Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

SỨC MẠNH CỦA LÒNG BI MẪN - 3. VUA PHÚ TÚC VÀ HOÀNG HẬU SIVALI


 




 
  1. Sự tái sinh của đức Bồ tát
Cách nay lâu lắm rồi, ở kinh đô Mathila có một vị vua. Ngài có hai người con trai, chàng lớn hơn tên là Bá Phú, còn em của chàng là Bộ Phú. Lúc họ còn khá trẻ, nhà vua đã đưa người con trai lớn lên làm thái tử, tức là người sẽ kế vị ngài theo luật tục. Còn Hoàng tử Bộ Phú trở thành người chỉ huy quân đội.
Sau đó, vị vua già qua đời, và Thái tử Bá Phú trở thành nhà vua mới. Khi ấy, người em của chàng trở thành thái tử. Từ lâu lắm trước đó, một gã cận thần đã không ưa Thái tử Bộ Phú. Ông ta đến gặp Vua Bá Phú và thêu dệt rằng em trai của nhà vua đang muốn giết ngài. Lúc đầu, nhà vua không tin. Nhưng sau đó, khi tên gian thần cứ lặp đi lặp lại mãi điều bịa đặt, nhà vua trở nên lo sợ. Thế là ngài cho người tới xiềng Thái tử Bộ Phú và tống giam chàng vào ngục tối.
Thái tử nghĩ: “Ta là một người chính trực và không đáng bị chịu gông xiềng. Ta chưa bao giờ muốn giết anh trai ta. Thậm chí ta chưa hề oán giận gì anh ấy. Vì vậy, nay ta kêu gọi quyền năng của Chân lý. Nếu những gì ta nói là sự thật, các xiềng xích này hãy rơi xuống và cửa ngục hãy mở ra!”
Thật diệu kỳ, xiềng xích bỗng rơi xuống từng mảnh vụn, và cánh cửa ngục mở rộng ra. Thái tử chạy trốn đến một ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Dân chúng ở đó nhận ra chàng. Vì quý trọng chàng, họ đã giúp đỡ chàng, và nhà vua không thể bắt được chàng.
Dù sống trốn tránh, thái tử đã trở thành một bậc thầy ở miền xa hẻo lánh. Vào đúng lúc, chàng gầy dựng một đạo quân lớn mạnh. Chàng nghĩ: “Dù lúc đầu ta không phải là kẻ thù của anh trai ta, giờ đây ta phải là kẻ thù thôi!” Rồi sau đó, chàng mang quân đến bao vây kinh thành Mithila.
Chàng gửi cho Vua Bá Phú một thông điệp: “Tôi không phải là kẻ thù của nhà vua, nhưng người đã buộc tôi phải thành như thế. Vì vậy, tôi phải phát động chiến tranh chống lại người. Tôi cho người một cơ hội chọn lựa – hoặc người trao cho tôi vương miện và vương quốc, hoặc người hãy xông ra chiến đấu với tôi.”
Nghe thấy tin này, nhân dân trong thành bỏ ra ngoài theo thái tử.
Vua Bá Phú quyết định tuyên chiến. Ông phải làm bất cứ điều gì để giữ lại quyền lực của mình. Trước lúc xông ra chiến đấu cùng đoàn quân, ông đến chào tạm biệt chính cung hoàng hậu. Nàng ta đang chờ đón một em bé sắp chào đời.
Nhà vua nói với nàng: “Em yêu, không kẻ nào biết được ai là người thắng trong trận chiến này. Vì thế, nếu ta chết, em hãy bảo vệ đứa con trong bụng.”
Rồi ông dũng cảm xông ra chiến trận, và mau chóng bị binh lính của người em trai thù địch giết chết.
Tin tức về cái chết của nhà vua lan truyền khắp kinh đô. Hoàng hậu cải trang thành một người nghèo không nhà cửa. Nàng khoác những manh vải rách rưới lên người và trét bùn đất lên mặt. Nàng cất giấu một số vàng bạc châu báu quý giá nhất của mình vào một cái giỏ và che chúng bằng những nắm cơm bẩn thỉu đến mức chẳng ai thèm lấy trộm. Rồi nàng rời khỏi kinh đô theo hướng cổng thành phía bắc. Vì luôn sống trong kinh thành, hoàng hậu không biết phải đi đâu tiếp. Nàng từng nghe nói về một thành phố tên là Campa. Vì vậy, nàng ngồi xuống bên vệ đường và bắt đầu hỏi thăm xem có ai đi tới Campa hay không.
Đứa bé sắp chào đời trong bụng nàng không phải là một em bé bình thường. Đó không phải là kiếp sống đầu hoặc lần chào đời đầu tiên của nó. Hàng triệu năm trước đó, em bé này đã từng là đồ đệ của một vị Phật bị quên lãng từ lâu – một đức Độc giác Phật, đấng Giác ngộ hoàn toàn. Và em bé này đã từng mong ước với trọn tâm hồn sẽ trở thành một vị Phật, giống như người thầy kính yêu của mình. Em bé này là một người đã tái sinh trong nhiều kiếp – có lúc là súc vật, có lúc là thần linh, có lúc là con người. Người luôn luôn cố gắng học hỏi từ những sai lầm và luôn phát triển “Mười pháp ba-la-mật”[1]. Do vậy, người có thể thanh tẩy tâm trí và đẩy lùi ba căn nguyên của tội lỗi - tham, sân, si. Nhờ sử dụng Mười huệ tính, một ngày nào đó người sẽ có thể thay thế các độc căn bằng các thiện căn – không chấp ngã, lòng từ bi và trí huệ.
Con người vĩ đại này từng là một môn đồ khiêm tốn của đức Độc Giác Phật. Mục đích của người là đạt tới chứng ngộ của một vị Phật – đạt tới kinh nghiệm về Chân lý trọn vẹn. Vì vậy, mọi người gọi người là “Bồ tát”, có nghĩa là “Đấng Giác ngộ”. Không có ai thật sự biết về hàng triệu kiếp sống mà con người vĩ đại này đã trải qua. Nhưng người ta đã kể lại nhiều câu chuyện – trong đó có cả câu chuyện này, về một vị hoàng hậu mang thai và sắp sửa sinh ra người. Sau nhiều lần tái sinh, ngày nay người đã trở thành một vị Phật được tưởng nhớ và kính yêu trên toàn thế giới.
Vào thời điểm của câu chuyện này, đấng Giác ngộ đã đạt được Mười pháp ba-la-mật. Vì vậy, hào quang do sự kiện ngài đản sinh làm rung chuyển toàn cõi thiên giới, kể cả cõi trời Đao Lợi (thiên giới thứ 33) do Đế Thích cai quản. Khi cảm thấy sự chấn động này, vì là một vị thiên đế, nhà vua biết là nó xuất phát từ một đứa bé còn nằm trong bụng của một vị hoàng hậu đang cải trang của kinh thành Mithila. Và ông biết rằng đây phải là một sinh linh vĩ đại, vì thế ông quyết định đến giúp đỡ.
Vua Đế Thích tạo ra một chiếc xe trong có đặt một chiếc giường, rồi xuất hiện ngay trước vị hoàng hậu mang thai. Trông ông giống hệt một ông già bình thường. Ông gọi to:
“Có ai cần xe đi tới Campa không?”
Vị hoàng hậu lưu vong đáp:
“Tôi muốn tới đó, hỡi ngài tốt bụng.” 
“Vậy hãy đi cùng tôi”, ông già nói.
Vì cái thai sắp chào đời, thân người vị hoàng hậu mang thai khá xồ xề. Nàng nói:
“Tôi không thể leo lên xe được. Hãy chở hành lý của tôi, còn tôi sẽ đi bộ theo sau.”
Ông già, vua của những thần linh, đáp:
“Không sao cả! Tôi là người đánh xe giỏi nhất vùng. Vậy đừng lo lắng gì. Cứ bước vào trong xe của tôi đi!”
Khi hoàng hậu nhấc chân lên, Vua Sakka dùng phép thuật nâng mặt đất dưới chân nàng lên. Vì vậy hoàng hậu bước vào trong xe một cách dễ dàng. Ngay lập tức, nàng biết đây là một vị thần, và nhanh chóng ngủ thiếp đi.
Vua Đế Thích đánh chiếc xe ngựa đi cho tới lúc đến một con sông. Ông đánh thức hoàng hậu và bảo:
“Hãy thức dậy đi, con gái của ta, và hãy xuống sông tắm. Rồi hãy mặc bộ quần áo xinh đẹp mà ta đã mua cho con. Và hãy ăn một nắm cơm.”
Nàng vâng theo lời ông, rồi lại nằm xuống ngủ thêm chút ít. Vào chiều tối, nàng thức giấc, và trông thấy một ngôi nhà cao với những bức tường. Nàng hỏi: “Đây là thành phố nào, thưa cha?” 
Vua Đế Thích đáp: “Đây là Campa, Ta đã đi đường tắt. Giờ đây chúng ta đang ở cổng nam của thành phố, con có thể vào đó an toàn. Ta còn phải đi về ngôi làng hẻo lánh của ta.”
Thế rồi họ chia tay và Vua Đế Thích biến mất ở một quãng đường xa, quay trở lại thiên giới của ông.
Hoàng hậu đi vào thành phố và vào ngồi trong một quán trọ. Thuở ấy có một nhà thông thái sống ở Campa. Ông ngâm thơ và đưa ra lời khuyên để giúp đỡ những người ốm đau hay bất hạnh. Trong khi đang ra sông tắm cùng 500 đồ đệ, ông nhìn thấy hoàng hậu xinh đẹp từ xa.  Sự vĩ đại của đứa bé trong bụng làm cho nàng toả ra một vầng hào quang mềm mại, mà chỉ có nhà thông thái nhận ra. Ngay lập tức ông cảm thấy một niềm cảm mến đối với nàng, như thể nàng là em gái của ông. Vì thế, ông để các môn đồ đứng bên ngoài và bước vào quán trọ. Ông hỏi nàng: “Em gái, em từ đâu tới?” 
Nàng đáp: “Tôi là chính cung của Vua Bá Phú ở Mithila.”
Ông hỏi: “Vậy tại sao nàng tới đây?”
“Chồng tôi đã bị quân lính của em trai anh ấy, thái tử Bộ Phu giết chết.” Nàng đáp, “Tôi sợ, vì thế tôi bỏ trốn để bảo vệ đứa con trong bụng.”
Nhà thông thái hỏi tiếp: “Nàng có bà con nào ở thành phố này không?” 
“Không, thưa ông.” Nàng đáp.
Rồi ông ta nói: “Đừng lo lắng gì cả. Ta sinh ra trong một gia đình giàu có và bản thân ta cũng giàu. Ta sẽ chăm sóc nàng như đối với em gái nhỏ của ta. Giờ hãy gọi ta là anh và ôm lấy chân ta, và hãy khóc lên đi.”
Khi nàng làm điều đó, các môn đồ vào tới. Nhà thông thái giải thích với họ rằng nàng là em gái út từ lâu thất lạc của ông. Ông bảo các môn đồ thân cận nhất đưa nàng về nhà trong một chiếc xe ngựa che kín. Ông dặn họ nói với vợ ông rằng đây là em gái ông, phải chăm sóc nàng cho chu đáo.
Họ làm đúng theo lời ông dặn. Người vợ đón tiếp nàng, cho nàng tắm nước nóng rồi đưa nàng vào giường nghỉ ngơi. Sau  khi tắm sông, nhà thông thái trở về nhà. Vào giờ ăn tối ông cho gọi hoàng hậu ra cùng ăn. Sau đó, ông mời nàng ở lại nhà ông.
Vài hôm sau, hoàng hậu hạ sinh một bé trai tuyệt diệu. Nàng đặt tên nó là Phú Túc. Nàng bảo nhà thông thái rằng đây là tên của ông nội đứa bé, người từng là vua của Mithila.

2. Đạt được quyền lực
Đứa bé sơ sinh lớn nhanh, trở thành một cậu bé. Bạn bè cậu chế nhạo cậu vì cậu không được sinh ra trong một tầng lớp cao quý như chúng. Vì thế, cậu tới gặp mẹ và hỏi bà cha cậu là ai. Bà bảo cậu đừng quan tâm tới những gì mấy đứa trẻ khác nói. Bà cho cậu biết cha cậu là vị vua đã chết Bá Phu của Mithila, và thuật lại việc em trai ông, Thái tử Bộ Phu đã soán đoạt ngai vàng ra sao. Kể từ đó, cậu không còn thấy phiền hà khi những đứa bé khác gọi cậu là “con của một bà goá”.
Trước lúc cậu lên 16 tuổi, chàng thiếu niên thông minh Phú Túc đã học được tất cả mọi môn về tôn giáo, văn chương và các kỹ năng của một chiến binh. Cậu trở thành một chàng thanh niên rất khôi ngô.
Chàng quyết định đã đến lúc phải chiếm lại ngai vàng đã bị ông chú tước đoạt, vốn thuộc về chàng. Thế là chàng tới gặp mẹ và hỏi:
“Mẹ có chút tài sản nào của cha con ngày trước không?” 
Mẹ chàng đáp: “Dĩ nhiên rồi! Mẹ không chạy trốn với hai bàn tay trắng. Nghĩ tới con, mẹ đã mang theo nhiều châu ngọc, kim cương. Nhờ đó, con không cần phải làm thuê làm mướn cho ai. Hãy đi đi, và lấy lại vương quốc của con.”
Nhưng chàng đáp: “Không, thưa mẹ, con chỉ lấy phân nửa số này thôi. Con sẽ đi tàu tới Burma (Miến Điện), vùng đất mỏ vàng, và xây dựng cơ nghiệp của con ở đó.”
Mẹ chàng bảo: “Không, con trai, đi tàu ra nước ngoài quá nguy hiểm. Có khá nhiều tương lai ngay ở đây mà!”
Chàng đáp: “Con sẽ để lại phân nửa cho mẹ, để mẹ có thể sống tiện nghi xứng với tư cách một hoàng hậu.” Nói đoạn, chàng khởi hành tới Burma.
Vào cùng ngày Hoàng tử Phú Túc lên tàu, Vua Bộ Phu, chú của chàng trở bệnh nặng. Ông ta đau nặng đến nỗi  không thể rời giường được.
Trong lúc đó, trên con tàu hướng về Burma có khoảng 300 người. Nó đi trong bảy ngày. Rồi có một cơn bão lớn làm tàu bị hư hỏng nặng. Mọi người, ngoại trừ hoàng tử, đều kêu la gào khóc vì hoảng sợ và cầu nguyện các thần linh phù hộ. Nhưng vị Bồ tát tái sinh không kêu khóc sợ hãi, Đấng Giác ngộ không cầu nguyện thần linh nào giúp đỡ. Thay vì vậy, chàng tự giúp mình.
Chàng ăn đến no nê món bơ đặc trộn đường, vì chàng không biết bao lâu nữa chàng mới có bữa ăn kế tiếp. Chàng nhúng quần áo vào dầu để tự bảo vệ mình khỏi dòng nước biển lạnh lẽo và giúp chàng dễ nổi trong nước hơn. Thế rồi chiếc tàu bắt đầu chìm. Chàng tới chỗ cột buồm và leo lên, vì đó là chỗ cao nhất của con tàu. Khi thân tàu chìm xuống nước, chàng đu người lên chiếc cột buồm.
Trong khi đó, những bạn đồng hành run sợ đang cầu nguyện của chàng chìm trong nước và bị những con cá mập, rùa biển đang đói nuốt sống. Chẳng bao lâu, mặt nước xung quanh đã chuyển sang màu đỏ ngòm vì máu. Khi con tàu chìm, Hoàng tử Phú Túc đã leo tới đỉnh cột buồm. Để tránh bị nuốt chửng trong lòng biển nhuộm máu, chàng nhảy khỏi chiếc cột buồm – đang hướng về vương quốc Mathila. Và trong lúc chàng đang cố thoát khỏi những hàm răng đang nhe ra của những con cá mập và rùa biển, Vua Bộ Phu chết trên giường bệnh.
Sau cú nhảy từ đỉnh cột buồm, hoàng tử rơi vào lòng biển đang đỏ rực một màu ngọc lục bảo. Thân thể chàng lấp lánh ánh vàng khi chàng bơi suốt bảy ngày và bảy đêm.
Rồi chàng thấy rằng đó là ngày trước đêm trăng rằm - ngày trai giới. Thế là chàng súc sạch miệng bằng nước biển và bắt đầu thọ trì “Bát quan trai giới”.
Vào một thuở rất xa xưa trong quá khứ, các Tứ Thiên Vương đã cử ra một nữ thần để làm hộ thần của các đại dương. Họ bảo nữ thần rằng nhiệm vụ của bà là phải đặc biệt bảo vệ cho tất cả những ai thương yêu và kính trọng mẹ của họ cũng như những người lớn tuổi. Tất cả những người đó không đáng để chết chìm trong biển, sẽ được bà bảo vệ. Hoàng tử Phú Túc là người xứng đáng nhận được sự bảo vệ của nữ thần đại dương. Nhưng suốt bảy ngày bảy đêm chàng đã bơi qua biển mà nữ thần vẫn chưa chú ý tới và thực hiện bổn phận của bà! Bà đang bận rộn hưởng những niềm vui thiên giới và quên đi việc trông nom các biển và đại dương.
Cuối cùng, bà cũng nhớ ra nhiệm vụ của mình và nhìn xuống các đại dương. Thế rồi bà nhìn thấy chàng hoàng tử lóng  lánh vàng đang vùng vẫy trong làn nước biển đỏ ngầu sau bảy ngày đêm bơi không ngơi nghỉ. Bà nghĩ: “Nếu ta để cho Hoàng tử Phú Túc chết chìm giữa biển, ta sẽ không còn được hoan nghênh trong cộng đồng các chư thần. Thật sự, chàng ta là Đấng Giác ngộ!”
Thế là bà biến hình thành một người xinh đẹp và xuất hiện trong không trung ngay phía trên chàng. Mong muốn được học hỏi Chân lý từ chàng, bà hỏi: “Không nhìn thấy bờ biển, vì sao chàng vẫn cố gắng bơi tới tận cùng của biển?”
Nghe mấy lời này, hoàng tử nghĩ thầm:
“Ta đã bơi suốt bảy ngày đêm mà không gặp người nào. Đây có thể là ai?”
Khi nhìn thấy nữ thần ở phía trên, chàng nói:
“Ồ, nữ thần đáng yêu, tôi biết sự nỗ lực là cách thức của thế giới này. Chừng nào tôi còn trong thế giới này, tôi sẽ cố gắng mãi, dù cho ở giữa đại dương và không nhìn thấy đâu là bờ bến.”
Mong muốn học hỏi nhiều hơn từ chàng, bà thử chàng bằng câu hỏi:
“Đại dương mênh mông này rộng hơn tầm mắt của chàng, khó mà tới được bờ. Sự gắng sức của chàng là vô ích, chàng sẽ phải chết ở đây!”
Hoàng tử đáp:
“Nữ thần thân mến, làm sao mà nỗ lực lại là vô ích? Bởi vì kẻ không bao giờ từ bỏ sự nỗ lực không thể bị ai phiền trách cả, ngay cả họ hàng của họ ở thế gian cũng như các thần linh trên cao. Vì vậy anh ta không có gì hối tiếc. Bất kể sự việc có vẻ như bất khả thi thế nào, nếu họ ngưng cố gắng họ sẽ tự mình tuột dốc.”
Hài lòng với những câu trả lời của hoàng tử, nữ thần bảo hộ thử thách chàng lần cuối. Bà hỏi:
“Tại sao chàng tiếp tục, khi thật sự không có một tưởng thưởng nào ngoài nỗi đau và cái chết?”
Hoàng tử lại đáp, như một thầy giáo nói với học trò:
“Đó là cách thức mọi người trên thế gian này lập ra các kế hoạch và cố gắng đạt được mục đích của họ. Các kế hoạch có thể thành công hay thất bại, chỉ có thời gian mới có thể trả lời – nhưng giá trị nằm trong chính sự nỗ lực trong khoảnh khắc hiện tại này. Và ngoài ra, thưa nữ thần, người có thấy rằng các nỗ lực của tôi đã đưa tới kết quả? Các bạn cùng tàu với tôi chỉ cầu nguyện và họ đã chết! Nhưng tôi đã bơi suốt bảy ngày đêm – và lạ chưa, người đã tới đây, ngay bên trên tôi. Vì thế tôi sẽ bơi với tất cả khả năng, dù có phải băng ngang đại dương để tới được bờ. Khi tôi còn chút sức lực nào, tôi sẽ còn mãi gắng.”
Hoàn toàn hài lòng, nữ thần đại dương, kẻ bảo hộ những người tốt, nói: “Chàng là người đã dũng cảm chiến đấu với đại dương chống lại những điều tuyệt vọng, chàng là người không chối bỏ công việc trước mặt mình, đi tới bất cứ nơi đâu trái tim chàng ao ước! Vì thế, chàng sẽ được ta bảo hộ và không ai có thể ngăn trở được chàng. Hãy bảo cho ta biết ta có thể đưa chàng tới nơi nào.”
Hoàng tử bảo với nữ thần chàng muốn tới Mithila. Nữ thần nhẹ nhàng nhấc chàng lên như một bó hoa và đặt chàng lên ngực bà. Như một bà mẹ yêu thương và đứa con sơ sinh của mình. Thế là bà bay qua không trung, trong khi đấng Giác ngộ ngủ thiếp đi, nằm yên ổn trên thân thể thần linh của bà.
Khi tới Mithila, bà đặt chàng trên một tảng đá thiêng trong một vườn xoài, rồi bảo các nữ thần giữ vườn chăm sóc cho chàng. Rồi nữ thần bảo hộ đại dương quay trở lại thiên giới của mình.
Vị vua đã chết Bộ Phu chỉ để lại một người con gái duy nhất, không có con trai. Nàng là người có giáo dục và thông minh, tên của nàng là Công chúa Sivali.
Khi nhà vua sắp chết, các quan thượng thư đã hỏi ông:
“Ai sẽ là người kế vị?”
Vua Bộ Phu đáp:
“Kẻ nào làm vừa lòng con gái Sivali của ta; hoặc kẻ nào nhận ra phía đầu của chiếc long sàng; hoặc kẻ nào có thể kéo cái cung mà đủ một ngàn người mới kéo nổi; hoặc kẻ nào có thể tìm ra 16 báu vật được chôn giấu.
Sau tang lễ của nhà vua, các quan thượng thư bắt đầu tìm kiếm vị vua mới. Đầu tiên họ tìm một người có thể làm hài lòng công chúa. Họ cho gọi viên tướng chỉ huy quân đội tới.
Công chúa Sivali muốn kiểm tra ông ta, để Mithila có thể được cai trị bởi một nhà vua mạnh mẽ. Nàng bảo ông ta đến gặp nàng. Ngay lập tức ông ta chạy lên thang lầu hoàng cung. Nàng bảo: “Để chứng tỏ sức mạnh của ông, hãy chạy quanh cung điện này.”
Chỉ nghĩ tới việc làm hài lòng công chúa, viên tướng chạy quanh cho tới khi nàng ra hiệu cho ông ta dừng lại. Rồi nàng bảo: “Bây giờ hãy nhảy lên nhảy xuống.”
Một lần nữa viên tướng làm theo lời nàng không cần suy nghĩ. Cuối cùng, công chúa nói với ông ta:
“Hãy đến đây và xoa bóp hai bàn chân của ta.”
Ông ta ngồi trước mặt công chúa và bắt đầu xoa bóp hai bàn chân của nàng.
Thình lình, nàng đưa chân vào ngực ông ta và đá ông ta ngã lăn ra thềm hoàng cung. Quay lại những nữ tỳ đang chờ đợi, nàng bảo:
“Gã ngu ngốc này không có ý thức chút nào. Ông ta nghĩ rằng sức mạnh duy nhất là chạy quanh và nhảy lên nhảy xuống và tuân theo mệnh lệnh mà không cần suy nghĩ. Ông ta không có sức mạnh cá tính. Ông ta thiếu năng lực ý chí cần thiết để cai trị vương quốc. Vì thế, hãy ném ông ta ra khỏi đây ngay.”
Sau đó, viên tướng được hỏi về cuộc gặp với công chúa Sivali. Ông ta bảo:
“Tôi không muốn nói về việc đó. Cô ta không phải là người!”
Sự việc tương tự diễn ra với người giữ ngân khố, người quản lý con dấu hoàng gia và tay kiếm sĩ hoàng gia. Công chúa thấy rằng tất cả bọn họ chỉ là những người ngu xuẩn không xứng đáng.
Thế là các quan thượng thư quyết định từ bỏ vấn đề làm hài lòng công chúa và tìm kiếm người có thể kéo căng chiếc cung mà cả ngàn người mới kéo nổi. Nhưng họ không tìm được người nào. Tương tự, họ không thể tìm ra người biết phía đầu của chiếc long sàng, hay người có thể tìm ra 16 báu vật bị chôn giấu.
Các quan thượng thư ngày càng lo lắng rằng họ không thể tìm được một ông vua thích hợp. Vì vậy họ đến tham khảo ý kiến của vị trưởng tế sư của hoàng tộc. Ông ta nói với họ: “Hãy bình tĩnh, các bạn của tôi. Chúng ta sẽ tổ chức một lễ hội diễu hành cho chiếc xe ngựa hoàng gia. Người nào mà chiếc xe không người cầm cương dừng lại rước sẽ có thể cai trị toàn cõi Ấn Độ.”
Thế là họ trang hoàng chiếc xe và thắng bốn con ngựa hoàng gia xinh đẹp nhất vào xe. Vị tế sư rẫy lên xe nước thánh chứa trong một chiếc lọ thiêng bằng vàng. Ông ta tuyên bố:
“Nào hãy tiến lên, chiếc xe không người cầm cương, và hãy tìm ra người có đủ tài trí để trị vì vương quốc.”
Những con ngựa kéo chiếc xe đi vòng quanh hoàng cung và xuôi xuống con đường chính của Mithila. Theo sau chiếc xe là bốn đội binh chủng: tượng binh, xa binh, kỵ binh và bộ binh.
Những chính khách quyền thế nhất kinh thành mong chờ cuộc diễu hành sẽ dừng lại trước nhà của họ. Nhưng không, chiếc xe rời kinh thành qua cổng phía đông và đi thẳng tới khu vườn xoài. Và nó dừng lại trước tảng đá nơi hoàng tử đang nằm ngủ.
Vị trưởng tế sư nói: “Chúng ta hãy kiểm tra người đàn ông đang ngủ này xem anh ta có xứng đáng làm vua không. Nếu chính là anh ta, anh ta sẽ không sợ hãi với tiếng ồn của trống  kèn của tất cả bốn đạo binh.”
Thế là họ tạo ra một tiếng động ồn ào kinh khủng, nhưng hoàng tử chỉ trở người sang phía khác, tiếp tục ngủ say. Rồi họ lặp lại tiếng ồn một lần nữa, thậm chí còn to hơn. Một lần nữa, hoàng tử chỉ trở người từ phía này sang phía khác.
Vị trưởng tế kiểm tra lòng bàn chân của người đang ngủ. Rồi ông ta nói:
“Người này có thể cai trị không chỉ Mithila mà cả bốn phương của thế gian này.
Thế rồi ông đánh thức hoàng tử dậy và nói:
“Thưa ngài, hãy thức giấc đi, chúng tôi cầu xin ngài hãy làm vua của chúng tôi.”
Hoàng tử Phú Túc đáp:
“Chuyện gì đã xảy ra cho vua của các ông?”
“Ông ấy đã chết.” Vị trưởng tế đáp.
“Ông ấy có con cái gì không?” Hoàng tử hỏi.
“Công chúa Sivali.” Vị trưởng tế đáp.
Thế là Hoàng tử Phú Túc đồng ý làm vị vua mới. Viên trưởng tế rải những viên châu ngọc lên trên tảng đá thiêng. Sau khi tắm, hoàng tử ngồi giữa những viên châu ngọc. Chàng đã được rưới lên người nước hoa từ một cái chén thiêng bằng vàng. Rồi chàng được tôn làm vua Phú Túc. Nhà vua mới lên ngồi trên chiếc xe ngựa hoàng gia, theo sau là đoàn quân hùng hậu, quay trở lại kinh thành Mithila và vào hoàng cung.
Công chúa Sivali vẫn muốn thử nhà vua. Vì thế nàng cử một người hầu tới trình với vua rằng nàng muốn mời vua tới ngay lập tức. Nhưng Vua Phú Túc phớt lờ anh ta, chỉ tiếp tục kiểm soát các đồ vật trang hoàng và các tác phẩm nghệ thuật trong hoàng cung.
Viên sứ giả báo lại việc này cho công chúa, và nàng phái anh ta thêm hai lần nữa với cùng một kết quả như lúc đầu. Anh ta báo cáo lại với nàng:
“Đây là một người biết rõ mình muốn gì, không dễ bị ảnh hưởng. Ông ta chẳng thèm chú ý tới lời mời của công chúa, y như chúng ta chẳng thèm ngó tới lớp cỏ khi chúng ta dẫm lên trên nó.”
Chẳng bao lâu, nhà vua tới ngự phòng, nơi công chúa đang chờ đợi. Chàng chậm rãi đi lên cầu thang – không vội vàng, không cúi người, đầy phẩm giá như một con sư tử trẻ trung mạnh mẽ. Công chúa vô cùng ấn tượng với thái độ của chàng đến nỗi nàng bước tới gần chàng, trao bàn tay của mình cho chàng một cách kính trọng và dẫn chàng tới ngai vàng. Chàng ngồi xuống ngai vàng một cách thanh nhã.
Rồi chàng hỏi các quan thượng thư:
“Đức vua trước có để lại lời khuyên nào để thử thách vị vua kế tiếp hay không?”
“Có thưa bệ hạ,” họ đáp, “Kẻ nào làm hài lòng Công chúa Sivali.”
Nhà vua nói: “Các ông đã nhìn thấy công chúa trao tay nàng cho ta. Thử thách khác là gì?”
Họ đáp: “Kẻ nào biết được phía đầu của chiếc long sàng.”
Nhà vua lấy từ đầu mình một chiếc kẹp tóc và đưa nó cho Công chúa Sivali, bảo nàng:
“Hãy đặt nó xuống đó cho ta.”
Không nghĩ ngợi gì, công chúa đặt nó lên phía đầu của chiếc giường. Như thể chưa nghe thấy lần nào, nhà vua yêu cầu các quan thượng thư lặp lại câu hỏi. Khi họ lặp lại, chàng chỉ vào chiếc kẹp tóc vàng.
“Còn thử thách nào nữa không?” Nhà vua hỏi.
“Còn, thưa bệ hạ, kẻ nào có thể kéo chiếc cung mà cả ngàn người mới kéo nổi.” Họ đáp.
Khi họ mang chiếc cung ra, nhà vua kéo căng dây cung mà thậm chí không đứng lên khỏi ngôi vàng. Chàng làm thật dễ dàng như một phụ nữ uốn cong chiếc que gỡ sợi lúc quay tơ.
“Còn thử thách nào khác nữa?” Nhà vua hỏi.
Các quan thượng thư đáp: “Kẻ nào có thể tìm ra 16 báu vật bị chôn giấu. Đó là những thử thách cuối cùng.”
“Đầu tiên là vật gì?” Nhà vua hỏi.
Họ đáp: “Báu vật thứ nhất là mặt trời mọc.”
Vua Phú Túc nhận ra rằng việc tìm các báu vật này là trò đố mẹo. Chàng biết rằng một vị Phật Vô ngôn thường được so sánh với ánh sáng rực rỡ của mặt trời. Vì thế chàng hỏi:
“Nhà vua đến gặp và dâng cơm cho đức Phật Vô ngôn ở đâu?”
Khi họ chỉ cho chàng địa điểm, chàng bảo họ đào nơi đó lên để lấy báu vật thứ nhất.
Báu vật thứ hai là mặt trời lặn. Vua Phú Túc nhận ra rằng đây phải là nơi nhà vua già đã chia tay với Phật Vô ngôn. Theo cùng một cách đó, chàng tìm ra tất cả các báu vật.
Mọi người đều vui mừng rằng nhà vua đã vượt qua mọi thử thách.Với công việc chính thức đầu tiên, chàng cho xây dựng ở trung tâm thành phố và ở bốn cổng thành những ngôi nhà từ thiện. Chàng quyên tặng toàn bộ 16 báu vật để chia sớt cho những người nghèo và thiếu thốn.
Rồi chàng gửi lời chúc mừng tới mẹ chàng, hoàng hậu của Vua Bá Phu đã chết, và cả nhà thông thái tốt bụng ở Campa. Chàng gửi tới cả hai niềm vinh dự mà họ xứng đáng được nhận.
Dân chúng trong toàn vương quốc tới Mithila để chúc mừng sự khôi phục lại dòng dõi hoàng gia. Họ trang hoàng kinh thành bằng những vòng hoa thơm và trầm hương. Họ cung cấp đệm ngồi cho du khách. Nơi nào cũng có nhiều hoa quả, bánh kẹo, nước uống và thức ăn. Các quan thượng thư và những người giàu có đưa những nhạc công và vũ nữ tới giúp vui cho nhà vua. Có những bài thơ hay do những nhà thông thái ngâm vịnh, và những lời cầu chúc của những người thánh thiện.
Vua Phú Túc, đấng Giác ngộ, ngồi trên ngai vàng bên dưới chiếc dù hoàng tộc trắng muốt.
Giữa buổi đại lễ, trông chàng uy nghiêm như một vị thiên đế - vua Đế Thích. Chàng nhớ lại cuộc chiến đấu gian nan trên đại dương chống lại những loài quái thú, khi mà cả nữ thần đại dương cũng bỏ quên chàng. Chỉ nhờ những nỗ lực dường như vô vọng đó, mà giờ đây chàng uy nghiêm như một vị thần. Điều này làm chàng hân hoan đến nỗi chàng nói những lời sau:
“Mọi sự diễn ra một cách bất ngờ, và những lời cầu nguyện có thể không thành sự thật; nhưng sự nỗ lực mang tới những kết quả mà cả những ý tưởng hoặc những người cầu nguyện đều không thể làm được.”
Sau buổi đại lễ tuyệt vời, Vua Phú Túc trị vì ở Mithila một cách công minh chính trực. Và ngài khiêm tốn vinh danh và cúng dường các đức Phật Vô ngôn – những đấng giác ngộ từng sống trong một thời đại mà dân chúng không thể hiểu thấu những lời giáo huấn của họ.
Khi đầy đủ thời gian, Hoàng hậu Sivali hạ sinh một đứa bé trai. Vì những nhà thông thái trong triều nhìn thấy những dấu hiệu của một cuộc đời vẻ vang và lâu dài ở phía trước đứa bé, nó được đặt tên là hoàng tử Trường Sinh. Khi cậu bé này lớn lên, nhà vua chỉ định nó làm người kế vị.  

   3. Từ bỏ quyền uy
Câu chuyện này đã xảy ra cách nay rất lâu, vào thời mà con người còn sống được những cuộc sống rất dài, có thể tới 10.000 năm!
Sau khi vua Phú Túc đã trị vì được khoảng 7.000 năm, người chăm sóc vườn của hoàng cung mang tới dâng ngài một mâm hoa quả chọn lọc đặc biệt tuyệt trần. Ngài thích những thứ này đến nỗi ngài muốn đi thăm khu vườn. Vì thế, người chăm sóc vườn chuẩn bị và trang hoàng lại khu vườn, rồi mời ngài tới thăm.
Nhà vua cởi voi đi, theo sau là toàn thể triều thần và nhiều thường dân ở Mithila. Khi đi qua cổng vườn, ngài trông thấy hai cây xoài xinh đẹp. Một cây oằn sai những trái chín óng vàng, còn cây kia hoàn toàn không có một trái nào cả. Ngài hái một trái và thưởng thức vị ngọt ngào thơm ngon của nó. Ngài quyết định sẽ ăn thêm nhiều trái nữa trên đường quay về.
Khi mọi người nhìn thấy vua đã ăn xong trái đầu tiên, họ biết họ đã có thể ăn được. Thoáng chốc, tất cả mọi trái xoài đã bị ăn hết sạch. Khi đã hết trái, một số người còn bẻ gãy các cành nhỏ và vặt lá cây để tìm xem có trái nào sót lại hay không.
Khi quay lại, Vua Phú Túc thấy rằng cây xoài đã bị làm cho tơi tả và gần như bị hủy hoại. Trong khi đó, cây xoài không có trái vẫn xinh đẹp như trước, những chiếc lá xanh tươi của nó lấp loáng dưới ánh mặt trời. Nhà vua hỏi các cận thần: “Chuyện gì đã xảy ra ở đây?”
Họ giải thích: “Từ khi bệ hạ ăn xong trái xoài đầu tiên, dân chúng cho rằng họ có thể thoải mái thưởng thức phần còn lại. Để tìm kiếm những trái còn sót, thậm chí họ đã làm gẫy cành, rụng lá. Còn cây xoài không trái vẫn xinh đẹp là vì nó không có trái.”
Điều này làm nhà vua chạnh buồn. Ngài nghĩ:
“Cây xoài đầy trái bị hủy hoại, nhưng cây xoài không trái vẫn tự tại an nhiên. Đời làm vua của ta cũng giống cây xoài có trái kia vậy – càng có nhiều quyền lực và sản nghiệp, thì càng lo sợ đánh mất chúng đi. Cuộc đời thánh thiện của một nhà sư bình thường giống như cây xoài không trái kia vậy – từ bỏ quyền lực, tài sản và được giải thoát khỏi mọi sợ sệt âu lo.
Thế là nhà vua quyết định từ bỏ tài sản và quyền lực của mình, từ bỏ mọi vinh quang của vương nghiệp lại sau lưng, từ bỏ công việc thường xuyên phải bảo vệ địa vị của mình. Ngài quyết định đặt hết mọi nỗ lực của mình để sống một đời sống thanh khiết của một nhà sư bình thường. Chỉ khi đó ngài mới có thể khám phá ra niềm hạnh phúc lâu bền sâu thẳm, và có thể làm cho nó lan tỏa sang bao người khác.
Ngài quay về kinh thành. Đứng bên cánh cổng thành, ngài cho gọi viên tướng chỉ huy quân đội tới. Ngài bảo:
“Từ giờ trở đi, không một ai được gặp mặt ta trừ một người hầu mang thức ăn, một người hầu mang nước uống và bàn chải đánh răng tới cho ta. Ngươi và các quan thượng thư sẽ điều hành đất nước theo luật cũ. Ta sẽ sống như một tu sĩ bình thường trên tầng thượng của hoàng cung.”
Sau khi ngài sống một thời gian theo cách đó, dân chúng bắt đầu tự hỏi về sự thay đổi của ngài. Một hôm nọ, có một đám đông tụ tập lại trong sân hoàng cung. Họ nói:
“Vua của chúng ta không còn như trước. Ngài không còn muốn xem nhảy múa hay nghe ca hát, xem đấu bò, đấu voi hay đi tới khu vườn xinh của ngài để ngắm những con chim thiên nga trong những chiếc hồ. Tại sao ngài không nói chuyện với chúng tôi?”  Họ hỏi hai người hầu mang nước và thức ăn tới cho vua: “Ngài có nói điều gì với các anh không?”
Hai người hầu đáp: “Ngài đang cố gắng giữ tâm trí lánh xa những dục vọng, để nó có thể bình an và lương thiện như tâm trí của những người bạn cũ của ngài, những vị Phật Vô ngôn. Ngài đang cố phát triển tính thuần khiết của những người không có gì ngoài những thiện tính. Có lần chúng tôi nghe ngài nói to  rằng: ‘Ta đã có thể chỉ nghĩ về các vị Phật Vô ngôn, những người đã thoát khỏi việc chạy theo những hoan lạc bình thường. Sự giải thoát của họ làm cho họ thật sự hạnh phúc. Ai sẽ đưa ta tới nơi họ đang sống?’”
Nhà vua sống trên tầng thượng của hoàng cung để cố trở thành một nhà sư bình thường được khoảng bốn tháng. Vào thời điểm đó, ngài nhận thấy ở vương quốc xinh đẹp Mithila có quá nhiều điều làm cho tâm trí con người xao lãng. Ngài xem chúng chỉ là một vở diễn bên ngoài ngăn không cho ngài tìm thấy an bình và chân lý nội tâm. Vì thế ngài quyết định, bây giờ và mãi mãi, từ bỏ tất cả để trở thành một nhà sư hoang dã và tới sống trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Ngài có một chiếc áo vàng và một chiếc chén khất thực do một nhà sư tặng. Ngài cho gọi người thợ hớt tóc hoàng gia tới cạo râu tóc cho mình. Rồi sáng sớm hôm sau, ngài bắt đầu đi xuống cầu thang cung điện.
Trong lúc đó, Hoàng hậu Sivali cũng đã nghe về những dự định của nhà vua. Bà tập hợp bảy trăm cung phi xinh đẹp nhất ở hậu cung và dẫn họ tới cầu thang. Họ đi qua nhà vua đang đi xuống, nhưng không nhận ra ngài dưới lớp áo một nhà sư. Khi tới tầng thượng, Hoàng hậu Sivali thấy nó trống không, chỉ có những râu tóc vừa cạo của nhà vua còn nằm rải rác. Ngay lập tức bà nhận ra nhà sư vô danh đó chính là chồng của mình.
Tất cả bảy trăm lẻ một hoàng hậu, cung phi chạy xuống cầu thang và chạy đến sân cung điện. Ở đó, họ đi theo nhà vua – nay là một nhà sư. Theo lời hướng dẫn của Hoàng hậu Sivali, tất cả bỏ xõa tóc ra và cố van nài nhà vua ở lại. Họ khóc lóc, kêu xin:
“Vì sao ngài làm như vậy?”
Lúc ấy, tất cả dân chúng ở kinh thành đều buồn phiền và bắt đầu đi theo nhà vua. Họ khóc nức nở lúc kêu van: “Chúng tôi nghe thấy rằng vua của chúng tôi đã trở thành một nhà sư bình thường. Làm sao chúng tôi có thể tìm thấy một nhà vua tốt và công minh như vậy nữa?”
Bảy trăm lẻ một hoàng phi, với những trang phục đáng yêu và châu ngọc xinh đẹp của họ, kêu khóc và cầu xin, nhưng vẫn không làm chuyển ý đấng Giác ngộ.
Ngài vẫn quyết tâm và dứt khoát theo con đường đã chọn. Ngài đã từ bỏ chiếc chén xức dầu thiêng bằng vàng của quốc gia, vật đã truyền lại quyền lực hoàng tộc cho ngài. Giờ đây, ngài chỉ mang theo một cái chén đất khất thực thô sơ của một nhà sư khiêm tốn, một kẻ kiếm tìm Chân lý.
Cuối cùng Hoàng hậu Sivali nín khóc. Bà thấy rằng những cung phi xinh đẹp ở hậu cung không thể ngăn trở chồng mình. Vì thế bà đi gặp viên tướng chỉ huy quân đội. Bà bảo ông ta gây ra một đám cháy trong các khu nhà ổ chuột và những dinh thự không người ở trên đường đi của nhà vua. Bà bảo ông đốt cháy những lùm bụi cây cỏ ở nhiều nơi khác nhau trong kinh thành để tạo ra nhiều khói.
Khi điều này đã được thực hiện, bà ngã lăn ra mặt đất dưới chân nhà vua và khóc lóc: “Toàn bộ Mithila đang bốc cháy, bệ hạ ôi! Những dinh thự xinh đẹp với những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ quý giá, những châu báu ngọc ngà, những tài sản giá trị đang bị hủy hoại. Xin hãy quay về, ôi đức vua, và cứu lấy tài sản của ngài trước khi quá muộn.”
Nhưng Đấng Giác ngộ trả lời: “Mọi thứ đó thuộc về kẻ khác. Ta không có gì cả. Vì thế, ta không sợ mất gì cả. Và việc mất mát đồ vật không thể làm buồn lòng ta. Tâm trí ta đang bình an.”
Thế rồi ngài rời khỏi kinh thành qua cổng phía bắc, theo sau vẫn là bảy trăm lẻ một vị hoàng phi. Theo lời hướng dẫn của Hoàng hậu Sivali, họ chỉ cho ông những thôn làng bị cướp phá và hủy hoại.
Có nhiều người mang vũ trang đang tấn công, trong khi một số khác hình như bị thương và đã chết. Nhưng cái trông như máu kia chỉ là thuốc nhuộm màu đỏ, và những người chết chỉ giả vờ. Nhà vua biết đó là một trò lừa bịp, vì từ lâu trong vương quốc đã không còn một tên trộm cướp nào. Sau khi đi xa hơn, nhà vua dừng lại và hỏi các quan cận thần: “Đây là vương quốc của ai?”.
“Của ngài, thưa bệ hạ.” Họ đáp.
“Vậy hãy trừng trị bất kỳ ai bước qua cái vạch này.” Nhà vua nói, và ngài vẽ một đường vạch ngang con đường. Không một ai, kể cả Hoàng hậu Sivali, dám bước qua vạch đó. Nhưng khi bà trông thấy nhà vua tiếp tục đi theo con đường, quay lưng lại phía bà, bà đau đớn tột cùng. Đấm vào ngực mình, bà ngã thân người qua đường vạch. Khi đường vạch đã bị vượt, đám đông đánh mất sự sợ hãi và lại đi theo bà.
Hoàng hậu Sivali mang quân đội đi cùng bà khi toàn đám đông vẫn đi theo Vua Phú Túc. Ngài đi tiếp nhiều dặm đường, hướng về dãy Hy Mã Lạp Sơn ở phía bắc.
Lúc bấy giờ có một nhà sư rất tinh tiến tên là Narada đang sống trong một động vàng trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Ông ta là một người rất thông minh. Với sự nỗ lực tinh thần, ông ta đã đạt tới những quyền năng siêu nhiên mà chỉ có những con người thánh thiện nhất mới có được. Sau khi trầm tư mặc tưởng trong một một trạng thái xuất thần suốt một tuần, ông ta chợt la lên: “Thật là hạnh phúc! Ôi, thật là hạnh phúc!”
Rồi, dùng quyền năng đặc biệt của mình, ông nhìn thấu qua toàn cõi Ấn Độ để tìm xem có ai cũng đang chân thành tìm kiếm niềm hạnh phúc, giải thoát khỏi mọi cám dỗ của trần gian như vậy hay không. Ông ta chỉ nhìn thấy Vua Phú Túc, vị Bồ tát mà một ngày nào đó sẽ thành Phật. Ông thấy rằng ngài đã từ bỏ mọi quyền lực trần thế của mình. Thế nhưng ngài vẫn còn bị chặn lại, bị trở ngăn bởi đám đông đang theo ngài từ cuộc đời trần thế của ngài khi trước. Để giúp  đỡ và động viên nhà vua, ông ta bay vào không trung và xuất hiện trước mặt nhà vua. Ông hỏi nhà vua:
“Này, nhà sư, tại sao đám đông ồn ào này đi theo thầy vậy?”
Nhà vua đáp:
“Tôi đã từ bỏ quyền lực đế vương và bỏ lại trần thế để hành đạo. Vì thế những cận thần trước đây của tôi đi theo tôi mặc dù tôi lìa bỏ họ một cách hạnh phúc.”
Vị tu sĩ thánh thiện nói:
Đừng quá tự tin, thưa thầy. Thầy chưa hoàn toàn thành công trong việc từ bỏ nhân thế đâu. Vì vẫn còn những chướng ngại bên trong thầy. Những điều này gọi là “Ngũ cái”[2], tức là năm điều chướng ngại – lòng ham muốn đối với những vui thú thông thường của hình sắc, âm thanh v.v...; sự thôi thúc muốn gây tổn hại cho người khác; sự lười nhác, sự lo âu, khắc khoải, và những nghi ngờ phi lý. Vì vậy, hãy tu tập các pháp Ba-la-mật, hãy nhẫn nại và đừng suy nghĩ đến bản thân quá nhiều hay quá ít.”
Cuối cùng, ông ta nói: “Tôi xin cầu nguyện cho thầy – mong sao sự hiền thiện, tri thức và Chân lý sẽ bảo vệ thầy trên đường cầu đạo.”
 Rồi ông ta biến mất, quay về hang động của mình.
Nhờ lời khuyên khôn ngoan đó, nhà vua ít quan tâm hơn tới đám đông bên ngoài và nhận ra rằng các trở ngại lớn nhất là ở bên trong lòng mình.
Trong lúc đó, Hoàng hậu Sivali lăn ra dưới chân ngài một lần nữa. Bà van nài:
“Ôi, đức vua, hãy lắng nghe lời kêu xin của các cận thần. Trước khi rời bỏ họ để hành đạo, hãy an ủi họ bằng cách truyền lại ngôi vua cho con trai của ngài.”
Ngài đáp:
“Ta đã rời bỏ các cận thần, bạn hữu, họ hàng và đất nước lại sau lưng. Đừng lo sợ, các nhà quý tộc của Mithila đã dạy dỗ hoàng tử Trường Sinh rất tốt, họ sẽ bảo vệ và hỗ trợ cho cả hai mẹ con nàng.”
Hoàng hậu nói tiếp:
“Thưa bệ hạ, làm một tu sĩ, ngài đã khiến tôi trở thành một người đàn bà không chồng. Thật là xấu hổ! Tôi sẽ phải làm gì?”
Nhà vua đáp:
“Chỉ cần cẩn thận dạy dỗ cho hoàng tử không có những ý nghĩ, lời nói hay hành động xấu xa. Bằng không, nàng sẽ chỉ mang về những hậu quả đau đớn cho mình.”
Khi hoàng hôn tới, hoàng hậu dừng lại cắm trại trong lúc nhà vua đi vào rừng để ngủ dưới một gốc cây. Ngày kế tiếp, bà tiếp tục đi theo nhà vua, giữ quân đội bên mình. Họ đi tới một thành phố nhỏ.
Vào lúc ấy, có một người đàn ông trong thành phố này mua được một miếng thịt ngon từ một cửa hàng thịt. Sau khi nấu chín, anh ta đặt nó lên bàn để cho nguội, chợt một con chó ngoạm lấy miếng thịt và bỏ chạy. Người đàn ông đuổi theo con chó cho tới cổng phía nam của thành phố. Tới đó, anh ta bỏ cuộc vì quá mệt.
Con chó chạy qua con đường của Vua Phú Túc và Hoàng hậu Sivali. Bị đám đông làm cho hoảng sợ, nó đánh rơi miếng thịt trên đường. Nhà vua thấy đó là một miếng thịt ngon và không biết ai là chủ thật sự của nó. Vì vậy, ngài lau sạch miếng thịt, bỏ nó vào chén, rồi ăn hết.
Hoàng hậu Sivali, người từng ăn những món ngon nhất trong cung, cảm thấy nhục nhã. Bà nói với nhà vua:
“Ngay cả cho tới lúc chết, một người đẳng cấp cao cũng không ăn những thứ do một con chó bỏ lại. Ăn thứ thức ăn nhục nhã như vậy cho thấy ngài không còn xứng đáng!”
Nhưng nhà vua đáp:  “Đó là do tính tự phụ của chính nàng đã ngăn cản nàng không nhìn thấy giá trị của miếng thịt này. Nếu thu nhận được một cách chính đáng, mọi thức ăn đều trong sạch và tốt lành!”
Khi họ tiếp tục tới gần thành phố, Vua Phú Túc suy nghĩ:
“Hoàng hậu Sivali vẫn tiếp tục theo ta. Điều này thật không hay. Mọi người sẽ nói, ông ấy từ bỏ vương quốc, nhưng vẫn chưa từ bỏ vợ mình! Ta phải tìm ra cách làm cho nàng trở về.”
Ngay lúc đó, họ đến gần một đám trẻ đang chơi đùa. Trong số đó có một bé gái với một bên cổ tay đeo một chiếc vòng và cổ tay bên kia đeo hai chiếc vòng. Nghĩ rằng đó là một đứa trẻ thông minh, nhà vua hỏi nó:
“Con của ta, tại sao một bên cánh tay của con luôn phát ra tiếng lanh canh khi cử động, còn bên tay kia thì không?”
Đứa bé đáp:
“Thưa thầy, đó là vì một tay con đeo hai chiếc vòng, còn tay kia chỉ đeo một chiếc vòng. Khi có hai chiếc, chiếc đầu tiên va chạm vào chiếc thứ hai và phát ra tiếng ồn. Còn tay đeo một chiếc vẫn im lìm. Vì vậy nếu người muốn sống hạnh phúc, người phải học cách hài lòng khi chỉ có một mình.”
Đức Bồ tát nói với hoàng hậu:
“Nàng có nghe câu nói khôn ngoan của em bé này không? Với tư cách một tu sĩ, ta thật xấu hổ để nàng ở gần ta trước mặt của đứa bé. Vậy nàng hãy đi con đường của nàng, còn ta theo con đường của ta. Chúng ta không còn là chồng vợ với nhau nữa. Chào nàng!”
Hoàng hậu đồng ý và họ đi theo những con đường khác nhau. Nhưng rồi bà cảm thấy đau khổ nên một lần nữa quay lại gặp nhà vua.
Họ cùng đi vào thành phố, vì thế ngài có thể xin khất thực.
Họ đến nhà của một người thợ làm tên. Họ ngắm nhìn ông ta làm nguội những chiếc tên nóng đỏ và duỗi thẳng chúng trong lúc chỉ nhìn xuống mũi tên với một bên mắt mở. Nhà vua hỏi ông ta:
“Này anh bạn, để làm cho chiếc tên thật thẳng, tại sao anh lại nhìn nó chỉ bằng một con mắt mở, còn con mắt kia nhắm lại?”
Người thợ làm tên đáp:
“Nếu mở cả hai mắt, tầm nhìn của con mắt thứ hai sẽ bị xao lãng. Chỉ có tập trung tầm mắt của tôi vào một con mắt, tôi mới thật sự nhìn thấy độ thẳng của mũi tên. Vì thế nếu ngài muốn hạnh phúc, ngài phải học cách hài lòng khi chỉ có một mình.”
Nhà vua gom các thứ xin được rồi họ rời thành phố. Ngài nói với hoàng hậu:
“Nàng có nghe thấy lời nói khôn ngoan từ người thợ đó không? Với tư cách một tu sĩ, ta thật xấu hổ để nàng ở gần ta trước mặt của đứa bé. Vậy nàng hãy đi con đường của nàng, còn ta theo con đường của ta. Chúng ta không còn là chồng vợ với nhau nữa. Chào nàng!”
Nhưng bà vẫn đi theo ông.
Thế rồi đấng vĩ đại ngắt một nhánh cỏ cao. Ngài nói với Hoàng hậu Sivali: “Cũng như hai mẩu thân cỏ này không thể gắn lại nhau được nữa, ta cũng không thể gắn kết với nàng trên chiếc giường cưới được nữa.
“Cả hai chúng ta không bao giờ còn có thể gắn bó với nhau. Xin hãy như một cọng cỏ cao chưa bị cắt, hãy sống một mình đi, vợ cũ Sivali của ta.”
Khi nghe thấy câu này, hoàng hậu điên lên vì đau khổ và xúc động. Bà tự đánh vào mình cho tới khi té lăn ra đất – hoàn toàn bất tỉnh. Nhìn thấy cảnh này, đức Bồ tát nhanh chóng rời khỏi con đường chính. Ngài xoá đi những dấu chân của mình và biến mất vào rừng.
Đầu tiên ngài đã từ bỏ quyền lực và tài sản của một vị vua. Giờ đây ngài đã từ bỏ quyền hạn và dục vọng của một người chồng. Cuối cùng, ngài đã tự do đi theo con đường của một du khất sĩ  kiếm tìm Chân lý. Ngài hướng về dãy Hy Mã Lạp Sơn và chỉ trong một tuần ngài đã có thể phát triển được những năng lực tinh thần đặc biệt. Ngài không bao giờ quay lại trần thế nữa.
Trong khi đó, các quan thượng thư, đã bị bỏ lại sau một chặng xa, vừa kịp tới nơi hoàng hậu nằm ngất xỉu. Họ rẫy nước vào và cứu hoàng hậu tỉnh lại. Bà hỏi:
“Đức vua, chồng của ta đâu?”
Họ đáp:
“Chúng tôi không biết. Ngài có biết không?”
Trong cơn đau khổ, bà ra lệnh:
“Hãy tìm ông ta.”
Họ tìm, tìm mãi, nhưng dĩ nhiên ngài đã đi mất dạng rồi.
Khi Hoàng hậu Sivali hồi phục từ nỗi đau đớn và sợ hãi, bà nhận ra mình không còn giận hờn, ghen tức hay thù hận nhà sư Phú Túc nữa. Thay vì vậy, bà ngưỡng mộ ngài hơn bao giờ hết kể từ khi cả hai gặp gỡ nhau, khi bà đưa bàn tay cho ông và dẫn ông tới ngai vàng. Bà đã dựng lên những tượng đài để vinh danh Vua Phú Túc dũng cảm ở bốn địa điểm: nơi ngài đã nói chuyện với thánh nhân Narada, nơi ngài đã ăn miếng thịt mà con chó đánh rơi, nơi ngài đã hỏi chuyện em bé gái, và nơi nói chuyện với người thợ làm tên.
Ở phía ngoài hai cây xoài trong khu vườn hoàng tộc, bà đưa Hoàng tử Trường Sinh lên ngôi vua mới. Rồi cùng với quân đội và đám đông những người đi theo, họ quay trở lại kinh thành Mithila.
Dù sao, Hoàng hậu Sivali đã học được ít nhiều điều trong việc đi theo và cuối cùng đánh mất người chồng Phú Túc của mình. Ngay cả bà cũng đã nếm mùi vị của sự tự do!
Người phụ nữ thông minh đã từ bỏ mọi bổn phận hoàng gia của mình. Bà lui về nghỉ ngơi để trầm tư mặc tưởng trong khu vườn ngay cạnh những cây xoài. Với nỗ lực lớn lao, bà đã đạt tới trạng thái tinh thần cao độ giúp bà được tái sinh vào một thiên giới. 
Jataka Tales, 1996
- do Kurunegoda Piyatissa kể lại


[1] Mười pháp ba-la-mật: các pháp tu theo hạnh nguyện Bồ Tát.
Được biết đến nhiều hơn là Sáu pháp ba-la-mật, gồm: Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-lamật, Thiền định ba-la-mật và Bát-nhã ba-la-mật. Mười pháp bala-mật gồm thêm 4 pháp nữa là: Phương tiện ba-la-mật, Nguyện ba-la-mật, Lực ba-la-mật và Trí ba-la-mật.

[2] Năm điều chướng ngại này trong đạo Phật gọi là Ngũ cái, hay Ngũ triền cái, được giải thích đầy đủ bao gồm: 1.Tham dục cái: lòng ham muốn, ưa thích đối với các trần cảnh như hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm... ; 2. Sân khuể cái: sự nóng giận, oán hận, căm ghét... thôi thúc người ta muốn gây tổn hại cho người khác để thỏa mãn chính mình; 3. Thụy miên cái: sự lười nhác, ham ngủ nghỉ, thụ động không muốn làm bất cứ điều gì; 4. Trạo hối cái: sự tán loạn tâm ý, căng thẳng lo âu, khắc khoải bất an hoặc thường xuyên xao động, không an định; 5. Nghi cái: những nghi ngờ, do dự không quyết đoán, thường là đối với Chánh pháp. Năm điều này che chướng tâm thức, khiến người ta không được sáng suốt; làm ngăn trở sự tu tập đúng Chánh pháp, nên cũng là trở ngại trên con đường hướng đến giải thoát. Do đó mà gọi đây là năm sự che chướng hay năm chướng ngại.

KỲ TRƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét