Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

ĐẢO SAN HÔ


 

 

 

 

 

 

 

ROBERT MICHAEL BALLANTYNE

 

ĐẢO

SAN HÔ

 

Nguyễn Thành Nhân dịch

,
Minh họa của Dalziel

 

 

 

 

  

Dịch từ bản tiếng Anh

The Coral Island - A Tale of Pacific Ocean

của Robert Michael Ballantyne

NXB THOMAS NELSON AND SONS,

PATERNOSTER ROW, Anh Quốc, 1884.

Dịch giả giữ bản quyền bản tiếng Việt

Copyright © Nguyễn Thành Nhân 2017

 

  


Lời đầu truyện

 

Tôi là một cậu bé khi trải qua những cuộc phiêu lưu kỳ thú kể lại ở đây. Với hồi ức sâu đậm về những cảm giác thời niên thiếu, tôi xin đặc biệt gửi tặng quyển sách của mình cho các bé trai, với hy vọng thiết tha rằng các em có thể tiếp nhận được những thông tin hữu ích và thật nhiều niềm vui thú từ những câu chuyện này.

Xin nói thêm một lời. Nếu có độc giả nào, còn bé hay đã trưởng thành, chỉ ưa thích cảm giác u sầu buồn bã, và không thể bước vào những cõi miền vui tươi với niềm đồng cảm, tôi xin nghiêm túc khuyên bạn ấy nên gấp cuốn sách này lại và cất nó đi. Nó không dành cho bạn ấy.

                                          RALPH LÃNG TỬ


CHƯƠNG I

Vào đầu câu chuyện —Thời thơ ấu và tính cách của tôi—Niềm khao khát phiêu lưu mạo hiểm trên những miền đất lạ và biển cả xa xôi.
Lang thang rong ruổi đã từng, và vẫn còn là đam mê chủ yếu của tôi, niềm hân hoan của trái tim tôi, ánh mặt trời soi sáng sự hiện hữu của tôi. Trong thời thơ ấu, rồi thời niên thiếu, và cả lúc trưởng thành, tôi luôn là một khách lãng du; không chỉ là một kẻ thích lang thang trong những thung xanh rợp bóng cây hay trên những đỉnh đồi ở quê nhà, mà là một lãng tử tràn đầy nhiệt huyết, muốn rong ruổi khắp thế gian.
Tôi chào đời vào một đêm giông bão mịt mùng, giữa lòng Đại Tây Dương cuộn sóng. Cha tôi là một thuyền trưởng tàu biển; ông nội tôi là một thuyền trưởng tàu biển; ông cố tôi từng phục vụ trong lực lượng hải quân. Không ai có thể nói chắc chắn cha của ông cố tôi theo đuổi nghề nghiệp nào, nhưng mẹ thân yêu của tôi thường quả quyết rằng ông từng là một chuẩn úy hải quân, và ông ngoại của ông từng là một vị đô đốc của hải quân hoàng gia. Dù sao, chúng tôi biết chắc rằng trong phạm vi có thể truy nguyên nguồn cội, gia tộc của tôi có mối liên kết rất gần gũi với trời nước bao la. Thật sự, điều này đúng với cả hai bên nội ngoại gia đình, vì mẹ tôi luôn lênh đênh trên biển với cha tôi trong những chuyến hải hành dài dằng dặc, và do đó đã trải qua hầu hết cuộc đời của người trên mặt nước.
Bởi thế, tôi cho rằng tôi đã kế thừa một thiên hướng ưa phiêu lãng. Ít lâu sau khi tôi chào đời, cha tôi, vốn đã cao tuổi, giã từ cuộc đời sóng nước, mua một ngôi nhà nhỏ ở một làng chài vùng duyên hải phía tây nước Anh, và định cư tại đó, tận hưởng buổi hoàng hôn đời mình bên cạnh vùng biển cả từng là ngôi nhà của người suốt nhiều năm. Không lâu sau sự kiện này, tôi bắt đầu thể hiện khát vọng lãng du vốn có sẵn từ trong máu. Khi đôi chân trẻ sơ sinh đã đủ cứng cáp, tôi trở nên bất mãn với việc tự làm trầy sướt lớp da non trên hai đầu gối mũm mĩm của mình bằng cách bò trên chúng, và cố gắng đứng lên, bước đi như một người lớn. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này chỉ khiến tôi ngã uỵch, mông đập mạnh xuống đất trong nỗi ngạc nhiên. Một hôm, tôi lợi dụng sự vắng mặt của mẹ thân yêu để thực hiện một nỗ lực khác; và với niềm vui sướng, tôi thật sự thành công trong việc lê tới ngưỡng cửa, rồi sau đó ngã nhào vào một vũng bùn nằm ngay trước cửa nhà. Ôi chao, tôi còn nhớ rõ như in mẹ tội nghiệp của tôi đã hoảng hốt thế nào khi nhìn thấy tôi bò lóp ngóp trong bùn, giữa một đàn vịt đang kêu la ỏm tỏi, và sự dịu dàng của người khi cởi bỏ bộ quần áo ướt và lau rửa thân hình bé bỏng của tôi! Từ lần ấy trở đi, những chuyến phiêu lưu của tôi ngày càng trở nên thường xuyên hơn, và xa hơn, khi tôi lớn thêm chút nữa, cho tới khi rốt cuộc tôi đã lang thang khắp mọi xó xỉnh trên bờ biển và trong những khu rừng quanh ngôi nhà nhỏ bé của chúng tôi. Thế nhưng tôi vẫn chưa mãn nguyện, cho tới khi cha tôi gửi tôi tới làm thủy thủ học việc trên một thương thuyền, và cho phép tôi đi biển.
Trong vài năm sau đó, tôi vui sướng với việc ghé thăm những hải cảng và đi tàu dọc theo những bờ biển quê nhà. Tên cúng cơm của tôi là Ralph, và các bạn đồng nghiệp của tôi thêm vào đó hai từ Lãng Tử (Rover), do niềm say mê phiêu lãng mà tôi luôn chứng tỏ. Lãng Tử không phải là tên thật của tôi, nhưng do mọi người không gọi tôi bằng bất kỳ cái tên nào khác nên cuối cùng tôi mặc nhiên chấp nhận nó như là tên chính thức của mình; Và vì đây không phải là một biệt danh quá tệ, tôi thấy không có lý do gì để không tự giới thiệu với độc giả rằng tôi là Ralph Lãng Tử. Các bạn cùng tàu với tôi rất tốt bụng và dễ mến, và họ rất hòa thuận với tôi. Thật ra, họ hay trêu ghẹo tôi, nhưng không có chút ác ý nào. Đôi khi tôi tình cờ nghe họ nói riêng với nhau rằng Ralph Lãng Tử là một “cậu bé lạ kỳ, cổ hủ”. Phải thú thật rằng nhận xét này khiến tôi khá ngạc nhiên, và ngẫm nghĩ rất lâu về nó, nhưng không thể đi đến một kết luận khả dĩ cho thấy sự cổ hủ của tôi nằm ở chỗ nào. Thật sự, tôi là một cậu bé lặng lẽ, ít nói, trừ khi có người gợi chuyện. Ngoài ra, tôi không bao giờ hiểu những câu nói đùa của các bạn tôi, ngay cả khi họ chịu khó giải thích với tôi: sự chậm hiểu này đôi khi khiến tôi vô cùng khổ sở. Tuy nhiên, tôi cố bổ khuyết cho nhược điểm này bằng cách mỉm cười và tỏ ra vui vẻ khi nhận thấy họ đang cười cợt với một câu đùa dí dỏm nào đó mà tôi không hiểu nổi. Tôi cũng rất thích tìm hiều bản chất và căn nguyên của các sự vật, và thường rơi vào một mớ ý niệm trừu tượng trong lúc đang nghiền ngẫm. Nhưng trong tất cả những chuyện này, tôi thấy không có gì tỏ ra quá trái tự nhiên, và do đó không tài nào hiểu được vì sao các bạn của tôi lại gọi tôi là một “cậu bé cổ hủ.”
Trong lúc đi biển, tôi gặp gỡ nhiều thủy thủ từng chu du khắp hầu hết mọi xứ sở trên quả đất; và phải thú nhận rằng tim tôi bừng cháy khi nghe họ thuật lại những cuộc phiêu lưu hào hứng ở những miền đất lạ — những cơn bão kinh hoàng họ đã trải qua, những hiểm nguy tột cùng họ đã thoát khỏi, những sinh vật lạ lùng họ đã nhìn thấy cả trên biển cả lẫn đất liền, những vùng đất thú vị và những người xa lạ mà họ đã viếng thăm. Nhưng trong tất cả những nơi mà họ đã kể, không nơi nào lôi cuốn trí tưởng tượng của tôi một cách mạnh mẽ như những hòn đảo san hô ở vùng biển phía Nam. Họ kể cho tôi nghe về hàng ngàn hòn đảo xinh đẹp và mầu mỡ được tạo thành bởi một sinh vật nhỏ bé gọi là san hô, ở nơi mùa hè ngự trị hầu như quanh năm — nơi cây cối trĩu nặng những thứ quả thơm ngon; nơi khí hậu hầu như lúc nào cũng ôn hòa — thế nhưng, phải nói thật lạ lùng, cũng là nơi mà con người lại vô cùng hoang dã, hung tợn và khát máu, ngoại trừ những hòn đảo được ban ơn phước, nơi phúc âm của Đấng Cứu thế đã được rao truyền. Những câu chuyện hấp dẫn này tác động mạnh lên tâm trí tôi đến độ khi vừa đủ mười lăm tuổi, tôi quyết tâm thực hiện một chuyến hải hành tới vùng biển phía Nam.
Thoạt tiên, tôi gặp khó khăn lớn trong việc thuyết phục cha mẹ cho phép tôi đi; nhưng khi tôi.lý sự với cha tôi rằng hẳn ông sẽ không bao giờ trở thành một thuyền trưởng vĩ đại nếu vẫn theo đuổi công việc buôn bán ven bờ, ông nhìn thấy sự thật trong lời lẽ của tôi và đồng ý cho tôi đi. Khi mẹ thân yêu thấy cha tôi đã quyết định, người cũng không phản đối niềm mơ ước của tôi. Hôm tôi chào từ giã, người nói với tôi:
- Ralph này, hãy sớm trở về nhé con yêu của mẹ, vì cha mẹ đang ngày càng già yếu, và có lẽ chẳng còn sống bao lâu nữa.
Tôi sẽ không làm mất thì giờ của độc giả với những giải thích tỉ mỉ về tất cả những gì đã xảy ra trước khi tôi từ giã cha mẹ để lên đường. Chỉ cần nói rằng cha tôi đã đặt tôi dưới sự chăm nom của một ông bạn già, một thuyền trưởng tàu buôn, vốn đang chuẩn bị lái Mũi Tên, con tàu của ông, về vùng biển phía Nam. Mẹ tôi chúc phúc cho tôi và trao cho tôi một quyển Kinh Thánh nhỏ. Yêu cầu cuối cùng của người -- mà tôi sẽ không bao giờ quên -- là hãy đọc một chương sách mỗi ngày, và cầu nguyện. Tôi ứa nước mắt và hứa với người rằng chắc chắn tôi sẽ thực hiện điều đó.
Sau đó không lâu, tôi bước lên boong của Mũi Tên, một con tàu to lớn và đẹp đẽ, và lên đường tới những hòn đảo của Thái Bình Dương.

CHƯƠNG II
Khởi hành – Biển—Các đồng đội của tôi—Những cảnh tượng tuyệt vời chúng tôi đã nhìn thấy ngoài khơi xa —Một cơn bão kinh khủng và tai nạn đắm tàu đáng sợ

Vào một ngày trời đẹp, tràn ánh nắng ấm áp, con tàu của chúng tôi căng buồm đón nhận làn gió nhẹ, và tiến về vùng biển phía Nam. Chao ôi, niềm vui trong tim tôi mới rộn rã làm sao khi tôi lắng nghe tiếng đồng ca vui vẻ của đoàn thủy thủ trong lúc họ kéo những sợi dây chảo để nhổ neo tàu! Vị thuyền trưởng hét to; đám thủy thủ tuân theo mệnh lệnh; con tàu xinh đẹp nghiêng theo làn gió, và bờ biển nhạt nhòa dần trước mắt trong lúc tôi đứng dõi nhìn lại với cảm giác như thể tất cả cảnh tượng này là một giấc mơ thú vị.
Điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên vì nó khác với bất cứ thứ gì tôi từng nhìn thấy trong thời gian ngắn hành nghề trên biển, là việc kéo cái mỏ neo lên và đặt nó nằm yên vị trên boong tàu với những sợi dây chảo, như thể chúng tôi đã chào giã từ đất liền mãi mãi và không cần tới sự phục vụ của nó nữa.
- Nằm đó nhé cô em yêu dấu – một thủy thủ vai rộng la lên, đưa tay vỗ nhẹ lên đầu cái mỏ neo khi việc hạ neo trên boong đã hoàn tất – Nằm đó nhé cô em, và hãy ngủ một giấc đi, vì bọn anh sẽ không yêu cầu cô em hôn bùn trong một thời gian lâu đấy!
Và đúng như thế. Cái mỏ neo không “hôn bùn” suốt nhiều ngày sau đó; và cuối cùng khi nó làm điều này, đó cũng là lần cuối cùng!
Trên tàu có nhiều người trẻ tuổi, nhưng tôi mến hai người trong số đó nhất. Jack Martin là một chàng trai mười tám tuổi cao lớn, vai rộng, với một gương mặt đẹp trai, rắn rỏi và vui tươi. Anh có học vấn cao, thông minh, năng nổ và có những hành động mạnh mẽ như một con sư tử, nhưng lại có khuynh hướng hòa nhã và lặng lẽ. Jack được tất cả mọi người yêu mến, và anh có một cảm tình đặc biệt đối với tôi. Người bạn kia là Peterkin Gay. Nó chừng mười bốn tuổi, nhỏ con, lanh lẹ, vui tính và khá ranh ma tinh quái. Nhưng sự tinh quái của nó luôn gần như vô hại, nếu không, hẳn nó không được mọi người yêu mến đến thế.
- Xin chào, anh bạn trẻ -- Jack Martin la lên và vỗ mạnh vai tôi vào hôm tôi bước lên boong tàu lần đầu – Em và anh sẽ là bạn đồng hành với nhau, và anh nghĩ chúng ta sẽ trở thành một đôi bạn thân, vì anh thích vẻ mặt của em.
Jack nói đúng. Sau đó, anh, tôi và Peterkin đã trở thành những người bạn thân thiết và tin cậy nhất của nhau giữa biển khơi đầy sóng gió.
Tôi xin nói đôi chút về phần đầu tiên trong lộ trình của chúng tôi. Chúng tôi đã trải qua những vùng có thời tiết khắc nghiệt hay ôn hòa; nhìn thấy nhiều loài cá lạ lùng bơi lội dưới biển, và một hôm tôi rất thích thú khi nhìn thấy một đàn cá chuồn vọt lên khỏi mặt nước và lướt ngang qua không trung, cách mặt nước chừng một bộ. Chúng đang bị những con cá heo rượt đuổi, vì vốn là mồi ngon của loài cá này. Trong cơn hoảng sợ, một con cá chuồn đã bay vọt qua tàu, chạm phải những sợi dây buồm và rơi thịch lên sàn tàu. Cánh của nó chỉ là hai cái vây kéo dài ra, và chúng tôi phát hiện ra rằng chúng không bao giờ bay xa trong mỗi lần, cũng chẳng bao giờ lao vút lên trời như lũ chim mà chỉ lướt ngang mặt biển. Jack và tôi nấu nó cho bữa tối, và nhận thấy thịt của nó rất ngon.
Khi chúng tôi tới Mũi Sừng, nằm ở cực nam châu Mỹ, thời tiết trở nên rất lạnh và gió thổi mạnh không khác gì bão tố. Đám thủy thủ bắt đầu kể những câu chuyện về những cơn bão cuồng nộ và những mối hiểm nguy của mũi đất kinh khủng đó. Một người nói:
- Tôi tin chắc Mũi Sừng là mũi đất đáng sợ nhất. Tôi đã đi vòng qua nó hai lần rồi, và cả hai lần con tàu đều suýt bị gió cuốn ra khỏi mặt nước.
Một người khác kể:
- Còn tôi đã đi vòng qua nó một lần, và lần đó mấy cánh buồm bị xé rách toạc, dây chảo thì đóng băng thành tảng và chẳng còn tác dụng gì. Bọn tôi sợ đến mất mật.
Tay thủy thủ thứ ba la lên:
- Tôi đã đi vòng qua nó năm lần, và mỗi lần đều tệ hơn lần trước, những cơn bão rất khủng khiếp!
Tới lượt Peterkin la lên, với một cái nháy mắt ranh mãnh:
- Còn cháu thì chưa vòng qua nó lần nào, và lần đó cháu bị thổi lộn ngược từ trong ra.
Tuy nhiên, chúng tôi đi ngang qua mũi đất đáng sợ này vào lúc thời tiết không khắc nghiệt mấy, và chỉ vài tuần sau đó, con tàu nhẹ nhàng lướt tới, trước một làn gió nhiệt đới ấm áp của Thái Bình Dương. Cứ thế, chúng tôi tiếp tục hành trình, đôi lúc con tàu nhảy chồm lên vui vẻ trước một làn gió mạnh, đôi lúc khác nó trôi bình thản trên lớp sóng trong vắt như thủy tinh. Chúng tôi đánh bắt những cư dân kỳ lạ dưới lòng biển sâu, và dù mấy người thủy thủ không chú ý mấy tới chúng, tất cả những sinh vật này đều lạ lùng, thú vị và tuyệt diệu đối với tôi.
Cuối cùng chúng tôi lọt vào giữa những hòn đảo san hô của Thái Bình Dương, và tôi sẽ không bao giờ quên được niềm vui thích khi ngắm nhìn những bờ cát trắng tinh khôi, chói lọi, những cây họ cọ xanh ngắt, trông thật rực rỡ và xinh đẹp trong ánh nắng, mỗi khi có dịp đi ngang qua một hòn đảo. Bộ ba chúng tôi thường ao ước được đổ bộ lên một hòn đảo, tưởng tượng rằng chắc chắn chúng tôi sẽ tìm được hạnh phúc hoàn toàn ở đó! Và chúng tôi đã được thỏa nguyện sớm hơn mong đợi.
Một đêm nọ, ít lâu sau khi chúng tôi tiến vào vùng biển nhiệt đới, một trận bão kinh khủng đổ ập lên con tàu. Đợt gió đầu tiên cuốn đi hai cột buồm, chỉ còn để lại cột buồm trước. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc đó cũng không tệ lắm, vì chúng tôi không dám căng dù chỉ một mảnh vải lên cột buồm. Trong suốt năm ngày, cơn bão hoành hành dữ dội. Mọi thứ đều bị cuốn khỏi boong tàu, trừ một chiếc xuồng nhỏ. Viên thủy thủ lái tàu bị mắc kẹt vào bánh lái, không thì ông ta đã trôi mất xác, và tất cả mọi người đều bàng hoàng trước tổn thất này. Ông thuyền trưởng nói rằng ông không biết chúng tôi đang ở đâu, vì tàu đã bị cuốn xa khỏi lộ trình; và chúng tôi rất sợ rằng nó có thể lạc vào giữa những rạn san hô nguy hiểm vốn nhiều vô số trên Thái Bình Dương. Rạng sáng ngày thứ sáu của trận bão, chúng tôi nhìn thấy đất liền ở phía trước. Đó là một hòn đảo được bao quanh bởi một rạn san hô ngầm, trên đó sóng vỡ tung trong cơn cuồng nộ. Ở phía bên trong dãy đá ngầm này là vùng nước yên tĩnh, nhưng chúng tôi chỉ nhìn thấy một khoảng trống hẹp dẫn vào đó. Chúng tôi lái tàu tới khoảng trống này. Nhưng trước khi chúng tôi tới đó, một đợt sóng kinh khủng ập lên mũi tàu, đập vỡ nát bánh lái, và bỏ mặc chúng tôi cho lòng thương xót của sóng và gió.
Ông thuyền trưởng nói với mọi người:
- Giờ thì mọi thứ kết thúc với chúng ta rồi, các bạn. Hãy chuẩn bị hạ xuồng; không đầy nửa giờ nữa tàu sẽ va vào đá.”
Các thủy thủ làm theo lệnh trong không khí im lìm ảm đạm, vì họ cảm thấy có rất ít hy vọng sống sót trên một chiếc xuồng nhỏ giữa biển khơi sóng gió thế này.
- Hai em này – Jack Martin nghiêm trang nói với tôi và Peterkin, khi chúng tôi đứng trên boong tàu chờ đợi vận số của mình – Ba chúng ta sẽ bám sát vào nhau. Các em có thể thấy là chiếc xuồng nhỏ chở đầy người này không thể nào tới bờ biển được. Chắc chắn nó sẽ bị lật, vì thế ý của anh là tốt hơn nên đặt lòng tin vào một cái mái chèo lớn. Anh thấy qua kính viễn vọng rằng con tàu sẽ va vào cuối dải đá ngầm, nơi sóng vỗ vào vùng nước lặng bên trong. Vì thế, nếu chúng ta cố bám vào cái mái chèo cho tới khi nó vượt qua những lượn sóng lớn, có lẽ chúng ta có thể vào tới bờ. Các em nói sao; các em sẽ đi cùng với anh chứ?
Chúng tôi mừng rỡ đồng ý đi theo Jack vì anh gợi ở chúng tôi lòng tự tin, dù tôi có thể nhận thấy, qua giọng nói buồn bã của anh, rằng anh không hy vọng gì nhiều; và, thật sự, khi nhìn những đợt sóng trắng xóa đập vào rạn đá và sôi sục trên những tảng đá trong cơn cuồng nộ, tôi cảm thấy giữa chúng tôi và cái chết chỉ cách nhau một bước chân. Tim tôi chìm xuống; nhưng vào khoảnh khắc đó những ý nghĩ quay sang mẹ yêu dấu của tôi, và tôi nhớ tới những lời cuối người nói với tôi: “Ralph, con trai yêu của mẹ, hãy luôn nhớ nhìn về Chúa Jesus, Đấng Cứu thế, trong những giờ khắc nguy nan. Chỉ có Người mới có khả năng và sẵn lòng cứu vớt thân thể và linh hồn con.” Tôi cảm thấy an tâm hơn nhiều khi nghĩ tới câu nói đó.
Lúc này con tàu đã tới rất gần những tảng đá. Khi đám thủy thủ đã sẵn sàng hạ chiếc xuồng, và ông thuyền trưởng đang đứng cạnh họ để ra lệnh, thì một làn sóng khổng lồ tiến về phía chúng tôi. Bộ ba chúng tôi chạy tới mũi tàu để bám chặt vào một cái mái chèo, và chỉ vừa kịp chụp lấy nó khi làn sóng ập lên boong với một tiếng ầm ầm như sấm nổ. Ngay khoảnh khắc đó con tàu chìm xuống, cột buồm trước gẫy rời ở đoạn sát với sàn tàu và đổ ập sang một bên, mang theo cùng với nó chiếc xuồng và đám thủy thủ. Cái mái chèo của chúng tôi bị vướng vào con tàu đắm. Jack với lấy một cái rìu để giải thoát nó khỏi đám dây rợ, nhưng do chuyển động của con tàu, anh chặt hụt mấy sợi chão và cắm sâu chiếc rìu vào cái mái chèo. Tuy nhiên, một đợt sóng khác đã hất nó văng ra khỏi con tàu đắm. Chúng tôi bám vào nó, và trong khoảnh khắc kế tiếp chúng tôi vùng vẫy trong lòng biển hung hãn. Điều cuối cùng tôi nhìn thấy là chiếc xuồng xoay tròn trong lượn sóng lớn, và toàn bộ các thủy thủ bị hất vào những lớp sóng sục sôi. Sau đó tôi ngất đi.
Khi hồi tỉnh lại, tôi nhận ra mình đang nằm trên một lớp cỏ mềm, bên dưới một tảng đá nhô ra. Peterkin quỳ gối cạnh tôi, đang nhẹ nhàng dấp nước vào hai bên thái dương và cố cầm lại dòng máu chảy ra từ một vết thương trên trán tôi.

CHƯƠNG III
Hòn đảo san hô — Những suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi sau khi lên bờ, và kết quả của chúng — Chúng tôi kết luận rằng hòn đảo này không có người ở.


Tỉnh lại sau khi bị ngất xỉu là một trải nghiệm kỳ dị, khác thường, hầu như không thể tả; một dạng ý thức mơ màng, rối rắm; một trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, kèm theo là một cảm giác mệt nhoài, tuy nhiên không phải không thú vị. Khi dần dần hồi tỉnh và nghe thấy giọng của Peterkin đang hỏi tôi có cảm thấy khỏe hơn không, tôi nghỉ hẳn là tôi đã ngủ quá giấc, và sẽ bị phạt trèo lên đỉnh cột buồm vì tội lười nhát; nhưng trước khi tôi có thể vội vàng ngồi dậy, dường như ý nghĩ đó đột nhiên biến mất, và tôi cho rằng hẳn là mình đang bị ốm. Rồi một làn gió nhẹ thoảng qua gò má tôi, và tôi nghĩ tới quê nhà, tới khu vườn ở phía sau ngôi nhà nhỏ của cha tôi, với đủ loại hoa rực rỡ, và giàn hoa kim ngân thơm ngát mà mẹ tôi uốn rất cẩn thận trên cánh cổng đan mắt cáo. Nhưng tiếng vỗ ầm ầm của sóng xua tan những ý nghĩ vui tươi đó, và tôi lại đang ở giữa biển khơi, quan sát lũ cá heo và cá chuồn, lướt vùn vụt qua Mũi Sừng hoang sơ đầy bão tố. Tiếng sóng rền ngày càng to dần, rõ dần. Tôi sực nhớ tới vụ đắm tàu ở một nơi cách quê nhà rất xa, và chậm chạp mở mắt ra để đáp lại ánh mắt của người bạn đồng hành Jack. Anh đang chăm chú nhìn vào mặt tôi với vẻ lo lắng.
            - Hãy nói với bọn anh, Ralph thân mến – Jack nói khẽ, dịu dàng – Giờ em thấy khá hơn chưa?
            Tôi nhìn lên, mỉm cười và đáp:
- Khá hơn rồi, ý của anh là sao, Jack? Em vẫn ổn mà.
- Vậy sao cậu nằm ngay đơ làm bọn tớ sợ hết hồn như thế? – Peterkin nói, mỉm cười qua hai hàng nước mắt. Cậu bé tội nghiệp này đã thật sự tưởng rằng tôi sắp chết tới nơi.
Tôi chống tay ngồi dậy, và đưa tay sờ lên trán, nhận thấy nó đã bị đứt khá sâu, và tôi đã mất khá nhiều máu.
Jack lên tiếng, nhẹ nhàng ấn tôi nằm xuống trở lại:
- Nào, Ralph, hãy nằm xuống, cậu bé của tôi; em chưa khỏe hẳn đâu. Hãy thấm giọng với chút nước, nó mát và trong veo như thủy tinh. Anh đã lấy nó về từ một con suối sát bên cạnh. Giờ thì đừng nói gì nữa. – Anh nói thêm khi thấy tôi sắp cất tiếng. – Anh sẽ kể mọi chuyện cho em nghe, nhưng em không được thốt lên lời nào cho tới khi đã nghỉ ngơi thật tốt.
- Ồ, đừng ngăn cậu ấy nói, anh Jack – Peterkin nói. Lúc này, khi nỗi lo lắng cho sự an toàn của tôi đã vơi đi, nó bận rộn dựng một bức vách để ngăn gió bằng những nhánh cây. Tuy nhiên, điều này không cần thiết, vì tảng đá bên ngoài nơi tôi đang nằm đã hoàn toàn chặn đứng sức mạnh của cơn gió lớn.
- Hãy để cho cậu ấy nói, anh Jack ạ. Thật yên lòng khi nghe tiếng nói của cậu ấy sau khi cậu ấy nằm cứng đơ, tái nhợt như một cái xác ướp Ai Cập suốt cả giờ. Tớ chưa bao giờ thấy ai giống như cậu đó, Ralph ạ, luôn giở trò ma mãnh. Suýt chút cậu đã làm tớ chết vì nghẹn và gãy hết răng, rồi sau đó cậu lại nằm như chết rồi! Cậu rất tệ, thật đấy.
Trong lúc Peterkin tiếp tục nói huyên thuyên, các giác quan của tôi hồi phục lại hoàn toàn, và tôi bắt đầu hiểu ra tình cảnh của mình. Tôi hỏi:
- Ý của cậu là gì khi nói tớ suýt làm cậu chết nghẹn, Peterkin?
            - Ý của tớ là gì? Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của cậu à, hay cậu muốn tớ lặp lại nó bằng tiếng Pháp, để làm rõ nó hơn? Cậu không nhớ là…
            Tôi cắt ngang lời của nó:
            - Tớ không nhớ gì cả, sau khi chúng ta bị hất văng xuống biển.
            - Thôi đi, Peterkin, -- Jack nói – em đang khích động Ralph với sự ngớ ngẩn của mình. Anh sẽ giải thích cho em, Ralph ạ. Chắc em nhớ là sau khi tàu bị đắm, ba chúng ta rơi từ mũi tàu xuống biển, phải không? Ờ, anh nhận thấy cái mái chèo đã va vào đầu em và gây ra vết thương trên trán. Đòn đau này khiến em choáng váng, thế nên em đã ôm chặt cổ của Peterkin mà không biết rõ mình đang làm gì. Và khi đó cái kính viễn vọng mà em cứ khư khư giữ lại như thể nó là cuộc sống của em đã va vào miệng của Peterkin…
Peterkin xen vào:
“Hãy ấn nó lại vào miệng của cậu ấy, nhét nó xuống cổ họng cậu ấy luôn. Ối trời, lúc đó còn có một vết bầm tím do cái gọng kính bằng đồng gây ra ở sau cổ của em nữa.
Jack nói tiếp:
- Thôi, thôi, cứ cho là thế đi. Em ôm chặt lấy nó, Ralph ạ, cho tới khi anh sợ là em đã thật sự làm cho nó nghẹt thở; nhưng anh thấy rằng nó bám vào cái mái chèo rất chắc, vì thế anh cố hết sức đẩy cả hai vào bờ. Chúng ta đã may mắn vào tới bờ mà không gặp rắc rối gì nhiều, vì vùng nước phía trong bãi đá ngầm hoàn toàn yên tĩnh.
Tôi băn khoăn hỏi:
- Nhưng còn ông thuyền trưởng và thủy thủ đoàn thì sao, chuyện gì xảy ra với họ?
Jack lắc đầu.
- Họ chết cả rồi sao?
- Không, họ không chết, anh hy vọng thế, nhưng anh e là họ không có nhiều cơ hội được cứu. Con tàu bị đắm ngay tại cuối hòn đảo mà chúng ta dạt vào. May là khi chiếc xuồng văng xuống biển, nó không bị lật úp, dù nó bị ngập nước khá nhiều, và tất cả mọi người đều cố sức trèo vào nó; nhưng trước khi họ kịp đụng tới những cái mái chèo thì cơn bão cuốn họ xuống phía dưới gió của hòn đảo. Sau khi chúng ta lên bờ anh nhìn thấy họ đang cố gắng chèo về phía chúng ta, nhưng do họ chỉ có một cặp trong số tám cái mái chèo, và do gió thổi thẳng vào mặt họ, họ dần dần bị cuốn xa hơn. Sau đó anh nhìn thấy họ căng lên một tấm buồm nhỏ -- một cái chăn, anh cho là thế, vì nó quá nhỏ so với cái xuồng, và chỉ trong nửa giờ họ đã biến mất khỏi tầm nhìn.
- Họ thật đáng thương! – Tôi buồn rầu nói khẽ.
Jack tiếp lời tôi, với một âm sắc vui vẻ hơn:
- Nhưng càng nghĩ về việc này, anh càng có nhiều hy vọng hơn về họ. Em thấy đó, Ralph. Anh đã đọc khá nhiều về những hòn đảo ở vùng biển phía nam này, và anh biết rằng chúng nằm rải rác khắp nơi và có tới hàng ngàn hòn đảo trên vùng biển này, vì thế gần như chắc chắn là họ sẽ sớm tấp vào một trong số chúng.
Peterkin nghiêm túc nói:
- Chắc chắn là em hy vọng như thế. Nhưng còn con tàu thì sao, anh Jack? Em nhìn thấy anh leo lên những tảng đá ở đằng kia trong lúc em đang theo dõi Ralph. Có phải nó đã vỡ tan thành từng mảnh không?
- Không, nó không vỡ tan thành từng mảnh mà chìm xuống đáy biển – Jack trả lời – Như anh đã nói trước đó, nó va vào đuôi của hòn đảo và mũi tàu chúi xuống nước, nhưng đợt sóng kế tiếp đẩy nó ra xa, và nó trôi xuống phía dưới gió. Những người tội nghiệp trong chiếc xuồng cố tới gần nó, nhưng khá lâu trước khi họ tới nơi, nó ngập đầy nước và chìm xuống. Sau khi nó chìm anh mới nhìn thấy họ đang cố chèo về phía đảo.
Có một lúc lâu im lặng sau khi Jack dứt lời, và tôi chắc chắn rằng mỗi người đang ngẫm nghĩ trong đầu về hoàn cảnh lạ lùng của chúng tôi. Về phần mình, tôi không thể nói rằng những suy nghĩ của tôi lạc quan cho lắm. Tôi biết rằng chúng tôi đang ở trên một hòn đảo, vì Jack đã nói thế, nhưng nó có cư dân hay không thì tôi không biết. Nếu nó có người ở, từ tất cả những gì tôi từng nghe nói về những người dân đảo ở vùng biển miền Nam, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ bị nướng sống và ăn thịt. Nếu nó không có người ở, tôi cho rằng chúng tôi sẽ đói cho tới chết. Tôi nghĩ bụng, “Ồ! Giá như con tàu mắc kẹt trong những tảng đá, chúng mình có thể làm được nhiều việc, vì chúng mình có thể lấy được các thứ thức ăn từ đó, và những công cụ cho phép chúng mình cất một căn lều, nhưng giờ thì, chao ôi, chúng mình đã mất hết!” Tôi bật thốt lớn thành lời mấy từ cuối này trong tâm trạng đau buồn.
- Mất hết sao Ralph! – Jack kêu lên, trong lúc một nụ cười nở rộng trên gương mặt vui vẻ của anh – Em phải nói là được cứu thoát mới đúng. Có vẻ như nhận thức của em đã đi sai đường rồi, và đã dẫn em tới một kết luận sai.
Peterkin lên tiếng:
- Anh có biết em đã đi tới kết luận nào không? Em đã quyết định rằng nó thật tuyệt vời – nhất hạng – điều tuyệt nhất từng xảy đến với chúng ta, và viễn cảnh hay ho nhất đang nằm trước ba thủy thủ trẻ vui tươi. Chúng ta có cả một hòn đảo. Chúng ta sẽ chiếm hữu nó nhân danh đức vua; chúng ta sẽ sử dụng sự phục vụ của những cư dân da đen của nó. Đương nhiên chúng ta sẽ vươn lên tới chức vụ cao nhất. Những người da trắng luôn làm thế ở những vùng đất dã man. Anh sẽ là vua, Jack ạ; Ralph là thủ tướng, còn em sẽ là…
Jack xen vào:
- Anh hề của triều đình.
Peterkin phản đối:
- Không. Em không có tước vị gì cả. Em chỉ đơn giản chấp nhận một trách nhiệm cao dưới sự lãnh đạo của chính quyền, vì anh thấy đó, Jack, em chỉ khoái có một khoản lương thật to và không phải làm gì cả.
- Nhưng giả sử không có cư dân bản xứ nào cả thì sao?
- Vậy thì chúng ta sẽ cất một ngôi biệt thự xinh xinh, trồng một khu vườn đẹp quanh nó, với tất cả mọi loài hoa nhiệt đới rực rỡ, và sẽ cày bừa đất đai, gieo trồng, thu hoạch, ăn, ngủ và sống vui vẻ.
- Nhưng nói nghiêm túc thì chúng ta thật sự ở trong một tình thế khá bất lợi -- Jack cất tiếng với một vẻ mặt nghiêm trang mà tôi nhận thấy luôn có một tác dụng kềm chế khuynh hướng cợt đùa mọi thứ của Peterkin – Nếu đây là một hòn đảo không người, chúng ta sẽ phải sống hệt như loài thú hoang, vì chúng ta không có bất cứ loại công cụ nào, ngay cả một con dao.
- Có, chúng ta có mà – Peterkin đáp, mò mẫm trong túi quần, rồi móc ra một con dao nhíp nhỏ xíu chỉ có một lưỡi, và cả lưỡi dao đó cũng bị gãy.
Jack đứng lên và nói:
- Tốt, có còn hơn không, nhưng thôi, chúng ta đang phí thời giờ để nói thay vì làm. Có vẻ như em đã đủ sức bước đi rồi đó, Ralph. Chúng ta hãy kiểm lại xem trong túi của mình có thứ gì, rồi sẽ leo lên một ngọn đồi để xác định xem chúng ta đã dạt vào một hòn đảo kiểu nào, bởi lẽ, dù tốt hay xấu, sắp tới rất có khả năng nó là nhà của chúng ta trong một thời gian.


CHƯƠNG IV
Chúng tôi kiểm tra tài sản cá nhân của mình và có một phát hiện thú vị — Cảnh vật trên đảo —Jack chứng tỏ là người hiểu biết và khôn ngoan hơn hết —Những phát hiện lạ lùng — Nước chanh thiên nhiên!
Chúng tôi ngồi trên một tảng đá, bắt đầu kiểm lại tài sản cá nhân của mình. Khi lên bờ sau tan nạn đắm tàu, các bạn của tôi đã cởi bớt một phần y phục và trải chúng ra dưới ánh nắng để phơi, vì dù trận bão đang lồng lộn điên cuồng, không có một đám mây nào trên bầu trời quang đãng. Họ cũng đã lột bớt hầu hết quần áo ướt của tôi ra và phơi chúng trên những tảng đá. Sau khi thu gom quần áo, chúng tôi cẩn thận ngồi rà soát lại tất cả những túi quần túi áo, và đặt những thứ trong đó lên một tảng đá bằng phẳng trước mặt; và do hiểu rất rõ tình cảnh của mình lúc này, điều chắc chắn là chúng tôi lộn ngược từ trong ra ngoài từng cái túi, để không bỏ sót thứ gì. Khi tập hợp tất cả những gì đã tìm được, chúng tôi nhận ra mình có những món đồ sau:
Đầu tiên, một con dao nhỏ với một lưỡi duy nhất đã bị gẫy ngay giữa và han rỉ khá nhiều, ngoài ra còn có hai ba vết mẻ trên lưỡi. (Với bản tính lạc quan thường lệ, Peterkin bảo rằng con dao này có thể dùng làm cưa cũng như làm dao, và đó là một lợi thế lớn lao.) Thứ hai, một cái hộp bạc đựng bút chì cũ do Đức sản xuất, không có cây bút chì nào trong đó. Thứ ba, một đoạn dây dài chừng sáu mét. Thứ tư, một cây kim may buồm cỡ nhỏ. Thứ năm, một cái kính viễn vọng tàu biển mà tôi đã cầm theo khi tàu bị đắm và vẫn luôn giữ chặt nó suốt thời gian ở dưới nước. Thật sự, Jack đã chật vật lắm để gỡ nó ra khỏi bàn tay nắm chặt của tôi khi tôi nằm bất tỉnh trên bờ. Tôi không hiểu vì sao tôi lại giữ chặt cái kính viễn vọng này đến thế. Người ta bảo rằng một người đang chìm sẽ bám lấy ngay cả một cọng rơm. Có lẽ trong tôi cũng có một cảm giác tương tự, vì tôi không biết nó nằm trong tay tôi vào thời điểm chúng tôi bị đắm tàu. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy rất vui khi có nó lúc này, dù không biết nó có dụng ích gì cho chúng tôi hay chăng, vì lớp kính ở đầu nhỏ hơn đã vỡ tan tành. Món thứ sáu là một chiếc nhẫn đồng mà Jack luôn đeo trên ngón út của anh. Tôi không bao giờ hiểu được lý do anh  đeo nó, vì Jack không lứu ý mấy tới ngoại hình của mình, và có vẻ không quan tâm tới bất cứ thứ đồ trang sức nào. Peterkin bảo “nó là kỷ vật của một cô gái mà anh ấy đã chia tay!” Nhưng vì Jack không bao giờ kể về cô gái đó với đứa nào trong hai chúng tôi, tôi nghĩ rằng hoặc là Peterkin nói đùa, hoặc nó đã đoán lầm. Ngoài các thứ đã nêu, chúng tôi có một cái bùi nhùi, và những thứ quần áo đã mang theo. Mấy thứ cuối cùng này bao gồm:
Mỗi chúng tôi có một cái quần may bằng loại vải bạt bền chắc, và một đôi giày thủy thủ. Jack mặc một cái áo sơ mi đỏ bằng vải flanen, một cái áo khoác màu xanh dương, đội một cái mũ mềm màu đỏ; ngoài ra còn có một đôi vớ len, một cái khăn tay bằng vải coton, trên có in 16 chân dung của Ngài Nelson[1] kết hợp với một chữ Jack ở giữa.
Peterkin mặc một cái áo sơ mi sọc bằng vải flanen. Nó bỏ áo ngoài quần và thắt dây quanh eo, bắt chước theo kiểu của một người La Mã cổ đại, và đội một cái mũ rơm tròn màu đen. Nó không có áo khoác vì đã vất đi ngay trước khi chúng tôi văng xuống biển; nhưng việc này chẳng để lại hậu quả gì ghê gớm, vì khí hậu của hòn đảo này tỏ ra rất ôn hòa; nói thật lòng, Jack và tôi thích đi quanh quẩn với áo sơ mi trần hơn.  Peterkin cũng có một đôi tất vải trắng, và một cái khăn tay màu xanh biển điểm nhiều chấm trắng. Quần áo của chính tôi bao gồm một cái áo sơ mi vải flanen, một cái áo khoác xanh dương, một cái mũ đen, và một đôi tất vải, ngoài đôi giày và đoạn dây đã nói bên trên. Đó là tất cả những gì chúng tôi có, không còn gì khác. Nhưng khi nghĩ tới sự nguy hiểm đã thoát khỏi, và việc mọi sự sẽ tệ đến mức nào nếu con tàu va vào đá trong đêm, chúng tôi tạ ơn trời rằng chúng tôi đã sở hữu quá nhiều. Dù, tôi phải thú nhận, đôi khi chúng tôi ao ước rằng giá mà có thêm chút ít nữa.
Trong lúc chúng tôi đang kiểm tra các thứ này và trò chuyện về chúng, đột nhiên Jack giật mình kêu lên:
- Cái mái chèo! Bọn mình đã quên khuấy nó.
Peterkin hỏi:
- Nó có ích gì cho chúng ta? Có đủ gỗ trên đảo để làm cả ngàn cái mái chèo mà.
Jack đáp:
- Phải rồi, nhóc ạ. Nhưng ở một đầu mái chèo có một cái niềng sắt, và có thể nó rất có ích cho chúng ta.
- Rất đúng – Tôi nói – Chúng ta hãy đi lấy nó về.
Chúng tôi đứng lên và vội vã bước ra bờ biển. Tôi vẫn còn hơi yếu vì mất máu, vì thế hai người bạn của tôi nhanh chóng bỏ tôi lại phía sau. Nhưng do tốt bụng và hay quan tâm tới bạn bè, Jack nhận ra điều này và quay lại để giúp tôi. Từ lúc lên bờ đến giờ tôi mới có một cái nhìn rõ ràng đối với cảnh vật xung quanh, vì chỗ tôi đã nằm nghỉ bị che phủ bởi những bụi rậm um tùm, hầu như chắn mất tầm nhìn của chúng tôi. Lúc này, khi cùng đi xuống bãi cát, tôi đảo mắt nhìn quanh, và, thật sự, tim tôi rộn lên và lòng lâng lâng sảng khoái trước phong cảnh tươi đẹp mà tôi nhìn thấy ở mọi phía. Cơn bão đã đột ngột biến đi, như thể nó đã hoành hành dữ dội cho tới khi hất con tàu của chúng tôi va vào đá và không còn việc gì để làm sau chiến công đó. Hòn đảo chúng tôi đang ở có nhiều đồi cao thấp, và bị che phủ ở khắp nơi bởi những cây to bụi rậm xinh đẹp, rực rỡ màu sắc mà tôi không hề biết tên vào thời điểm đó, ngoại trừ những cây dừa, mà tôi đã nhận ra ngay từ nhiều bức ảnh về chúng tôi từng nhìn thấy trước khi rời khỏi quê nhà. Một bãi cát trắng đến chói mắt viền quanh bãi biển xanh tươi, và ở mé ngoài là biển cả gợn sóng lăn tăn. Cảnh tượng cuối cùng này khiến tôi rất ngạc nhiên, vì tôi nhớ rằng ở quê tôi biển thường ập vào bờ cát trong những lượn sóng to rất lâu sau khi một cơn bão đã rút lui. Nhưng khi tôi nhìn xa hơn nữa, lý do trở nên rõ ràng. Cách bờ biển chừng một dặm, tôi nhìn thấy những lượn sóng cao ngất của đại dương đang đổ tới như một bức tường xanh, rồi đổ ụp xuống một rạn san hô thấp với một tiếng gầm lớn, kéo dài, và vỡ tung thành bọt sóng trắng xóa, văng lên tung tóe trong những đám mây bụi nước. Những bụi nước này đôi khi bay lên rất cao, và ở nơi này nơi khác, một dải cầu vồng xinh đẹp được hình thành trong khoảnh khắc giữa những bụi nước đang rơi. Sau đó chúng tôi nhận ra rằng rạn san hô này kéo dài quanh hòn đảo, tạo thành một cái đê chắn sóng tự nhiên. Bên ngoài cái đê này, biển trồi lên ập xuống một cách hung hăng do ảnh hưởng của cơn bão; nhưng giữa rạn san hô và bờ biển, mặt nước tĩnh lặng êm ái như trong một cái ao con.
Tim tôi tràn ngập niềm vui vô tả khi nhìn thấy quá nhiều cảnh vật tuyệt vời, và ý nghĩ của tôi đột nhiên quay sang sự trầm tư về Đấng đã sáng tạo ra tất cả. Tôi vui sướng nhắc tới điều này, vì vào thời điểm đó tôi mắc cỡ không dám nói, rằng tôi rất ít khi nghĩ tới Đấng Sáng tạo, dù tôi thường xuyên được bao quanh bởi những tác phẩm xinh đẹp và kỳ diệu của Người. Từ nét mặt của bạn mình, tôi nhận thấy rằng cả anh cũng rất thích thú với những phong cảnh tuyệt vời, lại càng tuyệt vời hơn nữa với chúng tôi sau một hành trình dài trên biển mặn. Ở đó, gió trong lành và lạnh giá, nhưng ở đây, nó rất dịu dàng; và khi một cơn gió nhẹ cuốn ra từ đất liền, nó chở theo mùi thơm thoát tục nhất mà người ta có thể hình dung. Trong lúc đang đắm đuối cùng cảnh vật, chúng tôi giật mình bởi một tiếng la lớn của Peterkin: “Hoan hô!” Và khi nhìn ra bãi biển, chúng tôi thấy nó đang nhảy cởn lên như một con khỉ, rồi sau đó cố sức lôi kéo vật gì đó nằm trên bãi cát.
- Cái cậu nhóc này thật lạ lùng, chắc chắn là thế -- Jack nói, khoác tay tôi và đi nhanh về phía nó – Nhanh nào, chúng ta tới xem đó là gì.
Peterkin la lớn khi chúng tôi tới gần, vẫn đang gắng sức lôi kéo:
- Nó đây nè các bạn, hoan hô! Đến xem nè. Đúng thứ chúng ta cần. Loại nhất; đúng là chính tấm vé này rồi!
Tôi cần lưu ý với các bạn độc giả rằng cậu bạn Peterkin của chúng tôi có thói quen sử dụng những cụm từ lạ lùng không giống ai. Và cũng xin thú nhận rằng tôi không hiểu lắm ý nghĩa của nhiều cụm từ trong số đó — chẳng hạn như “chính tấm vé này”; nhưng tôi nghĩ bổn phận của mình là thuật lại mọi thứ liên quan tới những cuộc phiêu lưu với một thái độ nghiêm túc về tính chất chân thật trong chừng mực trí nhớ cho phép; vì thế tôi viết, càng chính xác càng tốt, những từ mà các bạn của tôi đã nói. Tôi thường yêu cầu Peterkin giải thích nó muốn nói gì với chữ “tấm vé”, nhưng nó luôn trả lời tôi bằng một tràng cười rộ. Tuy nhiên, bằng cách quan sát những trường hợp nó sử dụng từ này, tôi cũng hiểu lờ mờ rằng nó muốn ám chỉ một điều rất tốt đẹp hay may mắn.
Khi tới nơi, chúng tôi nhận thấy Peterkin đang gắng sức một cách vô hiệu quả để giật cái rìu ra khỏi cái mái chèo. Các bạn sẽ nhớ rằng Jack đã bổ cái rìu vào nó trong lúc cố chặt đứt mấy sợi dây chảo mà nó bị vướng vào ở mũi con tàu. May cho chúng tôi, cái rìu vẫn còn nằm nguyên chỗ cũ, thậm chí ngay lúc này, với tất cả sức lực của mình, Peterkin vẫn không thể giật nó ra.
- Chà, đây đúng điều tuyệt diệu – Jack kêu lên, đồng thời giật mạnh một cú khiến nó rời khỏi thanh gỗ cứng – Việc này thật may mắn! Nó sẽ có ích cho chúng ta hơn một trăm con dao, và lưỡi rìu vẫn còn mới toanh, bén ngót.
- Em sẽ đòi lại món nợ cho sự ngoan cố của cái rìu này với bất cứ giá nào – Peterkin càm ràm – Hai cánh tay của em gần sút ra khỏi khớp nối. Nhưng nhìn này, vận may của chúng ta thật lớn. Có sắt trên cái mái chèo.
Vừa nói nó vừa chỉ vào một một mảnh sắt đã được đóng đinh quanh cái mái chèo để ngăn không cho nó bị tét.
Đây cũng là một phát hiện may mắn. Jack quỳ xuống, và thận trọng dùng lưỡi rìu nạy mấy cây đinh. Nhưng do chúng được đóng sát quá, và việc này khiến lưỡi rìu bị lụt, chúng tôi mang theo cái mái chèo trở về chỗ tảng đá, dự định sẽ đốt cái rìu để lấy mảnh sắt vào một thời điểm thuận tiện hơn.
Jack lên tiếng khi chúng tôi đã đặt nó lên tảng đá chứa mọi thứ nhỏ bé của mình:
- Nào, các em, anh đề nghị rằng chúng ta sẽ đi ra chỗ cuối đảo, nơi con tàu bị đắm, chỉ cách đây chừng một phần tư dặm, để xem có thứ gì khác dạt lên bờ hay không. Anh không kỳ vọng gì nhiều, nhưng cũng nên tới đó xem. Khi chúng ta quay trở lại đây, cũng vừa tới giờ ăn và chuẩn bị nơi để ngủ.
“Đồng ý!” Peterkin và tôi cùng la to, và, thật sự, chúng tôi sẽ đồng ý với bất cứ đề xuất nào của Jack; vì, ngoài việc anh lớn tuổi hơn, cao to hơn và khỏe hơn chúng tôi nhiều, anh cũng là một thanh niên rất thông minh, và tôi nghĩ điều này sẽ đủ thuyết phục để những người lớn tuổi hơn anh nhiều chọn anh làm người chỉ huy của họ; nhất là khi họ cần được dẫn dắt trong một tình cảnh khó khăn.
Trong lúc vội vã đi dọc theo bãi cát trắng sáng chói chang dưới ánh nắng chiều, mắt chúng tôi mờ đi vì độ chói. Đột nhiên Peterkin sực nhớ ra rằng chúng tôi không có gì để ăn trừ những quả mọng dại mọc um tùm ngay dưới chân.
Nó lên tiếng, với vẻ nuối tiếc:
- Chúng ta sẽ làm gì, anh Jack? Có lẽ chúng là quả độc!
- Đừng sợ -- Jack tự tin đáp – Anh nhận thấy một vài thứ quả trong số chúng cũng giống như các loài quả mọng mọc hoang trên những ngọn đồi ở quê hương chúng ta. Ngoài ra, anh còn thấy một hai con chim lạ vừa ăn chúng cách đây mấy phút, và thứ gì không giết chết lũ chim sẽ không giết chết chúng ta. Nhưng nhìn kìa, Peterkin – Jack chỉ vào những chùm lá trên ngọn một cây dừa – Có quả dừa cho chúng ta vào mọi lúc.
- Đúng thế thật!
Peterkin la lên. Bản tính của nó là rất thờ ơ với mọi thứ, nên nó không bao giờ chú ý tới bất cứ thứ gì ở trên cao, chẳng hạn những quả dừa. Nhưng bất kể anh bạn trẻ của tôi có khuyết điểm gì, không thể nào trách móc nó về lòng hăng hái trong hoạt động. Thật sự, khi vửa được chỉ cho những quả dừa, nó nhanh nhẹn leo lên một cây dừa cao như một con sóc, và chỉ trong vài phút đã quay lại với ba quả dừa to bằng nắm tay người lớn.
Jack nói:
- Em nên giữ chúng tới khi chúng ta quay về. Chúng ta hãy hoàn tất công việc trước khi ăn.
- Cứ thế đi, thuyền trưởng, tiến lên – Peterkin đáp, nhét mấy quả dừa vào túi quần – Thật sự em không muốn ăn ngay bây giờ, nhưng em sẽ đánh đổi nhiều thứ để được uống một hơi. Chà, giá mà em có thể tìm được một con suối! Nhưng em chằng thấy dấu hiệu nhỏ nhất nào của một con suối quanh đây. Nghe này, anh Jack, vì sao anh tỏ ra quen thuộc với mọi thứ ở đây như vậy? Anh đã nói cho bọn em biết tên của nửa tá loại cây, thế mà anh lại bảo anh chưa từng tới vùng biển phía Nam lần nào.
Jack đáp với một nụ cười:
- Anh không quen thuộc với mọi thứ, Peterkin, như em sẽ sớm nhận ra. Nhưng anh đã đọc nhiều sách du lịch và phiêu lưu mạo hiểm trong cả đời mình, và nhờ thế anh biết nhiều thứ mà có lẽ em không quen thuộc.
Peterkin la lên với vẻ khinh thị:
- Ồ, anh Jack, tất cả những cuốn sách toàn là tào lao. Nếu anh tin mọi thứ viết trong sách, em sẽ mất đi hoàn toàn ý nghĩ tốt đẹp dành cho anh. Em đã từng gặp nhiều tay luôn miệt mài với những cuốn sách, và khi họ thử làm bất cứ chuyện gì, họ chẳng khá gì hơn những con khỉ đột!
Jack bẻ lại:
- Em nói rất đúng, và anh cũng đã gặp nhiều tay không bao giờ nhìn vào sách. Họ chẳng biết gì ngoại trừ những gì họ đã thật sự nhìn thấy, và họ biết rất ít, ngay cả đối với những thứ đó. Thật ra, một số dốt nát đến độ không biết rằng quả dừa mọc trên cây dừa!
Tôi không thể nhịn cười trước lời quở trách này, vì trong nó có nhiều sự thật, nhất là về sự dốt nát của Peterkin.
- Hừm ! Có lẽ anh nói đúng – Peterkin đáp – Nhưng em sẽ coi một tay mọt sách không đáng một xu nếu trong con người anh ta không có gì khác.
Jack đáp:
- Anh cũng thế. Nhưng không có lý do gì để em coi thường sách vở, hoặc coi thường anh vì anh đã đọc chúng. Nè, Peterkin, giả sử em muốn đóng một con tàu, và anh chỉ dẫn cho em thật tỉ mỉ và cụ thể cách thực hiện nó, điều đó có ích hay chăng?
- Không còn ngờ gì nữa – Peterkin đáp và cười lớn.
- Và giả sử anh sẽ viết ra những chỉ dẫn thay vì nói với em bằng lời, điều đó có kém hữu ích hơn không?
- À, không, có lẽ là không.
- Tốt, giả sử anh sẽ in nó ra, và gửi nó cho em dưới hình thức một cuốn sách, nó vẫn tốt và vẫn hữu ích như thường, phải không?
- Ôi trời, ông anh của tôi! Anh Jack, anh là một triết gia, và đó là điều tệ hại nhất trần đời – Peterkin la lên, vờ như hoảng hốt.
- Tốt lắm, Peterkin, chúng ta sẽ thử xem sao – Jach quay trở lại, dừng chân dưới bóng của một cây dừa – Mới lúc nãy em bảo rằng em khát nước; bây giờ hãy trèo lên cây này và hái một quả dừa, không phải quả đã già mà là một quả xanh.
Peterkin có vẻ ngạc nhiên, nhưng khi thấy rằng Jack nói rất nghiêm túc, nó tuân theo.
- Giờ hãy lấy dao khoét trên nó một cái lỗ, và úp nó vào miệng em, anh bạn nhỏ -- Jack nói.
Peterkin làm theo chỉ dẫn, và hai chúng tôi ôm bụng cười lăn lóc với những thay đổi diễn ra ngay lập tức trên nét mặt của nó. Vừa khi nó đặt quả dừa lên miệng và ngửa cổ ra để đón nhận nước dừa, mắt nó mở to gấp đôi vì kinh ngạc, trong lúc cổ họng của nó co thắt mạnh trong cử động nuốt. Rồi một nụ cười và vẻ khoái chí cực độ lan rộng khắp gương mặt nó, ngoại trừ cái miệng, do vẫn dán chặt vào cái lỗ trên quả dừa, không thể tham gia vào sự thể hiện này; nhưng nó cố gắng bù đắp cho việc này bằng cách nháy mắt phải với chúng tôi lia lịa. Cuối cùng nó dừng uống; và sau khi thở một hơi dài, nó cảm thán:
- Rượu tiên! Rượu tiên hảo hạng! Em bảo này, anh Jack, anh là một anh chàng người Anh tuyệt vời nhất em từng gặp trong đời. Nếm thử xem nào! – Nó nói, quay sang tôi và đưa quả dừa lên miệng tôi. Tôi uống ngay, và tất nhiên tôi cũng rất ngạc nhiên với thứ chất lỏng thú vị đang chảy tràn xuống cổ. Nó mát cực kỳ, và có vị ngọt pha lẫn vị chua. Thật sự, nó rất giống vị nước chanh mà tôi từng nếm, và đem tới cảm giác rất khoan khoái dễ chịu. Tôi trao quả dừa cho Jack. Khi nếm xong, anh nói:
- Nè, Peterkin, cu cậu không tin tưởng, anh chưa bao giờ nhìn thấy hay nếm một quả dừa trong đời trước đó, ngoại trừ những thứ trái cây bán trong các cửa tiệm ở quê nhà. Nhưng có lần anh đọc được rằng dừa xanh chứa thứ nước đó, và em đã thấy điều này là đúng!
Peterkin thắc mắc:
- Thế còn quả dừa chín thì sao, nó chứa ‘thứ gì’?
Jack đáp:
- Một lớp cùi dừa, và một chất lỏng giống như sữa, nhưng nó thỏa mãn cho cơn đói tốt hơn cho cơn khát. Anh tin rằng nó là một thứ thực phẩm rất trong lành.
Peterkin la lên:
- Thịt và thức uống trên cùng một cây! Tắm biển, cư ngụ trên mặt đất — và tất cả đều miễn phí! Các bạn thân mến, chúng ta sống khỏe ru rồi. Đây hẳn là Vườn Địa đàng thời cổ đại. Hoan hô!
Nó ném cái nón rơm lên cao, rồi vừa chạy dọc theo theo bãi biển vừa hú lên như một người điên với niềm vui sướng.
Tuy nhiên, sau đó chúng tôi nhận ra rằng những hòn đảo xinh đẹp này rất khác với Vườn Địa đàng ở nhiều thứ. Nhưng xin tạm gác lại chuyện đó tại đây.
            Chúng tôi tới bãi đá nơi con tàu đã va vào, nhưng không tìm thấy thứ gì, dù đã cẩn thận tìm kiếm giữa những tảng đá san hô. Ở địa điểm này, chúng nhú ra xa đến độ gần giáp với rạn đá ngầm bao quanh đảo. Tuy nhiên, khi sắp sửa quay về, chúng tôi nhìn thấy vật gì đó màu đen đang trôi bập bềnh trong một cái vịnh nhỏ mà lúc nãy chúng tôi chưa quan sát kỹ. Chúng tôi chạy tới, vớt nó lên, và nhận ra đó là một chiếc ủng da to và dày, giống thứ ủng ngư dân ở quê nhà hay mang. Cách chỗ đó vài bước, chúng tôi nhặt được chiếc còn lại. Chúng tôi nhận ra ngay lập tức đó là ủng của ông thuyền trưởng, vì ông đã mang chúng trong suốt cơn bão, để bảo vệ đôi chân trước sóng và bụi nước thường xuyên quét qua boong tàu. Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi nhìn thấy chúng là ông thuyền trưởng đã chết đuối, nhưng Jack nhanh chóng xoa dịu gánh nặng đó trong đầu tôi; anh bảo rằng nếu thuyền trưởng chết đuối khi đang mang ủng, chắc chắn ông sẽ được sóng đẩy vào bờ cùng với chúng, và chắc chắn là ông đã tháo chúng ra trong lúc đang loi ngoi giữa biển để dễ bơi hơn.
Peterkin lập tức mang thử chúng, nhưng chúng to đến độ, như Jack bảo, người ta có thểdùng da của chúng để may ủng, quần và cả áo gi-lê cho nó. Tôi cũng mang thử, nhưng dù ống chân tôi khá dài, hai bàn chân của tôi lại quá nhỏ trong đôi ủng rộng rinh; vì thế chúng tôi trao nó cho Jack. Anh yêu cầu tôi giữ chúng, nhưng vì chúng vừa với bàn chân to lớn của anh như thể được đóng riêng cho anh, tôi không muốn nghe tới chuyện đó. Cuối cùng anh đồng ý sử dụng chúng. Tuy nhiên, tôi phải nhận xét rằng Jack không thường xuyên dùng tới chúng, vì chúng nặng cực kỳ.
Trời bắt đầu sụp tối khi chúng tôi về tới nơi cắm trại, vì thế chúng tôi gác lại cuộc thăm viếng đỉnh một ngọn đồi sang hôm sau, và tận dụng ánh sáng hoàng hôn để chặt một mớ nhánh nhỏ và lá cây rộng bản của một cây to mà không ai trong nhóm biết tên. Với đống nhánh lá này, chúng tôi dựng lên một cái chòi thô kệch để ngủ qua đêm. Không quá cần thiết phải làm điều này, vì không khí trên đảo ôn hòa và dễ chịu đến độ chúng tôi có thể ngủ rất ngon mà không cần tới bất kỳ mái che nào. Nhưng chúng tôi không quen mấy với việc ngủ ngoài trời nên không thoải mái với ý tưởng nằm xuống mà không có gì che chắn bên trên. Ngoài ra, căn chòi của chúng tôi có thể che chở cho chúng tôi khỏi sương đêm hay mưa nếu trời đổ mưa. Sau khi trải sàn với lá và cỏ khô xong, chúng tôi sực nhớ tới bữa ăn tối.
Nhưng lúc này chúng tôi mới nghĩ ra, lần dầu tiên, rằng chúng tôi không có phương tiện nào để nhóm lửa.
- Gặp khó khăn to rồi! Chúng ta phải làm gì đây? – Peterkin nói, trong lúc cả hai đứa chúng tôi hướng ánh mắt về phía Jack, kẻ chúng tôi luôn quay sang khi gặp khó khăn. Dường như Jack không hề bối rối chút xíu nào.
- Có nhiều đá lửa trên bãi biển, không còn ngờ gì nữa – Anh nói – Nhưng chúng chẳng có ích gì nếu không có một thanh thép. Tuy nhiên chúng ta phải thử.
Nói xong, anh đi ra bãi biển và nhanh chóng quay lại với hai hòn đá lửa. Anh đặt bùi nhùi lên một hòn và cố làm nóng nó. Với nhiều lần cố gắng, một tia lửa rất nhỏ xẹt ra từ hai hòn đá lửa, nhưng cái bùi nhùi đã vón cục không bắt lửa. Sau đó Jack thử với mảnh sắt, nó không hề xẹt lửa lần nào; sau đó là cái sống của lưỡi rìu, cũng chẳng thành công gì hơn. Trong suốt những cuộc thử nghiệm này, Peterkin, hai tay nhét trong túi áo, ngồi nhìn người bạn của chúng tôi chăm chú với nét mặt buồn bã, mặt nó càng lúc càng dài ra thêm và có vẻ đau khổ hơn sau mỗi lần thất bại. Nó thở dài.
- Ôi trời! Em chẳng thèm quan tâm tới việc nấu nướng thứa ăn, có lẽ không cần tới việc đó. Nhưng thật u ám khi ngồi ăn trong bóng tối, và chúng ta đã có một ngày quá tuyệt vời. Thật đáng tiếc khi phải kết thúc theo cung cách nản lòng chiến sĩ này. Ồ, em có cách rồi! – Nó la lên và đứng bật dậy – Cái ống nhòm; tấm kính to ở một đầu ống nhòm là một tấm kính tạo ra lửa!
- Cậu quên là chúng ta đâu có mặt trời – Tôi nói.
Peterkin im lặng. Trong ý nghĩ đột ngột của nó về cái kính viễn vọng, nó đã hoàn toàn quên khuấy mất sự vắng mặt của mặt trời.
- Nè, các em, anh nghĩ ra rồi! – Jack kêu lên, đứng dậy và cắt một nhánh cây từ bụi cây gần bên, rồi tước bỏ hết lá cây – Anh nhớ có lần nhìn thấy người ta làm cách này ở quê nhà. Đưa cho anh đoạn dây nào.
Với đoạn dây và nhánh cây, Jack nhanh chóng tạo ra một cái cung. Sau đó anh cắt một khúc nhánh cây khô, dài chừng ba phân, rồi chuốt nhọn hai đầu. Anh luồn dây cung qua khúc cây này, và đặt một đầu tựa vào ngực mình, được bảo vệ khỏi đầu cây nhọn bằng một mảnh vỏ cây, anh đặt đầu nhọn còn lại vào miếng bùi nhùi, và bắt đầu xoay mạnh nó với cái cung, giống như cách một người thợ rèn thực hiện với cái khoan trong lúc đục lỗ trên một mảnh sắt. Sau vài giây, miếng bùi nhùi bắt đầu tỏa khói; giây lát sau, nó bắt lửa. Và chưa đầy mười lăm phút sau, chúng tôi ngồi uống nước chanh thiên nhiên, ăn cùi dừa quanh một đống lửa có thể nướng chín cả một con cừu, trong lúc khói và lửa bốc cao bên dưới tán lá rộng của những cây dừa, và tỏa một vầng sáng ấm áp lên căn chòi lá của chúng tôi.
Đêm hôm đó, bầu trời đầy sao sáng nhìn xuống giấc ngủ của chúng tôi qua những hàng cây khẽ reo lên xào xạc, và tiếng sóng vỗ rì rầm vào rạn đá ngầm là bài hát ru của chúng tôi.



[1]Lord Nelson: (1758 – 1805) một trong những chỉ huy hải quân vĩ đại nhất của nước Anh. Ông đã hy sinh trong trận hải chiến Trafalgar, đưa nước Anh tới chiến thắng trước nước Pháp.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét