Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

ĐỌC CHƠI MỘT CHƯƠNG TRONG QUYỂN Stiff: The Curious Lives of Human Cadavers by MARY ROACH



Nhân đọc bài viết về tục ăn thịt người ở Trung Quốc trên facebook, 
mời các bạn đọc đoạn này cho vui


HÃY ĂN TÔI

Tục ăn thịt người để chữa bệnh
và trường hợp về những cái bánh bao nhân thịt người


Trong những khu chợ lớn của nước Ả Rập hồi thế kỷ 12, thỉnh thoảng bạn có thể mua một loại hàng được biết như là một xác người ướp mật ong nếu bạn biết nơi để tìm, có nhiều tiền mặt, và mang theo một cái túi tiền mà bạn không quan tâm tới. Động từ “ướp mật ong” đến từ chữ La-tin mel, có nghĩa là mật ong. Người ướp mật ong là thi thể người chết ngâm trong mật ong. Một cái tên khác của nó là “chế phẩm xác ướp người” dù cái tên này khiến chúng ta hiểu sai lạc đi, vì không như những thứ vật phẩm ngâm trong mật ong khác ở Trung Đông, thứ này không dành cho việc phục vụ món tráng miệng. Người ta sử dụng nó để xoa đắp, và, tôi xin lỗi, để uống vào miệng, với tư cách là một thứ thuốc.
Việc chuẩn bị nó thể hiện một nỗ lực khác thường, cả về phần của những người chế biến và, đáng chú ý hơn, về phần của những thành tố:

Ở Ả Rập có những người đàn ông từ 70 tới 80 tuổi sẵn lòng cho đi cơ thể của họ để cứu giúp những người khác. Chủ thể này không ăn thực phẩm, ông ta chỉ tắm và ăn mật ong. Sau một tháng ông ta chỉ còn bài tiết ra mật ong (nước tiểu và phân hoàn toàn là mật ong) và tiếp theo là cái chết. Người nhà của ông ta ngâm ông ta vào một cỗ quan tài bằng đá đổ đầy mật ong. Ngày tháng được ghi lên trên nắp quan tài. Sau một trăm năm, niêm phong được tháo ra. Một chế phẩm được hình thành để chữa trị các chi bị gãy và bị tổn thương. Chỉ cần nuốt một chút chất này, lời kêu rên sẽ ngưng ngay lập tức.

Công thức bên trên xuất hiện trong cuốn Bản thảo Cương mục, một cuốn sách tóm lược về các loại thảo dược và vật dược năm 1597 do nhà tự nhiên học lớn của Trung Quốc Lý Thời Trân biên soạn. Lý cẩn thận chỉ ra rằng ông không biết chắc câu chuyện về người ngâm xác trong mật ong có thật hay không. Điều này ít dễ chịu hơn nó có vẻ vậy, vì nó có nghĩa là khi Lý Thời Trân không đặt câu hỏi về tính xác thực của một thứ dược phẩm, hẳn nhiên là ông ta cảm thấy nó có thật. Câu chuyện này nói cho chúng ta biết rằng những thứ sau đây chắc chắn đã được dùng như là dược phẩm ở Trung Hoa hồi thế kỷ 16: “gàu trên đầu người” (tốt nhất là lấy từ một người béo tốt), cáu ghét ở đầu gối người, cứt rái người, mồ hôi người, màng nhĩ cũ (“đốt thành tro và xức vào dương vật để trị chứng đáy gắt”) “nước vắt từ phân lợn” và “cáu ghét từ chót đuôi của một con lừa”.
Việc sử dụng xác ướp để làm thuốc – dù không thường ngâm trong mật ong– được ghi chép khá rõ trong những quyển sách hóa học ở châu Âu hồi thế kỷ 16, 17 và 18, nhưng không có nơi nào khác ngoài Ả Rập có những xác chết tình nguyện. Người ta bảo rằng các xác ướp bị săn lùng nhiều nhất là những thành viên đoàn lữ hành bị chôn vùi trong bão cát ở sa mạc Libi. “Sự ngạt thở đột ngột này tập trung các linh hồn ở tất cả các bộ phận lại do sự sợ hãi và kinh ngạc xâm chiếm tâm trí của những kẻ du hành,” Nicolas Le Fèvre viết, ông là tác giả của cuốn Một thi thể hoàn hảo về hóa học. (Cái chết bất ngờ cũng có nghĩa là cơ thể đó ít có khả năng bị bệnh.) Những người khác cho rằng các thuộc tính y dược của xác ướp phát sinh từ chất nhựa đường ở Biển Chết, một chất giống như hắc ín mà người Ai Cập thời đó nghĩ là đã được dùng như một chất ướp xác.
Không cần phải nói, thứ hàng thật sự từ Libi rất hiếm có. Le Fèvre đưa ra một công thức cho thứ tiên dược xác ướp pha chế tại nhà, sử dụng thi thể của “một người đàn ông trẻ tuổi, cường tráng” (các tác giả khác còn nói cụ thể hơn rằng người trẻ tuổi đó phải là một người tóc đỏ). Sự ngạc nhiên tất yếu được cung cấp bằng cách làm cho ngạt thở, treo cổ hay đóng cọc xiên qua người. Le Fèvre đã cung cấp một công thức để sấy khô, xông khói và pha trộn thịt (một tới ba viên bột xác ướp trong một hỗn hợp thịt rắn viper và rượu mạnh), nhưng không đưa ra gợi ý nào hay cách thức hay nơi để mua nó, chắc là bạn phải tự tay bóp ngạt hay đóng cọc một gã trẻ tuổi tóc đỏ.
Có một dạo việc buôn bán xác ướp giả mạo đã được người Do Thái tiến hành ở Alexandria. Rõ ràng là lúc đầu họ đã bán những xác ướp thật lấy trộm từ những những hầm mộ, tác giả C.J.S. Thompson đã gợi ý trong cuốn Bí mật và nghệ thuật của nhà bào chế thuốc khi nhận xét rằng “rốt cuộc người Do Thái đã báo thù những kẻ áp bức cổ xưa của họ.” Khi nguồn xác ướp thật sự ít đi, những thương gia bắt đầu chế biến đồ giả mạo. Pierre Pomet, dược sĩ riêng cho vua Louis XIV, đã viết trong bản in năm 1737 của cuốn Một lịch sử hoàn hảo của các thứ thuốc rằng đồng nghiệp Guy de la Fontaine của ông đã du hành tới Alexandria để “tận mắt chứng kiến một điều ông đã nghe nói quá nhiều” và đã tìm thấy, trong tiệm của một người, tất cả các dạng cơ thể mắc đủ các chứng bệnh và đã phân hủy đang được chế biến bằng hắc ín, bị quấn trong những tấm vải, và sấy khô trên lò. Hoạt động thương mại chợ đen này phổ biến đến mức những kẻ có thẩm quyền về dược học như Pomet đã đưa ra những lời khuyên cho các ông chủ tiệm xác ướp triển vọng: “Hãy chọn một người da đen bóng đẹp, không đầy những xương và cáu ghét, có mùi dễ chịu, và đừng để hắc ín dính vào thứ đang được sấy khô.” A.C. Wootton, đã viết trong cuốn Biên niên sử của một Nhà thuốc năm 1910 của ông rằng nhà phẫu thuật kiêm tác giả người Pháp nổi tiếng Ambroise Paré đã tự nhận rằng xác ướp giả mạo được làm ra ngay tại Paris, từ những xác chết đã sấy khô lấy trộm từ các giá treo cổ dưới bóng đêm. Paré vội vã bổ sung thêm rằng ông chưa bao giờ kê toa thứ đó. Từ những gì tôi có thể nói, ông ta thuộc về phía thiểu số. Pomet đã viết rằng ông ta chứa nó trong nhà thuốc của ông ta. (Dù ông ta xác nhận rằng “công dụng lớn nhất của nó là để đi bắt cá”.) C.J.S. Thompson, với cuốn sách xuất bản năm 1929, đã khẳng định rằng người ta vẫn có thể tìm được xác ướp trong các tiệm thuốc ở khu vực Cận Đông thời đó.
Tiên dược xác ướp là một ví dụ ấn tượng về việc sự chữa trị còn tệ hơn lời than phiền. Dù nó được kê đơn cho các chứng bệnh trải dài từ tê liệt cho tới chóng mặt, cho tới nay công dụng phổ biến nhất của nó là chữa các vết bầm dập và ngăn chặn sự đông máu: Mọi người từng nuốt tử thi bị phân hủy để chữa các vết thâm tím. Nhà dược học thế kỷ 16 Johann Becher, theo trích dẫn trong cuốn sách của Wootton, khẳng định rằng nó rất có tác dụng đối với chứng đầy hơi (Tôi không ngờ vực chút nào nếu ông ta muốn nói là nó có ý nghĩa như một tác nhân.) Những ví dụ khác về các thứ dược phẩm có nguồn gốc con người chắc chắn đã gây ra nhiều phiền muộn hơn là xoa dịu bao gồm những dải da tử thi cột quanh những con bê để ngăn chứng chuột rút, “nhau thai cũ ngâm” [rượu hay chất dung môi khác] để “xoa dịu một bệnh nhân dựng tóc lên mà không có nguyên do” (tôi đang trích dẫn Lý Thời Trân về loại thuốc này và kế tiếp), phân lỏng sạch trị các loại giun sán (“mùi của nó sẽ dụ dỗ những con côn trùng ra khỏi bất cứ lỗ nào trên cơ thể và giải thoát sự khó chịu”), máu tươi tiêm vào mặt để trị chàm bội nhiễm (phổ biến ở châu Âu vào thời điểm Thompson đang viết), sỏi mật trị chứng nấc cụt, cao răng người trị vết chích của ong bắp cày, rốn người ngâm rượu trị đau cổ, và nước dãi của một phụ nữ được bôi lên mắt để trị chứng viêm mắt. (Người La Mã, Do Thái và Trung Hoa cổ đại đều là những người say mê nước dãi, dù trong chừng mực tôi có thể nói bạn không thể dùng nước dãi của chính mình. Các cách chữa trị sẽ cụ thể hóa loại nước dãi cần thiết: nước dãi của phụ nữ, nước dãi của trẻ sơ sinh nam, thậm chí nước dãi của hoàng đế, rõ ràng các vị hoàng đế La Mã đã cống hiến cho một cái ống nhổ công cộng vì lợi ích của nhân dân. Hầu hết các thầy thuốc xức chất này bằng ống nhỏ mắt, hoặc kê toa nó như là một loại cồn thuốc, dù vào thời của Lý Thời Trân, với những ca “thấy ác mộng vì bị ma quỷ tấn công”, những bệnh nhân không may được chữa trị bằng cách “lặng lẽ phun nước bọt vào mặt”.)
Thậm chí trong những ca bệnh nặng, đôi khi tốt hơn các bệnh nhân nên làm ngơ đơn thuốc của thầy thuốc. Theo Bản thảo Cương mục, chứng đái đường được chữa với “một ly đầy nước tiểu từ một nhà xí công cộng”. (Tiên đoán được sự phản đối, cuốn sách hướng dẫn thêm rằng thứ nước uống kinh khủng này “được cung cấp một cách bí mật”.) Một ví dụ khác đến từ Nicholas Lemery; ông ta đã viết rằng bệnh than và bệnh dịch có thể chữa trị bằng phân người. Lemery không tin vào phát hiện này, thay vì thế đã trích dẫn trong cuốn Một quá trình hóa học của ông về một người Đức tên là Homberg; năm 1710, ông này đã trình bày trước Viện hàn lâm Hoàng gia về phương pháp trích “một loại chất phốt pho tuyệt vời từ phân người, mà ông ta phát hiện ra sau nhiều ứng dụng và đau đớn”; Leremy đã thuật lại phương pháp này trong cuốn sách của ông (“Lấy bốn ao-xơ phân người mới, có độ đặc bình thường…”), thứ phốt pho từ phân của Homberg được cho là thật sự phát sáng, một sự chứng minh bằng thị giác mà tôi sẵn sàng cho đi hai chiếc răng nanh của mình (có ích trong chữa trị sốt rét, áp xe ngực và bệnh đậu mùa) để nhìn thấy. Có lẽ Homberg là người đầu tiên làm cho nó phát sáng, nhưng ông ta không phải là người đầu tiên kê toa nó. Bản thảo Cương mục đã kê toa nó, không chỉ ở dạng lỏng, tro và sền sệt mà cả ở dạng “nướng”, cho mọi chứng bệnh từ các bệnh sốt truyền nhiễm cho tới đau bộ phận sinh dục của trẻ em. Suy nghĩ đó cho rằng phân là thứ chủ yếu, trong trường hợp của giống người,* bánh mì và thịt đã bị giảm thiểu thành các nguyên tố đơn giản nhất của chúng và do đó “thích hợp cho sự thực hành các phẩm chất của chúng”, theo trích dẫn của A.C. Wootton.
Không phải mọi thứ dược phẩm làm từ xác người đều được bán bởi những nhà bào chế thuốc chuyên nghiệp. Đại hí trường La Mã cổ đại đề cao những cuộc chuyển nhượng máu ở hậu trường từ những đấu sĩ vừa bị giết, mà người ta cho là chữa được chứng động kinh,** nhưng chỉ khi lấy nó trước lúc nó đã nguội lạnh đi. Ở Đức và Pháp thời thế kỷ 18, những tay đao phủ nhét đầy túi họ bằng cách thu thập máu chảy từ cổ của các tội phạm bị chém đầu; vào thời này máu người không chỉ được kê toa cho chứng động kinh mà còn cho chứng gút và bệnh phù thủng.*** Như với tiên dược xác ướp, người ta tin rằng để máu người chữa được bệnh, nó phải được lấy từ một người đã chết trong tình trạng trẻ trung và cường tráng chứ không phải từ một người đã bị bệnh hoạn tàn phá; những tội phạm tử hình quá thích hợp với tiêu chí này. Chỉ khi toa thuốc đòi hỏi việc tắm trong máu của trẻ sơ sinh hay của các trinh nữ, mọi chuyện mới trở nên xấu xa. Chứng bệnh liên quan thường là bệnh hủi, và lượng thuốc phải dùng mỗi lần được đo trong bồn tắm hơn là trong ống nhỏ mắt. Khi bệnh hủi ập lên người công chúa Ai Cập, Pliny viết, “thật đau thương cho nhân dân, vì trong những phòng tắm, những cái bồn tắm đã được chuẩn bị với máu người để chữa chứng bệnh đó.”
Thông thường hàng hóa của những tay đao phủ còn bao gồm cả mỡ người, được dùng để trị  các chứng thấp khớp, đau khớp và các chi, những chứng bệnh nghe có vẻ nên thơ nhưng có lẽ vô cùng đau đớn. Người ta bảo rằng những tên trộm xác cũng buôn bán mỡ người, giống như những nhà phẫu thuật quân đội Hà Lan hồi thế kỷ 16 trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ tay Tây Ban Nha; họ thường chạy vào bãi chiến trường với dao mổ và xô chậu sau một trận đánh ác liệt. Để cạnh tranh với những cái giá thương lượng bên dưới tầng hầm của những tay đao phủ, sản phẩm của họ được đóng gói và bán giống như bán mỡ heo; các nhà bào chế thuốc thế kỷ 17 cũng đã tô vẽ cho hàng hóa bằng cách thêm vào những thứ dược thảo và những cái tên sản phẩm du dương; các bản in thế kỷ 16 của cuốn Cordic Dispensatory có bao gồm “Bơ Phụ nữ” và “Mỡ của Tội nhân nghèo”. Điều này đã được thực hành từ lâu với những mặt hàng kém mặn mà hơn của các tay bào chế thuốc: Những dược sĩ thời Trung cổ bán máu kinh nguyệt với cái tên gọi “Thiên đỉnh của Thiếu nữ” và làm đẹp thêm cho nó bằng nước hoa hoa hồng. Cuốn sách của C.J.S. Thompson bao gồm cả một công thức cho “Linh hồn của Não người”, bao gồm không chỉ bộ não (“với tất cả các màng, động mạch, tĩnh mạch và dây thần kinh của nó”) mà cả hoa mẫu đơn, hoa uất kim hương và hoa huệ tây.
Thompson viết rằng nhân tố cơ bản ở phía sau nhiều cách chữa trị con người là sự kết hợp đơn giản. Đang chuyển sang nước da vàng do bệnh vàng da ư? Hãy thử một ly nước tiểu. Đang bị rụng tóc ư? Hãy chà xát da đầu của bạn với tiên dược chưng cất từ tóc. Đầu óc nặng nề ư? Hãy nốc một ngụm “Linh hồn của Sọ”. Tủy và dầu chưng cất từ xương người được kê toa cho bệnh thấp khớp, còn cặn nước tiểu người được cho là chống lại chứng sỏi bàng quang.
Trong một số trường hợp các cách chữa trị người không thích đáng đặt nền tảng trên một loại chân lý y học một phía. Bản thân mật không chữa được chứng điếc, nhưng nếu rắc rối về nghe của bạn do sự tích tụ rái tai, chất axit trong mật chắc chắn sẽ hoạt động để làm tan nó. Móng chân con người không phải là một thứ thuốc gây nôn thật sự, nhưng người ta có thể tưởng tượng rằng một liều thuốc đó có thể cổ vũ cho sự nôn. Tương tự, “phân lỏng sạch” không phải là một thứ thuốc giải độc thật sự cho sự ngộ độc nấm, nhưng nếu mục đích là tống những cái nấm ra khỏi dạ dày bệnh nhân của bạn, có lẽ không có gì hoàn toàn hữu hiệu như thế. Bản chất ghê tởm của phân cũng giải thích cho việc sử dụng nó như là một ứng dụng cục bộ cho chứng sa tử cung. Kể từ trước thời Hippocrates, các thầy thuốc đã xem hệ thống sinh sản của phụ nữ không phải như một cơ quan mà như một thực thể độc lập, một sinh vật bí ẩn với một ý chí của riêng nó, có khuynh hướng “lang thang” bừa bãi. Nếu tử cung  bị sa xuống sau khi sinh con. Một chút chất gì đó có mùi kinh tởm – thường là phân – được kê toa để vỗ về nó quay lại nơi nó thuộc về. Thành tố tích cực trong nước bọt của con người chắc chắn là chất kháng sinh tự nhiên mà nó chứa đựng; điều này lý giải cho việc sử dụng nó để chữa chó cắn, nhiễm trùng mắt và  chứng “mồ hôi thối”, mặc dù không ai vào thời đó hiểu được cơ cấu của nó.
Căn cứ vào việc những bệnh thứ yếu như các vết bầm tím, các chứng ho, khó tiêu và đầy hơi sẽ tự biến mất trong vòng vài hôm, dễ thấy rằng những lời đồn thổi về tính hữu hiệu đã diễn ra như thế nào. Chúng ta không nghe nói về các thử nghiệm có kiểm soát; mọi thứ đều dựa vào chứng cứ mang tính giai thoại: Chúng tôi cho bà Peterson một ít phân để trị chứng viêm họng và giờ thì bà ấy đã ổn! Tôi đã nói chuyện với Robert Berkow, biên tập của cuốn Merck Manual, cuốn sách tham khảo bán chạy của các thầy thuốc trong suốt 104 năm qua, về căn nguyên của những thứ thuốc quái lạ và hoàn toàn chưa được chứng minh. Ông nói, “Khi chị nghĩ rằng một viên thuốc bọc đường để giảm đau sẽ có từ 25 tới 40% phản ứng, chị có thể bắt đầu hiểu vì sao một số cách chữa trị như thế lại được giới thiệu.” Mãi tới khoảng 1920, ông nói thêm, “bệnh nhân trung bình với một chứng bệnh trung bình đến khám chữa bệnh với một thầy thuốc trung bình sẽ khỏe hơn sau cuộc gặp.”
Sự phổ biến của một số tiên dược con người này chắc chắn không có liên quan gì nhiều tới thành phần cơ sở của nó. Công thức trong cuốn sách của Thompson cho một mẻ thuốc của vua Charles – Vua Charles II điều hành một hoạt động kinh doanh phát đạt thứ thuốc cồn chế từ sọ người tại phòng thí nghiệm riêng của ông ở Whitehall – chứa đựng không chỉ Linh hồn của Sọ mà còn có nửa cân Anh thuốc phiện và bốn ngón tay (đơn vị đo lường, không phải là con số thật sự) rượu mạnh. Phân của chuột, ngỗng và ngựa mà người châu Âu dùng để trị chứng động kinh, được hòa tan trong rượu vang hay bia. Tương tự là bột chế từ dương vật người, như cuốn Bản thảo Cương mục mô tả, “được uống chung với rượu”. Thứ thuốc đó có thể không chữa lành cho bạn, nhưng nó sẽ làm giảm cơn đau và khiến cho tâm trạng của bạn sáng sủa hơn.
Dù thuốc chế biến từ tử thi có thể lạ lùng, vấn đề chủ yếu là bạn đã quen với nó – giống như những khác biệt văn hóa trong cách nấu nướng. Việc chữa bệnh thấp khớp bằng tủy xương hay chữa bệnh viêm tràng nhạc bằng mồ hôi chắc chắn cũng không cấp tiến hay đáng tởm hơn việc chữa trị bệnh còi xương bằng hormone của người đã trưởng thành. Chúng ta không thấy có gì kinh tởm trong những mũi tiêm máu người, thế nhưng ý nghĩ ngâm mình trong nó khiến cho chúng ta phải co người lại. Tôi không ủng hộ việc quay trở lại với thứ ráy tai chữa bệnh, nhưng một chút bình thản là điều nên có. Như Bernard E. Read, biên tập viên của bản in năm 1976 của cuốn Bản thảo Cương mục, đã chỉ ra, “Ngày nay mọi người cuống quýt thử nghiệm mọi kiểu mô động vật để tìm những nguyên lý, những hormone, những vitamin tích cực và những phương pháp điều trị cụ thể, và những người khác đòi hỏi một đầu óc cởi mở rằng người ta có thể vượt ra ngoài sự sắp đặt phi thẩm mỹ của đối tượng để đạt tới những thứ xứng đáng.”

Những người tiến hành thí nghiệm trong số chúng tôi đã gom góp tiền của chúng tôi để mua những tử thi từ các nhà xác thành phố, chọn thi thể của những người chết do bạo lực – những người vừa mới bị giết, không mắc bệnh hay lão suy. Chúng tôi sống trên khẩu phần thịt đồng loại này trong suốt hai tháng và sức khỏe của mọi người được nâng cao.

Họa sĩ Diego Rivera đã viết như thế trong cuốn hồi ký Nghệ thuật của tôi, Cuộc đời của tôi. Ông  giải thích rằng ông từng nghe một câu chuyện về một thương gia ngành lông thú ở Paris, ông này cho những con mèo của mình ăn thịt mèo để làm cho da của chúng chắc hơn và bóng mượt hơn. Và rằng vào năm 1904, ông và một số sinh viên giải phẫu học – giải phẫu là một yêu cầu thông thường đối với sinh viên mỹ thuật – đã quyết định tự mình thử nó. Có thể Rivera đã bịa ra chuyện này, nhưng nó đưa ra một lời giới thiệu sống động cho các loại thuốc chế biến từ con người của thời hiện đại, vì thế tôi nghĩ nên đề cập tới nó.
Ngoài Rivera, thứ thuốc gần nhất với “Linh hồn của Sọ” hay “Thiên đỉnh của Thiếu nữ” mà bất kỳ người nào đã dùng qua là thuốc làm từ máu tử thi. Năm 1928, một nhà phẫu thuật Liên Xô tên là V.N. Shamov đã cố tìm hiểu xem máu từ người chết có thể được dùng để truyền thay cho máu từ những người hiến máu còn sống hay chăng. Theo truyền thống xô viết, Shamov thí nghiệm trước hết trên những con chó. Miễn là máu được lấy ra khỏi xác chết trong vòng 6 giờ, ông phát hiện, những con chó được truyền máu không biểu hiện các phản ứng chống đối nào. Từ 6 đến 8 giờ, máu trong một cơ thể chết vẫn còn vô trùng và tế bào hồng huyết cầu vẫn duy trì các khả năng chuyên chở khí oxy.
Hai năm sau, Viện Sklifosovsky ở Moscow nghe nói về công trình của Shamov và bắt đầu thử nó trên con người. Họ ưa thích kỹ thuật này đến nỗi một phòng mổ đặc biệt đã được xây dựng và các tử thi được đưa tới đó. “Các tử thi được các xe cấp cứu chở tới từ đường phố, các văn phòng và những địa điểm khác nơi cái chết đột ngột tấn công con người,” B.A. Petrov viết như thế trong ấn bản năm 1959 của tờ Surgery. Robert White, nhà bệnh học thần kinh đã đề cập ở Chương 9, đã bảo tôi rằng trong kỷ nguyên xô viết các tử thi chính thức thuộc về nhà nước, và nếu nhà nước muốn làm điều gì đó với chúng thì nó cứ thế mà làm. (Có lẽ các thi thể, khi đã hút cạn máu, được hoàn lại cho gia đình.)
Các tử thi cũng hiến máu hệt như cách mọi người vẫn làm ngoại trừ việc mũi kim cắm vào cổ chứ không phải vào cánh tay, và thi thể, do thiếu một quả tim đang hoạt động, phải được đặt nghiêng để máu chảy ra chứ không phải được bơm ra. Tử thi, Perrov viết, được đặt trong “tư thế Trendelenburg hết mực”. Bài viết của ông bao gồm một phác họa về tĩnh mạch cảnh được nối với một cái ống và một bức ảnh chụp những ống tiêm vô trùng đặc biệt để rút máu vào đó, dù theo ý tôi tốt hơn nên dùng chỗ trống đó để minh họa cho tư thế Trendelenburg bí ẩn và gợi tò mò. Tôi tò mò chỉ vì tôi đã dành ra một tháng với một bức ảnh trắng đen về “Tư thế Sims cho thực nghiệm sản phụ khoa”* trong cuốn lịch Viện bảo tàng Mütter năm 2001 treo trên tường. (“Bệnh nhân nằm nghiêng sang trái,” bác sĩ Sims viết. “Hai đùi gập lại… đùi bên phải hơi nhích lên chút ít so với đùi bên trái. Cánh tay trái dặt dọc theo sau lưng và ngực xoay về phía trước.” Đây là một tư thế ẻo lả, rất ư khêu gợi, và người ta phải tự hỏi có phải chính sự dễ dàng thâm nhập mà nó tạo ra hay sự tương tự với kiểu dáng của ảnh đàn bà cởi truồng của thời đó đã dẫn dắt bác sĩ Sims của chúng ta cổ động cho việc áp dụng nó.)
Tư thế Trendelenburg, tôi phát hiện ra (nhờ đọc bài viết “Bên ngoài tư thế Trendelenburg: Cuộc đời và những cống hiến về phẫu thuật của Friedrich Trendelenburg” trong tạp chí Surgery, vì tôi rất dễ xao lãng) chỉ đơn giản là tư thế nằm nghiêng một góc 45 độ; Trendelenburg đã sử dụng nó trong phẫu thuật vùng bộ phận sinh dục để nghiêng các cơ quan vùng bụng lên và ra khỏi vị trí. Các tác giả của bài viết miêu tả Trendelenburg như là một nhà phát minh vĩ đại, một người khổng lồ trong lĩnh vực phẫu thuật, và họ than van về thực tế rằng một con người hoàn hảo đến thế lại được nhớ tới nhờ một trong những đóng góp nhỏ nhất của ông cho nền y học. Tôi sẽ góp thêm tội ác bằng cách nhắc tới một đóng góp nhỏ nhất khác của ông cho nền y học, việc sử dụng “những điếu xì gà Havana để cải thiện bầu không khí bệnh viện hôi hám”. Thật mỉa mai, bài viết này nhận định về Trendelenburg như một nhà phê bình thẳng tính về phép chữa bệnh bằng cách trích máu, dù ông không đưa ra ý kiến nào về vấn đề máu của tử thi.
Trong suốt 28 năm, Viện Sklifosovsky đã vui sướng truyền máu tử thi, khoảng 25 tấn máu, đáp ứng 70% nhu cầu điều trị của nó. Thật kỳ quái hoặc không kỳ quái cho lắm, hiến máu tử thi không được phổ biến bên ngoài lãnh thổ Liên Xô. Ở Mỹ, chỉ có một người, và đó là người duy nhất dám thử nó. Dường như bác sĩ Tử thần đã kiếm được cái biệt danh của mình từ lâu trước khi nó được ban tặng cho ông. Năm 1961, Jack Kevorkian hút cạn máu của bốn tử thi theo phương pháp của Liên Xô và truyền máu của họ vào bốn bệnh nhân còn sống. Tất cả đều phản ứng ít nhiều giống như họ sẽ phản ứng đối với người hiến máu còn sống. Kevorkian không nói với gia đình của những người hiến tặng máu đã chết những gì ông ta đang làm, lợi dụng lý do rằng dù sao thì máu cũng bị rút cạn khỏi cơ thể trong lúc ướp xác. Ông cũng giữ im lặng với phía người thụ hưởng, chọn cách không nói cho bốn đối tượng không hề hay biết của mình rằng máu chảy vào tĩnh mạch của họ đến từ những tử thi. Lý do cơ bản của ông trong trường hợp này là kỹ thuật này, vốn đã được sử dụng suốt 30 năm qua ở Liên Xô, rõ ràng là an toàn và bất kỳ sự phản đối có thể có nào của các bệnh nhân chỉ là “những phản ứng tình cảm đối với một ý tưởng mới và hơi ghê tởm.” Chính loại tự vệ này có thể mang lại hiệu quả tốt cho những tay đầu bếp trật chìa mà bạn từng nghe nói tới; những gã vui sướng với việc xốc đũa vào món mì trụn nước sôi.
Trong số tất cả các bộ phận và các mảnh của con người đã đề cập trong Bản thảo Cương mục và trong những bài viết của Thompson Lemery và Pomet, tôi chỉ tìm thấy một thứ khác đang được sử dụng như là dược phẩm hiện nay. Thỉnh thoảng phụ nữ châu Âu và Mỹ sử dụng nhau thai để phòng ngừa trạng thái trầm uất sau khi sinh. Bạn không tìm kiếm nhau thai ở nhà bào chế thuốc như bạn đã làm vào thời của Lemery hay Lý Thời Trân (để giảm nhẹ sự cuồng nhiệt, suy nhược, mất tinh thần và bệnh đau mắt đỏ); bạn tự mình nấu nướng và ăn nó. Truyền thống này đầy đủ tính chính thống để xuất hiện trên nửa tá website về thai sản. Trung tâm Sinh sản Ảo chỉ cho chúng ta cách chuẩn bị món Cốc-tai Nhau (8 oz. V-8, 2 cục nước đá, ½ cốc cà rốt, và ½ cốc nhau sống, xay nhuyễn bằng máy xay trong 10 giây), món Lasagna Nhau và Pizza Nhau. Hai món sau đề xuất rằng sẽ có một ai đó ngoài chính bà mẹ tham gia thưởng thức – rằng nó được chế biến cho bữa ăn tối, chẳng hạn, hay là thức ăn cho một cuộc họp mặt phụ huynh học sinh – và người ta rất hy vọng rằng các vị khách đã nhận được một lời thông báo. Trang web Mothers 35 Plus đặt trụ sở ở Anh kê ra “nhiều công thức xa hoa”, bao gồm nhau đút lò và nhau khử nước. Ngay cả các nhà tiên phong, đài truyền hình Anh đã phát sóng giới thiệu cách chế biến món “Nhau chấy tỏi” trên chương trình dạy nấu ăn TV Dinners trên Kênh 4 phổ biến. Bất chấp cái mà một tường thuật tin tức đã diễn tả là cách hành xử “nhạy cảm” đối với đối tượng, đoạn phim này, được phát vào năm 1998, đã thu thập được chín bình luận của người xem và một cái phát lên cổ tay từ Ủy ban Tiêu chuẩn Phát thanh truyền hình.
Để tìm hiểu xem có thứ dược phẩm từ con người nào trong Bản thảo Cương mục vẫn còn được sử dụng ở Trung Hoa hiện đại hay không, tôi đã liên lạc với học giả kiêm tác giả Key Ray Chong, tác giả cuốn Tục ăn thịt người ở Trung Quốc. Dưới cái tiểu tựa nghe có vẻ dịu nhẹ ôn hòa “Cách trị bệnh cho những người thân yêu dấu”, Chong đã mô tả một hiện tượng lịch sử khá gớm ghiếc mà trong đó con cái, phần lớn là các cô con dâu, buộc phải chứng tỏ lòng hiếu kính của con cái đối với bố mẹ ốm đau, hầu hết là các bà mẹ chồng, bằng cách thẻo một mảnh thịt của mình rồi nấu nướng nó như là một thứ tiên dược có khả năng chữa bệnh. Sự thực hành này đã bắt đầu một cách nghiêm chỉnh từ Triều Tống (960-1126) và tiếp tục qua hết Triều Minh, mãi tới những năm 1900. Chong đưa ra chứng cứ dưới dạng một danh sách, mỗi mục có chú thích chi tiết nguồn thông tin, người hiến tặng, người thụ hưởng, bộ phận cơ thể bị cắt xẻo và kiểu thức ăn được chế biến từ nó. Các món canh và hầm, luôn phổ biến với những người bệnh, là các món thông thường nhất, dù trong hai trường hợp món thịt nướng – một cái vú bên phải và một mảnh thịt đùi/cẳng tay – đã được phục vụ. Theo trường hợp có thể đã được ghi chép lại sớm nhất về sự thu nhỏ dạ dày, một người con trai gan lì đã dâng cho cha mình “mỡ hông trái”. Dù hình thức của bản danh sách rất dễ coi, có những trường hợp người ta rất muốn biết thêm thông tin: Nàng thiếu nữ đã dâng lên mẹ chồng con mắt bên trái hay đại loại là để chứng tỏ lòng tận tụy vô biên của mình hay để trêu gan và làm cho bà ta kinh hoàng một phen chơi? Các ví dụ từ Triều Minh nhiều đến nỗi Chong từ bỏ việc liệt kê các trường hợp cá nhân mà điểm chúng theo từng hạng mục: Tổng số có khoảng 186 mảnh thịt đùi, 37 mảng thịt cánh tay, 24 lá gan, 13 mảnh thịt không xác định, bốn ngón tay, hai lỗ tai, hai cái vú nướng, hai cái xương sườn, một miếng thịt thăn ở eo, một đầu gói và một da dạ dày đã được chế biến cho người bệnh ăn.
Điều thú vị là Lý Thời Trân không tán thành sự thực hành này. “Lý Thời Trân ghi nhận những thực hành này ở những quần thể thiếu hiểu biết,” Read viết, “nhưng ông không cho rằng bất kỳ cha mẹ nào, dù ốm đau đến đâu, nên mong đợi một sự hy sinh như thế từ con cái của họ.” Chắc chắn là người Hoa hiện đại đồng ý với ông, dù các báo cáo về sự thực hành này thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Chong trích dẫn một câu chuyện trong Taiwan News số tháng 5/1987 về một cô con gái cắt một mảnh thịt đùi để nấu thuốc chữa bệnh cho mẹ.
Dù Chong viết trong cuốn sách của ông rằng “ngay cả ngày nay, trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, việc sử dụng ngón tay, ngón chân, móng tay chân, nước tiểu khô, phân và sữa người vẫn được chính quyền khuyến khích sử dụng để chữa một số chứng bệnh nhất định.” (ông trích dẫn cuốn Trung dược Đại từ điển năm 1977), ông không thể giúp tôi liên lạc được với bất cứ người nào đã từng thật sự dự phần, và dù muốn dù không tôi đã từ bỏ cuộc tìm kiếm của mình. Thế rồi nhiều tuần sau đó, ông đã gửi cho tôi một bức e-mail. Nó đính kèm một câu chuyện từ tờ Japan Times trong tuần đó, có tựa là “Ba triệu người Hoa uống nước tiểu”. Vào khoảng thời gian đó, tôi tình cờ bắt gặp một câu chuyện trên mạng internet, xuất bản lần đầu trong tờ London Daily Telegraph, dựa trên một câu chuyện từ tờ Hong Kong Eastern Express ngày hôm trước. Bài báo viết rằng các phòng khám chữa bệnh và bệnh viên tư và công ở Thâm Quyến, ở bên ngoài Hồng Kông, đã bán hay cho những bào thai bị sẩy như là một thứ dược phẩm cho các chứng bệnh ngoài da, bệnh suyễn và nói chung là một thứ thuốc bổ. “Có 10 bào thai tại đây, tất cả đều bị sẩy hồi sáng này,” phóng viên của tờ Express khẳng định cô ta đã được bảo như thế trong lúc bí mật ghé thăm Trung tâm Sức khỏe cho Phụ nữ và Trẻ em Thâm Quyến và hỏi mua bào thai bị sẩy. “Thông thường bọn bác sĩ chúng tôi mang chúng về nhà để ăn. Vì trông cô không khỏe, cô có thể lấy chúng.” Bài viết được minh họa với một hình châm biếm. Nó vẽ những phụ nữ dọn dẹp vệ sinh của bệnh viên “đang đánh nhau để mang thứ của quý của con người về nhà”. Những tay vô danh nhếch nháp ở các hẻm sau Hồng Kông trả 300 đồng cho mỗi bào thai sẩy, và một tay thương gia e lệ “đã được bạn bè giới thiệu về những bào thai” cứ cách mỗi hai tuần lại lén lút tìm tới Thâm Quyến với cái bình thủy và mang về “20 tới 30 cái mỗi lần”, để trị chứng bệnh suyễn của anh ta.
Trong cả hai ví dụ nói trên, tôi không biết các bài báo đó có nói thật hay không, hay chỉ nói thật một phần, hay chỉ là những ví dụ láo toét trơ tráo về người Hoa. Với mục đích tìm hiểu, tôi liên hệ với Sandy Wan, một thông dịch viên kiêm nhà nghiên cứu người Hoa, trước đó đã từng làm việc cho tôi ở Trung Hoa. Hóa ra Sandy đã từng sống ở Thâm Quyến, đã nghe nói về các phòng khám chữa bệnh được nhắc tới trong bài báo, và vẫn còn những người bạn ở đó – những người bạn sẵn sàng cải trang, xin chúc phúc cho quả tim của họ, như là những bệnh nhân đi tìm các bào thai sẩy. Các bạn của Sandy, cô Wu và anh Gai, đã bắt đầu từ các phòng khám tư, bảo rằng họ nghe nói rằng có thể mua bào thai sẩy vì mục đích làm thuốc. Cả hai đều nhận được cùng một câu trả lời: Trước kia thì có thể, nhưng cách đây không lâu chính quyền Thâm Quyến đã tuyên bố bán nhau thai và bào thai sẩy là bất hợp pháp. Hai người bạn đó được bảo rằng các vật phẩm đó được thu gom bởi một “công ty sản xuất y tế với một sự quản lý thống nhất.” Chẳng bao lâu đã sáng tỏ ra rằng điều đó có nghĩa là gì và người ta đã làm gì với những “nguyên liệu” đó. Ở Bệnh viện Nhân dân Thẩm Quyến do nhà nước quản lý, bệnh viện lớn nhất trong vùng, cô Wu tới bộ phận Hoa dược để hỏi một bác sĩ cách trị những vết chàm trên mặt cô ta. Người bác sĩ giới thiệu một thứ thuốc gọi là  thuốc con nhộng Tài Bảo, đang bán ở tiệm thuốc của bệnh viện với giá khoảng 2.50 đồng một chai. Khi cô Wu hỏi thứ thuốc đó là gì, người bác sĩ đáp rằng nó được làm ra từ bào thai sẩy, như ở đó người ta gọi, và nhau thai, và rằng nó rất tốt cho da. Trong lúc đó, ở phòng thuốc bên trong, anh Gai tự nhận bị bệnh suyễn và bảo bác sĩ rằng các bạn anh đã giới thiệu về  bào thai sẩy. Người bác sĩ bảo ông ta chưa nghe nói về việc bán trực tiếp bào thai sẩy cho các bệnh nhân, và rằng chúng đã được một công ty thuộc quyền quản lý của Ban Y tế thu gom; công ty này được phép chế biến chúng thành thuốc con nhộng – Những viên thuốc con nhộng Tài Bảo đã được mô tả với cô Wu.
Sandy đọc bài báo trên tờ Express cho một người bạn làm bác sĩ ở Hải Khẩu nghe. Cả hai đang sống ở đó. Trong khi bạn của cô cảm thấy bài báo quá cường điệu, cô ta cũng cảm thấy rằng mô bào thai thật sự có tác dụng lợi ích cho sức khỏe và tán thành việc sử dụng nó. “Thật đáng tiếc nếu vất bỏ chúng như những thứ rác khác,” cô ta nói. (Bản thân Sandy, một người theo Công giáo, lại thấy sự thực hành này là vô đạo đức.)
Với tôi, dường như người Hoa, so với người Mỹ, có một cách nhìn thực tế, ít cảm xúc hơn nhiều khi đụng tới vấn đề bỏ cái gì vào mồm. Tuy nhiên, về vụ những viên thuốc con nhộng Tài Bảo, tôi đứng về phía người Hoa. Thực tế rằng người Mỹ yêu chó không khiến cho những người Hoa ở Bái Huyện, những người rõ ràng không yêu chó, trở nên vô đạo đức khi kẹp thịt chó vào bánh mì và dùng nó làm thức ăn sáng, cũng giống như sự kính trọng những con bò của người Ấn Độ cũng không làm cho chúng ta trở thành sai trái khi biến chúng thành những sợi dây thắt lưng và thịt kẹp bánh mì. Tất cả chúng ta đều là những sản phẩm của sự giáo dục, của nền văn hóa, của nhu cầu tiện nghi của chúng ta. Có những người (thôi được, chỉ có một người) cảm thấy rằng sự ăn thịt đồng loại cũng có vị trí của nó trong một xã hội cực kỳ lý trí. “Khi con người tiến hóa lên một nền văn minh cao hơn một nền văn minh đã cơ khí hóa nhưng vẫn còn nguyên thủy như nền văn minh anh ta có hiện giờ,” Diego Rivera viết trong hồi ký của mình, “việc ăn thịt người sẽ được ủng hộ. Vì khi đó con người sẽ vứt bỏ mọi mê tín và kiêng kị phi lý của mình.”
Tất nhiên, vấn đề uống những viên thuốc làm từ bào thai đã bị sự tiến hóa và các quyền của bà mẹ làm cho phức tạp lên. Nếu một bệnh viện muốn bán – hay thậm chí cho không – những bào thai sẩy của những người phụ nữ để chế biến chúng thành những viên thuốc, họ phải được sự chấp thuận của những người phụ nữ đó, làm khác đi tức là nhẫn tâm và thiếu tôn trọng.
Bất kỳ nỗ lực nào để tiếp thị những viên thuốc con nhộng Tài Bảo ở Mỹ sẽ là một sự bất hạnh, vì các tôn giáo bảo thủ xem những bào thai có địa vị ngang với những con người chính thức với mọi quyền và năng lực đã được ban tặng cho những huynh đệ khác biệt về mặt tế bào của họ, và vì sự câu nệ đạo đức theo mốt cũ của người Mỹ. Người Hoa đơn giản không phải là những người hay câu nệ về đạo đức. Có lần Sandy kể cho  tôi nghe về một công thức Trung Hoa nổi tiếng gọi là “Kêu ré Ba lần”, trong đó những con chuột nhắt mới đẻ bị bắt khỏi mẹ của chúng (kêu ré lần đầu), bị bỏ vào một cái chảo nóng (kêu ré lần thứ hai), và bị ăn (kêu ré lần thứ ba). Xin nhắc lại, chúng ta cũng bỏ những con tôm hùm sống vào nước sôi và tống cổ những con chuột nhắt khỏi nhà chúng ta bằng cách dán keo vào chân chúng và bỏ cho chúng chết đói, vì vậy chúng ta đừng vội vã ném viên đá đầu tiên.
Tôi bắt đầu tự hỏi: Có bất kỳ nền văn hóa nào đi xa đến độ dùng thịt người làm thức ăn chỉ đơn giản vì tính thiết thực hay chăng?
Trung Hoa có một lịch sử lâu dài và sinh động về việc ăn thịt người, nhưng tôi không tin rằng sự kiêng kị chống lại nó yếu hơn chút nào so với những nơi khác. Trong hàng ngàn trường hợp ăn thịt người xuyên suốt lịch sử Trung Hoa, đại đa số các thủ phạm bị lái tới hành động đó hoặc vì đói hay vì niềm khao khát muốn thể hiện sự căm thù hay chính xác là để trả thù trong chiến tranh. Thật sự, nếu không có một sự kiêng kị mạnh mẽ đối với việc ăn thịt người, việc ăn quả tim hay lá gan của một kẻ thù sẽ không phải là một hành động tàn bạo về mặt tâm lý như nó rõ ràng là vậy.
Key Ray Chong chỉ phát hiện được 10 trường hợp mà ông ta gọi là “ăn thịt người vì khẩu vị”: việc ăn thịt hay cơ quan của người chết không phải vì bạn không có cái gì khác để ăn, hay vì bạn khinh miệt kẻ thù, hay vì bạn cố chữa trị cho cha mẹ đang đau ốm, mà chỉ đơn giản là vì nó ngon miệng và bỏ nó đi thì tiếc quá. Ông ta viết rằng trong quá khứ, có một mối lợi khác dành cho người hành hình Trung Hoa – ngoài thu nhập có được từ việc bán máu và mỡ người – là anh ta được phép mang quả tim và bộ óc của tội nhân về nhà để ăn. Trong thời hiện đại, thịt người dành cho tiêu thụ cá nhân có xu hướng đến từ những nạn nhân bị sát hại – sự ăn thịt đồng loại cung cấp ngay tức khắc một bữa tiệc đáng nhớ và một phương tiện nằm trong tầm tay để giải quyết cái xác. Chong kể lại câu chuyện về một cặp vợ chồng ở Bắc Kinh; họ đã giết một thiếu niên, nấu thịt thằng bé và chia nó cho những người hàng xóm, bảo họ rằng đó là thịt lạc đà. Theo câu chuyện, đăng trong tờ Chinese Daily News ngày 8/4/1985, hai vợ chồng này thú nhận rằng động cơ của họ là một sự thèm thuồng thịt người mạnh mẽ, đã phát triển trong thời gian có chiến tranh, khi thức ăn hiếm hoi. Chong không thấy câu chuyện này khó tin. Vì nạn đói và thói quen ăn thịt người trải dài trong lịch sử Trung Hoa, ông tin rằng một số người Hoa, ở những khu vực đói kém nhất định, đã phát triển một khẩu vị đối với thịt người theo thời gian.
Người ta bảo nó rất ngon. Tay săn vàng Alfred Packer ở Colorado, khi nguồn thức ăn đã cạn, bắt đầu ăn thịt 5 người bạn đồng hành mà sau đó anh ta bị cáo buộc là đã giết chết, đã kể với một phóng viên vào năm 1883 rằng bộ vú của những người đó là “thứ thịt ngọt ngào nhất” mà anh ta từng nếm. Một thủy thủ trên chiếc thuyền buồm Sallie M. Steelman bị hỏng và trôi giạt năm 1878 đã mô tả thịt của một thủy thủ đã chết là nó “ngon như bất kỳ thứ thịt bò bíp-tết nào” mà anh ta từng thưởng thức. Rivera – nếu chúng ta tin câu chuyện phòng phẫu thuật của ông ta – cho rằng những cái chân, vú và vụn xương sườn của các tử thi nữ là “những thứ mềm mại” và đặc biệt thích thú “những bộ óc phụ nữ trộn dầu giấm”.
Bất chấp giả thuyết của Chong về việc người Hoa thỉnh thoảng vẫn thưởng thức thịt người[QT1] , khó mà tìm ra các trường hợp nếm thịt người ở thời hiện đại, và thậm chí còn khó mà xác minh hơn. Theo một bài báo năm 1991 của Reuters (“Những thực khách thích món bánh bao nhân thịt người”), một người đàn ông làm việc trong một lò thiêu xác ở tỉnh Hải Nam đã bị bắt vì tội chặt mông và đùi của những tử thi trước khi hỏa thiêu và mang thịt đó cho em trai của anh ta đang điều hành nhà hàng Bạch Miếu gần đó. Trong suốt ba năm, câu chuyện kể, Wang Guang đã làm ăn phát đạt nhờ món “bánh bao kiểu Tứ Xuyên” làm từ thịt mông và đùi của các vị khách của Hui, người anh trai. Hai anh em này bị bắt khi cha mẹ của một thiếu nữ chết trong một tai nạn giao thông muốn nhìn cô ta lần cuối trước khi hỏa táng. “Khi phát hiện ra rằng đôi mông của cô ta đã bị cắt,” người phóng viên viết, “họ đã gọi cho cảnh sát.” Một câu chuyện thứ hai trên tờ Reuters về các công nhân lò thiêu ăn thịt người được đăng ngày 6/5/2002. Bài báo kể chi tiết về sự phóng túng của hai người đàn ông Phnom Penh bị tố cáo – nhưng không bị kết án, vì không có luật chống việc ăn thịt người – đã ăn những ngón tay và ngón chân người “đã rửa sạch bằng rượu vang”.
Các câu chuyện này thoáng vẻ huyền thoại đô thị. Sandy Wan bảo tôi rằng cô từng nghe một câu chuyện tương tự về một chủ nhà hàng Trung Hoa; người này nhìn thấy một tai nạn và chạy tới để cắt mông của người lái xe đã chết rồi dùng nó để làm nhân bánh bao. Và bài báo Reuters về Hải Nam có những yếu tố đáng ngờ: Làm sao hai cha mẹ đó nhìn thấy bộ mông của con gái mình? Có lẽ cô ta đang nằm sấp trong cỗ quan tài khi họ mang cô ta ra để nhìn lần cuối. Và vì sao bài báo gốc, từ tờ Hainan Special Zone Daily, chỉ cung cấp tên của hai người đàn ông mà không có tên thị trấn họ ở? Xin nhắc lại, đây là Reuters. Họ không bịa chuyện. Phải không nhỉ?

Bữa ăn trên máy bay của hãng China South Airway là một cái bánh bao, một khúc xúc xích nhăn nhúm trần trụi, cuộn trong một lớp giấy nhôm. Khúc xúc xích quá nhỏ so với cái bánh bao, với bất kỳ cái bánh bao nào, và với chính lớp vỏ của nó. Thậm chí với thực phẩm trên máy bay, bữa ăn này quá khó nhai. Người tiếp viên, sau khi giao xong phần ăn cuối cùng, ngay lập tức nghếch mặt lên trời, quay lại phía trước máy bay, và bắt đầu thu nhặt chúng, bỏ chúng vào một túi đựng rác, với giả đoán công minh và chính xác rằng không ai thèm ăn chúng.
Nếu nhà hàng Bạch Miếu vẫn còn tồn tại, hẳn tôi có thể gọi một bữa ăn gây chưng hửng tương tự trong khoảng một giờ nữa. Chiếc máy bay sắp hạ cánh xuống đảo Hải Nam, được cho là quê hương của hai anh em nhà chặt mông. Tôi đã tới Hồng Kông trước đó và quyết định sẽ ghé qua Hải Nam để nhìn sâu vào câu chuyện. Tỉnh Hải Nam hóa ra tương đối nhỏ; nó là một hòn đảo ở ngoài khơi bờ biển phía đông nam Trung Hoa. Hòn đảo này chỉ có một thành phố lớn duy nhất, Hải Khẩu, và tôi đã phát hiện ra, bằng cách gửi e-mail cho người điều hành của trang web chính thức Hainan Window, vờ là một chuyên gia về mai táng (câu hỏi của một nhà báo sẽ bị lờ đi không trả lời), rằng Hải Khẩu có một lò thiêu xác. Nếu câu chuyện có thật, đây phải là nơi nó xảy ra. Tôi sẽ tới cái lò thiêu đó và truy tìm dấu vết của Hui và Wang Guang. Tôi sẽ hỏi họ về động cơ của họ. Phải chăng họ ti tiện và tham lam, hay phải chăng chỉ đơn giản là họ quá thực tế – hai con người đầy thiện chí không thích thấy thịt ngon bị lãng phí? Phải chăng họ không thấy có gì sai trong hành động của mình? Phải chăng họ nghĩ rằng tất cả tử thi nên được tái sử dụng theo cách này?
Những trao đổi giữa tôi với người điều hành trang web của Hải Nam khiến tôi tin rằng Hải Khẩu là một thành phố nhỏ, chật chội, gần như chỉ hơn một thị trấn, và hầu hết mọi người chỉ biết chút ít tiếng Anh. Người điều hành trang web không có địa chỉ của cái lò thiêu, nhưng nghĩ là tôi có thể tìm được nó bằng cách hỏi thăm. “Cứ hỏi một tài xế taxi,” anh ta viết.
Tôi mất tới nửa giờ chỉ để yêu cầu một tài xế taxi chở tôi về khách sạn của tôi. Như tất cả các tài xế taxi và hầu hết mọi người khác ở Hải Khẩu, anh ta không biết nói tiếng Anh. Sao anh ta lại phải nói tiếng Anh chứ? Có rất ít người nước ngoài tới Hải nam, chỉ có những người Hoa từ đại lục đi nghỉ mát. Rốt cuộc tay tài xế gọi điện thoại cho một người bạn biết nói chút ít tiếng Anh và tôi nhận ra mình đang đứng trước một tòa nhà ngổn ngang rộng lớn theo kiểu cao tầng hiện đại với những mẫu tự Hán ngữ trên mái, tôi đoán đó là tên của cái khách sạn. Các phòng khách sạn thành phố lớn của Trung Hoa mô phỏng theo kiểu của các đối tác Tây phương của chúng, với những đầu giấy vệ sinh hình chữ nhật và những cái mũ trùm đầu để tắm; tuy nhiên, luôn có cái gì đó hơi khác, thậm chí đáng yêu. Đây, nó là một cái lọ nhỏ xíu dán nhãn “Sham Poo” và một tờ rơi quảng cáo dịch vụ xoa bóp của một người mù. (Ồ, thưa bà! Tôi rất tiếc! Tôi nghĩ rằng đó là lưng bà! Bà thấy đó, tôi bị mù mà…) Kiệt sức, tôi buông người xuống giường, tạo nên một tiếng rít ken két đột ngột, cho thấy rằng cái giường cũng có thể dễ dàng sụm xuống người tôi.
Sáng hôm sau, tôi tiến tới bàn tiếp tân. Một trong các cô gái biết nói chút ít tiếng Anh, điều này thật có ích, dù cô ta có thói quen đáng lo ngại là nói “Bà có ổn không?” thay cho “Bà khỏe không?” như thể tôi vừa bị trượt trên tấm thảm khi bước ra từ thang máy. Cô ta hiểu từ “taxi” và chỉ ra một chiếc ở bên ngoài.
Đêm hôm trước, khi chuẩn bị cho chuyến đi, tôi đã vẽ ra một bức tranh để đưa cho người tài xế taxi. Nó thể hiện một thân hình treo bên trên ngọn lửa, và ở bên phải tôi vẽ một cái lọ đựng tro hỏa táng, dù cái nói sau trông cứ như một cái ấm samovar, và rất có khả năng rằng người tài xế tưởng tôi đang tìm một nơi để mua món thịt nướng Mông Cổ. Người tài xế nhìn mảnh giấy, tỏ vẻ hiểu, rồi lái xe đi. Chúng tôi đi một lúc lâu, và có vẻ như chúng tôi đang thật sự hướng về phía ngoại ô thị trấn, nơi theo người ta nói có cái lò thiêu xác. Thế rồi tôi nhìn thấy khách sạn của tôi lướt qua ở bên phải. Chúng tôi đang lái theo vòng tròn? Chuyện gì đang diễn ra vậy? Phải chăng người mù massage đang làm thêm giờ với tư cách một tài xế taxi? Chuyện này không hay chút nào. Tôi không ổn chút nào. Tôi ra hiệu cho chàng tài xế đang vui vẻ đánh tay lái tấp vào lề, và tôi chỉ vào văn phòng Đại lý Du lịch Trung Hoa trên tấm bản đồ.
Rốt cuộc chiếc xe dừng lại bên ngoài một nhà hàng gà rán sáng rực ánh đèn, loại địa điểm mà ở Mỹ có thể tuyên bố “Chúng tôi làm đúng loại Gà” nhưng ở đây lại tuyên bố: “Làm Tôi đi Gà!” Người tài xế quay sang để thu tiền. Chúng tôi hò hét với nhau một lúc, cuối cùng anh ta bước ra ngoài và hùng hồn chỉ vào một tấm biển. Nó ghi là Cơ quan Định hướng cho khách du lịch nước ngoài. Thôi được, làm tôi đi gà. Anh ta đúng.
Bên trong, cơ quan du lịch này có một phòng hút thuốc, mà, xét từ độ đậm đặc của khói, đã diễn tiến từ khá lâu, có thể vài năm. Những bức tường là xi măng để trần và một phần của trần nhà xệ xuống. Không có bảng chương trình du lịch hay bảng giờ tàu chạy nào cả, chỉ có một tấm bản đồ thế giới và một cái hốc thờ gắn vào tường với một cây nến điện màu đỏ và một cái bát đựng đồ cúng. Các thánh thần đang được hưởng táo. Ở phía sau văn phòng, tôi có thể nhìn thấy hai cái ghế bọc vải co mới toanh. Điều này khiến tôi bị sốc như một quyết định mua sắm kỳ quặc, so với cái trần nhà đang sắp sập và cái khả năng rất mong manh rằng có hơn 2 hoặc 3 du khách mỗi năm bước vào đây và cần một nơi để ngồi.
Tôi giải thích với người phụ nữ rằng tôi muốn thuê một người thông dịch. Như có phép mầu, hai cú điện thoại và nửa giờ sau, một cô nàng xuất hiện. Đó là Sandy Wan, người phụ nữ sau đó đã giúp tôi truy tìm dấu vết sự thật xung quanh những tay bán dạo các bào thai bị sẩy. Tôi giải thích rằng tôi cần nói chuyện với ai đó ở lò thiêu Hải Khẩu. Vốn từ tiếng Anh của Sandy rất ấn tượng, nhưng có thể hiểu được, không bao gồm từ “lò thiêu”.
Tôi mô tả rằng nó giống như một tòa nhà lớn nơi mọi người đốt những thi thể. Cô ta không nắm được từ cuối cùng và nghĩ rằng tôi muốn nói một loại nhà máy nào đó. “Loại nguyên liệu gì?” cô hỏi. Toàn bộ nhân sự của Cơ quan định hướng du khách nước ngoài đang ngóng nhìn, cố theo dõi câu chuyện.
“Những người chết… chất liệu.” Tôi mỉm cười một cách bất lực. “Những cơ thể đã chết.”
“À,” Sandy nói. Cô không hề nao núng. Cô giải thích với đơn vị du lịch, những kẻ gật gù như thể lúc nào họ cũng hiểu loại chuyện này. Sau đó cô hỏi tôi địa chỉ. Khi tôi đáp rằng tôi không biết, cô tìm được số điện thoại của lò thiêu từ người trực tổng đài thông tin, gọi cho nơi đó để lấy địa chỉ, thậm chí còn thu xếp một cuộc hẹn với tay giám đốc. Cô thật tuyệt vời. Tôi không thể hình dung cô đã nói gì với tay đó, hay những gì cô nghĩ tôi có thể cần nói với anh ta. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi tội nghiệp cho tay giám đốc lò thiêu khi nghĩ rằng anh ta sắp bị một bà vợ góa đau khổ người ngoại quốc tới thăm, hay có lẽ một doanh nhân nhiệt tình nào đó sẽ tới đó để giúp anh ta cắt giảm các chi phí và tối đa hóa tính hiệu quả.
Trong xe, tôi cố nghĩ ra một cách để giải thích với Sandy điều tôi sắp nhờ cô làm giúp. Tôi cần cô hỏi người này rằng ông ta có một công nhân từng cắt mông của các xác chết để phục vụ trong nhà hàng của em hắn ta hay không. Bất kể tôi suy nghĩ hay sắp đặt câu thế nào, nghe nó vẫn có vẻ kinh khủng và phi lý. Vì sao tôi lại cần biết điều này? Tôi đang viết loại sách gì? Sợ rằng Sandy có thể đổi ý, tôi không nói gì về những cái bánh bao. Tôi bảo rằng tôi đang viết một bài báo cho một tạp chí trong ngành phục vụ mai táng. Giờ thì đúng là chúng tôi đã ra khỏi thành phố. Những chiếc xe tải và xe gắn máy đã trở nên hiếm hoi. Mọi người đánh xe bò và đội thứ nón tròn, chỏm nhọn mà bạn từng thấy ở vùng quê Việt Nam, chỉ có điều những cái nón này được làm từ những mảnh giấy báo. Tôi tự hỏi không biết có ai đó, ở một nơi nào đó, đang đội số báo Hainan Special Zone Daily ngày 23/3/1991 hay chăng.
Chiếc taxi ngoặt vào một con đường đất. Chúng tôi chạy qua một ống khói bằng gạch, đang phun ra những cụm khói đen xì: cái lò thiêu. Ở phía cuối đường là ngôi nhà phục vụ tang lễ và văn phòng của lò thiêu. Chúng tôi đi thẳng tới một cầu thang đá hoa dẫn tới văn phòng của viên giám đốc. Việc này chỉ có thể diễn ra một cách tệ hại. Người Hoa rất cảnh giác với các nhà báo, nhất là những nhà báo nước ngoài, và đặc biệt là những nhà báo nước ngoài đề xuất rằng nhân viên của bạn đã cắt xẻo những người thân đã chết của các vị khách hàng đang chi tiền để làm bánh bao. Tôi đã nghĩ cái gì vậy Trời?
Văn phòng của tay giám đốc khá rộng và thưa thớt đồ nội thất. Trên tường không có gì khác ngoài một cái đồng hồ, như thể không có ai biết cách trang trí cho cái chết. Sandy và tôi ngồi xuống mấy cái ghế bọc da thấp sát sàn nhà, giống như những cái ghế xe hơi, và được bảo rằng vị giám đốc sẽ tới gặp chúng tôi ngay. Sandy mỉm cười với tôi, không hay biết gì về sự kinh hoàng sắp phơi bày. “Sandy,” tôi bật thốt, “tôi phải nói với cô chúng ta sẽ nói về cái gì! Có một anh chàng đã cắt những bộ mông từ các xác chết để đưa cho em hắn ta để…”
Chính ngay lúc đó vị giám đốc bước vào. Đó là một phụ nữ trông có vẻ nghiêm khắc, cao khoảng hơn 1,8m. Từ vị trí khiêm tốn của tôi gần sàn nhà, trông bà ta dường như có kích thước của một siêu nhân, cao xấp xỉ với cái ống khói bên ngoài và cũng rất có khả năng xì khói.
Vị giám đốc ngồi xuống bàn làm việc. Bà ta nhìn tôi. Sandy nhìn tôi. Cảm thấy chóng mặt, tôi tuôn ra câu chuyện của mình. Sandy lắng nghe, và cầu Chúa phù hộ cho cô, cô không bộc lộ cảm xúc nào. Cô quay sang vị giám đốc – bà ta không mỉm cười, không hề mỉm cười kể từ khi bước vào phòng, cũng có thể không bao giờ mỉm cười – và nói với bà ta những gì tôi vừa nói. Cô đã sắp đặt lại câu chuyện, giải thích rằng tôi nghĩ có thể anh ta từng làm việc ở đây, rằng tôi làm việc cho một tờ tạp chí và tôi hy vọng có thể gặp và nói chuyện với anh ta. Vị giám đốc khoanh tay lại và nhíu mắt. Tôi nghĩ tôi nhìn thấy hai lỗ mũi bà ta tóe lửa. Lời đáp của bà ta kéo dài 10 phút. Sandy nhã nhặn gật đầu trong suốt thời gian đó, với sự bình thản chăm chú của một người đang tiếp nhận một đơn đặt hàng thức ăn nhanh hay những hướng dẫn đi tới cửa hàng. Tôi rất là ấn tượng. Rồi Sandy quay sang tôi. “Bà giám đốc, à, bà ta rất tức giận. Bà giám đốc rất… kinh ngạc khi nghe những thực tế này. Bà ta chưa bao giờ nghe câu chuyện này. Bà ta bảo bà ta biết tất cả mọi công nhân của mình, và bà ta đã ở đây hơn 10 năm và bà ta phải biết về loại chuyện này. Bà ta cũng cảm thấy nó là một… câu chuyện thật sự bệnh hoạn. Và do đó bà ta không thể giúp bà.” Tôi đã ước gì có thể nhìn thấy một bản tốc ký ghi lại lời đáp của bà giám đốc, và rồi tôi không ước nữa.
Khi quay ra chỗ xe taxi, tôi cố hết sức giải thích về mình với Sandy. Tôi xin lỗi vì đã đẩy cô vào chuyện này. Cô bật cười. Cả hai chúng tôi cười phá lên. Chúng tôi cười to đến nỗi người tài xế muốn biết chúng tôi cười vì chuyện gì, và cả anh ta cũng bật cười. Người tài xế lớn lên ở Hải Khẩu, nhưng anh ta chưa hề nghe câu chuyện về anh em nhà Guang. Rốt cuộc hóa ra cũng không có người nào trong số bạn của Sandy từng nghe thấy nó. Chúng tôi bảo anh tài xế thả xuống ở thư viện công cộng Hải Khẩu để tìm bài báo gốc. Rốt cuộc chả có tờ báo nào tên là Hainan Special Zone Daily, chỉ có tờ Hainan Special Times, một tờ tuần báo. Sandy tìm trong những tờ báo trong tuần có ngày 23/3/1991, nhưng không có lời nào nhắc tới những cái bánh bao nhân thịt người. Cô cũng kiểm lại những quyển danh bạ cũ để tìm nhà hàng Bạch Miếu và không tìm thấy gì.
Chả còn gì nhiều để làm ở Hải Khẩu, vì thế tôi đón xe buýt đi về hướng Nam tới Tam Á, nơi có những bãi biển đẹp và thời tiết tốt và có, tôi phát hiện ra, một lò thiêu khác. (Sandy đã gọi cho người giám đốc và nhận được một câu trả lời phẫn nộ tương tự.) Trên bãi biển chiều hôm đó, tôi trải chiếc khăn tắm ra cách một tấm bảng gỗ vài bước. Nó khuyến cáo những người tới chơi ở bãi biển “Đừng khạc nhổ ở bãi biển”. Trừ phi, tôi tự nhủ, bãi biển này phải gánh chịu những cơn ác mộng, những ung nhọt, chứng viêm mắt hay mồ hôi thối.

Những nhà nhân loại học sẽ nói với bạn rằng lý do mọi người không bao giờ ăn thịt kẻ khác một cách thường xuyên là vì vấn đề kinh tế. Tôi nghe nói ở Trung Mỹ có những nền văn hóa thật sự nuôi người như nuôi gia súc – nhốt những chiến binh thù địch một thời gian để vỗ béo họ – làm như thế thì không thiết thực lắm vì bạn phải cho họ ăn nhiều hơn cái mà bạn có được vào lúc cuối là ăn thịt họ. Nói cách khác, những động vật ăn thịt và ăn tạp là những thứ gia súc tệ hại. Stanley Garn bảo, “Con người cực kỳ thiếu khả năng trong việc chuyển đổi calori thành thành phần cấu tạo của cơ thể.” Ông là một nhà nhân loại học về hưu từng làm việc ở Trung tâm Tăng trưởng và Phát triển Con người của Đại học Michigan. Tôi đã gọi cho ông vì ông có viết một bài Nhân loại học châu Mỹ về chủ đề thịt người và giá trị dinh dưỡng của nó. “Mấy con bò của cô còn có nhiều hiệu quả hơn,” ông bảo.
Nhưng tôi không quan tâm tới các nền văn hóa ăn thịt các kẻ thù bị bắt bằng các nền văn hóa ăn người chết của chính họ: kiểu mẫu thiết thực, tại-sao-không của sự ăn thịt đồng loại – ăn thịt của các xác chết còn tươi vì chúng ở đó và đây cũng là một sự thay đổi khẩu vị tuyệt vời từ những củ khoai sọ. Nếu bạn không phải đi ra ngoài để bắt người và/hoặc sẽ phải gặp rắc rối trong lúc vỗ béo họ thì giá trị kinh tế về mặt dinh dưỡng bắt đầu có nhiều ý nghĩa hơn.
Tôi tìm được một bài viết về Nhân loại học châu Mỹ – một phúc đáp lại bài viết của Garn – phát biểu rằng trong thực tế có những trường hợp các nhóm người sẽ ăn không chỉ các kẻ thù mà họ giết chết mà cả những thành viên trong nhóm bị chết vì các nguyên nhân tự nhiên. Dù trong mỗi trường hợp, tác giả, nhà nhân loại học Stanley Walens ở Đại học Cailfornia, San Diego nói, sự ăn thịt đồng loại được thể hiện theo các nghi thức. Không có nền văn hóa nào, trong chừng mực ông ta biết, chỉ đơn giản xẻo thịt các thành viên bộ lạc để phân phối như là thịt súc vật.
Dường như Garn không đồng ý. “Có nhiều nền văn hóa ăn người chết của họ,” ông nói, dù tôi không thể thu thập được điều gì cụ thể từ ông. Ông nói thêm rằng có nhiều nhóm – quá nhiều, ông nói, để có thể nêu ra – thường ăn trẻ sơ sinh như một phương tiện kiểm soát dân số khi thực phẩm hiếm hoi. Tôi muốn biết là họ bị giết hay họ đã chết sẵn từ trước.
“Chà,” ông đáp, “họ đã chết vào lúc họ bị ăn.” Đây là cách mà các cuộc trò chuyện với Garn dường như luôn dẫn tới. Vì lý do nào đó, ở giữa chặng đường trao đổi giữa chúng tôi, ông lái câu chuyện từ ăn thịt đồng loại vì lý do dinh dưỡng cho tới lịch sử của bãi rác – một cú quay ngoắt ngoạn mục – và ít nhiều nó vẫn còn như thế. “Cô nên viết một cuốn sách về điều đó,” ông nói, và tôi nghĩ ông nói thật.
Tôi đã gọi cho Stanley Garn vì tôi đang tìm một nhà nhân loại học đã thực hiện một phân tích về giá trị dinh hưỡng của thịt người và/hoặc thịt các cơ quan. Bạn biết đó, chỉ do tò mò thôi. Garn chưa chính xác làm điều này, nhưng ông đã tìm ra tỷ lệ phần trăm giữa nạc và mỡ trong thịt người. Ông đoán rằng con người ít nhiều có cùng thành phần cấu tạo cơ thể với bê. Để đi tới con số đó, ông ngoại suy từ các tỷ lệ phần trăm trung bình của mỡ ở cơ thể người. “Hiện có loại thông tin đó về mọi người ở hầu hết các nước,” ông nói. “Vì thế cô có thể gặp người mà cô muốn làm thịt cho bữa tối.” Tôi tự hỏi sự tương tự giữa thịt bò và thịt người nhiều đến cỡ nào. Có đúng là một cục thịt người, giống như thịt bò, có nhiều mỡ hơn được xem là có vẻ ngon lành hơn? Phải, Garn nói. Và, cũng giống như gia súc, các cá thể được ăn uống tốt hơn sẽ chứa nhiều chất đạm hơn. “Những con người nhỏ bé của thế giới hầu như không đáng để ăn thịt,” Garn nói – và tôi phải giả định là ông nói tới những người dân suy dinh dưỡng ở các nước thứ ba chứ không phải những chú lùn.
Chỉ có một nhóm các cá thể đương thời mà khẩu phần ăn của chúng gặp phải nguy cơ chứa đựng cả những đồng loại đã chết. Đó là những con thú cưng ở California. Năm 1989, trong lúc tìm kiếm một câu chuyện về một đạo luật ngớ ngẩn và phân biệt chủng tộc nhằm ngăn cản những người nhập cư gốc Á ăn thịt mấy con chó của các quý bạn láng giềng (điều vốn dĩ bất hợp pháp sẵn rồi vì ăn trộm chó là bất hợp pháp), tôi biết được rằng, theo các quy định của đạo luật Không khí sạch (Clean Air Act) của California, các đoàn thể nhân đạo đã chuyển từ việc hỏa thiêu những con thú cưng được làm chết không đau đớn tới cái mà một quan chức gọi là “tình huống chế biến”. Tôi ghé thăm một nhà máy chế biến để xem mấy con chó bị chế biến thành cái gì. “Chúng tôi xay chúng ra và biến chúng thành bột xương,” giám đốc nhà máy nói. Bột xương là một thành phần phổ biến của phân bón và thức ăn gia súc – bao gồm nhiều loại thức ăn gia súc thương mại.
Vạn hạnh thay, các nhà sản xuất thức ăn cho thú cưng đã lánh xa giải pháp cắt giảm chi phí đặc biệt này. Năm 2001, Trung tâm Thú Y của Hiệp hội Thực phẩm và Thuốc đã kiểm tra một loạt thức ăn cho thú cưng để xem chúng có chứa AND của những con chó hay mèo hay không. Không tìm thấy.
Tất nhiên, không con người nào bị chế biến thành phân bón sau khi họ chết. Hoặc dù sao thì cũng không, trừ phi họ muốn thế.


* Trái ngược với giống chuột nhắt, ngựa, chuột cống, ngỗng, lợn, cừu, la, lừa hay chó. Phân chó đặc biệt phổ biến, nhất là phân chó phơi khô thành màu trắng để chế biến thành loại thuốc Album Graecum phổ biến vào thời Phục hưng. Cuốn Bản thảo Cương mục không chỉ bao gồm phân chó mà cả những loại hạt và xương trích ra từ nó. Những thứ này là thời gian thử thách đối với những nhà bào chế thuốc.
** Nếu bạn có thể chịu được nó, nó cực kỳ thích hợp, về mặt lịch sử, để tránh chứng động kinh. Các thứ thuốc bao gồm sọ người đã chưng cất, tim người sấy khô, viên thuốc từ xác người ướp, nước tiểu ấu nam, phân của chuột nhắt, ngỗng và ngựa, máu còn ấm của đấu sĩ, thạch tín, mã tiền, dầu gan cá tuyết và borax.
*** Trong khi tôi tạ ơn Trời vì được sống trong kỷ nguyên của thuốc kháng sinh và kem Gyne-Lotrimin mua không cần toa bác sĩ, tôi lấy làm buồn lòng với các cống hiến của ngành dược hiện đại cho danh pháp y học. Ở chỗ trước kia chúng ta có bệnh viêm tràng nhạc và phù thủng, ngày nay chúng ta có loạn nhịp nhanh trên thất và đau dây thần kinh lưỡi hầu, đau dây thần kinh số 9. Chứng viêm amiđan, loét mũi truyền nhiễm và loét da ở ngựa đã biến mất. Tạm biệt những mô kết hạt xum xuê và sự thoái hóa mỡ của não. Chào từ giã lác và sốt lao phổi. Ngay cả những cách điều trị từng có một mùi vị văn chương gợi tả. Tờ Merck Manual năm 1899 liệt kê “một cốc đầy nước khoáng Carlsbad, uống nóng trong lúc mặc quần áo” như là một cách chữa trị chứng táo bón, và “sự thâm nhập vào bên trong” đáng yêu, và bí ẩn nếu có, được xem như là một cách chữa bệnh mất ngủ.
* Bạn không còn nhìn thấy tư thế Sims nữa, nhưng bạn có thể nhìn thấy bác sĩ Sims, người tiếp tục sống với tư cách một pho tượng trong Công viên trung tâm ở New York. Nếu bạn không tin tôi, bạn có thể tự mình nhìn nó, trên trang 56 của Truyền thuyết lãng mạn của khoa hậu môn. (Rõ ràng Sims là môt dạng tay chơi tài tử khi đụng tới những cái lỗ trên cơ thể.) Tái bút: Tôi không thể, từ một thoáng đọc lướt qua, xác định được sự lãng mạn ở đây là cái quái gì.

Nguyễn Thành Nhân dịch

TRÍCH CHƯƠNG 10 QUYỂN  CỨNG ĐƠ - Cuộc sống lạ lùng của những xác người
( Stiff: The Curious Lives of Human Cadavers by  MARY ROACH)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét