Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

SỨC MẠNH CỦA LÒNG BI MẪN - 5. CÁI ĐUÔI

 


  Ringu Tulku Rinpoché kể 


 Ngày xửa ngày xưa có một nàng công chúa. Nàng bị đau mắt nhẹ nhưng cảm thấy rất khổ sở. Vì là công chúa, nàng đã bị làm cho hư hỏng, cứ kêu khóc rên rỉ suốt ngày. Khi các thầy thuốc muốn nhỏ thuốc cho nàng, nàng tìm đủ mọi cách chối từ bất kỳ loại thuốc men nào, nên vẫn cứ duy trì mãi vết đau trong mắt. Cứ thế, chứng bệnh ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Cuối cùng, đức vua phải công bố sẽ trọng thưởng cho ai chữa lành được cho nàng. 

Ít lâu sau, có một người tìm đến, tự xưng mình là một danh y, nhưng thật ra ông ta thậm chí không phải là thầy thuốc. Ông ta đoan chắc rằng mình có thể chữa lành cho công chúa và được cho phép đến phòng nàng.

Sau khi khám bệnh, ông ta thốt lên: “Ồ, hạ thần rất tiếc!”

“Sao thế?” Công chúa hỏi. 

Người thầy thuốc đáp: “Mắt của công chúa không có gì nặng lắm, nhưng có một điều khác thật sự nghiêm trọng.”
 

Công chúa giật mình hỏi: “Có gì đâu mà nghiêm trọng đến thế?”

Ông ta ngần ngừ hồi lâu rồi đáp: “Điều này thật sự tồi tệ. Hạ thần thật không nên nói cho công chúa biết.”

Dù công chúa nài nỉ thế nào, ông ta vẫn từ chối không nói, bảo rằng không thể nói ra nếu chưa được sự chấp thuận của đức vua. Khi nhà vua tới, vị thầy thuốc vẫn ngần ngừ không
chịu hé lộ điều ông ta đã phát hiện. Cuối cùng nhà vua phải hạ lệnh: “Hãy nói với ta chuyện gì bất ổn. Dù chuyện đó là gì đi nữa, ngươi cũng phải cho ta biết.”

Cuối cùng vị thầy thuốc nói: “Thôi được, đôi mắt sẽ khỏi trong vài ngày nữa, chuyện đó không có gì bất ổn. Vấn đề lớn là công chúa sẽ mọc ra một cái đuôi, dài ít nhất là chín sải tay. Không bao lâu nữa nó sẽ bắt đầu mọc. Nếu công chúa có thể phát hiện ra ngay lúc nó
vừa bắt đầu mọc, hạ thần có thể ngăn không cho nó mọc dài thêm.”

Thông tin này khiến mọi người vô cùng lo lắng.

Còn công chúa, nàng đã làm gì? Nàng nằm lì trên giường suốt ngày đêm, tập trung hết mọi sự chú ý để phát hiện thời điểm cái đuôi có thể xuất hiện. Cứ vậy, vài hôm sau, mắt của nàng đã khỏi.

Câu chuyện này cho thấy chúng ta thường ứng xử như thế nào. Chúng ta thường tập trung vào các bất ổn nhỏ nhặt của mình và nó trở thành tâm điểm của hết thảy mọi chuyện khác. 

Cho tới nay, chúng ta vẫn liên tục lặp lại điều đó, từ kiếp này sang kiếp khác. Chúng ta nghĩ rằng: “Mong ước của tôi, quyền lợi của tôi, những điều tôi thích hay không thích, phải được
quan tâm trước nhất!”

Khi vẫn còn hành xử trên căn bản đó, chúng ta sẽ không có chút thay đổi nào. Bị sai sử bởi những thôi thúc của tham dục và sự chối bỏ, tránh né những điều trái ý, chúng ta sẽ đi mãi trên những nẻo đường trong luân hồi mà không tìm thấy lối ra.

Khi sự tham luyến và ghét bỏ vẫn còn là nguồn sống cũng như động lực thúc đẩy trong cuộc đời, thì chúng ta không thể được an ổn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét