Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

PHÁC HỌA TIỂU SỬ CỦA MỘT SỐ NHÀ XÃ HỘI HỌC - KỲ I


Nguyễn Thành Nhân trích dịch
(từ Modern Sociological Theory của
George Ritzer)


"Tác phẩm tiểu sử và tiểu sử tự thuật hữu dụng trong việc giúp chúng ta thấu hiểu thế giới của các lý thuyết gia xã hội học, và của các nhà xã hội học nói chung. Sử gia khoa học Thomas Hankin lý giải theo cách sau: '(Một) tiểu sử hoàn toàn hòa hợp của một nhà khoa học bao gồm không chỉ cá tính của anh ta, mà cả tác phẩm khoa học, bối cảnh tri thức và xã hội của thời đại của anh ta… vẫn là cách thức tốt nhất để đi tới nhiều vấn đề vây quanh công việc viết lách về lịch sử của khoa học… Khoa học được sáng tạo bởi các cá nhân, tuy nhiên nó bị lái đi rất nhiều bởi các lực lượng bên ngoài, các lực lượng này tác động qua chính bản thân nhà khoa học. Tiểu sử là một kính viễn vọng văn học mà qua nó chúng ta có thể quan sát một cách tốt nhất quá trình này.' "

GEORGE RITZER




1
ABDEL RAHMAN IBN KHALDUN: 




Có một khuynh hướng xem xã hội học như là một hiện tượng tương đối hiện đại và riêng biệt ở Tây phương. Tuy nhiên, thật ra các học giả đã nghiên cứu về xã hội học từ  trước đó khá lâu, và ở nhiều vùng khác trên thế giới. Một dẫn chứng là Abdel Rahman Ibn Khaldun.  

Ông sinh ở Tunis, Bắc Phi vào ngày 27/5/1332, trong một gia đình có truyền thống về giáo dục. Ông được dạy các môn kinh: Koran (thánh kinh của Đạo Hồi), toán học, và lịch sử. Trong cả cuộc đời, ông đã phục vụ cho nhiều vua chúa ở Tunis, Morocco, Tây Ban Nha, và Algeria với chức vụ đại sứ, tùy thần và thành viên của Hội đồng học giả. Ông đã trải qua hai năm bị tống giam ở Morocco vì niềm tin của mình rằng các luật lệ của nhà nước không chia rẻ các nhà lãnh đạo. Sau khoảng hai thập kỷ hoạt động chính trị, Ibn Khaldun trở về Bắc Phi, ở đó ông tiến hành một cuộc tập trung nghiên cứu và viết lách kéo dài năm năm. Các công trình vào thời kỳ này càng nâng cao danh tiếng của ông và dẫn tới chức vụ giảng sư  ở trung tâm nghiên cứu Hồi Giáo - Đại học Al Azhar Moque ở Cairo. Trong các bài giảng thu hút nhiều học viên của mình về xã hội và xã hội học, Ibn Khaldun đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc kết hợp các tư duy xã hội học và quan sát lịch sử.

Trước khi mất vào năm 1406, Ibn Khaldun đã cho ra đời một toàn tập, trong đó có nhiều ý tưởng tương đồng với xã hội học hiện thời. Ông đã chuyển sang nghiên cứu xã hội một cách khoa học, bằng khảo sát thực nghiệm, và tìm hiểu các nguyên nhân của các hiện tượng xã hội. Ông dành sự quan tâm lớn cho các thể chế xã hội khác nhau (ví dụ chính trị và kinh tế) và các mối tương quan chặt chẽ giữa chúng. Ông rất quan tâm đến việc so sánh giữa các xã hội sơ khai và hiện tại. Ibn Khaldun không tạo nên một ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội học cổ điển, nhưng, như các học giả nói chung và các học giả chuyên về Hồi giáo nói riêng đã phát hiện ra trong các công trình tác phẩm của ông, rồi người ta sẽ đánh giá lớn lao hơn nữa tầm quan trọng của ông về mặt lịch sử.
   

2
AUGUST COMTE:


August Comte sinh ngày 19/1/1798 ở Montpelier, Pháp. Bố mẹ ông thuộc tầng lớp trung lưu, cha ông đã lên đến chức đại diện quan chức địa phương về thu thuế. Mặc dù là một sinh viên sớm phát triển, Comte chưa bao giờ đạt được một bằng cấp đại học. Ông cùng toàn bộ các bạn cùng lớp bị đuổi học khỏi trường Cao đẳng bách khoa vì sự phản kháng và các ý tưởng chính trị của họ. Sự kiện này đã gây ra một ảnh hưởng bất lợi trong sự nghiệp hàn lâm của Comte. Năm 1817 ông trở thành thư ký (và là “con nuôi”) của Claude Henri Saint Simon, một triết gia hơn ông 40 tuổi. Họ cùng làm việc với nhau trong nhiều năm và Comte tỏ lòng tri ân ơn nghĩa to lớn của Simon đối với mình: “Tôi tất nhiên mang một món nợ vô cùng lớn lao về tri thức đối với Saint Simon… ông đã góp phần to lớn để đưa tôi đi theo định hướng triết học mà ngày nay tôi đã tạo lập cho mình một cách rõ ràng, và tôi sẽ không ngần ngại theo đuổi trọn đời mình.” Nhưng vào năm 1824, giữa họ đã  nảy sinh mâu thuẫn, vì Comte cho rằng Saint Simon muốn bỏ tên của mình ra khỏi một trong những công trình của ông ta. Sau đó, Comte viết về quan hệ của mình và Simon như là một  điều “thảm khốc”, và diễn tả ông là một kẻ “lừa bịp sa đọa”. Năm 1852, Comte nói về Simon: “Tôi không nợ nần gì con người này hết.”

Heilbron miêu tả Comte là một người thấp (cao khoảng 5 feet 2 inch), có hai mắt khá gần nhau, và rất dễ dao động đối với các hoàn cảnh xã hội, đặc biệt là trong quan hệ với phụ nữ. Ông cũng rất xa lánh với xã hội nói chung. Những sự kiện này giúp ta hiểu được sự  kiện Comte đã cưới một cô gái điếm không xu dính túi, Caroline Massin, cuộc hôn nhân kéo dài từ 1825 tới 1842. Sự dao động của cá nhân Comte ngược hẳn với sự vững chải lớn lao về các năng lực tri thức của ông, và dường như sự tự trọng thị này đã được mọi người nhận thấy rõ:

Khả năng ghi nhớ phi thường của Comte rất nổi tiếng. Được thiên phú một ký ức như một máy chụp ảnh, ông có thể trích dẫn lại những từ ở bất kỳ trang sách nào ông đã từng đọc dù chỉ một lần. Khả năng tập trung của ông cao đến nổi ông có thể phác họa ra cả một cuốn sách mà không cần đặt bút lên trên giấy. Những bài giảng của ông đều phát xuất trực tiếp từ trong đầu, không cần một ghi chú nào. Khi ông ngồi viết những cuốn sách của mình, ông viết ra mọi điều từ trí nhớ.
                                                                                                                ( Schweber)

Năm 1826, Comte xây dựng một dự án  trong đó ông sẽ giới thiệu một loạt 72 bài thuyết trình công cộng (tổ chức ở nhà ông) về triết lý của mình. Khóa giảng đã thu hút được một số lượng người dự khán đông đảo, nhưng phải hoãn lại sau 3 bài vì Comte bị một cơn đột qụy thần kinh. Ông tiếp tục chịu đựng các vấn đề thần kinh sau đó, và một lần vào năm 1827, ông đã cố tự sát bằng cách nhảy xuống sông Seine nhưng không thành công.

            Dù ông không đạt được một chức vụ thường xuyên ở CĐBK (Ecole Polytechnique), Comte cũng giữ một chức vụ thứ yếu với tư cách là trợ giảng ở đó năm 1832. Năm 1837, Comte được giao thêm một nhiệm vụ là nhân viên kiểm tra học phí, và nhờ công việc này, lần đầu tiên đã tạo cho ông một nguồn thu nhập khá đủ (trước đó ông vẫn phải phụ thuộc về kinh tế vào gia đình). Trong thời gian này, Comte thực hiện một bộ sách 6 tập mà nhờ đó ông đã nổi danh: Cours de Philosophie Positive, được xuất bản toàn bộ vào năm 1842 (tập đầu xuất bản năm 1830). Trong công trình này, Comte đã phác họa ra quan điểm của mình, rằng xã hội học là bộ môn khoa học cơ bản. Ông cũng tấn công vào trường CĐBK, và kết quả là năm 1844, hợp đồng trợ giảng của ông không được tái ký kết nữa. Tới 1851, ông hoàn tất bộ sách 4 tập Systeme de Politique Positive, mang nhiều tính thực hành hơn và đề ra một hoạch định lớn về việc tái tổ chức lại xã hội.

            Heilbron cho rằng có một đổ vỡ lớn đã xảy ra trong đời Comte vào năm 1838, và khi ấy ông đã mất đi niềm hy vọng rằng sẽ có một ai đó xem công trình khoa học nói chung, và xã hội học nói riêng của ông là nghiêm túc. Cũng vào thời điểm đó, ông bắt tay vào việc “tẩy não” cho mình, nghĩa là Comte bắt đầu tránh đọc sách của những người khác, kết quả là ông đã không còn nắm bắt được các phát triển mới về tri thức. Từ sau 1838, ông bắt đầu phát triển những tư tưởng quái lạ của mình về cải tạo xã hội đã được diễn tả trong Systeme de Politique Positive. Comte tự tưởng tượng mình là một chức sắc cao cấp của một tôn giáo mới của nhân loại; ông tin vào một thế giới cuối cùng sẽ được dẫn dắt bởi các giáo sĩ - nhà xã hội học. (Comte đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nền tảng Thiên chúa giáo của ông.) Điều thú vị là, mặc dù có những tư tưởng quái lạ như vậy, Comte cuối cùng đã phát triển được một số lượng kế thừa đáng kể ở Pháp, cũng như ở một số nước khác.

            August Comte qua đời ngày 5/9/1857.

3
EMILE DURKHEIM : 


Emile Durkheim sinh ngày 15/4/1858 ở Epinal, Pháp. Ông xuất thân từ một dòng dõi giáo sĩ  Do Thái lâu đời và bản thân cũng nghiên cứu để trở thành một giáo sĩ, nhưng vào đầu thời kỳ thanh niên, ông đã kịch liệt chối bỏ giáo hội. Từ đó, mối quan tâm cả đời của ông về tôn giáo là về mặt học thuật hơn là về mặt thần học. Ông không chỉ không hài lòng với việc học tập tín ngưỡng của mình mà cả với nền giáo dục phổ thông với sự đề cao các vấn đề văn chương và duy mỹ của nó. Ông ước ao một nền giáo dục theo các phương pháp khoa học và các nguyên tắc luân lý cần thiết để hướng đạo cho đời sống xã hội. Ông từ bỏ một sự nghiệp học thuật truyền thống về triết học và thay vào đó, tìm cách đạt tới một học vấn khoa học cần thiết để cống hiến cho việc hướng đạo luân lý đối với xã hội. Dù ông chú ý tới khoa học xã hội, nhưng ở thời đó chưa có lĩnh vực xã hội học, nên thời kỳ giữa 1882 và 1887, ông dạy triết học tại một số trường học địa phương trong phạm vi Paris.

            Niềm khao khát của ông đối với khoa học càng bị kích thích hơn từ một chuyến đi sang Đức, ở đó ông đã được tiếp xúc với khoa học tâm lý do Wilhelm Wundt khởi xướng. Trong những năm tiếp theo chuyến đi này, Durkheim đã xuất bản một số lượng lớn các công trình cơ bản của ông, trong đó một phần là những kinh nghiệm của ông ở Đức . Các ấn phẩm này giúp ông kiếm được một chức vụ ở khoa triết trường ĐH Bordeaux năm 1887. Ở đó, ông đã giảng bài đầu tiên về khoa học xã hội cho một đại học ở Pháp. Nó đã thành công xuất sắc và gây ấn tượng, vì chỉ trước đó một thập kỷ, một cuộc tranh cãi náo nhiệt đã nổ ra trong một trường đại học Pháp vì sự  lưu ý của August Comte tới  luận văn  của một sinh viên. Dù sao, trách nhiệm chủ yếu của Durkheim là dạy các khóa luận về sư phạm cho các giáo viên phổ thông, và khóa giảng quan trọng nhất của ông thuộc về lĩnh vực đạo đức sư phạm. Mục tiêu của ông là truyền đạt một hệ thống luân lý cho các nhà sư phạm, những người mà ông hy vọng rồi sẽ nỗ lực truyền đạt nó lại cho giới thanh niên trẻ tuổi nhằm khắc phục sự suy đồi đạo đức mà ông đã nhìn thấy xung quanh ông trong xã hội Pháp.

            Những năm sau đó là một chuỗi các thành công cá nhân đối với Durkheim. Năm 1893 ông xuất bản luận án Tiến sĩ Pháp của mình, Sự phân loại lao động trong xã hội, cùng với luận văn môn tiếng Latin về Montesquieu. Phát biểu chủ yếu của ông về phương pháp luận, Luật của Phương pháp xã hội học, xuất hiện năm 1895, tiếp đó là các ứng dụng thực nghiệm các phương pháp đó của ông trong quyển  Sự tự sát (1897). Trước 1896 ông đã là giáo sư thực thụ ở Bordeaux. Năm 1902 ông được mời tới trường ĐH nổi tiếng Sorbonne, và năm 1906 ông được phong hàm Giáo sư về khoa học sư phạm và xã hội học. Một công trình nổi tiếng khác của ông, Các hình thái nguyên sơ của đời sống tôn giáo, được xuất bản năm 1912.

            Ngày nay, người ta thường nghĩ về Durkheim như là một nhà bảo thủ về chính trị, và tầm ảnh hưởng của ông trong phạm vi xã hội học tất nhiên cũng mang tính chất bảo thủ. Nhưng trong thời đại của mình, ông được coi là một người trung lập, điều này được minh họa bởi vai trò công cộng tích cực của ông trong cuộc bảo vệ Alfred Dreyfus, một đại úy quân đội người Do Thái đã bị khép án mưu phản tại Tòa quân sự bởi những người theo phe chống chủ nghĩa Xe-míc.
           
            Durkheim bị xúc phạm sâu sắc bởi vụ Dreyfus, đặc biệt ở tính chất phản Xe-mít chủ nghĩa của nó. Nhưng ông không quy tính chất này là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở dân chúng Pháp. Về đặc điểm, ông nhìn nhận nó như là một triệu chứng của sự bệnh hoạn về đạo đức mà xã hội Pháp với ý nghĩa là một tổng thể phải đối mặt. Ông nói :

Khi xã hội chịu khổ đau, nó cảm thấy có nhu cầu tìm ra một ai đó để qui trách nhiệm cho căn bệnh của nó, kẻ mà nó có thể trả đũa lại những bất hạnh rủi ro của nó; và những gì chống lại kẻ mà công luận đã phân biệt đối xử  đương nhiên đã ấn định cho vai trò này. Đã có những người cùng khổ với tư cách nạn nhân chứng tỏ. Cái mà tôi xác định trong diễn dịch này là cách thức mà trong đó kết quả của vụ xét xử  Dreyfus  được chào đón tung hô năm 1894. Một đợt sóng hân hoan dâng trào trên khắp những đại lộ. Mọi người chào mừng như một chiến thắng cái mà lẽ ra phải là nguyên nhân của một đám tang công cộng. Ít nhất họ đã biết được người chịu trách nhiệm cho những khốn cùng đạo đức và vấn nạn kinh tế mà trong đó họ đang sống. Can cớ đến từ người Do Thái. Lời buộc tội đã được chính thức chứng minh. Bởi mỗi một sự kiện này, mọi sự dường như trở nên tốt hơn và người ta cảm thấy an ủi lắm.  

            Như vậy, quan tâm của Durkheim trong vụ Dreyfus bắt nguồn từ  mối quan tâm sâu sắc và kéo dài trọn đời của ông đối với đạo đức và sự khủng hoảng đạo đức đang đối mặt với xã hội hiện đại.

            Đối với Durkheim, câu trả lời cho vụ Dreyfus và những cuộc khủng hoảng tương tự nằm ở cuối đường của cơn hỗn loạn trong xã hội. Bởi vì việc này không thể tiến hành nhanh chóng và dễ dàng được, Durkheim đưa ra những hành động cụ thể hơn, như  nghiêm khắc trấn áp những kẻ kích động lòng thù ghét lẫn nhau, và các nỗ lực của chính phủ để cho công chúng thấy họ đã lầm lạc ra sao. Ông kêu gọi mọi người hãydũng cảm lớn tiếng tuyên bố những gì họ nghĩ, và hãy đoàn kết lại trong trật tự  nhằm giành lấy chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống lại cơn điên cuồng của quần chúng”.

Mối quan tâm của ông đối với chủ nghĩa xã hội cũng được coi như là chứng cứ chống lại ý tưởng rằng ông là một người bảo thủ, nhưng loại chủ nghĩa xã hội của ông rất khác so với loại mà Marx và những người kế tục quan tâm. Thật sự, Durkheim gọi chủ nghĩa Marx là một  tập hợp “những giả thuyết mong manh, không chắc chắn và lỗi thời”. Đối với Durkheim, chủ nghĩa xã hội tiêu biểu cho một phong trào hướng tới sự phục hồi đạo đức xã hội thông qua đạo đức khoa học, và ông không chú ý tới những phương pháp chính trị ngắn hạn hoặc các khía cạnh kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Ông không coi giai cấp vô sản là cứu tinh của xã hội, và ông kịch liệt phản đối sự bạo động hay phiến loạn. Đối với ông, chủ nghĩa xã hội rất khác với những gì mà chúng ta thường hình dung về nó; nó đơn giản chỉ tiêu biểu cho một hệ thống trong đó ứng dụng các nguyên tắc đạo đức do xã hội học phát hiện ra.

            Durkheim, như chúng ta sẽ thấy trong suốt quyển sách này, đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển xã hội học, nhưng ảnh hưởng của ông không chỉ giới hạn ở nó. Nhiều tác động của ông đối với các lĩnh vực khác đến từ tạp chí L’année sociologique mà ông sáng lập năm 1898. Quanh tờ tạp chí mà Durkheim là trung tâm của nó đã lan tỏa một vòng âm ba tri thức. Thông qua nó, ông và những tư tưởng của ông ảnh hưởng đến những lĩnh vực như nhân loại học, lịch sử, ngôn ngữ học - và, khá là trớ trêu - khi nhớ lại cuộc tấn công ở thời kỳ trẻ tuổi của ông vào lĩnh vực này – tâm lý học.

            Durkheim qua đời ngày 15/11/1917. Là một nhân vật lừng danh của giới trí thức Pháp, nhưng phải đến hơn hai mươi năm sau đó, với sự xuất bản quyển Cấu trúc của hành động xã hội của Talcott Parson (1937), công trình của ông mới trở nên có ảnh hưởng quan trọng đến xã hội học Mỹ.

4
KARL MARX

           
Karl Marx ra đời ở Trier, nước Phổ, ngày 5/5/1818. Cha ông, một luật sư, tạo cho gia đình một nếp sống theo kiểu trung lưu. Cả cha mẹ ông đều xuất thân từ các gia đình giáo sĩ, nhưng vì những lý do làm ăn, người cha đã cải đạo sang Luther giáo khi Karl Marx còn rất trẻ. Năm 1841 Marx nhận học vị tiến sĩ  triết học của ĐH Berlin, một ngôi trường chịu ảnh hưởng lớn của Hegel và phái Hegel Trẻ – ủng hộ nhưng có phê phán thầy của họ. Luận văn bảo vệ Tiến sĩ  của Marx là một luận án triết học khô khan, nhưng nó đã góp phần thúc đẩy nhiều tư tưởng về sau của ông. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành một cây bút cho một tờ báo tự do cấp tiến, và chỉ trong vòng 10 tháng đã lên chức vị tổng biên tập tờ báo này. Tuy thế, vì các lập trường chính trị của nó, tờ báo đã bị Chính phủ đóng cửa sau đó không lâu. Các tiểu luận đầu tiên trong thời kỳ này bắt đầu phản ánh một số quan điểm đã dẫn dắt Marx suốt đời. Chúng thấm nhuần các nguyên tắc dân chủ tự do, nhân bản chủ nghĩa và chủ nghĩa duy tâm trẻ trung. Ông phản đối tính trừu tượng của triết học Hegel, một giấc mơ ngây thơ về một chủ nghĩa cộng sản không tưởng, và những nhà hoạt động đang xui giục kích động cái mà ông xem là những hành vi chính trị chưa tới độ trưởng thành. Để phản đối những nhà họat động này, Marx đã đề ra nền tảng cho công trình một đời tạo tác của mình:

Các nỗ lực thực hành, ngay khi tiến hành bởi quần chúng nhân dân, cũng có thể được đáp lại bằng súng đại bác khi chúng trở nên nguy hiểm, nhưng những tư tưởng đã chiến thắng trí năng của chúng ta và ngự trị niềm tin chắc của chúng ta, các tư tưởng mà sự duy lý đã ấn định vào ý thức chúng ta, đó chính là những sợi xích mà người ta không thể nới lỏng ra nếu không làm tan vỡ trái tim mình; chúng là những yêu ma quỷ quái mà người ta chỉ có thể vượt qua bằng mỗi cách qui phục chúng mà thôi.

            Marx lập gia đình năm 1843 và sau đó không lâu buộc phải rời khỏi Đức để tìm đến một bầu không khí tự do hơn ở Paris. Ở đó, ông tiếp tục nắm bắt những tư tưởng của Hegel và những người ủng hộ, nhưng ông cũng tiếp xúc với hai hệ tư tưởng mới – Chủ nghĩa xã hội Pháp và Kinh tế chính trị Anh. Đó là con đường thống nhất trong đó ông kết hợp thuyết Hegel, chủ nghĩa xã hội và kinh tế chính trị đã hình thành định hướng trí thức của ông. Một sự kiện rất quan trọng khác ở thời điểm này là việc gặp gỡ một người sau đó trở thành người bạn suốt đời, người ân nhân và người cộng sự của ông - Friedrich Engels. Là con của một nhà sản xuất nguyên liệu dệt may, Engels đã trở thành một nhà phê phán xã hội chủ nghĩa đối với các điều kiện mà giai cấp công nhân đang đối mặt. Phần lớn những đồng cảm với sự khốn cùng của giai cấp công nhân của Marx xuất phát từ cuộc tiếp xúc với Engels và những tư tưởng của ông. Năm 1844, hai người đã có một cuộc trò chuyện khá dài tại một quán café nổi tiếng ở Paris và đã đặt nền móng cho mối cộng tác cả đời của họ. Trong cuộc trò chuyện này, Engel nói: “Sự nhất trí hoàn toàn giữa chúng tôi trong mọi lĩnh vực lý thuyết đã trở nên hiển nhiên… và mối quan hệ làm việc của chúng tôi đã được xác định từ ngày đó.”  Trong những năm tiếp theo, Engel xuất bản một tác phẩm đáng chú ý, quyển Điều kiện của giai cấp công nhân ở Anh Quốc. Trong thời gian này Marx đã xuất bản một số tác phẩm sâu sắc, bao gồm Gia đình thần thánhHệ tư tưởng Đức (cả hai đều đồng tác giả với Engels), ông cũng cho ra đời quyển Các bản thảo về Kinh tế và Triết học năm 1844, tác phẩm đã dự báo sự quan tâm ngày càng tăng đến lĩnh vực kinh tế của ông.

            Trong lúc Marx và Engels cùng chia sẻ một định hướng lý thuyết, giữa hai người cũng có rất nhiều khác biệt, Marx có khuynh hướng thiên về lý thuyết, một trí thức vô trật tự và một định hướng về gia đình mình, Engels lại là một tư tưởng gia thực hành, một doanh nhân chu đáo ngăn nắp, và một kẻ không tin vào thiết chế của gia đình. Dù có những khác biệt, Marx và Engels tiến bước trong mối đoàn kết thân thiết, cộng tác với nhau viết sách, báo, và cùng làm việc cho các tổ chức cấp tiến, và Egels thậm chí còn hỗ trợ Marx trong suốt phần đời còn lại để ông có thể hiến trọn đời mình cho những nỗ lực trí thức và chính trị.

            Bất chấp mối quan hệ thân thiết giữa hai cái tên Marx và Egels, Engels vẫn xác định rõ ông là thành viên thứ yếu:

“Marx rất có thể  hoàn thành tốt công việc mà không cần đến tôi. Những điều Marx đã hoàn thành tôi không sao đạt được. Marx đứng cao hơn, nhìn xa hơn và có một quan điểm rộng rãi linh hoạt hơn tất cả chúng ta. Marx là một thiên tài.”

            Thật sự, nhiều người tin rằng Engels đã không hiểu được nhiều chi tiết tinh tế trong tác phẩm của Marx. Sau khi Marx chết, Engels trở thành phát ngôn viên dẫn đầu cho học thuyết của Marx và trong nhiều cách đã làm nó bị bóp méo, giản đơn hóa rất nhiều, dù ông còn duy trì niềm tin vào viễn cảnh chính trị mà ông đã hướng tới với Marx.

            Vì một số tác phẩm của ông làm chính phủ Phổ khó chịu, chính phủ Pháp (theo yêu cầu của Phổ) đã trục xuất Marx vào năm 1845, và ông chuyển tới Brussels. Thuyết cấp tiến của ông lớn dần, và ông trở thành một thành viên tích cực của phong trào cách mạng quốc tế. Ông cũng cộng tác với Liên đoàn Cộng sản và được yêu cầu viết một văn bản trình bày các mục tiêu và niềm tin của nó. Kết quả là Bản Tuyên ngôn cộng sản vào năm 1848, một tác phẩm có đặc tính là đưa vào rất nhiều khẩu hiệu chính trị (ví dụ, “Công nhân các nước đoàn kết lại!”)

            Năm 1849, Marx chuyển tới London và dưới sự thất bại của những cuộc cách mạng chính trị năm 1848, ông bắt đầu rút lui khỏi hoạt động chính trị và bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu các công xuởng của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Năm 1852, ông thực hiện các cuộc nghiên cứu nổi tiểng ở Bảo tàng viện Anh về các điều kiện lao động trong chủ nghĩa tư bản. Những nghiên cứu này cuối cùng đã hình thành bộ ba tác phẩm Tư bản, quyển đầu xuất bản năm 1867; hai quyển kia xuất bản sau khi ông chết. Ông sống trong nghèo khó suốt những năm đó, cố xoay sở bằng một món thu nhập nhỏ nhoi từ bài viết và hỗ trợ của Engels. Năm 1864, Marx trở lại hoạt động chính trị bằng cách gia nhập Quốc tế, một tổ chức của phong trào công nhân quốc tế. Chẳng bao lâu, ông đã nổi lên hàng đầu trong phong trào và cống hiến nhiều năm cho nó. Ông trở nên danh tiếng vừa với tư cách là người lãnh đạo Quốc tế vừa là tác giả cuốn Tư bản. Nhưng sự tan rã của Quốc tế vào 1876, sự thất bại của nhiều phong trào cách mạng, và căn bệnh riêng đã hủy hoại Marx. Vợ ông mất năm 1881, một người con gái năm 1881 và bản thân Marx qua đời ngày 14/3/1883.

5
MAX WEBER


Max Weber sinh ở Refurt, Đức ngày 21/4/1864, trong một gia đình trung lưu. Sự khác biệt quan trọng giữa bố mẹ đã tạo ra một tác động sâu sắc đối với cả định hướng tri thức và sự phát triển tâm thần của ông. Bố ông là một quan chức  có một địa vị tương đối quan trọng về chính trị. Rõ ràng ông ta là một bộ phận của thể chế chính trị và kết quả là ông lánh xa mọi hoạt động có tính cách lý tưởng đòi hỏi một đức hy sinh cá tính hoặc đe dọa tới địa vị của ông trong hệ thống. Ngoài ra, bố của Weber còn là một con người ưa hưởng thụ mọi khoái lạc trần gian, và theo cách đó, ông hoàn toàn trái hẳn với vợ mình. Mẹ của Weber là một tín đồ Canvin mộ đạo, một phụ nữ hướng về cuộc sống khổ hạnh  không có một niềm vui nào như nỗi thèm khát của chồng bà. Mối quan tâm của bà thuộc về một thế giới khác: bà phiền muộn vì sự bất toàn đã chỉ cho bà thấy bà không được dành cho sự cứu rỗi. Những khác biệt sâu sắc này giữa hai vợ chồng đã tạo ra một sự căng thẳng trong quan hệ, và cả những khác biệt cùng sự căng thẳng này có một tác động lớn đến Weber.

            Vì không thể cạnh tranh với bố mẹ, Weber chỉ thể hiện là một đứa con. Đầu tiên, dường như ông chọn định hướng của bố cho mình, nhưng về sau ông ngày  càng gần với mẹ hơn. Dù có sự chọn lựa nào, sự căng thẳng bởi nhu cầu phải chọn giữa hai cực đối nghịch như thế đã tác động một cách tiêu cực đến tâm thần của Weber.

            Năm 18 tuổi, Max Weber rời nhà một thời gian ngắn để dự học ở trường ĐH Heldelberg. Ông vốn phát triển sớm về trí thức, nhưng ở mức độ xã hội, ông nhập trường đại học một cách rụt rè và chậm phát triển. Tuy nhiên, việc này nhanh chóng thay đổi khi ông hướng về lối sống của bố mình, tham gia vào nhóm của ông. Ở đó ông phát triển về mặt xã hội, ít nhất là phần nào vì số bia nhiều vô số kể mà ông tiêu thụ cùng bạn bè trang lứa. Ngoài ra, ông tự hào khoe những vết thẹo đánh nhau vốn là bằng cứ cho những nhóm hội đoàn. Weber không chỉ biểu lộ sự đồng nhất với cách sống của bố  mà còn chọn, ít nhất là ở thời điểm đó, nghề nghiệp của bố ông - nghề luật.

            Sau ba học kỳ, Weber rời trường để thực hiện nghĩa vụ quân sự, năm 1884 ông trở lại Berlin và về nhà bố mẹ để theo học tại ĐH Berlin. Ông ở đó suốt 8 năm kế tiếp cho tới khi hoàn tất việc học, đạt học vị tiến sĩ, trở thành một luật sư, và khởi sự dạy học ở ĐH Berlin. Trong quá trình này, mối quan tâm của ông chuyển sang những quan tâm trọn đời - kinh tế học, lịch sử, và xã hội học. Trong 8 năm ở Berlin, Weber phụ thuộc vào bố về tài chính, một tình trạng mà ông ngày càng không thích. Đồng thời, ông tiến gần hơn về phía các giá trị của mẹ, trong khi ác cảm với bố tăng dần. Ông theo một lối sống khổ hạnh và chìm đắm vào công việc. Ví dụ, trong một học kỳ thời sinh viên, thói quen của ông được diễn tả như sau : “Ông tiếp tục theo kỷ luật làm việc khắt khe, qui định đời mình bằng chiếc đồng hồ, chia công việc hàng ngày ra từng phần chính xác trong nhiều mặt khác nhau, dành dụm theo cách của mình bằng cách ăn tối trong phòng với một cân bò bíp tết và bốn quả trứng.” ( Mitzman)  Như vậy, Weber, theo mẹ mình, đã trở nên người làm việc khổ hạnh và cần mẫn, tự ép buộc mình- nói theo kiểu đương thời là một “người tham công tiếc việc”.

            Sự lao động ép xác này đưa lại một chức vụ giáo sư về kinh tế học ở ĐH Heidelberg vào năm 1896. Nhưng năm 1897, khi sự nghiệp của ông bắt đầu khởi sắc, bố của ông mất sau một vụ cãi nhau nghiêm trọng với ông. Không lâu sau đó, Weber bắt đầu  bộc lộ những triệu chứng mà tột đỉnh của chúng là một cơn đột qụy thần kinh. Thường không thể ngủ hoặc làm việc, Weber trải qua 6 hoặc 7 năm kế tiếp trong tình trạng hầu như suy sụp hoàn toàn. Sau một thời gian dài gián đoạn, một số năng lực của ông bắt đầu trở lại vào năm 1903, nhưng chỉ năm 1904, khi ông được giao cho dạy (ở Mỹ) khóa giảng đầu tiên trong 6 năm rưỡi, Weber mới bắt đầu trở lại cuộc sống học thuật tích cực. Năm 1904 và 1905, ông xuất bản một trong những tác phẩm được biết nhiều nhất của mình, cuốn Đạo đức của tín đồ Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Trong tác phẩm này, Weber công bố uy thế của tôn giáo của mẹ mình ở cấp độ hàn lâm học thuật. Weber dành phần lớn đời mình để nghiên cứu tôn giáo, dù bản thân ông không phải là một tín đồ.

            Mặc dù ông tiếp tục bị hành hạ bởi những vấn đề tâm thần, sau 1904 Weber đã có khả năng thực sự sản sinh ra một trong những tác phẩm quan trọng nhất của minh. Trong mấy năm đó, Weber xuất bản những nghiên cứu của ông về các tôn giáo trên thế giới theo một viễn tượng thế giới - lịch sử (ví dụ, Trung Quốc, Ấn Độ, và Do Thái cổ). Vào lúc sắp chết (14/7/1920) ông đang viết tác phẩm quan trọng nhất của mình, Kinh tế và Xã hội. Dù cuốn sách này được xuất bản, và được dịch ra nhiều thứ tiếng, nó chưa được hoàn thành.

            Ngoài việc viết vô số tác phẩm, trong thời kỳ này Weber thực hiện một số hoạt động khác. Ông góp phần thành lập GSS vào năm 1910. Nhà ông trở thành trung tâm của nhiều nhà trí thức, bao gồm những nhà xã hội học như Georg Simmel, Robert Michels và Alfred, anh ông ta, cũng như  nhà triết học và phê bình văn học Georg Lukács. Ngoài ra, Weber còn là một chính trị gia tích cực và viết nhiều luận văn về các vấn đề thời đó.

Trong cuộc đời Weber có một mối căng thẳng, và quan trọng hơn, cả trong tác phẩm của ông, giữa một trí óc quan lại, tiêu biểu là cha ông, và sự sùng đạo của mẹ ông. Mối căng thẳng không thể giải quyết này thấm vào tác phẩm của Weber cũng như nó đã thấm vào cuộc đời ông.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét