Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI - PHẦN HAI: NHỮNG LÁ THƯ 4

Nguyễn Thành Nhân dịch







Mô tả lại cuộc viếng thăm Hội chợ Thế giới trong một lá thư cô gửi cho ông John P. Spaulding đã được công bố trong tờ St. Nicholas, và nó khá giống với lá thư sau đây. Trong một chú thích lời tựa mà cô Sullivan viết cho tờ St. Nicholas, cô nói rằng mọi người thường nói với cô: “Helen nhìn thấy với những ngón tay của mình hơn chúng ta nhìn thấy với đôi mắt.” Chủ tịch của cuộc triển lãm đã gửi cô lá thư này:

GỬI TRƯỞNG CÁC BỘ PHẬN VÀ CÁC QUAN CHỨC
PHỤ TRÁCH CÁC TÒA NHÀ VÀ CÁC PHÒNG TRIỂN LÃM
Thưa quý vị - Người cầm thư này, cô Helen Keller, được hộ tống bởi cô Sullivan, rất mong muốn được tham quan toàn bộ cuộc triển lãm ở tất cả các bộ phận. Cô bị mù và điếc nhưng có thể trò chuyện, và đã được giới thiệu cho tới với tư cách một con người có một khả năng thấu hiểu kỳ diệu những đối tượng mà cô tham quan, và với tư cách một con người sở hữu một trình độ trí tuệ và văn hóa vượt khỏi lứa tuổi của mình. Xin hỗ trợ cho cô với mọi phương tiện để tham quan các triển lãm trong nhiều bộ phận, và mở rộng cho cô những cử chỉ nhã nhặn khác càng nhiều càng tốt.
Tôi xin cám ơn quý vị trước về sự hỗ trợ, kính thư.
Bạn chân thành của quý vị,
(đã ký) H. N. HIGINBOTHAM,
Chủ tịch.

GỬI CÔ CAROLINE DERBY
HULTON, PENN., 17/8/1893

... Mọi người ở Hội chợ rất tốt với mình… Hầu như tất cả những người triển lãm dường như hoàn toàn sẵn lòng cho mình sờ vào những vật tinh tế nhất và họ rất tốt về việc giải thích mọi thứ cho mình nghe. Một quý ông người Pháp mà mình không nhớ tên đã chỉ cho mình những bức tượng đồng Pháp tuyệt vời. Mình tin rằng chúng đã cho mình nhiều niềm vui hơn bất cứ thứ gì khác ở Hội chợ: chúng rất giống thật và kỳ diệu khi mình sờ vào chúng. Tiến sĩ Bell cùng đi với chúng mình tới tòa nhà điện tử và chỉ cho chúng mình một số điện thoại mang tính lịch sử. Mình đã gặp một cái điện thoại mà qua đó Hoàng đế Dom Pedro[1] đã lắng nghe những lời sau: “Tồn tại hay không tồn tại” ở lễ Kỷ niệm đệ bách chu niên. Tiến sĩ Gillett ở Illinois đã đưa chúng mình tới các tòa nhà Mỹ thuật tự do và Phụ nữ. Trong tòa nhà đầu, mình đã tham quan cuộc triển lãm của Tiffany, và cầm lấy viên kim cương Tiffany xinh đẹp có giá một trăm ngàn đô la, và sờ vào nhiều thứ hiếm quý đắt tiền khác. Mình đã ngồi vào cái ghế bành của vua Ludwig và có cảm giác giống như một nữ hoàng và Tiến sĩ Gillett nhận xét rằng mình có nhiều thần dân trung thành. Ỏ tòa nhà Phụ nữ chúng mình đã gặp Công chúa Maria Schaovskoy của Nga, và một tiểu thư xinh đẹp người Syria. Mình rất thích cả hai. Mình tới tòa nhà triển lãm của Nhật với Giáo sư Morse, một diễn giả nổi tiếng. Mình chưa bao giờ nhận ra người Nhật là một dân tộc tuyệt vời như thế nào cho tới khi mình nhìn thấy cuộc triển lãm rất thú vị của họ. Thật sự Nhật phải là một thiên đường đối với trẻ em khi xét từ số lượng lớn những đồ chơi được sản xuất ở đó. Những nhạc cụ Nhật lạ lùng, và những tác phẩm nghệ thuật xinh đẹp của họ rất thú vị. Những cuốn sách tiếng Nhật rất kỳ lạ, Có bốn mươi bảy mẫu tự trong bảng chữ cái của họ. Giáo sư Morse biết rất nhiều về Nhật, và rất tốt bụng thông minh. Ông đã mời mình tới thăm viện bảo tàng của ông ở Salem khi mình tới Boston vào lần tới. Nhưng mình nghĩ mình thích những chuyến thuyền đi trên những con phá thanh bình, và những phong cảnh đáng yêu, như các bạn của mình đã mô tả với mình, hơn bất kỳ thứ gì khác ở Hội chợ. Có lần, khi chúng mình đi ra ngoài trên thuyền, mặt trời lặn xuống rìa trái đất, và có một ánh sáng êm đềm, hồng hồng nổi lên trên Thành phố Trắng[2], khiến trông nó càng giống Cõi Mơ nhiều hơn nữa…
            Dĩ nhiên chúng mình đã tới thăm công viên Midway Plaisance. Đó là một nơi đầy ngạc nhiên và quyến rũ. Mình đã đi vào những đường phố ở Cairo, và đã cưỡi những con ngựa. Điều đó thật thú vị. Chúng mình cũng ngồi trong những vòng quay khổng lồ Ferris và trên đường tàu bằng băng, có một chuyến đi thuyền trên hồ Whaleback....
Vào mùa xuân năm 1893, một câu lạc bộ được thành lập ở Tuscumbia, do cô Keller làm chủ tịch, để thiết lập một thư viện công cộng. Cô Keller nói: “Tôi đã viết cho các bạn của tôi về công việc này và tranh thủ được sự đồng cảm của họ. Nhiều trăm cuốn sách, bao gồm nhiều cuốn rất đẹp đã được gửi tới cho tôi trong một thời gian ngắn, cũng như tiền và sự cổ vũ. Sự hỗ trợ quảng đại này đã động viên các quý bà, và họ đã đi thu thập và mua sách kể từ đó; tới nay họ có một thư viện rất đáng kể trong thị trấn.”

GỬI ÔNG CHARLES E. INCHES
HULTON, PENN., 21/10/1893

...Chúng cháu đã trải qua tháng Chín ở nhà tại Tuscumbia... và tất cả đều hạnh phúc cùng nhau… Ngôi nhà vùng núi lặng lẽ của chúng cháu đặc biệt quyến rũ và yên tĩnh sau sự khích động và mệt mỏi của chuyến tham quan Hội chợ Thế giới. Chúng cháu tận hưởng vẻ đẹp và sự quạnh hiu của những ngọn đồi hơn bao giờ hết thảy.
Và giờ đây chúng cháu lại đang ở Hulton, Penn., nơi cháu đang học với một cô gia sư với sự hỗ trợ của cô giáo của cháu trong mùa đông này. Cháu học số học, tiếng Latin và văn học. Cháu rất thích những bài học. Thật thú vị khi biết về những điều mới. Mỗi ngày cháu lại phát hiện ra cháu biết ít oi thế nào, nhưng cháu không nản lòng vì Thượng đế đã cho cháu một sự vĩnh cữu để học hỏi thêm. Trong môn văn học cháu nghiên cứu thi ca của Longfellow. Cháu thuộc nằm lòng nhiều bài trong số chúng, vì cháu biết chúng từ lâu trước khi cháu biết một ẩn dụ từ một phép hoán dụ. Cháu thường nói cháu không thích số học cho lắm, nhưng giờ cháu đã đổi ý. Cháu thấy nó là một học rất hay và hữu dụng, dù cháu phải thú nhận đôi khi tâm trí cháu đi lạc khỏi nó! Vì, dù số học hay và hữu ích, nó không thú vị như một bài thơ đẹp đẽ hay một câu chuyện đáng yêu. Nhưng chao ôi, thời gian vun vút như bay. Cháu chỉ còn chút thời gian để trả lời câu hỏi của ông về Thư viện công cộng “Helen Keller”.
1. Cháu nghĩ có khoảng 3.000 người ở Tuscumbia, Ala., và có lẽ phân nửa trong số họ là người da màu. 2. Hiện tại không có bất kỳ hình thức thư viện nào ở thị trấn. Đó là lý do vì sao cháu nghĩ tới việc thành lập một thư viện. Mẹ cháu và nhiều quý bà bạn cháu bảo họ sẽ giúp đỡ cháu, và họ thành lập một câu lạc bộ, đối tượng của nó là hoạt động để thiết lập một thư viện công cộng miễn phí ở Tuscumbia. Giờ họ có khoảng 100 cuốn sách và khoảng 55 đô la ngân quỹ, và một quý ông tốt bụng đã cho chúng cháu đất để dựng tòa nhà thư viện. Nhưng đồng thời câu lạc bộ đã thuê một phòng nhỏ ở trung tâm thị trấn. và những cuốn sách mà chúng cháu đã có là miễn phí cho tất cả. 3. Chỉ vài người trong những bạn tốt của cháu ở Boston biết về thư viện. Cháu không muốn làm phiền họ trong khi cháu đang cố tìm kiếm tiền cho bé Tommy tội nghiệp; vì dĩ nhiên việc nó sẽ được giáo dục quan trọng hơn việc dân chúng ở chỗ cháu có sách để đọc. 4. Cháu không biết chúng cháu có những cuốn sách gì, nhưng cháu nghĩ đó là một tập hợp linh tinh (cháu nghĩ đó là từ chính xác)…
Tái bút: Cô giáo của cháu nghĩ sẽ có tính chất công việc hơn khi nói rằng một danh sách những người đóng góp cho ngân quỹ xây dựng sẽ được lưu giữ và công bố trên tờ báo của cha cháu, tờ “North Alabamian.”
H. K.

 
GỬI CÔ CAROLINE DERBY
HULTON, PENN., 28/12/1893

... Xin vui lòng giúp mình cám ơn cô Derby về tấm khiên xinh xắn mà cô gửi cho mình. Đó là một kỷ niệm thú vị về Columbus, và về Hội chợ Thế giới; nhưng mình không thể hình dung những khám phá mình đã thực hiện, ý của mình là những khám phá mới. Cả bọn chúng mình đều là những nhà khám phá ở cùng một ý nghĩ, được sinh ra hoàn toàn dốt nát về mọi thứ; nhưng mình không nghĩ đó là điều cô ấy muốn nói. Hãy nói với cô ấy cô ấy phải giải thích vì sao mình là một nhà khám phá nhé…

GỬI TIẾN SĨ EDWARD EVERETT HALE
HULTON, PENNSYLVANIA, 14/11/1894

Anh họ thân mến: Em đã nghĩ tới việc viết thư cho anh từ lâu trước lá thư này để trả lời cho lá thư thân ái mà em rất vui khi nhận và để cám ơn anh về cuốn sách nhỏ xinh đẹp mà anh đã gửi cho em; nhưng em rất bận từ hồi đầu Năm mới. Việc xuất bản câu chuyện nhỏ của em trong tờ Youth's Companion đã mang tới cho em một lượng thư từ lớn – tuần trước em nhận được 61 lá! – và ngoài việc hồi âm cho một số thư, em còn nhiều bài phải học, trong số đó có toán số và tiếng Latin; và anh biết mà, Cæsar vẫn là Cæsar, độc đoán và chuyên chế, và nếu một cô gái nhỏ muốn hiểu được một con người vĩ đại như thế, và những cuộc chiến tranh và chinh phục mà ông ta nói tới bằng thứ tiếng Latin đẹp đẽ của ông ta, cô phải nghiên cứu nhiều và suy nghĩ nhiều, và nghiên cứu hay suy nghĩ đòi hỏi thời gian.
            Em sẽ luôn quý trọng cuốn sách nhỏ, không chỉ vì giá trị của chính nó; mà còn vì nó gắn liền với anh. Thật vui khi nghĩ về anh như là một người trao tặng của một trong những cuốn sách của anh mà trong đó, em chắc chắn, anh đã tạo tác những tư tưởng và cảm giác của chính mình, và em cám ơn anh rất nhiều vì đã nhớ tới em theo một cách rất đẹp đẽ…
Vào tháng Hai Helen và cô Sullivan quay lại Tuscumbia. Họ sử dụng phần còn lại của mùa xuân để đọc và nghiên cứu. Vào mùa hè, họ tham dự cuộc họp ở Chautauqua của Hiệp hội Cổ động cho việc dạy người điếc nói, nơi cô Sullivan đã đọc một bài thuyết trình về việc học hành của Helen Keller.
Vào mùa thu, Helen và cô Sullivan nhập học ở trường Wright-Humason tại New York, nơi đã thiết lập một chuyên khoa về văn hóa phát âm và đọc môi. “Những bài học hát” nhằm củng cố giọng nói của cô. Cô đã từng học vài bài đàn dương cầm ở Học viện Perkins. Kinh nghiệm đó rất thú vị, nhưng dĩ nhiên chỉ rất ít oi.

GỬI CÔ CAROLINE DERBY
TRƯỜNG WRIGHT-HUMASON
42 West 76th St.
NEW YORK. 23/10/1894

... Ngôi trường rất thú vị, và bạn ơi! Nó rất sang trọng… Mình học toán số, văn học Anh và lịch sử Mỹ như đã làm mùa đông năm ngoái. Mình cũng giữ một cuốn nhật ký. Mình thích những bài học hát với Tiến sĩ Humason hơn mức có thể nói ra. Mình mong đợi một lúc nào đó sẽ học những bài đàn dương cầm…
Thứ Bảy trước các thầy cô nhân ái của mình đã lên kế hoạch một chuyến đi vui vẻ tới đảo Bedloe's để tham quan pho tượng Nữ thần Tự do lớn của Bartholdi đang soi sáng thế giới…  Những khẩu súng thần công hướng về phía biển khoác một vẻ đe dọa; nhưng mình nghi ngờ không biết có bất cứ điều gì không tốt trong quả tim già nua han rỉ của chúng hay chăng.
Thần Tự do là hình dáng khổng lồ của một phụ nữ mặc áo xếp nếp của Hy Lạp, cầm trong tay phải một cây đuốc… Một cầu thang xoắn ốc dẫn tới cái bệ của cái đế cây đuốc. Chúng mình leo lên tới cái đầu có thể chứa bốn mươi người, và quan sát phong cảnh mà Nữ thần Tự do ngắm nhìn suốt ngày đêm, và chao ôi, thật kỳ diệu làm sao! Chúng mình không ngạc nhiên khi người nghệ sĩ vĩ đại người Pháp nghĩ nơi này xứng đáng là ngôi nhà của ý tưởng lớn của ông. Cái vịnh rực rỡ nằm bình thản và xinh đẹp dưới ánh nắng tháng Mười, và những con tàu đến rồi đi như những giấc mộng an nhàn; những chiếc hướng ra biển chầm chậm biến mất như những đám mây đổi thay từ vàng sang xám; những chiếc hướng vào đất liền chuyển động nhanh hơn những con chim đang tìm về tổ mẹ…

GỬI CÔ CAROLINE DERBY
TRƯỜNG WRIGHT-HUMASON
NEW YORK, 15/3/1895

... Mình nghĩ mình đã tiến bộ chút đỉnh trong việc đọc môi, dù mình vẫn thấy rất khó mà đọc những câu nói nhanh; nhưng mình chắc rằng một ngày nào đó mình sẽ thành công  nếu mình kiên trì. Tiến sĩ Humason vẫn cố cải thiện cách phát âm của mình. Ồ, Carrie ơi, mình mong muốn được nói như những người khác làm sao! Mình sẵn sàng làm việc suốt đêm ngày nếu có thể hoàn thành nó. Hãy nghĩ xem niềm vui to lớn đến thế nào đối với tất cả những người bạn của mình khi nghe mình nói một cách tự nhiên! Mình tự hỏi vì sao lại quá khó khăn phức tạp đối với một đứa trẻ điếc trong việc học nói khi nó rất dễ dàng đối với những người khác; nhưng mình chắc chắn mình sẽ nói hoàn hảo vào một lúc nào đấy nếu mình kiên nhẫn… cuốn “Vu nữ thất tung” (The Lost Vestal)... Giờ mình đang đọc “Nathan minh triết” của Lessing và “Vua Arthur” của cô Mulock.
... Bạn biết không, các thầy cô tốt bụng đã đưa chúng mình đi tham quan mọi thứ mà họ nghĩ sẽ làm cho chúng mình thích thú và chúng mình đã học được rất nhiều theo một cách thức vui vẻ. Hôm sinh nhật George Washington chúng mình đã tới cuộc Triển lãm chó, và dù có rất đông người trong Madison Square Garden, và bất chấp sự lúng túng gây ra bởi nhiều âm thanh khác nhau do dàn nhạc chó vốn rất lộn xộn cho những ai có thể nghe thấy chúng, chúng mình rất thích thú buổi chiều hôm ấy. Trong số lũ chó được chú ý nhất có lũ chó bun. Chúng tự cho phép bày tỏ sự tự do khi có bất kỳ ai vuốt ve chúng, co người hầu như trong cánh tay của người ta và tự giúp chúng hôn hít mà không cần nghi thức nào hết, rõ ràng là vô ý thức với sự không thích đáng của hành vi của chúng. Ái chà, chúng là những con vật nhỏ xấu xí làm sao! Nhưng chúng có bản tính tốt và thân thiện, người ta không thể không thích chúng.
Tiến sĩ Humason, cô giáo và mình bỏ những người khác ở cuộc triển lãm cho và tới một lễ tiếp tân do Câu lạc bộ “Metropolitan” tổ chức... Đôi khi nó được gọi là “Câu lạc bộ Các triệu phú”. Tòa nhà rất lộng lẫy, được xây dựng bằng cẩm thạch trắng; các phòng rộng và trần thiết rất huy hoàng; nhưng mình phải thú nhận, sự tráng lệ quá đáng khiến mình thấy bị ức chế; và mình không ganh tị với các vị triệu phú bất chấp toàn bộ niềm hạnh phúc của những thứ xa hoa lộng lẫy quanh họ được cho là mang tới họ…

GỬI BÀ KATE ADAMS KELLER
NEW YORK, 31/3/1895

... Cô giáo và con trải qua buổi tối ở nhà ông Hutton, và đã nó một thời gian vui thú nhất!... Chúng con đã gặp ông Clemens và ông Howells ở đó! Con đã biết về họ từ lâu; nhưng con chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ gặp và trò chuyện với họ; và giờ đây hầu như con không thể nhận ra niềm vui to lớn ấy là của con!, Nhưng cũng như con tự hỏi rằng con, chỉ một cô bé mười bốn tuổi , có thể tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi bật như thế, con nhận ra rằng con là một đứa bé rất hạnh phúc, và rất biw61t ơn vì nhiều đặc ân đẹp đẽ mà con được hưởng. Hai tác giả nổi tiếng rất dịu hiền và tốt bụng, và con không thể nói con yêu ai nhất trong số họ. Ông Clemens kể cho chúng con nghe nhiều câu chuyện tiêu khiển, và khiến chúng con cười đến độ chảy nước mắt. Con chỉ ước gì mẹ có thể nhìn thấy và nghe ông nói! Ông nói với chúng con rằng ông sẽ sang châu Âu vài ngày để đưa vợ và con gái, Jeanne, quay lại Mỹ, vì Jeanne, hiện đang học ở Paris, đã học được nhiều điều trong ba năm rưỡi đến mức nếu ông không đưa chị ấy về nhà, chị ấy sẽ sớm biết nhiều hơn cả ông. Con nghĩ Mark Twain là một “nom de plume” (bút danh) thích hợp cho ông Clemens vì nó có một âm thanh vui vui và kỳ quặc, và rất hợp với văn phong vui vẻ và ý nghĩa thuộc lĩnh vực hàng hải của nó gợi ra những điều đẹp đẽ mà ông đã viết. Thật sự con nghĩ ông rất đẹp trai… Cô giáo bảo cô nghĩ trông ông hơi giống như Paradeuski[3]. (Nếu đó là cách viết cái tên này.)
Ông Howells kể cho con nghe đôi điều về Venice, một trong những thành phố ông yêu thích, và kể rất dịu dàng về cô con gái nhỏ của ông, Winnifred, người giờ đã về với Chúa. Ông có một cô con gái khác tên là Mildred; cô này có quen Carrie. Lẽ ra con có thể gặp bà Wiggin, tác giả ngọt ngào của cuốn “Bài ca mừng Giáng sinh của chim”, nhưng bà mắc một cơn ho nguy hiểm và không thể tới. Con rất thất vọng khi không gặp bà; nhưng con hy vọng sẽ có niềm vui vào một lần khác. Ông Hutton tặng con một cái cốc nhỏ xinh xắn, có hình dáng như một cây kế, vốn thuộc về mẹ thân yêu của ông, như là một kỷ niệm cho chuyến viếng thăm vui vẻ của con. Chúng con cũng gặp ông Rogers...người đã tốt bụng để lại cỗ xe để đưa chúng con về nhà….

Khi trường Wright-Humason đóng cửa nghỉ hè, cô Sullivan và Helen về miền Nam.

GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
TUSCUMBIA, ALABAMA, 29/7/1895

... Cháu đang trải qua kỳ nghỉ rất lặng lẽ và vui thú ở ngôi nhà xinh đẹp tràn ánh nắng của cháu với cha mẹ thân yêu, em gái cưng và đứa em trai nhỏ, Phillips Cô giáo quý báu của cháu cũng ở chung với cháu, và dĩ nhiên là cháu hạnh phúc  Cháu đọc chút ít, đi bộ chút ít, viết chút ít và chơi với lũ trẻ thật nhiều, và những ngày trôi qua vui sướng…
Các bạn của cháu rất hài lòng với sự tiến bộ của cháu trong phát âm và đọc môi hồi năm ngoái đến độ mọi người đã quyết định tốt nhất cháu nên tiếp tục học ở New York thêm một năm nữa  Cháu vui với viễn cảnh trải qua một năm ở thành phố lớn của bà  Cháu từng nghĩ rằng cháy không bao giờ cảm thấy “thoải mái” ở New York; nhưng từ khi cháu quen biết rất nhiều người và có thể nhìn lại một mùa đông tươi sáng và thành công tại đó, cháu nhận ra mình đang mong đợi tới năm sau, và dự đoán những thời gian còn tươi sáng và tốt đẹp hơn ở Metropolis
Xin gửi tình yêu tốt đẹp nhất của cháu tới ông Hutton, bà Riggs và cả ông Warner, dù cháu chưa bao giờ hân hạnh quen biết cá nhân ông  Khi cháu lắng nghe chuyện Hướng về Venice, cháu nghe cây bút của ông Hutton khiêu vũ trên những trang của cuốn sách mới của ông  Đó là một âm thanh thú vị vì nó đầy hứa hẹn  Cháu sẽ thích thú biết bao khi đọc nó!
Xin thứ lỗi cho cháu, bà Hutton thân mến, vì đã gửi cho bà một lá thư đánh máy qua đại dương, cháu đã cố viết với một cây bút chì trên cái máy viết chữ nhỏ của cháu nhiều lần từ khi cháu về nhà; nhưng cháu thấy rất khó làm điều đó vì sức nóng  Hơi ẩm trên tay cháu vấy bẩn và làm nhòe tờ giấy kinh khủng đến nỗi cháu buộc phải dùng tới cái máy đánh chữ  Và nó cũng không phải là cái máy hiệu “Remington” mà là một cái máy nhỏ xấu tính trở nên vô trật tự với sự khiêu khích nhỏ nhất và không thể đánh được dấu chấm…

GỬI ÔNG WILLIAM THAW
NEW YORK, 16/10/1895

Chúng cháu lại ở đây trong thành phố rộng lớn này! Chúng cháu rời Hulton đêm Thứ sáu và tới đây vào sáng Chủ nhật. Các bạn của chúng cháu rất ngạc nhiên khi thấy chúng cháu vì họ không mong chúng cháu tới trước cuối tháng này. Cháu nghỉ ngơi hôm chiều Thứ bảy vì cháu rất mệt, và hôm Chủ nhật cháu đi thăm các bạn học, và giờ cháu cảm thấy hoàn toàn khỏe khoắn nên viết thư cho ông; vì cháu biết ông muốn nghe rằng chúng cháu tới New York an toàn. Chúng cháu phải đổi xe ở Philadelphia; nhưng chúng cháu không bận tâm lắm. Sau khi ăn sáng, cô giáo đã hỏi một trong những nhân viên ở nhà ga chuyến tàu New York có ghé không. Ông ta bảo không, nó sẽ không tới trong khoảng mười lăm phút; thế là chúng cháu ngồi xuống đợi; nhưng chút xíu sau người đó quay lại và hỏi cô giáo chúng cháu có muốn lên tàu ngay không. Cô đáp có, và ông ta đưa chúng cháu ra đường tàu và lên tàu. Thế là chúng cháu tránh được sự vội vã và có một chuyến thăm viếng lặng lẽ trước khi con tàu chuyển bánh. Điều đó không quá tốt hay sao? Nó luôn là thế. Một ai đó luôn sẵn sàng thực hiện chút hành động tốt trên con đường của chúng cháu, giúp nó êm xuôi và thú vị hơn…
Chúng cháu có một thời gian lặng lẽ nhưng vui thú ở Hulton. Ông Wade vẫn thân ái và tốt như trước giờ! Gần đây ông đã gửi nhiều sách in ở Anh cho cháu, “Ông già bất tử”, “Lâu đài của Otranto” và “Vua không xứ sở”...

GỬI CÔ CAROLINE DERBY
NEW YORK, 29/12/1895

... Gần đây cô giáo và mình rất vui vẻ. Chúng mình đã gặp các bạn thân mến, bà Dodge, ông bà Hutton, bà Riggs và chồng bà, và gặp nhiều người nổi tiếng, trong đó có cô Ellen Terry, ngài Henry Irving và ông Stockton! Chẳng phải chúng mình quá may mắn hay sao? Cô Terry rất đáng yêu. Cô hôn cô giáo và bảo: “Tôi không biết tôi có vui mừng khi gặp cô hay chăng; vì tôi cảm thấy mắc cỡ cho mình khi nghĩ cô đã làm được biết bao điều cho cô bé này.” Chúng mình cũng gặp ông bà Terry, anh của cô Terry và vợ ông. Mình nghĩ vẻ đẹp của cô giống như thiên sứ, và chao ôi, cô có một giọng nói rõ ràng, trong trẻo làm sao! Chúng mình gặp lại cô Terry với ông Henry trong vở “Vua Charles đệ nhất”hồi Thứ sáu tuần trước, và sau vở diễn họ đã tốt bụng cho mình sờ vào họ và có ý tưởng trông họ như thế nào. Nhà vua thật cao quý và tốt bụng, nhất là trong sự cố không may của ông! Và Hoàng hậu tội nghiệp mới chân thành và xinh đẹp làm sao! Vở kịch có vẻ rất thật, chúng mình hầu như quên chúng mình đang ở đâu và tin rằng chúng mình đang theo dõi những cảnh đích thực như chúng đã diễn ra cách nay lâu rồi. Hồi cuối tác động rất sâu tới chúng mình, và tất cả đều khóc, tự hỏi sao tay đao phủ lại nỡ lòng tách nhà vua không vòng tay của người vợ yêu dấu của ông.
Mình vừa đọc xong cuốn “Ivanhoe”. Nó thật thú vị; nhưng mình phải nói mình không thích nó lắm. Rebecca ngọt ngào, với tinh thần mạnh mẽm, quả cảm và bản chất thuần lương, quảng đại, là nhân vật duy nhất chiếm được sự ngưỡng mộ của mình. Giờ mình đang đọc “Những câu chuyện từ lịch sử Tô Cách Lan”, và chúng rất ly kỳ, hấp dẫn!...

Hai lá thư tiếp theo được viết ngay sau cái chết của ông John P. Spaulding.

GỬI BÀ GEORGE H. BRADFORD
NEW YORK, 4/2/1896

Cháu có thể nói gì để bà hiều cô giáo và cháu cảm kích lòng tốt ân cần của bà trong việc gửi cho chúng cháu những quà kỷ niệm nhỏ của căn phòng thân ái nơi chúng cháu gặp lần đầu người bạn thân thương và nhân ái nất? Thật sự, bà không bao giờ biết tất cả những an ủi mà bà đã ban cho chúng cháu. Chúng cháu đã đặt tấm ảnh thân yêu lên bệ lò sưởi trong phòng chúng cháu để có thể trông thấy nó hàng ngày, và cháu thường tới sờ vào nó, và theo cách nào đó cháu không thể không cảm thấy người bạn thân yêu của chúng cháu đang rất gần chúng cháu… Nhận lại công việc trong trường thật rất vất vả, như thể chưa có gì xảy ra; nhưng cháu chắc chắn mọi việc tốt đẹp khi chúng cháu có những bổn phận phải làm và chúng khiến tâm trí chúng cháu ít nhất cũng rời xa khỏi nỗi buồn của chúng cháu trong một lúc…

GỬI CÔ CAROLINE DERBY
NEW YORK, 2/3/1896

... Chúng mình buồn nhớ Vua John. Thật đau đớn khi mất đi ông, ông là người bạn tốt và nhân ái nhất, và mình không biết chúng mình sẽ làm gì nếu không có ông…
Chúng mình đã tới một chợ gia cầm… và người đó đã tốt bụng cho phép chúng mình sờ vào lũ gia cầm. Chúng rất thuần tính, chúng đứng hoàn toàn im khi mình chạm vào chúng. Mình đã thấy những con gà tây lớn, ngỗng, gà Nhật, vịt và nhiều con khác.
Gần hai tuần trước chúng mình ghé nhà ông Hutton và đã có một thời gian thú vị. Luôn là như vậy! Chúng mình đã gặp ông Warner, nhà văn, ông Mabie, biên tập viên tờ Outlook và những người thú vị khác. Mình chắc rằng bạn sẽ thích quen biết ông bà Hutton, họ rất tốt và thú vị. Mình không bao giờ có thể nói với bạn họ đã cho chúng mình bao nhiêu vui thú.
Ông Warner và ông Burroughs, những kẻ yêu thiên nhiên vĩ đại, đã tới thăm chúng mình vài hôm sau đó, và chúng mình đã có một cuộc trò chuyện vui vẻ với họ. Cả hai đều rất thân ái! Ông Burroughs kể cho mình nghe về nhà ông ở gần sông Hudson, và nó là một nơi hạnh phúc biết bao! Mình hy vọng chúng mình sẽ tới thăm nó một ngày nào đó. Cô giáo đã đọc cho mình nghe những câu chuyện sống động của ông về thời thơ ấu, và mình rất thích chúng. Bạn có đọc bài thơ hay “Chờ đợi” chưa? Mình biết nó, và nó khiến mình rất hạnh phúc, nó có những ý tưởng ngọt ngào. Ông Warner chỉ cho mình một cái kim cài khăn quàng trên có chạm một con bọ cánh cứng; nó được làm ra ở Ai Cập năm trăm năm trước công nguyên, và ông nói với mình rằng con bọ đó có ý nghĩa là sự bất tử đối với người Ai Cập vì nó tự che phủ thân hình nó và ngủ và lại xuất hiện trong một hình thể mới, do vậy đã tự đổi mới bản thân nó.

GỬI CÔ CAROLINE DERBY
NEW YORK, 25/4/1896

... Các môn học của mình cũng hệt như khi mình gặp bạn, trừ việc mình đã học tiếng Pháp với một giáo viên tới mỗi tuần ba lần. Hầu như mình chỉ đọc môi của cô ấy (cô ấy không biết bảng chữ cái bằng tay) và chúng mình khá hòa hơp với nhau. Mình đã đọc cuốn “Lang băm”, một vở hài kịch Pháp rất hay của Molière, với niềm vui; và họ nói giờ mình nói tiếng Pháp khá tốt, cả tiếng Đức nữa. Dù sao, người Pháp và người Đức hiểu những gì mình cố nói ra, và điều đó rất có tính động viên. Trong rèn luyện giọng nói mình vẫn còn va phải những khó khăn cũ; và việc hoàn thành ước vọng nói tốt của mình, chao ôi, dường như còn xa quá! Đôi khi mình chắc chắc rằng mình đã mơ hồ nhìn thấy mục đích mà mình đang phấn đấu; nhưng trong khoảnh khắc khác, một chỗ cong trên con đường che khuất mất tầm nhìn, và mình lại bị bỏ rơi lang thang trong bóng tối! Nhưng mình cố không nản chí. Chắc chắn cuối cùng tất cả chúng ta sẽ tìm thấy những lý tưởng mà chúng ta tìm kiếm…

GỬI ÔNG JOHN HITZ
BREWSTER, MASS. 15/7/1896

... Về phần cuốn sách, cháu chắc rằng cháu sẽ rất thích nó khi cháu chấp nhận, thông qua phép thuật của những ngón tay thân yêu của cô giáo, trở thành bạn đồng hành của hai chị em đã đi tới suối nguồn bất tử.
Khi cháu ngồi cạnh cửa sổ viết cho ông, những làn gió nhẹ mát dịu đáng yêu lướt qua má cháu và cháu cảm thấy công việc vất vả của năm ngoái đã qua rồi! Dường như cô giáo cũng cảm thấy lợi ích của sự thay đổi này; vì cô đã bắt đầu trông giống như con người cũ thân yêu của cô. Chúng cháu chỉ cần ông, ông Hitz thân mến, để hoàn thành niềm hạnh phúc của chúng cháu. Cả cô giáo và bà Hopkins đều bảo ông phải tới càng sớm càng tốt! Chúng cháu sẽ cố giúp cho ông thoải mái.
Cô giáo và cháu trải qua chín ngày ở Philadelphia. Ông có bao giờ tới Học viện của Tiến sĩ Crouter chưa? Có lẽ ông Howes đã giải thích đầy đủ với ông về những việc chúng cháu đang làm. Chúng cháu bận rộn suốt; chúng cháu tham dự các cuộc họp và nói chuyện với hàng trăm người, trong đó có ông Bell thân mến, ông Banerji ở Calcutta, Monsieur Magnat ở Paris, người mà cháu chỉ nói chuyện bằng tiếng Pháp, và nhiều cá nhân nổi tiếng khác. Chúng cháu mong gặp ông ở đó, thế nên chúng cháu rất thất vọng khi ông không tới. Chúng cháu nghĩ về ông rất, rất thường xuyên và tim chúng cháu tìm tới với ông trong niềm cảm thông dịu dàng nhất; và ông biết rõ hơn lá thư tội nghiệp này có thể nói với ông chúng cháu luôn hạnh phúc thế nào khi có ông bên cạnh! Cháu sẽ có đọc một bài diễn văn vào ngày tám tháng Bảy, nói với những thành viên của Hiệp hội một bài diễn văn hạnh phúc bất khả phát ngôn đã từng là gì đối với cháu, và thúc đẩy họ cho mọi đứa bé điếc một cơ hội để học nói. Mọi người bảo cháu nói rất tốt và dễ nghe. Sau bài diễn thuyết nhỏ của cháu, chúng cháu dự một lễ tiếp tân có tới hơn sáu trăm người hiện diện. Cháu phải thú nhận cháu không thích những cuộc tiếp tân lớn như thế; quá đông người và chúng cháu phải nói quá nhiều; thế nhưng ở những lễ tiếp tân như ở Philadelphia chúng cháu thường gặp những người mà sau đó chúng cháu trở nên yêu mến. Chúng cháu rời thành phố đêm Thứ năm vừa rồi, và tới Brewster chiều Thứ sáu. Chúng cháu lỡ chuyến tàu đi Mũi Cá Thu sáng Thứ hai, vì thế chúng cháu đi xuống Provincetown bằng chiếc tàu hơi nước Longfellow. Cháu mừng vì điều đó; vì ở trên mặt nước thật đáng yêu và mát mẻ, và cảng Boston luôn thú vị.
Chúng cháu trải qua ba tuần ở Boston sau khi rời New York, và cháu cần phải nói với ông chúng cháu đã có một thời gian vui thú. Chúng cháu đã tới thăm những người bạn tốt, ông bà Chamberlin ở Wrentham, thuộc vùng nông thôn,  nơi họ có một ngôi nhà xinh xắn. Nhà họ nằm gần một hồ nước tuyệt vời mà chúng cháu đã đi thuyền và thuyền gắn máy, các chuyến đi rất vui. Chúng cháu cũng tới đó tắm nhiều lần. Ông bà Chamberlin đón mừng ngày 17/7 bằng cách tổ chức một cuộc picnic cho các bạn văn của họ. Có khoảng bốn mươi người hiện diện, tất cả đều là nhà văn hoặc nhà xuất bản. Bạn của chúng cháu, ông Alden, biên tập viên tờ Harper's có mặt ở đó, và dĩ nhiên chúng cháu rất thích hiệp hội của ông…

GỬI  CHARLES DUDLEY WARNER
BREWSTER, MASS., 3/9/1896

... Cháu định viết cho ông suốt mùa hè; có nhiều điều cháu muốn kể với ông, và dù cháu nghĩ có lẽ ông muốn nghe về kỳ nghỉ bên bờ biển của chúng cháu, và những kế hoạch cho năm sau; nhưng những ngày vui vẻ nhàn hạ trôi qua quá nhanh, và có quá nhiều điều thú vị để làm trong từng khoảnh khắc đến độ cháu chưa bao giờ có thời gian để dệt những ý tưởng thành ngôn từ và gửi chúng cho ông. Cháu tự hỏi cái gì trở nên những cơ hội mất đi. Có lẽ các thiên thần hộ mệnh đã tập hợp lại khi chúng cháu đánh rơi họ và thi thoảng sẽ quay lại trong vẻ đẹp khi chúng cháu trở nên thông minh hơn và học cách sử dụng họ đúng hơn. Nhưng dù thế nào đi nữa, giờ cháu không thể viết lá thư đã nằm trong ý nghĩ của cháu từ lâu. Tim cháu đầy ngập u buồn nên không thể ngụ cư trong niềm hạnh phúc mà mùa hè đã mang tới cho cháu. Cha cháu đã mất. Ông qua đời hôm Thứ bảy trước trong nhà cháu ở Tuscumbia, và cháu không có mặt ở đó. Ôi cha thân yêu của con! Chao ôi, bạn thân mến, làm sao cháu chịu đựng nổi điều này!...

Ngày một tháng Mười cô Keller nhập học trường Cambridge do ông Arthur Gilman làm hiệu trưởng. “Các cuộc thi” đề cập trong lá thư này đơn giản là những bài kiểm tra của trường, nhưng vì chúng là những đề thi cũ của Harvard, rõ ràng trogn một số môn cô Keller đã chuẩn bị khá tốt để vào trường Radcliffe.

GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
37 CONCORD, CAMBRIDGE, MASS.
8/10/1896. 

... sáng nay cháu dậy sớm nên có thể viết cho bà vài dòng. Cháu biết bà muốn nghe cháu thích trường học như thế nào. Cháu ước gì bà có thể tới và tự nhìn thấy ngôi trường xinh đẹp ra sao! Có khoảng một trăm cô gái, và tất cả đều rạng rỡ, tươi vui; học với họ là một niềm vui.
Bà sẽ vui khi nghe rằng cháu đã qua các kỳ thi thành công. Cháu đã kiểm tra tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp và và lịch sử La Mã. Chúng là những kỳ thi tuyển vào đại học ở Harvard; vì thế cháu rất hài lòng khi nghĩ cháu đã vượt qua chúng. Năm nay sẽ là một năm bận rộn cho cô giáo và cháu. Cháu đang học số học, văn học Anh, lịch sử Anh, tiếng Đức, tiếng Latin, và địa lý nâng cao; cần co nhiều chuẩn bị cho việc đọc, và vì có quá ít sách in chữ nổi, cô giáo tội nghiệp phải viết tất cả cho cháu; và điều đó có nghĩa là một công việc vất vả.
Bà phải nói với ông Howells khi gặp ông rằng chúng cháu đang sống ở nhà ông…

GỬI BÀ WILLIAM THAW
37 CONCORD, CAMBRIDGE, MASS.,
2/12/1896

... Cháu mất một thời gian dài để chuẩn bị những bài học, vì cô giáo phải viết vào tay cháu từng từ của chúng. Không giáo trình nào cháu buộc phải sử dụng được in bằng chữ nổi; vì thế dĩ nhiên là công việc của cháu khó nhọc hơn so với khi cháu có thể tự đọc những bài học của mình. Nhưng cô giáo vất vả hơn cháu vì áp lực lên đôi mắt tội nghiệp của cô rất lớn, và cháu không thể không lấy làm tiếc cho chúng. Đôi khi dường như công việc mà chúng cháu phải làm nhiều hơn mức chúng cháu có thể hoàn thành; nhưng những lúc khác cháu thích thú công việc của cháu hơn mức cháu có thể nói ra.
Thật vui khi học cùng các cô gái khác và làm mọi việc họ làm. Cháu học tiếng Latin, tiếng Đức, số học và lịch sử Anh, tất cả cháu đều thích trừ môn số học. Cháu e rằng cháu không có đầu óc toán học; vì các con số của cháu luôn tìm cách đi vào những chỗ sai!...

GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
CAMBRIDGE, MASS., 3/5/1897

...Bà biết không, cháu đang rất cố gắng để vượt qua việc đọc cho những kỳ thi vào tháng Sáu, và việc này, cộng thêm công việc học ngày thường khiến cháu bận rộn kinh khủng. Nhưng chiều nay Johnson, và cuốn “Dịch hạch” và mọi thứ khác phải chờ vài phút, trong lúc cháu nói, cám ơn, bà Hutton thân mến của cháu....
...Chúng cháu đã có một thời gian tuyệt vời ở “Câu lạc bộ các đối thủ”. Cháu luôn nghĩ các câu lạc bộ là những nơi chán ngắt, đầy khói thuốc, nơi những người đàn ông nói về chính trị, và kể những câu chuyện không dứt, tất cả đều về chính họ và những khám phá tuyệt vời của họ; nhưng giờ cháu thấy hẳn cháu đã hoàn toàn sai lầm…

GỬI ÔNG JOHN HITZ
WRENTHAM, MASS. 9/7/1897

...Cô giáo và cháu đang nghỉ hè ở Wrentham, Mass. với các bạn của cháu, gia đình Chamberlins. Cháu nghĩ ông nhớ ông Chamberlin, “Người lắng ngeh” trong tờ Boston Transcript. Họ là những người thân ái, tốt bụng…
Nhưng cháu biết ông muốn nghe về những kỳ thi của cháu. Cháu biết rằng ông sẽ vui khi nghe thấy cháu đã vượt qua tất cả thành công. Các môn cháu được yêu cầu là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Larin, tiếng Anh, tiếng Hy Lạp và lịch sử La Mã sơ cấp và cao cấp. Việc này dường như quá tốt đẹp nếu là hiện thực, phải không ông? Cháu chuẩn bị cho cuộc thử thách này suốt mọi lúc, cháu không thể kềm nén một nỗi run sợ trong thâm tâm rằng cháu có thể thi rớt, và giờ đây có một sự nhẹ nhõm không thể nói thành lời vì cháu đã thi đậu với thành tích tốt. Nhưng thứ mà cháu xem là cái vương miện của sự thành công là niềm hạnh phúc và hân hoan mà chiến thắng của cháu mang tới cho cô giáo của cháu. Thật sự, cháu cảm thấy sự thành công này là của cô hơn là của cháu; vì cô là niềm cảm hứng thường xuyên của cháu…

            Vào cuối tháng Chín, cô Sullivan và cô Keller quay lại trường Cambridge và ở đó cho tới đầu tháng Mười một. Sau đó sự can thiệp của ông Gilman khiến bà Keller xin rút tên cô Helen và em gái, cô Mildred, ra khỏi trường. Cô Sullivan và người học trò tới Wrentham để học tập dưới sự hướng dẫn của ông Keith, và cô giáo nhiệt tâm, tài năng.

GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
WRENTHAM, 20/2/1898

... Cháu bắt đầu lại các môn học ngay sau khi bà lên đường, và trong một thời gian rất ngắn chúng cháu đã làm việc vui vẻ như thể kinh nghiệm đáng sợ của một tháng trước chỉ là một giấc mơ. Cháu không thể nói với bà cháu thích miền quê này nhiều thế nào. Nó rất trong lành, thanh bình và thoải mái! Cháu nghĩ cháu có thể làm việc suốt ngày dài mà không mệt mỏi nếu họ cho phép cháu. Có rất nhiều thứ thú vị để làm – không luôn luôn là những thứ dễ dàng – nhiều bài trong môn đại số và địa lý của cháu thật khó: nhưng cháu yêu tất cả, trừ môn tiếng Hy Lạp. Cứ nghĩ xem, cháu sẽ sớm hoàn thành môn ngữ pháp! Rồi sẽ đọc“Illiad”. Sẽ là một niềm vui không thể tả khi đọc về Achilles, Ulysses, Andromache và Athene, và số bạn cũ còn lại của cháu trong chính thứ ngôn ngữ rực rỡ của họ! Cháu nghĩ tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ đáng yêu nhất mà cháu biết. Nếu đúng thật cây đàn vĩ cầm là thứ nhạc cụ hoàn hảo nhất thì tiếng Hy Lạp là chiếc vĩ cầm của tư tưởng nhân loại.
Tháng này chúng cháu có vài chuyến trượt băng tuyệt diệu. Mỗi sáng, trước giờ học, cả bọn ra chỗ ngọn đồi dốc ở bờ phía bắc của cái hồ gần nhà và trượt tuyết khoảng một giờ. Một người giữ thăng bằng cho chiếc xe trượt trên đỉnh đồi, trong lúc chúng cháu leo lên, và khi chúng cháu đã sẵn sàng, chiếc xe vùn vụt lao xuống sườn đồi và phóng qua một chỗ lồi, lao vào một đống tuyết và lướt trôi qua cái ao nước với một vận tốc kinh hoàng!...

GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
WRENTHAM, 12/4/1898

... Cháu mừng là thầy Keith rất hài lòng với sự tiến bộ của cháu. Đúng là đại số và địa lý đang trở nên dễ dàng hơn, nhất là đại số; và cháu vừa nhận được những cuốn sách in chữ nổi sẽ rất thuận tiện cho việc học của cháu…
Cháu nhận thấy cháu tiến bộ nhanh hơn và làm việc tốt hơn với thầy Keith so với hồi học ở trường Cambridge, và cháu nghĩ việc cháu từ bỏ công việc đó thật là tốt. Ở bất cứ giá nào, cháu cũng không nhàn hạ từ khi cháu rời trường học; cháu đã hoàn thành được nhiều hơn, và hạnh phúc hơn khi ở đó…

GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
WRENTHAM, 29/5/1898

... Công việc của cháu tiến triển một cách đầy quả cảm. Mỗi ngày tràn ngập công việc học khó nhọc; vì cháu nôn nóng hoàn thành càng nhiều càng tốt trước khi cháu cất những cuốn sách để nghỉ hè. Bà sẽ vui lòng khi nghe rằng hôm qua cháu đã làm ba bài tập hình học mà không có sự trợ giúp. Thầy Keith và cô giáo rất phấn khởi với thành tựu đó, và cháu phải thú nhận, bản thân cháu càm thấy hơi hãnh diện. Giờ cháu cảm thấy như thể cháu sẽ thành công trong môn toán, dù cháu không thể hiểu vì sao việc biết rằng những đường kẻ từ các đỉnh ở đáy của một tam giác cân tới những điểm giữa của các phía đối diện là bằng nhau lại quan trọng đến như thế! Kiến thức này không làm cho cuộc sống thêm được chút ngọt ngào hay hạnh phúc nào, phải không bà? Trái lại, khi chúng ta học một từ mới, nó là chìa khóa của những kho báu còn khép kín…


GỬI CHARLES DUDLEY WARNER
WRENTHAM, MASS., 7/5/1898 

Cháu e là ông sẽ kết luận rằng rốt cuộc cháu không nôn nao chờ một chiếc xe đạp đôi chút nào vì đã gần một tuần trôi qua mà cháu không hồi âm cho thư của ông liên quan tới loại bánh xe mà cháu thích. Nhưng thật sự cháu thường xuyên bận rộn với việc học từ khi chúng cháu rời New York đến nỗi cháu không có thời gian thậm chí để nghĩ tới niềm vui khi có một chiếc xe đạp! Ông thấy đó, cháu rất nôn nóng hoàn thành càng nhiều càng tốt trước khi kỳ nghỉ hè dài bắt đầu. Dù vậy, cháu mừng rằng đã gần tới lúc để cất đi những cuốn sách; vì ánh nắng và những bông hoa, và cái hồ xinh đẹp ở trước nhà đang cố hết sức quyến rũ cháu rời xa tiếng Hy Lạp và toán học, nhất là môn nói sau! Cháu chắc rằng những bông cúc và hoàng mao lương có rất ích công dụng đối với môn hình học giống như cháu, bất chấp thực tế rằng chúng minh họa rất đẹp đẽ cho những nguyên lý của môn này.
Nhưng chao ôi, cháu không được quên chiếc xe đạp đôi! Sự thật là cháu biết rất ít về những chiếc xe đạp. Cháu chỉ cưỡi một chiếc xe đạp ba bánh rất khác với loại xe đạp đôi thông thường. Có lẽ chiếc xe đạp ba bánh an toàn hơn chiếc xe đạp đôi; nhưng nó rất nặng và bất tiện, và choán phần lớn mặt đường. Ngoài ra, cháu nghe nói rằng chiếc xe đạp ba bánh đắt tiền hơn các loại xe đạp khác. Cô giáo và các bạn khác nghĩ cháu có thể chạy một chiếc xe đạp đôi Columbia ở vùng quê với sự an toàn. Họ cũng nghĩ rằng đề nghị của ông về một tay lái cố định là một đề nghị tốt. Cháu chạy xe với một cái váy xẻ, và cô giáo cũng thế; nhưng cô lái một chiếc xe nam dễ hơn là cháu; vì thế nếu có thể bố trí những yên xe nữ phía sau, cháu nghĩ nó sẽ tốt hơn… 

GỬI CÔ CAROLINE DERBY
WRENTHAM, 11/9/1898

... Mình ở ngoài trời suốt ngày, chèo thuyền, bơi lội, cưỡi ngựa và làm vô số chuyện thú vị khác. Sáng nay mình cưỡi chiếc xe đạp đôi chạy hơn mười hai dặm! Mình chạy trên con đường gồ ghề và bị ngã ba bốn lần, và bây giờ đi rất ư khập khiễng! Nhưng tiết trời và cảnh vật rất đẹp, và việc đạp xe qua phần bằng phẳng hơn của con đường rất vui, mình không quan tâm mấy tới những rủi ro.
Mình đã thật sự học được cách bơi và lặn đúng thể thức! Mình có thể bơi một chút trong lòng nước và thực hiện bất cứ mình thức mà không sợ bị chết chìm! Điều đó thật tuyệt, phải không bạn? Mình chèo thuyền quanh hồ hầu như không cần chút cố gắng nào, bất kể đồ đạc trên thuyền nặng tới đâu. Vì thế bạn có thể hình dung mình khỏe và rám nắng như thế nào…

GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
12 ĐƯỜNG NEWBURY, BOSTON,
23/10/1898

Đây là cơ hội đầu tiên cháu có để viết cho bà từ khi chúng cháu tới đây hôm Thứ hai trước. Chúng cháu đã quay cuồng cả đầu óc từ khi quyết định tới Boston; có vẻ như chúng cháu sẽ không bao giờ ổn định nhà cửa được. Hai bàn tay của Cô giáo tội nghiệp bận rộn suốt để trò chuyện với mọi dạng người. Cháu ước gì việc di chuyển không phiền hà đến thế, nhất là khi chúng cháu phải làm điều này rất thường xuyên!...
... Thầy Keith tới đây vào lúc ba giờ rưỡi hàng ngày trừ Thứ bảy. Thầy bảo thầy thích tới đây hơn. Cháu đang đọc “Illiad” và “Æneid” và Cicero[4], ngoài việc làm nhiều bài tập hình học và đại số. Cuốn “Illiad” thật tuyệt với toàn là chân lý, và sự tinh tế, đơn giản của những người có tính khí như trẻ con một cách diệu kỳ trong lúc cuốn “Æneid” nghiêm trang và bảo thủ hơn. Nó giống như một quý bà xinh đẹp luôn thích sống trong một cung điện, vây quanh là những triều thần lộng lẫy; còn cuốn “Illiad” thì giống như một thanh niên sôi nổi có cả quả đất làm sân chơi.
Thời tiết u ám suốt cả tuần; nhưng hôm nay trời đẹp và sàn phòng của chúng cháu tràn ánh nắng. Chúng cháu sẽ lần lượt tản bộ tới những khu vườn công cộng. Cháu ước gì những cánh rừng của Wrentham nằm ở ngay góc phố! Nhưng than ôi, không có, và cháu phải tự tìm vui với một cuộc dạo chơi lững thững tới các khu vườn. Theo cách nào đó, sau những cánh đồng và đồng cỏ rộng lớn và những lùm thông sừng sững của miền quê, chúng có vẻ khép kín và đầy quy ước. Ngay cả các cây sối dường như cũng bị đô thị hóa và dè dặt. Thật sự, cháu nghi ngờ không biết chúng có nói cùng một giọng với những người anh em miền quê của chúng hay chăng! Bà có biết không, cháu không thể không cảm thấy tiếc cho những cây đó với mọi dáng vẻ đúng mốt của chúng. Chúng giống như những người mà chúng gặp hàng ngày, những kẻ thích cái thành phố đông đúc, ồn ào hơn là sự tĩnh mịch và tự do của vùng nông thôn. Thậm chí chúng không ngờ tới việc đời sống của chúng bị hạn chế ra sao. Chúng nhìn xuống những cây cối thôn quê, những kẻ chưa bao giờ có cơ hội “nhìn thấy thế giới rộng lớn” với sự thương hại. Ôi chao! Giá mà chúng nhận ra những hạn chế của mình, chúng sẽ bỏ chạy để sống trong những cánh rừng và những cánh đồng. Nhưng điều này thật phi lý biết bao! Bà sẽ nghĩ cháu đang nhớ tiếc vùng Wrentham yêu dấu, điều này có phần đúng và có phần không. Cháu nhớ Trại Đỏ và những người thân yêu ở đó kinh khủng; nhưng không phải cháu không hạnh phúc. Cháu có cô giáo và những quyển sách, và chắc rằng một điều gì đó ngọt ngào và tốt đẹp sẽ đến với cháu trong thành phố to lớn này, nơi mọi người tranh đấu thật quả cảm suốt cả đời để rút ra niềm hạnh phúc từ những hoàn cảnh khắc nghiệt. Dù sao, cháu mừng vì có phần chia trong cuộc sống, dù nó xán lạn hay u buồn…

GỬI BÀ WILLIAM THAW
BOSTON, 6/12/1898

Cô giáo và cháu đã cười nôn ruột với trò vui nhộn của các bé gái. Hẳn trông chúng rất buồn cười trong những bộ đồ “kỵ mã”, ngồi trên những con chiến mã hung hăng của chúng! Có lẽ từ “mảnh khảnh” có thể mô tả chúng, nếu chúng có bất cứ thứ gì giống như những cái giá cưa mà cháu từng thấy. Hẳn chúng đã có những thời gian vui vẻ! Đôi khi cháu không thể không ao ước rằng cháu có được niềm vui của các cô gái khác. Cháu sẽ nhanh chóng khóa chặt tất cả những chiến binh hùng dũng, những vị thánh tóc hoa râm và những vị anh hùng bất khả hiện gần như là những bạn đồng hành duy nhất của cháu; rồi nhảy múa, hát ca và đùa vui như các cô gái khác! Nhưng cháu không được phí thì giờ ao ước những điều ước nhàn nhã; và nói cho cùng những người bạn già của cháu rất thông thái và thú vị, và thật sự cháu thường thấy vui thú rất nhiều với xã hội của họ. Chỉ đôi khi cháu cảm thấy bất mãn và tự cho phép mình ao ước những điều mà cháu không thể hy vọng trong cuộc đời này. Nhưng, như bà biết, tim cháu thường tràn ngập niềm hạnh phúc. Cái ý nghĩ rằng Cha trên trời thân yêu của cháu luôn ở gần bên ban cho cháu thừa thãi tất cả mọi thứ đó khiến cuộc đời trở nên phong phú, ngọt ngào và đẹp đẽ, khiến mọi khát khao dường như rất bé nhỏ so với vô số phúc lành mà cháu hân thưởng.

GỬI BÀ WILLIAM THAW
12 ĐƯỜNG NEWBURY, BOSTON,
19/12/1898

... Giờ cháu đã nhận cháu là một bé gái ích kỷ, tham lam biết bao khi đòi hỏi rằng cái cốc hạnh phúc của cháu phải đầy tràn mà không dừng lại để nghĩ xem có bao nhiêu cái cốc của nhiều người khác đang hoàn toàn trống rỗng. Cháu cảm thấy hổ thẹn về sự vô tâm của mình. Một trong những ảo tưởng trẻ con mà cháu khó lòng dứt bỏ là chúng cháu chỉ phải làm cho người ta biết đến nhữngước ao của mình để được an tặng chúng. Nhưng cháu dần hiểu rằng không có đủ hạnh phúc trên trần thế để mọi người có được tất cả những gì họ muốn; và cháu đau khổ khi nghĩ rằng cháu nên quên đi, dù chỉ trong khoảnh khắc, rằng cháu đã có nhiều hơn phần chia của cháu, và rằng giống như cậu bé tội nghiệp Oliver Twist cháu đã đòi hỏi “nhiều hơn nữa”...

GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
12 ĐƯỜNG NEWBURY, BOSTON.
22/12/1898

... Cháu cho rằng thầy Keith có viết cho bà những tin tức thường ngày. Nếu thế, bà biết rằng cháu đã hoàn thành môn hình học, và gần hoàn thành môn đại số cho các kỳ thi ở Harvard, và sau lễ Giáng sinh cháu sẽ bắt đầu cẩn thận ôn lại cả hai môn này. Bà sẽ vui khi biết rằng giờ cháu rất thích môn toán. Sao chứ, cháu có thể giải những phương trình bậc hai dài và phức tạp trong đầu một cách dễ dàng, và điều đó thật thú vị! Cháu nghĩ thầy Keith là một giáo viên tuyệt vời, và cháu rất biết ơn ông vì đã giúp cháu nhìn thấy vẻ đẹp của toán học. Sau cô giáo thân yêu của cháu, thầy đã làm nhiều điều hơn bất cứ một ai để giúp tâm trí cháu trở nên phong phú và mở rộng.

GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
12 ĐƯỜNG NEWBURY, BOSTON,
17/11/1899

... Bà có đọc bài “Giấc mơ có thật” hay “Ngôi trường của Kitchener” của Kipling chưa? Đó là một bài thơ rất mạnh mẽ và nó cũng khiến cháu mộng mơ. Dĩ nhiên bà đã đọc về trường đại học Gordon Memorial mà người Anh đã dựng lên ở Khartoum. Trong lúc cháu suy nghĩ về những phúc lành đã đến với người dân Ai Cập thông qua ngôi trường này, thậm chí đến với bản thân nước Anh, trong tim cháu rộn lên một ước ao mạnh mẽ rằng đất nước thân yêu của cháu cũng nên biến sự mất mát những đứa con quả cảm trên chiếc “Maine” thành những phúc lành cho nhân dân Cuba theo cách tương tự. Chẳng phải một trường đại học ở Havana sẽ là một tượng đài cao quý nhất và trường tồn nhất có thể dựng lên cho những người quả cảm trên chiếc “Maine”, cũng như một nguồn tốt lành vô tận cho tất cả những ai liên quan hay sao? Cứ tưởng tượng khi bước vào cảng Havana, lên cái cầu tàu, nơi chiếc “Maine” thả neo vào cái đêm kinh hoàng đó, khi nó bị hủy diệt một cách bí ẩn, người ta chỉ cho bà tòa nhà to lớn, đẹp đẽ nhìn ra cảng và bảo rằng đó là trường Đại học Tưởng niệm Maine, do người Mỹ dựng lên nhằm giáo dục cả những người Cuba lẫn người Tây Ban Nha! Một tượng đài như thế là một chiến thắng vinh quang biết bao đối với những bản năng cao cả nhất và tốt đẹp nhất của một quốc gia Công giáo! Trong đó sẽ không có chút căm hận hay thù hằn nào, không một dấu vết của niềm tin xưa cũ vốn có thể điều chỉnh lại cho đúng. Mặt khác, đó sẽ là một bằng chứng cho thế giới rằng chúng ta dự định gác lại lời tuyên chiến, và trao Cuba lại cho người Cuba, ngay khi chúng ta đã làm cho họ thừa nhận những bổn phận và trách nhiệm của những người dân tự trị…




[1] Dom Pedro I (1798 – 1834), biệt danh “Người giải phóng”, là người sáng lập và vua đầu tiên của Đế quốc Brazil.
[2] Tức Chicago, nơi diễn ra Hội chợ Thế giới năm 1893.
[3] Tức Ignacy Jan Paderewsk, dương cầm thủ và nhà soạn nhạc Ba Lan.
[4] Marcus Tullius Cicero (106 TCN – 43 TCN): triết gia, chính trị gia La Mã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét