Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai chương đầu của tiểu thuyết.
Jacob's Room
VIRGINIA WOOLF
CHƯƠNG MỘT
“Vậy dĩ nhiên,” Betty Flanders viết, ấn đôi gót chân sâu hơn vào lớp cát, “là không còn cách
gì khác ngoài việc ra đi.”
Chậm chạp tuôn ra từ đầu ngòi bút bằng
vàng, giọt mực xanh tan ra thành dấu chấm hết; vì cây bút của bà mắc kẹt tại
đó; đôi mắt bà bất động, và những giọt lệ chậm rãi phủ đầy chúng. Toàn thể cái vịnh
nhạt nhòa; ngọn hải đăng chao đảo; và bà có ảo giác rằng cái cột buồm trên
chiếc du thuyền nhỏ của Connor đang cong lại như một cây nến dưới ánh mặt trời.
Bà chớp mắt nhanh. Những tai nạn thật đáng sợ. Bà chớp mắt lần nữa. Cây cột
buồm thẳng tắp; những lượn sóng vỗ đều; ngọn hải đăng đứng thẳng; nhưng vết
thẫm đã lan rộng.
“…không còn cách gì khác ngoài việc ra đi,”
bà đọc.
“Chà, nếu Jacob không muốn chơi đùa” (bóng
của Archer, con trai cả của bà, đổ ngang qua tờ giấy viết thư và trông như có
màu xanh trên mặt cát, và bà thấy lạnh – đã mồng ba tháng chín rồi), “nếu Jacob
không muốn chơi đùa” – đúng là một vết thẫm kinh khủng! Bóng chiều hẳn đang sụp
xuống.
“Thằng bé buồn chán đó ở đâu?” Bà nói. “Mẹ
không nhìn thấy nó. Hãy chạy đi tìm nó. Bảo nó tới ngay.” “…nhưng trời đất
khoan dung,” bà viết, làm ngơ dấu chấm hết, “mọi thứ dường như đã được sắp xếp,
đóng gói một cách ổn thỏa dù chúng tôi giống như những con cá trích trong một
cái thùng, và buộc phải mang theo cái xe đẩy trẻ con mà bà chủ nhà trọ sẽ không
cho phép, cũng hoàn toàn tự nhiên thôi…”
Những lá thư Betty Flanders viết cho
Thuyền trưởng Barfoot đều vậy cả – nhiều trang, hoen ố nước mắt. Scarborough cách
Cornwall bảy trăm dặm: Thuyền trưởng Barfoot đang ở Scarborough: Seabrook đã
chết. Những giọt lệ khiến mọi bông thược dược trong vườn rập rình trong những
làn sóng đỏ, rọi sáng cái nhà kính trong mắt bà, dát những con dao lấp lánh lên
căn bếp, và khiến cho bà Jarvis, vợ của ông mục sư, suy nghĩ ở nhà thờ, trong
lúc bản thánh ca đang được tấu và bà Flanders đang khom thấp người trên đầu của
đứa con trai bé bỏng, rằng hôn nhân là một pháo đài và những cô vợ góa đi lạc
một mình trong những cánh đồng, nhặt những hòn đá, lượm lặt vài sợi rơm vàng,
những tạo vật cô độc, khốn khổ, không ai bảo vệ.[1] Bà Flanders đã góa chồng
hai năm rồi.
“Ja—cob! Ja—cob!”Archer gọi to.
“Scarborough,” bà Flanders viết lên
phong bì, và gạch một đường đậm bên dưới nó; đó là thị trấn quê hương bà; trung
tâm của vũ trụ. Nhưng một con tem? Bà lục lọi trong túi xách; rồi dốc ngược
miệng túi lại; rồi mò mẫm trong vạt áo, tất cả những cử động này đều mạnh mẽ
đến độ Charles Steele, với một cái mũ Panama[2] trên đầu, phải dừng cọ
lại.
Cây cọ run rẩy như những cái râu của một con côn trùng đang tức giận. Lúc
này người phụ nữ đang cử động – thật sự sắp sửa đứng lên – chết tiệt thật! Ông
quẹt nhanh lên tấm toan một nhát cọ tím thẫm. Bởi phong cảnh cần tới nó. Nó quá
nhợt nhạt – những sắc xám chảy lan thành những sắc xanh hoa oải hương, và một
vì sao hoặc một con hải âu trắng cũng được treo lên bức tranh theo cách đó –
quá nhợt nhạt như thường lệ. Những tay phê bình sẽ bảo rằng nó quá nhợt nhạt,
vì ông là một kẻ vô danh, trưng bày tranh một cách mờ nhạt, một người được các
đứa con của những bà chủ nhà trọ ưa thích, đeo một cây thánh giá trên sợi dây
đồng hồ, và rất vui sướng nếu các bà chủ nhà trọ thích những bức tranh của ông
– thường thì họ thích.
“Ja—cob! Ja—cob!” Archer hét lên.
Bực mình vì sự ồn ào, nhưng
lại yêu trẻ con, Steele bồn chồn chọn những ô màu tối trên bảng màu.
“Tôi đã thấy em cháu – Tôi đã
thấy em cháu,” ông nói, gật đầu, khi Archer đi ngang qua ông, kéo lê cái xẻng, và cau có
nhìn ông già đeo kính.
“Ở đằng kia – cạnh tảng đá,”
Steele lúng búng nói, với cây cọ giữa hai hàm răng, vắt ra chất sơn nâu nhạt,
và dán mắt vào lưng của Betty Flanders.
“Ja—cob! Ja—cob!”Archer
hét lớn, bước tiếp sau một giây.
Giọng kêu chứa đựng một nỗi buồn khác thường. Tinh nguyên từ toàn bộ cơ
thể, tinh nguyên từ toàn bộ cảm xúc, thoát ra thế giới, đơn độc, không được đáp
lại, đập vào những tảng đá – nghe nó có vẻ thế.
Steele cau mày; nhưng hài lòng với hiệu quả của màu đen – chính sắc độ đó gắn kết các sắc độ còn lại với nhau. “Chà,
người ta có thể học vẽ ở tuổi năm mươi! Có Titian…[3]” và thế là, sau khi tìm
được màu sắc đúng, ông ngẩng lên và hốt hoảng khi nhìn thấy một đám mây bên
trên vịnh.
Bà Flanders đứng lên, vỗ vào phía này phía khác của chiếc áo khoác cho cát
rơi xuống, và nhặt cái ô màu đen lên.
Tảng đá đó là một trong những tảng đá to thuần một màu nâu, hay đúng hơn là
màu đen, nhô lên từ mặt cát như một thứ gì đó nguyên sơ. Xù xì với những cái vỏ
sên biển nhăn nheo và vướng rải rác những chùm tảo biển khô, một đứa bé trai
phải dang rộng hai chân, và thật sự cảm thấy mình khá là quả cảm, trước khi
trèo lên tới đỉnh của nó.
Nhưng ở đó, trên đỉnh tảng đá, là một chỗ trũng chứa đầy nước, với một lớp cát ở dưới đáy, một đốm giống như thạch dính vào một phía, và vài con trai. Một con
cá vọt ngang qua. Chùm rong biển nâu vàng vung vẩy, và để lộ ra một con cua có
vỏ óng ánh như ngọc mắt mèo. “Ồ, một con cua to,” Jacob lẩm bẩm – và bắt đầu
cuộc hành trình trên đôi chân yếu ớt trên lớp cát dưới đáy. Nào! Jacob thọc tay
xuống. Con cua mát rượi và rất nhẹ. Nhưng nước thì đặc những cát, thế nên, từ tư
thế bò, Jacob chuẩn bị nhảy, giữ cái xô ở phía trước, khi nó nhìn thấy, nằm dài
cạnh nhau và hoàn toàn cứng đơ, với gương mặt rất đỏ, là một người đàn ông và một
phụ nữ to lớn.
Người đàn ông và người phụ nữ to lớn (hôm đó là ngày các cửa tiệm đóng cửa
sớm) đang nằm dài bất động cạnh nhau, đầu gối lên những chiếc khăn tay bỏ túi,
cách bờ biển vài bộ, trong khi hai hoặc ba con hải âu men theo những lượn sóng
đang ập vào, và dừng lại gần những chiếc ủng của họ.
Hai bộ mặt to màu đỏ nằm trên những chiếc khăn tay sọc vuông nhìn chằm chặp
vào Jacob. Nó cũng nhìn họ chằm chặp. Rất cẩn thận giữ chặt cái xô, Jacob khoan
thai nhảy ra xa và chạy chầm chậm với vẻ thờ ơ vào lúc đầu, nhưng mỗi lúc một
nhanh hơn khi những lượn sóng màu kem ập vào nó và nó phải chạy quanh quẹo để
tránh chúng; lũ hải âu đứng lên trước mặt nó, bơi ra biển và dừng lại, cách xa
hơn một chút. Một phụ nữ to lớn màu đen đang ngồi trên cát. Nó chạy về phía bà
ta.
“Vú ơi! Vú ơi!” Nó kêu lên, nức nở thốt lên những từ này trên đỉnh của mỗi
hơi thở hổn hển.
Những lượn sóng vỗ quanh bà ta. Bà ta là một tảng đá.
Bà ta bị che phủ bởi lớp rong biển phát ra tiếng lốp bốp khi bị sóng ép lên. Nó
đã đi lạc.
Nó đứng đó. Mặt nó đanh lại. Nó
sắp sửa gào lên thì nhìn thấy nguyên một cái sọ nằm giữa những nhánh cây đen và
lớp rơm bên trên vách đá – có lẽ là sọ của một con bò; một cái sọ với hai hàm
răng bên trong, có lẽ. Nức nở, nhưng đãng trí, nó chạy càng lúc càng xa cho tới
khi ôm được cái sọ trong tay.
“Nó kia rồi!” Bà Flanders kêu lên, vòng qua tảng đá và
đi hết khoảng cách trên bãi biển trong vòng vài giây. “Nó đang ôm gì vậy chứ?
Đặt nó xuống, Jacob! Buông nó xuống ngay! Một thứ kinh khủng, mẹ biết. Sao con
không ở đây với chúng ta? Thằng bé hư! Nào, đặt nó xuống. Và con nữa, tới đây,”
bà xoay người, giữ Archer với một tay và
đưa tay kia chụp lấy cánh tay của Jacob. Nhưng nó khom xuống và nhặt cái hàm bị
sút khỏi cái sọ cừu lên.
Vừa đung đưa cái túi xách và giữ
chặt cái ô, cầm tay của Archer và kể câu chuyện về vụ nổ thuốc súng mà trong đó
ông Curnow tội nghiệp đã mất đi một mắt, bà Flanders vừa vội vã đi ngược con
đường dốc, luôn ý thức trong thâm tâm về một sự bất an đã vùi chôn nào đó.
Cái sọ cừu mất quai hàm nằm trên
bãi cát, không xa đôi tình nhân mấy. Sạch, trắng, bị gió dồi cát dập, không nơi
nào trên bờ biển Cornwall có một mảnh xương tinh khiết hơn thế. Cây nhựa ruồi
biển[4] sẽ mọc qua hai hốc mắt; nó
sẽ biến thành bột, hoặc một tay chơi golf nào đó, khi đánh quả bóng vào một
ngày đẹp trời, sẽ làm tung lên một đám bụi nhỏ – Không, nhưng không phải trong
nhà trọ, bà Flanders nghĩ. Đó là một thử nghiệm đi quá xa với lũ trẻ con. Không
có đàn ông để giúp với chiếc xe đẩy trẻ con. Và Jacob là một đứa bé khó bảo; đã
cứng đầu cứng cổ từ lâu.
“Hãy quẳng nó đi, con yêu,” bà nói, khi họ bước vào
con đường lộ; nhưng Jacob né ra xa bà; và gió đang nổi lên, bà rút cây kim gút
cài nón ra, nhìn xuống biển và cài nó lại. Gió đang nổi lên. Những lượn sóng
biểu lộ sự bứt rứt đó, như một vật sống động, bồn chồn, đang mong đợi nhát roi
của những lượn sóng trước một cơn bão. Những chiếc thuyền đánh cá nghiêng ngả
trên mặt nước. Một luồng ánh sáng vàng nhợt nhạt băng qua mặt biển tím; rồi tắt
ngóm. Ngọn hải đăng đã được thắp lên. “Đi thôi,” Betty Flanders nói. Mặt trời
rọi vào mặt họ và mạ vàng lên những trái mâm xôi lớn run rẩy ló ra từ bờ giậu
mà Archer cố hái khi họ đi ngang qua.
“Đừng lề mề, hai đứa. Các con không thay đổi tật
đó chút nào hết,” Betty nói, kéo chúng đi, và nhìn với cảm giác khó chịu vào mặt đất hiện ra
quá kinh khủng, với những tia sáng đột ngột từ những ngôi nhà kính trong các
khu vườn, với một khuynh hướng thay đổi giữa màu vàng và màu đen, nổi lên trên ánh hoàng hôn chói chang này, sức sống và trạng thái trộn lẫn lạ lùng này của màu sắc; nó
khuấy động lòng bà, khiến bà nghĩ tới trách nhiệm và nguy cơ. Bà nắm chặt bàn
tay của Archer. Bà nặng nề đi ngược lên đồi. “Mẹ đã yêu cầu con ghi nhớ điều gì
nhỉ?” bà hỏi.
“Con không biết,” Archer đáp.
“Ờ, mẹ cũng không biết,” Betty nói, vui vẻ và đơn
giản, và ai sẽ phủ nhận sự trống rỗng này của tâm trí, khi kết hợp với sự phong
phú, sự dí dỏm của người mẹ, những câu chuyện của các bà vợ già, những cung
cách ngẫu nhiên, những khoảnh khắc liều lĩnh lạ lùng, đầu óc hóm hỉnh và sự đa
cảm – ai sẽ phủ nhận rằng trong những phương diện này mọi phụ nữ đều thú vị hơn
bất cứ người đàn ông nào?
Vâng, Betty Flanders cũng thế.
Bà đặt tay lên cổng vườn.
“Miếng thịt!” Bà kêu lên, giật cái then cổng xuống.
Bà đã bỏ quên miếng thịt.
Có Rebecca ở cửa sổ.
Tình trạng nghèo nàn xơ xác
trong căn phòng trước của bà Pearce lộ rõ vào lúc mười giờ tối, khi một cái đèn
dầu tỏa sáng giữa bàn. Ánh đèn hắt vào vườn; cắt ngang qua bãi cỏ; soi sáng một
cái xô trẻ con, một bụi cúc tím và vươn tới bờ giậu. Bà Flanders đã bỏ lại mớ đồ may vá của mình trên bàn. Có những cuộn
lớn chỉ trắng và đôi kính đeo mắt của bà;
cái hộp đựng kim; cuộn len nâu quấn quanh một tấm bưu thiếp cũ. Có những nhánh
hương bồ và những tờ tạp chí Strand[5]; và lớp vải sơn lót sàn
vương vải cát từ những chiếc ủng của hai đứa bé. Một con nhện chân dài phóng từ
góc này sang góc kia và va vào cái chao đèn. Gió thổi những làn mưa thẳng ngang
qua cửa sổ; chúng ánh lên như bạc khi lướt ngang qua ánh sáng. Một chiếc lá đơn
độc đập vội vã, dai dẳng vào lớp kính. Có một trận bão ngoài biển.
Archer không ngủ được.
Bà Flanders cúi xuống. “Hãy nghĩ tới những nàng tiên,”
bà nói. “Hãy nghĩ tới những con chim đáng yêu, rất đáng yêu đang nằm trong tổ.
Giờ con hãy nhắm mắt lại nhìn thấy chim mẹ già nua với một con sâu trong mỏ.
Giờ hãy quay sang và nhắm mắt của con lại,” bà thì thầm, “và nhắm mắt của con
lại.”
Căn nhà trọ dường như đầy tiếng nước chảy òng ọc, ồ ồ;
cái bể chứa nước trên mái nhà đã tràn; nước sủi bọt, rít lên, chạy dọc theo
những ống nước và ồ ạt tràn xuống những khung cửa sổ.
“Có phải tất
cả những âm thanh đó là tiếng nước chảy?” Archer lẩm bẩm.
“Chỉ là nước trong bồn tắm đang chảy thôi con,” bà Flanders đáp.
Có vật gì đó quật mạnh vào phía ngoài những cánh cửa.
“Mẹ à, con tàu hơi nước đó có chìm không?” Archer hỏi,
mở mắt ra.
“Dĩ nhiên là không,” bà Flanders
đáp. “Ông thuyền trưởng đã đi ngủ từ lâu. Con hãy nhắm mắt lại và nghĩ tới
những nàng tiên đang ngủ say sưa dưới những bông hoa.”
“Tôi
nghĩ ông ấy không bao giờ thoát khỏi một trận bão như thế,” bà thì thào với
Rebecca, đang nghiêng người bên trên một cây đèn cồn trong căn phòng nhỏ bên
cạnh. Gió rít lên bên ngoài, nhưng ánh lửa nhỏ xíu của chiếc đèn cồn vẫn lặng
lẽ cháy, được che khỏi cái giường cũi của em bé bởi một cuốn sách dựng đứng.
“Ông ta có giữ vững lòng
can đảm của mình không nhỉ?” Bà Flanders thì thầm, và Rebecca gật đầu, rồi bước
tới cái giường cũi và kéo tấm chăn xuống; bà Flanders khom xuống và lo âu nhìn
em bé, đang ngủ, nhưng cau mày. Cánh cửa sổ rung lên, và Rebecca đi rón rén như
một con mèo để chêm nó lại.
Hai người phụ nữ thì thầm với nhau bên
trên cái đèn cồn, xếp đặt âm mưu muôn thuở về việc giữ im lặng và cọ rửa những
cái chai trong lúc gió gào rú và giật mạnh những cái chốt cửa rẻ tiền.
Cả hai nhìn về phía cái
giường cũi. Môi họ mím lại. Bà Flanders bước tới đó.
“Vẫn ngủ chứ?” Rebecca
thì thào, nhìn cái giường cũi.
Bà Flanders gật đầu.
“Chúc ngủ ngon,
Rebecca,” bà Flanders lẩm bẩm, và Rebecca gọi bà là phu nhân, dù họ là những kẻ
âm mưu đang xếp đặt mưu đồ muôn thuở về việc giữ im lặng và cọ rửa những cái
chai.
Bà Flanders để lại cây
đèn đang cháy ở căn phòng phía trước. Có đôi kính, mớ đồ may của bà; và một lá
thư với dấu bưu cục Scarborough. Bà cũng không hạ những tấm rèm che cửa sổ
xuống.
Ánh đèn lan ra, ngang
qua bãi cỏ; rơi lên trên cái xô trẻ con màu lục với một đường viền vàng xung quanh,
lên bụi cúc tím đang run rẩy mạnh ở mé bên ngoài cái xô. Bởi gió đang xé ngang
bờ biển, lao mình vào những ngọn đồi, và phóng vọt lên, trở thành những cơn gió
mạnh đột ngột trên đỉnh lưng của chính nó. Nó trải ra bên trên cái thị trấn
trong thung lũng mới ghê gớm làm sao! Những ánh đèn dường như nhấp nháy và run
rẩy trong cơn cuồng nộ của nó, những ánh đèn trong các cửa sổ phòng ngủ ở tầng
trên! Và vừa cuộn tròn những lượn sóng tối sẫm ở phía trước, nó vừa lướt nhanh
qua Đại Tây Dương, giật mạnh những ngôi sao bên trên những con tàu về phía này
phía khác.
Có một tiếng lách cách
trong phòng khách phía trước. Ông Pearce đã thổi
tắt đèn. Khu vườn biến mất. Nó chỉ còn là một khoảnh đen. Mưa rơi trên từng
phân của mặt đất. Mưa làm cong oằn từng cọng cỏ. Hẳn là những mí mắt đã bị đóng
kín bởi mưa. Khi nằm ngửa, hẳn người ta sẽ không nhìn thấy gì ngoài sự rối rắm
và hỗn độn – những đám mây xoay vần liên tục, và thứ gì đó có sắc vàng nhạt như
lưu huỳnh trong bóng tối.
Hai thằng bé trong phòng ngủ phía trước đã hất chăn ra
và nằm bên dưới những tấm trải giường. Trời oi bức; khá nhớp nháp và ẩm thấp.
Archer nằm duỗi thẳng, với một cánh tay vắt ngang qua gối. Nó đỏ mặt; và khi
tấm màn cửa bị cuốn ra phía ngoài một chút, nó xoay người lại và hơi mở hé mắt.
Cơn gió đang thật sự lay động tấm vải trên cái tủ ngăn, và để lọt vào trong một
ánh sáng nhỏ nhoi, để lộ ra cái rìa tủ chạy thẳng lên trên, cho tới khi một
hình dáng màu trắng nhô ra; và một vệt màu bạc hiện lên trong tấm gương.
Trên cái giường khác cạnh cửa Jacob đang ngủ, rất say,
hoàn toàn vô tri giác. Cái hàm của con cừu với những chiếc răng lớn vàng khè
nằm ở dưới chân của nó. Nó đã đạp cái hàm vào sát song sắt của cái giường.
Ở bên ngoài, mưa ào ào như trút nước trong lúc gió
lặng lại vào những giờ gần rạng sáng. Bụi cúc tím đã ngã rạp xuống đất. Nước
mưa ngập phân nửa cái xô trẻ con; và con cua có lớp vỏ óng ánh chậm chạp bơi
quanh đáy xô, cố trèo lên thành xô dốc với những cái chân yếu ớt; cố lần nữa và
rơi trở xuống, và lại cố, hết lần này sang lần khác.
CHƯƠNG HAI
“Bà Flanders – Betty Flanders
tội nghiệp” – “Betty thân mến” – “Bà ấy vẫn còn quyến rũ lắm” – “Thật lạ khi bà
ấy không kết hôn lần nữa!” “Chắc chắn là có ông Thuyền trưởng Barfoot – ghé
thăm mỗi Thứ Tư, đều đặn như đồng hồ chạy, và không bao giờ đưa vợ đi cùng.”
“Nhưng đó là lỗi của Ellen
Barfoot,” các quý bà ở Scarborough nói. “Bà ta không quan tâm tới ai hết.”
“Một người đàn ông thích
có một cậu con trai – chúng ta biết thế.”
“Một số khối u phải được
cắt bỏ; ngoài loại mẹ tôi bắt bà phải cam chịu năm này sang năm khác, và thậm
chí chẳng bao giờ cho người mang một tách trà tới giường bà.”
(Bà Barfoot là một người tàn tật.)
Elizabeth Flanders, kẻ mọi người đã nhắc tới và ắt hẳn sẽ nhắc tới trong
những câu này và nhiều hơn thế, dĩ nhiên là một quả phụ nửa chừng xuân. Bà ở
giữa lứa tuổi bốn mươi và năm mươi. Nhiều năm tháng và nỗi buồn ở giữa chúng;
cái chết của Seabrook, chồng bà; ba đứa con trai; nghèo khổ; một ngôi nhà ở
ngoại ô thị trấn Scarborough; em trai bà, Mortyr khốn khổ, đã bị sa sút và có khả năng đã chết
– bởi ông ta đang ở đâu? Ông ta đang làm gì? Bà đưa tay che mắt, nhìn dọc theo
con đường để tìm kiếm Thuyền trưởng Barfoot – vâng, ông ta kia rồi, đúng giờ
như xưa nay vẫn thế; những quan tâm của ông thuyền trưởng – tất cả làm cho
Betty Flanders trở nên chín muồi, nâng cao dáng vẻ của bà, khiến gương mặt bà
nhuốm nét vui tươi, và khiến đôi mắt bà long lanh chẳng vì lý do gì, điều mà có
lẽ bất cứ một ai cũng có thể nhìn thấy ba lần mỗi ngày.
Đúng, không có hại gì
trong việc than khóc chồng mình, và tấm bia mộ, dù đơn giản, là một công trình
vững chắc, và vào những ngày hè khi người vợ góa đưa các con tới đứng đó, người
ta cảm thông chia sẻ với bà. Những cái mũ được giơ lên cao hơn thường lệ, những
bà vợ kéo mạnh cánh tay của chồng họ. Seabrook nằm sâu sáu bộ bên dưới, đã chết
nhiều năm; bị bao bọc bởi ba lớp quan tài[6]; những đường nứt được
niêm kín bằng chì; giá như đất và gỗ là kính, chắc chắn người ta có thể nhìn
thấy gương mặt của ông bên dưới; gương mặt của một người đàn ông trẻ, có râu
quay nón, điển trai, kẻ từng ra ngoài săn vịt trời và từ chối thay đôi ủng của
mình.
“Thương gia của thành
phố này,” tấm bia mộ ghi; dù không biết vì sao Betty Flanders chọn cách gọi ông
ta như thế, khi, như nhiều người vẫn còn nhớ, ông ta chỉ từng ngồi sau một cửa
sổ văn phòng trong ba tháng, và trước đó đã từng huấn luyện ngựa, đi săn với
chó săn, canh tác vài cánh đồng, và có cuộc sống hơi phóng túng – vâng, bà phải
gọi ông ta bằng một vị trí xã hội nào
đó. Một tấm gương cho mấy đứa con trai.
Vậy thì, phải chăng ông
ta không là gì cả? Một câu hỏi vô phương giải đáp, vì thậm chí nếu như kẻ làm
dịch vụ tang lễ không có thói quen nhắm mắt, ánh sáng sẽ sớm phát ra từ chúng.
Thoạt tiên là một phần của chính bà; giờ là một phần của một nhóm, ông ta đã hòa
lẫn vào cỏ, sườn đồi dốc, hàng ngàn bia mộ bằng đá trắng, một số nghiêng ngả,
số khác thẳng đứng, những vòng hoa tang mục rửa, những chiếc thánh giá xanh
bằng thiếc, những lối mòn nhỏ hẹp vàng hoe, và những bụi tử đinh hương rũ xuống
vào tháng Tư, với một thứ mùi giống như mùi phòng ngủ của một người tàn tật,
bên trên bức tường nghĩa trang. Giờ Seabrook là tất cả những thứ đó; và khi,
với mép váy vén cao, đang cho đàn gà ăn, bà nghe thấy tiếng chuông lễ nhà thờ
hay tang lễ, đó là giọng nói của Seabrook – giọng nói của người chết.
Con gà trống trong đàn
đã từng bay lên vai bà và mổ vào cổ bà, thế nên hiện giờ bà mang theo một cây
gậy hay dắt theo một trong số các con mỗi khi cho gà ăn.
“Mẹ có thích con dao của
con không, hả mẹ?” Archer hỏi.
Vang lên cùng lúc với
tiếng chuông, giọng của con trai bà hòa lẫn sự sống và cái chết, một cách gắn
bó, vui vẻ.
“Một con dao quá to đối
với một cậu bé!” Bà nói. Bà cầm lấy nó cho cậu bé vui lòng. Ngay lúc đó con gà
trống bay vọt ra từ chuồng gà; bà Flanders lớn tiếng bảo Archer đóng cánh cửa mở
ra vườn nhà bếp, rồi rải thức ăn, cục cục gọi lũ gà mái, đi lăng xăng quanh
vườn cây ăn quả. Bà Cranch, đang đập tấm thảm vào tường ở mé ngoài đường, nhìn
thấy bà; bà giữ nó lơ lửng giây lát trong lúc nhận xét với bà Page cạnh nhà rằng
bà Flanders đang ở trong vườn cây ăn quả với đàn gà.
Bà Page, bà Cranch và bà
Garfit có thể nhìn thấy bà Flanders trong vườn vì khu vườn này là một phần của
Dods[7], ngọn đồi có rào bao bọc;
và đồi Dods là địa điểm cao nhất trong làng. Không từ ngữ nào có thể cường điệu
tầm quan trọng của đồi Dods. Nó là quả đất; thế giới tương phản với bầu trời;
chân trời của biết bao thoáng nhìn có thể được ước tính đúng nhất bởi những kẻ
từng sống cả đời trong ngôi làng này, chỉ rời khỏi nó một lần để chiến đấu trong
cuộc chiến ở Crimea[8],
chẳng hạn như già George Garfit, đang tựa người vào cổng vườn và phì phèo tẩu
thuốc. Tiến trình của mặt trời được đo lường bởi nó; xét theo sắc thái của ngày
phủ lên nó.
“Giờ bà ta sắp đi lên
đồi với bé John,” bà Cranch nói với bà Garfit, giũ tấm thảm lần cuối, rồi đi
vội vào nhà. Bà Flanders mở cửa vườn, bước lên đỉnh ngọn đồi, cầm tay của John.
Archer và Jacob chạy lon ton ở phía trước hay chậm rãi lê bước ở phía sau;
nhưng chúng đã có mặt trong cái pháo đài La Mã khi bà tới đó, đang hét lên rằng
chúng nhìn thấy những con tàu nào trong vịnh. Vì đó là một chỗ quan sát tuyệt
vời – những trảng cỏ phía sau, biển cả trước mặt, và toàn thể thị trấn Scarborough
từ đầu này tới đầu kia trải ra bằng phẳng như một ô chữ. Bà Flanders, vốn đang
trở nên mập mạp, ngồi xuống trong pháo đài và đưa mắt nhìn quanh.
Hẳn bà đã biết rõ toàn
thể những đổi thay của quang cảnh; trạng thái mùa đông, mùa xuân, mùa hạ, mùa
thu của nó; những trận bão đến từ biển thế nào; những trảng cỏ rùng mình và
sáng rực thế nào khi những đám mây lướt qua bên trên; hẳn bà đã nhìn thấy cái
chấm đỏ nơi những căn biệt thự đang được xây dựng; và những đường vạch đan chéo
nhau, nơi những mảnh đất được chia cắt; và ánh chớp lóe như kim cương của những
ngôi nhà kính nhỏ trong ánh nắng. Hoặc, nếu những chi tiết như thế thoát khỏi
mắt bà, bà có thể để cho trí tưởng tượng của mình chơi đùa với sắc vàng của
biển vào lúc hoàng hôn, và nghĩ dường như nó phủ những đồng tiền vàng lấp lánh
lên lớp đá cuội. Những con tàu nhỏ đáng yêu lướt ra khơi; cánh tay đen đúa của
cái cầu tàu bổ sung thêm cho quang cảnh. Toàn thành phố có màu hồng và vàng; có
mái vòm; sương mù giăng kín; âm vang; lanh lảnh. Tiếng đàn băng-giô bập bùng; lớp
nhựa đường chảy nhẻo dinh dính dưới gót chân; lũ dê đột ngột phi nước kiệu, kéo
những cỗ xe qua những đám đông. Bà nhận thấy Công ty đã bố trí rất khéo những
luống hoa. Đôi khi một cái mũ rơm bị gió thổi bay. Những đóa hoa uất kim hương
cháy bùng trong nắng. Một số quần dài có túi chống thấm được trải ra thành
hàng. Những cái mũ tím viền quanh những gương mặt mềm mại, hồng hào, cáu kỉnh,
trên những cái gối trong các chiếc ghế tắm nắng. Những tấm pa-nô hình tam giác
được chở đi bằng xe ngựa bởi những người đánh xe mặc áo khoác trắng. Thuyền
trưởng George Boase đã bắt được một con cá mập khổng lồ. Một mặt của tấm pa-nô
tam giác viết như thế với những mẫu tự màu đỏ, xanh dương và vàng; và mỗi dòng
chữ kết thúc với ba dấu chấm than có màu khác nhau. Và đó là một lý do cho việc
đi vào Khu bể cá, nơi những tấm mành che đan bằng cành liễu, mùi ôi của axit
clohydric, những cái ghế tre, những cái bàn với những cái gạt tàn thuốc, cái bể
cá xoay, cô gái phục vụ ngồi đan phía sau sáu hoặc bảy hộp sô-cô-la (thông
thường cô ta hoàn toàn ở một mình với lũ cá suốt nhiều giờ liền) vẫn lưu lại trong
tâm trí như một phần của con cá mập khổng lồ; bản thân nó là một cái túi màu
vàng mềm nhũn, như một cái va-li trống rỗng trong một bể nước. Chưa một ai vui
vẻ vì Khu bể cá; nhưng những gương mặt của những kẻ hiện ra đó nhanh chóng mất
đi vẻ lờ mờ, lạnh lẽo khi họ nhận thức rằng chỉ có đứng xếp hàng người ta mới
được chấp nhận cho vào cầu tàu. Khi đã băng qua những cánh cửa xoay, mỗi người
đi trong vòng một hai thước với dáng vẻ rất linh hoạt; một số vẫy tay với quầy
hàng này; số khác với quầy kia.
Nhưng rốt cuộc, chính
ban nhạc đã lôi kéo tất cả bọn họ tới đó; ngay cả những ngư dân trên cái cầu
tàu thấp hơn cũng chọn chỗ ngồi trong phạm vi của nó.
Ban nhạc chơi trong cái
ki-ốt có kiến trúc theo lối Tây Ban Nha cổ. Số chín hiện ra trên tấm bảng. Đó
là một điệu van-xơ. Những cô gái xanh xao, vị phu nhân già góa chồng, tay buôn
ngựa, và quý ông giàu có, tất cả đều có vẻ mặt mờ mờ, ngái ngủ, và qua những
khe hở trong những tấm ván dưới chân, họ có thể nhìn thấy những lượn sóng xanh
mùa hạ, vỗ bập bềnh một cách thanh bình, êm ả quanh những cây cột sắt của cái
cầu tàu.
Nhưng có một thời điểm
khi không có bất cứ thứ nào trong số này tồn tại (chàng thanh niên đang tựa
người vào những song sắt nghĩ). Hãy dán mắt bạn vào cái váy của vị phu nhân; cái
váy xám khá phù hợp – bên trên đôi tất lụa hồng. Nó thay đổi; xếp nếp trên đôi mắt
cá chân của bà ta – thập niên chín mươi; rồi nó mở rộng – thập niên bảy mươi;
bây giờ nó đỏ chói và căng ra bên trên một tấm váy phồng – thập niên sáu mươi;
một bàn chân nhỏ đen đúa mang một chiếc tất vải bông trắng ló ra. Vẫn còn ngồi
ở đó? Phải – bà ta vẫn còn trên cầu tàu. Lúc này tấm lụa được trang trí với
những bông hồng thêu, nhưng theo cách nào đó người ta không còn thấy rõ lắm.
Không có cầu tàu nào bên dưới chúng ta. Cỗ xe nặng nề có thể lắc lư trên con
đường lộ, nhưng không có cái cầu tàu để nó ghé lại, và biển cả từng xám xịt,
náo động biết bao trong thế kỷ mười bảy! Chúng ta hãy tới viện bảo tàng. Những
quả đạn đại bác; những đầu mũi tên; tấm kính La Mã và cái kẹp y khoa phủ lớp gỉ
đồng xanh. Đức Cha Jaspar Floyd đã khai quật chúng lên bằng tiền túi của mình
hồi đầu thập niên bốn mươi trong khu trại La Mã trên đồi Dods – hãy nhìn tấm vé
nhỏ với dòng chữ phai nhòa bên trên.
Và giờ đây, có thứ gì kế
tiếp để xem ở Scarborough?
Bà Flanders ngồi trên
cái vòng tròn đắp nổi của khu trại La Mã, vá cái quần dài của Jacob; chỉ ngẩng
lên khi bà mút đầu sợi chỉ, hay khi một con côn trùng lao vào bà, kêu vo ve bên
tai bà, rồi biến mất.
John tiếp tục chạy lon
ton và trút vào vạt áo của bà những nhánh cỏ hay lá chết mà nó gọi là “trà”, và
bà sắp xếp chúng một cách ngăn nắp nhưng lơ đãng, đặt đầu có hoa của những nhánh
cỏ nằm cạnh nhau, suy nghĩ xem Archer lại thức giấc đêm qua như thế nào; đồng
hồ nhà thờ đổ nhanh hơn mười hay mười ba phút; bà ước gì có thể mua cánh đồng
cỏ của Garfit.
“Đó là một chiếc lá phong lan, Johnny. Hãy nhìn những
chấm nâu nhỏ xíu. Tới đây, con yêu. Chúng ta phải về nhà. Ar-cher! Ja-cob!”
“Ar-cher! Ja-cob!” Johnny kêu lanh lảnh
theo bà, xoay tròn quanh gót chân và rải những cọng cỏ và lá cây trên tay nó
như thể đang gieo hạt. Archer và Jacob đi lên từ phía sau gò đất nơi chúng đã
nấp với ý định sẽ bất ngờ nhảy vào người mẹ chúng, và họ bắt đầu chậm rãi trở
về nhà.
“Ai kia nhỉ?” Bà Flanders hỏi, giơ tay che nắng.
“Ông già trên đường đó hả mẹ?” Archer nói, nhìn xuống.
“Ông ta không phải là một ông già,” bà Flanders. “Không, ông ta
không già – mẹ nghĩ đó là ông Thuyền trưởng, nhưng hóa ra là ông Floyd. Nhanh
chân lên nào, mấy đứa.”
“Ồ, ông Floyd phiền
toái!” Jacob nói, vặt ngọn của một cây kế, vì nó đã biết rằng ông Floyd sẽ dạy
chúng tiếng Latin, như thật sự ông đã thực hiện suốt ba năm trong lúc rảnh
rỗi, xuất phát từ lòng tốt, vì không có quý ông nào khác trong vùng để bà
Flanders có thể yêu cầu làm điều đó, và hai đứa bé lớn hơn đang vượt khỏi tầm
tay của bà, và phải sẵn sàng để tới trường, và hẳn là hầu hết các giáo sĩ không
sẵn lòng tới dạy sau giờ uống trà, hay dạy chúng trong phòng của mình – như ông
ta có thể thu xếp – vì giáo xứ này rất rộng, và ông Floyd, giống như cha ông ta
trước đó, đã tới những căn nhà thôn quê cách xa nhiều dặm trên vùng trảng, và
giống cụ Floyd, ông là một học giả lớn, khiến cho điều đó trở nên rất không có
khả năng – bà chưa từng mơ tới một điều như thế. Bà có nên phỏng đoán chăng?
Nhưng ngoài việc là một học giả, ông ta nhỏ hơn bà tám tuổi. Bà biết mẹ của ông
ta – bà cụ Floyd. Bà đã uống trà ở đó. Và chính tối hôm đó, khi trở về sau bữa
uống trà với bà cụ Floyd, bà đã tìm thấy lá thư trong sảnh và đã cầm theo nó
vào bếp khi đem cá cho Rebecca, nghĩ rằng nó phải nói gì đó về lũ trẻ.
“Ông Floyd đã tự mang nó
đến phải không?... Tôi nghĩ gói pho mát để ở trong sảnh… ờ, trong sảnh…” bởi bà
đang đọc. Không, nó không nói về bọn trẻ. “Vâng, chắn chắn là đủ cho bánh cá
ngày mai – có lẽ Thuyền trưởng Barfoot…” bà đã đọc tới từ “yêu”. Bà đi ra vườn
và đọc, tựa người vào cây hồ đào để giữ thăng bằng. Ngực bà phập phồng.
Seabrook hiện ra thật rõ trước mắt bà. Bà lắc đầu và nhìn qua hai hàng lệ những
chiếc lá nhỏ lay động trên nền trời vàng khi ba con ngỗng, nửa chạy nửa bay,
vội vã băng qua bãi cỏ với Johnny đang vung vẩy một nhánh cây ở phía sau. Bà
Flander đỏ bừng mặt vì tức giận.
“Mẹ đã bảo con bao nhiêu
lần?” Bà la lên, chụp lấy nó và giật nhánh cây khỏi tay nó.
“Nhưng chúng đã chạy
trốn!” Thằng bé kêu lên, cố vùng vẫy để thoát ra.
“Con là một đứa bé hư. Nếu mẹ đã nói với con một lần,
mẹ sẽ nói với con một ngàn lần. Mẹ không cho phép con rượt đuổi lũ ngỗng!” Bà
nói, và vò nhàu lá thư của ông Floyd trong tay, bà giữ chặt Johnny và lùa lũ
ngỗng vào vườn trở lại.
“Làm sao mình có thể kết hôn?” Bà cay đắng tự nhủ
trong lúc cột cánh cổng lại với một cọng dây thép. Bà luôn không ưa mái tóc đỏ
ở những người đàn ông, bà suy nghĩ đêm hôm đó, khi lũ trẻ đã lên giường, nhớ
tới ngoại hình của ông Floyd. Và bà đẩy cái hộp đựng đồ may vá ra, kéo tờ giấy
thấm mực về phía mình, và đọc lại lá thư của ông Floyd; ngực bà phập phồng khi
đọc tới từ “yêu”, nhưng lần này không nhanh lắm, vì bà đã nhìn thấy Johnny rượt
lũ ngỗng, và biết rằng bà không thể lấy bất cứ người nào – nói gì tới ông
Floyd, một người nhỏ tuổi hơn bà nhiều, nhưng đó là một người tử tế, và còn là
một học giả nữa.
“ Ông Floyd thân mến,” bà viết. “Mình có quên vụ
pho mát không nhỉ?” Bà tự hỏi, đặt cây bút xuống. Không, bà đã nói với Rebecca rằng pho mát để
trong sảnh. “Tôi rất ngạc nhiên…” bà viết.
Nhưng lá thư mà ông Floyd tìm
thấy trên bàn khi thức dậy sáng sớm hôm sau không bắt đầu với câu “Tôi rất ngạc
nhiên,” và nó là một lá thư đầy tình mẫu tử, sự kính trọng, và lửng lơ đến độ
ông đã giữ lại nó suốt nhiều năm; rất lâu sau khi ông kết hôn với cô Wimbush, ở thị trấn Andover; rất
lâu sau khi ông rời khỏi làng. Vì ông đã yêu cầu được đổi tới giáo xứ ở Sheffield, và được chấp nhận; và khi mời Archer, Jacob, và John tới để từ giã, ông đã bảo chúng chọn bất cứ thứ gì chúng thích trong
thư phòng của ông để nhớ tới ông. Archer chọn một con dao rọc giấy, vì nó không
thích chọn bất cứ thứ gì quá tốt; Jacob chọn một tập thơ của Byron; John, vẫn
còn quá bé để có một quyết định đúng, chọn con mèo con của ông Floyd; các anh
của nó nghĩ đó là một chọn lựa vô lý, nhưng ông Floyd ủng
hộ nó; ông bảo: “Nó có bộ lông giống như cháu.” Sau đó ông nói về Hải quân của
Đức vua (Archer sẽ gia nhập); và về trường Rugby (nơi Jacob sẽ theo học); và
hôm sau ông nhận được một cái khay bạc và lên đường – đầu tiên tới Sheffield, nơi ông sẽ gặp cô Wimbush, đang
tới đó để thăm bác của cô ta, rồi tới Maresfield
House, nơi ông trở thành thầy hiệu trưởng, rồi cuối cùng trở
thành biên tập viên của một loạt sách về Tiểu sử Giáo hội; ông thôi việc và về
sống tại Hampstead với vợ và con gái, và người ta thường nhìn thấy ông đang
cho lũ vịt ăn ở Leg of Mutton Pond[9]. Còn về phần lá thư của
bà Flanders, một hôm ông muốn tìm nó nhưng không tìm ra được, và không muốn hỏi
vợ ông xem bà có cất nó đi không. Sau này, khi gặp Jacob ở phố Piccadilly, ông
nhận ra anh sau ba giây. Nhưng Jacob đã trưởng thành, trở thành một thanh niên
điển trai đến độ ông không muốn ngăn anh lại trên đường.
“Ái chà,” bà Flanders
nói, khi đọc thấy trong tờ Người đưa tin Scarborough
và Harrogate[10]
rằng Đức Cha Andrew Floyd, vân vân và vân vân, đã được bổ nhiệm chức Hiệu
trưởng trường Maresfield House, “đó phải là ông Floyd của chúng ta.”
Một bóng tối lờ mờ đổ
lên bàn. Jacob đang thưởng thức món mứt; người đưa thư đang nói chuyện với
Rebecca trong bếp; một con ong đang kêu vo ve trên đóa hoa vàng đong đưa bên
khung cửa sổ mở. Tất cả đều sống động, nghĩa là, trong lúc ông Floyd khốn khổ
đang trở thành Hiệu trưởng trường Maresfield House.
Bà Flanders đứng lên,
bước tới tấm chắn lò sưởi và vuốt ve phần cổ sau đôi tai của Topaz.
“Topaz tội nghiệp,” bà
nói (bởi con mèo con của ông Floyd giờ là một con mèo rất già, bị ghẻ lở đôi
chút sau đôi tai, và sẽ sớm bị giết một ngày nào đó.)
“Topaz tội nghiệp,” bà
Flanders nói, trong lúc nó duỗi người ra dưới nắng; bà mỉm cười và nghĩ bà đã
nhờ người thiến nó ra sao, và bà không thích mái tóc đỏ ở đám đàn ông ra sao.
Vẫn mỉm cười, bà bước vào bếp.
Jacob
lau mặt qua loa với một chiếc khăn tay khá bẩn. Nó lên gác, vào phòng của mình.
Con bọ vừng chết rất
chậm (John là kẻ đã sưu tầm những con bọ). Thậm chí đến hôm thứ hai những cái
chân của nó vẫn còn mềm. Nhưng lũ bướm đã chết. Một mùi trứng thối bao trùm lên
những con bướm vàng[11]; chúng đã từng ồ ạt bay
qua vườn cây ăn quả, qua đồi Dods tới tận trảng cỏ, lúc lạc đường sau một bụi
kim tước, lúc bay tán loạn dưới ánh nắng như thiêu. Một con bướm đốm[12] tắm nắng trên một phiến
đá trắng trong khu trại La Mã. Từ thung lũng vọng tới tiếng chuông nhà thờ. Tất
cả bọn họ đang ăn thịt bò nướng ở Scarborough; bởi Jacob đã bắt những con bướm
vàng trong cánh đồng cỏ ba lá cách nhà tám dặm vào hôm Chủ nhật.
Một mùi long não nồng
nặc phát ra từ những cái lồng bướm.
Trộn lẫn với mùi long
não là mùi không thể nhầm lẫn của rong biển. Những chùm rong biển nâu treo trên
cửa. Mặt trời rọi thẳng lên chúng.
Không ngờ gì nữa, đôi
cánh trước của con bướm đêm mà Jacob đang cầm điểm những chấm hình quả thận màu
vàng hung. Nhưng không có hình lưỡi liềm nào trên đôi cánh sau. Cây sồi đã đổ
vào đêm Jacob bắt nó. Có một tràng súng ngắn đột ngột từ sâu trong rừng. Và mẹ
nó đã tưởng nó là tên trộm đêm khi nó trở về nhà muộn. Đứa duy nhất trong số
các con trai không bao giờ nghe lời bà, bà nói.
Morris[14] đã gọi nó là “một côn
trùng có tính chất cực kỳ địa phương được tìm thấy ở những địa điểm ẩm thấp hay
có đầm lầy.” Nhưng đôi khi Morris cũng sai. Thỉnh thoảng Jacob chọn một cây bút
thật tốt và sửa lại nhận định sai trên lề sách.
Cây sồi to đã đổ, dù đó
là một đêm lặng gió, và cái đèn lồng, đặt trên mặt đất, soi sáng những chiếc lá
vẫn còn xanh và những chiếc lá chết. Đó là một nơi khô ráo. Có một con cóc ở
đó. Con bướm cánh sau màu đỏ[15] đã bay vòng quanh ánh
đèn, lóe sáng và biến mất. Con bướm đó không bao giờ quay lại, dù Jacob đã chờ.
Mãi tới mười hai giờ nó mới băng qua bãi cỏ và nhìn thấy mẹ nó trong căn phòng
sáng rực, đang ngồi nhẫn nại.
“Con làm mẹ sợ biết bao
nhiêu!” Bà la lên. Bà nghĩ đã xảy ra một điều đáng sợ nào đó. Và nó đã làm cho
Rebecca thức giấc, cô ta phải dậy rất sớm.
Nó đứng đó, tái nhợt
trong căn phòng nóng nực, bước ra từ những chiều sâu của bóng tối, chớp mắt
nhìn ánh đèn.
Cái
máy cắt cỏ luôn cần được tra dầu. Barnet đã lôi nó tới phía dưới cửa sổ của
Jacob, và nó kêu cọt kẹt, cọt kẹt, rầm rầm lăn qua bãi cỏ, và lại kêu cọt kẹt.
Lúc
này mây đã tan đi.
Mặt trời quay lại, chói
lọi.
Nó rơi như một con mắt
lên những thanh nẹp giường, rồi đột ngột nhưng nhẹ nhàng đáp lên giường, lên
cái đồng hồ báo thức và cái lồng bướm để mở. Lũ
bướm vàng đã từng bay tán loạn trên trảng cỏ; từng lượn ngoằn ngoèo qua
đám cỏ ba lá tím. Lũ bướm đốm bay chập chờn dọc theo những bờ rào. Lũ bướm xanh[17] đậu lên những khúc
xương nằm lăn lóc trên cỏ với mặt trời rọi thẳng lên chúng, và lũ bướm phu nhân
lộng lẫy[18] và bướm ngũ sắc[19] đang mở tiệc trên những
khúc ruột đẫm máu do một con diều hâu đánh rơi. Cách nhà nhiều dặm, trong một
thung lũng nhỏ giữa những lùm tục đoạn bên dưới một di tích đổ nát, nó đã tìm
thấy lũ bướm nâu đốm trắng[20]. Nó đã nhìn thấy một con
bướm nâu vạch trắng[21] lượn vòng càng lúc càng
cao quanh một cây sối, nhưng chưa bao giờ bắt được con bướm đó. Một bà cụ quê
mùa sống một mình đã kể cho nó nghe về một con bướm tím[22] thường xuất hiện mỗi
mùa hè trong khu vườn của bà. Lũ cáo con chơi đùa trong lùm kim tước vào sáng
sớm, bà ta kể.
Và nếu bạn nhìn ra vào lúc
rạng sáng, bạn luôn có thể nhìn thấy hai con lửng. Đôi khi chúng vật lộn như
hai cậu bé đang đánh nhau, bà ta nói.
“Chiều nay con đừng đi
xa, Jacob,” mẹ nó nói, thò đầu vào cửa, “vì ông thuyền trưởng sẽ tới để chào
tạm biệt.” Đó là ngày cuối cùng của dịp lễ Phục sinh.
Thứ Tư là ngày của
Thuyền trưởng Barfoot. Ông ăn mặc rất chỉnh tề với bộ quần áo vải xẹc, xách
theo cây gậy đế bọc cao su – vì ông đi khập khiễng và thiếu mất hai ngón trên
bàn tay phải do phục vụ đất nước – và bước ra khỏi căn nhà có cái cột cờ vào
đúng bốn giờ chiều.
Lúc ba giờ, ông Dickens,
thợ đóng ghế đẩy, đã ghé thăm bà Barfoot.
“Hãy giúp tôi di
chuyển,” bà ta thường nói với ông Dickens, sau khi ngồi trên lối dành cho người
đi bộ khoảng mười lăm phút. Và một lần nữa, “Đủ rồi, cám ơn, ông Dickens.” Với
mệnh lệnh đầu tiên, ông ta thường tìm xem mặt trời ở phía nào; với mệnh lệnh
sau, ông ta thường đặt cái ghế tại đó, trong ánh nắng. Cái vòi nước uống công cộng, nơi phố
West nối với phố Broad, là món quà của James Coppard, kẻ từng là thị trưởng vào
thời đại tưng bừng của Nữ hoàng Victoria; và ông từng được vẽ trên những cỗ xe
tưới nước của thị trấn, những cửa sổ cửa tiệm, và những bức mành bằng kẽm ở cửa
sổ phòng tư vấn của các luật sư. Nhưng Ellen Barfoot chưa bao giờ tới tham quan
Khu Bể Cá (dù bà quen thân với Thuyền trưởng Boase, người đã bắt được con cá
mập), và khi đám đàn ông đi ngang qua với những tấm áp phích, bà khinh khỉnh
nhìn họ, vì bà biết bà sẽ không bao giờ nhìn thấy những Pierrot[23], hay anh em Zeno[24], hay Daisy Budd[25] và đàn hải cẩu biết biểu
diễn của cô ta. Vì Ellen Barfoot, trong cái ghế đẩy trên lối dành cho người đi
bộ là một tù nhân – một tù nhân của nền văn minh – tất cả những chấn song của
cái lồng của bà rơi khắp lối dành cho người đi bộ vào những ngày nắng đẹp, khi tòa
thị sảnh, các tiệm vải, hồ bơi, và nhà lưu niệm đổ bóng thành vệt lên mặt đất.
Bản thân là một cư dân
kỳ cựu, ông Dickens thường đứng phía sau bà một khoảng ngắn, phì phèo tầu
thuốc. Bà sẽ hỏi ông nhiều câu hỏi – những người đó là ai – hiện giờ ai quản lý
cửa tiệm của ông Jones – rồi về mùa trong năm – và bà Dickens có cố gắng không,
bất kể đó là gì – những từ tuôn ra từ miệng bà như những vụn bánh quy khô.
Bà nhắm mắt lại. Ông
Dickens xoay đi. Những cảm giác của một người đàn ông không hoàn toàn rời bỏ
ông, dù khi bạn nhìn thấy ông đang tới gần bạn, bạn nhận ra một chiếc ủng đen
sần sùi đung đưa một cách ngập ngừng trước chiếc ủng kia ra sao; có một cái
bóng giữa cái áo chẽn và quần của ông ra sao; ông nghiêng người về phía trước
một cách loạng choạng, như một con ngựa già nhận ra nó đột nhiên thoát khỏi
càng xe và không kéo cỗ xe nào ra sao. Nhưng khi ông Dickens nuốt khói vào rồi
phun nó ra trở lại, người ta có thể nhận thấy những cảm giác của một người đàn
ông trong đôi mắt của ông. Ông suy nghĩ lúc này Thuyền trưởng Barfot đang trên
đường tới Mount Pleasant như thế nào; Thuyền trưởng Barfoot, ông chủ của ông.
Bởi ở nhà ông, trong một căn phòng khách nhỏ bên trên trại nuôi ngựa, với lũ
chim hoàng yêu trong cửa sổ, những cô gái ngồi sau máy may, và bà Dickens co
người lại với chứng thấp khớp - ở nhà, nơi ông bị xem thường, cái ý nghĩ về
việc đang làm thuê cho Thuyền trưởng Barfoot khiến ông vững tâm hơn. Ông thích
nghĩ rằng trong lúc trò chuyện với bà Barfoot ở trước nhà, ông đã giúp cho ông
thuyền trưởng đang trên đường tới nhà bà Flanders. Ông, một người đàn ông, đang
chịu trách nhiệm về bà Barfoot, một phụ nữ.
Khi quay lại, ông thấy
rằng bà đang nói chuyện với bà Rogers. Khi quay lại lần nữa, ông thấy rằng bà
Rogers đã đi khỏi. Thế là ông quay lại chỗ cái ghế đẩy, và bà Barfoot hỏi ông
mấy giờ, và ông móc cái đồng hồ đeo tay bằng bạc to tướng ra và báo giờ cho bà
biết với vẻ rất sốt sắng, như thể ông biết về giờ giấc và mọi thứ hơn bà nhiều.
Nhưng bà Barfoot biết rằng Thuyền trưởng Barfoot đang trên đường tới nhà bà
Flanders
Thật sự ông đã đi được
một chặng khá xa, đã xuống xe điện, và nhìn thấy ngọn đồi Dods ở phía đông nam,
xanh ngắt trên nền trời xanh lơ tràn ngập màu bụi ở phía chân trời. Ông đang
bước đều chân lên đồi. Bất chấp sự khập khiễng, có tính chất nhà binh nào đó
trong dáng đi của ông. Khi ra khỏi cổng nhà ông mục sư, bà Jarvis nhìn thấy ông đang tới gần, và
Nero, con chó nòi Newfoundland của bà, chậm rãi ngoắc đuôi từ bên nọ sang bên
kia.
“Ồ, Thuyền trưởng
Barfoot!” Bà Jarvis kêu lên.
“Chào ngày lành, bà
Jarvis,” vị thuyền trưởng nói.
Họ cùng đi với nhau, và
khi họ tới cỗng nhà bà Flanders, Thuyền trưởng Barfoot dỡ cái mũ vải tuýt
xuống, và vừa nói vừa cúi đầu rất lễ độ:
“Chúc bà ngày lành, bà
Jarvis.”
Và bà Jarvis đi tiếp một
mình.
Bà
đang đi ra trảng. Không phải bà đã đi lại trên bãi cỏ nhà mình lúc đêm thâu hay
sao? Không phải bà đã đập lên cửa sổ thư phòng lần nữa và kêu lên: “Hãy nhìn
mặt trăng, hãy nhìn mặt trăng kìa, Herbert!” hay sao?
Và
Herbert đã nhìn lên mặt trăng.
Bà
Jarvis hay dạo trên trảng cỏ khi cảm thấy buồn bã, đi tới tận một lũng nhỏ cụ
thể trông như một cái đĩa lót tách, dù bà luôn có ý định đi tới một dãy đồi xa
hơn; và ở đó bà ngồi xuống, lôi ra cuốn sách giấu bên dưới tấm áo choàng và đọc
vài dòng thơ, rồi đưa mắt nhìn quanh. Bà rất buồn, và thấy rằng bà đã năm mươi
lăm, có lẽ sẽ không bao giờ quá đỗi buồn, nghĩa là buồn bã một cách tuyệt vọng,
và rời khỏi chồng mình, và hủy hoại sự nghiệp của một người đàn ông tốt, như
đôi khi bà dọa dẫm.
Vẫn
không cần phải nói bà vợ của một giáo sĩ có thể đánh liều làm những chuyện gì
khi bà đi dạo trong trảng cỏ. Thấp, ngăm ngăm, với đôi mắt sáng, một sợi lông
công trên mũ, bà Jarvis đúng là dạng phụ nữ đánh mất niềm tin của mình đối với
những trảng cỏ - nghĩa là làm rối trí Thượng đế của bà và toàn vũ trụ - nhưng
bà không đánh mất niềm tin, không rời khỏi ông chồng, không bao giờ đọc hết bài
thơ, và tiếp tục đi dạo trên những trảng cỏ, nhìn vầng trăng phía sau cây du,
và cảm thấy giống như bà ngồi trên mặt cỏ cao bên trên Scarborough… Phải, phải,
khi con chim chiền chiện bay vút lên; khi đàn cừu bước về phía trước một hai
bước, gặm cỏ, đồng thời làm cho những cái chuông cổ kêu leng keng; khi cơn gió
nhẹ nổi lên rồi lặng lại, để lại gò má đã được hôn lên; khi những con tàu trên
mặt biển bên dưới dường như băng ngang qua nhau và lướt tiếp như thể được kéo
đi bởi một bàn tay vô hình; khi có những rung chuyển xa xôi trong không trung
và những bóng ma kỵ sĩ đang phi ngựa, đang dừng lại; khi chân trời đẫm sắc lục,
xanh lơ, cảm xúc; lúc đó bà Jarvis thở dài sườn sượt, nghĩ thầm trong bụng,
“Giá như một ai đó có thể cho mình… Giá như mình có thể cho ai đó…” Nhưng bà
không biết bà muốn cho gì, hoặc ai có thể cho bà thứ đó.
“Bà Flanders vừa đi ra
ngoài cách đây năm phút, thưa ông Thuyền trưởng,” Rebecca nói. Thuyền trưởng
Barfoot ngồi xuống cái ghế bành để chờ. Tựa cùi chỏ lên tay vịn, đặt một bàn
tay lên bàn tay kia, duỗi thẳng cái chân khập khiễng ra, và đặt cây gậy có đế
bịt cao sư bên cạnh nó, ông ngồi im như tượng. Ở ông có vẻ gì đó cứng nhắc. Ông
có suy nghĩ không? Có lẽ cùng những ý nghĩ lặp đi lặp lại. Nhưng chúng có phải
là những ý nghĩ “tươi đẹp”, những ý nghĩ thú vị hay không? Ông là một người đàn
ông có cá tính; kiên quyết, tận tâm. Hẳn những người phụ nữ sẽ cảm thấy, “Đây
là luật pháp. Đây là trật tự. Do đó chúng ta phải quý trọng người đàn ông này.
Ông ta ở trên đài chỉ huy của con tàu vào ban đêm,” và, việc trao cho ông
chiếc cốc của ông, hay bất kể nó là gì, sẽ mang tới những ảo ảnh về nạn đắm tàu
và tai họa, trong đó mọi hành khách té nhào khỏi buồng của họ, và kia là vị
thuyền trưởng, trong chiếc áo va-rơi, chọi nhau với bão tố, chỉ bị đánh bại bởi
nó chứ không bởi bất kỳ ai khác. “Thế nhưng mình có một linh hồn,” bà Jarvis sẽ
nghĩ, khi Thuyền trưởng Barfoot đột nhiên xì mũi vào một cái khăn tay ca-rô lớn
màu đỏ, “và chính sự ngu ngốc của người đàn ông đó là nguyên nhân của việc này,
và trận bão là trận bão của mình cũng như của ông ta,” bà Jarvis nghĩ thế
khi viên thuyền trưởng ghé vào thăm họ, biết rằng Herbert đã ra ngoài, và trải
qua hai hoặc ba giờ, hầu như im lặng, ngồi trong cái ghế bành. Nhưng Betty
Flanders không nghĩ gì giống thế.
“Ồ, ông Thuyền trưởng,”
bà Flanders nói, bước vội vào phòng khách, “tôi phải đuổi theo người của
Barker… tôi hy vọng Rebecca… tôi hy vọng Jacob…”
Bà thở hổn hển, nhưng
không hề bực dọc, và khi bà đặt cái bàn chải cọ lò sưởi mà bà đã mua của người
bán dầu xuống, bà bảo tiết trời nóng quá, rồi mở tung cửa sổ ra, vuốt thẳng một
tấm khăn trải bàn, nhặt một cuốn sách lên, như thể bà rất tự tin, rất quý mến
vị thuyền trưởng, và bà trẻ hơn ông rất nhiều tuổi. Thật sự, với cái tạp dề
xanh lơ, trông bà chưa tới ba mươi lăm. Thuyền trưởng đã quá năm mươi khá nhiều.
Bà di chuyển đôi bàn tay
quanh bàn; Thuyền trưởng di chuyển đầu mình từ bên này sang bên kia, tạo nên
những âm thanh nho nhỏ, hoàn toàn thoải mái – sau hai mươi năm - trong lúc
Betty tiếp tục trò chuyện.
Cuối cùng ông lên tiếng,
“À, tôi có nghe từ ông Polegate.”
Ông đã nghe tin từ ông
Polegate rằng ông ta không có lời khuyên nào tốt hơn là nên gửi một cậu bé tới
một trong số các trường đại học.
“Ông Floyd đã học ở
Cambridge… không, ở Oxford… vâng, ở trường này hoặc trường kia,” bà Flanders
nói.
Bà nhìn ra cửa sổ. Những
khung cửa sổ nhỏ, và những bông hoa tử đinh hương và cây lá phản chiếu trong
đôi mắt của bà.
“Arche đang làm việc rất
tốt,” bà nói. “Tôi nhận được một báo cáo rất tuyệt từ Thuyền trưởng Maxwell.”
“Tôi sẽ để lại cho bà lá
thư để bà trao cho Jacob,” Thuyền trưởng nói, lóng ngóng đặt nó vào phong bì
trở lại.
“Jacob đang đuổi theo lũ
bướm của nó như thường lệ,” bà Flanders bực bội nói, nhưng ngạc nhiên bởi một ý
nghĩ bất ngờ nảy ra quá muộn, “Mùa dế bắt đầu từ tuần này, dĩ nhiên rồi.”
“Edward Jenkinson đã đệ
đơn xin từ chức,” Thuyền trưởng Barfoot nói.
“Vậy ông sẽ đại diện cho
Hội đồng?” Bà Flanders kêu lên, nhìn thẳng vào mặt vị thuyền trưởng.
“Vâng, về việc đó,”
Thuyền trưởng Barfoot bắt đầu, nhích sâu hơn vào cái ghế.
Do đó, Jacob Flanders đã
tới Cambridge vào tháng Mười, 1906.
[1] Bà Jarvis liên tưởng tới Ruth (Sách của Ruth – Kinh Cựu
ước), nàng Ruth con dâu đã góa chồng của bà Naomi phải đi theo các thợ gặt để
mót lúa.
[3]
Tiziano Vecellio (1488-1756) họa sĩ nổi tiếng người Ý.
Ông bắt đầu một giai đoạn sáng tạo mới ở lứa tuổi năm mươi.
[4] Sea holly (Eryngium maritimum): loài cây thân thảo có
hoa màu xanh lơ, thường mọc ở vùng duyên hải châu Âu.
[5]
Tờ nguyệt san phổ biến
được đặt theo tên của một con đường ở London, do George Newnes sáng lập, bao gồm những truyện ngắn và bài viết về các chủ đề chung. Nó
được xuất bản ở Anh từ 1/1891 tới 3/1950, tổng cộng có 711 số;. nổi tiếng nhất
với những câu chuyện về Sherlock Hommes của nhà văn Conan Doyle.
[6]
Vào thời này, bọn đào trộm xác người để bán cho các
trung tâm dạy phẫu thuật vẫn còn hoạt động mạnh mẽ. Vì vậy, những người có của
thường được chôn trong quan tài dày hai hoặc ba lớp.
[8]
Cuộc chiến Crimea (1853-1856) nhằm giành quyền kiểm
soát bán đảo Crimea, giữa Nga và liên minh gồm Anh, Pháp, đế quốc Ottoman và
vương quốc Sardina.
[9] Hồ này nằm ở phía tây công viên Hamstead Heath, một
công viên cổ nằm trên những điểm cao nhất của London, rộng 320 ha, kéo dài từ
Hamstead tới Highgate.
[11] Clouded yellow
(Colias): loài bướm có cánh màu vàng nhạt,
sống ở khu vực Bắc Bán cầu, Nam Mỹ, châu Phi, Trung Quốc và Ấn Độ.
[13] Death’s
head moth hoặc death’s head hawkmoth (Acherontia): loài bướm đêm trên lưng có
hoa văn giống như hình sọ người, sống ở châu Âu và châu Á.
[14] Francis
Orpen Morris (1810 - 1893) giáo sĩ người Ái
Nhĩ Lan, tác giả của nhiều sách thiếu nhi và sách lịch sử tự nhiên, cuốn sách của
Jacob là cuốn A History of British Moth (4 tập, xuất bản từ
1859- 1870).
[15] Red underwing (Catocala nupta): loài bướm đêm cỡ lớn
(sải cánh 80mm), đôi cánh sau có màu đỏ hoặc hung, sống ở châu Âu.
[16] Straw underwing (Thalpophila
matura): loài bướm đêm cỡ vừa, cánh sau có màu vàng rơm và có dải viền đen
rông ở mép cánh;.sống ở Trung và Nam Âu.
[17]
Blues (Lycaenidae): loài bướm có cánh màu xanh trời, sống
ở châu Âu, Bắc Phi và quần đảo Canary, nhưng thường gặp nhất ở Anh.
[18]
Painted lady (Vanessa cardul): loài bướm lớn ở Anh, sải
cánh 5-9 cm; cánh có nhiều màu sắc.
[19] Peacock (Aglais io): loài bướm cỡ vừa, cánh có màu sặc
sỡ, thường là màu đỏ gì sắt, và những đốm lớn hình con mắt gần mép cánh; sống ở châu Âu và vùng ôn đới
châu Á, xa nhất về phía đông là Nhật.
[22]
Loài bướm chỉ hiện hữu trong truyền thuyết; có nhiều ý
nghĩa khác nhau được gán cho việc nhìn thấy hay mơ thấy loài bướm này.
[24] Nicolò Zeno và Antonio Zeno, hai anh em dòng dõi quý tộc người Ý; sống vào nửa sau thế kỷ 14, nổi tiếng
vì cuộc thám hiểm vùng Bắc Cực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét