Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

SỨC MẠNH CỦA LÒNG BI MẪN - 7. CÂY "KHÔNG PHẢI"


 





Thuở xưa có một người chỉ huy các chuyến lữ hành. Ông dẫn họ đi từ nước này sang nước khác để buôn bán các loại hàng hóa khác nhau. Những đoàn lữ hành của ông thường có ít nhất là 500 chiếc xe bò. Trong số các chuyến đi đó, có lần con đường của họ xuyên qua một khu rừng rậm. Trước khi vào rừng, ông ta gọi tất cả các thành viên của đoàn lại, và cảnh báo họ:
“Các bạn, khi đi qua khu rừng này hãy cẩn thận để tránh những loại trái độc, lá độc, hoa độc và ngay cả những tảng sáp ong độc. Vì vậy, những gì mà các bạn chưa từng ăn trước đó, dù là lá, hoa hay trái hay bất kỳ thứ gì khác, các bạn không được ăn mà không hỏi tôi trước.”
Tất cả mọi người đáp một cách kính trọng: “Vâng, thưa ngài.”
Có một ngôi làng trong khu rừng đó. Ngay bên ngoài ngôi làng có một cây gọi là “Không phải”. Thân lá, cành nhánh và hoa quả của nó trông rất giống với lá, hoa và quả của cây xoài. Ngay cả màu sắc, hình dáng, mùi vị trái của nó cũng gần như giống hệt trái xoài. Nhưng khác với một trái xoài, trái cây “Không phải” là một thứ trái độc chết người!
Một số người đi lên đầu đoàn lữ hành và tiến tới cây không phải. Tất cả đều đói bụng, và những trái của cây không phải trông hệt như những trái xoài chín mọng ngon lành.
Một số người bắt đầu ăn các quả đó ngay lập tức, không suy nghĩ chút gì. Họ ăn ngấu nghiến chúng trước khi có ai kịp nói lời nào.
Những người khác nhớ tới lời cảnh báo của người chỉ huy, nhưng họ chỉ nghĩ nó là một loại họ hàng khác của cây xoài. Họ nghĩ rằng họ thật may đã tìm thấy những trái xoài chín ngay kế bên một ngôi làng. Thế là họ quyết định ăn một ít trái trước khi chúng hết sạch.
Cũng có một số người khôn ngoan hơn. Họ quyết định rằng tuân theo lời cảnh báo của người chỉ huy sẽ an toàn hơn. Ông ta chính là đấng Giác ngộ, dù họ không biết điều đó.
Khi người chỉ huy đi tới cây đó, những người cẩn thận và không ăn quả hỏi: “Thưa ngài, cây này là cây gì? Ăn những quả này có an toàn không?”
Sau khi kiểm tra cẩn thận, ông trả lời: “Không, không. Nó có thể trông giống như một cây xoài, nhưng không phải. Nó là một cây “Không phải” độc hại. Đừng, ngay dù chỉ chạm vào nó!”
Những người đã ăn quả cây không phải hoảng sợ. Vị chỉ huy đoàn bảo họ tự nôn ra càng sớm càng tốt. Họ làm theo, rồi được cho bốn thứ thức ăn ngọt để ăn – nho, bột mía, sữa chua ngọt và mật ong. Nhờ cách này, họ hồi phục lại sau khi đã nôn hết thứ quả Không phải độc hại.
Không may là những người tham lam nhất và ngu ngốc nhất không thể cứu chữa được. Đó là những người đã ăn quả độc ngay từ đầu mà không cần suy nghĩ. Đã quá muộn để cứu họ. Chất độc đã ngấm vào và giết chết họ.
Trong quá khứ, khi các đoàn lữ hành gặp một cây “Không phải”, họ ăn các quả độc của nó và chết trong khi ngủ vào giữa đêm. Ngày hôm sau dân làng đến khu dựng trại của họ. Họ lôi xác những người chết tới một nơi bí mật và chôn cất. Rồi họ chiếm đoạt lấy mọi thứ hàng hoá và xe cộ của các đoàn. Lần này, họ cũng đang mong điều tương tự diễn ra.
Vào lúc bình minh, những người dân làng chạy tới chỗ cây “Không phải”. Họ bảo nhau rằng: “Những chiếc xe bò là của tôi!”, “Tôi muốn có những chiếc xe và các toa hàng!”, “Tôi sẽ lấy các thứ hàng hoá!”.
Nhưng khi tới chỗ cây “Không phải”, họ thấy rằng phần lớn mọi người trong đoàn vẫn còn sống khoẻ mạnh. Ngạc nhiên họ hỏi những người lữ hành: “Làm cách nào các ông biết đây không phải là một cây xoài?”
Những người khách đáp: “Chúng tôi không biết, nhưng người chỉ huy đã cảnh báo cho chúng tôi trước đó, và khi ông ấy trông thấy nó ông ấy biết ngay.”
Thế là dân làng hỏi người chỉ huy đoàn: “Hỡi con người khôn ngoan, làm sao ông biết đây không phải là một cây xoài?”
Ông ta đáp: “Tôi biết vì hai lý do. Thứ nhất, cây này rất dễ leo. Và thứ hai, nó mọc ngay gần bên ngôi làng. Nếu trái cây trên một cái cây như thế mà vẫn không có người hái, thì ăn nó vào sẽ không an toàn!”
Mọi người đều kinh ngạc khi thấy rằng sự khôn ngoan cứu mạng lại dựa vào một nhận biết giản đơn vậy. Đoàn lữ hành tiếp tục lên đường một cách an toàn.

 Jataka Tales, 1996
do Kurunegoda Piyatissa kể lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét