Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

PHÁC HỌA TIỂU SỬ MỘT SỐ NHÀ XÃ HỘI HỌC - KỲ III


Nguyễn Thành Nhân trích dịch
(Từ Modern Sociological Theory của George Ritzer)


11
C. WRIGHT MILLS



C. Wright Mills sinh ngày 28/8/1916 ở Waco, Texas. Ông xuất thân từ một gia đình trung lưu truyền thống. Cha ông là một người môi giới bảo hiểm, mẹ là nội trợ. Ông vào học tại ĐH Texas và năm 1939 đạt cả hai bằng cử nhân và thạc sĩ. Ông là một sinh viên khác thường, trước khi rời Texas đã công bố hai bài viết trong hai tạp chí xã hội học lớn. Mills làm luận án và bảo vệ học vị tiến sĩ tại ĐH Wisconsin. Ông nhận việc làm đầu tiên ở ĐH Maryland nhưng dành phần lớn thời gian, từ năm 1945 cho tới khi mất, cho sự nghiệp ở ĐH Columbia.

Mills là một người làm việc khẩn trương. Trước lúc mất ở tuổi 45 sau cơn bệnh tim đột phát lần thứ tư, ông đã có một số cống hiến quan trọng cho xã hội học.

Một trong những điều nổi bật ở Mills là tính chiến đấu của ông; ông dường như thường xuyên trong tình trạng chiến tranh. Ông có một cuộc sống cá nhân dữ dội, nhiều sự kiện, ba lần kết hôn, và mỗi lần là một đứa con. Ông cũng có một cuộc sống nghề nghiệp dữ dội tương tự. Hầu như ông chống lại mọi người và mọi thứ. Khi còn là một nghiên cứu sinh tại Wisconsin, ông đã đảm nhiệm một số công việc của các giáo sư của mình. Sau này, ở một trong những tiểu luận đầu tiên, ông ngầm phê phán cựu chủ tịch của phân khoa Wisconsin. Ông gọi nhà lý thuyết gia tiền bối ở Wisconsin, Howard Becker là “một gã thực sự ngu xuẩn”. Sau cùng, ông gây xung đột cả với đồng tác giả của mình là Hans Gerth, người đã gọi ông là “một nhà hoạt động xuất sắc, tự tin, một chàng trai hứa hẹn nhiều thăng tiến, và một tay cao bồi Texas hung hăng”. Khi làm giáo sư ở Columbia, Mills bị các đồng nghiệp cô lập và xa lánh. Một người trong số họ nói:

Không có sự bất hòa giữa tôi và Wright. Chúng tôi bắt đầu bị ly gián nhau. Thật sự, ở các họat động tưởng niệm hay các cuộc mít tinh được tổ chức tại Columbia  khi ông mất, dường như tôi là người duy nhất có thể nói rằng “Tôi đã từng là bạn của ông ta, nhưng chúng tôi bắt đầu hơi có khoảng cách với nhau.” Đúng hơn đó là sự lãnh đạm.

Mills là một kẻ ngoài lề và ông biết điều này: “Tôi là một tên ngoại đạo, không chỉ về tôn giáo, mà sâu xa hơn thế.” Trong cuốn Sáng tạo xã hội học, Mills thách thức không chỉ nhà lý thuyết hàng đầu thời bấy giờ, Talcotts Parsons, mà cả nhà phương pháp luận hàng đầu, Paul Lazarsfeld, người từng là đồng nghiệp ở Columbia.

Tất nhiên Mills không chỉ kỳ cục với mọi người, ông còn kỳ cục với cả xã hội Mỹ và chống đối nó trên nhiều mặt trận. Nhưng có lẽ đáng nói nhất là sự kiện khi Mills tới thăm Liên bang Xô viết và được tôn trọng như là một nhà phê phán chủ yếu ở xã hội Mỹ, ông nắm lấy dịp đó để tấn công sự kiểm duyệt ở Liên bang Xô viết khi nâng cốc cầu chúc một nhà lãnh đạo xô viết thời kỳ đầu tiên đã bị thanh trừng và giết chết bởi những người theo Stalin: “Chúc cho ngày mà các tác phẩm đã hoàn thành của Leon Trotsky được xuất bản ở Liên bang Xô viết!”

Mills qua đời ở Nyack, New York ngày 20/3/1962.


12
TALCOTT PARSONS




Talcott Parsons sinh năm 1902 tại Colorado Springs, Bang Colorado. Ông xuất thân từ một gia đình trí thức tôn giáo; Cha ông là một mục sư  của giáo đoàn, một giáo sư, và sau cùng là hiệu trưởng một trường cao đẳng nhỏ.  Parsons lấy bằng cao đẳng từ trường Amherst College năm 1924 và du học làm nghiên cứu sinh tại trường  London School of Economics. Năm tiếp theo, ông chuyển sang Heidelberg, Đức. Max Weber đã dành phần lớn sự nghiệp của mình ở trường này, và mặc dù ông đã mất trước khi Parsons tới đó 5 năm, ảnh hưởng của ông vẫn còn tồn tại và vợ góa của ông tiếp tục tổ chức các cuộc họp mặt tại nhà bà, Parsons đã tham dự các cuộc họp đó. Parsons chịu ảnh hưởng lớn bởi tác phẩm của Weber và sau cùng viết  luận văn tiến sĩ ở Helderberg, xử lý một phần tác phẩm của Weber.

            Parsons trở thành giảng viên ở Harvard năm 1927, và dù ông bị chuyển phân khoa nhiều lần, ông vẫn ở lại Harvard cho tới khi qua đời năm 1979. Quá trình sự nghiệp của ông không tiến triển nhanh, ông không được giữ chức vụ giáo sư thường xuyên ở Harvard  cho tới năm 1939. Hai năm trước đó,  ông đã xuất bản cuốn Cấu trúc của hành động xã hội, một cuốn sách không chỉ giới thiệu các lý thuyết gia xã hội học chủ yếu như Weber với nhiều nhà xã hội học mà còn đặt ra nền tảng cho lý thuyết riêng của ông.

            Sau đó, Parsons bắt đầu thăng tiến nhanh. Ông được cử làm chủ tịch của phân khoa xã hội học Harvard năm 1944, hai năm sau ông sáng lập và là người đứng đầu phân khoa cải tiến  về Các quan hệ xã hội, bao gồm không chỉ các nhà xã hội học mà cả một loạt các nhà khoa học xã hội khác. Năm 1949 ông được bầu làm chủ tịch của Hiệp hội xã hội học Mỹ. Năm 1950 và cho tới những năm 1960, với sự xuất bản các cuốn sách như  Hệ thống xã hội (1951), Parsons trở thành nhân vật hàng đầu của bộ môn xã hội học Mỹ.

            Tuy nhiên, cuối những năm 1960, Parsons bị tấn công bởi sự ra đời của cánh cấp tiến trong xã hội học Mỹ. Parsons được xem là một người bảo thủ về chính trị, và lý thuyết của ông bị cho là có tính bảo thủ cao độ và không có gì khác ngoài một lược đồ phân loại tỉ mỉ. Nhưng trong những năm 1980, có một sự phục hồi mối quan tâm tới lý thuyết Parsons, không chỉ ở Mỹ mà khắp trên thế giới. Holton và Turner có lẽ đã đi xa nhất, lý luận rằng “ Tác phẩm của Parsons thể hiện một cống hiến hữu hiệu hơn lý thuyết của Marx, Weber, Durkheim hay bất cứ ai trong số người kế tục họ đương thời.” Ngoài ra, các tư tưởng của Parsons có ảnh hưởng không chỉ các tư tưởng gia bảo thủ mà cả các lý thuyết gia tân Marxist, đặc biệt là Jurgen Habemas.

            Sau cái chết của Parsons, một số cựu sinh viên của ông, bản thân cũng là những nhà xã hội học đáng chú ý, phản ánh lại lý thuyết của ông, cũng như cả con người phía sau các lý thuyết của ông. Trong suy tưởng của họ, những nhà xã hội học này đưa ra một số nhận thức thú vị về  Parsons và tác phẩm của ông. Một vài cái nhìn thoáng về sự tái sinh của Parsons ở đây không tạo ra một chân dung rõ rệt. Nhưng họ đã có những cái nhìn kích  thích mối quan tâm tới con người và tác phẩm của ông.

            Robert Merton là một trong những sinh viên vào buổi đầu Parsons giảng dạy ở Harvard. Merton, kẻ đã trở thành một nhà xã hội học đáng chú ý, đã làm sáng tỏ rằng các nghiên cứu sinh đến học tập ở Harvard trong những năm đó không chỉ với Parsons mà với cả Pitirim Sorokin, thành viên lớn nhất của phân khoa, kẻ đã trở thành đối thủ với Parsons:

Về thế hệ đầu tiên các nghiên cứu sinh tới Harvard... chính xác là không có ai tới để học với Talcott.  Hầu như họ làm như thế vì một lý do đơn giản nhất: Năm 1931, ông chưa được công chúng nhận ra là một nhà xã hội học.
Mặc dù bọn sinh viên chúng tôi đến học hỏi với một Sorokin lừng danh, một phần chúng tôi đã ở lại để làm việc với một Parsons vô danh.

Những phản ánh của Merton về khóa giảng lý thuyết của Parsons cũng khá thú vị, đặc biệt bởi vì tư liệu này đã cung cấp nền tảng cho một trong những cuốn sách lý thuyết có nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử xã hội:

Từ lâu trước khi Talcott Parsons trở thành Ông già Khổng lồ của thế giới xã hội học, đối với một vài người trong bọn sinh viên thời đầu chúng tôi ông đã là một Chàng trai trẻ Khổng lồ. Điều này bắt đầu từ khoá đầu tiên của ông về lý thuyết... (nó) đã cung cấp ông với cái cốt lõi của tác phẩm bậc thầy của ông, Cấu trúc của hành động xã hội, không xuất hiện dưới hình thức bản in cho đến năm năm sau khi nó được công bố bằng lời nói.      

Mặc dù không phải mọi người đều có cùng các đánh giá tích cực về Parsons như  Merton, họ có thể ghi nhận điều này:

Cái chết của Talcott Parsons ghi dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên trong xã hội học. Khi (một kỷ nguyên mới) bắt đầu... nó chắc chắn sẽ được củng cố thêm bởi truyền thống vĩ đại về xã hội học mà ông đã để lại cho chúng tôi.

13
ROBERT MERTON (Tự thuật)





            Thật khá dễ dàng để nhận dạng các giáo sư  chủ yếu, những người đã dạy tôi nhiều nhất, cả khi ở gần sát bên hay ở xa một chút. Trong thời gian tôi học nghiên cứu sinh, họ là P.A. Sorokin, người đã định hướng tôi rộng hơn tới các tư tưởng xã hội Châu Âu, và với ông, không như những sinh viên khác thời đó, tôi không bao giờ mất đi quan hệ, dù tôi không thể theo ông đi vào các chiều hướng thẩm tra ông bắt đầu theo đuổi vào cuối những năm 1930; rồi một Talcott Parsons lúc bấy giờ còn rất trẻ, nhưng đã thể hiện tư duy qua các ý tưởng mà lần đầu tiên đạt tới đỉnh cao trong cuốn Cấu trúc của hành động xã hội đầy uy tín của ông; nhà hóa sinh học và đôi khi là nhà xã hội học L.J. Henderson, người đã dạy tôi đôi điều gì đó về cách điều tra có kỷ luật cái lúc đầu được hoan nghênh như là một ý tưởng thú vị; nhà lịch sử kinh tế học E.F. Gay, người đã dạy tôi về các công việc của sự phát triển kinh tế như là một sự tái thiết từ các nguồn dự trữ; và, hoàn toàn tự nhiên, trưởng khoa lịch sử khoa học lúc bấy giờ, George Sarton, người cho phép tôi làm việc dưới sự hướng dẫn của mình trong nhiều năm ở  chỗ làm việc đầy danh vọng (nếu không nói là thiêng liêng) của ông trong thư viện Widener của Harvard. Ngoài những thầy trên mà tôi được học hỏi trực tiếp, tôi học được nhiều nhất từ hai nhà xã hội học: Emile Durkheim, trên hết tất cả mọi người khác, và Goerg Simmel, những người có thể dạy tôi chỉ qua các tác phẩm quyền năng mà họ để lại, và từ nhà nhân văn học đầy nhạy cảm với xã hội học, Gilbert Murray. Trong giai đoạn sau của đời tôi, tôi học được nhiều nhất từ cộng sự của tôi, Paul F. Lazarsfeld, người có lẽ không bao giờ ngờ được anh ta đã dạy cho tôi biết bao điều trong những cuộc chuyện trò và cộng tác vô số kể trong suốt hơn một phần ba thế kỷ.

            Quay nhìn lại tác phẩm của tôi trong bao nhiêu năm đó, tôi tìm ra hơn một khuôn mẫu mà tôi từng cho là mình có. Vì hầu như từ buổi đầu của công việc của tôi, sau bấy nhiêu năm học nghề với tư cách nghiên cứu sinh, tôi đã quyết định theo các quan tâm trí thức của tôi hơn là theo đuổi một kế hoạch đã dự định trước cho suốt cuộc đời. Tôi chọn con đường nối bước sự thực hành của người thầy xa cách của tôi - Durkheim, hơn là sự thực hành của người thầy gần gũi của tôi, Sarton. Durkheim liên tục thay đổi các đề tài mà ông chọn để điều tra. Khởi sự với nghiên cứu của ông về sự phân chia lao động xã hội, ông kiểm nghiệm các phương pháp điều tra xã hội học và rồi chuyển hướng một cách thành công sang các đề tài dường như không có chút quan hệ về sự tự sát, tôn giáo, giáo dục luân lý, và chủ nghĩa xã hội, trong toàn bộ thời gian đó phát triển một định hướng lý thuyết mà, với đầu óc của ông, có thể phát triển một cách hiệu quả bằng cách tham gia vào các khía cạnh khác nhau như thế của đời sống trong xã hội. Sarton đã tiến theo một con đường hoàn toàn khác hẳn: trong những năm đầu ở địa vị học giả, ông đã thực hiện một chương trình nghiên cứu về lịch sử khoa học đã đạt tột đỉnh trong bộ sách năm tập đồ sộ Giới thiệu về lịch sử khoa học (chuyên chở câu chuyện xuyên suốt qua 14 thế kỷ!)

            Cái khuôn mẫu đầu tiên dường như khá phù hợp với tôi. Tôi muốn và vẫn còn muốn đưa ra các lý thuyết xã hội học về các biến đổi cấu trúc và văn hóa xã hội sẽ giúp chúng ta hiểu được các thể chế xã hội và các đặc tính của đời sống trong xã hội đã nảy sinh ra sao. Mối quan tâm về xã hội học lý thuyết đó của tôi đã dẫn tôi tránh được loại đề tài chuyên biệt hóa đã trở nên (theo ý tôi, phần lớn đúng là đã trở nên) trật tự trong xã hội học ngày đó, cũng như trong tất cả các bộ môn đang tiến triển khác. Đối với mục đích của tôi, việc nghiên cứu về một loạt đề tài xã hội học khác nhau là cần thiết.

            Trong loạt đề tài đó, chỉ một lĩnh vực đặc biệt - xã hội học khoa học - đã là mối quan tâm dai dẳng trong tôi. Trong những năm 1930, tôi dành hầu như toàn bộ cho các bối cảnh xã hội của khoa học và kỹ thuật, đặc biệt là nước Anh thế kỷ 17, và tập trung vào các hệ quả không dự kiến trước của hành động xã hội có mục đích. Khi các quan tâm lý thuyết của tôi mở rộng hơn, tôi quay sang, trong những năm 1940 và sau đó, nghiên cứu về các nguồn gốc xã hội của hành vi lầm lạc và bất tuân, về các công việc của chế độ bàn giấy, tín ngưỡng quần chúng và sự thông tin liên lạc trong xã hội phức tạp hiện đại, và tới vai trò của trí thức, cả trong các hệ thống quan chức và bên ngoài chúng. Trong những năm 1950, tôi tập trung vào việc phát triển một lý thuyết xã hội học về các đơn vị cơ bản của cấu trúc xã hội, tập hợp-vai trò và tập hợp-địa vị và các kiểu mẫu vai trò mọi người chọn lựa, không chỉ để tranh đua mà còn là một nguồn các giá trị được điều chỉnh như là một nền tảng cho sự tự đánh giá (sau này nó là “lý thuyết về các nhóm tham chiếu”). Tôi cũng thực hiện, với George Reader và Patricia Kendall, cuộc nghiên cứu xã hội học vĩ mô đầu tiên về giáo dục y khoa, mục đích là tìm ra, tất cả cách biệt khỏi kế hoạch rõ ràng, các loại vật lý gia khác nhau đã bị xã hội hóa ra sao trong cùng những trường y khoa như nhau, điều này liên kết với đặc tính riêng biệt của các nghề nghiệp như là một kiểu mẫu của họat động hành nghề. Trong những năm 1960 và 1970, tôi quay lại một nghiên cứu chuyên sâu về cấu trúc xã hội của khoa học và sự hòa hợp của nó với cấu trúc nhận thức, hai thập kỷ này là thời gian mà xã hội học về khoa học cuối cùng đã đến thời của nó, với cái trong quá khứ chỉ là sự mở đầu. Qua các nghiên cứu này, định hướng cơ bản của tôi là hướng tới các liên kết giữa lý thuyết xã hội học, các phương pháp điều tra, và khảo sát thực nghiệm chính yếu.

            Tôi phân nhóm các quan tâm đang phát triển này theo từng thập kỷ là chỉ nhằm thuận tiện. Tất nhiên, chúng không thật sự đến và đi đúng như các phân chia truyền thống theo lịch đại như thế. Tất cả chúng cũng không đi, sau giai đoạn đầu nghiên cứu chuyên sâu về chúng. Tôi đang thực hiện một tập sách tập trung vào các hệ quả ngoài dự kiến của hành động xã hội có mục đích, và thế là đã theo đuổi một tác phẩm ấn bản lần đầu gần như cách đây nửa thế kỷ và phát triển một cách gián đoạn từ khi đó. Một tập sách khác có tựa đề là Dự báo về việc hoàn thành ước nguyện của chính bản thân, theo đuổi đến cùng trong một nửa tá lĩnh vực của đời sống xã hội các công việc của khuôn mẫu lúc đầu đã ghi chú trong thuyết trình của tôi với cùng tựa đề, khoảng ba phần tư thế kỷ trước đây. Và nếu thời gian, sự nhẫn nại, và khả năng cho phép, vẫn còn một tóm tắt tác phẩm về phép phân tích cấu trúc xã hội, với tham chiếu đặc biệt đến các tập hợp địa vị, tập hợp vai trò, các bối cảnh cấu trúc về mặt cấu trúc, các chức năng biểu lộ và tiềm ẩn, các phản chức năng, các sự lựa chọn chức năng, các cơ cấu xã hội về mặt chức năng.

            Quy luật là bất tử, còn sự thực hiện của tôi thì hợp thành một cách chậm chạp và đau đớn, dường như là chuyện nhỏ khi nhìn từ phía ngoài chuỗi tác phẩm vẫn đang trong tiến trình đi tới.


14
JEFFREY C. ALEXANDER (Tự thuật)




 Từ những ngày đầu tiên với tư cách một trí thức, tôi đã bị xâm chiếm bởi các vấn đề về hành động xã hội và trật tự xã hội và với các khả năng tiếp cận đang phát triển đối với các vấn đề này để tránh những cực đoan của sự suy nghĩ một chiều. Tôi luôn luôn tin rằng các phân cách căng thẳng, sống còn của các dòng ý thức hệ trong một xã hội dân chủ có thể khắc phục trong địa hạt lý thuyết.

            Những quan tâm lý thuyết của tôi hình thành lần đầu tiên từ cuối những năm 1960 và đầu 1970, khi tôi đang tham gia trong các phong trào phản kháng sinh viên với tư cách một nghiên cứu sinh ở Harvard và ĐH California, Berkeley. Chủ nghĩa tân Marxist cánh tả đã đề ra một nỗ lực để khắc phục thuyết kinh tế của những người phe chủ nghĩa Marx tầm thường, khi nó cố gắng đưa lại tác nhân hành động vào lịch sử. Vì nó diễn tả các cấu trúc vật chất đã hoà nhập ra sao vào văn hoá, cá tính, và cuộc sống đời thường. Phái Tân Marxist cánh tả – mà dù muốn dù không chúng tôi đã tự nghiên cứu rất nhiều - cung cấp cho tôi cuộc đào tạo quan trọng đầu tiên trong con đường đi tới lý thuyết tổng hợp, đã đánh dấu sự nghiệp trí thức của tôi.

            Trong đầu những năm 1970, tôi trở nên bất mãn với phe Tân Marxist cánh tả, một phần vì các lý do chính trị và thực nghiệm. Phe Tân Marxist cánh tả quay sang khuynh hướng bè phái chủ nghĩa và bạo động làm tôi sợ hãi và thất vọng, trong khi cuộc khủng hoảng Watergate đã chứng minh khả năng của Mỹ đối với sự tự phê phán. Tôi quyết định rằng các xã hội dân chủ tư sản cung cấp các cơ hội cho sự hội tụ, đa nguyên và cải tiến không thể là ảo ảnh, thậm chí cả trong suy nghĩ của những người Marxist cánh tả.

            Thế nhưng vẫn còn những lý do về mặt lý thuyết trừu tượng để bỏ cách tiếp cận lý thuyết tổng hợp của thuyết Marx lại sau lưng. Khi tôi tiến hành nghiên cứu nhiều về lý thuyết cổ điển và đương thời hơn, tôi nhận ra rằng sự tổng hợp này đã đạt được bằng dấu nối giữa phân tâm học Marxist, chủ nghĩa Marx về văn hoá và hiện tượng luận Marxist - hơn là bằng cách mở rộng các phạm trù trung tâm của hành động và trật tự. Thực tế, các phạm trù tân Marxist về ý thức, hành động, tập thể và văn hoá là những chiếc hộp đen. Nhận thức này dẫn tôi tới các truyền thống đã cung cấp các nguồn lý thuyết mà từ đó phe tân Marxist cánh tả đã rút ra. Tôi đã may mắn trong nỗ lực nghiên cứu sinh này để được hướng dẫn bởi Robert Bellah và Nell Smelser, những người mà ý tưởng của họ về văn hoá, cấu trúc văn hoá, và lý thuyết xã hội học đã tạo nên một ấn tượng còn ghi mãi trong tôi và tiếp tục là những nguồn tri thức cho đến ngày nay.

            Trong Luận lý lý thuyết trong xã hội học, tôi công bố các kết quả của nỗ lực này. Ý tưởng đối với tác phẩm nhiều tập này bắt đầu nảy sinh vào năm 1972, sau một tiếp xúc đặc biệt với tác phẩm bậc thầy của Talcott Parsons, cuốn Cấu trúc của hành động xã hội, đã cho phép tôi xem xét các vấn đề của tôi với chủ nghĩa Marx theo một cách mới. Sau đó, dưới sự giám sát của  Bellah, Smeller và Leo Lowenthal, tôi làm việc xuyên suốt qua lý thuyết cổ điển và đương thời với khuôn mẫu mới này trong tâm trí.

            Tham vọng của tôi trong Luận lý lý thuyết là chỉ ra rằng Durkheim và Weber đã cung cấp các lý thuyết mở rộng về văn hoá mà Marx đã bỏ qua và rằng Weber thực sự đã phát triển một sự tổng hợp xã hội học thực sự lần đầu tiên. Tôi kết luận, tuy nhiên, rằng Durkheim cuối cùng đã chuyển theo một chiều hướng duy tâm và Weber đã phát triển một quan điểm cơ giới luận về xã hội hiện đại. Tôi cho rằng tác phẩm của Parsons cần được xem là một nỗ lực bậc thầy hiện đại về tổng hợp hơn là lý thuyết theo kiểu chức năng luận. Thế nhưng, cả Parsons, cũng đã thất bại trong việc theo đuổisự tổng hợp theo một con đường thực sự dứt khoát, cho phép lý thuyết của ông trở nên quá hình thức và chuẩn mực.

            Trong tác phẩm của tôi qua thập niên cuối vừa rồi, tôi đã cố gắng tái tạo lại nền tảng đối với sự tổng hợp mà tôi xem là một ước hẹn chưa thành của tác phẩm buổi đầu. Trong cuốn Hai mươi bài giảng: Lý thuyết xã hội học từ Thế chiến II, tôi lý luận rằng sự phân chia lý thuyết hậu Parsons - giữa các lý thuyết xung đột và trật tự, các tiếp cận vi mô và vĩ mô, các quan điểm cấu trúc và văn hoá - là chưa chín mùi. Những sự phân nhóm này cản trở các tiến trình xã hội cơ bản, như vai trò tiếp tục của các chiều kích trật tự và xung đột và phân đôi của xã hội, những cái luôn luôn bện chặt vào nhau.

            Phản ứng của tôi đối với tình trạng bế tắc này đã quay sang các quan tâm nguyên  thủy của Parsons, và các nhà cổ điển thời kỳ đầu.

            Thế nhưng, trong việc cố gắng thúc đẩy lý thuyết tới một giai đoạn mới, hậu Parsons, tôi đã cố đi ra ngoài lý thuyết cổ điển và hiện đại. Các cuộc chạm trán của tôi với nhóm các nhà hiện tượng luận nhiều năng lực trong nhà tôi ở UCLA, đặc biệt với  Harold Garfinkel, là một kích thích quan trọng. Trong cuốn “Hành động và môi trường của nó”, mà tôi vẫn còn xem là tác phẩm lý thuyết quan trọng nhất của tôi, tôi đã vạch ra nền tảng cho khớp nối mới của sự liên kết vi mô-vĩ mô.

            Tôi cũng đã tập trung vào việc phát triển một lý thuyết văn hoá mới. Một lần đọc tác phẩm của Clifford trước đó làm tôi tin chắc rằng các tiếp cận khoa học xã hội truyền thống đối với văn hoá là quá hạn chế. Từ lúc đó, cách tiếp cận của tôi đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các ký hiệu học, và tư duy hậu cấu trúc. Kết hợp chặt chẽ các lý thuyết ngoài xã hội học, tôi đã cố gắng lý thuyết hoá các cách thức nhiều màu nhiều vẻ trong đó cấu trúc xã hội đã thẩm thấu bởi các quy luật và ý nghĩa có tính chất biểu tượng.

            Tôi tin phong trào hướng tới sự tổng hợp lý thuyết này đang được đẩy về phía trước bởi các sự kiện trên thế giới rộng lớn. Trong thế giới hậu cộng sản chủ nghĩa, dường như khá quan trọng để phát triển các kiểu mẫu giúp cho chúng ta hiểu được các nền dân chủ phức tạp, bao hàm nhưng lại rất mỏng manh của chúng ta. Hiện nay tôi đang thực hiện một lý thuyết về sự dân chủ đề cao chiều kích công cộng mà tôi gọi là “xã hội dân sự”. Tôi cũng đang công bố một tuyển tập tiểu luận mà tôi viết để phê phán chủ nghĩa tương đối đang lớn lên trong nghiên cứu nhân loại. Tôi tin rằng, từ nhiều  chứng cứ tương phản, tiến trình này là khả dĩ, không chỉ trong xã hội mà cả trong bộ môn xã hội học. Chỉ duy nhất thông qua một quan điểm đa phương và tổng hợp về xã hội, sự tổng hợp đó mới có thể thành tựu.

15
            IMMANUEL WALLERSTEIN




            Dù Immanuel Wallerstein đạt được sự công nhận vào những năm 1960 như là một chuyên gia về Châu Phi, đóng góp quan trọng nhất của ông đối với xã hội học là cuốn sách năm 1974 của ông, Hệ thống thế giới hiện đại. Cuốn sách đó là một thành công ngay lập tức. Nó được thừa nhận rộng rãi trên khắp thế giới và được dịch sang mười thứ tiếng và chữ Braille.

            Sinh ngày 28/9/1930, Wallerstein nhận tất cả các học vị của ông tại ĐH Columbia, bao gồm bằng tiến sĩ năm 1976. Kế tiếp, ông được cử một vị trí trong phân khoa ở Columbia; sau nhiều năm ở đó, và 5 năm tại ĐH McGill ở Montreal, vào năm 1976, Wallerstein trở thành một giáo sư nổi bật về xã hội học ở ĐH bang của New York ở Binghamton.

            Wallerstein được nhận phần thưởng uy tín Giải thưởng Sorokin với tập 1 của cuốn Hệ thống thế giới hiện đại năm 1975. Từ lúc ấy, ông tiếp tục làm việc với đề tài và đã viết nhiều bài báo cũng như hai vựng tập bổ sung, trong đó ông tiến hành việc phân tích về hệ thống thế giới cho đến 1840. Chúng ta có thể mong đợi nhiều tác phẩm hơn nữa của ông về đề tài này trong những năm sắp tới. Ông đang trong quá trình tạo tác một tác phẩm hẳn sẽ thu hút sự quan tâm trong nhiều năm tiếp theo.

            Trong thực tế, bằng nhiều cách sự quan tâm mà cuốn sách gây ra và tiếp tục thu hút còn quan trọng hơn bản thân tác phẩm. Khái niệm về hệ thống thế giới đã trở thành tiêu điểm của tư duy và nghiên cứu trong xã hội học, một thành tựu mà đối với nó rất ít học giả có thể phàn nàn. Nhiều nhà xã hội học hiện nay đang nghiên cứu và lý luận về hệ thống thế giới chỉ trích Wallerstein về điều này điều khác, nhưng tất cả bọn họ đều thừa nhận tầm quan trọng của vai trò ông giữ trong sự hình thành các ý tưởng của họ.

            Dù khái niệm về hệ thống thế giới là một đóng góp quan trọng, ít nhất cũng quan trọng như vai trò của Wallerstein trong việc khôi phục lại nghiên cứu tư liệu lịch sử lý thuyết. Các tác phẩm quan trọng nhất trong những năm đầu của xã hội học của những người như  Marx, Weber, Durkheim, có tầm khác biệt nhau rất lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều nhà xã hội học đã từ bỏ kiểu nghiên cứu đó và quay sang sử dụng các phương pháp phi lịch sử như đặt câu hỏi và phỏng vấn. Các phương pháp này sử dụng dễ dàng và nhanh chóng hơn các phương pháp lịch sử, và các dữ liệu thu thập được dễ phân tích hơn với một chiếc máy vi tính. Việc sử dụng các phương pháp đó có xu hướng đòi hỏi một dãy kiến thức kỹ thuật hẹp hơn là dãy kiến thức theo định hướng lich sử. Hơn nữa, lý thuyết đóng một vai trò tương đối thứ yếu trong nghiên cứu vận dụng các câu hỏi và các phỏng vấn. Wallerstein đã đi đầu trong những người có liên quan đến việc khôi phục lại mối quan tâm tới nghiên cứu lịch sử với một nền tảng lý thuyết vững chắc.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét