Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

SỨC MẠNH CỦA LÒNG BI MẪN - 1. BA CÂU HỎI






LỜI NÓI ĐẦU


Quý độc giả thân mến,

Phật giáo bắt nguồn ở Ấn Độ từ hơn hai nghìn năm trăm năm trước, và đã được truyền bá rộng rãi khắp các quốc gia châu Á, đặc biệt là ở Trung Á, Đông Nam Á (Trung Quốc, Tây Tạng, Miến Điện, Triều Tiên, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia, Philippines, Tích Lan…) và hiện nay là trên toàn thế giới. Phật giáo đã trở thành một tôn giáo chủ yếu, một yếu tố tâm linh gắn kết chặt chẽ với truyền thống văn hóa, hòa quyện sâu xa trong các phương thức sinh hoạt, cung cách ứng xử giao tiếp của rất nhiều dân tộc, quốc gia, trong đó có dân tộc Việt Nam.

Những câu chuyện về cuộc đời, về cung cách sống của các đức Phật, các vị Bồ Tát và chư tăng được ghi chép trong các bản kinh văn, hoặc được kể truyền miệng từ đời này sang đời khác, và đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong nền văn học dân gian của nhiều nước.

Trong tuyển tập nhỏ này, tôi đã tuyển chọn, biên dịch một số truyện ngắn và chuyện kể Phật giáo, chuyện Thiền tông… từ nhiều nguồn (chủ yếu là từ các website Phật giáo), thuộc nhiều quốc gia khác nhau.Mỗi câu chuyện, ngoài cốt truyện lý thú, hoặc các tình tiết lạ lùng, hấp dẫn cuốn hút người đọc, còn chứa đựng những bài học sâu xa về luân lý, về ý nghĩa cuộc sống hay về cung cách đối nhân xử thế…

Do vậy, không tiếc công sức để biên soạn quyển sách này, tôi hy vọng nó sẽ mang lại cho tất cả bạn đọc niềm vui và nhiều điều bổ ích. Ngoài ra, cuốn sách này được biên soạn dưới dạng song ngữ đối chiếu nhằm phục vụ cho nhu cầu học hỏi, rèn luyện tiếng Anh lẫn tiếng Việt của bạn đọc người Việt trong nước, bạn đọc người Việt ở hải ngoại và bạn đọc nước ngoài đang sống tại Việt Nam.

Tôi xin chân thành cảm tạ và tri ân tất cả các tổ chức, website, các tác giả, soạn giả đã viết, chuyển ngữ hoặc bỏ công sưu tầm và đưa lên các website để mọi người quan tâm đến Phật giáo đều có thể thưởng thức các câu chuyện đã được tuyển chọn trong quyển sách này. Đặc biệt là hương linh Cố văn hào Lev. Tolstoy (và dịch giả khuyết danh bản tiếng Anh); dịch giả Jataka Tales, 1996
Thượng tọa Kurunegoda Piyatissa, tổ chức Buddha Dharma Education Association Inc; các tác giả/dịch giả: Thầy Ringu Tulku, Thầy Ajahn Brahma-vamso, Thầy Soren Gordhamer; Thầy Cheng Yen, C. Y. Tien, Thầy K. Sri Dhammananda, Thầy Walpola Piyananda Thera; cùng tất cả những tác giả khuyết danh khác.

Tôi cũng xin chân thành cám ơn dịch giả, cư sĩ Nguyễn Minh Tiến đã không tiếc công sức hiệu đính cho tuyển tập này.

Dù đã rất cố gắng trong việc chuyển ngữ để các câu chuyện thêm phần lý thú và dễ hiểu, có lẽ tuyển tập này vẫn còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được sự phê bình góp ý của các bạn đọc để chúng tôi có thể thực hiện tốt hơn trong lần ra mắt tuyển tập thứ hai.

Xin chân thành đa tạ.

Sài Gòn, tháng 5/2006
Nguyễn Thành Nhân


 ***

 
Ba câu hỏi
 
Lev Nikolayevich Tolstoy


Thuở xưa, có một vị vua nhận ra rằng, nếu ngài luôn biết được thời điểm đúng đắn để  khởi sự công việc; nếu ngài biết được ai là người mà ngài cần phải lắng nghe, ai cần phải tránh; và nhất là nếu ngài luôn biết được đâu là điều quan trọng nhất cần làm trước hết, ngài sẽ không bao giờ thất bại trong bất cứ công việc gì.

Với suy nghĩ ấy, nhà vua ban bố chỉ dụ thông báo trên khắp vương quốc rằng ngài sẽ khen thưởng thật trọng hậu cho người nào có thể chỉ ra được: khi nào là thời điểm đúng cho mọi hành vi, ai là người cần thiết nhất cho ngài, và làm cách nào ngài có thể biết điều quan trọng nhất cần thực hiện là gì.

Thế là, có nhiều nhà thông thái tìm đến yết kiến nhà vua, nhưng tất cả đều giải đáp các câu hỏi của ngài một cách khác nhau.

Với câu hỏi thứ nhất, một số người cho rằng để biết thời điểm đúng cho mỗi hành động, nhà vua phải vạch ra một bản kế hoạch cho từng ngày, từng tháng, từng năm, và phải nghiêm túc tuân theo đó. Họ bảo rằng, chỉ có như vậy mọi việc mới được thực hiện một cách kịp thời.

Một số khác cho rằng không thể nào quyết định trước thời điểm đúng cho mỗi hành động, nhưng để tránh sa vào những khoảnh khắc lãng phí, nhà vua cần luôn hướng tới tất cả những gì sắp xảy đến, và thực hiện điều cần thiết nhất.

Lại có một số khác cho rằng dù nhà vua có chú ý đến những gì sắp xảy ra như thế nào đi nữa, ngài vẫn không thể quyết định chính xác thời điểm đúng cho từng hành động, nhưng ngài có thể lập ra một hội đồng tư vấn gồm toàn những nhà thông thái, hội đồng này có thể giúp ngài xác định thời điểm chính xác cho mọi việc.

Nhưng rồi có một số người lại cho rằng có những việc mà nhà vua cần phải quyết định ngay là có thực hiện hay không, chứ không thể chờ tới lúc đưa ra trước hội đồng. Và để quyết định điều đó nhà vua phải biết trước việc gì sắp xảy ra. Chỉ có những pháp sư mới biết được chuyện vị lai, do đó, để biết thời điểm đúng cho từng hành động, nhà vua phải tham khảo ý kiến của các vị pháp sư.

Tương tự, các đáp án cho câu hỏi thứ hai cũng rất đa dạng. Một số cho rằng nhà vua cần nhất là cận thần; một số khác cho rằng đó là các vị giáo trưởng; một số khác nữa cho rằng đó là các vị bác sĩ; trong khi có những người lại cho rằng những chiến binh là cần thiết quan trọng nhất.

Đối với câu hỏi thứ ba về công việc quan trọng nhất, một số người đáp rằng, điều quan trọng nhất trong đời chính là khoa học. Số khác lại nói rằng đó là nghệ thuật dùng binh. Số khác nữa cho đó chính là việc thờ phụng tôn giáo.

Mọi giải đáp đều khác biệt nhau, và nhà vua không đồng ý với một ý kiến nào, nên ngài không tặng thưởng cho ai cả. Tuy nhiên, vì vẫn mong muốn tìm ra lời giải đúng cho các câu hỏi đó, ngài quyết định đến xin ý kiến của một vị ẩn sĩ, nổi tiếng là người minh triết.

Vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng nhỏ, chưa hề rời khỏi đó và chỉ tiếp đón những người dân dã. Vì thế nhà vua mặc trang phục như một thường dân và để lại ngựa cùng các vệ binh tùy tùng ở ngoài bìa cánh rừng, rồi một mình đi bộ vào rừng.

Khi nhà vua tới nơi, vị ẩn sĩ đang cuốc đất ở phía trước căn lều của ông. Trông thấy nhà vua, vị ẩn sĩ chào hỏi qua rồi tiếp tục cuốc đất. Ông gầy gò yếu ớt, và cứ xới được một ít đất ông lại thở hổn hển.

Nhà vua bước tới gần ông và nói: “Thưa thầy sáng suốt, tôi tìm đến gặp thầy để ba câu hỏi: Bằng cách nào tôi có thể biết thời điểm đúng để thực hiện một công việc đúng? Ai là người tôi cần nhất, và do đó, là người tôi phải lưu tâm tới nhiều nhất? Và, công việc nào là quan trọng nhất, cần tới sự quan tâm trước nhất của tôi?

Vị ẩn sĩ lắng nghe nhà vua hỏi nhưng không trả lời, chỉ khẽ xoa đôi bàn tay rồi tiếp tục công việc.

“Thầy đã mệt rồi,” nhà vua nói, “hãy đưa tôi chiếc cuốc để tôi giúp thầy một lúc.”

“Cám ơn!” Vị ẩn sĩ đáp, trao chiếc cuốc cho nhà vua, rồi ngồi xuống đất.

Khi đã cuốc được hai luống đất, nhà vua dừng tay và lặp lại các câu hỏi.

Vị ẩn sĩ vẫn không trả lời. Ông ta đứng lên, đưa tay ra lấy lại chiếc cuốc và bảo: “Bây giờ ngài hãy nghỉ ngơi đi, và để tôi làm.”

Nhưng nhà vua không trả lại chiếc cuốc cho ông ta và vẫn tiếp tục cuốc đất. Một giờ trôi qua, rồi thêm một giờ nữa trôi qua. Mặt trời bắt đầu lặn xuống sau những hàng cây. Cuối cùng, nhà vua cắm chiếc cuốc xuống đất và cất tiếng:

“Thưa thầy sáng suốt, tôi đến gặp thầy để nhờ thầy giải đáp giùm các câu hỏi của tôi. Nếu thầy không thể đưa ra lời đáp thì xin cứ nói thẳng, tôi sẽ quay về.”

Vị ẩn sĩ chợt nói: “Có người đang chạy tới. Chúng ta hãy xem đó là ai.”

Nhà vua quay lại và trông thấy một người đàn ông râu rậm đang chạy ra từ rừng cây. Hai bàn tay ông ta ôm lấy bụng, và dưới hai bàn tay ấy máu đang chảy đầm đìa. Khi tới gần nhà vua, ông ta kiệt sức ngã lăn ra và cất tiếng rên rỉ. Nhà vua và vị ẩn sĩ cởi áo ông ta ra. Ở bụng ông ta có một vết thương lớn. Nhà vua lau sạch vết thương một cách cẩn trọng rồi băng nó lại bằng chiếc khăn tay của mình và chiếc khăn lau của vị ẩn sĩ. Nhưng máu vẫn không ngừng chảy. Nhà vua liên tục tháo miếng băng đẫm máu ra, lau chùi rồi băng lại vết thương. Cuối cùng, khi máu ngừng chảy, người đàn ông hồi tỉnh và xin chút gì để uống. Nhà vua mang nước uống tới cho ông ta.

Trong lúc ấy, mặt trời đã lặn và khí trời bắt đầu trở lạnh. Vì thế nhà vua, với sự giúp đỡ của vị ẩn sĩ, khiêng người đàn ông bị thương vào căn lều và đặt ông ta lên giường. Ông ta nhắm mắt lại và nằm im lặng.

Nhà vua đã quá mệt mỏi vì chuyến đi và công việc ban chiều nên nằm tựa vào ngưỡng cửa và cũng ngủ thiếp đi. Nhà vua ngủ một giấc ngon lành suốt cái đêm mùa hè ngắn ngủi ấy.

Vào buổi sáng, khi vừa thức giấc, còn chưa nhớ ra mình đang ở đâu hoặc người đàn ông râu rậm xa lạ đang nằm trên giường là ai, nhà vua nhìn chăm chú vào ông ta với đôi mắt sáng.

“Xin hãy tha thứ cho tôi!” Người đàn ông râu rậm yếu ớt nói khi nhận ra nhà vua đã thức giấc và đang nhìn mình.

“Ta không biết ông là ai. Và chẳng có gì để phải tha thứ cho ông cả.” Nhà vua đáp.

“Ngài không biết tôi, nhưng tôi biết ngài. Tôi là một kẻ thù của ngài, một kẻ đã nguyền sẽ tìm ngài để báo thù, vì ngài đã xử tử anh trai của tôi và tịch biên tài sản của anh ấy. Tôi biết rằng ngài tới tìm gặp vị ẩn sĩ một mình, và tôi dự định sẽ giết ngài trên đường ngài quay về. Nhưng một ngày đã trôi qua, còn ngài thì không trở về. Vì thế, tôi ra khỏi nơi phục kích để tìm ngài. Tôi bị các vệ binh của ngài phát hiện, họ nhận ra tôi và đã làm tôi bị thương. Tôi chạy thoát được, nhưng lẽ ra đã chảy máu cho tới chết nếu không được ngài giúp băng bó vết thương. Tôi đã muốn giết ngài, thế mà ngài lại cứu sống tôi. Giờ đây, khi nào tôi còn sống, và nếu ngài muốn, tôi sẽ hầu hạ ngài như một tên nô lệ trung thành nhất, và cũng sẽ bảo các con tôi làm như vậy. Xin hãy tha thứ cho tôi!”

Đức vua rất hân hoan vì đã hòa giải được với kẻ thù của mình một cách dễ dàng, và còn có thể xem ông ta như một người bạn nữa. Vì thế, không những nhà vua sẵn lòng tha thứ cho ông ta mà còn nói rằng sẽ cử các hầu cận và thầy thuốc tới săn sóc ông ta, và ngài cũng hứa sẽ trao trả lại tài sản cho ông ta.

Sau khi đã xong việc với người đàn ông bị thương, nhà vua bước ra khỏi cửa và ngó quanh tìm kiếm vị ẩn sĩ. Trước lúc lên đường, ngài muốn một lần nữa cầu xin lời giải đáp cho các câu hỏi của mình.

Vị ẩn sĩ ở phía ngoài căn lều, đang quỳ gối gieo hạt trên những luống đất vừa xới được hôm qua. Nhà vua bước tới gần vị ẩn sĩ và nói:

“Thưa thầy sáng suốt, đây là lần cuối cùng tôi cầu xin thầy hãy trả lời các câu hỏi của tôi.”

“Ngài đã được trả lời rồi!” Vị ẩn sĩ đáp, vẫn quỳ gối trên đôi chân gầy guộc, và ngẩng đầu nhìn nhà vua đang đứng trước mặt mình.

“Đã trả lời như thế nào? Ý thầy muốn nói gì?” Nhà vua hỏi.

“Ngài không nhận ra sao?” vị ẩn sĩ đáp, “Nếu ngài không xót thương cho sự yếu ớt của tôi hôm qua, và không cuốc những luống đất này giúp tôi mà bỏ về, người đàn ông đó đã tấn công ngài, và ngài hẳn phải ân hận vì không ở lại với tôi. Vì thế, thời điểm quan trọng nhất là lúc ngài đang cuốc các luống đất; và người quan trọng nhất là tôi; và giúp đỡ tôi chính là công việc quan trọng nhất của ngài.

“Sau đó, khi người đàn ông chạy tới chỗ chúng ta, thời điểm quan trọng nhất là khi ngài chăm sóc cho ông ta, vì nếu không có ngài băng bó vết thương, ông ta sẽ chết mà không kịp giảng hòa với ngài. Vì thế, ông ta là người quan trọng nhất, và điều mà ngài đã làm cho ông ta là công việc quan trọng nhất. Vậy, hãy nhớ rằng: Chỉ có duy nhất một thời điểm quan trọng nhất: ‘Hiện tại!’ Đó chính là thời điểm quan trọng nhất vì đó là thời điểm duy nhất mà ta có chút quyền năng chi phối.

“Người quan trọng nhất là người đang ở cùng với ta, vì không ai biết được mình sẽ có quan hệ gì với một ai khác nữa hay không sau đó. Và công việc quan trọng nhất là làm điều tốt cho người khác, vì con người sinh ra trên đời này chỉ duy nhất nhằm mục đích ấy!”

1903


Phụ chú

“Làm thế nào chúng ta có thể sống trong khoảnh khắc hiện tại, sống ngay lúc này với mọi người xung quanh ta, giúp họ giảm thiểu khổ đau và làm cho cuộc sống họ hạnh phúc tốt lành hơn? Làm thế nào? Câu giải đáp là: Chúng ta cần thực hành sự tỉnh thức.

Nguyên tắc mà Tolstoy đưa ra có vẻ dễ dàng. Nhưng nếu chúng ta muốn đưa nó vào thực hành chúng ta cần sử dụng phương pháp quan tâm để tìm kiếm và phát hiện con đường đi.”

Thích Nhất Hạnh.


(Người biên tập bản tiếng Anh: Theo nhận thức có tính truyền thống giáo điều, Lev Tolstoy không phải là một tín đồ Phật giáo, nhưng câu chuyện của ông thì đúng là có tinh thần Phật pháp. Khi cởi bỏ mọi nhãn hiệu mà chúng ta gán cho người khác, chỉ nhìn vào con người và những hành vi, chúng ta có thể đi đến một kết luận rằng những người tu tập theo những truyền thống tinh thần khác biệt nhau cần phải học hỏi lẫn nhau. Theo lời của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh: “Câu chuyện của Tolstoy giống như một câu chuyện trích dẫn từ kinh bổn: nó không hề thua kém bất kỳ một bản kinh văn nào,” “Tolstoy là một vị thánh hay như Phật tử chúng ta thường gọi: một vị Bồ  Tát.”)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét