Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

PHÁC HỌA TIỂU SỬ MỘT SỐ NHÀ XÃ HỘI HỌC - KỲ II


Nguyễn Thành Nhân trích dịch
(Từ Modern Sociological Theory của George Ritzer)




6
GEORG SIMMEL


Georg Simmel sinh ở trung tâm Berlin ngày 1/3/1858. Ông nghiên cứu một loạt đề tài khác nhau ở ĐH Berlin. Tuy nhiên, nỗ lực đầu tiên của ông để làm ra một bài luận văn đã bị loại, và một trong những giáo sư của ông đã nhận xét: “Chúng ta sẽ làm cho cậu ta một điều tốt nếu chúng ta không khuyến khích cậu ta đi xa hơn theo hướng này.” Dù vậy, Simmel vẫn kiên trì và nhận học vị tiến sĩ triết học vào năm 1881. Ông ở lại trường làm giảng viên cho tới năm 1914, mặc dù ông giữ một vị trí tương đối không quan trọng là giảng viên ngoại ngạch từ 1885 tới 1900. Ở vị trí sau, Simmel làm việc như là một giảng viên không lương, đời sống phụ thuộc vào khoảng học phí sinh viên đóng góp. Dù đứng ngoài lề, Simmel vẫn làm khá tốt ở vị trí này, phần lớn bởi vì ông là một giảng viên giỏi và thu hút một số đông sinh viên. Phong cách của ông phổ thông đến nổi ngay cả những thành viên văn hóa của Hiệp hội Berlin cũng bị lôi kéo tới những buổi giảng của ông, cái đã trở thành những sự kiện công cộng.

            Sự ngoài lề của Simmel song hành với sự thật rằng ông có hơi mâu thuẫn và do vậy là con người hay gây hoang mang cho kẻ khác: Nếu chúng ta đặt lại bên nhau các chứng cứ do những bạn bè, họ hàng, sinh viên, người cùng thời với ông để lại, chúng ta sẽ tìm thấy những biểu thị đôi khi mâu thuẫn nhau có liên quan đến Georg Simmel. Một số mô tả ông là người cao và mảnh khảnh, một số khác lại nói ông thấp và có vẻ cô đơn khắc khổ. Ngoại hình của ông được tả là không hấp dẫn, kiểu điển hình Do Thái, nhưng cũng rất có vẻ trí thức và cao quý. Người ta thuật lại là ông làm việc rất cần mẫn, nhưng cũng rất vui vẻ và lưu loát với tư cách giảng viên. Cuối cùng, chúng ta nghe nói rằng ông rất thông minh sáng chói, thân thiện, dễ gần, nhưng cũng lại có người nói rằng về nội tâm ông rất phi lý, trì trệ và ngông cuồng phóng túng.

            Simmel viết vô số bài báo (Tờ Metropolis và Mental Life) và sách (Triết học của kim tiền). Ông nổi danh trong giới học giả Đức và thậm chí còn có một lớp học trò quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, nơi mà tác phẩm của ông có ý nghĩa rất quan trọng trong buổi khai sinh của xã hội học. Cuối cùng, năm 1900, Simmel được chính thức công nhận một danh hiệu danh dự thuần túy ở ĐH Berlin, nơi đã không cho ông một tư cách hàn lâm toàn vẹn.

            Simmel cố gắng đạt được nhiều học vị hàn lâm, nhưng ông thất bại mặc dù có sự hỗ trợ của những học giả như  Max Weber.

            Một trong những nguyên nhân thất bại là vì ông là một người Do Thái trong một nước Đức ở thế kỷ 19 đầy rẫy những người chống chủ nghĩa Se-mít. Do vậy, trong một báo cáo về Simmel gửi cho một bộ trưởng giáo dục, ông được mô tả là “Y hoàn toàn là một người Israel ở ngoại hình, tác phong và kiểu cách tư duy.” Một nguyên nhân khác là loại công việc mà ông làm. Nhiều bài báo của ông xuất hiện trên báo chí và tạp chí; chúng được viết cho một lượng người đọc đông đảo hơn là những nhà xã hội học hàn lâm. Ngoài ra, vì ông không được bổ nhiệm một chức vụ thường trực, ông buộc phải kiếm sống bằng những bài giảng trước công chúng. Những khán giả và độc giả của ông là một công chúng trí thức hơn là những nhà xã hội học chuyên nghiệp, và điều này dẫn tới những phê phán chế giễu từ những nhà chuyên nghiệp. Ví dụ, một trong những người đương thời chỉ trích ông bởi vì “ảnh hưởng của ông ta còn… trên bầu không khí chung và bị tác động bởi, trên hết, những cấp độ cao hơn của nghề viết báo chí.” Những thất bại cá nhân của Simmel cũng có thể nối kết với sự đánh giá thấp của những viện sĩ hàn lâm ở Đức thời đó đối với môn xã hội học.

Năm1914 Simmel cuối cùng đạt được một bổ nhiệm thường xuyên ở một trường đại học thứ yếu (Strasbourg), nhưng ông một lần nữa lại cảm thấy bị xa lánh. Mặt khác, ông hối tiếc vì đã rời bỏ số khán thính giả trí thức ở Berlin. Do đó, vợ ông đã viết cho Max Weber: “Georg đã buộc phải rời bỏ một thính phòng một cách tồi tệ… Các sinh viên rất bị cuốn hút và đồng cảm… Đây là một sự khởi hành ở dốc cao của cuộc đời”. Mặt khác, Simmel không cảm thấy mình là một bộ phận của cuộc sống của trường đại học mới. Ông viết cho bà Weber: “Hầu như chúng tôi không có gì để kể. Chúng tôi sống một cuộc sống như trong nhà tu kín, bưng bít như nhau, cô đơn quạnh vắng. Hoạt động học thuật là con số không, mọi người xa lạ và chứa đầy thù ghét bên trong.”

            Thế chiến I bắt đầu chẳng bao lâu sau khi Simmel được bổ nhiệm tới Strasbourg; giảng đường trở thành bệnh viện dã chiến, và các sinh viên ra trận. Do đó, Simmel vẫn là một kẻ ngoài lề của giới hàn lâm Đức cho tới lúc chết vào năm 1918. Ông chưa từng có một sự nghiệp học thuật bình thường. Dù sao, ông đã lôi cuốn được một lượng lớn môn sinh vào thời của mình, và danh vọng với tư cách là nhà học giả của ông đã lớn lên theo năm tháng.

7
SIGMUND FREUD


Một nhân vật dẫn đầu khác trong khoa học xã hội Đức vào cuối những năm 1800  đầu những năm 1900 là Sigmund Freud. Mặc dù ông không phải là một nhà xã hội học, Freud chịu ảnh hưởng các tác phẩm của nhiều nhà xã hội học (ví dụ, Tacott Parsons và Nobert Elias) và tiếp tục gần gũi với những nhà xã hội học.

Ông ra đời ở thành phố Freibeg thuộc Áo-Hung ngày 6/5/1856. Năm 1859, gia đình ông chuyển tới Vienna, và năm 1873, Freud nhập học trường y của Đại học Vienna. Freud thích khoa học hơn là y học và chiếm một chỗ trong phòng thí nghiêm sinh học. Ông hoàn tất bằng y khoa, và sau khi rời phòng thí nghiệm vào năm 1882, ông làm việc trong một bệnh viện và thiết lập một phương pháp y học thực hành với chuyên ngành bệnh thần kinh.

Đầu tiên Freud sử dụng thôi miên để cố gắng xử lý một kiểu loạn thần kinh chức năng được biết là chứng hysteria.  Ông đã học được kỹ thụật này từ Jean Martin Charcot ở Paris năm 1995. Sau đó ông theo một kỹ thuật mà người tiên phong là một vật lý gia ở Vienna, Joseph Breuer, trong đó các triệu chứng của bệnh hysteria biến mất khi bệnh nhân nói lại những trạng huống mà trong đó những triệu chứng bệnh đã nảy sinh lần đầu tiên. Trước năm 1895, Freud xuất bản một cuốn sách cùng Breuer với một số gợi ý cách mạng: rằng các nguyên nhân của những chứng loạn thần kinh chức năng như hysteria là về mặt tâm thần (chứ không phải là về mặt sinh học như mọi người vẫn tin) và rằng liệu pháp bao gồm việc nói lại các nguyên nhân nguồn gốc. Từ đó lĩnh vực lý thuyết và thực hành của một môn phân tâm học đã ra đời. Freud bắt đầu cộng tác với Breuer khi ông đi đến xem các nhân tố về tính dục, hoặc nói chung hơn là libido, là nguồn gốc của chứng loạn thần kinh chức năng. Trong nhiều năm kế tiếp, Freud cải tiến những kỹ thuật trị liệu của ông và viết nhiều về những tư tưởng mới của mình.

Năm 1902, Freud bắt đầu tập hợp một số học trò lại, gặp gỡ nhau hàng tuần ở nhà ông. Từ 1903 tới 1904, những người khác (như Carl Jung) bắt đầu sử dụng các ý tưởng của Freud trong những thực hành phân tâm của họ. Năm 1908, một đại hội các nhà phân tâm học đầu tiên được tổ chức, và năm kế tiếp, một định kỳ để phổ biến các kiến thức phân tâm học được hình thành. Cũng nhanh như lúc hình thành, lĩnh vực mới của phân tâm học bị tản mác khi Freud cắt đứt với những người như Jung và họ bỏ đi để phát triển những ý tưởng riêng của mình, thành lập những nhóm riêng. Thế chiến I làm chậm lại tiến triển của môn phân tâm học, nhưng nó mở rộng và phát triển mạnh trong những năm 1920. Với sự ra đời của chủ nghĩa quốc xã, trung tâm của phân tâm học chuyển sang Mỹ, nơi nó tồn tại cho tới nay. Nhưng Freud vẫn ở lại Vienna cho tới khi bọn quốc xã nắm quyền năm 1938, mặc dù ông là người Do Thái và bọn quốc xã đã đốt những sách của ông từ đầu 1933. Ngày 4/6/1938, sau khi trả một món tiền chuộc và có sự can thiệp của Tổng thống Roosevent, Sigmund Freud rời Vienna. Ông đã chịu một cơn đau do ung thư hàm từ năm 1923, và ông mất ở London ngày 23/9/1939.

8
HERBERT SPENCER


Herbert Spencer sinh ở Derby, Anh Quốc ngày 27/4/1820, ông không được học về các bộ môn nghệ thuật và nhân loại học, mà chỉ các vấn đề kỹ thuật và thực tế. Năm 1837 ông bắt đầu làm việc với tư cách kỹ sư dân sự cho một công ty hỏa xa, một nghề mà ông làm cho đến năm 1846. Trong thời kỳ này, Spencer tiếp tục tự nghiên cứu và bắt đầu cho xuất bản các tác phẩm khoa học và chính trị.

Năm 1848, Spencer được bổ nhiệm chức vụ biên tập của tờ The Economist, và các ý tưởng của ông bắt đầu cô đúc lại. Năm 1850, ông hoàn thành tác phẩm chủ yếu đầu tiên, Tĩnh học xã hội. Trong lúc viết tác phẩm này, lần đầu tiên Spencer đã trải qua chứng mất ngủ, và theo thời gian các vấn đề thể chất và tâm thần của ông ngày càng tăng lên. Ông cũng trải qua một loạt cơn đột quỵ thần kinh trong phần đời còn lại.

Năm 1853, Spencer nhận được một khoản di sản cho phép ông thôi việc và sống hết phần đời còn lại với tư cách một học giả. Ông chưa từng nhận được một chứng chỉ đại học hoặc một địa vị hàn lâm nào. Khi ngày càng hiu quạnh và các bệnh tật về thể chất và tâm thần tăng lên, ông lại sáng tạo nhiều tác phẩm học thuật hơn. Cuối cùng, Spencer bắt đầu đạt được danh vọng không chỉ ở Anh mà cả trên thế giới. Như Richard Hostadter nói: “Trong ba thập kỷ sau Thế chiến I, không thể nào hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực tri thức nào mà lại không thấy bậc thầy Spencer.” Trong số những người ủng hộ ông là nhà công nghiệp quan trọng Andrew Carnegie, người đã viết cho ông những dòng sau trong cơn bệnh cuối cùng của ông vào năm 1903:

Thầy kính mến… thầy đến với tư duy của con mỗi ngày, và câu hỏi bất tận “tại sao” lại dâng lên - Tại sao ông ta nằm? Tại sao ông ta phải đi?… Thế giới chậm chạp lê bước mà không nhận ra trí tuệ vĩ đại nhất của nó… Nhưng một ngày nào đó nó sẽ thức giấc và ghi nhận chỗ đứng cho Spencer ở nơi cao cả nhất.”

Nhưng đó không phải là số phận của Spencer.

Một trong những đặc tính thú vị nhất của Spencer, cái mà cuối cùng làm cho ông giảm bớt thanh danh, là việc ông không sẵn lòng đọc tác phẩm của những người khác. Ở sự kiện này, ông tương tự như một người vĩ đại khác của xã hội học, August Comte, kẻ đã thực hiện việc “tẩy não”. Về nhu cầu đọc tác phẩm của người khác, Spencer nói” “Cả đời tôi, tôi đã là một nhà tư tưởng chứ không phải là một độc giả, để có thể trả lời với Hobles rằng nếu tôi đọc nhiều như những người khác, hẳn là tôi đã hiểu biết ít đi.” Một người bạn hỏi ý kiến của Spencer về một cuốn sách và “câu trả lời của ông là khi nhìn vào cuốn sách ông trông thấy tính chất cốt yếu làm ra vẻ của nó là một sự sai lầm, và do vậy, không lưu tâm đến việc đọc nó.” Một tác giả viết về Spencer: “Không thể hiểu được cái cách thức hấp thu kiến thức qua năng lượng của làn da của ông… ông dường như không hề đọc sách.”

Nếu ông không đọc tác phẩm của những học giả khác, vậy thì ông đã lấy đâu ra các ý tưởng và những hiểu biết sâu sắc? Theo Spencer, chúng phát sinh một cách tự nhiên và trực giác từ trí óc của ông. Ông nói rằng các ý tưởng sinh ra dần dần, theo những cách không dễ hình dung, không hề có một dự tính hoặc cố gắng đáng kể nào.” Trực giác đó dường như với Spencer có hiệu quả hơn nghiên cứu và suy nghĩ cẩn thận: “Một giải pháp tới theo cách đã diễn tả có vẻ chân thật hơn là một giải pháp tới do sự nỗ lực theo đuổi; nó (thường) tạo ra sự xuyên tạc của tư duy.”

Spencer gánh chịu đau khổ do sự không sẵn lòng nghiêm túc đọc tác phẩm của người khác. Thật sự, nếu ông đọc tác phẩm của một người nào đó, thường là để xác nhận lại các ý tưởng đã được sáng tạo một cách độc lập của ông. Ông bỏ qua những ý tưởng không đồng ý với ông. Do đó, một người cùng thời, Charles Darwin, đã nói về Spencer: “Nếu ông ta tập cho mình quan sát nhiều hơn, thậm chí ngay cả ở cái giá của việc mất mát đi một số năng lực tư duy, ông hẳn sẽ là một con người tuyệt diệu.” Việc Spencer không quan tâm đến các quy tắc của giới học giả đã đưa ông tới chỗ có những ý tưởng lạ thường và những xác quyết vô căn cứ về sự tiến hóa của thế giới. Vì những lý do trên, các nhà xã hội học ở thế kỷ 20 đã loại bỏ tác phẩm của Spencer để thay vào đó một nghiên cứu thực nghiệm cẩn thận và có tính học thuật hơn.

Spencer qua đời ngày 8/12/1903.

9
ROBERT PARK


Robert Park không đi theo con đường sự nghiệp của một nhà xã hội học điển hình - cao đẳng, tốt nghiệp, giáo sư. Thay vì vậy, ông theo một nghề nghiệp khác trước khi trở thành nhà xã hội học khá muộn màng. Dù khởi sự  muộn, Park có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội học nói chung và về lý thuyết nói riêng. Những kinh nghiệm phong phú của Park giúp ông có một định hướng hơi lạ thường đối với cuộc đời, và lập trường này cũng đã định hình trường phái Chicago, thuyết tương tác biểu tượng, và, cuối cùng, một vị trí vững chắc của môn xã hội học.

Park sinh ở Harveyville, Pennsylvania ngày 14/3/1864. Là một sinh viên của ĐH Michigan, ông được tiếp xúc với một số nhà tư tưởng lớn, như John Dewey. Mặc dù bị khích động bởi các tư tưởng, Park cảm thấy có một nhu cầu làm việc trong thế giới thực tại mạnh mẽ. Ông nói: “Tôi quyết định trải qua kinh nghiệm vì chính nó, để tập trung vào tâm hồn tôi…  mọi vui buồn của thế gian.” Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu sự nghiệp với nghề làm báo, nghề đã tạo cho ông một cơ may tốt trong thực tại. Ông rất thích mạo hiểm (“ truy lùng các ổ cờ bạc và các tiệm thuốc phiện”). Ông viết về đời sống thành phố với các chi tiết sống động. Ông lao vào lĩnh vực đó, quan sát và phân tích, để cuối cùng viết ra những gì quan sát được. Thực tế, về cơ bản ông thực hiện một loại nghiên cứu (“báo cáo khoa học”) đã trở thành một trong những chỉ dấu tiêu chuẩn của xã hội học Chicago - đó là dân tộc học đô thị, vận dụng các kỹ thuật quan sát các thành viên.

Dù sự mô tả chính xác đời sống xã hội vẫn còn là một trong những đam mê của ông, Park ngày càng thất vọng với công việc báo chí, vì nó không đáp ứng cho gia đình ông, và quan trọng hơn, các nhu cầu trí thức của ông. Ngoài ra, dường như nó không góp phần  vào sự cải thiện thế giới, còn ông thì có một quan tâm sâu sắc vào việc cải cách xã hội. Năm 1898, ở tuổi 34, Park rời bỏ nghề báo và trở thành thành viên của phân khoa triết học ĐH Harvard. Ông ở đó một năm, rồi quyết định sang Đức, lúc bấy giờ là trung tâm tri thức của thế giới. Ở Berlin, ông gặp Georg Simmel, người đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với xã hội học của ông. Thật sự, các bài giảng của Simmel là sự huấn luyện xã hội học chính thức duy nhất  mà Park nhận được. Ông nói: “Tôi thu được kiến thức về xã hội và bản chất con người từ những quan sát riêng của tôi.” Năm 1904, Park hoàn thành luận án tiến sĩ ở ĐH Heidelberg. Một sự lạ lùng là ông không hài lòng với luận án của mình” “Tất cả những gì tôi phải đưa ra là cuốn sách nhỏ bé đó và tôi rất xấu hổ vì nó”. Ông từ chối công việc giảng dạy mùa hè ở ĐH Chicago và bỏ sự nghiệp hàn lâm cũng như trước đó đã bỏ nghề báo.

Nhu cầu cống hiến cho cải thiện xã hội dẫn ông trở thành thư ký và chánh văn phòng cho Hội Cải cách Congo, được thành lập để làm giảm bớt sự tàn bạo và bóc lột khi đó đang diễn ra ở Congo thuộc Bỉ. Trong thời gian này, ông gặp Booker T. Washington, và ông bị thu hút bởi mục tiêu cải thiện của đại đa số người Mỹ da đen. Ông trở thành thư ký của Washington và đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của học viện Tuskegee. Năm 1912 ông gặp W.I. Thomas, nhà xã hội học Chicago, đang giảng ở học viện Tuskegee. Thomas mời ông giảng một khóa về đề tài “Người da đen ở Mỹ” cho một nhóm nhỏ các nghiên cứu sinh viên ở Chicago, và Park đã làm điều này năm 1914. Khóa giảng rất thành công, và ông lặp lại vào năm sau cho một lượng nguời nghe đông gấp đôi. Vào lúc này, ông gia nhập Hiệp hội xã hội học Mỹ, và chỉ một thập kỷ sau đó ông trở thành chủ tịch của nó. Park dần dần được bổ nhiệm toàn thời gian ở ĐH Chicago, dù ông không có bằng giáo sư cho đến năm 1923, khi ông đã 59 tuổi. Trong khoảng 20 năm từ khi tham gia ĐH Chicago, ông đóng một vai trò chủ chốt trong việc xác định định hướng trí thức của phân khoa xã hội học.

Park vẫn là một kẻ long đong ngay cả sau khi về hưu vào đầu 1930. Ông giảng một số khóa và giám thị việc nghiên cứu tại ĐH Fisk cho tới khi ông gần 80 tuổi. Ông đi du lịch rất nhiều. Ông qua đời ngày 7/3/1944, một tuần trước ngày sinh nhật 80 tuổi.

10
PITIRIM A. SOROKIN



Pitirim Sorokin ra đời tại một làng quê xa xôi ở Nga ngày 12/1/1889. Trong thời thanh niên, là một sinh viên trường dòng, Sorokin bị bắt giữ vì những hoạt động cách mạng và bị nhốt bốn tháng. Cuối cùng, Sorokin dời tới ĐH St. Peterburg, và giữa các nghiên cứu cần mẫn, các khả năng sư phạm, các hoạt động cách mạng một lần nữa đưa ông vào tù một thời gian ngắn. Luận văn tốt nghiệp của Sorokin được bố trí bảo vệ vào tháng 3/1917, nhưng trước khi cuộc thi diễn ra, Cách mạng Nga bùng nổ. Sorokin không thể lấy bằng tiến sĩ cho tới năm 1922. Hoạt động cách mạng, nhưng chống lại phe Bolshevik, Sorokin nắm một chức vụ trong chính phủ lâm thời Kerensky. Khi phe vô sản Nga thắng lợi, Sorokin lại bị tù, lần này trong tay những người vô sản. Cuối cùng, dưới chỉ thị trực tiếp của Lenin, Sorokin được phóng thích và cho phép quay lại trường đại học. Tuy nhiên, công việc của ông bị kiểm duyệt và ông bị quấy rầy bởi mật vụ. Cuối cùng Sorokin được phép rời Nga, và sau một thời gian lưu lại Tiệp Khắc, ông tới Mỹ vào tháng 10/1923.

Đầu tiên, Sorokin giảng tại nhiều trường đại học, nhưng cuối cùng ông được bổ nhiệm một vị trí ở ĐH Minesota, chẳng bao lâu ông trở thành giáo sư chính thức. Trước đó, Sorokin đã xuất bản nhiều tác phẩm ở Nga, ông tiếp tục viết với một tỷ lệ đáng kinh ngạc ở Mỹ. Về hoạt động viết lách của mình ở Minesota, ông nói: “Tôi biết nó đã vượt quá những tác phẩm lao tác một đời của một nhà xã hội học bình thường”. Những cuốn như  Tính lưu động của xã hội Các lý thuyết xã hội học đương thời tạo cho ông một tiếng tăm trong nước, năm 1929 ông được đề nghị ghế thứ nhất của xã hội học ĐH Harvard.  Vị trí được đặt trong khoa kinh tế học vì thời đó Harvard chưa có khoa xã hội học.

Không lâu sau khi ông tới Harvard, một khoa xã hội học riêng biệt được thành lập và Sorokin được coi là chủ tịch đầu tiên của nó. Ở chức vụ này, ông đã giúp cho việc xây dựng phân khoa xã hội học quan trọng nhất ở Mỹ. Trong thời kỳ này, Sorokin cũng hoàn tất tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: Các động lực văn hóa và xẩ hội.

Pitirim Sorokin được mô tả là “anh chàng xấu xí của Peck và tay ủng hộ viên  quỷ sứ của xã hội học Mỹ”. Bị một chứng tự kỷ kinh khủng, Sorokin dường như phê phán hầu hết mọi người và mọi thứ. Kết quả là Sorokin và tác phẩm của ông là đối tượng của nhiều phân tích phê phán. Mọi chuyện này rõ ràng trong một trích đoạn từ một lá thư ông gửi cho biên tập viên của tờ tạp chí xãhội học Mỹ:

Đặc tính chỉ trích mạnh mẽ của các bài báo là một điềm lành cho các tác phẩm của tôi vì có một sự tương quan giữa việc chỉ trích các tác phẩm của tôi với nghề nghiệp của họ. Càng chê bai khỏe chừng nào, (và thực tế là tất cả các cuốn sách của tôi đều bị chê bai) các cuốn sách đó càng có ý nghĩa quan trọng và càng thành công.

Một trong những quan tâm và mối căm hận kéo dài của Sorokin là với Talcott Parsons. Parsons được bổ nhiệm giảng viên xã hội học ở Harvard  khi Sorokin là chủ tịch của phân khoa. Dưới quyền lãnh đạo của Sorokin, Parsons rất chậm thăng tiến ở Harvard. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng nổi lên là một nhà xã hội học hàng đầu ở Harvard và ở Mỹ. Mối xung đột giữa hai người càng tăng cao bởi sự trùng lặp giữa lý thuyết của họ. Dù có những điểm tương đồng, tác phẩm của Parsons hấp dẫn một lượng độc giả cao và rộng rãi hơn là của Sorokin. Theo năm tháng, Sorokin ngày càng có thái độ quan tâm đến tác phẩm của Parson, điều này thể hiện trong nhiều cuốn sách của ông. Một mặt, ông có xu hướng chỉ trích Parsons đã lấy cắp một số ý tưởng hay nhất của ông. Mặt khác, ông nghiêm khắc phê phán lý thuyết của Parsons.

Một mối căng thẳng khác trong quan hệ giữa hai người là các nghiên cứu sinh. Một trong các thành tựu to lớn nhất của phân khoa Harvard sơ khai là khả năng thu  hút các sinh viên tài năng như Robert Merton. Dù những sinh viên này chịu ảnh hưởng của các tư tưởng của cả hai người, ảnh hưởng của Parson chứng tỏ có sự lâu dài hơn là Sorokin. Merton là trợ giảng của Sorokin, nhưng ông không chấp nhận định hướng lý thuyết của Sorokin. Khi Merton đệ trình một phác thảo ý tưởng ban đầu cho luận án của mình lên Sorokin, Sorokin trả lời: “Là một khóa luận, thì nó rất tốt. Anh sẽ đạt điểm A. Nhưng, từ một lập trường sâu sắc và quan trọng hơn, tôi phải nghiêm khắc và sắc bén phê phán nó.”

Parsons thay cho Sorokin làm chủ tịch phân khoa xã hội học và chuyển nó thành phân khoa Quan hệ xã hội. Về chuyện này, Sorokin nói:

Như thế, tôi không chịu trách nhiệm đối với bất cứ điều gì xảy ra cho phân khoa, như sự liên kết giữa tâm lý xã hội bất bình thường và nhân loại học văn hóa để tạo ra một “Khoa Quan hệ xã hội” hoặc sự chìm đắm của xã hội học vào một khối chiết trung những thứ linh tinh của các bộ môn này… Khoa Quan hệ xã hội khó mà sản sinh được nhiều nhà xã hội học nổi bật như phân khoa xã hội học đã làm được…dưới sự lãnh đạo của tôi.”

Sau cùng, Sorokin bị cô lập trong phân khoa Harvard, bị đóng băng trong một văn phòng “cách ly” và bị xuống cấp bởi việc đặt một tuyên bố quay rô-nê-ô dưới các cánh cửa của văn phòng khoa kêu ca rằng Parsons đã đánh cắp các ý tưởng của ông.

Sorokin qua đời ngày 11/2/1968.


KỲ TRƯỚC

XEM TIẾP 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét