Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

ĐỌC NHÀ Ở CUỐI ĐƯỜNG COVENTRY



Sách được một người bạn tặng lâu rồi. Tôi bắt đầu đọc cũng từ khá lâu. Nhưng không sao đọc hết một mạch như khá nhiều cuốn sách khác. Vì mỗi lần đọc một câu chuyện, bắt gặp một ý tưởng hay hình ảnh nào đó, thân thuộc hay lạ lẫm, tôi lại thả hồn miên man chìm vào những hồi ức của riêng mình. Tôi bắt gặp một chút xíu chất huyền ảo của Watler de la Mare ở câu chuyện này, nỗi xót xa nhẹ nhàng sâu thẳm đối với kiếp người theo kiểu Andersen ở câu chuyện khác; dĩ nhiên văn phong vẫn là riêng biệt, của Ngọc Huyền, một cô giáo mộng mơ. Và như đối với những cuốn sách ta yêu, ta sẽ quay lại thăm nó thêm một lần, lần nữa, vào những đêm mưa rỉ rả hay những lúc buồn quá đỗi.
 
 

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

AI CHO EM LÀM NGƯỜI LƯƠNG THIỆN?


Hôm nay, tôi muốn kể các bạn nghe một câu chuyện nhỏ về một cô gái nhỏ. Em tên là Thu Hà, người Phú Yên, 22 hoặc 23 tuổi. Em vào Sài Gòn kiếm sống, làm phụ bán quán một thời gian, rồi sau đó gom góp số tiền chắt chiu dè xẻn được suốt mấy năm, cộng thêm một ít mượn từ bạn bè, em mua một cái xe để bán trái cây ướp lạnh, ươm một giấc mơ làm chủ đời mình. Các vị chức sắc ở chùa An Lạc, Phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức (nằm trên đường Phạm Văn Đồng) cho em sử dụng một góc nhỏ trong khuôn viên trước chùa để em đặt cái xe và một ít bàn ghế. Ngày 6/5, lực lượng dân phòng và QLTT của phường này tới và hốt gọn tất cả lên xe chở đi, không một tờ biên bản. Em là một cô gái có học vấn thấp, chưa hết cấp hai. Em là một cô gái yếu đuối, bơ vơ, và nhút nhát. Em không biết làm gì ngoài vài lời yếu ớt rằng em đâu có lấn chiếm lề đường. Nhưng "người ta" nhanh chóng khiêng mọi thứ chất lên xe và biến mất, sau một lời nói trổng với một người không phải là chủ xe (anh ta là một thanh niên đang ngồi ăn trái cây với bạn gái tại đó, và cũng là người đã quay clip mà tôi sẽ đưa lên dưới đây): "Chín giớ sáng mai lên phường"! Em chỉ biết đứng ngơ ngác, thất thần. May sao, em vẫn còn chút tỉnh táo để gọi điện thoại cầu cứu bạn tôi, một luật sư. Và bạn tôi bảo em quay lại toàn cảnh. Nhưng còn gì đâu mà quay, nhân viên công quyền và xe đã đi mất dạng. May mắn là người thanh niên nói trên đã quay lại được một đoạn diễn biến náy. Người bạn LS của tôi đang làm việc với UBND phường HBC về vụ việc này. Và theo lời anh kể, mấy ngày nay em chỉ khóc, mắt sưng húp, và chỉ nằm lì trong nhà trọ, không biết phải làm gì. Bạn tôi đã cố an ủi em, và đang cố hết sức bênh vực cho em, để lấy lại cho em chút niềm tin. Tôi chưa gặp em, và cũng rất muốn gặp em trước khi viết bài này. Nhưng giờ đây tôi thấy việc đó cũng không cần thiết lắm. Việc cần thiết hơn là góp một tiếng nói cho em. Tôi tự hỏi, sẽ ra sao nếu vì túng quẩn và không kịp suy nghĩ, em sẽ tự sát? Sẽ ra sao nếu có thể ngày mai, ngày mốt em trở thành một con bướm đêm ở một góc phố tối tăm nào đó, cay đắng bán thân mình để trả nợ và để sống tiếp, nếu em còn đủ can đảm sống. Tôi không muốn bàn nhiều tới những quy định pháp luật cụ thể ở đây. Tôi chỉ muốn nói một điều: Trước khi muốn làm cho thành phố trở nên sạch đẹp, trật tự văn mình, nhà cầm quyền phải tìm ra phương cách để giải quyết cuộc sống cho bao người buôn gánh bán bưng. Họ chỉ muốn làm người lương thiện, kiếm sống bằng một nghề lương thiện. Đừng đẩy họ vào bước đường cùng!

(Chiếc xe giá 11 triệu, bàn ghế và trái cây có lẽ vài triệu nữa, hành vi công nhiên hốt đi số tài sản khoảng 15 triệu mà không một tờ biên bản chỉ có thể gọi là hành vi ngang nhiên cướp đoạt tài sản.)

13/05/2016

Dưới đây là bản dự thảo đơn tố cáo do người bạn LS của tôi thảo giúp em Hà (các tài sản liệt kê, trừ trái cây và ly chén... đều có chứng từ hóa đơn). Do dung lượng lớn nên tôi không tải dược clip  vào blog này. Các bạn quan tâm có thể vào link: https://www.facebook/nhanduset để xem. Xin cám ơn.



 
 

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

ORLANDO CỦA VIRGINIA WOOLF - GIỚI THIỆU

(Sách đã có bìa, xin trân trọng giới thiệu và hy vọng sách sẽ ra mắt bạn đọc trong vòng quý 2, 2016)


 
 
 
 
 
Orlando, A Biography xuất bản lần đầu vào ngày 11/10//1928 (cũng là thời điểm ở đoạn kết của tiểu thuyết). Virginia Woolf xem tác phẩm này như một sự thư giãn tinh thần, một “writer’s holiday” sau những tác phẩm đòi hỏi khắt khe hơn về cấu trúc, chủ đề như Căn phòng của Jacob, Bà Dalloway, Tới ngọn hải đăng… Tuy nhiên, dù chính tác giả không kỳ vọng, Orlando lại chính là tác phẩm được đọc nhiều nhất của bà, và ngay trong lần tái bản thứ hai, số lượng bản in bán ra là 6.000, gấp đôi so với Tới ngọn hải đăng. Thủ pháp dòng ý thức trong tác phẩm này cũng đi tới chỗ cực kỳ điêu luyện và tinh tế. Và có lẽ chính vì được viết với tình yêu và cảm hứng tột cùng, có thể những vấn đề sâu thẳm nhất về ý nghĩa của cuộc đời, tình yêu và sáng tạo được thể hiện trong Orlando, ở một số khía cạnh nhất định, vượt xa hơn rất nhiều so với các tác phẩm khác của Virginia.

 Cho tới nay, nhiều tiểu luận, phê bình và luận văn tiến sĩ cũng đã soi rọi nhiều ánh sáng khác nhau lên tác phẩm, và những tranh luận vẫn còn tiếp diễn, dù nói chung tất cả các văn bản này đều xem Orlando là một tác phẩm “avant-garde” về nữ quyền và tình dục đồng giới nữ.

Trước khi đọc Orlando, một tiểu thuyết hay tiểu sử giả cách (fake biography), có lẽ các độc giả cũng cần biết qua hai yếu tố sau:

Thứ nhất, tác phẩm này được đề tặng cho V. Sackville-West,[1] (sau đây viết tắt là VSW) bạn thân và người tình của Virginia Woolf.[2] Theo lời của Nigel Nicholson[3], con trai của VSW, đây là “lá thư tình dài nhất và dễ thương nhất trong văn học, trong đó [Virginia] khám phá Vita… đẩy bà từ giới tính này sang giới tính khác… buông một màn sương mù xung quanh bà.”[4] VSW cũng là nguyên mẫu của nhân vật chính Orlando, với một số chi tiết đời thật của bà được hư cấu hóa.

 Thứ hai,  các chi tiết trong tác phẩm dựa trên lịch sử của gia tộc Sackvilles, và có bối cảnh chủ yếu dựa trên các thực tế về Knole House[5], một trong số ít gia thự cổ và lớn nhất hiện còn tồn tại ở Hạt Kent, Anh Quốc. Knole House được thiết kế theo niên lịch của một năm, gồm 365 phòng (365 ngày), 52 cầu thang gác (52 tuần), 12 cổng vào (12 tháng) và bảy sân trong (bảy ngày trong tuần). Những phần lâu đời nhất của ngôi nhà này do Thomas Bourchier, Tổng Giám mục xứ Canterbury xây dựng vào khoảng giữa 1456 và 1486. Sau nhiều lần đổi chủ, năm 1566, nó thuộc quyền sở hữu của Thomas Sackville[6], em họ của Nữ hoàng Elizabeth I,[7] cụ kỵ của VSW.

Khi viết về Orlando, hầu hết những nhận định của các nhà nghiên cứu và phê bình văn học Âu Mỹ đều nhấn mạnh tới sự táo bạo và đi trước thời đại của Virginia khi xóa nhòa ranh giới của giới tính trong tình yêu; hoặc sự sáng tạo đậm nét trào phúng của bà khi pha trộn giữa phong cách viết tiểu sử và tiểu thuyết, pha trộn giữa hiện thực và những ảo tượng. Những lý luận đó đều na ná như nhau và đều không có gì mới mẻ hay khai phá. Tuy nhiên, Ted Gioia[8] có một cách nhìn mà người dịch thấy khá mới mẻ và thú vị, ông cho rằng Orlando nhìn xa hơn nhiều vào tương lai so với bất kỳ tác phẩm nào trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng. Và ông cũng nhấn mạnh tới dòng văn xuôi đẹp như thơ của tác phẩm: “Nhưng không tóm lược cốt truyện nào có thể đánh giá đúng những phẩm chất đặc biệt của cuốn tiểu thuyết này. Cái mà độc giả sẽ nhớ tới là những tình tiết ly kỳ, sắc thái và bầu không khí. Tôi đọc cuốn sách của Woolf lần đầu trong những năm đại học, sau khi tới tham quan Knole House, một trong những thái ấp miền quê lớn nhất ở Anh Quốc… Trong ký ức của tôi, kết cấu của cuốn tiểu thuyết nhòa vào những sắc màu và hình ảnh của các bức tranh và những tấm thảm thêu ở Knole House. Tràn ngập các trang sách là một không khí huyền thoại, thể hiện một dạng tồn tại được cách điệu và nâng cao, không phải  cuộc sống thật sự chúng ta vẫn sống, mà giống như một ảo ảnh hay một giấc mơ. Nhưng ngày nay, khi đọc lại tác phẩm, tôi thu lượm được rất nhiều so với hồi ở lứa tuổi hai mươi. Giờ đây tôi khá quen thuộc với các tác phẩm khác của Woolf, và quay lại với bà vì vẻ đẹp đích thực trong ngôn ngữ của bà cũng như chính bản thân câu chuyện. Trong lịch sử ngôn ngữ Anh, có rất ít nhà văn viết hay hơn, trên nền tảng câu nối tiếp câu, hay đi xa hơn trong việc xóa nhòa các ranh giới giữa văn xuôi và thơ. Nhưng trên hết, ngày nay Orlando nổi bật lên với tư cách một tác phẩm đi đầu, tiên báo cho rất nhiều tiểu thuyết sau này – từ The Left Hand of Darkness cho tới Middlesex – những tác phẩm thể hiện giới tính với sự thay đổi không ngừng thay vì cố định, và đã biến nữ tính và nam tính thành những chủ đề bề mặt thay vì những giả đoán bất định trong tiểu thuyết đương thời.”[9]

Ở đây, nhân tiện, từ gợi ý của Ted Gioia, người dịch chợt nghĩ có khi nào Orlando cũng là tác phẩm đầu tiên đã mở đường cho dòng văn học hiện thực huyền ảo (magic realism) với đại diện lẫy lừng nhất của nó là García Márquez hay chăng?

Ở các tác phẩm khác của Virginia Woolf, thời gian và cái chết thường là một nỗi ám ảnh, một yếu tố can thiệp thô bạo vào đời sống hàng ngày, nhưng với Orlando, bà đã phá tan quyền lực tuyệt đối của thời gian và cái chết. Diễn tiến của tiểu thuyết này trải dài qua ba thế kỷ, từ 1588 đến 1928. Với nhân vật chính là Orlando, ban đầu là nam giới, rồi biến thành nữ giới sau một giấc ngủ dài, ở tuổi ba mươi, và dừng lại ở tuổi ba mươi sáu vào thời điểm tác phẩm kết thúc.

Tiểu thuyết này cũng đặt ra những câu hỏi và lời giải đáp cực kỳ tế vi và sâu sắc về ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu và sáng tạo. Tình yêu và Sáng tạo hiện ra, song song như hình với bóng, với từng khía cạnh say đắm, chán chường, ê chề, lố bịch, và cuối cùng là sự chấp nhận, sự tuân phục theo sức mạnh vô hình của “thời đại” trong cuộc đời kéo dài dằng dặc hơn ba trăm năm của Orlando.

TÌNH YÊU   

Chàng, với tư cách một người đàn ông, đã yêu đắm đuối Sasha, Công chúa nước Nga, và bị phụ tình. Chàng bỏ chạy khỏi nước Anh, sang làm Đại sứ ở Constantinople để thoát khỏi sự theo đuổi của Harriet, một nàng công chúa người Roumania vô duyên, kệch cỡm.

Sau một giấc ngủ dài, chàng bỗng biến thành phụ nữ, và sống lang thang phiêu bạt cùng một bộ lạc dân du mục (quãng thời gian này khoảng chừng một thế kỷ).

Rồi tình yêu quê hương trỗi dậy, nàng quay lại Anh. Sau một thời gian ẩn dật, nàng cảm thấy phải trở lại London. Ở đây, nàng lại bị theo đuổi lần nữa bởi Hoàng tử Harry (tức Công chúa Harriet), kẻ trước kia đã cải trang thành phụ nữ để tán tỉnh nàng, vì lúc đó nàng còn là một nam thanh niên. Tình yêu với nàng trở thành một trò đùa, nhưng nàng vẫn cần có tình nhân, bất kể nam hay nữ, vì thỉnh thoảng nàng lại cải trang thành đàn ông để du hí tìm vui. “Cuộc sống và một tình nhân,” đó là ý nghĩa của đời nàng. Sau đó, chán những mối tình hời hợt, có cũng như không, nàng lại trở về ngôi nhà ở quê hương. Rồi cuối cùng nàng nhận ra mình phải tuân theo thời đại, phải có một ông chồng. Nàng gặp Shelmerdine, một gã khoái lãng du giữa trùng khơi sóng dữ; hai người yêu nhau nhanh hơn chớp giật. Nàng kết hôn với chàng. Nhưng gió Tây nam nổi lên, chàng lại nổi máu hải hồ, dong buồm đi rong ruổi ở khu vực Mũi Sừng. Nàng lại sống một mình, có chồng cũng như không. Rồi một đêm chồng nàng quay trở lại, đó cũng là kết thúc của câu chuyện hơn ba trăm năm trôi nổi với tình yêu của Orlando.

SÁNG TẠO

Ở đầu câu chuyện, chàng thiếu niên mười sáu tuổi đã nhận ra sự khác biệt giữa ngôn ngữ và thực tại: “Tuy nhiên, cuối cùng chàng dừng bút. Chàng đang mô tả thiên nhiên, như tất cả mọi nhà thơ trẻ tuổi xưa nay luôn mô tả, và để tìm một sắc xanh chính xác, chàng nhìn vào (và ở đây chàng tỏ ra táo bạo hơn hầu hết mọi người) chính bản thân sự vật đó; ấy là một bụi nguyệt quế mọc bên dưới cửa sổ. Sau đó, dĩ nhiên, chàng không thể viết nữa. Màu xanh thiên nhiên là một chuyện, màu xanh trong văn chương lại là chuyện khác. Dường như thiên nhiên và những con chữ có một ác cảm tự nhiên với nhau; cứ đưa chúng tới gần nhau và chúng sẽ xé nhau thành từng mảnh. Sắc xanh lúc này Orlando trông thấy đã phá hỏng mất vần và nhịp của chàng.” (Chương I)

Sau khi bị Nick Greene mang ra làm trò cười trong một bài thơ trào phúng, Orlando, lúc này là một thanh niên, cảm thấy chán ghét giới văn nghệ sĩ tiếng tăm. Giờ đây những mộng tưởng của chàng về tình yêu, về thi ca đã tan hoang sụp đổ:

 “Như vậy, ở tuổi ba mươi, hay khoảng đó, chàng quý tộc trẻ tuổi này không chỉ có mọi kinh nghiệm mà cuộc sống đã mang tới, mà còn nhìn thấy sự vô giá trị của tất cả những kinh nghiệm đó. Tình yêu và tham vọng, phụ nữ và những nhà thơ, tất cả đều hão huyền như nhau. Văn học là một vở hài kịch trớ trêu. Cái đêm sau khi đọc tác phẩm “Tới thăm một quý tộc ở miền quê” của Greene, chàng gom năm mươi bảy sáng tác thơ đốt trong một đống lửa lớn, chỉ giữ lại “Cây Sồi”, vốn là giấc mơ trẻ con của chàng và rất ngắn. Giờ chỉ còn lại hai thứ mà chàng đặt hết mọi niềm tin vào đó: những con chó và thiên nhiên; một con chó săn Na Uy và một bụi hoa hồng. Thế giới, trong toàn bộ sự đa dạng của nó, cuộc sống trong toàn bộ sự phức tạp của nó, đã thu nhỏ thành hai thứ đó. Lũ chó và một bụi hoa là toàn thế giới.”

Sau rất nhiều suy tư và tự vấn, cuối cùng chàng đã đi tới một kết luận cho mình:

“Suốt một hồi lâu chàng chìm vào những ý nghĩ sâu xa như giá trị của sự vô danh, và niềm vui của việc không có tên tuổi, giống như một lượn sóng quay về với thân thể sâu thẳm của biển khơi; suy nghĩ về cách thức sự vô danh giải thoát tâm hồn khỏi sự quấy rầy của lòng ganh ghét và thù hằn; cách thức nó tạo ra trong huyết mạch dòng chảy tự do của sự khoan dung và lòng cao thượng; và cho phép người ta cho đi hoặc đón nhận mà không cần tới những lời cảm tạ hay ca ngợi; hẳn đó phải là cách thức của tất cả những thi sĩ lớn, chàng nghĩ (dù kiến thức của chàng về Hy Lạp không đủ để chàng khẳng định), bởi lẽ, ắt hẳn Shakespeare phải viết như thế, những người thợ xây dựng nhà thờ đã xây dựng như thế, không cần lời cám ơn hay tên tuổi, mà chỉ cần công việc của họ vào ban ngày và có lẽ một cuộc chè chén vui vẻ lúc đêm về… ‘Đó thật là một cuộc sống đáng ngưỡng mộ biết bao!’ Chàng nghĩ, duỗi thẳng tứ chi ra bên dưới táng sồi. ‘Và vì sao không tận hưởng nó ngay khoảnh khắc này?’ Ý nghĩ này xuyên qua chàng như một viên đạn. Tham vọng rơi xuống như một hòn chì ở đầu dây dọi. Thoát khỏi quả tim bỏng cháy vì tình yêu bị khước từ, thoát khỏi sự trách móc của thói phù hoa, và tất cả mọi gai góc dưới cái đáy tổ cuộc đời từng châm chích chàng đau buốt khi chàng còn giữ lòng tham danh vọng, nhưng không thể nào động chạm tới một kẻ không màng tới vinh quang; chàng mở mắt ra, vốn dĩ chúng vẫn mở to trong mọi lúc nhưng chỉ nhìn thấy những ý nghĩ, và nhìn thấy ngôi nhà, nằm trong thung lũng nhỏ bên dưới chân chàng.”

Trong cuộc nổi dậy ở Constantinople, chàng ngủ một giấc dài và khi tỉnh lại nhận ra mình đã trở thành một phụ nữ, một cách thản nhiên và lãnh đạm.

Nàng đi theo một ông già du mục, rời khỏi thành phố và tới sống với những người dân du mục lang thang, tiếp tục sửa chữa, bổ sung cho tập thơ “Cây Sồi” với phương tiện vô cùng hạn hẹp: mực làm từ quả mọng, không có giấy nên nàng buộc phải viết bên lề và chen vào giữa những dòng đã viết trước đó. Tình yêu đối với thi ca là đốm lửa chập chờn nhưng không hề tắt trong quả tim nàng. Sau đó, khi đã trở lại Anh, nàng sống ẩn dật một thời gian, rồi lại trở lên London hòa nhập vào xã hội thượng lưu, tiếp xúc với giới quý tộc và nghệ sĩ, rồi lại quay trở về quê nhà, sống một cuộc đời bình thản, vẫn luôn suy tư trăn trở với ý nghĩa của cuộc sống, thi ca. Rồi một hôm nàng hoàn thành tập thơ, kết thúc một tác phẩm đã được bắt đầu và viết đi viết lại suốt hơn ba trăm năm. Văn phong của nàng đã trưởng thành chín chắn, tài năng của nàng rốt cuộc đã lên tới đỉnh điểm của nó trong tập “Cây Sồi”, và nàng chợt nhận ra một điều:

“Cuốn bản thảo thơ nằm bên trên quả tim nàng bắt đầu cựa quậy và đập thình thịch như thể nó là một sinh vật, và điều kỳ lạ hơn nữa, cho thấy có một sự đồng cảm tuyệt vời giữa họ, Orlano, bằng cách nghiêng đầu sang bên, có thể đoán ra ý nghĩa của những gì nó nói. Nó muốn được đọc. Nó phải được đọc. Nó sẽ chết trong lòng nàng nếu nó không được đọc. Bởi đây là lần đầu tiên trong đời mình nàng quay sang chống lại tự nhiên bằng bạo lực. Lũ chó săn Na Uy và những bụi hoa hồng đang quây quần xung quanh nàng. Nhưng không cá thể nào trong số những con chó săn và những bụi hoa hồng có thể đọc. Đây chính là sự sơ sót đáng tiếc của Đấng Hóa Công, điều mà nàng chưa bao giờ nhận ra trước đó. Duy chỉ con người được phú cho khả năng này.”

Nàng trở lên London, gặp lại Greene, giờ đã trở thành một quý ông với nhiều tước vị. Nàng không định đưa tập thơ cho ông ta, nhưng tình cờ tập thơ rơi khỏi ngực áo nàng, Greene đề nghị được đọc, và đã giúp nàng xuất bản nó. Tập thơ được trao giải. Quá trình sáng tạo của nàng chấm dứt. Nhưng thi ca và sáng tạo vẫn quay đi quay lại trong những mộng tưởng của nàng.

Thi ca là cơn mộng mị của nàng, và giống như hình ảnh con ngỗng trời ở cuối truyện, thi ca mãi mãi là cái gì đó sẽ bay ngang qua đời sống và mất hút. Hình ảnh ẩn dụ này rất tiếc không được nhiều nhà phê bình chú ý tới:

“‘Bị ma ám!’ Nàng kêu lên, đột ngột nhấn ga. ‘Bị ma ám! Ngay từ lúc mình còn là một đứa nhóc. Con ngỗng trời bay tới đó. Nó bay ngang qua cửa sổ để ra biển. Mình đã nhảy lên (nàng xiết chặt bánh lái) và với tay theo nó. Những con ngỗng trời bay nhanh quá. Mình đã nhìn thấy nó, ở đây… ở đó… ở đó – Anh, Ba Tư, Ý. Nó luôn bay nhanh ra biển và mình luôn ném theo nó những từ giống như những tấm lưới (tới đây nàng vung tay ra) co rúm lại vì mình đã từng nhìn thấy những tấm lưới co rúm lại trên boong tàu, bên trong chỉ toàn rong biển; và đôi khi có một phân bạc – sáu từ – ở đáy của tấm lưới. Nhưng không bao giờ có con cá to sống trong những rặng san hô.’ Tới đây nàng cúi đầu, trầm ngâm rất mực.”

Và rốt cuộc nàng cũng nhận chân được một điều:

“Lúc đó nàng đã nghĩ tới cây sồi trên đỉnh đồi này, và cây sồi có liên quan gì tới việc này, nàng đã tự hỏi. Sự ca tụng và danh vọng có liên quan gì tới thi ca? Bảy đợt xuất bản (cuốn sách đã bán hết sạch) có liên quan gì tới giá trị của nó? Không phải làm thơ là một công việc ẩn mật, một tiếng nói đáp lại một tiếng nói hay sao? Vậy là tất cả những câu nói rối ra rối rít, ca tụng, trách móc và việc gặp những người hâm mộ lẫn những người không hâm mộ đều không ăn nhập gì với bản thân sự việc – một tiếng nói đáp lại một tiếng nói. Cái gì có thể ẩn mật hơn, nàng nghĩ, chậm chạp hơn, và giống với sự trao tặng nhau của những cặp tình nhân hơn câu trả lời ấp úng mà nàng đã thực hiện suốt bao năm nay để đáp lại bài ca lao xao xưa cũ của cánh rừng, của những nông trại, và lũ ngựa nâu đang đứng ở cổng, cổ kề bên cổ, và lò rèn, nhà bếp, và những cánh đồng đang nhọc nhằn nuôi dưỡng những cây lúa mì, những cây cải củ, cỏ, và những đóa hoa diên vĩ và bối mẫu đang bung nở trong vườn?”

Người dịch xin được kết thúc phần giới thiệu tại đây. Rất mong các bạn đọc tìm được nhiều giá trị khác của tác phẩm Orlando từ bản dịch này. Trân trọng.

Sài Gòn, tháng 03/2016

Nguyễn Thành Nhân

 

 

Tham khảo:





·         Orlando: A Biography (Annotated and edited by Mark Hussey- 2006)

·         http://www.tetterton.net/orlando/orlando95_talk.html




·         http://marywhipplereviews.com/virginia-woolf-orlando-2008/




[1] Victoria Mary Sackville-West, Phu nhân Nicolson (1892 – 1962), tên thường gọi là Vita Sackville-West, thi sĩ, tiểu thuyết gia, nhà thiết kế vườn người Anh.
[2] Trong một lá thư gửi cho con trai là Nigel Nicolson, VSW viết rằng trong mối tình giữa bà và Virginia Woolf, cả hai chỉ ngủ chung với nhau hai lần, và ngay cả khi ấy, họ vẫn mặc quần áo (engaged in “bundling”), vì VSW nhận thức được sự yếu ớt cực kỳ về cảm xúc của Woolf và không muốn gây ra cho bà một cú sốc tâm thần với một quan hệ tình dục mãnh liệt. Tham khảo Nigel Nicolson, Portrait of a Marriage (Chicago: University of Chicago).
[3] Nigel Nicholson (1917-2004), nhà văn, chính khách, chủ nhà xuất bản người Anh.
[4] Nguồn: https://www.brainpickings.org/2013/10/11/virginia-woolf-orlando-lesbian-readings/
[5] Năm 1922, VSW xuất bản tác phẩm Knole House and The Sackvilles, được xem là một tác phẩm cổ điển về lịch sử gia thự ở Anh.
[6] Thomas Sackville, Đệ nhất Bá tước xứ Dorset (1536-1608)
[7] Xem chú thích trong Chương I.
[8] Ted Gioia (21/10/1957) nhà phê bình nhạc jazz kiêm sử gia âm nhạc người Mỹ.
[9] Nguồn: http://www.conceptualfiction.com/orlando.html

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

BÀ DALLOWAY ĐÃ ĐƯỢC XUẤT BẢN

Các bạn thân mến,

Rất vui mừng báo tin với các bạn sau nhiều năm chờ đợi, bản dịch tiểu thuyết Mrs Dalloway của nhà văn Virginia Woolf đã được NXB Tổng hợp Tp.HCM ấn hành. Sách in đẹp trên giấy tốt. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.





Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

MỘT TRÍCH ĐOẠN TRONG ORLANDO CỦA VIRGINIA WOOLF

 Bạn thân mến,

Orlando là một lá thư tình dài nhất trên đời. Virginia viết lá thư tuyệt vời và kỳ cục và lạ lùng này để tình thương mến thương tặng người tình trong mộng (và cũng là một phụ nữ như bà ), nữ thi sĩ  V. Sackville-West. Tôi dịch đã gần xong Orlando, nhân dịp cuối năm, xin mời bạn đọc một đoạn mà tôi yêu thích. Hy vọng sách sẽ ra trong vòng quý 2/2016.



ORLANDO
 
Virginia Woolf
 
Nguyễn Thành Nhân dịch
 
(Trích đoạn)
 
 
Trong khi đó, những tháng mùa đông dài dằng dặc đang trôi qua. Từng thân cây trong Công viên phủ đầy sương giá. Dòng sông lờ đờ chảy. Một hôm, khi tuyết phủ kín mặt đất, những căn phòng ngăn tối tăm đầy những bóng tối và những con nai đực đang kêu rống trong công viên, bà nhìn thấy trong tấm gương mà bà luôn giữ bên cạnh để đề phòng những tên gián điệp, qua cánh cửa mà bà luôn mở rộng để đề phòng những kẻ sát nhân, một chàng trai – đó có thể là Orlando hay chăng? – đang hôn một cô gái – cái con bé mất nết trơ tráo đó là ai vậy nhỉ? Bà chụp lấy thanh kiếm cán vàng và chém mạnh vào tấm gương. Lớp kính vỡ loảng xoảng; mọi người chạy tới; bà được nâng lên và đặt vào ghế trở lại; nhưng sau việc đó bà bị sốc và rên rỉ rất nhiều, trong lúc những ngày còn lại của bà sắp đến hồi kết thúc, về sự bội bạc của đàn ông.

Có lẽ đó là lỗi của Orlando; thế nhưng, nói cho cùng, chúng ta có nên lên án chàng không?

Lúc bấy giờ là triều đại của Nữ Hoàng Elizabeth[1]: luân thường đạo lý của họ không phải là luân thường đạo lý của chúng ta; những nhà thơ của họ không phải là những nhà thơ của chúng ta; thời tiết của họ cũng vậy; ngay cả rau củ của họ cũng vậy. Mọi thứ đều khác hẳn.

Bản thân thời tiết, độ nóng và độ lạnh của mùa hè và mùa đông, chúng ta có thể tin, cũng hoàn toàn ở một cung bậc khác. Ánh ngày rực rỡ được chia cách với đêm một cách tuyệt đối cũng như đất chia cách với nước. Những buổi hoàng hôn đỏ hơn và chói chang hơn; những buổi bình minh trắng sáng hơn và ửng hồng hơn. Họ không biết gì về những ánh hoàng hôn bảng lảng và những bóng chiều chạng vạng. Mưa tuôn như trút nước, hoặc không có chút mưa nào. Hoặc ánh mặt trời chói chang hoặc bóng đêm mờ mịt.

Khi diễn dịch điều này sang những lĩnh vực tinh thần theo thói quen của mình, các thi sĩ ca hát về những đóa hồng phai tàn và những cánh hoa rơi rụng với những ngôn từ đẹp đẽ. Khoảnh khắc thật ngắn ngủi, họ hát; khoảnh khắc đã trôi qua; chỉ là một đêm dài, và tất cả ngủ say. Còn việc sử dụng những kỹ xảo như nhà kính hay phòng kính để kéo dài hay bảo quản những bông hoa cẩm chướng hay hồng tươi tắn không phải là cung cách của họ. Họ không biết tới những vấn đề phức tạp và mơ hồ thuộc thời đại có tính chất dần dà và đáng ngờ của chúng ta. Bạo lực là tất cả. Hoa nở rồi tàn. Vầng thái dương mọc rồi lặn. Tình nhân yêu rồi ra đi. Và những gì các thi sĩ nói bằng vần điệu, tuổi trẻ diễn tả chúng bằng cách thực hành. Những nàng thiếu nữ là những bông hoa, và mùa của họ cũng ngắn ngủi như mùa hoa nở vậy. Họ phải được hái trước khi đêm xuống; vì ngày thì ngắn và ngày là tất cả. Như vậy, nếu Orlando làm theo sự dẫn dắt của bầu không khí, của các thi nhân, của chính thời đại đó, và hái bông hoa của chàng ở bên ngoài cửa sổ thậm chí trong lúc tuyết phủ kín mặt đất và Nữ Hoàng đang ngồi cảnh giác trong phòng, chúng ta hầu như không thể nào trách cứ chàng. Chàng quá trẻ trung; chàng như một cậu bé; chàng chỉ làm những gì tự nhiên bảo chàng làm.

Về phần cô gái, chúng ta không biết gì nhiều hơn về nàng so với chính bản thân Nữ Hoàng Elizabeth; tên của nàng là gì? Có thể là Doris, Chloris, Delia, hay Diana, vì chàng đã lần lượt gieo vần cho tất cả những cái tên đó; tương tự, nàng có thể là một tiểu thư trong triều nội, hay một nàng hầu nào đó. Vì sở thích của Orlando khá dễ dãi; chàng không chỉ yêu quý nâng niu những đóa hoa trong vườn thượng uyển; hoa đồng cỏ nội luôn là một sức quyến rũ đối với chàng.

Ở đây, chúng tôi xin nói thẳng, dù hơi sống sượng, như một nhà viết tiểu sử có thể, về một tính cách kỳ lạ của chàng, có lẽ được giải thích bởi thực tế rằng một người bà của chàng từng mặc một chiếc áo blu lao động và từng xách những xô sữa. Một hạt giống của Hạt Kent hoặc đất của vùng Sussex đã trộn lẫn với thứ chất lỏng mong manh tinh tế đến với chàng từ Normandy. Chàng cho rằng thứ hỗn hợp giữa đất nâu và máu xanh là một hỗn hợp tốt lành. Hẳn nhiên chàng luôn có một thiện cảm với tầng lớp thấp kém, nhất là với những người hay chữ mà đầu óc dí dỏm của họ thường giữ họ ở vị trí hạ lưu, như thể có một sự đồng cảm huyết thống giữa chàng và họ. Vào mùa này của đời chàng, khi đầu chàng đầy ắp những vần điệu du dương và chàng không bao giờ lên giường nếu không xóa sạnh một ý tưởng lạ lùng nào đó, gò má của con gái một ông chủ quán trọ dường như tươi tắn hơn và sự hóm hỉnh của cô cháu gái của một ông quản lý khu săn bắn dường như nhanh nhạy hơn những tiểu thư trong triều. Do vậy, chàng bắt đầu thường xuyên lui tới tửu quán Wapping Old Stairs và những quán bia lộ thiên vào ban đêm, trùm lên người một chiếc áo choàng xám để che đậy ngôi sao đeo ở cổ và cái kẹp bít tất ở đầu gối.

            Ở đó, với một vại bia trước mặt, ngồi giữa những lối đi trải cát và những bãi chơi bóng gỗ và tất cả những kiến trúc đơn giản của những địa điểm như thế, chàng lắng nghe những câu chuyện về sự nhọc nhằn, kinh khủng và tàn ác trên vùng biển Tây Ban Nha của những gã thủy thủ; một số gã bị mất các ngón chân, một số khác bị mất mũi như thế nào – bởi những câu chuyện kể thành lời không bao giờ quá hoàn hảo hay được tô điểm sắc màu đẹp đẽ như được viết ra. Đặc biệt, chàng thích nghe những bài ca miên man của họ về quần đảo Azores, trong lúc lũ vẹt đuôi dài mà họ mang về từ những vùng đó mổ vào những chiếc khuyên tai trên tai họ, khỏ những cái mỏ cứng lên những viên hồng ngọc trên ngón tay của họ, và chửi thề ỏm tỏi không thua gì chủ nhân của chúng. Những cô nàng trong quán hầu như cũng bạo mồm bạo miệng và có cung cách thoải mái không kém chi lũ vẹt.

            Họ ngồi trên đùi của Orlando, vòng tay quanh cổ chàng, và phỏng đoán rằng có một thứ gì đó khác thường nằm ẩn giấu bên dưới tấm áo choàng len thô kệch của chàng, hoàn toàn nôn nao đi tới sự thật của vấn đề không kém chính bản thân chàng.

            Cũng không hề thiếu cơ hội. Dòng sông náo động từ sớm đến tối với những chiếc xà lan, đò đưa khách và tàu thuyền đủ loại. Hàng ngày, một con tàu xinh đẹp nào đó sẽ lướt ra khơi để tới các vùng biển Indies; thỉnh thoảng, một con tàu khác, xạm đen và xơ xác, với những gã đàn ông lông lá trên boong, đau khổ bò tới chỗ thả neo. Không ai để ý tới một chàng trai hay cô gái nếu họ bông đùa chút chút trên mặt nước sau lúc hoàng hôn; hoặc nhướng cao một bên lông mày nếu những tay ngồi lê đôi mách đã nhìn thấy họ ngủ ngon lành giữa những bao châu báu, an toàn trong vòng tay nhau. Thật sự, trò mạo hiểm đó đã xảy ra với Orlando, Sukey, và Bá tước xứ Cumberland. Ngày hôm đó oi bức; tình yêu của họ thì sôi nổi; họ ngủ thiếp đi giữa những thùng rượu vang đỏ. Khuya hôm đó ngài Bá tước, kẻ mà thời vận gắn liền với những thương vụ ở Tây Ban Nha, đã một mình tới kiểm tra các thứ chiến lợi phẩm với một cái đèn lồng. Ông ta rọi cây đèn lên một cái thùng tô nô và giật mình lùi lại với một tiếng rủa. Trên cái thùng to hai thân hình quấn chặt nhau đang say ngủ. Vốn có bản chất mê tín, và một lương tâm nặng trĩu vì nhiều tội lỗi, ngài Bá tước cho rằng cặp trai gái đó – họ trùm lên người một tấm áo choàng đỏ, và bụng của Sukey cũng trắng nõn như lớp tuyết vĩnh cửu trong thơ của Orlando – là một hồn ma ló lên từ mộ của những tay thủy thủ chết đắm để quở trách ông ta. Ông ta làm dấu thánh giá. Ông ta thề sẽ ăn năn sám hối. Dãy nhà cất cho người nghèo hiện còn đứng trên phố Sheen Road  là kết quả hữu hình của giây phút kinh hãi đó. Hôm nay, mười hai bà cụ già nghèo khổ của xứ đạo đó ngồi uống trà và tối nay sẽ cầu phúc cho ông ta vì đã cho họ có một mái nhà trên đầu để trú thân; tình yêu trái phép trên một con tàu chở đồ châu báu cũng được cầu phúc như thế đó – nhưng chúng ta phải bỏ qua luân thường đạo lý.

            Tuy nhiên, Orlando sớm trở nên ngán ngẫm, không chỉ vì sự bất tiện của lối sống này, và của những con phố quanh co lân cận, mà còn vì cách ứng xử thô kệch của bọn người ở đó. Vì chúng ta phải nhớ rằng tội ác và sự nghèo túng không có chút sức hấp dẫn nào đối với những người sống dưới triều đại của Nữ Hoàng Elizabeth như chúng có đối với chúng ta. Họ không hề xấu hổ vì học hỏi trong sách như con người hiện đại chúng ta; họ không có niềm tin như chúng ta rằng sinh vào cửa của một ông bán thịt là một phúc lành và không thể xem là một đức hạnh; không hề nghĩ rằng thứ mà chúng ta gọi là “cuộc đời” và “thực tại” theo cách nào đó gắn liền với sự dốt nát và thô lỗ; và thật sự không nghĩ  rằng có bất kỳ sự tương đồng nào đối với hai từ đó. Orlando đến với họ không phải để tìm kiếm “cuộc đời”; và cũng không phải vì truy tìm “thực tại” mà chàng rời bỏ họ. Nhưng khi chàng đã nghe vài chục lần việc Jakes bị mất mũi và Sukey bị mất danh tiết như thế nào – phải công nhận rằng họ kể những câu chuyện này một cách đáng ngưỡng mộ – chàng bắt đầu hơi mệt mỏi với sự lặp đi lặp lại, bởi một cái mũi chỉ có thể bị cắt lìa theo một cách duy nhất nào đó và sự trinh bạch bị đánh mất theo một cách duy nhất khác – hoặc đối với chàng nó có vẻ là như vậy – trong khi các bộ môn nghệ thuật và khoa học thì quá phong phú đa dạng, khuấy động một cách sâu sắc đầu óc hiếu kỳ của chảng. Thế là, vẫn luôn giữ một ký ức vui vẻ về họ, chàng giã từ những quán bia lộ thiên và những bãi chơi bóng gỗ, treo cái áo choàng xám trong tủ áo, để mặc cho ngôi sao sáng tỏa sáng trên cổ chàng và cái kẹp bít tất lấp lánh ở gối chàng, và một lần nữa tái xuất hiện trong triều đình của Vua James. Chàng còn trẻ, chàng giàu có, chàng đẹp mã. Không ai có thể được tiếp đón một cách nồng nhiệt hơn chàng.

            Tất nhiên nhiều tiểu thư sẵn sàng để lộ cho chàng thấy thiện cảm của họ. Ít nhất cũng đã có ba cái tên gắn liền một cách thoải mái với tên chàng trong hôn nhân – Clorinda, Favilla, Euphrosyne – chàng gọi họ như thế trong những bài sonnet của chàng.

            Xin nói về họ theo thứ tự; Clorinda là một tiểu thư dịu dàng, cử chỉ đoan trang rất mực – thật sự Orlando đã rất gắn bó với nàng trong suối sáu tháng rưỡi; nhưng nàng có hai hàng lông mi trắng bệch và không thể chịu nổi việc nhìn thấy máu me.

            Một con thỏ rừng được mang lên để nướng trên bàn ăn của cha nàng đủ khiến nàng ngất xỉu. Nàng cũng chịu nhiều ảnh hưởng của các vị giáo sĩ, và sử dụng quần áo lót một cách dẻ sẻn để có tiền cho người nghèo. Nàng xem việc cải tạo những tội lỗi của Orlando là bổn phận của mình, điều này khiến chàng muốn bệnh, đến nỗi chàng rút lui khỏi cuộc hôn nhân, và không hối tiếc nhiều lắm khi nàng chết sau đó không lâu vì bệnh đậu mùa.

Favilla, người kế tiếp, là một dạng tiểu thư hoàn toàn khác hẳn. Nàng là con gái của một quý ông nghèo ở Somersetshire. Nhờ bản tính vồn vã ân cần và nghệ thuật sử dụng ánh mắt, nàng đã len lỏi tìm đường vào triều đình, nơi những phát biểu của nàng về thuật cưỡi ngựa, mu bàn chân xinh xắn của nàng, và vẻ yêu kiều trong lúc khiêu vũ của nàng chiếm được sự ngưỡng mộ của tất cả mọi người. Tuy nhiên, có một lần, nàng quá dại khờ khi vung roi quất gần chết một con chó spaniel đã xé rách đôi tất lụa của nàng (và phải nói một cách công bằng rằng Favilla chỉ có vài đôi tất và phần lớn chúng được dệt bằng dạ thô) ngay bên dưới cửa sổ của Orlando. Vốn là một người yêu thương động vật, lúc này chàng nhận ra nàng có hàm răng không đều, và hai cái răng cửa nghiêng vào trong; chàng bảo đó là một dấu hiệu chắc chắn của thiên hướng ngang bướng và độc ác ở những người phụ nữ, và thế là chàng hủy bỏ hôn ước ngay đêm đó.

Kẻ thứ ba, Euphrosyne, là mối tình nghiêm túc nhất của chàng. Nàng là con dòng cháu giống của hoàng gia triều đại Desmond Ái Nhĩ Lan và do đó cũng có một gia phả lâu đời và thâm căn cố đế không kém gia phả của Orlando. Nàng xinh đẹp, hồng hào và hơi phớt tỉnh Ăng-lê chút chút. Nàng nói thông thạo tiếng Ý, và có một hàm răng trên tuyệt đẹp, dù hàm răng dưới của nàng hơi xỉn màu hơn. Nàng không bao giờ thiếu một chú chó đua hay spaniel lẩn quẩn dưới chân; nàng cho chúng ăn bánh mì trắng lấy từ đĩa của chính nàng; nàng hát thật ngọt ngào êm ái bên những cây đàn virginal; và không bao giờ mặc lễ phục trước buổi trưa vì nàng cực kỳ quan tâm tới chính bản thân mình. Nói tóm lại, nàng hẳn phải là một cô vợ hoàn hảo cho một nhà quý tộc như Orlando, và chuyện đã đi xa đến độ các ông luật sư của cả hai bên đều bận rộn tíu tít với những bản giao kèo, những khoản di sản để lại cho vợ, những thỏa thuận, những khu nhà đất, những bất động sản và bất cứ thứ gì cần thiết trước khi một kẻ giàu có cực kỳ có thể kết hôn với một kẻ cực kỳ giàu có khác, khi, với sự đột ngột và khắc nghiệt vốn là dấu ấn của thời tiết nước Anh, Đợt Băng Giá Lớn[2] kéo tới.

Các sử gia nói cho chúng ta biết, Đợt Băng Giá Lớn là mùa đông khắc nghiệt nhất từng ập xuống những hòn đảo này. Lũ chim đông cứng ngay giữa không trung và rơi xuống đất như những hòn đá. Ở Norwick, những kẻ qua đường nhìn thấy một thôn nữ trẻ bắt đầu băng ngang qua con lộ trong tình trạng khỏe mạnh bình thường bị biến thành bột và bị thổi tung thành bụi qua những mái nhà khi luồng hơi băng tấn công nàng ta ở góc đường. Số lượng tử vong của cừu và gia súc rất lớn. Các xác chết đóng băng và không thể kéo ra khỏi những mảnh vải. Việc bắt gặp một bầy heo bị đông cứng bất động trên đường không phải là chuyện bất thường. Các cánh đồng đầy những người chăn cừu, người đi cày, những đàn ngựa, và những cậu bé đuổi chim, tất cả chết sững trong hành động ở khoảnh khắc đó, kẻ này với bàn tay đưa lên mũi, người nọ với cái chai đưa lên môi, kẻ thứ ba với một hòn đá giơ lên để ném vào lũ quạ, lúc ấy đứng yên như thể được nhồi bông, trên bờ giậu cách anh ta chừng một thước. Sự tàn khốc của sương giá bất thường đến độ tiếp theo sau đó là một dạng hóa đá; và thiên hạ thường cho rằng sự gia tăng lớn số lượng đá tảng ở một số vùng ở Derbyshire không phải do sự phún xuất nham thạch, vì không có vụ nào cả, mà do sự đông cứng lại của những khách bộ hành không may; họ đã biến thành đá theo đúng nghĩa đen ngay tại nơi họ đứng. Nhà thờ không giúp được gì nhiều, và dù một số địa chủ đưa các thi hài đi chôn cất, đa số thích sử dụng chúng như những cột mốc ranh giới, những cây cột để cừu gãi lưng, hoặc, khi hình thức của khối đá cho phép, những cái máng nước cho gia súc; dù phục vụ cho mục đích nào, chúng đều được đa số tán thưởng, cho tới tận ngày nay.

Nhưng trong lúc những người dân quê đang cực kỳ thiếu thốn, và hoạt động thương mại của đất nước bị đình trệ, London lại tận hưởng một cuộc lễ hội xa hoa tột bậc. Triều đình được đặt tại Greenwich, và vị vua mới nắm lấy cơ hội mà lễ đăng quang mang tới để lấy lòng dân chúng. Ông ra chỉ thị rằng dòng sông, vốn đóng một lớp băng dày tới hơn hai mươi bộ[3] và trải dài suốt sáu bảy dặm dọc hai bên bờ, phải dược quét dọn sạch, trang hoàng sao cho giống như một công viên hoặc địa điểm dạo chơi, với những giàn cây lá tạo bóng râm, những mê cung, những lối đi, những lều giải khát, vân vân, tất cả chi phí do ông đài thọ. Ông dành riêng cho mình và các triều thần một địa điểm ngay phía đối diện với các cánh cổng cung điện; chỉ được ngăn cách khỏi công chúng bởi một sợi dây lụa, và ngay lập tức nơi đó trở thành trung tâm của tầng lớp thượng lưu quí phái nhất ở nước Anh. Các chính khách lớn, với những bộ râu và những cổ áo xếp nếp bệ vệ, ngồi giải quyết những sự vụ quốc gia dưới mái hiên đỏ thắm của Tòa tháp Hoàng gia.

Binh lính ngồi vạch kế hoạch chinh phục người Moor và lật đổ Thổ Nhĩ Kỳ dưới những cái giàn được che bằng lông chim đà điểu châu Phi. Các sĩ quan hải quân cao cấp đi đi lại lại trên những con đường hẹp, ly rượu trong tay, khoe khoang tầm hiểu biết và kể những câu chuyện về hải trình tây bắc và hạm đội Tây Ban Nha. Những cặp tình nhân ngồi tán tỉnh nhau trên những cái trường kỷ trải lông chồn. Những đóa hồng đóng băng rơi xuống như mưa khi Nữ Hoàng và các phu nhân của bà bước ra ngoài. Những quả bóng bay đủ sắc màu treo lơ lửng bất động trong không trung. Đó đây là những đống lửa to đốt bằng gỗ tuyết tùng và gỗ sồi tẩm thừa thãi muối đến độ những ngọn lửa tỏa ra đủ các màu xanh lục, cam và tím. Nhưng bất chấp chúng cháy to cỡ nào, sức nóng vẫn không đủ để làm tan lớp băng trong suốt nhưng rắn như thép. Nó thật sự trong suốt, đến độ người ta có thể nhìn thấy một cá heo sông ở chỗ này, một con cá bơn ở đằng kia, bị đông cứng bên dưới một độ sâu nhiều bộ.

Hàng đàn lươn nằm hôn mê bất động, nhưng việc chúng đang trong tình trạng đã chết hay chỉ tạm ngưng hoạt động và sẽ sống lại khi nước ấm lên khiến các triết gia phải lúng túng không tìm ra lời giải. Gần cầu London, nơi sông bị đóng băng tới độ sâu khoảng hai mươi sải[4], người ta có thể nhìn thấy rõ ràng một chiếc đò nằm dưới đáy sông, nơi nó đã bị chìm hồi mùa thu năm trước, lòng đò chất đầy những quả táo. Người phụ nữ già chủ đò, người chở trái cây tới chợ ở mạn Surrey, ngồi đó trong chiếc áo choàng len và chiếc váy phồng, vạt áo đựng đầy táo, như thể bà ta sắp trao táo cho một khách hàng, dù một màu xanh nhợt trên đôi môi gợi ý cho sự thật. Đó là một cảnh tượng mà Vua James đặc biệt thích nhìn, và ông sẽ mang theo một đám triều thần để cùng ngắm nhìn với mình. Tóm lại, vào ban ngày, không có thứ gì vượt trội hơn vẻ rực rỡ và vui tươi của cảnh vật. Nhưng thời điểm vui nhất của lễ hội là khi đêm xuống. Vì sương giá vẫn tiếp tục giăng trải; đêm hoàn toàn tĩnh lặng; trăng và sao tỏa sáng với sự bất động của những hạt kim cương, và đám cận thần nhảy múa theo nhạc điệu du dương của sáo và kèn trompet.

Thật sự, Orlando không phải là kẻ xem thường điệu nhảy coranto và lavolta; chàng chỉ vụng về và hơi đãng trí. Chàng thích những vũ điệu đơn giản của chính quê hương của mình hơn; những điệu mà chàng nhảy múa như một đứa trẻ theo những nhịp điệu nước ngoài nhộn nhịp. Thật sự, chàng đã tạm thời nghỉ chân vào khoảng sáu giờ chiều ngày bảy tháng Một khi kết thúc một điệu nhảy cađri hoặc mơnuet khi nhìn thấy một nhân vật bước ra từ mái hiên của tòa đại sứ Nga, không rõ là nam hay nữ, vì cái áo chùng rộng thắt ngang lưng và cái quần theo kiểu Nga đã che đậy đi giới tính, gợi cho chàng một sự tò mò tột độ. Nhân vật đó, bất kể tên họ hay giới tính, có chiều cao trung bình, rất thon thả trong bộ y phục nhung màu trắng sứ viền một lớp lông thú xanh xanh kỳ lạ. Nhưng các chi tiết này bị chìm khuất dưới dáng vẻ quyến rũ cực kỳ toát ra từ toàn bộ thân hình đó. Những hình ảnh, những ẩn dụ về sự phô trương cực độ quấn bện vào nhau trong tâm trí của chàng. Chàng gọi nàng ta là một quả dưa hấu, một quả khóm, một cây ô liu, một viên ngọc lục bảo, và một con cáo trên tuyết trắng trong khoảng thời gian ba giây; chàng không biết chàng có nghe thấy nàng không, có thưởng thức nàng không, có nhìn thấy nàng không, hay cả ba thứ này cùng lúc.

(Bởi lẽ, dù chúng tôi phải dừng lời kể trong giây lát, chúng tôi phải vội vã lưu ý rằng tất cả những hình ảnh trong tâm trí chàng lúc này chỉ đơn giản là rất cực đoan để phù hợp với những cảm giác của chàng, và phần lớn xuất phát từ những thứ mà chàng ưa thích mùi vị hồi còn bé dại. Nhưng nếu những cảm giác của chàng khá đơn giản, chúng cũng đồng thời cực kỳ mạnh mẽ. Do đó, việc dừng lại để tìm kiếm nguyên do là điều bất khả.) … Một quả dưa hấu, một viên ngọc lục bảo, một con cáo trên tuyết trắng; chàng cứ thế tấm tắc ngợi khen, cứ thế đăm đăm nhìn ngắm. Khi cậu con trai đó, bởi vì, than ôi, hẳn đó phải là một cậu con trai – không người phụ nữ nào có thể trượt băng ào ào với tốc độ và sự mạnh mẽ như thế - lướt ngang qua chàng hầu như trên những ngón chân, Orlando sẵn sàng vò đầu bứt tóc với nỗi bực tức vì kẻ đó cùng giới tính với chàng, và do vậy không thể nào có chuyện những cái ôm thật chặt. Nhưng kẻ trượt băng đã tới gần hơn. Đôi chân, đôi bàn tay, dáng đi, là của một cậu con trai, nhưng không cậu con trai nào có một cái miệng như thế; không cậu con trai nào có bộ ngực đó; không cậu con trai nào có một đôi mắt trông như thể được vớt lên từ đáy biển. Cuối cùng, dừng lại và nhún gối chào nhà vua với cử chỉ thanh nhã nhất, kẻ vừa lướt qua trên cánh tay của một vị khanh tướng nào đó, kẻ trượt băng chưa rõ họ tên đó đã dừng lại. Nàng có đôi vai nhỏ nhắn. Nàng là một phụ nữ. Orlando nhìn đắm đuối: run rẩy, nóng ran người, lạnh toát người; chỉ muốn lao người qua bầu không khí mùa hè; nghiền nát những hạt sồi dưới chân mình; với tay chạm vào những ngọn sồi. Như chuyện đã diễn ra, chàng cong vành môi để lộ hàm răng trắng đều tăm tắp; hé mở đôi môi có lẽ khoảng nửa in-sơ như thể để cắn; khép chúng lại như thể chàng đã cắn. Tiểu thư Euphrosyne đu người trên cánh tay chàng.

Chàng đã tìm ra tên họ của kẻ lạ mặt đó, Nàng là công chúa Marousha Stanilovska Dagmar Natasha Iliana Romanovitch, và nàng đã tới trong chuyến tàu của ngài Đại sứ Nga, có lẽ ông ta là bác của nàng, hoặc cha của nàng, để tham dự lễ hội. Dân chúng Anh biết rất ít về những người Nga. Họ ngồi hầu như im lặng với bộ râu rậm và những cái mũ lông; uống một thứ chất lỏng màu đen mà thỉnh thoảng họ nhổ lên mặt băng. Không ai nói tiếng Anh, và tiếng Pháp, ít nhất cũng có đôi chút quen thuộc, khi đó được sử dụng trong triều đình nước Anh.

Chính qua sự kiện này, Orlando và Công chúa đã quen nhau. Họ ngồi đối diện nhau ở cái bàn lớn trải bên dưới một tấm vải bạt rộng để các nhà quý tộc ngồi tiêu khiển. Công chúa được xếp ngồi giữa hai tướng công trẻ tuổi, một người là Lord Francis Vere và người kia là Bá tước trẻ tuổi của xứ Moray. Thật buồn cười khi thấy rằng chẳng bao lâu nàng đã đặt họ vào một tình thế khó xử, bởi dù cả hai đều là những thanh niên xuất chúng theo cách của họ, một em bé chưa chào đời cũng có lượng kiến thức về tiếng Pháp nhiều ngang với họ. Vào đầu bữa ăn tối, khi công chúa quay sang Bá tước và nói, với một vẻ duyên dáng khiến ông ta mê mẩn cả tâm hồn: “Je crois avoir fait la connaissance d'un gentilhomme qui vous etait apparente en Pologne l'ete dernier,”[5]  hoặc “La beaute des dames de la cour d'Angleterre me met dans le ravissement. On ne peut voir une dame plus gracieuse que votre reine, ni une coiffure plus belle que la sienne”[6], cả Lord Francis lẫn Bá tước đều tỏ ra cực kỳ bối rối. Vị này sốt sắng múc giùm nàng món súp cải ngựa, vị kia huýt sáo với con chó của mình và chìa một khúc xương có tủy ra cho nó. Tới đây, Công chúa không còn nén nổi một tràng cười rộ, và Orlando, bắt gặp ánh mắt của nàng qua những cái thủ lợn và những con công nhồi nấm, cũng bật cười to. Chàng cười, nhưng tiếng cười trên môi chàng đông cứng trong nỗi ngạc nhiên. Cho tới lúc này, chàng đã từng yêu ai, chàng đã từng yêu cái gì? Chàng tự hỏi trong một cảm xúc xao động bối rối. Một bà già, chàng tự đáp, chỉ toàn xương với da. Những cô gái điếm má đỏ thì quá nhiều đến không đếm xuể. Một nữ tu hay khóc nhè. Những ả đàn bà có máu phiêu lưu và mồm loa mép giải. Một đống những thứ ron ren và điệu bộ khách sáo. Tình yêu không có nghĩa gì đối với chàng ngoài mùn cưa và xỉ quặng. Những niềm vui mà chàng từng có đối với tình yêu cực kỳ nhạt nhẽo và vô vị. Chàng kinh ngạc khi nghĩ làm thế nào chàng có thể trải qua thứ tình yêu đó mà không ngáp dài chán nản. Bởi trong lúc chàng nhìn, quả tim của chàng tan thành chất lỏng; băng giá biến thành rượu vang trong từng huyết mạch của chàng; chàng nghe thấy tiếng nước chảy róc rách lao xao và tiếng chim hót líu lo; mùa xuân nở rộ trên cảnh vật mùa đông ảm đạm; máu đàn ông của chàng thức giấc; chàng xiết chặt một thanh kiếm trong tay; chàng tấn công một kẻ thù liều lĩnh hơn người Ba Lan hay người Moor; chàng lặn xuống đáy nước sâu; chàng nhìn thấy đóa hoa của sự hiểm nguy nhú lên từ một khe hở; chàng duỗi tay ra – thật sự, chàng đang liếng thoắng tuôn ra những vần thơ sonnet say đắm nhất của mình khi Công chúa nói với chàng: “Ông có vui lòng chuyền giúp lọ muối hay chăng?”

Mặt chàng đỏ bừng tới tận mang tai.

“Với tất cả mọi niềm vui trên trần thế, thưa bà,” chàng đáp, nói tiếng Pháp với một giọng tuyệt hảo. Bởi lẽ, xin ca tụng đất trời, chàng đã nói bằng thứ ngôn ngữ của chính chàng; người hầu của mẹ chàng đã dạy chàng. Thế nhưng có lẽ giá như chàng không bao giờ học thứ ngôn ngữ đó thì sẽ tốt hơn cho chàng; không bao giờ trả lời giọng nói ấy; không bao giờ dõi theo ánh sáng của đôi mắt ấy…

Công chúa nói tiếp, “Hai kẻ vụng về kia là ai nhỉ,” nàng hỏi chàng, hai người ngồi bên cạnh nàng với cung cách của những gã thộn? Cái hỗn hợp đáng tởm mà họ đã trút vào đĩa của nàng là thứ gì vậy? Ở nước Anh lũ chó ăn cùng bàn với con người hay sao? Nhân vật vui nhộn ngồi ở đầu bàn với mái tóc dựng lên như một cây nêu kia (comme une grande perche mal fagotee) thật sự là Nữ Hoàng sao? Và phải chăng lúc nào nhà vua cũng chảy nước dãi như thế? Và ai trong số những tay công tử bột kia là George Villiers?

Dù thoạt tiên những câu hỏi này khiến cho Orlando bối rối, chúng được đưa ra với một vẻ tinh quái và khôi hài đến nỗi chàng không thể nín cười; và từ những bộ mặt ngẩn ra của mọi người, chàng thấy rằng chẳng ai hiểu được từ nào, chàng trả lời nàng một cách thoải mái, như nàng đã hỏi chàng, bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo.

Một tình thân giữa hai người đã bắt đầu thế đó, và nó sớm trở thành một vụ tai tiếng trong triều.

Thiên hạ sớm nhận ra rằng Orlando chú ý tới cô gái người Nga hơn phép lịch sự đơn thuần đòi hỏi rất nhiều. Chàng ít khi không ở cạnh nàng, và những lời đối thoại của họ, dù số còn lại không thể hiểu, diễn ra một cách sôi nổi, gợi nên những khoảnh khắc đỏ mặt và tiếng cười, đến độ một kẻ ngu đần nhất cũng đoán ra được đề tài. Ngoài ra, sự thay đổi ở chính bản thân Orlando thật khác thường. Chưa có ai từng thấy chàng tràn đầy sức sống đến thế. Trong một đêm chàng đã vứt bỏ sự vụng về trẻ con của mình, từ một thanh niên mới lớn hay hờn dỗi, kẻ không thể bước vào phòng của một tiểu thư mà không đánh đổ phân nửa số vật trang trí trên bàn, chàng đã trở thành một nhà quý tộc, vô cùng duyên dáng và lịch thiệp đúng kiểu đàn ông. Nhìn thấy chàng dìu cô gái Nga (như thiên hạ gọi nàng) ra cỗ xe trượt tuyết, hay đưa tay mời nàng khiêu vũ, hay nhặt chiếc khăn tay bẩn mà nàng bỏ mặc cho rơi xuống, hay thực hiện bất kỳ việc gì trong số những bổn phận nhiều gấp bội mà nàng đệ nhất tiểu thư đề nghị và kẻ đang yêu vội vã đoán trước là một cảnh tượng nhen lên ánh sáng trong đôi mắt mờ của tuổi già, và khiến cho mạch đập nhanh của tuổi trẻ thêm rộn rã. Thế nhưng bên trên tất cả mọi sự lơ lửng một đám mây đen. Những người đàn ông lớn tuổi thì nhún vai. Bọn người trẻ tuổi thì che miệng cười khúc khích. Tất cả đều biết rằng Orlando này đã đính hôn với một Orlando khác. Tiểu thư Margaret O'Brien O'Dare O'Reilly Tyrconnel (đó là tên thật của Euphrosyne trong những vần thơ sonnet) đã lồng chiếc nhẫn nạm ngọc bích vào ngón áp út trên bàn tay trái của nàng. Chính nàng mới có quyền hạn tối cao đối với những sự chú ý của chàng. Thế nhưng nàng có thể đánh rơi tất cả mọi chiếc khăn tay trong tủ áo của nàng (nàng có tới mấy chục cái tủ áo) xuống mặt băng mà Orlando vẫn chả bao giờ khom xuống để nhặt chúng lên. Nàng có thể đợi hai mươi phút để chàng dìu nàng tới cỗ xe trượt tuyết, rồi rốt cuộc phải bằng lòng với sự phục vụ của gã đánh xe da đen của mình. Khi nàng trượt băng, một chuyện nàng thực hiện khá vụng về, không có ai  cầm lấy khuỷu tay để động viên nàng, và nếu nàng trượt ngã, thường là khá nặng, không ai nâng nàng đứng dậy và phủi bụi tuyết khỏi chiếc váy của nàng. Dù nàng có bản tính phớt tỉnh Ăng-lê, không nhạy cảm mấy đối với sự xúc phạm, và hơn hầu hết mọi người, không sẵn lòng tin rằng một người ngoại quốc không đáng bận tâm có thể tước đoạt hết tình cảm của Orlando dành cho nàng, tuy nhiên, chính tiểu thư Margaret cuối cùng cũng ngờ rằng có gì đó đang diễn ra chống lại sự thanh bình nội tâm của mình.

            Thật sự, với ngày tháng trôi qua, Orlando càng ngày càng không quan tâm tới việc che giấu những cảm xúc của mình. Viện cớ này cớ khác, chàng thường bỏ mặc vị hôn thê ngay khi họ ăn bữa tối xong, hoặc chuồn khỏi những người trượt băng, đang gom thành nhóm cho một điệu vũ bốn cặp. Ngay phút sau, thiên hạ thấy rằng cô gái Nga cũng biến mất theo. Nhưng điều khiến cho triều đình phẫn nộ nhất, châm vào điểm yếu nhất của nó, bản chất tự cao tự đại của nó, là người ta thường nhìn thấy đôi trai gái này luồn qua bên dưới sợi dây lụa ngăn cách khu vực hoàng gia với khu vực công cộng của dòng sông và biến mất trong đám đông những kẻ bình dân. Bởi lẽ Công chúa thường đột ngột dậm chân và hét lên “Đưa tôi tới chỗ khác. Tôi ghét đám người Anh của chàng,” ý của nàng muốn nói là chính triều đình của nước Anh. Nàng không thể chịu đựng nó thêm nữa. Nó đầy những bà già tọc mạch, nàng nói, những kẻ cứ nhìn chằm chặp vào mặt của người ta, hay đầy những tay đàn ông trẻ tuổi cứ dẫm lên những ngón chân của người ta. Họ có mùi khó ngửi. Lũ chó của họ chạy chen vào giữa hai chân của nàng. Cứ hệt như sống trong một cái lồng. Ở Nga, họ có những con sông rộng mười dặm, trên đó người ta có thể cho sáu con ngựa chạy dóng hàng ngang suốt cả ngày dài mà chả gặp bóng người nào.

            Ngoài ra, nàng muốn tới tham quan Tháp London, những người canh gác tháp, những cái đầu trên cổng Temple Bar, và những cửa hàng nữ trang trong thành phố. Do vậy, Orlando đã đưa nàng vào thành phố, chỉ cho nàng những người canh gác tháp và đầu của những kẻ nổi loạn, và mua tặng nàng bất cứ món gì nàng thích ở trung tâm thương mại Royal Exchange. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Mỗi người ngày càng khao khát sự cận kề riêng tư của người kia trong suốt cả ngày dài ở một nơi không có ai thắc mắc hay nhìn soi mói. Do đó, thay vì chọn con đường đi tới London, họ ngoặt sang một đường vòng khác và chẳng bao lâu đã tách khỏi đám đông, tiến vào những đoạn kênh nhánh của sông Thames nơi không có bóng người nào hiện ra trên con đường của họ trừ lũ chim biển và vài bà già nhà quê đang bổ rìu vào mặt băng trong một nỗ lực vô hiệu quả nhằm múc một thùng nước hay thu lượm những que củi hay lá cây có thể tìm được để làm củi đốt. Những người nghèo chỉ quanh quẩn bên ngôi nhà nhỏ của họ, còn những người khá giả, rủng rỉnh tiền bạc hơn thì hòa vào đám đông để hưởng sự ấm áp và niềm vui cùng thành phố.

            Thế là Orlando và Sasha, tên gọi tắt của chàng đặt cho nàng, vì đó là tên của một con cáo trắng có nguồn gốc từ Nga mà chàng từng nuôi hồi còn bé – một sinh vật mềm như tuyết, nhưng có bộ răng cứng như thép, từng cắn chàng một cách dữ tợn đến mức cha chàng đã ra lệnh giết chết nó – đã chiếm hữu dòng sông cho riêng họ. Nóng bức vì trượt băng và vì tình yêu, họ sẽ nhảy ùm xuống một con kênh vắng vẻ nào đó, nơi những bụi liễu gai vàng trụi lá mọc kín ven bờ; quấn mình trong một cái áo choàng lông thú lớn, Orlando ôm chặt nàng trong vòng tay, và biết, lần đầu tiên, chàng thủ thỉ, những lạc thú của tình yêu. Sau đó, khi cơn hạnh phúc ngất ngây đã qua đi và họ nằm ru nhau trong cảm giác êm đềm, chàng sẽ kể cho nàng nghe những mối tình khác của mình, và bảo rằng so với nàng, họ chỉ như gỗ đá. Bật cười với sự sôi nổi của chàng, nàng sẽ lao vào vòng tay chàng lần nữa và trao tặng cho chàng thêm một cái ôm nghẹt thở vì tình yêu. Sau đó họ sẽ kinh ngạc rằng băng đã không tan chảy vì sức nóng của họ, và thấy thương hại cho bà cụ nghèo khổ, kẻ không có những phương tiện tự nhiên đó để làm tan nó, mà phải dùng một cái rìu làm bằng thép lạnh để bổ vào nó. Thế rồi, quấn mình trong những tấm da chồn, họ chuyện trò về mọi thứ dưới ánh mặt trời; về những phong cảnh và những chuyến du hành; về bọn người Moor và Pagan; về bộ râu quay nón của gã này và nước da của mụ kia, về một con chuột được cho ăn từ bàn tay của nàng ở bàn ăn; về những tấm thảm luôn di chuyển trong tòa đại sảnh ở quê nhà nàng, về chim chóc. Không có chuyện gì là quá nhỏ bé tầm thường, cũng không có gì là quá lớn lao cho một cuộc chuyện trò như thế.

            Thế rồi đột nhiên Orlando lại rơi vào tâm trạng u sầu của chàng; cảnh tượng bà cụ già đi cà nhắc trên lớp băng có thể là nguyên do của nó, hoặc không có nguyên do gì hết; và chàng sẽ úp mặt lên lớp băng, nhìn vào lòng nước đóng băng và suy nghĩ về cái chết. Bởi lẽ một triết gia nào đó luôn đúng khi khoảng cách giữa hạnh phúc và nỗi u sầu chỉ cách nhau không đầy bề dày một lưỡi dao; và chàng sẽ tiếp tục phát biểu rằng tâm trạng này là anh em sinh đôi của tâm trạng kia, và rút ra từ đó kết luận rằng tất cả những cảm giác cực đoan gắn liền với sự điên rồ; và chúng ta phải cố tìm nơi trú ẩn trong nhà thờ thật sự (theo quan điểm của chàng là nhà thờ của giáo phái Anabaptist), đó là nơi trú ẩn, bến cảng, chỗ cắm neo… duy nhất, chàng nói, cho những kẻ đang lênh đênh trôi giạt trên cái biển cả này.

            “Mọi thứ kết thúc trong cái chết,” Orlando sẽ vừa nói thế vừa ngồi thẳng lưng lên, nét mặt phủ đầy vẻ ảm đạm. (Bởi lẽ đó là cách tâm trí chàng hoạt động vào lúc này, trong trạng thái bập bênh dữ dội từ sự sống sang cái chết, ở giữa không có điểm dừng nào, khiến người viết tiểu sử hoặc phải dừng lại, hoặc phải bay càng nhanh càng tốt để theo kịp những hành động đắm say ngốc nghếch thiếu suy nghĩ và những ngôn từ khoa trương bất chợt mà vào thời điểm này của đời chàng, không thể không thừa nhận, Orlando tự cho phép mình tha hồ bốc phét.)

            “Mọi thứ kết thúc trong cái chết,” Orlando sẽ vừa nói vừa ngồi thẳng lưng lên. Nhưng nói cho cùng Sasha là một cô gái không có dòng máu Anh trong người, đến từ nước Nga, nơi những buổi hoàng hôn kéo dài hơn, những rạng đông ít đột ngột hơn, và những câu nói thường bị bỏ lửng giữa chừng do nỗi hoài nghi phải làm cách nào kết thúc chúng tốt nhất – Sasha nhìn chàng đăm đăm, có lẽ còn cười nhạt chế giễu chàng, vì hẳn là trông chàng có vẻ như một đứa trẻ con đối với nàng, và không nói lời nào. Nhưng sau một hồi lâu, băng lại lạnh đi bên dưới họ, điều mà nàng không thích, vì thế nàng lại kéo chàng đứng lên và nói thật du dương, thật dí dỏm, thật khôn ngoan (nhưng không may là luôn luôn bằng tiếng Pháp, vốn sẽ đánh mất âm điệu của nó khi dịch lại) rằng chàng hãy quên đi dòng nước đóng băng hoặc đêm đang tới hoặc bà cụ già hay bất kể thứ gì và hãy nói cho nàng biết – trong số muôn ngàn hình ảnh lao xao đã trở nên cũ rích như bà cụ đã gợi ra chúng – nàng giống như thứ gì. Tuyết, kem, đá hoa, quả anh đào, thạch cao tuyết hoa, một sợi dây bằng vàng. Không giống thứ gì trong số đó cả, Nàng giống như một con cáo, một cây ô liu; như những lượn sóng của biển cả khi bạn nhìn xuống chúng từ một độ cao; như một viên ngọc lục bảo; như mặt trời trên một ngọn đồi xanh thế nhưng bị mây che – không giống như bất kỳ thứ gì chàng từng nhìn thấy hay biết đến ở nước Anh.

            Chàng cố lục tìm trong óc những ngôn từ, nhưng từ ngữ biến đâu hết cả. Chàng muốn một phong cảnh khác, một thứ ngôn ngữ khác. Tiếng Anh quá thẳng thừng, quá bộc trực, quá ngọt ngào đối với Sasha. Bởi lẽ trong tất cả những điều nàng đã nói, bất kể nàng có vẻ cởi mở và thẳng thắn như thế nào, vẫn còn ẩn giấu một cái gì đó; trong tất cả những gì nàng đã làm, bất kể liều lĩnh táo bạo tới đâu, vẫn có cái gì đó còn bị che đậy. Dường như ánh lửa xanh cũng ẩn giấu trong viên ngọc lục bảo như thế, hoặc mặt trời bị cầm tù trong một ngọn đồi như thế. Sự minh bạch chỉ là lớp vỏ bề ngoài; bên trong là một ngọn lửa trôi giạt lang thang. Nó đến; nó đi; nàng không bao giờ tỏa sáng với ánh sáng đều đều của một phụ nữ người Anh – tuy nhiên, tới đây chàng chợt nhớ tới tiểu thư Margaret và cái váy dài của nàng ấy. Chàng trở nên điên cuồng với cảm xúc mãnh liệt của mình và ôm chầm lấy nàng, chàng thề rằng chàng sẽ đuổi theo ánh lửa đó, nhanh hơn, nhanh hơn nữa, lặn xuống nước sâu để tìm viên ngọc báu, vân vân và vân vân, những ngôn từ tuôn ra theo tiếng thở hổn hển của chàng, với sự say đắm của một thi nhân mà thi ca của chàng ta vừa được ép vọt ra phân nửa bởi sự đớn đau.

            Nhưng Sasha vẫn im lặng. Sau khi Orlando đã nói với nàng rằng nàng là một con cáo, một cây ô liu, hay một đỉnh đồi xanh ngắt, và đã nói cho nàng biết toàn bộ lịch sử gia tộc của chàng; ngôi nhà của họ là một trong những ngôi nhà cổ nhất nước Anh ra sao; họ đã đến từ Rome với các hoàng đế La Mã và có quyền đi qua Corso (đó là con đường chính ở Rome) trong một cái kiệu có treo những núm tua ra sao, đó là một đặc quyền chỉ dành cho những kẻ có huyết thống hoàng gia, chàng nói (vì ở chàng có một sự cả tin đầy kiêu hãnh khá là thú vị), chàng sẽ dừng lại và hỏi nàng, Nhà của nàng ở đâu? Cha của nàng làm công việc gì? Nàng có anh em trai chăng? Vì sao nàng một mình tới đây với bác của nàng? Thế rồi, theo cách nào đó, dù nàng trả lời một cách khá dễ dàng, một trạng thái lúng túng nào đó sẽ xuất hiện giữa hai người. Thoạt tiên chàng nghi ngờ rằng đẳng cấp của nàng không cao như nàng mong muốn; hoặc rằng nàng xấu hổ về những cung cách hoang dã của đồng bào của nàng, vì chàng từng nghe nói rằng phụ nữ ở Mạc Tư Khoa để râu và đàn ông có đầy lông từ eo trở xuống; rằng cả hai giới tính đều bôi mỡ động vật lên người để chống lạnh, xé thịt bằng những ngón tay và sống trong những túp lều nơi một quý tộc người Anh sẽ ngần ngại không muốn nhốt gia súc vào đó; vì thế chàng không ép buộc nàng. Nhưng khi ngẫm lại, chàng kết luận rằng sự im lặng của nàng không thể vì lý do đó; bản thân nàng hoàn toàn trơn tru từ chân tóc đến cằm; nàng mặc y phục may bằng nhung và đeo ngọc trai, và cung cách của nàng dứt khoát không phải là cung cách của một phụ nữ lớn lên trong một cái chuồng gia súc.

Vậy nàng che giấu chàng điều gì? Mối nghi ngờ nằm bên dưới sức mạnh kinh khủng của những cảm xúc của chàng giống như một vũng cát lầy bên dưới một tượng đài đột ngột di chuyển khiến toàn bộ khối tượng đài rúng động. Nỗi thống khổ đột ngột xâm chiếm tâm hồn chàng. Rồi chàng sẽ bùng nổ trong cơn phẫn nộ đến độ nàng không biết làm sao để xoa dịu chàng. Có lẽ nàng không muốn xoa dịu chàng; có lẽ những cơn điên giận của chàng khiến nàng thấy vui vui và nàng cố tình khơi gợi chúng – đó là sự ranh ma kỳ lạ của tính cách Nga.

            Xin được tiếp tục câu chuyện: Trượt băng xa hơn khu vực quen thuộc, hôm đó họ đi tới phần của dòng sông nơi những con tàu đã thả neo và đã đóng băng ở giữa dòng. Trong số chúng là con tàu của Đại sứ quán Nga với lá cờ vẽ hình con đại bàng hai đầu treo trên cột buồm chính, bên dưới treo lủng lẳng những trụ băng dài nhiều thước đủ màu. Sasha đã bỏ lại một số y phục của nàng trên tàu; cho rằng con tàu trống rỗng, họ trèo lên boong tàu và lục lọi tìm kiếm. Nếu nhớ lại những chuyến đi của chính mình, hẳn Orlando sẽ không ngạc nhiên khi có một vài công dân tốt nào đó tìm được nơi trú ẩn này trước họ; và đúng là như thế. Họ chưa tìm kiếm được bao lâu thì một gã đàn ông trẻ tuổi đứng lên từ một công việc riêng gì đó của mình sau một đống dây thừng và nói, một cách rõ ràng, vì hắn nói tiếng Nga, rằng hắn là một trong số thủy thủ đoàn và sẽ giúp Công chúa tìm thứ gì nàng muốn; hắn đốt một khúc nến rồi biến mất cùng nàng vào những phần thấp hơn của con tàu.

            Thời gian trôi qua, và Orlando, đắm chìm trong những mơ tưởng của riêng chàng, chỉ nghĩ tới những lạc thú của cuộc đời; tới viên ngọc báu của chàng; tới sự hiếm có của nàng; tới những phương tiện để  biến nàng thành của chàng, bền vững và vĩnh viễn. Có những trở ngại và khó khăn phải vượt qua. Nàng đã dứt khoát sẽ sống ở Nga, nơi có những dòng sông đóng băng, những con ngựa hoang và những gã đàn ông hoang dã, nàng nói, những kẻ cắt đứt cổ họng nhau. Thật sự thì một phong cảnh toàn rừng thông và tuyết, những thói quen của tham vọng và giết chóc không chút quyến rũ đối với chàng. Chàng cũng không nôn nóng muốn từ bỏ những thói quen thú vị ở miền quê như thể thao và trồng cây; từ bỏ văn phòng của chàng, phá hủy sự nghiệp của chàng; bắn tuần lộc thay vì bắn thỏ; uống vodka thay vì rượu vang Canary, và dắt một con dao trong ống tay áo – vì mục đích gì thì chàng không biết. Tuy nhiên, chàng sẽ làm tất cả những điều này và nhiều hơn tất cả những điều này vì nàng. Còn về phần cuộc hôn nhân giữa chàng với tiểu thư Margaret, dù đã được ấn định vào một ngày trong tuần này, việc này phi lý một cách hiển nhiên đến độ chàng hầu như không màng nghĩ tới nó. Bà con họ hàng của chàng sẽ xỉ vả chàng vì đã bỏ rơi một tiểu thư đài cát; bạn bè của chàng sẽ nhạo báng chàng vì đã phá hỏng một sự nghiệp tốt đẹp nhất trên đời vì một người đàn bà Cô-dắc và một vùng đất hoang toàn tuyết – nó không nặng hơn một cọng rơm trên cán cân so với chính bản thân Sasha. Vào đêm tối trời dầu tiên họ sẽ cùng nhau bỏ trốn. Họ sẽ đáp con tàu đi tới Nga. Chàng ngẫm nghĩ như thế; chàng xếp đặt như thế trong lúc đi đi lại lại trên boong tàu.

            Khi quay về hướng tây, cảnh tượng mặt trời, treo lủng lẳng như một quả cam trên cây thánh giá của nhà thờ St Paul nhắc nhở chàng. Nó đỏ như máu và đang nhanh chóng lặn xuống.

            Trời gần sụp tối. Sasha đã đi hơn một giờ. Bị xâm chiếm ngay lập tức bởi những điềm báo u ám vốn phủ bóng lên thậm chí những ý nghĩ tự tin nhất của chàng về nàng, chàng lao theo lối đi lúc nãy đã nhìn thấy họ đi xuống thân tàu; và, sau khi va vấp phải những cái rương và thùng tô nô trong bóng tối, chàng nhận ra họ đang ngồi ở một góc nhờ một tia sáng lờ mờ. Trong một giây, chàng nhìn thấy một ảo ảnh về họ; nhìn thấy Sasha ngồi trên đầu gối của gã thủy thủ; nhìn thấy nàng nghiêng người về phía hắn; nhìn thấy họ ôm chặt nhau trước ánh sáng lóe ra khỏi một đám mây đỏ rực do cơn cuồng nộ của chàng. Chàng rống lên một tiếng tru đau đớn đến nỗi nó vang dội lại suốt cả con tàu. Sasha lao ra giữa họ, hoặc hẳn gã thủy thủ đã bị kiềm chế trước khi hắn có thể rút thanh đoản kiếm của mình ra. Rồi một cơn choáng váng chết người xâm chiếm Orlando, và họ phải đặt chàng nằm trên sàn, cho chàng uống chút rượu mạnh trước khi chàng hồi tỉnh lại. Và rồi, khi chàng hồi tỉnh và ngồi trên một đống bao tải trên boong tàu, Sasha nghiêng người bên trên chàng, lướt qua trước đôi mắt hoa lên của chàng một cách mềm mại, uyển chuyển, giống như con cáo đã cắn chàng, khi thì vỗ về an ủi, khi thì phản đối kịch liệt, khiến chàng phải ngờ vực những gì chàng đã nhìn thấy. Phải chăng do ánh nến lập lòe? Phải chăng những cái bóng đã di động? Cái thùng thì nặng, nàng nói; gã thủy thủ giúp nàng di chuyển nó. Orlando tin nàng trong khoảnh khắc – vì ai có thể chắc chắn rằng cơn thịnh nộ của chàng không vẽ ra những gì chàng sợ phãi phát hiện ra nhất? – khoảnh khắc kế tiếp chàng càng nổi điên hơn trước sự dối trá của nàng. Rồi mặt Sasha trở nên trắng bệch; nàng dậm chân lên sàn tàu; bảo rằng đêm đó nàng sẽ ra đi, và kêu gọi các thần thánh của nàng tới hủy diệt nàng; nếu nàng, một kẻ dòng dõi Romanovitch, nằm trong vòng tay của một thủy thủ tầm thường. Thật sự, khi nhìn cả hai cùng một lúc (điều mà chàng cố lắm mới làm được) Orlando tức tối vì sự xấu xa của trí tưởng tượng của chàng; nó đã vẽ ra một sinh vật  mỏng manh đến thế trong móng vuốt của cái gã thủy thủ lông lá đó. Gã rất cao lớn; cao tới sáu bộ bốn in-sơ khi không mang giày, đeo những cái khoen kim loại tầm thường trên tai, và trông như một con ngựa kéo xe mà trên lưng nó một con hồng tước hay chim cổ đỏ đã đậu xuống trong chuyến bay ngang qua đó. Thế là chàng đầu hàng; tin nàng; và xin nàng thứ lỗi. Thế nhưng khi họ đi xuống phía hông tàu, lại yêu mến nhau như trước, Sasha dừng lại, tay đặt trên cái thang và ngoái lại nói với tên quái vật ngăm đen mặt bự đó một tràng chào từ giã, hay những lời đùa cợt, hay những lời âu yếm, bằng thứ tiếng Nga mà Orlando không thể hiểu được từ nào. Có cái gì đó trong giọng của nàng (có thể đó là do lỗi lầm của những phụ âm tiếng Nga) khiến Orlando nhớ tới một cảnh tượng trước đó vài đêm, khi chàng tình cờ bắt gặp nàng đang đứng ở góc phòng, lén lút gặm một cái đuôi nến mà nàng đã nhặt lên từ dưới sàn nhà. Quả thật nó màu hồng; nó mạ vàng; và nó từng nằm trên bàn của nhà vua; nhưng nó được làm bằng mỡ động vật, và nàng đã gặm nó.  Có hay chăng một đẳng cấp nào đó trong con người nàng – chàng nghĩ khi cầm tay dắt nàng bước lên mặt băng – một đặc tính thô kệch nào đó, một sự quê mùa bẩm sinh nào đó? Và chàng tưởng tượng nàng trở nên sồ sề to béo và lừ đừ chậm chạp ở tuổi bốn mươi dù hiện giờ nàng mảnh mai như một cây sậy và vui vẻ linh hoạt như một con chim chiền chiện. Nhưng một lần nữa, khi họ trượt băng về phía London, những nghi ngờ đó tan chảy trong lồng ngực chàng, và chàng cảm thấy như thể chàng là một con cá to bị mắc câu và lao qua làn nước một cách bất đắc dĩ, nhưng với sự ưng chịu của chính chàng.

            Đó là một buổi chiều hôm đẹp tuyệt vời. Khi mặt trời dần lặn, tất cả những mái vòm, chóp nhọn, tháp canh và những tháp nhỏ trang trí trên mái nhà của Lon don nổi lên thành những đường nét đen như mực trên những vầng mây hoàng hôn đỏ ửng. Đây là cây thánh giá chạm khắc hoa văn ở Charing; kia là mái vòm của nhà thờ St Paul's; kia nữa là khối vuông đồ sộ của những tòa nhà của Tháp London; đằng kia, trông như một chòm cây đã rụng sạch lá ngoại trừ một cái bướu ở ngọn cây là những cái đầu cắm trên những ngọn giáo ở cổng Temple Bar. Giờ này những khung cửa sổ của Tu viện Westminster đã thắp đèn sáng rực như một tấm khiên nhà trời nhiều màu sắc (trong trí tưởng của Orlando); giờ này toàn bộ hướng tây trông như một cửa sổ bằng vàng với những đàn thiên sứ (cũng trong trí tưởng của Orlando) liên tục sà xuống vọt lên ngang qua những vì sao. Trong suốt thời gian đó, dường như họ đang trượt băng trong những độ sâu khôn dò của không trung, mặt băng trở nên xanh ngăn ngắt; và phẳng mịn như mặt gương, khiến tốc độ tiến về thành phố của họ mỗi lúc một nhanh hơn, với những con mòng biển trắng lượn vòng tròn quanh họ, những đôi cánh cắt qua bầu không khí với cùng tốc độ họ cắt trên mặt băng với đôi giày trượt của mình.

            Như để trấn an chàng, Sasha tỏ ra dịu dàng hơn, thậm chí vui vẻ hơn thường lệ. Nàng ít khi nói về quá khứ của mình, nhưng lúc này nàng kể cho chàng nghe vào mùa đông ở Nga, nàng thường lắng nghe tiếng lũ sói tru trên những thảo nguyên như thế nào, và ba lần, để ví dụ cho chàng biết, nàng tru lên như một con sói. Để đáp lại, chàng kể cho nàng nghe về những con hươu đực vào mùa tuyết rơi ở quê chàng, chúng thường đi lạc vào tòa đại sảnh để tìm hơi ấm và được một cụ già cho ăn cháo đặc đựng trong một cái xô. Thế là nàng khen ngợi chàng; vì lòng yêu thương thú vật của chàng; vì sự ga lăng của chàng, vì đôi chân của chàng. Sướng mê với những lời khen của nàng, và xấu hổ khi nghĩ chàng đã phỉ báng nàng ra sao khi tưởng tượng nàng ngồi trên gối của một gã thủy thủ tầm thường, trở nên béo phị và chậm chạp lúc bốn mươi tuổi, chàng nói với nàng rằng chàng không thể tìm ra lời để ca tụng nàng; thế nhưng ngay tức khắc chàng nghĩ nàng thật giống mùa xuân, giống cỏ non xanh và nước chảy róc rách, và xiết chặt tay nàng hơn bao giờ hết, chàng cùng nàng nhịp nhàng uốn lượn trong suốt nửa quãng đường băng ngang dòng sông và lũ mòng biển và chim cốc cũng lắc lư chao liệng theo họ. Cuối cùng, khi dừng lại, mệt hết cả hơi, nàng hổn hển nói, rằng chàng giống như một cây thông Giáng sinh trên cắm một triệu cây nến (như họ có ở Nga) với những quả châu vàng; sáng chói lọi; đủ soi sáng cả một con phố; (vì thế người ta có thể dịch nó) bởi lẽ với đôi má đỏ bừng, những lọn tóc đen loăn xoăn và chiếc áo choàng hai màu đen đỏ của chàng. Trông như thể chàng đang bốc cháy với ánh sáng của chính mình, từ một ngọn đèn cháy ở bên trong.

            Tất cả mọi màu sắc, trừ màu đỏ trên đôi má của Orlando, chẳng bao lâu đã nhạt nhòa. Đêm buông xuống. Khi ánh sáng màu cam của hoàng hôn tan biến, nó được kế tục bởi một ánh sáng trắng kỳ quặc từ những cây đuốc, những đống lửa, những ngọn đèn bến cảng, và những thứ đèn khác mà nhờ đó cả khúc sông được thắp sáng và sự chuyển biến lạ lùng nhất diễn ra. Các loại giáo đường và cung điện của những nhà quý tộc với mặt tiền bằng đá trắng lát thành dải và mảng trông như thể trôi bềnh bồng trong không trung. Đặc biệt, người ta không còn nhìn thấy gì khác ngoài một cây thập giá mạ vàng. Tu viện Westminster hiện ra như bộ xương của một chiếc lá. Mọi thứ đều bị bào mòn và biến đổi. Khi tới gần khu lễ hội, họ nghe một nốt trầm như tiếng gõ lên một cái âm thoa. Rồi nó ngày càng lớn dần dần, lớn dần cho tới trở thành một âm thanh vang động. Thỉnh thoảng một có một tiếng reo hò lớn theo sau một quả tên lửa vọt lên không trung. Dần dần, họ có thể thấy rõ những hình dáng nhỏ bé tách ra khỏi đám đông và xoay tròn từ chỗ này sang chỗ khác như những con muỗi mắt trên bề mặt của một dòng sông. Úp lên trên và xung quanh vòng tròn sáng rực này giống như một cái chén bóng tối là màu đen thăm thẳm của một đêm đông. Và bắt đầu lao vào bóng tối với những khoảng khắc tạm ngưng, khiến sự mong đợi thêm bồn chồn và những cái mồm há hốc, là những quả tên lửa nở bung như hoa; những hình lưỡi liềm, những con rắn, một cái vương miện. Trong khoảnh khắc, những cánh rừng và những ngọn đồi xa hiện ra xanh ngắt như trong một ngày mùa hạ; ở khoảng khắc kế tiếp tất cả lại là mùa đông và đêm đen.

            Lúc này Orlando và Công chúa đã tới gần khu vực của hoàng gia và nhận thấy đường đi của họ đã bị chặn lại bởi một đám đông thường dân, đang áp sát dần sợi dây lụa trong chừng mực họ dám. Miễn cưỡng kết thúc sự riêng tư và đối mặt với những đôi mắt sắc như dao đang theo dõi họ, đôi tình nhân nấn ná ở đó, kề vai sát cánh bởi những anh thợ học nghề; những chị thợ may; những bà hàng cá; những tay lái ngựa, những tên móc túi; những học giả chết đói; những nàng hầu trong các giáo xứ; những cô gái bán cam; những người chăm sóc ngựa ở các quán trọ; những công dân đúng mực; những anh bồi quán nước thô tục; và một đám trẻ đầu đường xó chợ vốn luôn có mặt ở ngoài rìa một đám đông, la hét và len lỏi giữa chân của mọi người – thật sự, toàn bộ đám tiện dân của các đường phố London đều có mặt ở đó, bông đùa và chen lấn, chỗ này gieo súc sắc, đoán chuyện tương lai, xô đẩy nhau, thọc lét nhau, cấu véo nhau; chỗ kia om xòm, chỗ nọ buồn như chấu cắn; một số trong bọn họ há hốc mồm; số khác tỏ ra cung kính như lũ quạ gáy xám trên những nóc nhà; tất cả đều ăn mặc tùy theo túi tiền và địa vị cho phép; đám này mặc áo lông và đồ len; đám kia ăn mặc rách rưới với đôi bàn chân quấn giẻ lau để ngăn cách với mặt băng.

            Có vẻ như đám đông chủ yếu đứng đối diện với một cái rạp hoặc một bục sân khấu bên trên đang biểu diễn vở kịch gì đó giống như vở Punch và Judy của chúng ta. Một người đàn ông da đen đang vẫy tay và quát tháo. Có một người phụ nữ mặc đồ trắng nằm trên một cái giường. Dù sân khấu thô sơ, các diễn viên vẫn chạy lên chạy xuống hai bậc thang, đôi khi  nhanh thoăn thoắt, và đám đông dậm chân, huýt sáo; hay khi thấy chán, họ ném một miếng vỏ cam xuống mặt băng và một con chó sẽ bò tới đớp; tuy nhiên, giai điệu lạ lùng uốn éo của những ngôn từ đã khuấy động Orlando như âm nhạc. Được nói với một tốc độ cực nhanh và một giọng điệu lanh lợi, những từ này nhắc chàng nhớ tới những thủy thủ ca hát trong những quán bia lộ thiên ở Wapping, những từ này, thậm chí khi không có ý nghĩa gì, cũng giống như rượu vang đối với chàng.

            Nhưng đôi khi một cụm từ đơn lẻ đến với chàng qua mặt băng như thể bị rứt ra từ những độ sâu của tâm hồn chàng. Đối với chàng, dường như sự điên cuồng của gã người Moor cũng là sự điên cuồng của chính chàng, và khi gã người Moor bóp cổ người phụ nữ nằm trên giường, đó chính là Sasha mà chàng đã tự tay giết chết.

            Cuối cùng vở kịch kết thúc. Tất cả trở nên ảm đạm. Những giọt lệ lăn xuống mặt chàng. Ngẩng nhìn lên bầu trời cũng chẳng có gì ngoài màu đen thăm thẳm. Sự đổ nát và cái chết, chàng nghĩ, bao trùm lên tất cả. Cuộc đời của con người chấm dứt trong ngôi mộ. Lũ giun sẽ ngấu nghiến chúng ta.

            Đối với tôi, giờ đây lúc mặt trời và mặt trăng khuất dạng, và địa cầu khiếp đảm há hốc mồm…

            Ngay khi chàng thốt lên câu này, một vì sao tái nhợt hiện lên trong ký ức chàng. Đêm tối mịt; tối như hũ nút, nhưng họ đã chờ đợi một đêm như thế này; họ đã lên kế hoạch bỏ trốn vào một đêm như thế này. Chàng nhớ mọi thứ. Thời điểm đã tới. Với một cảm xúc say đắm trào dâng, chàng kéo Sasha sát vào mình và thì thào vào tai nàng “Jour de ma vie!”[7]  Đó là ám hiệu của họ. Lúc nửa đêm, họ sẽ gặp nhau ở một quán trọ gần nhà ga Blackfriars.

            Hai con ngựa chờ sẵn ở đó. Mọi thứ đã sẵn sàng cho cuộc bỏ trốn của họ. Thế là họ chia tay, nàng đi về lều của nàng, chàng về chỗ của chàng. Vẫn cần một giờ để nghỉ ngơi.

Orlando đã chờ đợi từ lâu trước lúc nửa đêm. Đêm tối mịt đến độ một người đàn ông có thể đâm sầm vào bạn trước khi bạn nhìn thấy anh ta, điều này tốt thôi, nhưng nó còn có một sự tĩnh mịch trang nghiêm đến nỗi người ta có thể nghe thấy tiếng vó của một con ngựa, hay tiếng khóc của một em bé từ một khoảng cách nửa dặm. Nhiều lần, trong lúc đi lại trong mảnh sân nhỏ, Orlando đã lóng tai nghe âm thanh gõ móng đều đều trên những lớp sỏi của một con ngựa già, hay tiếng sột soạt của một cái váy đàn bà. Nhưng khách bộ hành chỉ là một thương nhân nào đó, đang quay về nhà muộn; hoặc một phụ nữ trong khu phố ra đường với một mục đích không ngây thơ chút nào. Họ đi ngang qua, và con phố lại tĩnh mịch hơn trước. Những ánh sáng lập lòe lóe lên ở những cầu thang trong những khu phố nhỏ nơi những dân nghèo đô thị sống, di chuyển lên những căn phòng ngủ, rồi chúng lần lượt tắt đi. Những ngọn đèn đường ở mấy khu ngoại ô này được trang bị rất ít; và do tính cẩu thả của người gác đêm, chúng thường hết dầu từ lâu trước khi trời sáng. Khi đó bóng tối trở nên sâu thẳm hơn lúc trước. Orlando xem xét bấc của cái đèn lồng của chàng và những sợi dây đai yên ngựa; nhồi thuốc súng vào mấy khẩu súng ngắn; kiểm tra mấy cái bao súng; và thực hiện tất cả những việc này ít nhất cả chục lần cho tới khi chàng không tìm ra thêm thứ gì cần tới sự chú ý của chàng. Dù còn khoảng hai mươi phút nữa mới tới nửa đêm, chàng không thể buộc mình bước vào cửa, tới phòng khách của quán trọ, nơi bà chủ quán vẫn còn phục vụ rượu vang trắng và loại rượu vang canary rẻ tiền cho vài thủy thủ. Đám người này thường ngồi đó, hát những bài ca ngắn, kể những câu chuyện về Drake, Hawkins, và Grenville, cho tới khi họ té ra khỏi những cái ghế dài và lăn đùng ra ngủ trên sàn nhà đầy cát. Bóng tối khiến quả tim căng phồng và mãnh liệt của chàng thêm trắc ẩn. Chàng lắng nghe từng tiếng bước chân rơi; phỏng đoán từng âm thanh. Mỗi tiếng hét trong cơn say và mỗi tiếng than van từ một kẻ khốn khổ đáng thương nào đó nằm trong ổ rơm hay trong một chỗ khốn cùng khác khiến tim chàng đau như cắt, như thể nó báo trước điềm gỡ cho cuộc mạo hiểm của chàng. Thế nhưng chàng không lo sợ cho Sasha. Sự gan lì của nàng đã biến cuộc mạo hiểm thành một trò chơi. Nàng sẽ tới một mình, trong chiếc áo choàng không tay và quần cưỡi ngựa, đi giày ống như một gã đàn ông. Tiếng bước chân của nàng rất nhẹ, sẽ khó mà nghe thấy nó, ngay cả trong sự tĩnh lặng này.

Chàng cứ chờ đợi như thế trong bóng tối. Đột nhiên có ai đó đấm vào mặt chàng, cú đấm mềm nhưng nặng, trúng vào gò má. Chàng đang tập trung vào việc chờ đợi đến độ chàng giật mình và đặt tay lên thanh kiếm. Cú đấm lặp lại cả chục lần trên trán và gò má. Màn sương giá khô khan đã kéo dài lâu đến độ chàng phải mất một phút để nhận ra rằng đây là những hạt mưa đang rơi; những cú đấm đó là những cú đấm của mưa. Thoạt tiên chúng rơi chầm chậm, một cách chủ tâm, từng giọt nối tiếp nhau. Nhưng không lâu sau đó, sáu giọt trở thành sáu mươi giọt; rồi sáu trăm; rồi trút xuống ào ào như thác đổ, Như thể bầu trời rắn chắc đang tự tuôn trút chính nó qua một cái vòi phun dữ dội. Trong vòng năm phút, Orlando đã ướt như chuột lột.

Vội vã che mưa cho hai con ngựa xong, chàng tìm nơi trú bên dưới rầm đỡ cánh cửa vì ở đó chàng vẫn có thể quan sát mảnh sân trong. Lúc này bầu không khí quánh đặc hơn bao giờ hết, và tiếng mưa rơi rào rào xối xả to đến độ người ta không thể nào nghe thấy tiếng chân nào, dù của người hay thú dưới làn mưa. Những con đường lỗ chỗ với những ổ gà to tướng hẳn đã ngập trong nước và có lẽ không để đi qua được. Nhưng chàng hầu như không màng nghĩ tới điều này sẽ ảnh hưởng ra sao tới cuộc bỏ trốn của họ. Tất cả mọi giác quan của chàng đều tập trung về phía con đường mòn rải sỏi đang lấp lánh dưới ánh sáng của ngọn đèn lồng, vì Sasha đang tới. Thỉnh thoảng, trong bóng tối, dường như chàng nhìn thấy dáng nàng, ướt đẫm dưới làn mưa. Nhưng hình bóng ảo ấy biến mất. Đột nhiên, với một âm thanh đáng sợ và báo điềm gỡ, một âm thanh chất chứa đầy nỗi kinh hoàng và cảnh báo khiến từng sợi lông đau khổ trong tâm hồn Orlando dựng đứng lên, chuông nhà thờ St Paul's đổ tiếng đầu tiên của nửa đêm. Nó đổ bốn lần, một cách không thương xót. Với đầu óc dị đoan của một kẻ đang yêu, Orlando đã đoán rằng nàng sẽ tới đúng lúc đổ tiếng chuông thứ sáu. Nhưng tiếng chuông thứ sáu đã tắt lịm âm ba, tiếng chuông thứ bảy tới, rồi tiếng thứ tám, và đối với đầu óc sợ hãi của chàng, dường như chúng là những dấu hiệu đầu tiên báo điềm rồi sau đó tuyên bố cái chết và tai họa. Khi tiếng chuông thứ mười đổ, chàng biết rằng vận số chàng đã được ấn định. Phần có lý trí trong chàng suy luận gì thì cũng vô ích mà thôi; nàng có thể đến muộn; nàng có thể bị ngăn trở; nàng có thể lạc đường. Quả tim say đắm và đầy cảm xúc của Orlando biết rõ sự thật. Những cái đồng hồ khác điểm giờ, lần lượt cất lên chói cả tai. Toàn thế giới dường như đang reo lên tin tức về sự dối trá của nàng và trạng huống trở thành một trò cười của chàng.

Mối nghi ngờ cũ vốn vẫn ngấm ngầm hoạt động trong chàng lao vọt ra một cách công khai từ nơi ẩn nấp. Chàng như bị cả một đàn rắn cắn, mỗi con sau càng độc hơn con trước đó. Chàng đứng bất động trước cửa, trong cơn mưa tầm tã. Khi nhiều phút đã trôi qua, hai gối của chàng hơi chùng xuống.

Mưa vẫn rơi tầm tã. Trong màn mưa dày đặc, dường như có tiếng nổ của những khẩu súng lớn.

Chàng có thể nghe thấy những tiếng động lớn khi những nhánh sồi bị xé toạc và bẻ gãy.

Còn có những tiếng thét điên cuồng và những tiếng rên siết kinh khủng không phải của con người. Nhưng Orlando vẫn đứng đó bất động cho tới khi chuông nhà thờ St. Paul’s đổ hai giờ, và khi đó, hét lớn với một cảm giác mỉa mai kinh khủng, và để lộ toàn bộ số răng của mình: “Jour de ma vie!” chàng  ném cái đèn lồng xuống đất, nhảy lên lưng ngựa và và phi nước đại vô phương hướng.

Hẳn một bản năng mù quáng nào đó, vì chàng đã mất hết lý trí, đã xui khiến chàng chọn con đường dọc bờ sông hướng về phía biển. Khi ánh rạng đông ló dạng, một cách đột ngột khác thường, bầu trời chuyển sang một màu vàng nhợt nhạt và mưa hầu như chấm dứt, chàng nhận ra mình đang ở bên bờ sông Thames, vượt khỏi quận Wapping một đoạn. Lúc này, một cảnh tượng thiên nhiên khác thường nhất hiện ra trước mắt chàng.

Ở đó, trong suốt hơn ba tháng, chỉ có nền băng dày cứng đến nỗi trông có vẻ nó nó sẽ tồn tại vĩnh viễn như đá, và cả một thành phố tươi vui đã từng đứng bên trên bề mặt của nó giờ đây là một dòng nước vàng ào ào cuộn chảy.

Dòng sông đã lấy lại sự tự do trong đêm. Như thể một dòng suối lưu huỳnh (nhiều triết gia đã thiên theo quan điểm này) đã trào lên từ những khu vực núi lửa bên dưới và nung nóng làm băng rã tan với sự mãnh liệt đến độ nó đập vỡ một cách cuồng nộ những tảng băng to tướng thành từng mảnh. Chỉ nhìn dòng nước chảy cũng đủ khiến cho người ta chóng mặt. Tất cả trở nên náo loạn và hỗn độn.

Dòng sông đầy những tảng băng rải rác. Một số rộng như một sân chơi bóng gỗ và cao như một ngôi nhà; một số khác không to hơn mũ của một gã đàn ông, nhưng hầu hết đều xoay tròn một cách đẹp mắt. Có lúc những tảng băng nhấn chìm mọi thứ nằm trên đường của chúng. Có lúc, xoáy tròn và quằn quại như một con rắn bị hành hạ, dường như dòng sông đang tự quăng mình vào giữa những tảng băng và hất chúng từ bờ bên này sang bờ bên kia, khiến người ta có thể nghe thấy tiếng chúng đập mạnh vào những cầu tàu và trụ cầu. Nhưng đáng sợ và kinh khủng nhất là cảnh tượng những con người đã mắc bẫy trong đêm và lúc này đang hoảng hốt chạy lòng vòng trên những hòn đảo xoay tròn và bấp bênh của mình trong cơn thống khổ cực kỳ. Dù nhảy vào dòng nước lũ hay ở lại trên mặt băng, chắc chắn họ đã đến ngày tận số. Đôi khi, cả một nhóm các con người tội nghiệp này cùng rơi tỏm xuống nước một lượt, kẻ thì đang quỳ gối, kẻ khác đang cho con bú. Một ông già dường như đang lớn tiếng đọc từ một cuốn thánh kinh. Một lúc khác, và có lẽ số phận của người đó đáng sợ nhất, một kẻ cô độc khốn khổ bám vào một tảng băng hẹp chỉ có mỗi mình ông ta. Khi họ bị cuốn ra biển, có thể nghe tiếng của một người nào đó gào thét kêu cứu một cách vô ích, hoặc điên cuồng hứa hẹn sẽ sửa chữa những sai lầm, thú nhận những tội lỗi và thề sẽ thờ cúng và quyên góp nếu Thượng đế nghe thấy lời nguyện cầu của họ. Một số kinh hãi đến nỗi ngồi bất động và im lặng nhìn đăm đăm về phía trước. Một đám thủy thủ hoặc nhân viên đưa thư trẻ tuổi, xét theo chế phục của họ, đang la hét và gào to những bài ca dâm dật nhất thường được hát trong các tửu quán, bị một thân cây va phải và chìm xuống với những lời báng bổ trên môi.

Một nhà quý tộc già – cái áo lông và sợi dây chuyền vàng của ông ta chứng tỏ điều đó – đang trôi xuống cách không xa chỗ Orlando đứng, đang kêu gọi hãy giáng sự trả thù lên lũ Ái Nhĩ Lan nổi loạn, ông ta hét to với hơi thở cuối cùng, bọn đã mưu mô tạo nên tai họa quỷ quái này. Nhiều người bỏ mạng trong lúc vẫn khư khư ôm chặt vào ngực một cái bình bằng bạc hay một đồ vật quý giá khác; và ít nhất khoảng hai chục kẻ bất hạnh khốn khổ đã chết chìm vì tham lam: họ thà rơi từ bờ sông xuống dòng nước lũ còn hơn để một cái cốc bằng vàng hay một cái áo lông đắt tiền tuột khỏi tay. Vì đồ đạc trong nhà, những thứ quý giá, mọi loại tài sản khác đang bị cuốn trôi đi trên những tảng băng. Trong số những cảnh tượng kỳ lạ khác, chàng nhìn thấy một con mèo đang cho lũ mèo con bú; một cái bàn được bày biện một cách xa hoa cho một bữa ăn hai mươi người; một cặp vợ chồng đang ở trên giường; cùng với một số lượng dụng cụ nấu ăn nhiều đến độ khác thường.

            Kinh ngạc và choáng váng, Orlando không thể làm gì trong một lúc ngoài việc quan sát dòng nước kinh khủng đang ầm ầm cuộn chảy ngang qua chỗ chàng. Cuối cùng, dường như sực tỉnh, chàng thúc đinh vào hông ngựa và phi nhanh dọc theo bờ sông hướng ra biển. Khi vòng qua một khúc quanh của dòng sông, chàng đến chỗ đối diện với nơi mà chưa đầy hai ngày trước, những con tàu của các ngài đại sứ trông có vẻ như đóng băng bất động. Chàng hối hả đếm lại tất cả; tàu của Pháp; của Tây Ban Nha, của Áo, của Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả vẫn trôi lềnh bềnh, dù con tàu của Pháp đã bị đứt neo; và con tàu của Thổ bị thủng một lỗ to bên hông và đang nhanh chóng ngập nước. Nhưng con tàu của Nga thì không thấy đâu cả. Trong giây lát, Orlando nghĩ hẳn nó đã bị chìm, nhưng khi đứng thẳng người trên đôi bàn đạp và đưa tay che nắng rọi vào đôi mắt, vốn tinh nhanh như mắt chim ưng, chàng có thể nhận ra hình dáng của một con tàu ở chân trời. Con đại bàng đen hai đầu đang tung bay trên cột buồm chính. Con tàu của Đại sứ quán Nga đang tiến ra biển.

            Nhảy xuống khỏi lưng ngựa, trong cơn thịnh nộ, chàng hành động như thể sẽ lao người vào dòng nước lũ. Đứng trong làn nước sâu tới gối, chàng ném về phía người phụ nữ lật lọng mọi lời xỉ vả dành cho giới tính của nàng. Đồ xảo trá, đồ đồng bóng thất thường, đồ không chung thủy, chàng nguyền rủa; đồ xấu xa, ả đàn bà ngoại tình, đồ dối trá; và dòng nước xoáy nhận lấy những lời nguyền rủa của chàng, ném vào chân chàng một cái bình vỡ và một cái mũ rơm nhỏ.

 




[1] Nữ Hoàng Elizabeth I (1533 – 1603).
[2] Nguyên văn: The Great Frost. Theo mô tả của Virginia Woolf, có lẽ đây là đợt băng giá xảy ra trong khoảng thời gian 1683-84. Dĩ nhiên những chi tiết trong truyện đã được hư cấu hóa. Xin tham khảo thêm tại: https://en.wikipedia.org/wiki/Great_Frost_of_1683%E2%80%9384
 
[3] Foot = 0,3048m
[4] Fathom: 1,82m
[5] Tôi nghĩ tôi đã quen biết với một quý ông ở Ba Lan hồi mùa hè năm ngoái, rõ ràng đó là ngài.
[6] Vẻ đẹp của các quý bà của nước Anh khiến tôi vô cùng sung sướng. Chúng ta không thể nhìn thấy quý bà nào duyên dáng hơn hoàng hậu, không ai có mái tóc đẹp hơn của bà ấy.
[7] Ngày của đời tôi