Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

SỨC MẠNH CỦA LÒNG BI MẪN - 15+16+17

 


 
CÂU CHUYỆN VỀ CÂY CUỐC

Có một người nông dân làm ruộng với cây cuốc của mình, ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Công việc nhọc nhằn, nhưng thu hoạch cũng khá dồi dào. Thế nhưng một ngày kia anh chợt tự hỏi: “Vì sao mình phải vất vả thế này? Cuộc đời thật chán chường vô nghĩa quá! Rồi đời mình sẽ đi về đâu?”

Ít lâu sau, có một nhà sư đến nhà người nông dân khất thực. Trông nhà sư thật tự do và hạnh phúc, điều này gây ấn tượng sâu sắc đối với anh. Làm một nhà sư và sống một cuộc sống không vướng bận thật là điều đáng ngưỡng mộ. Phải rồi, thật là một ý tưởng hay!

Người nông dân vui mừng quyết định từ bỏ tất cả để trở thành một tăng sĩ.

Ngay khi rời khỏi nhà, chợt anh ta cảm thấy đôi tay mình trống trải quá. Anh đã quá quen thuộc với việc cầm cuốc trong tay để cuốc xới, đến nỗi khi không có cây cuốc anh cảm thấy có gì hơi mất mát. Vì thế, anh quay trở về nhà, cầm lấy cây cuốc, và căng óc suy nghĩ xem có thể làm gì với nó. Đó là một cái cuốc tốt. Lưỡi cuốc nhẵn bóng và sáng loáng do sử dụng hàng ngày. Nếu ném bỏ nó đi thì đau lòng quá. “Thôi được,” anh ta nghĩ thầm, mình sẽ gói nó lại và cất đi.” Anh ta tìm một nơi an toàn trong nhà để giấu chiếc cuốc. Thế là mọi việc ổn thỏa.

Cuối cùng, với tâm trí thảnh thơi, người nông dân rời khỏi nhà. Anh làm tất cả mọi việc trong khả năng để hoàn tất những yêu cầu cần thiết cho việc trở thành một nhà sư thực thụ. Tuy nhiên, anh hầu như không cưỡng được việc nghĩ về chiếc cuốc của mình mỗi lúc đi ngang qua những cánh đồng xanh ngắt. Thỉnh thoảng, anh chạy vội về nhà chỉ để sờ vào cái cuốc, rồi lại trở về chùa.

Thời gian trôi nhanh. Sau bảy, tám năm, anh cảm thấy có cái gì đó sai lầm. “Vì sao mình vẫn chưa hoàn thành được ước mơ trở thành một tu sĩ tự do, hạnh phúc, sau khi đã cố gắng hết sức mình để vun bồi đạo đức? Có cái gì đó mà mình chưa dứt bỏ hẳn. Giờ đây đã đến lúc phải từ bỏ gánh nặng ấy đi!”

Anh vội vã quay về, cầm lấy chiếc cuốc và ném nó xuống hồ. Bỏm, thế là xong!

“Ta đã chiến thắng! Ta đã thành công!”, anh không thể kềm được mình hét lên thật to như thế. Ngay vào lúc ấy, có một vị vua đang dẫn đoàn quân chiến thắng của mình tình cờ đi ngang qua đó. Ông ta nghe thấy tiếng hét liền đến hỏi nhà sư: “Thầy chiến thắng cái gì thế? Sao thầy vui mừng quá vậy?”

 “Tôi đã chế ngự được những ma tính trong tâm tôi. Tôi đã buông bỏ được gánh nặng của mình.”

Nhà vua thấy rằng nhà sư này thật sự hạnh phúc, đã thoát khỏi những gánh nặng và ảo tưởng trần tục. Ông ta thầm nghĩ: “Nay ta đã thắng trận. Chiến thắng thuộc về ta. Nhưng ta có thật sự hạnh phúc không? Ta chiếm lấy những đất đai không thuộc về ta. Đó không phải là chiến thắng thật sự.”

Thế rồi, nhà vua nhận ra rằng, dù đã thắng trận nhưng ông ta không phải là kẻ chiến thắng đúng nghĩa, mà chỉ là một con người bình thường đang bị đè nặng bởi những phiền toái của cuộc đời. Ông nhận ra rằng để trở thành một người chiến thắng chân chính và một thánh nhân, người ta phải chế ngự được những ma tính trong tâm mình.

Thầy Cheng Yen kể


CẶP LÔNG MÀY VÔ DỤNG

Một lần nọ, mắt, mũi và miệng của một người kia họp với nhau. Đầu tiên, mắt nói: “Chúng tôi, đôi mắt, là phần quan trọng hơn hết cho thân thể. Mọi sự vật đều phải được nhìn thấy nhờ vào chúng tôi để biết đó là đẹp hay xấu, lớn hay bé, cao hay thấp. Không có mắt, việc đi lại sẽ rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi, đôi mắt, rất ư là quan trọng. Nhưng chúng tôi lại bị đặt một cách sai lầm nằm dưới bọn lông mày, vốn là thứ vô dụng. Điều này thật bất công!”

Kế tiếp, mũi nói: “Tôi, mũi, là kẻ quan trọng nhất. Chỉ có tôi là có thể phân biệt được thơm hay thối. Việc hít thở cũng tùy thuộc vào tôi. Nếu tôi không để cho hơi thở đi  ngang, mọi người đều sẽ chết. Vì thế, tôi là quan trọng nhất. Nhưng quan trọng là thế đó, mà tôi vẫn bị đặt một cách bất công dưới bọn lông mày vô dụng. Tôi thật quá phiền lòng.”

Rồi tới miệng nói: “Tôi là bộ phận quan trọng nhất của thân người. Tôi có thể nói, nếu không nhờ đến tôi, sẽ không có bất kỳ giao tiếp nào giữa mọi người. Tôi đưa thức ăn vào, nếu không nhờ đến tôi, mọi người đều sẽ chết vì đói. Một bộ phận quan trọng như tôi vậy lại bị đặt ở chỗ thấp nhất của khuôn mặt. Còn bọn lông mày vô dụng lại được nằm chễm chệ ở nơi cao nhất. Tôi không cam tâm đâu!”

Sau khi mọi người nói xong, lông mày chậm rãi nói: “Xin đừng phản đối thêm nữa. Chúng tôi, cặp lông mày, chắc chắn là thứ vô dụng nhất rồi, chúng tôi chấp nhận chịu thua. Chúng tôi sẵn lòng nằm bên dưới các anh chị.”

Nói xong, cặp lông mày liền xuống nằm bên dưới đôi mắt. Thật không may, con người kia không còn trông ra hồn người nữa.

Tiếp đến, bọn lông mày kéo xuống nằm bên dưới lỗ mũi. Nhưng vẫn còn kinh khủng; vẫn chẳng trông ra hồn người tí nào!

Thế là bọn lông mày kéo xuống bên dưới miệng. Thế này thậm chí trông còn khủng khiếp hơn!

Mắt, mũi và miệng vội vã thảo luận lại tình huống này. Chúng kết luận rằng, tốt nhất là bọn lông mày cứ quay về vị trí ban đầu của chúng; đó là nơi thích hợp nhất cho chúng.

Khi bọn lông mày quay lại chỗ cũ, vẻ ngoài của người kia đã trở lại dáng người.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, cái có vẻ như vô dụng thật ra có thể là cái hữu ích nhất.

Thầy Hsing-Yun kể


TÌM LỜI GIẢI ĐÁP TRONG KINH ĐIỂN

Đừng trở thành nô lệ của bất kỳ kinh điển nào!

Ngày xưa, có người nọ thành lập một giáophái và mọi người xem ông ta là một
người cực kỳ uyên bác. Ông ta có một số đệ tử, họ ghi chép những lời chỉ dẫn của ông vào một cuốn sách.

Sau nhiều năm, cuốn sách trở nên đồ sộ với đủ mọi loại chỉ dẫn đã ghi chép trong đó. Những người đệ tử được khuyên rằng, không nên làm bất cứ điều gì mà không tham khảo trước trong cuốn sách ấy. Dù đi đến đâu hay làm bất cứ điều gì, những người đệ tử ấy cũng đều tham khảo trong cuốn sách thánh, như là một cẩm nang dẫn dắt cho đời họ.

Một hôm, khi đi qua một cây cầu ván, người thầy bị té xuống sông. Những người đồ đệ đang đi cùng ông nhưng không ai biết phải làm gì trước tình huống đó.

Vì thế, họ tham khảo cuốn sách thánh.“Cứu ta! Cứu ta! Ta không biết bơi.” Vị sư phụ la to.

“Xin sư phụ chờ một chút. Xin đừng chết chìm nhé!” Đám đồ đệ khẩn khoản. “Chúng con vẫn còn đang tìm trong cuốn sách thánh của mình. Nhất định phải có một chỉ dẫn về điều phải làm khi thầy rớt từ một chiếc cầu ván xuống sông chứ.”

Trong lúc họ vẫn đang lật qua từng trang sách để tìm kiếm sự chỉ dẫn thích hợp, vị thầy đã mất dạng trong dòng nước và chết chìm.

Thượng tọa K. Sri Dhammananda kể
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét