Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

PHÁC HỌA TIỂU SỬ MỘT SỐ NHÀ XÃ HỘI HỌC - KỲ V

Nguyễn Thành Nhân dịch
(
từ Modern Sociological Theory của George Ritzer)





21
JAMES S. COLEMAN



James S. Coleman có một sự nghiệp đa dạng đáng chú ý, “lý thuyết gia” là một trong những cái tên có thể dùng để gọi ông. Ông nhận bằng tiến sĩ năm 1955 tại trường Đại học Columbia, một năm sau đó, ông bắt đầu sự nghiệp hàn lâm của mình với chức vụ giáo sư trợ giảng ở Đại học Chicago (ông trở lại đó năm 1973, sau 14 năm dạy ở Đại học John Hopkins, và dạy ở đó cho tới khi chết). Cũng trong năm ông bắt đầu dạy ở Chicago, Coleman là tác giả phụ (cùng Seymour Martin Lipset và Martin A.Trow) của các nghiên cứu mốc về lịch sử của xã hội học công nghệ, nếu không phải là xã hội học nói chung, cuốn Công đoàn dân chủ. (Luận văn tiến sĩ của Coleman ở Columbia, được hướng dẫn bởi Lipset, đã xử lý một số vấn đề được kiểm nghiệm trong Công đoàn dân chủ. Khi đó Coleman chuyển hướng quan tâm sang nghiên cứu về giới thanh niên và sự giáo dục, sự tích lũy về đề tài này, một báo cáo cho chính phủ liên bang (nó được biết nhiều dưới cái tên “Báo cáo của Coleman”) đã giúp dẫn tới một không khí tranh luận chính sách sôi nổi về việc đi xe buýt như là một phương pháp để đạt tới sự bình đẳng cấp tiến ở các trường tiểu học của Mỹ. Thông qua tác phẩm này, Coleman đã tạo nên một tác động có tính thực hành to lớn hơn bất kỳ nhà xã hội học nào khác. Kế tiếp, Coleman chuyển sự chú ý từ thế giới thực hành sang lĩnh vực tế nhị của xã hội học toán học (đặc biệt là cuốn Giới thiệu xã hội học toán học-1964 và cuốn Các môn toán của hành động tập thể-1973). Trong những năm sau đó, Coleman quay sang lý thuyết xã hội học, nhất là thuyết chọn lựa hợp lý, trong việc công bố cuốn Các nền tảng của lý thuyết xã hội-1990) và sáng lập tờ báo Sự hợp lý và Xã hội năm 1989. Thể loại các tác phẩm được lưu ý ở đây phản ánh sự đa dạng hầu như không thể tin được, và thậm chí nó không đụng chạm sơ qua tới bề mặt của 28 cuốn sách và 301 bài báo được liệt kê trong những trước tác của Coleman.

Coleman đã nhận một bằng cử nhân khoa học từ Đại học Purdue năm 1949 và làm việc với tư cách một nhà hóa học cho hãng Eastman Kodak trước khi ông bước vào phân khoa xã hội học nổi tiếng ở Đại học Columbia năm 1951. Một ảnh hưởng chủ yếu đối với Coleman là lý thuyết gia Robert Merton, đặc biệt là những bài giảng của ông về Durkheim và các yếu tố quyết định xã hội của hành vi cá thể. Một ảnh hưởng khác là nhà phương pháp luận nổi tiếng Paul Lazarsfeld, từ ông mà Coleman đã có một mối quan tâm suốt đời đến các phương pháp định lượng và xã hội học toán học. Người có ảnh hưởng quan trọng thứ ba là Seymour Martin Lipset, Coleman đã tham dự vào đội khảo sát của ông ta, nhờ đó cuối cùng đã tham dự vào việc tạo ra nghiên cứu có tính bước ngoặt, Công đoàn dân chủ. Như vậy, quá trình  nghiên cứu của Coleman đã đưa đến cho ông một sự giới thiệu thuyết phục đối với các phương pháp lý thuyết, và sự liên kết của chúng trong khảo sát thực nghiệm. Điều này đã và đang là mô hình cho mọi nhà xã hội học nhiều khát vọng.

Trên cơ sở của các thực nghiệm này, Coleman diễn tả “viễn tượng” của ông đối với xã hội học khi ông rời khỏi nơi tốt nghiệp và dấn mình vào sự nghiệp giáo dục chuyên môn:

Xã hội học... cần lấy hệ thống xã hội (dù là hệ thống nhỏ hay lớn) như là đơn vị phân tích của nó, hơn là cá thể; nó cũng cần sử dụng các phương pháp định lượng, bỏ đi các kỹ thuật không có tính hệ thống thích hợp với xu hướng điều tra, nhưng không thích hợp với sự tái tạo, và thường thiếu một sự lý giải hay một tiêu điểm nguyên nhân luận. Tại sao tôi và các sinh viên khác ở Columbia vào thời điểm đó có viễn tượng này? Tôi tin rằng đó là sự kết hợp giữa Robert Merton và Paul Lazarsfeld.

            Nhìn ngược lại từ điểm đứng thuận lợi giữa những năm 1990, Coleman thấy rằng cách tiếp cận của ông đã thay đổi, nhưng không nhiều như ông dự đoán. Ví dụ, xét tới tác phẩm về các bộ môn thi đấu khuyến khích xã hội ở Đại học Johns Hopkins trong những năm 1990, ông  nói: “Chúng làm tôi phải thay đổi định hướng lý thuyết của tôi từ một lý thuyết trong đó các thuộc tính của hệ thống không chỉ là các yếu tố quyết định của hành động (theo nghiên cứu Sự tự sát của Emile Durkheim), tới một lý thuyết trong đó chúng cũng là các hệ quả của các hành động đôi khi có dự tính, đôi khi không dự tính”. Như vậy, Coleman cần một lý thuyết về hành động, và ông đã chọn đi chung với phần lớn các nhà kinh tế học:

nền tảng đơn giản nhất là tính hợp lý, hoặc nếu bạn thích hơn, là hành động có mục đích. Công việc ghê gớm nhất của xã hội học là việc phát triển một lý thuyết đi từ cấp độ vi mô của hành động tới cấp độ vĩ mô của các tiêu chí, các giá trị xã hội, sự phân bố địa vị và sự xung đột xã hội.

            Chính mối quan tâm này lý giải tại sao Coleman dính vào kinh tế học:

Cái phân biệt kinh tế học khỏi các khoa học xã hội khác không phải là việc nó sử dụng “sự chọn lựa hợp lý” nhưng là việc nó sử dụng một kiểu phân tích cho phép di chuyển giữa cấp độ của hành động cá thể và cấp độ của chức năng hệ thống. Bằng cách tạo ra các giả thiết, rằng những cá nhân  hành động một cách hợp lý và rằng các thị trường là hoàn hảo với thông tin đầy đủ, phân tích kinh tế học có thể liên kết cấp độ vĩ mô của chức năng hệ thống với cấp độ vi mô của các hành động cá thể.

            Một khía cạnh khác của viễn tượng của Coleman đối với xã hội học, bao gồm các tác phẩm thời kỳ đầu về các trường học, là nó có thể vận dụng cho chính sánh  xã hội. Ông nói về lý thuyết này: “Một trong những tiêu chuẩn đối với công việc phán xét trong lý thuyết xã hội là tiềm năng hữu dụng của nó đối với việc thông báo chính sách xã hội”. Một vài nhà xã hội học có thể không đồng ý với mục tiêu liên kết các lý thuyết, các phương pháp và chính sách xã hội của Coleman, dù nhiều người không đồng ý với ít nhất một số cách thức trong đó Coleman chọn để liên kết chúng. Dù họ có đồng ý với các đặc thù đó hay không, các nhà xã hội học tương lai sẽ tiếp tục bị thách thức bởi nhu cầu thực hiện tốt hơn công việc liên kết ba khía cạnh này của thực hành xã hội học, và ít nhất một số trong họ sẽ tìm thấy trong tác phẩm của Coleman một mô hình hữu ích.

            (James S. Coleman qua đời ngày 25/3/1995).

22
JESSIE BERNARD



            Cuộc đời và tác phẩm của Jessie Bernard được định tính bởi một khả năng phi thường đối với sự  tiến bộ và phát triển một cách nhanh chóng: bà thường xuyên vượt quá bản thân để tiến vào các lĩnh vực tri thức mới. Quá trình này đã được bà diễn tả trong cuốn: “Bốn cuộc cách mạng của tôi: Một tiểu sử tự thuật - Mô tả về Hiệp hội xã hội học Mỹ”. Trong bài viết này và trong tác phẩm hiện thời của bà, Bernard xem cuộc cách mạng cuối cùng của bà như là một sự vận động hướng tới thuyết nữ quyền đương thời hoặc tới cái mà bà gọi là “trào lưu ánh sáng nữ giới”. Bằng cách theo dõi sự vận động của Bernard để tham gia vào trào lưu ánh sáng nữ giới, chúng ta có thể thấy nhiều về lịch sử sự hòa nhập của phụ nữ vào xã hội học Mỹ ở thế kỷ 20.

            Bernard Jessie Ravitch ra đời ngày 8/6/1903, tại Mineapolis. Sự tiến triển quan trọng đầu tiên của bà là việc rời khỏi gia đình người Do Thái nhập cư của mình để tới trường đại học Minesota ở tuổi 17. Ở trường đại học, bà không chỉ vượt ra khỏi môi trường nhập cư đầu tiên đó, mà quan trọng hơn, còn trở nên gắn bó với các nỗ lực thiết lập xã hội học như là một chuyên ngành được công nhận một cách trọn vẹn trong giới hàn lâm Mỹ. Bà theo học với Sorokin, người sẽ tiếp tục thiết lập phân khoa xã hội học ở Harvard, và với L.L. Bernard, người có công trong việc sáng lập tờ Điểm tin xã hội học Mỹ, Jessie Ravitch làm việc với tư cách trợ lý nghiên cứu cho Bernard trong bốn năm và kết hôn với ông năm 1925. Sự học hỏi với Bernard đã tạo cho bà một nền tảng về cách tiếp cận thực chứng đối với khoa học xã hội học, và đã để lại dấu ấn trong các tác phẩm sau này của bà, cho thấy khả năng của bà trong việc vạch ra một cách thành công sự nghiên cứu định lượng để thực hiện cái sẽ lớn dần thành phép phân tích định lượng và phê phán.

            Bernard di chuyển cùng chồng khi ông nắm giữ một số bổ nhiệm hàn lâm khác nhau. Bà đạt học vị tiến sĩ ở đại học Washington, St. Louis, năm 1935. Vào những năm 1940, vợ chồng Bernard ở tại đại học Pennsylnania State, và Jessie đang ở vào giữa giai đoạn phát triển mạnh mẽ thực chứng luận của bà.

            Sự rời bỏ thực chứng luận của Jessie Bernard đến từ phản ứng đối với các sự kiện của Thế chiến II. Sự hủy diệt người Do Thái của bọn Quốc xã đã phá tan niềm tin của bà vào khả năng của khoa học để nhận thức và tạo ra một thế giới công bình, nó cũng làm bà phải kiểm điểm lại các nguồn gốc Do Thái nhập cư của bản thân. Những từng trải này làm tăng cao sự nhạy cảm của bà đối với bối cảnh xã hội của tất cả mọi kiến thức, dù bà tiến một cách chậm chạp tới lập trường nữ giới này.

            Trùng với những khởi đầu của sự đổ vỡ với thực chứng luận này, giữa những năm 1940, Bernard bắt đầu thiết lập quan điểm học thuật độc lập của riêng bà ở Penn State. Chồng bà mất năm 1951, nhưng Jessie tiếp tục ở lại Penn State cho tới năm 1960, dạy học, viết sách và nuôi nấng ba đứa con. Trong suốt đầu những năm 60, bà đi về thường xuyên giữa Washington D.C. và Penn State, rồi cuối cùng đi ra khỏi cuộc sống hàn lâm để dành trọn thời gian cho việc viết lách và nghiên cứu. Nơi trú ngụ của bà từ giữa những năm 1960 là Washington D.C., dù bà vẫn còn  là giáo sư danh dự ở Penn State. Như vậy, hai thập kỷ sau Thế chiến II đã tạo ra một giai đoạn tăng trưởng mới đối với Bernard, trong đó lần đầu tiên bà đã thiết lập nên một sự nhận diện độc lập về nghề nghiệp với chồng mình và rồi với truyền thống của trường đại học để bắt đầu một sự phản đối ngày càng lớn mạnh trước công luận đối với xã hội học với ý nghĩa là một môn khoa học thực chứng.

            Nhưng thời kỳ đáng chú ý nhất của sự tiến triển là từ năm 1964 cho tới nay. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn cả về mặt phẩm chất và mặt số lượng trước tác của Bernard và cũng vì  cái mà nó nói lên ở bản thân nó về các khuôn mẫu nghề nghiệp của đời sống phụ nữ. Trong thời kỳ này, Bernard đã xuất bản 12 cuốn sách và đưa ra vô số bài báo và phát biểu, tự biến mình thành một trong những người diễn giải hàng đầu cho xã hội học về phái tính. Sự vận động của bà tới vị trí lãnh đạo đã được đánh dấu bởi cùng một kiểu tiến triển. Do vậy, bà đã khước từ các vai trò lãnh đạo truyền thống, như chức chủ tịch của ASA, để dành thời gian cho sự nghiên cứu, viết lách và tham gia vào phong trào phụ nữ. Bà cũng suy ngẫm lại về các tác phẩm trước đây của mình về gia đình và phái tính, để ngày càng hướng tới một sự diễn giải theo thuyết nữ quyền.

            Quan tâm của Bernard vào đời sống phụ nữ minh họa cho năng lực của bà trong việc cân nhắc các quan tâm cốt lõi trong phạm vi các bối cảnh tri thức mới. Bà đã liên tục nghiên cứu và viết về đời sống phụ nữ từ cuối những năm 1930. Các tác phẩm chính của bà bao gồm: Hành vi gia đình người Mỹ (1942), Hôn nhân và gia đình trong những người Mỹ da đen (1956), Sự tái hôn: Một nghiên cứu về hôn nhân (1957), Phụ nữ hàn lâm (1964) Thi đấu giới tính: Sự đối thoại giữa hai giới tính (1968), Phu nữ và quan tâm công cộng: một nghiên cứu về chính sách và sự phản kháng(1971), Tương lai của chức năng làm mẹ (1974), Phụ nữ, các bà vợ, các bà mẹ: các giá trị và các chọn lựa (1975), Thế giới đàn bà (1980), Tương lai của hôn nhân (1982) và Thế giới đàn bà từ một viễn cảnh toàn cầu (1987).

            Các tác phẩm này được định tính bởi bốn phẩm chất chủ yếu: (1) Bernard luôn có khả năng sử dụng các dữ liệu vĩ mô để đi tới những kết luận về tương tác vi mô và kinh nghiệm chủ quan. (2) Bà ngày càng nhận ra tầm quan trọng của kinh nghiệm chủ quan trong việc thiết lập các cấu trúc xã hội vĩ mô. (3) Bà ngày càng nhấn mạnh, từ  hệ quả của phẩm chất thứ hai, bối cảnh xã hội của kiến thức và tính tất yếu về phương pháp luận của việc nghiên cứu các đời sống của các nhóm không thể thấy trong và về chính bản thân chúng, không chỉ đơn giản bằng cách so sánh với kiểu hình thống trị có tính quyết định về mặt gia trưởng. (4) Bà đã đi từ khuôn khổ mối ngờ vực của chính bản thân về cuộc sống của phụ nữ trong lòng bối cảnh truyền thống của xã hội học về gia đình tới một khuôn khổ tập trung vào phụ nữ trong lòng xã hội học phái tính, rồi tới một khuôn khổ có tính chất nữ quyền và phê phán.

            Bernard đã thu được nhiều danh vọng trong sự nghiệp của bà và có lẽ đã đạt tới danh vọng cao nhất là có nhiều giải thưởng đặt theo tên của bà - các giải thưởng được thiết lập, lời của Lipman Blumen, để ghi dấu “những người, giống như bản thân Jessie Bernard, đã cống hiến về mặt tri thức, nghề nghiệp và tính nhân bản cho thế giới học giả và quyền lợi của phái nữ”.


23
DOROTHY E. SMITH



Dorothy E. Smith giải thích rằng lý thuyết xã hội học của bà bắt nguồn từ những kinh nghiệm cuộc sống của bà với tư cách là một người phụ nữ, đặc biệt là một phụ nữ di động giữa hai thế giới - lĩnh vực học thuật do nam giới thống trị và cuộc sống mang bản chất trung tâm nữ giới của một người mẹ đơn độc nuôi con. Nhớ lại bản thân bà ở Berkeley trong đầu những năm 1960 vừa nghiên cứu thực hiện luận văn tiến sĩ xã hội học, vừa phải nuôi con, Smith phản ánh rằng cuộc đời bà hầu như bị đóng khung bởi cái mà bà xem là “không có nhiều tính chất sự nghiệp mà đúng hơn là một chuỗi những sự việc ngẫu nhiên, những sự cố”. Đề tài về sự ngẫu nhiên là một trong nhiều kinh nghiệm cá nhân đã dẫn Smith tới việc thách thức xã hội học chính thống như là hình ảnh của một actor tự nguyện hoạt động thông qua các xung đột vai trò.

            Dù là xảy ra một cách ngẫu nhiên hay có sự ấn định, các sự kiện sau đối với một người ngoài cuộc có vẻ là các giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của Smith. Bà ra đời ở Anh Quốc năm 1926; đạt học vị cử nhân xã hội học của Đại học Luân Đôn năm 1955 và học vị tiến sĩ xã hội học của Đại học California ở Berkeley năm 1963. Cùng thời gian này, bà đã “trải qua kinh nghiệm về hôn nhân, về sự di cư (sang Canada) ngay sau khi kết hôn, về sự ra đời của con cái, về sự ra đi khá sớm của người chồng vào một buổi sáng, về các công việc  trở nên sẵn có trong tầm tay” (Smith). Nói về các kinh nghiệm này, Smith nhấn mạnh rằng chúng “là những khoảnh khắc mà thực sự tôi có rất ít khả năng chọn lựa và tất nhiên rất ít dự đoán trước về chúng”. Các công việc trong tầm tay bao gồm việc nghiên cứu xã hội học ở Berkeley; giảng dạy xã hội học ở Berkeley và Đại học Essex, Colchester, Anh Quốc; giáo sư thỉnh giảng rồi giáo sư chính thức của phân khoa xã hội học Đại học  British Columbia; và từ năm 1977, giáo sư xã hội học giáo dục ở Viện nghiên cứu giáo dục Ontario, Toronto.

            Smith đã viết nhiều đề tài đa dạng, tất cả được nối kết bởi mối quan tâm tới “sự phân đôi” (bifurcation), đôi khi là một chủ đề trung tâm, đôi khi là một motif. Smith xem kinh nghiệm về sự  phân đôi tự thể hiện nó trong sự phân cách giữa các mô tả khoa học xã hội và kinh nghiệm sống của mọi người, giữa kinh nghiệm sống của phụ nữ và các kiểu gia trưởng lý tưởng họ được  trao cho để mô tả kinh nghiệm đó, giữa các cấu trúc của thế giới vi mô và thế giới vĩ mô đã đề ra kinh nghiệm vi mô, và, đặc biệt là giữa thế giới vi mô của những người bị áp bức và thế giới vĩ mô của những người thống trị, mà những hành động của họ đã tạo ra các cấu trúc vĩ mô của sự áp bức. Sự cụ thể hoá các chủ đề này có thể nhìn thấy trong một kiểm điểm có chọn lọc các tựa đề tác phẩm của Smith: “Các số liệu thống kê về phụ nữ và bệnh tâm thần: Làm thế nào để không đọc chúng”, “Thực hiện xã hội học Canada có nghĩa là gì: Thế giới hàng ngày khó hiểu”, “K. bị bệnh tâm thần: Sự mổ xẻ một nguyên nhân có thật”, “Ở đâu có áp bức, ở đó có sự phản kháng”,  Phụ nữ, giai cấp và gia đình”, và trên tất cả, “Một xã hội học cho phụ nữ”. Năm 1987, Smith tiến hành một sự tổng hợp và mở rộng các chủ đề này trong tác phẩm đã trở thành một điểm mốc trong xã hội học nữ quyền, cuốn Thế giới hàng ngày khó hiểu. Bà tiếp tục với cuốn Các thực hành quyền lực mang tính khái niệm, và cuốn Các văn bản, các sự kiện và thuyết nữ quyền.

Điều mà Smith đang thực hiện, đối với các nhà xã hội học nữ quyền, hay thật ra đối với tất cả các nhà xã hội học quan tâm tới các mặt trận lý thuyết về những nghề nghiệp chuyên môn, là một môn xã hội học đã hoà hợp các quan tâm của thuyết tân Marxian với các cấu trúc của sự thống trị và các nhận thức hiện tượng luận với các thế giới tương tác vi mô và khách quan khác nhau. Smith xem các thế giới đời sống hàng ngày đa dạng này định hình một cách chung nhất bởi các cấu trúc vi mô mà tự bản thân chúng lại được định hình bởi các đặc điểm lịch sử của yêu cầu kinh tế. Điều mà Smith muốn tránh, trong việc phát triển phạm vi tìm hiểu nguyên nhân này, là một viễn tượng về một thế giới trong đó những người áp bức thường được diễn tả như là các actor cá thể có những quyết định hợp lý trên cơ sở tư lợi. Bà thấy rằng sự tư lợi bản thân nó được định vị về mặt cấu trúc, và điều mà bà kêu gọi các nhà xã hội học tập trung vào luôn luôn là cấu trúc cuối cùng đã sản sinh ra kết quả sắp tới. Nhưng bà tin rằng cấu trúc này chỉ có thể nhận thức được bởi việc bắt đầu với kết quả sắp tới, nghĩa là, bằng cách khảo sát các thế giới hàng ngày của các cá thể đã được định vị. Bà lo ngại rằng nhiều khoa học xã hội tạo ra sự hoang mang bối rối hơn là chọn lọc các cấu trúc đã tạo ra các thế giới này, bởi vì nhiều môn khoa học xã hội bắt đầu với một giả thiết rằng các cấu trúc đã được biết rồi, và có thể nhận biết một cách cách biệt, với các thế giới đời sống hàng ngày. Tác phẩm gần đây của bà tiếp tục tiến hành dự án của bà về một môn xã hội học cho phụ nữ thông qua việc khảo sát các cấu trúc vi mô với ý nghĩa là các nhà tổ chức ra các thế giới cuộc sống hàng ngày. Bà đặc biệt quan tâm tới việc phát triển các khảo sát của mình về sự tổ chức trên cơ sở văn bản và các quan hệ xã hội qua trung gian văn bản trong các thực hành cuộc sống hàng ngày tại địa phương của mọi người. Ở đây, tác phẩm của bà đề ra một sự lựa chọn về mặt xã hội học cho các lý thuyết nữ quyền hậu hiện đại/hậu cấu trúc.

Các  nhà xã hội học hoạt động từ một viễn cảnh nữ quyền hiện nay đang ngày càng quay sang Smith  như là một bộ khung cơ bản về hệ thống cho các quan tâm chủ yếu của họ.


24
RANDALL COLLINS (Tự thuật)



Tôi khởi sự để trở thành một nhà xã hội học ở một lứa tuổi còn rất trẻ. Ba tôi làm việc cho cơ quan quân báo vào cuối Thế chiến II và rồi tham gia vào Ủy ban Nhà nước với cương vị một quan chức ngoại giao. Một trong những ký ức đầu tiên của tôi là việc tới Berlin để gặp mặt ông vào mùa hè năm 1945. Các bà chị và tôi không được chơi đùa trong công viên vì không khí súng đạn lan tràn ở khắp nơi, rồi một ngày kia những người lính Nga đến chỗ sân sau của chúng tôi để đào lên một xác người.  Sự kiện này gây cho tôi một nhận thức rằng sự xung đột là rất quan trọng  và bạo lực luôn luôn có thể xảy ra.

Những chuyến công du của ba tôi sau đó mang chúng tôi tới Liên Xô, trở lại Đức (khi đó nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Mỹ), tới Tây Ban Nha và Nam Mỹ. Giữa những chuyến công du hải ngoại, chúng tôi thường là ở Mỹ, thế nên tôi cứ xoay chuyển giữa vị trí là một đứa trẻ con Mỹ bình thường và một quan khách ngoại quốc có đặc quyền. Tôi nghĩ điều này đã tạo ra một số độc lập nhất định trong việc quan sát các mối quan hệ xã hội. Khi tôi lớn hơn, cuộc đời học hành thi cử xem ra có vẻ ít sâu sắc, và giống như một vòng tròn vô tận những trình tự hình thức trong đó mọi người chẳng bao giờ nói về các vấn đề chính trị quan trọng đang diễn ra; sự ngăn cách giữa sự bí ẩn hậu trường và nghi lễ tiền trường sân khấu đã làm cho tôi sẵn lòng tán đồng với Erving Goffman.

Khi tôi đủ lớn để cùng đi với ba má ra nước ngoài, tôi được gửi vào một trường dự bị đại học ở Tân Tây Lan. Nó đã dạy cho tôi một thực tế xã hội học lớn lao khác: sự tồn tại của sự phân tầng. Nhiều sinh viên khác, đến từ các gia đình danh giá, và trong tôi bắt đầu lờ mờ hiện ra nhận thức rằng ba tôi không thuộc cùng tầng lớp giai cấp với các vị đại sứ và phó bí thư ngoại vụ của nhà nước mà con cái của họ thỉnh thoảng tôi có gặp.

Tôi vào học ở Harvard, ở đó tôi đã chuyển đổi phân khoa rất nhiều lần. Tôi đã học văn học và cố trở thành nhà viết kịch và tiểu thuyết. Rồi tôi chuyển sang toán học, rồi triết học; tôi đọc được Freud và dự tính trở thành một nhà tâm lý học, cuối cùng tôi chọn phân khoa khoa học xã hội, bao trùm các bộ môn xã hội học, tâm lý xã hội và nhân loại học. Việc dự các khoá giảng của Tallcott Parsons đã ấn định con đường tôi sẽ bước. Ông đề cập đến mọi vấn đề, từ vi mô tới vĩ mô, và đi xuyên qua tiến trình lịch sử. Cái tôi học được từ lý thuyết riêng của ông không nhiều cho bằng ý tưởng về điều mà xã hội học có thể thực hiện. Ông cũng cung cấp cho tôi một số tư liệu quan trọng về văn hoá tư bản: rằng Weber ít có quan tâm đến đạo đức của tín đồ Tin lành hơn là đến sự so sánh các động năng của mọi tôn giáo trên thế giới, và rằng Durkheim đã đặt ra câu hỏi chính yếu khi ông cố gắng vén mở các cơ sở tiền khế ước của trật tự xã hội.

Tôi  nghĩ tôi muốn trở thành nhà tâm lý học và tới học ở Stanford, nhưng một năm làm công việc cắm điện cực vào các bộ não chuột làm tôi tin rằng xã hội học là nơi tốt hơn để nghiên cứu về con người. Tôi đột ngột chuyển trường, và tới Berkeley vào mùa hè năm 1964, vừa đúng lúc để tham gia vào phong trào đòi quyền dân sự.  Lúc đó, phong trào diễn thuyết đang nảy nở trong các khu lưu xá, chúng tôi đã từng là các cựu binh biểu tình ngồi, và bị bắt vì một nguyên nhân khác do cảm thấy nguồn năng lượng tình cảm mà người ta  có thể thực hiện trong mối liên kết chặt chẽ với hàng trăm người khác. Tôi đang phân tích xã hội học về xung đột trong cùng thời gian chúng tôi trải nghiệm nó. Khi cuộc chiến tranh Việt Nam và các xung đột cấp tiến leo thang, phong trào đối lập bắt đầu từ bỏ các nguyên tắc bất bạo động của nó; nhiều người trong chúng tôi bắt đầu vỡ toang ảo tưởng và quay sang một cách sống hip-pi, bỏ học giữa chừng. Nhưng nếu bạn không đánh mất ý thức xã hội học của mình, nó có thể được toả sáng. Tôi đã nghiên cứu Erving Goffman với Herbert Blumer (lúc đó cả hai đều là giáo sư của Berkeley), và bắt đầu nhìn thấy mọi khía cạnh xã hội - sự xung đột, sự phân tầng, và tất cả những thứ còn lại - được xây dựng ra sao từ các trình tự tương tác của cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Tôi chưa bao giờ dự tính trở thành một giáo sư, nhưng giờ đây tôi đã giảng dạy ở nhiều trường đại học, tôi cố gắng đặt tất cả mọi thứ vào trong một cuốn sách, cuốn Xã hội học xung đột, nhưng hoá ra tôi đã phải viết một cuốn khác, Xã hội ủy thác, để lý giải tình trạng lạm phát trong hệ thống địa vị mà trong đó chúng ta vướng vào. Xem việc phân tích của tôi là nghiêm túc, tôi từ bỏ thế giới hàn lâm và trong một thời gian kiếm sống bằng cách viết một cuốn tiểu thuyết và nhiều sách giáo khoa. Cuối cùng, bị hấp dẫn bởi một số đồng nghiệp thú vị, tôi lại quay về nghề giảng dạy. Lĩnh vực của chúng tôi là tìm hiểu một số lớn sự vật, từ một chân dung mới của lịch sử thế giới thông qua các chi tiết vi mô của các tình cảm xã hội. Một trong những ảnh hưởng quan trọng đối với tôi là người vợ thứ hai của tôi, Judith Mac Connnell. Bà đã tổ chức các nữ luật sư để phá vỡ các rào chắn tội phạm trong nghề nghiệp pháp lý. Và giờ đây tôi đang học ở bà về các hậu trường sân khấu chính trị của bộ máy tư pháp cấp cao.Trong xã hội học và trong xã hội, còn quá nhiều điều phải tiến hành.

25
NOBERT ELIAS



            Nobert Elias có một sự nghiệp thú  vị và có tính giáo dục. Ông đã viết tác phẩm quan trọng nhất của mình từ những năm 1930, nhưng lúc bấy giờ nó đã bị làm ngơ, và cả trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, vào cuối đời, Elias và tác phẩm của ông đã được “phát hiện”, đặc biệt là ở Anh và Hòa Lan. Ngày nay, danh tiếng của Elias đang lớn dần, và tác phẩm của ông ngày càng được chú ý và công nhận trên khắp thế giới. Elias sống đến năm 93 tuổi (ông qua đời năm 1990), đủ lâu dài để tầm quan trọng của tác phẩm của ông đạt được sự thừa nhận muộn màng nhưng bền vững.

            Elias ra đời ở Breslau, Đức năm 1897. Cha của ông  là một chủ xưởng sản xuất nhỏ và gia đình sống một cuộc sống tiện nghi. Căn nhà hiển nhiên là một nơi chốn thân yêu và nó mang lại cho Elias một sự tự tin giúp ích cho ông sau này, khi tác phẩm của ông không được thừa nhận:

Tôi đặt nó dưới một niềm tin lớn lao vào sự an toàn như khi tôi còn là một đứa bé… Tôi có một cảm giác tuyệt đối an toàn, một cảm giác mà rốt cuộc làm cho mọi sự hóa ra tốt đẹp, và tôi quy nó cho cảm giác an toàn lớn lao về tình cảm mà ba má tôi đã cho tôi khi còn bé.

Tôi sớm biết điều tôi muốn thực hiện; tôi muốn vào trường đại học, tôi muốn khảo cứu. Tôi biết điều đó ngay khi còn trẻ, và tôi đã thực hiện được, dù có đôi lúc tưởng chừng như đó là điều không thể được… Tôi có niềm tin lớn lao rằng cuối cùng tác phẩm của tôi sẽ được công nhận là một đóng góp lớn lao cho tri thức về nhân loại.

            Elias phục vụ cho quân đội Đức trong Thế chiến I, và sau chiến tranh ông trở lại công việc nghiên cứu triết học và y khoa tại Đại học Breslau. Dù ông tiến rất xa trong các nghiên cứu y khoa, nhưng cuối cùng ông từ bỏ chúng để dành tất cả cho việc nghiên cứu triết học. Công việc trong lĩnh vực y khoa đã đem lại cho ông một nhận thức về mối liên lạc tương quan giữa các bộ phận khác nhau trong thân thể con người, và quan điểm này đã định hình định hướng của ông đối với các mối liên lạc tương quan của con người - mối quan tâm đến các hình tượng của ông. Elias nhận học vị tiến sĩ vào tháng 1/1924; chỉ đến khi ấy ông mới tới Heidelberg để học xã hội học.

            Elias không nhận được tiền công ở Heidelberg, nhưng ông hoạt động một  cách tích cực trong lĩnh vực xã hội học ở trường đại học. Max Weber qua đời năm 1920, nhưng những buổi họp mặt do vợ ông là Mariane chủ trì vẫn hoạt động, và Elias tham gia vào đó. Ông cũng cộng tác gắn bó với Alfred, em của Weber, người nắm giữ một ghế của môn xã hội học ở trường đại học, cũng như với Karl Mannheim, người hơi tiến bộ hơn Elias chút ít trong tiền đồ sự nghiệp. Thực tế, Elias đã trở thành một người bạn và một trợ lý không chính thức và không ăn lương cho Mannheim. Khi Mannheim được đề nghị một vị trí ở Đại học Frankfurt năm 1925, Elias cùng đi với ông với tư cách là trợ lý chính thức và có hưởng lương.

            Adolf Hitler nắm quyền vào tháng 3/1933, và chẳng bao lâu sau, Elias, như những học giả Do Thái khác, (kể cả Mannheim) lâm vào cảnh tha hương, đầu tiên là ở Paris, rồi sau đó London (người ta tin rằng mẹ của Elias chết ở một trại tập trung vào năm 1941). Chính ở London, Elias đã viết phần lớn tác phẩm Quá trình văn minh hóa, xuất bản ở Đức năm 1939. Khi đó ở  Đức không có thị trường cho những cuốn sách do một người Do Thái viết, và Elias chưa bao giờ nhận được một xu nhuận bút nào cho bản đó. Ngoài ra, cuốn sách chỉ được thừa nhận một cách hiếm họa ở những nơi khác trên thế giới.

            Trong chiến tranh và hầu như một thập kỷ kế tiếp, Elias bôn ba không có một chỗ làm ổn định và vẫn ở bên lề phạm vi học thuật hàn lâm Anh Quốc. Tuy nhiên, vào năm 1954, Elias được đề nghị hai vị trí hàn lâm, và ông nhận một ở trường Leicester. Như vậy, Elias bắt đầu sự nghiệp hàn lâm chính thức ở tuổi 57. Sự nghiệp của ông nở rộ ở Leicester, và tiếp theo là một số ấn  phẩm quan trọng. Tuy nhiên, Elias thất vọng với chức giáo sư thường xuyên ở Leicester vì ông thất bại trong nỗ lực thể chế hóa một cách tiếp cận phát triển có khả năng thay thế cho các tiếp cận tĩnh tại (của Talcott Parsons và nhiều người khác) khi đó đang nổi trội trong xã hội học. Ông cũng thất vọng vì có ít sinh viên theo cách tiếp cận của ông; ông tiếp tục là kẻ đơn độc lạc lõng, ngay cả ở Leicester, nơi mà sinh viên có xu hướng xem ông là một  người lập dị “thuộc về quá khứ”. Phản ánh lại cảm giác ngoài lề là một cơn mơ tái diễn mà Elias đã thuật lại trong những năm đó, một tiếng nói từ điện  thoại nhắc đi nhắc lại câu nói: “Ông có thể nói lớn hơn không? Tôi không nghe thấy ông”. Điều thú vị cần lưu ý là trong suốt những năm ông ở đại học Leicester, không có cuốn sách nào của ông được dịch sang tiếng Anh, và rất ít nhà xã hội học Anh thời đó thông thạo tiếng Đức.

            Tuy nhiên, ở lục địa, đặc biệt là ở Hòa Lan và Đức, tác phẩm của Elias  bắt đầu được phát hiện vào những năm 1950 và 1960. Trong những năm 1970, Elias bắt đầu nhận được không chỉ sự công nhận của giới hàn lâm, mà của cả công chúng ở Châu Âu. Suốt quãng đời còn lại, Elias nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, một bằng tiến sĩ danh dự, tuyển tập nhiều tác giả viết để tôn vinh ông, và sự phát hành đặc biệt gấp bội cuốn Lý thuyết, văn hóa và xã hội dành cho tác phẩm của ông.

            Điều thú vị là, trong khi giờ đây Elias nhận được sự công nhận rộng rãi trong xã hội học (kể cả việc được bao gồm trong cuốn sách này), tác phẩm của ông đã nhận được sự công nhận đó trong một giai đoạn mà trong đó xã hội học đang ngày càng ít chấp nhận loại tác phẩm của ông.  Nghĩa là, sự ra đời của  tư duy hậu hiện đại đã dẫn nhiều nhà xã hội học tới việc đặt vấn đề đối với bất kỳ thể văn đại tự sự nào, và tác phẩm chính của Elias, cuốn Quá trình văn minh hóa, không là gì khác ngoài một thể văn đại tự sự theo phong cách cổ. Nghĩa là nó quan tâm tới sự phát triển lịch sử  lâu dài  (có tính chất thăng trầm) của sự văn minh hóa ở phương tây. Sự tăng trưởng của tư duy hậu hiện đại đe dọa sẽ hạn chế sự chú ý tới tác phẩm của Elias ngay khi nó vừa bắt đầu nhận được sự quan tâm rộng rãi.

KỲ TRƯỚC 

XEM TIẾP 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét