Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI - PHẦN HAI: NHỮNG LÁ THƯ -3

Nguyễn Thành Nhân dịch





GỬI ĐỨC CHA PHILLIPS BROOKS
NAM BOSTON, 8/6/1891

Ông Brooks thân mến, 

Cháu đã gửi cho ông ảnh như đã hứa, và cháu hy vọng khi ông nhìn nó vào mùa hè này những ý nghĩ của ông sẽ bay về phương nam tới người bạn nhỏ hạnh phúc của ông. Cháu từng ước gì cháu có thể nhìn thấy những bức ảnh với đôi bàn tay như cháu đã thực hiện với những bức tượng, nhưng giờ đây cháu không thường nghĩ tới điều đó vì Đức cha thân yêu của cháu đã phủ đầy tâm trí cháu những bức tranh xinh đẹp, ngay cả những thứ cháu không thể thấy. Nếu ánh sáng không ở trong mắt của ông, ông Brooks thân mến, ông sẽ hiểu hơn rằng Helen nhỏ bé của ông hạnh phúc đến mức nào khi cô giáo của cô giải thích với cô rằng người ta không thể nhìn thấy hay thậm chí chạm vào những thứ đẹp nhất trên đời mà chỉ cảm thấy chúng trong tim. Mỗi ngày cháu lại phát hiện ra một thứ gì đó khiến cháu vui. Hôm qua cháu nghĩ lần đầu tiên sự chuyển động thật là một điều đẹp đẽ. Và với cháu dường như mọi vật đang cố tới gần Thượng đế, với ông có như vậy không? Giờ là sáng Chủ nhật, và trong lúc cháu ngồi đây trong thư viện viết lá thư này ông đang giảng dạy cho hàng trăm người những điều lớn lao và đẹp đẽ về Cha trên trời của chúng ta. Ông có rất, rất hạnh phúc không? Và khi ông là một giám mục ông sẽ giảng đạo cho nhiều người hơn và càng hạnh phúc hơn. Cô giáo gửi tới ông lòng tưởng nhớ, còn cháu gửi cùng với bức ảnh tình yêu của cháu.

Từ người bạn nhỏ của ông,
HELEN KELLER.
            

Khi Học viện Perkins đóng cửa vào tháng Sáu, Helen và cô giáo về Tuscumbia ở miền Nam và ở lại đó đến tháng Mười hai. Có nhiều tháng gián đoạn thư từ do ảnh hưởng của sự phiền muộn ở Helen và cô Sullivan gây ra từ sự cố “Vua Sương giá”. Vào thời điểm ấy chuyện rắc rối này dường như rất nghiêm trọng và mang tới cho họ nhiều buồn lo. Một phân tích về trường hợp đó đã được thực hiện ở phần khác trong cuốn sách này và cô Keller đã viết lời giải thích về vụ đó.

GỬI ÔNG ALBERT H. MUNSELL
BREWSTER, 10/3/1892

Ông Munsell thân mến, 

Chắc chắn cháu không cần nói với ông rằng lá thư của ông rất được hoan nghênh. Cháu thưởng thức từng từ của nó và ước gì nó dài hơn. Cháu bật cười khi ông nói về tâm trạng điên rồ của ông cụ Hải vương thần. Thật sự ông ta đã xử sự rất lạ lùng kể từ khi chúng cháu tới Brewster. Rõ ràng là có gì đó đã khiến cho ông ta không hài lòng nhưng cháu không thể hình dung đó là gì. Thể hiện của ông ta thất thường đến độ cháu sợ phải trao cho ông ta thông điệp tốt bụng của ông. Ai mà biết được! Có lẽ khi vị thần biển già nua đã nghe thấy tiếng nhạc êm đềm của những thứ đang sinh sôi nảy nở khi ông nằm ngủ trên bờ biển – tiếng động của sự sống trong lòng đất, và trái tim đầy bão tố của ông nổi giận, vì ông biết rằng sự ngự trị của ông và của Mùa đông hầu như đã kết thúc. Thế nên cả hai vị vua bất hạnh tranh đấu một cách tuyệt vọng, nghĩ rằng Mùa xuân dịu dàng sẽ trở lại và bay vào giữa sự tàn phá do các lực lượng của họ gây ra. Nhưng trông kìa! Nàng thiếu nữ xinh đẹp chỉ mỉm cười ngọt ngào hơn, và thổi lên những lỗ châu mai của hai kẻ thù, và trong khoảnh khắc họ tan biến mất, và Quả đất hân hoan chào đón nàng như một nữ hoàng. Nhưng cháu phải gác sang bên những tưởng tượng vẩn vơ này cho tới khi chúng ta gặp lại. Xin gửi tới mẹ yêu dấu của ông tình yêu của cháu. Cô giáo muốn cháu nói rằng cô rất thích tấm ảnh và cô sẽ xét tới việc kiếm một vài tấm khi chúng cháu trở lại. Còn bây giờ, bạn thân mến, xin chấp nhận vài từ này vì tình yêu nối kết với chúng.

Bạn thân yêu của ông,
HELEN KELLER.


            Lá thư này được sao chép lại nguyên văn trong tờ St. Nicholas, 6/1892. Nó không đề ngày, nhưng ắt hẳn đã được viết hai hoặc ba tháng trước khi công bố.



GỬI báo St. Nicholas *
 
Báo St. Nicholas thân mến: 

Cháu rất vui được gửi tới quý báo bút tích của mình vì cháu muốn các cậu bé và cô bé đọc tờ St. Nicholas biết các trẻ em mù viết như thế nào. Cháu cho rằng một số sẽ ngạc nhiên khi thấy chúng cháu giữ các hàng rất thẳng vì vậy cháu sẽ cố nói cho họ biết nó được thực hiện như thế nào. Bọn cháu có một tấm bảng có khe mà bọn cháu đặt giữa tờ giấy khi muốn viết. Các khe song song tương ứng với các hàng và khi chúng cháu ép tờ giấy lên chúng nhờ phương tiện của một cây bút chì đầu cùn rất dễ giữ cho các từ ngay hàng. Nhưng chữ nhỏ được viết trong các khe, trong khi những chữ dài mở rộng lên trên và xuống dưới chúng. Chúng cháu dẫn dắt cây bút chì với tay phải, và cẩn thận cảm nhận với ngón trỏ của tay trái để xem chúng cháu có viết đúng hình dạng và khoảng cách của các chữ không. Lúc đầu rất khó hình thành chúng một cách rõ ràng, nhưng nếu chúng cháu tiếp tục cố gắng, lần hồi công việc trở nên dễ hơn, và sau nhiều thực hành chúng cháu có thể viết những chữ rõ ràng cho các bạn hữu. Khi đó chúng cháu rất, rất hạnh phúc. Đôi khi họ có thể tới thăm một trường dành cho người mù. Nếu thế, cháu chắc chắn họ sẽ muốn nhìn thấy những người học trò viết.

Bạn nhỏ rất chân thành của quý báo,
HELEN KELLER.


Vào tháng 5/1892, Helen tổ chức một bữa tiệc trà kêu gọi lạc quyên cho các học sinh mù  của vườn trẻ. Đó hoàn toàn là ý tưởng của cô, và nó đã được tổ chức trong nhà của bà Mahlon D. Spaulding, em của ông John P. Spaulding, một trong những người bạn tốt bụng và hào phóng nhất của Helen. Bữa tiệc trà đã mang về hơn hai ngàn đô la cho các trẻ em mù.


GỬI CÔ CAROLINE DERBY
NAM BOSTON, 9/5/1892

Bạn Carrie thân mến: – Mình rất vui khi nhận lá thư tốt bụng của bạn. Mình có cần nói với bạn rằng mình còn vui hơn nữa khi nghe nói bạn thật sự quan tâm tới “tiệc trà” hay không? Dĩ nhiên chúng ta không được từ bỏ nó. Mình sẽ sớm đi xa, trở về nhà của mình ở miền Nam ngập nắng, và mình sẽ luôn hạnh phúc khi nghĩ rằng điều cuối cùng mà các bạn thân yêu ở Boston của mình đã làm cho niềm vui của mình là giúp đỡ để làm cho cuộc sống của nhiều trẻ em khiếm thị được tốt đẹp và hạnh phúc. Mình biết rằng những người nhân ái không thể nào không có sự cảm thông đối với những đứa trẻ không thể nhìn thấy ánh sáng tươi đẹp hay bất kỳ thứ kỳ diệu nào vốn mang tới cho chúng niềm vui; và với mình dường như niềm cảm thông tràn ngập tình thương đó phải tự thể hiện trong những hành động tốt; và khi những người bạn của các đứa trẻ mù bất lực hiểu rằng chúng ta đang làm việc vì niềm hạnh phúc của chúng, họ sẽ tới và làm cho “tiệc trà” của chúng ta trở nên một thành công. Và mình chắc rằng mình sẽ là bé gái hạnh phúc nhất trên trần thế. Xin báo cho Giám mục Brooks biết kế hoạch của chúng ta để ông có thể chuẩn bị tới với chúng ta. Mình vui vì cô Eleanor cũng quan tâm. Xin gửi tới cô ấy tình yêu của mình. Ngày mai sẽ gặp bạn và khi đó chúng ta có thể thực hiện phần còn lại của kế hoạch. Xin gửi tới cô giáo thân yêu của bạn tình yêu của mình và nói với cô ấy rằng chúng mình thật sự rất thích chuyến thăm viếng nhỏ của chúng mình.

Bạn thân yêu,
HELEN KELLER.


GỬI ÔNG JOHN P. SPAULDING
NAM BOSTON, 11/5/1892

Ông Spaulding thân mến: – Cháu e rằng ông sẽ nghĩ người bạn nhỏ của ông, Helen, rất phiền nhiễu khi ông đọc lá thư này nhưng cháu chắc là ông sẽ không trách cháu khi cháu nói với ông rằng cháu rất nóng ruột về một chuyện. Ông nhớ cô giáo và cháu đã nói với ông hôm Chủ nhật rằng cháu muốn tổ chức một tiệc trà nhỏ để quyên góp cho vườn trẻ. Chúng cháu nghĩ mọi thứ đã sẵn sàng: nhưng hôm Thứ hai chúng cháu phát hiện ra rằng bà Elliott sẽ không sẵn lòng cho phép chúng cháu mời hơn năm mươi người, vì nhà của bà  Howe khá nhỏ. Cháu chắc rằng sẽ có nhiều người muốn đến dự tiệc trà, và giúp cháu làm điều gì đó để soi sáng cuộc đời của những đứa bé mù; nhưng một số bạn của cháu nói rằng cháu sẽ phải từ bỏ ý tưởng tổ chức bữa tiệc trừ phi chúng cháu có thể tìm được một ngôi nhà khác. Hôm qua cô giáo bảo rằng có lẽ bà Spaulding sẽ sẵn lòng cho chúng cháu mượn ngôi nhà xinh đẹp của bà, và cháu nghĩ cháu sẽ hỏi ông chuyện này. Ông nghĩ bà Spaulding có giúp cháu không nếu cháu viết thư cho bà? Cháu sẽ rất thất vọng nếu kế hoạch nhỏ của cháu thất bại, vì từ lâu cháu đã muốn làm điều gì đó cho những em bé tội nghiệp đang chờ đợi được vào vườn trẻ. Xin cho cháu biết ông nghĩ gì về ngôi nhà và cố tha thứ cho cháu vì đã làm phiền ông quá nhiều.

Người bạn nhỏ thân yêu của ông,
HELEN KELLER.


GỬI ÔNG EDWARD H. CLEMENT
NAM BOSTON, 18/5/1892

Ông Clement thân mến: – Sáng nay cháu viết cho ông vì tim cháu tràn ngập hạnh phúc và cháu muốn ông cùng tất cả các bạn thân yêu ở văn phòng Transcript chung vui với cháu. Những chuẩn bị cho tiệc trà của cháu gần hoàn tất rồi, và cháu đang vui sướng chờ đợi sự kiện này. Cháu biết cháu sẽ không thất bại. Những người nhân ái sẽ không làm cho cháu thất vọng khi họ biết rằng cháu cầu xin cho những đứa bé bất lực sống trong bóng tối và sự vô minh. Họ sẽ tới tiệc trà của cháu và mua ánh sáng – thứ ánh sáng đẹp đẽ của tri thức và tình yêu cho nhiều em bé mù và không bạn hữu. Cháu nhớ rất rõ lúc cô giáo của cháu đến với cháu. Khi đó cháu giống như những em bé mù đang mong chờ được nhận vào vườn trẻ. Linh hồn cháu không có chút ánh sáng nào. Trần gian kỳ diệu này với mọi ánh nắng và vẻ đẹp bị che giấu khỏi cháu, và cháu chưa bao giờ mơ tới sự đáng yêu của nó. Nhưng cô giáo tới với cháu và dạy những ngón tay nhỏ của cháu sử dụng chiếc chìa khóa đẹp đẽ đã mở khóa cánh cửa của căn ngục tối tăm và giải thoát linh hồn của cháu.
Ước mong nghiêm chỉnh của cháu là chia sẻ niềm hạnh phúc của cháu với những người khác, và cháu yêu cầu những người nhân ái ở Boston giúp cháu làm cho cuộc sống của những em bé mù tươi sáng và hạnh phúc hơn.
Người bạn nhỏ thân yêu của ông,
HELEN KELLER.


Vào cuối tháng Sáu, cô Sullivan và Helen trở về nhà ở Tuscumbia. 


GỬI CÔ CAROLINE DERBY
TUSCUMBIA, ALABAMA, 9/7/1892

Carrie thân mến – Bạn sẽ xem việc mình viết lá thư cho bạn hôm nay là chứng cứ tích cực nhất của tình yêu. Vì suốt cả tuần trời ở Tuscumbia “lạnh, tối tăm và đáng sợ”, và mình phải thú thật mưa rơi không dứt và thời tiết ảm đạm phủ đầy lòng mình những ý nghĩ u ám và khiến cho việc viết những lá thư, hay bất kỳ công việc thú vị nào, dường như hoàn toàn bất khả. Dù sao đi nữa, mình phải nói với bạn rằng chúng mình vẫn sống, rằng chúng mình đã về nhà an toàn, rằng chúng mình nói về bạn hàng ngày, và rất thích những lá thư của bạn. Mình có một cuộc thăm viếng tuyệt vời ở Hulton. Mọi thứ đều tươi tắn như mùa xuân, và chúng mình ở ngoài trời suốt cả ngày. Thậm chí chúng mình còn ăn điểm tâm ở ngoài hiên. Đôi khi chúng mình ngồi trên võng, và cô giáo đọc cho mình. Mình cưỡi ngựa hầu như mỗi chiều và có lần mình cưỡi suốt năm dặm với tốc độ phi nhanh. Chao ôi, nó mới tuyệt làm sao! Bạn có thích cưỡi ngựa không? Hiện giờ mình có một cỗ xe nhỏ rất xinh, và nếu trời thôi mưa cô giáo và mình sẽ đánh xe đi rong mỗi chiều. Mình đã có một con chó tai cụp xinh đẹp khác – con to nhất mình từng trông thấy – và nó sẽ cùng đi để bảo vệ chúng mình. Tên của nó là Eumer. Một cái tên kỳ quặc, phải không? Mình nghĩ nó thuộc nòi chó Saxon. Chúng mình mong sẽ đi lên núi vào tuần tới. Phillips em của mình không khỏe, và chúng mình nghĩ không khí trong lành trên núi sẽ có lợi cho nó. Mildred là một cô em gái nhỏ ngọt ngào và mình chắc là bạn sẽ yêu nó. Mình cám ơn bạn rất nhiều về tấm ảnh của bạn. Mình thích có ảnh của các bạn dù mình không thể nhìn thấy chúng. Mình rất thích thú với ý nghĩ bạn viết theo lối chữ vuông. Mình không viết trên một bảng chữ Braille như bạn tưởng, mà trên một tấm bảng có khe như mẫu mà mình gửi kèm theo. Bạn không thể đọc chữ Braille; vì nó được viết bằng những dấu chấm chứ không giống những mẫu tự thường chút nào. Xin gửi tình yêu của mình tới cô Derby và nói với cô ấy rằng mình hy vọng cô ấy gửi tình yêu ngọt ngào nhất của mình cho bé Ruth. Cuốn sách bạn gửi cho mình nhân dịp sinh nhật là cuốn gì vậy? Mình nhận được nhiều cuốn nên không biết cuốn nào của bạn. Mình có một món quà khiến mình đặc biệt hài lòng. Đó là một cái nón thêu rất xinh xắn do một quý ông bảy mươi lăm tuổi gửi cho mình. Và mỗi mũi thêu, ông ấy bảo, thể hiện một lời chúc tốt lành cho sức khỏe và hạnh phúc của mình. Nói với những người anh họ đáng yêu của bạn mình nghĩ tốt hơn họ nên đứng về phe của mình cho tới sau cuộc tuyển chọn; vì có rất nhiều đảng phái và ứng viên đến nỗi mình nghi ngờ không biết những chính khách trẻ tuổi đó có đưa ra một chọn lựa khôn ngoan hay chăng. Xin gửi tình yêu của mình tới Rosy khi bạn viết, và hãy tin mình,

Bạn thân yêu,
HELEN KELLER.

Tái bút: Bạn có thích lá thư đánh máy này không?
H. K.

GỬI BÀ GROVER CLEVELAND
TUSCUMBIA, ALABAMA.
4/11/1892
 
Bà Cleveland thân mến, 

Cháu viết cho bà lá thư nhỏ trong buổi sáng đẹp trời này vì cháu thật sự rất yêu bà và bé Ruth, cũng vì cháu muốn cám ơn bà về thông điệp đáng yêu mà bà gửi cho cháu thông qua cô Derby. Cháu vui mừng, rất vui mừng vì một tiểu thư nhân hậu, xinh đẹp như thế yêu cháu. Cháu đã yêu quý bà từ lâu, nhưng cháu không nghĩ bà từng nghe nói về cháu cho tới khi thông điệp ngọt ngào của bà tới. Xin hôn em bé thân yêu giùm cháu, và nói với nó cháu có một người em gần mười sáu tháng tuổi. Nó tên là Phillips Brooks. Cháu đặt tên của nó theo tên ông bạn thân yêu Phillips Brooks. Cháu gửi kèm theo lá thư này một cuốn sách hay mà cô giáo của cháu nghĩ sẽ làm cho bà thích thú, và bức ảnh của cháu. Xin nhận chúng với tình yêu và những lời chúc tốt lành của người bạn của bà,

HELEN KELLER.

Cho tới lúc này, những lá thư được đưa ra đầy đủ; từ đây trở đi sẽ có những đoạn bị lược bỏ và các đoạn đó sẽ được chỉ rõ.


GỬI ÔNG JOHN HITZ
TUSCUMBIA, ALABAMA, 19/11/1892

Ông Hitz thân mến,

Cháu hầu như không biết làm sao để bắt đầu một lá thư cho ông, đã khá lâu kể từ khi lá thư của ông tới chỗ cháu, và có quá nhiều điều cháu sẽ viết nếu cháu có thể. Hẳn ông phải tự hỏi vì sao thư của ông không nhận được hồi âm, và có lẽ ông nghĩ cô giáo và cháu thật rất xấu bụng. Nếu thế, ông sẽ rất tiếc khi cháu kể cho ông nghe một chuyện. Mắt của cô giáo bị đau nặng đến nỗi cô không thể viết cho bất cứ một ai, và cháu đã cố hoàn thành một lời hứa mà cháu đưa ra hồi hè năm ngoái. Trước khi rời Boston, cháu được yêu cầu viết một phác họa về cuộc đời của cháu cho tờ Youth's Companion. Cháu định viết bài phác họa trong kỳ nghỉ, nhưng cháu không được khỏe, và cháu cảm thấy thậm chí không thể viết cho các bạn của cháu. Nhưng khi những ngày thu tươi sáng, vui vẻ đến, và cháu thấy khỏe lại, cháu bắt đầu nghĩ tới bài phác họa. Có một thời gian trước khi cháu lên kế hoạch cho phù hợp. Ông thấy đó, viết về mình không thú vị gì cho lắm. Tuy nhiên, cuối cùng cháu viết được chút gì đó, từng chút một, và cô giáo nghĩ là được, và cháu bắt đầu ráp những phần rời rạc lại với nhau, đó không phải là việc dễ dàng, vì dù cháu làm việc đó mỗi ngày, cháu không hoàn thành được nó cho tới Thứ bảy tuần trước. Cháu đã gửi bài phác họa tới tờ Companion ngay khi hoàn thành nó;nhưng cháu không biết họ có chấp nhận nó chăng. Kể từ đó, cháu không khỏe lắm, và bắt buộc phải sống lặng lẽ và nghỉ ngơi; nhưng hôm nay cháu đã khỏe hơn, và ngày mai cháu sẽ khỏe lại hoàn toàn, cháu hy vọng thế.

Những tường thuật mà ông đã đọc trong bài viết về cháu không đúng chút nào. Chúng cháu đã nhận được bài “Người làm việc lặng lẽ” mà ông gửi, và cháu viết ngay cho biên tập viên để nói với ông ta rằng đó là một sai lầm. Đôi khi cháu không khỏe, nhưng cháu không phải là một “người suy nhược”, và điều kiện sống của cháu không có gì “đau khổ”.

Cháu rất thích lá thư thân mến của ông! Cháu luôn vui sướng khi có bất kỳ một ai viết cho cháu một ý tưởng tươi đẹp mà cháu có thể cất giữ trong ký ức mãi mãi. Những cuốn sách của cháu đầy những điều phong phú mà ông Ruskin nói đến nỗi cháu rất yêu mến chúng. Cháu không nhận ra cho tới khi cháu bắt đầu viết bài phác họa cho tờ Companion, những cuốn sách đồng hành quý báu thế nào đối với cháu, và cuộc đời cháu đã hạnh phúc đến thế nào, và giờ đây cháu hạnh phúc hơn bao giờ hết vì cháu nhận ra niềm hạnh phúc đã đến với cháu. Cháu hy vọng ông sẽ viết cho cháu càng thường xuyên càng tốt. Cô giáo và cháu luôn vui sướng được nghe tin tức của ông. Cháu muốn viết cho ông Bell và gửi cho ông ấy ảnh của cháu. Cháu cho là ông ấy quá bận nên không thể viết cho người bạn nhỏ của ông ấy. Cháu thường nghĩ tới quãng thời gian vui thú mà chúng ta đã trải qua cùng nhau ở Boston mùa xuân năm ngoái.

Giờ cháu sẽ kể cho ông nghe một bí mật. Cháu nghĩ chúng cháu, cô giáo, cha cháu và em gái và bản thân cháu, sẽ tới Washington vào tháng ba tới!!! Lúc đó cháu sẽ gặp lại ông và ông Bell, Elsie và Daisy thân mến! Nếu bà Pratt có thể gặp chúng cháu ở đó thì thật tuyệt phải không? Cháu nghĩ cháu sẽ viết cho bà và cũng nói cho bà biết bí mật này…

Bạn nhỏ thân yêu của ông,
HELEN KELLER.

Tái bút: Cô giáo bảo ông muốn biết cháu thích có loại thú cưng nào. Cháu yêu tất cả mọi sinh vật – Cháu cho là mọi người đều như vậy, nhưng dĩ nhiên cháu không thể có cả một bầy thú. Cháu có một con ngựa nhỏ xinh đẹp, và một con chó to. Và cháu thích có một con chó nhỏ để ôm trong lòng, hoặc một con mèo to (ở Tuscumbia không có con mèo đẹp nào) hoặc một con vẹt. Cháu thích cảm nhận khi con vẹt nói chuyện, chắc sẽ vui lắm! nhưng cháu sẽ hài lòng và yêu mến bất cứ sinh vật nhỏ nào ông gửi cho cháu.
H. K.

GỬI CÔ CAROLINE DERBY
TUSCUMBIA, ALABAMA, 18/2/1893

...Bạn thường xuyên nằm trong những ý nghĩ của mình trong những ngày buồn bã này, khi tim mình đau khổ với sự mất mát của người bạn dấu yêu của mình[1], và nhiều lần mình ước gì mình đang ở Boston với những người biết và yêu ông ấy giống như mình… ông ấy là một người bạn rất thân thương đối với mình! Luôn rất mực dịu dàng và thân ái! Mình cố không than khóc cho cái chết của ông ấy quá buồn thảm. Mình cố nghĩ rằng ông ấy vẫn còn ở gần bên, rất gần; nhưng đôi khi cái ý nghĩ rằng ông ấy không có ở đây, rằng mình sẽ không gặp lại ông ấy khi tới Boston, rằng ông ấy đã ra đi ập vào linh hồn mình như một lượn sóng u sầu to lớn. Nhưng vào những lúc khác, khi mình vui vẻ hơn, mình cảm thấy sự hiện diện của ông ấy, và bàn tay thương yêu của ông ấy đang dẫn dắt mình trên những con đường thú vị. Bạn có nhớ giờ khắc hạnh phúc mà chúng ta trải qua với ông ấy hồi tháng Sáu năm ngoái chăng, khi ông ấy nắm tay mình như ông ấy luôn làm thế, và nói với chúng ta về người bạn Tennyson của ông ấy, và về Tiến sĩ Holmes, thi sĩ thân yêu của chúng ta, và mình đã cố dạy ông ấy bản chữ cái bằng tay, và ông ấy đã cười vui vẻ với những nhầm lẫn của mình, và sau đó mình nói với ông ấy về bữa tiệc trà, và ông ấy đã hứa sẽ tới? Giờ đây mình có thể nghe ông ấy nói với cung cách vui tươi quả quyết, để đáp lại mong ước của mình rằng bữa tiệc trà sẽ là một thành công: “Đương nhiên nó sẽ thành công, Helen. Hãy đặt toàn bộ trái tim của cháu vào việc tốt đẹp này, cháu thân mến của ta, và nó không thể thất bại.” Mình vui mừng vì mọi người sẽ tới quyên góp để xây một đài tưởng niệm cho ông ấy…

Vào tháng Ba Helen và cô Sullivan lên miền Bắc, và trải qua vài tháng tiếp theo đi du lịch và thăm viếng bạn hữu.

Khi đọc lá thư này về Niagara, chúng ta sẽ nhớ rằng cô Keller biết về khoảng cách và hình dáng, và kích thước của Niagara nằm trong kinh nghiệm của cô sau khi cô đã khám phá nó, băng qua cây cầu và đi xuống trong thang máy. Đặc biệt quan trọng là những chi tiết khi cô cảm nhận sức mạnh của dòng chảy khi đặt tay lên cửa sổ. Tiến sĩ Bell đã cho cô một cái gối mềm nhồi lông chim mà cô áp vào người để tăng những chấn động.

GỬI BÀ KATE ADAMS KELLER
NAM BOSTON, 13/4/1893

... Cô giáo, bà Pratt và con đã quyết định rất bất ngờ sẽ cùng đi một chuyến với Tiến sĩ Bell, ông Westervelt, một quý ông mà cha đã gặp ở Washington, có một ngôi trường dành cho người điếc ở. Chúng con đã tới đó đầu tiên....

Một chiều nọ ông Westervelt đã đón tiếp chúng con. Có nhiều người tới. Một quý bà có vẻ ngạc nhiên rằng con yêu hoa khi con không thể nhìn thấy những màu sắc đẹp đẽ của chúng, và khi con bảo đảm với bà con yêu chúng, bà bảo: “chắc chắn là cháu cảm nhận những màu sắc với những ngón tay của cháu.” Nhưng dĩ nhiên không chỉ vì những màu sắc tươi đẹp của chúng mà chúng ta yêu những bông hoa… Một quý ông hỏi con vẻ đẹp có ý nghĩ gì trong tâm trí con. Con phải thú nhận lúc đầu con khá bối rối. Nhưng một phút sau con trả lời rằng vẻ đẹp là một hình thức của sự tốt lành – và ông ấy bỏ đi.

Khi buổi lễ tiếp tân kết thúc, chúng con trở về khách sạn và cô giáo ngủ, hoàn toàn không ý thức tới sự ngạc nhiên được dành cho cô. Ông Bell và con đã cùng lên kế hoạch, và ông Bell thực hiện mọi chuẩn bị trước khi chúng con nói với cô giáo bất kỳ điều gì về chuyện đó. Đây là sự ngạc nhiên – con sẽ có niềm vui được đưa cô giáo thân yêu tới tham quan thác Niagara!...

Khách sạn gần sông đến nỗi con có thể cảm thấy nó chảy qua bằng cách đặt tay con lên cửa sổ. Sáng hôm sau mặt trời lên, sáng và ấm áp, và chúng con nhanh chóng ngồi dậy vì tim chúng con tràn ngập kỳ vọng vui tươi… Mẹ không bao giờ có thể tưởng tượng con cảm thấy thế nào khi con đứng trước thác Niagara cho tới khi chính bản thân mẹ có cùng những cảm giác bí ẩn đó. Con hầu như không nhận ra rằng chính dòng nước mà con cảm thấy đang chảy ồ ạt và sùng sục cơn cuồng nộ dưới chân con. Dường như thể nó là một sinh vật đang lao nhanh tới một định mệnh khủng khiếp nào đó. Con ước gì con có thể mô tả thác nước như nó là, vẻ đẹp của nó và sự vĩ đại đáng kinh sợ của nó, và sức chảy đáng sợ, không thể cưỡng lại của dòng nước bên trên sườn vách núi. Người ta cảm thấy bất lực và bị áp đảo trước sự hiện diện của một sức mạnh lớn lao như thế. Trước kia con có lần cảm thấy như thế khi con đứng trước đại dương lần đầu tiên và cảm thấy những lượn sóng của nó vỗ vào bờ cát. Con cho là mẹ cũng cảm thấy như thế khi mẹ nhìn lên những vì sao trong sự tĩnh lặng của màn đêm, phải không mẹ?... Chúng con đi xuống một trăm hai mươi bộ trong một cái thang máy để có thể nhìn thấy những xoáy nước hung bạo trong hẻm núi sâu bên dưới thác. Trong phạm vi hai dặm của các thác nước có một chiếc cầu treo tuyệt diệu. Nó giăng ngang qua hẻm núi ở độ cao hai trăm năm mươi bộ bên trên mặt nước và được chống đỡ ở mỗi đầu bởi những tháp đá cứng, nằm cách nhau tám trăm bộ. Khi chúng con sang tới phía Canada, con kêu lên: “Thượng đế phù hộ Nữ hoàng!” Cô giáo bảo con là một cô bé phản bội đất nước. Nhưng con không nghĩ thế. Con chỉ làm như những người Canada làm, trong khi con đang ở trên đất nước họ, và ngoài ra con tôn vinh nữ hoàng nhân ái của nước Anh.

Mẹ sẽ hài lòng, mẹ thân mến, khi nghe rằng một tiểu thư tốt bụng tên là cô Hooker đang cố cải thiện lời nói của con. Ồ, con hy vọng và cầu nguyện rằng một ngày nào đó con sẽ nói tốt!...

Ông Munsell đã cùng trải qua buổi tối Chủ nhật với chúng con. Mẹ sẽ thích thú biết bao nếu nghe ông ấy kể về Venice! Những bức tranh bằng lời của ông khiến chúng con cảm thấy như thể chúng con đang ngồi dưới bóng của Vương cung Thánh đường San Marco, mơ mộng, hay đi thuyền dọc theo con kênh ngập ánh trăng… Con hy vọng khi tới thăm Venice, như con chắc chắn sẽ tới một ngày nào đó, ông Munsell sẽ đi với con. Đó là tòa lâu đài trên cát của con. Mẹ thấy đó, không ai trong các bạn của con mô tả mọi thứ với con một cách sinh động và đẹp đẽ như ông ấy…


[1] Phillips Brooks, chết ngày 23/1/1893.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét