Nguyễn Thành Nhân
Thomas
Hardy
TRỞ LẠI CỐ HƯƠNG
Bản dịch: Nguyễn Thành Nhân
QUYỂN 1
7—Nữ hoàng của Đêm
Eustacia Vye là nguyên
liệu thô của một nữ thần. Hẳn nàng sẽ đóng tốt vai trò đó trên đỉnh Olympus với
chút ít chuẩn bị. Nàng có những đam mê và bản năng tạo nên một nữ thần kiểu
mẫu, nghĩa là, những phẩm chất hoàn toàn không thể tạo ra một người phụ nữ kiểu
mẫu. Giá như quả đất và nhân loại có thể hoàn toàn nằm trong quyền hạn của nàng
một thời gian, và nàng có thể tùy nghi xử lý cái xa quay, con suốt và cây kéo[1],
chắc hẳn thế sự cũng chẳng thay đổi bao nhiêu. Vẫn còn đó sự bất công của định
mệnh, những ân huệ chất chồng ở nơi này và những đối xử tàn tệ ở nơi khác, sự hào
phóng trước công lý, những tình thế nan giải thường xuyên, và sự thay đổi thất
thường của những bàn tay vuốt ve và những quả đấm, hệt như những gì chúng ta đang
chịu đựng hiện nay.
Nàng có thân hình
cân đối và hơi đầy đặn; không hồng hào nhưng cũng chẳng xanh xao; và da thịt
mềm mại như một áng mây trời. Khi nhìn mái tóc của nàng, người ta tưởng chừng như
cả một mùa đông cũng không chứa đựng đủ bóng tối để tạo thành bóng của nó – nó êm
ái rủ xuống trán nàng như màn đêm phủ kín ánh hoàng hôn.
Những
sợi dây thần kinh của nàng kéo dài thành những lọn tóc đó, và cơn cáu giận của
nàng luôn có thể được xoa dịu bằng cách vuốt ve chúng. Khi tóc nàng được chải,
nàng sẽ lập tức trở nên bất động và trông như một Nhân sư. Khi nàng đi bên dưới
một trong những bờ đất của Egdon, nếu có lọn tóc nào vướng vào một nhánh kim
tước lớn đầy gai, như đôi khi vẫn xảy ra, nàng sẽ xem nó như là một loại lược
chảy tóc – nàng lùi lại vài bước, và đi ngang qua nó lần thứ hai.
Nàng
có đôi mắt lạ lùng, đầy những bí ẩn của loài vật sống về đêm, và ánh sáng bên
trong, khi nó đến và đi, rồi lại đến, bị cản trở phần nào bởi các mí mắt và
hàng mi rủ bóng; và hai mí mắt dưới đầy đặn hơn mức bình thường ở phụ nữ Anh.
Điều này cho phép nàng tha hồ chìm đắm trong mơ mộng mà trông vẫn bình thường –
có kẻ còn tin rằng nàng có thể ngủ không cần nhắm mắt. Giả sử người ta có thể
nhìn thấy bản thể linh hồn của đàn ông và phụ nữ, bạn có thể hình dung rằng màu
sắc linh hồn của Eustacia giống như ngọn lửa cháy bùng. Những tia sáng long
lanh trong đôi nhãn cầu đen láy cũng mang tới ấn tượng tương tự.
Miệng
nàng dường như được tạo ra để run rẩy hơn là để nói, để hôn hơn là để run rẩy.
Một số người có thể bổ sung thêm, rằng [nó được tạo ra] để cong lên hơn là để
hôn. Nhìn từ một phía, đường khép kín của đôi môi nàng tạo thành, hầu như với
độ chính xác của hình học, một đường cong mà giới thiết kế mỹ thuật thường gọi
là đường cong hình chữ S. Một đường cong tinh tế như thế trên vùng đất Egdon ảm
đạm hoàn toàn là một hình ảnh khác thường. Có thể lập tức cảm thấy rằng cái
miệng này không đến từ Sleswig[2]
với một toán cướp biển người Saxon vốn có đôi môi trông như hai nửa của một cái
bánh nướng xốp. Người ta nghĩ rằng phần lớn những đường cong môi như thế ẩn
khuất ở miền Nam như những mảnh vỡ của các pho tượng cẩm thạch bị bỏ quên.
Đường nét của đôi môi nàng đẹp đến nỗi, dù đầy đặn, mỗi khóe môi trông sắc nét
như một đầu mũi giáo. Khóe môi sắc sảo này chỉ tạm thời biến mất khi nàng chìm
vào những cơn sầu não, một trong những trạng thái cảm xúc lúc đêm về mà nàng
biết rất rõ trong những năm tháng ở đây.
Sự
hiện diện của nàng mang tới hồi ức về những đóa hồng Bourbon[3],
những viên hồng ngọc, và nửa đêm miền nhiệt đới; tính cách của nàng gợi nhớ tới
những kẻ mơ mộng giữa ban ngày[4]
và bài hành khúc trong vở kịch Athalie[5];
những cử động của nàng, những lớp sóng trồi sụt của biển; giọng nàng, tiếng vĩ
cầm réo rắt. Trong một ánh sáng nhờ nhờ, và với đôi chút sửa soạn ở mái tóc, vóc
dáng của nàng không kém gì vóc dáng của một nữ thần cao quý. Vầng trăng non sau
đầu nàng, một cái mũ sắt bên trên nó, một cái vương miện hình thành từ những
giọt sương ngẫu nhiên quanh trán nàng, sẽ là những vật phụ thuộc đầy đủ để liên
tưởng tới hình ảnh của nữ thần Artemis, Athena, hay Hera trên nhiều bức tranh
quý giá, theo thứ tự tương ứng.
Nhưng lòng kiêu
hãnh, tình yêu, sự phẫn nộ và nhiệt tình đã bị vất bỏ phần nào ở vùng đất Egdon
thấp kém. Sức mạnh của nàng có giới hạn, và ý thức về sự giới hạn này đã làm
lệch đi sự phát triển của nàng. Egdon là Địa ngục của nàng, và từ khi tới đây
nàng đã hấp thụ quá nhiều thứ đen tối, dù trong thâm tâm nàng vĩnh viễn không
cam chịu điều đó. Ngoại hình của nàng rất phù hợp với sự nổi loạn âm ỉ này, và sự
lộng lẫy khó hiểu trong vẻ đẹp của nàng là bề mặt thật sự của nhiệt tình u buồn
và bị bóp nghẹt trong nàng. Phẩm cách của một kẻ thật sự bị đọa đày[6]
hằn trên trán nàng, không chút giả tạo hay có những dấu vết gượng gạo, vì nó đã
phát triển trong nàng theo năm tháng.
Nàng cột một dải
nhung đen mỏng quanh mái tóc dày mượt, bổ sung thêm cho vẻ oai nghiêm bằng cách
che đi vầng trán của mình. Richter[7]
từng nói, “Không gì có thể tôn lên vẻ đẹp của một gương mặt đẹp hơn một dải vải
hẹp cột bên trên trán.” Một số thiếu nữ sống trong vùng cũng đeo những băng đô
màu mè với cùng mục đích đó, và còn chưng diện thêm các vật trang sức bằng kim
loại trên những chỗ khác; nhưng nếu có kẻ nào đó đề nghị Eustacia Vye đeo băng
đô màu và những vật trang sức, nàng chỉ bật cười và đi tiếp.
Vì sao một cô gái
trẻ như thế này lại sống ở Egdon Heath? Budmouth, một thị trấn nghỉ mát ven
biển sang trọng vào thời đó, là nơi chôn nhau cắt rốn của nàng. Nàng là con gái
của vị nhạc trưởng của một trung đoàn từng đóng quân tại đó – một người có gốc gác
tại đảo Corfu[8], và
là một nhạc sĩ đẹp trai. Ông đã gặp người vợ tương lai trong chuyến đi của nàng
tới đó cùng với cha nàng, viên thuyền trưởng, một người đàn ông của gia đình.
Cuộc hôn nhân này trái với mong ước của người cha vợ, bởi những cái túi của người
nhạc trưởng cũng nhẹ như nghề nghiệp của ông. Nhưng người nhạc sĩ đã cố hết sức
mình; đổi họ theo họ vợ, xem nước Anh là quê hương vĩnh viễn của mình, nỗ lực
tối đa cho việc giáo dục cô con gái – các phí tổn này do ông ngoại cô gái đài
thọ; và làm ăn tương đối khấm khá với tư cách nhạc sĩ chính trong vùng cho tới
lúc người vợ qua đời. Ông bắt đầu tuột dốc, rượu chè be bét, và cũng qua đời
nốt. Nàng bị bỏ lại cho ông ngoại chăm sóc. Từ khi bị gãy ba cái xương sườn
trong một vụ đắm tàu, ông cụ đã lui về sống tại mảnh đất lộng gió trên đồi
Egdon này, một địa điểm hấp dẫn đối với ông vì giá của ngôi nhà rẻ gần như cho
không và vì một chấm xanh nhạt trên chân trời giữa những ngọn đồi, có thể nhìn
thấy từ cửa của ngôi nhà nhỏ, vốn được tin, theo truyền thống, là Con Kênh nước
Anh[9].
Nàng ghét sự thay đổi này; nàng có cảm giác giống như một kẻ bị lưu đày; nhưng
nàng buộc phải sống ở đây.
Vì cớ sự như thế,
bộ não của Eustacia chất chứa song song những ý tưởng kỳ lạ nhất, từ những ngày
xưa cũ và từ những ngày tháng mới. Không có khoảng giữa trong viễn cảnh của
nàng – những hồi ức lãng mạn về những chiều ngập nắng trên một bãi đất trống
trước nhà, với những ban nhạc quân đội, những viên sĩ quan, và những kẻ phong
nhã hào hoa xung quanh, nổi lên như những mẫu tự mạ vàng trên phiến đá âm u ảm
đạm của vùng hoang địa Egdon. Người ta có thể tìm thấy ở nàng mọi kết quả kỳ
quái có thể nảy sinh từ sự đan bện ngẫu nhiên giữa vùng đất duyên hải vui tươi
tráng lệ với sự trang nghiêm kỳ vĩ của một cánh đồng hoang. Giờ đây, khi không
nhìn thấy thứ gì của đời sống con người, nàng càng tưởng tượng nhiều hơn về
những gì nàng từng trông thấy.
Phẩm cách của nàng
đến từ đâu? Do một huyết mạch chảy tiềm tàng từ dòng dõi của Alcinous[10],
vì cha nàng đến từ một hòn đảo của Phaeacia? – hay từ gia tộc Fitzalan và De
Vere,[11]
vì ông ngoại của nàng từng có một người em họ thuộc dòng quý tộc? Có lẽ đó là
một quà tặng của Trời – một sự hội tụ vui vẻ của các quy luật tự nhiên. Trong
số những điều khác, trong mấy năm trở lại đây, cơ hội không cho phép nàng tỏ ra
thiếu nhân phẩm, vì nàng sống đơn độc. Sự cô quạnh trên một cánh đồng hoang hầu
như không thể mang tới sự thô tục. Không thì hẳn là lũ ngựa đồng hoang, những
con dơi và con rắn cũng dễ dàng tỏ ra khiếm nhã không kém chi nàng. Một cuộc
đời chật hẹp ở Budmouth hẳn đã hoàn toàn hạ thấp phẩm giá của nàng.
Cách duy nhất để
trông như một bà hoàng khi không có đất đai hay thần dân để trị vì là tỏ ra như
thể bạn đã đánh mất chúng; và Eustacia rất thành công trong việc đó. Trong ngôi
nhà nhỏ của viên thuyền trưởng, nàng có thể hình dung ra những lâu đài nàng
chưa bao giờ nhìn thấy. Có lẽ đó là vì nàng hay lui tới một lâu đài rộng lớn
hơn bất cứ lâu đài nào trong số chúng, những ngọn đồi thoáng đãng. Giống như
thời tiết mùa hè của nơi chốn quanh nàng, nàng là hiện thân của cụm từ “một sự
cô quạnh xôn xao”[12]
– rõ ràng là rất bơ thờ, trống rỗng, và lặng lẽ, nàng lại thật sự bận rộn và
đầy đủ.
Được yêu điên cuồng
– đó là khao khát cháy bỏng của nàng. Tình yêu đối với nàng là thứ tình cảm có
thể xua đi nỗi cô đơn đang gậm nhấm dần những ngày tháng của nàng. Và dường như
nàng mong mỏi cái khái niệm trừu tượng gọi là tình yêu say đắm hơn nhiều hơn so
với bất cứ người tình cụ thể nào.
Đôi khi nàng có thể
tỏ ra rất khắc nghiệt, nhưng nó không nhằm chống con người, mà hướng tới những
tạo vật cụ thể trong tâm trí nàng, đứng đầu số này là Định mệnh. Nàng lờ mờ
hình dung rằng, thông qua sự can thiệp của nó, tình yêu chỉ đáp xuống tuổi trẻ đang
nhanh chóng lướt qua – rằng bất cứ tình yêu nào nàng có thể giành được sẽ đắm
chìm cùng lúc với số cát trong cái đồng hồ. Nàng nghĩ về nó với một ý thức nhẫn
tâm ngày càng mạnh mẽ hơn; một ý thức có khuynh hướng sản sinh ra những hành
động táo bạo bất chấp quy ước, để vồ lấy tình yêu say đắm của một năm, một
tuần, thậm chí một giờ, từ bất kỳ nơi nào khi còn có thể giành được nó. Xuất
phát từ mong muốn đó, nàng ca hát mà không vui sướng, chiếm hữu mà không tận
hưởng, rạng rỡ mà không hân hoan. Sự cô độc của nàng đào sâu hơn niềm khao khát
của nàng. Trên gò Egdon, những nụ hôn giá lạnh nhất và tầm thường nhất cũng đòi
hỏi một cái giá cắt cổ, và nàng có thể tìm được ở đâu một đôi môi xứng hợp với
môi nàng?
Chung thủy trong
tình yêu vì bản thân sự chung thủy không hấp dẫn nàng cho lắm so với hầu hết
những người phụ nữ khác; chung thủy vì sự lôi cuốn của tình yêu mới xứng đáng.
Một ngọn lửa tình yêu rực rỡ, cháy bùng lên rồi tắt lịm, tốt hơn là một cái đèn
lồng tình yêu cháy le lói suốt nhiều năm[13].
Nàng nhận biết bằng sự tiên đoán điều mà hầu hết phụ nữ chỉ học được qua trải
nghiệm – nàng đã đi vòng quanh tình yêu trong tâm tưởng, nói với những tòa tháp
ở đó, chiêm ngắm những cung điện của nó, và kết luận rằng tình yêu chỉ là một
niềm vui hàm chứa thảm sầu. Thế nhưng nàng khao khát nó, như một kẻ trong sa
mạc sẽ biết ơn vì chút nước lợ.
Nàng thường lặp lại
những lời cầu nguyện; không vào những thời khắc nhất định, mà như một thành tâm
bộc phát khi nàng muốn nguyện cầu. Lời cầu của nàng luôn ngẫu hứng, và thường
là thế này, “Ôi, hãy đưa tim tôi ra khỏi chốn ảm đạm quạnh hiu đáng sợ này; hãy
gửi đến cho tôi tình yêu vĩ đại từ đâu đó, không thì tôi sẽ chết.”
Những thần linh khả
kính của nàng là William Kẻ chinh phục[14],
Strafford[15], và
Napoleon Bonaparte[16],
vì họ đã xuất hiện trong cuốn Lịch sử các
Quý bà được dùng trong nhà trường nơi nàng từng theo học. Giả sử nàng là
một bà mẹ, nàng sẽ đặt tên thánh cho các con trai của mình là Saul hay Sisera
thay vì Jacob hay David[17],
hai kẻ mà nàng không ngưỡng mộ. Hồi ở trường học, nàng từng đứng về phía người
Philistines[18]
trong nhiều trận đánh, và đã tự hỏi Pontius Pilate[19]
có đẹp trai như hai phẩm chất tốt đẹp khác của ông là thẳng thắn và công bình
hay chăng.
Nàng là một cô gái
có đầu óc tiến bộ, thật ra là rất lập dị, so với hoàn cảnh của nàng giữa những
kẻ có tư tưởng rất lạc hậu. Những bản năng của nàng trong sự bất tuân xã hội
nằm ở gốc rễ của điều này. Nói về những ngày nghỉ, tâm trạng của nàng giống tâm
trạng của lũ ngựa, khi được thả rông để ăn cỏ, vui thú nhìn đồng loại của chúng
đang làm việc trên đường lộ. Nàng chỉ đánh giá cao sự nghỉ ngơi của chính mình
khi nó xảy ra trong lúc kẻ khác đang làm lụng. Do vậy nàng ghét những ngày Chủ
nhật, khi tất cả đều nghỉ ngơi, và thường nói rằng chúng là cái chết của nàng. Việc
nhìn thấy cư dân vùng đồng hoang trong trạng thái ngày Chủ nhật của họ, nghĩa
là, với đôi tay đút sâu vào túi, mang những đôi ủng mới đánh bóng loáng chứ
không phải những đôi giày ống buộc dây (một dấu hiệu đặc trưng của ngày Chủ
nhật), nhàn nhã bước đi giữa những bó thạch nam và kim tước họ đã cắt trong
tuần, và đá mạnh vào chúng như thể không biết công dụng của chúng là gì, với
nàng là một gánh nặng đáng sợ. Để giết thì giờ trong cái ngày tới không đúng
lúc và buồn tẻ này, nàng vừa lục lọi mấy cái tủ cất giữ những tấm bản đồ cũ và
những thứ lặt vặt khác của ông ngoại, vừa ậm ừ trong cổ những bản ballad đêm
Thứ bảy của những kẻ quê mùa. Nhưng vào những đêm Thứ bảy, nàng thường hát một
bài thánh thi, và luôn đọc Kinh Thánh vào một ngày làm việc trong tuần, để
tránh bị đè nặng bởi một ý thức về bổn phận.
Những quan điểm
sống này, ở một mức độ nào đó, là do tác động tự nhiên của hoàn cảnh lên bản
chất của nàng. Sống trên một cánh đồng hoang mà không hiểu ý nghĩa của nó cũng
tựa như lấy một người ngoại quốc mà không biết ngôn ngữ của anh ta. Những vẻ
đẹp tinh tế của đồng hoang không tồn tại trước mắt Eustacia; nàng chỉ nhìn thấy
những ảo tượng của nó. Một môi trường hẳn có thể biến một phụ nữ mãn nguyện
thành một thi sĩ, một phụ nữ đau khổ thành một tín đồ, một phụ nữ sùng đạo
thành một người biên soạn thánh thi, thậm chí một phụ nữ nhẹ dạ phù phiếm thành
một người chín chắn, đã biến một phụ nữ có máu nổi loạn thành một kẻ bơ thờ ủ
rũ.
Eustacia đã vượt xa
khỏi ảo ảnh của một cuộc hôn nhân huy hoàng vô tả; thế nhưng dù cảm xúc của
nàng vô cùng mãnh liệt, nàng không quan tâm tới một sự kết hợp tầm thường. Do
vậy, chúng ta nhìn thấy nàng trong một trạng thái cô quạnh lạ lùng. Việc đánh
mất cảm giác tự cao tự đại coi như mình như thần thánh, có thể làm những gì mình
muốn, và không thể đạt ngay cả một niềm vui giản dị, làm những gì mình có thể
làm, mang tới một tâm trạng bức bối vô cùng vốn không thể chống lại về mặt lý
thuyết, vì nó biểu thị một tâm hồn mà dù đang thất vọng vẫn nhất quyết khước từ
sự thỏa hiệp. Nhưng nếu tương hợp với triết lý, nó có khả năng gây nguy hiểm
cho cộng đồng. Trong một thế giới nơi hành động có nghĩa là kết hôn, và cộng
đồng là một cộng đồng của hai quả tim và bốn bàn tay, nguy cơ luôn là khả dĩ.
Và chúng ta nhìn
thấy nàng Eustacia của chúng ta như thế – vì đôi khi nàng không hoàn toàn đáng
ghét – đang đi tới giai đoạn khai sáng đó: cảm thấy không có gì là quan trọng,
và phủ đầy những giờ nhàn rỗi của nàng bằng cách lý tưởng hóa Wildeve cho phù
hợp với lòng mong mỏi một đối tượng tốt đẹp hơn. Đây là căn cớ duy nhất cho uy
thế của y: bản thân nàng cũng biết điều này. Đôi khi lòng kiêu hãnh của nàng nổi
lên chống lại tình cảm say đắm dành cho y, thậm chí nàng còn mong được tự do.
Nhưng duy chỉ có một tình thế có thể trục xuất y khỏi lòng nàng, đó là sự xuất
hiện của một người đàn ông toàn bích hơn.
Trong thời gian còn
lại, nàng gánh chịu những cơn suy nhược tinh thần, và thường đi bộ chầm chậm để
hồi phục lại. Trong những chuyến tản bộ đó nàng mang theo cái ống dòm của ông
ngoại và cái đồng hồ cát của bà ngoại nàng – cái nói sau là do một niềm vui kỳ
lạ nàng nhận được từ việc quan sát một đồ vật tiêu biểu cho sự trôi lướt đi dần
của thời gian. Nàng ít khi lên kế hoạch, nhưng khi nàng làm điều đó, những kế
hoạch của nàng cho thấy chúng là chiến lược toàn diện của một vị tướng thay vì
cái mà người ta thường gọi là những thủ đoạn ranh vặt của đàn bà, dù nàng có
thể thốt ra những lời mơ hồ như sấm truyền ở đền Delphi[20]
khi không muốn nói thẳng tuột điều gì. Nếu ở trên thiên đường, chắc hẳn nàng sẽ
ngồi giữa những nàng Heloise[21]
và Cleopatra[22].
[2] Khu vực tây bắc nước Đức, quê hương của những người Anglo-Saxon
từng xâm lược quần đảo Anh.
[3] Loại hồng nở hoa từng chùm, được trồng đầu tiên ở đảo Bourbon thuộc
Pháp trên Ấn Độ Dương, nay gọi là đảo Réunion.
[4] The lotus-eaters, một dân tộc truyền thuyết trong trường ca Odyssey
của Homer. Họ ăn một thứ quả gọi là quả hưởng lạc (lotus) và tự buông thả theo
những giấc mơ ban ngày và cuộc sống hưởng lạc.
[5] Một vở nhạc nền do nhạc sĩ Đức Felix Medelssohn (1809-1847) soạn
cho vở kịch Athalie của kịch tác gia Pháp Jean Racine (1639-1699), trong đó có
một đoạn trích nổi tiếng với tên gọi “Hành khúc chiến tranh của các tu sĩ” ("Kriegsmarsch der Priester").
[6] Nguyên văn: A true Tartarean dignity. Theo thần thoại Hy Lạp,
Tartarus là tầng địa ngục sâu nhất, nơi giam giữ các thần Titan.
[7] Jean Paul Richter (1847-1937): sử gia mỹ thuật, tiểu thuyết gia
người Đức.
[8] Corfu, còn gọi là Kekyra, là một hòn đảo của Hy Lạp trong biển
Ionian.
[9] English Chanel: vùng biển phân cách miền nam nước Anh với miền bắc
nước Pháp và nối phần phía nam của Bắc Hải với Đại Tây Dương.
[10] Theo thần thoại Hy Lạp, Alcinous là vua của người Phaecians trên
đảo Phaecia, còn gọi là đảo Scheria, nay là đảo Corfu.
[11] Hai gia đình quý tộc nổi tiếng ở Anh.
[12] Tạm dịch cụm từ “a populous solitude”. Cụm từ này nằm trong trường
ca Cuộc hành hương của Childe Harold ( Childe Harold’s Pilgrimate, Canto III)
của Lord Byron, nhà thơ lớn người Anh (1788-1824).
[13] Ý tưởng này rất giống với ý tưởng của câu thơ “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn
buồn le lói suốt trăm năm.” (Xuân Diệu)
[14] William the Conqueror (khoảng 1028-1087), vị vua người Norman đầu
tiên của Anh.
[15] Thomas Wentworth (1593-1641), Đệ nhất Bá tước xứ Strafford.
[16] Napoleon Bonaparte (1769-1821): còn gọi là Napoleon I. Là vua nước
Pháp từ 1804-1814.
[17] Các nhân vật trong Kinh Cựu ước. Saul là vị vua đầu tiên của
Israel, bị David lật đổ. Sisera là chỉ huy quân đội của vua Jabin xứ Hazor.
Jacob là Giáo trưởng thứ ba của dân tộc Israelites, theo thứ tự: Abraham,
Isaac, Jacob. David là vị vua thứ hai của Israel.
[18] Một giống dân hiếu chiến không rõ nguồn gốc, sống ở phía nam
Palestine và là kẻ thù truyền thống của Israel.
[19] Quan tổng trấn thứ năm của thành Judaea từ năm 26- 36. Theo Kinh
Thánh, ông đã từ chối kết tội Jesus và trao trả ông cho dân Do Thái để họ tự
quyết.
[20] Delphi: Ngôi đền thờ thần Apollon nằm ở khu vực cao nguyên trung
phần Hy Lạp, nơi thần ban những lời sấm mà sau đó phải có người giải mã.
[21] Héloïse (khoảng 1100-1164). Nữ tu viện trưởng, học giả, nhà văn người Pháp, nổi tiếng vì mối tình với triết gia Pháp Peter Abélard (1079-1142).
[22] Cleopatra (69-30 TCN): nữ hoàng cuối cùng của vương triều Ptolemaic
của Ai Cập. Nổi tiếng vì mối tình huyền thoại với Julius Caesar (100-44 TCN).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét