Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

NGHĨ VỀ NHỮNG CÁI CHẾT VÀ NHỮNG NẤM MỒ



Mỗi năm, khi tháng 4 đến, mọi người nghĩ tới ngày 30/4/1975 với những nỗi niềm khác nhau: những người lính tiến vào Sài Gòn nhớ tới ngày này với niềm vui, sự vinh quang và tự hào của kẻ chiến thắng. Những người lính miền Nam nhớ tới ngày này với nỗi đau thương và ngậm ngùi. Những đứa trẻ chưa kịp lớn của thế hệ tôi nhớ tới nó như một điểm ngoặt lớn nhất trong đời, khi cuộc sống trước và sau ngày này hoàn toàn thay đổi. Những người thường dân miền Nam, nhất là dân Sài Gòn, có thể nói cũng đều vui mừng vì chiến tranh kết thúc, tuy không như mong muốn. Nhưng lại rất hoang mang lo sợ những gì sắp đến, nhà cửa, tài sản, công ăn việc làm và hạnh phúc gia đình... tất cả sau một ngày trở thành cái gì đó rất phù du, có thể tan biến bất cứ lúc nào.... Thời gian dần trôi. Rồi người ta cũng quen dần với mọi điều. Người không chấp nhận thì quyết ra đi bất chấp mọi nguy cơ, bất chấp cả tính mạng. Người cắn răng chấp nhận thì cố mà tồn tại, bám víu một tia hy vọng mong manh rằng rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Rốt cuộc thì con người vẫn phải tồn tại, dù dưới hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu. Bốn mươi năm, không dài so với lịch sử, nhưng cũng đủ dài cho một kiếp người. 

Những ngày tháng sau tháng Tư lịch sử đó, tôi, một thằng nhỏ gốc gác chế độ Sài Gòn, đã ươm bao ước mơ hy vọng. Tin tưởng vào những lời rao giảng. Tin tưởng là mình đang góp sức để dựng xây đất nước. Tôi nhớ những buổi trưa nắng chang chang, bụng đói meo sau giờ tan học vì buổi sáng chả có gì trong bụng, vậy mà tôi vẫn chưa chịu về thẳng nhà ngay, cố đi lòng vòng để nhặt từng mảnh giấy vụn. Vui tung tăng hớn hở, em làm kế hoạch nhỏ... Tôi đó, một thằng nhỏ lê la nhặt từng mảnh giấy vụn, không phải để ghi điểm hay lấy công, mà vì tưởng rằng mình đang làm một điều rất nhỏ cho một mục đích rất lớn lao cao cả... Thậm chí khi bước vào quân ngũ, tôi vẫn còn hừng hực dạng lý tưởng của Pa Ven. Thời lính, tôi Bôn hơn cả những thằng Bôn thứ thiệt, có nghĩa là những đảng viên. Rồi dần dà, cũng trong những năm tháng đó, tôi nhận ra chỉ có tình đồng đội là có thật, là điều cao quý nhất, ngoài ra đều vô nghĩa....

Trung đoàn 4 Sư 5 của tôi có 2 ngày họp mặt chính thức hàng năm, ngày CN gần với ngày 22/12 nhất; và ngày CN gần với ngày 23/4 nhất ở NTLS. Vì ngày này là một ngày đau thương của Tiểu đoàn 3, E4. Cứ đến tháng 4 là tôi lại hay buồn, vì dù có tới nghĩa trang hay không, những nấm mộ vẫn hiển hiện trong trí óc tôi. Gợi nhớ bao gương mặt cũ.

Năm nay lại có dịp lên NTLS 2 lần, hôm qua và hôm nay. Và tôi cũng đến viếng NT liệt sĩ của binh sĩ Cộng Hòa gần đó. Tự tôi không có ý định đó, mà vì một người bạn, Kevin, cựu tổng biên tập tờ Cambodia Daily, đề nghị tôi đưa anh tới đó. Anh muốn viết một bài báo về ngày lễ này, với những so sánh và suy ngẫm về bên thắng cuộc và bên thua cuộc.

Xót xa vì một số những nấm mộ ở NT Cộng hòa tuy cũng được quét vôi, khuôn viên nghĩa trang được dọn cỏ, vệ sinh sạch sẽ, và một số ít mộ có thân nhân chăm sóc tu bổ cũng khá khang trang. Nhưng rải rác và ở số nhiều là những nấm mồ trơ đất, có mồ không có bia, có bia chỉ trơ mảnh bê tông trắng không tên tuổi. Lý do quá dễ hiểu: đa số thân nhân của những người lính này không còn ở Việt Nam, hay ở xa quá và nghèo quá, không có điều kiện viếng thăm.

Chúng tôi gặp một thanh niên trạc 30-35 tuổi lui cui đốt nhang cắm cho từng nấm mộ. Hỏi thăm anh ta có thân nhân gì nằm ở NT này không anh ta đáp không. Hỏi vậy vì sao anh làm công việc này, anh ta đáp vì tôi yêu mến những người lính đã nằm xuống vì một lý tưởng. Anh ta nói thêm năm nào vào dịp lễ này cũng chạy xe máy từ Bình Dương tới để thắp nhang, và cảm thấy mình làm điều này là đúng. Tôi cũng thấy anh ta làm điều đó là đúng, và thật tâm cảm phục anh ta.

Hôm qua, chúng tôi gặp mấy nhóm sinh viên vào để làm vệ sinh và thay hoa giả mới trong bình hoa trước bia mộ của từng liệt sĩ ở NTLS TP. Không biết chính quyền đoàn thể có vận động các nhóm tình nguyện này tới chăm sóc cho nghĩa trang của những người lính Cộng hòa hay không, tôi không biết chắc, vì chúng tôi tới đó đã gần 12h trưa. Nếu có thì quá hay. Còn nếu không, hy vọng người ta sẽ quan tâm làm một điều thiết thực hơn cho quá trình hòa giải thay vì những lời hô hào rỗng tuếch.

Tháng Tư này một lần nữa lại là những ngày buồn. Những nấm mộ, của đồng đội, và của những người lính không quen biết, khơi gợi quá nhiều suy nghĩ. Lịch sử vẫn là lịch sử và không thể thay đổi nó. Nhưng một con người nằm trong vòng xoáy của nó vẫn phải biết đau nếu còn là một con người.

27/4/2015














Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

TÊN TRỘM XÁC NGƯỜI - Kỳ 1






TÊN TRỘM XÁC NGƯỜI

James Bradley

Nguyễn Thành nhân dịch

(Từ bản tiếng Anh The Resurrectionist)


“Nhiều tháng sau khi bạn đã khép lại trang sách cuối, những câu chữ của James Bradley vẫn còn đọng trong tâm trí bạn – đẹp, hấp dẫn và không thể nào quên.”
Markus Zukas, tác giả quyển The Book Thief

“Một thiên tiểu thuyết lãng mạn kinh dị đầy chất cổ điển.”
Daily Telegraph
“Một quyển truyện kinh dị trần trụi, khơi gợi suy tư… Khi bạo liệt, khi đầy triết lý, quyển truyện này đầy ắp không khí.” Big Issue





VÀI DÒNG GIỚI THIỆU


Tên trộm xác người là tác phẩm thứ ba của nhà văn người Úc James Bradley, sinh năm 1967. Ông được nhật báo Sydney Morning Herald hai lần phong tặng danh hiệu là một trong “Những tiểu thuyết gia trẻ người Úc tài ba nhất”. Hiện ông sinh sống ở Sydney.

Câu chuyện kể về Gabriel Swift, một sinh viên y khoa ngành phẫu thuật. Anh tới London vào năm 1826 để theo học với Edwin Poll, một bác sĩ phẫu thuật lớn. Từ những giao dịch mua bán tử thi, Swift dần lún sâu vào con đường tội lỗi do sự dụ dỗ của Lucan, kẻ nhiều quyền lực nhất trong số những tên đào trộm xác chết của thành phố và cũng là tên trùm cai quản hoạt động này.

Bị bác sĩ Poll đuổi học, Gabriel bị cuốn vào thế giới ngầm tàn ác và bí ẩn của thủ đô London thời kỳ Georgian, trở thành một tội phạm. Dù sao, sự cứu rỗi đã đến với Swift ở phần cuối sách.

Quyển tiểu thuyết dựa một phần vào sự kiện có thật về hai tên giết người hàng loạt Burke và Hare hồi đầu thế kỷ 19 ở Anh và các hoạt động mua bán xác người của các bệnh viện hay trung tâm phẫu thuật lúc bấy giờ. Truyện không phân theo chương nên khó theo dõi nếu bạn đọc không đọc liền một mạch.

Vì bản quyền khai thác bản dịch tại Việt Nam đã hết và bản dịch không được xuất bản theo hợp đồng dịch sách, tôi đưa lên blog này để bạn đọc quan tâm có thể tham khảo. Rất mong các bạn ghé vào đọc truyện đừng sao chép sang các blog, website khác. Rất cám ơn sự ủng hộ của các bạn.

              Sài Gòn, tháng 4/2015
                    Người dịch



                                                            ***




“Chúng ta chào đời cùng người chết
Thấy chăng, họ quay về, và mang chúng ta theo.”
T.S. Eliot, Four Quartets



 


MỘT THỨ NHẸ HƠN KHÔNG KHÍ
London, 1826-1827


                     Họ nằm trong những cái bao tời như nằm trong tử cung của mẹ; gối chạm cằm, đầu ép xuống, như thể chết chỉ đơn giản là quay về với nhục thể mà từ đó chúng ta sinh ra, và đây là sự thụ thai lần thứ hai. Một sợi thừng sau gối giữ họ trong tư thế đó, một sợi khác cột đôi tay họ, rồi miệng bao khép lại bên trên họ và được cột ràng lần nữa, toàn thể trông như một gói đồ nén chặt, đã được ngụy trang một cách dễ dàng, vì nếu bị người bên ngoài nhìn thấy, một thứ hàng hóa như thế sẽ thu hút cả một đám đông.   
Thế rồi một con dao cắt phăng sợi thừng cột bao, và người này nhấc lên, người nọ kéo, chúng tôi lôi những thứ bên trong bao ra, đặt họ duỗi dài lên mặt bàn, trần truồng và giá lạnh, như một con bê hoặc một em bé chuồi ra khỏi lòng của mẹ, sợi dây và cái bao được giữ lại, vì một lát sau chúng tôi sẽ dùng lại chúng, để thu dọn những mảnh xác bị cắt rời.   
Chúng tôi cùng giữ chặt họ, kéo thẳng thi thể họ ra lần nữa. Dù tứ chi của họ không mềm quặt mà cũng không cứng lại, bất chấp sự giá lạnh vẫn còn nấn ná bên trong, tình trạng cứng đờ của họ đã bị phá vỡ bên cạnh nấm mồ khi họ bị bẻ gập lại và cột ràng để nhét vào bao. Lúc này, họ duỗi ra dưới bàn tay nắm giữ của chúng tôi, di chuyển với sự dễ uốn nắn lạ lùng của một thân hình nằm giữa cái chết và tình trạng thối rữa. Đấy là một công việc ghê tởm, thế nhưng sự ghê tởm không nằm ở việc đứng gần người chết mà ở sự thân mật nó đòi hỏi từ chúng tôi, sự cận kề với xác thịt và vật chất của thi thể họ.
Khi họ đã được uốn nắn xong, nằm tái nhợt và trần truồng trên bàn, chúng tôi bắt tay vào việc. Trước hết chúng tôi lật úp họ xuống, để lộ phần lưng và mông lốm đốm tím và xanh giống như những vết bầm do máu đã tụ lại suốt nhiều giờ sau khi chết. Nếu lớp thịt bắt đầu thối rữa, sẽ có những chỗ phồng dộp, mềm, nhũn nước và tái nhợt, có thể vỡ toang nếu bị chạm vào, nhưng khi đó, lớp da cũng ẩm ướt do thứ chất lỏng giống như mồ hôi rỉ ra từ chúng. Đôi khi, những người liệm xác sẽ nút kín những lỗ hậu môn, và nếu thế, những vật đó phải được lấy ra khỏi xác. Sau đó, với giẻ lau, nước và dấm, chúng tôi bắt đầu rửa ráy cho họ, đôi tay cẩn thận di chuyển qua lớp da của họ, mùi dấm lẫn vào những thứ mùi u ám hơn bám vào họ, chúng tôi tiết chế những cử động nhưng không phải không lau chùi một cách nhẹ nhàng.
Khi đã làm xong phần lưng và hai cẳng chân, chúng tôi lật họ trở lại, lau từ bàn chân lên háng, từ háng lên ngực, hai cánh tay và hai bàn tay, cuối cùng tới bộ mặt. Ở đây chúng tôi làm việc cẩn trọng nhất, lau quanh những đầu xương và chỗ nhô lên với những tấm giẻ gấp gọn, quanh đôi gò má, quanh phần trũng quanh mắt. Đôi khi hai mí mắt vẫn còn hé mở, cứng đờ, đôi mắt bên dưới mờ đục và không màu sắc như mắt của những người rất già.
Khi lau rửa xong xuôi, chúng tôi xuống sân lấy nước, xà bông và dao cạo. Nước lạnh, dùng cho thi thể lạnh. Thế rồi, kéo thẳng lớp da chùng, chúng tôi bắt đầu cạo; trước tiên là phần da đầu và mặt, tóc ướt được tách thành từng lọn để lộ ra phần u lên của cái sọ; sau đó là lồng ngực và hai nách; rồi cuối cùng là bộ phận sinh dục, lưỡi dao cạo soàn soạt lướt trên lớp da. Đôi khi chúng tôi cắt phạm vào họ, nhưng chẳng có chút máu nào chảy ra, vết đứt tái nhợt và trống rỗng.
Tôi không thể nói do đâu chúng tôi biết rằng đây là công việc cần phải được tiến hành trong im lặng. Chỉ biết cách thức là thế, phải luôn là thế. Vào những lúc khác chúng tôi di chuyển quanh họ như thể họ không nằm đó, nói cười với nhau trong lúc lôi kéo, cắt và dọn dẹp những mảnh thịt, gạt chúng sang bên một cách ngẫu nhiên giống như gạt sang bên một cuốn sách hay cái áo khoác đang nằm ở nơi ta định ngồi xuống. Nhưng lúc này chúng tôi lặng lẽ làm việc, không nói nhiều hơn mức cần thiết. Như thể việc rửa ráy người chết này chính là một nghi lễ: giống như người ta rửa sạch những thứ nhớt nhau từ lòng mẹ trên thân hình một em bé, chúng tôi chùi sạch mùi âm ty địa ngục khỏi những xác chết bị đánh cắp đó, đưa chúng mới tinh khôi vào thế giới.
Khi công việc đã hoàn tất, mấy cái bao đã được gấp lại gọn gàng, mấy cái xô đã trút sạch nước, những tấm giẻ đã được vắt và phơi, bắt đầu tới việc tính tiền. Thầy chúng tôi kỹ lưỡng nhất trong việc lưu giữ sổ sách tiền nong, và số tiền trả cho Caley và Walker phải được ghi lại: tám đồng tiền vàng cho một xác đàn ông hay phụ nữ đã trưởng thành, hay thứ chúng tôi gọi là một cái lớn; bốn đồng tiền vàng cho một đứa trẻ con, hay một cái nhỏ; một siling mỗi phân Anh cho thứ mà chúng tôi gọi là một bào thai, hay một em bé dài chưa tới một bộ Anh. Và cứ vậy, trong lúc tôi lau sàn, Robert lặng lẽ tính toán trên cuốn sổ cái, ghi lại những khoản thanh toán, kiểm lại số tiền còn tồn trong hộp đựng tiền, gương mặt giấu sau một tấm mặt nạ lặng buồn mà anh luôn khoác lên khi nghĩ rằng mình không bị ai quan sát.
Tối nay có ba cái xác, hai lớn và một nhỏ, và khi chúng tôi đã hoàn tất công việc, bước xuống thang gác ra sân để rửa sạch mấy cái xô và mấy đầu ngón tay, bầu trời bắt đầu hửng sáng trên những mái nhà cao xung quanh. Từ xa, vọng lại tiếng bước chân lộc cộc của một con ngựa trên lớp đá lát đường, nhưng ngoài ra mọi thứ đều im ắng. Bầu không khí lành lạnh, nước từ ống nước trở nên lạnh hơn khi chúng tôi chà xát hai cánh tay, hết lần này sang lần khác.
***
Thầy Poll luồn hai ngón tay vào mồm xác chết, kéo bộ hàm mở ra một lần nữa. Ông liếc mắt quan sát những học viên đang theo dõi.
- Cái chết là một tấm gương – Ông nói – trong đó cuộc sống được phản chiếu lại để khai sáng cho chúng ta.
Bên dưới hai ngón tay của ông, có thể trông thấy cái lưỡi của xác chết, tím bầm như lưỡi của một con bò đặt trên thớt thịt, khối u sẫm màu hơn phồng lên bên dưới. Ông đè lên đó, nghiêng đầu nhìn vào như thể đã nhìn thấy điều gì đó khiến ông chú ý. Sau đó, dường như đã thỏa trí tò mò, ông rút hai ngón tay ra và kéo đôi môi nhếch lên, để lộ ra hai hàm răng, vàng và nâu, chĩa tứ tung trong lớp thịt đã loét của nướu răng.
Nếu cái chết là một tấm gương, tôi nhận ra mình đang tự hỏi, thì cái gì nằm phía sau nó?
Khi đã xong xuôi với cái mồm, ông quay sang Robert.
- Chúng ta sẽ bắt đầu với lồng ngực. Phải xác định được tình trạng của các cơ quan chủ yếu.
Một cơn chấn động chạy dọc suốt cái xác khi con dao mổ chọc vào lớp da. Gần như là một tiếng thở dài, khí tích tụ đầy trong khoang được giải phóng, thoát ra trong một hơi thở nhẹ. Mùi của nó không hôi lắm, đúng hơn, đó là thứ mùi dai dẳng của sân nhà người bán thịt, thứ mùi sền sệt lạ lùng của thịt cắt ra hòa lẫn với sự ngọt ngào ban đầu của tình trạng thối rữa. Tôi không còn bị nghẹt thở vì thứ mùi này nữa, thật sự thứ mùi mà một thi thể có thể tạo ra hiếm khi khiến cho tôi cồn cào gan ruột, nhưng dù không bịt miệng lại, tôi vẫn ý thức được nó, thậm chí sau bấy nhiêu tháng trời.
Lớp da tách ra theo lưỡi dao mổ của thầy Poll khi ông rạch một đường êm ái từ cổ xuống tới háng. Ông cẩn thận cắt rộng thêm ở đầu và cuối vết rạch, rồi, với một cử động đã thực hành nhiều lần, ông luồn mấy ngón tay vào vết rạch và lột lớp da ra, để lộ lớp thịt đỏ bên dưới, những chiếc xương sườn trắng và lớp mỡ vàng vàng.
Đặt hai mảnh da lên cánh tay, ông cầm lấy cái cưa mà Robert đã cầm sẵn. Lấy thế với một bàn tay đè lên vai xác chết, ông áp lưỡi cưa lên những chiếc xương sườn và bắt đầu cưa. Những răng cưa nghiến vào xương với một tiếng kêu ẩm ướt, rin rít, những vụn thịt và xương nhỏ xíu văng vương vãi ra phía trước lưỡi cưa, bắn tung vào tấm tạp dề trên người mỗi chúng tôi. Khi làm xong, ông nhấc xương ức và mấy cái xương sườn ra, để lộ những cơ quan nội tạng nằm bên trong cái khung xương đã bị phá toang: xám, xanh, đen. Ông xòe bàn tay ra sờ vào quả tim, những ngón tay thanh mảnh của ông dừng lại giây lát bên trên lớp cơ xanh xanh.
- Nó không đập – Ông nói. Câu phát biểu có vẻ như hiển nhiên. Nhưng giây lát sau thầy Poll ngẩng lên, đôi mắt xanh long lanh của ông dán vào tôi với một ánh nhìn lạnh lẽo – Tại sao không?
Tôi không đáp.
- Cậu nghĩ đó là một câu hỏi ngốc nghếch có phải không, Swift?
Tôi lắc đầu.
- Không, thưa thầy.
- Vậy có lẽ cậu nghĩ người đặt ra câu hỏi là một tên ngốc?
- Không – Tôi đáp.
- Vậy thì tại sao nó không đập? – Ông lặp lại câu hỏi, và như thường lệ, tôi cảm thấy ông đang mong đợi ở tôi một điều gì đó giản đơn, một điều gì đó vượt quá sự hiểu biết của tôi. Ở mé bên kia bàn, tôi thấy Robert đang quan sát, đôi mắt dán vào tôi.
- Bởi vì anh ta chết rồi – Tôi đột ngột nói, biết rằng câu này nghe có vẻ ngu xuẩn. Thầy Poll nhìn tôi với vẻ thất vọng, rồi hướng sự chú ý của mình vào cái xác trở lại.
- Và em cho rằng một khi nó đập, nó đập là vì anh ta còn sống.
***
Khi công việc với mấy cái xác hoàn tất, chúng tôi nhét những phần còn lại của chúng vào bao, chất chúng trong tầng hầm cho tới khi chúng tôi có thể tống khứ chúng đi. Ngay cả bây giờ, tháng mười một, chúng đang thối rữa trong lúc chờ đợi, các tứ chi và thân mình sưng phù lên và bốc mùi, dù Robert bảo tôi rằng thế này là tốt nhất rồi; vào mùa hè, những cái bao tải có thể nằm đó cho tới khi chúng gần như tan thành nước. Và thế là mỗi thứ năm, trước lúc bình minh, chúng tôi thức dậy và chất những cái bao lên xe ngựa trong ánh sáng nhờ nhờ. Những ngôi nhà đối diện vẫn còn thiếp ngủ, đứng lặng yên trong lúc chúng tôi làm việc, vì dù những người láng giềng biết công việc của chúng tôi, khôn ngoan nhất vẫn là không nhắc cho họ nhớ tới nó nhiều hơn mức cần thiết.
Người đánh xe, một cựu quân nhân, tên là Miller. Ông ta không nói lời nào trong lúc chúng tôi chất mấy cái bao lên xe, chỉ lầm bầm khi công việc đã xong xuôi và chìa tay ra để lấy tiền công. Robert kể với tôi rằng có lần, hai năm trước, thầy Poll muốn anh cùng đi với Miller để xem những thứ còn lại có được thủ tiêu một cách kín đáo và trọn vẹn hay chăng. Họ chọn một ngày cuối xuân, trời đẹp như trong mùa hạ. Robert ngồi trên xe cạnh Miller. Người bạn đồng hành của anh hiếm khi mở miệng, vì thế họ đi trong im lặng, trên cỗ xe dằn xóc. Họ đi dọc theo bờ sông về hướng đông từ sáng sớm đến tận xế trưa cho tới khi đến một cánh đồng thấp, một phía là những hàng cây và phía còn lại là vùng đất phẳng ven sông. Nơi đó rất im lặng, không một tiếng chim, ngoại trừ một bầy ngỗng xám đi thành hàng một, cất tiếng kêu kiu kíu ầm ĩ khi cỗ xe tới gần. Lớp cỏ giữa cánh đồng cháy rụi, mặt đất cằn khô cháy xém và bẩn thỉu. Robert giúp Miller dỡ khỏi xe số củi mà ông ta đã chất bên trên mấy cái bao để ngụy trang khi đi qua các đường phố, và họ cùng dựng một giàn hỏa thiêu. Sau đó, họ lần lượt trút những thứ trong mấy cái bao ra, trải chúng thành một lớp mỏng trên đống củi. Cuối cùng Miller châm lửa, thêm củi và trông chừng đống lửa. Ngọn lửa reo lên và nổ lách tách khi chạm tới lớp mỡ, những mảnh thịt sủi bong bóng và đen xạm lại. Robert bảo có lẽ địa ngục cũng giống vậy, đầy những cẳng chân, cánh tay và những cái đầu nằm lẫn vào nhau, vỡ toang và bốc cháy. Làn khói bốc lên từ giàn hỏa đen bóng như dầu và thật tởm lợm. Robert bảo nó bám vào áo anh cả một lớp dày.
Trời sụp tối trước lúc đống lửa tàn, những hòn than sáng rực trong ánh chiều nhòa nhạt. Và trong bóng tối đang gom tụ, Miller lấy từ cỗ xe một cái đầm rồi bước qua những thứ còn sót lại của giàn hỏa thiêu, đầm những gì còn lại xuống đất, những tia lửa vọt lên thành cụm quanh ông ta như những bầy đom đóm hoặc những vì sao băng trên không gian đêm bát ngát.

XEM TIẾP

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

LỜI CẦU HÔN NGÀY CÁ THÁNG TƯ


Tưởng nhớ hương hồn cố nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn
Thương hại tặng những ai sắp cầu hôn

(Kính xin phép hồn thiêng cố nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn cho em mượn xài đỡ một số chiêu “cầu hôn” mờ em thấy vẫn còn khả dụng. Hay quá mờ không xài e đến thế hệ sau nó sẽ thất truyền uổng lắm. Xin đa tạ.)

Chàng hiên ngang tuyên bố trên phây búc cuối tháng 4 này chàng lấy zợ! Đâu có ai tin. Người ta cho là chàng nói dóc. Người ta đoán là chàng phịa cho zui cửa zui nhà làng phây chút chút. Người ta, sâu sắc hơn, nghĩ thầm, lạ nhẩy, thằng cha này hổm rày bí xị chả nói năng chi, bữa nay sao hí hửng, dù là hí hửng lơn tơn con cá lờn bơn nhân ngày con cá, ắt hẳn có gì mới mẻ! Dù sao dù trăng gì, nói dóc nói thiệt gì, thôi cũng mừng cho thằng chả!

Chàng đâu có nói dóc. Có điều chàng chỉ mới tuyên bố có nửa phần sự thật. Và chàng láo cá chọn đúng ngày Cá để um xùm tuyên bố cùng bàn dân thiên hạ nửa phần sự thật đó. Nếu tuyên bố vào ngày khác mờ cuối tháng này không có gì xảy ra, quần chúng nhân dân các ngành các cấp sẽ găm trong bụng, in trong đầu là chàng dóc tổ, dóc hỏng có căn, và mí em xinh đẹp sẽ hỏng thèm thầm yêu trộm nhớ làm chi một thằng cha nói xạo nữa. Chàng suy đi tính lại, âm thầm lên phương án.  Chàng quyết liều mình như chẳng có phen này. Tiền trảm hậu tấu! Chàng công bố! Không, chàng khiêu chiến! Chàng bắn phát pháo đầu tiên mở đầu chiến dịch! Chàng phải nặn óc bịa ra một mớ tên Việt Tây Tàu có đủ, để chứng tỏ mình vẫn còn phong độ, còn liệt oanh lắm lắm, nào phải đồ phế thải!
Liên ui, Thủy à, và Mai, Lan, Cúc, Trúc, Liễu, Phụng, A Lìn, Sanj, Emily, Jeny ...rất đau lòng giã biệt mí em, cuối tháng này anh lấy zợ!

Chàng vừa bắn vừa run… Lạy nhà văn đàn anh Hoàng Ngọc Tuấn, anh phù hộ cho thằng em thành công trong chiến dịch này, không thì em sẽ nối bước theo anh. Lời cầu hôn của em cũng là lời cầu hồn cho em như anh từng dạy.

Rồi chàng turn on facebook message. Đèn nhà nàng vẫn sáng!

Chàng (C): (icon nụ cười cầu tài)

(Chờ đợi, 5, 10, 15 phút, cỡ đó)

Nàng (N): (icon nụ cười đáp lễ, hình như hơi lạnh lùng sương rơi heo may)

C: Bữa nay em cũng khỏe như mọi bữa hả, vui vẻ như mọi bữa hả…

N: Em lúc nào cũng zui cũng khỏe

C: Em có hay tin gì hông?

N: Hông, tin gì?

C: Tin anh bái bai hết tất cả các em Việt, Tàu, Tây cứ lẽo đẽo bám theo anh. Anh hạ quyết tâm cuối tháng này lấy zợ đó bé. Và anh đã hùng hồn tuyên bố trên phây búc…

N: Zậy hử, chúc mừng anh! (hình như hơi chu mỏ và rất ư lạnh lùng mưa rơi lá hẹ)

C: Em hổng ngạc nhiên sao…. Em hổng buồn sao? (Hic, đã se thắt, tái tê trong lòng chút chút.)

N: Sao lại buồn. Anh có zợ thì em mừng giùm anh, chứ có liên quan gì tới em đâu.

(5,10, 15 phút… Sao những ngôn từ có cánh đã lẩm nhẩm đến thuộc lòng  như ăn cháo biến đâu hết rồi trời. Sao mà xúi quẩy zị ta. Mọi phản ứng của nàng đều nằm ngoài tầm dự liệu. Chết cha tui rồi!)

C: Em à!

N: Gì?

C: Em ơi!

N: Gì? Mệt quá, cứ ơi với à hoài. Em đâu phải là em Liên hay em Thủy của anh.

C: (Nụ cười cầu tài)

N: Anh nói gì nói lẹ đi. Em sắp đi shopping zí nhỏ bạn.

C: Em à… có khi nào em nghĩ là… nghĩ là… nghĩ là… anh rất thương em hong… Anh thương em thiệt đó. Ờ, ờ… Thò tay anh bứt cái lá bàng. Thương em đứt ruột đứt gan luôn nè…. Anh muốn… anh muốn… anh muốn… muốn lấy em làm zợ! (Nghiêm túc cực kỳ, dù từ đầu câu đã cực kỳ nghiêm túc) Nhân danh cái ví rỗng của anh. Nhân danh căn phòng không có tủ chỉ có một sợi dây treo quần áo của anh. Nhân danh cái thẻ đa năng NH Đông Á tài khoản dư tám chục ngàn của anh…. À, à… nhân danh người yêu em nhất thế gian, bây giờ và mãi mãi về sau, anh xin kính cẩn nghiêng mình quỳ gối cầu hôn em. Bằng lòng làm zợ anh nha! À, em cho anh khất nhá, anh chưa có tiền mua nhẫn kim cương!...

(Thở phào nhẹ nhõm. Giao thông hào căng nhất đã được giải phóng.)

N: (im lặng)

C: Em nghĩ sao. Bằng lòng đi em nhé. Bằng lòng đi cuối tháng này mình alez hop tổ chức đám cưới bỏ túi liền. Em đừng lo, nói bỏ túi zậy chứ sẽ đông zui lắm đó. Bạn anh có nhiều thằng làm to, nhiều thằng khác toàn là zăn nghệ sĩ thứ dữ. Mấy thằng làm to anh sẽ thuyết phục chúng đóng góp tiền tài trợ. Chủ yếu là để mua sâm panh zí XO zí mướn phục vụ bàn, còn mồi thì anh sẽ ghi thẳng vào thiệp: self service. Thằng nào có mồi gì cứ mang tới. Địa điểm tổ chức thì anh có một ông anh có nguyên cái trại nuôi dê rộng thênh thang, cả ngàn khách mời cũng còn rộng chán. Mấy thằng zí mấy em gái zăn nghệ sĩ sẽ giúp zui zăn nghệ cho đám cưới của tụi mình. Bảo đảm đám cưới của tụi mình sẽ linh đình nhộn nhịp hết cỡ luôn….

N: (im lặng)

C: Em nói gì đi em.

N: Anh nói anh thương tui thiệt hả?

C: Thiệt mà. Anh xin thề…

N: Thôi, khỏi thề. Thương em thiệt!... Thế còn mấy em Mai, Lan, Cúc, Trúc… zí mấy em Tây Tàu của anh bỏ đi đâu.

C: Là anh phịa cho oai thôi mừ. Em biết anh rõ lắm rồi còn gì. Anh ra khỏi nhà chỉ toàn đi nhậu zí mấy thằng bạn bợm, có bao giờ đi cà phê cà pháo, công viên, siêu thị zí em nào đâu. Em yên tâm đi, chỉ có em, mỗi mình em ngự trị trong quả tim đầy thương tích của anh thôi.

N: Ha, thương tích gì? Thương tích tình trường chắc?

C: Ờ, ờ… đúng. Nhưng quá khứ là quá khứ, còn hiện tại và tương lai thì chỉ có em. Em là số một la mã, em là duy nhất, thượng thiên hạ địa, duy nị độc tôn! Sao em, bằng lòng đi nhé!

N: Để em suy nghĩ coi…. Nè, giả sử em ừ, anh lấy gì nuôi em nhẩy? Em không khoái shopping nhưng mỗi ngày cũng phải zô siêu thị vài ba tiếng để né nắng Sài Gòn. Em không khoái la cà nhưng mỗi chiều cũng phải ra bờ kênh Nhiêu Lộc ngồi nhâm nhi ba sợi. Em không khoái se sua nhưng váy áo mỗi quý cũng phải thêm vài bộ… Anh ơi, anh làm gì để nuôi em? Với cái thẻ tài đa năng tài khoản dư tám mươi ngàn, với căn gác trọ đìu hiu của anh hả… Chưa hết, nếu chúng ta có con thì sao nhỉ? Con chúng ta sẽ đi bán vé số, anh và em đứa cầm nón đứa cầm cây đàn ghita tháp tùng để cổ động?...

C: (icon mếu máo) Ừ, anh cũng có nghĩ tới mí chuyện đó. Nhưng không sao em à. Anh có tài mừ. Anh sẽ viết một bộ trường thiên tiểu thuyết cỡ Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoi, viết xong anh tự dịch ra tiếng Anh, bán cỡ vài ba triệu cuốn, tiền bản quyền sẽ đủ cho anh, em và con của chúng ta sống thoải mái… Nhưng mà, trong khi chờ đợi bộ trường thiên tiểu thuyết ra mắt, anh sẽ xin một chân bảo vệ, hoặc không thì anh sẽ chọn một ngã 4 làm bến đỗ xe ôm. Anh sẽ ráng sức cày sâu cuốc bẩm, anh sẽ tiết kiệm tối đa, anh sẽ tiêu xài keo cú hơn Lão hà tiện của ông nhà văn nào đó mờ anh tạm thời quên tên. Và anh sẽ bái bai mấy thằng bạn nhậu nhẹt. Anh sẽ không uống một giọt rượu bia nào hết sau đám cưới tưng bừng khói lửa của chúng ta. Thậm chí, anh sẽ bỏ hút thuốc luôn. Hehe, không có gì dễ bằng bỏ hút thuốc đâu em. Anh bỏ cả chục lần rồi nên anh biết rất rõ!... Chúng ta chỉ ráng chịu đựng vài năm thôi em. Bộ tiểu thuyết ra đời, chúng ta sẽ bước sang trang đời mới. Và sau đứa con tinh thần của anh, chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên, hướng tới đứa con vật chất của hai đứa tụi mình…. Anh sẽ… anh sẽ… anh sẽ…

(Chàng nhìn lại màn hình. Đèn nhà nàng đã tắt. Nàng đã tắt máy hoặc tắt ĐTDĐ. Và lời cầu hôn của chàng rơi vào khoảng hư không.)

Chàng sẽ chết! Đêm nay, đúng mười hai giờ khuya, tại nhịp thứ ba của cầu Bình Lợi, sẽ có một mầm già văn nghệ gieo mình xuống dòng sông mát rượi. Nước sẽ đưa chàng đi ra biển. Xác chàng sẽ tiêu diêu tự tại trong ruột cá bụng tôm. Và lời cầu hôn, như tiền bối xa xưa của chàng từng nói, đã biến thành lời cầu hồn cho chàng. Gút bai, nô xi zu ờ gên!
                                                                
                                                                           ***

Chàng ráng đợi đến 12 giờ như dự tính. Nhưng suốt đời mình, chàng chả bao giờ làm đúng dược như dự tính. Nói cho cùng (nói bằng tiếng Anh là 'after all'; chàng buộc phải ghi lại cụm từ này bằng hai thứ tiếng vì nhớ có lần thấy ai đó dịch 'after all' là 'sau tất cả' - nghe nó ngứa cái lỗ tai bên phải và ngứa cái con mắt bên trái quá xá. Xưa nay, người Việt chưa bao giờ và chưa từng có ai nói hay viết cụm từ 'sau tất cả' hết, các em và các cháu thương mến đang và sẽ dịch tiếng Anh xin nhớ lấy giùm. Đây coi như là bài học cuối cùng chàng để lại cho cuộc đời không mấy khi zui zẻ này.....) Nói cho cùng, dù chàng cố chọi nhau với dòng đời đến mấy, chàng cũng chỉ là một cọng cỏ lềnh bềnh cuốn theo chiều nước chảy.

Chàng chờ mãi, chờ mãi. 12 giờ, giờ G, giờ định mệnh khắc nghiệt cứ như sẽ không bao giờ tới. Thời gian cứ đủng đa đủng đỉnh không chịu nhích chân. Mà chàng thì mệt quá, mệt mỏi lắm rồi. Mười giờ lẻ hai phút.

Cầu vắng không người. Chợt từ lòng sông vẳng lên tiếng hát. Ban đầu chàng lơ đãng không chú ý. Tiếng hát ma quái cứ vẳng lên. Không to thêm. Cứ đều đều nhỏ những giọt âm vào hai lỗ tai chàng. Âm sắc và âm độ của tiếng hát, từ khi chàng bắt đầu chú ý, không hề thay đổi. Nhưng nó giống như một mũi khoan nhỏ xíu cắm vào tim chàng. Nó xoay tròn. Mũi khoan càng xoáy, cái lỗ càng mở rộng. Âm thanh có, ngữ nghĩa không. Hệt như tiếng hát của loài mỹ nhân ngư trong truyền thuyết. Rồi mưa bỗng rơi, từng hạt tí tách xuống đầu chàng, xuống vai chàng. Chàng rùng mình, thấy mình từ từ hóa thành một giọt mưa. Giọt mưa/chàng không rơi trên tượng đá, không rơi trên mặt em. Giọt mưa/ chàng rơi rất nhẹ xuống lòng sông. Hòa vào dòng chảy cuộn trôi. Ngày mai sẽ vắng bóng một người.

1/4/2015