Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

BẢN DỊCH BÀI BÁO CỦA PAUL MILLAR


NHỮNG CỰU BINH VIỆT NAM BỊ LÃNG QUÊN



Vào ngày lễ Giáng sinh 40 năm trước, 150.000 binh sĩ Việt Nam đã vượt biên giới Campuchia, tiến hành một chiến dịch đẫm máu để lật đổ chế độ Khmer Đỏ sát nhân. Nhiều thập niên sau đó, những người từng chiến đấu với các lực lượng của Pol Pot vẫn còn những hồi ức đầy ám ảnh; bị quốc gia quên lãng và bị nhiều người họ từng giải cứu hoài nghi.
Trong hai tuần của tháng 4/1978, lực lượng áo đen của chủ nghĩa dân tộc cực đoan Khmer Đỏ đã mở cửa địa ngục trần gian. Họ xua đuổi mọi gia đình khỏi nhà họ, bắn chết nhiều đàn ông, phụ nữ, trẻ em, quật đầu những em bé vào những bức tường nhà từng che chở chúng. Trong không đầy nửa tháng, gần 3000 người trong một thôn nhỏ bị giết chết. Nhưng cuộc thảm sát này – một trong những hành động tàn ác nhất của quân Pol Pot trong hơn bốn năm cách mạng bằng bạo lực – không được tiến hành trên đất Campuchia, hay áp dụng với người Campuchia. Lính Pot đã luồn qua biên giới, xâm nhập xã Ba Chúc của Việt Nam, tàn sát một làng gồm dân Việt và dân Khmer. Chính cuộc đột kích này, một trong những chiến dịch tàn sát dã man dân Việt Nam,  còn hơn cả tội ác của Pol Pot đối với chính người dân của mình, đã đặt nền tảng cho cuộc tấn công của Việt Nam vào Campuchia mà cuối cùng sẽ xóa bỏ chế độ Khmer Đỏ.
Trong một căn phòng nhà hàng ở Sài Gòn, có vẻ như Nguyễn Công Trung vẫn còn vẹn nguyên chất lính. Mái tóc đen rẻ ngôi theo kiểu nhà binh trên một gương mặt nghiêm nghị, với đôi mắt nhấp nháy sau đôi mắt kính gọng vàng. Như nhiều cựu binh đã ném mình vào vực xoáy của cuộc nội chiến Campuchia, Trung chỉ là một thanh thiếu niên khi vào lính.
Khi chiến tranh biên giới nổ ra, tôi chỉ là học sinh trung học.  Nhưng tôi biết sự tàn ác của Pol Pot qua báo chí – ông ta giết đàn ông, phụ nữ, trẻ con. Tôi tham gia lực lượng dân quân năm 15 tuổi, hai năm sau, tôi gia nhập bộ đội chính quy." Ông nói.
Ngồi cạnh Trung, Phạm Sỹ Sáu hầu như không khác biệt bao nhiêu. Như Trung và một số cựu binh mà Southeast Asia Globe trao đổi, ông đã tới nhà hàng này từ Nhà Bảo tàng Chiến tranh  để chia sẻ ký ức về một cuộc chiến mà đất nước ông đã cố gắng quên đi. To con, lịch sự, ông đóng quân ở biên giới khi lính Pot đột kính vào Việt Nam năm  1977. Tháng 12 năm đó, ông kể, hơn 100 người đã bị giết trong một cuộc tấn công vào một làng biên giới. Ba mươi trong số đó là học sinh, thậm chí còn nhỏ tuổi hơn ông.
Tôi có mặt ở Campuchia từ đầu tới cuối cuộc chiến,” ông kể, một điếu thuốc loại nhẹ nằm hờ hững giữa mấy ngón tay. “Trước đó, tôi là một nhà thơ.”
Vừa thoát khỏi nhiều thập niên chiến tranh, trước tiên là với Pháp và sau đó là Hoa Kỳ, nước Việt Nam mới thống nhất vẫn còn què quặt bởi sự tàn phá của chiến tranh và sự phong tỏa kinh tế tàn khốc. Vừa nhấm nháp một ngụm bia Tiger, Sáu vừa thốt với vẻ cay đắng về việc một thế hệ người Việt Nam khác được giao nhiệm vụ cầm vũ khí bảo vệ quốc gia.
“Chúng tôi buộc phải tham chiến, ông nói. Những người Việt Nam đã phải chịu đựng rất nhiều từ cuộc chiến trước. Sau năm 1975, chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ có hòa bình. Nhưng chỉ sau hai năm, chúng tôi lại một lần nữa tham chiến.|
Đảng cộng sản của Việt Nam và Campuchia, ban đầu liên minh trong cuộc chiến để giải phóng Đông Dương khỏi tầm với của các cường quốc phương Tây, đã chia sẻ sự đào tạo và các nguồn lực suốt nhiều năm khi Chiến tranh Việt Nam lan qua biên giới các quốc gia của họ. Nhưng với sự trỗi dậy của phe lấy người Khmer làm thượng đẳng của đảng cộng sản Campuchia dưới thời Pol Pot, niềm tin ít oi tồn tại giữa các nước láng giềng đã bị tước bỏ khi nhà độc tài Pol Pot liên tục tấn công một cách dã man  vùng đất hạ lưu sông Mê Kông dọc biên giới Campuchia
Đầu hói, gương mặt nghiêm trang, Nguyễn Đức Hòa nói bằng giọng điệu bình thản của một kè quen ra lệnh. Giọng ông nổi lên tiếng ồn ào trong nhà hàng khi nói về việc ông nhập ngũ năm 1976 và sau đó mất hơn ba năm để đẩy lùi các cuộc tấn công của Khmer Đỏ qua biên giới.
Đơn giản thôi, chúng tôi còn trẻ”, ông nói. “Khi một kẻ thù tấn công đất nước, chúng tôi phản công. Nhưng bây giờ người Việt Nam chúng tôi muốn có một tình bạn thân thiết với Campuchia - bởi vì chúng tôi có bạn bè, người thân, đồng hương đã định cư ở Campuchia.” 
Nguyễn Thành Nhân là một người lính mà những năm chiến đấu chống tàn quân Pol Pot ở biên giới Thái Lan vẫn còn nặng nề trong hồi ức. Nhỏ con, rắn rỏi, trầm tư, Nhân liên tục rít thuốc lá và phủi tàn thuốc phủ lên một trái tim xăm mờ nhạt trên cổ tay. Bên trong trái tim là những chữ Khmer nguệch ngoạc tên người phụ nữ ông từng yêu, từ nhiều thập kỷ trước, cách rất xa quê hương ông
Cuốn sách của Nhân “Mùa xa nhà”, một tự truyện về những năm tháng chiến đấu ở Campuchia được xuất bản bằng tiếng Anh tám năm trước, là một câu chuyện nồng nàn, trữ tình về một nhóm lính trẻ đang cố gắng chịu đựng một vòng xoáy bạo lực và sợ hãi dường như vô tận. Mặc dù giới lãnh đạo Khmer Đỏ đã chạy trốn khỏi Phnom Penh chỉ hai tuần sau cuộc xâm lược, nhưng lực lượng của họ vẫn ẩn náu dọc biên giới Thái Lan, bị nhốt trong một cuộc chiến tranh tiêu hao đẫm máu với người Việt Nam và các đồng minh Campuchia của họ. Thông qua những vần thơ và một đoạn ca khúc, cuốn sách của ông  đã vẽ nên một hình ảnh sống động về nỗi kinh hoàng của cuộc chiến mười năm mà Việt Nam đã cố gắng hết sức để quên. Cuốn sách đã bị cấm bởi chính phủ của ông từ trước đó.
“Tôi không phải là một nhân chứng, nhưng chúng tôi đã nghe  về Tuol Sleng [nay là Bảo tàng Diệt chủng nổi tiếng ở Phnom Penh], ông nói. “ Sự tàn ác và diệt chủng của Pol Pot là rất, rất khủng khiếp.”

Sin Khin là một trong nhiều người Campuchia nhớ rằng sự tàn ác chỉ là quá rõ. Hiện là cố vấn cao cấp của Hội đồng Bộ trưởng, Khin sinh ra ở tỉnh Svay Rieng ở biên giới với Việt Nam, làm giáo viên dưới chế độ Sangkum của Hoàng tử Norodom Sihanouk cho đến khi cựu vương bị lật đổ bởi Tướng Lon Nol với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ năm 1970. Không thể chứng kiến ​​đất nước của mình chìm vào cuộc nội chiến với cuộc nổi dậy của cộng sản giờ được hỗ trợ bởi ông hoàng Shihanouk đang sống  lưu vong, Khin gia nhập lực lượng của Lon Nol với tư cách là một lính cứu thương. Khi Khmer Đỏ giành chiến thắng, ông đã trải qua 15 tháng lao động nặng nhọc tại một trong “những nhà tù không có tường thành” đang xuất hiện khắp quốc gia Campuchia Dân chủ mới. Ngay cả sau khi được thả ra, ông vẫn tiếp tục làm việc trên các cánh đồng dưới con mắt giám sát của cán bộ Khmer Đỏ. Mãi tới khi nhìn thấy những người lính Khmer Đỏ chạy trốn khỏi biên giới Việt Nam vào năm 1977, ông mới bắt đầu mơ tới việc trốn thoát.

Vào thời điểm đó, Khmer Đỏ bắt đầu di chuyển người dân từ biên giới vào sâu hơn trong nước vào ban đêm,” ông kể. “Lính Việt Nam và lính Khmer Đỏ đang đánh nhau - và Khmer Đỏ thua cuộc. Rất nhiều người lính đã bỏ trốn.

Khi các cán bộ Khmer Đỏ bỏ trốn, Khin tập hợp hơn 50 gia đình và chuẩn bị chạy trốn qua biên giới. Một vài người đàn ông tự vũ trang bằng dao và dao rựa do sợ rằng lính Pot sẽ quay lại. Thay vì vậy, họ thấy mình đang bị những đoàn quân Việt Nam bừng bừng sát khí bao vây.

“Tôi thấy những người lính Việt Nam đến gần làng, nhưng tôi nghĩ họ là người Khmer - những người lính Campuchia đến giải cứu chúng tôi,” ông kể. “Tôi cột một cái khăn ăn màu trắng vào một cây sào tre dài, nhưng họ đã nổ súng vào chúng tôi. Tất cả chúng tôi nằm xuống ruộng lúa. Sau đó tôi cởi hết quần áo ra và cột chúng vào một nhánh cây. Tới lúc đó họ mới bắt đầu tin [chúng tôi không phải là lính Khmer Đỏ].

Khin cất tiếng gọi những người lính bằng tiếng Việt mà ông đã học được khi học ngành y ở miền Nam Việt Nam trước khi chế độ Lon Nol sụp đổ. Những người khác không may mắn như thế. Khin kể đã có mấy chục thanh niên Campuchia trẻ tuổi bị quân đội Việt Nam bắt giữ vì nghĩ họ là tàn dư của Khmer Đỏ.

“Tôi là người đầu tiên mỉm cười với họ - tất cả những người đàn ông khác đều run rẩy,” ông nói. Và họ đã cho tôi một miếng bánh mì.

Về phía Việt Nam, những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa những người lính trẻ chiến đấu để đẩy lùi lực lượng của Pol Pot và những người gần chết đói đang mong ước được giải cứu là một phát hiện. Luôn có một nụ cười thoải mái và sẵn sàng cất tiếng cười to, Nguyễn Văn Trọng trông không giống một người đã tận mắt chứng kiến ​​sự tàn bạo của Khmer Đỏ. Dễ dàng chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Khmer mà ông học hỏi được trong thời gian ở Campuchia, nét mặt ông trở nên nghiêm trang khi nói về những ngày đầu chiến đấu qua biên giới.

“Dưới chế độ của Pol Pot, không có tiền, không có gia đình, không có trường học,” ông nói. Chỉ có một màu duy nhất: màu đen. Tất cả quần áo đều màu đen. Khi chế độ của ông ta sụp đổ, người dân Campuchia rất vui mừng. Khi họ nhìn thấy những người lính Việt Nam, như thể họ đã được sống lại.”

Từ đầu những ngày sống lưu vong ở Việt Nam, Sin Khin đã nghe đồn về một phong trào kháng chiến trong số những người tị nạn Campuchia đang vật lộn để sống còn trong các trại ở bên kia biên giới. Ít lâu sau,  khi ông trở thành người đứng đầu trại tị nạn, ông đã tiếp xúc với những người cùng chí hướng, mong muốn tấn công chống lại Khmer Đỏ. Trong nhiều tháng, Khin làm công việc tuyển mộ cho lực lượng giải phóng Campuchia có trụ sở tại Việt Nam do Heng Samrin và Thủ tướng Hun Sen dẫn đầu, cử những thanh niên đi theo quân đội Việt Nam, những người đã đùm bọc họ, để huấn luyện quân sự.

Khi Heng Samrin, Hun Sen và Chea Sim - tất cả những người đã đào ngũ từ lực lượng Khmer Đỏ và trốn qua biên giới năm 1977 để cầu xin các đồng minh cũ của họ giúp đỡ - cùng nhau đến huyện Snuol đã được giải phóng của Campuchia để thông báo về sự ra đời của Mặt trận Giải phóng Quốc gia Campuchia, Khin bắt đầu tin rằng hơn bốn năm khủng bố dưới chế độ diệt chủng cuối cùng sẽ chấm dứt.

Thoạt tiên, tôi không có chút hy vọng nào - chúng tôi chỉ gia nhập quân độ vì đó là ý chí của các lãnh đạo hàng đầu của chúng tôi. Nhưng trong lòng, tôi rất vui sướng. Tôi đã gặp rất nhiều binh lính trong khu rừng ở Snuol, và quân đội Việt Nam cùng đi để giúp đỡ họ - tôi bắt đầu hy vọng rằng, vâng, chúng tôi sẽ chiến thắng.”

Bất mãn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan điên cuồng của phe Pol Pot và khiếp sợ những cuộc thanh trừng đang gia tăng trong phong trào, đó là lý do chính của những người đào thoát khỏi Khmer Đỏ - được ủng hộ bởi số người tị nạn Campuchia ngày càng đông đảo, vốn sẵn sàng nắm lấy cơ hội để trả thù những kẻ đã giết rất nhiều người thân của họ - điều đó sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc giải phóng Campuchia của Việt Nam.

“Mọi người bắt đầu tình nguyện tham gia phong trào. Họ cảm thấy rất đau lòng bởi Khmer Đỏ,” Khin nói. “Tuy nhiên, Việt Nam luôn đứng ở tuyến đầu. Những người lính Campuchia luôn ở bước thứ hai. Họ đều là những tân binh. Và họ dũng cảm, họ muốn chiến đấu, mặc dù Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn họ. Bởi vì người Việt Nam lo rằng họ sẽ trả thù trong cơn phẫn nộ và giết chết toàn bộ lính Khmer Đỏ.”

Với cái lưng cứng đơ và đôi mày chau bên dưới mái tóc màu xám thép, bác sĩ Hoàng Cát là một cựu chiến binh của chiến dịch đã chọn định cư tại Campuchia. Từng là một y sĩ trẻ chiến đấu với những người lính chống lại lực lượng Khmer Đỏ ở tỉnh Kampong Cham, bác sĩ Cát hiện làm việc tại một bệnh viện Việt-Campuchia ở trung tâm Phnom Penh.

“Chiến trường không giống như trong phim tài liệu,ông nói. “Khi Khmer Đỏ rút lui từ nơi này sang nơi khác, quân đội Việt Nam đã đuổi theo sau và đẩy chúng ra xa hơn.”

Khi còn là một sinh viên y khoa trẻ tuổi, bác sĩ Ct đã phục vụ cùng với những người lính đã đánh đuối Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Từ “nhiệm vụ” không bao giờ rời khỏi đôi môi của ông - nhất là khi ông mô tả sự đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phẩu thuật để lấy những mảnh đạn và chì khỏi thi thể của những người lính Khmer Đỏ bị quân đội của Pol Pot bỏ lại.

“Rất nhiều binh sĩ mà tôi chữa trị, cả người Campuchia lẫn người Việt , đã bị thương vì đạn và mìn,” ông nói. Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ họ. Các bác sĩ phải điều trị cho tất cả mọi người, ngay cả Khmer Đỏ, nếu họ bị thương hoặc bị bệnh. Trước mặt bạn chỉ là một bệnh nhân cần được chữa trị.”

Đối với nhiều người Campuchia, dòng người Việt Nam sau cuộc xâm lược và chiếm đóng vẫn là một viên thuốc đắng phải nuốt. Bị kích động bởi những luận điệu thù địch rằng Thủ tướng Hun Sen và chính phủ của ông ta chỉ là những con rối được Việt Nam cài đặt để giữ Campuchia dưới ách nô lệ, phục vụ cho tham vọng đế quốc của Hà Nội, ngày càng nhiều thanh niên Campuchia xem sự chiếm đóng của Việt Nam, và những người lính từng chống lại Khmer Đỏ, là một sự vi phạm không thể tha thứ đối với chủ quyền quốc gia.

Nhân, nhà văn, vẫn gắn bó thân thiết với người phụ nữ đã nhận ông làm con nuôi trong những năm dài ở Campuchia. Ông buồn thấy rõ khi nói về nhận thức ngày càng tăng của nhiều thanh niên Campuchia rằng ông và đồng đội của mình không gì khác hơn là những kẻ xâm lược nước ngoài đang củng cố sự thống trị của Hà Nội đối với Đông Dương.

Tôi đã dành ra rất nhiều thời gian để tranh luận với những người [Khmer] trẻ tuổi trên mạng,” ông nói. “Họ không biết về những gì chúng tôi thực sự đã làm ở Campuchia - họ nghe thấy những khía cạnh xấu nhưng họ không nghe thấy những khía cạnh tốt của chúng tôi ở đó. Chúng tôi luôn cư xử rất tốt với mọi người - chúng tôi yêu họ như người thân của chúng tôi. Chúng tôi gọi những phụ nữ lớn tuổi mẹ, gọi những người nhỏ tuổi là anh em trai và chị em gái - và đó là cách hành xử của chúng tôi. Nhưng giới trẻ không biết chuyện đó.”

“Thế hệ trẻ hơn ở Việt nam cũng chẳng tốt hơn bao nhiêu. Nếu cha họ từng chiến đấu ở Campuchia, họ biết chút ít về cuộc chiến này,” Nhân nói. “Nhưng tôi nghĩ nhiều người đã quên đi.”

Nhà thơ Sáu không phải là một trong số họ. Với một nụ cười buồn, ông nói về cuộc đấu tranh lâu năm để chống lại cái mà ông và đồng đội của ông gọi là hội chứng Campuchia Campuchia – gánh nặng tâm lý của những năm kinh khủng đè nặng lên trái tim họ.

“Khi còn là lính, chúng tôi còn rất trẻ,” ông nói. “Và những trận đánh rất khủng khiếp. Chúng tôi đã phải vượt qua nó để sống sót. Nhưng nhiều năm sau, nó quay trở lại - chúng tôi vẫn gặp ác mộng. Khi chúng tôi say, những ký ức lại quay trở lại và chúng tôi có thể cư xử rất tệ.

Nhân nói rằng trong khi chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý đã được ghi nhận rõ ràng trong số những người lính Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam, thì tác động lâu dài của nhiều năm chiến đấu ở Campuchia vẫn là điều cấm kỵ sâu sắc đối với những người lính Việt Nam trở về nước.

“Bạn đã đọc những cuốn tiểu thuyết Mỹ, và sách Mỹ, về hội chứng chiến tranh Việt Nam. Ngay cả tôi, tôi vẫn gặp ác mộng về những trận đánh với lính Pol Pot,” ông nói. “Hầu hết chúng ta, kể cả tôi, chúng tôi không nói về điều đó với bất cứ ai. Chúng tôi che đậy sự thật. Mỗi người trong chúng tôi đều có những triệu chứng này - mặc dù không phải lúc nào cũng rất nghiêm trọng. Nhưng đối với một số người, nó rất nghiêm trọng. Họ phát điên.

Đối với Hòa có khuôn mặt nghiêm nghị, thời gian ở Campuchia là điều ông đã cố gắng hết sức để quên đi. Nhưng một ngày nào đó, ông nói, ông muốn đưa các con của mình đi thăm mảnh đất mà cha chúng đã chiến đấu trong cuộc chiến đã bị lãng quên của Việt Nam.

“Khi chúng tôi gia nhập quân đội, lý do chỉ là để bảo vệ đất nước của chúng tôi. Chúng tôi không nghĩ mình sẽ nhận được gì khi trở về nhà,” ông nói. “Tuy nhiên, thật sự có rất ít hỗ trợ dành cho những người lính như chúng tôi. Chúng tôi phải dựa vào chính mình. So với lính Mỹ, chúng tôi chẳng nhận được gì.”

Sống định cư ở Campuchia, bác sĩ Cát không khỏi ngạc nhiên trước câu hỏi liệu ông có còn cảm thấy được chào đón ở đất nước đang cưu mang mình hay không.

“Tôi không quan tâm tới việc mọi người nghĩ người Việt Nam đến xâm chiếm hay đến để giúp đỡ, việc đó tùy ý họ” ông nói. “Nhưng tôi biết rằng những người lính Việt Nam đã đến để giúp đỡ - để cứu người dân Campuchia.”

Sáu vẫn còn làm thơ. Trước khi nói lời tạm biệt, ông rút ra từ túi xách một cuốn thơ và ký tên với những nét cẩn thận. Bên trong, ông nói, là những ký ức của ông trong gần một thập kỷ chiến đấu để giải phóng Campuchia khỏi những tàn dư cuối cùng của chế độ Pol Pot.

Tôi đã ở Campuchia trong dịp Tết của người Khmer,” ông nói. “Vào tháng Tư, năm 1979, lần đầu tiên sau bốn năm, họ nhảy múa trên đường phố. Đó là hình ảnh đọng lại trong tôi.