 6 tuổi, ông tôi đã mở một quán tạp hóa ở phía sau nhà. Bán đủ thứ linh tinh. Nhưng tôi nhớ nội có bán thứ rượu gọi là ông già chống gậy. Tối tối, mấy ông trạc tuổi ông tôi tụ họp lai rai ba sợi và kể đủ chuyện Tây Du, Tam Quốc, Tùy Đường, Thủy Hử cho đám con nít lao nhao háo hức lắng nghe... Tôi đã mê mẩn những câu chuyện anh hùng hào hiệp từ thuở đó. Mê thằng cha Lãng tử Yến Thanh. Mê Triệu Tử Long cứu ấu chúa trận Đương Dương Trường Bản. Mê Đại Kiều và Tiểu Kiều và nhớ mãi câu "Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều" mà ông Tám hay rống lên bằng giọng nhão nhoẹt của một ông trung niên say rượu. Hồi đó, chắc mấy ông cũng chỉ trạc tuổi tôi bây giờ. Mà sao mấy ông hay thế chứ!