Đi tới chặng đường này của đời tôi, tôi vẫn không hiểu mục đích của sự tồn tại của mình. Có một ông triết gia bự bảo: Tôi tư duy là tôi tồn tại; một ông triết gia khác cũng bự không kém lại bảo: Tôi tồn tại khi những người thân yêu của tôi tồn tại... vân vân và vân vân... Rốt cuộc. ý nghĩa của sự tồn tại hiện hữu này là gì vậy? Tôi chui tọt vào chốn trần gian này là để làm gì vậy, có ích lợi gì cho ai không vậy?...
Những thời giờ tôi tìm kiếm trong Phật giáo, trong Hồi giáo, trong Kitô giáo, trong Khổng giáo... những con đường lớn dẫn con người, một cá thể ngu muội thấp hèn về chốn tràn ánh sáng... có lẽ cũng đã soi rọi, có lẽ cũng đã thắp trong tim tôi một ánh sáng tiềm tàng chứa chan hy vọng. Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn không dứt khoát chọn được con đường nào hết. Cuối cùng tôi nhận ra một lẽ vi diệu vô cùng: Con người, vẫn và sẽ mãi mãi có một phần là con (thú tính) và nửa phần còn lại là người hàm chứa linh tính/thần tính/thiên tính; có tư duy, biện biệt; và cũng từ tư duy biện biệt đó mà ngày càng đi vào mê lộ, thay vì quay trở lại cội nguồn giản dị; nơi có Adam và Eva ngu ngơ thánh thiện, thay vì trở về với một đại ngã mênh mang chứa đựng mọi sinh linh dù toàn trí toàn giác hay u mê ám chướng của cõi sinh linh ở chốn trần gian bé nhỏ này. Phật giáo hàm chứa chân lý bao la vô hạn của vũ trụ. Không cần biết tới những triết luận, dù đều là của những bậc thánh nhân Hy-La cổ đại. Chỉ cần biết một nguồn suối trong mát là đã đủ: triết lý tinh thuần xuất phát từ châu Á. Triết lý tinh thuần không cần biện giải. Càng biện giải, con người càng xa rời chân lý!
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", một câu giáo huấn của Nho giáo mà tôi cảm thấy nếu mình cứ thực hành theo nó thôi, đời mình cũng giảm đi biết bao khổ lụy. Một câu khác, của Kitô giáo, lời dạy của Chúa Jesus, "khi có kẻ tát má phải của con, hãy cho người đó tát luôn má trái." (tôi chỉ nhớ ý, không nhớ nguyên văn). Tất cả những thánh hiền xưa đều dạy dỗ chúng ta, dẫn dắt chúng ta tới một con đường giác ngộ....
Tất cả những câu viết trên đều là cảm nhận; hay gọi bằng cái tên khác là tri thức/ tri kiến. Tôi chưa tiêu hóa được tri kiến này, khi chưa thanh tịnh được tinh thần, khi vẫn bị bao ô trọc cuộc đời ngăn lối. Rốt cục, tôi vẫn chỉ là một con mọt sách nói càn nói dở. Biển học quá mênh mông. Và kẻ giác ngộ thời nay dường như tuyệt diệt rồi!
19/7/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét