Cách nay chừng hai năm, tôi viết câu này: "Tôi đã
dịch gần xong Mrs. Dalloway của Virginia Woolf. Thằng cha Septimus điên khùng
khiến nhiều khi tôi cũng muốn nổi điên theo chả. Rốt cuộc, đời này có nghĩa là
gì? Virginia đã tự trả lời một cách dứt khoát, bằng chính đời mình: Chết!..."
Septimus là ai? Và vì sao sự điên khùng hư cấu của
một nhân vật điên khùng hư cấu trong Mrs. Dalloway lại khuấy động tâm can tôi
dữ dội ghê gớm vậy?
Khi viết câu "nhiều khi tôi cũng nổi điên
theo chả", tôi đã cố tối giản vấn đề. Và thật sự, tôi cũng đã giảm
thiểu được nó phần nào, ngay lúc đó.
Nhưng rồi, như Septimus, những câu mà anh ta (hay
chính Virginia) cứ lặp đi lặp lại, vẫn còn nằm đó trong một góc sâu khuất tâm
tư, trong một cõi miền vô thức. Và thỉnh thoảng nó lại nhô lên bề mặt, khuấy
động, gom gió đau khổ trăm chiều từ cuộc sống thực hằng ngày để chuyển mình
thành bão dữ. Cơn bão đó ngày càng lớn. Và tôi sợ, rất sợ một ngày nào đó nó sẽ
cuốn phăng tôi vào cõi điên loạn thiên thu.
Virginia không trực tiếp dự phần vào chiến cuộc.
Nhưng bà, một máy đo địa tâm chấn cực nhạy của thời đại mình đang sống, đã ghi
lại được những tần số rung động rất mong manh, yếu ớt, chỉ như một chấn động mơ
hồ của một phím dương cầm mà một người mù nhạy cảm như Helen Keller mới ghi
nhận được.Lúc tôi đang dịch, tôi có một cảm giác ớn lạnh, một cảm giác sợ sệt,
một cảm giác bị hút vào một vực xoáy âm u, hứa hẹn những điều còn ghê sợ hơn
cái chết - vực xoáy hư vô. Nhưng cảm giác đó may sao bị nhấn chìm bởi những
thực tại mà tôi phải đối mặt hàng ngày. Tôi tưởng là nó đã tan biến mất. Tôi
tưởng là nó đã chìm hẳn xuống vùng quên lãng. Nhưng không.
Virginia sao quá tài tình! Bởi Septimus trong những
ngày chiến trận mịt mù đạn pháo là một gã đàn ông, một người lính gần như chai
đá, trơ lì, vô cảm. Rồi chiến cuộc tàn. Anh quay về, rất bình thường như bao
người lính khác sống sót giã từ vũ khí để sống lại cuộc đời trước đó.
Nhưng cuộc đời không còn như trước đó. Có cái gì đó
đã gẫy ngang, đã sụp đổ. Có cái gì đó đã tạo ra một khoảng tối trong tâm hồn.
Septimus cố chống cự với nó hàng ngày. Với sự hỗ trợ của vợ anh. Họ tới gặp
những bác sĩ tâm thần. Nhưng vô ích. Cửa Hư vô đã mở. Tôi xin trích lại dưới
đây thêm vài dòng trong phần giới thiệu bản dịch Mrs Dalloway (viết sau khi
dịch xong toàn bộ tiểu thuyết). Tới giờ, tức là lúc đang viết những dòng này,
tôi mới nhận ra vì sao tác phẩm này được giới phê bình học thuật uy tín đánh
giá cao hơn To the Lighthouse (dù tôi vẫn yêu mến To the Lighthouse hơn,
nó không hề mang tới cho tôi những cảm giác rùng mình ớn lạnh mà ngược lại rất
nhiều vỗ về an ủi.)
Mrs Dalloway đã chạm tới những cõi âm u mà khoa học
và y học cho tới nay chưa có lời giải đáp vẹn toàn. Sau đây là phần trích:
Chủ đề nổi bật trong tác phẩm này là tác động của
Thế chiến I lên mọi tầng lớp xã hội ở Anh. Cuộc chiến tranh đã qua, nhưng dấu
ấn của nó vẫn còn nặng nề, sâu thẳm. Như với Septimus, một cựu chiến binh, bị
chấn thương tâm lý trong chiến tranh và sau đó đã tự sát. Anh đã kinh qua cuộc
chiến bình an, khá vô cảm; đã cưới một cô gái Ý được vài năm. Nhưng sau đó anh
đã phát hiện ra có một cái gì đó không ổn trong tâm hồn mình:
“…khi Evans bị giết ở Ý, ngay trước Ngày đình
chiến, Septimus, không hề biểu lộ chút cảm xúc hay ghi nhận nào, rằng đây là sự
kết thúc của một tình bạn, đã tự chúc mừng mình vì đã cảm xúc rất ít và rất hợp
lý. Cuộc chiến đã dạy anh. Nó thật phi thường. Anh đã trải qua toàn bộ vở kịch,
tình bạn, cuộc chiến châu Âu, cái chết, đã được thăng cấp, vẫn chưa tới ba mươi
và nhất định phải sống sót. Anh đã ở ngay tại đó. Những quả đạn pháo cuối cùng
đã sượt qua anh. Anh quan sát chúng nổ tung với sự dửng dưng. Khi hòa bình lặp
lại, anh đang ở Milan, tạm trú trong nhà của một ông chủ nhà trọ; ngôi nhà có
một mảnh sân nhỏ, những chậu hoa, những cái bàn nhỏ đặt ngoài trời, các cô con
gái hành nghề làm mũ, và một tối nọ anh đã hứa hôn với Lucrezia, cô con gái nhỏ
hơn, trong lúc đang hoang mang – rằng anh không thể cảm nhận được.”
Hoặc:
“Nhưng anh không thể thưởng thức, anh không thể
cảm nhận. Trong tiệm trà, giữa những cái bàn và những người bồi bàn đang tán
gẫu, nỗi sợ kinh khủng lại chế ngự anh – anh không thể cảm nhận. Anh có thể suy
luận; anh có thể đọc, Dante chẳng hạn, một cách hoàn toàn dễ dàng… anh có thể
cộng tờ hóa đơn của mình; bộ não của anh hoàn hảo; hẳn đây là lỗi của thế giới
– rằng anh không thể cảm nhận.”
Những từ “không thể cảm thấy”, “không thể cảm nhận”
cứ lặp đi lặp lại trong tác phẩm, lặp đi lặp lại trong ý thức và tiềm thức và
của Septimus, và anh kết luận:
“Vậy là không có gì để biện minh; không có gì,
bất kể vấn đề thế nào, trừ tội lỗi mà vì nó bản chất con người đã tuyên án tử
hình anh; rằng anh không cảm nhận được. Anh đã không quan tâm khi Evans bị
giết; điều đó tệ hại nhất; nhưng tất cả những tội ác khác bên trên cái chấn
song giường vào những giờ đầu buổi sáng cũng ngóc đầu lên, búng ngón tay, cười
nhạo và châm chọc cái thân thể sóng soày đang nằm nhận thức về sự thoái hóa của
nó; anh đã cưới vợ mình mà không yêu cô ta ra sao; đã nói dối cô ta; đã quyến
rũ cô ta ra sao; đã sỉ nhục cô Isabel Pole, và bị đánh dấu, đầy những vết rỗ
đồi bại đến nỗi những người phụ nữ phải rùng mình khi họ nhìn thấy anh trên phố
ra sao. Phán quyết của bản chất con người đối với một kẻ xấu xa đến thế là cái
chết.”
Septimus nhiều lần nhắc tới từ tự sát, nhưng trong
thâm tâm anh không muốn chết. Mâu thuẫn là thế! Anh nghĩ:
“Vậy là anh đã bị bỏ rơi. Toàn thế giới đang gào
thét: Hãy tự sát, hãy tự sát đi, vì chúng tôi. Nhưng tại sao anh phải tự sát vì
họ chứ? Thức ăn là một lạc thú; mặt trời nóng ấm; và việc tự sát này, người ta
thực hiện nó bằng cách nào, với một con dao ăn, một cách xấu xí, với những vòi
máu – bằng cách hít một cái ống dẫn khí đốt chăng?...”
Và trước khi quăng mình từ cửa sổ căn nhà trọ xuống
cái hàng rào song sắt, anh vẫn nghĩ:
“(Anh ngồi lên bệ cửa sổ.) Nhưng anh sẽ chờ cho
tới giây phút cuối. Anh không muốn chết. Cuộc sống thật tốt đẹp. Mặt trời nóng
ấm. Chỉ có con người – họ muốn gì nhỉ?”
(hết trích)
Septimus trước khi quăng mình khỏi cửa sổ xuống
hàng rào song sắt bên dưới không hề muốn chết. Virginia trước khi nhét đầy đá
vào những túi áo khoác để tự trầm mình dưới dòng sông Ouse có lẽ cũng không
muốn chết. Và tôi, tới giờ này, cũng không muốn chết. Nhưng Hư vô đã cất tiếng
gọi. Và chúng tôi, chúng ta, sẽ lần lượt từng người đáp lại lời gọi đó, theo
cách thức của mình, dù muốn hay không.
21/7/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét