Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Để biết Trung Quốc đã đột phá ra sao. Xem Silicon Dragon và hạ hồi phân giải


Hôm nay tôi mạo muội đưa lên trang blog của mình một phần của cuốn sách mà tôi từng dịch. Nói về những doanh nhân công nghệ của Trung Quốc. Tôi ghét bọn lãnh đạo TQ. Tôi ghét ý đồ bá chủ truyền đời của những thằng chó chết TQ cứ muốn cưỡi đầu cưỡi cồ thiên hạ bằng sức mạnh. Đó là quái thai dị dạng của TQ văn minh thái cổ. Đó là hạng cầm thú muốn thỏa mãn tham vọng bằng "bá đạo". Hỡi ôi, thời của những đức minh chủ muốn duy trì công lý và thái bình khắp cõi thiên hạ bằng "vương đạo" nay đã tuyệt diệt mất rồi. Nhưng ghét thì ghét, bạn phải tự hỏi vì sao TQ lại trở nên hùng mạnh về kinh tế như vậy, sau một thời CM Văn hóa đầy máu và nước mắt. Cuốn sách này không phải là một thuyết giảng khô khan về kinh tế học. Nó là những câu chuyện rất đời về những con người mưu cầu hạnh phúc và thành công. Những câu chuyện rất thực, thú vị và xúc động lòng người.

Nói thêm, nếu người của Youbook tìm thấy trang này, thì cũng nên hiểu tôi không vi phạm giao ước hợp đồng. Tôi chỉ công bố một chương, để quảng cáo không công cho bạn. Đúng hơn, tôi làm điều này cũng là vì bạn, và vì những người đọc của tôi. Cuốn sách này cần có nhiều người đọc hơn nữa. Cần có nhiều người hơn nữa có hiểu biết thật sự về TQ  và những người làm cho nó trở nên lớn mạnh. Phải hiểu kẻ thù để thắng kẻ thù!





Phần một

NHỮNG KẺ SAO CHÉP


CHƯƠNG MỘT

Với một thành tích bảo lưu khoa học kỹ thuật đáng chú ý và sự trơ tráo hoàn toàn, doanh nhân sinh ra tại Trung Quốc và đã phương Tây hóa Robin Li đem những gì anh học hỏi được ở Thung Lũng Silicon để đánh bại Google ở Trung Quốc bằng cách phát minh ra một cỗ máy siêu tìm kiếm dùng tiếng Phổ thông. Chưa đầy một thập niên sau, anh trở thành một đa triệu phú và siêu sao công nghệ tại quê hương của mình.

Baidu – Công ty internet liều mạng nhất 
của Trung Quốc

Trong thủ phủ Bắc Kinh đông đúc, mất một giờ để đi từ Tử Cấm Thành, hoàng cung lâu đời nhiều thế kỷ của Trung Quốc, tới một khu vực công nghệ cao mới cách đó khoảng 10 dặm về phía đông bắc. Trên đại lộ Trường An cắt từ đông sang tây qua trung tâm Bắc Kinh, chiếc taxi chở tôi chạy qua nhiều con đường vòng hoặc đường cao tốc vòng quanh khu thủ phủ; những khách bộ hành luồn lách lại qua và những chiếc xe buýt đông người xả khói mịt mù khi chúng tôi chạy với tốc độ rùa bò điển hình của một xa lộ Los Angeles trong giờ cao điểm. Tiếng còi xe inh ỏi, và tôi thấy mình đang hoài niệm về những chiếc xe đạp chỉ mới 5 năm trước còn đông nghẹt trên con đường rộng lớn này. Trong lúc quan sát cảnh tượng náo nhiệt từ ghế sau của chiếc taxi đỏ phủ đầy bụi, tôi quay kính cửa sổ lên và vặn máy điều hòa lên mức tối đa để dập tắt tiếng ồn và bầu không khí vàng ô nhiễm.
Cuối cùng, chúng tôi cũng tới đích: quận công nghệ cao Zhongguancun dành cho các công ty internet và phần mềm mới mở. Nằm viền quanh con đường phía bắc của Đường vòng thứ tư là những trụ sở cao tầng nối tiếp nhau, giống như Yahoo!, Cisco và Intel Border Highway 101 trong Thung lũng Silicon, từ sân bay San Francisco tới San Jose. Người tài xế taxi chạy vào cổng của một tòa tháp có cái tên rất đặc trưng – Quảng trường Quốc tế Lý tưởng – biểu tượng cho tinh thần lạc quan của kỷ nguyên kinh doanh mới của Trung Quốc. Một dấu hiệu khác của tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước này là một phòng trưng bày xe hơi ở tầng trệt. Ở đây đất nước Trung Quốc mới trưng bày những chiếc BMW đời mới nhất; những chiếc xe có thể khiến những người sống trong khu Beverly Hills ngoảnh đầu nhìn. 
Trên lầu, ở tầng thứ mười hai, là trụ sở của một hình tượng của nền kinh tế công nghệ đang nổi lên của Trung Quốc: cỗ máy tìm kiếm dẫn đầu của đất nước này – không phải là Google mà là Baidu (đọc là Buy – Do). Tôi tới đây để phỏng vấn Robin Li, người sáng lập kiêm CEO của công ty, một trong những doanh nhân internet thành công và nổi tiếng nhất Trung Quốc. Li không có được sự công nhận tên tuổi ngay lập tức của Larry Page hay Sergey Brin, những chuyên gia điện toán đã phát minh ra Google trong lúc đang học tập ở Stanford. Nhưng ở Trung Quốc, Li là một siêu sao công nghệ, là thần tượng của cả đoàn quân những kẻ muốn trở thành doanh nhân.
Li là người điều khiển đứng sau cỗ máy tìm kiếm lớn nhất và có thể xem là tốt nhất của Trung Quốc, công ty khởi nghiệp đầu tiên của anh. Anh là một nhà tiên phong trong số những sáng lập viên công nghệ trẻ tuổi của Trung Quốc, những con rùa biển đã sao chép các trang mạng của Mỹ, điều chỉnh lại chúng bằng cách mang tới cho chúng các đặc tính địa phương, và tạo dựng nên một cơ đồ.
Địa vị ngôi sao của Li có được là nhờ vào sự hòa tan giữa các nền văn hóa của Thung Lũng Silicon và Trung quốc. Anh tạo dựng Baidu tại Bắc Kinh vào năm 1999, tìm tài trợ từ những nhà đầu tư mạo hiểm trong Thung lũng, và vay mượn một ý tưởng đã khiến cho Khu vực Vịnh trở thành một địa điểm kinh doanh nóng bỏng: quyền ưu tiên cổ phiếu cho những thành viên mới, đa số là những kỹ sư Trung Quốc còn xa lạ với chủ nghĩa tư bản và công việc kinh doanh.
Li bắt chước ba công ty công nghệ Mỹ nhiều tham vọng trước khi tập trung vào chiến lược cuối cùng và mang tới thắng lợi của mình. Giống như Google ở Mỹ, Baidu trở thành nơi đến để nhận các khoản tiền boa trong các nhà hàng và trả lời các câu hỏi về mọi thứ, từ sức khỏe cho tới thể chất ở Trung Quốc.
Lúc đó Li từ bỏ tìm kiếm trên Google, ngay cả mạng Google đã cải tiến ở Trung Quốc. Cỗ máy tìm kiếm nhỏ bé của anh không có những nguồn lực của cỗ máy Google nhưng có thể đi ngược dốc. Baidu có một cỗ máy tìm kiếm nhanh hơn và đáng tin cậy hơn, đưa đến những kết quả tìm kiếm chính xác hơn bằng tiếng Phổ thông của Trung Quốc. Nó cũng cung cấp nhiều đặc tính địa phương hơn, ví dụ tin nhắn tức thì, một cú hích đối với người sử dụng internet Trung Quốc. Lợi thế sân nhà và chiến lược sáng suốt biến Baidu thành cỗ máy hái ra tiền vào năm 2004.
Năm kế tiếp, với tốc độ kỷ lục ngay cả đối với nền kinh tế internet đang tiến rất nhanh của Trung Quốc, các ngân hàng đầu tư từ Goldman Sachs ở châu Á đến Credit Suisse First Boston bắt đầu vận động hành lang để Baidu phát hành cổ phiếu ra công chúng trên thị trường chứng khoán Nasdaq. Có nhiều công ty Trung Quốc khác đã niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq vào lúc đó, bao gồm công ty quảng cáo kỹ thuật số Focus Media và các trang game online Sahnda Interactive và Tom Online.
Ngày 5/8/2005, Li rung tiếng chuông mở đầu để đánh dấu đợt IPO của công ty đã khởi nghiệp 5 năm của mình. Là một doanh nhân mới vào nghề sinh trưởng trong một thành phố nghèo Đại lục, có thể hiểu được anh đã xúc động và choáng váng thế nào. Anh nhìn chòng chọc, không thể tin rằng giá cổ phiếu của Baidu nhảy vọt ngay từ 27 lên 122 đô: thành tích cao nhất trên Nasdaq kể từ khi cổ phiếu mạng lên tới đỉnh vào năm 2000.
Baidu kết thúc năm đó với số vốn thị trường 288 triệu đô, chỉ đứng sau 5/26 công ty Trung Quốc đang mua bán cổ phiếu trên thị trường khi đó. Khác với những công ty nhiều tham vọng khác sau đó đã phá sản, giá cổ phiếu của Baidu cứ tăng dần, thậm chí vượt qua mức 400 đô vào tháng 10/2007. Bước khởi đầu đầy hứng khởi và cổ phần lớn của Li tại Baidu biến anh thành một đa triệu phú trong chớp mắt, dù không bằng Page và Brin. Li đứng hàng thứ sáu trong số những người giàu nhất tại Trung Quốc, với một giá trị tài sản mạng 645 triệu đô, theo xếp hạng của Forbes 400 Chinese năm 2006.
Ngày nay, không chỉ nhiều phụ nữ hướng những tia mắt ngưỡng mộ tới anh chàng 39 tuổi trẻ trung mà cả các thanh thiếu niên đang lớn cũng muốn nối theo bước chân anh. Anh đã chứng minh rằng kinh doanh công nghệ – một lĩnh vực đang bùng nổ ở Trung Quốc – là một con đường dẫn tới sự giàu có. “Robin là một người Trung Quốc nhìn xa trông rộng, tự tin và sâu sắc, dẫn dắt đội ngũ của mình với sự uyển chuyển linh hoạt,” lời của Tim Draper, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của hãng đầu tư mạo hiểm Draper Fisher Jurvetson tại Thung Lũng Silicon. “Tôi sẽ không ngạc nhiên gì nếu Robin xây dựng Baidu thành công ty có giá trị nhất trên thế giới.” Draper không hề ngại ngần khi sử dụng phép ngoa dụ, nhất là khi nó có liên quan tới Baidu, một công ty mà hãng của anh tài trợ.
Nhưng việc Baidu có thể duy trì địa vị dẫn đầu thị trường với một Google vừa mới được củng cố ở Trung Quốc hay không vẫn còn là điều còn phải tranh luận. Công ty đã hưởng lợi nhờ lợi thế của một người trong cuộc và một bước khởi đầu tiên phong trong thị trường. Nó cũng bị phê phán vì những thực hành nhiều nghi vấn, trong số đó là việc thiết lập các đường link tới các file nhạc xâm phạm tác quyền và xem nhẹ những kết quả tìm kiếm đối với những công ty ngưng quảng cáo trên trang của nó. Ngoài ra, một số kiểm nghiệm gần đây so sánh Baidu với một cỗ máy tìm kiếm Google địa phương đã trao cho Google cái gật đầu vì những kết quả tốt hơn, theo lời của nhà tư vấn công nghệ Bắc Kinh Mark Natkin ở tập đoàn tư vấn Marbridge. “Google là một công ty thật sự thông minh, và họ có thứ công nghệ đi đầu xu hướng,” anh nói.
Tôi nôn nóng muốn gặp Li và tìm hiểu xem anh có cái gì mà một Google tốt nhất và sáng chói nhất vẫn chưa thể đánh bại được. Ở trụ sở của Baidu tại Bắc Kinh, chiếc thang máy nhanh chóng chạy lên. Cửa mở ra một không gian đầy những dãy phòng ngăn nhỏ. Baidu đã tiếp thu được một bài học từ khu làm việc dễ coi của Google ở Moutain View. Tôi được đưa vào một phòng họp có tầm nhìn về phía Đại học Bắc Kinh, nơi Li đã tốt nghiệp năm 1991 với một bằng cấp về quản trị thông tin. Li sải chân bước vào, gọn gàng và thấp hơn tôi đã hình dung. Anh băng qua phòng, bắt tay tôi và tự giới thiệu ngắn gọn: “Xin chào, tôi là Robin Li.” Anh nói một cách khiêm tốn, không có dấu hiệu nào của sự kiêu ngạo thường nhìn thấy ở các anh chàng Larry Ellison của nước Mỹ.
Tôi ngạc nhiên khi thấy anh xứng đáng như thế nào. Là một nhà kinh doanh phản diện, từng theo học trong nền văn hóa “chả có gì sáng chói” của Trung Quốc, Li nhận biết rằng thành công của anh đã vượt xa khỏi những tưởng tượng điên rồ nhất của anh. “Mơ ước của tôi là tạo nên một công nghệ hay sản phẩm mà càng có nhiều người sử dụng càng tốt. Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ điều hành một công ty ở tầm cỡ này,” anh nói, có vẻ bị áp đảo bởi hơn 750 nhân viên thuộc quyền hiện nay.
Li tin tưởng rằng Baidu đang hướng tới việc qua mặt đối thủ Mỹ của nó và trở thành công ty cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới trong vòng 10 năm. “Thị trường cỗ máy tìm kiếm ở Trung Quốc vẫn còn bé so với thế giới đã phát triển. Thu nhập của chúng tôi chỉ là một phần rất nhỏ của Google,” anh giải thích. “Tôi không thể tiên đoán thị trường Trung Quốc sẽ lớn tới mức nào, nhưng tôi không có chút nghi ngờ nào rằng chúng tôi sẽ trở nên lớn hơn Google,” anh nhấn mạnh.
Tại Trung Quốc, Baidu là trang web dẫn đầu, vượt xa hơn Google chỉ đứng hàng thứ 7. Tính trên toàn cầu, Baidu chỉ có kích thước của một chú lùn so với chàng khổng lồ Google. Cỗ máy tìm kiếm của Li được xếp hạng 7 trên toàn thế giới, đứng ngay sau các trang hùng mạnh Yahoo!, MSN và YouTube.1 Cựu chuyên viên phân tích của Piper Jaffray, Safa Rashtchy cho rằng thu nhập của Baidu sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm 2007 nhưng sẽ khó mà lên tới ngưỡng con số 224 triệu đô, tăng vọt từ 107 triệu đô trong năm 2006, và so với Google ở mức 12,6 tỉ đô trong năm 2007, tăng vọt từ 10,6 tỉ đô trong năm 2006.
Tại Trung Quốc, Baidu đang lấn lướt Google và các đối thủ khác với tư cách là các thành phần củng cố thị trường. Theo báo cáo của Cơ quan Phân tích Quốc tế đặt trụ sở tại Bắc Kinh,  thị phần của Baidu lên tới 58% vào giữa năm 2007, so với 47% của năm trước đó. Trong lúc đó, Google đứng thứ hai tăng từ 15% vào giữa 2006 lên 21% trong quý một 2007.
Nếu có ngày nào đó Baidu vượt lên trên Google không chỉ tại Trung Quốc mà trên toàn thế giới, một phần điều đó là nhờ ở năng lực và những kế hoạch đầy tham vọng của Li để thâm nhập vào các thị trường hải ngoại. Anh đã tiến vào thị trường khổng lồ Nhật Bản, và nghe đồn châu Âu sẽ là nơi kế tiếp. Nhưng đây cũng là một trò chơi các con số. Trung Quốc có dân số 1,3 tỉ, lớn nhất thế giới, và một số lượng người sử dụng internet đang tăng nhanh.
Dự đoán trong vòng 3 năm, số người dùng internet ở Trung Quốc sẽ vượt qua con số này ở Mỹ. Có 185 triệu người Mỹ dùng mạng, hiện đang là thị trường lớn nhất thế giới, so với 162 triệu ở Trung Quốc. Tới 2010, hơn 227 triệu người ở Trung Quốc sẽ truy cập internet, và con số của Mỹ sẽ là 196 triệu.2 Hiện nay, chỉ có khoảng 11% dân chúng Trung Quốc truy cập mạng, hầu hết là ở các thành phố lớn nơi những thanh niên lướt web đông nghẹt trong những tiệm cà phê internet đầy khói thuốc.
Cỗ máy kéo theo sự tăng trưởng của Baidu là thị trường đang bùng nổ cho quảng cáo trên mạng và các tìm kiếm có thanh toán ở Trung Quốc. Quảng cáo trên các trang web Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ 740 triệu đô vào năm 2007 lên 1,5 tỉ đô vào năm 2010, theo dự báo của Công ty Phân tích, và tìm kiếm có thanh toán sẽ tăng từ 206 triệu đô trong năm 2006 lên 500 triệu đô trong năm 2007; đây vẫn là những con số nhỏ so với Mỹ.3
Hiện Baidu đang đối mặt với sự đe dọa lớn nhất trong lịch sử 6 năm của nó: một Google thay hình đổi dạng của địa phương. Sau khi dò dẫm với một cỗ máy tìm kiếm Trung Quốc yếu thế hồi đầu, tung ra vào năm 2000, Google đã bố trí lại những nguồn lực đáng kể của mình để vượt lên Baidu. Trong vòng 2 năm qua, công ty Mỹ hùng mạnh này đã mọc rễ tại Trung Quốc, thuê Kai Fu Lei giàu kinh nghiệm từ Microsoft tới với tư cách là chủ tịch, giới thiệu một cỗ máy tìm kiếm nhanh hơn và đáng tin cậy hơn chạy từ các máy chủ ở Trung Quốc, và tuyển dụng thêm nhiều kỹ sư để nâng cấp Google sang hoạt động bằng tiếng phổ thông. Tuy nhiên, do kinh doanh trên mảnh đất Trung Quốc, Google phải chấp nhận sự kiểm duyệt đối với cỗ máy tìm kiếm mới bằng tiếng Trung Quốc này. Quốc gia dưới quyền kiểm soát của chủ nghĩa cộng sản này kiểm duyệt toàn bộ các website ở Trung Quốc.

Cuộc vạn lý trường chinh của Li

Là mục tiêu trực tiếp của Google, Li đang bị tấn công. Sự nổi lên kỳ diệu của anh từ một nhà khoa học điện toán bẽn lẽn tới một ngôi sao công nghệ đã bắt nguồn ở Yangquan, một thành phố đảo có dân số 1,2 triệu người trên một khu mỏ than cách Bắc Kinh khoảng 280 km về phía tây nam. Là người thứ tư trong năm anh chị em, Li Yahong lớn lên tại đó trong cuộc Cách mạng văn hóa và sau đó được biết đến với cái tên tiếng Anh Robin.
Đủ xuất sắc để nhập học tại Đại học Bắc Kinh, Li trở thành sinh viên năm thứ nhất vào năm 1989 khi khi vụ nổi loạn và đàn áp chính trị tại quảng trường Thiên An Môn đã dẫn tới việc đóng cửa một thời gian ngắn khu đại học của anh. Một chàng Li chán nản bắt đầu tìm kiếm những chân trời mới. Với bằng tốt nghiệp trong tay, anh xin sang Mỹ du học, kiếm được một học bổng ở Đại học Quốc Gia New York – Buffalo, và đạt được bằng thạc sĩ điện toán vào năm 1994, tập trung vào việc phục hồi thông tin: gốc rễ của sự tìm kiếm.
Li đã học được những tưởng thường của hoạt động kinh doanh trong lúc đang làm việc cho các hãng công nghệ Mỹ. Trong 5 năm, anh có những công việc về phần mềm ở Dow Jones & Co. và Infoseek, một công ty tìm kiếm do Disney làm chủ. Anh là trưởng ban tư vấn ở IDD Enterprises, một công ty phục vụ dữ liệu tài chính và nhà xuất bản của tuần báo Investment Dealer’s Digest, khi Dow Jones mua lại IDD vào năm 1995; sếp của Li, Larry Rafsky, đã bỏ túi nhiều triệu đô la nhờ thương vụ này. Li nói, “Trước khi tôi tới Mỹ, ấn tượng của tôi là những cơ may để thành công của tôi không tốt lắm. Nhưng sau khi chứng kiến sự thành công của anh ta, tôi thấy rằng với kinh doanh công nghệ, bạn có thể làm nên thành công lớn.”
Li bắt đầu lao vào một dự án liên quan tới việc phát triển phần mềm cho phiên bản online của The Wall Street Journal. Chẳng bao lâu, anh tìm ra một phương pháp vi tính hóa để phân loại vô số thông tin trên mạng bằng cách xếp hạng các trang web theo số lượng các link liên quan. Khi Dow Jones không tỏ ra chú ý tới công nghệ tìm kiếm của anh, Li rời khỏi công ty vào tháng 6/1997 và nhận được một bằng sáng chế ở Mỹ. Sếp cũ Rafsky của anh, lúc này đang điều hành hãng xuất bản phần mềm Acquire Media Corp ở New Jersey, ca ngợi Li là “một trong những người thông minh và làm việc cần cù nhất mà bạn có thể gặp.”
Cùng thời điểm hai nhà đồng sáng lập Google Page và Brin đang loay hoay với những công thức toán học để tìm kiếm trên mạng, Li cũng làm điều tương tự. Mùa hè năm 1997, khi Page và Brin tìm ra công thức xếp hạng mà sau đó đã mang tới cho Google thành công vượt bậc, Li đã chứng minh công nghệ của mình trong một cuộc hội nghị điện toán ở Mỹ. Tại đó anh gặp William Chang, Trưởng nhóm công nghệ của tập đoàn tiên phong tìm kiếm trên mạng Infoseek, và chẳng bao lâu đã ký hợp đồng với tư cách một kỹ sư trong đội ngũ.
“William đã thuyết phục tôi làm việc cho anh, và anh muốn tôi phát triển cỗ máy tìm kiếm thế hệ đầu tiên,” Li nói. Anh nhắc lại việc đã dành hai tuần đầu để chui rúc trong một phòng họp ngồi viết các mã phần mềm trong thời gian cao điểm của đợt bùng nổ internet. Tuy nhiên, hy vọng của anh tiêu tan khi Walt Disney Co. mua lại Infoseek năm 1999 và gạt sang bên dự án của anh. Dù sao, bản năng kinh doanh của Li đã bị thôi thúc cực độ khi ông chủ của anh trở thành một triệu phú trong chớp mắt từ thương vụ đó. Đó là cú hích mà Li cần để quay lại Trung Quốc và khởi đầu sự nghiệp của riêng mình.
Li nói, “Tôi là người Trung Quốc, và tôi thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc rất mạnh. Tôi thấy rằng Trung Quốc đi sau Mỹ 5 năm về internet, và tôi không chắc có bao nhiêu cơ hội ở Mỹ.” Anh đã tìm thấy nhiều cơ hội ở Trung Quốc, cũng giống như những người Mỹ đã tìm thấy ở Thung Lũng Silicon vào thập niên 1990. Li chịu ảnh hưởng mạnh của hoạt động khởi nghiệp sôi nổi ở Thung Lũng đến nỗi anh đã viết một cuốn sách, “Cuộc chiến kinh doanh ở Thung lũng Silicon.” Cuốn này đã được Đại học Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hoa tại Bắc Kinh xuất bản vào năm 1999; nó thuật lại những cuộc chiến trang mạng thời kỳ đầu giữa Yahoo!, Netscape và những website hàng đầu khác.
Trong chuyến đi kế tiếp của tôi tới Bắc Kinh vào năm 2006, sau khi tôi đã phỏng vấn Li cách đó vài tháng, tôi tìm ra những nguồn lực dán chặt tôi vào sự trỗi dậy nhanh chóng của Baidu. Tôi quan sát những đồng nghiệp ở Bắc Kinh tự động hướng tới Baidu như là nguồn giải đáp bất kỳ điều gì của họ.
Cuộc điều tra của tôi đã đưa tôi tới gặp người đồng sáng lập có tiểu sử không chói lọi mấy của Li, Eric Xu, người mà tôi đã tìm ra thông qua Fan Zhang, một nhà đầu tư thời kỳ đầu ở Baidu. Một sáng Chủ nhật, tôi gọi cho Xu và để lại một tin nhắn, giải thích lý do cuộc gọi của tôi. Thật đáng ngạc nhiên, anh đáp lại cuộc gọi của tôi trong vòng 15 phút. Chúng tôi bố trí một cuộc hẹn ở Thượng Hải vào tuần sau.

Món nước chấm bí mật

Tôi bắt kịp Xu tại phòng chờ của Khách sạn Intercontinental trong khu vực Phố Đông mới của Thượng Hải. Trong suốt cuộc phỏng vấn thú vị kéo dài hơn 2 tiếng, anh nhắc lại lịch sử thời kỳ đầu chưa từng được kể lại trước đó của Baidu. Cuộc hành trình bắt đầu ở Thung lũng Silicon trước năm 1997, khi Xu và Li được giới thiệu với nhau bởi vợ Li, Melissa, một tiến sĩ sinh học tốt nghiệp Đại học Rutgers, người đã quen Xu qua cộng đồng công nghệ sinh học. Xu và Li trở thành bạn, gắn bó nhau thông qua dòng máu Trung Hoa và những sở thích tương đồng. Cũng có thiên tư trí tuệ như Li, Xu là một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh và có một bằng tiến sĩ sinh học tại Đại học A&M Texas và đã có kinh nghiệm với hai công ty mới về công nghệ sinh học của Mỹ.
Xu không chỉ có khí chất kinh doanh, anh còn có quan hệ mật thiết với những nhà đầu tư ở Thung lũng. Xu đã thiết lập những nối kết đó trong năm 1998 và 1999 trong lúc đang quay một cuốn phim tài liệu có tên là Hành trình tới Thung lũng Silicon, sau đó đã được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV. Trong khoảng 120 giờ quay đó, Xu đã phỏng vấn những huyền thoại của Thung lũng như John Chambers, chủ tịch kiêm CEO của Cisco Systems; Albert Yu, nhà lập trình ở Intel Corp hiện đã về hưu, và những nhà đầu tư mạo hiểm Steve Jurvetson của Draper Fisher Jurvetson và Bob King của Peninsula Capital. Sau khi xem cuốn phim tư liệu của Xu ở Stanford, Li rất phấn khích. Anh mời Xu đi ăn trưa vào hôm sau để thảo luận thêm.
Ở một nhà hàng tại Sunnyvale, California, Li thuyết phục Xu trở thành cộng sự của anh. “Thoạt tiên tôi không chắc chắn. Tôi có hai dự án khởi nghiệp đang thực hiện,” Xu nhớ lại, giờ anh đã 43 tuổi. “Nếu tôi có thể tìm được tài trợ cho một trong số chúng, tôi sẽ thôi việc ngay.”
Nhưng Xu bị thuyết phục bởi sự kiên trì và ý tưởng liều lĩnh của Li. Sau đó anh thuyết phục King lắng nghe ý tưởng của Li. Chưa đầy một tuần – rất ngắn, ngay cả trong kỷ nguyên nóng bỏng đó – King tham gia và kéo theo một nhà đầu tư khác, Integrity Partners. Họ thu gom được tổng cộng 1,2 triệu đô vào cuối năm 1999.
“Khi Baidu đã nhận được tiền còn cả hai dự án của tôi đều không được, tôi và Robin thôi việc vào giữa tháng 12,” Xu nói, anh đã cất đi những ý tưởng khác của mình. “Chúng tôi rất tận tâm với ý tưởng đó và đáp máy bay tới Bắc Kinh. Chúng tôi tìm một văn phòng và bắt đầu thuê nhân viên.” Chỉ vài tuần sau khi trở lại tổ quốc, hai nhà đồng sáng lập mở cửa văn phòng của mình vào ngày 18/1/2000 tại Bắc Kinh.
Họ đặt tên công ty non trẻ của mình là Baidu, dịch ra là “tìm kiếm sự thật”, và thể hiện một sự tìm kiếm kiên định đối với ý tưởng đó.  Cái tên này xuất phát từ một bài thơ cũ đời Tống và được chọn để biểu thị nguồn cội Trung Quốc của công ty. Một trang các quan hệ đầu tư bằng tiếng Anh trên Baidu cố gắng giải thích bài thơ phức tạp, mang tính tâm linh đó, nói rằng nó “so sánh việc tìm kiếm một vẻ đẹp ẩn mình giữa sự huyền hoặc hỗn loạn với việc tìm kiếm mơ ước của một con người trong lúc đối mặt với nhiều chướng ngại trong đời.”
Trong lúc chia sẻ câu chuyện về con đường vòng dẫn tới thành công của Dubai, Xu giải thích việc các kỹ sư đã được thuê thẳng từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc như thế nào. Những người mới tuyển được những ví dụ từ Thung lũng động viên và thuyết phục để lao động cần cù, vun đắp cho công ty và làm giàu. Xu và nhiều nhân viên thời kỳ đầu đã làm giàu từ các độc quyền cổ phần số cổ phiếu công khai của Baidu. Xu trở thành một đa triệu phú và hiện đang đầu tư và tư vấn cho các công ty khởi nghiệp.
“Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn toàn cảnh với họ. Chúng tôi tẩy não họ về việc tại sao Thung lũng Silicon trở nên nổi tiếng như thế ,” Xu nói. “Chúng tôi nắm những bí mật của văn hóa Thung lũng Silicon: sự khoan dung đối với thất bại và những khác biệt và dòng chảy tự do không hề có một rào cản nào của thông tin. Chúng tôi bảo họ rằng chúng tôi có một môi trường dân chủ và rằng họ, với tư cách những kỹ sư xuất sắc, có thể biến những ý tưởng của mình thành các sản phẩm. Đó là những điều chủ yếu của cải cách sáng tạo.” Xu nói với tôi khi chúng tôi ngồi trong những chiếc ghế thoải mái nhìn ra chân trời mù mịt khói. “Đó là một kinh nghiệm khởi nghiệp lớn. Chúng tôi đã không chắc có tạo được nó hay chăng.”
Thật ra, họ gần như đã không làm được. Xu lý giải vì sao Baidu lại thất bại với ba doanh nghiệp rất gần gũi với các doanh nghiệp internet Mỹ thành công trước khi cuối cùng chuyển sang làm ăn có lợi nhuận với phương án thứ tư: một cỗ máy tìm kiếm giống như Google được thiết kế cho các khách hàng.
Dự án kinh doanh đầu tiên của họ dựa vào Inktomi, một cỗ máy tìm kiếm các link hơn là một website chuẩn mực. “Chúng tôi định trở thành một Inktomi Trung Quốc,” Xu nói, đề cập tới cỗ máy đầy tham vọng một thời ở California đã vươn tới đỉnh với số vốn thị trường 20 tỉ  đô trong giai đoạn bùng nổ internet. “Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi có thể kêu gọi tiền từ các nhà đầu tư mạo hiểm với mô hình này.” Và họ đã làm được: 1,2 triệu đô vào năm 1999.
Thế rồi cơn sốt internet bắt đầu hạ nhiệt. Inktomi bị Yahoo! mua lại với giá 200 triệu đô vào năm 2002, một phần của giá trị trước đó của nó. Ở Trung Quốc, Li và Xu có ít khả năng đàm phán về giá cả và nhìn thấy nhiều thân chủ bị các đối thủ lớn hơn cướp mất trong nền kinh tế công nghệ yếu hơn.
Trong một thời gian kỷ lục, họ đi tới một ý tưởng thứ hai: bắt chước một mạng cung cấp nội dung có trụ sở ở Boston đang nhanh chóng mở rộng gọi là Akamai Technologies; nó định hướng lưu thông mạng qua những máy chủ lân cận để tăng tốc độ tải xuống. Cần có tiền mặt để duy trì hoạt động, hai nhà đồng sáng lập tìm cách kêu gọi tài trợ cho cả hai phương án Inktomi và Akamai. Tháng 9/2000, ngay trước khi nền kinh tế công nghệ tan chảy, họ kêu gọi được 10 triệu đô.4
Nhưng tới 2001, các trang mạng và các đường link đều phá sản, và Baidu không thể thu  hồi được các khoản chi. Với hai lần thất bại, họ thử thời vận lần thứ ba. Họ lại làm theo một công ty Thung lũng khác, Verity Inc. Công ty này bán các dịch vụ tìm kiếm và quản trị cho các doanh nghiệp lớn, nhưng cuộc làm ăn này cũng hỏng. “Chúng tôi nhận ra rằng các doanh nghiệp ở Trung Quốc sẽ không trả tiền cho các cỗ máy tìm kiếm chuyên dụng,” Xu nhận xét. “Họ muốn các sản phẩm rẻ hơn, hoặc họ tìm những sản phẩm kém chất lượng.”
Cuối cùng, năm 2002, với niềm hy vọng dâng cao và số tiền mặt đang thu nhỏ lại của mình, Li và Xu thực hiện theo một gợi ý của Google và lao vào thị trường với một mô hình tạo ra tiền mà Google đã sử dụng hồi năm trước: tìm kiếm có thanh toán từ các nhà quảng cáo trên mạng.5
Tìm kiếm có thanh toán, hoặc thanh toán theo mỗi cú nhấp chuột, hoạt động theo cách này: Ví dụ một người tiêu thụ đang tìm kiếm giày đế mềm và một danh sách do Nike tài trợ bung ra ở bên phía phải các kết quả Google. Mỗi lần người mua hàng nhấp chuột vào quảng cáo có tài trợ, công ty điều hành cỗ máy tìm kiếm thu được một khoản phí từ nhà tiếp thị. Quyết định dựa vào tìm kiếm có thanh toán để tạo thu nhập, như Google đang làm khi đó, là rất liều lĩnh.
“Trong khi hiện nay Google đang kiếm được rất nhiều tiền từ tìm kiếm có thanh toán, khi đó không hoàn toàn rõ ràng rằng mô hình kinh doanh tìm kiếm có thanh toán sẽ có kết quả,” Xu nhớ lại. “Robin có một tầm nhìn chiến lược rất tốt; anh nhìn thấy những điều mà những kẻ khác không thấy.” Ngày nay quảng cáo thanh toán theo mỗi cú nhấp chuột chiếm tới 1/3 tổng thu nhập quảng cáo và là nguồn thu nhập chủ yếu đối với các cỗ máy tìm kiếm người tiêu thụ.
Kế hoạch tìm kiếm có thanh toán của Lu đã gợi nên những cuộc tranh cãi nóng bỏng trong các phòng họp ban giám đốc ở Baidu. Nhà đầu tư mạo hiểm Fan Zhang, lúc ấy là một thành viên ban giám đốc ở Baidu và hiện là một giám đốc đối tác ở Sequoia Capital Chine, nhớ lại cuộc tranh luận về việc chiến lược mới nhất sẽ có hiệu quả ra sao. Một chiều thu thứ Bảy, Zhang đã mời tôi cùng đi với anh trong một cuộc viếng thăm Zhanzuo.com, một công ty ăn nên làm ra, một trang mạng hoạt động giống Facebook ở Bắc Kinh mà anh từng tài trợ. Cùng đi có một đoàn làm phim TV Trung Quốc, quay lại công việc của Zhang như thể anh là một nhân vật nổi tiếng. Ngồi trên chiếc trường kỷ nệm đỏ trong các văn phòng công ty hợp thời trong một khoảnh khắc tạm dừng quay phim, Zhang nhắc lại Li đã tranh luận thế nào về trường hợp của anh ta. “Chúng tôi đã nhìn vào Google, lúc đó đang bắt đầu kiếm ra tiền nhờ kinh doanh tìm kiếm, và chúng tôi nhìn vào những nguyên nhân cơ bản. Chúng tôi biết rằng nếu Baidu thay đổi phương án kinh doanh, nó sẽ có một tác động sâu sắc tới dòng chảy tiền mặt.” Tiền sẽ chảy vào hay dừng lại?
Cuối cùng, Zhang bảo tôi, ban giám đốc chọn cách thử phương án thứ tư của Li, trở thành Google của Trung Quốc. Vùng lên chống lại một đối thủ cạnh tranh kinh khủng như Google là khá liều mạng, nhưng tiếp tục đối đầu với các khách hàng trước đó – các trang liên kết với những khả năng tìm kiếm nội bộ của chính họ – có thể là mạt vận.
Đội ngũ Baidu non trẻ thiếu kinh nghiệm không chút nao núng đi theo thiết kế của website mới từ trang chủ dễ nhìn của Google, sử dụng một hộp tìm kiếm đơn giản với một nền trắng thưa. Nó thiết kế màu sắc bằng những logo đỏ và xanh biển với một vết chân mà người nào đó có thể bảo là giống dấu chân chó. Từ Trung Quốc chó nghe giống như một phát âm sai của từ Google bằng tiếng Trung Quốc. Xu khước từ bất kỳ liên kết nào. Anh giải thích rằng các nhà đồng sáng lập đã trả cho một sinh viên tốt nghiệp 400 đô để thiết kế logo đó với dấu chân của một con gấu. Chỉ có tốc độ, dấu chân chắc chắn và sự sục sạo không ngừng để tìm thức ăn của một con gấu mới có thể biểu tượng hóa Baidu.
Cũng còn các công việc thực chất khác để làm, chẳng hạn thuyết phục các nhà quảng cáo ở Trung Quốc rằng tiếp thị trực tuyến có thể mang lại hiệu quả. Baidu thiết lập một mạng  lưới quốc gia các nhà bán lại quảng cáo trong khoảng 200 thành phố chính để giáo dục các doanh nghiệp tư bản mới về sức mạnh của quảng cáo trên mạng, một bước cơ bản mà Google đã đi qua trong thị trường quảng cáo Mỹ vốn đã phát triển xa hơn nhiều. Nó có hiệu quả. Năm 2004, hai năm sau cuộc đại trùng tu cuối cùng, Baidu bắt đầu hái ra tiền.
Không nắm bắt các cơ hội, các nhà đồng sáng lập quay lại cái giếng tiền trong cùng năm đó. Lần này họ kêu gọi được 15 triệu đô từ DFJ ePlanet và một nhà đầu tư đáng ngạc nhiên, Google, hùn vào 5 triệu đô và chiếm một cổ phần 2,6%. Google đang bị Baidu lấn lướt và đang tìm cách cộng tác hoặc mua lại đối thủ Trung Quốc của nó. Tới tháng 7/2005, có vẻ như một trận đấu hướng tới thỏa thuận đã diễn ra khi chủ tịch kiêm CEO của Google, Eric Smitdt, tới viếng thăm Baidu. Nhưng cuộc đối thoại chấm dứt một tháng sau đó, vào tháng 7/2005, khi Baidu bán cổ phiếu ra công chúng trên Nasdaq.
DFJ ePlanet, người hậu thuẫn mạnh nhất của Baidu, kiếm được 33%  tiền lãi trên số cổ phần đầu tư 28% của nó, theo lời chủ tịch kiêm CEO Asad Jamal, một cựu giám đốc. Jamal chỉ ra rằng Baidu là “vụ thỏa thuận tốt nhất và lối thoát tốt nhất của công ty ông trong số 27 thoả thuận, 13 trong số đó là ở châu Á. “Baidu có một cải cách cơ bản trong công nghệ, đó là một điều kiện tiên quyết. Nó có một thuật toán tìm kiếm thích hợp hơn đối với chữ Phổ thông,” ông giải thích.
Nhưng Google còn chưa chịu đầu hàng. Trận đấu lên tới đỉnh điểm vào mùa hè 2005, khi Google thiết lập một văn phòng tại Trung Quốc và bổ nhiệm Kai-Fu Lee làm chủ tịch. Có một tiểu sử làm thuê cao cấp, Lee, một cựu phó chủ tịch của Microsoft và trưởng phân  ban nghiên cứu của người khổng lồ phần mềm này ở Trung Quốc và châu Á, đã tiến hành một trận đấu pháp lý giữa Microsoft và Google về một điều khoản phi cạnh tranh trong hợp đồng của Lee. Cuộc tranh chấp này được giải quyết bởi một thỏa thuận rằng viên giám đốc dạn dày kinh nghiệm này có thể có một vai trò thực chất về nghiên cứu tại Google chỉ sau một năm gián đoạn.
Tháng 7/2006, CEO của Google, Schmidt bay từ Thung lũng Silicon sang Bắc Kinh để thúc đẩy hoạt động của Google.cn (cn tức Trung Quốc). Đây là một cỗ máy tìm kiếm bằng tiếng Phổ thông hoạt động từ Trung Quốc chứ không phải từ California. Tên chính thức của nó là Gu Gee và phát âm là “googuh”, trang Google.cn đã đại tu được dịch là “gặt hái” và có những khả năng tìm kiếm tốt hơn bằng tiếng Phổ thông. Các cuộc tìm kiếm nhanh hơn và đáng tin cậy hơn với những máy chủ đặt tại Trung Quốc, và có hàng chục kỹ sư được thuê để tìm ra cách làm cho Google hoạt động tốt hơn Baidu ở Trung Quốc. Tháng 6/2006, Google bán các cổ phần của nó trong Baidu được hơn 60 triệu đô, một khoản lãi hời trên mức đầu tư ban đầu 5 triệu đô.
Nhưng để thiết lập hoạt động kinh doanh trên mảnh đất Trung Quốc, Ban điều hành tối cao của Google ở Mỹ phải chấp nhận sự kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc. Điều đó đặt Google.cn vào vị trí bình đẳng với Baidu, vốn đã bị kiểm duyệt từ đầu. Google phải xóa bỏ những chủ đề nhạy cảm và bị cấm, đi ngược lại lý tưởng của internet về tự do thể hiện và các nguyên tắc “đừng làm điều xấu” của Google. Các chủ đề như cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn không được xuất hiện trên các trang web ở Trung Quốc.
Sự kiểm duyệt các website tại Trung Quốc là một đề tài chính trị nóng. Yahoo! đã nằm dưới làn đạn công kích trên đồi Capitol vì đã giao nộp tên của hai blogger. Một bị phạt tù 8 năm vào năm 2003 vì chính thức chỉ trích sự tham nhũng, và người kia bị phạt 10 năm tù vào năm 2005 vì nguyền rủa sự lạm dụng các quyền con người ở Trung Quốc.
Trong khi đồng ý bị kiểm duyệt, Google vẫn xây dựng một vài biện pháp an ninh để bảo vệ sự riêng tư của người sử dụng. Google.cn không có bất kỳ dịch vụ blog hoặc e-mail nào. Không có đường truy xuất vào tên của các cá nhân người sử dụng, Google không bị buộc phải giao nộp các chi tiết nhận dạng cho quan chức Trung Quốc. Trái lại, Baidu cung cấp cả blog và e-mail.
Google cung cấp cho người sử dụng Trung Quốc hai chọn lựa phía sau website bị kiểm duyệt: cỗ máy tiếng Trung Quốc nguyên bản, không bị kiểm duyệt chạy từ California, dù với dịch vụ không đáng tin cậy và những cuộc nghẽn mạch thỉnh thoảng xảy ra, và trang google.com chuẩn bằng tiếng Anh trên mạng toàn cầu. Tuy nhiên, các tìm kiếm của tôi trên mạng tiếng Anh ở Trung Quốc khá là vòng vo Tam Quốc. Các yêu cầu về các chủ đề kinh doanh vô thưởng vô phạt đôi khi lại biến thành màn hình trắng. Có đôi lần, các tìm kiếm của tôi bị chuyển hướng một cách bí ẩn tới Baidu.

Kế hoạch chinh phục Trung quốc của Google

Tháng 10/2006, tôi nghe câu chuyện về phía Google từ Kai-Fu Lee.  Khó mà bỏ qua các trụ sở mới cao nhất của Google ở Công viên phần mềm Thanh Hoa. Bước vào hành lang trong một chiều ấm áp, tôi chiêm ngưỡng một tấm bản đồ kỹ thuật số địa cầu Google to lớn tại khu vực đó. Dịch vụ bản đồ Google tồn tại ở Trung Quốc với tư cách một Trang Vàng trực tuyến, nhưng đã có sớm có kế hoạch về một thanh cuộn trên máy điện thoại di động. Tôi không thể không chú ý tới vị trí chiến lược của Google, nằm giữa Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Tại đây, nó có thể vớ được những sinh viên tốt nghiệp kỹ sư hàng đầu, và nó đang làm thế.
Tôi được đưa vào một căn phòng họp có tường trắng, trang trí thưa thớt. Google không đưa ra bất kỳ giao dịch bí mật nào ở đây. Hiện giờ, khi Google đã có những hoạt động ở Trung Quốc, Lee nói với tôi về niềm tin của ông rằng Google sẽ bắt kịp. Ông vạch ra một chiến lược từng bước một. “Đầu tiên, xây dựng một đội tầm cỡ thế giới, dùng đội ngũ đó để làm việc với số còn lại trong các đội nghiên cứu và phát triển toàn thế giới của chúng tôi để xây dựng một sản phẩm có tầm cỡ thế giới, dùng chất lượng của sản phẩm đó để chiến thắng trong dòng lưu thông, và rồi, với dòng lưu thông đó, sẽ tạo nên nguồn thu nhập,” ông nói. “Đó là cách chúng tôi đã thực hiện ở Mỹ, đó là cách chúng tôi đã thực hiện ở châu Âu, và đó là cách mà chúng tôi sẽ tiến hành ở Trung Quốc.”
Lee bảo rằng những người sử dụng công cụ tìm kiếm Trung Quốc ngay lập tức hướng tới trang web mới này khi họ nhận ra rõ ràng là nó tốt hơn. “Giờ chúng tôi đã có một sản phẩm có tính cạnh tranh, và chắc chắn là chúng tôi sẽ có một sản phẩm cao cấp hơn trong một tương lai rất gần,” ông nói.
Google đã thuê 100 kỹ sư ở Trung Quốc – nhiều hơn tất cả số còn lại ở châu Á – để nâng cao các khả năng tìm kiếm bằng tiếng Phổ thông của nó. Một thách thức là tìm ra các phương cách để người sử dụng dễ dàng nhập mẫu tự Pinyin hay La Mã biểu thị các âm thanh tiếng Phổ thông. Một công việc khác là Google có những nhà ngôn ngữ học làm việc để phác họa những từ tốt hơn bằng các mẫu tự Trung Quốc vốn không xác định rõ các khoảng trắng. “Chúng tôi đã thuê những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất, và chúng tôi có thể chắc rằng 100% những gì chúng tôi đưa ra sẽ được chấp nhận tại các khu đại học,” Lee nói.
Lee nói với tôi rằng Google tìm kiếm toàn cầu đã tạo được một lợi thế to lớn so với Baidu. “Không ai có thể hài lòng với việc chỉ có thể đọc các thông tin từ một quốc gia. Nội dung bằng tiếng Trung Quốc chỉ bao hàm 10% của internet trên thế giới. Tôi nghĩ mỗi người Trung Quốc sẽ muốn và đòi hỏi rằng họ có khả năng truy cập nội dung tạo ra ở Mỹ, châu Âu, hay bất kỳ nơi đâu trong phần còn lại của thế giới.”
Còn việc đưa vào thêm nhiều đặc tính tương tác cộng đồng như các cuộc trò chuyện trực tuyến mà Baidu đã hưởng lợi thì thế nào? “Nó sẽ gây tranh chấp nếu các đặc tính xây dựng cộng đồng phù hợp cho việc tìm kiếm,” anh nói.
Xu, đồng sáng lập Baidu, khịt mũi, “Lee là một bậc thầy công nghệ, nhưng anh ấy không phải là một chuyên gia tìm kiếm.” Anh nói thêm, “Google đã tạo nên nhiều đánh giá sai lầm về Trung Quốc hơn về phần còn lại của thế giới.” Tangos Chan, chủ bút tờ China Web 2.0 Review ở Bắc Kinh đồng ý với Xu, “Google China đã không suy nghĩ một cách lô-gíc,” anh nói.
Thật sự, Baidu đang đi trước Google với nhiều đặc điểm cải tiến mang tính địa phương. Post Bar giúp người sử dụng đánh vào một yêu cầu và đáp vào một bảng tin nhắn để trò chuyện với bạn bè và nhận các phản hồi. Baidu Knows cho phép các cá nhân chia sẻ kiến thức và thu thập các quan điểm xác thực để đưa ra các câu trả lời tốt nhất. Baidu còn cung cấp các công cụ tìm kiếm trong điện thoại di động để tìm, chẳng hạn, tiệm McDonald gần với trạm xe điện ngầm kế tiếp nhất. Baidu bắt đầu cung cấp tìm kiếm trên điện thoại di động vào tháng 3/2006, và Google phải mất gần một năm để bắt kịp. Baidu cũng cung cấp các tìm kiếm đa phương tiện, bao gồm các video clip, mà Google vẫn chưa cung cấp.

Ranh giới bất hợp pháp

Một đặc điểm Baidu mà Google sẽ không bao giờ có là những đường link với các trang nơi thanh thiếu niên có thể đánh tên của các bài nhạc pop Trung Hoa rồi tải về các tập tin kỹ thuật số MP3 miễn phí, nhiều bài trong đó được xem là xâm phạm tác quyền. “Đó là ranh giới bất hợp pháp,” Lee nói với sự ghê tởm trong giọng nói. “Tất cả những tập tin MP3 được tải xuống đó đều là những bản sao ăn cắp.” Thay vì thế, Google cung cấp đường link tới những kho chứa nhạc.
Những cuộc tìm kiếm cực kỳ phổ biến nhưng dễ gây tranh cãi chiếm tới 20% số tìm kiếm trên Baidu, đồng sáng lập Xu thừa nhận. “Loại tìm kiếm này không thể tạo ra tiền như tìm kiếm có thanh toán,” anh nói, ý là không có sự hỗ trợ của quảng cáo. Đối mặt với những vụ khiếu kiện cho rằng nó vi phạm các luật bản quyền bằng cách cung cấp đường truy cập tới các tệp tin âm nhạc, đầu năm 2007 Baidu bắt đầu cộng tác với nhiều công ty âm nhạc và hệ thống cáp để được cho phép tải nhạc.
Trong lúc đó, Lee vẫn tập trung vào việc điều hành một doanh nghiệp đang nhanh chóng đi vào lòng công chúng. Cuối năm 2006, anh tuyển lại người thầy của mình ở Infoseek, William Chang, với tư cách là trưởng nhóm khoa học ở Baidu. Năm 2008, anh khai trương một dịch vụ thương mại điện tử, một lĩnh vực nằm ngoài tiêu điểm chính của Baidu.
Trong việc đưa Baidu ra khỏi phạm vi an toàn, cuối năm 2006, Li hé lộ những kế hoạch để thâm nhập vào thị trường tìm kiếm Nhật, thực hiện lời thề mà anh đã bộc lộ với tôi trước đó mấy tháng về việc mở mang ra khỏi phạm vi Trung Quốc. Thị trường tìm kiếm có thanh toán của Nhật ít nhất là 700 triệu đô, khoảng gấp ba thị trường Trung Quốc, theo Richard Ji, một nhà phân tích internet của công ty Morgan Stanley tại Hồng Kông. Anh ta nói rằng cỗ máy tìm kiếm tiếng Nhật có thể giúp Baidu kết nối những công ty nhỏ của Trung Quốc với người tiêu thụ và các doanh nghiệp Nhật; có thể họ rất quan tâm tới những thứ hàng hóa rẻ tiền chế tạo tại Trung Quốc.
Đường vào Nhật đẩy Baidu vào thế chống lại các công ty dẫn đầu Yahoo! và Google trong thị trường to lớn và tiêu xài nhiều hơn hẳn đó. Dù sao mặc lòng, Li, người đã tiến hành 6 tháng khảo sát trước khi thâm nhập vào công nghệ tìm tiếm bằng tiếng Nhật, đang tiêu 15 triệu đô, hay 14% ngân sách của Baidu năm 2007, cho việc mở rộng. “Chúng tôi tin rằng sức mạnh đã được chứng minh của chúng tôi trong tìm kiếm không bằng tiếng Anh, sự thâm nhập cao của internet vào Nhật, cũng như những tương đồng giữa tiếng Hoa và tiếng Nhật sẽ biến thị trường này thành một bước kế tiếp lý tưởng cho Baidu,” Li nói.
Nếu Li xúc tiến việc này, anh sẽ trở thành một trong những doanh nhân đầu tiên nắm lấy một thương hiệu internet nội địa Trung Quốc và gieo rắc nó ở hải ngoại. Có thể nào bước kế tiếp sẽ là những quốc gia châu Á khác hay không? Hay có khả năng là một cỗ máy tìm kiếm cho những người nói tiếng Trung Quốc ở Mỹ? Hay những trang ở châu Âu, như đã có lời đồn?
Ít nhất, câu chuyện của Baidu và người CEO nói năng mềm mỏng xuất thân từ Trung Quốc chứng tỏ rằng Trung Quốc đang trở thành cái gì đó lớn hơn là một quốc gia của các nền công nghệ “cả-tôi-nữa”. Vâng, đúng là Baidu có cứ địa tại Trung Quốc và không phải đối đầu với những chỉ trích giống như Google về tính chất riêng tư và các vấn đề tự do ngôn luận, những ý tưởng mà người Mỹ quen thuộc. Ngoài ra, sẽ là công bằng khi nói rằng Google tập trung quá nhiều nguồn lực vào thị trường tìm kiếm Mỹ hơn là vào thị trường Trung Quốc vẫn còn nhỏ bé. Thế nhưng dù Google đã trở thành người bản địa tại Trung Quốc và đang tăng cường sức lực để đánh bại Baidu, tôi cược rằng Baidu sẽ tiếp tục có lợi thế hơn Google ở Trung Quốc với những tài năng lớn lên tại quê hương của nó. Quan trọng hơn, Baidu có thể là một người đi tiền trạm cho các đột phá công nghệ tại Trung Quốc.
Chương kế tiếp thuật về một phù thủy trong làng doanh nhân, Jack Ma, người đã gieo bùa lên bối cảnh internet Trung Quốc bằng cách tạo ra website đứng đầu về thương mại điện tử của Trung Quốc, Alibaba, đưa tới một kỷ lục 1,5 tỉ đô trong đợt IPO, và thu hút Yahoo! vào một cuộc thỏa thuận nổi đình nổi đám  trị giá 1,6 tỉ đô với Jerry Yang, CEO của Yahoo!; Ma còn thắng thế hơn Meg Whitman với một trang đấu giá trực tuyến theo kiểu eBay gọi là Taobao; Nói về một doanh nhân công nghệ có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét