Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

NGHĨ VỀ NHỮNG CÁI CHẾT VÀ NHỮNG NẤM MỒ



Mỗi năm, khi tháng 4 đến, mọi người nghĩ tới ngày 30/4/1975 với những nỗi niềm khác nhau: những người lính tiến vào Sài Gòn nhớ tới ngày này với niềm vui, sự vinh quang và tự hào của kẻ chiến thắng. Những người lính miền Nam nhớ tới ngày này với nỗi đau thương và ngậm ngùi. Những đứa trẻ chưa kịp lớn của thế hệ tôi nhớ tới nó như một điểm ngoặt lớn nhất trong đời, khi cuộc sống trước và sau ngày này hoàn toàn thay đổi. Những người thường dân miền Nam, nhất là dân Sài Gòn, có thể nói cũng đều vui mừng vì chiến tranh kết thúc, tuy không như mong muốn. Nhưng lại rất hoang mang lo sợ những gì sắp đến, nhà cửa, tài sản, công ăn việc làm và hạnh phúc gia đình... tất cả sau một ngày trở thành cái gì đó rất phù du, có thể tan biến bất cứ lúc nào.... Thời gian dần trôi. Rồi người ta cũng quen dần với mọi điều. Người không chấp nhận thì quyết ra đi bất chấp mọi nguy cơ, bất chấp cả tính mạng. Người cắn răng chấp nhận thì cố mà tồn tại, bám víu một tia hy vọng mong manh rằng rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Rốt cuộc thì con người vẫn phải tồn tại, dù dưới hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu. Bốn mươi năm, không dài so với lịch sử, nhưng cũng đủ dài cho một kiếp người. 

Những ngày tháng sau tháng Tư lịch sử đó, tôi, một thằng nhỏ gốc gác chế độ Sài Gòn, đã ươm bao ước mơ hy vọng. Tin tưởng vào những lời rao giảng. Tin tưởng là mình đang góp sức để dựng xây đất nước. Tôi nhớ những buổi trưa nắng chang chang, bụng đói meo sau giờ tan học vì buổi sáng chả có gì trong bụng, vậy mà tôi vẫn chưa chịu về thẳng nhà ngay, cố đi lòng vòng để nhặt từng mảnh giấy vụn. Vui tung tăng hớn hở, em làm kế hoạch nhỏ... Tôi đó, một thằng nhỏ lê la nhặt từng mảnh giấy vụn, không phải để ghi điểm hay lấy công, mà vì tưởng rằng mình đang làm một điều rất nhỏ cho một mục đích rất lớn lao cao cả... Thậm chí khi bước vào quân ngũ, tôi vẫn còn hừng hực dạng lý tưởng của Pa Ven. Thời lính, tôi Bôn hơn cả những thằng Bôn thứ thiệt, có nghĩa là những đảng viên. Rồi dần dà, cũng trong những năm tháng đó, tôi nhận ra chỉ có tình đồng đội là có thật, là điều cao quý nhất, ngoài ra đều vô nghĩa....

Trung đoàn 4 Sư 5 của tôi có 2 ngày họp mặt chính thức hàng năm, ngày CN gần với ngày 22/12 nhất; và ngày CN gần với ngày 23/4 nhất ở NTLS. Vì ngày này là một ngày đau thương của Tiểu đoàn 3, E4. Cứ đến tháng 4 là tôi lại hay buồn, vì dù có tới nghĩa trang hay không, những nấm mộ vẫn hiển hiện trong trí óc tôi. Gợi nhớ bao gương mặt cũ.

Năm nay lại có dịp lên NTLS 2 lần, hôm qua và hôm nay. Và tôi cũng đến viếng NT liệt sĩ của binh sĩ Cộng Hòa gần đó. Tự tôi không có ý định đó, mà vì một người bạn, Kevin, cựu tổng biên tập tờ Cambodia Daily, đề nghị tôi đưa anh tới đó. Anh muốn viết một bài báo về ngày lễ này, với những so sánh và suy ngẫm về bên thắng cuộc và bên thua cuộc.

Xót xa vì một số những nấm mộ ở NT Cộng hòa tuy cũng được quét vôi, khuôn viên nghĩa trang được dọn cỏ, vệ sinh sạch sẽ, và một số ít mộ có thân nhân chăm sóc tu bổ cũng khá khang trang. Nhưng rải rác và ở số nhiều là những nấm mồ trơ đất, có mồ không có bia, có bia chỉ trơ mảnh bê tông trắng không tên tuổi. Lý do quá dễ hiểu: đa số thân nhân của những người lính này không còn ở Việt Nam, hay ở xa quá và nghèo quá, không có điều kiện viếng thăm.

Chúng tôi gặp một thanh niên trạc 30-35 tuổi lui cui đốt nhang cắm cho từng nấm mộ. Hỏi thăm anh ta có thân nhân gì nằm ở NT này không anh ta đáp không. Hỏi vậy vì sao anh làm công việc này, anh ta đáp vì tôi yêu mến những người lính đã nằm xuống vì một lý tưởng. Anh ta nói thêm năm nào vào dịp lễ này cũng chạy xe máy từ Bình Dương tới để thắp nhang, và cảm thấy mình làm điều này là đúng. Tôi cũng thấy anh ta làm điều đó là đúng, và thật tâm cảm phục anh ta.

Hôm qua, chúng tôi gặp mấy nhóm sinh viên vào để làm vệ sinh và thay hoa giả mới trong bình hoa trước bia mộ của từng liệt sĩ ở NTLS TP. Không biết chính quyền đoàn thể có vận động các nhóm tình nguyện này tới chăm sóc cho nghĩa trang của những người lính Cộng hòa hay không, tôi không biết chắc, vì chúng tôi tới đó đã gần 12h trưa. Nếu có thì quá hay. Còn nếu không, hy vọng người ta sẽ quan tâm làm một điều thiết thực hơn cho quá trình hòa giải thay vì những lời hô hào rỗng tuếch.

Tháng Tư này một lần nữa lại là những ngày buồn. Những nấm mộ, của đồng đội, và của những người lính không quen biết, khơi gợi quá nhiều suy nghĩ. Lịch sử vẫn là lịch sử và không thể thay đổi nó. Nhưng một con người nằm trong vòng xoáy của nó vẫn phải biết đau nếu còn là một con người.

27/4/2015














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét