Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

TRỞ LẠI CỐ HƯƠNG by THOMAS HARDY - GIỚI THIỆU


Sách đã ra. Bạn đọc có thể mua tại NXB Tổng hợp, số 62 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đa Kao, Q, 1, Tp. HCM hoặc mua online tại:  https://nxbhcm.com.vn/7/tro-lai-co-huong-3691





VỀ TÁC GIẢ


Thomas Hardy (2/6/1840 - 11/1/1928) tiểu thuyết gia, nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng người Anh chào đời tại làng Higher Bockhampton, một trong những làng quê xa xôi hẻo lánh nhất của hạt Dorset, Anh Quốc. Ông là con cả trong số bốn người con của Thomas Hardy, một thợ xây, và Jemima, một thôn nữ có học thức. Ông lớn lên trong một ngôi nhà tranh nằm biệt lập ở rìa một cánh đồng thạch nam. Những trải nghiệm đầu đời của ông về đời sống nông thôn, với nhịp điệu theo mùa và nền văn hóa dân gian truyền khẩu, là nền tảng cho phần lớn các tác phẩm sau này của ông. Ông được mẹ dạy học tại nhà cho tới năm tám tuổi; sau một năm học ở trường làng, ông chuyển tới trường học ở Dorchester, một thị trấn gần đó. Tại đây ông đã tiếp thu được một nền tảng vững chắc về toán học và tiếng Latin. Năm 1856, ông trở thành người học việc của John Hicks, một kiến trúc sư địa phương; năm 1862, ông chuyển tới London và trở thành chuyên viên bản vẽ kỹ thuật trong văn phòng của Arthur Blomfield, một kiến trúc sư nổi tiếng. Do sức khỏe kém, năm 1867 ông trở về Dorset, lại làm việc cho Hicks và sau đó cho kiến trúc sư G.R. Crickmay ở thị trấn Weymouth.
Dù nghề kiến ​​trúc mang lại cho Hardy sự thăng tiến ở cả hai mặt kinh tế và xã hội, giữa những năm 1860, sự thiếu thốn tài chính và sự sụt giảm niềm tin tôn giáo đã buộc ông phải từ bỏ khát vọng học đại học và trở thành một linh mục. Ông bắt đầu tập trung vào sáng tác thơ, nhưng do các tác phẩm này bị từ chối xuất bản, ông miễn cưỡng quay sang sáng tác văn xuôi.
Trong hai năm 1867-68, ông viết tiểu thuyết đầu tay Chàng trai nghèo và nàng tiểu thư (The Poor Man and the Lady). Dù được ba nhà xuất bản ở London xem xét với sự cảm thông, tác phẩm này không bao giờ được xuất bản và thất lạc luôn. Sau đó, theo lời khuyên của George Meredith, một người điểm sách của nhà xuất bản, ông viết Các liệu pháp tuyệt vọng (Desperate Remedies -1871), một tác phẩm chịu ảnh hưởng của dòng tiểu thuyết“cảm giác”của Wilkie Collins. Tuy nhiên, trong tác phẩm tiếp theo, Dưới tán cây xanh (Under the Greenwood Tree -1872), Hardy đã tìm thấy giọng điệu riêng biệt của chính mình.
Tháng 3/1870, Hardy được cử đến để trùng tu ngôi nhà thờ St. Juliot đổ nát ở Cornwall. Ông đã gặp Emma Lavinia Gifford, người trở thành vợ của ông bốn năm sau đó. Bà đã tích cực khuyến khích và hỗ trợ ông trong những nỗ lực văn chương, và cuốn tiểu thuyết kế tiếp của ông, Mắt biếc (A Pair of Blue Eyes -1873), được viết dựa trên chính những trải nghiệm lãng mạn trong mối tình giữa ông và Emma.
Mùa hè năm 1872, Hardy dứt khoát từ bỏ sự nghiệp kiến trúc và toàn tâm theo đuổi văn chương khi tạp chí Tinsley ký kết hợp đồng sử dụng Mắt biếc trong 11 kỳ đăng mỗi tháng. Sau đó, Cornhill, một tạp chí có uy tín hơn nhiều mời ông cung cấp một tác phẩm đăng nhiều kỳ. Kết quả là tác phẩm Xa đám đông điên loạn (Far From the Madding Crowd – 1874)  ra đời, giới thiệu cái tên Wessex lần đầu. Và cũng từ đây trở đi, hầu hết các tác phẩm của ông, đều có bối cảnh nền là Wessex, vốn là một vương quốc của người Anglo-Saxon ở miền nam đảo Great Britain từ năm 519 cho tới đầu thế kỷ 10, khi vua Æthelstan của người Anglo-Saxon thống nhất nước Anh; với Hardy, địa danh Wessex bao gồm các hạt ở vùng tây nam Anh Quốc hiện nay.
Tháng 9/1874, Hardy kết hôn với Emma Gifford, bất chấp sự phản đối của gia đình cả hai bên. Trong thời gian đầu, họ liên tục di chuyển, khi sống ở London, khi ở Dorset. Trong thời gian này ông viết tiểu thuyết Bàn tay của Ethelberta (The hand of Ethelberta - 1876); tác phẩm này được đón nhận khá thờ ơ và không phổ biến mấy. Bù lại, tiểu thuyết Trở lại cố hương (The Return of the Native – 1878) ngày càng được nhiều người hâm mộ do bối cảnh nổi bật của Egdon Heath, dựa trên vùng hoang địa ảm đạm và khắc nghiệt mà ông từng biết hồi thời thơ ấu.
Cái chết của đột ngột của Emma vào năm 1912 kết thúc hai mươi năm sống chung với nhau trong tình trạng xa lạ, nhưng nó cũng khơi gợi lại những tháng ngày tươi đẹp trong mối tình của họ, và là nguồn cảm hứng để ông hoàn thành một số tác phẩm thơ xuất sắc. Năm 1914, Hardy kết hôn với Florence Emily Dugdale, trẻ hơn ông 38 tuổi. Dù đôi khi người vợ thứ hai này gặp khó khăn, vì Hardy quá nặng lòng với những hoài niệm về người vợ cũ, bà vẫn toàn tâm chăm sóc cho sức khỏe tuổi già của ông cho tới lúc ông qua đời vào tháng 11/1928. Tro cốt của ông được đặt trong “Góc của các nhà thơ” (Poets’ Corner) tại Tu viện Westminster, còn quả tim được chôn cất chung một nấm  mộ với Emma tại nghĩa trang giáo xứ Stinsford.
Trọn đời văn nghiệp, Thomas Hardy đã sáng tác tổng cộng 14 tiểu thuyết (các tác phẩm nổi bật nhất là Far From the Madding Crowd, The Return of the Native, The Major of Casterbridge, Tess of d’Urbervilles, và Jude the Obcure), hàng trăm truyện ngắn, hai vở kịch, và chín tập thơ. Ông được công nhận rộng rãi là một nhà văn lớn của thế kỷ 19 và nhà thơ lớn của thế kỷ 20. Ngoài ra, ông được vinh hạnh đề cử cho giải Nobel Văn chương nhiều lần (1910 - 1914, 1920, 1923 - 1927)[1].
Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim như Tess of d’Urbervilles (1913; 1979; 1998, 2008) The Return of the Native (1994), Jude the Obscure (1996), The Mayor of Casterbridge (2000, 2003), Under the Greenwood Tree (2005), Far From the Madding Crowd (2015).
Nhiều nhà văn  trẻ hơn, bao gồm D. H. LawrenceJohn Cowper Powys, và Virginia Woolf rất hâm mộ các tác phẩm của ông.
Một số nhà soạn nhạc nổi tiếng, bao gồm Gerald Finzi,  Benjamin Britten, và Gustav Holst đã lấy thơ của ông để phổ nhạc. Holst cũng soạn bản giao hưởng dựa trên chủ đề của tiểu thuyết The Return of the Native nhan đề Egdon Heath: A Homage to Thomas Hardy vào năm 1927.


***


GIỚI THIỆU

Có lẽ Trở lại cố hương được Thomas Hardy khởi thảo vào cuối năm 1876 và hoàn thành vào mùa xuân 1878. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của ông. Trong thời gian này, ông sống tại thị trấn Sturminster Newton, hạt Dorset, vừa mới quay về sau những chuyến du lịch châu Âu với người vợ mới cưới Emma. Sau thành công của Xa đám đông điên loạn[2] (1874), Hardy đã thể nghiệm thể loại trào phúng xã hội trong Bàn tay của Ethelberta (The hand of Ethelberta; 1876), tuy nhiên tác phẩm này không được đón nhận nồng nhiệt mấy, và ông quay lại với môi trường Wessex thời trai trẻ, gắn vào bối cảnh nông thôn truyền thống này một ý thức hiện đại hơn, thông qua nhân vật Clym Yeobright, một “kẻ trở lại cố hương,” giống như ông. Hardy đã giao bản thảo ban đầu của Trở lại cố hương cho Leslie Stephen, để đăng nhiều kỳ trên tạp chí Cornhill. Stephen từ chối bản thảo vì cho rằng cách xử lý quan hệ nam nữ không phù hợp với giới độc giả thời Victorian; ví dụ, lúc đầu Thomasin đã sống với Wildeve suốt một tuần trước khi phát hiện ra rằng lễ kết hôn không đúng thể thức. Hardy đã chỉnh sửa lại bản thảo và cuối cùng nó được đăng trên tờ Belgravia vào năm 1878. Tháng 11 năm đó, một phiên bản hơi khác đã được in bởi nhà xuất bản Smith, Elder & Co. Thật sự, Hardy đã chỉnh sửa tác phẩm này hai lần nữa – cho bản in năm 1895 của Osgood Mcllvaine, và bản in năm 1912 của Macmillan.
Được công nhận rộng rãi là một trong những tiểu thuyết nổi bật nhất của Thomas Hardy, tác phẩm này tìm cách giải mã mối xung đột giữa tình yêu và tình cảm gia đình, giữa hiện thực và khát vọng, giữa tự nhiên hay định mệnh tàn ác vô tình và đời người hữu hạn.[3]       

 

TÓM TẮT CỐT TRUYỆN:

Cuốn tiểu thuyết mở đầu với hai nhân vật trên con đường băng qua vùng đất Egdon, Venn, người bán thuốc nhuộm với cỗ xe ngựa chở Thomasin và Thuyền trưởng Vye, ông ngoại của Eustacia. Cuộc hôn nhân giữa Thomasin và Wildeve bị trì hoãn do một sơ sót trong thủ tục kết hôn. Thomasin tức giận và bỏ chạy khỏi nhà thờ một mình, sau đó nàng gặp Venn và nhờ gã đưa nàng về nhà của bà Yeobright, bác gái của nàng ở Bloom-Ends. Trước đó, Wildeve và Eustacia yêu nhau nhưng do nàng rất kiêu kỳ, y chủ động chia tay với nàng và quay sang Thomasin.

Khi nghe ông nàng báo tin về cuộc kết hôn không thành, Eustacia đốt một đống lửa trước nhà nàng trên đồi Mistover để ra hiệu cho Wildeve, vì nàng nghĩ hôn lễ không thành là do y còn yêu nàng. Họ gặp lại nhau sau một thời gian xa cách; nhưng một lần nữa Wildeve chứng tỏ y không phải là một người tình hoàn hảo như khao khát của nàng. Và nàng vô cùng buồn phiền chán nản.

Venn tình cờ biết được mối tình lãng mạn giữa Eustacia và Wildeve, vì đã từng yêu Thomasin nhưng bị nàng từ chối, gã quyết ra tay trợ giúp để nàng tìm được hạnh phúc của mình. Nhưng nỗ lực của Vennn nhằm thuyết phục Eustacia chịu nhường Wildeve cho Thomasin, cũng như đề xuất với bà Yeobright rằng gã sẽ tự lấy Thomasin đều thất bại.

Trong tình cảnh rối loạn này, Clym Yeobright, con của bà quả phụ Yeobright, anh họ của Thomasin quay về từ Paris vào dịp lễ Giáng sinh. Eustacia nhận ra Clym có thể là người giúp nàng thoát khỏi vùng hoang địa mà nàng vô cùng căm ghét. Thậm chí trước khi gặp Clym, nàng đã tự thuyết phục mình yêu Clym, và quyết định kết thúc mối tình bế tắt với Wildeve. Sau đó Wildeve và Thomasin lấy nhau.

Phần do chủ tâm của Eustacia, phần do số phận run rủi, Clym gặp nàng trong đêm diễn kịch dân gian tại nhà anh, khi nàng giả làm một thành viên trong đội kịch để được nhìn thấy anh. Sau đó, anh tới nhà của ông ngoại nàng trên đồi Mistover để giúp các người dân trong làng kéo cái xô bị rơi xuống giếng của ông. Lần gặp này đã dẫn tới tình yêu giữa họ. Bất chấp sự phản đối gay gắt của bà Yeobright, Clym và Eustacia kết hôn với nhau, và sống trong một ngôi nhà nhỏ do Clym thuê ở cách Bloom-Ends vài dặm.

Với cuộc kết hôn này, khoảng cách giữa Clym và mẹ anh ngày càng xa. Trong thời gian đó, mâu thuẫn cũng bắt đầu này sinh giữa đôi vợ chồng trẻ. Clym là một thanh niên yêu quê hương và có những khát vọng hơi ảo tưởng: anh muốn mở một trường học để dạy trẻ con ở quê mình, với quan niệm kiến thức cần thiết hơn sự giàu có. Anh miệt mài đắm mình vào nghiên cứu để sớm đủ khả năng thực hiện kế hoạch của mình, không hề quan tâm tới những mong muốn của Eustacia. Do quá cố gắng, mắt anh bị viêm cấp tính và mất đi một phần thị lực. Anh trở thành một thợ cắt kim tước, điều này càng khiến cho Eustacia thêm đau khổ. Tuy nhiên, với bản chất kiên cường, nàng quyết định phải tìm vui cho chính mình, để vơi bớt phần nào sự buồn bã và thất vọng. Nàng tới dự một lễ hội khiêu vũ ở làng bên cạnh, và ở đó nàng tình cờ gặp lại Wildeve. Kể từ lúc ấy, Wildeve cảm thấy y ngày càng yêu nàng hơn cả trước kia.

Với sự thuyết phục của Venn, bà Yeobright mong muốn làm hòa với đôi vợ chồng trẻ, và đã lên đường tới thăm họ vào một ngày trời rất oi bức. Tình cờ, khi bà tới nhà họ, Wildeve cũng đang có mặt trong nhà. Y tới một cách công khai, và có ý định gặp cả hai vợ chồng, nhưng lúc y đến Clym đã ngủ say do làm việc vất vả. Khi y và Eustacia đang nói chuyện, bà Yeobright tới gõ cửa. Khi nghe gõ cửa, Eustacia tới bên cửa sổ nhìn ra, và thấy bà Yeobright, nhưng nàng lưỡng lự không muốn mở cửa cho bà; khi bà gõ cửa lần thứ hai, Clym nằm mơ và cất tiếng gọi mẹ. Do tưởng rằng Clym đã thức và tự mình ra mở cửa, Eustacia tiễn Wildeve ra về theo lối cửa sau, và ở lại ngoài vườn một lúc. Bà Yeobright thất vọng ra về. Trên đường, bà bị kiệt sức do trời quá nóng nên nằm xuống nghỉ mệt trên một bãi cỏ và bị rắn cắn. Do không biết sự tình trở nên nghiêm trọng như vậy, Eustacia cũng không nói gì với Clym về cuộc thăm viếng bất ngờ của Wildve.

Chiều hôm đó, do linh tính, Clym quyết định phải tới thăm mẹ. Anh tìm gặp bà Yeobright giữa đường, đưa bà tới một túp lều bỏ hoang và tìm người tới giúp. Nhưng do kiệt sức và nhiễm độc quá nặng, bà không qua khỏi.

Clym tự trách mình rất nhiều về cái chết của mẹ; sau đó, khi biết thêm tình tiết về cái ngày bi thảm này, anh và Eustacia đã cãi nhau gay gắt và chia tay nhau. Nàng trở về sống với ông ngoại, còn Clym trở về ngôi nhà của mẹ mình ở Bloom-Ends. Lại một lần nữa đêm đốt lửa Năm tháng Mười một tới. Charley, chàng trai trẻ giữ ngựa cho Thuyền trưởng Vye, vốn rất yêu mến Eustacia, tự gom góp củi để đốt lửa vì biết nàng rất thích. Khi được báo tin về đống lửa, nàng yêu cầu Charley tắt nó đi, nhưng trong lòng nàng cũng không dứt khoát. Khi nhìn thấy đống lửa, Wildeve lên đồi Mistover để gặp nàng, và y hứa sẽ giúp nàng tới cảng Budmouth để đáp tàu sang Paris. Mọi tình tiết lên tới đỉnh điểm vào một đêm giông bão; trên đường đi tới chỗ hẹn với Wildeve, Eustacia chợt nhớ ra nàng không có đủ tiền để sang Paris, và như thế, nếu muốn đi, nàng buộc phải đi cùng với Wildeve, phụ thuộc vào y. Tác giả không nói rõ nàng chết đuối do tai nạn hay do cố tình, nhưng từ diễn biến câu chuyện, có thể tin rằng nàng đã tự trầm mình để giữ gìn phẩm cách trong sạch. Khi nhảy xuống cứu nàng, Wildeve cũng chết đuối, Clym bị ngất nhưng sau đó hồi tỉnh lại.

Ở phần Vĩ Thanh, rốt cuộc Thomasin và Venn lấy nhau, sống một cuộc đời hạnh phúc. Clym trở thành một người thuyết giảng lưu động về Điều răn thứ Mười một của Chúa Jesus.

 

VÀI PHÂN TÍCH SƠ LƯỢC:

Vùng đất hoang mênh mông mà trong tác phẩm này Thomas Hardy gọi là Egdon Heath gắn liền với nền văn hóa dân gian và những tập tục, truyền thống xa xưa, hầu hết có tính chất ngoại giáo; như việc đốt lửa vào đêm Năm tháng Mười một, diễn kịch dân gian vào dịp Giáng sinh, hay những cuộc khiêu vũ tưng bừng trong lễ hội Một tháng Năm… Những chấm phá này tạo một bức nền thật sự sinh động cho tác phẩm.

Trong Trở lại cố hương, có một xung đột mạnh mẽ giữa tự nhiên hay số phận, đại diện là Egdon Heath, và con người, đại diện là các nhân vật trong tiểu thuyết, đặc biệt là Eustacia. Tiêu đề của chương đầu tiên, “Một gương mặt mà trên đó thời gian không tạo được nhiều ấn tượng” cho thấy cánh đồng hoang có một vai trò quan trọng hơn nhiều, chứ không chỉ đơn thuần là bối cảnh cho câu chuyện. Từ “gương mặt” khiến độc giả nghĩ về Egdon Health với tư cách một cá thể con người, và về bản chất, một nhân vật chính trong tiểu thuyết: “Hiện tại, vùng đất này là một nơi chốn hoàn toàn hòa hợp với bản chất loài người – không kinh khủng, mang vẻ thù ghét hay xấu xí; cũng không tầm thường, vô nghĩa hay đã bị thuần hóa; mà, giống như con người, nhẹ dạ và giàu chịu đựng; và cũng chứa đầy lạ lùng bí ẩn trong nét đơn điệu tối tăm của nó. Giống như với vài cá nhân nào đó từng sống cách biệt lâu ngày, sự cô đơn quạnh quẽ dường như toát ra ở vẻ ngoài của nó. Nó có một gương mặt cô độc, chất chứa những khả năng bi đát”.

             Và, trong khi các nhân vật đấu tranh, trở nên mệt mỏi và vỡ mộng, hoặc chết, vùng hoang địa vẫn trơ trơ không thay đổi. Nó là một biểu tượng của sự vĩnh cửu. Các khía cạnh khác của bối cảnh cũng mang tính biểu tượng, và chúng gia tăng tính chất bi thảm của tác phẩm. Sự thống trị của bóng tối mở ra ngay từ đầu tác phẩm: những đống lửa trên cánh đồng hoang, những nguồn sáng nhỏ nhoi giữa màn đêm mù mịt nhanh chóng tàn lụi và biến mất, như hạnh phúc ngắn ngủi nhất thời của Eustacia và Clym. Vầng trăng bị che khuất trong đêm nguyệt thực dự báo cho kết cuộc của tình yêu giữa họ. Vào đêm Eustacia chết, cơn mưa bão dữ dội là tiếng vọng cho những cảm xúc mãnh liệt của nàng khi nàng đau đớn kêu lên những lời phản kháng số phận đắng cay: “Ôi chao, sự độc ác của việc đặt tôi vào thế giới dại dột này! Tôi có nhiều khả năng; nhưng tôi đã bị làm tổn thương, trở nên thân tàn ma dại và bị nghiền nát bởi những thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của tôi! Ôi, Trời cao khắc nghiệt biết bao khi nghĩ ra những hình phạt như thế cho tôi, kẻ không hề làm điều gì hại tới Trời cao!”

               Nhiều nhà phê bình tin rằng trong tác phẩm này số phận hoàn toàn chiếm ưu thế; và các nhân vật là những nạn nhân bất lực của nó. Phải thừa nhận rằng số phận đóng một vai trò quan trọng; ví dụ, Eustacia tình cờ gặp lại Wildeve trong lễ hội khiêu vũ; bà Yeobright tình cờ chọn một ngày rất nóng để tới thăm Clym, tình cờ đến nơi khi Wildeve đang ở đó, và tình cờ bị rắn hổ lục cắn khi đang nằm nghỉ mệt; Eustacia không nhận được lá thư của Clym vì ông ngoại của nàng cho rằng nàng đã ngủ, vân vân. Tuy nhiên, có thể truy nguyên hầu hết các tấn thảm kịch từ các động cơ, quyết định và hành động của các nhân vật.
               Bà Yeobright có thể bị coi là nạn nhân vì Eustacia không mở cửa cho bà, nhưng chúng ta phải nhớ rằng bà chưa bao giờ chấp nhận Eustacia và cố gắng tác động để Clym từ bỏ nàng. Bà cho rằng mình có địa vị xã hội cao hơn nhiều so với Eustacia, và không tin tưởng nàng vì nàng là một con người tự do; bà cho rằng nàng là kẻ lười nhác và vô trách nhiệm, gợi ý rằng nàng có mối quan hệ khinh suất với Wildeve; nói chung là ghen tị với nàng vì bà muốn giữ Clym cho chính mình. Bà từ chối tham dự đám cưới của Clym và đối xử với Eustacia một cách trịch thượng khi họ nói chuyện với nhau gần ao nước. Sau đó bà tránh xa con trai và vợ của anh, đủ lâu để đào sâu thêm khoảng cách giữa họ.
               Clym cũng tự mang lại cho mình nhiều rắc rối. Anh hài lòng với sự quan tâm và tình cảm say đắm mà Eustacia dành cho mình, nhưng không bao giờ thực sự nhìn thấy nàng với tư cách một cá thể hoàn toàn khác biệt. Không chú ý tới sự căm ghét cánh đồng hoang cũng như khao khát rời khỏi nó của Eustacia, anh cho rằng nàng sẽ là một phần quan trọng trong sứ mệnh giảng dạy của mình. Sau khi kết hôn, Clym bỏ mặc nàng và dành thời gian cho việc nghiên cứu; sự suy giảm thị lực có thể là một biểu tượng cho sự mù quáng trước thực tế của anh. Ngay cả khát vọng trở thành một giáo viên của anh cũng ích kỷ và không thực tế; anh cố thoát khỏi những xung đột của đời sống bằng cách tự xây dựng một hiện thực xa vời và ảo tưởng, và muốn áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Hình ảnh của Clym ở cuối truyện mang tính chất mỉa mai cay đắng: một nhà thuyết giảng lang thang chưa tới ba mươi ba tuổi.
               Eustacia là nhân vật ấn tượng nhất, nhưng cũng mơ hồ nhất của tác phẩm. Chúng ta hãy nghe Thomas Hardy miêu tả nàng: “Eustacia Vye là nguyên liệu thô của một nữ thần. Hẳn nàng sẽ đóng tốt vai trò đó trên đỉnh Olympus với chút ít chuẩn bị. Nàng có những đam mê và bản năng tạo nên một nữ thần kiểu mẫu, nghĩa là, những phẩm chất hoàn toàn không thể tạo ra một phụ nữ kiểu mẫu. Với một số người, như Susan Nunsuch, nàng là một phù thủy đáng sợ và đáng ghét. Với bà Yeobright là một cô gái lập dị, có những thói quen khác người và lười nhác. Với đa số đàn ông, nàng là một sức hút khó lòng cưỡng lại. Nàng là bóng tối, cũng vừa là ánh sáng. Nàng khao khát được yêu đến điên cuồng. Nàng cảm thấy Egdon Heath là một địa ngục, nơi giam cầm tuổi trẻ, sắc đẹp và những khao khát của mình. Lời cầu nguyện thường ngày của nàng là: “Ôi, hãy đưa tim tôi ra khỏi chốn ảm đạm quạnh hiu đáng sợ này; hãy gửi đến cho tôi tình yêu vĩ đại từ đâu đó, không thì tôi sẽ chết.” Nàng đã thua cuộc và chết, nhưng cái chết của nàng khiến cho tính chất bi kịch của đời người thêm sâu sắc, và nó biến nàng thành nhân vật không thể nào quên trong câu chuyện.
               Trên đây là một số điểm sơ lược mà người dịch nghĩ có lẽ quý vị độc giả muốn biết trước khi thưởng thức tác phẩm. Dù sao, một tác phẩm lớn có thể được nhìn nhận, cảm và hiểu  từ nhiều góc độ khác nhau, và việc đó xin nhường lại cho quý vị. Rất mong nhận được sự ủng hộ của quý vị đối với bản dịch này.
Sài Gòn, 12/2017
Nguyễn Thành Nhân





[1] Nguồn: https://www.nobelprize.org/nomination/archive/show_people.php?id=3892
[2] Bản dịch của Hà Linh, NXB Văn hóa –Thông tin, 2014.
[3] Tác phẩm đã được BBC chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 1994, do Jack Gold đạo diễn; vai Eustacia do nữ diễn viên Catherine Zeta-Jones thủ diễn. Phim đã được đề cử giải thưởng Golden Globe For Best Miniseries or Television Film. Quý vị độc giả có thể xem phim online theo link sau: http://www.dailymotion.com/video/x2kur3v.

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Chương 7 - TRỞ LẠI CỐ HƯƠNG ( THE RETURN OF THE NATIVE- THOMAS HARDY)

"Tôi đã cố gắng cảm nhận và diễn dịch lại chương này. Một trong những chương khó dịch nhất của tác phẩm."

Nguyễn Thành Nhân


Thomas Hardy

 

TRỞ LẠI CỐ HƯƠNG

 


Bản dịch: Nguyễn Thành Nhân



QUYỂN 1

7—Nữ hoàng của Đêm

 

Eustacia Vye là nguyên liệu thô của một nữ thần. Hẳn nàng sẽ đóng tốt vai trò đó trên đỉnh Olympus với chút ít chuẩn bị. Nàng có những đam mê và bản năng tạo nên một nữ thần kiểu mẫu, nghĩa là, những phẩm chất hoàn toàn không thể tạo ra một người phụ nữ kiểu mẫu. Giá như quả đất và nhân loại có thể hoàn toàn nằm trong quyền hạn của nàng một thời gian, và nàng có thể tùy nghi xử lý cái xa quay, con suốt và cây kéo[1], chắc hẳn thế sự cũng chẳng thay đổi bao nhiêu. Vẫn còn đó sự bất công của định mệnh, những ân huệ chất chồng ở nơi này và những đối xử tàn tệ ở nơi khác, sự hào phóng trước công lý, những tình thế nan giải thường xuyên, và sự thay đổi thất thường của những bàn tay vuốt ve và những quả đấm, hệt như những gì chúng ta đang chịu đựng hiện nay.
Nàng có thân hình cân đối và hơi đầy đặn; không hồng hào nhưng cũng chẳng xanh xao; và da thịt mềm mại như một áng mây trời. Khi nhìn mái tóc của nàng, người ta tưởng chừng như cả một mùa đông cũng không chứa đựng đủ bóng tối để tạo thành bóng của nó – nó êm ái rủ xuống trán nàng như màn đêm phủ kín ánh hoàng hôn.
            Những sợi dây thần kinh của nàng kéo dài thành những lọn tóc đó, và cơn cáu giận của nàng luôn có thể được xoa dịu bằng cách vuốt ve chúng. Khi tóc nàng được chải, nàng sẽ lập tức trở nên bất động và trông như một Nhân sư. Khi nàng đi bên dưới một trong những bờ đất của Egdon, nếu có lọn tóc nào vướng vào một nhánh kim tước lớn đầy gai, như đôi khi vẫn xảy ra, nàng sẽ xem nó như là một loại lược chảy tóc – nàng lùi lại vài bước, và đi ngang qua nó lần thứ hai.
            Nàng có đôi mắt lạ lùng, đầy những bí ẩn của loài vật sống về đêm, và ánh sáng bên trong, khi nó đến và đi, rồi lại đến, bị cản trở phần nào bởi các mí mắt và hàng mi rủ bóng; và hai mí mắt dưới đầy đặn hơn mức bình thường ở phụ nữ Anh. Điều này cho phép nàng tha hồ chìm đắm trong mơ mộng mà trông vẫn bình thường – có kẻ còn tin rằng nàng có thể ngủ không cần nhắm mắt. Giả sử người ta có thể nhìn thấy bản thể linh hồn của đàn ông và phụ nữ, bạn có thể hình dung rằng màu sắc linh hồn của Eustacia giống như ngọn lửa cháy bùng. Những tia sáng long lanh trong đôi nhãn cầu đen láy cũng mang tới ấn tượng tương tự. 
            Miệng nàng dường như được tạo ra để run rẩy hơn là để nói, để hôn hơn là để run rẩy. Một số người có thể bổ sung thêm, rằng [nó được tạo ra] để cong lên hơn là để hôn. Nhìn từ một phía, đường khép kín của đôi môi nàng tạo thành, hầu như với độ chính xác của hình học, một đường cong mà giới thiết kế mỹ thuật thường gọi là đường cong hình chữ S. Một đường cong tinh tế như thế trên vùng đất Egdon ảm đạm hoàn toàn là một hình ảnh khác thường. Có thể lập tức cảm thấy rằng cái miệng này không đến từ Sleswig[2] với một toán cướp biển người Saxon vốn có đôi môi trông như hai nửa của một cái bánh nướng xốp. Người ta nghĩ rằng phần lớn những đường cong môi như thế ẩn khuất ở miền Nam như những mảnh vỡ của các pho tượng cẩm thạch bị bỏ quên. Đường nét của đôi môi nàng đẹp đến nỗi, dù đầy đặn, mỗi khóe môi trông sắc nét như một đầu mũi giáo. Khóe môi sắc sảo này chỉ tạm thời biến mất khi nàng chìm vào những cơn sầu não, một trong những trạng thái cảm xúc lúc đêm về mà nàng biết rất rõ trong những năm tháng ở đây.
            Sự hiện diện của nàng mang tới hồi ức về những đóa hồng Bourbon[3], những viên hồng ngọc, và nửa đêm miền nhiệt đới; tính cách của nàng gợi nhớ tới những kẻ mơ mộng giữa ban ngày[4] và bài hành khúc trong vở kịch Athalie[5]; những cử động của nàng, những lớp sóng trồi sụt của biển; giọng nàng, tiếng vĩ cầm réo rắt. Trong một ánh sáng nhờ nhờ, và với đôi chút sửa soạn ở mái tóc, vóc dáng của nàng không kém gì vóc dáng của một nữ thần cao quý. Vầng trăng non sau đầu nàng, một cái mũ sắt bên trên nó, một cái vương miện hình thành từ những giọt sương ngẫu nhiên quanh trán nàng, sẽ là những vật phụ thuộc đầy đủ để liên tưởng tới hình ảnh của nữ thần Artemis, Athena, hay Hera trên nhiều bức tranh quý giá, theo thứ tự tương ứng.  
Nhưng lòng kiêu hãnh, tình yêu, sự phẫn nộ và nhiệt tình đã bị vất bỏ phần nào ở vùng đất Egdon thấp kém. Sức mạnh của nàng có giới hạn, và ý thức về sự giới hạn này đã làm lệch đi sự phát triển của nàng. Egdon là Địa ngục của nàng, và từ khi tới đây nàng đã hấp thụ quá nhiều thứ đen tối, dù trong thâm tâm nàng vĩnh viễn không cam chịu điều đó. Ngoại hình của nàng rất phù hợp với sự nổi loạn âm ỉ này, và sự lộng lẫy khó hiểu trong vẻ đẹp của nàng là bề mặt thật sự của nhiệt tình u buồn và bị bóp nghẹt trong nàng. Phẩm cách của một kẻ thật sự bị đọa đày[6] hằn trên trán nàng, không chút giả tạo hay có những dấu vết gượng gạo, vì nó đã phát triển trong nàng theo năm tháng.
Nàng cột một dải nhung đen mỏng quanh mái tóc dày mượt, bổ sung thêm cho vẻ oai nghiêm bằng cách che đi vầng trán của mình. Richter[7] từng nói, “Không gì có thể tôn lên vẻ đẹp của một gương mặt đẹp hơn một dải vải hẹp cột bên trên trán.” Một số thiếu nữ sống trong vùng cũng đeo những băng đô màu mè với cùng mục đích đó, và còn chưng diện thêm các vật trang sức bằng kim loại trên những chỗ khác; nhưng nếu có kẻ nào đó đề nghị Eustacia Vye đeo băng đô màu và những vật trang sức, nàng chỉ bật cười và đi tiếp.
Vì sao một cô gái trẻ như thế này lại sống ở Egdon Heath? Budmouth, một thị trấn nghỉ mát ven biển sang trọng vào thời đó, là nơi chôn nhau cắt rốn của nàng. Nàng là con gái của vị nhạc trưởng của một trung đoàn từng đóng quân tại đó – một người có gốc gác tại đảo Corfu[8], và là một nhạc sĩ đẹp trai. Ông đã gặp người vợ tương lai trong chuyến đi của nàng tới đó cùng với cha nàng, viên thuyền trưởng, một người đàn ông của gia đình. Cuộc hôn nhân này trái với mong ước của người cha vợ, bởi những cái túi của người nhạc trưởng cũng nhẹ như nghề nghiệp của ông. Nhưng người nhạc sĩ đã cố hết sức mình; đổi họ theo họ vợ, xem nước Anh là quê hương vĩnh viễn của mình, nỗ lực tối đa cho việc giáo dục cô con gái – các phí tổn này do ông ngoại cô gái đài thọ; và làm ăn tương đối khấm khá với tư cách nhạc sĩ chính trong vùng cho tới lúc người vợ qua đời. Ông bắt đầu tuột dốc, rượu chè be bét, và cũng qua đời nốt. Nàng bị bỏ lại cho ông ngoại chăm sóc. Từ khi bị gãy ba cái xương sườn trong một vụ đắm tàu, ông cụ đã lui về sống tại mảnh đất lộng gió trên đồi Egdon này, một địa điểm hấp dẫn đối với ông vì giá của ngôi nhà rẻ gần như cho không và vì một chấm xanh nhạt trên chân trời giữa những ngọn đồi, có thể nhìn thấy từ cửa của ngôi nhà nhỏ, vốn được tin, theo truyền thống, là Con Kênh nước Anh[9]. Nàng ghét sự thay đổi này; nàng có cảm giác giống như một kẻ bị lưu đày; nhưng nàng buộc phải sống ở đây.
Vì cớ sự như thế, bộ não của Eustacia chất chứa song song những ý tưởng kỳ lạ nhất, từ những ngày xưa cũ và từ những ngày tháng mới. Không có khoảng giữa trong viễn cảnh của nàng – những hồi ức lãng mạn về những chiều ngập nắng trên một bãi đất trống trước nhà, với những ban nhạc quân đội, những viên sĩ quan, và những kẻ phong nhã hào hoa xung quanh, nổi lên như những mẫu tự mạ vàng trên phiến đá âm u ảm đạm của vùng hoang địa Egdon. Người ta có thể tìm thấy ở nàng mọi kết quả kỳ quái có thể nảy sinh từ sự đan bện ngẫu nhiên giữa vùng đất duyên hải vui tươi tráng lệ với sự trang nghiêm kỳ vĩ của một cánh đồng hoang. Giờ đây, khi không nhìn thấy thứ gì của đời sống con người, nàng càng tưởng tượng nhiều hơn về những gì nàng từng trông thấy.
Phẩm cách của nàng đến từ đâu? Do một huyết mạch chảy tiềm tàng từ dòng dõi của Alcinous[10], vì cha nàng đến từ một hòn đảo của Phaeacia? – hay từ gia tộc Fitzalan và De Vere,[11] vì ông ngoại của nàng từng có một người em họ thuộc dòng quý tộc? Có lẽ đó là một quà tặng của Trời – một sự hội tụ vui vẻ của các quy luật tự nhiên. Trong số những điều khác, trong mấy năm trở lại đây, cơ hội không cho phép nàng tỏ ra thiếu nhân phẩm, vì nàng sống đơn độc. Sự cô quạnh trên một cánh đồng hoang hầu như không thể mang tới sự thô tục. Không thì hẳn là lũ ngựa đồng hoang, những con dơi và con rắn cũng dễ dàng tỏ ra khiếm nhã không kém chi nàng. Một cuộc đời chật hẹp ở Budmouth hẳn đã hoàn toàn hạ thấp phẩm giá của nàng.
Cách duy nhất để trông như một bà hoàng khi không có đất đai hay thần dân để trị vì là tỏ ra như thể bạn đã đánh mất chúng; và Eustacia rất thành công trong việc đó. Trong ngôi nhà nhỏ của viên thuyền trưởng, nàng có thể hình dung ra những lâu đài nàng chưa bao giờ nhìn thấy. Có lẽ đó là vì nàng hay lui tới một lâu đài rộng lớn hơn bất cứ lâu đài nào trong số chúng, những ngọn đồi thoáng đãng. Giống như thời tiết mùa hè của nơi chốn quanh nàng, nàng là hiện thân của cụm từ “một sự cô quạnh xôn xao”[12] – rõ ràng là rất bơ thờ, trống rỗng, và lặng lẽ, nàng lại thật sự bận rộn và đầy đủ.
Được yêu điên cuồng – đó là khao khát cháy bỏng của nàng. Tình yêu đối với nàng là thứ tình cảm có thể xua đi nỗi cô đơn đang gậm nhấm dần những ngày tháng của nàng. Và dường như nàng mong mỏi cái khái niệm trừu tượng gọi là tình yêu say đắm hơn nhiều hơn so với bất cứ người tình cụ thể nào.
Đôi khi nàng có thể tỏ ra rất khắc nghiệt, nhưng nó không nhằm chống con người, mà hướng tới những tạo vật cụ thể trong tâm trí nàng, đứng đầu số này là Định mệnh. Nàng lờ mờ hình dung rằng, thông qua sự can thiệp của nó, tình yêu chỉ đáp xuống tuổi trẻ đang nhanh chóng lướt qua – rằng bất cứ tình yêu nào nàng có thể giành được sẽ đắm chìm cùng lúc với số cát trong cái đồng hồ. Nàng nghĩ về nó với một ý thức nhẫn tâm ngày càng mạnh mẽ hơn; một ý thức có khuynh hướng sản sinh ra những hành động táo bạo bất chấp quy ước, để vồ lấy tình yêu say đắm của một năm, một tuần, thậm chí một giờ, từ bất kỳ nơi nào khi còn có thể giành được nó. Xuất phát từ mong muốn đó, nàng ca hát mà không vui sướng, chiếm hữu mà không tận hưởng, rạng rỡ mà không hân hoan. Sự cô độc của nàng đào sâu hơn niềm khao khát của nàng. Trên gò Egdon, những nụ hôn giá lạnh nhất và tầm thường nhất cũng đòi hỏi một cái giá cắt cổ, và nàng có thể tìm được ở đâu một đôi môi xứng hợp với môi nàng?
Chung thủy trong tình yêu vì bản thân sự chung thủy không hấp dẫn nàng cho lắm so với hầu hết những người phụ nữ khác; chung thủy vì sự lôi cuốn của tình yêu mới xứng đáng. Một ngọn lửa tình yêu rực rỡ, cháy bùng lên rồi tắt lịm, tốt hơn là một cái đèn lồng tình yêu cháy le lói suốt nhiều năm[13]. Nàng nhận biết bằng sự tiên đoán điều mà hầu hết phụ nữ chỉ học được qua trải nghiệm – nàng đã đi vòng quanh tình yêu trong tâm tưởng, nói với những tòa tháp ở đó, chiêm ngắm những cung điện của nó, và kết luận rằng tình yêu chỉ là một niềm vui hàm chứa thảm sầu. Thế nhưng nàng khao khát nó, như một kẻ trong sa mạc sẽ biết ơn vì chút nước lợ.
Nàng thường lặp lại những lời cầu nguyện; không vào những thời khắc nhất định, mà như một thành tâm bộc phát khi nàng muốn nguyện cầu. Lời cầu của nàng luôn ngẫu hứng, và thường là thế này, “Ôi, hãy đưa tim tôi ra khỏi chốn ảm đạm quạnh hiu đáng sợ này; hãy gửi đến cho tôi tình yêu vĩ đại từ đâu đó, không thì tôi sẽ chết.”
Những thần linh khả kính của nàng là William Kẻ chinh phục[14], Strafford[15], và Napoleon Bonaparte[16], vì họ đã xuất hiện trong cuốn Lịch sử các Quý bà được dùng trong nhà trường nơi nàng từng theo học. Giả sử nàng là một bà mẹ, nàng sẽ đặt tên thánh cho các con trai của mình là Saul hay Sisera thay vì Jacob hay David[17], hai kẻ mà nàng không ngưỡng mộ. Hồi ở trường học, nàng từng đứng về phía người Philistines[18] trong nhiều trận đánh, và đã tự hỏi Pontius Pilate[19] có đẹp trai như hai phẩm chất tốt đẹp khác của ông là thẳng thắn và công bình hay chăng.
Nàng là một cô gái có đầu óc tiến bộ, thật ra là rất lập dị, so với hoàn cảnh của nàng giữa những kẻ có tư tưởng rất lạc hậu. Những bản năng của nàng trong sự bất tuân xã hội nằm ở gốc rễ của điều này. Nói về những ngày nghỉ, tâm trạng của nàng giống tâm trạng của lũ ngựa, khi được thả rông để ăn cỏ, vui thú nhìn đồng loại của chúng đang làm việc trên đường lộ. Nàng chỉ đánh giá cao sự nghỉ ngơi của chính mình khi nó xảy ra trong lúc kẻ khác đang làm lụng. Do vậy nàng ghét những ngày Chủ nhật, khi tất cả đều nghỉ ngơi, và thường nói rằng chúng là cái chết của nàng. Việc nhìn thấy cư dân vùng đồng hoang trong trạng thái ngày Chủ nhật của họ, nghĩa là, với đôi tay đút sâu vào túi, mang những đôi ủng mới đánh bóng loáng chứ không phải những đôi giày ống buộc dây (một dấu hiệu đặc trưng của ngày Chủ nhật), nhàn nhã bước đi giữa những bó thạch nam và kim tước họ đã cắt trong tuần, và đá mạnh vào chúng như thể không biết công dụng của chúng là gì, với nàng là một gánh nặng đáng sợ. Để giết thì giờ trong cái ngày tới không đúng lúc và buồn tẻ này, nàng vừa lục lọi mấy cái tủ cất giữ những tấm bản đồ cũ và những thứ lặt vặt khác của ông ngoại, vừa ậm ừ trong cổ những bản ballad đêm Thứ bảy của những kẻ quê mùa. Nhưng vào những đêm Thứ bảy, nàng thường hát một bài thánh thi, và luôn đọc Kinh Thánh vào một ngày làm việc trong tuần, để tránh bị đè nặng bởi một ý thức về bổn phận.
Những quan điểm sống này, ở một mức độ nào đó, là do tác động tự nhiên của hoàn cảnh lên bản chất của nàng. Sống trên một cánh đồng hoang mà không hiểu ý nghĩa của nó cũng tựa như lấy một người ngoại quốc mà không biết ngôn ngữ của anh ta. Những vẻ đẹp tinh tế của đồng hoang không tồn tại trước mắt Eustacia; nàng chỉ nhìn thấy những ảo tượng của nó. Một môi trường hẳn có thể biến một phụ nữ mãn nguyện thành một thi sĩ, một phụ nữ đau khổ thành một tín đồ, một phụ nữ sùng đạo thành một người biên soạn thánh thi, thậm chí một phụ nữ nhẹ dạ phù phiếm thành một người chín chắn, đã biến một phụ nữ có máu nổi loạn thành một kẻ bơ thờ ủ rũ.
Eustacia đã vượt xa khỏi ảo ảnh của một cuộc hôn nhân huy hoàng vô tả; thế nhưng dù cảm xúc của nàng vô cùng mãnh liệt, nàng không quan tâm tới một sự kết hợp tầm thường. Do vậy, chúng ta nhìn thấy nàng trong một trạng thái cô quạnh lạ lùng. Việc đánh mất cảm giác tự cao tự đại coi như mình như thần thánh, có thể làm những gì mình muốn, và không thể đạt ngay cả một niềm vui giản dị, làm những gì mình có thể làm, mang tới một tâm trạng bức bối vô cùng vốn không thể chống lại về mặt lý thuyết, vì nó biểu thị một tâm hồn mà dù đang thất vọng vẫn nhất quyết khước từ sự thỏa hiệp. Nhưng nếu tương hợp với triết lý, nó có khả năng gây nguy hiểm cho cộng đồng. Trong một thế giới nơi hành động có nghĩa là kết hôn, và cộng đồng là một cộng đồng của hai quả tim và bốn bàn tay, nguy cơ luôn là khả dĩ.
Và chúng ta nhìn thấy nàng Eustacia của chúng ta như thế – vì đôi khi nàng không hoàn toàn đáng ghét – đang đi tới giai đoạn khai sáng đó: cảm thấy không có gì là quan trọng, và phủ đầy những giờ nhàn rỗi của nàng bằng cách lý tưởng hóa Wildeve cho phù hợp với lòng mong mỏi một đối tượng tốt đẹp hơn. Đây là căn cớ duy nhất cho uy thế của y: bản thân nàng cũng biết điều này. Đôi khi lòng kiêu hãnh của nàng nổi lên chống lại tình cảm say đắm dành cho y, thậm chí nàng còn mong được tự do. Nhưng duy chỉ có một tình thế có thể trục xuất y khỏi lòng nàng, đó là sự xuất hiện của một người đàn ông toàn bích hơn.
Trong thời gian còn lại, nàng gánh chịu những cơn suy nhược tinh thần, và thường đi bộ chầm chậm để hồi phục lại. Trong những chuyến tản bộ đó nàng mang theo cái ống dòm của ông ngoại và cái đồng hồ cát của bà ngoại nàng – cái nói sau là do một niềm vui kỳ lạ nàng nhận được từ việc quan sát một đồ vật tiêu biểu cho sự trôi lướt đi dần của thời gian. Nàng ít khi lên kế hoạch, nhưng khi nàng làm điều đó, những kế hoạch của nàng cho thấy chúng là chiến lược toàn diện của một vị tướng thay vì cái mà người ta thường gọi là những thủ đoạn ranh vặt của đàn bà, dù nàng có thể thốt ra những lời mơ hồ như sấm truyền ở đền Delphi[20] khi không muốn nói thẳng tuột điều gì. Nếu ở trên thiên đường, chắc hẳn nàng sẽ ngồi giữa những nàng Heloise[21] và Cleopatra[22].





[1] Ba Nữ thần Định mệnh trong thần thoại Hy Lạp, gồm có Clotho, Lachesis và Atropos. Clotho dệt sợi chỉ định mệnh của con người, Lachesis phân phát nó, và Atropos cắt đứt sợi chỉ, tức quyết định giờ chết của cá nhân.
[2] Khu vực tây bắc nước Đức, quê hương của những người Anglo-Saxon từng xâm lược quần đảo Anh.
[3] Loại hồng nở hoa từng chùm, được trồng đầu tiên ở đảo Bourbon thuộc Pháp trên Ấn Độ Dương, nay gọi là đảo Réunion.
[4] The lotus-eaters, một dân tộc truyền thuyết trong trường ca Odyssey của Homer. Họ ăn một thứ quả gọi là quả hưởng lạc (lotus) và tự buông thả theo những giấc mơ ban ngày và cuộc sống hưởng lạc.
[5] Một vở nhạc nền do nhạc sĩ Đức Felix Medelssohn (1809-1847) soạn cho vở kịch Athalie của kịch tác gia Pháp Jean Racine (1639-1699), trong đó có một đoạn trích nổi tiếng với tên gọi “Hành khúc chiến tranh của các tu sĩ” ("Kriegsmarsch der Priester").
[6] Nguyên văn: A true Tartarean dignity. Theo thần thoại Hy Lạp, Tartarus là tầng địa ngục sâu nhất, nơi giam giữ các thần Titan.
[7] Jean Paul Richter (1847-1937): sử gia mỹ thuật, tiểu thuyết gia người Đức.
[8] Corfu, còn gọi là Kekyra, là một hòn đảo của Hy Lạp trong biển Ionian.
[9] English Chanel: vùng biển phân cách miền nam nước Anh với miền bắc nước Pháp và nối phần phía nam của Bắc Hải với Đại Tây Dương.
[10] Theo thần thoại Hy Lạp, Alcinous là vua của người Phaecians trên đảo Phaecia, còn gọi là đảo Scheria, nay là đảo Corfu.
[11] Hai gia đình quý tộc nổi tiếng ở Anh.
[12] Tạm dịch cụm từ “a populous solitude”. Cụm từ này nằm trong trường ca Cuộc hành hương của Childe Harold ( Childe Harold’s Pilgrimate, Canto III) của Lord Byron, nhà thơ lớn người Anh (1788-1824).
[13] Ý tưởng này rất giống với ý tưởng của câu thơ “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.” (Xuân Diệu)
[14] William the Conqueror (khoảng 1028-1087), vị vua người Norman đầu tiên của Anh.
[15] Thomas Wentworth (1593-1641), Đệ nhất Bá tước xứ Strafford.
[16] Napoleon Bonaparte (1769-1821): còn gọi là Napoleon I. Là vua nước Pháp từ 1804-1814.
[17] Các nhân vật trong Kinh Cựu ước. Saul là vị vua đầu tiên của Israel, bị David lật đổ. Sisera là chỉ huy quân đội của vua Jabin xứ Hazor. Jacob là Giáo trưởng thứ ba của dân tộc Israelites, theo thứ tự: Abraham, Isaac, Jacob. David là vị vua thứ hai của Israel.
[18] Một giống dân hiếu chiến không rõ nguồn gốc, sống ở phía nam Palestine và là kẻ thù truyền thống của Israel.
[19] Quan tổng trấn thứ năm của thành Judaea từ năm 26- 36. Theo Kinh Thánh, ông đã từ chối kết tội Jesus và trao trả ông cho dân Do Thái để họ tự quyết.
[20] Delphi: Ngôi đền thờ thần Apollon nằm ở khu vực cao nguyên trung phần Hy Lạp, nơi thần ban những lời sấm mà sau đó phải có người giải mã.

[21] Héloïse (khoảng 1100-1164). Nữ tu viện trưởng, học giả, nhà văn người Pháp, nổi tiếng vì mối tình với triết gia  Pháp Peter Abélard (1079-1142).

[22] Cleopatra (69-30 TCN): nữ hoàng cuối cùng của vương triều Ptolemaic của Ai Cập. Nổi tiếng vì mối tình huyền thoại với Julius Caesar  (100-44 TCN).

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

XEM PHIM THE RETURN OF THE NATIVE VÀ NHỚ...


Tôi tình cờ tìm được site có bộ phim The Return of The Native, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thomas Hardy mà tôi vô cùng yêu mến.

CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ XEM PHIM


Chợt nhớ lâu rồi tôi có dịch vài chương của tiểu thuyết này. Tìm và post lại dưới đây hai chương. Sẽ hoàn thành bản dịch trong thời gian sớm nhất. Tôi đã bỏ quên nó như quên bẳng một người tình cũ. Tình cũ làm sao quên!


TRỞ LẠI CỐ HƯƠNG

 

Bản dịch: Nguyễn Thành Nhân

 

Dịch từ nguyên tác The Return of the Native

Dịch giả giữ bản quyền bản tiếng Việt.



 

Lời đầu truyện


Thời điểm của các sự kiện thuật lại trong sách xảy ra vào khoảng giữa 1840 và 1850, khi miền đất ngập trũng xưa cũ mà ở đây gọi là “Budmouth” vẫn còn giữ được trọn vẹn ánh hoàng hôn rực rỡ và đầy uy thế của kỷ nguyên Georgian để khoác lên nó một vẻ quyến rũ đắm hồn đối với tâm hồn lãng mạn và giàu tưởng tượng của một kẻ ngụ cư cô lẻ trong miền nội địa.
Quang cảnh ảm đạm của vùng đất mang cái tên chung “Egdon Heath” này là sự kết hợp hoặc điển hình hóa của ít nhất hơn một chục cánh đồng thạch nam có thật khác nhau; những cánh đồng hoang hầu như là một về đặc tính và ngoại diện này, dù vẫn đồng nhất về nguồn gốc hay thành phần, hiện đang bị che đậy bởi những dải đất đã được cấy cày ở nhiều mức độ khác nhau hoặc đã được trồng rừng.
Thật thú vị khi mơ mộng rằng một mảnh đất nào đó trong dải đất rộng lớn mà phần phía tây nam được mô tả ở đây của nó có thể chính là miền đất xưa cũ của Vua Lear xứ Wessex.
Tháng 7, 1895
Thomas Hardy






 “Đã chào từ biệt nỗi buồn
Tưởng như đã bỏ lại nàng sau lưng
Nhưng nàng tốt bụng, thủy chung
Vẫn luôn nối bước dặm trường bên tôi
Dù tôi có thể xa rời
Với lời chót lưỡi đầu môi dối nàng
Nhưng ôi nàng quá thủy chung.”
                                                                            JOHN KEATS (Endymion)




QUYỂN MỘT – BA NGƯỜI PHỤ NỮ

______________________________________________




1

_________________________

 

Một gương mặt mà trên đó thời gian

không tạo được nhiều ấn tượng


Một buổi chiều thứ Bảy của tháng Mười một đang tiến dần về phía hoàng hôn, và cánh đồng thạch nam mênh mông của miền hoang dã có tên gọi là Egdon Heath đang dần nhuộm nâu chính nó. Bên trên, dải mây trắng thênh thang trùm khắp bầu trời như một tấm lều mà toàn bộ vùng đất này là cái nền lều.
Màn trời trải rộng một màu xanh nhợt nhạt, còn cây cỏ trên mặt đất thẫm một màu xanh âm u nhất, đường tiếp tuyến của chúng tại chân trời hiện lên thật rõ. Trong sự tương phản đó, màn đêm đang chiếm lĩnh vùng hoang địa trước cả giờ khắc tự nhiên: bóng tối đã bao trùm khắp chốn, trong lúc ngày vẫn còn hiện diện tỏ tường trên bầu trời. Nếu ngẩng lên nhìn, một người thợ cắt kim tước hẳn sẽ muốn tiếp tục làm; nhưng nhìn xuống, anh ta sẽ quyết định chấm dứt công việc và trở về nhà. Những mép rìa của thế gian và bầu trời dường như là một sự phân cách về thời gian cũng như vật chất. Bộ mặt của cánh đồng hoang đã nhích về phía bóng đêm thêm nửa giờ thông qua màu sắc của nó; cũng theo cùng cách thức đó, nó có thể trì hoãn lại ánh bình minh, khiến vầng trăng trở nên ảm đạm, dự báo về những cơn bão hiếm khi khởi phát, và tăng thêm vẻ mịt mùng của một đêm tối không trăng, khiến người ta phải rùng mình sợ hãi.
Trên thực tế, ngay tại thời điểm chuyển giao lùi dần vào bóng tối này, vẻ rực rỡ tuyệt diệu và riêng biệt của vùng hoang địa Egdon đã khởi đầu, và có thể nói rằng không một ai thấu hiểu được miền đất này nếu anh ta không có mặt tại chỗ ngay đúng thời khắc đó. Người ta có thể cảm nhận nó tốt nhất khi không thể nhìn rõ nó, tác động và lời giải thích trọn vẹn của nó nằm ngay ở lúc này và những giờ khắc tiếp theo trước lúc rạng sáng hôm sau; khi đó, và chỉ khi đó, nó mới kể ra câu chuyện thật sự của mình. Thật sự, thời khắc này là một người bà con thân cận của đêm, và khi bóng đêm xuất hiện, người ta có thể nhận thấy rõ ràng xu hướng thu hút lẫn nhau giữa cảnh vật và những bóng tối. Những dải đất hình tròn hay những lòng chảo tối tăm dường như vươn cao lên để tiếp đón màn đêm mờ mịt trong niềm cảm thông thuần khiết; cánh đồng lan tỏa bóng tối, và bầu trời lắng tụ nó, nhanh chóng như nhau. Bầu trời tối tăm và mặt đất tối tăm tiếp cận nhau như thế, trong màn đêm đen thân thiện mà mỗi phía đều đã đi được nửa phần đường hướng tới nó.
Lúc này, vùng hoang địa chất chứa một sự căng thẳng đầy cảnh giác; vì khi vạn vật khác chìm vào giấc ngủ, có vẻ như nó đang chậm rãi thức giấc và lắng nghe. Hằng đêm, hình dáng kỳ vĩ của nó dường như đang chờ đợi một điều gì đó; nhưng nó đã đợi chờ như vậy, không hề dịch chuyển trong suốt nhiều thế kỷ, trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng, tới mức chỉ có thể hình dung rằng nó đang đợi chờ cơn khủng hoảng cuối, sự lật đổ cuối cùng.
Thời khắc này sẽ quay trở lại hồi ức của những ai yêu thương nó với một tâm trạng khác thường và niềm cảm thông chân thật. Những cánh đồng đầy hoa trái khó mà làm được điều này, vì thông thường chúng chỉ hòa hợp với một sự hiện hữu vốn nổi tiếng về các vấn đề của chính nó hơn là về hiện tại. Ánh chiều chạng vạng kết hợp với cảnh vật của Egdon Heath mở ra một sự uy nghi mà không khắc nghiệt, ấn tượng mà không phô trương, dứt khoát trong những lời cảnh báo của nó, vĩ đại trong sự giản đơn của nó. Những phẩm chất, vốn thường được trưng ra ở mặt tiền của một nhà tù với một phẩm cách cao trọng hơn nhiều so với thứ mà người ta tìm thấy ở mặt tiền của một cung điện, đã nhân đôi tầm vóc của nó để trao cho vùng hoang địa này một sự uy nghi mà những mảnh đất lừng danh về vẻ đẹp đã được thừa nhận luôn cực kỳ mong muốn. Những triển vọng tốt đẹp kết hôn một cách hạnh phúc với những thời kỳ tốt đẹp; nhưng ái chà, nếu như những thời kỳ đó không tốt đẹp! Con người thường đau khổ vì sự chế nhạo của một nơi chốn cười cợt quá nhiều trên nỗi đau của họ hơn là vì sự áp chế của môi trường pha màu buồn thảm một cách thái quá xung quanh họ. Vùng Egdon bất khả thuần hóa chỉ hấp dẫn được một thứ bản năng vi tế hơn, hiếm hoi hơn, một thứ cảm xúc chỉ mới được biết tới gần đây hơn so với thứ cảm xúc chỉ thích hợp với dạng vẻ đẹp được mệnh danh là quyến rũ và yêu kiều.
Thật ra, vấn đề ở đây là sự ngự trị toàn quyền của vẻ đẹp chính thống này có đang tiếp cận với miền đất cuối cùng của nó hay không. Cái Thung Lũng Tempe[1] mới này có thể là một hoang mạc thảm đạm ở Thule[2]; những tâm hồn của nhân loại có thể nhận ra rằng chúng đang ngày càng hòa điệu với ngoại vật mang một vẻ buồn thảm chẳng có gì là thi vị đối với nòi giống của chúng ta khi nó còn non trẻ hơn. Thời điểm đó dường như sắp tới gần, nếu như thật sự nó còn chưa tới, khi sự uy nghi đầy kềm chế của những cánh đồng hoang, một biển cả hay một ngọn núi sẽ có trọn vẹn thứ bản chất hoàn toàn hòa hợp với những tâm trạng của những kẻ trầm tư suy nghĩ nhiều hơn của nhân loại. Và rốt cuộc, đối với một lữ khách bình thường nhất, những nơi như Iceland có thể trở thành những vườn nho và vườn mía ở Nam Âu đối với anh ta hiện giờ; và anh ta sẽ đi ngang qua Heidelberg[3] và Baden[4] mà không hề chú ý tới chúng trong lúc vội vã đi từ dãy núi Alps tới những cồn cát ở Scheveningen[5].
Một nhà tu khổ hạnh triệt để nhất có thể cảm thấy rằng ông ta có quyền tự nhiên đi lại lang thang trong vùng Egdon – ông ta đang tiến bước trong phạm vi của một niềm đam mê hợp pháp khi tự cởi mở bản thân ra trước những tác động như những điều này. Những sắc màu và vẻ đẹp quá nhẹ nhàng đó, ít ra, là thứ đặc quyền dành cho tất cả. Chỉ vào những ngày hè phấn khích nhất, tâm trạng của nó mới chạm tới mức độ vui tươi. Người ta thường đạt được cảm xúc mãnh liệt nhờ sự uy nghiêm hơn là nhờ vẻ rực rỡ, và một cảm xúc mãnh liệt như thế thông thường sẽ tới trong bóng tối, những cơn bão và màn sương mù của mùa đông. Lúc đó Egdon bị đánh thức để làm một cuộc đổi trao; vì bão tố là tình nhân của nó, và gió là bạn nó. Lúc đó nó trở thành ngôi nhà của những bóng ma xa lạ; và người ta phát hiện rằng cho tới nay nó vẫn chưa được nhìn nhận như là nguồn cội của những miền tối tăm hoang dã mà chúng ta mơ hồ cảm thấy đang dẫn lối cho chúng ta trong những giấc mơ về sự trốn chạy và tai họa giữa đêm khuya, và sau đó chúng ta không bao giờ nghĩ tới nó nữa, cho tới khi những cảnh tượng tương tự giúp nó hồi sinh.
Hiện tại, vùng đất này là một nơi chốn hoàn toàn hòa hợp với bản chất loài người – không kinh khủng, mang vẻ thù ghét hay xấu xí; cũng không tầm thường, vô nghĩa hay đã bị thuần hóa; mà, giống như con người, nhẹ dạ và giàu chịu đựng; và cũng chứa đầy lạ lùng bí ẩn trong nét đơn điệu tối tăm của nó. Giống như với vài cá nhân nào đó từng sống cách biệt lâu ngày, sự cô đơn quạnh quẽ dường như toát ra ở vẻ ngoài của nó. Nó có một gương mặt cô độc, chất chứa những khả năng bi đát.
Miền quê cổ xưa, hoang phế, ít người biết tới này từng được ghi lại trong cuốn Domesday[6]. Tình trạng của nó, theo ghi chép trong đó, là một miền hoang địa mọc đầy thạch nam, kim tước và các bụi gai, gọi là “Bruaria”. Lúc đó đơn vị để đo chiều dài và chiều rộng là lý[7]; và, dù mức độ chính xác của cách thức đo lường xưa cũ còn chưa được xác định, theo những con số thì diện tích của Egdon cho tới tận ngày nay vẫn không sụt giảm đi nhiều lắm. “Turbaria Bruaria” – quyền được cắt các loại cây cỏ mọc trên đó – hiện diện trong những bản hiến chương có liên quan tới quận này. Leland[8] cũng có nói về miền đồng cỏ ảm đạm này rằng nó “mọc đầy những thạch nam và rêu”.
Ít nhất đây là những thực tiễn dễ nhận biết có liên quan tới miền này – những chứng cứ xa xôi hơn có khả năng mang lại sự thỏa mãn đích thực.  Miền đồng cỏ hoang vu, không thể thuần hóa Egdon ngày nay vẫn giống hệt như nó trước đó. Văn minh là kẻ thù của nó; và ngay cả vào thời kỳ đầu tiên của cây cỏ, mặt đất của nó đã khoác lên mình cùng một màu nâu xưa cũ, thứ trang phục tự nhiên và bất biến của một hình thái đặc thù. Trong lớp áo khả kính duy nhất của nó có một sự châm biếm nhất định đối với thói xa hoa phù phiếm của con người trong trang phục. Một cá nhân trên một cánh đồng thạch nam ăn mặc những thứ quần áo cắt may và có màu sắc tân thời ít nhiều gì cũng trông có vẻ dị thường. Dường như chúng ta sẽ muốn mặc thứ quần áo cổ lổ nhất và đơn giản nhất, khi trang phục trên trái đất vẫn còn rất nguyên sơ.
Việc tựa lưng vào một bụi cây ở giữa thung lũng Egdon, giữa khoảng chiều và tối, như lúc này, nơi con mắt không thể nhìn thấy gì khác của cái thế giới bên ngoài những chỏm cao và sườn đồi của cánh đồng thạch nam đang phủ đầy lên toàn bộ cảnh vật, và  biết rằng vạn vật xung quanh và bên dưới lòng đất đã có mặt từ những thời kỳ tiền sử và vẫn không hề thay đổi hệt như những vì sao trên đầu, mang lại sự cân bằng của tâm trí đang trôi nổi dật dờ cùng sự đổi thay biến chuyển và luôn bị quấy rầy bởi Cái Mới. Nơi chốn không hề bị xâm phạm này có một sự vĩnh hằng xưa cũ mà biển cả không thể nào đòi hỏi. Ai có thể nói về một biển cả cụ thể nào đó rằng nó đã già? Bị mặt trời làm cho bốc hơi, bị mặt trăng nhào nặn, nó được làm mới lại chỉ trong vòng một năm, hay trong vòng một giờ. Biển cả đổi thay, những cánh đồng đổi thay, những dòng sông, những thôn làng, và những con người cũng đổi thay, nhưng Egdon thì vẫn còn mãi thế. Những bề mặt đó không quá dốc đến mức có thể bị thời tiết tàn phá, nhưng cũng không bằng phẳng đến mức trở thành nạn nhân của những trận lụt và các chất khoáng trầm tích. Ngoại trừ một con đường lộ xa xưa, và một nấm mộ cổ thậm chí còn xa xưa hơn vừa mới được nhắc tới gần đây – tự bản thân chúng hầu như đã hầu như kết tinh thành những sản phẩm tự nhiên bởi sự tiếp diễn lâu ngày – ngay cả những bề mặt không đều vụn vặt cũng không phải do cuốc chim, lưỡi cày hay lưỡi thuổng gây ra, mà tồn tại ở đó như những cú chạm khẽ đầu ngón tay của đợt biến chuyển địa chất cuối cùng.
Con đường vừa được nhắc tới bên trên băng ngang qua những vùng thấp của cánh đồng hoang, kéo dài từ chân trời này sang chân trời nọ. Ở nhiều đoạn, nó nằm chồng lên một con đường địa phương xưa cũ, vốn là một nhánh của Con Đường Lớn về miền tây của đế quốc La Mã, đường Via Iceniana, hoặc đường Ikenild. Khi quan sát nó vào buổi ban chiều, người ta có thể nhận thấy rằng, dù bóng tối đã tăng tới mức làm nhòa đi những đường nét chính của cánh đồng hoang, bề mặt trắng xóa của con đường vẫn còn rõ ràng như cũ.


2 — Con người xuất hiện, tay trong tay với rắc rối


Một cụ già đang lần bước trên con đường đó. Ông có mái đầu bạc trắng như một ngọn núi, đôi vai còng xuống, và bị nhòa đi trong cảnh vật chung. Ông đội một cái mũ rộng vành, khoác một chiếc áo choàng thủy thủ không tay kiểu cổ, và mang giày; trên mặt những chiếc cúc áo có hình mỏ neo. Trong tay ông là một chiếc gậy có cán bịt bạc, mà ông sử dụng như một cái chân thứ ba, nhẫn nại chấm lên mặt đất những điểm cách nhau chừng vài tấc. Có thể cho rằng vào thời trai trẻ ông đã từng là một dạng sĩ quan hải quân này khác.
Trước mặt ông trải dài con đường khó nhọc, khô cằn, trống vắng và trắng toát. Nó hoàn toàn mở rộng sang hai phía của cánh đồng hoang, và cắt đôi cái bề mặt tối thẫm rộng lớn đó như một đường ngôi trên một cái đầu có mái tóc đen, thu nhỏ và cong dần ở phía chân trời xa nhất.
Ông cụ thường xuyên hướng mắt về phía trước để quan sát vùng đất mà ông chưa từng đi ngang qua. Cuối cùng ông nhận ra, ở phía trước ông một quãng xa có một chấm nhỏ đang di động, trông như một cỗ xe, và có thể thấy rằng nó đang đi trên cùng con đường mà ông đang bước. Nó là vật thể sống động duy nhất mà quang cảnh này hàm chứa, và nó chỉ giúp tăng thêm chứng cứ cho sự quạnh quẽ chung. Tốc độ của nó khá chậm, và ông cụ sải bước nhanh hơn để theo kịp nó.
Khi tới gần hơn, ông thấy đó là một cỗ xe tải, hình dáng bình thường, nhưng màu sắc thì riêng biệt, toàn một màu đỏ lòm kinh khủng. Người đánh xe bước bên cạnh nó; và, giống hệt nó, gã cũng toàn màu đỏ. Cái màu ấy bao phủ lên quần áo, cái mũ trên đầu gã, đôi ủng, gương mặt, và đôi bàn tay của gã. Cái màu ấy không phủ trùm khắp thân hình của gã một cách tạm thời; nó đã thấm sâu vào gã.
Ông cụ hiểu ý nghĩa của điều này. Người lữ khách đi cạnh cỗ xe là một người bán thuốc nhuộm lông cừu – một người cung cấp thuốc nhuộm làm từ đất sét đỏ cho các trại chủ để họ đánh dấu những con cừu. Gã là một trong các tầng lớp đã nhanh chóng mất đi ở Wessex, hiện tại chỉ còn xuất hiện trong thế giới thôn dã, nơi mà trong suốt thế kỷ trước, chỉ có loài chim cưu trong toàn bộ thế giới muông thú ngụ cư. Gã là một sự nối kết lạ lùng, thú vị và hầu như đã mất giữa những hình thức đời sống cổ xưa và những hình thức nhìn chung đang chiếm phần ưu thế.
Dần dà, viên cựu sĩ quan già yếu cũng lần bước tới lên cạnh người bạn cùng đường của mình, và chúc gã một buổi chiều tốt đẹp. Người bán thuốc nhuộm quay đầu sang, và đáp lại bằng một giọng buồn buồn, lơ đãng. Gã còn trẻ, và gương mặt của gã, nếu không thật sự đẹp trai, cũng  rất gần với sự đẹp trai mà không ai có thể quả quyết phủ nhận nếu nó còn giữ lại màu sắc tự nhiên của nó. Đôi mắt của gã, sáng lạ lùng bên dưới làn da bẩn thỉu, cũng khá thu hút – sắc sảo như mắt của một con chim săn mồi, và xanh biếc như sương mùa thu. Gã không có râu quai nón hay ria mép, điều này cho phép những nét cong của phần dưới gương mặt gã trở nên rõ rệt. Môi gã mỏng, và mặc dù, như nó có vẻ, bị đè nén bởi sự suy tư, thi thoảng vẫn có một chuyển động thú vị ở khóe môi. Gã mặc một bộ quần áo nhung kẻ vừa vặn, chất lượng còn rất khá, chưa bị sờn rách nhiều, và rất khéo chọn cho mục đích của người mặc nó, nhưng đã bị tước đi màu sắc nguyên thủy do nghề nghiệp của gã. Nó phô bày rõ một thân hình rắn chắc. Một phong thái ung dung toát ra từ chàng trai này cho thấy gã không nghèo so với địa vị của mình. Thắc mắc tự nhiên của một người quan sát sẽ là: Tại sao một con người đầy hứa hẹn như thế lại che đậy ngoại hình đáng mến của mình bằng cách đi theo cái nghề khác thường đó?
Sau khi đáp lại lời chào của cụ già, gã tỏ ra không muốn tiếp tục chuyện trò, dù họ vẫn đi bên cạnh nhau, vì người đi đường lớn tuổi hơn có vẻ như mong muốn có bạn đồng hành. Không có âm thanh nào ngoại trừ tiếng gió lướt qua những cây cỏ nâu vàng quanh họ, tiếng bánh xe kẽo kẹt, tiếng bước chân của hai người đàn ông và của hai con ngựa nhỏ lông bờm xờm đang kéo cỗ xe. Chúng là những con vật nhỏ bé, dạn dày, lai giữa nòi Galloway và Exmoor, và được biết như là những con ngựa đồng hoang tại vùng này.
Hiện giờ, trong khi họ cứ rong ruổi như vậy, tay bán thuốc nhuộm thỉnh thoảng lại rời khỏi vị trí cạnh người bạn đường của mình, bước ra sau cỗ xe, nhìn vào bên trong qua một cửa sổ nhỏ. Cái nhìn luôn có vẻ băn khoăn. Rồi gã quay lại với cụ già, người vừa đưa ra một nhận xét khác về tình trạng của vùng này, và gã trả lời một cách thờ ơ, sau đó họ lại rơi vào im lặng. Sự im lặng không hề tạo ra cảm giác khó chịu cho bất kỳ bên nào; trong những vùng hiu quạnh này, sau những lời chào hỏi ban đầu, những khách bộ hành thường đi suốt nhiều dặm mà không nói lời nào; sự gần gũi lên tới mức độ của một cuộc đối thoại ngấm ngầm, và khác với trong các thành phố, một sự gần gũi như thế có thể kết liễu một mong muốn trò chuyện đơn giản nhất, và khi không kết liễu nó sẽ tự đối thoại với chính mình.
Có lẽ hai người sẽ không nói gì nữa cho tới lúc chia tay, nếu không có những lần chàng trai trẻ tới xem xét bên trong cỗ xe ngựa. Khi gã quay lại lần thứ năm, cụ già nói, “Ngoài đồ đạc, anh còn có thứ gì khác bên trong xe hả?”
“Vâng.”
“Ai đó cần chăm sóc chăng?”
“Vâng.”
Không lâu sau đó, một tiếng khóc mơ hồ phát ra từ trong xe. Chàng trai vội vã tới sau xe, nhìn vào, rồi lại trở lên.
“Trong đó có một đứa bé hả, anh bạn?”
“Không, thưa ông, đó là một người phụ nữ.”
“Anh gặp rắc rối rồi! Sao cô ta khóc vậy?”
“Ồ, cô ta đang ngủ, và do không quen đi đường, cô ta không thoải mái, và nằm chiêm bao.”
“Một cô gái?”
“Phải, một cô gái.”
“Bốn mươi năm trước, hẳn tôi sẽ thấy thú vị với điều này. Có lẽ đó là vợ anh?”
“Vợ tôi!” Chàng trai nói với giọng cay đắng. “Cô ta ở trên mức kết bạn với một gã như tôi. Nhưng không có lý do gì để tôi nói với ông về chuyện đó.”
“Đúng thế. Và cũng không có lý do gì để anh không nói. Tôi có thể làm điều gì tổn hại cho anh hay cho cô ta?”
Chàng trai nhìn vào gương mặt của cụ già. “Vâng, thưa ông,” cuối cùng gã nói, “tôi biết cô ta trước hôm nay, dù có lẽ tốt hơn tôi đừng nên biết. Nhưng cô ta chẳng là gì đối với tôi và tôi cũng chẳng là gì đối với cô ta; và hẳn cô ta sẽ không ngồi trong xe của tôi nếu có bất kỳ cỗ xe nào đó tốt hơn tới đó để đón cô ta.”
“Tôi có thể hỏi là ở đâu không?”
“Ở Anglebury.”
“Tôi biết rõ thị trấn đó. Cô ta làm gì ở đó?”
“Ồ, không có gì quan trọng – chỉ tới đó để chuyện trò. Tuy nhiên, giờ cô ta mệt lắm rồi, và không khỏe trong người, và điều đó khiến cho cô ta trằn trọc. Một giờ trước cô ta đã ngủ được một giấc ngắn, và điều đó sẽ tốt cho cô ta.”
“Một cô gái xinh đẹp, chắc vậy?”
“Ông có thể nói thế.”
Người khách bộ hành lớn tuổi quay về hướng cửa sổ xe với vẻ thích thú, và vẫn dán mắt vào đó, ông nói, “Tôi cho là tôi có thể nhìn cô ta chút xíu?”
“Không,” chàng trai nói cộc lốc. “Trời đã tối đến nỗi ông không thể nhìn thấy rõ cô ta; và hơn thế, tôi không có quyền gì để cho phép ông. Tạ ơn Thượng đế là cô ta ngủ rất ngon, tôi hy vọng cô ta sẽ không thức giấc cho tới lúc về nhà.”
“Cô ta là ai? Một trong những người hàng xóm?”
“Là ai không quan trọng, xin thứ lỗi.”
“Không phải là cái cô gái ở Blooms-End đó chứ, người mà thiên hạ nhắc tới ít nhiều dạo gần đây? Nếu thế, tôi cũng biết cô ta; và tôi có thể đoán chuyện gì đã xảy ra.”
“Chuyện đó không quan trọng… Bây giờ, thưa ông, tôi rất tiếc phải nói rằng chúng ta sẽ sớm chia tay. Hai con ngựa của tôi đã mệt, và tôi còn phải đi xa, vì thế tôi sẽ cho chúng nghỉ ở dưới chỗ bờ sông chừng một tiếng.”
Người khách bộ hành lớn tuổi lãnh đạm gật đầu, và chàng trai vừa vòng đôi ngựa cùng cỗ xe lên mặt cỏ, vừa nói, “Chào ông”. Cụ già đáp lại, và tiếp tục bước đi như trước.
Người bán thuốc nhuộm dõi theo hình dáng của ông trong lúc nó thu nhỏ dần thành một cái chấm trên đường, rồi trở nên trầm tư trong màn đêm dày đặc. Gã rút một mớ cỏ khô từ một bó cỏ lớn treo bên dưới cỗ xe, ném một phần ra trước đôi ngựa, rồi đan thành một tấm nệm với số còn lại và đặt nó lên mặt đất cạnh cỗ xe. Gã ngồi lên đó, tựa lưng vào bánh xe. Từ bên trong phát ra tiếng thở khe khẽ. Có vẻ nó làm cho gã hài lòng, và gã trầm ngâm quan sát cảnh vật, như thể đang cân nhắc công việc kế tiếp của mình.
Thật sự, việc thực hiện mọi thứ trong sự trầm tư, ở những mức độ nhỏ nhoi, là một bổn phận trong những thung lũng Egdon vào giờ khắc chuyển giao này, vì chính cánh đồng hoang, giống như thế, cũng đã trải dài ra và tạm ngưng lại nỗi nghi ngờ. Đó là phẩm chất của sự yên tĩnh thích hợp với cảnh vật. Đây không phải là trạng thái yên tĩnh của sự đình trệ thật sự, mà là trạng thái yên tĩnh hiển nhiên của sự chậm chạp đến khó tin. Một điều kiện của cuộc sống khỏe khoắn lại gần giống với trạng thái mê mệt của cái chết là một điều đáng chú ý; nó phô bày tính chất trì trệ của vùng hoang mạc, đồng thời thực thi những sức mạnh tương tự với vạn vật của đồng cỏ, ngay cả của khu rừng, đánh thức những ai nghĩ về nó với thái độ lưu tâm vốn thường được mang tới bởi sự giảm thiểu hành động và sự bảo tồn.
Quang cảnh trước mắt gã là một chuỗi địa hình dốc dần lên, tính từ độ cao của con đường ngược về sau cho tới trung tâm của cánh đồng hoang. Nó ôm lấy những cồn gò, những hào hố, những dãy đồi, những con dốc, cái này tiếp nối cái kia, cho tới khi tất cả kết thúc tại một ngọn đồi cao nổi bật như cắt trên nền trời sáng yên tĩnh. Đôi mắt của người khách bộ hành dán vào những thứ này một lúc, rồi cuối cùng cố định vào một đối tượng đáng chú ý trên đó. Nó là một gò đất. Chỗ lồi hống hách này cùa quả đất bên trên độ cao tự nhiên của nó chiếm lĩnh phần đất cao nhất của đỉnh đồi cô lẻ nằm trong cánh đồng hoang. Dù từ chỗ thung lũng, trông nó chỉ giống như một hạt mụn cơm trên lông mày của một gã khổng lồ, kích thước thật sự của nó rất lớn. Nó tạo thành cực và trục của cái thế giới toàn những thạch nam này.
Trong lúc nhìn lên gò đất, chàng trai đang ngơi nghỉ nhận ra chóp của nó, do vậy là đối tượng cao nhất trong toàn cảnh xung quanh, bị phủ lên bởi một vật gì đó cao hơn. Nó nhô lên từ gò đất hình bán cầu giống như một mũi thép nhọn trên một cái mũ sắt. Bản năng đầu tiên của một khách lạ giàu tưởng tượng hẳn sẽ cho rằng đó là một trong những người Xen-tơ[9] đã dựng nên gò đất, vì cho tới lúc này mọi thứ của thời hiện đại đều rút lui khỏi cảnh vật. Trông như thể đó là loại người cuối cùng giữa vạn vật, đăm chiêu suy nghĩ một hồi trước khi gieo người vào màn đêm vĩnh cửu với những người còn lại trong nòi giống của y.
Hình dáng đó đứng yên, bất động, như ngọn đồi bên dưới. Bên trên thảo nguyên là ngọn đồi, bên trên ngọn đồi là gò đất, bên trên gò đất là hình dáng đó. Bên trên hình dáng đó không còn gì khác ở mọi nơi ngoại trừ hình cầu của bầu trời.
Hình dáng đó mang tới cho những dãy đồi sẫm tối một sự kết thúc hoàn hảo, tinh tế và cần thiết đến nỗi dường như nó là sự biện minh rõ ràng duy nhất cho đường nét của những ngọn đồi. Không có nó, cũng giống như một mái vòm không có lồng đèn; có nó, những đòi hỏi kiến trúc về hình khối đã được đáp ứng. Cảnh vật thuần nhất đến lạ lùng, trong cái thung lũng đó, vùng đồi, gò đất và cái hình dáng nổi lên bên trên nó chỉ để hợp nhất cùng nhau. Nhìn vào thành phần này hoặc khác của tập hợp này không phải là quan sát một đối tượng hoàn chỉnh, mà chỉ một bộ phận của nó.
Hình dáng đó giống như một phần cơ thể của một cấu trúc hoàn toàn bất động đến độ việc nhìn thấy nó chuyển động sẽ tạo một ấn tượng lên tâm trí như một hiện tượng lạ lùng. Sự bất động là đặc tính chủ yếu của toàn cảnh vật mà hình dáng đó góp phần vào, sự kết thúc trạng thái bất động ở bất kỳ khu vực nào sẽ khiến cho người ta rối trí.
Thế nhưng đó là điều đã xảy ra. Có thể nhận ra hình dáng đó đã thôi bất động, cất một hai bước, và quay đi. Như thể đang cảnh giác, nó đi xuống mé phải của gò đất, như một giọt nước trôi xuống một chồi non, rồi biến mất. Sự chuyển động đủ để chỉ rõ đặc điểm của hình dáng đó, rằng nó là của một người phụ nữ.
Nguyên do cho sự rời chỗ đột ngột của nàng giờ đã xuất hiện. Khi nàng khuất khỏi mé phải, một người mang vác nặng nhô lên ở nền trời bên trái, đi lên gò đất, và đặt gánh nặng lên trên đỉnh gò. Tiếp theo là người thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, thứ năm, và cuối cùng toàn bộ gò đất đông nghẹt những dáng người mang vác nặng.
Ý nghĩa dễ hiểu duy nhất trong vở kịch câm cắt bóng trên nền trời này là người phụ nữ không liên quan gì tới những kẻ đã chiếm chỗ của nàng, đang kiên trì né tránh họ, và đã tới đó vì một đối tượng khác chứ không phải họ. Trí tưởng tượng của kẻ quan sát bám chặt lấy hình dáng lẻ loi đã biến mất đó, như bám vào một điều gì đó thú vị hơn, quan trọng hơn, có khả năng có một lịch sử đáng để biết tới hơn là những kẻ mới tới này, và bất giác xem họ là những kẻ xâm phạm. Nhưng họ vẫn ở lại đó, và tìm chỗ nghỉ ngơi; còn con người cô độc từng là nữ hoàng của chốn quạnh hiu hiện tại không có khả năng quay trở lại.




[1] Các thi sĩ Hy Lạp cổ đại cho rằng đây là địa điểm mà thần Apollo và các nữ thần Duyên dáng thường đến. Nằm giữa ngọn núi Olympus  (ở hướng bắc) và núi Ossa (ở hướng nam).
[2] Còn viết là Thula, Thila, hay Thyïlea, một địa danh trên các tấm bản đồ cổ và văn học cổ châu Âu, nằm ở vị trí của vương quốc Na Uy và vùng phụ cận hiện nay.
[3] Thành phố ở miền tây nam nước Đức, nổi tiếng nhờ có tòa lâu đài cùng tên và thị trấn cổ mang phong cách kiến trúc Baroque.
[4] Một bang của Thụy Sĩ.
[5] Một quận thuộc thành phố Hague, Hà Lan.
[6] Một bản thảo ghi chép về cuộc “Khảo sát lớn” tiến hành tại nhiều vùng của Anh và toàn bộ xứ Wales, hoàn thành vào năm 1086, theo lệnh của Vua William – Kẻ Chinh phục.
[7] league – một đơn vị đo lường cổ, bằng 3 dặm Anh hoặc 4,8 km.
[8] John Leland, còn gọi là Leyland (khoảng 1503 /1506 – 1552), nhà thơ và nhà khảo cổ Anh.
[9] Nguyên văn Celts: những người thuộc ngữ hệ Ấn-Âu sống vào thời kỳ Đồ sắt và Trung cổ ở châu Âu.