SÁCH ĐÃ PHÁT HÀNH.
Các bạn có thể mua tại NXB Tổng họp, số 62 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 hoặc mua online tại:
Một câu chuyện đời, cũng là một chuyện tình, rất đỗi đau thương. Jude làm tôi nhớ tới Kiếp người của Somerset Maugham. Nhưng Philip Carey rốt cuộc cũng tìm được hạnh phúc muộn màng, còn Jude cả đời phấn đấu, mà không vẫn hoàn không. Nada y pues Nada. Kính mừng hư vô toàn hư vô. Những nhà phê bình Anh Mỹ nói rất nhiều điều, nhiều khía cạnh về tác phẩm này, nhưng họ bỏ quên một điều: Ý nghĩa của Hư vô bàng bạc mênh mang trong Jude.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần Giới thiệu và ba chương đầu của tác phẩm.
THOMAS HARDY
JUDE – KẺ VÔ DANH
Quyển tiểu thuyết gây chấn động nước Anh thời Victoria.
Được The Guardian.com xếp hạng thứ 29
trong số 100 tác phẩm tiếng Anh hay nhất mọi thời đại.
NGUYỄN THÀNH NHÂN DỊCH
Dịch từ nguyên tác
Jude The Obscure của Thomas Hardy.
Dịch giả giữ bản quyền bản tiếng Việt.
VỀ TÁC GIẢ
Thomas Hardy (2/6/1840 - 11/1/1928) – tiểu thuyết gia, nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng người Anh – chào đời tại làng Higher Bockhampton, một trong những làng quê xa xôi hẻo lánh nhất của hạt Dorset, Anh Quốc. Ông là con cả trong số bốn người con của Thomas Hardy, một thợ xây, và Jemima, một thôn nữ có học thức. Ông lớn lên trong một ngôi nhà tranh nằm biệt lập ở rìa một cánh đồng thạch nam. Những trải nghiệm đầu đời của ông về đời sống nông thôn, với nhịp điệu theo mùa và nền văn hóa dân gian truyền khẩu, là nền tảng cho phần lớn các tác phẩm sau này của ông. Ông được mẹ dạy học tại nhà cho tới năm tám tuổi; sau một năm học ở trường làng, ông chuyển tới trường học ở Dorchester, một thị trấn gần đó. Tại đây ông đã tiếp thu được một nền tảng vững chắc về toán học và tiếng Latin. Năm 1856, ông trở thành người học việc của John Hicks, một kiến trúc sư địa phương; năm 1862, ông chuyển tới London và trở thành chuyên viên bản vẽ kỹ thuật trong văn phòng của Arthur Blomfield, một kiến trúc sư nổi tiếng. Do sức khỏe kém, năm 1867 ông trở về Dorset, lại làm việc cho Hicks và sau đó cho kiến trúc sư G.R. Crickmay ở thị trấn Weymouth.
Dù nghề kiến trúc mang lại cho Hardy sự thăng tiến ở cả hai mặt kinh tế và xã hội, giữa những năm 1860, sự thiếu thốn tài chính và sự sụt giảm niềm tin tôn giáo buộc ông phải từ bỏ khát vọng học đại học và trở thành một linh mục. Ông bắt đầu tập trung vào sáng tác thơ, nhưng do các tác phẩm này bị từ chối xuất bản, ông miễn cưỡng quay sang sáng tác văn xuôi.
Trong hai năm 1867-68, ông viết tiểu thuyết đầu tay Gã nhà nghèo và nàng tiểu thư (The Poor Man and the Lady). Dù được ba nhà xuất bản ở London xem xét với sự cảm thông, tác phẩm này không bao giờ được xuất bản và thất lạc luôn. Sau đó, theo lời khuyên của George Meredith, một người điểm sách của nhà xuất bản, ông viết Các liệu pháp tuyệt vọng (Desperate Remedies -1871), một tác phẩm chịu ảnh hưởng của dòng tiểu thuyết“cảm giác”của Wilkie Collins. Tuy nhiên, trong tác phẩm tiếp theo, Dưới tán cây xanh (Under the Greenwood Tree -1872), Hardy đã tìm thấy giọng điệu riêng biệt của chính mình.
Tháng 3/1870, Hardy được cử đến để trùng tu ngôi nhà thờ St. Juliot đổ nát ở Cornwall. Ông đã gặp Emma Lavinia Gifford, người trở thành vợ của ông bốn năm sau đó. Bà đã tích cực khuyến khích và hỗ trợ ông trong những nỗ lực văn chương, và cuốn tiểu thuyết kế tiếp của ông, Mắt biếc (A Pair of Blue Eyes -1873), được viết dựa trên chính những trải nghiệm lãng mạn trong mối tình giữa ông và Emma.
Mùa hè năm 1872, Hardy dứt khoát từ bỏ sự nghiệp kiến trúc và toàn tâm theo đuổi văn chương khi tạp chí Tinsley ký kết hợp đồng sử dụng Mắt biếc trong 11 kỳ đăng mỗi tháng. Sau đó, Cornhill, một tạp chí có uy tín hơn nhiều mời ông cung cấp một tác phẩm đăng nhiều kỳ. Kết quả là tác phẩm Xa đám đông điên loạn (Far From the Madding Crowd – 1874) ra đời, giới thiệu cái tên Wessex lần đầu. Và cũng từ đây trở đi, hầu hết các tác phẩm của ông, đều có bối cảnh nền là Wessex, vốn là một vương quốc của người Anglo-Saxon ở miền nam đảo Great Britain từ năm 519 cho tới đầu thế kỷ 10, khi vua Æthelstan của người Anglo-Saxon thống nhất nước Anh; với Hardy, địa danh Wessex bao gồm các hạt ở vùng tây nam Anh Quốc hiện nay.
Tháng 9/1874, Hardy kết hôn với Emma Gifford, bất chấp sự phản đối của gia đình cả hai bên. Trong thời gian đầu, họ liên tục di chuyển, khi sống ở London, khi ở Dorset. Trong thời gian này ông viết tiểu thuyết Bàn tay của Ethelberta (The Hand of Ethelberta - 1876); tác phẩm này được đón nhận khá thờ ơ và không phổ biến mấy. Bù lại, tiểu thuyết Trở lại cố hương (The Return of the Native – 1878)[1] ngày càng được nhiều người hâm mộ do bối cảnh nổi bật của Egdon Heath, dựa trên vùng hoang địa ảm đạm và khắc nghiệt mà ông từng biết hồi thời thơ ấu.
Cái chết của đột ngột của Emma vào năm 1912 kết thúc hai mươi năm sống chung với nhau trong tình trạng xa lạ, nhưng nó cũng khơi gợi lại những tháng ngày tươi đẹp trong mối tình của họ, và là nguồn cảm hứng để ông hoàn thành một số tác phẩm thơ xuất sắc. Năm 1914, Hardy kết hôn với Florence Emily Dugdale, trẻ hơn ông 38 tuổi. Dù đôi khi người vợ thứ hai này gặp khó khăn, vì Hardy quá nặng lòng với những hoài niệm về người vợ cũ, bà vẫn toàn tâm chăm sóc cho sức khỏe tuổi già của ông cho tới lúc ông qua đời vào tháng 11/1928. Tro cốt của ông được đặt trong “Góc của các nhà thơ” (Poets’ Corner) tại Tu viện Westminster, còn quả tim được chôn cất chung một nấm mộ với Emma tại nghĩa trang giáo xứ Stinsford.
Trọn đời văn nghiệp, Thomas Hardy đã sáng tác tổng cộng 14 tiểu thuyết (các tác phẩm nổi bật nhất là Far From the Madding Crowd, The Return of the Native, The Major of Casterbridge, Tess of The d’Urbervilles, và Jude the Obcure), hàng trăm truyện ngắn, hai vở kịch, và chín tập thơ. Ông được công nhận rộng rãi là một nhà văn lớn của thế kỷ 19 và nhà thơ lớn của thế kỷ 20. Năm 1910, ông được tặng thưởng Huân chương Công trạng (Order of Merit)[2]. Ngoài ra, ông được vinh hạnh đề cử cho giải Nobel Văn chương nhiều lần (1910 - 1914, 1920, 1923 - 1927)[3].
Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim như Tess of The d’Urbervilles (1913; 1979; 1998, 2008) The Return of the Native (1994), Jude the Obscure (1996), The Mayor of Casterbridge (2000, 2003), Under the Greenwood Tree (2005), Far From the Madding Crowd (2015).
Nhiều nhà văn trẻ hơn, bao gồm D. H. Lawrence, John Cowper Powys, và Virginia Woolf rất hâm mộ các tác phẩm của ông. Một số nhà soạn nhạc nổi tiếng, bao gồm Gerald Finzi, Benjamin Britten, và Gustav Holst đã lấy thơ của ông để phổ nhạc. Holst cũng soạn bản giao hưởng dựa trên chủ đề của tiểu thuyết The Return of the Native nhan đề Egdon Heath: A Homage to Thomas Hardy vào năm 1927.
THAY LỜI GIỚI THIỆU
Tôi xin trân trọng xin lỗi quý độc giả khi dùng những lời cảm nhận xuất phát từ đáy tim này thay cho lời giới thiệu tác phẩm.
Loay hoay cả tuần, để viết lời giới thiệu cho Jude - Kẻ vô danh, mà mãi vẫn không xong. Viết rồi lại xóa. Tính bắt chước ông Phạm Công Thiện dùng Triết lý bi đát của Clément Rosset để phân tích, vì quả thật nó bi đát tận cùng, nhưng rồi lại thấy nhảm. Hay là không viết gì cả, ngoài vài dòng cảm nhận? Và cứ để độc giả đọc, rồi tự cảm, và hiểu. Vì hư vô và bi đát tràn trề trong tác phẩm này, dùng một triết lý hay một góc nhìn cho nó dường như quá thiếu hụt. Cả D.H. Lawrence, tác giả tiểu thuyết lừng danh Người tình của phu nhân Chatterley, trong cuốn Study of Thomas Hardy cũng nhận định quá hời hợt và sai lầm về chiều sâu tư tưởng của tác phẩm này, dù dĩ nhiên ông rất ngưỡng mộ Thomas Hardy. Yêu Jude, vì Jude cũng giống như tôi, mơ mộng, đầy hoài bão, và thất bại từ đầu chí cuối, biết đời là cõi tạm; cùng lúc vừa sợ hãi nó, muốn thoát khỏi nó, lại vừa yêu thương nó và gắng hết sức hòa vào nó. Rốt cuộc, có lẽ cái chết sẽ giảng hòa Jude, giảng hòa tôi với cuộc đời này.
Chợt nhớ một bài thơ làm năm mười chín tuổi.
CHIỀU ƠI
chiều ơi...
gió mơn man mái tóc
hương lá thoảng mơ màng
ngồi xuống chỗ này, ngồi xuống đi em
ngồi nghe gió hát!
nghe tiếng lá rơi vèo - tiếng nhạc
tiếng nụ hoa e ấp nở chào em
nghe không em tiếng hót của con chim
về tổ muộn, nghẹn ngào, khắc khoải
một tia nắng lạc loài, run rẩy
vơi vơi dần theo cánh lá xôn xao...
lắng nghe đi em!
rồi êm đềm câu chuyện một ngày xưa
anh sẽ kể thì thầm theo tiếng gió
một câu chuyện rất thường mà rất lạ
này đây em, ngày xưa... một ngày xưa...
ngày xửa ngày xưa có chú bé học trò
rất ngây thơ như một chú nai vàng
trong trắng như là mảnh giấy
vở học trò man mác ngát thơm hương
một đứa bé yêu thơ đến lạ
yêu từng dòng mực tím viết nghiêng nghiêng
yêu từng chiếc lá vàng bay hiu hắt
yêu từng câu lục bát của quê hương...
đứa bé ướp hoa vào vở
để rồi thỉnh thoảng xót thương hoa
những cánh lá thuộc bài nho nhỏ
ngây ngô như những chuyện cổ lâu đời
cuộc đời trôi như dòng sông bình thản
với vở học trò một mặt chép đầy thơ
với những đóa hoa khô và chiếc lá
ép bên trong không biết đến bao giờ
rồi một hôm đứa bé lại làm thơ
nhưng không nói về hoa về bướm
không nói về cánh chim, về ánh trăng thơ mộng
mà eo ôi, một tà áo dễ thương
một bài thơ thật là mênh mang
như biển lặng dạt dào sóng hát
chợt cuộn mình reo lên tha thiết
những cung trầm chan chứa tình thương
nắng đã tắt rồi, có phải không em?
ừ, nắng tắt, rồi một ngày nắng tắt
hoàng hôn về, bóng tối phủ mênh mông...
đứa bé khóc với cõi lòng tan tác
đốt hết thơ và tập thức đêm dài
hồn thơ dại in hằn roi cô tịch
đứa bé vào rừng nằm chết giữa mưa thu...
(1983)
Sài Gòn, tháng 8, 2018
Nguyễn Thành Nhân
Sài Gòn, tháng 8, 2018
Nguyễn Thành Nhân
[2] Danh hiệu cao quý do người đứng đầu Hoàng gia nước Anh tặng thưởng cho những người có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, quân sự, nghệ thuật, văn chương và công nghệ. Người được ban tặng danh hiệu này được kèm theo sau tên của mình hai chữ viết tắt OM.
[3] Nguồn: https://www.nobelprize.org/nomination/archive/show_people.php?id=3892
PHẦN MỘT
Ở MARYGREEN
“Phải, nhiều người đã điên dại vì đàn bà, và trở thành tôi mọi cho họ. Cũng có nhiều người đã thiệt mạng, phạm sai lầm, và phạm tội, vì đàn bà… Ôi chao, hỡi các vị đàn ông, vì sao đàn bà có thể mạnh mẽ đến thế, xét theo những gì họ đã làm?”—Esdras.[1]
CHƯƠNG MỘT
Ông hiệu trưởng sắp chuyển đi, cả làng ai cũng bùi ngùi. Ông chủ cối xay lúa ở Cresscombe đã cho ông mượn cỗ xe ngựa sơn trắng có mui và con ngựa để chở đồ đạc tới nơi ở mới, cách đó chừng hai mươi dặm; một cỗ xe như vậy cũng khá vừa vặn với số vật dụng cá nhân cần chuyển đi. Bởi ngôi nhà trong trường đã được ban giám đốc trang bị một phần đồ nội thất, và món đồ cồng kềnh duy nhất của ông hiệu trưởng, ngoài thùng đựng sách, là một chiếc đàn dương cầm khổ nhỏ mua được trong một cuộc đấu giá; bởi năm đó ông chợt nghĩ tới việc học một thứ nhạc cụ. Nhưng nhiệt tình sút giảm dần, ông chẳng học được ngón nghề nào hết, và kể từ đó cây đàn đã trở thành một mối phiền toái thường xuyên đối với ông mỗi lúc dời nhà.
Hôm đó vị linh mục đi vắng, vì ông không thích cảnh chia tay. Ông định tới chiều tối mới trở về, khi đó hẳn giáo viên mới đã tới và ổn định nơi ở, và mọi sự sẽ êm xuôi trở lại.
Ông thợ rèn, thầy cai nông trại và bản thân ông hiệu trưởng đang đứng bối rối trong phòng, trước cây đàn. Ông hiệu trưởng đã nhận xét rằng ngay cả khi có thể nhét nó vào cỗ xe, ông cũng chẳng biết phải làm gì với nó khi tới thành phố Christminster, nơi ở mới của ông, vì trước tiên ông chỉ tìm nơi ở tạm.
Một bé trai mười một tuổi, kẻ đã nhiệt tình giúp đỡ việc đóng gói đồ đạc, bước tới gần họ, và trong lúc họ đang xoa cằm suy tính, nó chợt cất tiếng, đỏ mặt với giọng nói của chính mình: “Bà cô của em có một kho chứa củi, và có thể cất tạm nó ở đó, có lẽ thế, cho tới khi thầy tìm được nơi để đặt nó, thưa thầy.”
“Một ý kiến hay,” ông thợ rèn nói.
Họ quyết định cử một người đại diện tới gặp bà cô của thằng bé – một phụ nữ lớn tuổi – để hỏi xem bà có thể giữ giùm cây đàn cho tới khi ông Phillotson cử người tới lấy hay chăng. Ông thợ rèn và thầy cai lên đường để thực hiện nhiệm vụ đó; ông hiệu trưởng và thằng bé ở lại chờ tin.
“Có buồn khi thầy sắp đi không, Jude,” ông Phillotson hiền từ hỏi.
Lệ dâng lên mắt của thằng bé, vì nó không phải là một học sinh chính thức, vốn không mấy gắn bó với cuộc sống của ông hiệu trưởng, mà là một học sinh lớp đêm, chỉ có trong nhiệm kỳ của ông hiệu trưởng hiện thời. Những học sinh chính thức, nếu phải nói lên sự thật, giờ đang đứng tuốt đằng xa, và giống như những môn sinh nổi tiếng cụ thể trong lịch sử, chỉ miễn cưỡng thực hiện bất cứ sự trợ giúp tự nguyện nào. Thằng bé lúng túng mở cuốn sách đang cầm trên tay ra – ông Phillotson đã tặng nó làm quà chia tay – và thú nhận rằng nó rất buồn.
“Thầy cũng vậy,” ông Phillotson nói.
“Vì sao thầy phải đi vậy, thưa thầy?” Thằng bé hỏi.
“Ờ, đó là một câu chuyện dài. Em sẽ không hiểu được những lý do đâu, Jude. Có lẽ khi lớn hơn em sẽ hiểu.”
“Em nghĩ em có thể hiểu ngay bây giờ, thưa thầy.”
“Tốt, đừng nói điều này ở mọi nơi nhé. Em có biết một trường đại học, và một bằng đại học là gì hay không? Nó là tiêu chuẩn cần thiết đối với một người muốn dạy học. Kế hoạch, hoặc mơ ước của thầy, là trở thành một sinh viên tốt nghiệp đại học, và sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư. Khi sống ở Christminster, hay gần đó, thầy sẽ ở gần trung tâm, và nếu kế hoạch của thầy thiết thực, thầy cho rằng việc sống ở đó ở đó giúp thầy có một cơ hội tốt hơn để thực hiện nó so với bất cứ nơi nào khác.”
Ông thợ rèn và thầy cai trở lại. Kho chứa củi của cô Fawley lớn tuổi khô ráo, và khá phù hợp; và bà cũng sẵn sàng dành ra một chỗ để đặt cây đàn. Thế là nó bị bỏ lại trong trường cho tới chiều, khi có thêm nhiều người giúp di chuyển nó; và ông hiệu trưởng đưa mắt nhìn quanh lần cuối.
Thằng bé Jude giúp đưa lên xe những đồ đạc nhỏ; lúc chín giờ ông Phillotson trèo lên ngồi cạnh thùng sách và các thứ hành lý khác, và chào từ giã các bạn của mình.
“Thầy sẽ không quên em đâu, Jude,” ông nói, mỉm cười, khi cỗ xe lăn bánh. “Hãy là một cậu bé ngoan, nhớ đấy; hãy đối xử tử tế với súc vật chim chóc, và đọc tất cả những gì em có thể. Và nếu em tới Christminster, hãy nhớ tìm thầy vì tình bạn cũ.”
Cỗ xe kẽo kẹt băng qua cánh đồng xanh, và biến mất sau khúc quanh cạnh ngôi nhà của vị linh mục. Thằng bé quay lại chỗ giếng nước nằm ở rìa bãi cỏ, nơi nó đã để lại mấy cái xô khi tới giúp thầy giáo chất đồ lên xe. Lúc này môi nó run run, và sau khi mở nắp giếng để thả cái xô xuống, nó dừng lại, tựa trán và cánh tay lên thành giếng, gương mặt nó có cái vẻ đăm chiêu của một đứa trẻ khôn trước tuổi, đã cảm nhận được những gai góc của cuộc đời. Cái giếng mà Jude đang nhìn xuống là một cái giếng cổ xưa như chính bản thân ngôi làng này, và từ vị trí của nó, trông như một bức vẽ phối cảnh dài, tròn, kết thúc bằng một cái đĩa chứa đầy nước lung linh ở khoảng cách một trăm bộ bên dưới. Có một đám rêu xanh gần miệng giếng, và gần hơn nữa là một chùm dương xỉ lá hẹp.
Nó tự nhủ, với sự cường điệu của một đứa bé giàu tưởng tượng, rằng ông hiệu trưởng đã kéo nước ở cái giếng này hàng chục lần vào một buổi sáng giống như vầy, và sẽ không bao giờ kéo thêm lần nào nữa. “Mình đã nhìn thấy thầy nhìn xuống đó, khi thầy mệt, giống như mình lúc này, và khi thầy nghỉ giải lao một chút trước khi xách mấy xô nước về nhà! Nhưng thầy thông minh và không nên sống ở đây lâu hơn nữa – một nơi nhỏ xíu bình lặng như thế này!” Một giọt lệ rơi từ mắt nó xuống lòng giếng sâu. Sáng hôm đó có một màn sương mù mỏng, và hơi thở của thằng bé tỏa ra như một làn sương mù dày hơn trong bầu không khí nặng nề tĩnh lặng. Những ý nghĩ của nó bị cắt ngang bởi một tiếng kêu lớn đột ngột:“Cháu có chịu xách nước về đây không, thằng nhãi ranh biếng nhác kia!”
Nó xuất phát từ một bà cụ đang đi từ cửa về phía cổng khu vườn của ngôi nhà tranh xanh xanh gần đó. Thằng bé vẫy tay ra hiệu đã nghe thấy, kéo nước lên với một nỗ lực to lớn đối với một đứa trẻ nhỏ thó như nó, dừng lại để thở một lát, rồi bắt đầu xách nước băng qua bãi cỏ lạnh và ẩm ướt bao quanh cái giếng - gần trung tâm của ngôi làng nhỏ, hoặc đúng hơn là một thôn nhỏ của làng Marygreen.
Nó nhỏ bé và lạc hậu, nằm trên sườn của một vùng cao nguyên nhấp nhô tiếp giáp với những vùng thấp của North Wessex. Tuy nhiên, dù xưa cũ, cái giếng có lẽ là di tích lịch sử duy nhất của địa phương vẫn còn vẹn nguyên không đổi. Nhiều ngôi nhà lợp tranh và có cửa sổ trên mái đã bị kéo sập trong những năm gần đây, và nhiều cây cổ thụ đã ngã xuống bãi cỏ. Đặc biệt, ngôi nhà thờ đầu tiên, mái gù lên, có những tháp gỗ nhỏ và gờ mái nhà kiểu cổ, đã bị tháo dỡ xuống, và đập vụn để trải lên con đường làng, hoặc được tận dụng làm vách chuồng heo, ghế ngồi trong vườn, vật chắn để bảo vệ hàng rào, và hòn non bộ giữa những luống hoa trong vùng. Thay cho nó là một tòa nhà mới cao ráo, thiết kế theo kiến trúc Gô-tích hiện đại, khá xa lạ với con mắt của người Anh, và được xây dựng trên một mảnh đất mới bởi một tay phá hoại di tích lịch sử, kẻ đã tới từ London và quay lại đó trong một ngày. Không còn sót lại chút di tích nào trên địa điểm mà cách nay rất lâu từng có một ngôi đền cổ của người ngoại giáo; và trên bãi cỏ xanh nơi trước kia từng có nhà thờ, những ngôi mộ đã bị phá hủy được tưởng niệm bởi những cây thập giá bằng gang giá mười tám xu và có hạn sử dụng năm năm.
Dù có vóc người mảnh khảnh, Jude Fawley xách hai xô nước đầy ắp tới ngôi nhà tranh mà không dừng lại nghỉ lần nào. Bên trên cửa có một tấm ván hình chữ nhật nhỏ màu xanh lơ, trên viết những chữ bằng sơn vàng, “Drusilla Fawley, Chủ tiệm bánh mì.” Ở phía trong những tấm kính gắn chì của cửa sổ - đó là những gì còn sót lại của vài ngôi nhà cổ - có năm chai mật ong, và ba cái bánh sữa trên một cái đĩa sứ có hoa văn.
Trong lúc đổ nước vào bồn ở phía sau nhà, nó có thể nghe thấy một cuộc trò chuyện sôi động đang diễn ra trong nhà, giữa bà cô của nó, bà Drusilla mà tên họ được viết trên tấm bảng hiệu, và vài người dân trong làng. Sau khi tiễn chân ông hiệu trưởng, họ đang tóm tắt lại những chi tiết của sự kiện này, và tự cho phép mình đưa ra những tiên đoán về tương lai của ông ta.
“Nó là ai thế?” Một người tương đối lạ hỏi, khi thằng bé bước vào nhà.
“Bà hỏi là đúng đấy, bà Williams. Nó là cháu họ của tôi, tới đây sau lần cuối bà đi ngang con đường này.” Người vừa đáp là một bà lão cao, gầy, vốn luôn nói năng một cách kịch tính về những đề tài tầm thường nhất; bà lần lượt chia những cụm từ trong câu đáp của mình cho từng thính giả. “Nó tới từ Mellstock, ở mé dưới Wessex, cách nay khoảng một năm – không may cho nó, Belinda ạ,” (quay sang phải) “đó là nơi cha nó từng sống, hấp hối và chết trong hai ngày, như bà biết đó, Caroline" (quay sang trái).
“Hẳn sẽ là một phúc lành nếu Thượng đế toàn năng mang cả cháu theo với cha mẹ cháu, thằng bé khốn khổ vô dụng! Nhưng tôi đã đưa nó về đây sống với tôi cho tới khi tôi biết phải làm gì với nó, dù tôi buộc phải để cho nó kiếm bất cứ đồng xu nào nó có thể. Hiện nó đang đuổi chim cho ông chủ nông trại Troutham. Công việc này ngăn không cho nó giở trò tinh nghịch. Vì sao cháu quay đi mặt đi vậy Jude?” Bà tiếp tục, trong lúc thằng bé, cảm thấy ánh mắt của họ giống như những cái tát lên mặt nó, quay sang phía khác.
Bà thợ giặt trong vùng đáp rằng có lẽ việc cô hoặc bà Fawley (vì họ gọi bà theo cách thức khác nhau) đưa nó về sống chung là một kế hoạch rất tốt, “để nó bầu bạn với bà trong cảnh cô đơn, lấy nước, đóng những cánh cửa chớp lại vào ban đêm và giúp làm bánh mì.”
Cô Fawley nghi ngờ điều đó… “Vì sao cháu không xin ông hiệu trưởng đưa cháu tới Christminster với ổng, và giúp cháu trở thành một học giả chứ,” bà nói tiếp, nửa thật nửa đùa. “Tôi chắc chắn rằng ông ta không thể tìm được một đứa học trò tốt hơn. Thằng bé rất mê đọc sách, thật vậy. Em họ Sue của nó cũng y chang, tôi nghe nói thế; nhưng nhiều năm nay tôi không gặp con bé, dù nó chào đời tại đây, trong bốn bức tường này. Sau khi chúng lấy nhau, cháu tôi và chồng nó không có nhà riêng trong vài năm; rốt cuộc thì chúng cũng có một ngôi nhà, tuy nhiên… Chà, tôi sẽ không bước vào đó. Jude à, cháu đừng bao giờ lấy vợ. Dòng họ Fawley sẽ không đi theo bước đường đó nữa. Con bé Sue, đứa con độc nhất của chúng, cũng giống như con của chính tôi, Belinda ạ, cho tới khi cuộc hôn nhân rạn nứt! Chao ôi, một cô gái nhỏ nên biết có những biến chuyển như thế!”
Nhận ra sự chú ý lại tập trung vào nó, Jude bước ra chỗ lò nướng bánh và ăn phần bánh điểm tâm của mình. Thì giờ rảnh rỗi của nó đã kết thúc, và nó nhảy qua bờ giậu ở sau nhà, rời khỏi vườn và đi theo một con đường mòn chạy về hướng bắc, cho đến khi nó tới một khoảnh đất trũng rộng và hiu quạnh giữa mặt bằng chung của vùng đất cao, nơi gieo trồng lúa mì. Khu lòng chảo rộng lớn này là nơi nó làm công cho ông chủ nông trại Trouham, và nó đi tới giữa khu đất đó.
Bề mặt nâu sẫm của cánh đồng chạy thẳng về phía bầu trời bao bọc xung quanh, nơi nó dần chìm khuất trong màn sương mù che kín bìa cánh đồng và làm nổi bật sự quạnh hiu. Những điểm nhấn duy nhất trên sự đơn điệu của cảnh vật là một đụn rơm của mùa gặt trước đứng giữa cánh đồng, lũ quạ bay vọt lên khi nó tới gần, và con đường mòn cắt ngang qua mảnh đất bỏ hoang mà nó đã đi theo để tới đó, giờ không biết kẻ nào sẽ dẫm chân lên, dù nhiều người đã chết trong gia đình nó từng bước bên trên con đường đó.
“Cảnh vật ở đây thật đáng sợ!” Nó lẩm bẩm.
Những đường cày mới toanh dường như trải dài ra, như những vạch sọc trên một mảnh vải nhung kẻ, mang tới một vẻ hữu dụng nho nhỏ, xóa bỏ những bước thay đổi dần dần của nó, và tước khỏi nó mọi lịch sử ngoài lịch sử của vài tháng trước đó, dù từng cục đất hòn đá ở đó thật sự có đủ và thừa sự gắn bó chặt chẽ với chúng – tiếng vọng của những bài ca từ những mùa thu hoạch xa xưa, của những lời đã được thốt ra, của những thao tác mạnh mẽ. Mỗi tấc đất từng là địa điểm, đầu tiên hoặc cuối cùng, của nỗ lực hăng say, niềm hân hoan, những cuộc vui đùa, những cuộc tranh cãi vặt vãnh, và sự mệt nhọc. Những nhóm người mót lúa từng ngồi xổm dưới ánh nắng trên từng thước vuông đất ở đó. Những cuộc hôn nhân vì tình khiến dân cư của cái thôn tiếp giáp trở nên đông đúc đã bắt đầu ở đó, giữa lúc gặt hái và chuyên chở. Dưới bờ giậu phân cách cánh đồng khỏi một đồn điền xa xa, những cô gái đã trao thân cho tình nhân của họ, những kẻ không thèm quay đầu lại nhìn họ vào mùa gặt kế tiếp; và trong cánh đồng lúa cổ xưa đó nhiều gã đàn ông từng thề non hẹn biển với những người phụ nữ; và vào mùa gặt tiếp theo, sau khi đã kết hôn trong ngôi nhà thờ bên cạnh, họ sẽ run lên hốt hoảng khi nghe thấy giọng của vợ mình. Nhưng cả Jude lẫn lũ quạ quanh nó đều không màng nghĩ tới điều này. Với chúng, đây là một nơi chốn quạnh hiu; theo quan điểm của Jude, nơi này đầy ám ảnh và chỉ có phẩm chất của một mảnh đất trồng trọt, và theo quan điểm của lũ quạ đây lại là một địa điểm dễ kiếm ăn.
Jude đứng dưới đụn rơm đã nói bên trên, và cứ cách vài giây lại lắc mạnh cái trống. Sau mỗi tiếng trống tung tung, lũ quạ lại cất cánh rời khỏi chỗ đậu, ung dung bay ra xa, bộ lông đen bóng ánh lên như những cái ngực áo giáp, sau đó vòng lại và cảnh giác quan sát thằng bé, rồi đáp xuống để kiếm ăn ở một khoảng cách xa hơn.
Nó lắc trống cho tới khi cánh tay đau nhức, và cuối cùng thấy cảm thông với mong muốn của lũ chim bị cản trở. Như chính bản thân nó, dường như chúng đang sống trong một thế giới không cần tới chúng. Vì sao nó phải xua chúng đi chứ? Càng lúc trông chúng càng có cái dáng vẻ bạn bè thân hữu hơn – những người bạn mà nó có thể đòi hỏi sự quan tâm ở mức thấp nhất, bởi bà cô của nó thường bảo rằng bà không quan tâm tới nó. Nó thôi lắc trống, và chúng lại đáp xuống.
“Mấy anh bạn nhỏ tội nghiệp!” Jude nói lớn. “Các bạn phải ăn trưa chút đỉnh chứ, phải vậy mới được. Có đủ cho cả đàn các bạn. Ông chủ trại Troutham đủ khả năng để cho phép các bạn kiếm ăn chút chút. Vậy cứ ăn đi, các bạn chim bé nhỏ của ta, và hãy ăn thật ngon miệng nhé!”
Chúng ở lại tại chỗ và ăn, những cái chấm đen như mực trên mặt đất màu nâu quả hạch, và Jude vui vẻ quan sát bữa ăn thỏa thuê của chúng. Cảm giác tương thân tương ái như một sợi chỉ kỳ diệu nối kết cuộc sống của chính nó với cuộc sống của chúng. Bé nhỏ và đáng thương, cuộc đời của cả hai phía rất giống nhau.
Lúc này nó đã vất cái trống lắc ra xa, như một thứ công cụ xấu xa bẩn thỉu, xúc phạm cả đàn chim lẫn bản thân nó, với tư cách bạn của chúng. Đột nhiên nó cảm nhận được một cái phát mạnh vào mông, tiếp theo là một tiếng tung tung lớn, thông báo cho ý thức đầy kinh ngạc của nó biết rằng cái trống lắc, thứ công cụ của sự xúc phạm, đang được sử dụng. Đàn chim và Jude giật mình cùng một lúc, và đôi mắt hoa lên của thằng bé nhìn thấy chính bản thân ông chủ nông trại, chính bản thân Trouham, gương mặt đỏ của ông trừng trừng nhìn xuống thân hình co rúm của Jude, cái trống đang lắc đều trong tay ông.
“Vậy là ‘Cứ ăn đi các bạn chim thân mến của ta,” phải không, anh bạn trẻ? ‘Ăn đi, các bạn chim thân mến,’ đúng thật là! Ta sẽ phát vào mông cháu, để xem cháu vội nói ‘Ăn đi, các bạn chim thân mến’ lần nữa! Và cháu còn rong chơi tha thẩn ở nhà ông hiệu trưởng nữa, thay vì tới đây, phải không nào? Đó là cách cháu kiếm được sáu xu mỗi ngày cho việc ngăn không cho lũ quạ ăn lúa của ta sao, hả!”
Trong lúc chào hỏi đôi tai của Jude với những câu hùng biện sôi nổi này, Troutham đã đưa tay trái tóm lấy bàn tay trái của nó, và vừa xoay tròn thân hình mảnh khảnh của nó quanh mình, ông vừa liên tiếp quất mặt trống lên mông nó, cho tới khi cánh đồng vang vọng tiếng trống tung tung, phát ra một hoặc hai lần sau mỗi vòng xoay.
“Xin đừng, thưa ông – xin đừng!” Thằng bé đang quay như chong chóng kêu lên, bất lực dưới xu hướng lực ly tâm của thân người nó như một con cá mắc câu bị giật lên bờ, và nhìn thấy ngọn đồi, đụn rơm, cái đồn điền, con đường mòn và đàn quạ xoay quanh nó trong một cuộc chạy đua vòng tròn lạ lùng. “Cháu… cháu… thưa ông, chỉ định nói rằng… có nhiều lúa trong đất – cháu đã nhìn thấy họ gieo chúng – và đàn quạ có thể ăn trưa chút chút… và ông không mất mát gì hết, thưa ông… và thầy Phillotson đã bảo cháu phải đối xử tử tế với chúng - ối, ối, ối!”
Dường như lời giải thích chân thật này khiến cho ông chủ nông trại thêm cáu tiết, giá nó đừng nói năng gì cả lại tốt hơn, và ông vẫn phát vào mông thằng nhãi đang xoay tròn, tiếng trống tung tung tiếp tục vang lên khắp cánh đồng, tới tận tai của những người đang làm việc ở đằng xa – họ cứ tưởng rằng Jude đang thực hiện công việc đuổi chim của nó với sự chuyên cần hết mực – và vọng lại từ tháp chuông của ngôi nhà thờ mới toanh nằm ngay phía sau màn sương mù, lan về phía tòa nhà mà ông chủ nông trại đã quyên góp khá nhiều cho việc xây dựng nó, để chứng minh tình yêu đối với Chúa Trời và con người của mình.
Tới lúc này Troutham đã thấm mệt với công việc trừng phạt, ông đặt thằng bé run rẩy lên chân mình, móc ra từ trong túi đồng sáu xu, trao cho nó để trả tiền công một ngày làm việc, bảo nó về nhà và đừng bao giờ để cho ông nhìn thấy nó trên những cánh đồng này lần nữa.
Jude nhảy ra khỏi tầm tay với của ông, và vừa đi theo con đường mòn vừa khóc – không phải vì đau, dù nó cảm thấy rất đau; không phải vì nhận thức về sự sai lầm của cuộc sống trên mặt đất, từ đó những gì tốt đẹp đối với lũ chim chóc của Thượng đế lại xấu đối với người làm vườn của Ngài; mà với nhận thức đáng sợ rằng nó đã hoàn toàn tự làm nhục chính mình khi sống chưa đầy một năm tại xứ đạo này, và do đó có thể là một gánh nặng cho bà cô của nó.
Với bóng tối ảm đạm này trong đầu, nó không muốn chường mặt ra trước mọi người trong làng, và đi về nhà theo một lối mòn ở phía sau một bờ giậu cao, băng ngang qua một đồng cỏ. Ở đây nó nhìn thấy hàng chục cặp giun đất đang ló phân nửa chiều dài trên đất ẩm, như chúng vẫn luôn ló lên trong thời tiết của mùa này. Không thể nào đi tiếp một cách bình thường mà không dẫm nát một số con sau mỗi bước chân.
Dù ông Troutham mới làm tổn thương nó, nó là một đứa bé không chịu nổi ý nghĩ làm tổn thương bất cứ thứ gì. Nó chưa bao giờ mang về nhà một cái tổ đầy chim non mà không nằm thao thức, khốn khổ suốt nửa đêm sau đó, và thường đặt chúng và cái tổ trở lại vị trí ban đầu ngay sáng hôm sau. Nó hầu như không thể chịu nổi việc nhìn thấy cây cối bị đốn hoặc tỉa cành, do ý tưởng rằng việc đó làm chúng đau đớn; và việc xén tỉa muộn, khi nhựa cây trào ra và thân cây đầm đìa nhựa, là một nỗi thống khổ đích thực trong trí tưởng của nó. Tính cách yếu đuối này, có thể gọi như vậy, cho thấy nó là dạng người sinh ra đời để chịu nhiều đau khổ trước khi tấm màn buông xuống cuộc đời vô ích của nó báo hiệu rằng tất cả lại trở nên tốt lành với nó. Nó thận trọng nhón chân bước qua lũ giun đất, không làm chết con nào.
Khi bước vào nhà, nó nhận thấy bà cô đang bán một ổ bánh giá một xu cho một bé gái, và khi người khách đã đi khỏi, bà nói, “Nè, sao cháu về nhà ngay giữa buổi sáng như vậy?”
“Cháu đã bị đuổi việc.”
“Gì chứ?”
“Ông Troutham đã đuổi việc cháu vì cháu để cho đàn quạ ăn một ít lúa. Và tiền công của cháu đây – khoản cuối cùng cháu có!”
Nó buồn bã ném đồng xu lên bàn.
“Ôi Trời!” Bà cô nói, thở dốc một hồi. Rồi bà bắt đầu tặng cho nó một tràng giáo huấn, rằng giờ đây bà sẽ phải nuôi nó ăn không ngồi rồi suốt mùa xuân. “Nếu cháu không xua chim được, cháu có thể làm việc gì? Thôi đi! Đừng đứng ngẩn ra như thế! Sự việc tới mức này thì ông chủ trại Troutham cũng chẳng tử tế gì hơn ta. Nhưng như Job đã nói, ‘Giờ những kẻ nhỏ tuổi hơn ta cũng chế giễu ta; những kẻ mà cha họ không đáng ngang hàng với đàn chó của ta.’[2] Dù thế nào đi nữa, cha của ông ta cũng chỉ là người làm thuê cho cha ta, và ta phải là kẻ ngốc mới cho phép cháu tới làm công cho ông ta, một việc mà hẳn là ta sẽ không đồng ý nếu không phải vì mục đính ngăn ngừa cháu khỏi thói hư tật xấu.”
Tức giận Jude vì làm mất phẩm giá của bà khi tới đó làm công hơn là vì nó xao lãng bổn phận, bà đánh giá nó trước hết từ quan điểm đó, kế đến từ một quan điểm đạo đức.
“Cháu cũng không nên để cho lũ chim ăn những thứ ông Troutham đã trồng. Tất nhiên là cháu đã sai trong việc đó. Jude ơi là Jude, sao cháu không đi theo ông hiệu trưởng của cháu tới Christminster hay nơi nào đó? Nhưng, ồ, không – thằng bé tầm thường tội nghiệp – chưa bao giờ có bất cứ thành công nào về phía gia tộc của cháu, và sẽ không bao giờ có!”
“Thành phố xinh đẹp đó ở đâu vậy, thưa bà cô – nơi mà ông Phillotson đã tới?” Thằng bé hỏi sau khi trầm ngâm suy nghĩ.
“Ờ phải! Cháu nên biết thành phố Christminster ở đâu. Cách đây gần hai chục dặm. Nhưng ta nghĩ nó không có gì tốt đẹp và cháu cũng chẳng có nhiều việc để làm ở đó đâu, đứa bé tội nghiệp ạ.”
“Thầy Phillotson sẽ luôn ở đó chứ?”
“Làm sao ta biết được.”
“Cháu có thể tới thăm thầy ấy không?”
“Ồ, không! Cháu không lớn lên ở vùng này, không thì cháu sẽ không hỏi những câu như thế. Chúng ta chưa bao giờ dính dáng tới dân ở Christminster, và dân ở đó cũng chẳng dính dáng gì tới chúng ta.”
Jude ra ngoài, và cảm thấy sự tồn tại của nó là một sự tồn tại không ai cần tới hơn bao giờ hết, nó nằm ngửa ra trên một đống rác gần chuồng heo. Tới lúc này, sương mù đã trong hơn, và có thể nhìn thấy vị trí của mặt trời ở phía sau. Jude kéo cái nón rơm xuống che mặt, và nhìn vầng thái dương chói sáng qua những khe hở nhỏ, suy nghĩ mơ hồ. Nó nhận ra sự trưởng thành mang tới những trách nhiệm. Những sự kiện không hoàn toàn êm ả như nó đã tưởng. Lý lẽ của tự nhiên quá kinh khủng để nó quan tâm tới. Lòng thương hại đối với một nhóm tạo vật này là sự độc ác đối với một nhóm tạo vật khác khiến ý thức về sự hài hòa của nó trở nên rối rắm. Nó nhận thấy khi bạn lớn tuổi hơn, và cảm thấy đang ở giữa khoảng thời gian của mình chứ không phải ở một điểm trên chu vi của nó như bạn tưởng khi còn bé, bạn sẽ run bắn người vì hoảng sợ. Dường như xung quanh bạn là một thứ gì đó chói chang, rực rỡ, ồn ào, và tiếng động và ánh sáng chói chang đập lên tế bào nhỏ bé gọi là cuộc đời của bạn, rung lắc nó, bẻ cong nó.
Giá như nó có thể tự ngăn không cho mình lớn lên! Nó không muốn trở thành một người đàn ông.
Sau đó, với bản tính tự nhiên của một đứa bé, nó quên đi nỗi thất vọng và đứng lên. Suốt những giờ còn lại của buổi sáng, nó giúp bà Drussila, và vào buổi chiều, khi không còn việc gì để làm nữa, nó đi vào làng. Ở đó, nó hỏi một người đàn ông Christminster nằm ở đâu.
“Christminster hả? Ờ, ở mé ngoài xa kia; dù ta chưa bao giờ tới đó. Ta chưa từng có công việc gì ở một nơi như thế.”
Ông ta chỉ về hướng đông bắc, đúng ngay hướng cánh đồng nơi Jude đã tự làm mất phẩm giá của mình. Vào khoảnh khắc đó nó thấy hơi khó chịu với sự trùng hợp, nhưng thực tế đáng sợ này càng làm tăng thêm lòng hiếu kỳ của nó đối với thành phố đó. Ông chủ trại đã bảo nó đừng bao giờ léo hánh trong cánh đồng đó nữa; thế nhưng Christminster nằm cắt ngang qua đó, và con đường mòn là một con đường công cộng. Thế là nó len lén rời khỏi cái thôn nhỏ, đi xuống vùng đất trũng đã chứng kiến việc nó bị trừng phạt lúc sáng, không hề bước chệch phân nào khỏi lối mòn, và trèo lên con dốc dài buồn tẻ ở mé bên kia cho tới khi con đường mòn nối liền với đường quan lộ bởi một khóm cây nhỏ. Vùng đất trồng trọt kết thúc ở đó, và trước mặt nó là một vùng mênh mông hoang vắng.
CHƯƠNG BA
Không một bóng người nào xuất hiện trên con đường quan lộ trống trơn cũng như hai phía của nó, và dường như con đường trắng xóa chạy ngược lên và thu nhỏ lại cho tới khi nối liền với bầu trời. Đỉnh của nó bị cắt ngang ở góc phải bởi một “con đường dọc theo đồi” xanh xanh – đường Ickneild, con đường cổ La Mã chạy ngang qua huyện. Con đường cổ này vắt từ đông sang tây suốt nhiều dặm và theo ký ức của những người đang sống nó từng được sử dụng cho việc lùa những đàn gia súc tới các chợ và hội chợ. Nhưng hiện nay nó đã bị bỏ hoang, với cây cỏ mọc um tùm.
Thằng bé chưa từng đi lang thang xa đến thế về phía bắc. Một chiều muộn trước đó vài tháng, nó đã tới cái thôn nhỏ này trên một con tàu xuất phát từ một sân ga ở tận miền nam, và cho tới giờ nó không thể nào ngờ một vùng đất thấp rộng lớn, bằng phẳng lại nằm gần đến thế, ngay bên dưới rìa của thế giới vùng cao của nó. Toàn bộ vùng đất hình bán nguyệt giữa hướng đông và hướng tây, kéo dài khoảng bốn mươi hoặc năm mươi dặm, đang trải ra trước mắt nó, với một bầu không khí rõ ràng xanh hơn, ẩm ướt hơn so với không khí nó đang thở ở đây.
Cách con đường không xa có một kho thóc cũ kỹ xây bằng gạch và lợp ngói đỏ đã ngã sang màu xám. Dân địa phương gọi nó là Ngôi Nhà Nâu. Khi sắp đi ngang qua đó, nó nhìn thấy một cái thang dựng dựa vào mái hiên; nghĩ rằng càng ở chỗ cao hơn thì càng nhìn được xa hơn, Jude đứng lại và nhìn kỹ. Trên mái ngói dốc, hai người đàn ông đang thay ngói vỡ. Nó quẹo vào con đường dọc theo đồi, tiến về phía kho thóc.
Sau một lúc đăm chiêu quan sát hai người thợ, nó lấy hết can đảm trèo lên thang, đứng bên cạnh họ.
“Chào nhóc, cháu muốn gì mà trèo lên đây vậy?”
“Xin cho cháu hỏi thăm thành phố Christminster ở chỗ nào.”
“Nó nằm ngang chỗ đó, cạnh khóm cây. Cháu có thể nhìn thấy nó nếu trời trong. Nhưng giờ thì cháu không thể thấy.”
Mừng vì có dịp ngưng lại công việc đơn điệu trong giây lát, người thợ thứ hai cũng quay đầu nhìn về phía đó. “Cháu không thể nhìn thấy nó trong thời tiết như thế này,” ông ta nói. “Ta từng nhìn thấy nó khi mặt trời sắp lặn và đỏ rực lên, và trông nó giống như… ta cũng không biết giống thứ gì.”
“Thánh địa Jerusalem,” thằng bé nghiêm trang đề xuất.
“Phải đó, dù ta chưa từng tự nghĩ như vậy… Nhưng hôm nay ta không thể nhìn thấy Christminster.”
Thằng bé cố nhướng mắt nhìn nhưng vẫn không thể thấy được cái thành phố xa xăm đó. Nó trèo xuống trở lại, từ bỏ ý nghĩ về Christminster do sự thiếu kiên định ở lứa tuổi của nó, và đi tiếp một đoạn để tìm kiếm bất cứ đối tượng tự nhiên thú vị nào có thể xuất hiện ở những dải đất xung quanh. Khi đi ngang qua kho thóc lần nữa để quay về Marygreen, nó nhận thấy cái thang vẫn còn ở chỗ cũ, nhưng hai người đàn ông đã làm xong công việc trong ngày và đã ra về.
Trời đang ngả về chiều; vẫn còn một làn sương mỏng, nhưng trời đã trong hơn chút ít trừ những vùng đất ẩm thấp của khu vực phía dưới và dọc theo dòng sông. Jude lại nghĩ tới Christminster, và ao ước rằng nó có thể nhìn thấy cái thành phố thu hút đó, vì nó đã đi được hai ba dặm từ nhà của bà cô với mục đích này. Nhưng dù nó chờ ở đây, hầu như không có khả năng trời sẽ trong trước khi đêm xuống. Thế nhưng nó vẫn nấn ná chưa muốn dời chân, vì vùng đất rộng phía bắc sẽ khuất khỏi tầm nhìn khi nó chỉ còn cách ngôi làng vài trăm thước.
Nó trèo lên thang, đứng trên nấc thang cuối cùng, ngả người lên mái ngói để nhìn một lần nữa về phía hai người đàn ông đã chỉ. Nó sẽ không thể đi xa như thế này trong nhiều ngày sắp tới. Có lẽ nếu nó cầu nguyện, mong ước nhìn thấy Christminster sẽ được đáp ứng. Mọi người nói rằng nếu bạn cầu nguyện đôi khi mong ước của bạn sẽ đến với bạn, dù đôi khi nó không đến. Nó đã đọc trong Kinh Thánh câu chuyện về một người muốn xây dựng một ngôi nhà thờ, nhưng không đủ tiền để hoàn thành nó; ông ta quỳ xuống cầu nguyện, và tiền hiện ra ở gần cây cột bên cạnh. Một người khác thử làm y như thế và tiền không xuất hiện; nhưng sau đó ông ta phát hiện ra rằng cái quần ông ta mặc khi cầu nguyện do một người Do Thái xấu xa may. Câu chuyện này không làm cho nó nản lòng; nó trèo xuống, xoay lại quỳ lên nấc thang thứ ba và tựa lưng vào những nấc bên trên, và cầu nguyện rằng sương mù sẽ tan đi.
Sau đó nó ngồi ngay ngắn trở lại và chờ. Khoảng mười lăm phút sau, làn sương mù mỏng hoàn toàn tan biến khỏi chân trời phía bắc như đã tan đi ở những hướng khác, và khoảng mười lăm phút trước khi mặt trời lặn, những đám mây ở hướng tây tách ra, mặt trời ló dạng một phần, và ánh sáng tỏa ra chói lọi giữa hai nhánh của một đám mây. Thằng bé lập tức nhìn về hướng cũ.
Ở một vị trí nào đó trong phạm vi tầm nhìn, lập lòe những chấm sáng giống như hoàng ngọc. Trời càng lúc càng trong hơn, cho tới khi những chấm hoàng ngọc trở thành những cái chong chóng gió, những cửa sổ, những mái ngói đen ẩm ướt, và những điểm sáng khác trên những tháp chuông, mái vòm, những tòa nhà đá, và những đường nét khác nhau mờ mờ hiện ra. Đấy là Christminster, không còn ngờ gì nữa, dù được nhìn thấy trực tiếp hoặc chỉ là ảo ảnh do bầu không khí tạo nên.
Nó đăm đăm nhìn cho tới khi những ô cửa sổ, chong chóng gió mất đi ánh sáng, đột ngột tắt ngóm như những ngọn nến bị thổi. Thành phố xa xăm mờ dần trong màn sương. Khi quay sang hướng tây, nó nhận ra mặt trời đã lặn. Cảnh vật ở gần trở nên tối đen buồn thảm; và những vật thể khoác lên màu sắc và hình dáng của những con quái vật.
Nó lo lắng tụt xuống thang, và bắt đầu chạy về nhà, cố không nghĩ tới những gã khổng lồ, Herne Thợ Săn[3], hoặc Apollyon[4] đang nằm chờ Christian[5], hoặc viên thuyền trưởng với cái lỗ đầy máu me trên trán và những xác chết quanh ông ta cứ tái nổi loạn hằng đêm trên boong của con tàu bị mắc lời nguyền[6]. Nó biết rằng nó đã lớn lên trong niềm tin vào những câu chuyện kinh khủng này, thế nên nó vui mừng khi nhìn thấy tháp nhà thờ và những ánh đèn bên trong cửa sổ, dù đây không phải là nơi chôn nhau cắt rún của nó, và bà cô họ cũng không quan tâm nhiều tới nó.
Bên trong và xung quanh cửa sổ “tiệm bánh” của bà cụ, với hai mươi bốn tấm kính nhỏ lồng trong khung chì, một số tấm đã bị oxy hóa theo thời gian khiến bạn hầu như không thể nhìn thấy những món đồ rẻ tiền bày biện bên trong, tạo thành một phần của số đồ đạc mà một người đàn ông khỏe mạnh duy nhất cũng có thể mang đi, cuộc sống bề ngoài của Jude không thay đổi suốt một thời gian dài. Nhưng những mơ ước của nó lớn lao càng bao nhiêu thì môi trường quanh nó càng bé nhỏ bấy nhiêu.
Qua cái rào chắn vững chắc của vùng cao nguyên đá vôi lạnh giá, nó luôn nhìn thấy một thành phố rực rỡ - nơi chốn mà nó đã hình dung giống như thành Jerusalem mới, dù có lẽ có nhiều trí tưởng tượng của một họa sĩ và ít trí tưởng tượng của một lái buôn kim cương trong những ước mơ của nó so với những ước mơ của tác giả sách Khải huyền. Và thành phố này trở thành một cái gì đó hữu hình, thường trực, một sự níu giữ đối với cuộc đời của nó, chủ yếu từ một thực tế là kẻ mà kiến thức và những mục đích của ông ta nó vô cùng kính trọng đang thật sự sống tại đó; không chỉ có thế, ông còn đang sống giữa những con người thông tuệ và sâu sắc hơn ở đó.
Vào những mùa ẩm ướt và u buồn, dù biết nhất định ở Christminster cũng có mưa, nó hầu như không thể tin rằng trời mưa ở đó cũng buồn. Bất cứ khi nào có thể rời khỏi cái thôn nhỏ khoảng một hai giờ, điều này rất hiếm hoi, nó thường len lén đi tới Ngôi Nhà Nâu trên đồi và căng mắt nhìn; đôi khi được tưởng thưởng khi nhìn thấy một mái vòm hay tháp nhọn, đôi khi khác một làn khói nhỏ, mà theo ước đoán của nó có tính chất huyền bí nào đó của khói trầm hương.
Rồi cái ngày đó tới khi nó chợt nghĩ rằng nếu trèo lên chỗ quan sát sau buổi tối, hoặc đi thêm một hai dặm nữa, nó sẽ nhìn thấy ánh đèn đêm của thành phố. Tất nhiên là nó phải quay về một mình, nhưng ngay cả cân nhắc này cũng không làm cho nó thoái chí, bởi chắc chắn nó có thể trở nên can đảm nếu quyết tâm.
Kế hoạch này đã được thực hiện đúng giờ. Vẫn còn sớm khi nó tới địa điểm quan sát, chỉ ngay sau khi đêm buông xuống, nhưng bầu trời đông bắc đen kịt, cộng thêm một trận gió thổi từ hướng đó khiến mọi thứ đều tối tăm. Nó đã được tưởng thưởng; nhưng thứ nó nhìn thấy không phải là những ánh đèn dầu xếp thành hàng như nó mong đợi. Không có một ánh sáng riêng biệt nào cả mà chỉ có một quầng sáng hoặc một màn sương mù ửng sáng bao trùm mọi thứ và nổi lên trên bầu trời đen phía sau, khiến ánh sáng đó và thành phố dường như chỉ cách xa chừng một dặm.
Nó tự hỏi đâu là vị trí chính xác của ông hiệu trưởng trong quầng sáng đó; hiện tại ông không bao giờ liên lạc với bất kỳ người nào ở Marygreen; như thể với họ ông đã chết. Trong quầng sáng, dường như nó nhìn thấy Phillotson đang thong thả dạo chơi, như một trong những hình dáng trong cái lò luyện kim của Nebuchadnezzar.[7]
Nó đã nghe nói rằng gió di chuyển với tốc độ mười dặm mỗi giờ, và lúc này nó chợt nhớ tới thực tế đó. Nó há miệng ra khi quay về hướng đông bắc, và nuốt gió vào như thể nuốt một thứ rượu ngọt ngào. Và âu yếm nói với cơn gió: “Mày đã ở Christminster giữa một và hai giờ, chạm vào gương mặt của thầy Phillotson, được thầy hít vào; và giờ mày ở đây, được tao hít vào – cũng chính mày thôi.”
Đột nhiên, có thứ gì đó vọng về phía nó cùng cơn gió – một thông điệp từ nơi đó – dường như từ một linh hồn đang ngụ cư ở đó. Chắc chắn đó là âm thanh của những quả chuông, tiếng nói của thành phố, mơ hồ và du dương, đang thì thầm với nó, “Chúng tôi hạnh phúc ở đây!”
Thằng bé đã hoàn toàn quên mất tình cảnh vật chất của mình trong cú nhảy vọt tinh thần này, và chỉ quay về với nó bởi một hình ảnh trước mắt. Vài thước bên dưới sườn của ngọn đồi mà nó dừng chân, một đôi ngựa xuất hiện, vừa lên tới đó sau nửa tiếng ngoằn ngoèo di chuyển từ dưới đáy thung lũng rộng lớn, Chúng kéo theo một cỗ xe chở đầy than – một nhiên liệu chỉ có thể đưa lên vùng cao thông qua con đường duy nhất này. Cùng đi với chúng là tay xà ích, một người khác, và một cậu bé, lúc này đang hất một hòn đá lớn sau một trong những bánh xe ra khỏi đường, và cho đôi ngựa đang thở hổn hển nghỉ một lúc lâu, trong lúc những người có trách nhiệm lấy xuống từ trên xe một bình rượu và cùng nhau nhấm nháp vài ngụm.
Họ là hai người lớn tuổi, có giọng nói ôn hòa. Juse lên tiếng hỏi họ xem có phải họ đến từ Christminster hay không.
“Không đâu, với mớ than này!” Họ đáp.
“Nơi cháu muốn hỏi là cái chỗ đằng kia.” Nó đã trở nên gắn bó tình cảm với Christminster đến nỗi, giống như một chàng trẻ tuổi ám chỉ tới người yêu của mình, nó cảm thấy e thẹn khi nhắc tới tên của thành phố đó lần nữa; và chỉ về phía ánh sáng trên bầu trời – hầu như không thể nhìn thấy đối với hai đôi mắt già nua.
“Phải. Có vẻ như đó là một nơi sáng hơn những nơi khác ở hướng đông bắc, dù ta chưa từng để ý tới nó, và chắc chắn nó phải là Christminster.”
Ngay lúc đó, một cuốn truyện nhỏ Jude đang kẹp dưới nách trượt ra và rơi xuống đường. Nó đã mang theo cuốn sách để đọc trên đường trước khi trời tối. Tay xà ích nhìn nó trong lúc nó nhặt cuốn sách lên và vuốt phẳng những trang bị nhăn.
“Nè, cậu bé,” ông ta nhận xét, “cháu phải học cách suy nghĩ theo hướng khác trước khi cháu có thể đọc những gì họ đọc ở đó.”
“Vì sao?” Thằng bé hỏi.
“Ờ, họ không bao giờ nhìn bất cứ thứ gì theo cách mà những người nhà quê chúng ta hiểu,” tay xà ích nói tiếp, chỉ để giết thì giờ. “Chỉ toàn thứ tiếng nước ngoài từng được sử dụng vào thời của Tháp Babel, khi không bao giờ có hai gia đình nói giống như nhau. Họ đọc thứ đó nhanh như một con cú muỗi bay vậy. Ở đó họ chỉ biết học mà thôi – không gì khác ngoài việc học, ngoại trừ tôn giáo. Và đó cũng là sự học, vì ta không bao giờ có thể hiểu nó. Phải, đó là một nơi có đầu óc nghiêm túc. Nhưng không phải không có những cô gái điếm trên đường phố ban đêm… Chắc cháu biết, ta nghĩ thế, rằng ở đó các linh mục nhiều nhan nhản như số cây củ cải trong một luống? Và họ nghĩ chỉ cần – bao nhiêu năm, Bob? – năm năm, để biến một cu cậu gà tồ thành một người giảng giáo lý nghiêm túc không có những đam mê tội lỗi, họ sẽ làm điều đó, nếu có thể, và đánh bóng y, biến y thành một kẻ có gương mặt chảy dài, trong một chiếc áo khoác dài màu đen và áo chẽn, và một cái cổ áo và mũ cha đạo, giống như những người trong Kinh Thánh đã mặc, khiến đôi khi mẹ ruột của y cũng chẳng nhận ra y… Thế đấy, đó là công việc của họ, giống như công việc của bất cứ người nào khác.”
“Nhưng sao ông biết?”
“Đừng ngắt lời ta, nhóc ạ. Đừng bao giờ ngắt lời người lớn tuổi hơn cháu. Dắt con ngựa sang một bên, Bobby; có ai đó đang tới… Cháu phải biết ta đang nói về đời sống ở trường đại học. Họ sống trên một tầng cao; nhất định là thế, dù bản thân ta không nghĩ nhiều tới họ. Như chúng ta ở đây trong cơ thể chúng ta trên vùng đất này, họ sống trong tâm trí họ - những người có đầu óc cao siêu, không ngờ gì nữa – một số trong bọn họ có thể kiếm nhiều trăm bảng bằng cách nói ra tư tưởng của mình. Và có một số là những tay trẻ tuổi, vốn có thể kiếm được rất nhiều tiền. Còn về âm nhạc, nơi nào ở Christminster cũng có âm nhạc tuyệt vời. Cháu có thể theo đạo hoặc không theo, nhưng cháu không thể không làm theo số còn lại. Và có một con đường chính ở đó, không giống với bất cứ con đường nào khác trên thế giới. Ta cho rằng ta biết đôi chút về Christminster!”
Lúc này hai con ngựa đã thở đều và lại được thắng vào xe. Jude lưu luyến nhìn quầng sáng thân yêu lần cuối, quay lại và đi cạnh người bạn mới biết nhiều hiểu rộng; ông ta rất sẵn lòng kể cho nó nghe về thành phố - những tòa tháp, sảnh đường và nhà thờ của nó - trong lúc họ đi tiếp. Cỗ xe ngoặt sang hướng khác ở một ngã tư, và Jude vồn vã cám ơn người xà ích về những thông tin của ông, bảo rằng nó ước gì nó có thể nói về Christminster hay bằng phân nửa ông.
“Chà, đó chỉ là những gì ta nghe được trên đường,” người xà ích thành thật nói. “Ta chưa bao giờ tới đó, cũng như cháu vậy; nhưng ta thu lượm tin tức ở nơi này nơi khác, và rất sẵn lòng kể lại với cháu. Khi bước vào đời như ta, và hòa nhập với mọi tầng lớp xã hội, người ta không thể không nghe thấy nhiều điều. Một anh bạn của ta, từng làm nghề đánh bóng ủng tại khách sạn Crozier ở Christminster khi còn trẻ; sao chứ, ta biết rõ anh ta như biết anh em ruột của mình trong những năm sau đó.”
Jude vừa tiếp tục đi một mình về nhà, vừa trầm ngâm suy nghĩ đến độ quên hẳn sự sợ sệt. Bỗng dưng nó trở nên chín chắn hơn. Khát khao trong hồn nó là tìm được thứ gì đó để cắm neo, để bám vào - một nơi mà nó thể nói là đáng ngưỡng mộ. Nó có tìm thấy nơi đó trong thành phố không nếu có thể tới đó? Đó có phải là một nơi không có nỗi e sợ hay những ông chủ nông trại, sự cản trở, hoặc sự chế giễu, để nó có thể quan sát và chờ đợi, và bắt tay thực hiện một công việc lớn lao nào đó như những người lớn tuổi mà nó đã nghe kể hay chăng? Như ý nghĩa của quầng sáng đối với đôi mắt của nó, khi nó chăm chú nhìn mười lăm phút trước, địa điểm đó có một ý nghĩa tinh thần đối với nó trong lúc nó bước nhanh trên con đường tối.
“Đó là một thành phố của ánh sáng,” nó tự nhủ.
“Cây tri thức mọc lên ở đó,” nó bổ sung khi đi thêm vài bước.
“Đó là nơi các vị thầy của mọi người đến và đi.”
“Đó là thứ mà bạn có thể gọi là một lâu đài, được điều hành bởi sự uyên bác và tôn giáo.”
Sau hình ảnh này, nó im lặng hồi lâu, cho tới khi nói thêm:
“Nó sẽ phù hợp với mình.”
[3] Herne the Hunter: hồn ma trong truyền thuyết dân gian Anh, thường xuất hiện ở khu vực Windsor Forest thuộc thị trấn Windsor, hạt Berkshire.
[6] Nhân vật trong tác phẩm Die Geschichte von dem Gespensterschiff (Chuyện kể về con tàu ma) của thi sĩ, tiểu thuyết gia người Đức Wilhelm Hauff (1802-1827).
[7] Vua của Babylon (khoảng 605-562 TCN). Ông ra lệnh bỏ ba thanh niên Do Thái là Shadrach, Meshach, and Abednego vào lò luyện kim vì họ không chịu cúi chào hình ảnh của ông. Cả ba đều không bị tổn hại gì và nhà vua nhìn thấy họ bước đi trong lò lửa. (Daniel 3:12-30)