Cuộc chạm
trán thứ hai
Xujun
Eberlein
Xujun Eberlein chào đời ở thành phố Trùng Khánh, tỉnh
Tứ Xuyên, Trung Quốc, sang Mỹ năm 1988. Sau khi nhận bằng Tiến sĩ Khoa Kỹ sư
Dân dụng từ học viện MIT vào năm 1995, cô gia nhập một công ty công
nghệ cao. Vào mùa lễ Tạ ơn 2003, cô từ bỏ thuật toán để tập trung vào viết
lách. Từ đó, cô đã đoạt nhiều giải thưởng văn học. Truyện ngắn và tiểu luận của
cô đã được xuất bản ở Mỹ, Canada, Anh, Kenya và Hồng Kông, trong những tạp chí
như AGNI, Walrus,
PRISM International, StoryQuarterly, Stand and Kwani. Tuyển tập truyện ngắn đầu tay Apologies
Forthcoming (Những lời xin lỗi sắp tới) đoạt giải 3 Tartt Fiction
Award 2007 và được xuất bản tháng 6/2008. Hiện cô sống với chồng và con gái ở
Massachusetts. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về Xujun tạihttp://www.xujuneberlein.com.
Bóng tòa
cao ốc đã ngã từ tây sang đông.
“George
sẽ tới muộn chút ít,” người phỏng vấn, một phụ nữ Cáp-ca cao hơn Wei Dong nửa
cái đầu nói. Mặt trời tháng Mười rọi qua cửa sổ của cái văn phòng nằm trên tầng
tám trong Quảng trường Công nghệ, kế học viện MIT. Wei Dong ngã người thoải mái
trên chiếc ghế. Không giống như cảnh một người xin việc mới toanh đang trình
bày một câu hỏi giáo khoa mà cũng chẳng giống cảnh một cư dân đại lục không
ngần ngừ nằm mai phục một gã người Hoa trên con đường của hắn hôm nay. Với tư
cách một cựu lập trình viên phần mềm, trong mười ba năm qua anh đã đổi công ty
tới bảy lần, mỗi lần lại lên một vị trí thách thức hơn hoặc được trả lương cao
hơn – cho tới lần cuối cùng này, khi anh, cùng toàn bộ nhóm R&D của mình,
bị tinh giản biên chế. Giỏi phỏng vấn như anh, trong cơn suy thoái kinh tế này,
anh vẫn thấy sợ việc tiếp xúc với một người đồng hương đã từng trải qua sóng
gió của cuộc Cách mạng Văn hóa. “Người Hoa chúng ta là một dĩa cát lỏng,” có
lần anh đã lầm bầm với vợ mình sau khi bị một gã đồng hương người Hoa chơi xấu
sau lưng. Và một khi bạn đã bị rắn cắn, bạn có thể giật nảy người vì những sợi
dây bện bằng rơm suốt ba năm.
“Anh ở
vùng nào của Trung Quốc?” Người phụ nữ hỏi.
“Tứ
Xuyên.” Anh nhắc tên tỉnh, nhưng không nói tới thành phố của mình. Nếu anh nói
Trùng Khánh, anh sẽ phải khua môi múa mỏ khá nhiều để giải thích. Dường như ở
đây không ai biết Trùng Khánh cả, dù nó từng là thủ đô của Trung Hoa hồi thời
Nhật xâm chiếm.
“Tôi
biết Tứ Xuyên,” người phụ nữ bảo, “”thức ăn rất nhiều gia vị!”
“Đúng
vậy,” Wei Dong nhã nhặn gật đầu. Ở Mỹ, cái ấn tượng duy nhất về quê hương xinh
đẹp và đau thương của anh là thức ăn.
“Thức ăn
nhiều gia vị và không có những thứ bánh gấp có chữ bên trong,” anh nói thêm.
“Đó là
điều mà George nói. Anh biết đó, George cũng là…”
Có tiếng
gõ cửa, một cái đầu tóc đen nhánh ló vào. “Vừa nhắc tới Tào Tháo…,” người đàn
bà mỉm cười. “Đây là Kỹ sư trưởng của chúng tôi, George Zhang.” Wei Dong đứng
lên trong khi tim anh chìm xuống với lời giới thiệu. Người phụ nữ này, như hầu
hết mọi người Mỹ, không thể phát âm đúng chữ Z của Trung Hoa. Nhưng điều đó chỉ
làm nổi bật thêm vấn đề thật sự: chỉ một người Hoa đại lục mới có thể có cái họ
như thế. Ở Đài Loan hay Hồng Kông, cái họ đó được đọc là “Chang”. Người đàn ông
thấp lùn ở cửa cũng trạc tuổi của Wei Dong, cũng một nước da vàng – anh ta là
loại người Hoa gì mà lại dùng một cái tên ngoại quốc thế nhỉ? Không ngờ gì, anh
chàng này có khả năng xóa sạch mọi cơ hội của anh.
Người
thực hiện phỏng vấn mới cầm bản lý lịch của Wei Dong trong tay. Anh ta ngắm kỹ
nét mặt của Wei Dong, buộc anh phải gật khẽ đầu. Sự ngắm nghía này quá căng
thẳng đối với một cuộc phỏng vấn. Một cảm giác sợ sệt chạy dọc khắp thân thể
Wei Dong, và anh giật mình khi nghe Zhang kêu lên: “Wei Dong! Đúng là anh rồi!
Anh nhớ tôi không?” Anh ta vẫy vẫy bản lý lịch của Wei Dong như thể nó là một
vật chứng.
Wei Dong
hơi nheo mắt lại, cái nhìn của anh dán vào gương mặt bình thường và
năng động của Zhang trong giây lát. Rồi anh lắc đầu. “Xin lỗi, không.” Cả hai
đều nói tiếng Anh, và Wei Dong phát hiện ra một chất giọng miền Nam, như giọng
của chính anh, trong những lời của người kia.
Zhang
thì thầm với người phụ nữ, bà ta liên tục gật đầu. Wei Dong không thể nhận ra
anh ta nói gì, và sự thân mật của Zhang với một phụ nữ da trắng khiến anh khó
chịu. Tâm trạng tốt đã vỡ tan. Việc một người khẳng định đã từng biết anh không
phải là một điềm lành.
Zhang
đưa Wei Dong ra khỏi phòng phòng vấn, dẫn anh tới văn phòng của mình. Anh ta
dừng lại giữa đường và hỏi lại, “Anh thật sự không nhớ tôi sao?” Lần này anh ta
nói tiếng Hoa.
“Xin
lỗi, tôi vẫn không nhớ ra. Chúng ta biết nhau ở đâu?” Wei Dong đáp, cũng bằng
tiếng Hoa. Nghe có vẻ buồn cười khi anh nói “xin lỗi” bằng tiếng Hoa, vì nó
không phải là một cách thể hiện dùng trong hội thoại hàng ngày ở quê nhà anh.
Sự thất vọng thoáng qua nét mặt của Zhang và anh ta thở dài, triết lý. “Tôi
không ngạc nhiên. Người ta chỉ nhớ cái mà người ta muốn nhớ.”
Lúc này
anh ta phát âm theo giọng Trùng Khánh.
“Anh qua
Mỹ hồi nào?” Wei Dong hỏi, vừa tò mò vừa cảnh giác.
“Anh
muốn biết à? Nào, chúng ta hãy tới một tiệm ăn Tứ Xuyên và làm một ly! Được
không?” Sự nồng nhiệt của anh ta đúng kiểu Trùng Khánh điển hình, một tính cách
nảy sinh từ những quả ớt cay nồng và những mùa đông xám khắc nghiệt. Sự nồng
nhiệt đó tác động tới Wei Dong. Đã lâu anh không có bạn nhậu, và uống mà không
có bạn hiền và mồi nhậu Tứ Xuyên thì có gì là vui thú.
“Cuộc
phỏng vấn của tôi thế nào?”
“Anh đã
đậu! Tôi là người phỏng vấn cuối cùng.” Zhang đáp.
‘Chúng
ta đi đâu đây?”
“Dĩ
nhiên là Phố Tàu, trừ khi anh muốn ăn thức ăn Trung Hoa giả hiệu.”
Họ leo
vào chiếc Camry vàng của Zang và chạy dọc theo con sông Charles. Thật may, có
một chỗ đậu xe trên một con phố nhỏ gần ga South Station, giao lộ giữa tàu hỏa
và xe buýt ở Boston. Họ đi bộ dọc theo phố Kneeland. Gần đầu dốc của xa lộ Mass
Pike có một người đàn ông thấp bè để râu, mặc áo thun, đang vẫy một tấm bảng
các tông ghi chữ với những chiếc xe chạy ngang qua: “NHẬN LÀM CỬU VẠN.”
“Anh
nhìn gì vậy?” Zhang hỏi.
Wei Dong
đang nhìn một tòa nhà năm tầng ở bên kia giao lộ. Phố Tàu không phải là một địa
điểm thân thiện và hấp dẫn đối với anh; anh chỉ tới đây khi vợ anh cần những
thứ rau quả bản địa mà cô không tìm thấy trong siêu thị. Nhưng tòa nhà này là
một ngoại lệ. Trên cái mái bằng của nó, người ta có thể nhìn thấy một cái nhà
rạp cột đỏ, lợp ngói màu xanh lá với tám mái hiên de ra. Anh luôn nhìn nó khi
tới đây; nó khiến cho anh nhớ quê hương. Ở Tứ Xuyên kiểu nhà rạp này rất phổ
biến dù không bao giờ chúng nằm trên nóc một tòa nhà. Anh đã nghĩ tới việc tự
mình cất một cái nhà rạp như thế trong mảnh sân của ngôi nhà mới của mình,
nhưng đó là trước khi anh bị giảm biên chế. Bây giờ anh không biết liệu anh có
thể trả tiền thế chấp hay không nữa.
Hôm nay,
có một thứ khác lọt vào mắt anh. Ở mé nam tòa nhà, đối diện với đầu dốc đường
cao tốc Mass Pike, những hàng chữ “Chào mừng tới Phố Tàu” đã bị che lại bởi một
tấm biểu ngữ dài bằng lụa đỏ đang bay phấp phới trong ngọn gió thu. Trên tấm
biểu ngữ là những từ bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Anh:
THƯỢNG ĐẾ PHÙ TRỢ NƯỚC MỸ
Trước
ngày 11-9, ở đó không có tấm biểu ngữ này. Wei Dong nhìn chăm chú dòng chữ Hoa.
Khác với dòng chữ tiếng Anh, mà dường như hơi tự mãn, những từ tiếng Hoa van
cầu sự ban phúc và bảo vệ. Một cái gì đó ấm áp trào lên cổ họng anh. Zhang nhìn
theo ánh mắt anh. Họ im lặng trong giây lát, rồi tiếp tục bước đi.
Mùi vịt
quay, dầu hào và cá tươi tỏa lan khắp những con phố đông đúc. Zhang đưa Wei
Dong vào một tiệm ăn tên là “Cựu Tứ Xuyên,” chiều nay nó hơi vắng. Mùi gừng và
hành tươi át đi những mùi ở bên ngoài. Chủ tiệm, một cô gái trẻ, tỏ ra biết
Zhang. “Ngọn gió lành nào đưa anh tới đây vậy?” cô ta nói bằng tiếng quan
thoại, cố làm cho nó nghe giống như giọng Tứ Xuyên, và khéo léo bày lên bàn
những cái tấm vải lót dĩa có hình hoàng đạo cho hai người.
“Anh
muốn uống gì, anh Zhang?” cô gái ngọt ngào hỏi.
“Rượu
Mao Đài Quý Châu! Cô có chứ?”
“Anh ăn
mừng gì vậy hả anh Zhang?” cô gái lắm lời hỏi. Wei Dong hơi nhíu mày: một chai
rượu Mao Đài chỉ có thể khui trong một dịp quan trọng.
“Hôm nay
tôi gặp vị cứu tinh của mình,” Zhang chỉ vào Wei Dong. “Chúng tôi phải uống Mao
Đài mới được. Cho chúng tôi mấy cái ly đẹp nhất của cô nhé!”
Giờ thì
Wei Dong chắc chắn rằng người đồng hương này đã hoàn toàn sai lầm. Có thể anh
đã kết liễu một mạng người hồi còn trẻ, nhưng chắc chắn anh chưa từng cứu người
nào.
“Đồng
hương ạ, đó không phải là lý do để uống mừng. Tôi chắc chắn rằng tôi không phải
là vị cứu tinh của anh. Nhưng tôi rất hân hạnh nghe anh kể câu chuyện đó và
chúc mừng cho cuộc gặp gỡ hôm nay.”
“Ngồi
xuống, ngồi xuống, tôi biết mình đang nói gì mà. Hôm nay tôi đãi.” Zhang gọi
mấy món nguội trước. Rồi anh gọi mấy món nóng. Tất cả đều là những món ăn nhiều
gia vị quen thuộc mà Wei Dong gắn liền với quê mẹ của anh.
“Nhiều
quá,” Wei Dong nói.
Zhang
giơ tay ngăn sự phản đối của Wei Dong, rót rượu vào hai cái ly sứ tinh xảo màu
trắng pha xanh trời, rồi giơ ly của anh ta lên: “Cạn ly!”
Wei Dong
lấy tay che ly rượu lại. “Đồng hương,” anh nói, “tôi là một nam tử hán không
uống thứ rượu không minh bạch. Trước tiên hãy nói với tôi vì sao anh nghĩ là
chúng ta quen biết nhau.”
“Cạn ly
đi, rồi tôi sẽ nói cho anh biết.”
“Được.”
Cả hai cùng uống và chìa cho người kia thấy đáy ly.
“Một
ngàn chín trăm sáu tám. Cách nay bao nhiêu năm rồi nhỉ?”
“Ba mươi
ba năm.” Đó là cái năm mà cuộc đấu tranh vũ trang giữa hai phe của Hồng vệ binh
đang ở đỉnh cao. Mỗi phe đều tin vào sự diễn dịch tư tưởng Mao của mình là đúng
đắn và thuần khiết, và phe bên kia chỉ là bọn bất lương.
“Ba mươi
ba năm trước, anh là một học sinh của trường trung học chi nhánh của Đại học
Bình dân Tây Nam, phải không?”
“Phải,”
Wei Dong thấy lưng mình nổi gai ốc. Thông tin này không có trong bản lý lịch
của anh. Nhưng anh không tin rằng người đàn ông này thật sự biết mình. Lúc đó
anh là chỉ huy của một phe Hồng vệ binh, nhiều người dân Trùng Khánh thời đó có
thể biết tên anh.
“Anh là
chỉ huy nhóm “Sấm mùa xuân.”
“Đúng.”
Wei Dong cố nói một cách bình thản. “Sấm mùa xuân” là một nhóm “chiến đấu vũ
trang” trong phe Hồng vệ binh của anh.
“Mùa hè
năm 1968, anh chỉ huy một toán quân đánh nhau với chúng tôi. Và anh đã thắng.
Anh đã chiếm được tòa thư viện chúng tôi đang giữ, và cầm tù nhiều người chúng
tôi.”
“Anh nằm
trong số đó?”
“Không
may là đúng thế.”
Wei Dong
nhìn lại Zang thật kỹ, nhưng vẫn không tìm ra một nét gì quen thuộc.
“Những
người của anh muốn tử hình chúng tôi,” Zhang nói.
“Anh đã
giết một chiến sĩ phe tôi.” Qua màn khói súng đã nhạt nhòa bởi thời gian, Wei
Dong vẫn có thể nhìn thấy bóng dáng một thân hình quấn trong những manh vải
trắng, nằm bất động trên mặt đất. Những gương mặt dữ tợn và những khẩu súng
vung vẫy quay cuồng trong tiếng gào thét: ‘Nợ máu phải trả bằng máu!”
“Không
phải cá nhân tôi. Nhưng cũng có thể.” Zhang rót đầy một ly rượu nặng khác.
Gương mặt anh ta bắt đầu đỏ lên, một dấu hiệu cho thấy anh ta đang phiền muộn
hoặc không chịu nổi hơi rượu mạnh.
“Lúc đó
trả thù là một thứ cảm xúc.”
“Có lẽ.
Vì thế anh đã nói, ‘Chỉ một! Một đổi một!’”
Wei Dong
chậm rãi gật đầu. Có thể anh đã nói thế. Anh là một chỉ huy nổi tiếng chính xác
về những con số. Trước Cách mạng Văn hóa, anh giỏi nhất môn toán.
“Rồi có
ai đó kéo tôi ra và bịt mắt tôi lại.” Zhang nói.
Wei Dong
nhìn thấy một thân hình xa xôi trong ly rượu của mình; một thiếu niên thấp bé,
tay bị trói ngoặc ra sau, mắt bị che lại bởi một miếng giẻ bẩn thỉu, gương mặt
nhuộm đen khói súng, đó là lý do vì sao anh không thể nhận ra một nét quen
thuộc nào ở Zhang. “Tiên sư chúng mày!” gã thiếu niên bị che mắt và đang vùng
vẫy đó hét lên hết sức. “Tao chiến đấu vì Mao Chủ tịch! Tao chết vì Mao Chủ
tịch! Bắn tao đi! Làm nhanh đi!”
Zhang
nói tiếp, “Tôi tiếp tục hét vì chờ chết là điều đáng sợ nhất.” Anh ta mỉm cười
cay đắng và tiếp tục uống. “Tuy nhiên, xuyên qua những tiếng la hét đó, tôi vẫn
có thể nghe thấy tiếng bóp cò.”
Wei Dong
chờ sự lý giải của anh ta. Đột nhiên Zhang cười phá lên. Anh ta chỉ vào Wei
Dong. Tiếng cười làm anh ta bị sặc, và anh ta đứt hơi khi cố nói: “Đó là… đó
là… một viên đạn lép…”
“Tiếp
đi.” Wei Dong rót đầy ly của Zhang và của mình.
“Tên xạ
thủ nổi giận và la lên, ‘Mẹ kiếp! Để tôi bắn lại!’ Tôi có thể cảm thấy nòng
súng chĩa vào mặt mình, và, giờ thì chẳng có gì phải giấu anh, đáy quần của tôi
ướt nhẹp.” Một nụ cười nhăn nhở thoáng qua góc miệng của Zhang. “Thế rồi anh
nói, ‘Khẩu súng như cứt! Hãy để dành đạn của cậu cho trận đánh tới. Đó là vận
may của hắn.’ Và anh thả cho tôi đi.”
Zhang
dừng lại. Wei Dong nhìn sang những bàn lân cận. Cái bàn bên tay trái trống
rỗng, bên tay phải họ ba người đàn ông đang nói to bằng thứ tiếng Quảng Đông
không thể hiểu nổi.
“Vì thế
anh là vị cứu tinh của tôi. Nhưng vì sao? Vì sao anh thả tôi đi?” Cái nhìn đăm
đăm của Zhang buộc anh phải đối diện với anh ta.
Wei Dong
nhớ lại trận đánh đó, nhưng không nhớ hết mọi chi tiết. Khi đó anh chỉ là một
thiếu niên mười bốn tuổi. Những gì Zhang đã kể giống như những gì mà có thể anh
đã làm. Cha anh, một sĩ quan chuyên nghiệp, rất mê tín dị đoan. Ông từng bảo
với cậu con trai của mình rằng một phát súng tịt là một điềm gỡ cho người xạ
thủ, nó có nghĩa rằng kẻ thù chưa tới ngày tận số và phải được thả đi. Nếu
không, người xạ thủ đó sẽ gặp vận rủi. Nếu đó là điều Wei Dong đã làm, đó là
điều duy nhất mà anh làm không nhân danh cách mạng trong thời gian đó.
Nhưng anh
không nói với Zhang điều này. Anh hỏi, “Chúng tôi có bắn ai khác sau khi thả
anh hay không?”
“Không
biết. Ngay khi tôi ra khỏi thư viện tôi không bao giờ muốn làm Hồng vệ binh
nữa.”
“Tốt cho
anh,” Wei Dong chạm ly với Zhang và nhấp một ngụm. Anh còn ở lại Hồng vệ binh
khá lâu sau đó, cho tới khi Mao Chủ tịch không còn cần tới họ và đưa họ về nông
thôn để những nông dân nghèo cải tạo họ.
Món
cuối, một con cá ngập trong lớp nước xốt nâu và hành tươi được đưa lên, tỏa ra
một làn khói thơm ngào ngạt. Zhang cắm đôi đũa vào đó và gắp một miếng cá trắng
mịn đưa lên miệng. “Ừm,” anh ta nói, “đầu bếp không tệ. Không tệ chút nào. Ăn
đi.” Anh ta gắp một miếng cá bỏ vào chén của Wei Dong.
Đề tài
thay đổi. Họ nói về những cái tên mà cả hai cùng biết vào thời Hồng vệ binh của
mình. Một số người quen của họ đã bị chính phủ hành hình sau Cách mạng Văn hóa.
Một số giờ là doanh nhân giàu có ở đại lục. Có nhiều người mà cả hai đều biết
trong thời Cách mạng Văn hóa, nhưng chính Mao Chủ tịch thì không. Những Hồng vệ
binh một thời trung thành chưa hề tận mắt nhìn thấy ông ta hay tận tai nghe
thấy ông ta lần nào. Họ không thiết nhắc tới điều gì đã biến họ thành kẻ thù
hồi ba mươi ba năm trước nữa.
Họ nói
về những đứa con trai tuổi teen của họ và những trò chơi mà chúng thích. “Tomb
Raider.” “Resident Evil.” Họ đồng loạt thốt ra những cái tên này, dừng lại và
cười phá lên vì sự trùng hợp. “Thật tốt khi chúng chỉ bắn trên màn hình,” Zhang
nói. “Tôi hy vọng chúng sẽ không coi thực tế như một màn hình,” Wei Dong nói.
“Đây là
một lần, và đó là lần khác.” Lưỡi của Zhang nở to ra vì rượu.
Họ uống
và trò chuyện như hai người bạn cũ đã rất lâu không gặp lại. Vào cuối bữa ăn
Zhang say mèm và không thể lái xe. Wei Dong chưa say. Anh hài lòng thấy rằng
tửu lượng của mình vẫn không kém chi hồi còn trẻ, có lẽ trong anh vẫn còn hào
khí. Anh kêu một bình trà thật đặc và uống hai ly cho giã rượu. Trên mặt bàn
bừa bộn những chén dĩa, những món ăn trong chén của anh hầu như vẫn còn nguyên
chưa đụng đến. Anh lôi chùm chìa khóa khỏi túi Zhang, thanh toán bữa ăn, rồi đi
ra chiếc Camry vàng. Khi anh lái chiếc xe của Zhang tới trước cửa tiệm “Cựu Tứ
Xuyên,” cô gái ở quầy và một phục vụ bàn khác đang kéo Zhang đứng lên. Họ giúp
đưa anh ta vào xe. Wei Dong lái xe về Quảng trường Công nghệ, đỗ xe của Zhang vào
bãi, rồi đưa Zhang sang chiếc xe Camry bạc của mình.
Chiếc xe
của anh lao lặng lẽ trong bóng tối dọc đại lộ với Zhang nằm ngáy pho pho ở băng
sau. Trong một khoảnh khắc anh lo rằng Zhang, một đồng hương bình thường, không
gợi nhớ gì tới một kẻ thù không đội trời chung cách đó vài thập kỷ, có thể ói
mửa lên xe của mình. Bên ngoài, tiếng xe cộ lưu thông ập lên cửa sổ xe như một
đợt thủy triều. Những luồng đèn đỏ trải dài mút mắt; sau lưng anh là những ánh
đèn pha vô tận trắng lóa rọi tới từ những nguồn gốc không nhìn thấy được. Từ
chiếc radio trên xe, tường thuật viên của Đài 1030 đang nói về những dấu hiệu
không chắc chắn của sự hồi phục kinh tế, những mối đe dọa khủng bố còn lơ lửng,
một phát đạn vào một bệnh viện phá thai tư nhân, những tên đánh bom liều chết ở
Israel.
Hai bàn
tay của Wei Dong toát mồ hôi lạnh, làm ẩm ướt cả cái bánh lái. Tất cả những vụ
giết chóc đó đều được thực hiện nhân danh Thượng đế, hoặc một kẻ được tôn sùng
như Thượng đế, người mà vì ông ta máu anh đã từng sôi lên. Thật đáng sợ khi
liên hệ những sự cuồng tín sôi nổi đó với chính bản thân xa xôi cách nay ba
mươi ba năm của anh. Những gì từng khoác vẻ hào hùng, công bằng và vinh quang
khi đó giờ đây chỉ còn là sự ngu dốt, tội lỗi và đáng hổ thẹn. Dường như chỉ có
những kẻ sống sót qua tấn thảm kịch mới có thể thấu hiểu, những thế hệ mới bất
hạnh vẫn lặp lại nó ở những nơi chốn khác nhau, vì những nguyên cớ khác nhau.
Anh vẫn
không biết mình có giết ai trong những cuộc “đấu tranh vũ trang” đó ở Trùng
Khánh hay không, dù anh biết anh từng nổ súng trong những trận đánh. “Súng đạn
không có mắt,” cha anh thường nói vậy.
Anh
không muốn nghĩ thêm về nó nữa. Hy vọng ngày mai Zhang sẽ không nghĩ tới việc
phá hỏng cơ may xin việc của anh. Anh là một nhà phát triển phần mềm tinh
thông, xứng đáng với vị trí đó. Anh đã xem Boston là quê nhà của mình và anh
cần tiếp tục thanh toán cho ngôi nhà mới mà anh, vợ và con anh yêu mến.
Vợ anh
ra mở cửa và giật mình. “Sao anh về trễ vậy? Đã có chuyện gì? Ai đây?” Cô hỏi
nhanh, đầy cảnh giác, với giọng Trùng Khánh.
“Một
người bạn thân từ thời xưa.” Wei Dong đáp. “Giúp anh đưa anh ta vào nhà.”
Nguyễn
Thành Nhân dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét