Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

GIỚI THIỆU "MỘT XU MỘT NGÀY" CỦA WALTER DE LA MARE



Xin trân trọng giới thiệu với  quý độc giả tuyển tập truyện ngắn MỘT XU MỘT NGÀY, thuộc loại sách thiếu nhi dành cho đói tượng từ 15 tuổi trở lên.
Sách hiện có bán tại các hệ thống nhà sách của NXB Kim Đồng hoặc quy vị có thể mua online theo link sau: http://www.nxbkimdong.com.vn/mot-xu-mot-ngay



Giới thiệu

Walter de la Mare (1873-1956) là một tiểu thuyết gia, tác giả truyện ngắn và  nhà thơ nổi tiếng người Anh. Tuyển tập thơ đầu tay của ông được xuất bản năm 1902. Năm 1904, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên Henry Brocken. Dù ở thể loại tiểu thuyết hay truyện ngắn, văn xuôi hay thơ, dành cho độc giả trẻ em hay người lớn, các tác phẩm của Walter de la Mare luôn hé mở ra một thế giới vô hình, có khi diễm lệ nên thơ, có khi kinh hoàng rùng rợn, nhưng lúc nào cũng thấm đẫm một không khí u huyền bí ẩn.

Tuyển tập truyện thiếu nhi Một xu một ngày dịch từ tập Collected Stories for Children do Nhà xuất bản Faber & Faber, Anh Quốc xuất bản năm 1947, gồm những truyện ngắn hay nhất của ông dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Có những truyện thật ngọt ngào thơ mộng và đưa đến một kết thúc có hậu như Một xu một ngày, Chiếc áo khoác thần kì, Vua Cá, Dick và cây đậu thần, Nàng Myfanwy xinh đẹp v.v… nhưng cũng có những truyện đẫm màu huyền hoặc như Điều bí ẩn, Cô Jemima, Ba cậu bé nằm ngủ ở xứ Warwickshire, Gã bù nhìn, Maria-Ruồi…

Với giọng văn kể khi êm đềm khi thôi thúc và vô cùng lôi cuốn, Walter de la Mare đưa người đọc lạc vào những cảnh tượng lạ thường, gặp gỡ những phù thủy, những nàng tiên, những thần lùn, những người khổng lồ… thân thiện hay hung ác và đáng sợ. Người đọc có lúc hầu như nín thở vì một chi tiết hồi hộp ghê rợn, rồi sau đó lại thở ra khoan khoái. Các câu chuyện của ông không đưa ra những lời giáo huấn lộ liễu, khô khan và vô vị. Trái lại, các bài học luân lí nằm tiềm ẩn tự nhiên trong từng chi tiết hay lời thoại nhỏ, và cũng tự nhiên như vậy, những ý nghĩa sâu xa sẽ dần dần ngấm vào tiềm thức tuổi thơ.

Chính nhờ những ưu điểm nói trên, tuyển tập này đã nhận được giải thưởng Carnegie Medal năm 1948, một giải thưởng văn học danh giá của Anh Quốc dành cho tác phẩm viết cho thiếu nhi và thiếu niên hay nhất được xuất bản vào năm trước đó.

Xin nói thêm, dù là truyện viết cho thiếu nhi, nhưng ngay cả những người lớn - vốn đã chai sạn đi nhiều với những thăng trầm trong cuộc sống - vẫn có thể lãng quên đi trong khoảnh khắc rằng mình đã lớn tuổi khi đọc những câu chuyện hấp dẫn này. Trong khoảnh khắc, có thể họ lại trở thành một cô bé, chú bé thơ ngây, hồi hộp lần giở từng trang sách, trán rịn mồ hôi và tim đập dồn dập từng hồi. Đó chính là trạng thái của tôi, một người không còn trẻ nữa, khi đọc những câu chuyện của de la Mare.

Cuối cùng, tôi rất mong các bạn đọc tìm được những giây phút thú vị qua bản dịch này.

Nguyễn Thành Nhân





Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

TRỞ LẠI CỐ HƯƠNG BY THOMAS HARDY

Sách đã ra. Bạn đọc có thể mua tại NXB Tổng hợp, số 62 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đa Kao, Q, 1, Tp. HCM hoặc mua online tại:  https://nxbhcm.com.vn/7/tro-lai-co-huong-3691





VỀ TÁC GIẢ


Thomas Hardy (2/6/1840 - 11/1/1928)  tiểu thuyết gia, nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng người Anh chào đời tại làng Higher Bockhampton, một trong những làng quê xa xôi hẻo lánh nhất của hạt Dorset, Anh Quốc. Ông là con cả trong số bốn người con của Thomas Hardy, một thợ xây, và Jemima, một thôn nữ có học thức. Ông lớn lên trong một ngôi nhà tranh nằm biệt lập ở rìa một cánh đồng thạch nam. Những trải nghiệm đầu đời của ông về đời sống nông thôn, với nhịp điệu theo mùa và nền văn hóa dân gian truyền khẩu, là nền tảng cho phần lớn các tác phẩm sau này của ông. Ông được mẹ dạy học tại nhà cho tới năm tám tuổi; sau một năm học ở trường làng, ông chuyển tới trường học ở Dorchester, một thị trấn gần đó. Tại đây ông đã tiếp thu được một nền tảng vững chắc về toán học và tiếng Latin. Năm 1856, ông trở thành người học việc của John Hicks, một kiến trúc sư địa phương; năm 1862, ông chuyển tới London và trở thành chuyên viên bản vẽ kỹ thuật trong văn phòng của Arthur Blomfield, một kiến trúc sư nổi tiếng. Do sức khỏe kém, năm 1867 ông trở về Dorset, lại làm việc cho Hicks và sau đó cho kiến trúc sư G.R. Crickmay ở thị trấn Weymouth.
Dù nghề kiến ​​trúc mang lại cho Hardy sự thăng tiến ở cả hai mặt kinh tế và xã hội, giữa những năm 1860, sự thiếu thốn tài chính và sự sụt giảm niềm tin tôn giáo đã buộc ông phải từ bỏ khát vọng học đại học và trở thành một linh mục. Ông bắt đầu tập trung vào sáng tác thơ, nhưng do các tác phẩm này bị từ chối xuất bản, ông miễn cưỡng quay sang sáng tác văn xuôi.
Trong hai năm 1867-68, ông viết tiểu thuyết đầu tay Chàng trai nghèo và nàng tiểu thư (The Poor Man and the Lady). Dù được ba nhà xuất bản ở London xem xét với sự cảm thông, tác phẩm này không bao giờ được xuất bản và thất lạc luôn. Sau đó, theo lời khuyên của George Meredith, một người điểm sách của nhà xuất bản, ông viết Các liệu pháp tuyệt vọng(Desperate Remedies -1871), một tác phẩm chịu ảnh hưởng của dòng tiểu thuyết“cảm giác”của Wilkie Collins. Tuy nhiên, trong tác phẩm tiếp theo, Dưới tán cây xanh (Under the Greenwood Tree -1872), Hardy đã tìm thấy giọng điệu riêng biệt của chính mình.
Tháng 3/1870, Hardy được cử đến để trùng tu ngôi nhà thờ St. Juliot đổ nát ở Cornwall. Ông đã gặp Emma Lavinia Gifford, người trở thành vợ của ông bốn năm sau đó. Bà đã tích cực khuyến khích và hỗ trợ ông trong những nỗ lực văn chương, và cuốn tiểu thuyết kế tiếp của ông, Mắt biếc (A Pair of Blue Eyes -1873), được viết dựa trên chính những trải nghiệm lãng mạn trong mối tình giữa ông và Emma.
Mùa hè năm 1872, Hardy dứt khoát từ bỏ sự nghiệp kiến trúc và toàn tâm theo đuổi văn chương khi tạp chí Tinsley ký kết hợp đồng sử dụng Mắt biếc trong 11 kỳ đăng mỗi tháng. Sau đó, Cornhill, một tạp chí có uy tín hơn nhiều mời ông cung cấp một tác phẩm đăng nhiều kỳ. Kết quả là tác phẩm Xa đám đông điên loạn (Far From the Madding Crowd – 1874)  ra đời, giới thiệu cái tên Wessex lần đầu. Và cũng từ đây trở đi, hầu hết các tác phẩm của ông, đều có bối cảnh nền là Wessex, vốn là một vương quốc của người Anglo-Saxon ở miền nam đảo Great Britain từ năm 519 cho tới đầu thế kỷ 10, khi vua Æthelstan của người Anglo-Saxon thống nhất nước Anh; với Hardy, địa danh Wessex bao gồm các hạt ở vùng tây nam Anh Quốc hiện nay.
Tháng 9/1874, Hardy kết hôn với Emma Gifford, bất chấp sự phản đối của gia đình cả hai bên. Trong thời gian đầu, họ liên tục di chuyển, khi sống ở London, khi ở Dorset. Trong thời gian này ông viết tiểu thuyết Bàn tay của Ethelberta (The hand of Ethelberta - 1876); tác phẩm này được đón nhận khá thờ ơ và không phổ biến mấy. Bù lại, tiểu thuyết Trở lại cố hương (The Return of the Native – 1878) ngày càng được nhiều người hâm mộ do bối cảnh nổi bật của Egdon Heath, dựa trên vùng hoang địa ảm đạm và khắc nghiệt mà ông từng biết hồi thời thơ ấu.
Cái chết của đột ngột của Emma vào năm 1912 kết thúc hai mươi năm sống chung với nhau trong tình trạng xa lạ, nhưng nó cũng khơi gợi lại những tháng ngày tươi đẹp trong mối tình của họ, và là nguồn cảm hứng để ông hoàn thành một số tác phẩm thơ xuất sắc. Năm 1914, Hardy kết hôn với Florence Emily Dugdale, trẻ hơn ông 38 tuổi. Dù đôi khi người vợ thứ hai này gặp khó khăn, vì Hardy quá nặng lòng với những hoài niệm về người vợ cũ, bà vẫn toàn tâm chăm sóc cho sức khỏe tuổi già của ông cho tới lúc ông qua đời vào tháng 11/1928. Tro cốt của ông được đặt trong “Góc của các nhà thơ” (Poets’ Corner) tại Tu viện Westminster, còn quả tim được chôn cất chung một nấm  mộ với Emma tại nghĩa trang giáo xứ Stinsford.
Trọn đời văn nghiệp, Thomas Hardy đã sáng tác tổng cộng 14 tiểu thuyết (các tác phẩm nổi bật nhất là Far From the Madding Crowd, The Return of the Native, The Major of Casterbridge, Tess of d’Urbervilles, và Jude the Obcure), hàng trăm truyện ngắn, hai vở kịch, và chín tập thơ. Ông được công nhận rộng rãi là một nhà văn lớn của thế kỷ 19 và nhà thơ lớn của thế kỷ 20. Ngoài ra, ông được vinh hạnh đề cử cho giải Nobel Văn chương nhiều lần (1910 - 1914, 1920, 1923 - 1927)[1].
Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim như Tess of d’Urbervilles (1913; 1979; 1998, 2008) The Return of the Native (1994), Jude the Obscure (1996), The Mayor of Casterbridge (2000, 2003), Under the Greenwood Tree (2005), Far From the Madding Crowd (2015).
Nhiều nhà văn  trẻ hơn, bao gồm D. H. LawrenceJohn Cowper Powys, và Virginia Woolf rất hâm mộ các tác phẩm của ông.
Một số nhà soạn nhạc nổi tiếng, bao gồm Gerald Finzi Benjamin Britten, và Gustav Holst đã lấy thơ của ông để phổ nhạc. Holst cũng soạn bản giao hưởng dựa trên chủ đề của tiểu thuyết The Return of the Native nhan đề Egdon Heath: A Homage to Thomas Hardy vào năm 1927.


***


GIỚI THIỆU

Có lẽ Trở lại cố hương được Thomas Hardy khởi thảo vào cuối năm 1876 và hoàn thành vào mùa xuân 1878. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của ông. Trong thời gian này, ông sống tại thị trấn Sturminster Newton, hạt Dorset, vừa mới quay về sau những chuyến du lịch châu Âu với người vợ mới cưới Emma. Sau thành công của Xa đám đông điên loạn[2] (1874), Hardy đã thể nghiệm thể loại trào phúng xã hội trong Bàn tay của Ethelberta (The hand of Ethelberta; 1876), tuy nhiên tác phẩm này không được đón nhận nồng nhiệt mấy, và ông quay lại với môi trường Wessex thời trai trẻ, gắn vào bối cảnh nông thôn truyền thống này một ý thức hiện đại hơn, thông qua nhân vật Clym Yeobright, một “kẻ trở lại cố hương,” giống như ông. Hardy đã giao bản thảo ban đầu của Trở lại cố hương cho Leslie Stephen, để đăng nhiều kỳ trên tạp chí Cornhill. Stephen từ chối bản thảo vì cho rằng cách xử lý quan hệ nam nữ không phù hợp với giới độc giả thời Victorian; ví dụ, lúc đầu Thomasin đã sống với Wildeve suốt một tuần trước khi phát hiện ra rằng lễ kết hôn không đúng thể thức. Hardy đã chỉnh sửa lại bản thảo và cuối cùng nó được đăng trên tờ Belgravia vào năm 1878. Tháng 11 năm đó, một phiên bản hơi khác đã được in bởi nhà xuất bản Smith, Elder & Co. Thật sự, Hardy đã chỉnh sửa tác phẩm này hai lần nữa – cho bản in năm 1895 của Osgood Mcllvaine, và bản in năm 1912 của Macmillan.
Được công nhận rộng rãi là một trong những tiểu thuyết nổi bật nhất của Thomas Hardy, tác phẩm này tìm cách giải mã mối xung đột giữa tình yêu và tình cảm gia đình, giữa hiện thực và khát vọng, giữa tự nhiên hay định mệnh tàn ác vô tình và đời người hữu hạn.[3]       

 

TÓM TẮT CỐT TRUYỆN:

Cuốn tiểu thuyết mở đầu với hai nhân vật trên con đường băng qua vùng đất Egdon, Venn, người bán thuốc nhuộm với cỗ xe ngựa chở Thomasin và Thuyền trưởng Vye, ông ngoại của Eustacia. Cuộc hôn nhân giữa Thomasin và Wildeve bị trì hoãn do một sơ sót trong thủ tục kết hôn. Thomasin tức giận và bỏ chạy khỏi nhà thờ một mình, sau đó nàng gặp Venn và nhờ gã đưa nàng về nhà của bà Yeobright, bác gái của nàng ở Bloom-Ends. Trước đó, Wildeve và Eustacia yêu nhau nhưng do nàng rất kiêu kỳ, y chủ động chia tay với nàng và quay sang Thomasin.

Khi nghe ông nàng báo tin về cuộc kết hôn không thành, Eustacia đốt một đống lửa trước nhà nàng trên đồi Mistover để ra hiệu cho Wildeve, vì nàng nghĩ hôn lễ không thành là do y còn yêu nàng. Họ gặp lại nhau sau một thời gian xa cách; nhưng một lần nữa Wildeve chứng tỏ y không phải là một người tình hoàn hảo như khao khát của nàng. Và nàng vô cùng buồn phiền chán nản.

Venn tình cờ biết được mối tình lãng mạn giữa Eustacia và Wildeve, vì đã từng yêu Thomasin nhưng bị nàng từ chối, gã quyết ra tay trợ giúp để nàng tìm được hạnh phúc của mình. Nhưng nỗ lựccủa Vennn nhằm thuyết phục Eustacia chịu nhường Wildeve cho Thomasin, cũng như đề xuất với bà Yeobright rằng gã sẽ tự lấy Thomasin đều thất bại.

Trong tình cảnh rối loạn này, Clym Yeobright, con của bà quả phụ Yeobright, anh họ của Thomasin quay về từ Paris vào dịp lễ Giáng sinh. Eustacia nhận ra Clym có thể là người giúp nàng thoát khỏi vùng hoang địa mà nàng vô cùng căm ghét. Thậm chí trước khi gặp Clym, nàng đã tự thuyết phục mình yêu Clym, và quyết định kết thúc mối tình bế tắt với Wildeve. Sau đó Wildeve và Thomasin lấy nhau.

Phần do chủ tâm của Eustacia, phần do số phận run rủi, Clym gặp nàng trong đêm diễn kịch dân gian tại nhà anh, khi nàng giả làm một thành viên trong đội kịch để được nhìn thấy anh. Sau đó, anh tới nhà của ông ngoại nàng trên đồi Mistover để giúp các người dân trong làng kéo cái xô bị rơi xuống giếng của ông. Lần gặp này đã dẫn tới tình yêu giữa họ. Bất chấp sự phản đối gay gắt của bà Yeobright, Clym và Eustacia kết hôn với nhau, và sống trong một ngôi nhà nhỏ do Clym thuê ở cách Bloom-Ends vài dặm.

Với cuộc kết hôn này, khoảng cách giữa Clym và mẹ anh ngày càng xa. Trong thời gian đó, mâu thuẫn cũng bắt đầu này sinh giữa đôi vợ chồng trẻ. Clym là một thanh niên yêu quê hương và có những khát vọng hơi ảo tưởng: anh muốn mở một trường học để dạy trẻ con ở quê mình, với quan niệm kiến thức cần thiết hơn sự giàu có. Anh miệt mài đắm mình vào nghiên cứu để sớm đủ khả năng thực hiện kế hoạch của mình, không hề quan tâm tới những mong muốn của Eustacia. Do quá cố gắng, mắt anh bị viêm cấp tính và mất đi một phần thị lực. Anh trở thành một thợ cắt kim tước, điều này càng khiến cho Eustacia thêm đau khổ. Tuy nhiên, với bản chất kiên cường, nàng quyết định phải tìm vui cho chính mình, để vơi bớt phần nào sự buồn bã và thất vọng. Nàng tới dự một lễ hội khiêu vũ ở làng bên cạnh, và ở đó nàng tình cờ gặp lại Wildeve. Kể từ lúc ấy, Wildeve cảm thấy y ngày càng yêu nàng hơn cả trước kia.

Với sự thuyết phục của Venn, bà Yeobright mong muốn làm hòa với đôi vợ chồng trẻ, và đã lên đường tới thăm họ vào một ngày trời rất oi bức. Tình cờ, khi bà tới nhà họ, Wildeve cũng đang có mặt trong nhà. Y tới một cách công khai, và có ý định gặp cả hai vợ chồng, nhưng lúc y đến Clym đã ngủ say do làm việc vất vả. Khi y và Eustacia đang nói chuyện, bà Yeobright tới gõ cửa. Khi nghe gõ cửa, Eustacia tới bên cửa sổ nhìn ra, và thấy bà Yeobright, nhưng nàng lưỡng lự không muốn mở cửa cho bà; khi bà gõ cửa lần thứ hai, Clym nằm mơ và cất tiếng gọi mẹ. Do tưởng rằng Clym đã thức và tự mình ra mở cửa, Eustacia tiễn Wildeve ra về theo lối cửa sau, và ở lại ngoài vườn một lúc. Bà Yeobright thất vọng ra về. Trên đường, bà bị kiệt sức do trời quá nóng nên nằm xuống nghỉ mệt trên một bãi cỏ và bị rắn cắn. Do không biết sự tình trở nên nghiêm trọng như vậy, Eustacia cũng không nói gì với Clym về cuộc thăm viếng bất ngờ của Wildve.

Chiều hôm đó, do linh tính, Clym quyết định phải tới thăm mẹ. Anh tìm gặp bà Yeobright giữa đường, đưa bà tới một túp lều bỏ hoang và tìm người tới giúp. Nhưng do kiệt sức và nhiễm độc quá nặng, bà không qua khỏi.

Clym tự trách mình rất nhiều về cái chết của mẹ; sau đó, khi biết thêm tình tiết về cái ngày bi thảm này, anh và Eustacia đã cãi nhau gay gắt và chia tay nhau. Nàng trở về sống với ông ngoại, còn Clym trở về ngôi nhà của mẹ mình ở Bloom-Ends. Lại một lần nữa đêm đốt lửa Năm tháng Mười một tới. Charley, chàng trai trẻ giữ ngựa cho Thuyền trưởng Vye, vốn rất yêu mến Eustacia, tự gom góp củi để đốt lửa vì biết nàng rất thích. Khi được báo tin về đống lửa, nàng yêu cầu Charley tắt nó đi, nhưng trong lòng nàng cũng không dứt khoát. Khi nhìn thấy đống lửa, Wildeve lên đồi Mistover để gặp nàng, và y hứa sẽ giúp nàng tới cảng Budmouth để đáp tàu sang Paris. Mọi tình tiết lên tới đỉnh điểm vào một đêm giông bão; trên đường đi tới chỗ hẹn với Wildeve, Eustacia chợt nhớ ra nàng không có đủ tiền để sang Paris, và như thế, nếu muốn đi, nàng buộc phải đi cùng với Wildeve, phụ thuộc vào y. Tác giả không nói rõ nàng chết đuối do tai nạn hay do cố tình, nhưng từ diễn biến câu chuyện, có thể tin rằng nàng đã tự trầm mình để giữ gìn phẩm cách trong sạch. Khi nhảy xuống cứu nàng, Wildeve cũng chết đuối, Clym bị ngất nhưng sau đó hồi tỉnh lại.

Ở phần Vĩ Thanh, rốt cuộc Thomasin và Venn lấy nhau, sống một cuộc đời hạnh phúc. Clym trở thành một người thuyết giảng lưu động về Điều răn thứ Mười một của Chúa Jesus.

 

VÀI PHÂN TÍCH SƠ LƯỢC:

Vùng đất hoang mênh mông mà trong tác phẩm này Thomas Hardy gọi là Egdon Heath gắn liền với nền văn hóa dân gian và những tập tục, truyền thống xa xưa, hầu hết có tính chất ngoại giáo; như việc đốt lửa vào đêm Năm tháng Mười một, diễn kịch dân gian vào dịp Giáng sinh, hay những cuộc khiêu vũ tưng bừng trong lễ hội Một tháng Năm… Những chấm phá này tạo một bức nền thật sự sinh động cho tác phẩm.

Trong Trở lại cố hương, có một xung đột mạnh mẽ giữa tự nhiên hay số phận, đại diện là Egdon Heath, và con người, đại diện là các nhân vật trong tiểu thuyết, đặc biệt là Eustacia. Tiêu đề của chương đầu tiên, “Một gương mặt mà trên đó thời gian không tạo được nhiều ấn tượng” cho thấy cánh đồng hoang có một vai trò quan trọng hơn nhiều, chứ không chỉ đơn thuần là bối cảnh cho câu chuyện. Từ “gương mặt” khiến độc giả nghĩ về Egdon Health với tư cách một cá thể con người, và về bản chất, một nhân vật chính trong tiểu thuyết: “Hiện tại, vùng đất này là một nơi chốn hoàn toàn hòa hợp với bản chất loài người – không kinh khủng, mang vẻ thù ghét hay xấu xí; cũng không tầm thường, vô nghĩa hay đã bị thuần hóa; mà, giống như con người, nhẹ dạ và giàu chịu đựng; và cũng chứa đầy lạ lùng bí ẩn trong nét đơn điệu tối tăm của nó. Giống như với vài cá nhân nào đó từng sống cách biệt lâu ngày, sự cô đơn quạnh quẽ dường như toát ra ở vẻ ngoài của nó. Nó có một gương mặt cô độc, chất chứa những khả năng bi đát”.

             Và, trong khi các nhân vật đấu tranh, trở nên mệt mỏi và vỡ mộng, hoặc chết, vùng hoang địa vẫn trơ trơ không thay đổi. Nó là một biểu tượng của sự vĩnh cửu. Các khía cạnh khác của bối cảnh cũng mang tính biểu tượng, và chúng gia tăng tính chất bi thảm của tác phẩm. Sự thống trị của bóng tối mở ra ngay từ đầu tác phẩm: những đống lửa trên cánh đồng hoang, những nguồn sáng nhỏ nhoi giữa màn đêm mù mịt nhanh chóng tàn lụi và biến mất, như hạnh phúc ngắn ngủi nhất thời của Eustacia và Clym. Vầng trăng bị che khuất trong đêm nguyệt thực dự báo cho kết cuộc của tình yêu giữa họ. Vào đêm Eustacia chết, cơn mưa bão dữ dội là tiếng vọng cho những cảm xúc mãnh liệt của nàng khi nàng đau đớn kêu lên những lời phản kháng số phận đắng cay: “Ôi chao, sự độc ác của việc đặt tôi vào thế giới dại dột này! Tôi có nhiều khả năng; nhưng tôi đã bị làm tổn thương, trở nên thân tàn ma dại và bị nghiền nát bởi những thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của tôi! Ôi, Trời cao khắc nghiệt biết bao khi nghĩ ra những hình phạt như thế cho tôi, kẻ không hề làm điều gì hại tới Trời cao!”

               Nhiều nhà phê bình tin rằng trong tác phẩm này số phận hoàn toàn chiếm ưu thế; và các nhân vật là những nạn nhân bất lực của nó. Phải thừa nhận rằng số phận đóng một vai trò quan trọng; ví dụ, Eustacia tình cờ gặp lại Wildeve trong lễ hội khiêu vũ; bà Yeobright tình cờ chọn một ngày rất nóng để tới thăm Clym, tình cờ đến nơi khi Wildeve đang ở đó, và tình cờ bị rắn hổ lục cắn khi đang nằm nghỉ mệt; Eustacia không nhận được lá thư của Clym vì ông ngoại của nàng cho rằng nàng đã ngủ, vân vân. Tuy nhiên, có thể truy nguyên hầu hết các tấn thảm kịch từ các động cơ, quyết định và hành động của các nhân vật.
               Bà Yeobright có thể bị coi là nạn nhân vì Eustacia không mở cửa cho bà, nhưng chúng ta phải nhớ rằng bà chưa bao giờ chấp nhận Eustacia và cố gắng tác động để Clym từ bỏ nàng. Bà cho rằng mình có địa vị xã hội cao hơn nhiều so với Eustacia, và không tin tưởng nàng vì nàng là một con người tự do; bà cho rằng nàng là kẻ lười nhác và vô trách nhiệm, gợi ý rằng nàng có mối quan hệ khinh suất với Wildeve; nói chung là ghen tị với nàng vì bà muốn giữ Clym cho chính mình. Bà từ chối tham dự đám cưới của Clym và đối xử với Eustacia một cách trịch thượng khi họ nói chuyện với nhau gần ao nước. Sau đó bà tránh xa con trai và vợ của anh, đủ lâu để đào sâu thêm khoảng cách giữa họ.
               Clym cũng tự mang lại cho mình nhiều rắc rối. Anh hài lòng với sự quan tâm và tình cảm say đắm mà Eustacia dành cho mình, nhưng không bao giờ thực sự nhìn thấy nàng với tư cách một cá thể hoàn toàn khác biệt. Không chú ý tới sự căm ghét cánh đồng hoang cũng như khao khát rời khỏi nó của Eustacia, anh cho rằng nàng sẽ là một phần quan trọng trong sứ mệnh giảng dạy của mình. Sau khi kết hôn, Clym bỏ mặc nàng và dành thời gian cho việc nghiên cứu; sự suy giảm thị lực có thể là một biểu tượng cho sự mù quáng trước thực tế của anh. Ngay cả khát vọng trở thành một giáo viên của anh cũng ích kỷ và không thực tế; anh cố thoát khỏi những xung đột của đời sống bằng cách tự xây dựng một hiện thực xa vời và ảo tưởng, và muốn áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Hình ảnh của Clym ở cuối truyện mang tính chất mỉa mai cay đắng: một nhà thuyết giảng lang thang chưa tới ba mươi ba tuổi.
               Eustacia là nhân vật ấn tượng nhất, nhưng cũng mơ hồ nhất của tác phẩm. Chúng ta hãy nghe Thomas Hardy miêu tả nàng: “Eustacia Vye là nguyên liệu thô của một nữ thần. Hẳn nàng sẽ đóng tốt vai trò đó trên đỉnh Olympus với chút ít chuẩn bị. Nàng có những đam mê và bản năng tạo nên một nữ thần kiểu mẫu, nghĩa là, những phẩm chất hoàn toàn không thể tạo ra một phụ nữ kiểu mẫu. Với một số người, như Susan Nunsuch, nàng là một phù thủy đáng sợ và đáng ghét. Với bà Yeobright là một cô gái lập dị, có những thói quen khác người và lười nhác. Với đa số đàn ông, nàng là một sức hút khó lòng cưỡng lại. Nàng là bóng tối, cũng vừa là ánh sáng. Nàng khao khát được yêu đến điên cuồng. Nàng cảm thấy Egdon Heath là một địa ngục, nơi giam cầm tuổi trẻ, sắc đẹp và những khao khát của mình. Lời cầu nguyện thường ngày của nàng là: “Ôi, hãy đưa tim tôi ra khỏi chốn ảm đạm quạnh hiu đáng sợ này; hãy gửi đến cho tôi tình yêu vĩ đại từ đâu đó, không thì tôi sẽ chết.”Nàng đã thua cuộc và chết, nhưng cái chết của nàng khiến cho tính chất bi kịch của đời người thêm sâu sắc, và nó biến nàng thành nhân vật không thể nào quên trong câu chuyện.
               Trên đây là một số điểm sơ lược mà người dịch nghĩ có lẽ quý vị độc giả muốn biết trước khi thưởng thức tác phẩm. Dù sao, một tác phẩm lớn có thể được nhìn nhận, cảm và hiểu  từ nhiều góc độ khác nhau, và việc đó xin nhường lại cho quý vị. Rất mong nhận được sự ủng hộ của quý vị đối với bản dịch này.
Sài Gòn, 12/2017
Nguyễn Thành Nhân





[1] Nguồn: https://www.nobelprize.org/nomination/archive/show_people.php?id=3892
[2] Bản dịch của Hà Linh, NXB Văn hóa –Thông tin, 2014.
[3] Tác phẩm đã được BBC chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 1994, do Jack Gold đạo diễn; vai Eustacia do nữ diễn viên Catherine Zeta-Jones thủ diễn. Phim đã được đề cử giải thưởng Golden Globe For Best Miniseries or Television Film. Quý vị độc giả có thể xem phim online theo link sau: http://www.dailymotion.com/video/x2kur3v.

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

Giới thiệu ba chương đầu của TESS OF THE D'URBERVILLES


Xin trân trọng giới thiệu với các bạn ba chương đầu của tiểu thuyết này.



  
Thomas Hardy








TESS
Một tâm hồn thuần khiết

Nguyễn Thành Nhân dịch




Dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Tess of the d’Urbervilles – A Pure Woman
Của Thomas Hardy
Dịch giả giữ bản quyền bản tiếng Việt





GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT: Nàng thôn nữ

Chương I - XI

_______________________________________


I


Vào một xế chiều cuối tháng Năm, một người đàn ông trung niên đang từ Shaston đi bộ trở về nhà. Ông ở thôn Marlott, nằm tiếp giáp với Thung lũng Blakemore, hoặc Blackmoor. Đôi chân của ông yếu ớt, và dáng đi của ông có xu hướng hơi nghiêng sang trái. Thỉnh thoảng ông lại gật đầu, như thể xác nhận một ý nghĩ nào đó, dù ông không hề nghĩ tới một điều gì cụ thể. Ông móc lủng lẳng trên tay một cái giỏ đựng trứng trống rỗng, đội một cái mũ nỉ đã sờn, một mảng to trên vành mũ đã rách toạc và ông đưa ngón cái lên để giật nó ra. Đúng lúc đó ông nhìn thấy một vị cha xứ lớn tuổi ngồi vắt vẻo trên lưng một con lừa xám, miệng đang ngâm nga một khúc du ca.
“Chúc buổi tối tốt lành,” ông cất tiếng chào.
“Chúc buổi tối tốt lành, Ngài John,” vị cha xứ đáp lễ.
Kẻ bộ hành bước thêm một hai bước nữa, rồi dừng chân và quay lại.
“Xin thứ lỗi, thưa ông; chúng ta đã gặp nhau vào phiên chợ lần trước trên con đường này, cũng vào khoảng giờ này, tôi đã nói ‘Chúc buổi tối tốt lành,’ và ông cũng đáp lại ‘Chúc buổi tốt tốt lành, Ngài John,’ như hiện giờ.”
“Đúng thế,” vị cha xứ đáp.
“Và một lần trước đó nữa, gần một tháng trước.”
“Có lẽ tôi đã chào như thế.”
“Vậy ý của ông là gì khi gọi tôi là ‘Ngài John’ trong những lần này, khi tôi chỉ là Jack Durbeyfield, một người bán dạo quê mùa?”
Vi cha xứ giục lừa tới gần hơn.
“Đó chỉ là sở thích nhất thời của tôi,” ông đáp; và nói thêm sau giây lát ngần ngừ: “Cách đây ít lâu tôi phát hiện ra một việc, trong lúc đang săn lùng những phả hệ cho một cuốn sách lịch sử mới của hạt. Tôi là cha xứ Tringham, nhà khảo cổ, ở làng Stagfoot Lane. Durbeyfield; chẳng lẽ ông thật sự không biết rằng ông là đại diện của dòng tộc hiệp sĩ cổ xưa d'Urbervilles, vốn là hậu duệ của Ngài Pagan d'Urberville, vị hiệp sĩ lừng danh đến từ Normandy cùng với William Kẻ Chinh phục, như được ghi trong Văn kiện của Tu viện Battle[1] hay sao?”
“Chưa bao giờ nghe nói tới nó, thưa ông!”
“Vâng, đúng thế đó. Hãy ngẩng cằm ông lên giây lát, để tôi có thể ngắm nét mặt nhìn nghiêng của ông rõ hơn. Phải, đó là cái mũi và cằm của dòng họ d'Urberville, dù hơi kém phẩm chất hơn chút đỉnh. Tổ tiên của ông là một trong mười hai hiệp sĩ của Lãnh chúa xứ Estremavilla ở Normandy trong cuộc chinh phục xứ Glamorganshire. Các nhánh gia tộc của ông có thái ấp trên toàn bộ vùng này của nước Anh; tên của họ xuất hiện trong các Cuộn Văn kiện  vào thời Vua Stephen. Dưới triều Vua John, một trong số họ đủ giàu để tặng một thái ấp cho các Hiệp sĩ dòng Thánh John, và vào thời của Vua Edward Đệ Nhị, tổ tiên Brian của ông được mời tới Westminster để tham gia Đại hội đồng tại đó. Dòng tộc của ông bị sa sút đôi chút vào thời của Oliver Cromwel[2], nhưng không nghiêm trọng lắm, và dưới triều của Charles Đệ Nhị họ được phong làm Hiệp sĩ Cây Sồi Hoàng gia[3] vì lòng trung thành. Phải, đã có những thế hệ các Ngài John trong số tổ tiên của ông, và nếu tước hiệp sĩ có thể kế thừa như thuở trước, khi cha có thể truyền lại tước hiệu này cho con trai, giờ ông sẽ là Ngài John.”
“Ông đừng nói như thế!”
“Nói tóm lại,” vị cha xứ kết luận, vụt nhẹ roi vào chân mình với vẻ quả quyết, “khó mà có một gia tộc khác như thế ở nước Anh.”
“Một thông tin choáng cả người, phải không?” Durbeyfield đáp. “Và tôi đã lăn lóc từ nơi này sang nơi khác, hết năm này sang năm khác, như thể tôi không hơn gì một gã tiều phu tầm thường nhất trong xứ đạo… Tin tức này về tôi đã được biết từ bao lâu rồi, thưa Cha xứ Tringham?"
Vị cha xứ giải thích rằng, trong chừng mực ông biết, thông tin này đã hoàn toàn tuyệt tích từ lâu, và hầu như không ai biết cả. Những điều tra riêng của ông đã được bắt đầu vào mùa xuân năm ngoái, trong lúc truy tìm dấu tích thăng trầm của gia tộc d'Urberville, ông đã nhìn thấy cái tên Durbeyfield trên cỗ xe ngựa của Jack, và từ đó đã tiến hành những điều tra về cha và ông nội của Jack cho tới khi không còn hồ nghi gì về vấn đề này nữa.
“Thoạt tiên tôi quyết định không quấy rầy ông với một thông tin vô ích như thế,” ông nói. “Tuy nhiên, đôi khi những thôi thúc của chúng ta quá mạnh mẽ so với những phán xét của chúng ta. Tôi nghĩ có lẽ lâu nay ông cũng biết đôi điều gì đó về việc này.”
“Vâng, đúng thế, tôi có nghe nói một hai lần, rằng tổ tiên tôi từng có những ngày tháng tốt đẹp hơn trước khi họ tới Blackmoor. Nhưng tôi không chú ý tới nó, nghĩ rằng nó chỉ có nghĩa rằng chúng tôi từng có thời làm chủ hai con ngựa trong khi bây giờ chỉ có một con. Tôi có một cái muỗng bạc, và một con dấu niêm phong ở nhà; nhưng Lạy Chúa, một cái muỗng và một con dấu là gì chứ?... Và hãy nghĩ rằng tôi và những người cao quý họ d'Urbervilles này luôn có chung huyết thống mà xem. Tôi nghe nói ông cố của tôi có những bí mật, và không muốn nói về xuất xứ của mình… Và, thưa cha xứ, xin đánh bạo hỏi hiện giờ dòng họ d'Urbervilles của chúng tôi sống ở đâu?”
“Không ở đâu cả. Dòng họ của ông đã tuyệt tận, với tư cách một gia tộc từng sống trong hạt suốt nhiều thế hệ.”
“Thế thì tệ thật.”
“Phải, đó là cái mà những biên niên sử gia tộc viết sai sự thật gọi là sự tuyệt tự ở phía họ bên nội, nghĩa là đã chết, đã xuống mồ hết.”
“Vậy chúng tôi nằm ở đâu?”
“Ở Kingsbere-sub-Greenhill, có hàng hàng lớp lớp tổ tiên ông nằm trong những hầm mộ, với những chân dung khắc bên dưới những mái vòm cẩm thạch Purbeck.”
“Thế các dinh thự và thái ấp của gia tộc chúng tôi ở đâu?”
“Không có bất cứ thứ gì cả.”
“Ồ, cả đất đai cũng không?”
“Không; dù họ từng có thừa thãi, như tôi đã nói, vì gia tộc của ông bao gồm rất nhiều nhánh. Trong hạt này từng có một vùng đất của họ ở Kingsbere, một chỗ khác ở Sherton, một chỗ khác ở Millpond, một chỗ khác ở Lullstead, và một chỗ khác ở Wellbridge.”
“Vậy chúng tôi có khấm khá trở lại được không?”
“Chà, tôi không thể nói được điều đó!”
“Vậy tốt nhất tôi nên làm gì về việc này, thưa ông?” Durbeyfield hỏi,  sau một giây im lặng.
“Ồ, không gì cả, không gì cả; ngoại trừ tự kềm chế bản thân với ý nghĩ kẻ thành đạt đã suy sụp thế nào. Đây là một thực tế đáng chú ý với sử gia và nhà phả hệ học địa phương, chỉ thế thôi. Có nhiều gia tộc của những nông dân trong hạt này cũng có gốc tích vẻ vang gần như tương tự. Buổi tối tốt lành.”
“Nhưng ông sẽ quay lại và nhấm nháp một vại bia với tôi chứ, cha xứ Tringham? Có một loại bia rất khá ở quán Giọt Trong lành, dù chắc chắn nó không ngon bằng ở quán của Rolliver.”
“Không, cám ơn, chiều nay thì không, Durbeyfield. Ông đã uống đủ rồi.” Sau khi kết luận như thế, vị cha xứ giục lừa đi tiếp, với những mối nghi hoặc về quyết định tiết lộ thông tin khác thường của mình về truyền thuyết gia tộc này.
Khi ông ta đã đi khỏi, Durbeyfield đi vài bước nữa trong trạng thái mơ mộng say sưa, rồi ngồi xuống bờ cỏ ven lộ, đặt cái giỏ trước mặt. Vài phút sau, một thiếu niên xuất hiện ở phía xa và đang đi về hướng của ông. Khi nhìn thấy nó, ông giơ tay lên, và nó dấn bước tới gần hơn.
“Cậu bé, hãy cầm cái giỏ này lên! Ta muốn cậu làm giúp ta một việc vặt.”
Thằng bé gầy như que củi cau mày. “John Durbeyfield, ông là ai mà ra lệnh cho tôi và gọi tôi là ‘cậu bé’? Ông biết tên tôi rõ như tôi biết tên ông mà!”
“Vậy sao, vậy sao? Đó là điều bí mật… Đó là điều bí mật! Giờ hãy làm theo lời ta, và đón nhận thông điệp ta sẽ nói với cậu… Ờ, Fred, ta không ngại nói với cậu rằng bí mật đó là ta là một trong một dòng dõi cao quý, ta mới phát hiện ra nó ngay chiều nay.” Trong lúc tuyên bố như thế, Durbeyfield, ngả người ra và thoải mái nằm duỗi người trên bờ cỏ, giữa những lùm cúc dại.
Thằng bé đứng trước mặt ông, và ngắm nghỉa ông từ đầu tới chân.
“Ngài John d'Urberville, đó chính là ta,” người đàn ông đang nằm nói tiếp, “nếu tước hiệu hiệp sĩ có thể kế thừa, mà đó là lẽ đương nhiên. Toàn bộ những điều về dòng dõi của ta đã được ghi chép trong sử sách. Cậu bé, cậu có biết một nơi gọi là Kingsbere-sub-Greenhill không?”
“Có. Tôi đã tới Greenhill Fair.
“Ờ, bên dưới nhà thờ của thành phố đó là…”
“Nơi tôi muốn nói không phải là một thành phố; ít ra là khi tôi tới đó. Nó là một địa điểm nhỏ xíu.”
“Đừng bận tâm tới điều đó, cậu bé, đó không phải là vấn đề quan trọng. Nằm bên dưới ngôi nhà thờ của giáo xứ đó là những tổ tiên của ta, hàng trăm người, trong những bộ áo giáp đính đầy châu báu, trong những cỗ quan tài bằng chì nặng hàng tấn. Không kẻ nào trong hạt South Wessex có những bộ xương tiên tổ vĩ đại và cao quý hơn ta.”
“Ồ?”
“Giờ hãy cầm lấy cái giỏ đó, và tới thôn Marlott, và khi cậu tới quán Giọt Trong Lành, hãy bảo họ hãy lập tức gửi tới một cỗ xe ngựa để chở ta về nhà, trong thùng xe phải có thêm một chai rượu rum nhỏ. Và khi làm xong việc đó, cậu hãy mang cái giỏ tới nhà ta, và nói với vợ ta hãy ngưng việc giặt giũ, vì bả không cần hoàn thành nó, và chờ cho tới khi ta về nhà, vì ta có tin tức cần nói với bả.”
Trong lúc cậu bé đứng phân vân, Durbeyfield thò tay vào túi và móc ra một siling, một trong số vài đồng ít ỏi mà ông có.
“Đây là tiền công của cậu, cậu bé.”
Việc này tạo nên một khác biệt trong phỏng đoán về địa vị của ông.
“Vâng, Ngài John. Cám ơn. Tôi có thể làm gì khác nữa, thưa Ngài John?”
“Bảo với vợ ta rằng ta muốn ăn bữa tối với thịt cừu rán nếu bả có thể kiếm được, còn nếu không có thì dồi tiết heo, và nếu không có món này thì phèo heo cũng được.”
“Vâng, thưa Ngài John.”
Thằng bé cầm lấy cái giỏ, và khi nó cất bước, một điệu kèn đồng vang lên từ hướng ngôi làng.
“Gì thế?” Durbeyfield nói. “Không phải vì ta đó chứ?”
“Đó là đám rước của hội phụ nữ, Ngài John. Con gái của Ngài là một trong số các hội viên của nó.”
“Chắc vậy rồi. Ta quên bẳng việc này vì đang nghĩ tới những điều lớn lao hơn. Được rồi, hãy tới Marlott và gọi cỗ xe ngựa, có lẽ ta sẽ đánh xe đi một vòng và kiểm tra cái hội đó.”
Thằng bé lên đường, và Durbeyfield nằm chờ giữa những bụi cỏ và cúc dại dưới ánh nắng chiều. Suốt một hồi lâu không có ai đi ngang qua đó, và những điệu kèn đồng văng vẳng là những âm thanh con người duy nhất giữa những dãy đồi xanh.


II

Thôn Marlott nằm giữa những vùng đất nhấp nhô của Thung lũng Blakemore, hoặc Blackmoor xinh đẹp, như đã nói, một khu vực tách biệt với đồi núi bao quanh, hầu hết đều chưa từng có một khách lãng du hoặc họa sĩ phong cảnh nào đặt chân tới, dù chỉ cách London một chặng đường chưa tới bốn tiếng đồng hồ.
Người ta có thể nhận biết tốt nhất về nó bằng cách ngắm nhìn nó từ đỉnh của những ngọn đồi bao quanh – có lẽ ngoại trừ trong những ngày khô hạn của mùa hè. Một cuộc dạo chơi trong những vùng hẻo lánh của nó khi thời tiết xấu có thể mang tới sự bất mãn do những con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo và lầy lội của nó.
Vùng quê màu mỡ và được chở che này, trong đó những cánh đồng không bao giờ ngả sang màu nâu và những dòng suối không bao giờ cạn, tiếp giáp với dãy núi đá phấn sừng sững ôm ấp những ngọn đồi Hambledon, Bulbarrow, Nettlecombe-Tout, Dogbury, High Stoy, và Bubb Down ở phía nam. Khách bộ hành từ bờ biển, sau khi tiến về phía bắc hai mươi dặm qua những vùng đất thấp và đồng lúa, sẽ đột nhiên chạm trán rìa của một trong những vách núi này và ngạc nhiên, thích thú khi nhìn thấy một vùng quê mở ra bên dưới như một tấm bản đồ, hoàn toàn khác với vùng đất mà y đã đi qua. Phía sau y là những ngọn đồi, mặt trời tỏa nắng xuống những cánh đồng rộng lớn như chỉ rõ đặc tính phơi mở của phong cảnh; những lối mòn trắng xóa, những bờ rào thấp và dày, bầu không khí trong veo. Tại đây, trong thung lũng, thế giới dường như được xây dựng trên một tỷ lệ nhỏ bé hơn và tinh tế hơn; những cánh đồng chỉ là những mảnh đất nhỏ, bị giảm thiểu đến độ từ độ cao này những bờ rào của chúng hiện ra như một mạng lưới những sợi chỉ xanh thẫm trên nền xanh nhợt nhạt hơn của cỏ. Bầu không khí bên dưới nặng nề, và nhuốm một màu xanh trời dịu vợi mà những họa sĩ gọi là sắc độ của khoảng xa, trong lúc chân trời mé ngoài thẫm một màu xanh biếc sâu thẳm nhất. Đất có thể canh tác rất ít và hạn chế; trừ những ngoại lệ hiếm hoi, toàn cảnh là một tấm thảm rộng xum xuê cây cỏ, che phủ những ngọn đồi và thung lũng nhỏ nằm bên trong nó. Đó chính là Thung lũng Blakemore.
Huyện này đáng chú ý cả về mặt lịch sử lẫn địa hình. Hồi thời trước, Thung lũng được biết tới dưới cái tên Bạch Lộc Lâm (Forest of White Hart), từ một truyền thuyết vào thời Vua Henry III trị vì. Một người tên là Thomas de la Lynd đã giết chết một con hươu trắng mà nhà vua từng nuôi và đã thả đi khi nó già yếu. Ông ta phải chịu một khoản tiền phạt nặng. Vào thời đó, và đến tận thời gian tương đối gần đây, vùng này là rừng rậm. Thậm chí hiện giờ, người ta vẫn nhìn thấy dấu vết của nó ở những cụm sồi già và những khu vực cây thân gỗ còn sót lại trên những sườn đồi, và những cây to rỗng ruột che mát cho nhiều đồng cỏ.
Cánh rừng đã mất, nhưng một số phong tục cũ chịu ảnh hưởng của nó vẫn còn sót lại. Tuy nhiên, nhiều trong số đó chỉ lay lắt tồn tại dưới một hình thức đã biến đổi hoặc trá hình. Chẳng hạn như cuộc khiêu vũ May Day[4] chiều hôm đó, dưới cái vỏ ngụy trang một cuộc lễ hội, hoặc đám rước của hội phụ nữ, như tên gọi của nó ở đó.
Đó là một sự kiện thú vị đối với thôn dân ở Marlott, dù những kẻ tham gia lễ hội không nhận ra sự thú vị thật sự của nó. Tính chất đặc biệt của nó nằm ở chỗ những thành viên đều là nữ hơn là ở chỗ tập tục đi bộ trong đám rước và khiêu vũ vẫn còn lưu giữ được. Trong các hội của đàn ông, những cuộc lễ lạc như thế, dù vẫn kéo dài lay lắt, kém phổ biến hơn nhiều; nhưng sự e thẹn của giới tính yếu mềm hơn, hoặc một thái độ mỉa mai của đám đàn ông, đã tước khỏi một vài hội của phụ nữ còn lại (nếu còn bất cứ hội nào) điều từng là niềm vinh dự và sự toàn bích của chúng. Chỉ còn duy nhất hội của thôn Marlott duy trì tập tục lễ hội Cerealia[5] của địa phương. Nó đã tồn tại suốt nhiều trăm năm, nếu không phải là một hội vì lợi lộc thì cũng là một dạng hội mang tính chị em tương trợ, và nó vẫn còn tồn tại.
Toàn bộ đoàn diễu hành đều mặc áo dài trắng – một tàn tích vui vẻ từ những thời Lịch Kiểu Cũ[6], khi niềm vui đồng nghĩa với lễ hội tháng Năm – những ngày trước khi thói quen lo xa cả nghĩ đã giảm trừ những cảm xúc xuống một mức bình thường đơn điệu. Cuộc trình diễn đầu tiên của họ là đi thành một đám rước hai hàng đôi vòng quanh xứ đạo. Lý tưởng và thực tế chạm nhau khi mặt trời soi sáng hình dáng nổi bật của họ trên những bờ giậu xanh ngắt và những mặt tiền nhà phủ kín dây leo; bởi, dù toàn thể đều mặc đồ trắng, không có hai màu trắng nào trùng nhau trong số họ. Một số mặc màu trắng đơn thuần; số khác với một sắc trắng ngã xanh trời; một số mặc đồ may theo kiểu cũ (vốn nằm im trong tủ suốt nhiều năm), có xu hướng ngả sang một sắc trắng cháo lòng, và may theo kiểu thời Georgia.
Ngoài sự khác biệt của sắc áo, mỗi người đàn bà và thiếu nữ cầm trên tay phải một nhánh liễu đã lột vỏ và trên tay trái một bó hoa trắng. Cách lột vỏ và cách chọn hoa tùy vào ý thích cá nhân.
Trong đoàn cũng có vài phụ nữ trung niên và cao tuổi, mái tóc bạc trắng xơ xác và những gương mặt nhăn nheo của họ, dưới sự đè nặng của thời gian và những muộn phiền lo lắng, trông có vẻ lố bịch và lạc lõng trong hoạt cảnh vui tươi như thế. Có lẽ từ một góc nhìn chân thật, còn có nhiều điều hơn nữa để nói về từng bà lão lo âu và giàu kinh nghiệm mà tuổi đời đã gần kết thúc khi bà ta nói, ‘Ta chả vui thú chút nào trong chuyện này,” so với những bạn đồng hành trẻ trung của bà ta. Nhưng thôi, hãy tạm gác lại những bà lão để nói tới những kẻ mà bên dưới lớp váy áo của họ cuộc sống đang đập một nhịp rộn ràng và ấm áp.
Thật sự, các cô gái trẻ là thành phần chủ yếu của đám rước, và những mái tóc dày mượt của họ phản chiếu dưới ánh nắng mọi cung bậc của màu vàng, đen, và nâu. Một số có đôi mắt đẹp, số khác có chiếc mũi đẹp, số khác có đôi môi và thân hình đẹp; một số ít, nếu có, có tất cả các vẻ đẹp đó. Sự khó khăn rõ rệt trong việc giữ cân bằng mái đầu, tư thế tự nhiên của đôi môi, và sự ngượng ngập trước cái nhìn soi mói của công chúng cho thấy họ là những thôn nữ quê mùa chất phác, chưa quen với ánh mắt của nhiều người.
Mỗi người trong bọn họ được sưởi ấm mà không cần tới ánh mặt trời, vì mỗi người đều có một vầng thái dương riêng cho tâm hồn để tắm mình trong đó; một giấc mơ, một tình quyến luyến, một sở thích cá nhân, ít nhất một hy vọng xa xôi nào đó, mà dù có lẽ không hướng tới điều gì, vẫn hiện hữu, như những niềm hy vọng vẫn sẽ là như vậy. Tất cả đều vui vẻ, và nhiều người tươi tắn như hoa.
Khi họ đi vòng qua quán Giọt Trong Lành, và ngoặt ra con đường lớn để đi qua một cánh cổng nhỏ mở ra những đồng cỏ, một người trong bọn nói:
“Ối Trời! Sao chứ, Tess Durbeyfield, không phải tía[7] chị đang về nhà trong một cỗ xe ngựa đó hay sao!”
Một thành viên trẻ tuổi trong đoàn quay đầu lại khi nghe tiếng cảm thán. Nàng là một thiếu nữ xinh xắn. Có thể không xinh hơn một số khác. Nhưng đôi môi như hai cánh mẫu đơn vừa hé nở và đôi mắt to ngây thơ bổ sung thêm sức thuyết phục cho màu sắc và hình thể. Nàng đeo một dải băng đô đỏ trên tóc và là người duy nhất trong bọn có thể tự hào với một vật trang sức dễ nhận ra như thế. Khi quay lại, nàng trông thấy Durbeyfield đang ngồi trong một cỗ xe độc mã của quán Giọt Trong Lành, xà ích là một cô gái tóc xoăn rắn rỏi, tay áo xăn cao trên hai khuỷu tay. Đó là cô hầu bàn vui tính trong quán, đôi khi kiêm thêm vai trò người chăm sóc ngựa và đánh xe. Durbeyfield ngồi ngả lưng trên ghế, mắt nhắm tịt, vừa giơ tay vẫy vẫy trên đầu vừa chậm rãi ngâm nga:
“Ta có một hầm mộ gia tộc ở Kingsbere… và những tổ tiên được phong tước hiệp sĩ nằm trong những cỗ quan tài bằng chì!”
Cả bọn cười khúc khích, trừ cô gái được gọi là Tess; dường như một ngọn lửa nóng bừng đang bốc lên trong đầu nàng với ý nghĩ rằng cha nàng đã tự biến mình thành một gã ngốc trong mắt họ.
“Ổng mệt, chỉ thế thôi,” nàng nói vội, “và ổng đã quá giang về nhà, vì hôm nay con ngựa của chúng tôi phải được nghỉ ngơi.”
“Chúa ban phúc cho sự đơn giản của chị, Tess ạ,” các bạn của nàng nói. “Ổng đã nốc khá nhiều rượu ở chợ. Haha!”
“Nè, tôi sẽ không bước thêm bước nào nữa với chị, nếu chị nói bất cứ câu đùa cợt nào về ổng!” Tess kêu lên, và màu đỏ trên má nàng lan ra khắp gương mặt, xuống tới cổ. Trong thoáng chốc, mắt nàng ngấn nước, và nàng cụp mắt nhìn xuống đất. Nhận thấy nàng thật sự  đau lòng, họ không nói thêm gì nữa, và trật tự lại được vãn hồi. Lòng kiêu hãnh của Tess không cho phép nàng quay lại lần nữa để xem cha mình muốn nói điều gì, nếu có; do đó nàng xoay người đi về phía mảnh đất có rào bao quanh trên bãi cỏ, nơi sẽ diễn ra cuộc khiêu vũ. Khi tới đó, lòng nàng cũng đã bình thản lại; nàng vụt nhẹ nhánh liễu vào người bên cạnh và nói chuyện như thường lệ.
Vào thời điểm này Tess Durbeyfield chỉ là một nguồn cảm xúc thuần khiết, chưa bị kinh nghiệm nhuộm đen. Ở một mức độ nào đó, nàng vẫn phát âm với giọng địa phương, dù đã theo học ở trường làng: trong huyện này đặc điểm của thứ phương ngữ đó là âm tiết UR, có lẽ cũng được phát âm đa dạng như bất cứ từ ngữ nào có thể tìm thấy trong cách nói của loài người. Nàng hơi bĩu bờ môi trên đỏ thắm và nó hầu như chưa kịp quay lại hình dáng bình thường khi nàng phát ra âm tiết này, còn bờ môi dưới của nàng có xu hướng đẩy vị trí ở giữa  môi trên lên, khi chúng khép lại sau một từ.
Những giai đoạn thơ ấu vẫn còn ẩn nấp trong diện mạo của nàng. Hôm nay, trong lúc nàng bước đi, bạn có thể thỉnh thoảng nhìn thấy trên nét mặt phụ nữ xinh đẹp hồng hào đó tuổi mười hai của nàng trên đôi má, hoặc tuổi lên chín lấp lóe trong đôi mắt; và thậm chí tuổi lên năm đôi khi thoáng gợn trên những đường cong của đôi môi.
Thế nhưng rất ít người biết, và còn ít người hơn nữa nghĩ tới điều này. Một thiểu số nhỏ, chủ yếu là người lạ, sẽ nhìn nàng hơi lâu khi tình cờ bước ngang qua, thầm ngưỡng mộ vẻ tươi tắn của nàng và tự hỏi họ có bao giờ gặp nàng lần nữa hay chăng. Nhưng với hầu hết mọi người nàng chỉ là một thôn nữ xinh đẹp, không hơn.
Không ai nhìn thấy hay nghe thấy gì nữa từ Durbeyfield đang ngồi trong cỗ xe khải hoàn dưới sự điều khiển của tay nữ xà ích, và đám rước đã đi vào địa điểm ấn định, cuộc khiêu vũ bắt đầu. Vì trong đoàn không có đàn ông, lúc đầu các cô gái nhảy với nhau, nhưng khi sắp tới giờ nghỉ việc, những cư dân nam giới trong thôn, cùng những người đi bộ và nhàn rỗi khác tụ tập lại quanh sân khiêu vũ và có vẻ muốn bước tới xin làm bạn nhảy.
Trong số khán giả này có ba thanh niên thuộc tầng lớp trên, lưng đeo ba lô và tay cầm gậy chống. Vẻ giống nhau và tuổi tác xê xích gần nhau của họ cho thấy họ có thể là ba anh em ruột, và quả là như thế. Người lớn tuổi nhất đeo một chiếc cà vạt trắng, mặc áo chẽn cao, và đội một cái mũ vành mỏng theo kiểu mũ các cha phó hay đội; người thứ hai là một sinh viên bình thường; diện mạo của người thứ ba và trẻ nhất hầu như không đủ để xác định đặc điểm của y; có một vẻ bất cần và thoải mái trong đôi mắt và trang phục của y cho thấy y hầu như chưa bước vào nếp sống chuyên môn. Chỉ có thể đoán y là một sinh viên còn lưỡng lự chưa dứt khoát chọn nghề nào.
Ba anh em này nói với những kẻ tình cờ quen biết rằng họ đang nghỉ lễ Whitsun và thực hiện một chuyến đi bộ dạo chơi qua Thung lũng Blackmoor về phía tây nam từ thị trấn Shaston ở hướng đông bắc.
Họ tựa lưng vào cánh cổng gần đường quan lộ, và hỏi thăm ý nghĩa của cuộc khiêu vũ và các cô gái mặc đồ trắng. Rõ ràng hai người lớn tuổi hơn không định nấn ná lâu hơn, nhưng cảnh tượng một đám thanh nữ khiêu vũ mà không có bạn nhảy nam dường như lôi cuốn kẻ thứ ba, khiến gã không vội lên đường. Gã tháo ba lô ra, đặt nó và cây gậy lên bờ giậu, và mở cổng.
“Em định làm gì đó, Angel?” Người lớn tuổi nhất hỏi.
“Em muốn nhập bọn vui chơi với họ. Sao cả ba chúng ta không tham dự chứ, chỉ một hai phút thôi, nó sẽ không cầm chân chúng ta lâu.”
“Không, không, vớ vẩn,” người anh cả nói. “Nhảy múa trước công chúng với một đám thiếu nữ quê mùa lanh chanh, giả sử có ai nhìn thấy chúng ta thì sao! Đi thôi, không trời sẽ tối trước khi chúng ta tới Stourcastle, và không có nơi nào gần hơn chỗ đó để chúng ta ngủ lại; ngoài ra, chúng ta phải nghiên cứu một chương khác trong cuốn Một luận điểm phản đối Thuyết Bất khả tri trước khi ngủ. Anh đã cất công mang nó theo.”
“Được rồi, em sẽ đuổi kịp anh và Cuthbert trong năm phút; đừng dừng lại; em hứa mà, Felix.”
Hai ông anh miễn cưỡng bỏ gã lại và cất bước, mang theo cái ba lô của gã để giúp gã dễ đuổi theo hơn, và cậu em út bước vào sân khiêu vũ.
“Thật ngàn lần đáng tiếc,” gã lễ phép nói với hai ba cô gái gần nhất, ngay khi điệu nhảy tạm dừng. “Các bạn nhảy nam của các cô đâu, các quý cô thân mến?”
“Họ còn đang làm việc,” một cô bạo dạn nhất đáp. “Họ sẽ lần lượt tới đây. Cho tới lúc đó, anh sẽ là một bạn nhảy chứ, thưa anh?”
“Tất nhiên rồi. Nhưng một người thì có là gì giữa quá nhiều người!”
“Vẫn tốt hơn là không có ai. Đối diện và nhảy với một người cùng giới thì buồn lắm, vì không có cái ôm nào hết. Giờ hãy chọn đi nào.”
“Suỵt, đừng có quá sốt sắng như thế!” Một cô gái e thẹn hơn nói.
Khi được mời mọc như thế, chàng trai trẻ nhìn thoáng qua bọn họ, cố phân biệt, nhưng vì nhóm này quá mới mẻ, gã không thực hiện tốt lắm việc này. Gã chọn hầu như người đầu tiên tới gần, không phải người phát biểu, như nàng ta mong đợi; cũng không phải Tess Durbeyfield. Phả hệ, những bộ xương của tổ tiên, ghi chép trên bia đá và những đặc điểm diện mạo của dòng họ d'Urberville đều không giúp Tess trong trận chiến của đời nàng, thậm chí ở mức độ thu hút cho mình một bạn nhảy trước tầng lớp nông dân bình thường nhất. Thật vô tích sự, dòng máu Norman không được trợ giúp bởi tiền tài thời Victoria.
Tên của cô gái nổi trội, bất kể là gì, không được truyền lại đời sau; nhưng nàng bị tất cả ghen tị vì là người đầu tiên được hưởng thụ niềm vui xa xỉ có bạn nhảy đàn ông tối đó. Thế nhưng đó là một tấm gương mạnh mẽ đến độ các chàng trai trẻ trong thôn, vốn không hấp tấp bước vào cổng khi chưa có kẻ không mời mà đến, giờ vội vàng nhập cuộc, và chẳng bao lâu các cặp nam nữ chiếm phần đa số, cho tới cuối cùng cô gái xấu xí nhất trong hội cũng không còn buộc phải nhảy với vai trò nam giới.
Khi đồng hồ nhà thờ điểm giờ, gã sinh viên đột ngột nói rằng gã phải đi – gã đã quên mất chính mình – gã phải đuổi kịp các bạn đồng hành. Khi rời khỏi cuộc khiêu vũ, ánh mắt gã bắt gặp Tess Durbeyfield. Thật sự, đôi mắt to của nàng ẩn chứa lời trách móc rằng gã đã không chọn nàng. Khi đó, gã cũng tiếc nuối rằng do nàng ở phía sau, gã đã không nhìn thấy nàng, và với ý nghĩ đó, gã rời khỏi bãi cỏ.
Do đã nấn ná lâu, gã bắt đầu đi như chạy xuôi con đường mòn về hướng tây, và chẳng bao lâu đã đi qua cái lũng nhỏ, trèo lên một ngọn đồi khác. Gã vẫn chưa đuổi kịp các anh trai, nhưng gã tạm dừng để thở và ngoái nhìn lại. Gã có thể nhìn thấy những thân hình màu trắng của các cô gái trong mảnh đất xanh bên trong hàng rào đang xoay tròn như đã xoay tròn khi gã còn ở đó. Có vẻ họ đã hoàn toàn quên gã rồi.
Tất cả, trừ một người, có lẽ. Hình dáng màu trắng này đứng tách biệt một mình cạnh bờ rào. Từ tư thế của nàng, gã biết đó là cô gái xinh đẹp mà gã đã không mời nhảy. Dù đây chỉ là việc vặt, bản năng khiến gã cảm thấy nàng đã bị tổn thương vì sự sơ suất của mình. Gã ước gì đã mời nàng; gã ước gì đã hỏi tên nàng. Nàng quá nhu mì, quá tràn đầy cảm xúc; với chiếc áo dài trắng, trông nàng dịu dàng đến nỗi gã cảm thấy gã đã hành động thật ngu xuẩn.
Dù sao, không thể cứu vãn gì được nữa, và gã quay đi, dấn bước, loại bỏ ý nghĩ về nàng khỏi tâm trí.


III

Về phần Tess Durbeyfield, nàng không dễ xua đuổi sự cố đó khỏi ý nghĩ. Nàng không còn tinh thần để nhảy lại suốt một lúc lâu, dù nàng có thể có nhiều bạn nhảy; nhưng, chao ôi, họ không nói năng lịch thiệp như chàng trai xa lạ đó. Chỉ khi hình dáng của gã đã chìm khuất trong ánh nắng chiều nàng mới xóa bỏ được nỗi buồn nhất thời và quả quyết đáp lại lời mời của những người bạn nhảy.
Nàng ở lại với các bạn cho tới tối, và tham gia khiêu vũ với sự say mê; dù cho tới lúc này vẫn chưa thích ai, nàng thích thú điệu nhảy vì chính nó; không ý thức nhiều lắm về điều mà chính nàng cũng có thể vướng phải, khi nàng nhìn thấy “những sự tra tấn êm đềm, những ngọt ngào cay đắng, những nỗi đau thú vị, và những nỗi buồn dễ chịu” của những cô gái đã bị tán tỉnh và chiếm lấy trái tim. Sự cạnh tranh của các chàng trai để được nhảy với nàng một điệu jjg là một niềm vui đối với nàng, chỉ thế thôi; và khi họ tỏ ra quá trớn thì nàng quở trách họ.
Nàng có thể ở lại thậm chí muộn hơn, nhưng sự xuất hiện và thái độ lạ lùng của cha nàng quay lại trong tâm trí và nàng bắt đầu lo lắng; vừa tự hỏi về tình trạng của ông nàng vừa tách khỏi những cặp bạn nhảy và bước về phía cuối thôn, nơi có ngôi nhà tranh của cha mẹ nàng.
Khi chỉ còn cách nhà vài chục mét, nàng nghe thấy những âm thanh nhịp nhàng khác với thứ nhạc nàng vừa rời khỏi, những âm thanh mà nàng biết rõ, rất rõ. Chúng là những chuỗi ồn ào thường xuyên từ bên trong ngôi nhà, thỉnh thoảng do tiếng lắc lư mạnh của một cái nôi trên nền nhà bằng đá, kèm theo là một giọng phụ nữ ca theo nhịp ngựa phi, bài hát ngắn ưa thích về “Con bò cái đốm”:
“Tôi nhìn thấy nó nằm xuống trong cụm rừng xanh xa xa;
Tới đây, tình yêu! Và tôi sẽ nói cho nàng biết nơi nào!”
Tiếng nôi lắc lư và bài ca thường dừng lại cùng lúc trong giây lát, và một giọng với âm độ cao nhất sẽ thế chỗ cho điệu nhạc:
“Chúa phù hộ cho đôi mắt sáng như kim cương của con! Và đôi má mịn như sáp của con! Và cái miệng đỏ thắm như quả anh đào của con! Và cặp đùi mũm mĩm của con! Và từng phần trên thân thể được ban phúc của con!”
Sau lời nguyện cầu này, tiếng đưa nôi và tiếng ca lại tái diễn, và “Con bò cái đốm” lại tiếp tục như trước. Tình hình là thế khi Tess mở cửa và dừng lại trên tấm thảm trong nhà, quan sát cảnh tượng bên trong.
Bất chấp điệu nhạc, trước mắt cô gái là một cảnh tượng u buồn ảm đạm vô tả. Từ những niềm vui lễ hội trên đồng – những chiếc áo dài trắng, những bó hoa tươi, những nhánh liễu, những cử động xoay tròn trên bãi cỏ xanh, một thoáng cảm xúc êm đềm với kẻ xa lạ – tới cảnh tượng ảm đạm dưới ánh nến này là một thay đổi lớn lao! Trước sự tương phản rõ ràng, nàng thầm tự trách mình thậm tệ vì đã không về sớm hơn để giúp mẹ làm những công việc nội trợ, thay vì tự nuông chiều bản thân ngoài kia.
Mẹ nàng đứng giữa một đám trẻ con, như khi Tess rời khỏi nhà, treo mình trên cái chậu giặt những quần áo của ngày Thứ hai, mà hiện tại, như lúc nào cũng thế, sẽ bị gác lại cho tới cuối tuần. Ngày hôm trước, được lấy ra từ cái chậu đó - Tess chạm tay vào nó với một cảm giác ân hận nhói lòng – chính là cái áo trắng trên người mà nàng đã bất cẩn làm cho phần vạt áo trở thành màu xanh trên lớp cỏ ẩm ướt. Mẹ nàng đã tự tay vò và ủi nó.
Như thường lệ, bà Durbeyfield giữ thăng bằng trên một bàn chân đặt bên ngoài chậu giặt, bàn chân kia đang làm công việc đưa nôi đã nói trên cho đứa con nhỏ nhất. Cái nôi đu đưa đã thực hiện nhiệm vụ nhọc nhằn suốt nhiều năm, dưới sức nặng của nhiều đứa trẻ con, trên cái nền nhà lát đá đó, đến độ nó mòn gần như bằng phẳng, kết quả là với một cái giật mạnh kèm theo mỗi lần đẩy nôi, em bé đu đưa từ phía này sang phía kia như một con thoi của thợ dệt. Phấn khích với bài ca, bà Durbeyfield đạp cái nôi với toàn bộ sức lực còn lại trong người sau một ngày dài giặt vò quần áo.
Cót két, cót két, cái nôi chuyển động; ngọn lửa của cây nến tự bốc lên cao, và bắt đầu nhún nhảy lên xuống; nước nhỏ giọt từ hai cùi chỏ của người phụ nữ trung niên, và bài ca tiếp tục cho tới câu cuối, trong lúc bà Durbeyfield nhìn cô con gái. Thậm chí tới giờ, với gánh nặng của một gia đình trẻ trên vai, Joan Durbeyfield vẫn say mê ca hát. Không có bài ca ngắn nào lọt vào Thung lũng Blackmoor từ bên ngoài mà mẹ của Tess không thuộc làu nó trong một tuần.
Trên gương mặt của bà vẫn còn đôi nét tươi tắn, thậm chí vẻ xinh xắn của tuổi trẻ; chắc chắn là nét đẹp mà Tess có thể tự hào phần lớn đến từ người mẹ, và do đó không có gì mang tính chất hiệp sĩ hay lịch sử ở nàng.
“Má à, con sẽ đưa nôi giúp má,” cô con gái dịu dàng nói. “Hoặc con sẽ cởi cái áo đẹp nhất ra và giúp má giặt nó? Con cứ tưởng m đã xong việc lâu rồi.”
Mẹ Tess không phiền trách gì nàng về việc bỏ mặc việc nhà cho một mình bà xoay xở lâu như thế; thật sự, Joan chưa từng quở trách nàng vì lý do đó lần nào, chỉ hơi thấy thiếu sự trợ giúp của nàng trong lúc bà dự định sẽ nghỉ ngơi đôi chút. Tuy nhiên, tối nay thậm chí bà còn thanh thản hơn thường lệ. Có một vẻ mơ màng, một mối bận tâm, một vẻ hớn hở, trong cái nhìn của người mẹ mà Tess không hiểu nổi.
“Ờ, má mừng vì con đã về,” mẹ nàng nói, ngay khi  kết thúc từ cuối của bài ca, “Má muốn đi đón tía con, nhưng còn hơn thế, má muốn nói với con chuyện gì đã xảy ra. Con sẽ khoái chí[8] lắm khi biết chuyện, bé cưng[9] ạ! (Bà Durbeyfield có thói quen nói phương ngữ; con bà, vốn đã học hết lớp sáu tiêu chuẩn trong Trường Quốc gia[10] dưới sự giảng dạy của một cô giáo được đào tạo ở London, nói hai thứ ngôn ngữ: phương ngữ ở nhà, ít hoặc nhiều; tiếng Anh phổ thông ở ngoài và với những người có học thức.)
“Từ khi con ra ngoài à?”
“Phải!”
“Nó có dính dáng gì tới việc tía làm trò hề trong cỗ xe ngựa chiều nay không? Vì sao vậy không biết? Con đã muốn chui xuống đất vì xấu hổ!”
“Đó là một phần của sự ồn ào! Chúng ta được phát hiện là dòng dõi quý tộc lớn nhất trong toàn vùng, ngược về đời xưa trước thời của Oliver Grumble[11], tới tận thời của người Thổ ngoại đạo, với những đài kỷ niệm, hầm mộ, mũ sắt, huy hiệu trên khiên, và có Chúa mới biết hết những thứ đó. Vào thời của Thánh Charles chúng ta được phong làm Hiệp sĩ của Cây sồi Hoàng gia, họ thật sự của chúng ta là d'Urberville! Điều đó không làm mũi con phồng lên hay sao? Vì lý do này mà tía con về nhà trên cỗ xe ngựa; chứ không phải vì ổng say như mọi người nghĩ.”
“Con mừng vì điều đó. Nó có ích gì cho chúng ta không, hả má?”
“Có chứ! Những điều tuyệt vời có thể đến nhờ vào nó. Chắc chắn một đám đông thuộc tầng lớp của chúng ta sẽ đi xe ngựa tới đây ngay khi họ biết điều này. Tía con biết về nó trên đường từ Shaston về nhà và ổng đã kể hết đầu đuôi với má.”
“Giờ tía ở đâu?” Tes đột ngột hỏi.
Mẹ nàng đưa ra một câu trả lời trớt quớt: “Hôm nay ổng tới khám bác sĩ ở Shaston. Có vẻ không tốn hao bao nhiêu. Đó là lớp mỡ bao quanh tim của ổng, ông bác sĩ nói. Nó giống như vầy nè.” Trong lúc nói, Joan Durbeyfield, cong một ngón tay đẫm nước và ngón trỏ thành hình chữ C, và dùng một ngón khác để chỉ. “ ‘Hiện tại,’ ổng nói với tía con, ‘tim ông bị bao quanh ở đó và ở đó; chỗ này vẫn còn hở,’ ổng nói. ‘Khi chúng gặp nhau, thế này,’” bà khép hai ngón tay lại thành một vòng tròn – ‘ông sẽ về chầu tiên tổ, ông Durbeyfield,’. ‘Ông có thể sống thêm mười năm, cũng có thể mười tháng, hoặc mười ngày.”
Tess có vẻ bần thần. Cha nàng có thể qua đời rất sớm, bất chấp sự việc lớn lao bất ngờ này!
“Nhưng tía đang ở đâu?” Nàng lặp lại.
Nét mặt mẹ nàng đổi sắc. “Con đừng nổi giận nhé! Người đàn ông tội nghiệp, ổng bồn chồn sau khi dược nâng cao địa vị từ tin tức của ông cha xứ đến độ ổng tới quán Rolliver nửa tiếng trước. Ổng muốn lấy lại sức cho chuyến đi ngày mai với mớ tổ ong đó, nó phải được giao, dù có gia tộc lớn hay không. Ổng sẽ phải lên đường sau mười hai giờ đêm nay, vì đường rất xa.”
“Lấy lại sức!” Tess gằn giọng, lệ trào lên mắt. “Ôi Trời! Tới một quán rượu để lấy lại sức! Và m cũng đồng ý với ổng hả m!”
Lời trách móc và tâm trạng của nàng dường như phủ kín toàn bộ căn phòng, và nàng bực tức nhìn các thứ đồ đạc, cây nến, và lũ trẻ đang chơi xung quanh và mặt mẹ mình.
“Không,” bà mẹ giận dỗi, “má không đồng ý. Má đã chờ con về trông nhà trong lúc má đi đón ổng.”
“Để con đi.”
“Ồ, không, Tess. Con biết mà, không được đâu.”
Tess không đáp lại. Nàng biết lời phản đối của bà mẹ có ý nghĩa gì. Áo khoác và mũ của bà Durbeyfield đã được treo trên một cái ghế bên cạnh, sẵn sàng cho chuyến đi, lý do cho việc bà dứt khoát hơn mức cần thiết.
“Và hãy mang cuốc Bốc sư Toàn tập ra nhà ngoài,” Joan nói tiếp, nhanh nhẹn lau đôi tay và mặc áo khoác, đội mũ.
Bốc sư Toàn tập là một cuốn sách dày, cũ, nằm trên một cái bàn gần đó, rách tả tơi do thường xuyên nằm trong túi đến độ lề sách rách tới tận lề dòng chữ. Tess cầm nó lên, và mẹ nàng lên đường.
Việc săn lùng ông chồng khờ khạo ở tửu quán là một trong những thú vui hiện có của bà Durbeyfield giữa sự bẩn thỉu và bề bộn của việc chăm sóc con cái. Việc tìm ra ông ở quán của Rolliver, ngồi đó một hai tiếng cạnh ông và xua đi mọi ý nghĩ và bận tâm về lũ con khiến bà sung sướng. Khi ấy một dạng hào quang, một quầng sáng phía tây xuất hiện trong đời. Những phiền toái và các thực tại khác khoác lên chúng một lớp vỏ mông lung, nhấn chúng chìm vào cảm giác bình an thanh thản và không còn là những áp lực nặng nề khiến cơ thể và linh hồn xây xát. Lũ trẻ, không ở ngay trong tầm nhìn, dường như trở nên rực rỡ và đáng ước ao hơn bình thường; ở đó, những sự cố của cuộc sống hàng ngày không phải không có khía cạnh vui vẻ và khôi hài của chúng. Hiện tại, khi ngồi đây với ông chồng đã kết hôn, ở cùng địa điểm, bà có cảm giác như từng có, trong lúc ông đang tỏ tình, nhắm mắt trước những nhược điểm trong tính cách của ông, và chỉ nhìn thấy ông trong hình ảnh một tình nhân lý tưởng.
Còn lại ở nhà với đàn em nhỏ hơn, trước tiên Tess mang cuốn sách bói toán ra nhà ngoài và nhét nó lên mái rạ. Một nỗi sợ mang tính chất bái vật giáo lạ lùng đối với cuốn sách phủ đầy bụi này của mẹ nàng ngăn bà cho phép nó ở trong nhà suốt đêm, rồi sau đó khi cần tham khảo bà sẽ mang lại nó vào nhà. Giữa người mẹ, với mớ mê tín dị đoan, dân ca, phương ngữ, và những khúc ca ballad truyền khẩu đang nhanh chóng tàn lụi, và cô con gái, với học vấn ở trường Quốc gia và kiến thức Tiêu chuẩn theo quy định của một Đạo luật sửa đổi nhiều lần[12], có một khoảng cách hai trăm năm theo cách hiểu thông thường. Khi họ ở cạnh nhau, các thời đại Jacob và Victoria được đặt bên nhau.
Trong lúc quay lại theo lối đi trong vườn, Tess ngẫm nghĩ về điều mẹ nàng có thể muốn xác định từ cuốn sách bói toán vào cái ngày đặc biệt này. Nàng phỏng đoán sự phát hiện về nguồn gốc tổ tiên vừa rồi có liên quan tới nó, nhưng không thể nhận ra nó chỉ liên quan tới chính nàng. Tuy nhiên, nàng xua đuổi ý nghĩ này, lăng xăng với việc phun nước số vải lanh đã phơi khô trong ngày cùng với đứa em trai Abraham chín tuổi, đứa em gái Eliza-Louisa mười hai tuổi rưỡi, gọi là là “Liza-Lu”, mấy đứa bé nhất đang nằm trên giường. Giữa nàng và các đứa em kế trong nhà có một khoảng cách bốn năm hoặc hơn, hai đứa đã chết khi mới chào đời, và điều này mang tới cho nàng một thứ tình mẫu tử khi ở một mình với lũ em. Sau Abraham là hai đứa bé gái, Hope và Modesty; rồi một bé trai ba tuổi, và em bé vừa tròn tuổi thôi nôi.
Toàn bộ đám trẻ này là những hành khách trên con tàu Durbeyfield, hoàn toàn phụ thuộc vào phán đoán của hai người mang họ Durbeyfield trưởng thành về những niềm vui, nhu cầu, sức khỏe, thậm chí sự tồn tại của chúng. Nếu hai người đứng đầu con tàu này chọn lao vào sự khó khăn, tai họa, đói khát, bệnh tật, suy đồi, cái chết, nửa tá tù nhân dưới hầm tàu  buộc phải đi cùng với họ – sáu tạo vật bất lực, chưa từng được hỏi thăm xem chúng có muốn thứ gì ở trên đời hay chăng, nói gì tới việc chúng ước ao điều đó trong những điều kiện khắc nghiệt của gia đình. Một số người muốn biết từ đâu mà nhà thơ, kẻ triết lý rằng thời đại này cũng sâu sắc và đáng tin cậy như bài ca hồ hỡi và trong sáng của ông ta, lại có thẩm quyền nói về ‘kế hoạch thiêng liêng của Tự nhiên.”[13]
Đêm đã sâu, nhưng cả người cha lẫn người mẹ đều chưa trở lại. Tess nhìn ra cửa, và thực hiện một hành trình tâm trí qua thôn Marlott. Cái thôn nhỏ đang khép mắt. Nến và đèn dầu đang bị thổi tắt ở mọi nơi. Nàng có thể nhìn thấy trong trí tưởng kẻ tắt lửa và bàn tay giơ ra.
Việc mẹ nàng đi đón cha chỉ đơn giản là thêm một lần đón nữa. Tess bắt đầu nhận ra rằng một người có sức khỏe bình thường, dự định xuất phát một hành trình trước một giờ sáng, không nên ở một tửu quán vào giờ giấc khuya khoắt này để mừng huyết thống cổ xưa của mình.
“Abraham,” nàng nói với cậu em trai, “em sẽ đội mũ vào – em không sợ chứ? – và đi lên quán Rolliver để xem chuyện gì đã xảy ra với tía má rồi.”
Thằng bé lập tức rời khỏi ghế và mở cửa, và bóng đêm nuốt chững nó. Nửa giờ nữa trôi qua; không ai, đàn ông, phụ nữ hay đứa bé, quay lại. Abraham, như cha mẹ nó, dường như đã bị dính nhựa bẫy chim[14] và bị bắt trong cái quán đầy cạm bẫy đó.
“Mình phải tự đi thôi,” Tess nói.
Sau đó Liza-Lu vào giường, và Tess khóa cửa lại, cất bước trên lối nhỏ hoặc con đường tối tăm và quanh co không dành cho bước chân vội vã; một con đường đã được mở trước khi những tấc đất có giá trị, và khi những cái đồng hồ một kim cũng đủ chia nhỏ một ngày.



[1] Battle Abbey Roll: một bản danh sách tưởng niệm các hiệp sĩ đồng hành với William – Kẻ Chinh phục.dược khắc trong một tu viện dòng Biển Đức ở thị trấn Battle, North Sussex.
[2] Oliver Cromwel (1599-1658): lãnh tụ quân sự và chính trị của Khối Liên hiệp Anh, Wales, Scotland và Ireland.
[3] Royal Oak Knights: các Hiệp sĩ có công trong việc khôi phục vương triều của Vua Charles II (1630-1685).
[4] Ngày lễ mừng mùa xuân diễn ra vào ngày 1 tháng 5.
[5] Trong tín ngưỡng La Mã cổ đại, Cerealia là một lễ hội chính để tôn vinh nữ thần mùa màng, nông nghiệp Ceres. Nó được tổ chức trong 7 ngày từ giữa đến cuối tháng Tư, nhưng thời điểm không xác định.
[6] Old Style days: thời gian trước năm 1752, khi Anh thay lịch Julian bằng lịch Gregorian.
[7] Trong bản tiếng Anh sử dụng rất nhiều phương ngữ. Vì tránh gây khó chịu cho độc giả, và thật sự rất khó chuyển tải nét độc đáo của phương ngữ tiếng Anh sang tiếng Việt do nhiều bất tương đồng, người dịch sẽ dịch những phương ngữ trong bản gốc theo từ ngữ thông thường; nhưng, đồng thời, để nhấn mạnh tính địa phương (miền Nam nước Anh), xin sử dụng một số đại từ nhân xưng miền Nam Việt Nam như: ổng, bả, tía, má… thay cho những phương ngữ khác không thể chuyển ngữ như đã nói trên.
[8] Nguyên văn: fess = pleased;
[9] Nguyên văn: poppet = doll, puppet
[10] Sixth Standard in the National School: cấp lớp cao nhất trong trường học do ngân sách nhà nước tài trợ, được điều hành bởi Hội Nâng cao Giáo dục cho người nghèo Quốc gia. Trường đầu tiên được thành lập năm 1811.
[11] Tức Oliver Cromwell.
[12] Các Đạo luật Giáo dục sửa đổi năm 1862 và 1867.
[13] Từ bài thơ “Lines Written in early Spring” (dòng 22) của nhà thơ William Wordsworth (1770-1850).
[14] Nguyên văn: limeb: bị dính phải nhựa bẫy chim (birdlime). Tác giả ví Abraham như một con chim nhỏ mắc bẫy.