Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO - Fareed Zakaria

NXB Giấy Vụn vừa cho ra mắt

TƯƠNG LAI CỦA TỰ DO - Nền dân chủ phi tự do ở Hoa Kỳ và các nước khác

(The Future of Freedom, Illiberal Democracy at Home and Abroad, by FAREED ZAKARIA, W.W. Norton & Company, New York, 2007)

Nguyễn Thành Nhân dịch - Nguyễn Hữu Liêm giới thiệu

Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.


Sau đây là phần Dẫn nhập của cuốn sách để các bạn tham khảo:



Mỹ nhân ngư là những nữ thần biển cả, vốn có quyền năng quyến rũ tất cả những ai nghe thấy những bài ca của họ, khiến cho những thủy thủ bất hạnh không thể cưỡng lại việc tự gieo mình xuống biển và chết đuối. Nữ thần Circe chỉ cho Ulysses cách lấy sáp nhét đầy hai lỗ tai của các thủy thủ, nhờ thế họ không nghe được tiếng hát; và chàng phải sai người trói chặt chính bản thân mình vào cột buồm, nghiêm lệnh cho họ bất kể chàng nói gì hay làm gì, họ không được cởi trói cho chàng cho tới khi họ đã vượt qua hòn đảo của những mỹ nhân ngư.
Ulysses tuân theo những hướng dẫn đó. Chàng nhét đầy sáp vào lỗ tai của mọi người, và bảo họ lấy dây thừng trói chặt chàng vào cột buồm. Khi họ tới gần hòn đảo của những mỹ nhân ngư, mặt biển yên tĩnh, và bên trên làn nước vọng lên những giai điệu nhạc mê hồn và quyến rũ đến độ Ulysses vùng vẫy để thoát ra, và gào thét, ra dấu cho thủy thủ của chàng, cầu xin họ cởi trói cho chàng; nhưng họ tuân theo những chỉ thị trước đó của chàng, nhào tới và trói chàng chặt hơn nữa. Họ tiếp tục hành trình, và tiếng hát nhòa dần cho tới khi tắt hẳn, khi đó Ulysses hân hoan ra hiệu cho mọi người tháo sáp khỏi lỗ tai và cởi trói cho chàng.
--Thomas Bulfinch, Thời đại của Ngụ ngôn hay Những câu chuyện về các vị thần và các vị anh hùng.


DẪN NHẬP

Kỷ nguyên dân chủ

Chúng ta sống trong một kỷ nguyên dân chủ. Suốt thế kỷ trước, thế giới đã được định hình bởi một xu hướng mạnh mẽ hơn tất cả các xu hướng khác – sự nổi lên của dân chủ. Vào năm 1900, chưa quốc gia nào có cái mà hiện nay chúng ta xem là một nền dân chủ: một chính phủ được hình thành bởi các cuộc bầu cử mà trong đó mỗi công dân trưởng thành đều có quyền bỏ phiếu. Hiện nay có 119 quốc gia như thế, chiếm 62% tổng số các quốc gia trên thế giới. Điều trước kia từng là một thực hành riêng biệt của một nhóm nhỏ nhà nước quanh khu vực Bắc Đại Tây Dương đã trở thành một hình thức chính phủ chuẩn mực đối với nhân loại. Các nhà nước quân chủ thì lỗi thời, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản lại cực kỳ mất uy tín. Ngay cả chế độ chính trị thần quyền Hồi giáo[1] cũng chỉ thu hút một số ít người cuồng tín. Đối với đại đa số quốc gia trên thế giới, dân chủ là nguồn sống sót duy nhất của sự hợp pháp về chính trị. Những nhà độc tài như Hosni Mubarak của Ai Cập và Robert Mugable của Zimbabwe đã bỏ ra những nỗ lực và chi phí lớn để tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia – mà, tất nhiên, họ thắng một cách dễ dàng. Khi những kẻ thù của nền dân chủ to mồm thốt lên những lời lẽ khoa trương về nó và nhại theo những nghi thức của nó, bạn biết rằng nó đã thắng cuộc chiến.
Chúng ta sống trong một kỷ nguyên dân chủ theo một ý nghĩa thậm chí sâu rộng hơn. Từ nguồn gốc Hy Lạp của nó, “dân chủ” có nghĩa là “sự cai trị của nhân dân”. Và ở mọi nơi, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dời quyền lực xuống phía dưới. Tôi gọi đây là “sự dân chủ hóa”, dù nó vượt xa khỏi phạm vi chính trị, vì quá trình này cũng tương tự thế: các hệ thống cấp bậc đang suy sụp, các hệ thống khép kín đang mở cửa, và những áp lực từ các đám đông hiện đang là cỗ máy cái của chuyển biến xã hội. Dân chủ đã tiến từ chỗ là một hình thức chính quyền tới chỗ là một cách thức của cuộc sống.
Hãy xét trong phạm vi lĩnh vực kinh tế. Điều thật sự khác biệt và mới mẻ về chủ nghĩa tư bản ngày nay không phải ở chỗ nó có tính chất toàn cầu hay giàu thông tin hay được thúc đẩy nhờ công nghệ - mà đúng hơn, là ở chỗ nó có tính chất dân chủ. Trong nửa thế kỷ vừa qua, tăng trưởng kinh tế đã làm giàu cho hàng trăm triệu người trong thế giới công nghệ, biến sự tiêu thụ, sự tiết kiệm và sự đầu tư thành một hiện tượng đại chúng. Điều này buộc các cấu trúc xã hội phải thích ứng theo. Quyền lực kinh tế, mà trong suốt nhiều thế kỷ được nắm giữ bởi những nhóm nhỏ các doanh nhân, chủ ngân hàng và quan chức nhà nước, đã, như một kết quả, chuyển dần xuống phía dưới. Ngày nay phần lớn các công ty – thật ra là phần lớn các quốc gia – cố tranh thủ sự ủng hộ của số đông thuộc tầng lớp trung lưu chứ không phải của một nhóm nhỏ những người giàu. Và điều đó đúng, vì tài sản của nhóm đầu tư độc quyền đã bị thu nhỏ lại bởi những tài sản của một quỹ lương hưu của các công nhân.
Cả văn hóa cũng được dân chủ hóa. Cái trước kia từng được gọi là “nền văn hóa cao cấp” tiếp tục nảy nở, dĩ nhiên, nhưng với tư cách một sản phẩm nhỏ dành cho tập hợp những kẻ lớn tuổi, chứ không còn nằm ở trung tâm của đời sống văn hóa của xã hội, vốn được định nghĩa và thống trị bởi âm nhạc phổ thông, những cuốn phim bom tấn, và truyền hình trong giờ cao điểm hiện nay. Ba yếu tố này hình thành quy chuẩn của thời hiện đại, một tập hợp các sở thích văn hóa mà với nó mọi người trong xã hội đều quen thuộc. Cuộc cách mạng dân chủ diễn tiến thông qua xã hội đã thay đổi chính định nghĩa của chúng ta về văn hóa. Yếu tố then chốt đối với sự nổi tiếng, của một ca sĩ chẳng hạn, trong một trật tự xưa cũ hơn là ai thích cô ta. Yếu tố then chốt đối với sự nổi tiếng ngày nay là bao nhiêu người thích cô ta. Và với cái thước đo đó, Madonna sẽ luôn luôn thành công hơn Jessye Norman. Số lượng đã trở thành chất lượng.
Cái gì đã tạo nên sự chuyển biến khá ấn tượng này? Như với bất kỳ hiện tượng vĩ mô nào, nhiều lực lượng đã giúp tạo nên làn sóng dân chủ – một cuộc cách mạng công nghệ, tài sản gia tăng của tầng lớp trung lưu, và sự sụp đổ của các hệ thống và các ý thức hệ có thể thay thế từng tổ chức nên xã hội. Còn có một nguyên nhân bổ sung cho các nguyên nhân lớn mang tính hệ thống này: nước Mỹ. Sự nổi lên và địa vị thống trị của nước Mỹ – một quốc gia có một nền chính trị và văn hóa mang tính dân chủ sâu sắc – đã khiến cho sự dân chủ hóa dường như là điều không thể tránh khỏi. Bất chấp các nguyên do của nó là gì, làn sóng dân chủ có những tác động có thể dự báo trong mọi lĩnh vực. Nó phá vỡ các hệ thống cấp bậc, trao quyền lực cho các cá thể, và chuyển các xã hội vượt ra khỏi nền chính trị của chúng. Thật sự, nhiều thứ của cái mang tính chất khác biệt về thế giới mà chúng ta đang sống là kết quả của tư tưởng dân chủ.
Chúng ta thường đọc trong thập niên 1990 ồn ào rằng công nghệ và thông tin đã được dân chủ hóa. Đây là một hiện tượng tương đối mới. Trong quá khứ, công nghệ giúp củng cố sự tập trung hóa và hệ thống cấp bậc. Ví dụ, cuộc cách mạng thông tin lớn gần đây nhất – trong thập niên 1920 bao gồm radio, TV, điện ảnh, loa – có một tác động mang tính tập trung hóa. Nó cung cấp cho cá nhân hay nhóm có khả năng tiếp cận công nghệ đó khả năng vươn tới số còn lại của xã hội. Đó là lý do vì sao bước đầu tiên trong một cuộc cách mạng hay hành động phi thường luôn là việc nắm quyền kiểm soát đài truyền hình và đài phát thanh của quốc gia. Nhưng cách mạng thông tin ngày nay đã tạo nên hàng ngàn lối ra cho tin tức khiến cho sự kiểm soát tập trung trở nên bất khả và sự bất đồng quan điểm trở nên dễ dàng. Internet đã đưa quá trình này tiến thêm một bước dài về phía trước; nó là một hệ thống mà, theo lời của nhà báo phụ trách chuyên mục Thomas Friedman, “nối kết được với tất cả mọi người nhưng không ai nằm trong vòng kiểm soát.”
Sự dân chủ hóa của công nghệ và thông tin có ý nghĩa là hầu như bất cứ một ai cũng có thể đặt tay của mình lên bất cứ thứ gì. Như các thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Giờ đây chúng ta biết rằng Osama bin Laden đã tiến hành một chương trình vũ khí sinh học nghiêm túc trong thập niên 1990. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là thông tin khoa học và những cuốn sách hướng dẫn tìm thấy tại những ngôi nhà an toàn ở Kabul của Al Qaeda không phải là những bí mật đánh cắp từ các phòng thí nghiệm của chính phủ. Chúng là những tài liệu được tải xuống từ Internet. Ngày nay nếu bạn muốn tìm những nguồn thông tin về bệnh than, các công thức điều chế thuốc độc, hay các  phương pháp biến các chất hóa học thành vũ khí, tất cả những gì bạn cần là một cỗ máy tìm kiếm tốt. Những nguồn mở tương tự sẽ, thật không may, sớm giúp cho một kẻ nào đó chế ra một quả bom bẩn thỉu. Các thành phần dễ tìm được hơn bất cứ lúc nào trước đây. Hầu như điều bạn cần là kiến thức, và cái đó đã được lan truyền rộng rãi trong suốt thập kỷ qua. Ngay cả công nghệ nguyên tử hiện giờ thường cũng có sẵn. Nói cho cùng, nó là một bí quyết năm mươi tuổi, thành phần của một thế giới của các máy phát thanh trên sóng AM và TV trắng đen. Hãy gọi nó là sự dân chủ hóa của bạo lực.
Đây không phải chỉ là một cụm từ dễ nhớ. Sự dân chủ hóa của bạo lực là một trong những đặc điểm chủ yếu, và khủng khiếp, của thế giới ngày nay. Trong suốt nhiều thế kỷ, nhà nước đã có một độc quyền đối với việc sử dụng hợp pháp sức mạnh trong các xã hội loài người. Sự bất bình đẳng về quyền lực giữa nhà nước và công dân tạo nên trật tự và là một phần của chất kết dính gắn kết nền văn minh hiện đại vào nhau. Nhưng trong vài thập kỷ qua, lợi thế của nhà nước đã suy yếu, giờ đây những nhóm người nhỏ cũng có thể thực hiện những điều đáng sợ. Và trong khi chủ nghĩa khủng bố là cú đấm nghiêm trọng nhất giáng vào thẩm quyền nhà nước, các chính phủ tập trung cũng nằm dưới sự vây hãm theo nhiều cách khác. Các thị trường vốn, các doanh nghiệp tư nhân, các chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, tất cả đang thu thập sức mạnh, hút hết chất nhựa thẩm quyền của nhà nước. Dòng chảy phi pháp của con người, ma túy, tiền, và vũ khí nổi lên trên khắp thế giới chứng thực cho sự yếu kém của nó. Sự phân tán quyền lực này sẽ tiếp tục vì nó được tiếp nhiên liệu bởi những thay đổi rộng lớn về công nghệ, xã hội, và kinh tế. Trong thế giới hậu 11-9, nhà nước đã quay lại, với quyền lực và tính hợp pháp được làm mới. Cả điều này cũng sẽ kéo dài. Thời đại của sự khủng bố do vậy sẽ được đánh dấu bởi một sự căng thẳng giữa một bên là các lực lượng thúc đẩy sự dân chủ hóa thẩm quyền, và một bên là nhà nước.
Thảo luận các vấn đề này không phải là nói rằng dân chủ là một điều xấu. Một cách áp đảo, nó có những hệ quả tuyệt vời. Ai trong số chúng ta lại muốn quay trở về một thời kỳ với ít chọn lựa hơn và ít quyền lực và sự tự trị của cá thể hơn? Nhưng như bất kỳ sự chuyển hóa lớn lao nào, dân chủ có những mặt tối của nó. Thế nhưng chúng ta ít khi nói về chúng. Làm điều đó sẽ là khơi ra sự chỉ trích ngay lập tức rằng bạn “không đồng bộ” với các thời đại. Nhưng điều này có nghĩa rằng chúng ta chưa bao giờ thật sự dừng lại để thấu hiểu những thời đại này. Bị bịt miệng bởi nỗi sợ bị gán cho danh hiệu “phản dân chủ” chúng ta không có cách nào để thấu hiểu điều gì có thể gây rắc rối từ sự dân chủ hóa không ngừng gia tăng của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta giả đoán rằng không rắc rối nào có thể được tạo nên bởi dân chủ, vì thế khi chúng ta nhìn thấy những tệ nạn xã hội, kinh tế và chính trị, chúng ta đổ lỗi cho chỗ này chỗ khác, làm chệch hướng các vấn đề, tránh né những câu trả lời, chứ không bao giờ nói về sự chuyển hóa lớn lao nằm ngay tại trung tâm của cuộc sống xã hội, chính trị và kinh tế của chúng ta.

Dân chủ và Tự do
“Giả sử các cuộc bầu cử là tự do và công bằng và những người được bầu là những kẻ phân biệt chủng tộc, những kẻ theo chủ nghĩa phát xít và những kẻ theo chính sách ly khai,” lời của nhà ngoại giao người Mỹ[2] Richard Holbrooke nhận định về Nam Tư trong thập niên 1990. “Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan.” Nó thật sự là như vậy, và không chỉ trong quá khứ của Nam Tư mà cả trong hiện tại của toàn thế giới. Ví dụ, hãy xét tới sự thách thức mà chúng ta đối mặt trên khắp thế giới Hồi giáo. Chúng ta nhận ra nhu cầu về dân chủ trong các quốc gia thường có tính chất đàn áp đó. Nhưng sẽ ra sao nếu dân chủ sản sinh ra một nền chính trị thần quyền Hồi giáo hay một thứ gì đó giống như nó? Trên khắp toàn cầu, các chế độ được bầu ra một cách dân chủ, thông thường là những chế độ đã được tái bầu cử hay tái xác nhận thông qua trưng cầu dân ý, có thói quen làm ngơ những hạn chế về lập hiến đối với quyền lực của chúng và tước đoạt các quyền cơ bản khỏi công dân của chúng. Hiện tượng đáng lo ngại này – có thể nhìn thấy từ Peru cho tới các vùng lãnh thổ của Palestin, từ Ghana cho tới Venezuela – có thể được gọi là “dân chủ phi tự do” [illegal democracy].
Đối với mọi người ở phương Tây, dân chủ có nghĩa là “dân chủ tự do” [liberal democracy]: một hệ thống chính trị được đánh dấu không chỉ bởi các cuộc bầu cử tự do và công bằng mà cả bởi nền pháp trị, sự phân lập của các quyền lực, và sự bảo vệ các quyền tự do cơ bản về ngôn luận, hội họp, tín ngưỡng và tài sản. Nhưng nhóm quyền tự do này – cái có thể mệnh danh là “chủ nghĩa tự do hiến định” [constitutional liberalism], thực chất không có liên quan gì với dân chủ, và hai phạm trù này không phải lúc nào cũng song hành với nhau, ngay cả ở phương Tây. Nói cho cùng, Adolf Hitler đã trở thành quốc trưởng nước Đức thông qua các cuộc bầu cử tự do. Trong nửa thế kỷ vừa qua ở phương Tây, dân chủ và tự do đã hợp nhất với nhau. Nhưng ngày nay hai thớ sợi của nền dân chủ tự do, vốn từng đan xen vào nhau trong tấm vải chính trị phương Tây, đang tách rời khỏi nhau trên khắp toàn cầu. Dân chủ đang phát triển mạnh mẽ, tự do thì không.
Ở một số nơi, ví dụ Trung Á, các cuộc bầu cử đã mở đường cho các chế độ độc tài. Ở một số nơi khác, chúng khiến cho xung đột nhóm và các căng thẳng sắc tộc trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ, cả Nam Tư lẫn Indonesia đều có tính chất khoan dung và thế tục hơn nhiều khi chúng được cai trị bởi những con người mạnh mẽ (Tito và Suharto, theo thứ tự) so với chúng hiện giờ với tư cách là hai chế độ, dân chủ. Và trong rất nhiều nước không theo chế độ dân chủ, các cuộc bầu cử không cải thiện vấn đề được mấy. Trên khắp thế giới Ả Rập các cuộc bầu cử được tổ chức trong tương lai chắc chắn sẽ mang tới những chế độ cầm quyền cố chấp, phản động, chống phương Tây và chống Xê-mít hơn so với các chế độ độc tài hiện tại.
Trong một thế giới ngày càng có tính dân chủ, các chế độ cưỡng lại xu hướng này tạo nên những xã hội bất bình thường – như trong thế giới Ả Rập. Người dân ở đó cảm nhận sự tước đoạt tự do một cách mạnh mẽ hơn bao giờ trước đó vì họ biết những khả năng thay thế, họ có thể nhìn thấy chúng trên đài CNN, BBC và Al-Jazeera. Nhưng các nước dân chủ mới rất thường trở thành những chế độ dân chủ giả hiệu, vốn sản sinh ra sự vỡ mộng, sự xáo trộn, bạo lực và những hình thức chuyên chế mới. Hãy nhìn sang Iran và Venezuela. Đây không phải là lý do để thôi không tổ chức các cuộc bầu cử, dĩ nhiên, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến chúng ta phải hỏi, Cái gì nằm ở gốc rễ của sự phát triển rối rắm này? Vì sao quá nhiều quốc gia đang phát triển lại có quá nhiều khó khăn trong việc tạo nên những xã hội ổn định, thật sự dân chủ? Chúng ta có buộc phải dấn thân vào sự thách thức lớn lao của việc xây dựng nền dân chủ ở Iraq không, làm sao chúng ta biết chắc chúng ta sẽ thành công?
Trước hết, hãy làm rõ cái chúng ta định nói tới thông qua dân chủ về chính trị. Từ thời đại của Herodotus[3] nó đã được định nghĩa, đầu tiên và trên hết, là sự cai trị của nhân dân. Định nghĩa này của dân chủ với tư cách một quá trình tuyển chọn chính phủ hiện đang được các học giả sử dụng một cách rộng rãi. Trong The Third Wave, nhà khoa học chính trị lỗi lạc Samuel P. Huntington giải thích vì sao:
Những cuộc bầu cử, mở rộng, tự do và công bằng, là bản chất của dân chủ, điều kiện tiên quyết không thể tránh khỏi. Các chính quyền được tạo nên bởi các cuộc bầu cử có thể bất tài, tham nhũng, thiển cận, vô trách nhiệm, bị chế ngự bởi những lợi ích đặc biệt, và không có khả năng vận dụng những chính sách được yêu cầu bởi công chúng tốt. Những phẩm chất này khiến các chính quyền đó không đáng ao ước nhưng chúng không khiến cho các chính quyền đó trở nên phản dân chủ. Dân chủ là một đức tính mang tính cộng đồng chứ không phải một đức tính duy nhất, và mối quan hệ giữa dân chủ với các đức tính và khuyết điểm mang tính cộng đồng khác chỉ có thể được hiểu nếu dân chủ được phân biệt một cách rõ ràng với những đặc tính khác của các hệ thống chính trị.
Định nghĩa này cũng phù hợp với quan điểm theo nhận biết thông thường về thuật ngữ này. Nếu một quốc gia tổ chức những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh, đa đảng, chúng ta gọi nó là quốc gia “dân chủ”. Khi sự tham dự của công chúng vào nền chính trị của một quốc gia gia tăng – ví dụ, thông qua quyền bầu cử của phụ nữ – quốc gia đó được xem là đang trở nên dân chủ hơn. Dĩ nhiên các cuộc bầu cử phải mở rộng và công bằng, và điều này đòi hỏi một số biện pháp bảo vệ cho tự do ngôn luận và tự do hội họp. Nhưng việc bước ra bên ngoài đòi hỏi tối thiểu này và gọi một quốc gia là dân chủ chỉ khi nó bảo đảm một bản liệt kê cụ thể các quyền xã hội, chính trị, kinh tế và tín ngưỡng – cái vốn khác biệt với từng quan sát viên – khiến cho từ “dân chủ” trở nên vô nghĩa. Nói cho cùng, Thụy Điển có một hệ thống kinh tế mà nhiều người lập luận rằng tước đoạt các quyền sở hữu cá nhân, Pháp, cho tới gần đây, vẫn giữ độc quyền nhà nước trong lĩnh vực truyền hình, và Anh có một tôn giáo chính thức. Nhưng tất cả các nước này đều là những nền dân chủ rõ ràng và có thể nhận diện. Việc chủ quan đồng nhất “dân chủ” với “một chính quyền tốt” khiến khái niệm dân chủ trở nên vô dụng về mặt phân tích.
Chủ nghĩa tự do hiến định, mặt khác, không phải nói về các thủ tục tuyển chọn chính phủ, mà đúng hơn, các mục tiêu của chính phủ. Nó ám chỉ truyền thống đã ăn sâu mọc rễ trong lịch sử phương Tây vốn tìm cách bảo vệ quyền tự trị và phẩm cách của một cá thể chống lại sự áp bức, bất kể đến từ nguồn nào – nhà nước, giáo hội hay xã hội. Thuật ngữ này ghép đôi hai ý tưởng có quan hệ gắn bó mật thiết. Nó có tính chất tự do[4] vì nó dựa trên khuynh hướng triết học, bắt đầu với người Hy Lạp và La Mã, vốn nhấn mạnh sự tự do cá thể. Nó có tính chất hiến định vì nó đặt nền pháp trị vào trung tâm của các chính sách. Chủ nghĩa tự do hiến định đã phát triển ở Tây Âu và Mỹ như là sự bảo vệ cho quyền của một cá thể đối với cuộc sống và tài sản và sự tự do và tín ngưỡng và ngôn luận. Để bảo đảm các quyền này, nó nhấn mạnh vào việc kiểm tra quyền lực của chính phủ, sự bình đẳng trước luật pháp, các tòa án công minh, và sự phân tách giữa giáo hội và nhà nước. Trong hầu hết những biến thể của nó, chủ nghĩa tự do hiến định lập luận rằng con người có những quyền tự nhiên (hoặc “bất khả chuyển nhượng”) nhất định và rằng các chính phủ phải chấp nhận một luật pháp cơ bản, giới hạn quyền lực riêng của chúng, để bảo đảm cho các quyền đó. Do vậy vào năm 1215, ở Runnymede, các nhà quý tộc nước Anh đã buộc nhà vua phải giới hạn thẩm quyền của ông ta. Ở các thuộc địa tại châu Mỹ, các tập quán này được mở rộng, và vào năm 1638 thị trấn Hartford đã thông qua văn bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử hiện đại. Năm 1789, Hiến pháp Hoa Kỳ tạo ra một khung pháp lý cho quốc gia mới này. Năm 1975, các nước phương Tây đã xác lập các chuẩn mực hành vi thậm chí cho các chế độ phi dân chủ. Đại Hiến chương nước Anh[5], Các Quy định cơ bản của Connecticut[6], Hiến pháp Hoa Kỳ, và Tuyên bố chung Helsinki[7], tất cả đều là những biểu hiện của chủ nghĩa tự do hiến định.
Từ năm 1945, hầu hết các chính phủ phương Tây là hiện thân của cả nền dân chủ lẫn chủ nghĩa tự do hiến định. Do vậy khó mà hình dung hai phạm trù này một cách tách biệt, dù dưới hình thức dân chủ phi tự do hay tự do chuyên chế [liberal autocracy]. Thực sự, cả hai đều từng tồn tại trong quá khứ và còn tiếp tục hiện hữu trong hiện tại. Cho tới thế kỷ 20, hầu hết các quốc gia ở Tây Âu đều theo chế độ tự do chuyên chế, hay, trong trường hợp tốt nhất, chế độ bán dân chủ [semidemocracies]. Quyền bầu cử bị giới hạn chặt chẽ, và những cơ quan lập pháp được bầu ra có quyền lực hạn chế. Năm 1830, Anh, một trong những nước dân chủ nhất châu Âu, chỉ cho phép khoảng 2% dân số bỏ phiếu cho một viện của Quốc hội Anh. Chỉ tới cuối thập niên 1940, hầu hết các nước phương Tây mới trở nên chính thức dân chủ, với quyền bầu cử phổ quát cho người trưởng thành. Nhưng một trăm năm trước đó, vào cuối thập niên 1840, hầu hết các nước này đều tiếp nhận những phương diện quan trọng của chủ nghĩa tự do hiến định – nền pháp trị, các quyền sở hữu tư nhân, và ngày càng có thêm nhiều các quyền phân lập, quyền tự do ngôn luận và hội họp. Trong phần lớn lịch sử hiện đại, cái định tính các chính phủ ở châu Âu và Bắc Mỹ, và phân biệt chúng với các nước khác trên thế giới, không phải là nền dân chủ mà là chủ nghĩa tự do hiến định. Biểu tượng tốt nhất của cụm từ “mô hình chính phủ phương Tây” không phải là việc toàn dân được quyền bầu cử mà là sự phán xét công bằng.
Trong suốt nhiều thập kỷ, hòn đảo bé xíu Hồng Kông là một minh họa nhỏ nhưng có tính chất hé mở rằng tự do không phụ thuộc vào dân chủ. Nó có những cấp độ cao nhất của chủ nghĩa tự do hiến định trên thế giới nhưng không hề là một chế độ dân chủ. Thật ra, vào thập niên 1990, khi ngày Trung Quốc lấy lại Hồng Kông sắp tới gần, nhiều tờ báo và tạp chí phương Tây đã băn khoăn về những nguy cơ của bước chuyển biến này đối với nền dân chủ của Hồng Kông. Nhưng tất nhiên Hồng Kông không có nền dân chủ nào để nói tới. Mối đe dọa là đối với truyền thống tự do và luật pháp của nó. Chúng ta vẫn tiếp tục nhầm lẫn về hai khái niệm này. Các chính khách Mỹ và Israel thường chỉ trích nhà cầm quyền Palestine về sự thiếu dân chủ của nó. Nhưng thật ra Yasser Arafat là lãnh tụ duy nhất trong toàn bộ thế giới Ả Rập là người đã được tuyển chọn thông qua những cuộc bầu cử tự do vừa phải. Vấn đề của nhà cầm quyền Palestine không nằm ở nền dân chủ của nó – mà trong khi có rất nhiều thiếu sót vẫn ít nhất thực hiện được phân nửa chức năng – mà ở chủ nghĩa tự do hiến định của nó, hoặc sự thiếu sót xuất phát từ đó.
Người Mỹ nói riêng khó mà nhận ra bất kỳ sự căng thẳng nào giữa dân chủ và tự do vì nó không phải là đề tài chiếm ưu thế trong lịch sử của chúng ta – với một ngoại lệ lớn. Chế độ nô lệ và sự phân biệt chủng tộc được bảo vệ ở miền Nam nước Mỹ thông qua hệ thống dân chủ. Từ khi thành lập nước cộng hòa, những kẻ ghê tởm chế độ nô lệ đã đối mặt với nan đề rằng đa số cử tri miền Nam luôn bảo vệ nó một cách nhiệt thành. Cuối cùng, chế độ nô lệ diệt vong không phải vì nó thua trong một cuộc bỏ phiếu mà vì các lực lượng miền Bắc đã nghiền nát miền Nam. Rốt cuộc, hệ thống Jim Crow vốn dẫn tới chế độ nô lệ ở miền Nam đã bị tiêu diệt trong hai thập niên 1950 và 1960 không phải bởi nền dân chủ mà bởi sự bất chấp nó. Dù đạo luật Giải phóng nô lệ, và đạo luật Quyền dân sự năm 1964 đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, tất cả các tiến trình trước đó diễn ra thông qua sắc lệnh của ngành hành pháp – như với sự xóa bỏ kỳ thị chủng tộc trong các lực lượng vũ trang; hay thông qua phán quyết của Tối cao Pháp viện – như với sự xóa bỏ kỳ thị chủng tộc trong nhà trường. Trong tấn bi kịch lớn nhất của nước Mỹ, tự do và dân chủ thường xung đột với nhau.

Mô hình Mỹ
Trong thập niên 1990, một học giả người Mỹ tới Kazakhstan trong một chuyến công du do chính phủ bảo trợ để giúp quốc hội mới của nước này soạn thảo các luật về bầu cử. Cộng sự của ông, một thành viên của quốc hội Kazak, đã gạt phăng nhiều khả năng chọn lựa do chuyên gia người Mỹ đề ra, nhấn mạnh rằng, “Chúng tôi muốn quốc hội của chúng tôi cũng giống như quốc hội của ông.” Chuyên gia người Mỹ kinh hãi nhớ lại, “Tôi đã cố nói điều gì đó khác hơn ba từ lúc đó lướt ngang qua đầu tôi ngay lập tức: “Không, không đâu!” Quan điểm này không có gì là bất thường. Trong vấn đề dân chủ, người Mỹ  có xu hướng xem hệ thống của họ như một cỗ máy cồng kềnh mà không quốc gia nào khác chấp nhận được. Thật ra triết lý phía sau Hiến pháp Hoa Kỳ, một nỗi e sợ đối với sự tích lũy quyền lực, ngày nay cũng thích hợp không kém so với thời điểm 1789. Kazakhstan, như chuyện đã diễn ra, sẽ được phục vụ đặc biệt tốt bởi một quốc hội vững mạnh – như Quốc hội Hoa Kỳ – để kiểm tra lòng tham vô độ của tổng thống của nó.
Điều kỳ quặc là nước Mỹ thường là ủng hộ viên của nền dân chủ vô kiểm soát ở nước ngoài. Điểm khác biệt của hệ thống Mỹ không phải ở chỗ nó dân chủ đến mức nào mà ở chỗ nó phi dân chủ đến mức nào khi áp đặt vô số hạn chế lên đại đa số cử tri như nó đang thực hiện. Dự luật về các quyền[8], nói cho cùng, là một bản liệt kê những điều mà chính phủ có thể không thực hiện, bất kể mong muốn của đại đa số quần chúng. Trong ba ngành của chính phủ Mỹ, Tối cao Pháp viện – có thể coi là ngành quan trọng nhất – được lãnh đạo bởi chín thành viên nam và nữ không qua bầu cử với nhiệm kỳ trọn đời. Thượng viện Hoa Kỳ là viện tối cao có tính chất phi đại diện nhất trên thế giới, với một ngoại lệ duy nhất là Thượng viện Anh, vốn vô quyền lực và bất kể điều gì xảy ra cũng đang bước tới gần sự chuyển hóa. Mỗi tiểu bang của Mỹ cử hai thượng nghị sĩ tới Washington, D.C., bất kể dân số của nó. Do vậy, 30 triệu dân của California có số phiếu bầu vào Thượng viện ngang với số phiếu bầu của 3,7 triệu dân của Arizona – hầu như mỗi người một phiếu.[9] Trong các cơ quan lập pháp tiểu bang và địa phương trên khắp nước Mỹ, điều nổi bật không phải là quyền lực của đảng đa số mà là những sự bảo vệ gắn liền với đảng thiểu số, thường là đối với một cá nhân thành viên cơ quan lập pháp. Các doanh nghiệp tư nhân và các nhóm phi chính phủ khác – mà Alexis de Tocqueville gọi là “các hiệp hội trung gian” – thiết lập nên một tầng lớp chủ yếu khác trong xã hội. Lớp vải giàu có này của xã hội dân sự đã góp phần cho việc định hình đặc tính của nền dân chủ Mỹ.
Nhưng nó là một manh áo mỏng, tạo nên phiên bản dân chủ phi tự do của chính nước Mỹ. Các vấn đề của Mỹ khác với – và nhỏ hơn nhiều – những vấn đề mà các nước Thế giới thứ ba đang đối mặt. Nhưng chúng có quan hệ với nhau. Ở Mỹ, luật pháp và các quyền dân sự được thiết lập một cách vững chắc. Tuy nhiên, những câu thúc phi chính thức hơn, vốn là nội dung bên trong của nền dân chủ tự do, đang biến mất. Nhiều thể chế xã hội và chính trị trong số này – các đảng phái chính trị, các nghề chuyên môn, các câu lạc bộ và các hiệp hội – có cấu trúc phản dân chủ. Tất cả các thể chế này đều bị đe dọa bởi một ý thức hệ dân chủ vốn phán xét giá trị của mọi ý tưởng và thể chế bởi một cuộc kiểm tra duy nhất: Quyền lực có được phân tán càng rộng rãi càng tốt như chúng có thể hay chăng? Nói cách khác, chúng có tính chất dân chủ như chúng có thể hay chăng? Do vậy, Quốc hội Hoa Kỳ, dù dân chủ theo định nghĩa, từng hoạt động theo một cung cách mang tính cấp bậc và khép kín, cách các áp lực công cộng một khoảng cách nào đó. Hiện nay nó là một cơ quan minh bạch, cực kỳ cởi mở đối với các quan điểm và áp lực của các bộ phận hợp thành của nó. Quốc hội đã trở thành một cơ quan có trách nhiệm hơn, dân chủ hơn, và hoạt động khác thường hơn.
Hoặc hãy xét qua các đảng phái chính trị của Mỹ, hiện tại vốn là những tổ chức hữu danh vô thực. Chúng không còn giữ vai trò lịch sử của minh với tư cách những kẻ tuyển chọn và những quan tòa trong quá trình bầu cử của Mỹ. Với các cuộc bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử giữ vai trò chủ đạo, các đảng phái chỉ đơn giản phục vụ với tư cách những thùng chứa được đổ đầy với thị hiếu công chúng ở thời điểm đó – tân tự do, bảo thủ, bất cứ thứ gì. Hoặc hãy nhìn vào các tầng lớp tinh hoa về chuyên môn của Mỹ – nhất là các luật sư – những kẻ trước đây là một dạng quý tộc địa phương với những bổn phận và trách nhiệm đối với thị trấn và thành phố của họ. Họ đã đánh mất uy tín và mục đích công của mình, trở thành những kẻ làm việc khẩn trương đầy lo lắng. Ngành y, ngành kế toán và ngân hàng cũng đi theo con đường đó. Các lực lượng hướng đạo cho nền dân chủ đang bị xói mòn nhanh chóng.
Cái đã thế chỗ cho họ là sự bầu cử. Khi viết về các thời đại này, chắc chắn các sử gia sẽ kinh ngạc với cuộc tìm kiếm thường xuyên, không bao giờ ngưng nghỉ của mọi người. Các chính khách, các tập đoàn và các phóng viên bỏ ra những lượng lớn thời gian, tiền của và năng lượng để cố phân chia quan điểm của quần chúng về mọi thứ, từ An ninh xã hội tới kiếp sau, tới các thức uống có ga. Thật sự, đây là một cuộc chạy đua để được là kẻ đầu tiên quỳ gối trước chúng. Những nhà thăm dò ý kiến đã trở thành những nhà tiên tri hiện đại, diễn dịch các cuộc khảo sát dư luận với thái độ nghiêm trọng mà những bậc tiền bối của họ từng thể hiện khi đọc ruột gà để dự đoán chuyện vị lai. Dĩ nhiên, các cuộc bầu cử, cũng giống như ruột gà, có thể rất mơ hồ hoặc mọi người có thể đổi ý – điều này đôi khi vẫn xảy ra – về thời điểm có một cuộc đổ xô về phía một quan điểm phổ biến mới. Do vậy chính những doanh nhân từng được tung hô như những thiên tài vào năm 2000 trở thành những gã lừa đảo vào năm 2002. Newt Gingrich[10], vị quân sư của đợt thắng phiếu bầu cử lớn năm 1994 đã trở thành một kẻ cực đoan quá khích vụng về một năm sau đó, khi hình ảnh của Tổng thống Bill Clinton dịch chuyển hầu như hàng tuần từ một kẻ vô lại sang một huyền thoại chính trị. Xuyên suốt diễn tiến thăng trầm này, thứ bất biến duy nhất là lòng tôn kính mang tính lễ nghi đối với công chúng Mỹ. “Dân chúng Mỹ không hề ngốc,” các chính khách nói miên man không dứt, ngay cả khi giải thích niềm mong muốn kiên trì của công chúng đối với việc giảm thuế và tăng thêm các khoản trợ cấp của chính phủ. “Dân chúng Mỹ muốn biết,” một chính khách sẽ nói thế, khi thật ra chính chính khách đó – và có lẽ chỉ một mình chính khách đó – là người có một câu hỏi. “Chúng tôi đã nghe từ nhân dân Mỹ,” một kẻ thứ ba sẽ tuyên bố, như thể thông báo về một cuộc thăm viếng thiêng liêng. Một khẳng quyết sáo rỗng ngày nay có sức mạnh của một mặc khải trong Thánh Kinh nếu được gán cho nhân dân Mỹ.[11]

Tự do và Sự câu thúc
Mặc khác, mọi người cảm nhận được một vấn đề. Người Mỹ quan tâm tới hệ thống chính trị của họ ít hơn so với bất cứ thời điểm nào trước đó. Trong vấn đề này, họ không đơn độc. Hầu hết các nước phương Tây đều thể hiện sự quan tâm thấp mang tính lịch sử đối với nền chính trị của họ. Trên thực tế, sự nổi lên gần đây của chủ nghĩa dân túy phản thể chế [anti-etablishment populism] trong mọi quốc gia phương Tây cho thấy những cảm giác này đã trở nên thật sự mạnh mẽ. Xu hướng đang nổi lên này của sự bất mãn và giận dữ đối với các hệ thống chính trị đang tồn tại xuất hiện vào một thời điểm xấu. Các nền dân chủ phương Tây nằm dưới áp lực khi chúng đương đầu với những thách thức nghiêm trọng mới như chủ nghĩa khủng bố, các chuyển biến về nhân khẩu, sự nhập cư, và những xung đột văn hóa. Các chính phủ phải bảo vệ xã hội khỏi những mối nguy hiểm mới, cách tân hệ thống phúc lợi xã hội, và khuyến khích sự nhập cư mà không tạo nên chiến tranh văn hóa – một mục tiêu khó hoàn thành vào bất cứ thời điểm nào. Nhưng hệ thống chính trị chưa bao giờ bất thường đến thế. Việc mở chiến dịch và việc chạy theo thị hiếu liên miên không ngớt, việc quyên góp tiền bạc, các lợi ích đặc biệt, và sự vận động hành lang – gay gắt nhất là ở Mỹ – tất cả đã gây mất uy tín của hệ thống trong mắt của mọi người và số cử tri thấp đến mức đáng kinh ngạc. Nền dân chủ phương Tây vẫn còn là mô hình đối với phần còn lại của thế giới, nhưng có hay chăng khả năng giống như một ngôi sao băng vào thời điểm nó chói lòa rực rỡ trong khoảng xa vũ trụ, nền dân chủ phương Tây đang trở nên trống rỗng bên trong lõi?
Nhiều người tin vào điều ngược lại – rằng sự dân chủ hóa đang gia tăng trong mọi lĩnh vực của xã hội là một điều rất tốt. Từ sự sụp đổ của các hệ thống cũ, sự mở rộng của cơ hội, và sự trao quyền hợp pháp cho mọi người, tự do và hạnh phúc cá nhân ngày càng tăng sẽ đến. Trong những năm cuối của thập niên sôi nổi 1990, hãng tư vấn Accenture đã tung ra những quảng cáo để chào hàng các phân tích nhìn xa trông rộng của mình. Một trong số này là một tít báo nhạo báng như sau: “INTERNET SẼ MANG TỚI NỀN DÂN CHỦ CHO TRUNG QUỐC”, tiếp theo là  dòng tựa nhỏ, “Giờ đây nó trở nên thú vị”. Trong lúc cơn sốt của kỷ nguyên dot-com đã hạ nhiệt, những người say mê công nghệ chỉ ra rằng internet đang trong thời kỳ trứng nước và cuối cùng nó sẽ mang tới nền dân chủ cho Trung Quốc, sự thịnh vượng cho Ấn Độ, và biến tất cả chúng ta thành những ông chủ ngân hàng, luật sư, biên tập viên, và thậm chí những nhà lập pháp của chính chúng ta. Xu hướng cuối cùng đã xuất hiện ở các bang như California, nơi chính quyền do dân cử được thực hiện khá tốt. Các xu hướng khác đang đi theo xu hướng dẫn đầu. Làm sao bạn có thể lập luận chống lại việc có nhiều dân chủ hơn?
Nhưng sẽ ra sao nếu tự do không đến từ sự hỗn loạn mà từ một mức độ trật tự nào đó – không đến từ nền dân chủ được tháo cũi sổ lồng, mang tính trực tiếp, mà từ nền dân chủ có kiểm soát, mang tính đại diện? Sẽ ra sao nếu, như trong phần lớn cuộc đời, chúng ta cần những sự dẫn dắt và những sự câu thúc? Và sẽ ra sao nếu tự do chỉ thật sự được bảo đảm khi những hàng rào an toàn này vững mạnh? Lý thuyết thay thế này, ở bất cứ giá nào, là cái đã tạo nên nền dân chủ có tính chất tự do, hiện đại. Nền dân chủ chúng ta đã sống với ở phương Tây luôn luôn là cái mà Aristotle gọi là “chế độ hỗn hợp”. Nó có một chính phủ được bầu ra, chắc chắn thế rồi, nhưng cũng có những luật pháp và quyền hiến định, một bộ máy tư pháp độc lập, các đảng phái chính trị mạnh, các nhà thờ, các doanh nghiệp, các hội tư nhân, và tầng lớp tinh hoa có chuyên môn. Nền dân chủ chính trị là một thành tố cơ bản, thật sự quan trọng, của tổng thể  – mọi người có quyền lực tối cao – nhưng hệ thống [của nó] lại là một hệ thống phức tạp với nhiều bộ phận, không phải tất cả trong số chúng đều được bầu ra. Thật sự, mục đích của nhiều thể chế và nhóm phi dân chủ trong số này là làm dịu đi những cảm xúc mạnh mẽ của công chúng, giáo dục các công dân, dẫn đường cho nền dân chủ, và từ đó bảo đảm cho sự tự do. Khi trường luật của Đại học Harvard trao bằng cho các sinh viên tốt nghiệp, nó nhắc nhở họ hãy suy nghĩ về luật pháp như là “Những sự ràng buộc khôn ngoan khiến con người trở nên tự do”. Bài quốc ca “Hoa Kỳ xinh đẹp” tuyên bố: “Hoa Kỳ, Hoa Kỳ/Thượng đế sửa chữa mọi lỗi lầm thiếu sót của bạn./Củng cố linh hồn bạn trong sự tự chủ/Tự do của bạn nằm trong pháp luật.”
Cuốn sách này là lời kêu gọi sự tự chủ, kêu gọi một sự khôi phục trạng thái cân bằng giữa dân chủ và tự do. Nó không phải là một lập luận chống lại dân chủ. Mà nó là một khẳng định rằng có thể có một nền dân chủ thái quá – một điều tốt đẹp rõ ràng là thái quá. Bản chất của một nền chính trị tự do dân chủ là sự kiến tạo nên một trật tự phong phú, phức tạp, chứ không phải một nền chính trị bị thống trị bởi một ý tưởng đơn nhất. Những vị cha già dân tộc, ví dụ, đã tìm cách tạo nên một xã hội có tính chất đa nguyên khi nhiều người tin rằng một ý thức hệ tôn giáo đơn nhất nên thống trị các xã hội. Dân chủ cũng là một ý thức hệ đơn nhất, và cũng như tất cả các khuôn mẫu như thế, nó có những hạn chế. Cái có thể hiệu quả trong một cơ quan lập pháp có thể không hiệu quả trong một tập đoàn.
Thực hiện một sự khôi phục không phải là tìm cách quay lại một trật tự xưa cũ. Chúng ta thích những thay đổi mang tính dân chủ mà chúng ta từng sống qua và từng yêu chuộng những thành tựu của chúng. Mục tiêu là nền dân chủ tự do không phải vì nó đã được thực hành trong thế kỷ 19 mà vì nó nên được thực hành trong thế kỷ 21. Các xã hội dân chủ cần những lớp đệm và những dẫn dắt, được thiết kế cho các vấn đề và các thời kỳ hiện đại. Nhưng bất kỳ sự thực hiện nào như thế phải bắt đầu bằng một cuộc quay về với lịch sử, với cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ đã bắt đầu ở phương Tây và lan rộng khắp các nơi khác. Nếu chúng ta muốn làm mới lại cuộc truy tìm vĩnh viễn quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, chúng ta phải nhớ lại những lực lượng đã sản sinh ra chúng trong lần đầu. Chỉ khi thấu hiểu quá khứ của tự do, chúng ta mới có thể giúp bảo đảm nó trong tương lai.






[1] Islam. Do người Việt, ngay cả những tín đồ của đạo Islam (Muslim), từ lâu đã quen thuộc với từ Hán-Việt “Hồi giáo”, nên người dịch xin được sử dụng từ Hồi giáo để chỉ tôn giáo này trong toàn bản dịch.

[2] Để dịch từ America và tính từ American, người dịch xin thống nhất cách dịch như sau: với những từ thông dụng như America, American people, Americans… sẽ dịch là “nước Mỹ/Mỹ”,  “người Mỹ/dân Mỹ”; các từ liên quan tới chính phủ và các thể chế sẽ được dịch là Hoa Kỳ, ví dụ: American Congress: Quốc hội Hoa Kỳ.
[3] Sử gia Hy Lạp cổ đại (484-425 tr.CN)
[4] Tôi sử dụng thuật ngữ “tự do” (liberal) theo nghĩa ở thế kỷ 19, nghĩa là liên quan tới sự tự do về kinh tế, chính trị, tín ngưỡng của cá thể, mà đôi khi được gọi là “chủ nghĩa tự do cổ điển”, chứ không phải theo nghĩa ở nước Mỹ hiện đại, vốn gắn liền nó với hệ thống phúc lợi xã hội, chương trình hành động tích cực và các chính sách khác. (Chú thích của TG)
[5] Magna Carta, tiếng Latin, dịch sang tiếng Anh là The Great Charter, do vua John của nước Anh ký kết tại Runnymede năm 1215, thừa nhận một số quyền tự do của các nhà quý tộc.
[6] The Fundamental Orders of Connecticut
[7] Helsinki Final Act
[8] The Bill of Rights, được phê chuẩn năm 1791.
[9] Khía cạnh đặc thù này của nền dân chủ Mỹ đã có những hậu quả kinh khủng khi trao cho những tiểu bang nhỏ với dân số ít tầm ảnh hưởng chính trị to lớn và những khoản trợ cấp kếch xù. Tuy nhiên, nền dân chủ Mỹ hưởng lợi phần lớn từ những đặc điểm “phi dân chủ” của nó. (Chú thích của TG)
[10] Newton Leroy McPherson (1943-), chính khách, sử gia, tác giả và cố vấn chính trị người Mỹ, từng là đại biểu cho Đảng Cộng hòa ứng cử chức tổng thống trong cuộc tuyển cử năm 2012.
[11] Như với mọi quan sát về nước Mỹ, Tocqueville đã nói trước nhất và hay nhất: “Người Pháp dưới chế độ quân chủ ngày trước coi đây như một châm ngôn, rằng nhà vua không thể làm điều gì sai,” ông viết, “và nếu nhà vua làm điều sai, trách nhiệm được đổ cho các cố vấn của ông ta…. Người Mỹ ấp ủ cùng một quan điểm đó với sự tôn trọng dành cho đa số.” Với cùng mạch ý tưởng đó. Michael Kinsley đã tập hợp các bài chuyên mục của mình trong tờ New Republic vào một cuốn sách với một cái tựa có tính cảnh báo, gọi dân chúng Mỹ là Những em bé to xác [Big Babies]. (Chú thích của TG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét