Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI - HELEN KELLER - PHẦN III (Chương VII-Chương IX)


Nguyễn Thành Nhân dịch








CHƯƠNG VII


Bước quan trọng kế tiếp trong việc giáo dục tôi là học đọc.
          Ngay khi tôi có thể đánh vần vài từ, cô giáo cho tôi một số tấm bìa cứng trên có những chữ in bằng mẫu tự nổi. Tôi nhanh chóng hiểu rằng mỗi từ in đại diện cho một đối tượng, một hành động hay một phẩm chất. Tôi có một cái khung, trong đó tôi có thể sắp xếp các từ thành những câu ngắn; nhưng trước khi đặt câu trong cái khung, tôi thường đặt câu với những vật thể. Tôi tìm những mảnh bìa thể hiện các từ, chẳng hạn “búp bê”, “thì” “trên”, “giường” và đặt mỗi cái tên lên đối tượng của nó; rồi tôi đặt con búp bên lên giường với những từ thì, trên, giường được xếp cạnh con búp bê, và do vậy tạo một câu từ những từ đó, đồng thời thực hiện ý tưởng của một câu với chính bản thân những sự vật.
          Một hôm, cô Sullivan kể với tôi, tôi đã ghim từ cô gái lên cái tạp dề và đứng trong tủ quần áo. Trên kệ tôi sắp xếp các từ: thì, trong, tủ quần áo. Không có gì khiến tôi vui thú bằng trò chơi này. Cô giáo và tôi chơi nó suốt nhiều giờ mỗi lần. Thông thường, mọi vật trong phòng đều được sắp xếp thành câu.
          Từ tấm bìa in chữ chỉ còn một bước nữa là tới sách in. Tôi lấy cuốn “Tập đọc cho Người bắt đầu học” và săn tìm những từ tôi đã biết; khi tìm thấy chúng, niềm vui của tôi giống như khi chơi trò trốn tìm. Tôi bắt đầu đọc như vậy đó. Thời gian tôi bắt đầu đọc nối liền với những câu chuyện mà sau đó tôi sẽ nói.
          Suốt một thời gian dài tôi không có những bài học chính thức. Thậm chí khi tôi học nghiêm chỉnh nhất cũng có vẻ như tôi đang chơi đùa chứ không phải làm việc. Cô Sullivan minh họa mọi thứ cô dạy cho tôi bằng một câu chuyện thú vị hay một bài thơ. Khi có bất cứ thứ gì khiến tôi thích thú và vui sướng cô sẽ thảo luận nó với tôi như thể chính cô là một cô gái nhỏ. Cái mà nhiều trẻ em nghĩ tới với sự khiếp hãi, như việc lần dò khó nhọc qua ngữ pháp, những bài toán cộng khó và những định nghĩa còn khó hơn, ngày nay là những ký ức quý báu đối với tôi.
          Tôi không thể lý giải được sự đồng cảm khác thường mà cô Sullivan dành cho những niềm vui thú và những khao khát của tôi. Có lẽ đó là kết quả của một quá trình gắn bó lâu dài với người mù. Ngoài ra cô còn có một khả năng mô tả tuyệt diệu. Cô nhanh chóng bỏ qua những chi tiết không thú vị, và không bao giờ làm khổ tôi bằng những câu hỏi để xem tôi có nhớ bài học hôm trước hay không. Cô giới thiệu những vấn đề chuyên môn khoa học dần dần từng chút một, làm cho mỗi chủ đề trở nên có thật đến độ tôi không thể không nhớ những gì cô đã dạy.
          Chúng tôi đọc và học ở ngoài trời, thích những cây cối ngập nắng hơn là trong nhà. Tất cả những bài học đầu đời của tôi đều chất chứa hơi thở của cây cối – mùi thơm dịu của những lá thông trộn lẫn với mùi nho dại. Ngồi dưới bóng mát của một cây uất kim hương dại, tôi học cách suy nghĩ rằng mọi thứ đều có một bài học và một gợi ý. “Sự đáng yêu của vạn vật dạy cho tôi tất cả các công dụng của chúng.” Thật sự, mọi thứ có thể kêu vo ve, vù vù, hay bung nở, đã góp phần cho việc học của tôi – những chú ếch ồn ào, những con châu chấu voi và dế được giữ trong tay tôi cho tới khi chúng quên đi sự bối rối của mình và cất lên giai điệu của chúng, những con gà con đầy lông tơ và những cây hoa dại, cây sơn thù du nở hoa, những cây hoa cúc tím trên đồng cỏ và những cây ăn quả đang phát triển. Tôi cảm thấy những quả cây bông đang nổ tung và sờ ngón tay vào những hạt có xơ mềm của chúng; tôi cảm thấy tiếng rì rào khe khẽ của ngọn gió lướt qua những thân ngô, tiếng sột soạt êm như lụa của những chiếc lá dài, và tiếng khịt mũi giận dữ của con ngựa pony của tôi khi chúng tôi bắt nó trong đồng cỏ và đưa mẩu thức ăn vào miệng nó – chao ôi! Tôi nhớ làm sao cái mùi cỏ ba lá hăng hăng trong hơi thở của nó!
          Thỉnh thoảng tôi thức dậy lúc bình minh và lẻn vào vườn trong lúc những giọt sương nặng còn nằm trên cỏ và những bông hoa. Ít có người biết niềm vui khi cảm nhận những bông hồng khẽ ép trong tay, hay chuyển động xinh đẹp của những bông loa kèn khi chúng đu đưa trong làn gió nhẹ. Đôi khi tôi bắt được một con côn trùng trong bông hoa mà tôi đang hái, và tôi cảm thấy tiếng động mơ hồ của một đôi cánh cọ vào nhau trong một cơ khiếp hãi đột ngột, khi con vật nhỏ xíu ý thức được một sức ép từ bên ngoài.
          Một nơi lui chốn ưa thích khác của tôi là vườn cây ăn quả, nơi quả cây chín vào đầu tháng Bảy. Những quả đào to phủ lông tơ sà xuống tay tôi, và khi những ngọn gió hân hoan thổi qua cây cối, những quả táo rụng xuống chân tôi. Hay niềm vui mà với nó tôi gom các thứ quả trong tấm tạp dề của tôi, áp mặt tôi vào lớp vỏ mịn của những quả táo vẫn còn ấm nắng, rồi tung tăng trở về nhà!
          Chuyển tản bộ ưa thích nhất của chúng tôi là tới Bến Keller’s, một bến đò làm bằng gỗ ghép cũ kỹ đổ nát trên sông Tennessee River, được những người lính dùng để đổ bộ hồi thời Nội chiến. Ở đó chúng tôi trải qua nhiều giờ hạnh phúc, chơi đùa với việc học địa lý. Tôi dựng những đập nước bằng sỏi, làm những hòn đảo và hồ nước, đào những lòng sông, tất cả chỉ để tìm vui, không hề nghĩ rằng tôi đang học một bài học. Tôi lắng nghe với sự ngạc nhiên ngày càng tăng những mô tả của cô Sullivan về cái thế giới hình tròn to lớn với những ngọn núi bùng cháy, những thành phố bị chôn vùi, những dòng sông băng di động, và nhiều thứ khác lạ lùng không kém. Cô làm những tấm bản đồ nổi bằng đất sét để tôi có thể cảm nhận những chóp núi và thung lũng, và lần dò những ngón tay theo dòng chảy ngoằn ngoèo của những dòng sông. Tôi cũng thích việc này; nhưng việc phân chia địa cầu thành những khu vực và hai cực khiến tâm trí tôi bối rối hoang mang, Những sợi dây minh họa và những nhánh cam thể hiện hai cực có vẻ thật đến độ thậm chí mãi tới ngày nay chỉ một lời nhắc đơn thuần tới khu vực ôn đới cũng gợi lên một chuỗi những vòng tròn bằng dây bện; và tôi tin rằng nếu có ai bắt đầu nhắc tới chuyện đó, anh ta có thể thuyết phục tôi rằng những con gấu trắng đang thật sự trèo lên cực Bắc.
Dường như số học là môn duy nhất mà tôi không thích. Ngay từ đầu tôi đã không quan tâm tới môn khoa học về những con số. Cô Sullivan cố dạy tôi đếm bằng những chuỗi hạt cườm xếp thành nhóm, và bằng cách sắp xếp những cái ống hút bằng giấy tôi học cách cộng và trừ. Khi đã hoàn thành việc này, lương tâm tôi yên ổn suốt cả ngày, và tôi nhanh chóng ra ngoài để tìm những bạn cùng chơi.
          Tôi đã học động vật và thực vật học cũng theo cách thức nhàn nhã này.
          Có lần một quý ông mà tôi đã quên tên gửi cho tôi một bộ sưu tập các vật hóa thạch – những cái vỏ động vật nhuyễn thể tí hon xinh đẹp, và những mảnh sa thạch trên in vết móng của các loài chim, và một tấm phù điêu chạm hình cây dương xỉ đáng yêu. Với tôi, những vật này là chìa khóa để mở những kho báu của thế giới thời tiền sử. Với những ngón tay run rẩy tôi lắng nghe những mô tả của cô Sullivan về những con dã thú kinh khủng, với những cái tên hoang dã, không thể phát âm, mà trước kia từng lặn lội ngang dọc những khu rừng tiền sử, giật đứt những nhánh của các loài cây khổng lồ để ăn, và chết trong những đầm lầy tối tăm của một thời đại chưa được biết tới. Suốt một thời gian dài những sinh vật lạ lùng này ám ảnh những giấc mơ của tôi, và thời kỳ ảm đạm này hình thành một cảnh nền buồn thảm cho Hiện tại tươi vui, tràn ngập ánh nắng và hoa hồng và vang vang tiếng gõ vó khẽ khàng của con ngựa pony nhỏ của tôi.
          Một lần khác, tôi được cho một cái vỏ sò xinh đẹp, và với sự ngạc nhiên và niềm vui thơ trẻ, tôi hiểu được một động vật nhuyễn thể nhỏ tí đã xây dựng cái vòng xoắn bóng láng cho nơi ngụ cư của nó như thế nào, và trong những đêm yên lặng, ở nơi không có những làn gió nhẹ khuấy động những làn sóng, con ốc anh vũ lướt đi ra sao trên mặt nước xanh thẳm của Ấn Độ Dương trong “con tàu bằng ngọc trai” của nó. Sau khi tôi đã học được rất nhiều điều thú vị về cuộc sống và những thói quen của những đứa con của biển cả - những sinh vật ruột khoang nhỏ xíu đã xây dựng những hòn đảo san hô xinh đẹp của Thái Bình Dương giữa sóng dồi gió dập như thế nào, và nhưng con trùng lỗ đã tạo những ngọn đồi phấn của nhiều vùng đất ra sao – cô giáo của tôi đọc cho tôi nghe bài thơ “Ốc anh vũ” và chỉ cho tôi biết quá trình tạo vỏ của những con động vật nhuyễn thể là biểu tượng của sự phát triển tâm trí. Cũng giống như lớp vỏ được tạo nên một cách diệu kỳ của con ốc anh vũ thay đổi chất liệu nó hấp thu từ nước và biến nó thành một phần của loài sinh vật này, những mẩu kiến thức nhỏ mà một người thu thập sẽ thực hiện một thay đổi tương tự và trở thành những hạt ngọc trai của tư tưởng.
          Một lần nữa, chính sự tăng trưởng của một loài thực vật cung cấp văn bản cho một bài học. Chúng tôi mua một cây hoa huệ và đặt nó lên một bệ cửa sổ tràn ánh nắng. Chẳng bao lâu sau, những nụ non xanh mượt đã cho thấy dấu hiệu của sự hé mở. Những chiếc lá mỏng manh như những ngón tay ở phía ngoài chậm rãi, miễn cưỡng mở ra, tôi nghĩ, để hé lộ vẻ đáng yêu mà chúng che giấu; tuy nhiên, khi đã thực hiện được bước khởi đầu, quá trình hé mở tiếp tục rất nhanh, nhưng có trật tự và hệ thống. Luôn luôn có một nụ hoa to hơn và đẹp hơn số còn lại; cái nụ này đẩy lớp vỏ che bên ngoài của nó với vẻ phô trương tráng lệ hơn hẳn, như thể vẻ đẹp trong những lớp áo mềm như lụa biết rằng nàng là nữ hoàng hoa huệ bằng trực giác đúng đắn, trong lúc những chị em rụt rè hơn của nàng cởi bỏ lớp áo choàng xanh của họ một cách thẹn thùng, cho tới khi cả cây hoa trở thành một nhánh đong đưa tràn hương thơm và vẻ đẹp.
          Lần nọ tôi có mười một con nòng nọc đựng trong một bể nước hình tròn đặt trong một cửa sổ đầy cây cỏ. Tôi nhớ sự nôn nao khi tiến hành những khám phá về chúng. Thật là vui thú khi nhúng bàn tay vào cái bể con và cảm thấy những con nòng nọc đang nô đùa xung quanh, và để cho chúng lượn qua lại giữa những ngón tay. Một hôm nọ, một chàng nòng nọc nhiều tham vọng hơn phóng vọt ra ngoài rìa bể nước và rơi xuống sàn nhà, nơi mà tôi tìm thấy nó, với dáng vẻ hầu như sắp chết. Dấu hiệu duy nhất của sự sống là cái đuôi của nó khẽ vung vẩy. Nhưng chẳng bao lâu sau khi quay lại môi trường của nó, nó lặn vù xuống đáy, bơi lòng vòng hăng hái và vui vẻ. Nó đã thực hiện cú nhảy, nó đã nhìn thấy thế giới rộng lớn, và hài lòng sống trong căn nhà thủy tinh xinh đẹp của mình dưới bóng một cây hoa vân anh lớn cho tới khi nó đạt được phẩm cách của một chàng ếch nhỏ. Sau đó nó chuyển tới sống ở cái ao đầy cây lá ở đầu kia khu vườn, nơi nó khiến cho những đêm mùa hạ rộn ràng tiếng nhạc với bản tình ca ngộ nghĩnh của nó.
          Tôi học từ chính bản thân cuộc sống như vậy đó. Hồi đầu tôi chỉ là một khối nhỏ những khả năng. Chính cô giáo của tôi là người đã mở ra và phát triển chúng. Khi cô tới, mọi thứ quanh tôi tràn hơi thở của tình yêu, niềm vui và đầy ý nghĩa. Từ đó trở đi, cô chưa bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để chỉ ra vẻ đẹp nằm trong mọi sự vật, cũng chưa bao giờ ngưng cố gắng trong tư tưởng, hành động và là tấm gương mẫu mực để làm cho cuộc đời tôi trở nên ngọt ngào và hữu ích.
          Chính thiên tài của cô tôi, sự cảm thông nhanh chóng, sự tế nhị  tràn đầy tình thương của cô đã khiến cho những năm học đầu tiên của tôi trở nên đẹp đẽ. Đó là vì cô đã nắm bắt được khoảnh khắc đúng để truyền đạt kiến thức, khiến nó trở nên rất thú vị và dễ chấp nhận đối với tôi.  Cô nhận ra rằng tâm trí của một đứa bé giống như một con suối cạn sẽ gợn sóng lăn tăn và nhảy múa vui vẻ trên nền đá của việc học hành của nó và lung linh phản chiếu nơi này một bông hoa, nơi kia một bụi cỏ, xa hơn một vầng mây nhẹ xốp; và cô cố gắng dẫn dắt tâm trí tôi trên con đường của nó, biết rằng giống như một dòng suối nhỏ sẽ được nuôi dưỡng bởi những khe suối trên núi và những mạch nước ngầm, cho tới khi nó mở rộng ra thành một dòng sông sâu, có khả năng phản chiếu trên bề mặt tỉnh lặng của nó những ngọn đồi cát gợn, những cái bóng tỏa sáng của cây cối và bầu trời xanh thẳm, cũng như gương mặt ngọt ngào của một bông hoa bé nhỏ.
          Bất kỳ người thầy nào cũng có thể đưa một đứa bé tới trường, nhưng không phải người thầy nào cũng có thể làm cho nó hiểu biết. Nó sẽ không vui vẻ làm việc cho tới khi nó cảm thấy tự do chính là nó, dù là nó bận rộn hay nghỉ ngơi; nó phải cảm thấy niềm phấn khích của thắng lợi và cảm giác trái tim chìm xuống đầy thất vọng trước khi nó sẵn sàng đón nhận những công việc không vừa ý nó và quyết tâm nhảy múa tung tăng một cách quả cảm qua công việc đọc những cuốn sách giáo khoa hàng ngày buồn tẻ.
          Cô giáo gần gũi với tôi đến nỗi tôi sợ nghĩ tới việc phải cách xa cô. Tôi không bao giờ có thể nói được niềm vui thú của tôi đối với tất cả những gì xinh đẹp có bao nhiêu phần mang tính bẩm sinh, và bao nhiêu phần là do ảnh hưởng của cô. Tôi cảm thấy con người của cô không thể tách rời khỏi con người của tôi, và những bước chân của cuộc đời tôi nằm trong những bước chân của cô. Tất cả những gì tốt đẹp trong tôi đều thuộc về cô – không một tài năng, hay một khát vọng hay một niềm vui nào trong tôi mà không được đánh thức bởi cái chạm đầy tình thương mến của cô.

CHAPTER VIII


Giáng sinh đầu tiên sau khi cô Sullivan tới Tuscumbia là một sự kiện lớn. Mọi người trong nhà chuẩn bị cho tôi những sự ngạc nhiên, nhưng điều làm tôi hài lòng nhất là cô Sullivan và tôi cũng chuẩn bị cho mọi người khác những sự ngạc nhiên. Bí mật vây quanh những món quà là niềm vui sướng và thích thú nhất của tôi. Các bạn của tôi làm tất cả những gì có thể để kích thích óc tò mò của tôi với những gợi ý và những câu chỉ viết nửa phần mà họ vờ như chỉ tiết lộ vào đúng lúc. Cô Sullivan và tôi tiếp tục trò chơi suy đoán và trò này dạy cho tôi cách sử dụng ngôn ngữ còn nhiều hơn bất kỳ bài học nào trước đó. Mỗi tối, ngồi quanh một đống lửa bập bùng, chúng tôi chơi trò suy đoán, vốn ngày càng phấn khích hơn khi Giáng sinh sắp tới gần.
          Đêm Noel, học sinh ở Tuscumbia chuẩn bị một cây thông và mời tôi tới dự. Ở giữa lớp học là một cây thông đẹp đẽ chói sáng và lung linh dưới ánh sáng dịu, những cành thông treo đầy các thứ quả lạ lùng, tuyệt diệu. Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc cực kỳ. Tôi khiêu vũ và nhảy lò cò quanh cây thông trong trạng thái xuất thần. Khi biết rằng mỗi đứa trẻ sẽ nhận một món quà, tôi rất vui sướng, và những người tốt bụng đã chuẩn bị cây thông cho phép tôi trao quà cho lũ trẻ. Trong niềm vui khi thực hiện việc này, tôi không dừng lại để nhìn vào những món quà của chính mình; nhưng khi tôi đã sẵn sàng cho chúng, sự nôn nóng của tôi đối với lễ Giáng sinh thật sự bắt đầu hầu như vượt khỏi vòng kiểm soát. Tôi biết những món quà mà tôi đã có không phải là những món mà bạn bè đã đưa ra những lời gợi ý rất trêu ngươi, và cô giáo tôi bảo rằng những món quà tôi sắp có thậm chí còn đẹp hơn những món này. Tuy nhiên, cô thuyết phục tôi tự hài lòng với những món quà lấy từ cây thông và chừa lại số quà kia cho tới sáng.
          Đêm đó, sau khi treo đôi vớ, tôi nằm thao thức hồi lâu, giả vờ đã ngủ và luôn cảnh giác để xem Santa Claus sẽ làm gì khi ông tới. Cuối cùng tôi ngủ thiếp đi với một con búp bê mới và một con gấu bông trắng trong vòng tay. Sáng hôm sau, tôi là người đánh thức cả nhà với lời chúc “Giáng sinh vui vẻ!” đầu tiên. Tôi tìm thấy những sự ngạc nhiên, không chỉ trong đôi vớ, mà cả trên bàn, trên tất cả những cái ghế, ở chỗ cánh cửa, trên bệ cửa sổ; thật sự, tôi hầu như không thể bước đi mà không trượt chân trên một món quà Giáng sinh gói bằng giấy lụa. Nhưng khi cô giáo tặng tôi một con chim hoàng yến, chiếc cốc hạnh phúc của tôi quả thật đã chảy tràn trề.
          Tim bé nhỏ thuần tính đến độ nó thường nhảy nhót trên ngón tay tôi và ăn những qảu anh đào tẩm mật từ bàn tay tôi. Cô Sullivan dạy tôi cách chăm sóc con vật cưng mới. Mỗi sáng, sau giờ điểm tâm, tôi chuẩn bị cho nó tắm, dọn dẹp sửa sang cái lồng, đổ đầy các cốc đựng ngủ cốc và nước ngọt lấy từ ngôi nhà che giếng, và treo một nhánh kê thảo lên cái cầu đu của nó.
          Một sớm nọ, tôi để cái lồng trên bệ cửa sổ trong lúc đi lấy nước cho nó tắm. Khi quay lại, tôi cảm thấy một con mèo chạy vụt qua tôi khi tôi mở cửa. Thoạt tiên tôi không nhận ra chuyện gì đã xảy ra; nhưng khi tôi đưa tay vào lồng và đôi cánh xinh đẹp của Tim không chạm vào tay tôi và những cái vuốt nhỏ của nó không bám lấy ngón tay tôi, tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy chàng ca sĩ tí hon xinh xắn của mình nữa.

CHƯƠNG IX


          Sự kiện trọng đại kế tiếp trong đời tôi là chuyến viếng thăm Boston vào tháng Năm, 1888. Như thể chỉ mới hôm qua, tôi nhớ những công việc chuẩn bị, chuyến khởi hành với cô giáo và mẹ tôi, cuộc hành trình, và cuối cùng là việc tới đích ở Boston. Cuộc hành trình này thật khác biệt so với chuyến đi Baltimore của tôi hai năm trước! Tôi không còn là một con bé bồn chồn, dễ bị kích động, đòi hỏi sự chú ý của mọi người trên tàu để tìm thú tiêu khiển. Tôi ngồi lặng lẽ bên cạnh cô Sullivan, chú ý với vẻ nôn nao những điều cô kể về các thứ cô nhìn thấy ở bên ngoài cửa sổ: dòng sông Tennessee xinh đẹp, những cánh đồng trồng bông vải rộng lớn, những ngọn đồi và những khu rừng, và những đám đông người da đen đang cười nói ở các nhà ga, vẫy tay chào những người trên tàu và đưa những viên kẹo và những cục bỏng ngô qua cửa sổ. Trên ghế đối diện với tôi là con búp bê lớn bằng giẻ của tôi, Nancy, mặc một chiếc váy bông kẻ mới và đội một cái mũ xếp nếp, đang nhìn tôi từ đôi mắt hạt cườm. Thỉnh thoảng, khi không quá tập trung vào những mô tả của cô Sullivan, tôi nhớ tới sự hiện hữu của Nance và bế nó lên, nhưng nói chung tôi tự xoa dịu lương tâm bằng cách tin rằng nó đang nằm ngủ.
          Vì tôi sẽ không có dịp nói tới Nancy lần nữa, tôi muốn kể lại đây một trải nghiệm buồn của nó sau khi chúng tôi tới Boston không lâu. Nó phủ đầy đất bẩn – những thứ còn lại của những cái bánh bằng bùn mà tôi buộc nó phải ăn, dù nó không bao giờ cho thấy một sự thích thú đặc biệt nào đối với chúng. Chị thợ giặt ở Học viện Perkins bí mật mang nó ra ngoài để tắm cho nó. Điều đó là quá nhiều đối với Nancy tội nghiệp. Tiếp theo đó, khi tôi nhìn thấy nó, nó chỉ còn là một đống vải không hình thù, mà hẳn tôi sẽ không bao giờ nhận ra nếu không có đôi mắt hạt cườm nhìn tôi đầy oán trách.
          Rốt cuộc, khi con tàu lăn bánh vào nhà ga Boston, như thể một câu chuyện cổ tích đã biến thành hiện thực. “Ngày xửa ngày xưa” chính là hiện tại; “đất nước xa xôi” chính là đây.
          Chúng tôi tới Học viện Perkins dành cho người mù vừa đúng lúc tôi bắt đầu kết bạn với những đứa bé mù. Tôi vui sướng không thể tả khi thấy rằng chúng biết đọc bảng mẫu tự bằng tay. Thật là hân hoan khi được trò chuyện với những đứa trẻ khác bằng ngôn ngữ của chính chúng tôi! Cho tới lúc đó, tôi là một người ngoại quốc nói chuyện thông qua một người thông dịch. Trong ngôi trường nơi đã dạy dỗ Laura Bridgman, tôi là đang người ở trên đất nước của mình. Tôi mất một thời gian để thấu hiểu thực tế rằng những người bạn mới của tôi đều khiếm thị. Tôi biết tôi không thể nhìn thấy; nhưng dường như không có khả năng rằng tất cả những đứa trẻ nôn nao, đầy tình thương mến đang quây quần quanh tôi và nồng nhiệt tham gia những trò vui nhộn của tôi cũng là những người mù. Tôi nhớ sự ngạc nhiên và đau đớn tôi cảm thấy khi nhận ra rằng chúng đặt tay của chúng lên tay tôi khi tôi trò chuyện với chúng và rằng chúng đọc sách với những ngón tay. Dù tôi đã nghe nói về việc này trước đó, và dù tôi hiểu những khiếm khuyết của chính mình, nhưng tôi đã mơ hồ tưởng rằng vì chúng có thể nghe, chúng phải có một loại “thị lực thứ hai”, và tôi đã không chuẩn bị để phát hiện ra đứa trẻ này hay đứa trẻ khác cũng thiếu hụt món quà quý giá đó như tôi. Nhưng chúng tỏ ra hạnh phúc và hài lòng đến nỗi tôi đánh mất mọi cảm giác đau đớn trong niềm vui bè bạn.
          Một ngày trải qua với đám trẻ mù khiến tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong môi trường mới, và tôi nôn nóng nhìn từ trải nghiệm thứ vị này sang trải nghiệm thú vị khác trong lúc những ngày trôi qua vùn vụt. Tôi không thể hoàn toàn tự thuyết phục mình rằng còn nhiều phần thế giới khác nữa, vì tôi xem Boston là nơi bắt đầu và nơi kết thúc của sự sáng tạo.
          Trong lúc ở Boston, chúng tôi đến tham quan đồi Bunker, và ở đó tôi đã học bài học lịch sử đầu tiên. Câu chuyện về những con người quả cảm đã chiến đấu trên mảnh đất nơi chúng tôi đứng khiến tôi vô cùng phấn khích. Tôi trèo lên đài tưởng niệm, đếm những bậc thềm, và tự hỏi khi tôi đi lên càng lúc càng cao rằng không biết những người lính có trèo lên những bậc thang vĩ đại này để bắn vào quân thù trên mặt đất bên dưới hay chăng.
          Hôm sau chúng tôi tới Plymouth bằng đường thủy. Đây là chuyến du hành trên đại dương và trên một chiếc tàu hơi nước đầu tiên của tôi. Nó thật đầy tràn sức sống và chuyển động! Nhưng tiếng ầm ầm của động cơ khiến tôi nghĩ trời đang có sấm sét, và tôi bắt đầu khóc, vì tôi sợ rằng nếu trời mưa chúng tôi sẽ không thể ngồi ăn ngoài trời. Tôi nghĩ tôi chú ý tới tảng đá lớn nơi Những người hành hương[1] đã lên bờ hơn bất kỳ thứ gì khác ở Plymouth. Tôi có thể sờ vào nó, và có lẽ điều đó khiến việc Những người hành hương tới đây và những lao tâm khổ tứ và những việc làm vĩ đại của họ có vẻ có thật hơn đối với tôi. Tôi thường nắm trong tay một mô hình nhỏ của Tảng đá Plymouth mà một quý ông tốt bụng đã cho tôi ở viện bảo tàng Pilgrim Hall, và tôi đã đưa ngón tay dò theo những đường cong, vết nứt ở giữa và các con số “1620” chạm nổi của nó, và ôn đi ôn lại trong đầu tất cả những gì tôi biết về câu chuyện kỳ diệu của Những người hành hương.
          Trí tưởng tượng trẻ con của tôi bừng lên chói lọi với sự nghiệp tuyệt vời của họ! Tôi lý tưởng hóa họ như là những con người quả cảm nhất và hào phóng nhất từng tìm kiếm một quê hương trên một miền đất lạ. Tôi nghĩ họ khát khao sự tự do cho đồng bào họ cũng như cho chính họ. Nhiều năm sau, tôi khá ngạc nhiên và thất vọng khi biết những hành động ngược đãi của họ, những hành động khiến chúng ta nhoi nhói niềm hổ thẹn, thậm chí ngay trong lúc chúng ta tôn vinh sự can đảm và nguồn sức mạng đã đem đến cho chúng ta “Đất nước đẹp tươi” này.
Trong số nhiều người mà tôi đã kết bạn ở Boston có ông  William Endicott và cô con gái của ông. Sự tốt bụng của họ đối với tôi là hạt mầm mà từ đó nhiều hồi ức thú vị đã đâm chồi. Một hôm chúng tôi tới thăm ngôi nhà xinh đẹp của họ ở Trang trại Beverly.  Tôi nhớ với niềm vui sướng tôi đã đi qua vườn hồng của họ ra sao, lũ chó của họ, con Leo to lớn và con Fritz bé nhỏ lông xoăn với đôi tai dài, đã ra chào đón chúng tôi thế nào, và Nimrod, con ngựa nhanh nhất trong đàn, đã thúc mũi vào đôi bàn tay của tôi để được vỗ nhẹ một cái và được cho một cục đường ra sao. Tôi cũng nhớ bãi biển, nơi lần đầu tiên tôi chơi đùa trên cát. Đó là thứ cát cứng mịn, rất khác với thứ cát rời rạc, sắc bén, lẫn lộn với tảo bẹ và vỏ sò ở Brewster. Ông Endicott kể cho tôi nghe về những con tàu lớn xuất phát từ Boston để tới châu Âu. Sau đó tôi còn gặp ông nhiều lần, và ông luôn là một người bạn tốt của tôi; thật sự, tôi đã nghĩ tới ông khi tôi gọi Boston là “Thành phố của Những quả tim nhân hậu.”



[1] The Pilgrims: Những tín đồ Thanh giáo Anh đã di cư sang Mỹ năm 1620 và thành lập khu kiều dân Plymouth.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét