Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

PHÁC HỌA TIỂU SỬ MỘT SỐ NHÀ XÃ HỘI HỌC - KỲ IV


Nguyễn Thành Nhân trích dịch
(Từ Modern Sociological Theory của George Ritzer)
 


16
GEORGE HERBERT MEAD



            Phần lớn các lý thuyết gia quan trọng thảo luận trong cuốn sách này đạt được sự thừa nhận lớn nhất trong cuộc đời vì những tác phẩm đã công bố của họ. Tuy nhiên, trong đời mình, ít nhất George Herbert Mead cũng quan trọng vì sự nghiệp giáo dục không kém các trước tác của ông. Tác phẩm của ông có một sức tác động mạnh  mẽ đến nhiều người mà về sau sẽ trở thành những nhà xã hội học quan trọng trong thế kỷ 20. Như một trong những sinh viên của ông nói, “Đối thoại chính là phương tiện truyền đạt tốt nhất của ông, việc viết lách chỉ đứng hàng thứ hai”. Chúng ta hãy xem một học trò khác của ông, bản thân cũng là một nhà xã hội học nổi tiếng - Leonard Cottrell - diễn tả tác phong giáo sư của ông:

Đối với tôi, khóa học với Giáo sư Mead là một kinh nghiệm duy nhất và không thể nào quên được… Giáo sư Mead là một người to lớn, hòa nhã, dễ nhìn, có một bộ ria tuyệt diệu và một hàm râu kiểu Vandyke. Tính cách ông nhân từ, có một nụ cười hơi e thẹn cùng với ánh lấp lánh trong đôi mắt như thể ông đang thú vị với một trò đùa bí mật ông ngầm chơi với đám khán giả của ông…

Khi ông giảng, luôn luôn không có sổ ghi chú, Giáo sư  Mead thường cầm một viên phấn và nhìn nó một cách đăm chiêu… Khi giảng tới một điểm đặc biệt tế nhị trong bài, ông thường thoáng nhìn lên và gửi qua đầu chúng tôi một nụ cười mỉm e thẹn, hầu như hối lỗi - chứ chả bao giờ nhìn vào một ai cả. Bài giảng của ông trôi chảy và chúng tôi sớm hiểu rằng các câu hỏi hay nhận xét trong lớp không được hoan nghênh. Thật ra, nếu có ai đó cứng cựa để đặt một câu hỏi, liền có ngay một chuỗi  lầm bầm phản đối của đám sinh viên. Họ phản đối bất cứ cái gì cắt ngang dòng chảy quý như vàng đó..

Kỳ vọng của ông vào đám sinh viên rất khiêm tốn. Ông không bao giờ ra bài thi. Công việc chính của chúng tôi là ghi chép những gì hiểu được vào một tờ giấy nếu có thể. Những tờ này được giáo sư Mead đọc một cách cẩn thận, và những gì ông nghĩ về tờ giấy của bạn chính là thứ hạng của bạn trong khóa giảng. Người ta có thể cho rằng những sinh viên có thể đọc tư liệu để làm bài chứ không cần dự lớp nhưng không  phải như thế. Sinh viên luôn luôn đến. Họ chẳng bao giờ thấy đủ với Mead.

Qua nhiều năm, nhiều tư tưởng xã hội học của Mead được xuất bản, đặc biệt là cuốn Trí tuệ, Bản ngã và Xã hội. Cuốn sách này và nhiều tác phẩm khác của Mead đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội học đương thời.

Ra đời ở Nam Hadley, Massachusetts ngày 27/2/1863, Mead được đào tạo chủ yếu là triết học và các ứng dụng của nó đối với tâm lý học xã hội. Ông nhận bằng cử nhân từ trường Cao đẳng Oberlin (nơi bố ông làm giáo sư) năm 1833, và sau một vài năm làm giáo viên trung học phổ thông, giám thị cho các công ty hỏa xa, gia sư, Mead bắt đầu làm nghiên cứu sinh ở Harvard năm 1887. Sau vài năm nghiên cứu ở Harvard, cũng như ở ĐH Leipzig và Berlin, Mead được đề nghị một chức trợ giảng ở ĐH Michigan năm 1891. Khá thú vị khi lưu ý rằng Mead chưa bao giờ nhận một bằng cấp tốt nghiệp ĐH nào. Năm 1894, với lời mời của John Dewey, ông chuyển tới ĐH Chicago và ở lại đó đến cuối đời. Ngoài việc dạy học và các hoạt động học giả, Mead rất tích cực về chính trị, đặc biệt trong phong trào cải cách ở Chicago.

George Herbert Mead qua đời ngày 26/4/1931.

17
ERVING GOFFMAN



Erving Goffman qua đời năm 1982, ở tột đỉnh danh vọng của ông. Từ lâu, ông đã được xem là một nhân vật “khả kính” trong lý thuyết xã hội học. Địa vị này đạt được bất chấp sự kiện ông đã là giáo sư trong phân khoa xã hội học uy tín ở ĐH California, Berkerley, và sau đó giữ một ghế ở ĐH bang Pensylvania của Ivy League.

Cho tới năm 1980 ông đã nổi lên như là một nhà lý thuyết quan trọng trung tâm. Thực tế, ông đã được bầu làm chủ tịch của Hiệp hội xã hội học Mỹ vào năm ông chết, nhưng đã không thể đưa ra lời phát biểu nhậm chức Chủ tịch vì căn bệnh có sẵn trước đó. Về chuyện này, Randall Collins nói trong phát biểu của ông: “Mọi người tự hỏi ông sẽ làm gì với phát biểu nhậm chức Chủ tịch của ông: một sự thể hiện thẳng thắn theo truyền thống hầu như là điều không thể nghĩ ra đối với Goffman, với danh tiếng người đả phá thần tượng của ông... chúng ta nhận được một thông điệp xa hơn thế: diễn văn nhậm chức bị hủy, Goffman chết. Đó là một cách thức thích hợp theo phong cách Goffman để ra đi”.

Goffman sinh ngày 11/6/1922 ở Alberta, Canada. Ông đạt được các học vị sau đại học ở ĐH Chicago và thường được cho là một thành viên của trường phái Chicago và là một lý thuyết gia Tương tác biểu tượng. Tuy nhiên, khi ông được hỏi trong thời gian ngắn trước khi chết  rằng ông có phải là một nhà TTBT không, ông trả lời rằng cái tên đó quá mơ hồ để cho phép ông tự đặt mình vào sự phân loại đó. Trong thực tế, khó mà gán ép tác phẩm của ông vào bất kỳ một phạm trù riêng lẻ nào. Trong sự sáng tạo ra viễn cảnh lý thuyết của ông, Goffman rút ra từ nhiều nguồn và tạo lập một định hướng riêng biệt.

Collins kết nối Goffman với nhân loại học xã hội hơn là thuyết TTBT. Khi còn là một sinh viên ở ĐH Toronto, Goffman đã nghiên cứu với một nhà nhân loại học, và ở Chicago “các tiếp xúc chủ yếu của ông không phải là với các nhà TTBT, mà là với W. Lloyd Warner (một nhà nhân loại học)”. Theo quan điểm của Collins, một sự kiểm tra về các trích dẫn trong các tác phẩm thời kỳ đầu của Goffman chỉ ra rằng ông chịu ảnh hưởng của các nhà nhân loại học xã hội và hiếm khi trích dẫn các nhà TTBT, và nếu có làm điều này, đó là để phê phán họ. Tuy nhiên, Goffman chịu ảnh hưởng của các nghiên cứu mô tả được sản sinh ở Chicago và đã hoà hợp các quan điểm của chúng với của môn nhân loại học xã hội, để tạo ra viễn cảnh riêng biệt của ông. Do vậy, trong khi một nhà TTBT nhìn vào cách thức mọi người tạo ra hoặc tranh luận với sự tự hình dung của họ ra sao, Goffman quan tâm đến cách thức  “xã hội... buộc mọi người phải thể hiện một hình ảnh nhất định về bản thân họ... bởi vì nó buộc chúng ta phải di chuyển tới lui giữa nhiều vai trò phức tạp, nó cũng làm cho chúng ta luôn luôn hơi không chân thật, không kiên định và đê tiện”.

Bất chấp cách nhìn có tính cách riêng biệt đó của ông, Goffman vẫn có ảnh hưởng sâu sắc đến thuyết TTBT. Ngoài ra, có thể lý luận rằng ông đã góp phần vào việc định hình một môn xã hội về cuộc sống đời thường khác, môn phương pháp luận thực hành. Thực tế, Collins xem Goffman là nhân vật chủ chốt trong việc hình thành không chỉ phương pháp luận thực hành, mà cả phép phân tích đối thoại: “Chính Goffman là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu tiếp cận thực nghiệm về cuộc sống hàng ngày, dù ông đã làm điều này với đôi mắt trần trụi của ông; trước thời đại của băng cát-sét và máy quay video”. Thực tế, một số nhà PPLTH đã theo học với Goffman ở Berkeley chứ không phải với người sáng lập ra môn PPLTH, Harold Garfinkel.

Có tầm ảnh hưởng lớn lên thuyết TTBT, thuyết cấu trúc, PPLTH, các lý thuyết của Goffman có vẻ sẽ vẫn tiếp tục có ảnh hưởng trong một thời gian dài nữa.

18            
GEORGE CASPAR HOMANS (Tiểu sử tự thuật)



Tại sao tôi trở thành một nhà xã hội học, phần lớn đó là một việc hết sức tình cờ, tôi đã diễn tả trong các ấn phẩm khác. Tác phẩm được chấp nhận của tôi về xã hội học bắt đầu bởi sự liên hệ của tôi vào năm 1933, với các giáo sư Lawrence Henderson và Elton Mayo ở trường Doanh thương Harvard. Henderson, một nhà sinh hóa đang nghiên cứu các đặc tính tâm lý học của lao động công nghệ, Mayo là một nhà tâm lý học về các yếu tố con người. Lúc bấy giờ và sau này Mayo là giám đốc của các nhà nghiên cứu nổi tiếng ở Hawthome Plant của công ty Điện tử miền Tây ở Chicago.

Tôi tham dự vào một khóa đọc và thảo luận dưới sự hướng dẫn của Mayo, trong số các cuốn khác, Mayo yêu cầu các sinh viên của ông đọc nhiều sách khác nhau viết bởi các nhà nhân loại học xã hội hàng đầu, đặc biệt là Malinowski, Radcliffe Brown và Firth. Mayo muốn chúng tôi đọc những cuốn sách đó để chúng tôi có thể hiểu tại sao, trái với hiện đại, trong các xã hội nguyên thủy, các nghi thức xã hội hỗ trợ cho sự lao động sản xuất.

Tôi bắt đầu chú ý đến chúng vì một lý do hoàn toàn khác. Trong những ngày đó các nhà nhân loại học văn hóa thống trị về mặt tri thức, và các bạn cùng nhóm này với tôi, như  Clyde Kluckhohn, quả quyết rằng mọi nền văn hóa đều thống nhất. Thay vì thế, tôi bắt đầu nhận thức từ việc đọc sách rằng các thể chế nhất định của các xã hội nguyên thủy tự lặp lại chúng ở những nơi bị cách ly rất xa về thời gian và không gian đến nỗi các xã hội đó không thể nào vay mượn được lẫn nhau. Các nền văn hóa không thống nhất và, điều hơn thế, là các tương đồng của chúng chỉ có thể lý giải bởi giả đoán rằng bản chất con người trên khắp thế giới là như nhau. Các thành viên của các chủng loại người lao động trong những hoàn cảnh tương tự đã sáng tạo ra một cách độc lập các thể chế tương tự như nhau. Điều này không phải là một quan điểm phổ biến vào thời bấy giờ. Còn bây giờ thì tôi không chắc lắm.

Vào lúc ấy tôi đã được tiếp xúc với một số nghiên cứu cụ thể hay “lĩnh vực” về các nhóm nhỏ con người, cả hiện đại và nguyên thủy. Khi tôi được gọi để thực hiện nghĩa vụ trong hải quân dạo Thế chiến II, tôi suy gẫm về vấn đề này trong những khoảng thời gian dài dằng dặc đứng ngắm nhìn biển cả. Rất đột nhiên, tôi nhận ra rằng một số các nghiên cứu này có thể diễn tả bằng các khái niệm chung cho tất cả chúng. Trong một vài ngày, tôi đã phác họa một lược đồ khái niệm như thế.

Quay trở lại Harvard với một chức vụ giáo viên thường xuyên sau chiến tranh, tôi bắt đầu viết một cuốn sách, về sau được đặt tựa là Nhóm của con người, được dự tính nhằm vận dụng lược đồ khái niệm của tôi đối với các nghiên cứu liên quan. Trong thời gian viết cuốn sách này, tôi nhận ra rằng một lược đồ khái niệm chỉ có ích ở điểm khởi đầu của một khoa học. Cái kế tiếp đòi hỏi phải có là các định đề quan hệ liên kết các khái niệm lại với nhau. Trong cuốn Nhóm của con người, tôi nói về một số định đề như thế, mà dường như  rất phù hợp với những nhóm tôi đã chọn.

Từ lâu, tôi đã biết giáo sư Talcott Parsons và lúc bấy giờ liên kết gần gũi với ông trong phân khoa Quan hệ xã hội. Ngành xã hội học xem ông là nhà lý thuyết lãnh đạo của nó. Tôi quyết định rằng cái mà ông gọi là các lý thuyết chỉ là những lược đồ khái niệm, và một lý thuyết không phải là một lý thuyết cho đến khi nó có một vài định đề tối thiểu. Tôi trở nên tin chắc rằng quan điểm này là đúng nhờ việc đọc nhiều sách về triết học của khoa học.

Một lý thuyết chỉ chứa đựng các định đề cũng chưa đủ. Một lý thuyết về  một hiện tượng phải là một sự lý giải về nó. Sự lý giải bao gồm việc chỉ ra rằng một hay nhiều định đề của một trật tự tổng quát thấp về mặt logic xuất phát từ các định đề chung hơn được vận dụng đối với cái được gọi một cách đa dạng là các điều kiện đưa ra hoặc điều kiện ranh giới hoặc các giới hạn. Tôi đã phát biểu quan điểm về vấn đề này trong cuốn sách nhỏ Bản chất của khoa học xã hội của tôi.

Rồi tôi tự hỏi những định đề chung nào tôi có thể sử dụng theo cách này để giải thích các định đề thực nghiệm tôi đã phát biểu trong cuốn Nhóm của con người và các định đề khác đi vào sự chú ý của tôi khi về sau tôi đọc các nghiên cứu lĩnh vực và htực ngiệm trong tâm lý học xã hội. Các định đề chung phải gặp cùng một điều kiện, theo nhận thức nội quan nguyên thủy của tôi, chúng nên vận dụng đối với cá thể loài người như là các thành viên của một loài.

Các định đề như thế đã nằm trong tầm tay - may mắn sao, vì tôi không thể tự mình phát minh ra chúng. Chúng là những định đề về tâm lý học hành vi như đã được phát biểu bởi bạn cũ của tôi, B.F. Skinner và những người khác. Họ nắm vững về các cá nhân cả trong khi hành động đơn độc trong môi trường vật chất hay trong tương tác với những cá nhân khác. Trong hai lần xuất bản cuốn Hành vi xã hội của tôi, tôi đã sử dụng những định đề này để cố giải thích dưới các điều kiện đưa ra thích hợp, các cấu trúc tương đối bền vững có thể nảy sinh từ, và được duy trì bởi, các hành động của các cá thể, những người không nhất thiết phải dự tính tạo ra các cấu trúc đó, như thế nào. Điều này tôi xem là vấn đề tri thức trung tâm của xã hội học.

Một khi các cấu trúc đã được tạo ra, chúng có ảnh hưởng xa hơn lên hành vi của các cá nhân tham gia vào chúng hoặc có liên lạc với chúng. Nhưng các ảnh hưởng xa này được lý giải bởi cùng các định đề đã được dùng để lý giải sự sáng tạo và duy trì các cấu trúc ở vị trí đầu tiên. Các cấu trúc chỉ cung cấp các điều kiện đưa ra mới mà với chúng các định đề sẽ được vận dụng. Môn xã hội học của tôi vẫn chủ yếu là mang tính chất cá thể chứ không phải tập thể.

(George Homans qua đời năm 1989)

19
PETER BLAU



Peter Blau sinh ở Viena, Áo ngày 7/2/1918. Ông di cư sang Hoa Kỳ năm 1939 và trở thành công dân Mỹ năm 1943. Năm 1942, ông nhận bằng cử nhân từ một trường tương đối ít tiếng tăm là Cao đẳng Elmhurst, Elmhurst, bang Illinois. Việc học của ông bị gián đoạn bởi Thế chiến II,  ông phục vụ trong quân đội Mỹ và được tặng thưởng một bội tinh đồng. Sau chiến tranh, ông trở lại việc học và hoàn tất chương trình, nhận bằng tiến sĩ ở ĐH Columbia năm 1952.

Blau được công nhận rộng rãi lần đầu tiên trong giới xã hội học vì những đóng góp của ông trong nghiên cứu về các tổ chức chính thức. Các nghiên cứu thực nghiệm của ông về các tổ chức  cũng như những giáo trình của ông về các tổ chức chính thức vẫn còn được trích dẫn rộng rãi trong tiểu lĩnh vực này, và ông tiếp tục là người đóng góp thường xuyên cho nó. Ông cũng được chú ý vì một cuốn sách đồng tác giả với Ois Dudley Duncan, cuốn Cấu trúc nghề nghiệp nước Mỹ, đoạt giải thưởng uy tín Sorokin Award của Hiệp hội xã hội học Mỹ năm 1968. Tác phẩm này thiết lập một cống hiến rất quan trọng cho nghiên cứu xã hội học về sự phân tầng xã hội.

Mặc dù ông được biết đến nhờ một loạt tác phẩm, cái làm chúng ta chú ý ở đây là các cống hiến của ông cho xã hội học lý thuyết. Điều nổi bật ở đây là Blau đã có những đóng góp quan trọng cho hai định hướng lý thuyết riêng biệt. Cuốn sách Sự trao đổi và quyền lực trong đời sống xã hội năm 1964 là một thành tố chủ yếu của lý thuyết trao đổi đương thời. Đóng góp chính của Blau là về cơ bản đã chọn lý thuyết trao đổi vi mô và cố gắng vận dụng nó vào các vấn đề vĩ mô. Dù còn có một số yếu kém đáng chú ý, nó đã thiết lập một nỗ lực quan trọng để hòa hợp về mặt lý thuyết các vấn đề xã hội học vi mô và vĩ mô. Blau cũng đã ở tuyến đầu của lý thuyết cấu trúc. Trong thời kỳ giữ chức chủ tịch Hiệp hội xã hội học Mỹ (1973-1974), ông lấy nó làm chủ đề chính của cuộc hội nghị thường niên của hiệp hội. Từ dạo đó, ông đã xuất bản một số sách và bài viết được thiết kế để phân loại và mở rộng thuyết cấu trúc. Tác phẩm mới nhất của ông trong lĩnh vực này là Các bối cảnh cấu trúc của các cơ hội (1994).

20
RICHARD EMERSON



Richard Emerson sinh ở Salt Lake City, Utah năm 1925. Ra đời ở gần các ngọn núi, ông hầu như không bao giờ lạc khỏi những dòng sông, các đỉnh núi, các sông băng. Một trong những thành tựu cá nhân đáng tự hào nhất của ông là việc tham dự cuộc leo núi thành công lên đỉnh Everest năm 1963. Các khía cạnh của kinh nghiệm này được phản ánh trong ấn phẩm của ông “Vượt đỉnh Everest” trong bộ tháng 3/1963 của Tập san thường niên Câu lạc bộ leo núi, và trong một bài viết công bố trong tạp chí Sociometry năm 1966. Ông được Tổ chức Khoa học Quốc gia dành quyền ưu tiên nghiên cứu hoạt động nhóm dưới sức ép lâu dài của cuộc leo núi. Dự án này mang đến cho ông huy chương Hubbard, do Chủ tịch Kennedy, đại diện cho Hội Địa lý Quốc gia trao tặng ông vào tháng 7, 1963.

Tình yêu của ông đối với núi non và cuộc sống thôn dã của những làng quê vùng núi Pakistan trở thành một nguồn ngẫu hứng xã hội học thường xuyên đối với Richard Emerson trong sự nghiệp của ông. Các nghiên cứu của ông về hành vi liên nhân vị, hoạt động nhóm, quyền lực và ảnh hưởng xã hội thường xuất phát từ các cuộc tiếp xúc cá nhân gần gũi của ông với các đội thám hiểm nơi mà cường độ của sự cộng tác và cạnh tranh càng tăng nặng thêm bởi áp lực của môi trường.

Sau Thế chiến II và một chuyến công vụ với quân đội ở Tây Âu, ông hoàn tất bằng cử nhân ở Đại học Utah năm 1950, và rồi tiếp tục nhận bằng thạc sĩ (1952) và tiến sĩ (1955) từ Đại học Minesota, với lĩnh vực chính là xã hội học và lĩnh vực phụ là tâm lý học. Luận án tiến sĩ của ông có tựa đề: “Các yếu tố quyết định của ảnh hưởng trong các nhóm mặt đối mặt”.

Chức vụ hàn lâm đầu tiên của Emerson là ở Đại học Cincinnati. Khi rời Cincinnati Emerson viết: “Một chủ đề luôn trở lại trong tác phẩm của tôi đã được kết tinh trong một bài viết về các quan hệ quyền lực-phụ thuộc. Tuy nhiên, lý thuyết này rõ ràng là điểm bật đối với tương lai hơn là một tóm tắt về quá khứ. Tôi có những kế hoạch cụ thể để mở rộng cả về lý thuyết và thực nghiệm vào sự phân loại và cấu trúc quyền lực cộng đồng”. Ông vẫn đang tiếp tục thực hiện công việc này khi bị đột tử vào tháng 12/1982. Tác phẩm về các quan hệ quyền lực-phụ thuộc của ông hiện nay là một tác phẩm trích dẫn cổ điển và đã có ảnh hưởng nhiều đến dòng tác phẩm hiện thời về quyền lực trong xã hội học Mỹ.

Hai trước tác khác cũng có ảnh hưởng lớn. Đó là hai chương về lý thuyết trao đổi được viết năm 1967 và xuất bản năm 1972. Tác phẩm này được hoàn thành ở Đại học Washington, nơi ông gia nhập phân khoa vào năm 1964. Ông được chuyển tới vùng Tây bắc bởi sự cám dỗ của các đại hội thể thao và các thác nước.

Ảnh hưởng của Emerson đối với xã hội học kết tinh trong khi ông đang ở Đại học Washington, nơi ông cộng tác với Karen Cook trong thời gian 10 năm (1972-1982) về sự phát triển về thực nghiệm của thuyết trao đổi xã hội. Họ thực hiện một chương trình khảo sát trong phòng thí nghiệm được vi tính hóa lần đầu tiên để thực hiện khảo sát theo kiểu này ở Mỹ. Tác phẩm này được tài trợ của Tổ chức Khoa học Quốc gia.

Emerson được các đồng nghiệp và sinh viên nhớ tới như là một “nhà tư tưởng”. Khía cạnh này của nhân cách ông có thể thấy rõ nhất trong một câu trích dẫn từ một bài báo ông viết năm 1960 về tác phẩm của Bowen, Những giáo sư mới: “Thế nên, giá trị của nghiên cứu hàn lâm (nghĩa là không có tính thực hành, xa rời cuộc sống) về một chủ đề như thế là gì?  Mọi người cũng đặt ra câu hỏi này. Các câu hỏi như thế khó mà trả lời bởi những người hỏi chưa bao giờ leo lên các ngọn núi và không chú ý đến đề tài. Tôi nói là họ đã xa rời cuộc sống”.



KỲ TRƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét