Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

SỨC MẠNH CỦA LÒNG BI MẪN - 12+13+14

 


 
GÁNH NẶNG VÀ BUÔNG BỎ

Thuở xưa, có hai vị tăng sĩ cùng đi hành hương trên khắp đất nước. Một hôm, họ đi tới một bờ sông và gặp một cô gái đẹp đang không biết làm sao qua sông.

Nhìn thấy nỗi khó khăn của người thiếu nữ, vị tăng sĩ lớn tuổi hơn liền tình nguyện cõng cô ta qua sông, trong khi vị tăng sĩ trẻ tuổi hơn kinh ngạc đứng nhìn.

Khi hoàng hôn xuống, hai vị tăng gặp một căn lều xiêu vẹo và quyết định sẽ nghỉ qua đêm ở đó. Vị tăng sĩ lớn tuổi hơn nhanh chóng rơi vào giấc ngủ trong khi người tăng sĩ trẻ vẫn trằn trọc mãi, không sao giữ cho tâm thức được an ổn.

Cuối cùng, vị này đánh thức người sư huynh dậy và phiền trách ông ta về sự việc đã xảy ra trong ngày.

“Là tăng sĩ, chúng ta cần tránh xa nữ giới. Tôi thật sự hổ thẹn và khó chịu về việc thầy đã làm hôm nay!”

Vị tăng sĩ lớn tuổi nhìn bạn mình và nở một nụ cười: “Ồ, thì ra việc đó đã làm phiền lòng thầy. Nhưng này, tôi đã bỏ cô gái ấy lại nơi bờ sông, sao thầy còn mang theo cô ta bên mình vậy?”

Khuyết danh


PHÍA BÊN KIA BỜ

Một ngày nọ, trên đường về nhà, một Phật tử trẻ tuổi đi tới bờ một con sông rộng. Tuyệt vọng nhìn chướng ngại quá lớn ở trước mặt, anh ta suy nghĩ hàng giờ để tìm cách băng qua con sông cản đường quá rộng đó. Ngay khi định từ bỏ việc tiếp tục cuộc hành trình, anh ta nhìn thấy một vị thầy đáng kính ở phía bờ sông bên kia. Chàng Phật tử trẻ hét vói qua hỏi vị thầy: “Hỡi bậc thầy thông thái, thầy có thể chỉ con cách nào để sang được bờ sông bên kia không?”

Vị thầy trầm ngâm một thoáng, nhìn xuôi, nhìn ngược dòng sông, rồi hét lớn trả lời:

“Này con, con đang ở bờ bên kia đó thôi.”

Khuyết danh


SỰ QUÂN BÌNH GIỮA NỖ LỰC VÀ LÒNG KIÊN NHẪN

Câu chuyện này kể về một thanh niên người Nhật muốn trở thành người giỏi võ
thuật nhất nước. Anh ta nghĩ, để đạt được mục đích ấy, anh ta phải theo học với một vị thầy giỏi nhất, đang sống cách đó nhiều dặm đường.

Một hôm, anh ta rời nhà để đến học với vị thầy vĩ đại ấy, cũng là một thiền sư. Trải qua nhiều ngày đường, anh ta tới ngôi trường và được tiếp chuyện với vị thầy.

“Con muốn học ở ta điều gì?” Vị thầy hỏi.

Chàng thanh niên đáp: “Con muốn thầy dạy cho con võ thuật, giúp con trở thành một trong những người giỏi võ nhất nước. Vậy con phải học trong bao lâu?”

“Ít nhất là mười năm.” Vị thầy đáp.

Chàng trai nghĩ thầm. “Mười năm thì lâu quá. Mình muốn thành tựu sớm hơn thế. Mình không có nhiều thời gian. Chắc hẳn nếu mình cố gắng chuyên cần hơn, mình có thể hoàn thành việc học sớm hơn.”

Vì thế anh ta hỏi vị sư phụ: “Thế nếu con cố gắng chăm chỉ gấp đôi những người khác thì sao? Như vậy sẽ phải mất bao lâu?”

“Thế thì sẽ mất hai mươi năm.” Vị thầy đáp.

Chàng trai nghĩ thầm: “Thế thì thậm chí còn lâu hơn! Mình không muốn tiêu phí suốt hai mươi năm chỉ để học một điều gì đó. Mình còn nhiều việc khác để làm trong đời. Chắc hẳn nếu mình thật sự cố gắng, mình sẽ có thể học được nhanh chóng hơn nhiều.”

Thế là anh ta hỏi tiếp: “Nếu con tập luyện cả ngày lẫn đêm với tất cả nỗ lực của con, thì sẽ mất bao lâu?”

 “Ba mươi năm.” Vị thầy đáp.

Chàng thanh niên bắt đầu rối trí và tự hỏi vì sao lần nào vị thầy cũng nói với anh rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn. Anh ta hỏi: “Vì sao mỗi lần con nói rằng con sẽ cố gắng hơn, thầy lại bảo sẽ mất nhiều thời gian hơn?”

Vị thầy đáp: “Câu trả lời rất đơn giản. Với một con mắt tập trung vào đích đến, con chỉ còn có một con mắt để tìm đường đi.”

(Một cách nói khác của câu này là: “Với phân nửa sự chú ý vào mục đích, bạn chỉ còn phân nửa để tập trung cho công việc.”

Bất kỳ thành tựu nào đều cần có sự nỗ lực, nhưng cũng cần có lòng kiên nhẫn nữa. Nếu chúng ta chỉ có một trong hai phẩm chất, chúng ta đã đánh mất sự quân bình.
Chỉ riêng với sự nỗ lực, chúng ta gắng sức nhiều lần nhưng rồi sẽ cảm thấy thất vọng khi không nhìn thấy được kết quả nhanh chóng như mong muốn. Hoặc là chúng ta sẽ mệt nhoài, kiệt sức rất nhanh chóng.

Còn nếu chỉ có lòng kiên nhẫn mà không có sự nỗ lực, chúng ta không bao giờ thật sự đặt trọn tâm ý vào công việc. Chúng ta không bao giờ dành cho nó sự tận tâm cần thiết. Điều này đúng với việc học hành ở nhà trường cũng như việc hành thiền hay với các môn thể thao.

Trong câu chuyện, vị thầy hiểu rằng người đệ tử đã có đủ sự nỗ lực, điều anh ta cần là phải cân bằng sự nỗ lực ấy với lòng kiên nhẫn.)

Soren Gordhamer



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét