Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI - PHẦN HAI: NHỮNG LÁ THƯ - 5

Nguyễn Thành Nhân dịch






GỬI ÔNG JOHN HITZ
12 ĐƯỜNG NEWBURY, BOSTON,
3/2/1899

...Thứ hai tuần trước cháu có một trải nghiệm cực kỳ thú vị. Sáng hôm đó một người bạn tốt đưa cháu tới Bảo tàng Mỹ thuật Boston Art. Trước đó, bà đã được phép của Tướng Loring, quản lý viện bảo tàng để cháu được sờ vào những pho tượng, nhất là những tượng thể hiện những người bạn cũ của cháu trong “Illiad” và “Aeneid”. Không phải điều đó thật đáng yêu hay sao? Trong lúc cháu ở đó, chính bản thân ông Loring bước vào và chỉ cho cháu một số tượng đẹp nhất, trong đó có tượng Venus xứ Medici, tượng Minerva của đền Parthenon, tượng Diana mặc bộ đồ săn bắn, với bàn tay đặt trên bao đựng tên và hông đeo một con thỏ rừng, và Laocoön bất hạnh với hai con trai nhỏ của ông, đang vật vã trong những vòng quấn đáng sợ của hai con rắn khổng lồ, cánh tay vươn cao lên trời với những tiếng hét não lòng. Cháu cũng thấy tượng Apollo Belvidere. Chàng vừa giết chết con trăn khổng lồ và đang đứng trên một cột đá to, chìa bàn tay thanh tú ra mừng thắng lợi trước con rắn khủng khiếp. Ồ, chàng thật xinh đẹp! Tượng Venus mê hoặc cháu. Trông như thể nàng vừa vươn lên từ bọt sóng biển cả, và vẻ xinh đẹp của nàng như một điệu nhạc thần tiên. Cháu cũng thấy tượng nàng Niobe với đứa con út bám chặt vào nàng trong lúc nàng van xin vị nữ thần độc ác đừng giết đứa con yêu dấu cuối cùng của nàng. Suýt chút cháu đã khóc, tất cả đều rất thật và bi thảm. Tướng Loring tốt bụng chỉ cho cháu bản sao của một trong những cánh cửa của phòng rửa tội ở Florence, và cháu cảm nhận những cây cột thanh tú, ngồi nghỉ trên lưng của những con sư tử dữ tợn. Ông thấy đó, cháu đã có một mường tượng về lạc thú mà cháu hy vọng một ngày nào đó sẽ có khi tới tham quan Florence. Bạn cháu bảo lúc nào đó cô sẽ chỉ cho cháu những bản sao của những phiến cẩm thạch do công tước Elgin mang về từ đền Parthenon. Nhưng theo cách nào đó cháu thích nhìn thấy những nguyên bản ngay tại nơi vị thiên tài muốn đặt chúng, không chỉ với ý nghĩa một bài thánh ca ngợi ca các thần linh, mà còn với ý nghĩa một tượng đài của Hy Lạp vinh quang. Có vẻ như việc tước những vật thiêng liêng như thế ra khỏi thánh đường của Quá khứ nơi chúng thuộc về là một sai lầm…

Ảnh: Marshall, 1902
TRONG THƯ PHÒNG Ở CAMBRIDGE

 
 GỬI ÔNG WILLIAM WADE
BOSTON, 19/2/1899

Sao vậy hở ông, cháu nghĩ cháu đã viết cho ông cái hôm sau khi những cuốn “Eclogues” tới nơi, và nói với ông cháu mừng đến thế nào khi có chúng! Có lẽ ông chưa bao giờ nhận được lá thư đó. Dù thế nào đi nữa, cháu xin cám ông, bạn thân mến ạ, vì đã chịu cả một trời rắc rối vì cháu. Ông sẽ vui khi nghe thấy rằng những cuốn sách từ Anh đang tới. Cháu đã có các cuốn thứ bảy và thứ tám của bộ “Aeneid” và một cuốn từ bộ “Iliad”, tất cả đều mang tới niềm vui, vì cháu đã đọc tới trang cuối của những cuốn sách in nổi của cháu.
Cháu thật vui khi nghe đã có rất nhiều việc được thực hiện cho những người mù-điếc. Càng biết nhiều về chúng, cháu càng phát hiện nhiều lòng tốt. Sao chứ, chỉ mới một thời gian ngắn trước đây mọi người vẫn nghĩ rằng hoàn toàn không thể dạy cho người mù-điếc bất cứ thứ gì; nhưng ngay khi điều đó được chứng minh là có thể hàng trăm quả tim nhân ái và cảm thông đã cháy bùng lên với khao khát được giúp họ, và giờ đây chúng ta thấy có rất nhiều người tội nghiệp, bất hạnh đang được dạy để nhìn thấy vẻ đẹp và hiện thực của cuộc sống. Tình yêu luôn tìm ra con đường đi tới một linh hồn bị cầm tù và dẫn dắt nó ra  thế giới của tự do và trí tuệ!
Về phần bản chữ cái hai tay, cháu nghĩ nó dễ hơn đối với những người thấy được so với bản chữ cái bằng tay; vì hầu hết các mẫu tự trông như những chữ hoa to trong các cuốn sách; nhưng cháu nghĩ khi dạy một người mù-điếc cách viết, bảng chữ cái bằng tay tiện lợi hơn nhiều và khó thấy hơn…

 
 GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
12 ĐƯỜNG NEWBURY, BOSTON,
5/3/1899

... Giờ cháu chắc rằng cháu sẽ sẵn sàng cho những kỳ thi vào tháng Sáu. Hiện giờ chỉ còn một đám mây trên bầu trời của cháu; nhưng đám mây đó buông một bóng đen lên cuộc đời cháu, và đôi khi khiến cháu bồn chồn. Đôi mắt của cô giáo không khá hơn: thật sự, cháu nghĩ chúng đang tệ đi và gây khó chịu, dù cô rất quả cảm và nhẫn nại và sẽ không đầu hàng. Nhưng điều khiến cháu buồn bực nhất là cháu cảm thấy cô đang hy sinh thị lực của cô cho cháu. Cháu cảm thấy như thể cháu phải từ bỏ hoàn toàn ý tưởng đi học đại học, vì tất cả mọi tri thức trên đời đều không thể khiến cháu hạnh phúc nếu đạt được với cái giá đó. Cháu ước gì, thưa bà Hutton, bà sẽ cố thuyết phục cô giáo nghỉ ngơi đôi chút và đi chữa bệnh cho đôi mắt. Cô sẽ không nghe theo cháu.
Cháu vừa chụp vài tấm ảnh, và nếu chúng đẹp, cháu muốn gửi một tấm cho ông Rogers, nếu bà nghĩ ông ấy thích có nó. Cháu rất muốn chỉ ra bằng một cách nào đó cháu cảm kích sâu đậm thế nào với tất cả những gì ông ấy đã làm cho cháu, và cháu không thể nghĩ ra bất cứ điều gì tốt hơn để làm.
Mọi người ở đây đang nói về những bức tranh của Sargent. Họ bảo đó là một cuộc triển lãm tranh chân dung tuyệt diệu. Cháu ước gì có mắt để trông thấy chúng! Chắc cháu sẽ vui sướng biết bao với vẻ đẹp và màu sắc của chúng! Tuy nhiên, cháu mừng rằng cháu không bị ngăn trở khỏi mọi sự thú vị trong những bức tranh. Ít ra cháu cũng có sự mãn nguyện khi nhìn thấy chúng qua đôi mắt của những người bạn, đó là một niềm vui thật sự. Cháu rất biết ơn rằng cháu có thể thưởng thức những vẻ đẹp mà các bạn tập hợp và đặt vào đôi bàn tay của cháu!
Cả bọn đều vui mừng và biết ơn với việc ông Kipling không chết! Cháu có cuốn “Sách rừng xanh” của ông in bằng chữ nổi, nó thật là một cuốn sách tuyệt vời, thú vị! Cháu không thể không cảm thấy như thể cháu biết tác giả tài năng của nó. Chắc hẳn ông phải có một bản tính trung thực, nam tính và đáng yêu biết bao!...


GỬI TIẾN SĨ DAVID H. GREER
12 ĐƯỜNG NEWBURY, BOSTON,
8/5/1899

...Mỗi ngày mang tới cho cháu tất cả những gì cháu có khả năng hoàn thành, và mỗi đêm mang tới cho cháu sự nghỉ ngơi, và ý nghĩ ngọt ngào rằng cháu đang tới gần mục tiêu của cháu hơn bao giờ trước đó. Tiếng Hy Lạp của cháu tiến triển tốt đẹp. Cháu vừa đọc xong quyển thứ chín của “Illiad” và vừa bắt đầu đọc “Odyssey”. Cháu cũng đang đọc “Aeneid” và “Eclogues”. Vài người bạn bảo cháu rằng cháu rất ngốc khi dành quá nhiều thời gian cho tiếng Hy Lạp và Latin; nhưng cháu chắc rằng họ sẽ không nghĩ vậy nếu họ nhận ra Homer và Virgil đã mở ra cho cháu một thế giới tuyệt vời biết bao của kinh nghiệm và tư tưởng. Cháu nghĩ cháu thích “Odyssey” nhất. Cuốn “Iliad” hầu như chỉ kể về chiến tranh và đôi khi người ta thấy mệt với tiếng va chạm của những chiếc giáo và tiếng ồn ào hỗn loạn triền miên của chiến trận. Còn “Odyssey” nói về lòng can đảm cao quý – lòng can đảm của một linh hồn cố gắng trong đau đớn nhưng vững vàng cho tới chung cuộc. Cháu thường tự hỏi khi đang đọc những bài thơ tuyệt diệu này, vì sao, vào thời mà những bài ca về chiến tranh của Homer thiêu đốt người Hy Lạp với lòng dũng cảm, những bài ca của ông về những đức hạnh của con người lại không có một tác động mạnh mẽ hơn đến đời sống tinh thần của mọi người. Có lẽ lý do là: những tư tưởng thật sự vĩ đại giống như những hạt giống được gieo vào tâm hồn nhân loại, và hoặc nằm đó không được lưu tâm tới, hoặc được nghiền ngẫm và chơi đùa, như những thứ đồ chơi, cho tới khi, trở nên minh triết thông qua đau khổ và trải nghiệm, một chủng tộc phát hiện ra và gieo trồng chúng. Khi đó thế giới đã tiến thêm một bước trong chặng đường hướng tới trời cao của nó.
Hiện giờ cháu làm việc rất vất vả. Cháu dự định thi vào tháng Sáu, và có rất nhiều điều phải làm trước khi cháu cảm thấy đã sẵn sàng đối mặt với thử thách…
Ông sẽ vui khi biết rằng mẹ cháu và em gái, em trai cháu đang đi lên miền bắc để trải qua mùa hè này với cháu. Cả bọn sẽ sống chung trong một ngôi nhà nhỏ nằm bên bờ một trong những hồ nước ở Wrentham, trong lúc cô giáo thân yêu của cháu có một thời gian nghỉ ngơi rất cần thiết. Suốt mười hai năm nay cô không có được kỳ nghỉ nào, thử nghĩ mà xem, và trong tất cả thời gian đó cô là ánh mặt trời của cháu. Giờ đôi mắt của cô đã quấy rầy cô thật tệ hại, và tất cả chúng cháu nghĩ cô nên thoát khỏi mọi chăm lo và trách nhiệm trong một thời gian. Nhưng chúng cháu sẽ không hoàn toàn cách biệt nhau; chúng cháu sẽ thăm nhau mỗi ngày, cháu hy vọng thế. Và khi tháng Bảy tới, ông có thể nghĩ rằng cháu đang chèo thuyền đưa những người thân yêu của cháu đi vòng quanh cái hồ đáng yêu trong chiếc thuyền nhỏ ông đã tặng cháu, cô bé hạnh phúc nhất trần đời!...


GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
BOSTON, 28/5/1899

... Chúng cháu đã qua một ngày vất vả. Chiều nay thầy Keith ở đây ba tiếng, đổ một dòng thác tiếng Latin và Hy Lạp vào bộ não tội nghiệp rối tung của cháu. Cháu thật sự tin rằng thầy biết nhiều về ngữ pháp Latin và Hy Lạp hơn Cicero hay Homer từng tưởng tượng! Cicero thật tuyệt, nhưng những diễn văn của ông rất khó dịch. Đôi khi cháu thấy xấu hổ khi cháu nghĩ nhà hùng biện đó nói những điều nghe có vẻ phi lý và tẻ ngắt; nhưng làm sao một nữ sinh viên diễn dịch được một thiên tài như thế? Sao chứ, cháu phải là một Cicero để nói như một Cicero!...
Linnie Haguewood là một bé gái mù-điếc, một trong nhiều đứa trẻ mà ông William Wade đã giúp đỡ. Cô bé đang được cô Dora Donald dạy; khi bắt đầu công việc cô giáo này đã được ông Hitz, giám thị của Yolta Bureau, cung cấp bản sao của tất cả mọi tài liệu liên quan tới công việc của cô Miss Sullivan với Helen Keller.

GỬI ÔNG WILLIAM WADE
WRENTHAM, MASS., 5/6/1889

...Lá thư của Linnie Haguewood mà ông gửi cháu hồi vài tuần trước khiến cháu rất thích thú. Dường như nó cho thấy một tính cách tự nhiên và rất ngọt ngào. Cháu rất thú vị với những điều cô ấy nói về lịch sử. Cháu rất tiếc cô ấy không thích thú nó; nhưng cả cháu đôi khi cũng cảm thấy lịch sử của người xưa, tôn giáo cổ xưa và những hình thức chính quyền cổ xưa thật tăm tối, bí ẩn và thậm chí đáng sợ.
Vâng, cháu phải thú nhận, cháu không thích ngôn ngữ ký hiệu, và cháu không nghĩ nó có nhiều công dụng lắm đối với người mù-điếc. Cháu thấy rất khó theo dõi những cử động nhanh được tạo ra bởi người câm điếc và ngoài ra, các ký hiệu dường như là một trở lực đối với họ trong việc thủ đắc khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách dễ dàng và thoải mái. Vì sao, cháu thấy đôi khi khó mà hiểu họ khi họ viết trên những ngón tay. Nhìn chung, nếu không thể dạy họ cách phát âm thì bảng chữ cái bằng tay dường như là phương tiện giao tiếp tốt nhất và tiện lợi nhất. Dù sao đi nữa, cháu chắc rằng người mù-điếc không thể học cách sử dụng các ký hiệu với bất kỳ mức độ dễ dàng nào.
Hôm nọ, cháu đã gặp một quý ông người Na Uy; ông ấy biết rất rõ  Ragnhild Kaata và cô giáo của chị ấy, và chúng cháu đã có một cuộc đàm thoại thú vị về chị ấy. Ông ấy bảo chị ấy rất chuyên cần và hạnh phúc. Chị ấy xe sợi, và làm nhiều công việc thú vị, và đọc, sống một cuộc đời vui thú, hữu ích. Thủ nghĩ mà xem, chị ấy không thể sử dụng bản chữ cái bằng tay! Chị ấy đọc môi tốt, và chị ấy không thể hiểu một cụm từ, các bạn của chị ấy viết nó lên tay của chị ấy; và chị ấy nói chuyện với người lạ theo cách này. Cháu không thể nhận ra bất cứ thứ gì được viết vào tay cháu, vì thế ông thấy đó, Ragnhild đã đi trước cháu trong một số việc. Cháu hy vọng lúc nào đó sẽ gặp chị ấy…


GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
WRENTHAM, 29/7/1899

...Cháu đậu tất cả các môn phải thi, và đạt loại giỏi ở môn tiếng Latin nâng cao… Nhưng cháu phải thú nhận, cháu đã trải qua một thời gian khó khăn vào ngày thi thứ hai. Họ không cho phép cô giáo đọc bất kỳ đề thi nào cho cháu; vì thế các đề thi được sao lại cho cháu bằng chữ nổi. Sự bố trí này rất hữu hiệu với các môn ngôn ngữ, nhưng không tốt lắm ở môn toán. Hậu quả là cháu không làm bài thi tốt như lẽ ra có thể nếu cô giáo được phép đọc cho cháu nghe đề thi môn hình học và đại số. Nhưng bà đừng nghĩ cháu đổ lỗi cho bất kỳ một ai. Dĩ nhiên họ không nhận ra họ đang làm cho những bài thi trở nên khó khăn và phức tạp đối với cháu như thế nào. Làm sao họ có thể – họ có khả năng nhìn và nghe, và cháu cho rằng họ không thể hiểu những vấn đề từ quan điểm của cháu…
Cho tới nay, mùa hè của cháu ngọt ngào hơn bất cứ thứ gì cháu có thể nhớ. Mẹ cháu, em gái và em trai đã tới đây được năm tuần, và niềm hạnh phúc của chúng cháu thật vô bờ. Chúng cháu không chỉ tận hưởng việc sống với nhau mà còn nhận ra ngôi nhà nhỏ của chúng cháu là vui vẻ nhất. Cháu ước gì bà có thể nhìn thấy cảnh hồ nước xinh đẹp từ hiên nhà cháu, những hòn đảo trông giống như những hạt ngọc lục bảo nhỏ trong ánh nắng vàng và những chiếc ca-nô lướt từ nơi này sang nơi khác như những chiếc lá thu trong làn gió nhẹ, và hít vào mùi thơm ngan ngát của khu rừng đến như  một tiếng thì thầm từ một miền xa lạ. Cháu không thể không tự hỏi đó có phải là mùi thơm đã đón chào những người Na Uy cách nay đã lâu, khi họ viếng thăm những bờ biển của chúng ta theo truyền thống – một tiếng vọng ngát hương của nhiều thế kỷ tăng trưởng và lụi tàn lặng lẽ của hoa lá cỏ cây…

GỬI BÀ SAMUEL RICHARD FULLER
WRENTHAM, 20/10/1899

...Cháu cho là đã tới lúc cháu kể cho bà nghe đôi điều về những kế hoạch mùa đông của chúng cháu. Bà biết tham vọng từ lâu của cháu là tới học ở Radcliffe, và nhận được một bằng cấp như nhiều cô gái khác đã làm; nhưng Hiệu trưởng Irwin của trường Radcliffe đã thuyết phục cháu rằng hiện tại cháu nên dự một khóa học đặc biệt. Bà bảo cháu đã chỉ cho thế giới thấy rằng cháu có thể thực hiện công việc ở trường đại học bằng cách vượt qua thành công những kỳ thi bất k nhiều trở ngại. Bà chỉ cho cháu thấy cháu sẽ ngốc thế nào nếu theo đuổi một khóa học bốn năm ở Radcliffe chỉ để giống như những cô gái khác, khi cháu có thể trau dồi tốt hơn khả năng viết cháu đã có sẵn. Bà bảo bà không xem một bằng cấp có bất kỳ giá trị thật sự nào mà nghĩ rằng làm một điều gì đó độc đáo thì đáng ước ao hơn là phí hoài năng lượng chỉ để lấy một cái bằng. Những lý lẽ của bà có vẻ thông minh và thực tế đến độ cháu không thể không nghe theo. Cháu thấy việc từ bỏ ý tưởng học đại học của cháu là khó, rất khó; nó đã nằm trong tâm trí cháu từ hồi cháu còn nhỏ xíu; nhưng không ích gì khi làm một việc ngu xuẩn chỉ vì người ta đã muốn thực hiện nó  suốt một thời gian dài, phải không bà?
Nhưng trong khi chúng cháu đang thảo luận về kế hoạch mùa đông, một đề nghị mà Tiến sĩ Hale đã đưa ra cách nay khá lâu chợt nảy ra trong đầu cô giáo – rằng cháu có thể tham dự những khóa học giống với các khóa học ở Radcliffe, dưới sự hướng dẫn của những giáo sư của các khóa đó. Dường như cô Irwin không phản đối đề xuất này, và đã tốt bụng đề nghị được gặp các vị giáo sư để xem họ thể dạy cháu học hay chăng. Nếu họ sẵn lòng dạy cháu và nếu chúng cháu có đủ tiền để làm theo kế hoạch, các môn học năm nay của cháu sẽ là tiếng Anh, văn học Anh của thời kỳ Elizabeth, tiếng Latin và tiếng Đức... 


Ảnh: Marshall, 1899
Helen Keller
thân yêu của bạn


GỬI ÔNG JOHN HITZ
138 BRATTLE ST., CAMBRIDGE,
11
/11/1899

...Về phần vấn đề chữ nổi, cháu không thể nói với ông cháu buồn phiền như thế nào khi biết rằng phát biểu có liên quan tới các kỳ thi của cháu đã bị ngờ vực. Sự thiếu hiểu biết dường như nằm ở đáy của mọi mâu thuẫn này. Vì sao, bản thân ông dường như nghĩ rằng cháu đã dạy ông chữ Braille hệ tiếng Mỹ khi ông không biết một mẫu tự nào trong hệ này! Cháu không thể không bật cười khi ông bảo ông đã viết cho cháu bằng chữ nổi hệ tiếng Mỹ thế rồi ông viết thư bằng chữ nổi hệ tiếng Anh!
Sự thật về những kỳ thi chữ nổi là như sau:
Cháu đã thi đậu kỳ thi tuyển sinh vào đại học Radcliffe như thế nào.
Hôm 2930/6/1899 cháu thi các môn thi tuyển vào đại học Radcliffe. Ngày đầu cháu thi môn tiếng Hy Lạp và Latin nâng cao, ngày thứ hai môn hình học, đại số và tiếng Hy Lạp nâng cao.
Các giáo chức của trường không cho phép cô Sullivan đọc cho cháu nghe các đề thi; vì thế thầy Mr. Eugene C. Vining, một trong các giáo sư ở Học viện dành cho người mù Perkins đã được thuê đ sao các đề thi sang chữ nổi cho cháu. Thầy Vining làm một người lạ hoàn toàn đối với cháu và không thể giao tiếp với cháu ngoại trừ bằng cách viết chữ nổi. Thầy giám thị cũng là một người lạ và không cố giao tiếp với cháu bằng bất kỳ cách nào; và vì cả hai đều xa lạ với cách phát âm của cháu, họ không thể dễ dàng hiểu được những điều cháu nói với họ.
Tuy chữ nổi có hiệu quả khá tốt ở các môn ngôn ngữ; nhưng với môn hình học và đại số thì lại khác. Cháu rất rối trí và cảm thấy hoàn toàn nản lòng, và lãng phí nhiều thời gian quý báu, nhất là ở môn đại số. Đúng là cháu hoàn toàn quen với mọi chữ nổi chính thức – hệ tiếng Anh, hệ tiếng Mỹ và hệ New York Point; nhưng phương pháp viết các ký hiệu khác nhau được sử dụng ở ba hệ thống này rất khác nhau, và hai ngày trước kỳ thi cháu chỉ biết hệ tiếng Anh. Cháu đã sử dụng nó suốt quá trình học, và chưa bao giờ dùng bất kỳ hệ nào khác.
Ở môn đại số, khó khăn chính của cháu là cháu luôn quen với cách đọc các định đề bằng chữ in, hoặc giáo viên viết chúng vào tay cháu; và theo cách nào đó, dù các định đề nằm ngay trước mặt cháu, thế nhưng chữ nổi lại khiến cháu rối trí, và cháu không thể xác định rõ trong đầu những gì cháu đang đọc. Nhưng khi cháu thi môn đại số, cháu còn gặp khó khăn hơn – cháu hoàn toàn khiếm khuyết do kiến thức không hoàn hảo về ký hiệu. Các ký hiệu mà cháu đã học hôm trước, và các ký hiệu mà cháu nghĩ là cháu đã biết rất rõ, đã khiến cháu rối trí. Hậu quả là công việc của cháu chậm một cách đau đớn, và cháu buộc phải đọc đi đọc lại các ví dụ cho tới khi cháu hình thành một ý tưởng rõ ràng điều mà cháu được yêu cầu thực hiện. Thật sự, giờ cháu không chắc cháu đã đọc đúng các ký hiệu, nhất là khi cháu quá bực mình và thấy khó mà giữ được sự tỉnh táo...
Giờ chỉ còn một sự thật nữa, mà cháu muốn nói rất rõ ràng, liên quan tới điều mà ông Gilman đã viết cho ông. Cháu chưa hề nhận bất kỳ sự hướng dẫn trực tiếp nào từ trường Gilman. Sullivan luôn luôn ngồi cạnh cháu và nói cho cháu nghe những gì các giáo viên nói. Cháu đã dạy cô Hall, giáo viên vật lý, cách viết chữ nổi hệ tiếng Mỹ, nhưng cô chưa bao giờ dạy cháu điều gì thông qua thứ chữ này, trừ một vài bài toán được viết ra để thực hành khiến cháu mất nhiều thời gian quý báu trong việc giải mã chúng, để có thể gọi là sự hướng dẫn. Frau (cô) Grote thân mến đã học bảng chữ cái bằng tay và đã dùng nó để tự dạy cháu; nhưng đây là những bài học riêng, do các bạn cháu trả tiền. Trong lớp tiếng Đức cô Sullivan cố hết khả năng để dịch cho cháu những gì giáo viên nói.
Có lẽ, nếu ông gửi một bản sao lá thư này tới hiệu trưởng của trường Cambridge School, nó có thể soi sáng cho ông ấy một vài vấn đề, mà hiện giờ dường như ông ấy hoàn toàn không hiểu...


GỬI CÔ MILDRED KELLER
138 ĐƯỜNG BRATTLE STREET, CAMBRIDGE,
26
/11/1899

...Rốt cuộc bọn chị đã ổn định chỗ ở cho mùa đông, và công việc của bọn chị diễn ra êm xuôi. Thầy Keith tới mỗi chiều vào lúc bốn giờ và cho chị một chuyến “quá giang hữu nghị” qua những chặng đường gồ ghề mà trên đó mỗi học sinh phải đi qua. Chị học lịch sử Anh, văn học Anh, tiếng Pháp và Latin, và lần hồi chị sẽ học tiếng Đức và sáng tác tiếng Anh – hãy để bọn chị rên lên một tiếng! Em biết không, chị cũng ghét cay ghét đắng môn ngữ pháp như em; nhưng chị cho là chị phải đi qua nó nếu muốn viết, cũng như chúng ta phải uống nước trong cái hồ cả trăm lần trước khi chúng ta có thể bơi! Ở môn tiếng Pháp, cô giáo đang đọc cho chị nghe cuốn “Colomba”. Đó là một tiểu thuyết thú vị, đầy những thể hiện gợi tả và những cuộc mạo hiểm ly kỳ (đừng trách chị về việc dùng những từ đao to búa lớn, vì em cũng thế!) và nếu em có bao giờ đọc nó, chị nghĩ em sẽ rất thích thú. Em đang học lịch sử Anh phải không? Ồ, nó cực kỳ thú vị! Chị đang nghiên cứu kỹ thời kỳ Elizabeth về phong trào Cải cách, về các đạo luật về Quyền tối cao và Sự tuân thủ, và các phát hiện hàng hải cùng tất cả những điều lớn lao mà  dường như “quỷ sứ” đã bịa ra để quấy rầy những thiếu nữ ngây thơ như em!...
Giờ bọn chị có một bộ trang phục rất bảnh cho mùa đông – áo khoác, mũ, áo dài, đồ lót các thứ. Bọn chị vừa được một thợ may người Pháp may cho bốn bộ váy xinh xắn. Chị có hai bộ, một cái có một cái váy ngắn bằng lụa đen, với một đăng ten đen đính bên trên và một cái áo chẽn bằng poplin trắng với nhung lam và the, và đăng ten màu kem trên một lá sen bằng satanh. Cái kia bằng len, và có màu xanh lá rất đáng yêu. Áo chẽn viền nhung thêu màu lục và hồng và đăng ten trắng, chị nghĩ. Và có hai dải cài ở phía trước, trang trí và viền nhung, và còn một hàng nút trắng nhỏ xíu. Cô giáo cũng có một bộ váy lụa. Cái váy ngắn màu đen, còn áo chẽn hầu như màu vàng với viền the màu xanh nhạt, và nơ nhung đen và đăng ten. Bộ kia của cô màu tím đỏ, viền nhung tím, còn cái áo chẽn có một cái thắt lưng bằng the màu kem. Thế nên em có thể hình dung bọn chị trông hoàn toàn giống như hai con công trống, chỉ có điều bọn chị không có những cái đuôi áo dài...
Tuần trước có một trận đấu bóng giữa Harvard Yale, và ở đó thật khích động. Bọn chị có thể nghe rõ tiếng reo hò của các cầu thủ và của khán giả từ trong phòng như thể bọn chị đang trên sân bóng. Có đại tá Roosevelt ở đó, về phe đội Harvard; nhưng em biết không, ông mặc một cái áo thun trắng và mặt ông đỏ ửng như mặt gà chọi! Có khoảng hai mươi lăm ngàn khán giả, và khi bọn chị ra ngoài, tiếng ồn thật kinh khủng, bọn chị suýt chút mất cả hồn vía vì nghĩ bọn chị nghe thấy tiếng ồn hỗn loạn của chiến tranh chứ không phải của một trận đấu bóng. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực điên cuồng, chả có bên nào ghi bàn, cả bọn chị cười ầm và nói: “Chà, hay thật, giờ thì cái nồi không thể chê cái ấm là đen!”...


GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
559 MADISON AVENUE, NEW YORK
2/2/1900

...Chúng cháu đã ở đây được một tuần, và sắp tới ở với cô Rhoades cho tới Thứ bảy. Chúng cháu tận hưởng mỗi khoảnh khắc trong chuyến viếng thăm, mọi người đều rất tốt. Chúng cháu đã gặp nhiều bạn cũ và kết bạn với vài người mới. Thứ sáu tuần trước chúng cháu ăn tối với gia đình Roger và chao ôi, họ rất ư tốt bụng! Ý nghĩ về sự lịch thiệp dịu dàng và lòng nhân ái thật sự của họ mang tới tim cháu một niềm hân hoan và biết ơn. Cháu cũng đã gặp Tiến sĩ Greer. Ông có một quả tim thật nhân hậu! Cháu yêu ông hơn bao giờ hết. Chúng cháu tới nhà thờ St. Bartholemew hôm Chủ nhật, và cháu không cảm thấy thoải mái lắm trong một nhà thờ vì giám mục Brooks thân yêu đã chết. Tiến sĩ Greer đọc chậm đến nỗi cô giáo có thể nói cho cháu nghe mọi từ. Hẳn bạn của ông phải ngạc nhiên vì sự khoan thai khác thường này. Sau buổi lễ, ông đã yêu cầu ông Warren, người đánh đàn organ chơi cho cháu nghe. Cháu đứng giữa nhà thờ, nơi những rung động từ cái đàn organ vang lên mạnh nhất, và cháu cảm thấy những làn sóng âm thanh mạnh mẽ đập vào cháu như những những lượn sóng cồn đập vào một con tàu nhỏ trên biển cả...


GỬI ÔNG JOHN HITZ
138 ĐƯỜNG BRATTLE, CAMBRIDGE,
3
/2/1900

...Các môn học của cháu thú vị hơn bao giờ hết. Ở môn tiếng Latin, cháu đang đọc những bài tụng ca của Horace. Dù cháu thấy chúng khó dịch nhưng cháu nghĩ chúng là những bài thơ Latin đáng yêu nhất mà cháu đã đọc hay sẽ đọc. Ở môn tiếng Pháp chúng cháu đã đọc xong cuốn “Colomba” và cháu đang đọc cuốn “Horace” của Corneille và những truyện ngụ ngôn của La Fontaine, cả hai đều in chữ nổi. Cháu chưa đọc nhiều ở cả hai cuốn nhưng cháu biết cháu sẽ thích những truyện ngụ ngôn, chúng được viết rất thú vị, và mang tới những bài học tốt theo một cách giản dị nhưng hấp dẫn. Cháu không nghĩ cháu đã nói với ông rằng cô giáo đang đọc cuốn “Nữ hoàng chốn Thiên thai” cho cháu nghe. Cháu e rằng cháu tìm thấy những thiếu sót của bài thơ tương đương với sự thích thú. Cháu không quan tâm nhiều tới những phúng dụ, thật sự cháu thấy chúng làm cháu mệt, và cháu không thể không nghĩ rằng thế giới các hiệp sĩ, kẻ tà giáo, các nàng tiên, các con rồng và mọ loại sinh vật lạ thường của Spenser là một thế giới khá kỳ cục và vui nhộn; nhưng bản thân bài thơ lại đáng yêu và đầy nhạc tính như một dòng suối chảy.
Giờ cháu là vị chủ nhân tự hào của khoảng mười lăm cuốn sách mới mà chúng cháu đặt mua ở Louisville. Trong số đó có “Henry Esmond”, Những tiểu luận của Bacon” và những đoạn trích từ “Văn học Anh”. Có lẽ tuần tới cháu sẽ có thêm một số sách, “Giông tố”, “Giấc mộng đêm hè” và có lẽ một số tuyển tập từ lịch sử nước Anh của Green. Không phải cháu rất may mắn hay sao?
Cháu e rằng lá thư này bốc lên toàn mùi sách – nhưng thật sự vào những ngày này chúng tạo nên toàn bộ cuộc đời của cháu, và cháu hầu như không nhìn hay nghe bất cứ thứ gì khác! Cháu tin cháu ngủ trên những cuốn sách mỗi đêm! Bà biết đó, cuộc sống của một sinh viên bị giới hạn, thu hẹp và tràn ngập hầu như mọi thứ không nằm trong những cuốn sách...


GỬI ÔNG CHỦ TỊCH BAN GIẢNG HUẤN CỦA ĐẠI HỌC RADCLIFFE
138 ĐƯỜNG BRATTLE, CAMBRIDGE, MASS.,
5
/5/1900

Ông thân mến:
Như một sự trợ giúp cho cháu trong việc xác định kế hoạch học tập của cháu trong năm tới, cháu xin ông cung cấp thông tin về khả năng cháu tham dự các khóa học bình thường ở Đại học Radcliffe.
Từ khi nhận giấy báo trúng tuyển vào Radcliffe hồi tháng 7 trước, cháu đã học với một gia sư về Horace, Aeschylus, tiếng Pháp, tiếng Đức, thuật hùng biện, lịch sử Anh, văn họa Anh, phê bình văn học và sáng tác tiếng Anh.
Ở trường đại học, cháu muốn tiếp tục học hầu hết, nếu không phải tất cả các môn này. Các điều kiện làm việc của cháu đòi hỏi sự có mặt của cô Sullivan, người đã là cô giáo và bạn đồng hành của cháu suốt mười ba năm, với tư cách một người thông dịch ngôn ngữ nói và một người đọc những đề thi. Ở trường đại học, cô ấy, hoặc có thể ai đó khác ở những môn khác, cần phải ở bên cạnh cháu trong giảng đường và trong các cuộc thi vấn đáp. Cháu sẽ làm tất cả mọi công việc viết lách trên một cái máy đánh chữ, và nếu một giáo sư không thể hiểu lời nói của cháu, cháu có thể viết ra những câu trả lời cho các câu hỏi của ông và nộp cho ông sau giờ thi vấn đáp.
Trường có thể tự điều chỉnh để thích nghi với những điều kiện chưa từng có tiền lệ này chăng, để cho phép cháu theo đuổi việc học tại Radcliffe? Cháu nhận thấy rằng những chướng ngại trên con đường để tiếp nhận nền giáo dục đại học của cháu rất lớn – đối với những người khác có thể chúng có vẻ không thể vượt qua; nhưng, thưa ông thân mến, một chiến sĩ chân chính không chấp nhận thất bại trước một trận đánh.


GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
138 ĐƯỜNG BRATTLE, CAMBRIDGE,
9
/6/1900

...Cháu chưa có hồi âm từ Ban Giảng huấn cho thư của cháu; nhưng cháu chân thành hy vọng họ sẽ hồi đáp với sự ủng hộ. Các bạn của cháu nghĩ rất lạ lùng khi họ ngần ngừ quá lâu, nhất là khi cháu không hề yêu cầu họ giảm thiểu công việc của cháu  mà chỉ bổ sung nó để đáp ứng những hoàn cảnh đang hiện hữu. Trường Cornell đã đề nghị thực hiện những sắp xếp phù hợp với các điều kiện làm việc của cháu nếu cháu quyết định tới học ở đó; và Đại học Chicago cũng có đề nghị tương tự; nhưng cháu e là nếu cháu tới bất cứ trường nào, người ta sẽ nghĩ rằng cháu không thi đậu vào Radcliffe...

Vào mùa thu, cô Keller vào học ở Đại học Radcliffe.

GỬI ÔNG JOHN HITZ
14 COOLIDGE AVE., CAMBRIDGE,
26
/11/1900

... — đã liên lạc với ông liên quan tới kế hoạch thành lập một học viện cho trẻ mù và điếc của cháu và cô giáo. Thoạt tiên cháu chú tâm nhất tới việc nó được hỗ trợ và cháu chưa từng mơ rằng có bất kỳ phản đối nghiêm trọng nào có thể được đưa ra ngoại trừ bởi những ai thù ghét cô giáo; nhưng giờ đây sau khi suy nghĩ một cách nghiêm túc và tham khảo ý kiến các bạn, cháu đã quyết định rằng kế hoạch đó không tài nào thực hiện được. Trong sự nôn nóng nhằm giúp trẻ em mù và điếc có những thuận lợi mà cháu từng có, cháu hoàn toàn quên rằng có thể có nhiều chướng ngại trên con đường thực hiện bất kỳ diều gì giống như đã đề xuất.
Các bạn của cháu nghĩ chúng cháu có thể có một hoặc hai học trò trong nhà của chúng cháu, qua đó đảm bảo cho cháu sự thuận lợi trong việc giúp những người khác mà lại không có bất cứ bất lợi nào của một ngôi trường lớn. Họ rất tốt bụng; nhưng cháu không thể không cảm thấy rằng họ đã nói về quan điểm công việc chứ không phải quan điểm nhân ái. Cháu chắc chắn họ hoàn toàn không hiểu cháu khao khát mãnh liệt đến mức nào rằng tất cả những người khuyết tật như bản thân cháu sẽ nhận được sự thừa kế chính đáng tư tưởng, tri thức và tình yêu. Nhưng cháu không thể nhắm mắt trước sức mạnh và trọng lượng của những lý lẽ của họ, và cháu thấy rõ rằng cháu phải từ bỏ kế hoạch bất khả thi này. Họ cũng bảo rằng cháu nên lập một ủy ban tư vấn để kiểm soát các công việc trong lúc cháu đang ở Radcliffe. Cháu đã thận trọng cân nhắc đề nghị này, rồi cháu nói với ông Rhoades rằng cháu rất tự hào và vui mừng có những người bạn thông minh mà cháu luôn có thể quay sang để tìm lời khuyên trong mọi vấn đề quan trọng. Để lập ủy ban này, cháu chọn sáu người, mẹ cháu, cô giáo, vì với cháu cô giống như một người mẹ, bà Hutton, ông Rhoades, Tiến sĩ Greer, và ông Rogers, vì chính họ đã hỗ trợ cháu suốt bao năm qua và biến việc cháu học đại học thành hiện thực. Bà Hutton đã viết thư cho mẹ, yêu cầu người đánh điện tín cho bà nếu người sẵn lòng cho phép tôi có những người tư vấn khác ngoài bản thân người và cô giáo. Sáng nay chúng cháu đã nhận được thư rằng mẹ bằng lòng với thỏa thuận này. Giờ cháu chỉ còn việc viết cho Tiến sĩ Greer và ông  Rogers...
Chúng cháu đã có một cuộc chuyện trò dài với Tiến sĩ Bell. Cuối cùng ông đề xuất một kế hoạch khiến cả bọn cháu vui không thể tả. Ông bảo rằng gắng sức thành lập một trường học cho trẻ em mù và điếc là một sai lầm to lớn, vì chúng sẽ mất đi những cơ hội quý báu nhất của việc bước vào đời sống trọn vẹn hơn, phong phú hơn, tự do hơn của trẻ em nhìn và nghe được. Cháu đã có những nghi ngại ở điểm này; nhưng cháu không thể thấy chúng cháu sẽ làm thế nào để giúp. Tuy nhiên ông Bell đã đề nghị rằng: – và tất cả các bạn quan tâm tới kế hoạch của cô ấy nên tổ chức một hiệp hội để cổ động cho việc giáo dục người mù và điếc. Cô giáo và cháu dĩ nhiên nằm trong hiệp hội này. Theo kế hoạch của ông, họ sẽ bổ nhiệm cô giáo đào tạo những người khác để hướng dẫn trẻ em mù và điếc ngay tại nhà chúng, giống như cô đã dạy cháu. Ngân sách sẽ được quyên góp cho việc ăn ở của các giáo viên và tiền lương của họ. Đồng thời Tiến sĩ Bell nói thêm rằng cháu có thể nghỉ ngơi thoải mái và tiếp tục con đường cạnh tranh với các cô gái nhìn và nghe được tại Radcliffe, trong lúc khát vọng lớn của con tim cháu đang được thực hiện. Chúng cháu vỗ tay và reo hò; - bước ra ngoài mặt sáng bừng với niềm vui, cô giáo và cháu cảm thấy nhiều ánh sáng trong tim hơn bất cứ lúc nào từng có. Dĩ nhiên bây giờ chúng cháu chưa thể làm gì; nhưng nỗi lo lắng khổ sở về công việc ở trường và phúc lợi tương lai của người mù và điếc đã được nhấc ra khỏi đầu óc của chúng cháu. Hãy nói với cháu bà nghĩ gì về đề nghị của Tiến sĩ Bell. Với cháu nó có vẻ thực tế và thông minh; nhưng cháu phải biết tất cả những gì cần biết về nó trước khi cháu nói hay hành động trong vấn đề này…


GỬI ÔNG JOHN D. WRIGHT
CAMBRIDGE, 9/12/1900

Ông có nghĩ cháu là một kẻ lưu manh và – cháu không thể nghĩ ra một từ đủ tệ hại để diễn tả ý kiến của ông về cháu, trừ phi một tên trộm ngựa thật sự sẽ trả lời cho mục đích đó. Hãy nói thật với cháu ông có nghĩ cháu tệ đến thế không? Cháu hy vọng là không; vì cháu nghĩ tới nhiều lá thư gửi ông nhưng chưa bao giờ được viết ra, và cháu vui khi nhận được thư ông, vâng, cháu thật sự vui, và cháu đã định trả lời nó ngay lập tức; nhưng những ngày trôi qua một cách không ngờ khi người ta bận bịu, và cháu đã RẤT bận bịu trong mùa thu này. Ông phải tin điều đó. Các sinh viên Radcliffe luôn bị công việc chiếm trọn tâm trí. Nếu ông ngờ vực điều này, tốt hơn ông nên tự đến để xem.
Vâng, cháu đang dự khóa đại học bình thường để nhận bằng cấp. Khi cháu là một cử nhân văn chương, cháu cho là ông sẽ không dám gọi cháu là một con bé lưu manh! Cháu đang học tiếng Anh – tiếng Anh năm thứ hai, nếu ông vui lòng (dù cháu không thể thấy nó có gì khác với tiếng Anh bình thường), tiếng Đức, tiếng Pháp và lịch sử. Cháu thích công việc của cháu hơn mức cháu mong đợi, nói cách khác cháu mừng vì đã vào trường. Đôi khi nó vất vả, rất vất vả; nhưng nó chưa nhấn chìm cháu được. Không, cháu không học toán, cũng không học tiếng Hy Lạp và Latin. Các khóa ở Radcliffe là nhiệm ý, chỉ những khóa tiếng Anh nhất định là bắt buộc. Cháu đã thi đậu môn tiếng Anh và tiếng Pháp nâng cao trước khi vào đại học, và cháu chọn những lớp cháu thích nhất. Tuy nhiên cháu không hoàn toàn từ bỏ tiếng Hy Lạp và tiếng Latin. Có lẽ cháu sẽ học các môn này sau; nhưng cháu đã chia tay vĩnh viễn với môn toán, và cháu đảm bảo với ông, cháu vui mừng khi thấy ngày tàn của những con yêu tinh kinh khủng đó! Cháu hy vọng sẽ tốt nghiệp sau bốn năm; nhưng cháu không quá câu nệ điều đó. Không có gì phải vội, và cháu muốn nhận được càng nhiều càng tốt các thứ ngoài những môn học. Nhiều bạn của cháu sẽ rất vui nếu cháu học hai hoặc thậm chí một khóa một năm; nhưng cháu thà phản đối sử dụng phần còn lại của cuộc đời trong trường đại học còn hơn…


GỬI ÔNG WILLIAM WADE
14 COOLIDGE AVENUE, CAMBRIDGE,
9/12/1900

....Vì ông rất quan tâm tới người mù và điếc, cháu sẽ bắt đầu bằng cách kể cho ông nghe về nhiều trường hợp cháu đã gặp gần đây. Tháng 10 vừa qua cháu nghe nói tới một bé gái xuất sắc một cách lạ thường ở Texas. Tên nó là Ruby Rice, và nó 13 tuổi, cháu nghĩ. Nó chưa bao giờ được dạy; nhưng người ta bảo nó có thể may và thích giúp mọi người trong công việc này. Khứu giác của nó rất tuyệt. Sao chứ, khi bước vào một cửa tiệm, nó sẽ đi thẳng tới tủ bày hàng và nó cũng có thể phân biệt được các đồ vật của nó. Cha mẹ nó thật sự rất nôn nóng tìm cho nó một giáo viên. Họ cũng đã viết cho ông Hitz về nó.
Cháu cũng biết một em bé ở Học viện dành cho người điếc ở Mississippi. Tên của nó là Maud Scott, và nó lên sáu. Cô Watkins, giáo viên phụ trách nó đã viết cho cháu một lá thư thật thú vị. Cô bảo rằng Maud điếc bẩm sinh và bị mù mới cách đây ba tháng và khi nó tới học viện cách đây vài tuần, nó hoàn toàn bất lực. Thậm chí nó không thể bước đi và rất ít sử dụng hai bàn tay. Khi họ cố gắng dạy nó xâu chuỗi những hạt cườm, hai bàn tay nhỏ của nó rơi xuống hông nó. Rõ ràng xúc giác của nó đã không phát triển, nó chỉ có thể đi khi nó nắm tay ai đó; nhưng dường như nó là một đứa bé cực kỳ sáng suốt. Cô Watkins nói thêm rằng nó rất xinh. Cháu đã viết cho Maud khi nó học viết, cháu sẽ gửi cho nó nhiều câu chuyện. Cô bé thân mến đáng yêu, tim cháu đau thắt khi nghĩ nó đã bị cắt đứt một cách tàn ác khỏi mọi thứ tốt đẹp và đáng ước ao trong cuộc sống. Nhưng dường như cô Watkins đúng là loại cô giáo nó cần.
Cháu tới New York cách đây không lâu và đã gặp cô Rhoades. Cô nói với cháu rằng cô đã gặp Katie McGirr. Cô bảo cô gái trẻ tội nghiệp ấy nói năng hành động như một em bé. Katie chơi đùa với những chiếc nhẫn của cô Rhoades và mang chúng đi với một tiếng cười vui vẻ: “Cô sẽ không bao giờ có lại chúng!” Katie chỉ có thể hiểu cô Rhoades khi cô nói về những điều đơn giản. Cô Rhoades muốn gửi cho Katie một số sách; nhưng cô không thể tìm được cuốn nào đủ đơn giản cho cô bé! Cô bảo Katie thật sự rất đáng yêu, nhưng buồn bã và cần có sự hướng dẫn đúng đắn. Cháu rất ngạc nhiên khi nghe những điều này; vì cháu đã xét đoán từ những lá thư của ông rằng Katie là một cô gái phát triển rất sớm…
Vài hôm trước cháu đã gặp Tommy Stringer trong nhà ga ở Wrentham. Giờ nó là một cậu bé to lớn khỏe mạnh, và nó sẽ sớm cần một người chăm sóc nó; nó thật sự quá lớn để một nữ giáo viên quản lý. Cháu nghe nói nó đi học ở trường công và sự tiến bộ của nó rất đáng kinh ngạc, họ nói; nhưng điều đó chưa lộ ra trong cuộc trò chuyện với nó, vốn chỉ giới hạn ở hai từ “Có” và “Không”…


GỬI ÔNG CHARLES T. COPELAND
20/12/1900

Thầy Copeland thân mến:
Em đánh liều viết cho thầy vì em e rằng nếu em không giải thích vì sao em ngưng viết những đề tài, thầy sẽ nghĩ em đã nản lòng, hay có lẽ để chạy trốn sự phê phán em đã rút lui  một các hèn nhát khỏi lớp của thầy. Xin đừng nghĩ cả hai ý nghĩ rất không vui đó. Em không nản lòng cũng không e sợ. Em tự tin rằng em có thể viết các đề tài như những gì em đã viết, và em cho rằng em sẽ qua khóa học với điểm số khá tốt; nhưng loại công việc văn chương chắp vá này đã mất đi mọi thú vị đối với em. Em chưa bao giờ thỏa mãn với tác phẩm của mình; nhưng em chưa bao giờ biết khó khăn của em là gì cho tới khi thầy chỉ nó ra cho em thấy. Khi em vào lớp của thầy hồi tháng 10 vừa rồi, em đã cố hết sức để giống như mọi người khác, để quên đi càng nhiều càng tốt những hạn chế và môi trường đặc thù của em. Tuy nhiên, hiện tại em nhìn thấy sự điên rồ của nỗ lực buộc cỗ xe ngựa của một người vào một vì sao với một sợi cương không thuộc về nó.
Em đã luôn tiếp nhận những kinh nghiệm và quan sát của người khác như là chuyện đương nhiên. Em chưa từng nghĩ rằng có những quan sát của chính mình và mô tả những trải nghiệm riêng biệt của chính em là điều đáng làm. Do vậy em quay lại là chính bản thân mình để sống cuộc sống của mình và viết những ý tưởng của mình khi có. Khi em viết được điều gì đó có vẻ mới mẻ và ngẫu hứng và xứng đáng với những bình luận của thầy, em sẽ mang nó tới cho thầy, nếu em có thể, và nếu thầy nghĩ nó hay em sẽ rất vui; nhưng nếu phán xét của thầy không ủng hộ em sẽ cố lại lần nữa và lần nữa cho tới khi em thành công trong việc làm cho thầy hài lòng…


GỬI BÀ LAURENCE HUTTON
14 COOLIDGE AVENUE, CAMBRIDGE,
27/12/1900

...Vậy là bà đã đọc bài nói về bữa ăn trưa của lớp cháu trên báo? Làm thế nào tờ báo tìm ra mọi thứ như thế, cháu tự hỏi. Cháu chắc chắn không có phóng viên nào hiện diện. Cháu đã có một thời gian tuyệt vời; những ổ bánh mì nướng và những bài phát biểu rất vui. Cháu chỉ nói vài câu, vì cháu không biết người ta mong đợi cháu nói cho tới vài phút trước vì cháu đã được ghé thăm. Cháu nghĩ cháu đã viết cho bà rằng cháu đã được bầu làm phó chủ tịch của lớp năm thứ nhất ở Radcliffe.
Trong lá thư cuối cháu có nói với bà là cháu có một bộ váy mới, một bộ váy dự hội thật sự với cổ áo thấp và tay áo ngắn và một cái đuôi áo khá dài không nhỉ? Nó màu xanh trời nhạt, viền vải the cùng màu. Cháu chỉ mới mặc nó một lần, nhưng lúc đó cháu cảm thấy Solomon trong mọi vẻ rực rỡ của chàng không thể so sánh với cháu! Dù sao đi nữa, hẳn nhiên chàng không bao giờ có một bộ váy như bộ của cháu!...
Một quý ông ở Philadelphia vừa viết cho cô giáo của cháu về một đứa bé mù và điếc ở Paris; cha mẹ nó là người Ba Lan. Người mẹ là một bác sĩ và một phụ nữ tài ba, ông ấy nói. Cậu bé này có thể nói hai ba thứ tiếng trước khi cậu mất đi thính giác do bệnh, và hiện giờ nó chỉ mới có 5 tuổi. Cậu bé tội nghiệp, cháu ước có thể làm gì đó cho nó; nhưng nó còn bé quá, cô giáo nghĩ cách ly nó khỏi người mẹ là điều rất tệ. Cháu đã viết một lá thư cho bà Thaw liên quan tới khả năng làm điều gì đó cho những đứa bé này. Tiến sĩ Bell nghĩ điều tra hiện thời sẽ chỉ ra rằng chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn một ngàn người mù và điếc; và bà Thaw nghĩ nếu tất cả những người bạn của cháu hợp nhất những nỗ lực của họ thì “việc thiết lập một con đường mới trên đó lòng thương xót có thể đi qua ở đầu thế kỷ mới này sẽ là một điều dễ dàng”, và việc cứu giúp những đứa bé bất hạnh này có thể thực hiện được…


GỬI ÔNG WILLIAM WADE
CAMBRIDGE, 2/2/1901

...Nhân tiện, ông có mẫu nào của chữ nổi hệ tiếng Anh không, nhất là được in cho những người đã mất thị giác muộn hay có những ngón tay cứng đi do lao động lâu ngày khiến xúc giác của họ ít nhạy cảm hơn những người mù khác? Cháu đã đọc một bài về một hệ thống như thế trong một tờ tạp chí tiếng Anh, và cháu nôn nóng muốn biết nhiều hơn về nó. Nếu nó hữu hiệu như họ nói, cháu thấy không có lý do gì để áp dụng chữ nổi hệ tiếng Anh cho người mù ở tất cả các nước. Sao chứ, chính bản in có thể đọc dễ dàng nhất đã được áp dụng cho nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngay cả tiếng Hy Lạp cũng có thể được khắc lên đó, như ông đã biết, Sau đó nó sẽ được áp dụng hữu hiệu hơn bởi “hệ thống liên điểm” vốn sẽ tiết kiệm một lượng lớn không gian và giấy má. Cháu nghĩ không có gì phi lý hơn việc có năm hay sáu thứ chữ in khác nhau cho người mù…

Lá thư này được viết để hồi âm một đề nghị từ biên tập viên của tờ The Great Round World để tờ tạp chí xuất bản bằng kiểu chữ nổi cho người mù, nếu có đủ người sẵn lòng đăng ký mua báo. Nó là chứng cứ rằng người mù phải có một tờ tạp chí hay, không phải một tạp chí đặc biệt dành cho người mù, mà là tạp chí hay nhất trong tháng, được in bằng chữ nổi. Chỉ người mù không thôi thì không thể hỗ trợ nó, nhưng sẽ không tốn nhiều tiền lắm để bù đắp phí tổn tăng thêm.


Gửi tờ The Great Round World
CAMBRIDGE, 16/2/1901

Thưa quý ông:
Chỉ hôm nay tôi mới có thời gian để hồi âm cho lá thư thú vị của ông. Một con chim nhỏ đã hót những tin tức tốt lành vào tai tôi, nhưng nó thú vị gấp đôi khi nhận nó thẳng từ ông.
Thật tuyệt khi tờ The Great Round World được in bằng “thứ ngôn ngữ có thể cảm thấy”. Tôi nghi ngờ không biết có ai được hưởng thụ đặc quyền tuyệt diệu là nhìn thấy có bất kỳ ý niệm nào về ích lợi của một ấn phẩm như ông hình dung đối với người khiếm thị hay chăng. Có thể tự đọc là điều đang được mong muốn, cân nhắc và thực hiện trên thế giới – thế giới trong đó những niềm vui nỗi buồn, những thành bại mà người ta cảm thấy là mối quan tâm lớn lao nhất – đến nỗi đó thật sự là một hạnh phúc quá thẳm sâu đối với ngôn từ. Tôi tin rằng nỗ lực của tờ The Great Round World nhằm mang ánh sáng tới cho những ai ngồi trong bóng tối sẽ nhận được sự động viên và ủng hộ mà nó rất xứng đáng.
Tuy nhiên, tôi nghi ngờ không biết con số người đăng ký bản in chữ nổi của The Great Round World có lớn hay chăng; vì tôi nghe nói rằng người mù là một giai cấp nghèo. Nhưng vì sao những người bạn của người mù không hỗ trợ tờ The Great Round World, nếu cần? Chắc chắn có những trái tim và những bàn tay luôn sẵn sàng biến những ý định quảng đại thành những hành động cao quý.
Chúc ông thành công trong một công việc rất gần gũi với quả tim tôi,


GỬI CÔ NINA RHOADES
CAMBRIDGE, 25/9/1901

...Chúng cháu ở lại Halifax cho tới khoảng giữa tháng Tám… Hết ngày này sang ngày khác, bến cảng, những con tàu chiến và công viên khiến chúng cháu bận rộn suy tư, cảm nhận và thưởng thức… Khi con tàu Indiana ghé cảng Halifax, chúng cháu được mời lên boong tàu, và con tàu chở chúng cháu đi một vòng. Cháu đã sờ vào khẩu đại bác to, đọc với những ngón tay những cái tên của các con tàu Tây Ban Nha đã bị bắt ở Santiago, và cảm nhận những chỗ con tàu đã bị mảnh đạn xuyên thủng. Indiana là con tàu to và đẹp nhất trong cảng, và chúng cháu rất tự hào về nó.
Sau khi rời Halifax, chúng cháu đã ghé thăm Tiến sĩ Bell ở Mũi Breton. Ông có một ngôi nhà quyến rũ, đáng yêu trên một ngọn núi gọi là Beinn Bhreagh; núi này nhìn xuống hồ Bras d'Or...
Tiến sĩ Bell kể cho cháu nghe nhiều câu chuyện thú vị về công việc của ông. Ông vừa đóng một con thuyền có thể phóng đi bởi một chiếc diều khi gió mạnh, và một hôm ông đã thử nghiệm để xem ông có thể lái chiếc diều ngược gió hay chăng. Cháu ở đó và đã thật sự giúp ông thả chiếc diều. Cháu nhận ra trên một trong số những chiếc diều rằng những sợi dây diều là dây thép, và do đã có kinh nghiệm trong công việc xâu chuỗi hạt, cháu bảo cháu nghĩ chúng sẽ bị đứt. Tiến sĩ Bell nói: “Không!” với sự tự tin và con diều được thả lên. Nó bắt đầu kéo và giật, những sợi dây thép đứt tung và con rồng đỏ to lớn nhào xuống, còn Tiến sĩ Bell tội nghiệp đứng đau khổ nhìn theo nó . Sau đó ông hỏi cháu dây nhợ có ổn không và thay chúng ngay lập tức khi cháu trả lời có. Chúng cháu rất vui…


GỬI TIẾN SĨ EDWARD EVERETT HALE[1]
CAMBRIDGE, 10/11/1901

Cô giáo và em mong sẽ có mặt trong cuộc họp mặt sáng mai để kỷ niệm ngày sinh thứ một trăm của Tiến sĩ Howe; nhưng em rất nghi ngờ không biết chúng em có cơ hội để nói chuyện với anh không; vì thế giờ em viết thư cho anh để nói với anh em vui như thế nào khi anh sẽ phát biểu trong cuộc họp mặt, vì em cảm thấy anh, người tốt hơn bất kỳ người nào em biết, sẽ thể hiện lòng biết ơn sâu thẳm của những người mang món nợ học vấn, cơ hội và hạnh phúc đối với ông, kẻ đã mở rộng những đôi mắt của những người mù và cho những người câm ngôn ngữ đôi môi.
Ngồi đây trong thư phòng của em, xung quanh là những cuốn sách, tận hưởng tình bạn ngọt ngào thân thiết của những vĩ nhân và những nhà thông thái, em đang cố gắng nhận ra cuộc đời em sẽ ra sao nếu Tiến sĩ Howe thất bại trong công việc vĩ đại mà Thượng đế đã giao phó cho ông. Nếu ông không gánh vác trách nhiệm giáo dục cho Laura Bridgman và dìu dắt cô ấy ra khỏi cái hố thẳm của dòng sông Acheron đau khổ để quay về với di sản nhân loại, hôm nay em có thể là một sinh viên năm hai ở Đại học Radcliffe được không, ai có thể nói? Nhưng thật là vô ích khi phỏng đoán về điều có thể xảy ra gắn liền với thành tựu lớn lao của Tiến sĩ Howe.
Em nghĩ chỉ có những ai đã thoát khỏi sự tồn tại “chết trong lúc sống” mà từ đó Laura Bridgman đã được giải cứu mới có thể nhận ra bóng tối cô quạnh, bủa vây như thế nào, một linh hồn bị tù túng như thế nào trong sự bất lực của chính nó nếu không có tư tưởng, niềm tin hay hy vọng. Những ngôn từ đều bất lực không thể diễn tả nổi sự cô quạnh của căn nhà tù ngục ấy, hay niềm vui của tâm hồn khi giải thoát được năng lực của nó. Khi chúng em so sánh những nhu cầu và sự bất lực của người mù trước khi Tiến sĩ Howe bắt đầu công việc của ông với sự độc lập và hữu ích hiện tại của họ, chúng em nhận ra rằng những điều vĩ đại đã được thực hiện giữa cuộc đời của chúng em. Làm thế nào khi những điều kiện thể chất đã xây dựng những bức tường cao quanh chúng em? Nhờ người bạn và người cứu rỗi của chúng em, thế giới của chúng em đã vươn cao; chiều dài, chiều rộng và chiều sâu của đất trời là của chúng em!
Thật dễ chịu khi nghĩ  rằng những hành động cao quý của Tiến sĩ Howe sẽ nhận được tình yêu và lòng biết ơn của họ trong thành phố từng là nơi chốn diễn ra những hoạt động lao tâm khổ tứ vĩ đại và những chiến thắng tuyệt vời của ông vì nhân loại.
Với lời chào thân ái cùng với cô giáo của em,
Người bạn thân yêu của anh,
HELEN KELLER.


GỬI NGÀI GEORGE FRISBIE HOAR
CAMBRIDGE, MASS., 25/11/1901

Ngài Thượng nghị sĩ Hoar thân mến:
Cháu rất vui khi ông thích lá thư nói về Tiến sĩ Howe của cháu. Nó được viết ra từ tim cháu, và có lẽ đó là lý do vì sao nó gặp được sự phản hồi đồng cảm từ những con tim khác. Cháu sẽ đề nghị Tiến sĩ Hale cho cháu mượn lại lá thư để cháu có thể sao lại cho ông một bản.
Ông thấy đó, cháu dùng một cái máy đánh chữ, nó là cánh tay phải của cháu, có thể nói thế.  Không có nó, cháu không biết làm sao để học đại học. Cháu viết mọi đề tài và bài thi trên nó, thậm chí tiếng Hy Lạp. Thật sự, nó chỉ có một khuyết điểm, và khuyết điểm đó có lẽ được xem là một thuận lợi bởi các giáo sư; đó là những sai sót của một người có thể được phát hiện ngay trong một thoáng nhìn, vì không có cơ may nào để che giấu chúng trong những nét chữ khó đọc.
Cháu biết ông sẽ vui khi cháu nói với ông rằng cháu rất quan tâm tới chính trị. Cháu muốn có người đọc cho cháu nghe những tờ báo, và cháu cố hiểu những vấn đề lớn lao trong ngày; nhưng cháu e rằng kiến thức của cháu không vững vàng, vì cháu thay đổi ý kiến với mỗi cuốn sách mới mà cháu đọc. Cháu từng nghĩ rằng khi cháu đã nghiên cứu về Chính quyền dân sự và kinh tế học, tất cả những khó khăn và rắc rối của cháu sẽ bừng nở thành những điều chắc chắn đẹp tươi; nhưng chao ôi, cháu phát hiện ra rằng có nhiều cỏ dại hơn lúa mì trong những cánh đồng tri thức phì nhiêu đó…

HẾT PHẦN HAI
 
(Mời các bạn đón đọc tiếp Phần Ba trong bản in của NXB Phụ nữ)


[1] Tiến sĩ Hale đã đọc lá thư này trong buổi lễ kỷ niệm ngày sinh nhật thứ một trăm của Tiến sĩ Samuel Gridley Howe, tại đền Tremont, Boston, ngày 11/11/1901.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét