Nguyễn Thành Nhân dịch
Ba
Vậy đây là lá thư của chính ông. Trong đó, như chúng ta đã thấy, sau khi đề nghị góp ý về cách ngăn chận chiến tranh, ông tiếp tục đề nghị các biện pháp thực hành cụ thể mà nhờ đó chúng tôi có thể giúp ông ngăn chận nó. Đó là dường như chúng tôi nên ký một bản tuyên ngôn, cam kết sẽ “bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ”I; rằng chúng tôi nên gia nhập một hiệp hội cụ thể, cống hiến những biện pháp cụ thể nhằm mục đích gìn giữ hòa bình; và, cuối cùng, rằng chúng tôi nên đóng góp cho hiệp hội đó, vốn cũng giống như các hiệp hội khác, đang cần có ngân sách.
Thế thì trước hết chúng ta hãy xét xem chúng tôi có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh bằng cách bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ như thế nào, vì ông bảo đảm với chúng tôi rằng có một sự nối kết giữa những từ khá trừu tượng đó và những tấm ảnh rất xác thực này – những tấm ảnh về những thi thể và những ngôi nhà đổ nát.
Nhưng nếu việc được đề nghị góp ý về cách thức ngăn chận
chiến tranh là điều đáng ngạc nhiên; thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn khi được
yêu cầu giúp ông trong những thuật ngữ khá trừu tượng của tuyên ngôn của ông
nhằm bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ. Hãy xét xem, thưa ông, dưới ánh sáng của
những thực tế đã đưa ra bên trên, yêu cầu của ông có ý nghĩa gì. Nó có nghĩa
rằng trong năm 1938, con trai của những người đàn ông trí thức đang yêu cầu các
cô con gái giúp họ bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ. Và tại sao, ông có thể hỏi,
điều đó lại đáng ngạc nhiên đến thế? Hãy giả sử rằng Công tước xứ Devonshire, trong
lễ phục mũ miện của mình, bước vào bếp và nói với nàng hầu đang lột vỏ khoai
tây với một vết bẩn trên má: “Hãy ngưng lột vỏ khoai đi, Mary, và giúp tôi phân
tích cái đoạn khá khó hiểu này trong cuốn thơ Pindar[1],
lẽ nào Mary không kinh ngạc và vừa hét toáng lên vừa chạy tới chỗ đầu bếp
Louisa, “Chúa ơi, Louie, hẳn là ông chủ điên rồi!” Đó, hoặc đại loại như thế,
là tiếng kêu thoát ra từ đôi môi chúng tôi khi các cậu con trai của những người
đàn ông trí thức yêu cầu chúng tôi, chị em gái của họ, bảo vệ tự do trí tuệ và
văn hóa. Nhưng chúng ta hãy cố diễn dịch tiếng kêu của nàng hầu bếp sang ngôn
ngữ của người trí thức.
Một lần nữa chúng tôi cầu xin ông,
thưa ông, hãy nhìn từ góc độ của chúng tôi, từ quan điểm của chúng tôi, vào Quỹ
giáo dục Arthur. Hãy cố lần nữa, dù nó khó khăn, quay đầu ông về hướng đó, để
hiểu rằng đối với chúng tôi việc giữ cho các kho chứa đó luôn đầy trong suốt
bao nhiêu thế kỷ để cho khoảng 10.000 anh em trai của chúng tôi có thể được
giáo dục hàng năm ở Oxford và Cambridge khó khăn như thế nào. Nó có nghĩa rằng
chúng tôi đã cống hiến cho chính nghĩa của văn hóa và tự do trí tuệ nhiều hơn
bất cứ tầng lớp nào khác trong cộng đồng. Vì không phải các cô con gái của
những người đàn ông trí thức đã thanh toán cho Quỹ giáo dục Arthur từ năm 1262
tới năm 1879 tất cả số tiền cần thiết cho học vấn của chính họ, giảm bớt những
khoản tiền khốn khổ để trả cho nữ gia sư, giáo viên tiếng Đức, và vũ sư đó hay
sao? Không phải họ đã chi trả với chính học vấn của họ cho trường Eton và
Harrow, Oxford và Cambridge, và toàn bộ những trường trung học và đại học lớn
trên lục địa – trường Sorbonne và Heidelberg, Salamanca và Padua và Rome hay
sao? Không phải họ đã chi trả rất hào phóng hay nếu nói một cách gián tiếp là
phung phí đến mức rốt cuộc, vào thế kỷ 19, khi họ đã giành được cái quyền có
một nền giáo dục phải trả tiền cho chính họ, không có đến một phụ nữ duy nhất
nào tiếp nhận đủ nền giáo dục phải trả tiền để có khả năng dạy họ hay sao?II Và
hiện nay, vô cùng đột ngột, chỉ vừa khi họ đang hy vọng rằng họ có thể đánh cắp
không chỉ một phần nho nhỏ của nền giáo dục đại học đó cho chính họ mà cả một
số thứ kèm theo – du lịch, lạc thú, tự do, thì lá thư của ông ở đây thông báo
với họ rằng cái khoản tiền to ấy, khoản tiền như trong mơ ấy – dù được tính một
cách trực tiếp bằng tiền mặt hay một cách gián tiếp trong những điều đã thực
hiện, cái khoản trút đầy cho Quỹ giáo dục Arthur là rất lớn – đã bị lãng phí
hay sử dụng sai. Các trường đại học Oxford và Cambridge được thành lập
vì mục đích gì ngoài việc bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ? Vì đối tượng nào mà các
chị em gái của ông bước ra không hề có học vấn hay du lịch hay những thứ xa hoa
cho chính họ ngoại trừ với số tiền dành dụm để các anh em trai của họ được tới
các trường trung học và đại học và học cách bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ ở
đó? Nhưng giờ đây, vì ông tuyên bố họ đang gặp nguy nan và yêu cầu chúng tôi
chúng tôi bổ sung giọng của chúng tôi vào giọng của các ông, và bổ sung đồng
sáu xu của chúng tôi vào đồng ghi-nê của ông, chúng tôi phải giả đoán rằng số
tiền được dùng như thế đã bị lãng phí và các hiệp hội đó đã thất bại. Thế nhưng
sự phản ánh phải đụng chạm, nếu những trường trung học và đại học tư thục với
cơ cấu phức tạp để đào tạo tâm trí và rèn luyện cơ thể đã thất bại, còn có lý
do gì để nghĩ rằng hiệp hội của ông, dù được bảo trợ bởi những cái tên lỗi lạc,
sẽ thành công, hoặc rằng tuyên ngôn của ông, dù được ký bởi những cái tên thậm
chí lỗi lạc hơn, sẽ tạo ra cải cách? Phải chăng trước khi thuê một văn phòng,
mướn một thư ký, bầu một ủy ban và cầu xin các ngân quỹ, ông nên xét xem vì sao
những trường trung học và đại học đó thất bại?
Tuy nhiên, đó là một câu hỏi mà ông
phải trả lời. Câu hỏi mà chúng tôi quan tâm là chúng tôi có thể cho ông sự trợ
giúp khả dĩ nào để bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ – chúng tôi, những kẻ đã bị
tống khứ khỏi các trường đại học hết lần này sang lần khác, và hiện giờ chỉ
được phép một cách rất hạn chế; chúng tôi, những kẻ nhận được bất kỳ nền học
vấn không phải trả tiền nào, ít đến độ chúng tôi chỉ có thể đọc thứ tiếng của
chính mình và viết thứ chữ của chính mình, thật sự, chúng tôi không phải là
những thành viên của giới trí thức mà của giới dốt nát? Để khẳng định chúng tôi
bằng ước đoán khiêm tốn nhất về văn hóa của chúng tôi và để chứng minh rằng
thật ra ông chia sẻ nó, có Whitaker với những thực tế của ông ta. Không có cô
con gái nào của một người đàn ông trí thức được cho là có khả năng giảng dạy
văn học của chính ngôn ngữ của mình ở trường đại học. Mà cả ý kiến của cô ta
cũng không đáng để tham khảo, Whitaker thông báo với chúng ta, khi cần mua một
bức tranh cho Phòng trưng bày mỹ thuật quốc gia, một bức chân dung cho Phòng
trưng bày tranh chân dung hay một xác ướp cho Bảo tàng Anh Quốc. Vậy thì làm
sao chúng tôi đáng để cho ông yêu cầu giúp bảo vệ văn hóa hay tự do trí tuệ khi
mà, như Whitaker chứng minh với những thực tế lạnh lùng của ông ta, ông không
có niềm tin rằng lời khuyên của chúng tôi là đáng giá khi cần tới việc chi tiêu
tiền, món tiền mà chúng tôi đóng góp, để mua văn hóa và tự do trí tuệ cho quốc
gia? Ông có tự hỏi rằng lời khen ngợi bất ngờ khiến chúng tôi rất đỗi ngạc
nhiên hay không? Tuy nhiên, lá thư của ông nằm đó. Cả trong lá thư đó cũng có
những thực tế. Trong đó ông viết rằng chiến tranh sắp xảy ra; và ông tiếp tục
nói rằng, bằng nhiều thứ ngôn ngữ – đây là phiên bản tiếng Pháp:III
“Seule la culture désintéressée peut garder le monde de sa ruine[2]” —
ông tiếp tục nói rằng bằng cách bảo vệ tự do trí tuệ và di sản văn hóa của
mình, chúng tôi có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh. Và vì phát biểu đầu tiên
ít nhất là không thể tranh cãi và bất kỳ nàng hầu bếp nào thậm chí nếu tiếng
Pháp của cô ta kém cỏi cũng có thể đọc và hiểu ý nghĩa của “Đề phòng máy bay oanh
tạc” khi được viết bằng những chữ to trên một bức tường trống, chúng tôi không
thể làm ngơ yêu cầu của ông dựa vào cớ dốt nát hay giữ im lặng dựa vào cớ khiêm
tốn. Như bất kỳ nàng hầu bếp nào cũng sẽ cố gắng phân tích một đoạn thơ trong
cuốn thơ Pindar nếu người ta bảo rằng cuộc đời của cô ta tùy thuộc vào nó, thế
nên con gái của những người đàn ông trí thức, dù học vấn của họ ít tới đâu,
phải xét xem họ có thể làm gì để bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ nếu bằng cách
làm điều đó họ có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh. Vì vậy, với mọi phương
tiện trong khả năng của mình, chúng ta hãy kiểm chứng biện pháp xa hơn để giúp
ông này, và để xem coi, trước khi chúng tôi xét tới yêu cầu của ông rằng chúng
tôi nên gia nhập hiệp hội của ông, chúng tôi có thể ký bản tuyên ngôn ủng hộ
văn hóa và tự do trí tuệ này với dự định duy trì thế giới của chúng ta hay
không.
Thế thì ý nghĩa của những từ khá trừu
tượng đó là gì? Nếu chúng tôi sẽ giúp ông bảo vệ chúng, tốt nhất là định nghĩa
chúng ngay từ đầu. Nhưng như mọi vị thủ quỹ danh dự, ông bị thời gian thúc ép,
và việc rong chơi qua nền văn học Anh để tìm kiếm một định nghĩa, dù có giá trị
tiêu khiển thú vị theo cách thức của nó, có thể dẫn chúng ta đi xa. Vậy chúng
ta hãy nhất trí, trong hiện tại, rằng chúng ta biết chúng là gì, và tập trung
vào câu hỏi thực tế là chúng tôi có thể giúp ông bảo vệ chúng bằng cách nào.
Hiện giờ tờ nhật báo với những thực tế sẵn có của nó đang nằm trên bàn; và một
trích dẫn đơn lẻ từ nó có thể tiết kiệm thời gian và hạn chế thắc mắc của chúng
ta. “Hôm qua, trong một cuộc hội thảo của các hiệu trưởng, người ta đã quyết
định rằng phụ nữ không thích hợp để làm giáo viên cho các cậu con trai trên
tuổi mười bốn.” Thực tế đó ngay lập tức trợ giúp chúng ta ở đây, vì nó chứng
minh rằng có những loại trợ giúp nhất định nằm ngoài tầm với của chúng tôi. Với
chúng tôi, nỗ lực cải cách nền giáo dục của các anh em trai của chúng tôi ở các
trường trung học và đại học tư thục sẽ là lời mời mọc một cơn mưa xác mèo chết,
trứng thối và những cánh cổng vỡ toang mà chỉ có những kẻ bới rác và những tay
thợ khóa là hưởng lợi từ đó, trong khi các quý ông có thẩm quyền, lịch sử bảo
đảm với chúng ta, sẽ khảo sát sự hỗn loạn từ cửa sổ thư phòng của họ mà không
cần nhấc những điếu xì gà ra khỏi môi hay ngưng nhấm nháp, một cách chậm rãi
như hương vị của nó xứng đáng, món rượu vang đỏ đáng ngưỡng mộ của họ.IV
Vậy thì bài học của lịch sử, được củng cố thêm bởi bài học của tờ nhật báo, lái
chúng tôi tới một vị trí giới hạn hơn. Chúng tôi chỉ có thể giúp ông bảo vệ văn
hóa và tự do trí tuệ bằng cách bảo vệ văn hóa của chính chúng tôi và tự do trí
tuệ của chính chúng tôi. Nghĩa là, chúng tôi có thể gợi ý, nếu vị thủ quỹ của
một trong các trường cao đẳng yêu cầu chúng tôi quyên góp, rằng một thay đổi
nào đó có thể được thực hiện trong cái cơ thể lệ thuộc đó khi nó ngưng lệ
thuộc; hay xin lặp lại, nếu vị thủ quỹ của một hiệp hội nào đó với mục đích
mang tới cho phụ nữ quyền được tuyển dụng vào các nghề nghiệp chuyên môn yêu
cầu chúng tôi đóng góp, đề nghị rằng một thay đổi nào đó có thể đáng ước ao,
trong những lợi ích của văn hóa và tự do trí tuệ, trong sự thực hành các nghề
nghiệp chuyên môn. Nhưng vì nền học vấn phải trả tiền vẫn còn thô sơ non trẻ,
và vì số lượng những người được phép thụ hưởng nó ở Oxford và Cambridge vẫn còn bị giới hạn nghiêm
ngặt, văn hóa cho đại đa số con gái của những người đàn ông trí thức vẫn phải
là thứ văn hóa thủ đắc được ở phía ngoài những cánh cổng thiêng liêng, trong
các thư viện công cộng hay thư viện riêng, nơi mà những cánh cửa của chúng còn
bỏ ngỏ vì một sơ suất không thể lý giải nào đó. Nó vẫn phải, trong năm 1938,
bao gồm một cách rộng rãi việc đọc và viết bằng ngôn ngữ của chính chúng tôi.
Do vậy câu hỏi trở nên dễ xử lý hơn. Bị xén mất ánh hào quang của mình, nó trở
nên dễ giải quyết hơn. Do vậy, điều mà chúng ta phải làm lúc này, thưa ông, là
đặt câu hỏi đó trước con gái của những người đàn ông trí thức để yêu cầu họ
giúp ông ngăn chận chiến tranh, không phải bằng cách khuyên các anh em trai của
họ phải làm thế nào để bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ, mà chỉ đơn giản bằng
cách đọc và viết ngôn ngữ của chính họ theo một cách thức nhằm tự bảo vệ mình
trước những vị nữ thần khá trừu tượng đó.
Trên bề mặt, đây là một vấn đề đơn
giản, và là một vấn đề không cần phải tranh cãi hay biện luận. Nhưng chúng tôi
vấp phải một khó khăn mới ngay từ lúc bắt đầu. Chúng ta đã ghi nhận thực tế
rằng nghề viết văn, cứ cho nó một cái tên đơn giản, là nghề duy nhất không gây
ra một loạt trận chiến trong thế kỷ 19. Không có trận đánh nào ở phố Grub. Cái
nghề đó chưa bao giờ khép kín cửa đối với con gái của những người đàn ông trí
thức. Sách, bút máy và giấy khá rẻ tiền, việc đọc và viết, ít nhất là từ thế kỷ
18, được giảng dạy một cách phổ biến trong các lớp học của chúng ta đến độ
không có khả năng bất kỳ đoàn thể đàn ông nào có thể độc chiếm những tri thức
cần thiết hay từ chối cho phép, ngoại trừ với những thuật ngữ của riêng họ, đối
với những người muốn đọc sách hay viết sách. Nhưng kéo theo đó, vì nghề viết
văn mở ra cho con gái của những người đàn ông trí thức, là việc không có một vị
thủ quỹ danh dự nào của cái nghề này cần một đồng ghi-nê để theo đuổi trận
chiến của mình đến độ bà ta sẽ lắng nghe những điều kiện của chúng tôi, và hứa
làm những gì bà ta có thể để thực hiện nó. Điều này đặt chúng tôi, ông sẽ đồng
ý, vào một tình thế khó khăn bất tiện. Bởi như vậy làm sao chúng tôi có thể gây
áp lực với họ — chúng tôi có thể làm gì để thuyết phục họ giúp đỡ chúng tôi? Có
vẻ như nghề viết văn khác biệt với tất cả những nghề khác. Không có người đứng
đầu ngành nghề; không có Người cầm đầu Thượng viện như ở trường hợp của riêng
ông: không có quan chức nào với quyền lực đặt ra những lề luật và thực thi
chúng.V
Chúng ta không thể ngăn cản phụ nữ sử dụng các thư viện;VI hay cấm họ mua mực và
giấy; hay quy định rằng chỉ có một giới tính được sử dụng phép ẩn dụ, như duy
chỉ nam giới trong các trường mỹ thuật được phép nghiên cứu từ người mẫu khỏa
thân; hay quy định rằng chỉ có một giới tính được sử dụng vần điệu như duy chỉ
nam giới trong các nhạc viện được phép chơi trong các dàn nhạc. Đó là một giấy
phép của nghề viết văn, nó lạ thường đến độ bất kỳ cô con gái nào của một người
đàn ông trí thức cũng đều có thể sử dụng một cái tên đàn ông – chẳng hạn George
Eliot hoặc George Sand — mà kết quả là một biên tập viên hay một nhà xuất bản,
khác với những người cầm quyền ở phố Whitehall, không thể phát hiện ra một khác
biệt nào trong mùi vị của một bản thảo, hay thậm chí không biết chắc tác giả có
kết hôn hay chưa.
Vậy là, vì chúng tôi có rất ít quyền
lực đối với những ai kiếm sống bằng cách đọc hay viết, chúng tôi phải tới gần
họ một cách khiêm nhường, không có những khoản mua chuộc hay những biện pháp
trừng phạt. Chúng tôi phải tới gần họ, mũ trên tay, như những kẻ ăn xin, và cầu
khẩn họ vui lòng dành thời gian lắng nghe yêu cầu của chúng tôi rằng họ sẽ thực
hành nghề nghiệp đọc và viết vì lợi ích của văn hóa và tự do trí tuệ.
Và giờ đây rõ ràng một định nghĩa sâu
hơn của “văn hóa và tự do trí tuệ” sẽ có ích. May thay, nó không cần phải, với
mục đích của chúng ta, bao quát mọi khía cạnh hay phức tạp. Chúng ta không cần
phải tham khảo Milton, Goethe, hay Matthew Arnold; bởi định nghĩa của họ áp
dụng cho văn hóa phải trả tiền – thứ văn hóa mà, theo định nghĩa của cô Weeton,
bao gồm vật lý học, thần học, hóa học, thực vật học, luận lý học và toán học,
cũng như tiếng Latin, Hy Lạp và Pháp. Chủ yếu, chúng ta đang nài xin những kẻ
mà nền văn hóa của họ là nền văn hóa không phải trả tiền, bao gồm khả năng đọc
và viết bằng ngôn ngữ của chính họ. Vạn hạnh thay, bản tuyên ngôn của ông đang
có sẵn trên tay để giúp chúng ta định nghĩa từ này sâu hơn, “bất vụ lợi” là từ
mà ông sử dụng. Do đó chúng ta hãy định nghĩa vì những mục đích của chúng ta
rằng văn hóa là sự theo đuổi việc viết và đọc tiếng Anh một cách bất vụ lợi. Và
với những mục đích của chúng ta, tự do trí tuệ có thể định nghĩa là quyền được
nói hay viết những gì bạn nghĩ bằng những ngôn từ của chính bạn, theo cách của
chính bạn. Đây là những định nghĩa rất thô sơ, nhưng chúng phải thích hợp. Vậy
thì lời thỉnh nguyện của chúng tôi có thể bắt đầu như sau: “Hỡi con gái của
những người đàn ông trí thức, quý ông này, kẻ mà tất cả chúng ta đều kính
trọng, bảo rằng chiến tranh sắp nổ ra; ông ta bảo rằng bằng cách bảo vệ văn hóa
và tự do trí tuệ chúng ta có thể giúp ông ta ngăn chận chiến tranh. Do vậy,
chúng tôi cầu khẩn quý vị, những kẻ kiếm sống bằng nghề đọc và viết…” Nhưng tới
đây ngôn từ trên môi chúng tôi trở nên ấp úng, và lời thỉnh nguyện tan ra thành
ba dấu chấm một lần nữa vì những thực tế — vì những thực tế trong các quyển
sách, những thực tế trong những tiểu sử, những thực tế khiến việc tiếp tục trở
nên khó khăn, có lẽ là bất khả.
Vậy những thực tế đó là gì? Một lần
nữa chúng ta phải ngắt ngang lời thỉnh nguyện của mình để kiểm tra chúng. Và
không có gì khó khăn trong việc phát hiện chúng. Chẳng hạn, trước mặt chúng ta
đây là một tư liệu, một công trình xác thực nhất và thật sự linh động, tiểu sử
tự thuật của bà Oliphant, chứa đầy những thực tế. Bà là con gái của một người
đàn ông trí thức, kiếm sống bằng nghề đọc và viết. Bà viết đủ loại sách. Vô số
tiểu thuyết, tiểu sử, lịch sử, sách chỉ nam về Florence và Rome, bài điểm sách,
bài báo đã xuất hiện từ ngòi bút của bà. Với các thu nhập đó bà kiếm sống và
nuôi dạy con cái. Nhưng bà đã bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ tới mức nào? Ông
có thể phán xét điều đó bằng cách đọc trước tiên là vài cuốn tiểu thuyết của
bà; Chẳng hạn Con gái của ngài Công tước,
Diana Trelawny, Harry Joscelyn; tiếp
tục với cuộc đời của Sheridan và Cervantes; rồi tới Những nhà sáng tạo ở Florence và Rome; kết thúc bằng cách đắm mình
vào vô số bài báo, điểm sách, các phác thảo loại này loại khác đã nhạt màu mực
mà bà cống hiến cho những tờ báo văn học. Khi đã xong việc, ông hãy kiểm tra
tâm trạng của chính ông, và tự hỏi ông việc đọc có dẫn ông tới chỗ tôn trọng
một nền văn hóa và tự do trí tuệ bất vụ lợi hay không. Phải chăng trái lại nó
khiến tâm trí ông mờ mịt và trí tưởng tượng của ông trở nên ảm đạm, và dẫn ông
tới chỗ xót xa cho thực tế rằng bà Oliphant đã bán óc não của mình, chính bộ
não đáng ngưỡng mộ của bà, đánh đĩ văn hóa của bà và biến tự do trí tuệ của bà
thành nô lệ để bà có thể kiếm sống và nuôi dạy các con?VII Chắc chắn, khi xét
tới tổn hại mà cảnh nghèo nàn gây ra cho tâm trí và cơ thể, sự cần thiết đặt ra
cho những người có con cái để thấy chúng có đủ cơm no áo ấm, được chăm nom và
giáo dục, chúng ta phải hoan hô sự chọn lựa của bà và ngưỡng mộ lòng can đảm
của bà. Nhưng nếu chúng ta hoan hô sự chọn lựa và ngưỡng mộ lòng can đảm của
những kẻ thực hiện điều bà đã thực hiện, chúng ta có thể vất bỏ nỗi phiền toái của
việc đưa ra cho họ lời thỉnh nguyện, bởi họ sẽ không có nhiều khả năng bảo vệ
nền văn hóa và sự tự do trí tuệ bất vụ lợi hơn bà. Yêu cầu họ ký vào tuyên ngôn
của ông không khác chi yêu cầu một ông chủ tửu quán ký một tuyên ngôn ủng hộ
việc không uống rượu. Bản thân ông ta có thể là một người hoàn toàn kiêng rượu,
nhưng vì vợ con ông ta sống phụ thuộc vào lượng bia bán ra, ông ta phải tiếp
tục bán bia, và chữ ký của ông ta trên bản tuyên ngôn sẽ không có giá trị gì
cho chính nghĩa của sự kiêng rượu bia vì ngay lập tức sau khi ông ta ký vào nó
ông ta phải có mặt ở quầy để mời mọc khách uống thêm bia. Thế nên việc yêu cầu
con gái của những người đàn ông trí thức kiếm sống bằng nghề đọc và viết ký vào
tuyên ngôn của ông cũng sẽ không có giá trị gì cho chính nghĩa của văn hóa và
tự do trí tuệ bất vụ lợi, vì ngay sau khi họ ký nó họ phải ngồi ở bàn đề viết
những cuốn sách, những bài giảng và bài báo mà do chúng văn hóa bị đánh đĩ và
tự do trí tuệ bị bán làm nô lệ. Với ý nghĩa là sự thể hiện quan điểm, nó có thể
có giá trị; nhưng vì điều ông cần không chỉ là một sự thể hiện quan điểm mà là
sự giúp đỡ thật sự, ông phải đưa ra yêu cầu của ông theo cách khác. Khi đó ông
sẽ phải yêu cầu họ cam kết không viết bất kỳ thứ gì chối bỏ văn hóa, hay ký bất
kỳ hợp đồng nào xâm phạm tới tự do trí tuệ. Và câu trả lời của nhà viết tiểu sử
cho yêu cầu của chúng ta sẽ ngắn gọn nhưng đầy đủ: “Tôi không phải kiếm sống hay
sao?” Như vậy, thưa ông, rõ ràng là chúng ta phải đưa ra thỉnh nguyện chỉ với
con gái của những người đàn ông trí thức có đủ tiền để sống. Chúng ta có thể
nói với họ câu nói khôn ngoan sau: “Hỡi con gái của những người đàn ông trí
thức mà có đủ tiền để sống…” Nhưng một lần nữa giọng nói trở nên ấp úng: một
lần nữa lời thỉnh nguyện tan ra thành những dấu chấm rời rạc. Vì có bao nhiêu
người như họ? Chúng tôi dám giả đoán trước sự hiện diện của Whitaker, của luật
về quyền sở hữu, của những bản chúc thư trong các tờ nhật báo, nói tóm là của
những thực tế, rằng sẽ có 1.000, 500 hay thậm chí 250 người trả lời khi được
yêu cầu như thế? Dù nó có thể ra sao, chúng ta hãy cho con số nhiều đứng đó và
tiếp tục: ““Hỡi con gái của những người đàn ông trí thức mà có đủ tiền để sống
và đọc và viết ngôn ngữ của chính mình vì lạc thú của chính mình, chúng tôi xin
rất nhún nhường khẩn nài quý vị ký vào tuyên ngôn của quý ông này với dự định
thực hiện lời hứa của quý vị.”
Tới đây, nếu họ thật sự sẵn lòng lắng
nghe, họ có thể đề nghị một cách rất hợp lý rằng chúng ta nên cụ thể hơn –
không thật sự là định nghĩa văn hóa và tự do trí tuệ, bởi họ có những cuốn sách
và thời gian rỗi và có thể tự định nghĩa các từ đó. Nhưng họ có thể hỏi, văn
hóa bất vụ lợi theo quý ông này có nghĩa là gì, và chúng tôi sẽ thực hiện việc
bảo vệ điều đó và tự do trí tuệ ra sao? Lúc này, vì họ là những cô con gái,
không phải các cậu con trai, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhắc cho họ nhớ
một câu ca tụng mà một nhà sử học nổi tiếng đã ban tặng họ. “Hành vi của Mary,”
Macaulay nói, “thật sự là một ví dụ nổi bật của sự bất vụ lợi và tự hiến thân
hoàn hảo mà đàn ông dường như không có khả năng thực hiện, nhưng đôi khi được
tìm thấy ở những người phụ nữ.”VIII Những lời ca tụng, khi ông kêu gọi một
sự ủng hộ, không bao giờ xuất hiện không đúng lúc. Kế tiếp chúng ta hãy dẫn
chúng tới truyền thống vốn đã được tôn vinh từ lâu trong ngôi nhà riêng – truyền
thống của sự trong trắng. “Cũng như suốt nhiều thế kỷ qua, thưa bà,” chúng ta
có thể van nài, “người ta cho việc một phụ nữ bán thân thể của mình mà không có
tình yêu là đáng ghê tởm, nhưng việc trao nó cho người chồng mà cô ta yêu là
đúng, vì thế bà sẽ đồng ý rằng bán trí tuệ của mình mà không có tình yêu là
sai, nhưng trao nó cho nghệ thuật mà bà yêu là đúng.” Bà ta có thể hỏi, “Nhưng
‘bán trí tuệ mà không có tình yêu’ nghĩa là sao?” Chúng ta có thể đáp, “Nói vắn
tắt, là việc viết theo mệnh lệnh của một người khác những gì bà không muốn viết
vì tiền. Nhưng bán một bộ não thì tệ hơn là bán một thân xác, vì khi người bán
thân đã bán lạc thú nhất thời của mình cô ta ý thức rõ rằng vụ việc sẽ kết thúc
ở đó. Nhưng khi một người bán óc não đã bán bộ não của mình, tình trạng thiếu
máu của nó và kết quả bệnh hoạn được thả lỏng ra khắp trần gian để lây nhiễm và
gây đồi phong bại tục và gieo những hạt giống bệnh hoạn lên những người khác.
Do vậy chúng tôi đang yêu cầu bà, thưa bà, cam kết không thực hiện sự pha trộn
của bộ não vì nó là một xúc phạm nghiêm trọng hơn việc kia.” “Sự pha trộn của
bộ não,” bà ta có thể hỏi, “nghĩa là viết những gì tôi không muốn viết vì tiền.
Do đó ông yêu cầu tôi khước từ mọi nhà xuất bản, biên tập viên, đại diện diễn
thuyết, vân vân… đã mua chuộc tôi viết hay nói những điều tôi không muốn viết
hay nói vì tiền có phải không?” “Đúng thế, thưa bà, và chúng tôi yêu cầu thêm
rằng nếu bà nhận được những đề nghị cho các mua bán đó bà sẽ gửi trả lại chúng
và vạch trần chúng như bà sẽ gửi trả và vạch trần những đề nghị mua bán xác
thân bà, vì chính bà lẫn vì những kẻ khác. Nhưng chúng tôi cần bà xác nhận rằng
động từ “pha trộn” có nghĩa là, theo tự điển, ‘sự trộn lẫn bởi hỗn hợp của
những thành tố cơ bản”. Tiền không phải là thành tố cơ bản duy nhất. Quảng cáo
và quảng bá cũng là những thứ pha trộn. Do vậy, văn hóa pha trộn với sự quyến
rũ cá nhân, hay văn hóa pha trộn với quảng cáo và quảng bá, cũng là những hình
thức văn hóa đã bị pha trộn. Chúng tôi phải yêu cầu bà tuyên bố từ bỏ chúng;
không xuất hiện trước các bục công cộng; không diễn thuyết, không cho phép công
bố gương mặt riêng của bà hay những chi tiết của đời sống của bà; nói tóm lại,
không lợi dụng bất kỳ hình thức đánh đĩ nào được đề xuất một cách âm thầm bởi
những gã ma cô và những mụ tú bà của ngành kinh doanh bộ não; hoặc chấp nhận
bất kỳ thứ trang sức lòe loẹt hay nhãn hiệu nào quảng cáo hay chứng nhận cho
phẩm chất của bộ não – những huy chương, những vinh dự, những bằng cấp – chúng
tôi phải yêu cầu bà tuyệt đối khước từ chúng; vì tất cả chúng là những dấu hiệu
rằng văn hóa đã bị đánh đĩ và tự do trí tuệ đã bị bán làm nô lệ.”
Sau khi nghe định nghĩa này, dù nhẹ
nhàng và chưa hoàn hảo, về ý nghĩa của nó, không chỉ để ký bản tuyên ngôn của
ông để ủng hộ văn hóa và tự do trí tuệ, mà còn đưa quan điểm đó vào thực hành,
ngay cả các cô con gái của những người đàn ông trí thức mà có đủ tiền để sống
cũng có thể phản đối rằng những điều kiện đó quá khó thực hiện đối với họ. Vì
chúng có nghĩa là tổn thất tiền bạc, mất mát danh vọng, thứ vốn được xem một
cách phổ biến là điều dễ chịu, và sự chỉ trích và nhạo báng hoàn toàn không
phải không đáng kể. Mỗi thứ sẽ là cái đích làm trò cười của tất cả những ai có
lợi ích cần phục vụ hay tiền cần làm ra từ việc bán bộ não. Và vì sự tưởng
thưởng nào chứ? Chỉ trong những từ khá trừu tượng của bản tuyên ngôn của ông
rằng như vậy họ sẽ “bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ”, không phải bởi ý kiến của
họ mà bởi sự thực hành của họ.
Vì những điều kiện này quá khó, và sẽ không
có ai đang tồn tại và đang chạy theo nhu cầu của họ tôn trọng hay tuân theo
chúng, chúng ta hãy xét coi còn sót lại phương pháp thuyết phục nào cho chúng
ta không. Có vẻ như điều duy nhất là chỉ vào những tấm ảnh – những tấm ảnh chụp
những thi thể và những ngôi nhà đổ nát. Chúng ta có thể đưa ra sự kết nối giữa
chúng và nền văn hóa bị đánh đĩ và sự tự do trí tuệ bị biến thành nô lệ và làm
rõ rằng cái này ngụ ý cái kia, rằng con gái của những người đàn ông trí thức sẽ
thích khước từ tiền bạc và danh vọng hơn, và trở thành đối tượng của sự khinh
miệt và nhạo báng hơn là tự mình gánh chịu và cho phép những kẻ khác gánh chịu
những hình phạt đã trở nên hữu hình hay không?
Với thời gian tùy nghi sử dụng quá
ngắn và với thứ vũ khí yếu ớt trong tay, khó mà làm rõ sự kết nối đó, nhưng nếu
những gì ông nói là đúng, thưa ông, và có một sự kết nối và đó là một kết nối
rất thật giữa chúng, chúng ta phải cố gắng chứng minh nó.
Vậy chúng ta bắt đầu bằng cách triệu
tập, như thể từ thế giới tưởng tượng, một cô con gái của một người đàn ông trí
thức, kẻ có đủ tiền sinh sống và có thể đọc và viết cho chính niềm vui của
mình, là người đại diện của cái mà trong thực tế có thể không thuộc vào tầng
lớp nào cả, chúng ta hãy yêu cầu cô ta kiểm tra những sản phẩm của việc đọc và
viết đó hiện đang nằm trên bàn của cô ta. Chúng ta có thể bắt đầu: “Hãy nhìn,
thưa cô, vào những tờ báo trên bàn của cô. Chúng tôi có thể hỏi vì sao cô mua
về ba tờ nhật báo và ba tờ tuần báo hay không?” Cô ta đáp: “Vì tôi quan tâm tới
chính trị và muốn biết các sự kiện.” “Một khao khát đáng ngưỡng mộ, thưa cô.
Nhưng vì sao ba? Chúng khác nhau về các sự kiện à, và nếu thế thì vì sao?” Cô
ta trả lời với chút mỉa mai: “Bà tự gọi mình là con gái của một người đàn ông
trí thức, thế nhưng vờ như không biết những sự thật thô thiển rằng mỗi tờ báo
được tài trợ bởi một ủy ban; rằng mỗi ủy ban có một chính sách; rằng mỗi ủy ban
thuê các tác giả để dẫn giải về chính sách đó, và nếu các tác giả không đồng ý
với chính sách đó, như bà có thể nhớ sau một giây suy nghĩ, họ sẽ nhận ra mình
đang bị thất nghiệp và lang thang trên đường phố. Do đó nếu muốn biết bất kỳ sự
thật nào về chính trị bà phải đọc ít nhất ba tờ báo khác nhau, so sánh ít nhất
ba phiên bản của cùng một sự thật, và cuối cùng đưa ra kết luận của chính mình.
Vì thế mà trên bàn tôi có ba tờ nhật báo.” Lúc này, khi chúng ta đã thảo luận,
rất ngắn gọn, về cái có thể gọi là văn học của sự thật, chúng ta hãy quay sang
cái có thể gọi là văn học của sự hư cấu. Chúng ta có thể nhắc cô ta: “Có những
thứ như những bức tranh, những vở kịch, âm nhạc và những quyển sách, thưa
cô Cô có theo đuổi cùng thứ chính sách
thái quá đó – liếc mắt qua ba tờ nhật báo và ba tờ tuần báo nếu cô muốn biết
những sự thật về những bức tranh, những vở kịch, âm nhạc và những quyền sách vì
những kẻ viết về nghệ thuật được một biên tập viên trả công, người được trả
công bởi một ủy ban vốn có một chính sách để theo đuổi, khiến mỗi tờ báo có một
quan điểm khác nhau, để bằng cách so sánh ba quan điểm khác nhau cô có thể đưa
ra kết luận của mình: ngắm bức tranh nào, xem vở kịch nào hay dự buổi hòa nhạc
nào, mượn cuốn sách nào từ thư viện –
hay không?” Và cô ta trả lời: “Vì tôi là con gái của một người đàn ông
trí thức, với một số vốn văn hóa thu nhặt từ việc đọc, tôi sẽ không mơ mộng
nữa, với những điều kiện của báo chí hiện thời, về việc có các quan điểm về
những bức tranh, những vở kịch, âm nhạc hay những quyển sách từ báo chí mà nên
có quan điểm của mình về chính trị từ những tờ báo. So sánh các quan điểm, xem
xét những điều xuyên tạc, sau đó tự mình phán xét. Đó là cách duy nhất. Vì thế
trên bàn tôi có nhiều tờ báo.”IX
“Vậy ra văn học của sự thật và văn học
của quan điểm, nếu đưa ra một phân biệt thô thiển, không phải là sự thật thuần
túy, hay quan điểm thuần túy, mà là sự thật pha trộn và quan điểm pha trộn, đó
là sự thật và quan điểm ‘đã bị pha trộn bởi hỗn hợp của các thành tố cơ bản’
như tự điển định nghĩa. Nói cách khác, cô phải tước khỏi mỗi phát biểu động cơ
tiền bạc của nó, động cơ quyền lực của nó, động cơ quảng cáo của nó, động cơ
quảng bá của nó, động cơ phù hoa của nó, chưa kể tới tất cả những động cơ khác
mà, với tư cách con gái một người đàn ông trí thức, vốn quen thuộc với cô,
trước khi cô quyết định tin tưởng sự thật nào về chính trị, hay thậm chí quan
điểm nào về nghệ thuật?” Cô ta đồng ý. Nhưng nếu một người không có động cơ nào
trong số đó đối với việc che đậy chân lý nói với cô rằng sự thật đó nằm trong
quan điểm này hay quan điểm nọ của anh ta hay cô ta, cô có tin anh ta hay cô ta
hay không, có luôn luôn cho phép khả năng có thể sai lầm của sự phán xét của
con người mà, trong việc phán xét các tác phẩm nghệ thuật, phải là đáng kể hay
không?
“Tự nhiên thôi,” cô ta đồng ý. Nếu một người như thế nói
rằng chiến tranh là xấu xa, cô có tin anh ta không; hoặc nếu một người như thế
nói rằng một bức tranh, một bản giao hưởng, một vở kịch hay một bài thơ là
tuyệt tác cô có tin anh ta không? “Cho phép khả năng lầm lạc của con người,
vâng.” Bây giờ giả sử, thưa cô, rằng có 150, hay 50 hay 25 người như thế tồn
tại, người ta cam kết không thực hiện sự pha trộn của bộ não, để không cần
thiết phải tước khỏi những gì họ nói động cơ tiền bạc của nó, động cơ quyền lực
của nó, động cơ quảng cáo của nó, động cơ quảng bá của nó, động cơ phù hoa của
nó, vân vân, trước khi chúng ta vén mở hạt chân lý, có thể nào không có hai hậu
quả rất đáng kể theo sau? Có khả năng rằng nếu chúng ta biết sự thật về chiến
tranh, sự vinh quang của chiến tranh bị chặn đứng và nghiền nát tại nơi nó nằm
co quắp trong những lá bắp cải thối của những nhà cung cấp sự thật bị đánh đĩ
của chúng ta; và nếu chúng ta biết sự thật về nghệ thuật, thay vì lóng ngóng lê
chân qua những trang bẩn thỉu và đáng chán của những kẻ phải sống nhờ vào nền
văn hóa đánh đĩ, sự thưởng ngoạn và thực hành nghệ thuật sẽ trở nên đáng ao ước
đến độ so sánh với nó sự theo đuổi chiến tranh sẽ là một trò chơi đáng tởm đối
với một người lớn tuổi đam mê nghệ thuật đang tìm kiếm một thứ tiêu khiển hợp
vệ sinh – việc thả những quả bom qua các biên giới thay vì ném những quả bóng
vào lưới? Nói tóm lại, nếu những tờ báo được viết ra bởi những người mà đối
tượng duy nhất của họ trong viết lách là nói lên sự thật về chính trị và sự
thật về nghệ thuật, chúng ta không nên tin vào chiến tranh và nên tin vào nghệ
thuật.
Thế nên có một nối kết rất rõ ràng
giữa văn hóa và tự do trí tuệ và những tấm ảnh chụp các thi thể và những ngôi
nhà đổ nát. Và yêu cầu con gái của những người đàn ông trí thức mà có đủ tiền
sinh sống không thực hiện sự pha trộn của bộ não là yêu cầu họ giúp đỡ ngăn
chận chiến tranh với cách thức tích cực nhất hiện đã mở ra cho họ – vì nghề
viết văn vẫn là nghề mở rộng cửa nhất cho họ.
Như vậy, thưa ông, chúng ta có thể nói
với quý cô này, một cách thô thiển, vắn tắt, rằng nó đúng; nhưng thời gian trôi
qua và chúng tôi không thể định nghĩa thêm. Và có thể cô ta sẽ đáp lại thỉnh
nguyện này, nếu cô ta thật sự tồn tại: “Điều bà nói là hiển nhiên, hiển nhiên
đến độ mỗi cô con gái của người đàn ông trí thức đều tự biết, và nếu không
biết, cô ta có thể đọc báo để chắc chắn về nó.” Nhưng giả sử cô ta tốt đến độ
không chỉ ký vào bản tuyên ngôn này để ủng hộ cho nền văn hóa bất vụ lợi và tự
do trí tuệ mà còn đưa quan điểm của cô ta vào hành động, cô ta có thể làm cách
nào? Cô ta có thể bổ sung một cách hữu lý: “Và đừng có những giấc mơ về những
thế giới lý tưởng phía sau những vì sao; hãy xét tới những sự kiện có thật
trong thế giới thật.” Thật ra, thế giới thật khó xử lý hơn nhiều so với thế
giới mơ mộng. Tuy nhiên, thưa cô, báo in tư nhân là một sự kiện có thật, và
không nằm ngoài tầm với của một thu nhập khiêm tốn. Những cái máy đánh chữ và
máy sao chép là những thực tế và thậm chí còn rẻ hơn. Bằng cách sử dụng các
thiết bị rẻ tiền và cho tới nay chưa bị cấm đó cô có thể ngay lập tức thoát
khỏi áp lực của những ủy ban, những chính sách và những biên tập viên. Chúng sẽ
nói lên tâm hồn của chính cô, bằng ngôn ngữ của chính cô, trong thời gian của
chính cô, với độ dài của chính cô, theo mệnh lệnh của chính cô. Và đó, chúng
tôi đồng ý, là định nghĩa của chúng tôi về “tự do trí tuệ”. “Nhưng,” cô ta có
thể nói, “còn công chúng? Làm thế nào vươn tới điều đó mà không đặt tâm trí tôi
vào cái máy băm thịt và biến nó thành xúc xích?” Chúng ta có thể trấn an cô ta:
“Công chúng, thưa cô, rất giống với chúng ta; nó sống trong những căn phòng; nó
đi bộ trên đường phố, và thêm nữa người ta bảo nó đang chán ngấy xúc xích. Hãy
tung những tờ rơi lên các vỉa hè; trưng bày chúng trên những quầy hàng; dùng xe
cút kít chở chúng qua những đường phố để bán với giá một xu hoặc phát không.
Hãy tìm ra những cách tiếp cận ‘công chúng’; tách nó ra thành những con người
riêng biệt thay vì đắp nó thành một con quái vật, cơ thể thì béo tốt nhưng tâm
trí thì nhu nhược. Và sau đó suy nghĩ – vì cô có đủ để sống, cô có một căn
phòng, không nhất thiết phải ‘ấm cúng’ hay ‘xinh xắn’ nhưng vẫn lặng lẽ, riêng
tư; một căn phòng nơi cô có thể an toàn tách biệt với công chúng và chất độc
của nó, thậm chí có thể yêu cầu một khoản phí hợp lý cho sự phục vụ, nói lên sự
thật với những nghệ sĩ, về những bức tranh, âm nhạc, những quyển sách, mà không
hề sợ sệt ảnh hưởng tới doanh số của họ, vốn eo hẹp, hay làm tổn thương tính
phù hoa của họ, vốn rất to lớn.X Ít nhất đó là sự phê phán mà Ben Jonson[3]
trao cho Shakespeare ở tửu quán Siren và không có lý do gì để cho rằng, với vở
Hamlet làm chứng cứ, kết quả là văn học phải gánh chịu. Không phải những nhà
phê bình giỏi nhất là những người có đời sống riêng tư hay sao, và không phải
sự phê bình duy nhất đáng nhắc tới chính là sự phê bình hay sao? Vậy đó là một
vài hoạt động tích cực mà trong đó cô, với tư cách một nhà văn có tiếng nói của
chính mình, có thể đưa quan điểm của cô vào thực hành. Nhưng nếu cô thụ động,
một độc giả, chứ không phải một tác giả, khi đó cô phải thực hiện những phương
pháp thụ động chứ không phải chủ động để bảo vệ văn hóa và tự do trí tuệ.” Cô
ta sẽ hỏi: “Và chúng có thể là gì?” “Từ chối đọc, rõ ràng là thế. Không đặt mua
những tờ báo cổ động cho tri thức nô lệ; không dự những buổi diễn thuyết đánh
đĩ văn hóa; vì chúng ta đã đồng ý rằng viết theo mệnh lệnh của một kẻ khác
những điều cô không muốn viết là sự nô dịch hóa, và pha lẫn văn hóa với sự
quyến rũ cá nhân hay quảng cáo là đánh đĩ văn hóa. Bằng những phương pháp chủ
động và thụ động đó cô sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để phá vỡ cái
vòng đai phe phái chính trị đó, cái giới xấu xa đó, cuộc nhảy múa tung tăng
quanh cây dâu tằm, cái cây độc hại của sự đánh đĩ văn hóa. Một khi bè phái
chính trị đó bị phá vỡ, những tù nhân sẽ được tự do. Vì ai có thể ngờ vực rằng
khi các nhà văn có cơ hội viết điều họ thích viết họ sẽ tìm thấy nhiều niềm vui
ở nó hơn đến độ họ sẽ khước từ viết theo bất kỳ điều kiện nào khác; hoặc rằng
khi các độc giả có cơ hội đọc những gì các tác giả thích viết, sẽ thấy nó bổ
ích hơn những gì được viết vì tiền, đến độ họ sẽ khước từ không muốn bị đánh
tráo bởi vật thay thế nhạt nhẽo nữa? Như vậy những nô lệ hiện đang buộc phải
vất vả chồng chất từ ngữ vào những cuốn sách, chồng chất từ ngữ vào những bài
báo, như những nô lệ ngày xưa chồng chất những tảng đá lên kim tự tháp, sẽ hất
những cái cùm khỏi cổ tay họ và từ bỏ sự lao dịch kinh tởm của họ. Và ‘văn hóa’,
cái khối vô định hình đó, bị quấn lại như nó hiện nay trong sự giả dối, phun ra
những sự thật nửa vời từ đôi môi nhút nhát của nó, làm cho thông điệp của nó
trở nên ngọt ngào và loãng đi với bất kỳ thứ đường hay nước nào để thổi phồng
danh vọng của tác giả hay cái ví của chủ anh ta, sẽ có lại hình dáng cũ của
mình và trở thành, như Milton, Keats và các tác giả vĩ đại khác bảo đảm với
chúng ta, rằng nó là hiện thực, khỏe khoắn, mang tính phiêu lưu, và tự do.
Trong khi hiện giờ, thưa cô, ở chính thời điểm nhắc tới văn hóa này, đầu thì
đau nhức, đôi mắt khép chặt, những cánh cửa đóng chặt, bầu không khí ngột ngạt;
chúng ta đang ở trong một giảng đường, ngồi cạnh những làn hơi bốc lên từ sách
cũ, lắng nghe một quý ông vốn bị ép buộc phải diễn thuyết hay viết mỗi Thứ tư,
mỗi Chủ nhật, về Milton hay về Keats, trong lúc những cây tử đinh hương đang
thoải mái rung rinh cành lá trong vườn, và những con chim hải âu lượn vòng và
sà xuống, đề nghị với tiếng cười hoang dại rằng thứ cá ôi đó tốt nhất nên được
ném lên cho chúng. Đó là lời khẩn nài chúng tôi gửi tới cô, thưa cô; đó là
những lý do để chúng tôi đề xuất nó. Đừng chỉ đơn giản ký bản tuyên ngôn ủng hộ
văn hóa và tự do trí tuệ này; ít nhất hãy nỗ lực đưa lời hứa của cô vào thực
hành.”
Việc các cô con gái của những người đàn ông trí thức mà có
đủ tiền để sống và đọc và viết bằng chính tiếng nói của mình, vì niềm vui của
chính mình có lắng nghe yêu cầu này hay không, chúng tôi không thể nói, thưa
ông. Nhưng nếu văn hóa và tự do trí tuệ được bảo vệ, không chỉ bằng những quan
điểm mà bằng thực hành, đây dường như là cách thức. Nó không phải là một cách
thức dễ dàng, điều này đúng. Dù sao, có những lý do để nghĩ rằng cách thức này
dễ dàng cho họ hơn là cho các anh em trai của họ. Họ vô nhiễm, thông qua việc
không có phẩm chất của riêng mình, với những sự cưỡng ép. Bảo vệ văn hóa và tự
do trí tuệ trong thực hành sẽ có nghĩa là, như chúng ta đã nói, sự nhạo báng và
sự trong trắng, sự tiêu vong của sự quảng bá và cảnh nghèo nàn. Nhưng đó, như
chúng ta đã thấy, là những vị thầy quen thuộc của họ. Hơn nữa, Whitaker với
những thực tế của ông đang ở ngay bên cạnh để giúp họ; vì từ khi ông chứng minh
rằng vì mọi kết quả của văn hóa chuyên môn – như những quyền lãnh đạo các phòng
triển lãm mỹ thuật và những viện bảo tàng, những chức vụ giáo sư, diễn giả và
biên tập – vẫn còn nằm ngoài tầm với của họ, họ có thể có một tầm nhìn về văn
hóa vô tư hơn các anh em trai của họ, không hề có một giây phút phàn nàn, như
Macaulay đánh giá, rằng về bản chất họ bất vụ lợi hơn. Được trợ giúp bởi truyền
thống và những thực tế như chúng đang hiện hữu, chúng ta không những có một
quyền nào đó để yêu cầu họ giúp đỡ chúng ta phá vỡ cái vòng đó, cái vòng kim cô
kinh tởm của nền văn hóa đánh đĩ, mà còn có một hy vọng rằng nếu những người
như thế tồn tại họ sẽ giúp đỡ chúng ta. Vậy xin quay lại bản tuyên ngôn của ông:
chúng tôi sẽ ký nó nếu chúng tôi có thể duy trì những điều kiện này; nếu chúng
tôi không thể duy trì chúng, chúng tôi sẽ không ký.
Giờ đây, sau khi chúng ta đã cố tìm xem chúng tôi có thể
giúp ông ngăn chận chiến tranh như thế nào bằng cách nỗ lực định nghĩa bảo vệ
văn hóa và tự do trí tuệ có nghĩa là gì, chúng ta hãy xét tới yêu cầu kế tiếp
và không thể tránh của ông: rằng chúng tôi nên đóng góp cho các quỹ của hiệp
hội của ông. Bởi cả ông cũng là một thủ quỹ danh dự, và như các thủ quỹ danh dự
khác, đang cần tiền. Vì ông, cả ông, cũng đang yêu cầu tiền, chúng tôi có thể
yêu cầu ông xác định các mục đích của ông, và thương thảo, đưa ra những điều
kiện như với các thủ quỹ danh dự khác. Vậy các mục đích của hiệp hội của ông là
gì? Ngăn chận chiến tranh, tất nhiên. Và bằng phương tiện nào? Nói rộng ra,
bằng cách bảo vệ các quyền cá nhân; bằng cách chống đối sự độc tài; bằng cách
đảm bảo những lý tưởng dân chủ về cơ hội bình đẳng cho tất cả. Đó là những
phương tiện chính mà từ đó ông nói: “nền hòa bình dài lâu của thế giới có thể
được đảm bảo.” Vậy, thưa ông, không cần phải thương lượng hay tranh cãi nữa.
Nếu đó là những mục đích của ông, và nếu, vì không thể nào nghi ngờ điều đó,
ông nhất định sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đạt được chúng, đồng
ghi-nê là của ông – nó có thể là một triệu! Đồng ghi-nê là của ông; và đồng
ghi-nê là một một món quà tự do, được cho đi một cách tự do.
Nhưng từ “tự do” được dùng quá thường xuyên, và, như những
từ được sử dụng khác, đã trở nên ít ý nghĩa đến độ có thể giải thích một cách
chính xác, thậm chí mô phạm, từ “tự do” có ý nghĩa gì trong ngữ cảnh này. Ở đây
nó có nghĩa là không quyền hay đặc quyền nào bị đòi hỏi phải đáp trả. Người cho
không yêu cầu ông chấp nhận cô ta làm giáo chức trong Giáo hội nước Anh; hay
gia nhập thị trường chứng khoán; hay gia nhập ngành ngoại giao. Người cho không
ước ao là “người Anh” trong cùng một ý nghĩa với “người Anh” của bản thân ông.
Người cho không đòi hỏi phải đáp lại món quà quyền được tham gia vào bất kỳ
ngành nghề nào; bất kỳ danh dự, tước hiệu hay huy chương nào; bất kỳ chức vụ
giáo sư hay diễn thuyết nào; bất kỳ vị trí nào ở bất kỳ hiệp hội, ủy ban hay
ban bệ nào. Món quà tự do với tất cả các điều kiện đó vì một quyền có tầm quan
trọng tối cao đối với toàn thể nhân loại đã giành được trước rồi. Ông không thể
tước khỏi cô ta quyền kiếm sống. Hiện giờ, lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh,
con gái của một người đàn ông trí thức có thể cho anh em trai của mình một đồng
ghi-nê tự kiếm được theo yêu cầu của anh ta vì mục đích đã xác định bên trên mà
không đòi hỏi bất cứ thứ gì đáp trả. Nó là một món quà tự do, được trao đi
không chút sợ hãi, không chút nịnh nọt, và vô điều kiện. Điều đó, thưa ông, là
một sự kiện lớn lao trong lịch sử của nền văn minh, đến độ cần phải kêu gọi một
sự chúc mừng. Nhưng chúng ta hãy hoàn tất công việc với những nghi thức cũ –
Ngài Thị trưởng, với sự tháp tùng của bầu đoàn hầu cận và các ông chánh án, đập
cái gậy lên một tảng đá chín lần trong lúc ông Tổng giám mục xứ Canterbury với đủ lễ phục
xướng lên một câu cầu chúc. Chúng ta hãy bịa ra một nghi thức mới cho sự kiện
mới này. Còn gì thích hợp hơn việc tiêu diệt một thế giới cũ, một thế giới kinh
tởm và đồi bại đến mức đã gây bao tổn hại trong thời đại của nó và giờ đã lỗi
thời? Từ “nhà nữ quyền” là từ chỉ báo. Từ đó, theo tự điển, có nghĩa là “một
người giành được các quyền lợi của phụ nữ”. Vì quyền duy nhất, quyền kiếm sống,
đã giành được, từ này không còn ý nghĩa gì nữa. Và một từ không có nghĩa là một
từ chết, một từ băng hoại. Do đó chúng ta hãy chúc mừng sự kiện này bằng cách
hỏa thiêu cái xác. Chúng ta hãy viết từ đó bằng những chữ to màu đen lên một
cái mũ của anh hề; rồi nghiêm trang dí một que diêm vào cái mũ giấy. Nhìn xem,
nó cháy mới dữ dội làm sao! Một cuộc nhảy múa tuyệt vời của ánh sáng trên toàn
thế giới! Lúc này chúng ta hãy nghiền mớ tro trong một cái cối bằng một cây bút
lông ngỗng, và tuyên bố trong tiếng đồng ca rằng bất kỳ một ai sử dụng từ này trong
tương lai là một kẻ giật chuông rồi bỏ chạy,XI một kẻ gây bất hòa,
một con cá mú giữa những khúc xương cũ, chứng cứ của sự gây ô uế của hắn ta
được viết ra trong một vết nhơ do nước bẩn trên mặt hắn ta. Khói đã tan đi; thế
giới đã bị hủy diệt. Hãy quan sát, thưa ông, chuyện gì đã xảy ra với ý nghĩa là
kết quả của cuộc chào mừng của chúng ta. Từ “nhà nữ quyền” đã bị tiêu diệt; bầu
không khí đã được lọc sạch; và trong bầu không khí trong lành đó chúng ta nhìn
thấy điều gì? Đàn ông và phụ nữ cùng nhau hoạt động vì cùng một chính nghĩa.
Đám mây cũng đã giạt khỏi quá khứ. Họ lao động vì cái gì hồi thế kỷ 19 – những
phụ nữ đã chết lạ lùng đội mũ có vành và choàng khăn đó? Cùng một chính nghĩa
mà vì nó chúng ta hoạt động ngày nay. “Đòi hỏi của chúng tôi không chỉ là đòi
hỏi quyền lợi của phụ nữ;” – người nói là Josephine Butler —‘nó rộng lớn hơn và
sâu xa hơn; nó là sự đòi hỏi quyền lợi của tất cả – toàn bộ đàn ông và phụ nữ –
để tôn trọng cá nhân con người họ theo những nguyên tắc vĩ đại của Công lý và
Bình đẳng và Tự do.” Những từ này giống những từ của ông; đòi hỏi này cũng là
đòi hỏi của ông. Con gái của những người đàn ông học thức, những kẻ được gọi
là, trước sự oán giận của họ, “những nhà nữ quyền, trên thực tế là đội cảnh vệ
tiên phong của phong trào của chính ông. Họ chiến đấu với cùng kẻ thù mà ông
đang chiến đấu và vì cùng những nguyên do. Họ chiến đấu với sự độc tài của nhà
nước gia trưởng cũng như ông đang chiến đấu với sự độc tài của nhà nước phát
xít. Như vậy đơn giản là chúng ta đang tiến hành cùng một trận chiến mà những
người mẹ và bà của chúng ta từng chiến đấu; những lời của họ chứng minh điều
đó; những lời của ông chứng minh điều đó. Nhưng lúc này, với lá thư của ông đặt
trước mặt, chúng tôi có sự đảm bảo của ông rằng ông đang chiến đấu cùng chúng
tôi chứ không phải chống lại chúng tôi. Thực tế này gây cảm hứng đến nỗi dường
như phải tiến hành một lễ chào mừng khác. Còn gì thích hợp hơn là viết thêm
nhiều từ đã chết, thêm nhiều từ đã băng hoại, lên thêm nhiều mảnh giấy và đốt
chúng – những từ Độc tài, Chuyên chế chẳng hạn? Nhưng, than ôi, những từ đó
chưa hề lỗi thời. Chúng ta vẫn còn lắc ra những quả trứng từ những tờ nhật báo;
vẫn còn ngửi thấy cái mùi đặc trưng và không thể nhầm lẫn trong khu vực phố Whitehall và Westminster.
Và ở nước ngoài, con quái vật đã ló ra công khai hơn trên bề mặt. Không thể có
nhầm lẫn gì về hắn ở đó. Hắn đã mở rộng lãnh địa của mình. Hắn hiện đang can
thiệp vào sự tự do của ông; hắn đang ra lệnh cho ông phải sống như thế nào; hắn
đang tạo ra sự phân biệt, không chỉ giữa hai giới tính, mà còn giữa các chủng
tộc. Các ông đang cảm nhận trong cá nhân con người mình điều mà các bà mẹ của
các ông từng cảm nhận khi họ bị tống khứ, khi họ bị bịt mồm, vì họ là phụ nữ.
Giờ các ông đang bị tống khứ, các ông đang bị bịt mồm, vì các ông là người Do
Thái, vì các ông là những người dân chủ, vì chủng tộc, vì tôn giáo. Đây không
còn là một bức ảnh mà ông nhìn vào nữa; ông tới đó, bản thân ông thơ thẩn trong
đám diễu hành. Và điều đó tạo ra một khác biệt. Toàn thể những bất công của chế
độ độc tài, dù là ở Oxford hay Cambridge, ở phố Whitehall hay Downing, chống
lại những người Do Thái hay chống lại phụ nữ, ở Anh hay ở Đức, ở Ý hay ở Tây
Ban Nha, lúc này trở nên hiển hiện trước mắt ông. Nhưng giờ đây chúng ta cùng
nhau chiến đấu. Các cô con gái và các cậu con trai của những người đàn ông trí
thức đang chiến đấu kề vai sát cánh bên nhau. Thực tế đó tạo cảm hứng, ngay cả
khi không thể có lễ chúc mừng nào, đến nỗi nếu đồng ghi-nê này có thể nhân lên
một triệu lần, tất cả những đồng ghi-nê đó sẽ thuộc quyền sử dụng của ông mà
không có bất kỳ điều kiện nào khác hơn những điều kiện ông đã tự đặt ra cho
chính mình. Vậy hãy nhận đồng ghi-nê này và sử dụng nó để khẳng định “những
quyền của tất cả — mọi đàn ông và phụ nữ — với sự tôn trọng cá nhân con người
họ theo những nguyên tắc vĩ đại của Công lý và Bình đẳng và Tự do. Hãy đặt cây
nến một xu này trong cửa sổ của hiệp hội mới của ông, và mong sao chúng ta còn sống
để nhìn thấy cái ngày khi mà trong ngọn lửa của sự tự do chung của chúng ta
những từ độc tài và chuyên chế sẽ bị thiêu thành tro bụi, vì những từ độc tài
và chuyên chế sẽ trở nên lỗi thời.
Vậy yêu cầu đối với một đồng ghi-nê đã được phúc đáp, chi
phiếu đã được ký, chỉ cần xem xét một yêu cầu còn lại của ông — đó là việc
chúng tôi sẽ điền vào một mẫu đơn và trở thành hội viên của hiệp hội của ông.
Trên bề mặt, đó dường như là một yêu cầu đơn giản, dễ thực hiện. Bởi còn gì có
thể đơn giản hơn việc gia nhập một tổ chức mà đồng ghi-nê này vừa được đóng góp
cho nó? Trên bề mặt, thật dễ dàng biết bao, thật đơn giản biết bao; nhưng ở
dưới những chiều sâu, thật khó khăn biết bao, thật phức tạp biết bao… Những dấu
chấm đó đại diện cho những ngờ vực nào, những do dự khả dĩ nào? Nguyên cớ nào
hay cảm xúc nào có thể khiến chúng tôi lưỡng lự trước việc trở thành hội viên
của một tổ chức mà chúng tôi đã chấp thuận các mục đích của nó, đã đóng góp cho
các ngân quỹ của nó? Có thể nó không phải là nguyên cớ hay cảm xúc, mà là thứ
gì đó sâu sắc hơn và cơ bản hơn. Có thể nó là sự khác biệt. Chúng ta khác nhau,
như các thực tế đã chứng minh, cả ở giới tính lẫn học vấn. Và chính từ sự khác
biệt đó, như chúng ta đã nói, mà sự giúp đỡ của chúng tôi có thể tới, nếu chúng
tôi có thể giúp, để bảo vệ tự do, để ngăn chận chiến tranh. Nhưng nếu chúng tôi
ký mẫu đơn vốn ngụ ý một lời hứa sẽ trở thành một hội viên tích cực của hiệp
hội của ông, dường như chúng tôi phải đánh mất sự khác biệt đó và do vậy hy
sinh sự giúp đỡ đó. Việc lý giải vì sao lại như vậy không phải dễ, thậm chí cho
dù món quà một đồng ghi-nê đã khiến cho việc phát ngôn một cách tự do, không sợ
sệt hay tâng bốc, trở nên khả dĩ (chúng ta đã khoác lác như vậy). Vậy hãy để
cho chúng tôi giữ mẫu đơn chưa được ký trên bàn trước mặt chúng tôi trong lúc
chúng ta thảo luận, trong chừng mực có thể, các nguyên do và cảm xúc khiến
chúng tôi do dự chưa ký nó. Bởi những nguyên do và cảm xúc đó có nguồn gốc sâu
xa trong bóng tối của ký ức tiền nhân; chúng đã cùng mọc lên trong một sự hỗn
loạn nào đó; rất khó tháo gỡ chúng trong ánh sáng.
Hãy bắt đầu với một khác biệt cơ bản: một hiệp hội là một
khối kết hợp những người cùng tham gia vì các mục đích cụ thể; trong lúc ông,
kẻ viết nhân danh cá nhân mình với bàn tay của chính mình là đơn lẻ. Cá nhân
ông là một người đàn ông mà chúng tôi có lý do để tôn trọng; một người đàn ông
của tình huynh đệ, mà như tiểu sử chứng minh, nhiều người anh em thuộc về nó. Anne
Clough, khi miêu tả anh trai của bà, đã nói thế này: “Arthur là người bạn thân
nhất và cố vấn tốt nhất của tôi… Arthur là nguồn an ủi và hân hoan của đời tôi;
chính vì anh ấy và từ anh ấy, mà tôi được khuyến khích tìm kiếm tất cả những
thứ đáng yêu…” William Wordsworth, nói với chị gái của mình nhưng đáp lời một
người khác như thể một con chim họa mi hót gọi một con khác trong cánh rừng của
quá khứ, đáp lại như sau:
Niềm hạnh phúc của
những năm sau của đời tôi
Theo cùng tôi khi còn
là một cậu bé:
Chị cho tôi đôi mắt, chị
cho tôi đôi tai
Và những chăm sóc nhỏ
nhoi, những nỗi sợ tinh tế;
Một quả tim, suối
nguồn của những giọt lệ ngọt ngào;
Và tình yêu, và ý
tưởng và nỗi hân hoan. XII
Đó là, có lẽ vẫn còn là, mối quan hệ
riêng tư của nhiều anh/em trai và chị/em gái, với ý nghĩa những cá thể. Họ tôn
trọng nhau, giúp đỡ nhau và có những mục đích chung. Thế thì vì sao, nếu quan
hệ riêng tư của họ là thế, như tiểu sử và thi ca chứng minh, quan hệ công cộng
của họ, như luật pháp và lịch sử chứng minh, lại rất khác biệt như vậy? Và ở
đây, vì ông là một luật sư, với trí nhớ của một luật sư, không cần thiết phải
nhắc ông về một số nghị định cụ thể của pháp luật nước Anh từ những ghi chép đầu
tiên của nó cho tới năm 1919 khi chứng minh rằng mối quan hệ công cộng, mối
quan hệ xã hội của anh/em trai và chị/em gái đã từng rất khác với mối quan hệ
riêng tư. Chính từ “xã hội” ngân lên trong trí nhớ tiếng chuông ảm đạm của một
thứ âm nhạc khắc nghiệt: không được, không được, không được. Cô không được học;
cô không được kiếm tiền; cô không được sở hữu; cô không được — mối quan hệ xã
hội của anh/em trai và chị/em gái trong suốt nhiều thế kỷ là như thế. Và dù có
thể, và với sự đáng tin lạc quan, rằng tới đúng lúc một xã hội mới có thể ngân
lên một âm điệu nhạc chuông hài hòa tuyệt diệu, và lá thư của ông báo trước
điều đó, cái ngày đó hãy còn xa lắm. Chúng ta không thể tránh khỏi việc tự hỏi
mình, có hay không một thứ gì đó trong cái khối kết hợp của những người trong
các hiệp hội đã phóng thích ra những gì ích kỷ và hung bạo nhất, ít lý trí và
nhân tính nhất trong chính bản thân những cá thể? Chúng ta không thể tránh khỏi
việc xem những xã hội, rất tốt với các ông, rất khắc nghiệt với chúng tôi, như
một hình thức không thích hợp bóp méo đi sự thật; làm biến dạng tâm hồn; câu
thúc ý chí. Chúng ta không thể tránh khỏi việc xem những xã hội với ý nghĩa
những âm mưu nhấn chìm người anh/em trai riêng tư, kẻ mà nhiều người chúng tôi
có lý do để tôn trọng, và bơm vào anh ta một người đàn ông quái gỡ, to giọng,
nắm tay cứng rắn, mải mê một cách trẻ con với việc vạch lên nền đất những dấu
phấn mà trong những ranh giới bí ẩn của nó nhân loại bị nhốt chặt, một cách tàn
nhẫn, tách rời, giả tạo; nơi mà với màu đỏ rượu vang và vàng, trang trí như một người man rợ với những cái
lông vũ, anh ta đi qua những nghi lễ huyền bí và thụ hưởng những lạc thú đáng
ngờ của quyền lực và sự thống trị trong lúc chúng tôi, những người phụ nữ “của
anh ta”, bị khóa chặt trong những ngôi nhà riêng, không có phần chia trong
nhiều xã hội mà trong đó xã hội của anh ta được cấu thành. Vì các nguyên nhân
như thế kết lại thành khối trong nhiều ký ức và cảm xúc – vì ai sẽ phân tích sự
phức tạp của một tâm hồn vốn cất giấu rất sâu một hồ chứa thời gian trôi qua
bên trong nó? — có vẻ như với chúng tôi việc điền vào mẫu đơn và gia nhập hiệp
hội của ông vừa sai về mặt lý trí và bất khả về mặt tình cảm. Bởi bằng cách làm
điều đó chúng tôi sẽ hòa lẫn tính cách của chúng tôi vào tính cách của ông;
theo và lặp lại và vạch thậm chí còn sâu hơn những vết xe đổ xưa cũ mà trong đó
xã hội, như một cái máy hát đĩa bị kẹt kim, đang rền rĩ với sự đồng ý không thể
tha thứ được “Ba trăm triệu chi cho vũ khí.” Chúng tôi sẽ không nhấn mạnh ảnh
hưởng của một quan điểm mà trải nghiệm của chúng tôi về “xã hội” sẽ giúp chúng
tôi đương đầu. Do vậy, thưa ông, trong lúc chúng tôi tôn trọng ông với tư cách
một cá nhân riêng tư và chứng minh điều đó bằng cách cho ông một đồng ghi-nê để
sử dụng theo sự chọn lựa của ông, chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể giúp ông
một cách hiệu quả nhất bằng cách khước từ không gia nhập hiệp hội của ông; bằng
cách hoạt động vì các mục đích chung của chúng ta — công lý và bình đẳng và tự
do cho tất cả đàn ông và phụ nữ — ở bên ngoài chứ không phải bên trong hiệp hội
của ông.
Nhưng điều này, ông sẽ nói, nếu như nó
có bất kỳ ý nghĩa nào, chỉ có thể có nghĩa rằng các bà các cô, con gái của
những người đàn ông trí thức, những người đã hứa giúp chúng tôi một cách tích
cực, từ chối không gia nhập hiệp hội của chúng tôi để các vị có thể lập ra một
hiệp hội khác của chính mình. Và quý vị đề nghị loại hiệp hội nào để thành lập
bên ngoài hiệp hội của chúng tôi, nhưng hợp tác với nó, để cả đôi bên chúng ta
có thể cùng nhau hoạt động vì các mục đích chung của chúng ta? Đó là một câu
hỏi mà ông có mọi quyền để đặt ra, và chúng tôi phải cố trả lời để biện minh
cho lời từ chối ký mẫu đơn mà ông đã gửi. Vậy chúng ta hãy vẽ nhanh phác họa về
loại hiệp hội mà con gái của những người đàn ông trí thức có thể thành lập và
tham gia bên ngoài hiệp hội của ông nhưng hợp tác với các mục đích của nó. Đầu
tiên, hiệp hội này, ông sẽ nhẹ nhõm khi biết, sẽ không có vị thủ quỹ danh dự
nào, vì nó sẽ không cần ngân quỹ nào cả. Nó sẽ không có văn phòng nào, ủy ban
nào, thư ký nào; nó sẽ không tổ chức cuộc họp nào; nó sẽ không tổ chức buổi hội
thảo nào. Nếu phải đặt tên cho nó, có thể gọi nó là Hiệp hội của Những kẻ ngoại
cuộc. Đó không phải là một cái tên âm vang, nhưng nó có thuận lợi là nó phù hợp
với những thực tế — các thực tế của lịch sử, của luật pháp, của tiểu sử; thậm
chí, nó có thể, với những sự thật bị che giấu của tâm lý vẫn còn chưa biết tới
của chúng ta. Nó sẽ bao gồm con gái của những người đàn ông trí thức đang hoạt
động trong tầng lớp của chính họ — thật ra, làm sao họ có thể hoạt động trong
bất kỳ tầng lớp nào khác? XIII — và bằng những phương pháp của chính
họ vì tự do, bình đẳng và hòa bình. Bổn phận đầu tiên của họ, mà họ tự ràng
buộc vào không phải bởi lời thề, vì những lời thề và những nghi thức không có
vai trò nào trong một tổ chức vốn phải ẩn danh và linh hoạt trước mọi thứ, sẽ
là không đấu tranh với vũ khí. Họ dễ thực hiện điều này, vì trên thực tế, như
những tờ báo thông báo với chúng ta, “Hội đồng quân đội không có ý định tuyển
quân cho bất kỳ binh đoàn nữ nào.”XIV. Đất nước bảo đảm điều đó. Kế tiếp họ sẽ
từ chối chế tạo đạn dược hay chăm sóc cho thương binh khi có chiến tranh. Vì
trong cuộc chiến vừa qua cả hai hoạt động này chủ yếu được thực hiện bởi con
gái của những người đàn ông lao động, áp lực lên họ ở đây sẽ khá nhẹ, dù có lẽ
không làm vừa ý. Mặt khác bổn phận kế tiếp mà họ sẽ cam kết thực hiện là một
bổn phận khó khăn đáng kể, và kêu gọi không chỉ lòng can đảm và sáng kiến mà cả
kiến thức đặc biệt của con gái một người đàn ông trí thức. Nói vắn tắt, đó không
phải là khuyến khích anh em trai của họ chiến đấu, hay khuyên can họ, mà là duy
trì một thái độ hoàn toàn lãnh đạm. Nhưng thái độ được diễn tả bởi từ “lãnh
đạm” rất phức tạp và có tầm quan trọng đến độ nó cần tới thậm chí sự định nghĩa
sâu hơn ở đây. Đầu tiên, sự lãnh đạm phải được trao cho một thực tế nền tảng
vững chắc. Vì thực tế là cô ta không thể hiểu bản năng nào thôi thúc anh ta,
vinh quang nào, lợi ích nào, sự thỏa mãn đàn ông nào việc chiến đấu cung cấp
cho anh ta — “không có chiến tranh thì sẽ không có lối thoát cho những phẩm
chất đàn ông mà sự chiến đấu phát triển”— chiến đấu là một đặc điểm giới tính
mà cô ta không thể chia sẻ, phía đối tác khẳng định một bản năng làm mẹ mà anh
ta không thể chia sẻ, vì thế nó là một bản năng mà cô ta không thể phán xét. Kẻ
ngoại cuộc do vậy phải để mặc cho anh ta tự do xử lý một mình bản năng này, vì
sự tự do của quan điểm phải được tôn trọng, nhất là khi nó dựa trên một bản
năng vốn xa lạ với cô ta như nhiều thế kỷ của truyền thống và giáo dục có thể
tạo ra.XV
Đây là một khác biệt cơ bản và có tính bản năng mà sự lãnh đạm có thể dựa vào.
Nhưng kẻ ngoại cuộc sẽ biến việc không chỉ dựa sự lãnh đạm của cô ta vào bản
năng, mà còn vào lý trí, thành bổn phận của mình. Khi anh ta nói, như lịch sử
chứng minh rằng anh ta từng nói, và có thể nói lần nữa, “Tôi đang chiến đấu để
bảo vệ đất nước của chúng ta” và từ đó tìm cách khơi dậy cảm xúc yêu nước của
cô ta, cô ta sẽ tự hỏi mình, “‘Đất nước của chúng ta’ có nghĩa gì với tôi, một
kẻ ngoại cuộc?” Để quyết định điều này cô ta sẽ phân tích ý nghĩa của lòng ái
quốc trong trường hợp của chính cô. Cô ta sẽ tự tìm hiểu về vị trí của giới
tính và giai cấp của cô ta trong quá khứ. Cô ta sẽ tự tìm hiểu về số đất đai,
tài sản và sở hữu thuộc quyền chiếm hữu của giới tính và giai cấp của cô ta
trong hiện tại — Trên thực tế “nước Anh” thuộc về cô ta được bao nhiêu. Từ cùng
các nguồn cô ta sẽ tự tìm hiểu về sự bảo vệ pháp lý mà luật pháp đã ban cho cô
ta trong quá khứ và hiện tại. Và nếu anh ta nói thêm rằng anh ta đang chiến đấu
để bảo vệ thân xác của cô ta, cô ta sẽ suy ngẫm về mức độ của sự bảo vệ vật
chất mà cô thụ hưởng hiện giờ khi những từ “Đề phòng máy bay oanh tạc” được
viết trên những bức tường trống. Và nếu anh ta nói rằng anh ta đang chiến đấu
để bảo vệ nước Anh khỏi sự thống trị của ngoại bang, cô ta sẽ ngẫm nghĩ rằng
đối với cô ta không có “người nước ngoài”, bởi theo luật pháp cô ta trở thành
một người nước ngoài nếu cô ta cưới một người nước ngoài. Và cô sẽ cố hết sức
biến điều này thành một thực tế, không chỉ bởi tình anh em bắt buộc, mà còn bởi
sự đồng cảm của con người. Tất cả những thực tế này sẽ thuyết phục lý trí của
cô ta (xin nói vắn tắt) rằng giới tính và giai tầng của cô ta có rất ít thứ để
cám ơn nước Anh trong quá khứ; không nhiều để cám ơn nước Anh hiện tại; trong
lúc sự an toàn của cá nhân cô ta trong tương lai thật đáng ngờ. Nhưng có lẽ cô
ta sẽ tiếp thu, thậm chí từ người nữ gia sư, một ý tưởng lãng mạn rằng, đàn ông
Anh, những người ông và những người bố mà cô ta nhìn thấy đang hành quân trong
bức tranh lịch sử, “tài giỏi hơn” đàn ông của các nước khác. Cô ta sẽ xem bổn
phận của mình là kiểm tra bằng cách so sánh những sử gia Pháp với sử gia Anh;
Đức với Pháp; sự chứng thực của những nước bị thống trị – người Ấn Độ hoặc người Ái Nhĩ Lan – chẳng hạn —
với những khẳng định của những kẻ thống trị họ.
Tuy nhiên một cảm xúc “yêu nước”, một niềm tin thâm căn cố đế nào đó vào
sự vượt trội hơn về trí tuệ của đất nước của cô so với các nước khác có thể vẫn
còn. Vậy thì cô ta sẽ so sánh tranh của Anh với tranh của Pháp; âm nhạc Anh với
âm nhạc Đức; văn học Anh với văn học Hy Lạp, vì có thừa những bản dịch. Khi tất
cả những so sánh này đã được thực hiện một cách thành thật bởi việc sử dụng lý
trí, kẻ ngoại cuộc sẽ phát hiện ra rằng mình đang có những nguyên do rất tốt
cho sự lãnh đạm của mình. Cô ta sẽ phát hiện ra rằng cô ta không có lý do tốt
để yêu cầu anh trai của cô ta thay mặt cho cô ta chiến đấu để bảo vệ đất nước
“của chúng ta”. Cô ta sẽ nói: “Đất nước ‘của chúng ta’ trong suốt phần lớn lịch
sử của nó đã đối xử với tôi như một nô lệ; nó đã khước từ ban cho tôi học vấn
hay bất kỳ phần chia nào trong những quyền sở hữu của nó. Đất nước ‘của chúng
ta’ sẽ thôi là của tôi nếu tôi cưới một người nước ngoài. Đất nước ‘của chúng
ta’ khước từ không cho tôi những phương tiện để tự bảo vệ, buộc tôi phải trả
một khoản tiền lớn hàng năm để những người khác bảo vệ tôi, và rất ít khả năng,
thậm chí là thế, bảo vệ tôi đến nỗi câu Đề phòng máy bay oanh tạc được viết
trên tường. Do đó nếu anh khăng khăng bảo là đang chiến đấu để bảo vệ tôi, hay
đất nước ‘của chúng ta’, chúng ta hãy hiểu, một cách tỉnh táo và có lý trí giữa
chúng ta, rằng anh đang chiến đấu để thỏa mãn một bản năng giới tính mà tôi
không thể chia sẻ; để thu lại những lợi ích mà tôi không chia sẻ và có lẽ sẽ
không chia sẻ; nhưng không hề thỏa mãn cho những bản năng của tôi, hay để bảo
vệ tôi hay đất nước của tôi. Kẻ ngoại cuộc sẽ nói: “Bởi trên thực tế, với tư
cách một phụ nữ, tôi không có đất nước. Với tư cách một phụ nữ tôi không cần
đất nước. Với tư cách một phụ nữ đất nước của tôi là toàn thế giới.” Và nếu,
khi lý trí đã nói hết lời, vẫn còn sót một cảm xúc ngoan cố nào đó, một tình
yêu nước Anh nào đó từng được rót vào đôi tai của một đứa trẻ bởi tiếng quạ kêu
trên một cây du, bởi tiếng sóng vỗ trên một bãi biển, hay bởi những giọng Anh
thì thầm những giai điệu ru con, giọt cảm xúc thuần khiết, nếu phi lý này, cô
ta sẽ buộc nó phục vụ mình để trao cho nước Anh trước tiên là những gì cô ta ao
ước về hòa bình và tự do cho toàn thế giới.
Vậy đó là bản chất của “sự lãnh đạm”
của cô ta và từ sự lãnh đạm này phải kéo theo những hành động nhất định. Cô ta
sẽ tự buộc mình không chia sẻ trong những biểu hiện yêu nước; không tán thành
bất kỳ hình thức tự hào dân tộc nào; không tham gia vào bất kỳ nhóm người hay
bè phái nào cổ vũ chiến tranh; không hiện diện trong những cuộc trình diễn,
giải thi đấu, diễu hành, lễ trao giải quân sự nào và những thứ lễ nghi cổ vũ
cho khát khao áp đặt nền văn minh “của chúng ta” hay sự thống trị “của chúng
ta” lên những người khác. Hơn nữa, tâm lý của đời sống riêng bảo đảm cho niềm
tin rằng việc con gái của những người đàn ông trí thức sử dụng thái độ lãnh đạm
này sẽ giúp ngăn chận chiến tranh một cách hữu hiệu. Vì dường như tâm lý học
chỉ ra rằng người ta sẽ khó hành động hơn nhiều khi những người khác lãnh đạm
và cho phép họ hoàn toàn thoát khỏi hành động so với khi những hành động của họ
được biến thành trung tâm của cảm xúc kích động. Một cậu bé vênh váo thổi kèn
trumpet ở bên ngoài cửa sổ: nài nỉ nó ngưng; nó tiếp tục; không nói gì; nó
ngưng. Vậy việc con gái của những người đàn ông trí thức sẽ không cho anh em trai của họ cái lông chim trắng
của sự hèn nhát hay cái lông chim đỏ của lòng dũng cảm, không thứ lông nào hết;
việc họ sẽ nhắm những đôi mắt sáng gieo rắc ảnh hưởng, hay để cho những đôi mắt
nhìn sang chỗ khác khi chiến tranh được thảo luận chính là bổn phận mà những kẻ
ngoại cuộc sẽ tự rèn luyện trong hòa bình trước sự đe dọa của cái chết mà nhất
định sẽ khiến cho lý trí trở nên bất lực.
Vậy đó là một số phương pháp mà nhờ đó
cái tổ chức ẩn danh và bí mật, Hiệp hội của Những kẻ ngoại cuộc sẽ giúp ông
ngăn chận chiến tranh và đảm bảo tự do, thưa ông. Dù ông gán cho chúng bất kỳ
giá trị nào, ông sẽ đồng ý rằng chúng là những bổn phận mà giới tính của chính
ông sẽ thấy rằng khó thực hiện chúng hơn giới tính của chúng tôi; và thêm nữa,
những bổn phận này đặc biệt phù hợp với con gái của những người đàn ông trí
thức. Bởi họ sẽ cần có một hiểu biết sơ sài về tâm lý của những người đàn ông
trí thức, và đầu óc của những người đàn ông trí thức được rèn luyện nhiều hơn,
ngôn từ của họ tinh tế hơn đầu óc và ngôn từ của những người đàn ông lao động.XVI
Có những bổn phận khác nữa, tất nhiên — nhiều bổn phận trong số đó đã được phác
thảo trong những lá thư gửi các vị thủ quỹ danh dự. Nhưng trước nguy cơ của một
sự lặp lại nào đó chúng ta hãy lặp lại chúng một cách mạnh mẽ và nhanh chóng,
để chúng có thể hình thành một nền tảng cho một hiệp hội của những kẻ ngoại
cuộc. Đầu tiên, họ sẽ buộc mình vào công việc kiếm sống. Tầm quan trọng của
việc này với ý nghĩa là một phương pháp chấm dứt chiến tranh rất hiển nhiên; áp
lực đủ đã được đặt lên trên sự thuyết phục mang tính vượt trội của một ý kiến
dựa trên sự độc lập kinh tế so với một ý kiến không dựa trên nguồn thu nhập nào
cả hoặc dựa trên một quyền tinh thần đối với một thu nhập khiến không cần phải
có thêm chứng cứ. Theo đó, một kẻ ngoại cuộc phải biến việc nhấn mạnh vào một
khoản lương để sống trong mọi ngành nghề hiện đang mở ra cho giới tính của cô
ta thành công việc của mình; hơn nữa cô ta phải tạo ra những nghề nghiệp mới mà
trong đó cô ta có thể đạt được quyền có một ý kiến độc lập. Do đó cô ta phải tự
buộc mình nhấn mạnh vào một khoản tiền lương cho người lao động không lương
trong giai tầng của chính mình — con gái và chị em gái của những người đàn ông
trí thức mà, như những tiểu sử đã cho thấy, hiện đang được trả công bằng hiện
vật, với thực phẩm, nơi ở và một khoản thù lao còm cõi 40 bảng một năm. Nhưng
trên hết cô ta phải nhấn mạnh vào một khoản tiền lương được nhà nước trả một cách
hợp pháp cho những bà mẹ của những người đàn ông trí thức. Tầm quan trọng của
điều này đối với cuộc đấu tranh chung của chúng ta là không thể đo lường; bởi
nó là phương cách hiệu quả nhất mà trong đó chúng ta có thể đảm bảo rằng giai
tầng to lớn và rất danh giá của những phụ nữ đã kết hôn sẽ có một tâm hồn và ý
chí của chính họ, mà với chúng cô ta sẽ ủng hộ chồng mình, nếu tâm hồn và ý chí
của anh ta là tốt trong đôi mắt của cô ta, hoặc chống đối anh ta nếu là xấu,
trong bất kỳ trường hợp nào cô ta sẽ thôi là “người phụ nữ của anh ta” và trở
thành chính bản thân mình. Ông sẽ đồng ý, thưa ông, nếu không có bất kỳ lời vu
khống nào đối với vị phu nhân mang cái tên của ông, việc bà ta phụ thuộc vào
thu nhập của ông sẽ ảnh hưởng tới một thay đổi tế vi và không mong muốn trong
tâm lý của ông. Ngoài điều đó, phương pháp này có tầm quan trọng trực tiếp đối
với chính các ông, trong cuộc chiến đấu của chính các ông vì tự do, bình đẳng
và hòa bình, đến độ nếu có bất kỳ điều kiện nào được gắn liền với đồng ghi-nê thì
nó sẽ là điều kiện này: ông sẽ cung cấp một khoản lương do nhà nước trả cho
những người mà nghề của họ là kết hôn và làm mẹ. Hãy xét xem, thậm chí trước
nguy cơ của một sự lạc đề, điều này sẽ tác động thế nào đến sinh suất, trong
chính tầng lớp nơi sinh suất đang giảm sút, trong chính tầng lớp nơi những vụ
sinh đẻ là đáng mong chờ — tầng lớp trí thức. Cũng giống như khi việc tăng
lương cho lính tráng có kết quả, những tờ báo nói, với những đợt tuyển quân bổ
sung cho lực lượng của những người mang vũ khí, sự khích lệ tương tự cũng sẽ
phục vụ cho việc tuyển mộ lực lượng sinh đẻ, mà chúng ta khó lòng chối bỏ rằng
cũng cần thiết được vinh danh không kém, nhưng do sự nghèo nàn của nó và sự khó
nhọc vất vả của nó, hiện đang thất bại trong việc thu hút tân binh. Phương pháp
đó có thể thành công ở nơi thứ được sử dụng hiện nay — sự lạm dụng và sự nhạo
báng — đã thất bại. Nhưng điểm mấu chốt, trước nguy cơ lạc đề xa hơn nữa, mà
những kẻ ngoại cuộc sẽ nhấn mạnh với ông là một điểm có liên quan mật thiết tới
cuộc sống của các ông với tư cách những người trí thức và danh dự và sinh lực
của nghề nghiệp của các ông. Bởi nếu vợ ông được trả lương cho lao động của
mình, công việc sinh đẻ và nuôi nấng con cái, một khoản lương thật sự, khiến nó
trở thành một nghề hấp dẫn thay vì giống như trong hiện tại nó là một nghề
không lương, một nghề không được trả lương hưu, và do đó là một nghề bấp bênh
và hèn hạ, cảnh nô lệ của chính ông sẽ được soi sáng.XVII Ông không còn cần
thiết phải tới văn phòng lúc chín giờ ba mươi và ở đó tới sáu giờ chiều. Công
việc có thể được phân phối một cách bình đẳng. Những
bệnh nhân có thể được gửi tới những người không mắc bệnh. Những bản tóm tắt hồ sơ
tới nơi không có hồ sơ. Những bài báo có thể bị bỏ mặc không viết ra.
Như vậy văn hóa sẽ được kích thích. Ông có thể nhìn thấy những cây ăn quả ra
hoa vào mùa xuân. Ông có thể chia sẻ thời gian tươi đẹp nhất với con cái mình.
Và sau khi thời kỳ đó kết thúc, ông không cần phải bị ném từ cỗ máy tới cái
đống phế liệu, không còn lại bất kỳ cuộc sống hay thú vui để đi dạo ở vùng ven
của Bath hay Cheltenham
dưới sự chăm sóc của một nô lệ không may. Ông sẽ không còn là kẻ đến thăm ngày
Thứ bảy, con chim hải âu trên cổ của hiệp hội, kẻ nghiện sự thông cảm, tên nô
lệ bị xì hơi đang kêu gọi sự bổ sung; hay, như Herr Hitler nói, vị anh hùng đòi
hỏi sự tái tạo, hay như Signor Mussolini nói, người thương binh đòi hỏi những
kẻ phụ thuộc giống cái để băng bó những vết thương của anh ta.XVIII
Nếu nhà nước trả cho vợ ông một khoản lương để sống vì công việc của bà ta, mà
dù nó thiêng liêng, hầu như có thể gọi là thiêng liêng hơn công việc của một
thư ký, thế nhưng công việc của anh ta được trả lương mà không có sự xúc phạm,
thế nên công việc của bà ta cũng có thể như vậy – nếu bước này, vốn thậm chí
còn thiết yếu với sự tự do của ông hơn của bà ta, được tiến hành, cái cối xay
cũ kỹ mà trong đó người đàn ông chuyên nghiệp lúc này đi vòng tròn, thường là
rất yếu ớt, với rất ít niềm vui cho ông ta hay lợi nhuận cho nghề của ông ta,
sẽ vỡ toang; cơ hội của tự do sẽ là của ông; điều hạ thấp phẩm giá nhất trong
mọi cảnh nô lệ, nô lệ tri thức, sẽ chấm dứt; nửa con người có thể trở nên toàn
vẹn. Nhưng vì ba trăm triệu hay cỡ đó đã được chi cho những người cầm súng,
khoản chi đó hiển nhiên là, xin dùng một từ được cung cấp bởi các chính khách,
“bất khả thi”, và đã tới lúc quay sang những dự án khả thi hơn.
Khi đó những kẻ ngoại cuộc không chỉ
tự buộc mình kiếm sống mà còn kiếm tiền một cách chuyên nghiệp đến nỗi việc họ
từ chối kiếm tiền sẽ là một quan ngại đối với người chủ công việc. Họ sẽ tự
buộc mình thủ đắc tri thức trọn vẹn về thực hành chuyên môn, và vạch trần bất
kỳ trường hợp độc tài hay lạm dụng nào trong nghề của họ, Và họ sẽ tự buộc mình
không tiếp tục kiếm tiền trong bất kỳ nghề nào, mà ngưng mọi sự cạnh tranh và
thực hành nghề của họ một cách thực nghiệm, trong mối quan tâm tới nghiên cứu
và vì tình yêu đối với bản thân công việc, khi họ đã kiếm đủ tiền để sống. Họ
cũng tự buộc mình ở bên ngoài bất kỳ nghề nghiệp nào thù địch với tự do, như
việc chế tạo hay cải tiến các thứ vũ khí chiến tranh. Và họ sẽ tự buộc mình
khước từ không nhận văn phòng hay vinh dự từ bất kỳ hiệp hội nào mà trong lúc
tuyên bố tôn trọng tự do lại hạn chế nó, như những trường đại học của Oxford và Cambridge.
Và họ sẽ xem bổn phận của họ là điều tra những đòi hỏi của tất cả các hiệp hội
công cộng, như Giáo hội và các trường đại học mà họ bị buộc phải đóng góp với
tư cách những người nộp thuế một cách thận trọng và không e sợ ngang bằng với
việc họ sẽ điều tra những đòi hỏi của các hiệp hội tư nhân mà họ đóng góp vào
đó một cách tự nguyên. Họ sẽ xem việc thâm cứu tài sản hiến tặng của các trường
trung học và đại học và các đối tượng sử dụng số tiền đó là công việc của họ. Ở
nghề nghiệp giáo dục cũng thế, và ở nghề nghiệp tôn giáo cũng thế. Bằng cách
đọc đầu tiên là Kinh Tân Ước, kế tiếp là những thánh thần và sử gia mà toàn bộ
tác phẩm của họ đều có thể tiếp cận dễ dàng đối với con gái của những người đàn
ông trí thức, họ sẽ biến việc có một kiến thức nào đó về đạo Công giáo và lịch
sử của nó thành công việc của họ. Ngoài ra họ sẽ tự tìm hiểu về thực hành của
tôn giáo đó bằng cách tham gia các dịch vụ Giáo hội, bằng cách phân tích giá
trị tinh thần và trí tuệ của các bài thuyết giảng; bằng cách phê phán những ý
kiến của đàn ông hành nghề tôn giáo một cách tự do ngang với việc họ sẽ phê
phán ý kiến của bất kỳ đoàn thể nào khác của nam giới. Như vậy họ sẽ trở nên
sáng tạo trong những hoạt động của mình, không chỉ phê phán mà thôi. Bằng cách
phê phán nền giáo dục họ sẽ giúp tạo nên một xã hội văn minh bảo vệ văn hóa và
tự do trí tuệ. Bằng cách phê phán tôn giáo họ sẽ cố gắng giải phóng tinh thần
tôn giáo khỏi tình trạng nô lệ hiện nay của nó, và sẽ giúp, nếu cần, tạo nên
một tôn giáo mới mà rất có thể dựa trên nền tảng Kinh Tân Ước, nhưng, cũng rất
có thể rất khác với tôn giáo hiện nay vốn được xây dựng dựa trên nền tảng đó.
Và trong tất cả những việc làm vốn nhiều hơn mức chúng ta có thời gian để cụ
thể hóa này họ sẽ được giúp đỡ, ông sẽ đồng ý, bởi vị trí của họ với tư cách là
những kẻ ngoại cuộc, để tự do thoát khỏi những lòng trung thành không có thật
đó, để tự do thoát khỏi những động cơ vụ lợi hiện đang được bảo đảm bởi nhà
nước.
Sẽ dễ dàng xác định ở một con số lớn
hơn và chính xác hơn các bổn phận của những kẻ thuộc về Hiệp hội của Những kẻ
ngoại cuộc, nhưng không có khả năng sinh lợi. Sự linh hoạt là điều thiết yếu:
và một mức độ kín đáo nào đó, như sẽ được chỉ ra sau, hiện tại thậm chí còn thiết yếu hơn. Nhưng sự
miêu tả sơ sài và chưa hoàn hảo như thế cũng đủ để chỉ cho ông thấy, thưa ông,
rằng Hiệp hội của Những kẻ ngoại cuộc có cùng những mục đích như hiệp hội của
ông – tự do, bình đẳng, hòa bình; nhưng nó tìm cách đạt được chúng bằng những
phương tiện vốn của một giới tính khác, một truyền thống khác, một nền giáo dục
khác và các giá trị khác là kết quả của những khác biệt đó; những phương tiện
đó đã nằm trong tầm với của chúng tôi. Nói rộng ra, sự khác biệt chủ yếu giữa
chúng tôi, những kẻ nằm bên ngoài lề xã hội và các ông, những kẻ nằm bên trong
lòng xã hội phải là việc trong lúc ông sẽ tận dụng các phương tiện được cung
cấp bởi vị trí của ông – các liên đoàn, các cuộc hội thảo, các chiến dịch,
những cái tên lớn, và tất cả những biện pháp công cộng đại loại như tài sản của
ông và tầm ảnh hưởng chính trị đặt trong tầm với của ông – chúng tôi, vẫn còn ở
ngoài lề, sẽ thực nghiệm không phải với các phương tiện công cộng mà với các
phương tiện riêng tư trong sự riêng tư. Các thực nghiệm sẽ không chỉ có tính
phê phán mà còn có tính sáng tạo. Hãy đơn cử hai trường hợp hiển nhiên: — những
kẻ ngoại cuộc sẽ không cần tới sự phô trương hào nhoáng không phải từ sự ghét
bỏ khắt khe đối với cái đẹp. Trái lại, một trong các mục đích của họ sẽ là gia
tăng vẻ đẹp riêng tư; vẻ đẹp của mùa xuân, mùa hạ, mùa thu; vẻ đẹp của những
bông hoa, lụa là, quần áo; vẻ đẹp vốn tràn lan không chỉ mọi cánh đồng và khu
rừng mà cả mọi chiếc xe cút kít trên phố Oxford; vẻ đẹp rải rác vốn chỉ cần
được kết hợp lại bởi những nghệ sĩ để trở nên hữu hình đối với tất cả. Nhưng họ
sẽ không cần tới sự phô trương chính thức, đầy chất mệnh lệnh mà trong đó chỉ
một giới tính nắm giữ vai trò chủ động – chẳng hạn những nghi thức đó, vốn tùy
thuộc vào những cái chết của các vị vua, hay các lễ đăng quang của họ để tạo
cảm hứng. Xin nhắc lại, họ sẽ không cần tới những phân biệt cá nhân — những tấm
huy chương, những dải ruy băng, những huy hiệu, những mũ trùm đầu, những áo
thụng – không phải từ bất kỳ sự ghét bỏ nào đối với sự tô điểm cá nhân, mà vì
tác động hiển nhiên của những phân biệt đó để xiết chặt, để công thức hóa và để
hủy diệt. Ở đây, như rất thường lệ, có ví dụ của những nhà nước phát xít nằm
bên cạnh để hướng dẫn chúng ta – bởi nếu chúng ta không có ví dụ về thứ chúng
ta muốn trở thành, chúng ta có thứ có lẽ có giá trị tương đương, một ví dụ hàng
ngày và có tính minh họa về thứ mà chúng ta không muốn trở thành. Với ví dụ
này, việc họ cho chúng ta quyền lực của những tấm huy chương, những biểu tượng,
phẩm cấp và thậm chí, dường như vậy, cả những bình đựng mực được trang trí XIX
để thôi miên đầu óc con người, mục đích của chúng ta phải là không để cho bản
thân bị cuốn vào tình trạng bị thôi miên đó. Chúng ta phải dập tắt ánh sáng hào
nhoáng thô tục của quảng cáo và quảng bá, không chỉ vì ánh đèn sân khấu có
khuynh hướng được duy trì trong những bàn tay bất tài, mà còn vì tác động tâm
lý của sự soi sáng đó lên những ai tiếp nhận nó. Hãy nghĩ xem, lần tới khi ông
lái xe dọc theo một con đường nông thôn, thái độ của một con thỏ nằm trong
quầng sáng của một bóng đèn trước – đôi mắt đờ dẫn của nó, những bàn chân cứng
đờ của nó. Phải chăng đó không phải là một nguyên nhân tốt để suy nghĩ mà không
cần ra khỏi đất nước của chúng ta, rằng “những thái độ đó”, những vị trí sai
lầm và không thật bị chiếm bởi hình thức con người ở Anh cũng như ở Đức, là do
cái ánh đèn sân khấu vốn làm tê liệt hành động tự do thoải mái của các cơ quan
con người và ngăn chận khả năng thay đổi và sáng tạo những cái hoàn toàn mới
của con người cũng nhiều ngang với một ánh đèn trước xe hơi làm tê liệt con vật
bé nhỏ chạy từ trong bóng tối vào vùng sáng của nó?
Nhưng suy đoán thế đã đủ rồi. Xin quay
lại các thực tế – có cơ hội nào, ông có thể hỏi, để một Hiệp hội của Những kẻ
ngoại cuộc không có văn phòng, không có các cuộc họp, các vị lãnh đạo hay bất
kỳ hệ thống thứ bậc nào, không có đến cả một mẫu đơn để điền vào, hay một thư
ký để trả lương, có thể trở nên hiện hữu, chưa nói đến việc hoạt động cho bất
kỳ mục đích nào? Thật ra sẽ chỉ lãng phí thời gian để viết ngay cả một định
nghĩa thô thiển nhất về Hiệp hội của Những kẻ ngoại cuộc bởi nó chỉ là một mớ
từ ngữ, một hình thức che đậy của sự tuyên dương giới tính hay tầng lớp, nhằm
phục vụ, như rất nhiều thể hiện khác đại loại, cho việc giải phóng cảm xúc của
người viết, quy trách nhiệm cho nơi khác, và rồi nổ tung. Thật vạn hạnh là có
một người mẫu hiện hữu, một người mẫu từ đó bản phác họa bên trên được vẽ ra
một cách lén lút, điều đó đúng, vì người mẫu đó, thay vì ngồi im để được vẽ, di
chuyển lắc léo lại qua và biến mất. Vậy người mẫu đó, cái chứng cứ rằng một cơ
thể như thế, dù có tên hay không tên, tồn tại và hoạt động chưa được cung cấp
bởi lịch sử hay tiểu sử, bởi những kẻ ngoại cuộc chỉ mới có một hình thức hiện
hữu tích cực cách đây hai mươi năm – đó là từ khi các nghề chuyên môn được mở
ra cho con gái của những người đàn ông trí thức. Nhưng chứng cứ của sự hiện hữu
của họ mà đôi khi nằm công khai trong những dòng chữ, đôi khi kín đáo nằm giữa
chúng được cung cấp bởi lịch sử và tiểu sử dạng thô sơ – những tờ báo. Ở đó,
bất kỳ người nào muốn thẩm tra sự tồn tại của một cơ thể như thế, có thể tìm
thấy vô số chứng cứ. Nhiều chứng cứ, điều đó hiển nhiên, có giá trị đáng ngờ.
Ví dụ, sự kiện rằng một con số lớn các công việc được thực hiện bởi con gái của
những người đàn ông trí thức mà không được trả lương hay trả rất ít không cần
thiết phải được xem như là một chứng cứ rằng họ đang thực nghiệm ý chí tự do
của chính họ trong giá trị tâm lý của sự nghèo nàn. Thực tế rằng nhiều cô con
gái của những người đàn ông trí thức không “ăn đúng cách”XX không cần phục vụ như là một chứng cứ rằng họ
đang thực nghiệm trong giá trị vật chất của sự ăn uống dưới mức dinh dưỡng.
Thực tế rằng một tỷ lệ rất nhỏ phụ nữ so với đàn ông chấp nhận các vinh dự cũng
không cần được đưa ra để chứng minh rằng họ đang thực nghiệm những đạo đức của
sự ẩn danh. Nhiều thực nghiệm như thế là những thực nghiệm bị ép buộc và do đó
không có giá trị tích cực. Nhưng các thực nghiệm khác của một dạng tích cực hơn
nhiều đang xuất hiện hàng ngày trên mặt báo. Chúng ta hãy kiểm tra chỉ ba
trường hợp để chúng tôi có thể chứng minh phát biểu của chúng tôi rằng Hiệp hội
của Những kẻ ngoại cuộc đang tồn tại. Trường hợp đầu tiên khá thẳng thắn.
Phát biểu ở một cửa
hàng phúc thiện hồi tuần trước ở Nhà thờ Plumstead Common Baptist, Thị trưởng
phu nhân (của Woolwich) đã nói: “…bản thân tôi sẽ không làm ngay cả một việc
như mạng lại vớ để giúp đỡ trong một cuộc chiến.” Những nhận xét này làm phật
lòng đa số công chúng ở Woolwich, những người cho rằng bà Thị trưởng, nói nhẹ
nhàng nhất, khá là thiếu lịch thiệp. Khoảng 12.000 cử tri Woolwich được tuyển
dụng vào kho đạn Woolwich để chế tạo vũ khí. XXI
Không cần bình phẩm về sự thiếu lịch
thiệp của một câu phát biểu trước công chúng như thế, trong những hoàn cảnh như
thế, nhưng sự dũng cảm chắc chắn phải gợi lòng ngưỡng mộ của chúng ta, và giá
trị của thực nghiệm này, từ một quan điểm thực hành, nếu những bà thị trưởng
khác ở những thị trấn khác và quốc gia khác nơi các cử tri được tuyển dụng chế
tạo vũ khí cũng làm theo, thì không thể đo lường hết. Ở bất cứ giá nào, chúng
ta sẽ đồng ý rằng Thị trưởng phu nhân Woolwich, bà Kathleen Rance, đã thực hiện
một thực nghiệm dũng cảm và hiệu quả trong việc ngăn chận chiến tranh bằng cách
không đan những chiếc vớ. Với chứng cứ thứ hai rằng những kẻ ngoại cuộc đang
hoạt động, chúng ta hãy chọn một ví dụ khác từ nhật báo, một ví dụ ít hiển
nhiên hơn, nhưng ông vẫn sẽ đồng ý là thực nghiệm của một kẻ ngoại cuộc, một
thực nghiệm rất độc đáo và có giá trị lớn lao cho chính nghĩa hòa bình.
Khi nói về hoạt động
của các hội tình nguyện lớn đối với việc chơi một số môn thể thao cụ thể, cô Clarke
[cô E. R. Clarke của Ủy ban Giáo dục] đề cập tới các hội của phụ nữ về khúc côn
cầu, lacrosse, bóng rổ và crickê, và chỉ ra rằng theo những nguyên tắc sẽ không
thể có chiếc cúp hay bất kỳ loại giải thưởng cho một đội thắng. “Cánh cổng” đối
với những trận đấu của họ có thể nhỏ hơn một chút so với các môn chơi của nam
giới, nhưng các cầu thủ của họ thi đấu vì tình yêu dành cho nó, và dường như họ
đang chứng minh rằng những chiếc cúp và những giải thưởng là không cần thiết để
kích thích mối quan tâm vì con số cầu thủ tiếp tục tăng đều mỗi năm.XXII
Ông sẽ đồng ý rằng đó là một thực nghiệm thú vị lạ lùng, một
thực nghiệm có thể mang tới một thay đổi về mặt tâm lý của giá trị lớn trong
bản chất con người, và một thay đổi có thể thật sự giúp ngăn chận chiến tranh.
Nó còn thú vị hơn nữa vì nó là một thực nghiệm mà những kẻ ngoại cuộc, với sự
tự do tương đối từ những hạn chế và niềm tin nhất định, có thể thực hiện dễ
dàng hơn nhiều so với những kẻ cần được phơi bày trước những tác động bên trong
như thế. Phát biểu đó được củng cố theo một cách rất thú vị bởi trích dẫn sau:
Giới bóng đá chính
thức ở đây [Wellingborough, Northants] quan tâm với chút băn khoăn sự phổ biến
gia tăng của bóng đá nữ. Một cuộc họp bí mật của ủy ban cố vấn của Hiệp hội
bóng đá Northants đã được tổ chức tại đây tối qua để thảo luận về việc thi đấu
của một trận bóng đá nữ trên sân Peterborough.
Các thành viên của Ủy ban khá kín đáo… Tuy nhiên, hôm nay một thành viên đã
nói: “Hiệp hội bóng đá Northants Football Association muốn cấm bóng đá nữ. Sự
thịnh hành của bóng đá nữ xuất hiện khi nhiều câu lạc bộ nam giới trong nước
đang trong tình trạng khó khăn do thiếu sự ủng hộ. Một khía cạnh nghiêm trọng
khác là khả năng bị chấn thương trầm trọng đối với nữ cầu thủ.”XXIII
Ở đó chúng ta có chứng cứ tích cực về những hạn chế và niềm
tin vốn khiến cho giới tính của ông khó thực nghiệm một cách tự do trong việc
thay đổi các giá trị đương thời hơn giới tính của chúng tôi; và nếu không dành
thời gian cho những vấn đề tế nhị của phân tích tâm lý, thậm chí một cái nhìn
thoáng qua vội vã vào những lý do đưa ra bởi hiệp hội này đối với quyết định
của nó sẽ rọi một ánh sáng có giá trị lên những lý do dẫn các hội khác thậm chí
quan trọng hơn tới các quyết định của chúng. Nhưng ta phải quay lại với các
thực nghiệm của những kẻ ngoại cuộc. Với ví dụ thứ ba, chúng ta hãy chọn cái mà
chúng ta có thể gọi là một thực nghiệm về tính thụ động.
Một thay đổi đáng kể
trong thái độ của phụ nữ trẻ đối với Giáo hội đã được thảo luận bởi Canon F. A.
Barry, cha sở của nhà thờ St Mary the Virgin (Nhà thờ của trường đại học), hồi
tối qua ở Oxford...
Công việc trước Giáo hội, ông nói, không là gì khác ngoài việc tạo ra đạo đức
văn minh, và đây là một công việc có tính hợp tác lớn đòi hỏi tất cả những gì
tín đồ có thể mang tới cho nó. Đơn giản là nó không thể được thực hiện chỉ
thông qua nam giới. Suốt một thế kỷ hoặc hai, phụ nữ đã chiếm đa số trong những
giáo đoàn với tỷ lệ đại khái là 75% trên 25%. Hiện nay toàn cảnh đang thay đổi,
và điều mà một quan sát viên tinh ý sẽ nhận ra trong hầu hết bất kỳ nhà thờ nào
ở Anh là sự khan hiếm phụ nữ trẻ… Trong số lượng sinh viên, nữ thanh niên, nói
một cách tổng quát, đã rời xa khỏi Giáo hội Anh và niềm tin Công giáo hơn nam
thanh niên.XXIV
Một lần nữa, đó là một thực nghiệm rất
đáng quan tâm. Nó là, như chúng ta đã nói, một thực nghiệm có tính thụ động.
Bởi trong lúc ví dụ đầu tiên là một khước từ thẳng thừng không đan vớ để phản
đối chiến tranh, và ví dụ thứ hai là một nỗ lực để chứng minh những chiếc cúp
và các giải thưởng có cần thiết để kích thích sự quan tâm tới các môn thi đấu
thể thao hay không, ví dụ thứ ba là một nỗ lực để khám phá điều gì xảy ra nếu
con gái của những người đàn ông trí thức không có mặt ở nhà thờ. Dù bản thân nó không có nhiều giá trị hơn hai
ví dụ kia, nó có một quan tâm mang tính thực hành hơn vì rõ ràng nó là loại
thực nghiệm mà đại đa số những kẻ ngoại cuộc có thể thực hành với rất ít khó
khăn hay nguy hiểm. Không có mặt ở nơi nào đó – điều đó dễ hơn nói lớn tiếng ở
một cửa hàng phúc thiện, hay soạn thảo những nguyên tắc của một môn thể thao thi
đấu. Do đó thực nghiệm này đáng được quan sát rất thận trọng để xem nó có tác
động gì – nếu có. Các kết quả rất tích cực và chúng có tính cổ vũ. Không còn
ngờ gì rằng Giáo hội đang trở nên quan ngại về thái độ đối với Giáo hội của con
gái những người đàn ông trí thức ở các trường đại học. Có bản Báo cáo của Hội
đồng Tổng giám mục về Nữ giáo đoàn để chứng minh điều này. Tài liệu này, giá
chỉ có một shiling và nên có trên tay của tất cả các cô con gái của những người
đàn ông trí thức, chỉ ra rằng ‘một khác biệt nổi bật giữa các trường nam cao
đẳng và nữ cao đẳng là sự vắng mặt của cái nói sau trong hàng giáo sĩ.” Nó phản
ánh rằng “Tự nhiên là trong thời kỳ này của đời họ, họ (các sinh viên) thực
hiện tới hết khả năng phê phán của mình.” Nó lấy làm tiếc cho thực tế rằng “Rất
ít phụ nữ hiện đang học ở các trường đại học có thể có đủ sức để tiếp tục cung
cấp sự phục vụ tự nguyện trong công việc xã hội hay trong chính công việc tôn
giáo.” Và nó kết luận rằng “Có rất nhiều lĩnh vực đặc biệt mà trong đó những sự phục vụ như vậy là đặc biệt cần
thiết, và thời điểm rõ ràng đã đến khi các chức năng và vị trí của phụ nữ trong
Giáo hội đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn.”XXV Mối quan ngại này có phải do những nhà
thờ trống vắng ở Oxford không, hay có phải tiếng nói của “những nữ học sinh lớn
tuổi hơn” ở Isleworth đang biểu hiện “sự bất mãn rất trầm trọng với cách thức
mà trong đó tôn giáo có tổ chức cư xử” XXVI đã bằng cách nào đó thâm nhập vào những
lĩnh vực oai nghiêm nơi giới tính của họ được cho là không thể phát ngôn hay
không, hay có phải giới tính duy tâm một cách bất khả giải đoán của chúng tôi
rốt cuộc đã bắt đầu lọt vào tầm cảnh báo của Tổng giám mục Gore, “Đàn ông không
coi trọng những hoạt động phụng sự mà không phải trả tiền,” XXVII
và bày tỏ quan điểm rằng một khoản lương 150 bảng một năm – mức cao nhất mà
Giáo hội cho phép các cô con gái của mình hưởng với tư cách những nữ trợ tế –
là không đủ; dù với lý do gì, sự băn khoăn đáng kể với thái độ của con gái của
những người đàn ông học thức rất rõ ràng; và thực nghiệm mang tính chất thụ
động này, bất kể niềm tin của chúng tôi vào giá trị của Giáo hội Anh với tư
cách một tổ chức tinh thần là gì, có tính chất động viên cao độ đối với chúng
tôi với tư cách những kẻ ngoại cuộc. Bởi dường như nó chỉ ra rằng thụ động chính
là chủ động; những thực nghiệm đó cũng phục vụ cho những kẻ vẫn còn ở bên
ngoài. Bằng cách làm cho sự vắng mặt của họ tạo nên cảm giác sự hiện diện của
họ là đáng mong muốn. Thứ ánh sáng nào thực nghiệm này gieo rắc lên sức mạnh
của những kẻ ngoại cuộc để xóa bỏ hay sửa đổi các thể chế khác mà họ không tán
thành, có phải những bữa dạ tiệc công cộng, những bài phát biểu công cộng,
những bữa đại tiệc của ngài thị trưởng và các nghi lễ lỗi thời rất dễ nhận phải
sự lãnh đạm và sẽ sản sinh ra áp lực của nó hay không, là những câu hỏi, những
câu hỏi lông bông vốn có thể giúp chúng ta tiêu khiển trong thời gian rỗi và
kích thích sự tò mò của chúng ta. Nhưng lúc này đó không phải là đối tượng
trước mặt chúng ta. Chúng tôi đã cố chứng minh cho ông, thưa ông, bằng cách đưa
ra ba ví dụ khác nhau về ba loại thực nghiệm khác nhau mà Hiệp hội của Những kẻ
ngoại cuộc đang thực thi và hiện hữu. Khi ông xét tới việc tất cả những ví dụ
này đã xuất hiện trên mặt báo ông sẽ đồng ý rằng chúng đại diện cho một con số
lớn hơn nhiều những thực nghiệm riêng tư và tiềm ẩn trong đó không có chứng cứ
công cộng. Ông cũng sẽ đồng ý rằng chúng chứng minh cho mô hình xã hội đã đưa
ra bên trên, và chứng minh rằng nó không phải là một phác họa hư ảo ngẫu nhiên
mà dựa trên một đoàn thể có thật đang hoạt động với những phương tiện khác nhau
vì cùng những mục đích mà ông đã đặt ra trước chúng tôi trong chính hiệp hội
của ông. Những người quan sát tinh ý, như Canon Barry, có thể, nếu họ thích,
phát hiện thêm nhiều chứng cứ rằng các thực nghiệm đang được tiến hành không
chỉ trong những nhà thờ trống vắng của Oxford.
Thậm chí ông Wells có thể dẫn tới niềm tin rằng nếu ông ghé tai xuống mặt đất
một chuyển động đang tiến lên phía trước, không hoàn toàn không thể cảm nhận,
của các cô con gái của những người đàn ông trí thức chống lại bọn Đức quốc xã
và phát xít. Nhưng điều cốt yếu là chuyển động này sẽ thoát khỏi sự chú ý thậm
chí của những người quan sát tinh ý và những tiểu thuyết gia nổi tiếng.
Sự kín đáo là điều thiết yếu. Chúng
tôi vẫn phải che giấu điều chúng tôi đang làm và đang nghĩ ngay cả dù cho những
gì chúng tôi đang làm và đang nghĩ là vì chính nghĩa chung của chúng ta. Sự cần
thiết của điều này, trong những hoàn cảnh cụ thể, không khó phát hiện. Khi các
mức lương thấp, như Whitake chứng minh, và việc làm khó tìm và khó giữ, như mọi
người đều biết, thì “thà nói ít còn hơn sống sượng”, như tờ nhật báo đã viết,
khi chỉ trích ông chủ của mình. Tuy nhiên, các huyện miền quê, như bản thân ông
có thể nhận thức, những người lao động nông trại sẽ không bỏ phiếu cho đảng Lao
động. Về mặt kinh tế, con gái của người đàn ông trí thức ở một cấp độ cao hơn
nhiều so với lao động nông trại. Nhưng chắc chắn là chúng ta không cần phí thì
giờ để tìm ra nguyên do gợi nên sự kín đáo của cả anh ta lẫn cô ta. E sợ là một
lý do mạnh mẽ; những người phụ thuộc về kinh tế có những lý do mạnh mẽ để e sợ.
Chúng ta không cần thăm dò xa hơn. Nhưng ở đây ông có thể nhắc chúng tôi về một
đồng ghi-nê cụ thể, và hướng sự chú ý của chúng tôi tới lời khoác lác tự hào
rằng món quà của chúng tôi, dù nhỏ, đã biến không chỉ việc thiêu rụi một thế
giới đồi bại cụ thể, mà cả việc nói một cách thoải mái, không chút sợ sệt hay
tâng bốc trở thành điều khả dĩ. Dường như trong lời khoác lác này có một chút
yếu tố khoe khoang. Dường như một nỗi sợ, một ký ức tổ tiên tiên đoán về chiến
tranh vẫn còn ở đó. Vẫn còn đó những chủ đề mà những người trí thức, khi họ có
giới tính khác nhau, dù độc lập về tài chính, che đậy hay ngụ ý bằng những từ
ngữ thận trọng và sau đó cho qua. Ông có thể quan sát thấy điều này trong cuộc
sống thực tế; ông có thể phát hiện ra nó trong tiểu sử. Ngay cả khi họ gặp và
trò chuyện riêng tư, như chúng ta đã khoác lác, về “chính trị và dân chúng,
chiến tranh và hòa bình, về man rợ và văn minh”, thế nhưng họ vẫn né tránh và che
đậy. Nhưng vì sẽ không thể có tự do công cộng nếu không có tự do riêng tư, việc
chúng tôi tự làm quen với những bổn phận của tự do ngôn luận quan trọng đến nỗi
chúng tôi phải cố lột bỏ nỗi sợ này và đối mặt với nó. Vậy bản chất của nỗi sợ
vẫn còn khiến cho sự che đậy trở nên cần thiết giữa những người trí thức và
giảm thiểu sự tự do mang tính khoác lác của chúng ta thành một trò hề là gì
thế?... Một lần nữa có ba dấu chấm; một lần nữa chúng đại diện cho một vực sâu
– lần này là của sự im lặng, của sự im lặng gợi nên từ nỗi sợ. Và vì chúng ta
thiếu cả sự dũng cảm lẫn kỹ năng để lý giải nó, chúng ta hãy hạ thấp tấm mạng
che mặt của Thánh Paul giữa chúng ta, nói cách khác là tìm chỗ ẩn núp sau lưng một
người thông dịch. Vạn hạnh thay, chúng ta có trong tay một thứ mà những phẩm
chất của nó nằm trên sự hoài nghi. Nó không là gì khác hơn cuốn sách mỏng từ đó
lời trích dẫn đã được sử dụng, bản báo cáo của Hội đồng Tổng giám mục về Nữ
giáo đoàn — một tài liệu rất đáng quan tâm vì nhiều lý do. Bởi nó không chỉ tỏa
ánh sáng của sự tìm kiếm và bản chất khoa học lên nỗi sợ này, mà còn cho chúng
ta một cơ hội để cân nhắc về thứ nghề nghiệp, vì nó cao cấp nhất trong tất cả
các nghề có thể xem là kiểu mẩu của tất cả, cái nghề tôn giáo, mà theo giả đoán
có rất ít điều được nói ra về nó. Và vì nó là kiểu mẩu của tất cả, nó có thể
soi sáng cho những nghề khác mà về chúng đã có điều gì đó được nói ra. Do vậy
ông sẽ thứ lỗi cho chúng tôi nếu chúng ta tạm dừng ở đây để kiểm tra một số chi
tiết của bản báo cáo này.
Hội đồng được bổ nhiệm bởi các Tổng
giám mục xứ Canterbury và York để “kiểm tra bất kỳ nguyên tắc lý thuyết
hay các nguyên tắc liên quan khác đã điều hành hoặc hẳn sẽ điều hành Giáo hội
trong sự phát triển của Nữ giáo đoàn.” XXVIII Hiện nay nghề tôn giáo, vì những mục
đích của Giáo hội Anh của chúng ta, dù trên bề mặt có vẻ như giống với các nghề
khác ở những phương diện nhất định – nó thụ hưởng, Whitaker nói, một nguồn thu
nhập lớn, làm chủ nhiều tài sản, và có một hệ thống cấp bậc các chức sắc hưởng
lương và có quyền ưu tiên hơn nghề khác – thế nên nó đứng trên tất cả mọi nghề
nghiệp. Tổng giám mục xứ Canterbury cao cấp hơn
ngài Đại pháp quan; Tổng giám mục xứ York
cao cấp hơn ngài Thủ tướng. Nhưng chúng ta có thể hỏi, “tôn giáo” là gì? Công
giáo mà đã được ấn định một lần và cho tất cả bởi người sáng lập của tôn giáo
đó trong những ngôn từ có thể được đọc bởi tất cả trong một bản dịch đẹp đẽ
tuyệt vời đó là gì; và dù chúng ta chấp nhận hay không chấp nhận sự diễn dịch
đã được đặt lên chúng chúng ta không thể chối bỏ việc chúng là những từ có ý
nghĩa sâu sắc nhất. Như vậy có thể nói một cách an toàn rằng trong lúc có khá
ít người biết y học là gì hoặc luật pháp là gì, mỗi người làm chủ một cuốn Kinh
Tân ước đều biết tôn giáo nghĩa là gì trong tâm trí của người sáng lập ra nó.
Do đó, vào năm 1935, khi con gái của những người đàn ông trí thức nói rằng họ
ước gì nghề tôn giáo mở ra cho họ, những giáo sĩ của nghề đó, những kẻ khá
giống với các bác sĩ và luật sư ở các nghề khác, buộc phải đơn giản tham khảo
một cuốn điều lệ hoặc bản tuyên bố đặc quyền nào đó vốn bảo lưu cái quyền thực
hành nghề đó một cách chuyên nghiệp cho nam giới; họ buộc phải tham khảo Kinh
Tân ước. Họ đã làm như thế; và kết quả, như Hội đồng chỉ ra, là họ phát hiện ra
rằng “Kinh Phúc âm chỉ ra cho chúng ta rằng Chúa Trời của chúng ta xem nam và
nữ như nhau với tư cách là những thành viên của vương quốc tinh thần, với tư
cách là con cái trong gia đình của Chúa, và với tư cách là chủ sở hữu của cùng
những năng lực tinh thần. Với chứng cứ này họ trích dẫn: “Không có nam hay nữ:
vì tất cả các ngươi là một trong Jesus Christ” (Gal. iii, 28). Vậy là dường như
người sáng lập Công giáo tin rằng cả đào tạo lẫn giới tính đều không cần cho
nghề nghiệp này. Ngài chọn các môn đồ từ tầng lớp lao động mà chính bản thân ngài
xuất thân từ đó. Phẩm chất hàng đầu là một món quà hiếm hoi mà trong những ngày
đầu đó được ban tặng một cách thất thường cho những người thợ mộc và ngư phủ,
và cả phụ nữ. Như Hội đồng chỉ ra, không thể có hoài nghi nào rằng vào những
ngày đầu đã có những nữ linh mục - những phụ nữ được truyền cho món quà thiêng
liêng. Họ cũng được được phép giảng đạo. Ví dụ, Thánh Paul đã xác định rằng phụ
nữ, khi cầu nguyện trong đám đông, nên che mặt lại. “Ngụ ý là nếu che mặt một
phụ nữ có thể tiên tri (tức là giảng đạo) và xướng lời cầu nguyện.” Vậy làm sao
họ có thể bị trục xuất ra khỏi hàng giáo đồ vì chính người sáng lập tôn giáo và
một trong các tông đồ của ngài cho là họ thích hợp để giảng đạo? Đó là câu hỏi
và Hội đồng giải quyết nó bằng cách viện tới không phải là ý định của người
sáng lập, mà là ý định của Giáo hội. Tất nhiên điều đó bao gồm một sự phân
biệt. Bởi lẽ ý định của Giáo hội phải được diễn dịch bởi một đầu óc khác, và ý
định đó là ý định của Thánh Paul; và Thánh Paul, khi diễn dịch ý định đó, đã thay
đổi ý định của mình. Vì sau khi triệu tập từ những chiều sâu của quá khứ những
nhân vật đáng tôn kính nếu mơ hồ – Lydia Chloe, Euodia và Syntyche, Tryphoena và
Tryphosa và Persis, thảo luận về địa vị của họ và quyết định đâu là sự khác
biệt giữa một nữ giáo sĩ và nữ tư tế, đâu là chỗ đứng của một nữ trợ tế trong
Giáo hội thời kỳ tiền Nicene, một lần nữa các Ủy viên Hội đồng đã viện tới
Thánh Paul và nói: “Trong bất kỳ trường hợp nào, rõ ràng là tác giả của Những
lá thư của mục sư, dù là Thánh Paul hay một người khác, đã xem phụ nữ là bị cấm
do nền tảng giới tính của họ khỏi vị trí của một “người thầy” chính thức trong
Giáo hội, hay khỏi bất kỳ văn phòng nào liên quan tới việc thực hiện một thẩm
quyền điều hành đối với một người đàn ông” (1 Tim. ii, 12). Điều đó, có thể nói
thẳng, không thỏa đáng như nó có thể; vì chúng ta không thể hoàn toàn hòa hợp
nguyên tắc của Thánh Paul hay một người khác với nguyên tắc của chính bản thân
Jesus Christ, kẻ “xem nam và nữ như nhau với tư cách là những thành viên của cùng
một vương quốc tinh thần và với tư cách những sở hữu chủ của cùng những năng
lực tinh thần.” Nhưng lý sự cùn về ý nghĩa của những ngôn từ chỉ là vô ích, khi
chúng ta nhận ra sự hiện diện của các thực tế rất sớm. Bất kể Christ hay Thánh
Paul hàm ý thế nào, thực tế là trong thế kỷ bốn hoặc năm, nghề nghiệp tôn giáo
đã được tổ chức chặt chẽ đến độ “người trợ tế (khác với người nữ trợ tế) có
thể, ‘sau khi phục vụ một cách vừa lòng giáo đoàn được chỉ định cho ông ta” có
khả năng được bổ nhiệm vào những văn phòng cao cấp hơn trong Giáo hội; trong
khi đối với những nữ trợ tế Giáo hội chỉ cầu nguyện rằng Chúa “sẽ ban cho cô ta
tinh thần linh thánh… để cô ta có thể hoàn thành một cách xứng đáng công việc
được trao.” Có vẻ như trong các thế kỷ ba và bốn, linh mục hay nữ linh mục mà
thông điệp của họ vốn tự nguyện và tự nhiên mà có đã trở nên tuyệt diệt; và vị
trí của họ bị tước lấy bởi ba phẩm cấp giám mục, linh mục và trợ tế, vốn luôn
luôn là những người đàn ông, và như Whitaker chỉ ra, luôn được trả lương, vì
khi Giáo hội trở thành một nghề, các giáo sư của nó được trả lương. Như vậy
nghề tôn giáo dường như có nguồn gốc khá giống với nghề viết văn hiện nay.XXIX
Lúc đầu nó mở ra cho bất kỳ ai nhận được tài năng thiên phú để tiên tri thấu
thị. Không cần tới sự đào tạo nào cả; các yêu cầu nghề nghiệp đơn giản tột cùng
– một giọng nói và một khu chợ, một cây bút và một tờ giấy. Ví dụ như Emily
Brontë, kẻ đã viết:
Không linh hồn hèn
nhát nào là của tôi
Không có kẻ nào run
rẩy trong vùng giông bão của trần gian
Tôi nhìn thấy những
cảnh vật lộng lẫy sáng chói của Thiên đường
Và niềm tin sáng chói
tương đương, hướng tôi khỏi cơn sợ hãi
Hỡi Thượng đế trong
lồng ngực tôi
Đấng toàn năng, Đấng
thiêng liêng mãi hiện diện.
Sự sống trong tôi an
nghỉ
Khi tôi – Sự sống vĩnh
cửu – có quyền năng trong Ngài!
dù
không xứng đáng làm một giáo sĩ trong Giáo hội Anh, vẫn là truyền nhân tinh
thần của một nữ linh mục xa xưa nào đó, kẻ đã từng tiên tri khi tiên tri là một
nghề tự nguyện và không được trả lương. Nhưng khi Giáo hội trở thành một nghề,
đòi hỏi kiến thức đặc biệt của những giáo sĩ của nó và trả lương để họ truyền
đạt nó, có một giới tính nằm bên trong nó; giới tính kia bị trục xuất. “Những
viên trợ tế vươn lên về mặt phẩm giá – một phần không ngờ gì từ sự liên kết
chặt chẽ của họ với các giám mục – và trở thành những giáo sĩ thuộc cấp của sự
tôn thờ và những lễ bí tích; nhưng người nữ trợ tế chỉ được chia sẻ vào những
giai đoạn đầu tiên của sự tiến hóa này.” Việc sự tiến hóa này có tính chất sơ
đẳng thế nào đã được chứng minh bởi thực tế rằng ở nước Anh năm 1938, lương của
một tổng giám mục là 15.000 bảng; lương của một giám mục là 10.000 bảng và
lương của một tu viện trưởng là 3.000 bảng. Nhưng lương của một nữ trợ tế là
150 bảng; còn về phần người “lao công xứ đạo”, kẻ “được triệu tập tới để giúp
việc trong hầu hết mọi bộ phận của một đời sống xứ đạo”, kẻ mà công việc của cô
ta đòi hỏi nhiều cố gắng và thường là cô độc…” cô ta được trả từ 120 đến 150
bảng một năm; cũng không có gì khiến cho chúng ta kinh ngạc trong câu phát biểu
rằng “cầu nguyện cần là trung tâm của các hoạt động của cô ta”. Do vậy chúng ta
thậm chí có thể đi xa hơn Các ủy viên Hội đồng và nói rằng sự tiến hóa của
người nữ trợ tế không chỉ ở mức sơ đẳng, nó thật sự gây sửng sốt; vì dù cô ta
được phong chức, và “thụ phong… mang một tính cách không thể tẩy gột và buộc
phải phục vụ suốt đời,” cô ta phải ở lại bên ngoài Giáo hội, và xếp hạng dưới
hàng một giáo sĩ nam khiêm tốn nhất. Đó là quyết định của Giáo hội. Vì Hội
đồng, sau khi tham khảo ý định và truyền thống của Giáo hội, cuối cùng đã báo
cáo: “Trong khi Hội đồng với ý nghĩa một tổng thể không ủng hộ tích cực cho
quan điểm rằng một phụ nữ thiếu khả năng về mặt thừa kế để tiếp nhận ân sủng
của Giáo phẩm, và theo đó là sự chấp nhận vào bất kỳ hàng phẩm trật nào trong ba
phẩm trật, chúng tôi tin rằng ý định chung của Giáo hội vẫn tuân theo truyền
thống tiếp nối của một giáo giới đàn ông.”
Bằng cách chỉ ra rằng cái nghề cao cấp
nhất trong mọi nghề có nhiều điểm tương đồng với các nghề khác, người diễn dịch
của chúng ta, ông sẽ thừa nhận, đã rọi sáng hơn lên linh hồn hay bản chất của
những nghề đó. Lúc này chúng ta phải yêu cầu ông ta giúp đỡ chúng ta, nếu ông
ta muốn, để phân tích bản chất của nỗi sợ hãi vốn vẫn, như chúng ta đã thừa
nhận, khiến chúng ta không thể nói một cách tự do như những người tự do sẽ nói.
Một lần nữa ông ta có mặt ở đây để phục vụ. Dù tương đồng ở nhiều phương diện,
một khác biệt rất sâu sắc giữa nghề tôn giáo và các nghề khác đã được lưu ý ở
bên trên: Giáo hội, do là một nghề tinh thần, phải đưa ra những lý do tinh thần
chứ không phải chỉ những lý do lịch sử cho những hành động của nó; nó phải tham
khảo ý định, chứ không phải luật pháp. Do đó, khi con gái của những người đàn
ông trí thức ao ước được chấp nhận hành nghề tôn giáo, dường như cũng đáng khuyên
các Ủy viên Hội đồng đưa ra những nguyên do tâm lý chứ không chỉ những nguyên
do lịch sử cho sự khước từ không chấp nhận họ. Do đó họ đã cho vời ông Grensted,
D. D.,
Giáo sư về Triết lý Công giáo ở Đại học Oxford,
và yêu cầu ông ta có một “tóm lược chất liệu tâm lý và sinh lý học thỏa đáng”
để chỉ ra “những cơ sở cho các ý kiến và tư vấn do Hội đồng đưa ra”. Giờ là tâm
lý học chứ không phải thần học; và là tâm lý của hai giới tính, như ngài giáo
sư nhấn mạnh, và “sức nặng của nó lên hành vi của con người vẫn còn là một vấn
đề dành cho các chuyên gia… và… sự diễn dịch của nó vẫn còn gây tranh cãi, về
nhiều phương diện là khá mơ hồ.” Nhưng ông ta đưa ra chứng cứ về những gì xứng
đáng, và nó là một chứng cứ soi rọi nhiều ánh sáng lên nguồn gốc của nỗi sợ mà
chúng ta đã thừa nhận và lấy làm tiếc rằng chúng ta không thể làm điều gì tốt
hơn ngoài việc làm theo những lời của ông ta một cách chính xác.
Chứng cứ được đưa ra (ông ta nói)
trước Hội đồng rằng đàn ông có một quyền ưu tiên tự nhiên đối với phụ nữ. Quan điểm
này, ở nhận thức định sẵn, không thể được ủng hộ về mặt tâm lý. Những nhà tâm
lý học nhận thức đầy đủ thực tế của sự thống trị nam giới, nhưng điều này không
được nhầm lẫn với sự siêu việt của nam giới, vẫn còn ít bất kỳ kiểu ưu tiên nào
có thể có một sức nặng đặt lên những câu hỏi về khả năng có thể thu nạp của một
giới tính so với giới kia vào các phẩm cấp linh thiêng.
Do đó, nhà tâm lý học chỉ có thể soi
rọi ánh sáng lên những thực tế nhất định. Và đây là thực tế đầu tiên mà ông ta
điều tra.
Rõ ràng là thực tế có
tầm quan trọng thực chất lớn lao nhất chính là cảm giác mạnh mẽ được khơi gợi
bởi bất kỳ đề xuất nào rằng phụ nữ nên được chấp nhận vào địa vị và các chức
năng của ba hàng phẩm cấp của giáo đoàn. Chứng cứ trước Hội đồng chỉ ra rằng
cảm giác này thù địch phần lớn đối với những đề nghị như thế… Cảm giác mạnh
này, kết hợp với một loạt lý giải hợp lý khác nhau, là chứng cứ rõ ràng của sự
hiện diện của động cơ vô thức mạnh mẽ và trải rộng. Với sự thiếu vắng chất liệu
phân tích chi tiết, mà dường như không có ghi chép nào về nó trong mối liên kết
đặc biệt này, tuy nhiên vẫn rõ ràng rằng sự quyến luyến ấu trĩ[4]
này đóng một vai trò chủ yếu trong việc quyết định cảm giác mạnh mà với nó toàn
bộ chủ đề này đã được tiếp cận một cách phổ quát.
Bản chất chính xác của
sự quyến luyến này nhất thiết phải khác với những cá thể khác nhau, và những đề
xuất vốn được đưa ra với tư cách là nguồn ốc của nó chỉ có thể chung nhất về
đặc điểm. Nhưng bất kể giá trị và sự diễn dịch chính xác nào của chất liệu mà
dựa vào đó các lý thuyết của “phức cảm Oedipus” và “phức cảm sợ bị thiến” đã
được xây dựng, rõ ràng rằng sự chấp nhận chung về sự thống trị của nam giới, và
thêm nhiều sự thua kém của nữ giới, dựa trên những ý tưởng tiềm thức về phụ nữ
như là “người đàn ông thiếu hụt” có nền tảng trong những khái niệm ấu trĩ của
dạng này. Những khái niệm này nói chung, và thường thường, sống sót ở người
trưởng thành, bất kể sự phi lý của chúng, và phản bội lại sự hiện diện của
chúng, nằm bên dưới cấp độ tư duy có ý thức, bởi sức mạnh của những cảm xúc mà
nó khơi dậy. Nó ủng hộ mạnh mẽ cho quan điểm rằng sự chấp nhận phụ nữ vào Phẩm
cấp thiêng liêng, và đặc biệt là vào giáo đoàn của thánh đường, thường được xem
là một điều đáng xấu hổ. Cảm giác xấu hổ này không thể xem là gì khác hơn một
kiêng kỵ giới tính phi lý dù đặt dưới bất kỳ thứ ánh sáng nào khác.
Ở đây chúng ta có thể lấy lời của ngài
giáo sư dành cho “chứng cứ thừa thãi của các lực lượng vô thức này”mà ông đã
tìm kiếm và tìm thấy, cả trong các ngoại giáo lẫn trong Kinh Cựu ước, để từ đó
ông đưa ra kết luận:
Đồng thời chúng ta
không được quên rằng khái niệm của người Công giáo về việc làm giáo sĩ không
dựa trên những yếu tố cảm xúc tiềm thức mà dựa trên thiết chế của Christ. Như
vậy nó không chỉ thực hiện mà còn thế chỗ cho những giáo sĩ ngoại giáo và Kinh
Cựu ước. Ở chừng mực liên quan tới tâm
lý học, không có nguyên cớ về mặt lý thuyết vì sao địa vị giáo sĩ Công giáo
không nên được thực hành bởi phụ nữ cũng như bởi đàn ông trong chính xác cùng
một ý nghĩa. Những khó khăn mà nhà tâm lý học nhìn thấy trước chỉ là về mặt cảm
xúc và thực hành.XXX
Với kết luận đó, chúng ta có thể rời
khỏi ông ta.
Các Ủy viên Hội đồng Tổng giám mục, ông sẽ đồng ý, đã thực
hiện công việc tế nhị và khó khăn mà chúng ta yêu cầu họ làm. Họ đã hành động với
tư cách những người diễn dịch giữa chúng ta. Họ đã đưa ra cho chúng ta một ví
dụ đáng ngưỡng mộ về một nghề nghiệp trong trạng thái tinh thuần nhất của nó;
và chỉ cho chúng ta thấy một nghề chuyên môn dựa như thế nào vào ý định và
truyền thống. Họ còn lý giải sâu xa hơn vì sao những người trí thức khi thuộc
về những giới tính khác nhau không phát biểu công khai về những chủ đề nhất
định. Họ đã chỉ ra vì sao những kẻ ngoại cuộc, thậm chí khi không có vấn đề phụ
thuộc về tài chính, vẫn có thể e sợ phát biểu công khai hay thực nghiệm công
khai. Và cuối cùng với những từ mang tính khoa học chính xác, họ đã hé lộ với
chúng ta bản chất của nỗi sợ hãi đó. Vì như Giáo sư Grensted đã đưa ra chứng
cứ, con gái của những người đàn ông trí thức dường như đang quan sát một nhà
phẫu thuật đang làm việc – một nhà phẫu thuật khoa học và vô tư, kẻ đã mổ xẻ
tâm trí con người bằng những phương tiện con người rồi bày ra cho tất cả nhìn
thấy nguyên cớ nào, gốc rễ nào nằm ở dưới đáy nỗi sợ hãi của chúng ta. Nó là
một quả trứng. Tên khoa học của nó là “sự quyến luyến ấu trĩ”. Chúng ta, vì thiếu
khoa học, đã đặt sai tên gọi của nó. Chúng ta gọi nó là một quả trứng; một phôi
thai. Chúng ta ngửi thấy nó trong bầu không khí; chúng ta phát hiện ra sự hiện
diện của nó ở Whitehall,
ở các trường đại học, trong Giáo hội. Giờ đây chắc chắn là Giáo sư đã xác định
nó và mô tả nó chính xác đến nỗi không cô con gái của một người đàn ông trí
thức nào, dù cô ta thiếu học vấn đến đâu, có thể gọi sai tên hay diễn dịch sai
về nó trong tương lai. Hãy lắng nghe lời mô tả: “Cảm giác mạnh mẽ được khơi gợi
ra bởi bất kỳ đề xuất nào rằng phụ nữ nên được tiếp nhận” — nó quan trọng không
phải với địa vị giáo sĩ nào; giáo sĩ của y khoa hay giáo sĩ của khoa học hay
giáo sĩ của Giáo hội. Cảm giác mạnh mẽ, cô ta có thể chứng thực cho Giáo sư,
không ngờ gì nữa đã được phơi bày nếu cô ta yêu cầu được tiếp nhận. ‘Cảm giác
mạnh mẽ này là chứng cứ rõ ràng của sự hiện diện của động cơ rất mạnh mẽ và
thuộc về tiềm thức.” Cô ta sẽ tiếp nhận lời của Giáo sư dành cho điều đó, và
thậm chí còn cung cấp cho ông ta một số động cơ đã vuột thoát khỏi ông ta.
Chúng ta hãy chỉ chú ý tới hai động cơ. Có động cơ vì tiền để trục xuất cô ta,
nói thẳng ra là vậy. Hiện nay có các động cơ vì tiền lương bất kể chúng là thế
nào vào thời của Christ hay không? Ngài Tổng giám mục có 15.000 bảng, viên trợ
tế 150 bảng, và Giáo hội, theo lời các Ủy viên Hội đồng, thì nghèo. Trả thêm
cho những người phụ nữ sẽ có nghĩa là trả ít đi cho những người đàn ông. Thứ
hai, có một động cơ, một thứ động cơ tâm lý, để trục xuất cô ta, nằm ẩn nấp
dưới cái mà các Ủy viên Hội đồng gọi là “một quan tâm mang tính thực hành” hay
không? “Hiện tại, một giáo sĩ đã kết hôn”, họ nói với chúng ta, “có thể hoàn
thành các yêu cầu của lễ thụ phong ‘để từ bỏ và gác sang bên mọi quan tâm thế
tục và nghiên cứu’ phần lớn là vì vợ ông ta có thể thực hiện việc chăm sóc gia
đình và công việc nhà…”XXXI Có thể gạt sang bên mọi quan tâm thế
tục và nghiên cứu và đặt nó lên một cá nhân khác là một động cơ, đối với một số
người là một lực hấp dẫn lớn; vì không ngờ gì nữa, một số người ước ao được rút
lui và nghiên cứu, như thần học với những nét tao nhã của nó và sự uyên bác với
những phẩm chất tinh tế của nó chứng minh, đúng vậy, động cơ này là một động cơ
tồi tệ, một động cơ xấu xa, nguyên do của sự phân cách giữa Giáo hội và nhân dân;
giữa văn học và dân chúng; giữa chồng và vợ; góp phần vào việc đặt toàn thể
nhân dân của chúng ta vào tình trạng lệch khớp với nhau. Nhưng bất kể những
động cơ mạnh mẽ và thuộc về tiềm thức này nằm sau việc loại bỏ phụ nữ khỏi địa
vị giáo sĩ là gì, và do chúng ta không thể lý giải chúng một cách rõ ràng, đừng
nói tới việc đào sâu tới gốc rễ chúng ở đây, con gái của người đàn ông trí thức
có thể chứng thực từ kinh nghiệm riêng của mình rằng chúng “phổ biến, thậm chí
thường xuyên sống sót ở người trưởng thành và phản bội lại sự hiện diện của họ,
nằm bên dưới cấp độ tư duy có ý thức, bởi sức mạnh của những cảm xúc mà nó gợi
nên.” Và ông sẽ đồng ý rằng để chống lại cảm xúc mạnh cần có lòng can đảm, và
khi lòng can đảm đã hỏng, sự im lặng và sự lãng tránh có khả năng xuất hiện.
Nhưng giờ đây, khi những người diễn
dịch thực hiện xong công việc của họ, đã tới lúc chúng ta nhấc tấm mạng che mặt
của Thánh Paul lên và cố gắng mặt đối mặt với một phân tích thô vụng về nỗi sợ
đó và về sự giận dữ đã gây ra nỗi sợ đó; vì chúng có thể có một áp lực nào đó
lên câu hỏi mà ông đặt ra cho chúng tôi, chúng tôi có thể giúp ông ngăn chận
chiến tranh bằng cách nào. Vậy chúng ta hãy giả sử rằng trong cuộc đối thoại
riêng tư của hai giới tính về chính trị và dân chúng, chiến tranh và hòa bình,
man rợ và văn minh, một số câu hỏi đã nảy sinh, về việc tiếp nhận, chúng ta sẽ
nói thế, con gái của những người đàn ông trí thức vào Giáo hội hay sàn chứng
khoán hay ngành công chức ngoại giao. Câu hỏi khá mờ tối; nhưng chúng tôi ở
phía bàn của mình nhận thức được ngay tức khắc về “cảm xúc mạnh mẽ” ở phía ông
“đang trỗi dậy từ một động cơ nào đó nằm bên dưới cấp độ của tư duy có ý thức”
bằng cách rung cái chuông cảnh báo bên trong chúng tôi; một tiếng kêu rối rắm
nhưng ầm ĩ: Cô không được, không được, không được… Các triệu chứng thể chất là
không thể nhầm lẫn được. Các dây thần kinh dựng cả lên; những ngón tay tự động
ấn chặt lên cái muỗng hay điếu thuốc; một cái liếc mắt vào cái thước đo tâm lý
riêng tư chỉ ra rằng nhiệt độ cảm xúc đã tăng từ mười lên hai mươi độ trên mức
bình thường. Về mặt trí tuệ, có một ước ao mãnh liệt được giữ im lặng, hoặc
thay đổi đề tài đàm luận; để lôi vào, chẳng hạn, một người giúp việc cũ của gia
đình, tên là Crosby, có lẽ, kẻ mà con chó Rover của anh ta đã chết… và cứ thế
lãng tránh vấn đề và hạ thấp nhiệt độ.
Nhưng chúng tôi có thể nỗ lực đưa ra
phân tích gì về những cảm xúc của phía bên kia bàn – phía của ông? Thông
thường, xin nói thẳng, trong lúc chúng tôi nói về Crosby,
chúng tôi đang đặt ra những câu hỏi — vì thế đây là một sự thẳng thắn rạch ròi
trong đối thoại — về ông. Những động cơ mạnh mẽ và thuộc về tiềm thức đang làm
dựng đứng những sợi lông cổ của phía ông là gì? Gã man rợ xa xưa, kẻ đã giết
một con bò bison có yêu cầu một gã man rợ khác ngưỡng mộ lòng dũng cảm của mình
hay không? Một nhà chuyên môn mệt mỏi có đòi hỏi sự cảm thông và căm ghét sự
cạnh tranh hay không? Vị giáo trưởng có cần tới một người phụ nữ quyến rũ
không? Sự thống trị có khát khao sự phục tùng hay không? Và dai dẳng và khó
khăn nhất trong mọi câu hỏi đến độ sự im lặng của chúng tôi che phủ lên nó, là
câu hỏi sự thống trị mang tới cho kẻ thống trị sự thỏa mãn khả dĩ nào? XXXII
Bây giờ, vì Giáo sư Grensted đã bảo rằng tâm lý của giới tính vẫn “là một vấn
đề của các chuyên gia”, trong lúc “việc diễn dịch nó vẫn còn gây tranh cãi và ở
nhiều phương diện vẫn còn mơ hồ”, có lẽ sẽ sáng suốt hơn nếu cứ để mặc cho các
chuyên gia giải đáp câu hỏi đó. Nhưng mặt khác, vì nếu những người đàn ông và
phụ nữ bình thường muốn tự do họ phải học các phát ngôn một cách tự do, chúng
ta không thể để cho các chuyên gia chịu trách nhiệm về tâm lý của hai giới
tính. Có hai nguyên do tốt vì sao chúng ta phải cố phân tích cả nỗi sợ hãi của
chúng tôi lẫn sự giận dữ của ông; đầu tiên, vì nỗi sợ hãi và sự giận dữ đó ngăn
cản tự do thật sự trong ngôi nhà riêng; thứ hai, vì nỗi sợ hãi và sự giận dữ đó
có thể ngăn cản tự do thật sự trong thế giới công cộng: chúng có thể có một
phần chia tích cực trong việc gây ra chiến tranh. Vậy chúng ta hãy dò dẫm tìm
đường theo kiểu khá nghiệp dư giữa những cảm xúc rất cổ xưa và mơ hồ mà chúng
ta đã biết ít ra từ thời đại của Antigone và Ismene và Creon; những cảm xúc mà
bản thân Thánh Paul từng có; nhưng chỉ mới được các giáo sư đưa lên bề mặt gần
đây và đặt tên là “sự quyến luyến ấu trĩ”, “phức cảm Oedipus”, và những cái tên
còn lại. Chúng ta phải cố, dù yếu ớt cỡ nào, phân tích các cảm xúc đó vì ông đã
yêu cầu chúng tôi dù sao cũng phải giúp ông bảo vệ tự do và ngăn chận chiến
tranh.
Vậy chúng ta hãy kiểm tra “sự quyến luyến
ấu trĩ” này, vì dường như đây là một cái tên chính xác, để chúng ta có thể kết
nối nó với câu hỏi mà ông đã đặt ra cho chúng tôi. Một lần nữa, vì chúng tôi là
những kẻ khái quát hóa chứ không phải những chuyên gia, chúng tôi phải dựa trên
thứ chứng cứ mà chúng tôi có thể thu thập được từ lịch sử, tiểu sử và nhật báo
— thứ chứng cứ duy nhất sẵn có cho con gái của những người đàn ông trí thức.
Chúng tôi sẽ lấy ví dụ đầu tiên về sự quyến luyến ấu trĩ từ tiểu sử, và một lần
nữa chúng ta sẽ viện tới tiểu sử thời đại Victoria vì chỉ trong thời đại này tiểu sử
mới trở nên phong phú và có tính đại diện. Có nhiều trường hợp quyến luyến ấu
trĩ như Giáo sư Grensted đã định nghĩa trong thời đại Victoria đến độ chúng ta hầu như không biết
chọn trường hợp nào. Trường hợp của ông Barrett ở phố Wimpole có lẽ phổ biến và
xác thực nhất. Thật vậy, nó được nhiều người biết tới đến độ những những thực
tế gần như được lặp đi lặp lại. Tất cả chúng ta đều biết câu chuyện về người
cha không cho phép cả con trai lẫn con gái kết hôn; tất cả chúng ta đều biết
tường tận các chi tiết cô Elizabeth con gái của ông ta buộc phải che giấu tình
nhân của mình với cha mình như thế nào; cô ta bỏ trốn khỏi ngôi nhà ở phố
Wimpole với tình nhân của mình như thế nào; và cha cô không bao giờ tha thứ cho
cô về hành động bất tuân đó như thế nào. Chúng ta sẽ đồng ý rằng những cảm xúc
của ông mạnh mẽ tới cực độ; và sức mạnh của chúng làm rõ rằng chúng có nguồn
gốc từ một nơi chốn u ám nào đó bên dưới cấp độ tư duy có ý thức. Đó là một
trường hợp điển hình, cổ điển của sự quyến luyến ấu trĩ mà tất cả chúng ta có
thể nhớ như in trong đầu. Nhưng có những trường hợp khác ít phổ biến hơn mà một
cuộc điều tra nho nhỏ sẽ mang lên bề mặt và chỉ ra cùng một bản chất. Có trường
hợp của đức cha Patrick Brontë. Đức cha Arthur Nicholls yêu con gái của ông ta,
cô Charlotte; cô ta viết khi ông Nicholls cầu hôn cô: “Bạn hầu như không thể
tưởng tượng những lời của ông ta, bạn hầu như không thể nhận ra cách cư xử của
ông ta và tôi cũng không tài nào quên được nó… tôi hỏi ông ta đã nói với Papa
chưa. Ông ta đáp ông ta không dám.” Vì sao ông ta không dám? Ông ta khỏe mạnh,
trẻ trung và yêu cuồng nhiệt; người bố đã già. Nguyên nhân hiển hiện ngay lập
tức. “Ông ta (đức cha Patrick Brontë] luôn phản đối những cuộc hôn nhân, và
thường xuyên phát ngôn chống lại chúng. Nhưng lần này ông ta còn hơn cả phản
đối, ông ta không chịu nổi ý nghĩ về sự gắn bó của ông Nicholls với con gái của
mình. E sợ những hậu quả… cô ta đã vội vã hứa với cha mình rằng vào hôm sau ông
Nicholls sẽ nhận được một lời từ khước rõ ràng.”XXXIII Ông Nicholls rời
khỏi Haworth; Charlotte
ở lại với cha mình. Cuộc sống hôn nhân của cô – nó là một cuộc sống ngắn ngủi –
đã bị cắt ngắn hơn nữa bởi ý muốn của cha cô.
Với một ví dụ thứ ba về sự quyến luyến
ấu trĩ, chúng ta hãy chọn một ví dụ kém đơn giản hơn, nhưng với nguyên do đó
thì sáng tỏ hơn. Có trường hợp của ông Jex-Blake. Ở đây chúng ta có trường hợp của một người bố
không đối chọi với cuộc hôn nhân của con gái mà đối chọi với ước muốn kiếm sống
của cô ta. Ước muốn đó dường như cũng gợi lên trong người bố một cảm xúc rất
mạnh và một cảm xúc dường như cũng bắt nguồn từ những cấp độ nằm bên dưới tư
duy có ý thức. Một lần nữa chúng ta sẽ gọi nó là một trường hợp của sự quyến luyến
ấu trĩ. Cô con gái, Sophia, được đề nghị một món tiền nhỏ để dạy môn toán; và
cô xin cha mình cho phép nhận công việc đó. Lời cầu xin bị khước từ một cách
tức khắc và giận dữ. “Con yêu, ta chỉ có khoảnh khắc này để nghe rằng con đang
nghĩ tới việc được trả công do dạy kèm. Nó hoàn toàn nằm dưới tầm của con, con
yêu, và ta KHÔNG THỂ CHẤP THUẬN điều đó.” “Nhận vị trí đó với ý nghĩa một niềm
vinh dự và sự hữu ích, và ta sẽ vui mừng… nhưng được TRẢ CÔNG cho công việc sẽ
HOÀN TOÀN biến đổi mọi thứ, và sẽ hạ thấp phẩm giá của con một cách đáng buồn
trong mắt của mọi người.” Đó là một phát biểu rất thú vị. Thật sự Sophia đã
buộc phải tranh cãi. Vì sao nó ở dưới tầm cô ta, cô hỏi, vì sao nó lại hạ thấp
phẩm giá của cô ta? Nhận tiền cho công việc không hề hạ thấp phẩm giá của Tom
trong mắt của bất kỳ một ai. Ông Jex-Blake giải thích, “Đó hoàn toàn là một vấn
đề khác; Tom là một người đàn ông; Tom cảm thấy buộc phải, với tư cách một
người đàn ông, hỗ trợ cho vợ và gia đình của mình”; do đó, Tom tiếp nhận ‘CON
ĐƯỜNG THẲNG’ của bổn phận.” Sophia vẫn không thỏa mãn. Cô lập luận – không chỉ
vì cô nghèo và muốn có tiền; mà cô còn cảm thấy một cách mạnh mẽ “sự trung
thực, và con tin là niềm tự hào hoàn toàn chính đáng của việc kiếm tiền.” Lập
luận đó rốt cuộc đã buộc ông Jex-Blake phải đưa ra, dưới một lớp che phủ trong
mờ, lý do thật sự vì sao ông ta phản đối cô kiếm tiền. Ông ta đề nghị sẽ tự
mình cho cô tiền nếu cô từ chối nhận công việc ở trường cao đẳng. Do đó, rõ
ràng là ông ta không phản đối việc cô nhận tiền: điều ông ta phản đối là việc
cô nhận tiền từ một người đàn ông khác. Bản chất lạ lùng của đề nghị của ông ta
không thoát khỏi sự suy ngẫm sâu xa của Sophia. Cô nói: “Trong trường hợp đó,
con phải nói với ông Trưởng khoa, không phải ‘tôi sẵn lòng làm việc không lương,’
mà là ‘Cha tôi thích tôi nhận tiền từ ÔNG TA hơn là từ trường cao đẳng,’ và con
nghĩ ông Trưởng khoa sẽ nghĩ cả hai chúng ta thật buồn cười, hay ít nhất cũng
ngu ngốc.” Bất kể ông Trưởng khoa diễn dịch thế nào về hành vi của ông
Jex-Blake, chúng ta không thể có ngờ vực nào về thứ cảm xúc ở gốc rễ của nó.
Ông ta muốn giữ con gái trong vòng quyền lực của chính mình. Nếu cô nhận tiền
từ ông ta cô vẫn còn nằm trong quyền lực của ông ta; nếu cô nhận nó từ một
người đàn ông khác, cô không chỉ trở nên độc lập với ông Jex-Blake, cô còn trở
nên phụ thuộc vào một người đàn ông khác. Việc ông ta mong muốn cô phụ thuộc
vào mình, và mơ hồ cảm thấy rằng sự phụ thuộc đáng ao ước này chỉ có thể được
đảm bảo bởi sự phụ thuộc tài chính được chứng minh ngay lập tức bởi một phát
biểu che đậy khác của ông ta. “Nếu ngày mai con kết hôn theo ý thích của ta –
và ta không tin con sẽ bao giờ kết hôn theo cách khác – ta sẽ cho con một gia
tài lớn.”XXXIV.
Nếu cô trở thành một người có lương, cô có thể không cần tới một gia tài và cưới
người mà cô thích. Trường hợp của ông Jex-Blake rất dễ chẩn đoán, nhưng là một
trường hợp rất quan trọng vì nó là một trường hợp thông thường, một trường hợp
điển hình, ông Jex-Blake không phải là một con quái vật ở phố Wimpole; ông là
một người cha bình thường; ông đang làm điều mà hàng ngàn người cha khác ở thời
đại Victoria mà trường hợp của họ chưa được công bố vẫn làm hàng ngày. Do đó,
nó là một trường hợp lý giải nhiều cho cái nằm ở gốc rễ của tâm lý thời Victoria – thứ tâm lý
của hai giới mà vốn vẫn, Giáo sư Grensted nói với chúng ta, rất mơ hồ. Trường
hợp của ông Jex-Blake chỉ ra rằng vì bất cứ lý do gì, cô con gái không được
phép làm ra tiền vì nếu cô làm ra tiền cô sẽ độc lập với cha mình và tự do kết
hôn với bất kỳ người đàn ông nào cô chọn. Do đó, mong muốn kiếm sống của cô con
gái khơi dậy hai hình thức khác nhau của lòng ganh tị. Mỗi lòng ganh tị đều
mạnh nếu tách riêng; nếu kết hợp lại chúng sẽ rất mạnh. Quan trọng hơn nữa là
để phán xét cảm xúc rất mạnh bắt nguồn từ những cấp độ nằm bên dưới tư duy có ý
thức này, ông Jex-Blake đã viện tới một trong những cách lãng tránh thông
thường nhất; thứ lập luận không phải là lập luận mà là một sự cầu khẩn những
cảm xúc. Ông ta cầu khẩn thứ cảm xúc rất sâu xa, cổ xưa và phức tạp mà chúng ta
có thể, với tư cách những kẻ nghiệp dư, gọi là cảm xúc nữ tính. Ông ta bảo nhận
tiền là việc dưới tầm của cô; nếu cô nhận tiền cô sẽ hạ thấp phẩm giá của mình
trong mắt của hầu hết mọi người. Tom do là đàn ông sẽ không bị hạ thấp phẩm giá;
chính giới tính của cô tạo nên sự khác biệt. Ông ta đã cầu khẩn nữ tính của cô
ta.
Bất cứ khi nào một người đàn ông cầu
khẩn như thế với một người phụ nữ, ông ta khơi dậy ở cô ta, có thể nói một cách
an toàn, một sự xung đột của các cảm xúc rất sâu xa và nguyên thủy vốn cực kỳ
khó phân tích hay hòa giải đối với cô ta. Nó có thể giúp chuyển hóa cảm giác
nếu chúng ta so sánh nó với sự xung đột rối rắm của các cảm xúc nam tính được
khơi dậy trong ông, thưa ông, khi một người phụ nữ trao cho ông một cái lông
chim trắng.XXXV
Thật thú vị khi nhìn thấy Sophia, vào năm 1859, cố đối phó với cảm xúc này. Bản
năng đầu tiên của cô là tấn công vào hình thức hiển nhiên nhất của nữ tính, vốn
nằm cao nhất trong ý thức của cô và dường như chịu trách nhiệm cho thái độ của
cha cô – địa vị tiểu thư của cô. Như con gái của những người đàn ông trí thức
khác, Sophia Jex-Blake là người được gọi là “một tiểu thư”. Chính nàng tiểu thư
này là kẻ không thể đi kiếm tiền; do đó nàng tiểu thư này phải bị giết chết. Cô
hỏi: “Cha có nghĩ một cách trung thực rằng bất kỳ tiểu thư nào cũng bị hạ thấp
phẩm giá bởi hành động đơn giản là nhận tiền hay không? Cha có đánh giá thấp bà
Teed vì cha trả tiền cho bà ấy hay không?” Thế rồi, như thể nhận ra rằng bà
Teed, một nữ gia sư, không ngang vai phải lứa với cô là kẻ xuất thân từ một gia
đình thượng lưu, “kẻ mà dòng dõi sẽ được tìm thấy trong những quyển danh sách các
danh gia vọng tộc của Burke”, để giết chết nàng tiểu thư đó cô nhanh chóng viện
tới “Mary Jane Evans... một trong những gia tộc họ hàng kiêu hãnh nhất” rồi tới
cô Wodehouse, “người mà gia đình còn giàu hơn và lâu đời hơn gia đình của con —
cả hai đều nghĩ mình đúng khi mong muốn kiếm ra tiền. Và cô Wodehouse không chỉ
nghĩ mình đúng khi mong muốn kiếm ra tiền; cô Wodehouse đã cho thấy rằng cô
đồng ý với các ý kiến của con bằng những hành động của cô ta. Cô ta không thấy
có gì hèn hạ trong việc kiếm tiền. Khi nhận việc ở trường của Maurice, cô đã ta
nói với ông ta, con nghĩ, một cách rất cao quý, ‘Nếu ông nghĩ tốt hơn tôi nên
làm việc với tư cách một cô giáo được trả lương, tôi sẽ nhận bất kỳ khoản lương
nào theo ý ông; nếu không, tôi sẵn sàng làm công việc miễn phí và không nhận
bất kỳ thứ gì.” Đôi khi một tiểu thư còn là một tiểu thư cao quý; và nàng tiểu
thư đó khó bị giết chết; nhưng nàng ta phải bị giết, như Sophia nhận ra, nếu
Sophia muốn đi vào cái thiên đường đó, nơi “nhiều cô gái đi loanh quanh London
lúc nào và ở nơi nào họ thích”, cái “Vườn địa đàng” đó, trường Cao đẳng Queen’s, phố Harley, nơi con gái của những
người đàn ông trí thức tận hưởng niềm hạnh phúc “không phải của các tiểu thư mà
của những bà hoàng – công việc và sự độc lập!”XXXVI Do vậy bản năng đầu
tiên của Sophia là giết chết nàng tiểu thư;XXXVII nhưng khi nàng tiểu thư bị giết chết,
người phụ nữ vẫn còn đó. Chúng ta có thể nhìn thấy cô ta, đang che giấu và viện
cớ cho chứng bệnh của sự quyến luyến ấu trĩ, một cách rõ ràng hơn hai trường
hợp kia. Đó là người phụ nữ, con người mà giới tính của cô ta khiến cô ta xem
bổn phận thiêng liêng của mình là hy sinh bản thân cho cha mình, người mà Charlotte
Brontë và Elizabeth Barrett phải giết chết. Nếu khó mà giết được nàng tiểu thư,
việc giết người phụ nữ thậm chí còn khó hơn. Lúc đầu Charlotte thấy điều đó hầu như bất khả. Cô đã
từ chối người tình của mình “…suy nghĩ như thế cho cha mình, và không ích kỷ vì
bản thân mình, cô gạt sang bên mọi quan tâm tới việc cô sẽ đáp lại bằng cách
nào, ngoại trừ như ông ta mong muốn.” Cô yêu Arthur Nicholls; nhưng cô đã từ
chối ông ta. “…cô giữ cho bản thân mình đơn giản là thụ động, trong chừng mực
lời nói và hành động, trong khi cô gánh chịu nỗi đau mãnh liệt từ những diễn tả
mạnh mẽ mà cha cô sử dụng khi nói về ông Nicholls.” Cô chờ đợi; cô đau khổ; cho
tới “Thời điểm mà Kẻ chinh phục vĩ đại,” như lời của bà Gaskell “giành được
thắng lợi của ông ta trước thành kiến và quyết tâm mạnh mẽ của con người.” Cha
cô đã từ chối. Tuy nhiên, Kẻ chinh phục vĩ đại đã gặp đối thủ ngang tài ngang
sức ở trường hợp ông Barrett; Elizabeth Barrett đã chờ đợi; Elizabeth
đã đau khổ; cuối cùng Elizabeth
bỏ trốn.
Sức mạnh cực độ của những cảm xúc mà sự
quyến luyến ấu trĩ tạo ra được chứng minh bởi ba trường hợp này. Nó đáng chú ý,
chúng ta đồng ý. Nó là một sức mạnh có thể đàn áp không chỉ Charlotte Brontë mà
cả Arthur Nicholls; không chỉ Elizabeth Barrett mà cả Robert Browning. Nó là
một sức mạnh có thể chiến đấu với tình cảm say đắm nhất trong những tình cảm
của loài người – tình yêu giữa nam và nữ; và có thể buộc những người con trai
và con gái thông minh dũng cảm nhất ở thời Victoria phải run sợ trước mặt nó;
phải lừa người cha; phải dối trá với người cha; rồi sau đó chạy trốn khỏi người
cha. Nhưng sức mạnh đáng sợ này từ đâu mà có? Một phần, như các trường hợp này
làm rõ, từ thực tế rằng sự quyến luyến ấu trĩ được xã hội bảo vệ. Tự nhiên,
luật pháp và tài sản, tất cả đều sẵn sàng bào chữa và che đậy nó. Ông Barrett, ông
Jex-Blake và đức cha Patrick dễ dàng tự che đậy bản chất thật của những cảm xúc
của họ. Nếu họ muốn rằng con gái của họ nên ở nhà, xã hội đồng ý rằng họ đúng.
Nếu cô con gái phản đối, khi đó tự nhiên xuất hiện để giúp họ. Một cô con gái
rời bỏ cha mình là một cô con gái không tự nhiên, nữ tính của cô ta đáng ngờ.
Nếu cô ta khăng khăng hơn nữa, khi đó luật pháp sẽ tới để giúp ông ta. Một cô
con gái rời khỏi cha mình không có phương tiện nào để hỗ trợ cho cô ta. Những
nghề nghiệp hợp pháp đóng sập cửa trước cô ta. Cuối cùng, nếu cô ta kiếm sống
từ một nghề mở ra cho cô ta, cái nghề cũ xưa nhất trong tất cả các nghề, cô ta
đã đánh mất nữ tính của mình. Không thể có câu hỏi nào – sự quyến luyến ấu trĩ
rất mạnh mẽ, ngay cả khi một người mẹ nhiễm phải nó. Nhưng khi một người cha
nhiễm phải, nó có một sức mạnh gấp ba lần; ông ta có một tự nhiên để bảo vệ ông
ta; luật pháp để bảo vệ ông ta; và tài sản để bảo vệ ông ta. Được bảo vệ như
thế nên đức cha Patrick Brontë hoàn toàn có khả năng gây ra “nỗi đau mãnh liệt”
cho cô con gái Charlotte suốt nhiều tháng, và đánh cắp nhiều tháng của niềm
hạnh phúc hôn nhân ngắn ngủi của cô mà không gánh chịu bất kỳ chỉ trích nào từ
xã hội mà trong đó ông ta thực hành nghề nghiệp của một mục sư của Giáo hội
Anh; dù nếu ông ta hành hạ một con chó hay đánh cắp một cái đồng hồ, cũng xã
hội đó sẽ tước chức vụ của ông và loại bỏ ông ta. Dường như xã hội cũng là một
ông bố, và nó cũng khổ sở với sự quyến luyến ấu trĩ.
Vì xã hội bảo vệ và thật sự bào chữa
cho những nạn nhân của sự quyến luyến ấu trĩ hồi thế kỷ 19, không có gì đáng
ngạc nhiên khi chứng bệnh này, dù không được đặt tên, lan tràn khắp chốn. Khi
mở bất kỳ tiểu sử nào ra chúng ta đều hầu như luôn tìm thấy những triệu chứng
quen thuộc – người cha phản đối hôn nhân của con gái; người cha phản đối việc
con gái của ông ta kiếm sống. Ước mong của cô ta, dù là kết hôn hay kiếm sống,
khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ trong ông ta; và ông ta đưa ra cùng những lời bào chữa
cho cảm xúc mạnh đó; nàng tiểu thư sẽ hạ thấp địa vị tiểu thư của mình; người
phụ nữ sẽ làm tổn thương nữ tính của cô ta. Nhưng thỉnh thoảng, rất hiếm hoi,
chúng ta tìm thấy một người cha hoàn toàn miễn nhiễm với chứng bệnh này. Những
kết quả do vậy cực kỳ thú vị. Có trường hợp của ông Leigh Smith.XXXVIII
Quý ông này sống cùng thời với ông Jex-Blake, và có cùng tầng lớp xuất thân. Cả
ông ta cũng có tài sản ở Sussex;
cả ông ta, cũng có một đàn ngựa và những cỗ xe; và cả ông ta nữa, cũng có con
cái. Nhưng tới đó sự giống nhau kết thúc. Ông Leigh Smith sống hết mình vì con
cái của ông; ông phản đối các trường học; ông giữ lũ trẻ tại nhà. Việc thảo
luận về các phương pháp giáo dục của ông Leigh Smith sẽ rất thú vị; ông làm sao
có những người thầy để dạy chúng; ông đã đưa chúng đi cùng trên những chuyến
hành trình dài hàng năm tới khắp nơi ở nước Anh trong một cỗ xe lớn ra sao.
Nhưng như nhiều nhà thực nghiệm, thông tin về ông Leigh Smith vẫn còn mơ hồ; và
chúng ta phải tự hài lòng với sự kiện rằng ông “đã giữ một quan điểm khác
thường rằng các cô con gái nên có một khoản cung cấp ngang với các cậu con
trai.” Ông hoàn toàn miễn nhiễm với sự quyến luyến ấu trĩ đến độ “ông không làm
theo kế hoạch thông thường trong việc thanh toán các hóa đơn cho các cô con gái
và thỉnh thoảng cho chúng một món quà, mà khi Barbara tới tuổi thành niên vào
năm 1848, ông cho cô một khoản trợ cấp 300 bảng một năm.” Những kết quả của sự
miễn nhiễm với chứng bệnh quyến luyến ấu trĩ này thật đáng chú ý. Vì “xem tiền
của mình là một khả năng để làm đều thiện, một trong những sử dụng đầu tiên mà
Barbara thực hiện là giáo dục.” Cô thành lập một trường trung học; một trường
học mở ra không chỉ cho các giới tính và tầng lớp khác nhau, mà cả những tín
ngưỡng khác nhau; Công giáo La Mã, Do Thái và “học sinh từ những gia đình có tư
duy tự do” đều được nhập học. “Đó là một trường học khác thường nhất” một
trường học của “kẻ ngoại cuộc”. Nhưng đó không phải là tất cả mọi nỗ lực của cô
dựa trên ba trăm bảng một năm. Việc này đưa tới việc kia. Một người bạn, với sự
giúp đỡ của cô, mở một lớp học hợp tác ban đêm để các quý bà quý cô “vẽ từ một
người mẫu lõa thể.” Năm 1858 chỉ có một lớp học đời sống ở London mở ra cho phụ nữ. Rồi sau đó một thỉnh
nguyện được đệ trình lên Hàn lâm viện Hoàng gia; các ngôi trường của nó đã được
thật sự mở ra cho phụ nữ vào năm 1861, dù như rất thường xảy ra là chỉ có trên
danh nghĩa;XXXIX
kế tiếp Barbara đặt vấn đề với các luật pháp liên quan tới phụ nữ; khiến vào
năm 1871 những phụ nữ kết hôn thật sự được cho phép làm chủ tài sản của họ; và
cuối cùng cô giúp cô Davies thành lập trường Girton. Khi chúng ta suy ngẫm về
những gì mà một người cha miễn nhiễm với sự quyến luyến ấu trĩ có thể làm bằng
cách cho một cô con gái 300 bảng một năm chúng ta không cần ngạc nhiên rằng hầu
hết những người cha cứng rắn đều từ chối cho con gái họ hơn 40 bảng một năm
cộng với nơi ăn ngủ.
Vậy sự quyến luyến ấu trĩ ở những
người cha rõ ràng là một lực lượng mạnh mẽ, và càng mạnh hơn vì nó là sức mạnh
được che đậy. Nhưng những người cha đã bị đối đầu, và thế kỷ 19 bị lôi đi, bởi
một lực lượng mà tới lượt nó cũng đã trở nên mạnh mẽ đến độ có nhiều hy vọng
rằng những nhà tâm lý học sẽ tìm ra một cái tên nào đó cho nó. Những cái tên cũ
như chúng ta đã thấy đều phù phiếm và sai. “Chủ nghĩa nữ quyền”, chúng ta phải
tiêu diệt. “Giải phóng phụ nữ” cũng không diễn tả được điều gì và đồi bại không
kém. Nói rằng các cô con gái bị kích động một cách hấp tấp bởi những nguyên tắc
chống phát xít là đơn giản lặp lại biệt ngữ thời thượng và đáng tởm hiện tại.
Gọi họ là những chiến sĩ của tự do trí tuệ và văn hóa là phủ đầy bầu không khí
với bụi của những giảng đường và sự nhếch nhác ẩm ướt của những cuộc họp công
cộng. Hơn nữa, không một nhãn hiệu nào trong số này diễn tả được những cảm xúc
thật đã khơi gợi sự phản đối của các cô con gái đối với sự quyến luyến ấu trĩ
của những ông bố, vì, như tiểu sử cho thấy, sau lưng lực lượng đó là nhiều cảm
xúc khác nhau và nhiều cảm xúc trái ngược nhau. Những giọt lệ nằm sau lưng nó,
tất nhiên – những giọt lệ, những giọt lệ cay đắng: lệ của những người mà khát
khao của họ đối với kiến thức là vô ích. Một cô con gái khao khát học hóa học;
những cuốn sách ở nhà chỉ dạy cho cô ta thuật giả kim. Cô ta “khóc cay đắng vì
không được học các thứ.” Nỗi khát khao cho một tình yêu công khai và lý trí
cũng nằm sau lưng nó. Lại là những giọt lệ – những giọt lệ giận dữ. “Cô ta ném
người lên giường trong nước mắt…” ‘Ôi,’ cô ta nói, ‘Harry đang ở trên mái nhà.’
Tôi hỏi: ‘Harry là ai?’; ‘mái nhà nào? Vì sao?’ Cô ta đáp: ‘Ồ, đừng ngốc thế,
anh ta phải đi.’”XL Nhưng một lần nữa nỗi khát khao không
phải với tình yêu, dẫn tới một sự tồn tại hợp lý mà không có tình yêu nằm sau
lưng nó. “Tôi xin khiêm tốn thú tội… Bản thân tôi không biết gì về tình yêu,”XLI
một người trong số họ viết. Một lời thú tội lạ lùng nhưng quan trọng từ một
người của tầng lớp mà nghề của họ trong suốt nhiều thế kỷ là kết hôn. Một số
khác muốn du lịch; thám hiểm châu Phi; đào bới cổ vật ở Hy Lạp và Palestin. Một
số muốn học nhạc, không phải để khuấy động bầu không khí trong nhà, mà để soạn
nhạc – những bản giao hưởng, opera, tứ tấu. Số khác muốn học vẽ, không phải
những ngôi nhà đầy dây thường xuân che phủ, mà là những thân hình lõa thể. Tất
cả bọn họ đều muốn – nhưng một từ làm sao có thể tóm tắt nhiều thứ khác nhau mà
họ muốn, và đã muốn, một cách có ý thức hay vô ý thức, trong suốt bao lâu?
Những nhãn hiệu của Josephine Butler — Công lý, Bình đẳng, Tự do – là một thứ tốt
đẹp; nhưng nó chỉ là một nhãn hiệu, và trong thời đại có vô số nhãn hiệu, vô số
nhãn hiệu đa màu sắc của chúng ta, chúng ta đã trở nên nghi ngờ những nhãn hiệu;
chúng giết chết và làm thui chột. Cả cái từ cũ kỹ “tự do” cũng không ích gì, vì
nó không phải là tự do ở ý nghĩa của thứ giấy phép mà họ muốn; họ muốn, như Antigone,
không phải là vi phạm luật, mà là tìm ra luật.XLII Dốt nát về những
động cơ của con người và được cung cấp một cách yếu ớt những ngôn từ như chúng
ta, chúng ta hãy thừa nhận rằng không có từ nào diễn tả được cái lực lượng mà
trong thế kỷ 19 đã tự đứng lên chống lại lực lượng của các ông bố. Tất cả những
gì chúng ta có thể nói một cách an toàn về lực lượng đó là: nó là một lực lượng
có sức mạnh rất lớn lao. Nó buộc cánh cửa của những ngôi nhà riêng mở ra. Nó mở
ra phố Bond và phố Piccadilly; nó mở ra những sân crickê và sân bóng đá; nó khiến
những đường viền ren ở váy và những chiếc nịt ngực co lại; nó khiến cho cái
nghề xưa nhất trần gian (nhưng Whitaker không cung cấp con số nào) trở nên
không đáng khai thác. Nói tóm lại, trong vòng năm mươi năm, lực lượng đó biến
cuộc đời đã được sống bởi phu nhân Lovelace và Gertrude Bell trở thành không thể
sống nổi, và hầu như không thể tin nổi. Những ông bố, kẻ đã chiến thắng những
cảm xúc mạnh mẽ nhất của những người đàn ông mạnh mẽ, phải đầu hàng.
Nếu sự dừng phắt lại đó là kết thúc
của câu chuyện, tiếng đóng sập cuối cùng của cánh cửa, chúng ta có thể lập tức
quay sang lá thư của ông, thưa ông, và quay sang mẫu đơn mà ông đã yêu cầu
chúng tôi điền vào. Nhưng nó không phải là kết thúc; nó là sự bắt đầu. Thật ra,
dù chúng ta đã sử dụng thì quá khứ, chúng ta sẽ sớm nhận ra chúng ta đang sử
dụng thì hiện tại. Những ông bố ở ngôi nhà riêng, đúng thế, đã đầu hàng; nhưng
những ông bố ở nơi công cộng, kết hợp thành một khối trong các hiệp hội, các
nghề nghiệp, thì thậm chí còn nhiễm nặng chứng bệnh chết người hơn những ông bố
ở ngôi nhà riêng. Chứng bệnh này đã có một động cơ, đã tự kết nối với một quyền
lợi, một khái niệm, khiến nó vẫn độc hại ở phía ngoài ngôi nhà hơn là bên
trong. Mong muốn chăm lo cho vợ và con – động cơ nào có thể mạnh mẽ hơn, có gốc
rễ sâu hơn? Vì nó được kết nối với chính nam tính – một người đàn ông không
chăm lo nổi gia đình mình thất bại trong khái niệm về nam tính của ông ta. Và
không phải khái niệm đó đã ăn sâu trong ông ta không kém khái niệm về nữ tính
ăn sâu trong con gái của ông ta hay sao? Chính những động cơ đó, những quyền và
khái niệm đó hiện đang bị thách thức. Để bảo vệ chúng, và từ những người phụ
nữ, đã cho, và đang cho và nâng nó hầu như không thể nghi ngờ lên một cảm xúc
có lẽ nằm bên dưới cấp độ của tư duy có ý thức nhưng chắc chắn là hung tợn
nhất. Ngay khi quyền thực hành nghề nghiệp của vị giáo sĩ bị thách thức, sự
quyến luyến ấu trĩ phát triển thành một cảm xúc nặng nề và trầm trọng mà với nó
cái tên kiêng kỵ giới tính được áp dụng một cách khoa học. Hãy đơn cử hai ví
dụ, một riêng tư, một công cộng. Một học giả “phải đánh dấu việc ông ta phản
đối sự tiếp nhận phụ nữ vào trường đại học bằng cách từ chối bước vào trường
cao đẳng hay thành phố dấu yêu của mình.” XLIII Một bệnh viện phải từ chối lời đề nghị
cung cấp một học bổng vì nó được đưa ra bởi một người phụ nữ đại diện cho nữ
giới.XLIV
Chúng ta có thể nghi ngờ cả hai hành động đó được khơi gợi bởi ý thức về sự xấu
hổ mà, như Giáo sư Grensted nói, “không thể xem xét dưới bất kỳ ánh sáng nào
khác ngoài một sự kiêng kỵ giới tính phi lý” hay không? Nhưng vì chính bản thân
cảm xúc đó đã gia tăng sức mạnh, việc kêu gọi sự giúp đỡ của các đồng minh mạnh
hơn trở nên cần thiết để bào chữa và che đậy nó. Tự nhiên được triệu tập; Tự
nhiên mà được khẳng định là không chỉ thông suốt mọi sự mà còn bất biến, đã
khiến cho bộ não của phụ nữ có hình dáng hay kích thước sai. Bertrand Russell
viết: “Có thể khuyên bất kỳ một ai khao khát thú tiêu khiển hãy nhìn lên những
lời tuyên bố mâu thuẫn của những chuyên gia về sọ trong những nỗ lực nhằm chứng
minh từ các phép đo lường não rằng phụ nữ ngu ngốc hơn đàn ông.”XLV
Khoa học dường như không phải là vô giới tính; nó là một gã đàn ông, một ông
bố, và cũng bị nhiễm bệnh. Khoa học, bị nhiễm bệnh như thế, sản sinh ta những
phép đo lường để ra lệnh: bộ não quá nhỏ để kiểm tra. Nhiều năm chờ đợi đã trôi
qua trước khi những cánh cổng thiêng liêng của các trường đại học và bệnh viện
được phép có những bộ não mà các giáo sư đã bảo rằng Tự nhiên đã biến thành không
có khả năng vượt qua những kỳ thi để thí nghiệm. Khi cuối cùng được phép, các cuộc
thi đã có người vượt qua. Một bản sanh sách dài và ảm đạm của những thắng lợi
cằn cỗi nếu cần thiết nằm cùng với những dĩa hát vỡ khác trong những văn khố
trường cao đẳng,XLVI và những bà hiệu trưởng bị quấy rầy
tiếp tục tham khảo chúng, khi muốn có chứng cứ chính thức về sự tầm thường hoàn
hảo. Tự nhiên vẫn tiếp tục phản đối. Bộ não có thể vượt qua những kỳ thi không
phải là một bộ não sáng tạo; một bộ não có thể gánh chịu trách nhiệm và kiếm
được những khoản lương cao nhất. Nó là một bộ não thực hành, một bộ não loại
xoàng, một bộ não được lọc cho công việc hàng ngày dưới mệnh lệnh của một kẻ
cấp trên. Và vì các nghề chuyên môn bị khép kín, điều đó là không thể phủ nhận —
các cô con gái không thống trị các Đế chế, ra lệnh cho những đoàn tàu, hay đưa
các đội quân tới chiến thắng; chỉ có vài quyển sách tầm thường chứng thực cho
năng lực chuyên môn của họ, vì văn học là nghề duy nhất đã mở ra cho họ. Và,
thêm nữa, bất kể bộ não có thể làm gì khi các nghề đã mở ra với nó, cơ thể vẫn
còn như cũ. Tự nhiên, các giáo sĩ nói, với sự minh triết vô hạn của mình, đã
đặt ra một lề luật bất biến rằng đàn ông là kẻ sáng tạo. Anh ta tận hưởng; cô
ta chỉ cam chịu một cách thụ động. Đau đớn có lợi hơn lạc thú đối với cơ thể
cam chịu. Bertrand Russell viết: “Các quan điểm của những người đàn ông hành
nghề y đối với việc mang thai, sinh con và tiết sữa cho tới khá gần đây thấm
đẫm chất bạo dâm. Ví dụ, nó đòi hỏi nhiều chứng cứ để thuyết phục họ rằng thuốc
gây mê có thể được sử dụng trong sinh sản hơn là nó sẽ đòi hỏi để thuyết phục họ
theo hướng ngược lại.” Khoa học lập luận như thế, các giáo sư nhất trí như thế.
Và khi cuối cùng các cô con gái ngắt lời, Nhưng không phải bộ não và cơ thể
chịu ảnh hưởng của sự rèn luyện sao? Không phải con thỏ rừng khác với con thỏ
trong chuồng sao? Và phải chăng chúng tôi không được, phải chăng chúng tôi
không thể thay đổi bản chất bất biến này? Bằng cách đốt lên một que diêm, sương
giá bị thách thức; Bản án tử hình của Tự nhiên bị hoãn lại. Và quả trứng điểm
tâm, họ khăng khăng, có phải nó hoàn toàn là công việc của con gà trống? Nếu
không có lòng đỏ, không có lòng trắng, hỡi những giáo sĩ và giáo sư, những bữa
điểm tâm của các vị sẽ bổ dưỡng tới mức nào? Khi đó các giáo sĩ và giáo sư cùng
đồng thanh ngâm nga một cách nghiêm trang: Nhưng bản thân việc sinh con, các bà
không thể khước từ gánh nặng đó, đã được đặt lên mỗi một mình người phụ nữ. Họ
không thể khước từ nó cũng không thể mong muốn từ bỏ nó. Họ vẫn tuyên bố, tham khảo các số liệu thống
kê trong những quyển sách, thời gian bị chiếm bởi người phụ nữ khi sinh con dưới
những điều kiện hiện đại – hãy nhớ chúng ta hiện đang ở trong thế kỷ 20 – chỉ
là một phần nhỏ.XLVII Cái phần nhỏ đó có khiến cho chúng tôi
trở nên thiếu khả năng làm việc ở phố Whitehall, trên những cánh đồng và trong
những công xưởng hay không, khi đất nước chúng ta gặp nguy cơ? Các ông bố trả
lời: Chiến tranh đã kết thúc; hiện giờ chúng ta đang ở nước Anh.
Và nếu bây giờ, thưa ông, chúng ta tạm
dừng ở nước Anh, bật tin tức hàng ngày trên radio lên, chúng ta sẽ nghe thấy câu
trả lời nào của những ông bố bị nhiễm chứng quyến luyến ấu trĩ hiện đang được
đưa ra cho những câu hỏi đó. “Những ngôi nhà là nơi chốn thật sự cho phụ nữ…
Hãy để cho họ quay trở về nhà của họ… Chính phủ nên trao công việc cho đàn ông…
Một phản đối mạnh mẽ đã được đưa ra bởi Bộ Lao động… Phụ nữ không được cai trị
đàn ông… Có hai thế giới, một cho những người phụ nữ, thế giới kia cho những
người đàn ông… Hãy để họ học cách nấu những bữa ăn của chúng ta… Phụ nữ đã thất
bại… Họ đã thất bại… Họ đã thất bại…”
Thậm chí ngay bây giờ, tiếng gào thét,
tiếng kêu la phản đối mà sự quyến luyến ấu trĩ đang tạo ra ngay cả tại đây vẫn ầm
ĩ đến nỗi chúng tôi hầu như không thể nghe tiếng nói của chính mình; nó tước
những ngôn từ khỏi miệng chúng tôi; nó buộc chúng tôi nói những điều chúng tôi
chưa từng nói. Trong lúc chúng tôi lắng nghe những giọng nói, dường như chúng
tôi nghe thấy tiếng khóc của một em bé sơ sinh trong đêm, cái đêm đen kịt hiện
đang bao trùm nước Anh, và không bằng ngôn ngữ nào ngoài một tiếng khóc, Ay,
ay, ay, ay…. Nhưng nó không phải là một tiếng khóc mới, nó là một tiếng khóc
rất xưa cũ. Chúng ta hãy tắt radio và lắng nghe quá khứ. Lúc này chúng ta đang
ở Hy Lạp, Chúa Jesus chưa ra đời, cả Thánh Paul cũng thế. Nhưng lắng nghe nào:
“Bất cứ người nào thành phố có thể bổ
nhiệm, người đó phải được tuân lệnh, cả những điều nhỏ nhặt lẫn lớn lao, điều công bằng cũng như bất công… bất tuân là tội ác xấu xa nhất… Chúng ta phải
ủng hộ chính nghĩa của trật tự, và không để một phụ nữ đánh bại chúng ta trong
bất kỳ trường hợp nào… Họ phải là phụ nữ, và không thể có địa vị cao. Hãy đưa
họ vào hàng ngũ tôi đòi.” Đó là giọng nói của Creon, tên độc tài. Antigone, con
gái của hắn, trả lời: “Không có luật pháp nào như thế được đặt ra giữa con
người bởi vị phán quan cư ngụ cùng các thánh thần bên dưới.” Nhưng nàng không
có cả thủ đô lẫn sức mạnh để yểm trợ sau lưng. Và Creon nói: “Ta sẽ đưa nó tới
nơi có con đường vắng vẻ nhất và giấu nó, còn sống, trong một cái hầm đá.” Và
hắn nhốt nàng không phải ở Holloway hay ở một trại tập trung, mà là một hầm mộ.
Và chúng ta đọc thấy Creon phá hủy chính ngôi nhà của hắn và khiến cho những
thi thể nằm vương vải khắp nơi trên mặt đất. Dường như, thưa ông, khi chúng ta
lắng nghe giọng nói của quá khứ, như thể chúng ta lại nhìn vào những tấm ảnh
một lần nữa, và tấm ảnh những thi thể và những ngôi nhà đổ nát mà Chính phủ Tây
Ban Nha gửi cho chúng ta hầu như hàng tuần. Dường như mọi sự lặp lại chính
chúng. Những tấm ảnh và những giọng nói ngày nay cũng giống hệt như chúng cách
đây hơn 2000 năm.
Vậy đó là kết luận mà thắc mắc của
chúng ta về bản chất của nỗi sợ hãi đã đưa chúng ta tới – nỗi sợ hãi ngăn cấm
sự tự do trong ngôi nhà riêng. Nỗi sợ đó, dù nhỏ bé và tầm thường, gắn liền với
một nỗi sợ khác, nỗi sợ công cộng, vốn không nhỏ bé hay tầm thường chút nào,
nỗi sợ đã dẫn ông tới chỗ yêu cầu chúng tôi giúp ông ngăn chận chiến tranh. Mặt
khác lẽ ra chúng ta không nên nhìn lại tấm ảnh nữa. Nhưng nó không phải là tấm
ảnh đã khiến chúng ta có cùng những cảm xúc ở đầu lá thư này – ông đã gọi chúng
là “kinh khủng và ghê tởm”; chúng ta đã gọi chúng là kinh khủng và ghê tởm. Vì
khi lá thư này được gửi đi, cộng thêm thực tế vào thực tế, một tấm ảnh khác tự
nó hiện ra ở cận cảnh. Nó là một nhân vật đàn ông; một số nói, số khác khước
từ, rằng hắn ta chính là bản thân Đàn ông,XLVIII tinh hoa của nam tính, kiểu mẫu hoàn
hảo mà so với nó mọi kiểu khác là những bản sao không hoàn hảo. Hắn chắc
chắn là một người đàn ông. Đôi mắt hắn thẫn thờ; đôi mắt hắn mở trừng
trừng. Thân hình hắn, với một tư thế không tự nhiên, khoác một bộ quân phục.
Trên ngực áo bộ quân phục đó đeo nhiều tấm huy chương và những biểu tượng bí ẩn
khác. Bàn tay hắn đặt lên một thanh kiếm. Tiếng Đức và tiếng Ý gọi hắn là
Führer hoặc Duce; ngôn ngữ của chúng ta gọi hắn là Bạo chúa hay Kẻ độc tài.
Và sau lưng hắn là những ngôi nhà đổ nát và những thi thể - đàn ông, đàn bà
và trẻ con. Nhưng chúng tôi không đặt bức ảnh đó ra trước mặt ông để gợi lại
một lần nữa cảm xúc căm ghét khô khan. Trái lại, nó nhằm mục đích làm giảm nhẹ
những cảm xúc khác mà nhân vật này, dù chỉ trong một tấm ảnh màu thô sơ, khuấy
động lên trong chúng ta, những con người. Vì nó đề xuất một kết nối và là một
kết nối rất quan trọng đối với chúng ta. Nó đề xuất rằng các thế giới công cộng
và riêng tư đều gắn kết chặt chẽ với nhau không thể tách rời; rằng những tên
bạo chúa và những kẻ nô lệ của thế giới này cũng là những tên bạo chúa và những
kẻ nô lệ của thế giới kia. Nhưng nhân vật dù chỉ trong một tấm ảnh này đề xuất
những cảm xúc khác phức tạp hơn. Nó đề xuất rằng chúng ta không thể phân ly
khỏi nhân vật đó mà bản thân chúng ta chính là nhân vật đó. Nó đề xuất rằng
chúng ta không phải là những khán giả thụ động cam chịu số phận tuân phục không
phản kháng mà bằng những ý nghĩ và hành động của mình, chúng ta có thể biến đổi
nhân vật đó. Một lợi ích chung đoàn kết chúng ta lại; nó là một thế giới, một
cuộc sống. Nó thiết yếu đến độ chúng ta nên nhận ra sự đoàn kết mà những thi
thể, những ngôi nhà đổ nát chứng minh. Bởi đó sẽ là sự sụp đổ của chúng ta nếu
ông, trong những khái niệm trừu tượng công cộng rộng lớn của mình, quên đi nhân
vật riêng tư, hoặc nếu chúng ta, trong sự căng thẳng của những cảm xúc riêng tư
quên đi thế giới công cộng. Cả hai ngôi nhà đều sụp đổ, ngôi nhà công cộng và
ngôi nhà riêng tư, vật chất và tinh thần, vì chúng nối kết với nhau không thể
cách ly. Nhưng với lá thư của ông trước mặt, chúng tôi có lý do để hy vọng. Bởi
bằng cách yêu cầu sự giúp đỡ của chúng tôi ông nhận ra sự nối kết đó; và bằng
cách đọc những từ của ông chúng tôi được nhắc nhở tới những nối kết khác nằm
sâu hơn những thực tế trên bề mặt. Ngay cả ở đây, ngay cả lúc này, lá thư của
ông cũng xui khiến chúng tôi khép kín hai tai với những thực tế nhỏ nhặt này, những
thực tế tầm thường này, để lắng nghe không phải tiếng súng râm ran hay tiếng
máy hát inh tai mà là giọng nói của những thi nhân, đang đáp lời nhau, đang
trấn an chúng ta về một khối thống nhất xóa bỏ mọi phân biệt như thể chúng chỉ
là những vết phấn; để thảo luận với ông về khả năng vượt qua những ranh giới và
tạo nên một khối thống nhất từ vô số mảnh của tinh thần con người. Nhưng đó sẽ
là mơ tưởng – mơ một giấc mơ lặp đi lặp lại vốn đã ám ảnh tâm trí con người từ
thuở hồng hoang; giấc mơ hòa bình, giấc mơ tự do. Nhưng, với những tiếng súng
vang dội trong tai, ông đã không yêu cầu chúng tôi mơ. Ông đã không hỏi chúng
tôi hòa bình là gì; ông đã hỏi chúng tôi làm thế nào để ngăn chận chiến tranh.
Vậy chúng ta hãy để cho những thi nhân nói cho chúng ta biết giấc mơ đó là gì;
và dán mắt lên tấm ảnh một lần nữa: thực tế. Bất kể những người khác đưa ra
phán quyết nào đối với người đàn ông mặc quân phục – và các ý kiến thì khác
nhau – có lá thư của ông ở đó để chứng minh rằng với ông bức ảnh này là bức ảnh
của cái ác. Và dù chúng ta nhìn bức ảnh từ những góc độ khác nhau kết luận của
chúng tôi cũng giống như của ông – nó là cái ác. Cả hai chúng ta đã quyết định
làm những gì chúng ta có thể để tiêu diệt cái ác mà bức ảnh đó đại diện, ông
bằng các phương pháp của ông, chúng tôi bằng những phương pháp của chúng tôi.
Và vì chúng tôi khác biệt, sự giúp đỡ của chúng tôi phải khác biệt. Chúng tôi
đã cố gắng chỉ ra sự giúp đỡ của chúng tôi có thể là gì – không cần phải nói nó
không hoàn hảo, nó nông cạn ra sao.XLIX Nhưng kết quả là câu trả lời cho câu
hỏi của ông phải là chúng tôi có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh tốt nhất
không phải bằng cách lặp lại những lời của ông và làm theo các phương pháp của
ông mà bằng cách tìm ra những từ mới và sáng tạo nên những phương pháp mới.
Chúng tôi có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh tốt nhất không phải bằng cách
tham gia hiệp hội của ông mà bằng cách ở lại bên ngoài hiệp hội của ông nhưng
hợp tác với mục đích của nó. Với hai chúng ta, mục đích đó là một. Đó là khẳng
định “những quyền lợi của tất cả – mọi đàn ông và phụ nữ, để tôn trọng trong cá
nhân họ những nguyên tắc của Công lý và Bình đẳng và Tự do.” Không cần thiết
phải nói thêm chi tiết nữa, vì chúng tôi có mọi niềm tin rằng ông diễn dịch
những từ đó giống như chúng tôi diễn dịch. Và những viện cớ là không cần thiết,
vì chúng tôi có thể tin ông sẽ trợ cấp cho những khoản thiếu hụt mà chúng ta đã
nói trước và lá thư này đã vạch ra một cách thừa thãi.
Vậy xin quay lại với mẫu đơn mà ông đã
gửi và yêu cầu chúng tôi điền vào: vì những lý do đã nêu chúng tôi sẽ không ký
nó. Nhưng để chứng minh càng thực chất càng tốt rằng mục đích của chúng tôi
cũng giống của ông, đây là một đồng ghi-nê, một món quà tự do, được cho đi một
cách tự do, không có bất kỳ điều kiện nào ngoài những gì ông chọn để tự áp đặt
cho mình. Nó là đồng ghi-nê thứ ba; nhưng ba đồng ghi-nê này, ông sẽ nhận ra,
dù được trao cho ba vị thủ quỹ khác nhau, tất cả đều được trao cho cùng một
chính nghĩa, vì những chính nghĩa đều giống nhau và không thể tách rời.
Bây giờ, vì ông chịu áp lực thời gian,
tôi xin được kết thúc; xin được ba người quý vị thứ lỗi ba lần, trước tiên vì
độ dài của lá thư này, thứ hai vì sự nhỏ nhoi của khoản đóng góp, và thứ ba
chính vì việc viết lá thư. Tuy nhiên trách nhiệm này đặt lên ông, vì lá thư này
không bao giờ được viết ra nếu ông không yêu cầu một câu trả lời cho thư của
ông.
Chú giải và tham khảo
I. Có thể hy vọng rằng
một người làm việc có phương pháp nào đó đã lập được một bộ sưu tập các bản
tuyên ngôn và các bản câu hỏi thăm dò phổ biến truyền qua đài phát thanh trong
hai năm 1936-7. Những tư nhân không có trình độ chính trị được mời ký những đơn
thỉnh nguyện yêu cầu chính phủ nước họ và các nước ngoài thay đổi chính sách;
các nghệ sĩ được yêu cầu điền những mẫu đơn phát biểu các quan hệ thích đánh
của họ với Nhà nước, tôn giáo, đạo đức; những bản cam kết yêu cầu nhà văn nên
dùng tiếng Anh đúng ngữ pháp và tránh những thể hiện thô tục; và những người
nằm mơ được mời tới để phân tích các giấc mơ của họ. Bằng cách khích lệ, nhìn
chung công chúng nhận được các kết quả trong báo chí hàng ngày hay hàng tuần.
Việc nói ra tác động của cuộc điều tra này đối với các chính phủ thuộc về nhà
chính khách. Với văn học, vì sản lượng những cuốn sách dồi dào, và dường như
ngữ pháp không tốt hơn cũng không tệ hơn, tác động khá mơ hồ. Nhưng cuộc điều
tra có lợi ích lớn về mặt tâm lý và xã hội. Có thể đoán nó bắt nguồn từ trạng
thái tinh thần do linh mục Inge đề xuất (The Rickman Godlee Lecture, tường
thuật trong tờ The Times, 23/11/), “trong
những lợi ích của chính chúng ta, chúng ta có đang di chuyển theo đúng hướng
hay không. Nếu chúng ta tiếp tục như đang làm hiện nay, con người ở tương lai
có siêu việt hơn chúng ta hay không?... Những người có suy nghĩ cân nhắc đang
bắt đầu nhận ra rằng trước khi tự chúc mừng chúng ta về việc tiến nhanh, chúng
ta nên biết chúng ta đang tiến tới đâu”: một sự tự bất mãn chung và ao ước
“sống khác biệt”. Nó cũng chỉ ra một cách gián tiếp cái chết của người đàn bà
quyến rũ, vị phu nhân khá lố lăng và thường là thuộc về tầng lớp thượng lưu đó,
kẻ mà bằng cách giữ cho cửa ngôi nhà mở ra với giới quý tộc, giới tài phiệt,
giới trí thức, giới dốt nát, vân vân, đã cố cung cấp cho mọi giai tầng một sân
chơi để trò chuyện hay một điểm hỗn tạp nơi họ có thể làm tươi mới lại tâm hồn,
thái độ và đạo đức một cách riêng tư hơn, và có lẽ hữu ích hơn. Vai trò mà
người phụ nữ quyến rũ đóng trong việc nâng cao văn hóa và tự do trí tuệ trong
thế kỷ 18 được lưu giữ lại bởi những sử gia có ý nghĩa khá quan trọng. Thậm chí
ngay trong thời đại của chúng ta nàng ta vẫn có những giá trị hữu ích. Nhân chứng
là W. B. Yeats — “Tôi thường ước rằng ông
ta [Synge] có thể sống đủ lâu để tận hưởng sự đồng cảm với những người phụ nữ
nhàn rỗi, quyến rũ, có học thức mà Balzac trong một trong những lời đề tặng của
mình gọi là ‘niềm an ủi chính của thiên tài’!” (Dramatis Personae, W. B.
Yeats, t. 127.) Tuy nhiên, phu nhân St Helier, người mà, giống như phu nhân
Jeune, đã bảo tồn truyền thống của thế kỷ 18, thông báo với chúng ta rằng “trứng chim choi choi giá 2 shiling 6 hào một
trứng, nước ép quả dâu tây, gà con… giờ hầu như được xem là một sự cần thiết
cho bất kỳ một ai nổi hứng muốn làm một bữa ăn ngon.” (1909); và nhận xét
của bà ta rằng “ngày tiếp khách rất nhọc
mệt… tôi cảm thấy mệt nhoài khi bảy giờ rưỡi tới, và vui mừng biết bao khi lúc
tám giờ tôi ngồi xuống và có một bữa ăn mặt đối mặt an bình với chồng tôi!”
(Memories of Fifty Years của Phu nhân St Helier, t. 3, 5, 182) có thể lý giải
vì sao những ngôi nhà như thế lại đóng kín cửa, vì sao những nữ chủ nhân như
thế chết, và do đó vì sao giới trí thức, giới
dốt nát, giới quý tộc, giới quan lại, giới tư sản, vân vân, bị thôi thúc
(trừ phi một ai đó sẽ làm sống lại xã hội đó trên một nền tảng kinh tế) phải
trò chuyện trước công chúng. Nhưng theo quan điểm của vô số những bản tuyên
ngôn và bản câu hỏi thăm dò đang lưu hành hiện giờ, sẽ là ngu xuẩn khi đề nghị
một kẻ khác thâm nhập vào tâm trí và động cơ của những nhà điều tra.
II. “Tuy nhiên ông ta đã bắt đầu thuyết giảng
hàng tuần từ ngày 13/5 (1844) ở trường cao đẳng Queen’s mà Maurice và các giáo
sư khác ở trường King’s đã thành lập một năm trước, cơ bản là để kiểm tra và
đào tạo các nữ gia sư. Kingsley sẵn sàng chia sẻ công việc ít phổ biến này vì
ông tin vào nền giáo dục cao hơn của phụ nữ.” (Charles Kingsley của
Margaret Farrand Thorp, t. 65.)
III. Tiếng Pháp, như
trích dẫn bên trên cho thấy, cũng tích cực như tiếng Anh trong việc lưu hành
các bản tuyên ngôn. Việc người Pháp – kẻ từ chối cho phép phụ nữ Pháp bầu cử,
và vẫn áp đặt lên họ những đạo luật hầu như khắc nghiệt không kém chi thời
trung cổ mà có thể nghiên cứu trong cuốn The Position of Women in Contemporary
France của Frances Clark – khẩn khoản yêu cầu phụ nữ Anh giúp họ bảo vệ tự do
và văn hóa hẳn phải gây kinh ngạc.
IV. Độ chính xác nghiêm
ngặt, ở đây hơi xung đột với nhịp điệu và luật hài âm, đòi hỏi từ “rượu
pooctô”. Một tấm ảnh trong nhật báo chụp “Những
quý ông Tây Ban Nha trong một Phòng họp của những bậc cao niên sau bữa ăn
(1937) cho thấy “một chiếc xe dọn thức ăn trong đó có cái bình cổ cong đựng
rượu pooctô băng qua một khoảng trống giữa những bữa ăn ở lò sưởi, và cứ thế
tiếp tục vòng tròn của nó mà không ngang qua mặt trời.” Một bức ảnh khác cho
thấy chiếc cốc “có đế” được sử dụng. Tập quán cổ của Oxford này quy định rằng kẻ đề cập tới những
chủ đề cụ thể ở Hall có thể bị phạt uống ba panh (0,5 lít) bia liền một hơi…”
Những ví dụ đó tự thân chúng đã đủ để chứng minh cây bút của một phụ nữ không
thể nào mô tả được cuộc sống ở một trường nam cao đẳng nếu không phạm phải
những thiếu sót không thể tha thứ trong phép xã giao. Nhưng các quý ông mà các tập
quán của họ thông thường là bắt chước, e là như vậy, sẽ mở rộng sự dộ lượng của
họ khi họ phản ánh rằng người nữ tiểu thuyết gia, bất kể có ý định tôn kính thế
nào, làm việc bên dưới những trở ngại vật chất nghiêm trọng. Nếu cô ta muốn, ví
dụ, mô tả một bữa đại tiệc ở Trinity, Cambridge,
cô ta phải “lắng nghe qua cái lỗ nhỏ để
nhìn qua tường của bà Butler (vợ của ông Hiệu
trưởng) những phát biểu diễn ra ở bữa tiệc được tổ chức ở trường Trinity College”. Nhận xét này được cô Haldane
đưa ra vào năm khi cô phản ánh rằng “Toàn
bộ khung cảnh hầu như giống với thời trung cổ.” (From One Century to
Another của E. Haldane, t. 235.)
V. Theo Whitaker có một
Hội văn học Hoàng gia và cũng có một Viện Hàn lâm Anh Quốc, cả hai đều là giả
đoán, vì chúng có văn phòng và quan chức, các cơ quan văn phòng, nhưng không
thể nói những khả năng của chúng là gì, vì nếu Whitaker không xác nhận sự tồn
tại của chúng, chắc chắn là sẽ không ai ngờ tới điều đó.
VI. Rõ ràng phụ nữ đã
bị trục xuất khỏi Phòng đọc của Viện bảo tàng Anh Quốc hồi thế kỷ 18. Thế này: “Cô Chudleigh khẩn nài được phép vào phòng
đọc. Người nữ sinh viên duy nhất đã vinh danh chúng ta là bà Macaulay; và quý
ngài có thể nhớ lại một sự kiện khiếm nhã thế nào đã xúc phạm tới sự tinh tế
của bà.” (Daniel Wray to Lord Harwicke, 22/10/ 1768. Nichols, Literary
Anecdotes of the Eighteenth Century, quyển I, t. 137.) Biên tập viên nói thêm ở
phần chú thích: “Câu này ám chỉ sự khiếm
nhã của một quý ông ở đó, với sự hiện diện của bà Macaulay; những người tham sự
sẽ không chịu đựng được sự lặp lại điều đó.”
VII. The Autobiography
and Letters of Mrs M. O. W. Oliphant, sắp xếp và biên tập bởi bà Harry Coghill.
Bà Oliphant (1825-97) “sống trong sự bối
rối liên tục do việc giáo dục và chăm nom các con của người anh trai góa vợ của
mình, cộng thêm hai con trai của chính bà….” (Dictionary of National
Biography.)
VIII. History of England của
Macaulay, quyển III, t. 278 (bản tiêu chuẩn).
IX. Ông Littlewood, cho
tới gần đây là nhà phê bình gây ấn tượng của tờ Morning Post, đã mô tả điều
kiện của báo chị hiện thời ở một bữa ăn do ông tổ chức hôm 6/12/ 1937. Ông
Littlewood nói: “Ông ta đã đấu tranh
trong mùa hoạt động và mùa nghỉ để có thêm nhiều không gian cho sân khấu trong
các chuyên mục của các tờ nhật báo London.
Chính phố Fleet, nơi mà giữa mười một giờ và mười hai giờ rưỡi, không kể trước
và sau đó, hàng ngàn ngôn từ và tư tưởng đẹp đẽ đã bị tàn sát một cách có hệ
thống. Số phận của ông ta trong ít nhất hai trong bốn thập kỷ là quay trở lại
cái lò sát sinh đó hàng đêm với viễn cảnh chắc chắn là người ta sẽ nói với ông
rằng tờ báo đã đầy những tin tức quan trọng và không còn chỗ cho bất kỳ thứ đẫm
máu nào về sân khấu. Điều may mắn của ông là thức giấc vào sáng hôm sau và nhận
ra mình có thể giải đáp cho những mảnh sứt sẹo còn lại của cái từng là một bài
điểm kịch hay… Đó không phải là lỗi của các ông trong văn phòng. Một số trong
bọn họ gạch bỏ bài với cây bút chì xanh trong lúc mắt rưng rưng. Thủ phạm thật
sự là cái công chúng to lớn không biết gì về sân khấu và người ta không thể
mong chờ sự quan tâm của nó.” The Times, 6/12/1937.
Ông
Douglas Jerrold đã mô tả cách xử sự của hoạt động chính trị trong báo giới: “Trong vài năm ngắn ngủi đó (giữa 1928-33] sự
thật đã rời bỏ phố Fleet. Bạn không bao giờ có thể nói hết sự thật vào mọi lúc.
Bạn không bao giờ có thể làm như thế. Nhưng bạn đã từng có thể ít nhất là nói
lên sự thật về các quốc gia khác. Trước 1933, bạn đã làm điều đó với những nguy
cơ. Hồi năm 1928 không có sức ép chính trị trực tiếp từ những người quảng cáo.
Ngày nay nó không chỉ trực tiếp mà còn đầy hiệu quả.”
Phê bình văn học dường như cũng nằm trong cùng trường hợp
và vì cùng một nguyên do: “Không có nhà
phê bình nào khiến công chúng có thêm bất kỳ niềm tin nào vào họ. Họ tin tưởng,
nếu có, vào những hội đọc sách khác nhau, và những tuyển chọn của các tờ báo cá
nhân, và nhìn chung họ khôn ngoan… Hội đọc sách là những người bán sách thẳng
thắn, và những tờ báo quốc gia lớn không đủ sức làm rối trí đọc giả của họ. Tất
cả bọn họ phải chọn những cuốn sách có, ở mức độ thị hiếu thịnh hành của công
chúng, một doanh số tiềm năng lớn.” (Georgian Adventure của Douglas
Jerrold, t. 282, 283, 298.)
X. Trong khi rõ ràng
rằng dưới những điều kiện của báo chí hiện tại, phê bình văn học phải là chưa
thỏa đáng, cũng rõ ràng rằng người ta không thể tạo ra một thay đổi nào nếu
không có sự thay đổi của cấu trúc kinh tế của xã hội và cấu trúc tâm lý của nhà
nghệ sĩ. Về mặt kinh tế, người điểm sách cần loan truyền về việc xuất bản một
cuốn sách với tiếng hét của một anh mõ của thị trấn: Ồ, vâng, ồ vâng, ồ vâng,
một cuốn sách thế đó thế đó đã được xuất bản, chủ đề của nó là cái này, cái nọ,
cái kia.” Về mặt tâm lý, sự phù phiếm và khát khao “được công nhận” vẫn còn
mạnh mẽ ở các nghệ sĩ đến độ khiến họ chết đói vì quảng cáo và bị khước từ
thường xuyên đọc nếu những chấn động của lời ca ngợi và khiển trách cũng nhanh
chóng lan rộng như việc đưa thỏ vào Úc: sự cân bằng của tự nhiên sẽ bị phá hỏng
và những hậu quả có thể rất nguy hiểm. Sự đề xuất trong văn bản là không đánh
bóng sự phê bình công cộng; mà bổ sung nó bằng một dịch vụ mới dựa trên ví dụ
củanghề nghiệp y khoa. Một nhóm nhà phê bình được tuyển dụng từ những người
điểm sách (nhiều người trong số đó là những nhà phê bình tiềm năng có thị hiếu
và hiểu biết sâu sắc) sẽ thực hành như những bác sĩ và trong sự riêng tư nghiêm
ngặt. Khi sự quảng bá bị từ bỏ, theo sau đó là phần lớn những thứ gây rối trí
và những thứ đồi bại sẽ không thể tránh khỏi khiến cho sự phê bình đương thời
trở nên vô giá trị đối với nhà văn sẽ được đánh bóng; mọi khích lệ để ca tụng
hay chê trách vì những lý do cá nhân sẽ bị tiêu diệt; doanh số hay sự phù hoa
sẽ không bị ảnh hưởng; tác giả có thể tham gia phê bình mà không cần quan tâm
tới tác động lên công chúng hay bằng hữu; nhà phê bình có thể phê bình mà không
cần quan tâm tới cây bút chì xanh của biên tập viên hay thị hiếu của công
chúng. Vì sự phê bình được khao khát nhiều ở người đang sống, như nhu cầu
thường xuyên đối với nó chứng minh, và vì những cuốn sách mới ra lò cũng cần
thiết cho tâm trí của nhà phê bình như thịt tươi cần thiết cho cơ thể của anh
ta, mỗi thứ đều sẽ đạt được; văn học có thể hưởng lợi. Những thuận lợi của hệ
thống phê bình công cộng hiện tại chủ yếu là về kinh tế; các tác động xấu về
mặt tâm lý được chỉ ra bởi hai điểm sách hàng quý nổi tiếng về Keats và Tennyson.
Keats bị chấn thương nghiêm trọng; và “tác
động lên chính bản thân Tennyson đang thâm nhập và kéo dài. Hành động đầu tiên
của ông là ngay lập tức rút lui khỏi tờ báo The Lover’s Tale... Chúng ta sẽ
phát hiện ra ông đang nghĩ tới việc hoàn toàn lìa bỏ nước Anh để sống ở nước
ngoài.” (Tennyson của Harold Nicolson, t. 118.) Ảnh hưởng của ông Churton
Collins lên Sir Edmund Gosse cũng khá giống như thế: “Sự tự tin của ông đã bị xói mòn, nhân cách của ông bị giảm thiểu… không
phải mọi người đang quan sát cuộc đấu tranh của ông xem như ông đã tận số hay
sao? Lý giải của chính ông về những cảm giác của mình là ông đang có cảm giác
rằng ông đã bị lột da trong khi còn sống.” (The Life and Letters of Sir
Edmund Gosse của Evan Charteris, t. 196.)
XI. “Một kẻ giật chuông
rồi bỏ chạy.” Cụm từ này đã được bịa đặt ra nhằm định nghĩa những kẻ lợi dụng
ngôn từ với mong muốn gây tổn thương nhưng đồng thời thoát khỏi sự phát hiện.
Trong một thời đại biến chuyển, khi nhiều phẩm chất đang thay đổi giá trị của
chúng, những từ mới để diễn tả các giá trị mới rất đáng ao ước. Sự phù hoa, ví
dụ, mà dường như sẽ dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng của sự độc ác và sự
chuyên chế, xét từ chứng cứ được cung cấp ở nước ngoài, vẫn còn được che đậy
bởi một cái tên với nhiều liên tưởng tầm thường. Một bổ sung cho từ điển tiếng
Anh Oxford là chỉ dấu.
XII. Memoir of Anne J.
Clough của B. A. Clough, t. 38, 67.
‘The Sparrow’s Nest’
của William Wordsworth.
XIII. Hồi thế kỷ 19,
nhiều công trình giá trị đã được thực hiện cho tầng lớp lao động bởi con gái
của những người đàn ông bằng phương tiện duy nhất mở ra cho họ lúc đó. Nhưng
hiện nay, khi một số trong số họ ít nhất cũng nhận được một nền giáo dục tốn
kém, có thể lập luận rằng họ có thể hoạt động hiệu quả hơn nhiều bằng cách ở
lại trong tầng lớp của mình và sử dụng những phương pháp của giai tầng đó để
cải thiện một giai tầng hiện đang rất cần được cải thiện. Mặt khác nếu những
người trí thức (như rất thường xảy ra) từ bỏ chính những phẩm chất mà giáo dục
có thể mang đến – lý trí, sự độ lượng, kiến thức – và đóng vai trò phụ thuộc
vào tầng lớp lao động và đi theo chính nghĩa của nó, họ chỉ phơi trần chính
nghĩa đó ra trước sự chế giễu của tầng lớp trí thức, và không làm gì để cải
thiện tầng lớp của chính họ. Nhưng số lượng sách được viết bởi những người trí
thức vè tầng lớp lao động dường như chỉ ra rằng sự quyến rũ của tầng lớp lao
động và sự khuây khỏa về mặt cảm xúc có được từ việc đi theo chính nghĩa của nó
ngày nay là bất khả cưỡng kháng đối với tầng lớp trung lưu giống như sự quyến
rũ của giới quý tộc hồi hai mươi năm trước. (xem A La Recherche du Temps
Perdu.) Đồng thời, sẽ rất thú vị khi biết người đàn ông hay phụ nữ thật sự xuất
thân từ giai tầng lao động nghĩ gì về những cậu con trái và cô con gái ăn chơi
của tầng lớp trí thức, những kẻ đi theo chính nghĩa của tầng lớp lao động mà
không hy sinh tư bản của tầng lớp trung lưu hay chia sẻ kinh nghiệm của tầng
lớp lao động. “Người phụ nữ nội trợ bình
thường,” theo bà Murphy, Giám đốc dịch vụ gia đình của Hiệp hội kinh doanh
khí đốt Anh, “rửa một mẫu Anh chén đĩa
dơ, một dặm ly tách và ba dặm quần áo và cọ rửa năm dặm sàn nhà mỗi năm.” (Daily
Telegraph, 29 /12/ 1937.) Để biết thêm lý giải chi tiết về tầng lớp lao động,
mới xem “Life as We Have Known It by Cooperative working women”, do Margaret Llewelyn
Davies biên tập. Quyển The Life of Joseph Wright cũng đưa ra một giải thích
trực tiếp đáng chú ý về đời sống của tầng lớp lao động không thông qua lăng
kính vô sản.
XIV. “Hôm qua đã có phát biểu ở Bộ chiến tranh
rằng Hội đồng quân sự không có ý định tuyển mộ bất kỳ binh đoàn nữ nào.” (The
Times, 22/10/1937.) Điều này đánh dấu một khác biệt chủ yếu giữa hai giới tính.
Chủ nghĩa hòa bình bị áp đặt lên phụ nữ. Đàn ông vẫn được phép tự do chọn lựa.
XV. Tuy nhiên, trích
dẫn sau đây chỉ ra rằng nếu được ủng hộ, bản năng chiến đấu dễ dàng phát triển.
“Đôi mắt chìm sâu trong hai hốc mắc, nét
mặt tinh nhanh, người nữ chiến binh giữ thân người thật thẳng trên bàn đạp ở
phía trước quân đoàn kỵ binh của mình… Năm vị Pháp quan Tối cao nhìn người phụ
nữ với sự ngưỡng mộ đầy tôn kính và có chút bồn chồn mà người ta cảm thấy đối
với một “con dã thú” thuộc một loài chưa được biết tới…
— Hãy tới gần hơn, Amalia — vị nữ chỉ huy ra lệnh. Cô
ta thúc ngựa về phía chúng tôi và vung gươm chào chỉ huy của mình.
— Trung sĩ Amalia Bonilla — vị nữ chỉ huy đoàn kỵ
binh nói tiếp — cô bao nhiêu tuổi? — Ba mươi sáu — Cô sinh ở đâu? — Ở Granada — Vì sao cô gia
nhập quân đội? — Hai con gái của tôi là nữ dân quân. Đứa trẻ hơn đã bị giết ở
Alto de Leon. Tôi nghĩ tôi phải thế chỗ cho nó và trả thù cho nó — Thế cô đã
giết được bao nhiêu kẻ thù để trả thù cho nó? — Bà biết điều đó, thưa chỉ huy,
năm. Tên thứ sáu thì không chắc — Không, nhưng cô đã cướp được ngựa của hắn. Thật
sự nữ chiến binh Amalia đang cưỡi một con ngựa đốm xám tuyệt vời, với bộ lông
bóng loáng, trông cứ như một con ngựa để duyệt binh… Người phụ nữ đã giết năm
tên nhưng không chắc chắn về tên thứ sáu này, đối với các công sứ của Thượng
viên là một người giới thiệu xuất sắc cho cuộc chiến Tây Ban Nha.” (The Martyrdom of Madrid, Inedited Witnesses của
Louis Delaprée, t. 34, 5, 6. Madrid,
1937)
XVI. Bằng phương tiện
chứng cứ, có thể thực hiện một nỗ lực để lý giải những lý do được đưa ra bởi
nhiều bộ trưởng của các Quốc hội khác nhau từ khoảng 1870 tới 1918 nhằm phản
đối Dự luật về quyền bầu cử. Một nỗ lực khả dĩ đã được thực hiện bởi bà Oliver
Strachey (xem chương ‘Sự lừa dối của chính trị” trong cuốn The Cause của bà
ta.)
XVII. “Chúng ta chỉ mới có địa vị pháp lý về dân
sự và chính trị trước Liên Hiệp từ năm 1935. Từ những báo cáo được trình lên về
vị trí của phụ nữ với tư cách người vợ, người mẹ và người nội trợ, ‘người ta đã
phát hiện một thực tế đáng buồn rằng vị trí kinh tế của bà ta ở nhiều nước (bao
gồm Anh) rất mất ổn định. Bà ta không có quyền hưởng lương hay tiền công và có
vô số bổn phận phải làm. Ở Anh, dù bà ta có thể cống hiến cả đời mình cho chồng
con, ông chồng của bà ta, bất kể giàu có tới đâu, có thể để mặc bà ta trong
tình trạng nghèo túng khi ông ta chết và bà ta không có một đền bù pháp lý nào.
Chúng ta phải thay đổi điều này – bằng pháp chế.” (Linda P. Littlejohn, thuật
lại trong The Listener, 10/11//1937)
XVIII. Định nghĩa đặc
thù này về công việc của phụ nữ không phải xuất phát từ một nguồn của Ý mà là
của Đức. Có rất nhiều phiên bản và tất cả đều giống nhau đến độ dường như không
cần thiết phải xác minh riêng rẻ từng phiên bản. Nhưng rất kỳ lạ khi thấy rằng
việc trích dẫn nó từ những nguồn ở Anh thật dễ dàng. Ví du ông Gerhardi viết
rằng: “Tôi chưa từng phạm sai lầm ở việc
xem những nữ văn sĩ là những nghệ sĩ nghiêm túc. Đúng hơn, tôi thưởng thức họ
như những người trợ giúp tinh thần, do được phú cho một khả năng nhạy cảm đối
với sự đánh giá, họ có thể giúp vài người trong số chúng ta, những kẻ đau khổ
với thiên tài, để vác cây thập giá của chúng ta với thái độ đàng hoàng. Vai trò
thật sự của họ, do đó, đúng hơn là trao cho chúng ta miếng bọt biển, làm trán
chúng ta mát lại, trong lúc chúng ta đổ máu. Nếu sự hiểu biết đồng cảm của họ
thật sự có thể áp dụng cho một công dụng lãng mạn hơn, chúng ta sẽ yêu quý họ
biết bao vì điều đó!” (Memoirs of a Polyglot của William Gerhardi, t. 320,
321.) Ý niệm này về vai trò của phụ nữ phù hợp gần như chính xác với câu đã
trích dẫn bên trên.
XIX. Nói một cách chính
xác, “một tấm thẻ bằng bạc lớn dưới hình
thức một con chim ưng của đế chế Đức… do Tổng thống Hindenburg chế tạo cho các
nhà khoa học và những công dân nổi bật khác… Nó không thể bị rách. Nó thường
được đặt trên bàn viết của người nhận.” (báo Daily, 21/4/1936)
XX. “Việc nhìn thấy một cô gái tự thỏa mãn mình với một cái bánh bao nhân
nho hay một ổ bánh mì kẹp thay cho bữa ăn trưa là chuyện thường tình và dù có
nhiều lý thuyết rằng đây là do sự chọn lựa… sự thật là họ thường không có đủ
tiền để ăn cho đúng cách.” (Careers and Openings for Women của Ray
Strachey, t. 74.) Cô E. Turner cũng so sánh: “... nhiều quan chức từng tự hỏi vì sao họ không hoàn thành công việc
của họ êm xuôi như trước. Người ta phát hiện ra rằng những nhân viên đánh máy
sơ cấp bị đuối sức vào buổi chiều vì họ chỉ có đủ tiền mua một quả táo và một
cái bánh mì kẹp cho bữa trưa. Những người tuyển dụng nên đáp ứng với giá cả
tăng vọt bằng cách tăng lương.” (The Times, 28/3/)
XXI. Thị trưởng phu
nhân của thành phố Woolwich (bà Kathleen Rance) phát biểu tại một cuộc hội chợ,
tờ Evening Standard tường thuật, 20/12/1937.
XXII. Cô E. R. Clarke, tường
thuật trong The Times, 24/12/1937.
XXIII. Tường thuật
trong Daily Herald, 15/8/1936.
XXIV. Canon F. R.
Barry, phát biểu tại một hội thảo do nhóm Giáo phái Anh tổ chức ở Oxford, tường thuật trong
The Times, 10/1/1933.
XXV. Nữ giáo đoàn, Báo
cáo của Hội đồng Tổng Giám mục. VII.
Secondary Schools and
Universities, t. 65.
XXVI. “Cô D. Carruthers, nữ hiệu trưởng trường
trung học Green, Isleworth, nói rằng có một ‘sự bất mãn rất nghiêm trọng” trong
các nữ sinh lớn tuổi về cách thức thực hiện tôn giáo có tổ chức. ‘Dường như
theo cách nào đó các giáo đường đã thất bại trong việc cung cấp các nhu cầu
tinh thần của những người trẻ tuổi.’ Cô nói: ‘Đó là một sai lầm dường như khá phổ biến ở tất cả các giáo đường.’”
(Sunday Times, 21/11/1937)
XXVII. Life of Charles
Gore của G. L. Prestige, D.D., t. 353.
XXVIII. Nữ giáo đoàn,
Báo cáo của Hội đồng Tổng Giám mục.
XXIX. Dù tài năng thiên
phú về tiên tri và về thi ca có cùng nguồn gốc hay không, đã có một khác biệt
hình thành giữa các tài năng và nghề nghiệp đó suốt nhiều thế kỷ. Nhưng thực tế
rằng Bài ca của những bài ca, tác phẩm của một thi nhân được đưa vào những cuốn
sách thiêng liêng, và những bài thơ và tiểu thuyết tuyên truyền, tác phẩm của
những nhà tiên tri nằm trong những cuốn sách thế tục, chỉ tới một kết luận.
Những người yêu mến văn học Anh chắc chắn cũng phải biết ơn vì Shakespeare sống
quá muộn để được Giáo hội phong thánh. Giá như những vở kịch được xếp vào hàng
những cuốn sách thiêng, chúng ắt phải nhận cùng một cách đối đãi như Kinh Cựu
ước và Tân ước; chúng ta hẳn sẽ nhận chúng một cách nhỏ giọt từng đoạn ngắn vào
những ngày Chủ nhật từ miệng của những
vị mục sư; khi thì một đoạn độc thoại của Hamlet; khi thì một đoạn đồi bại từ
ngòi bút của một nhà báo ngái ngủ nào đó; khi thì một khúc ca tục tĩu; khi thì
một nửa trang từ vở Antony và Cleopatra, như Kinh Cựu ước và Tân ước đã bị xén
thành từng lát và đặt xen lẫn với những bài thánh ca trong dịch vụ của Giáo hội
Anh; và hẳn Shakespeare cũng sẽ khó đọc như Kinh Thánh. Thế nhưng những ai từng
bị ép buộc nghe những phần bị chia cắt như thế từ thời thơ ấu hàng tuần khẳng
định rằng Kinh Thánh là một tác phẩm cực kỳ thú vị, cực kỳ đẹp đẻ và có ý nghĩa
sâu sa.
XXX. Nữ Giáo đoàn, Phụ lục
I. ‘Những quan tâm tâm lý và sinh lý cụ
thể’ của Professor Grensted, D.D., t. 79- 87.
XXXI. ‘”Hiện tại, một mục sư đã kết hôn có thể hoàn
thành những yêu cầu của lễ thụ phong, ‘để từ bỏ và gạt sang bên mọi quan tâm
thế tục và nghiên cứu,’ phần lớn là
vì vợ ông ta có thể thực hiện việc chăm nom nhà cửa và gia đình…” (Nữ giáo
đoàn, t.32)
Ở đây các Ủy viên Hội đồng phát biểu và chuẩn y một
nguyên tắc vốn thường xuyên được phát biểu và chuẩn y bởi những tên độc tài. Cả
Herr Hitler lẫn Signor Mussolini vẫn thường diễn tả với những từ rất giống thế
rằng “Có hai thế giới trong đời sống của một quốc gia, thế giới của đàn ông và
thế giới của đàn bà”; và đi đến một định nghĩa rất giống về những bổn phận. Tác
động của sự phân biệt này đối với phụ nữ; bản chất nhỏ nhen và cá nhân của
những quan tâm của cô ta; sự say mê của cô ta đối với thực hành; sự thiểu năng
hiển nhiên của cô ta đối với thi ca và mạo hiểm – tất cả những thứ này đã bị
biến thành nguyên vật liệu của rất nhiều cuốn tiểu thuyết, mục tiêu cho rất
nhiều lời châm biếm; đã khẳng định với rất nhiều lý thuyết gia với lý thuyết
rằng do quy luật tự nhiên, phụ nữ ít có tính chất tâm linh hơn đàn ông, rằng
không cần nói gì thêm để chứng minh rằng cô ta
đã thực hiện, dù sẵn lòng hay không sẵn lòng, phần chia của mình trong
bản hợp đồng. Nhưng có rất ít chú ý hướng tới tác động trí tuệ và tâm linh của
sự phân chia các bổn phận này đối với những kẻ có thể thông qua nó ““từ bỏ và
gạt sang bên mọi quan tâm thế tục và nghiên cứu.” Thế nhưng không thể ngờ gì
rằng nhờ sự chia tách này chúng ta có một lượng rất lớn những thiết bị và
phương pháp của chiến tranh, những phức tạp ghê gớm của thần học; lượng trầm
tích mênh mông của những chú thích ở dưới những văn bản tiếng Hy Lạp, Latin và
thậm chí tiếng Anh; vô số những hình chạm khắc, những ron ren và các thứ trang
trí không cần thiết của đồ nội thất và bát đĩa phổ biến của chúng ta ; những
khác biệt vô số giữa Debrett và Burke; và tất cả những vòng vèo lắt léo vô
nghĩa nhưng cực kỳ khéo léo mà trí tuệ tự cột nó vào đó khi dứt bỏ được “những
quan tâm tới việc nhà và gia đình”. Sự nhấn mạnh của cả những giáo sĩ lẫn những
tên độc tài lên sự cần thiết đối với hai thế giới đã đủ để chứng minh rằng nó
có tính chất thiết yếu đối với sự thống trị.
XXXII. Chứng cứ của bản
chất phức tạp của niềm thỏa mãn từ sự thống trị được cung cấp bởi trích dẫn
sau: “Chồng tôi khăng khăng rằng tôi phải
gọi ông ta là ‘Ngài’”, một phụ nữ nói ở Sở Cảnh sát Bristol vào hôm qua, khi bà ta xin một lệnh
cấp dưỡng. “Để giữ hòa bình, tôi phải
thực hiện yêu cầu của ông ta,” bà ta nói thêm. “Tôi còn phải lau ủng của ông ta, đi lấy dao cạo cho ông ta khi ông ta
cạo râu, và phải trả lời ngay lập tức khi ông ta đặt ra cho tôi những câu hỏi.”
Trong cùng trang báo của cùng tờ báo, nó thuật lại rằng Sir E. F. Fletcher đã
“hối thúc Hạ viện đứng lên chống lại những gã độc tài.” (Daily Herald, 1/8/1926)
Dường như điều này chỉ ra rằng lương tâm chung bao gồm người chồng, người vợ và
Hạ viện đang cảm thấy vào cùng một thời điểm một nỗi khát khao được thống trị,
một nhu cầu cần thực hiện để giữ hòa bình, và sự cần thiết của việc chế ngự
niềm khao khát thống trị - một xung đột tâm lý giúp lý giải nhiều thứ có vẻ như
mâu thuẫn và hỗn loạn trong quan điểm đương thời. Tất nhiên lạc thú của sự
thống trị còn trở nên phức tạp hơn bởi thực tế rằng nó vẫn, ở tầng lớp trí
thức, liên kết chặt chẽ với những lạc thú về tài sản, uy tín xã hội và nghề
nghiệp. Sự khác biệt giữa nó và những lạc thú tương đối đơn giản – như lạc thú
đi tản bộ ở miền quê – được chứng minh bởi nỗi sợ bị chế giễu mà các tâm lý gia
lỗi lạc, như Sophocles, đã phát hiện ở kẻ thống trị; vốn cũng là kẻ đặc biệt
nhạy cảm đối với sự chế nhạo hay thách thức của kẻ ngang quyền lực ở giới nữ.
Do đó, một nguyên tố chủ chốt của lạc thú này dường như không phát sinh từ bản
thân cảm giác mà từ sự phản ánh của cảm giác của những người khác, và từ đó nó
có thể bị tác động bởi một thay đổi trong các cảm giác đó. Tiếng cười với ý
nghĩa một thứ thuốc giải độc đối với sự thống trị có lẽ đã được chỉ ra.
XXXIII. The Life of
Charlotte Brontë của Mrs Gaskell.
XXXIV. The Life of
Sophia Jex-Blake của Margaret Todd, t. 67-9, 70- 71, 72.
XXXV. Quan sát bên
ngoài đề xuất rằng một người đàn ông vẫn cảm thấy bị một phụ nữ nhiếc mắng là
đồ hèn nhát là một sự sỉ nhục đặc biệt theo cùng một cách với khi một phụ nữ
cảm thấy bị một người đàn ông mắng nhiếc là đồ dâm ô. Trích dẫn sau ủng hộ cho
quan điểm này. Ông Bernard Shaw viết: “Tôi
sẽ không quên sự hài lòng mà chiến tranh mang tới cho bản năng thích gây gỗ và
sự ngưỡng mộ lòng dũng cảm vốn rất mạnh mẽ ở phụ nữ… Ở Anh, khi chiến tranh sắp
bùng nổ, những phụ nữ trẻ văn minh chạy quanh để trao những chiếc lông chim
trắng cho tất cả những thanh niên không mặc quân phục. Điều này,” ông viết
tiếp, “giống như việc những kẻ sống sót
khỏi sự tàn bạo khác là hoàn toàn tự nhiên,” và ông chỉ ra rằng “ngày xưa cuộc đời của một phụ nữ và của con
cái cô ta phụ thuộc vào lòng dũng cảm và khả năng giết chóc của bạn đời của cô
ta.” Vì những số lượng lớn thanh niên đã làm công việc của họ trong suốt
cuộc chiến trong những văn phòng không có bất kỳ thứ trang hoàng nào, và số
lượng “những thanh nữ văn minh” gắn lông chim lên áo khoác phải là vô cùng nhỏ
so với những người không làm điều gì tương tự như thế, sự cường điệu của ông
Shaw là chứng cứ đầy đủ về ấn tượng tâm lý to lớn mà năm mươi hay sáu mươi cái
lông chim (không có sẵn số liệu thống kê thực tế nào) vẫn có thể tạo ra. Dường
như điều này chỉ ra rằng giống đực vẫn còn duy trì một sự nhạy cảm bất thường
với những lời nhiếc mắng như vậy. Do đó lòng dũng cảm và tính thích đánh nhau
vẫn còn nằm trong số những thuộc tính chủ yếu của nam tính; do đó anh ta vẫn
mong muốn được ngưỡng mộ vì sở hữu chúng; do đó bất kỳ sự nhạo báng nào đối với
những phẩm chất đó sẽ có một tác động tương ứng. Dường như có khả năng “cảm xúc
nam nhi chi chí” cũng nối kết với sự phụ thuộc về kinh tế. “Chúng tôi chưa từng biết một người đàn ông nào mà không, một cách công
khai hay kín đáo, tự hào về việc có khả năng hỗ trợ cho những người phụ nữ; dù
họ là chị em gái hay cô giáo của anh ta. Chúng tôi chưa từng biết một người phụ
nữ nào mà không xem sự thay đổi từ độc lập về kinh tế vào một người tuyển dụng
sang sự phụ thuộc về kinh tế vào một người đàn ông là một bước tiến đầy binh
hạnh. Người đàn ông và phụ nữ tốt lừa dối nhau điều gì về những điều này? Chúng
ta không phải là người tạo ra chúng.” — (A. H. Orage của Philip Mairet,
vii) — một phát biểu thú vị, G. K. Chesterton gán cho A. H. Orage.
XXXVI. Theo cô Haldane,
em gái của R. B. Haldane, cho tới đầu thập niên 80, không quý bà nào có thể làm
việc. “Dĩ nhiên tôi thích đi học để có
một nghề nghiệp, nhưng đó là một ý tưởng bất khả trừ phi người ta ở một vị trí
đáng buồn là không có việc làm để tự kiếm bánh mì cho mình,” và đó hẳn phải
là một tình trạng kinh khủng. Thậm chí một người anh em trai đã viết về một sự
kiện buồn sau khi anh ta nhìn thấy hành động của bà Langtry: “Bà ấy là một phu nhân và đã hành động như một
phu nhân, nhưng thật đáng buồn vì bà phải làm như thế!” (From One Century
to Another của Elizabeth Haldane, t. 73-4.) Hồi đầu thế kỷ này, Harriet
Martineau rất vui mừng khi gia đình cô ta phá sản, vì nhờ đó cô ta mất đi “dòng
dõi trâm anh” của mình và được phép làm việc.
XXXVII. Life of Sophia
Jex-Blake của Margaret Todd, t. 69, 70.
XXXVIII. Để biết lý
giải về ông Leigh Smith, xem The Life of Emily Davies của Barbara Stephen.
Barbara Leigh Smith trở thành Madame Bodichon.
XXXIX. Sự mở ra đó chỉ
có trên danh nghĩa ra sao được chỉ ra bởi lý giải sau về những điều kiện thực
tế mà dưới đó phụ nữ làm việc trong các trường học R.A vào khoảng năm 1900. “Vì sao giống cái của loài không bao giờ nên
được trao tặng cùng những thuận lợi như giống đực là điều khó mà hiểu được. Ở
những trường học R.A., phụ nữ chúng tôi phải cạnh tranh với đàn ông để chiếm
mọi giải thưởng và huy chương được trao tặng hàng năm, và chúng tôi chỉ được
phép nhận phân nửa số giờ dạy và chỉ có phân nửa cơ hội nghiên cứu so với họ…
Không người mẫu khỏa thân nào được phép ở phòng vẽ của phụ nữ ở các trường học
R.A…. Các nam sinh viên không chỉ làm việc từ những người mẫu khỏa thân, cả nam
lẫn nữ, trong ngày học, mà học còn được cho một lớp tối, nhờ đó họ có thể thực
hiện những công trình nghiên cứu từ nhân vật.” Đối với các nữ sinh viên,
điều này có vẻ “thật sự không công bằng”. Cô Collyer có đủ can đảm và địa vị xã
hội cần thiết để đương đầu với trước tiên là ông Franklin Dicksee, người lập
luận rằng vì nhiều cô con gái lấy chồng, tiền chi cho việc học của họ là tiền
lãng phí; kế tiếp là ngài Leighton; và cuối cùng cái rìa mỏng của cái nêm,
nghĩa là thân hình lõa thể, được cho phép. Nhưng, “chúng tôi không bao giờ đạt được những thuận lợi của lớp học đêm…”
Do đó các nữ sinh viên cùng thành lập các câu lạc bộ và thuê phòng làm việc của
một nhiếp ảnh gia ở phố Baker. “Số tiền
mà chúng tôi, với tư cách ủy ban, phải tìm ra, đã giảm thiểu những bữa ăn của
chúng tôi tới mức độ khẩu phần gần chết đói.” (Life of an Artist của
Margaret Collyer, t. 19-81, 82.) Nguyên tắc tương tự được áp dụng ở Trường mỹ
thuật Nottingham trong thế kỷ 20. ‘Phụ nữ không được vẽ từ người lõa thể. Nếu
bọn đàn ông làm việc từ mẫu sống, tôi phải đi sang phòng tranh cổ… nỗi căm ghét
những nhân vật bằng thạch cao đó ở lại với tôi cho tới hôm nay. Tôi chưa được
lợi lộc gì từ sự nghiên cứu của họ.” (Oil Paint and Grease Paint của Dame
Laura Knight, t. 47.) Nhưng mỹ thuật không phải là nghề nghiệp duy nhất chỉ mở
ra trên danh nghĩa. Nghề y khoa mở ra, nhưng “hầu như tất cả các trường gắn liền với các bệnh viện London
đều cấm cửa nữ sinh viên, việc đào tạo họ ở London
chỉ chủ yếu thực hiện ở trường Y khoa London.”
(Memorandum on the Position of English Women in Relation to that of English
Men, by Philippa Strachey, 1935, p. 26.) “Một
số nữ sinh viên y ở Đại học Cambridge
đã tự thành lập một nhóm để khai thông mối bất bình.” (Evening News, 25/3/1937)
Năm 1922, nữ sinh viên được phép vào học tại Trường Cao đẳng Thú y Hoàng gia, Camden Town.
“...từ đó nghề này đã thu hút nhiều phụ
nữ đến độ gần đây con số đã bị giới hạn ở mức 50.” (Daily Telegraph, 1/10/1937)
XL và XLI. The Life of
Mary Kingsley, của Stephen Gwyn, t. 18, 26. Trong một phần của một lá thư Mary
Kingsley viết: “Thi thoảng tôi cũng có
ích, nhưng chỉ thế thôi – mấy tháng trước rất có ích khi ghé thăm một người bạn
cô ta yêu cầu tôi lên phòng ngủ của cô ta và nhìn qua chiếc mũ của cô ta – một
đề nghị khiến tôi lảo đảo, tôi biết ý kiến của cô ta về tôi trong những vấn đề
như thế.” Ông Gwyn nói: “Lá thư không
kể hết về cuộc phiêu lưu này của một vị hôn phu trái phép, nhưng tôi chắc chắn
cô ta đã giúp anh ta rời khỏi mái nhà và tận hưởng trải nghiệm này một cách ồn
ào.”
XLII. Theo Antigone có
hai loại luật pháp, luật pháp thành văn và luật pháp bất thành văn, và bà Drummond
quả quyết rằng đôi khi cần phải cải thiện luật pháp thành văn bằng cách vi phạm
nó. Nhưng những hoạt động đa dạng của con gái của người đàn ông trí thức hồi
thế kỷ 19 rõ ràng không chỉ đơn giản hay chủ yếu hướng tới việc vi phạm pháp
luật. Trái lại, họ cố gắng thử một dạng thực nghiệm để khám phá những luật pháp
bất thành văn là gì; đó là những luật pháp riêng quy định về những bản năng,
những đam mê, các khao khát tinh thần và vật chất. Việc những thứ luật như thế
tồn tại và được quan sát bởi những người văn minh, nhìn chung là được cho phép
một cách khá công bằng, nhưng người ta bắt đầu đồng ý rằng chúng không được đặt
ra bởi “Thượng đế”, kẻ mà hiện nay được xem là một khái niệm về nguồn gốc của
chế độ gia trưởng, chỉ có hiệu lực đối với những chủng tộc nhất định, ở những
giai đoạn và thời điểm nhất định; cũng không phải bởi tự nhiên, kẻ mà hiện nay
được biết rất đa dạng trong những mệnh lệnh của nàng và đã nằm trong vòng kiểm
soát phần lớn; mà phải được khám phá lại lần nữa bởi những thế hệ nối tiếp
nhau, phần lớn bởi những nỗ lực về lý trí và trí tưởng tượng của chính họ. Tuy
nhiên, vì lý trí và trí tưởng tượng ở một mức độ nhất định là sản phẩm của cơ
thể chúng ta, và có hai loại cơ thể, giống đực và giống cái, và vì hai cơ thể
này đã dược chứng minh trong vòng vài năm qua là khác nhau một cách cơ bản, rõ
ràng rằng những luật pháp mà họ nắm được và tôn trọng phải được diễn dịch một
cách khác nhau. Do vậy Giáo s Julian Huxley nói: “từ thời điểm thụ thai trở đi, nam và nữ khác nhau ở từng tế bào trong
cơ thể họ theo số lượng nhiễm sắc thể của họ - những cơ thể mà, với mọi xa lạ
của trần gian, đã được chỉ ra bởi công trình của thập kỷ qua là những kẻ mang
theo tính di truyền, những kẻ quyết định tính cách và phẩm chất của chúng ta.”
Do đó, bất chấp thực tế rằng “siêu cấu trúc của đời sống trí tuệ và thực hành
có tiềm năng là như nhau ở cả hai giới tính” và rằng “Bản báo cáo của Ủy ban
giáo dục về sự khác biệt của chương trình giảng dạy cho các em trai và em gái ở
các trường phổ thông cơ sở ((London, 1923), đã nhận định rằng những khác biệt
về trí tuệ giữa hai giới tính là rất không đáng kể so với niềm tin phổ biến cho
phép. (Essays in Popular Science của Julian Huxley, t. 62-3), rõ ràng là hai
giới tính hiện khác nhau và sẽ luôn luôn khác nhau. Nếu có khả năng không chỉ
để cho mỗi giới tính xác định những luật nào là tốt trong trường hợp riêng của
nó, và để tôn trọng các luật của nhau; mà còn để chia sẻ những kết quả của các
khám phá đó, có khả năng là mỗi giới tính có thể phát triển toàn vẹn và cải
thiện phẩm chất mà không cần từ bỏ những tính cách đặc biệt của mình. Khái niệm
cũ rằng một giới tính phải “thống trị” giới tính kia khi đó sẽ không chỉ trở
thành lỗi thời, mà còn đáng ghét đến độ nếu vì các mục đích thực hành, một lực
lượng thống trị cần phải quyết đinh những vấn đề cụ thể, công việc áp bức và
thống trị kinh tởm sẽ được giao cho một hiệp hội thấp kém và bí mật, cũng như
việc tra tấn và hành hình tội phạm hiện đang được thực hiện bởi những người đeo
mặt nạ và và hoàn toàn vô danh tính. Nhưng đây chỉ là dự đoán.
XLIII. Từ thông báo về
ngày giỗ của H. W. Greene, giảng viên của Magdalen College, Oxford, thường gọi
là ‘Grugger’, (The Time 6/2/1933)
XLIV. “Vào năm 1747, cuộc họp hàng quý (của bệnh
viện Middlesex) đã quyết định đặt riêng một số giường trong những trường hợp nằm
dưới những quy định ngăn ngừa bất kỳ phụ nữ nào hành động với tư cách bà mụ.
Việc loại bỏ phụ nữ đã bảo tồn thái độ theo truyền thống. Năm 1861, cô Garrett,
sau đó là bác sĩ Garrett Anderson, đã đạt được sự cho phép tham dự các lớp học…
và được phép tới thăm các phân khoa với những quan chức nội trú, nhưng các sinh
viên phản đối và các quan chức y khoa nhượng bộ. Ủy ban đã khước từ một đề
nghị cung cấp một quỹ học bổng cho các
nữ sinh viên từ bà ta.” (The Times, 17/5//1935)
XLV. “Trong thế giới hiện đại, có một con người vĩ
đại đạt được trình độ kiến thức cao… nhưng ngay khi bất kỳ đam mê mạnh mẽ nào
xen vào làm thiên lệch trí phán đoán của chuyên gia này, ông ta trở nên không
thể tin cậy được, bất kể ông ta có loại thiết bị khoa học nào.” (The
Scientific Outlook của Bertrand Russell, t. 17)
XLVI. Tuy nhiên, một
trong những kẻ đập vỡ đĩa hát đã đưa ra một lý do cho việc đập vỡ đĩa hát đầy
khả kính: “Khi đó, niềm tin của tôi rằng
thỉnh thoảng phụ nữ nên làm cho chính họ những gì đàn ông đã thực hiện – và
thỉnh thoảng những gì đàn ông chưa thực hiện – từ đó xác lập bản thân họ với tư
cách những cá nhân, và có lẽ khuyến khích những phụ nữ khác hướng tới sự độc
lập to lớn hơn về tư tưởng và hành động… Khi họ thất bại, thất bại của họ phải
là một thách thức đối với những người khác.” (The Last Flight của Amelia
Earhart, t. 21, 65.)
XLVII. “Trên thực tế, quá trình này (sinh con) thật
sự chỉ khiến phụ nữ trở nên bất lực trong một phần rất nhỏ trong hầu hết cuộc
đời họ - thậm chí một phụ nữ có sáu đứa con chỉ cần nằm giường 12 tháng trong
toàn bộ cuộc đời của họ.” (Careers and Openings for Women của Ray Strachey,
t. 47-8.) Tuy nhiên, trong hiện tại, cô ta cần nghỉ ngơi lâu hơn. Một đề xuất
mạnh dạn đã được đưa ra rằng công việc này không chỉ là đặc quyền của người mẹ,
mà có thể được chia sẻ bởi cả hai bố mẹ vì lợi ích chung.
XLVIII. Bản chất của
nam tính và bản chất của nữ tính thường xuyên được định nghĩa bởi cả những tên
độc tài Ý lẫn Đức. Cả hai đều nhiều lần khăng khăng rằng bản chất của đàn ông
và thật sự ra yếu tính của đàn ông là chiến đấu. Ví dụ, Hitler vạch ra một khác
biệt giữa “một quốc gia của những người theo chủ nghĩa hòa bình và một quốc gia
của những người đàn ông”. Cả hai đều nhiều lần khăng khăng rằng bản chất của
phụ nữ là chữa trị những vết thương của kẻ chiến binh. Tuy nhiên một phong trào
rất mạnh đang tiến tới việc giải phóng đàn ông khỏi “quy luật tự nhiên và vĩnh
viễn” rằng đàn ông nhất thiết phải là một chiến binh, chứng nhân là sự tăng
trưởng của chủ nghĩa hòa bình trong giới tính nam hiện nay. Xa hơn, hãy so sánh
phát biểu của ngài Knebworth rằng “nếu
đạt được hòa bình thường xuyên và những quân đội và lực lượng hải quân thôi tồn
tại, sẽ không có lối thoát cho những phẩm chất đàn ông mà việc chiến đấu phát
triển,” với phát biểu sau của một
thanh niên trẻ khác cùng giai tầng xã hội cách nay vài tháng: “…không đúng khi nói rằng từ đáy tim mọi cậu
con trai đều khao khát chiến tranh. Đó chỉ là những người khác, kẻ dạy điều đó
cho chúng ta bằng cách đưa cho chúng ta những thanh kiếm và những khẩu súng,
những người lính và những bộ đồng phục để chơi đùa.” (Conquest of the Past
của Hoàng tử Hubertus Loewenstein, t. 215.) Có khả năng rằng các nước phát xít
bằng cách hé lộ cho thế hệ trẻ hơn ít nhất là nhu cầu được giải phóng khỏi khái
niệm cũ về nam tính đang thực hiện cho giới tính nam điều mà các cuộc chiến
Crime và châu Âu đã làm cho các chị em gái của họ. Tuy nhiên, Giáo sư Huxley
cảnh báo chúng ta rằng “bất kỳ thay đổi
đáng kể nào của thiết chế cha truyền con nối là một vấn đề của thiên niên kỷ
chứ không phải vài thập kỷ.” Mặt khác, như khoa học cũng đã trấn an chúng
ta rằng cuộc sống trên đời của chúng ta “là một vấn đề của thiên niên kỷ chứ
không phải vài thập kỷ”, một thay đổi nào đó trong thiết chế cha truyền con nối
có thể đáng để nỗ lực.
XLIX. Tuy nhiên Coleridge
diễn tả những quan điểm và mục đích của những kẻ ngoại cuộc với một mức độ
chính xác nào đó trong đoạn sau đây: “Con
người phải TỰ DO hay vì mục đích nào mà anh ta biến thành một Linh hồn của Lý
trí, chứ không phải một Cỗ máy của Bản năng? Con người phải TUÂN PHỤC; Hoặc vì
sao hắn có một lương tâm? Những quyền lực tạo ra khó khăn này cũng hàm chứa
giải pháp của nó tương tự như vậy; vì sự phục vụ CỦA HỌ là hoàn toàn tự do. Và
bất cứ luật pháp hay hệ thống pháp luật nào mà áp đặt bất kỳ sự phục vụ nào
khác, sẽ hèn hạ hóa bản chất của chúng ta, tự kết bầy với con thú chống lại bản
chất thần thánh, giết chết trong chúng ta chính cái nguyên tắc vui vẻ làm điều
tốt và chống lại nhân tính. Nếu từ đó xã hội đặt dưới một thể chế chính phủ
ĐÚNG, và một thể chế có thể đặt ra cho Con người lý trí một nghĩa vụ thật sự và
có tính đạo đức để tuân theo, nó phải được lồng trong những nguyên tắc rằng mỗi
cá thể tuân theo Lý trí của chính mình, trong lúc anh ta tuân theo các lề luật
của thể chế, và thực hiện ý chí của Nhà nước trong lúc tuân theo những mệnh
lệnh của Lý trí của chính mình.” Điều này đã được xác định rõ ràng bởi
Rousseau, kẻ phát biểu về vấn đề của một thể chế chính phủ hoàn hảo bằng những
lời sau: “Tìm ra một hình thức xã hội mà
theo đó mỗi người hợp nhất với toàn thể sẽ không chỉ tuân thủ mà còn duy trì sự
tự do như trước đó. (The Friend của S. T. Coleridge, quyển I, t. 333, 334,
335; bản in năm 1818) Có thể bổ sung thêm một trích dẫn của Walt Whitman:
‘Về Bình đẳng — như thể nó làm hại tôi, khi trao cho
những kẻ khác cùng những cơ hội và quyền như của chính tôi — như thể nó không
thể đền bù cho những quyền lợi riêng của tôi nếu những người khác cũng có quyền
tương tự.”
Và
cuối cùng là lời của một tiểu thuyết gia đã bị quên lãng nửa phần, George Sand,
cũng đáng để xem xét:
“Mọi sự hiện
hữu đều tương trợ lẫn nhau, và mỗi con người khi thể hiện chính hắn mà không có
kết nối nào với các cá thể khác, sẽ đưa ra một câu đố để lần dò… Bản thân cá
thể này không có ý nghĩa gì và cũng không chút gì quan trọng. Hãy chọn lấy bất
kỳ hướng nào bằng cách trở thành một mảnh của cuộc hiện tồn chung, trên nền
tảng cá tính của mỗi một đồng bào của ta, và đây là nơi nó trở thành lịch sử.” (Histoire de ma Vie của George Sand, t. 240-41.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét