Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

CHỈ LÀ MƠ




Quán vắng. Thường thường, tầm giờ này, mười giờ rưỡi sáng, tôi là người khách duy nhất ở đây. Tôi không thích nhậu quá sớm. Nhưng đôi khi vừa viết xong một thứ gì đó hài lòng, sau một đêm thức trắng, tôi thích được ngồi một mình, tận hưởng cảm giác lan man, trống rỗng, lơ mơ đó. Như thể tất cả tinh lực đã bị rút cạn kiệt. Như thể tôi đã hành quân một mình ròng rã ba ngày dưới ánh nắng thiêu đốt mùa khô Campuchia, khát đến độ máu dường như cũng khô lại trong từng huyết quản và thèm vài giọt nước mưa, hoặc nước vũng sình đục ngầu, đầy phân thú rừng cũng được. Đó, thỉnh thoảng, rất thỉnh thoảng, người ta, hay chính tôi, mới được nếm cái cảm giác thú vị đó, khi chậm rãi nhấp từng ngụm bia, từng giọt dưỡng chất tinh thần, để hồi sinh sau cái chết tạm thời trước đó.

Tôi ngồi thờ ơ nhìn mưa sáng rơi rơi. Đã cuối tháng Mười, những cơn mưa này có lẽ cũng là những cơn mưa sót cuối cùng. Mưa đầu mùa hay cuối mùa thường làm tôi nao nao một cảm giác kỳ cục, không thể gọi tên. Và tôi bắt đầu nhớ lại những cơn mưa nào đó đã xa trong ký ức.

Có một người khách lẻ loi vừa bước vào quán. Một cô gái, chừng hai mươi mấy. Trông mặt mũi dáng dấp có lẽ là sinh viên vừa tốt nghiệp. Một cô gái tóc đen, dài, xinh xắn, nét mặt hơi buồn. Trong thời gian chớp mắt của thoáng nhìn, tôi chỉ ghi nhận được bao nhiêu đó, và thôi không chú ý tới cô ta nữa. Tôi lại hướng ánh mắt tới những giọt nước xiên xiên đang bay tơi tả trong gió ngoài kia.

Mưa rơi. Thời gian trôi. Chậm.

Cô gái chợt ngần ngừ bước tới bàn tôi. Trên tay là một cuốn sách tôi từng dịch, cuốn Bà Dalloway. Tôi ngẩng lên. Cô gái mỉm cười và hỏi: Xin lỗi chú, chú có phải là người dịch cuốn tiểu thuyết này không, cháu nhìn chú giống tấm hình ở bìa gấp quá.

Tôi cũng cười, và đáp: Phải, đúng là tôi. Nhưng trông già hơn hình chụp rất nhiều, phải không? Ấy là một kiểu lừa tình đấy em gái ạ…

Tôi đứng lên, kéo ghế mời cô bé ngồi. Cô bé là một độc giả của tôi. Trên tay đang cầm một cuốn sách của tôi. Gặp gỡ, không hẹn trước, không định trước, rất tình cờ, dịp may này đâu phải ngày nào cũng có. Và còn là một cô bé đúng type người tôi rất thích nữa.

Tôi hỏi: Em có hay đọc loại sách này không? Và tại sao lại cầm theo cuốn sách này? Vì tôi nhớ nó đã ra lâu lắm rồi. Thường thường, theo tôi nghĩ, những người thích đọc loại sách này sẽ mua nó ngay khi nó vừa ra. Cũng có thể vì lý do này khác. Nhưng em bỏ cuốn sách này trong túi xách, và gặp tôi ở đây, vào buổi sáng mưa này, tôi cảm thấy có cái gì đó kỳ kỳ, không phải sự ngẫu nhiên. Bao nhiêu trùng hợp xảy ra cùng một lúc. Hay là hai đứa mình có duyên tiền định…
Tôi cười lớn. Cái thuở mà tôi ngọng nghịu, ấp a ấp úng khi gặp những cô bé trẻ trung xinh đẹp qua rất lâu rồi. Tôi đã tự coi mình là một lão già, chẳng còn tơ tưởng gì nữa những đóa hoa thơm mới nở, thì có gì mà ngại ngùng không dám nói.

Bạn có đoán nổi cô bé trả lời thế nào không? Câu trả lời của em khiến tôi giật mình, suýt chút đã đánh rơi điếu thuốc kẹp trong tay, giống như Lưu Bị đánh rơi đũa khi nghe Tào Tháo luận anh hùng. Trời đang mưa thiệt, nhưng chả có tia sét hay tiếng sấm nào để dựa vào. Cô bé đáp:

“Thật sự không phải là tình cờ, chú ơi. Cháu làm ở gần đây, buổi trưa hay đi ăn cơm ngang qua cái quán này, và có đôi lần nhìn thấy chú. Cháu không chắc chú có đúng là dịch giả mà cháu hâm mộ hay chăng. Nhưng quyết tâm tìm cơ hội để nói chuyện với chú. Cháu đã bỏ sẵn cuốn sách trong giỏ nửa tháng rồi. Có vài lần buổi chiều đi ngang nhìn thấy chú, nhưng chú ngồi với bạn nên cháu ngại. Hôm nay, cháu có thứ cần mua ở chợ nên chạy ngang qua quán trước giờ ăn cơm trưa, và nhìn thấy chú…”

Chúa ơi, Phật ơi! Tôi có nằm mơ không? Một cô gái trẻ đẹp hâm mộ tôi đến nỗi chuẩn bị cả nửa tháng trời, có khi sẽ lâu hơn nữa, chỉ để nói chuyện với tôi sao? Chết tôi rồi. Sự lãnh đạm thờ ơ, sự tỉnh bơ trước nhan sắc đàn bà tan thành mây khói ngay tắp lự. Tôi lại hiện nguyên hình là một gã mê gái và nhát gái, lại trở thành thằng bé ngọng nghịu, ấp a ấp úng. Tôi ngồi chết lặng, không biết phải nói gì. Ngôn từ chữ  nghĩa, bao nhiêu ngàn pho sách đã đọc trong chớp mắt biến thành tro bụi. Đầu tôi mít đặc hơn cả đầu của một gã đàn ông đần độn nhất.

Sau đó câu chuyện diễn ra cứ như trong mơ, tôi không biết, tôi không nhớ mình nói gì. Nó kéo dài bao lâu tôi cũng không biết luôn. Nhưng có một câu hỏi của cô bé, tạm gọi là T. đi, kéo giật ngược tôi về thực tại, trả lại tôi tấm áo long bào của một dịch giả oai nghi:

“Cháu không kết bạn, nhưng có theo dõi những status của chú trên facebook. Vừa rồi thấy chú rất vui mừng thông báo đã dịch xong cuốn The Waves mà theo chú là khó lắm. Khó đến nỗi chú không muốn, không dám dịch. Chú có nói quá lên, có cường điệu không vậy chú?”

Tôi lại là tôi, tự tin, thông minh, sắc sảo. Giờ tôi là một vị sư phụ đang giảng giải cho một đồ đệ còn non nớt, không còn là một gã đàn ông lỡ thì run rẩy trước ánh mắt giai nhân:

“Nói thế nào cho em hiểu đây. Nhưng tôi sẽ cố gắng trình bày một cách giản dị, dễ hiểu nhất. Văn của bà Woolf giống thơ, nhiều câu còn đẹp hơn thơ. Đặc điểm này xuất hiện ở bất cứ tác phẩm nào của bà, nhưng ở The Waves nó đậm đặc đến mức khó thở. Đọc hiểu là một chuyện, chuyển sang tiếng Việt sao cho vừa chính xác, trung thành với điều tác giả muốn nói, vừa gìn giữ được nhịp điệu, âm điệu êm ái du dương như thơ như nhạc đó thì rất khó. Với cả một cuốn sách khoảng hơn 70.000 từ tiếng Anh mà câu nào cũng phải cân nhắc tới hai yếu tố đó thì nó rất ư mệt mỏi, và như tôi đã nói, tôi có cảm giác nó vượt khỏi khả năng tầm với của mình. Ờ, tôi có thể đưa ra cho em vài ví dụ thế này, để em hình dung sự việc.  Vì mới dịch xong nên tôi còn nhớ được nguyên văn vài câu trong đoạn miêu tả mở đầu Phần 9, phần cuối của tác phẩm. Như câu: ‘The tree shook its branches and a scattering of leaves fell to the ground. There they settled with perfect composure on the precise spot where they would await dissolution.Câu này đối với người Anh Mỹ thì nó đẹp tuyệt, êm tai, nhưng nếu dịch cứng ngắc thì câu tiếng Việt nghe giống như dùi đục chấm mắm nêm, dù đúng và chính xác lắm. Thành ra, tôi phải hòa điệu với tác giả, phải biến cải, thay đổi nó cho phù hợp với vần điệu ngôn từ tiếng Việt. Tôi dịch là: ‘Những cành cây rung động, và những chiếc lá lả tả rơi xuống đất. Chúng nằm đó với sự an nhiên tuyệt đối, ngay tại vị trí chính xác nơi chúng sẽ mục rữa đi.’Hoặc một câu khác, cũng trong đoạn miêu tả này: ‘The height from floor to ceiling was hung with vast curtains of shaking darkness.’ Cũng rất êm tai và rất du dương với người Anh Mỹ, nhưng nếu dịch sát thì lại dùi đục chấm mắm nêm, vậy nên tôi phải uyển chuyển Việt hóa nó với câu dịch sau: Những tấm màn lớn của bóng tối chung chiêng trải hết chiều cao từ sàn đến trần nhà.’Đó, em thấy không, chỉ là hai ví dụ trong ngàn ngàn ví dụ, nên tôi nói nó khó là chỗ đó, không hề cường điệu chút nào hết.”
           
            Đột nhiên em đứng lên, đột nhiên em bước vòng qua chỗ tôi ngồi, vì trước đó em ngồi đối diện với tôi. Và trước khi tôi biết em định làm gì, môi em ngọt dịu dán lấy môi tôi. Sấm sét đùng đùng tứ phía.

            Tôi giật mình thức giấc, lúc đó là khoảng 8h30 sáng, hôm nay. Tiếng sấm sét mà tôi nghe là tiếng những người thợ đang đóng khuôn cốp pha để đổ bê tông ở một công trình gần nhà tôi.

Rốt cục, cũng chỉ là một giấc mơ.

            26/10/2019




Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

NHỮNG LỚP SÓNG - VIRGINIA WOOLF (Giới thiệu & P.1)





Mình sẽ mang niềm đau khổ của mình tới và 
đặt nó lên trên những rễ cây bên dưới những tán sồi xanh. 

NHỮNG LỚP SÓNG 
  
Dịch từ nguyên tác The Waves (1931)
của Virginia Woolf
Dịch giả giữ bản quyền bản tiếng Việt
 Copyright
© 2019 Nguyễn Thành Nhân


GIỚI THIỆU

Mặt trời chưa mọc. Không thể phân biệt giữa biển và trời, ngoại trừ việc mặt biển hơi gờn gợn, giống như những nếp nhăn trên một mảnh vải. Khi bầu trời rạng dần, một vạch sậm nằm trên chân trời tách biển khỏi bầu trời và tấm vải xám biến thành vải sọc, với những đường sọc dày di động, sọc này nối tiếp sọc kia bên dưới bề mặt, chạy theo nhau, đuổi theo nhau, liên miên không dứt.
Khi chúng tới gần bờ, từng đường sọc dựng lên, cuộn thành khối, vỡ tung, và quét một màn nước trắng mỏng manh qua bãi cát. Lượn sóng dừng lại, rồi rút lui, thở dài như một kẻ ngủ mê, hơi thở đến và đi trong vô thức. Dần dà, đường vạch sậm trên chân trời trở nên trong trẻo, như thể chất cặn trong một chai rượu vang cũ đã lắng xuống và trả lại màu xanh cho cái ly. Phía sau nó, bầu trời cũng trong dần, như thể chất cặn màu trắng ở đó đã lắng xuống, hay như thể cánh tay của một phụ nữ đang nằm bên dưới chân trời đã giơ lên một ngọn đèn, và những vạch trắng, lục và vàng mịn màng trải ngang qua bầu trời như những nan quạt của một chiếc quạt xếp. Rồi nàng nâng ngọn đèn lên cao hơn và dường như không gian bị tách thành từng thớ sợi từ bề mặt màu lục, lung linh và bùng cháy trong những thớ sợi đỏ và vàng như ánh lửa mờ khói tỏa ra từ một viên pháo hoa. Dần dần, những thớ sợi của viên pháo hoa tan chảy thành một làn sương mù, một sự nóng chảy nâng sức nặng của bầu trời màu len xám lên tới đỉnh và biến nó thành một triệu nguyên tử của màu xanh êm dịu. Bề mặt của biển dần trở nên trong suốt và gợn sóng lăn tăn, lấp lánh, cho tới khi những đường sọc tối hầu như bị xóa sạch. Cánh tay cầm ngọn đèn chậm rãi nâng nó lên cao hơn, cao hơn nữa, cho tới khi một ánh lửa tỏa rộng hiện ra; một vòng cung lửa bùng cháy trên mép chân trời, và biển tỏa ánh vàng quanh nó.”

Tôi bỡ ngỡ bước vào Những lớp sóng từ những dòng đầu tiên trích dẫn bên trên, và từ đó câu chuyện, hoặc không có câu chuyện nào hết, mà chỉ những dòng văn xuôi đẹp như thơ, những hình ảnh và âm thanh, nhịp điệu và sắc màu, hiện tại và quá khứ của các nhân vật trộn lẫn vào nhau chảy thành một dòng miên man liên tục từ đầu đến cuối, dõi theo cuộc đời của bảy con người, bảy cá thể, và những suy tư, thao thức, trở trăn của từng người trong cuộc kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời thông qua tình bạn, tình yêu, lẽ sống. Một cuộc kiếm tìm “bản lai diện mục”, với những câu hỏi mà từng nhân vật luôn đặt ra, lặp đi lặp lại với chính mình: “Tôi là ai?”, “Bạn là ai?” “Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?”

 Rốt cuộc mỗi cá nhân cũng tự xác định được cho mình con đường phải bước, vui vẻ, hạnh phúc, chấp nhận, hoặc miễn cưỡng, đau khổ, đắng cay, và biết ở cuối chặng đường đó là cái chết không ai tránh khỏi. Cái chết cũng là một ám ảnh khôn nguôi trong Những lớp sóng. “Cái chết là gì, và ta phải đối phó với nó như thế nào?” Có lẽ từng nhân vật trong tác phẩm, và mỗi chúng ta phải tự trả lời cho mình câu hỏi đó, bởi mỗi cá nhân đều phải đối mặt với cái chết, theo cách của mình. Trong tác phẩm này, Percival chết vì ngã ngựa ở Ấn Độ trong lứa tuổi giữa hai mươi. Rhoda tự sát. Và Bernard, ở những dòng cuối cùng, tự xác định với mình: Kẻ thù nào chúng ta nhận thấy đang tiến lên chống lại chúng ta, ngươi, con ngựa mà ta đang cưỡi lúc này, khi chúng ta đứng trên vỉa hè này, có biết không? Đó là cái chết. Cái chết là kẻ thù. Đó là cái chết mà để chống lại nó tôi cưỡi trên lưng ngựa với ngọn giáo vắt ngang và mái tóc bay ngược về phía sau như mái tóc của một chàng trai trẻ, như mái tóc của Percival, khi cậu ấy phi nước đại ở Ấn Độ. Tôi thúc đinh vào con ngựa của tôi. Để chống lại ngươi, ta sẽ lao tới trước, bất khả chiến bại và bất khuất, hỡi Cái chết!”  

Những lớp sóng dõi theo cuộc đời của bảy người bạn, Bernard, Louis, Neville, Percival (nam), và Susan, Jinni, Rhoda (nữ), từ lúc họ cùng sống với nhau ở một nhà trẻ vùng duyên hải cho đến chặng cuối cuộc đời của mỗi người. (Riêng Percival không xuất hiện với tư cách một nhân vật có tiếng nói của riêng mình mà chỉ hiện lên qua những suy nghĩ và hồi ức của các bạn anh ta.) Tác phẩm gồm có chín phần. Mở đầu  cho từng phần là một miêu tả chung cảnh biển khơi, môi trường xung quanh và thời điểm (vị trí của mặt trời trên bầu trời) trong ngày. Các miêu tả đi từ sáng sớm, lúc mặt trời chưa mọc ở phần đầu, khi các nhân vật còn là những đứa trẻ, cho tới lúc mặt trời đã lặn ở phần cuối, khi các nhân vật tới chặng cuối cuộc đời của họ. Trừ những miêu tả mang tính chất trung tính, khách quan, những phần đều là dòng ý thức và độc thoại của các nhân vật.

Sau đây xin được tóm tắt nội dung cơ bản của từng phần:

Phần 1:
Miêu tả cảnh mặt trời đang mọc và ngày dần đến. Câu chuyện bắt đầu với những độc thoại ngắn của từng nhân vật về những gì họ nhìn thấy ở môi trường xung quanh lúc mặt trời vừa rạng. Sau đó là những triển khai đi sâu hơn vào tính cách, suy tư của các nhân vật trong cuộc sống của họ ở nhà trẻ.

Phần 2:                        
Miêu tả mặt trời vẫn đang mọc, sóng vỗ mạnh hơn. Các cô bé và cậu bé rời nhà trẻ để tới trường nội trú riêng của họ. Mạch độc thoại nêu chi tiết những phản ứng và suy nghĩ của họ ở trường nội trú và trong thời gian họ trở về nhà nghỉ hè. Phần này giới thiệu nhân vật nam Percival, kẻ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của tất cả các nhân vật còn lại nhưng không có tiếng nói nào trong tác phẩm. Ở cuối phần này, Susan trở về nhà, Neville và Bernard chuyển sang học đại học. Rhoda và Jinni tới London và Louis tìm được một việc làm.

Phần 3:
Mặt trời đã mọc và chim chóc kêu hót vang lừng. Các nhân vật đang cố cải thiện tính cách của mình trong lúc đấu tranh để làm hòa với chính mình. Bernars và Neville cùng học chung một trường đại học. Bernard cố gắng phát triển bản thân với tư cách một nhà văn, còn Neville học văn chương và mơ tưởng tới Percival. Louis sống ở London với tư cách một thư ký. Rhoda và Jinny có cùng một giai tầng xã hội ở London. Tuy nhiên Jinny thích giao tế rộng rãi trong khi Rhoda chán ghét môi trường xã hội và rút lui sâu hơn vào chính mình. Susan trở về nhà sau khi du học ở nước ngoài.

Phần 4:
Mặt trời ở đang thời điểm sáng chói. Độc thoại của Bernard mở đầu phần này và ngay lập tức anh thông báo về việc mình đã đính hôn. Anh đang trên đường tới London để gặp các bạn khác trong một buổi tiệc đêm tiễn chân Percival sang Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên từ hồi còn bé họ gặp nhau với tư cách một nhóm và những độc thoại của họ thể hiện những suy tư của họ. Percival là người tới sau cùng và khi anh tới, số còn lại cảm thấy nhẹ nhõm.

Phần 5:
Mặt trời lên tới vị trí cao nhất và sóng vỗ mạnh vào bờ. Bi kịch bắt đầu với cái chết của Percival. Phần này đi sâu vào những cảm giác và phản ứng của Neville, Bernard và Rhoda đối với cái chết của người bạn thân. Neville cực kỳ đau đớn. Bernard buồn phiền nhưng cũng vui mừng vì sự ra đời của con anh. Với Rhoda, cái chết khẳng nhận sự trống rỗng của cuộc đời cô.

Phần 6:
Mặt trời bắt đầu đi xuống và sóng rút ra xa, vỗ vào những tảng đá ngoài khơi và tràn vào các hang động. Các nhân vật giờ là những cá nhân trưởng thành chín chắn và đang đi theo con đường họ đã chọn. Susan và Bernard có vẻ hài lòng với cuộc sống nhất trong số các nhân vật, và đều đã có con cái. Neville và Jinny tới gần với mục tiêu thành đạt của mình nhất, cả hai đều sống cuộc sống tròn đầy. Louis thành công trong công việc trong lúc có một quan hệ tình cảm với Rhoda chán đời. Cái chết của Percival vẫn treo lơ lửng bên trên họ, nhưng nặng nề nhất là với Neville, luôn so sánh những mối tình sau này với mối tình đầu dành cho Percival.

Phần 7:
Mặt trời xuống thấp hơn và sóng vỗ bờ. Các nhân vật giờ đã ở lứa tuổi trung niên và những độc thoại của họ quay ngược về quá khứ. Bernard suy nghĩ về một cuộc sống thất vọng và sự đổ vỡ tình cảm với vợ mình trong lúc đi du lịch ở Rome. Susan hài lòng với cuộc sống quê mùa, nhưng nhớ tiếc thời tuổi trẻ. Jinny suy nghĩ về ngoại hình ở lứa trung niên của mình và tự trấn an rằng cô vẫn còn hấp dẫn đối với những chàng trai trẻ. Louis tiếp tục thành công trong sự nghiệp, nhưng cố thể hiện khía cạnh tâm hồn của mình nhiều hơn. Rhoda du lịch ở Tây Ban Nha sau khi cắt đứt tình cảm với Louis, cô vẫn không nhẹ nhõm hơn và toan tự sát khi đứng trên rìa một vách đá. Neville trở thành một nhà thơ, nhưng cũng giống như Jinny, cảm nhận được những tác động của tuổi tác đối với cuộc sống của mình.

Phần 8:
Mặt trời đang lặn và lũ chim săn mồi xuất hiện thay cho những con chim bé nhỏ hiền lành. Sáu người bạn lại đoàn tụ một lần nữa ở cung điện Hampton Court. Như lần họp mặt trước, nó bắt đầu một cách không thoải mái rồi dần dần trở nên dễ chịu hơn. Vào cuối bữa ăn, họ gạt bỏ quá khứ sang bên và đi dạo trong công viên Hampton. Louis và Rhoda thảo luận về cuộc chia tay của họ.

Phần 9:
Mặt trời đã lặn, ngày kết thúc. Phần này chỉ bao gồm độc thoại duy nhất của Bernard. Xuyên suốt tác phẩm, anh luôn là người kể chuyện và lúc này anh kể lại câu chuyện đời mình với một thực khách không quen biết. Anh mô tả những người bạn cũng như cuộc đời của chính mình với một tinh thần tranh đấu. Cuối cùng, anh quyết định bỏ lại cuốn sổ tay ở nhà hàng, cố gắng quay lại với việc tạo ra những cụm từ đơn giản hồi còn thơ ấu.
***
           
Những lớp sóng là cuốn tiểu thuyết thứ bảy của Virginia Woolf. Bà khởi thảo tác phẩm này vào khoảng tháng 9/1929 và hoàn thành nó vào tháng 2/1931, sau  mười chín tháng miệt mài viết và chỉnh sửa nhiều lần. Ban đầu bà định đặt tên tác phẩm là Moths (Bướm đêm). Tháng 4/1930 bà hoàn thành bản thảo đầu tiên, nhưng ngay từ tháng 10/1929, những ý tưởng mới nảy sinh và bà cảm thấy tựa đề cũng như chủ đề của bản thảo này chưa thỏa đáng, và quyết định viết lại toàn bộ. Ngày 13/6/1930 bà viết bản thảo thứ hai và mãi tới đầu 1931 mới hoàn thành nó, nhưng vẫn còn có những chỉnh sửa quan trọng khác sau đó. Đây là tác phẩm gây khó cho Virginia Woolf nhất, khiến bà lao tâm khổ tứ nhiều nhất, mất thời gian nhiều nhất trong quá trình tạo tác so với toàn bộ các tiểu thuyết khác của bà. Một phần vì mong muốn chảy bỏng viết ra một tác phẩm mà theo bà  là “tác phẩm đầu tiên của tôi theo phong cách của chính tôi” (“my first book in my own style” – Diary IV, 1983, tr. 53). Phần khác là vì những hồi ức thương tâm đối với người anh trai Thoby đã mất, mà bà bắt buộc phải gợi lại, vì ông là nguyên mẫu của nhân vật Percival.

Đây cũng là một tác phẩm cực kỳ thách thức, cực kỳ khó đọc, thậm chí đối với những độc giả mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Nhưng tôi hy vọng rằng với các độc giả  đã quen với văn phong của tác giả qua các tác phẩm khác như Tới ngọn hải đăng, Bà Dalloway hoặc Căn phòng của Jacob, sự tiếp cận và cảm thụ Những lớp sóng sẽ ở một mức độ lạc quan hơn rất nhiều. Nói như thế, không có nghĩa rằng đây là một tác phẩm không đáng đọc. Cho tới nay, nó được đại đa số các nhà nghiên cứu phê bình và một số lượng tương đối các độc giả yêu thích tác phẩm văn chương hiện đại đánh giá rất cao. Có vô số công trình nghiên cứu, không thể liệt kê hết ra đây, phân tích và đánh giá Những lượn sóng từ các góc độ khác nhau như văn học, triết học, nhân văn, kinh tế chính trị, phê bình sinh thái… Bản thân tôi cũng chỉ có thời gian để đọc lướt qua vài tác phẩm tình cờ tìm được trên mạng trong số đó, chẳng hạn như Porous Identity in Virginia Woolf’s The Waves: Anticipating a Digital Subjectivity của Tiến sĩ Elise Takehana (University of Florida)[1],  The mind grows rings – Mindscape, Lanscape and the Biotic Community in Virginia Woolf’s The Waves của  tác giả Hesinggin Yliopisto (University of Hensingki)[2], một luận văn cao học thuộc lĩnh vực phê bình sinh thái, hoặc “One World One Life”: the Politics of Personal Connection in Virginia Woolf’s The Waves của Jocelyn Rodal (MIT)[3].

Dù không thành công về mặt thương mại, Những lớp sóng được công nhận rộng rãi là một tuyệt phẩm văn chương hiện đại. Trong cuộc bình chọn do BBC tổ chức vào năm 2015 với sự tham dự của 77 nhà phê bình văn học từ khắp nơi trên thế giới (không có ai là người Anh), tác phẩm này được xếp hạng thứ 16 trong số 100 tiểu thuyết Anh hay nhất mọi thời đại.[4]

Tác phẩm này cũng khơi gợi cảm hứng cho một số tác phẩm âm nhạc. Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Canada Gary Kulesha đã viết tác phẩm The Boughs of Music. Tựa đề của bản giao hưởng này là một cụm từ trong The Waves (trong độc thoại của Rhoda).

Khi Virginia qua đời, mười năm sau khi Những lớp sóng được công bố, Leonard Woolf, chồng bà, đã khắc hai dòng cuối của Những lớp sóng lên tấm bia mộ nơi đặt tro cốt của bà ở sân sau tòa nhà Monk’s House ở Rodmell:

“Để chống lại ngươi, ta sẽ lao tới trước, bất khả chiến bại và bất khuất, hỡi Cái chết!  
Những lượn sóng vỡ tung trên bờ biển.”

(“Against you I will fling myself, unvanquished and unyielding, O Death!
The waves broke on the shore”)

         Nhân tiện, tôi xin giải thích đôi lời về tựa đề của bản dịch này. Tôi chọn Những lớp sóng thay vì Những lượn sóng, bởi Những lớp sóng hàm ý nhiều hơn. Những lớp sóng vừa bao gồm những lượn sóng ở một thời điểm cụ thể, như những thời điểm cụ thể trong chín phần của The Waves, vừa chỉ ra sự biến thiên thay đổi, lớp sóng này thế chỗ cho lớp sóng kia, thế hệ này thế chỗ cho thế hệ kia. Như một câu đã trở thành sáo ngữ nhưng vẫn có một ý nghĩa hay ho nhất định: “Sóng Trường Giang lớp sau xô lớp trước”.

Cuối cùng, tôi xin mượn vài dòng nhận xét của nhà văn Anh trẻ tuổi và nổi tiếng đương thời Amy Sackville thay cho lời kết của phần giới thiệu này:

Tôi đọc cuốn sách này lần đầu có lẽ vào năm mười sáu tuổi; tôi từng nghe nói nó là cuốn tiểu thuyết khó đọc nhất của Woolf, và, vốn là một cô gái cứng đầu, tôi đã quyết định rằng đây là nơi để bắt đầu [nghiên cứu] sự nghiệp văn chương của . với tư cách một độc giả, một nhà văn, tôi thường xuyên quay lại,tính chất trữ tình, u sầu, nhân văn của nó. Bản chất của cái tôi, sự suy nghiệm về thế giới bằng những ngôn từ, cái cách thức mà trong đó cả hai vấn đề đều bất khả giải quyết; đây là những mối quan tâm mà tôi quay lại hết lần này sang lần khác. ‘Điều gì nằm bên dưới sự giống nhau của sự vật’; ‘Tôi cần một ngôn ngữ nhỏ nhẻ như thứ ngôn ngữ mà những cặp tình nhân sử dụng’; có những cụm từ cứ tràn qua bờ tâm trí xao lãng của tôi, lặp đi lặp lại, một phần của nhịp điệu nội tâm của tôi, mỗi lần lại xuất hiện theo cách khác nhau.”[5]

Vì là một tác phẩm rất khó đọc, dĩ nhiên Những lớp sóng cũng là một tác phẩm rất khó dịch. Vì vậy mong độc giả lượng thứ nếu có chi tiết nào sơ thất trong bản dịch, và tôi rất mong nó được đón nhận với niềm đồng cảm. Xin trân trọng cám ơn.

Sài Gòn, ngày 23/10/2019
Nguyễn Thành Nhân




1

Mặt trời chưa mọc. Không thể phân biệt giữa biển và trời, ngoại trừ việc mặt biển hơi gờn gợn, giống như những nếp nhăn trên một mảnh vải. Khi bầu trời rạng dần, một vạch sậm nằm trên chân trời tách biển khỏi bầu trời và tấm vải xám biến thành vải sọc, với những đường sọc dày di động, sọc này nối tiếp sọc kia bên dưới bề mặt, chạy theo nhau, đuổi theo nhau, liên miên không dứt.

Khi chúng tới gần bờ, từng đường sọc dựng lên, cuộn thành khối, vỡ tung, và quét một màn nước trắng mỏng manh qua bãi cát. Lượn sóng dừng lại, rồi rút lui, thở dài như một kẻ ngủ mê, hơi thở đến và đi trong vô thức. Dần dà, đường vạch sậm trên chân trời trở nên trong trẻo, như thể chất cặn trong một chai rượu vang cũ đã lắng xuống và trả lại màu xanh cho cái ly. Phía sau nó, bầu trời cũng trong dần, như thể chất cặn màu trắng ở đó đã lắng xuống, hay như thể cánh tay của một phụ nữ đang nằm bên dưới chân trời đã giơ lên một ngọn đèn, và những vạch trắng, lục và vàng mịn màng trải ngang qua bầu trời như những nan quạt của một chiếc quạt xếp. Rồi nàng nâng ngọn đèn lên cao hơn và dường như không gian bị tách thành từng thớ sợi từ bề mặt màu lục, lung linh và bùng cháy trong những thớ sợi đỏ và vàng như ánh lửa mờ khói tỏa ra từ một viên pháo hoa. Dần dần, những thớ sợi của viên pháo hoa tan chảy thành một làn sương mù, một sự nóng chảy nâng sức nặng của bầu trời màu len xám lên tới đỉnh và biến nó thành một triệu nguyên tử của màu xanh êm dịu. Bề mặt của biển dần trở nên trong suốt và gợn sóng lăn tăn, lấp lánh, cho tới khi những đường sọc tối hầu như bị xóa sạch. Cánh tay cầm ngọn đèn chậm rãi nâng nó lên cao hơn, cao hơn nữa, cho tới khi một ánh lửa tỏa rộng hiện ra; một vòng cung lửa bùng cháy trên mép chân trời, và biển tỏa ánh vàng quanh nó.

Ánh sáng đổ xuống những cây cối trong vườn, khiến một chiếc lá trở nên trong suốt, rồi tới chiếc lá khác. Một con chim cất tiếng líu lo từ tít trên cao; rồi dừng lại; một con khác líu lo đáp lại ở mé thấp hơn. Mặt trời làm cho những bức tường của ngôi nhà trở nên sắc nét, rồi đáp xuống, như chóp của một chiếc quạt xếp, trên một tấm màn trắng và tạo ra một dấu vân tay màu xanh bên dưới chiếc lá cạnh cửa sổ phòng ngủ. Tấm màn lay động khẽ, nhưng tất cả mọi thứ bên trong đều mờ tối mơ hồ. Lũ chim hát lên giai điệu không lời của chúng ở bên ngoài. 
           

             “Mình nhìn thấy một chiếc nhẫn treo lơ lửng bên trên. Nó lay động và lơ lửng trong một vòng ánh sáng.” Bernard nói.
 “Mình nhìn thấy một mảng vàng nhạt đang lan ra mãi cho tới khi gặp một vạch màu tía.” Susan nói.

“Mình nghe một âm thanh, chiêm chiếp, chiêm chiếp; vút cao rồi hạ thấp.” Rhoda nói.

“Mình nhìn thấy một quả cầu chảy nhẻo xuống thành giọt nước ớ bên sườn một ngọn đồi lớn.” Neville nói.

“Mình nhìn thấy một núm tua đỏ thắm được se lẫn với chỉ vàng.” Jinny nói.

“Mình nghe thấy con gì đó đang dậm chân. Một chân của con thú lớn bị xiềng. Nó dậm, dậm, dậm mãi.”

“Nhìn tấm mạng nhện ở góc ban công kia xem. Trên đó có những giọt nước, những giọt ánh sáng trắng.” Bernard nói.

“Những chiếc lá bao quanh cửa sổ giống như hai cái tai nhọn.” Susan nói.

“Một cái bóng đổ trên con đường mòn giống như một khuỷu tay gập lại.” Louis nói.

“Những đảo ánh sáng đang bơi trên cỏ. Chúng đã rơi qua những tàng cây.” Rhoda nói.

“Mắt của lũ chim sáng rực trong những đường hầm giữa những chiếc lá.” Neville nói.

“Những cuống lá phủ đầy những sợi lông thô ngắn và những giọt nước bám vào chúng.” Jinny nói.

“Một con sâu bướm cuộn thành một vòng tròn màu xanh, phân đốt, với những cái chân ngắn ngủn.” Susan nói.

“Con ốc sên vỏ xám bò ngang đường mòn và đè bẹp những phiến lá cỏ phía sau nó.” Rhoda nói.

“Và những ánh sáng bùng lên từ kính cửa sổ phán chiếu lấp lóe trên bãi cỏ.” Louis nói.

“Hai bàn chân của mình bị lạnh vì những hòn đá. Mình cảm nhận được từng hòn riêng biệt, tròn hay nhọn.” Neville nói.

“Mu bàn tay của mình đang bốc cháy, nhưng lòng bàn tay thì lạnh và ẩm ướt vì sương.” Jinny nói.

“Lúc này con gà trống cất tiếng gáy như một tia nước cứng, đỏ vọt ra từ thủy triều trắng.” Bernard nói.

“Lũ chim đang hót từ mọi nơi quanh chúng ta, trầm và bổng, trong và ngoài.” Susan nói.

“Con thú dậm chân; con voi với một chân bị xiềng; con thú lớn trên bãi biển dậm chân.” Louis nói.

“Nhìn ngôi nhà kia, với mọi cửa sổ đều trắng xóa với những tấm màn.” Jinny nói.

“Trong phòng rửa bát, nước lạnh bắt đầu chảy từ cái vòi nước lên con cá thu trong cái bát.” Rhoda nói.

“Những bức tường nứt nẻ với những vết rạn màu vàng, và có những cái bóng màu xanh giống như những ngón tay của những chiếc lá gần cửa sổ.” Bernard nói.

“Bây giờ bà cụ Constable đang kéo đôi tất dày màu đen của mình lên.” Susan nói.

“Khi khói bốc lên, giấc ngủ cuộn ra khỏi mái nhà như một làn sương mù.” Louis nói.

“Lũ chim đồng thanh hót trước tiên. Rồi cánh cửa phòng rửa bát mở ra. Chúng bay ùa đi. Chúng bay ùa đi như một nắm hạt bị ném vung vải. Nhưng có một chú chim hót một mình cạnh cửa sổ phòng ngủ.” Rhoda nói.

“Những bọt nước xuất hiện trong lòng của cái chảo. Rồi chúng dâng lên, ngày càng nhanh, trong một chuỗi màu bạc, tới mép chảo.” Jinny nói.

“Lúc này Billy đánh vẩy cá bằng một con dao mẻ trên một tấm thớt.” Neville nói.

“Lúc này cửa sổ phòng khách màu xanh thẫm, và không khí gợn sóng lăn tăn bên trên những ống khói.” Bernard nói.

“Một con chim sẻ đang đậu trên cột thu lôi. Và Biddy đã đặt mạnh cái xô xuống nền nhà bếp.” Susan nói.

“Đó là tiếng điểm giờ đầu tiên của chuông nhà thờ. Rồi những cái chuông khác điểm giờ theo; một, hai; một, hai; một, hai.” Louis nói.

“Hãy nhìn tấm vải trải bàn bay phấp phới dọc theo cái bàn kia. Lúc này có những bộ tách bằng sứ trắng, và những vệt màu bạc bên cạnh mỗi cái đĩa.” Rhoda nói.

“Đột nhiên một con ong kêu vo vo trong tai mình. Nó ở đây; nó đã lướt qua.” Neville nói.

“Mình bốc cháy, mình run rẩy, rời khỏi mặt trời này, bước vào bóng tối này.” Jinny nói.

“Giờ cả bọn đã đi khỏi.” Louis nói. “Chỉ còn lại một mình mình. Chúng đã vào nhà để ăn sáng, bỏ mình đứng đây cạnh bức tường, giữa những khóm hoa. Trời còn rất sớm, trước giờ học. Bông hoa này kế tiếp bông hoa kia rải rác giữa những chiều sâu xanh ngắt. Những cánh hoa là những chú hề. Những cuống hoa nhú lên từ những chỗ trũng tối đen bên dưới. Những bông hoa bơi như đàn cá được tạo thành từ ánh sáng bên trên mặt nước xanh thẫm. Mình cầm một cái cuống hoa trong tay. Mình là cái cuống hoa. Rễ của mình cắm xuống những chiều sâu của thế giới, qua đất khô và gạch, và đất ẩm, qua những mạch quặng chì và bạc. Cả người mình là thớ sợi. Mọi chấn động khiến mình chao đảo, và trọng lượng của quả đất ép mạnh lên những xương sườn của mình. Ở trên này mắt mình là những chiếc lá xanh, không nhìn thấy. Ở trên này mình là một thằng bé mặc đồ bằng vải fla-nen xám với một cái thắt lưng được khóa lại bởi một con rắn bằng đồng. Ở dưới đó mắt mình là đôi mắt không có mí của một pho tượng đá trong một sa mạc cạnh sông Nile.[6] Mình nhìn thấy những người đàn bà đi ngang qua để ra sông với những bình đựng nước màu đỏ; mình nhìn thấy lũ lạc đà bước đi với thân hình lắc lư qua lại và những người đàn ông đội khăn xếp. Mình nghe thấy những tiếng dậm chân, những rung động, những huyên náo quanh mình.

Ở trên này Bernard, Neville, Jinny và Susan (nhưng không có Rhoda) đang cầm vợt bắt bướm lướt qua những luống hoa. Chúng chụp những con bướm chập chờn trên những nụ hoa lay động. Chúng quét những cái vợt qua bề mặt thế gian. Vợt của chúng đầy những cánh bướm lao xao. "Louis! Louis! Louis!" Chúng hét to. Nhưng chúng không thể nhìn thấy mình. Mình đang ở mé bên kia bờ rào. Chỉ có những khe hở nhỏ xíu giữa những chiếc lá. Chà, cứ mặc cho chúng đi qua. Chà, cứ mặc cho chúng đặt lũ bướm lên một chiếc khăn tay trải trên lớp sỏi. Cứ mặc cho chúng đếm những con bướm đốm nâu, bướm vạch đỏ và bướm trắng đốm đen. Nhưng đừng để chúng nhìn thấy mình. Mình xanh như một cây thủy tùng trong bóng râm của bờ rào. Tóc của mình được làm bằng lá. Mình đâm rễ vào giữa lòng trái đất. Cơ thể mình là một cái cuống hoa. Mình ấn lên cái cuống hoa. Một giọt rỉ ra từ cái lỗ ở miệng dần dần dày hơn, dần dần to hơn. Ngay lúc này, một thứ gì đó hồng hồng lướt qua kẻ lá. Ngay lúc này một ánh mắt xuyên qua kẻ lá. Ánh mắt ấy rọi vào mình. Mình là một thằng bé mặc bộ đồ xám bằng vải fla-nen. Jinny đã tìm thấy mình. Mình bị vỗ nhẹ lên gáy. Nó đã hôn mình. Mọi thứ đều tan vỡ.”

“Mình đang chạy, sau khi ăn sáng.” Jinny nói. “Mình nhìn thấy những chiếc lá lay động ở một khe hở trên bờ rào. Mình nghĩ, ‘Đó là một con chim đang nằm trong tổ.’ Mình vạch những chiếc lá ra và nhìn; nhưng không có con chim nằm trong tổ nào hết. Lá cây vẫn tiếp tục lay động. Mình thấy sợ. Mình chạy ngang qua Susan, qua Rhoda, và Necille và Bernard đang nói chuyện trong nhà kho chứa dụng cụ làm vườn. Mình hét lên trong lúc chạy càng lúc càng nhanh. Cái gì khiến cho những chiếc lá rung rinh? Cái gì làm cho tim mình xao động, chân mình run rẩy? Và mình lao tới đây, nhìn thấy đằng ấy xanh ngắt như một bụi cây, như một cành cây, rất tĩnh lặng, Louis ạ, với đôi mắt bất động. ‘Bạn ấy chết rồi sao?’ Mình nghĩ, và hôn đằng ấy, với trái tim đập rộn lên bên dưới cái váy hồng của mình, giống như những chiếc lá, vốn vẫn tiếp tục rung rinh, dù không có gì tác động tới chúng. Giờ mình ngửi thấy mùi hoa phong lữ; mình ngửi thấy mùi đất xốp. Mình nhảy múa. Mình gợn lên như những làn sóng lăn tăn. Mình trùm lên đằng ấy như một tấm lưới ánh sáng. Mình run rẩy gieo người lên đằng ấy.”

“Mình nhìn thấy nó hôn bạn ấy qua kẻ lá trên bờ rào.” Susan nói. “Mình ngẩng đầu lên khỏi cái chậu hoa và nhìn qua một kẻ lá trên bờ rào. Mình nhìn thấy nó hôn bạn ấy. Mình nhìn thấy chúng, Jinny và Louis, đang hôn nhau. Giờ mình sẽ gói nỗi đau khổ của mình trong chiếc khăn tay. Nó sẽ bị vo chặt thành một cuộn tròn. Mình sẽ đi tới rừng sồi một mình, trước giờ học. Mình sẽ không ngồi ở một cái bàn, làm những bài toán số học. Mình sẽ không ngồi cạnh Jinny và Louis nữa. Mình sẽ mang niềm đau khổ của mình tới và đặt nó lên trên những rễ cây bên dưới những tán sồi xanh. Mình sẽ kiểm tra nó và cầm nó giữa những ngón tay. Chúng sẽ không tìm thấy mình. Mình sẽ ăn quả hạch và nhìn kỹ những quả trứng qua những bụi mâm xôi, mái tóc của mình sẽ bị rối bù và mình sẽ ngủ dưới những bờ rào, uống nước từ những cái mương và chết tại đó.”

“Susan mới đi ngang qua bọn mình.” Bernard nói. “Nó đã đi qua cửa kho chứa dụng cụ với chiếc khăn tay bị vo tròn. Nó không khóc, nhưng đôi mắt, vốn rất đẹp, thu hẹp lại như mắt lũ mèo trước khi phóng tới. Mình sẽ đi theo nó, Neville ạ. Mình sẽ khẽ khàng đi phía sau nó, với đầu óc tò mò, và sẵn sàng an ủi nó ngay khi nó nổi cơn thịnh nộ và nghĩ: ‘Tôi cô đơn.’

“Lúc này nó băng ngang cánh đồng với một nhịp đi nhún nhảy, thờ ơ, để đánh lừa bọn mình. Rồi nó đi tới chỗ đất trũng; nó nghĩ không bị bọn mình trông thấy; nó bắt đầu chạy với hai bàn tay nắm chặt vung ra phía trước. Những cái móng tay của nó gặp nhau trong chiếc khăn tay cuộn tròn. Nó đang hướng tới khu rừng sồi ở mé ngoài vùng ánh sáng. Nó dang rộng hai tay khi tới đó và chìm vào bóng tối như một người đang bơi. Nhưng nó bị lóa mắt do chạy từ nơi sáng vào nơi tối và tự quăng mình lên lớp rễ bên dưới tán cây, nơi ánh sáng dường như khi mờ khi tỏ. Những cành cây chĩa lên trên và xuống dưới. Có tâm trạng đau buồn và bối rối ở đây. Có bóng tối ảm đạm. Ánh sáng chập chờn. Có nỗi thống khổ ở đây. Rễ cây tạo thành một bộ xương trên mặt đất, với những chiếc lá chết chất đống ở các góc. Susan đã trải nỗi thống khổ của mình ra. Nó đặt chiếc khăn tay lên lớp rễ của những cây sồi và khóc nức nở, ngồi co ro ngay tại nơi đã bị té nhào.”

“Mình thấy nó hôn bạn ấy.” Susan nói. “Mình nhìn qua kẻ lá và trông thấy nó. Nó nhảy múa với những ánh sáng lóng lánh như bụi kim cương. Và mình đang ngồi chồm hỗm, Bernard ạ, mình thấp nhỏ mà. Mình có đôi mắt nhìn thấy rõ mặt đất và những côn trùng trong cỏ. Nắng vàng ấm áp ở phía của mình biến thành đá khi mình thấy Jinny hôn Louis. Mình sẽ ăn cỏ và chết trong một con mương đục ngầu nơi những chiếc lá chết đã mục rửa.”

“Mình trông thấy đằng ấy đi.” Bernard nói. “Khi đằng ấy đi ngang cửa nhà kho chứa công cụ, mình nghe đằng ấy khóc và nói, ‘Tôi thật bất hạnh.’ Mình đặt con dao xuống. Mình đang gọt gỗ để làm những chiếc thuyền con với Neville. Và tóc của mình khá bù xù, vì khi bà Constable bảo mình chải tóc, có một con ruồi vướng vào mạng nhện và mình tự hỏi: ‘Mình có nên giải thoát cho con ruồi không? Hay cứ mặc cho nó bị xơi tái?’ Mình vẫn luôn chậm trễ như thế đó. Tóc mình chưa được chải và dính đầy vụn gỗ. Khi nghe đằng ấy khóc, mình  đi theo sau và thấy đằng ấy đặt chiếc khăn tay xuống, với những nút thắt chứa đầy giận dữ và căm ghét. Nhưng điều đó sẽ sớm kết thúc. Giờ cơ thể chúng ta đang rất gần nhau. Đằng ấy nghe mình thở. Đằng ấy cũng nhìn thấy một con bọ cánh cứng đang cõng trên lưng một chiếc lá. Nó bò về phía này rồi về phía nọ, khiến ngay cả khao khát chiếm hữu một thứ độc nhất của đằng ấy (hiện giờ là Louis), cũng phải chập chờn chao động, như ánh sáng khi mờ khi tỏ dưới tán sồi, trong lúc đằng ấy quan sát con bọ; và rồi những ngôn từ, đang âm thầm di động trong tầng sâu tâm trí sẽ gỡ bung cái nút thắt này trên chiếc khăn tay của đằng ấy.”

“Mình yêu,” Susan nói, “và mình ghét. Mình chỉ mong muốn một điều. Mắt mình rất tinh. Mắt của Jinny vỡ ra thành một ngàn ánh sáng. Mắt của Rhoda giống như những bông hoa nhợt nhạt mà lũ bướm đêm tìm tới lúc đêm về. Mắt của đằng ấy  chững chạc, chân thành và không bao giờ dao động. Nhưng mình đã nhất quyết với theo đuổi của mình. Mình nhìn thấy những con côn trùng trong cỏ. Dù mẹ mình vẫn đan cho mình những đôi tất trắng và những cái áo khoác không tay viền vải và mình là một đứa bé con, mình yêu và mình ghét.”

“Nhưng khi bọn mình ngồi bên nhau,” Bernard nói, “bọn mình tan chảy vào nhau với những cụm từ. Sương mù viền quanh bọn mình. Bọn mình tạo ra một lãnh thổ phi vật chất.”

“Mình nhìn thấy con bọ cánh cứng.” Susan nói. “Nó màu đen, mình nhìn thấy; nó màu xanh, mình nhìn thấy; mình bị cột chặt với những từ đơn lẻ. Nhưng đằng ấy tha hồ ba hoa chích chòe, đằng ấy nói năng lưu loát; đằng ấy vươn lên cao hơn, với những từ này từ khác trong những cụm từ.”

Bây giờ chúng ta hãy khám phá.” Bernard nói. “Có ngôi nhà màu trắng nằm giữa khu rừng. Cho đến nay nó nằm ở đó, bên dưới bọn mình. Bọn mình sẽ chìm như những người đang bơi chỉ chạm đất bằng đầu ngón chân. Bọn mình sẽ chìm qua không gian màu xanh của cây lá, Susan ạ. Bọn mình chìm trong lúc chạy. Những lượn sóng khép lại bên trên bọn mình, những chiếc lá sồi gặp nhau trên đầu bọn mình. Có cái đồng hồ bền bỉ với những cây kim mạ vàng lấp lánh. Kia là những căn phòng và mái nhà cao của ngôi nhà rộng lớn. Trong sân có thằng bé chăm nom chuồng ngựa đi ủng cao su. Đó là Elvedon.”

“Bây giờ bọn mình đã rơi qua ngọn cây xuống đất. Không khí không còn cuộn những lượn sóng tím, dài, buồn bã qua bọn mình nữa. Bọn mình chạm đất; bọn mình bước đi trên mặt đất. Đó là bờ rào vừa được xén của khu vườn của các quý bà. Ban trưa họ xách kéo ra đó để xén những cây hoa hồng. Giờ chúng ta đang ở trong khu vườn có tường bao quanh. Đây là Elvedon. Mình đã trông thấy các bảng chỉ dẫn ở ngã tư đường với một cánh tay chỉ ‘Đến Elvedon’. Chưa từng có ai tới đó. Những lùm dương xỉ có mùi rất nồng, và có những cây nấm đỏ mọc bên dưới chúng. Bây giờ bọn mình đánh thức lũ quạ gáy xám đang ngủ vốn chưa từng nhìn thấy bóng người nào; bây giờ bọn mình dẫm lên những cái vú lá sồi[7] mục rửa, đỏ ửng do lâu ngày, và trơn trợt. Có một vòng tường bao quanh khu rừng này; không có ai đến đây cả. Hãy lắng nghe kìa! Đó là tiếng nhảy lạch bạch của một con cóc bự kếch xù trong lùm cây thấp; đó là tiếng chạm đất của quả linh sam già cổi nào đó, rơi xuống để hoai mục giữa những lùm dương xỉ.”

“Hãy đặt chân lên viên gạch này. Nhìn qua bức tường. Đó là Elvedon. Vị phu nhân đang ngồi viết giữa hai ô cửa sổ dài. Những người làm vườn đang quét dọn bãi cỏ với những cây chổi to tướng. Bọn mình là những người đầu tiên đến đây. Bọn mình là kẻ khám phá ra một vùng đất chưa ai biết tới. Đừng làm ồn; nếu những người làm vườn trông thấy bọn mình, họ sẽ bắn bọn mình. Bọn mình phải đứng im như thóc. Kìa! Đừng nhúc nhích. Hãy bám chặt những nhành dương xỉ trên đỉnh bức tường.”

“Mình nhìn thấy quý bà đang viết. Mình nhìn thấy những người làm vườn đang quét rác.” Susan nói. “Nếu bọn mình chết ở đây, sẽ không có ai chôn bọn mình đâu.”

“Chạy!” Bernard nói. “Chạy! Người làm vườn có bộ râu đen đã nhìn thấy bọn mình! Bọn mình sẽ bị bắn! Bọn mình sẽ bị bắn như những con chim giẻ cùi và bị ghim vào tường!  Bọn mình đang ở trong một đất nước thù địch.  Bọn mình phải trốn vào rừng sồi. Bọn mình phải nấp dưới những tán cây. Mình đã bẻ một nhánh cây làm dấu trên đường tới đây. Có một lối mòn bí mật. Cố khom người càng thấp càng tốt. Cứ theo mình và đừng nhìn lại. Họ sẽ nghĩ bọn mình là những con cáo. Chạy!”

“Giờ thì an toàn rồi. Giờ bọn mình có thể đứng thẳng người trở lại. Giờ bọn mình có thể dang tay dưới vòm cây cao này, trong khu rừng rộng lớn này. Mình không nghe thấy gì. Đó chỉ là tiếng lao xao của những làn sóng trong bầu không khí. Đó chỉ tiếng một con bồ câu rừng đang rời khỏi chỗ nấp trên ngọn cây sồi. Nó đang vỗ đập không khí; nó đang vỗ đập không khí với đôi cánh gỗ.”

“Khi thì đằng ấy hạ giọng,” Susan nói, “tạo nên những cụm từ. Khi thì đằng ấy vươn lên như một sợi dây bóng bay, càng lúc càng cao qua những tầng lá, vượt xa tầm với. Khi thì đằng ấy tụt lại phía sau. Khi thì đằng ấy kéo váy mình, ngoái nhìn lại, tạo nên những cụm từ. Đằng ấy đã trốn thoát khỏi tay mình. Đây là khu vườn. Đây là bờ rào. Đây là Rhoda trên con đường mòn, đang đu đưa tới lui những cánh hoa trong cái thau màu nâu của nó.”

“Tất cả những con tàu của mình đều là màu trắng.” Rhoda nói. “Mình không muốn những cánh hoa thục quỳ hay phong lữ màu đỏ. Mình muốn những cánh hoa trắng bồng bềnh khi mình chao nghiêng cái chậu. Mình có một đoàn tàu đang bơi từ bờ này sang bờ kia. Mình sẽ thả một nhánh cây để làm bè cho một thủy thủ bị đắm tàu. Mình sẽ thả một hòn đá vào và thấy bong bóng nổi lên từ đáy biển. Neville đã đi và Susan đã đi; có lẽ Jinny đang ở trong vườn nhà bếp hái nho với Louis. Mình có một thời gian ngắn một mình, trong khi cô Hudson trải những cuốn vở tập viết của bọn mình lên cái bàn trong phòng học. Mình có một không gian tự do ngắn ngủi. Mình đã nhặt tất cả những cánh hoa rơi và cho chúng bơi. Mình đã gieo rắc những giọt mưa lên một số cánh hoa. Mình sẽ dựng một ngọn hải đăng ở đây, với một chùm hoa cải gió. Và bây giờ mình sẽ đu đưa cái chậu nâu từ bên này sang bên kia để những con tàu có thể cưỡi lên sóng. Một số sẽ bị chìm. Một số sẽ lao mình vào vách đá. Một con tàu lênh đênh một mình. Đó là  con tàu của mình. Nó tiến vào những hang động băng giá nơi những con gấu Bắc cực gầm gừ và những thạch nhũ đong đưa những chuỗi màu xanh. Những lượn sóng nổi lên; đỉnh của chúng cuộn tròn; hãy nhìn những ngọn đèn trên đỉnh cột buồm. Chúng đã ly tán, chúng đã bị chìm, tất cả, ngoại trừ con tàu của mình; nó cưỡi lên sóng, lướt nhanh ở phía trước cơn bão và đi tới những hòn đảo nơi lũ vẹt huyên thuyên ríu rít và những loài dây leo…”

“Bernard đâu rồi?” Neville nói. “Nó giữ con dao của mình. Bọn mình đang ở trong nhà kho làm những chiếc thuyền và Susan đi ngang qua cửa. Thế là Bernard bỏ rơi chiếc thuyền và đi theo nó, mang theo con dao của mình, con dao sắc bén dùng để gọt thuyền. Nó giống như một sợi dây treo lơ lửng, một sợi dây chuông bị đứt, luôn luôn vặn vẹo. Nó giống như mớ rong biển treo ngoài cửa sổ, khi ẩm ướt, khi khô ráo. Nó bỏ mặc mình trong tình cảnh khó khăn, nó đi theo Susan; và nếu Susan khóc, nó sẽ đưa con dao của mình ra và kể cho con nhỏ đó nghe những câu chuyện. Lưỡi dao lớn là một hoàng đế; lưỡi dao mẻ là một gã da đen. Mình ghét những thứ lơ lửng; mình ghét những thứ ẩm ướt. Mình ghét đi lang thang và trộn lẫn mọi thứ với nhau. Giờ chuông đang reo và bọn mình sẽ bị trễ. Giờ bọn mình phải rời bỏ những món đồ chơi. Giờ bọn mình phải cùng tới lớp. Những quyển vở tập viết được đặt cạnh nhau trên cái bàn phủ nỉ xanh.”

“Mình sẽ không chia động từ,” Louis nói, “cho đến khi Bernard làm việc đó. Cha mình là một nhân viên ngân hàng ở Brisbane và mình nói bằng giọng Úc. Mình sẽ chờ và bắt chước Bernard. Nó là người Anh. Tất cả bọn chúng đều là người Anh. Cha của Susan là một giáo sĩ. Rhoda không có cha. Bernard và Neville là con trai của các quý ông. Jinny sống với bà ngoại ở London. Khi thì chúng ngậm bút. Khi thì chúng xoắn những cuốn vở tập viết của chúng, và nhìn trộm cô Hudson, đếm các nút áo màu tím trên ngực áo của cô. Bernard có một vụn gỗ trên mái tóc. Mắt của Susan hoe đỏ. Cả hai đều đỏ bừng mặt mũi. Nhưng mình nhợt nhạt; mình gọn gàng, và cái quần ống túm của mình được giữ chặt trên eo bằng một chiếc thắt lưng có một con rắn bằng đồng. Mình thuộc lòng bài học. Mình biết nhiều hơn những gì chúng sẽ biết. Mình biết những điều kiện và giới tính của mình; mình có thể biết mọi thứ trên đời nếu muốn. Nhưng mình không muốn bước lên vị trí hàng đầu và đọc bài học của mình. Cội rễ của mình được xâu chuỗi lại, giống những thớ sợi trong chậu hoa, cuộn tròn quanh thế giới. Mình không muốn bước tới vị trí hàng đầu và sống trong ánh sáng của chiếc đồng hồ to, mặt vàng, với những tiếng tích tắc tích tắc này. Jinny và Susan, Bernard và Neville liên kết với nhau thành một sợi dây da nhằm quất vào mình. Chúng chế nhạo sự ngăn nắp của mình, giọng Úc của mình. Giờ mình sẽ cố gắng bắt chước Bernard nhẹ nhàng bập bẹ tiếng Latin.”

“Đó là những từ trắng,” Susan nói, “giống như những hòn đá người ta nhặt được trên bờ biển.”

“Chúng quật đuôi sang phải và trái khi mình lên tiếng.” Bernard nói. “Chúng quật đuôi; chúng vẫy đuôi; chúng di chuyển qua không khí theo bầy, lúc hướng này, lúc hướng kia, tất cả cùng nhau di chuyển, lúc chia rẽ, lúc đoàn kết.”

“Đó là những từ màu vàng, đó là những từ bốc lửa.” Jinny nói. “Mình thích một chiếc váy bốc lửa, một chiếc váy màu vàng, một chiếc váy màu da bò để mặc vào buổi tối.”

“Mỗi thì [tense] có một ý nghĩa khác nhau.” Neville nói. “Có một trật tự trong thế giới này; có sự phân biệt, có sự khác biệt trong thế giới này, mình bước trên bờ của chúng. Bởi đây chỉ là một sự khởi đầu.”

“Giờ cô Hudson đã đóng cuốn sách lại.” Rhoda nói. “Giờ sự kinh hoàng đang bắt đầu. Giờ cô ấy cầm cục phấn vẽ những con số sáu, bảy, tám, rồi một hình chữ thập, rồi một đoạn thẳng trên bảng đen. Câu trả lời là gì? Những người khác nhìn; họ nhìn với sự hiểu biết. Louis viết; Susan viết; Neville viết; Jinny viết; ngay cả Bernard bây giờ cũng đã bắt đầu viết. Nhưng mình không thể viết. Mình chỉ nhìn thấy những con số. Những người khác đang đưa ra câu trả lời của họ, từng người một. Bây giờ đến lượt mình. Nhưng mình không có câu trả lời. Những người khác được phép đi ra. Họ đóng sầm cửa. Cô Hudson đi ra. Mình còn lại một mình để tìm một câu trả lời. Lúc này những con số chẳng có ý nghĩa gì. Ý nghĩa đã biến mất. Đồng hồ tích tắc. Hai cây kim là đoàn xe diễu hành qua một sa mạc. Các vạch đen trên mặt đồng hồ là những ốc đảo xanh. Cây kim dài đã tiến lên phía trước để tìm nước. Cây kim còn lại loạng choạng một cách đau đớn giữa những tảng đá nóng trên sa mạc. Nó sẽ chết trong sa mạc. Cánh cửa bếp đóng sầm lại. Lũ chó hoang sủa ngoài xa. Coi kìa, vòng tròn của con số đang bắt đầu được thời gian lấp đầy; nó cầm giữ thế giới trong đó. Mình bắt đầu vẽ một con số và thế giới bị khép kín trong đó, và bản thân mình ở bên ngoài cái vòng tròn mà lúc này mình muốn tham gia; nhưng nó đã bị niêm phong và trở nên toàn vẹn. Thế giới thì toàn vẹn, và mình ở bên ngoài nó, đang khóc, ‘Ôi, hãy cứu giúp tôi, đừng để tôi mãi mãi bị thổi ra bên ngoài vòng tròn của thời gian!’”

“Rhoda ngồi đó, trong lớp học, nhìn chằm chằm vào bảng đen,” Louis nói, “trong khi bọn mình rong chơi đây đó, hái một mớ cỏ xạ hương ở chỗ này, ngắt một lá ngải yêu ở chỗ kia, và Bernard kể một câu chuyện. Hai xương bả vai của nó giao nhau trên lưng như đôi cánh của một con bướm nhỏ. Và khi nó nhìn chằm chằm vào những con số viết bằng phấn, tâm trí nó cư ngụ trong những vòng tròn trắng đó, tâm trí nó bước qua những vòng tròn trắng, đi vào cõi trống rỗng, cô đơn. Chúng không có ý nghĩa gì với nó. Nó không có câu trả lời cho chúng. Nó không có cơ thể như những người khác có. Và mình, kẻ nói bằng giọng Úc, có cha là nhân viên ngân hàng ở Brisbane, không sợ nó giống như mình sợ những đứa khác.”

“Bây giờ bọn mình hãy bò dưới vòm lá nho và kể những câu chuyện.” Bernard nói. “Bọn mình hãy sống trong thế giới ngầm. Bọn mình hãy chiếm hữu lãnh thổ bí mật này, được thắp sáng bởi những bụi nho Hy Lạp đối xứng nhau như những chúc đài, phía này lóng lánh đỏ, phía kia đen. Ở đây, Jinny ạ, nếu co người sát bên nhau, bọn mình có thể ngồi dưới vòm lá nho và quan sát những cái lư hương đu đưa qua lại. Đây là vũ trụ của bọn mình. Những người khác đi xuôi theo con đường dành cho xe ngựa. Váy của cô Hudson và cô Curry quét qua như những cái chụp nến. Kia là đôi vớ trắng của Susan. Kia là đôi giày đi cát gọn gàng của Louis in đậm dấu trên lớp sỏi. Ở đây có những cơn gió ấm áp của lá cây đang phân hủy, của thảm thực vật mục nát. Bây giờ bọn mình đang ở trong một đầm lầy; trong một khu rừng rậm. Có một con voi trắng bệch vì lũ giòi, bị giết bởi một mũi tên chết người ghim vào mắt nó. Những đôi mắt sáng của lũ chim năng động – chim ưng, kền kền - là  chuyện hiển nhiên. Chúng lầm tưởng bọn mình là những cái cây đã đổ. Chúng nhắm tới một con sâu - đó là một con rắn hổ mang chúa - và tặng cho nó một vết sẹo mưng mủ màu nâu mà lũ sư tử sẽ tiếp tục hành hạ. Đây là thế giới của chúng ta, được vầng trăng lưỡi liềm và những vì sao thắp sáng; và những cánh hoa lớn trong suốt nửa phần che chắn những chỗ trống như những ô cửa sổ màu tím. Mọi thứ đều kỳ lạ. Những thứ rất lớn và rất nhỏ. Những cuống hoa to lớn như cây sồi. Những chiếc lá cao như mái vòm của những thánh đường rộng lớn. Bọn mình là những gã khổng lồ, đang nằm ở đây, những kẻ có thể làm cho những cánh rừng rung chuyển.”

“Điều này là ở đây,” Jinny nói, “điều này là hiện giờ. Nhưng bọn mình sẽ sớm đi thôi. Cô Curry sẽ sớm thổi còi. Bọn mình sẽ bước đi. Bọn mình sẽ chia tay. Đằng ấy sẽ đi học. Đằng ấy sẽ có những ông thầy đeo thánh giá và thắt cà vạt trắng. Mình sẽ có một cô giáo trong một trường học ở East Coast, kẻ ngồi dưới một bức chân dung của Nữ hoàng Alexandra. Đó là nơi mình sẽ đến, cùng với Susan và Rhoda. Điều này chỉ là ở đây; điều này chỉ là hiện giờ. Giờ bọn mình nằm dưới những bụi nho và mỗi khi làn gió khuấy động, bọn mình bị lốm đốm khắp cả người. Bàn tay của mình giống như da rắn. Hai đầu gối của mình là hai hòn đảo nổi màu hồng. Khuôn mặt của đằng ấy giống như một cây táo có lưới treo bên dưới.”

“Hơi nóng đang đến từ cánh rừng.” Bernard nói. “Những chiếc lá vỗ những đôi cánh đen bên trên bọn mình. Cô Curry đã thổi còi ở sân trường. Bọn mình phải bò ra khỏi cái mái hiên của những chiếc lá nho và đứng thẳng lên. Có mấy nhánh cây nhỏ trên mái tóc của đằng ấy, Jinny ạ. Có một con sâu bướm xanh trên cổ đằng ấy. Bọn mình phải chia thành từng cặp. Cô Curry đang yêu cầu bọn mình bước nhanh chân, trong lúc cô Hudson ngồi ở bàn giấy xử lý những số sách của cô.”

“Việc đi bộ dọc theo con đường lộ không có cửa sổ nào để nhìn, không có đôi mắt thủy tinh màu xanh lam nào rơi xuống vỉa hè thật là buồn tẻ.” Jinny nói.

“Bọn mình phải chia thành từng cặp,” Susan nói, “và đi theo thứ tự, không lê bước, không tụt lại phía sau, Louis sẽ đi đầu, vì Louis lanh lợi và không phải là một người hay mơ mộng.”

“Vì mình cho rằng mình quá yếu ớt để đi cùng với chúng,” Neville nói, “vì mình rất dễ mệt mỏi và sau đó bị ốm, mình sẽ sử dụng giờ khắc cô đơn này, sự từ bỏ cuộc trò chuyện này, để đi vòng men theo ngôi nhà và phục hồi, nếu mình có thể, bằng cách đứng trên nấc giữa cầu thang, với những gì mình đã cảm thấy khi nghe được qua cánh cửa tự động hồi đêm qua về người đàn ông đã chết, khi người đầu bếp cứ đi ra đi vào để đưa những cái bánh nướng tro. Ông ta được tìm thấy với cổ họng bị cắt đứt. Những chiếc lá của cây táo đã trở nên bất động trên nền trời; trăng ngời sáng; mình không thể nhấc chân lên cầu thang. Ông ta được tìm thấy trong rãnh nước. Máu của ông ta chảy òng ọc xuống rãnh. Hàm dưới của ông ta trắng như một con cá tuyết đã chết. Mình sẽ mãi mãi gọi cái chết khắc nghiệt, thê thảm này là ‘chết giữa những cây táo.’ Có những đám mây xám nhạt trôi bềnh bồng; và cái cây không thể xoa dịu; cái cây không thể xoa dịu với lớp vỏ cây ánh bạc của nó. Gợn sóng của cuộc đời mình là vô tác dụng. Mình đã không thể vượt qua. Có một trở ngại. ‘Tôi không thể vượt qua trở ngại khó hiểu này,’ mình nói. Và những người khác đã chết. Nhưng những cây táo, cái cây không thể xoa dịu đó, mà bọn mình không thể vượt qua, là số phận của bọn mình, hết thảy bọn mình.”

“Giờ thì sự khắc nghiệt và sự thê thảm đã kết thúc; và mình sẽ tiếp tục cuộc khảo sát những vùng phụ cận của ngôi nhà vào lúc xế chiều, dưới ánh hoàng hôn, khi mặt trời tạo nên những đốm dầu trên tấm vải sơn lót sàn, và một đường rạn của ánh sáng quỳ gối trên bức tường, khiến những cái chân ghế trông như bị gẫy.”

“Mình đã trông thấy Florrie trong khu vườn nhà bếp,” Susan nói, “khi bọn mình đi bộ về tới, với những quần áo mới giặt bay phấp phới xung quanh, những bộ pyjama, những chiếc quần đùi, những chiếc váy ngủ căng phồng vì gió thổi. Và Ernest đã hôn chị ta. Anh ta đeo tấm tạp dề len màu xanh lục; đang rửa những dao nĩa bạc;  miệng anh ta lúc bị nút trông như một cái ví đầy những nếp nhăn, và anh ta ôm chặt chị ta, với những bộ pyjama tung bay giữa họ. Anh ta mù như một con bò đực, còn chị ta ngất đi trong nỗi thống khổ, chỉ có những mạch máu nhỏ tô sọc đỏ lên đôi má trắng của chị ta. Bây giờ, dù họ đang chuyền những đĩa bánh mì và bơ và những cốc sữa vào thời điểm uống trà, mình nhìn thấy một vết nứt trên quả đất và hơi nước nóng sèo sèo bốc lên; và cái bình pha trà rống lên giống như Ernest đã rống, và mình bị gió thổi tung hệt như những bộ pyjama, thậm chí trong lúc hai hàm răng của mình ngập trong bánh mì và bơ mềm, và mình đang ừng ực nốc sữa ngọt. Mình không sợ trời nóng, cũng không sợ mùa đông giá lạnh. Rhoda vừa mơ mộng vừa nhấm nháp một mẩu vỏ bánh mì chấm sữa; Louis chăm chú nhìn bức tường đối diện với đôi mắt ốc nhồi màu xanh lục; Bernard nặn bánh mì của mình thành những viên nhỏ và gọi chúng là ‘mọi người’. Neville đã xong bữa, với cung cách sạch sẽ và quyết đoán. Cậu ấy cuộn tròn tấm khăn ăn và luồn nó qua chiếc nhẫn bạc. Jinny xoay xoay những ngón tay trên tấm khăn trải bàn, như thể chúng đang nhảy múa dưới ánh nắng mặt trời trong vũ điệu xoay tròn. Nhưng mình không sợ trời nóng hay mùa đông giá lạnh.”

“Giờ tất cả bọn mình đứng lên, rời khỏi ghế.” Louis nói. “Cô Curry đang mở  rộng cuốn sách bìa đen trên cây đàn harmonium. Thật khó mà không khóc khi bọn mình hát, khi bọn mình cầu nguyện rằng Chúa Trời sẽ giữ cho bọn mình an toàn trong giấc ngủ, tự gọi mình là những đứa bé. Khi bọn mình buồn và run rẩy vì sợ hãi, thật ngọt ngào khi được hát cùng nhau, người hơi nghiêng; mình nghiêng về phía Susan, Susan về phía Bernard, tay nắm chặt tay, e sợ nhiều thứ, mình e sợ giọng nói của mình, Rhoda e sợ những con số; thế nhưng kiên quyết chinh phục.”

“Bọn mình lũ lượt lên gác như những con ngựa pony,” Bernard nói, “dẫm mạnh chân, dúi người vào nhau, người này sau người kia chờ tới lượt vào phòng tắm. Bọn mình xô đẩy, bọn mình đánh nhau, bọn mình nhảy tưng tưng trên những cái giường trắng, cứng. Đã đến lượt của mình. Mình tới ngay. Bà Constable, với một chiếc khăn tắm quấn quanh người, lấy miếng bọt biển màu vàng chanh và ngâm nó trong nước; nó chuyển sang màu nâu sô-cô-la; nó nhỏ giọt; và, giơ cao nó bên trên mình, đang run rẩy bên dưới bà ấy, bà ấy vặn mạnh nó. Nước chảy dọc xương sống của mình. Nhũng mũi tên sáng rực của cảm giác bắn vào hai bên sườn. Mình được bao phủ bởi da thịt ấm áp. Lớp da khô nứt nẻ của mình được làm ướt; cơ thể lạnh lẽo của mình được sưởi ấm; nó được cọ rửa và sáng lấp lánh. Nước đổ xuống và trùm kín mình như một con lươn. Rồi những tấm khăn lau nóng bao bọc lấy mình, và sự thô ráp của chúng, khi mình chà lưng, khiến máu mình kêu rừ rừ như mèo kêu. Những cảm giác phong phú và nặng nề hình thành trên mái nhà tâm trí; những cơn mưa rào trong ngày - khu rừng; và Elvedon; Susan và con chim bồ câu. Đổ xuống những bức tường của tâm trí mình, chạy cùng nhau, ngày rơi thật thừa thãi, thật rực rỡ. Giờ mình mặc bộ pyjama rộng thùng thình, và nằm dưới tấm vải mỏng đang trôi bềnh bồng trong làn ánh sáng nông, giống như một màn nước mỏng được kéo qua mắt mình bởi một lượn sóng. Mình nghe thấy xuyên qua nó, từ xa, xa lắm, mơ hồ và xa xăm, bản đồng ca bắt đầu cất lên; những cái bánh xe; những con chó; đám đàn ông đang la hét; tiếng chuông nhà thờ; bản đồng ca bắt đầu.”

“Vì mình đã gấp cái váy và cái áo sơ-mi,” Rhoda nói, “thế nên mình cũng từ  bỏ mong muốn vô vọng sẽ trở thành Susan, trở thành Jinny. Nhưng mình sẽ duỗi những ngón chân để chúng chạm vào những thanh ngang ở cuối giường; mình sẽ tự đảm bảo với mình về việc chạm chân vào những thanh ngang, về một điều gì đó khó khăn. Giờ mình không thể chìm, không thể hoàn toàn rơi qua tấm vải mỏng. Giờ mình duỗi dài cơ thể trên tấm nệm mỏng manh này và treo lơ lửng. Giờ mình đang ở trên trái đất. Mình không còn ở tư thế đứng thẳng, bị tấn công và gây thương tổn. Tất cả đều mềm mại và uốn cong. Những bức tường và những cái tủ nhuộm trắng và uốn cong những ô vuông màu vàng mà trên đó một cái ly nhợt nhạt đang sáng lấp lánh. Giờ tâm trí mình có thể tuôn trút khỏi cơ thể của mình. Mình có thể nghĩ về con tàu Armadas của mình đang cưỡi trên những lượn sóng cao. Mình được giải thoát khỏi những tiếp xúc và va chạm mạnh. Mình lái tàu đi một mình, dưới những vách đá trắng. Ồ, nhưng mình chìm, mình rơi! Đó là góc tủ; đó là tấm gương trong căn phòng trẻ nhỏ. Nhưng chúng kéo dài, chúng giãn ra. Mình chìm xuống những sợi lông vũ màu đen của giấc ngủ; nó đè mạnh đôi cánh dày lên mắt mình. Khi du hành xuyên qua bóng tối, mình nhìn thấy những luống hoa trải dài, và bà Constable chạy từ phía sau góc của bãi cỏ bông bạc để báo rằng cô của mình đã đến đón mình bằng xe ngựa. Mình trèo lên xe; mình trốn thoát; mình vươn người trên đôi ủng cao gót mùa xuân bên trên những ngọn cây. Nhưng hiện giờ mình rơi vào cỗ xe ngựa ở cửa hội trường, nơi cô ấy ngồi gật đầu, với cái mũ gắn những cọng lông vũ màu vàng và đôi mắt nghiêm trang như hai viên bi lóe sáng. Chà, phải tỉnh thức khỏi giấc mơ thôi! Nhìn kìa, có một cái ngăn kéo. Mình hãy tự kéo mình ra khỏi những lượn sóng này. Nhưng chúng tự chất chồng lên mình; chúng quét mình đi giữa những đôi vai to lớn của chúng; mình bị xoay tròn; mình bị hất lộn nhào; mình bị kéo giãn ra, giữa những ánh sáng dài này, những lượn sóng dài này, những con đường bất tận này, với những người đang mưu cầu, đang theo đuổi.”