Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Ba đồng vàng - Phần Hai - Virginia Woolf


Nguyễn Thành Nhân dịch







Hai

 

Hiện giờ, sau khi đã hiến tặng một đồng ghi-nê để xây dựng lại một trường cao đẳng, chúng tôi phải xem xét coi chúng tôi còn có thể làm gì thêm nữa để giúp ông ngăn chận chiến tranh. Và ngay lập tức, nếu những gì chúng tôi đã nói về tầm ảnh hưởng đều đúng, hiển nhiên là chúng tôi phải quay sang các nghề nghiệp chuyên môn, vì nếu chúng tôi có thể thuyết phục những người có khả năng kiếm sống, và do đó thật sự nắm trong tay họ thứ vũ khí mới này, thứ vũ khí duy nhất của chúng tôi, thứ vũ khí của ý kiến độc lập dựa trên thu nhập độc lập, sử dụng thứ vũ khí đó để chống chiến tranh, chúng tôi nên làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ ông bằng cách khẩn nài những người phải dạy dỗ giới trẻ để kiếm sống; hoặc bằng cách nán lại, bất kể bao lâu, quanh những nơi chốn nghiêm cấm và những cánh cổng thiêng liêng của các trường đại học nơi họ giảng dạy. Do đó, đây là một vấn đề quan trọng hơn vấn đề kia.
Vậy chúng ta hãy đặt lá thư yêu cầu trợ giúp ngăn chận chiến tranh của ông trước mặt những con người độc lập, những con người trưởng thành, những kẻ đang kiếm sống trong các ngành nghề. Không cần tới sự hùng biện; hầu như không cần tới sự tranh luận, người ta có thể giả sử. “Đây là một người đàn ông,” người ta chỉ phải nói thế, “người mà tất cả chúng ta đều có lý do để kính trọng; ông ta đã nói với chúng tôi rằng chiến tranh là điều khả dĩ; có lẽ chắc chắn; ông ta yêu cầu chúng ta, những kẻ có thể kiếm sống, giúp ông ta bằng bất cứ cách nào có thể để ngăn chận chiến tranh.” Chắc chắn như thế là đủ, không cần phải chỉ tới những bức ảnh trong suốt thời gian đó vẫn xếp đống trên bàn – những bức ảnh về những thi thể, về nhiều ngôi nhà đổ nát hơn, để đem tới một câu trả lời, và là câu trả lời sẽ cho ông, thưa ông, chính sự trợ giúp mà ông đòi hỏi. Nhưng… có vẻ như có một sự do dự nào đó, một sự hoài nghi nào đó – không chắc chắn rằng chiến tranh là khủng khiếp, rằng chiến tranh là đầy thú tính, rằng chiến tranh là không thể chịu đựng nổi và chiến tranh là phi nhân, như Wilfred Owen đã nói, hay rằng chúng tôi muốn làm tất cả những gì chúng tôi có thể để giúp ông ngăn chận chiến tranh. Dù sao đi nữa, có những ngờ vực và những do dự; và cách nhanh nhất để hiểu chúng là đặt trước mặt ông một lá thư khác, một lá thư cũng độc đáo như lá thư của ông, một lá thư đã tình cờ nằm bên cạnh nó trên bàn.I
Nó là thư của một vị thủ quỹ danh dự khác, và một lần nữa, nó đang yêu cầu tiền. Bà ta viết: “Bà có sẵn lòng gửi một khoản đóng góp (cho một tổ chức giúp cho con gái của những người đàn ông trí thức được tuyển dụng trong các ngành chuyên môn) để giúp chúng tôi kiếm sống hay không?” “Nếu không có tiền,” bà ta viết tiếp, “thì bất cứ thứ quà tặng nào cũng được chấp nhận – sách vở, trái cây hay quần áo bỏ đi mà có thể bán được trong một cửa hàng phúc thiện.” Lá thư đó dẫn tới quá nhiều ngờ vực và do dự đã nói tới bên trên, và đối với sự giúp đỡ mà chúng tôi có thể trao cho ông, dường như không thể gửi cho bà ta hoặc gửi cho ông một đồng ghi-nê cho tới khi chúng tôi đã cân nhắc những câu hỏi mà nó đặt ra.
Câu hỏi thứ nhất khá hiển nhiên, Vì sao bà ta yêu cầu tiền? Vì sao bà ta nghèo đến thế, người đại diện cho những phụ nữ có nghề nghiệp chuyên môn này, đến độ phải xin cả những quần áo bỏ đi cho một cửa hàng phúc thiện? Đó là điểm đầu tiên phải làm rõ, vì nếu bà ta nghèo như lá thư cho thấy, vậy thì thứ vũ khí của ý kiến độc lập mà chúng tôi đang dựa vào để giúp ông ngăn chận chiến tranh không phải là, nói một cách nhẹ nhàng, một vũ khí rất có uy lực. Mặc khác, nghèo khó cũng có những lợi thế của nó; vì nếu bà ta nghèo, nghèo như bà ta giả vờ, lúc đó chúng tôi có thể mặc cả với bà ta, như đã mặc cả với người chị em của bà ta ở Cambridge, và thực thi quyền của những người hiến tặng tiềm năng để đưa ra những điều kiện. Vậy chúng tôi hãy cứ hỏi bà ta về tình trạng tài chính của bà ta và những thực tế cụ thể khác trước khi hiến tặng cho bà ta một đồng ghi-nê, hoặc đưa ra những điều khoản mà theo đó bà ta sẽ có nó. Dưới đây là bản nháp của một lá thư như thế:
“Xin nhận ở đây lời xin lỗi ngàn lần, thưa bà, vì đã khiến bà chờ quá lâu một lời phúc đáp cho lá thư của bà. Thực tế là đã có những câu hỏi nảy sinh, mà chúng tôi phải yêu cầu bà trả lời chúng trước khi chúng tôi gửi cho bà một khoản đóng góp. Đầu tiên, bà yêu cầu tiền – số tiền mà bà dùng để trả tiền thuê. Nhưng làm sao có thể, làm sao có khả năng, thưa bà, rằng bà nghèo khủng khiếp đến thế? Các nghề nghiệp đã mở ra cho các cô con gái của những người đàn ông trí thức trong gần 20 năm qua. Do đó, làm thế nào có thể có chuyện bà, người mà chúng tôi xem là đại diện của họ, lại đang đứng, như người chị em của bà ở Cambridge, mũ trong tay, đang nài xin tiền, hoặc nếu không có tiền, thì trái cây, sách, hoặc quần áo bỏ đi, để bán ở một cửa hàng phúc thiện? Làm sao có thể như thế, chúng tôi lặp lại? Chắc chắn phải có một sự thiếu hụt trầm trọng nào đó về lòng nhân đạo chung chung, hoặc công lý chung chung, hoặc lương tri. Hoặc có thể chỉ đơn giản là bà đang nhăn nhó mặt mày và kể một câu chuyện phóng đại như người ăn mày ở góc phố, kẻ có một túi đầy những đồng ghi-nê đang cất giấu an toàn bên dưới cái giường ở nhà mình? Trong bất kỳ trường hợp nào, việc không ngớt yêu cầu tiền bạc và viện cớ nghèo khổ này đang công khai đặt bà ra trước những lời trách móc rất trầm trọng, không chỉ từ những kẻ ngoại cuộc biếng nhát không ưa việc suy nghĩ về những công việc thực tế cũng ngang với việc ký những tờ chi phiếu, mà còn từ những người đàn ông trí thức. Bà đang thu hút về mình sự chỉ trích và coi thường của những người đàn bà đã thành danh như các triết gia và tiểu thuyết gia – của những người đàn ông như ông Joad và ông Well. Họ không chỉ chối bỏ sự nghèo khổ của bà, họ còn cáo buộc bà về sự thờ ơ và lãnh đạm. Để tôi hướng sự chú ý của bà tới những lời buộc tội mà họ đưa ra chống lại bà. Trước tiên, hãy lắng nghe những gì ông C.E.M. Joad phải nói về bà. Ông ta nói: “Tôi ngờ vực không biết vào bất kỳ thời điểm nào trong năm mươi năm qua những người phụ nữ trẻ có trở nên thờ ơ về mặt chính trị, trở nên lãnh đạm về mặt xã hội hơn ở thời điểm hiện tại hay không.” Đó là cách ông ta bắt đầu. Và ông ta tiếp tục nói, rất đúng đắn, rằng nói cho bà biết điều bà nên làm không phải là việc của ông ta; nhưng ông ta nói thêm, rất tử tế, rằng ông ta sẽ cho bà một ví dụ về điều bà có thể làm. Bà có thể noi gương những người chị em của mình ở Hoa Kỳ. Bà có thể thành lập “một tổ chức cổ động hòa bình”. Ông ta đưa ra một ví dụ. Tổ chức này giải thích, “Tôi không biết với sự thật nào, mà con số bảng Anh được thế giới chi tiêu cho những thứ vũ khí trong năm nay lại chính xác ngang bằng với số phút (hoặc phải chăng đó là số giây?) đã trôi qua từ khi cái chết của Chúa Ki-tô, kẻ đã dạy rằng chiến tranh là trái với giáo lý Cơ đốc…” Vì sao cả bà nữa, lại không noi theo tấm gương của họ và lập ra một tổ chức như thế tại Anh? Nó sẽ cần tiền, tất nhiên; nhưng – và đây là điểm mà tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh – chắc chắn là bà có tiền. Ông Joad cung cấp chứng cứ: “Trước chiến tranh tiền bạc đổ vào những cái két của W.S.P.U.[1] để những người phụ nữ có thể đạt được quyền bầu cử mà, người ta hy vọng, sẽ cho phép họ biến chiến tranh thành một chuyện của quá khứ. Quyền bầu cử đã đạt được,” ông Joad nói tiếp, “nhưng chiến tranh còn lâu mới là một chuyện của quá khứ.” Bản thân tôi có thể làm chứng cho điều đó – chứng cứ là lá thư này từ một quý ông đang yêu cầu giúp ngăn chận chiến tranh, và có những tấm ảnh cụ thể về các thi thể và những ngôi nhà đổ nát – nhưng cứ để cho ông Joad tiếp tục. “Có phi lý hay không,” ông nói, “khi yêu cầu rằng những người phụ nữ đương thời nên chuẩn bị để cống hiến càng nhiều năng lượng và tiền bạc càng tốt, gánh chịu sự lăng mạ và sỉ nhục càng nhiều càng tốt vì chính nghĩa của hòa bình, như mẹ của họ đã cống hiến và gánh chịu vì chính nghĩa của sự bình đẳng?” Và một lần nữa tôi không thể không lặp lại, có phi lý hay không khi yêu cầu những người phụ nữ, hết thế hệ này sang thế hệ khác, phải tiếp tục gánh chịu sự lăng mạ và sỉ nhục hết từ những người anh em của họ rồi lại tới vì những người anh em của họ? Có phải chăng nói chung cả hai đều hoàn toàn không hợp lý đối với sự khỏe khoắn về vật chất, đạo đức và tinh thần của họ? Nhưng chúng ta đừng cắt ngang lời của ông Joad. “Nếu là thế, vậy thì họ càng sớm từ bỏ việc chơi đùa vờ vịch với các vấn đề công cộng và quay lại với đời sống riêng tư càng tốt. Nếu họ không thể thực hiện một công việc của Hạ viện, ít ra hãy để cho họ làm việc gì đó trong nhà của chính họ. Nếu họ không thể học cách cứu những người đàn ông khỏi sự hủy diệt mà tính hiểm ác không thể chữa trị của giống đực hứa hẹn sẽ giáng lên họ, ít ra hãy để cho những người phụ nữ học cách nuôi sống họ, trước khi họ tự hủy diệt chính mình.”II Chúng ta đừng dừng lại để hỏi làm thế nào họ có thể, ngay cả với một quyền bầu cử, cứu chữa được điều mà chính ông Joad cũng thừa nhận là không thể cứu chữa, vì điểm chính là làm thế nào, trước phát biểu đó, bà có thể mặt dày mày dạn để yêu cầu tôi một đồng ghi-nê cho tiền thuê của bà? Theo ông Joad, bà không chỉ cực kỳ giàu có; bà còn cực kỳ lười biếng; và đã lệ thuộc vào việc ăn đậu phọng và kem lạnh đến nỗi bà không thèm học cách nấu cho ông ta một bữa ăn trước khi ông ta tự hủy diệt mình, đừng nói tới việc làm thế nào để ngăn chận hành động có tính định mệnh đó. Nhưng tiếp theo còn có những lời buộc tội nghiêm trọng hơn. Sự thờ ơ của bà tệ hại đến mức bà sẽ không đấu tranh thậm chí để bảo vệ nền tự do mà các bà mẹ của bà đã giành được cho bà. Lời buộc tội chống lại bà đó đến từ tiểu thuyết gia Anh nổi tiếng nhất đang còn sống – ông H.G. Wells. Ông H. G. Wells nói: “Không có phong trào rõ rệt nào của phụ nữ chống lại sự xóa sạch trên thực tế tự do của họ bởi những người theo chủ nghĩa phát xít.”III Giàu có, lười nhát và thờ ơ như bà, làm thế nào bà có thể mặt dày mày dạn yêu cầu tôi đóng góp cho một tổ chức đứng ra giúp các cô con gái của những người đàn ông trí thức kiếm sống trong các ngành nghề? Vì như các quý ông đó chứng minh dù có quyền bầu cử và sự giàu có mà hẳn quyền đó phải mang lại cùng với nó, bà đã không chấm dứt chiến tranh; dù có quyền bầu cử và sức mạnh mà quyền đó phải mang lại cùng với nó, bà đã không chống lại sự xóa sạch trên thực tế nền tự do của bà bởi những tên Phát xít hay Đức Quốc Xã. Vậy còn kết luận nào khác mà người ta có thể rút ra ngoại trừ rằng toàn bộ cái gọi là “phong trào phụ nữ” đã tự chứng minh là một thất bại; và đồng ghi-nê mà tôi đang gửi cho bà kèm theo đây là để cống hiến không phải cho việc trả tiền thuê của bà mà cho việc đốt sạch tòa nhà của bà. Và khi tòa nhà đó cháy rụi, hãy một lần nữa lui về nhà bếp, thưa bà, và học cách, nếu bà có thể, nấu bữa ăn mà có thể bà không chia sẻ…IV
Lá thư dừng lại ở đó, thưa ông; vì khi đối diện với mặt kia của lá thư – mặt mà một người viết thư luôn nhìn thấy – là một sự thể hiện, phải chăng đó là vẻ chán nản, hay là vẻ mệt mỏi? Ánh mắt của vị thủ quỹ danh dự dường như đáp lên một mẩu giấy nhỏ, trên đó đã viết ra hai thực tế nhỏ ảm đạm, và vì chúng dẫn tới câu hỏi chúng ta đang thảo luận, làm sao các cô con gái của những người đàn ông trí thức, những kẻ đang kiếm sống trong các ngành nghề có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh, chúng có thể được chép lại ở đây. Thực tế đầu tiên là thu nhập của W.S.P.U. mà ông Joad đã ước đoán mức độ dồi dào của nó (vào năm 1912, ở đỉnh cao hoạt động của nó) là 42.000 bảng. Thực tế thứ hai là: “Kiếm được 250 bảng mỗi năm thật sự là một thành tựu thậm chí đối với một phụ nữ có khả năng cao với nhiều năm kinh nghiệm.”VI Thời điểm của phát biểu này là 1934.
          Cả hai thực tế đều thú vị; và vì cả hai đều trực tiếp dẫn tới câu hỏi trước mặt chúng ta, chúng ta hãy kiểm tra chúng. Đầu tiên hãy xét tới thực tế thứ nhất – thật thú vị vì nó chỉ ra rằng một trong những thay đổi chính trị lớn nhất thời đại chúng ta đã được thực hiện với một khoản thu nhập nhỏ đến khó tin 42.000 bảng một năm. “Nhỏ đến khó tin”, dĩ nhiên, là một từ ngữ có tính tương đối; nó nhỏ đến khó tin, nghĩa là, so với thu nhập mà Đảng Bảo thủ, hay Đảng Tự do có sẵn để tùy nghi sử dụng cho các chính nghĩa về chính trị của họ. Nó ít hơn một cách đáng kể so với thu nhập mà Đảng Lao động – đảng phái mà anh em của người nữ công nhân thuộc về – có sẵn để tùy nghi sử dụng.VII Nó nhỏ đến khó tin so với những khoản tiền mà một tổ chức như Hội bãi bỏ chế độ nô lệ chẳng hạn có sẵn để tùy nghi sử dụng cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Nó nhỏ đến khó tin so với những khoản tiền mà người đàn ông trí thức chi tiêu hàng năm, không cho các chính nghĩa chính trị, mà cho các môn thể thao và lạc thú. Nhưng sự kinh ngạc của chúng ta, dù là với sự nghèo nàn của các cô con gái của những người đàn ông trí thức hay với sự tiết kiệm của họ, là một cảm xúc dứt khoát không hề thú vị chút nào trong trường hợp này, vì nó buộc chúng ta phải nghi ngờ rằng vị thủ quỹ danh dự đang nói ra một sự thật nghiêm trang; bà ta nghèo; và nó buộc chúng ta phải hỏi một lần nữa họ làm cách nào, nếu 42.000 bảng là tất cả những gì con gái của những người đàn ông trí thức có thể gom góp sau nhiều năm lao động không biết mệt vì chính nghĩa của họ, để có thể giúp ông giành được những chính nghĩa của ông? Khoản tiền 42.000 bảng một năm sẽ mua được bao nhiêu hòa bình vào thời điểm hiện tại khi chúng ta đang chi 300.000.000 bảng mỗi năm cho vũ khí?
          Nhưng thực tế thứ hai còn đáng kinh ngạc và đáng buồn nản hơn trong số hai thực tế – rằng hiện nay, sau gần 20 năm, nghĩa là sau khi họ đã được chấp nhận đối với các ngành nghề kiếm ra tiền, “kiếm được 250 bảng một năm hoàn toàn là một thành tựu thậm chí đối với một phụ nữ có khả năng cao và nhiều năm kinh nghiệm.” Thật sự, thực tế đó, nếu nó là một thực tế, rất đáng kinh ngạc và đã chất nặng thêm rất nhiều lên câu hỏi trước mặt chúng ta đến độ chúng ta phải dừng lại giây lát để kiểm tra nó. Hơn thế nữa, nó quan trọng đến độ nó phải được kiểm tra bởi ánh sáng trắng của những thực tế, chứ không phải bởi ánh sáng màu của tiểu sử. Vậy chúng ta hãy cầu viện tới một chuyên gia vô tư và bất vụ lợi, kẻ không có một động cơ vị kỷ nào— chẳng hạn cuốn niên giám của Whitaker. Whitaker, không cần phải nói, không chỉ là một trong những tác giả vô tư nhất mà còn là một trong những tác giả có phương pháp nhất. Ở đó, trong cuốn Niên giám của mình, ông đã tập hợp tất cả những sự kiện về tất cả, hoặc gần như tất cả mọi ngành nghề đã mở ra với con gái của những người đàn ông trí thức. Trong một phần gọi là “Chính phủ và các Văn phòng công cộng”, cùng với một phát biểu rõ ràng, ông cung cấp cho chúng ta thông tin về những người mà Nhà nước tuyển dụng trong lĩnh vực chuyên môn và mức độ mà Nhà nước chi trả cho những người đó. Vì Whitaker áp dụng hệ thống ABC, chúng ta hãy đi theo cách dẫn dắt của ông và kiểm tra sáu mẫu tự ABC đầu tiên. Dưới mẫu tự A có Bộ Hải quân, Bộ Không quân và Bộ Nông nghiệp. Dưới mẫu tự B có Tổng công ty Phát thanh Truyền hình Anh; dưới mẫu tự C có Văn phòng Thuộc địa và Các Ủy viên Từ thiện; dưới mẫu tự D có Văn phòng Các thuộc địa và Ủy ban Phát triển; dưới mẫu tự E có Các Ủy viên Giáo hội và Ủy ban Giáo dục; và thế là chúng ta đi tới mẫu tự thứ sáu F mà bên dưới chúng ta tìm thấy Bộ Ngư nghiệp, Văn phòng Đối ngoại, Các Hiệp hội thân hữu và Các bộ môn nghệ thuật. Vậy các cơ quan này là một số ngành nghề chuyên môn mà hiện nay, như chúng ta thường được nhắc nhở, mở ra cho cả nam lẫn nữ một cách bình đẳng. Và tiền lương chi trả cho những ai làm việc trong các cơ quan đó trích ra từ tiền công cộng được cung cấp bởi cả hai giới tính một cách bình đẳng. Và thuế thu nhập áp dụng cho cho các khoản lương đó (trong số các khoản khác) hiện nay là vào khoảng năm shiling trên một bảng. Do đó, tất cả chúng ta đều có một sự quan tâm khi hỏi rằng số tiền đó được sử dụng như thế nào, và cho ai. Chúng ta hãy nhìn vào bảng lương của Ủy ban Giáo dục, vì đó là tầng lớp mà cả hai chúng ta, thưa ông, dù ở các cấp độ rất khác nhau, đều có vinh dự thuộc về. Vị chủ tịch, Whitaker nói, của Ủy ban Giáo dục được 2.000 bảng; Chánh bí thư của ông ta được từ 847 tới 1.058 bảng; Phó bí thư của ông ta được từ 277 tới 634 bảng. Rồi còn có Thư ký thường trực của Ủy ban Giáo dục. Ông ta được 3.000 bảng; Bí thư của ông ta được từ 277 tới 634 bảng. Thư ký Quốc hội được 1.200 bảng; Bí thư của ông ta được từ 277 tới 634 bảng. Phó Thư ký được 2.200 bảng. Thư ký thường trực của Văn phòng xứ Wales được 1.650 bảng. Rồi có các Phó tổng bí thư và và trợ lý thư ký, có giám đốc của các đơn vị, các kế toán trưởng – các quan chức tài chính chủ yếu, các quan chức tài chính, các cố vấn pháp lý, các trợ lý cố vấn pháp lý – tất cả các quý bà quý ông này, ngài Whitaker hoàn hảo và vô tư thông báo với chúng ta, nhận được các khoản thu nhập với bốn con số hoặc hơn. Một khoản thu nhập vào khoảng một ngàn bảng hoặc hơn một năm là một con số tốt đẹp khi nó được thanh toán hàng năm và thanh toán đúng kỳ hạn; nhưng khi chúng ta xét rằng công việc đó là một công việc toàn thời gian và đòi hỏi kỹ năng, chúng ta sẽ không đố kỵ với các quý bà quý ông này về tiền lương của họ, thậm chí khi thuế thu nhập của chúng ta không ở mức năm si-ling trên một bảng, và thu nhập của chúng ta không hề được thanh toán hàng năm hay đúng kỳ hạn bao giờ. Những người đàn ông và phụ nữ làm việc hàng ngày và cả ngày trong một văn phòng nằm trong lứa tuổi từ khoảng 23 cho tới 60 xứng đáng với từng xu mà họ nhận được. Chỉ có điều, sự phản ánh sẽ đụng chạm với chính nó, nếu các quý bà này đang kiếm được 1.000, 2.000 và 3.000 bảng mỗi năm, không chỉ trong Ủy ban Giáo dục, mà trong tất cả các ủy ban và văn phòng mà giờ đây mở ra với họ, từ Hải quân ở đầu danh sách ABC cho tới Ủy ban Các việc làm ở cuối bảng, lời phát biểu rằng “250 bảng hoàn toàn là một thành tựu, thậm chí đối với một phụ nữ có kỹ năng cao với nhiều năm kinh nghiệm” phải là, nếu nói thẳng thắn, một lời nói dối hoàn toàn. Vì sao, chúng ta chỉ cần bước xuống phố Whitehall; xem coi có bao nhiêu ủy ban và văn phòng tọa lạc ở đó; ngẫm lại ban bệ của mỗi ủy ban hay văn phòng là cả một đám thư ký và thư ký tập sự, đông đảo và có chọn lọc đến độ chính họ tên của họ đủ khiến cho đầu óc chúng ta quay cuồng; và nhớ rằng mỗi cá nhân đều có mức lương đầy đủ, để kêu lên rằng phát biểu đó là không thể nào, là bất khả lý giải. Làm sao chúng ta có thể giải thích nó? Chỉ bằng cách đeo lên một cặp kính nhiều độ hơn. Chúng ta hãy đọc xuôi xuống bản danh sách, ngày càng xuống xa hơn. Cuối cùng chúng ta tới một cái tên đính kèm với tiếp đầu ngữ “Cô”. Có thể nào tất cả những cái tên ở phía trên tên của cô ta, tất cả những cái tên gắn liền với những khoản lương cao, đều là tên của các quý ông? Dường như là vậy. Thế thì không phải là đang thiếu các khoản lương; mà là thiếu con gái của những người đàn ông trí thức.
          Lúc này đã có những lý do tốt cho sự thiếu hụt lạ lùng hoặc sự khu biệt nằm trên bề mặt. Tiến sĩ Robson cung cấp cho chúng ta lý do đầu – “Tầng lớp điều hành, vốn chiếm chỗ tất cả những vị trí kiểm soát trong Văn phòng Bộ trưởng, bao gồm tới một mức độ áp đảo một số ít kẻ may mắn có thể xoay xở để vào Oxford và Cambridge; và cuộc thi tuyển luôn được thiết kế riêng cho mục đích đó.”VIII Số ít kẻ may mắn trong tầng lớp của chúng tôi, con gái của những người đàn ông học thức, là rất, rất ít. Oxford và Cambridge, như chúng ta đã thấy, hạn chế gắt gao con số các cô con gái của những người đàn ông trí thức, những kẻ được phép tiếp nhận một nền giáo dục đại học. Thứ hai, số lượng các cô con gái ở nhà để chăm sóc những bà mẹ già nhiều hơn là số lượng các cậu con trai ở nhà để chăm sóc cho các ông bố già. Ngôi nhà riêng, chúng ta phải nhớ, vẫn còn là một mối quan tâm dai dẳng. Vì vậy, số lượng nữ tham gia thi tuyển công chức ít hơn số lượng nam. Thứ ba, chúng ta có thể giả đoán một cách công bằng rằng 60 năm chọn lọc thông qua thi tuyển không  hiệu quả bằng 500 năm. Thi tuyển công chức là một cuộc thi cứng nhắc; chúng ta có thể mong đợi một cách hợp lý rằng có nhiều nam thi đậu hơn là nữ. Dù sao đi nữa, chúng ta phải lý giải thực tế lạ lùng rằng dù có một số lượng nhất định các cô con gái dự thi và thi đậu, những người mà tên có đính kèm chữ “Cô” có vẻ như không nằm trong khu vực bốn con số. Sự phân biệt giới tính có vẻ như, theo Whitaker, sở hữu một phẩm chất nặng nề lạ lùng, có trách nhiệm giữ bất kỳ cái tên nào mà nó gắn chặt nằm gọn ở các tầng lớp thấp hơn. Rõ ràng nguyên nhân của điều này có thể không nằm trên bề mặt mà ở bên trong. Có thể là, nói một cách huỵch toẹt, chính bản thân các cô con gái cũng kém cỏi; họ đã tự tỏ ra không đáng tin cậy; không tạo được sự hài lòng; thiếu năng lực cần thiết đến độ việc giữ họ lại các đẳng cấp thấp hơn là vì lợi ích công cộng; ở các đẳng cấp đó, nếu họ được trả lương ít hơn, họ có ít cơ hội cản trở sự thực hiện công việc công cộng hơn. Giải pháp này sẽ dễ dàng nhưng, thật không may, người ta khước từ không áp dụng nó đối với chúng tôi.  Chính bản thân ông Thủ tướng đã khước từ không áp dụng nó đối với chúng tôi. Phụ nữ trong các ngành công chức không phải không đáng tin cậy, một hôm nọ ông Baldwin[2] đã thông báo với chúng tôi. “Nhiều người trong số họ,” ông ta nói, “đang ở những vị trí mà trong thời gian làm việc phải tích lũy các thông tin bí mật. Các thông tin bí mật có một cách rò rỉ rất thường xuyên, như các chính khách chúng tôi biết với cái giá chúng tôi phải trả. Tôi chưa bao giờ biết một trường hợp rò rỉ như thế do một phụ nữ, và tôi đã biết nhiều trường hợp rò rỉ xuất phát từ những người đàn ông, những kẻ lẽ ra phải hiểu biết hơn thế nhiều.” Vậy là họ không quá nhiều chuyện và khoái ngồi lê đôi mách như truyền thống nghĩ? Một đóng góp hữu ích trên con đường đi tới tâm lý học của nó và là một gợi ý cho các tiểu thuyết gia; nhưng có thể vẫn còn có những chống đối khác đối với việc tuyển dụng phụ nữ vào làm với tư cách công chức.
Về mặt trí tuệ, họ có thể không có nhiều khả năng như anh em trai của họ. Nhưng ở đây một lần nữa ngài Thủ tướng sẽ không giúp chúng tôi. “Ông ta chưa chuẩn bị để nói rằng đã có bất kỳ kết luận nào được hình thành – hoặc thậm chí cần thiết phải có – rằng phụ nữ cũng tốt ngang với, hoặc tốt hơn đàn ông, nhưng ông ta tin rằng những người phụ nữ đã làm trong ngành công chức vì sự hài lòng của chính họ, và tất nhiên với sự hài lòng của mọi người có liên quan tới họ.” Cuối cùng, như thể để đưa ra cái nhất thiết phải là một phát biểu mang tính kết luận tốt hơn bằng cách bày tỏ một ý kiến cá nhân mà có thể mang tính chất tích cực hơn một cách đúng đắn, ông nói, “Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng đối với ngành nghề này, năng suất làm việc, khả năng và sự trung thành của những người phụ nữ mà tôi đã gặp ở các vị trí công chức.” Và ông tiếp tục bày tỏ niềm hy vọng rằng những nam doanh nhân sẽ tận dụng nhiều hơn những phẩm chất rất có giá trị đó.IX
          Vậy thì, nếu có bất cứ một ai ở một vị trí có thể hiểu biết các thực tế, đó là ngài Thủ tướng; và nếu có bất kỳ một ai có khả năng nói ra sự thật về họ, đó cũng là ngài Thủ tướng. Thế nhưng ông Baldwin nói một đằng; ông Whitaker lại nói một nẻo. Nếu ông Baldwin nắm bắt được thông tin thì ông Whitaker cũng vậy. Tuy nhiên, họ phủ nhận lẫn nhau. Vấn đề được nối kết lại; ông Baldwin nói rằng những người phụ nữ là những công chức hạng nhất; ông Whitaker nói rằng họ là những công chức hạng ba. Nói tóm lại, đây là một trường hợp Baldwin chống Whitaker, và do nó là một trường hợp rất quan trọng, vì phụ thuộc vào nó là lời giải đáp cho nhiều câu hỏi khiến chúng tôi bối rối, không chỉ về sự nghèo khó của các cô con gái của những người đàn ông trí thức mà còn về tâm lý của các cậu con trai những người đàn ông trí thức, chúng ta hãy thử xét trường hợp Thủ tướng chống Niên giám.
          Đối với một thử thách như thế, ông có những phẩm chất xác định, thưa ông; với tư cách một luật sư biện hộ, ông có kiến thức trực tiếp về một nghề nghiệp, và với tư cách một người đàn ông trí thức, có kiến thức gián tiếp về nhiều ngành nghề khác. Và nếu đúng thật là các cô con gái của những người đàn ông trí thức mà theo niềm tin của Mary Kingsley là không có kiến thức trực tiếp, tuy nhiên, thông qua các ông bố và các ông chú ông bác, những anh em họ và những anh em ruột, họ có thể khẳng định một kiến thức gián tiếp nào đó về đời sống chuyên nghiệp – nó là một bức ảnh mà họ thường nhìn vào – và họ có thể nâng cao kiến thức gián tiếp này, nếu họ có đầu óc, bằng cách nhìn kỹ qua những cánh cửa, ghi chú, và kín đáo đặt những câu hỏi. Vậy thì, nếu chúng tôi gom góp các kiến thức trực tiếp và gián tiếp về các nghề nghiệp với một quan điểm nhằm thử thách trường hợp quan trọng Baldwin chống Whitaker, chúng tôi sẽ đồng ý từ đầu rằng các nghề nghiệp là những thứ đáng ngờ. Nó hoàn toàn không đi theo cách thức rằng một người đàn ông thông minh vượt lên trên đỉnh hay một người đàn ông ngu xuẩn ở lại dưới đáy. Sự lên voi xuống chó này không hề là một quá trình hữu lý, rõ ràng, không có gì mới mẻ; cả hai chúng ta sẽ đồng ý. Nói cho cùng, vì cả hai chúng ta đều có lý trí để biết, những vị quan tòa là những ông bố; và những vị bí thư thường trực có các cậu con trai. Các vị quan tòa cần có quan chức phụ trách nghi thức; các bí thư thường trực cần có những thư ký riêng. Còn gì tự nhiên hơn khi một cậu cháu họ nên là một quan chức phụ trách nghi thức hay con trai của một người bạn học cũ nên là một viên thư ký riêng? Việc người công chức có những đặc quyền đặc lợi như thế cũng giống như việc nhận được một điếu xì gà vào lúc này lúc khác hay một bộ quần áo cũ từ nơi này nơi khác là những đặc quyền của người hầu ở tư gia. Nhưng việc ban cho những đặc quyền như thế, việc thi hành tầm ảnh hưởng như thế, đã làm hỏng các ngành nghề. Thành công dễ hơn đối với một số người, khó khăn hơn đối với một số khác, bất kể năng lực bộ não có thể ngang nhau, khiến cho một số người bất ngờ lên voi; số khác đột ngột xuống chó; một số người vẫn ở vị trí cũ một cách kỳ lạ; với hậu quả là các ngành nghề bị làm cho rối loạn. Vì không người nào, từ ông hiệu trưởng trường Trinity trở xuống (trừ ra một vài cô hiệu trưởng, có lẽ), tin vào tính không thể sai lầm của những người chấm thi, lợi ích công cộng có một mức độ co giãn nhất định; vì sự vô tư rất có thể sai lầm, tốt nhất là nó nên được hỗ trợ bởi tính cá nhân. Do đó, hạnh phúc cho tất cả chúng ta, chúng ta có thể kết luận, quả là một ủy ban không được tạo thành từ gỗ sồi, một bộ phận cơ quan không được tạo thành từ sắt. Cả các ủy ban lẫn các bộ phận đều truyền lan những mối đồng cảm của con người, và phản ánh những ác cảm của con người, và kết quả là sự không hoàn hảo của hệ thống thi cử đã được chỉnh đốn; lợi ích công cộng đã được phục vụ; và những liên hệ huyết thống và bằng hữu được thừa nhận. Như vậy, hoàn toàn có khả năng rằng cái danh từ chung “Cô” đã lan truyền qua một ủy ban hay bộ phận một rung động nào đó vốn không được ghi nhận trong phòng thi. “Cô” lan truyền đi giới tính; và giới tính có thể mang theo cùng với nó một hương vị. “Cô” có thể mang theo cùng với nó tiếng sột soạt của chiếc váy dài, sự dễ chịu của một mùi thơm hay những hương vị có thể nhận biết khác đối với cái lỗ mũi ở phía xa của tấm vách ngăn và đáng ghét đối với nó. Những gì quyến rũ và làm cho khuây khỏa trong ngôi nhà riêng có thể gây nên sự xao lãng và bực dọc ở văn phòng làm việc. Hội đồng Tổng giám mục trấn an chúng ta rằng ở trong giới tăng lữ cũng như thế.X Phố Whitehall cũng có thể bị ảnh hưởng tương đương. Ở bất kỳ giá nào, vì Cô là một phụ nữ, Cô không được giáo dục ở trường Eton hay Giáo hội Cơ đốc. Vì Cô là một người phụ nữ, Cô không phải là một cậu con trai hay cậu cháu họ. Chúng ta đang mạo hiểm tìm đường giữa những thứ không thể đo lường. Chúng ta hầu như không thể tiến tới nhiều lắm trên những đầu ngón chân. Chúng ta đang cố gắng, xin nhớ lại, để phát hiện ra hương vị nào đã tự gắn nó vào giới tính trong một văn phòng công cộng; chúng ta đang đánh hơi một cách tế nhị nhất không phải những thực tế mà là những hương vị. Và do đó tốt nhất là không nên phụ thuộc vào mũi riêng của chúng ta, mà nên thu thập chứng cứ từ bên ngoài. Chúng ta hãy quay sang báo giới để xem có thể phát hiện ra từ những ý kiến được trình bày ở đó bất kỳ gợi ý nào để dẫn dắt chúng ta trong nỗ lực xác định câu hỏi tế nhị và khó khăn về mùi thơm, bầu không khí xung quanh cái từ “Cô” ở phố Whitehall hay không. Chúng ta sẽ tham khảo những tờ nhật báo.
Đầu tiên:
Tôi nghĩ thư của ông… đã tổng kết đúng thảo luận về sự quan sát này rằng phụ nữ có quá nhiều tự do. Có lẽ cái gọi là tự do này đến cùng với chiến tranh, khi những người phụ nữ được cho là có những trách nhiệm mà cho tới nay họ chưa hề biết tới. Họ đã phục vụ một cách tuyệt vời trong những ngày đó. Thật không may, họ được ca ngợi và nuông chiều vượt khỏi tất cả mọi tỷ lệ đối với giá trị của các thành tích của họ.XI
          Đoạn đó rất tốt cho một sự bắt đầu. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục:
Tôi có ý kiến rằng một lượng đáng kể của sự khốn cùng vốn phổ biến trong bộ phận này của cộng đồng [giới văn phòng] có thể giảm nhẹ bởi chính sách thuê mướn đàn ông thay vì phụ nữ, ở bất kỳ chỗ nào có thể. Hiện nay có nhiều ngàn phụ nữ đang làm công việc mà những người đàn ông có thể làm trong các văn phòng chính phủ, các nhà bưu điện, các công ty bảo hiểm, các nhà băng và các văn phòng khác. Đồng thời có nhiều ngàn đàn ông đủ phẩm chất, trẻ và ở lứa trung niên, không thể kiếm được một công việc thuộc bất cứ loại nào. Có một yêu cầu lớn đối với lao động nữ trong công việc nội trợ, và trong tiến trình tái phân loại một số lượng lớn phụ nữ đã trôi giạt vào dịch vụ văn phòng sẽ trở nên sẵn có cho công việc nội trợ.XII
Mùi hương đã đậm hơn, ông sẽ đồng ý.
Vậy thêm một lần nữa:
Tôi chắc chắn rằng tôi thốt lên ý kiến của hàng ngàn người đàn ông trẻ tuổi khi tôi nói rằng nếu những người đàn ông làm công việc mà hàng ngàn phụ nữ trẻ tuổi đang làm hiện nay, những người đàn ông sẽ có thể giữ chính những phụ nữ đó trong những ngôi nhà tươm tất. Những ngôi nhà là nơi chốn thật sự của những phụ nữ mà hiện nay đang ép buộc những người đàn ông phải ngồi chơi sơi nước. Đã tới lúc Chính phủ phải dứt khoát về người lao động, trao công ăn việc làm cho nhiều đàn ông hơn, từ đó cho phép họ cưới những phụ nữ mà hiện nay họ không thể tiếp cận.XIII
Đó! Giờ thì không thể ngờ vực gì nữa về mùi hương này. Con mèo đã ra khỏi cái giỏ; và nó là một Con mèo đực.
Sau khi cân nhắc chứng cứ chứa đựng trong ba đoạn trích trên, ông sẽ đồng ý rằng có lý do tốt để nghĩ rằng cái từ “Cô”, dù mùi của nó có thơm tho đến cỡ nào trong ngôi nhà riêng, có một mùi hương cụ thể gắn liền với nó ở phố Whitehall vốn khó ngửi đối với những cái mũi ở phía bên kia tấm vách ngăn; và có khả năng rằng một cái tên gắn liền với từ “Cô” sẽ, do cái mùi hương này, bị gói tròn trong những lĩnh vực thấp hơn nơi các mức lương là nhỏ bé hơn thay vì leo lên những lĩnh vực cao hơn nơi các mức lương là đáng kể. Còn về từ “Ông”, đó là một từ bẩn thỉu; một từ tục tĩu. Càng ít nói về từ đó thì càng tốt. Mùi của nó là thế đó, nó bốc mùi trong những lỗ mũi của phố Whitehall đến nỗi phố Whitehall hoàn toàn loại trừ nó. Ở phố Whitehall cũng như ở trên thiên đường, không có việc cưới xin cũng như việc trao đi trong hôn lễ.XIV
Khi đó mùi hương – hay chúng ta sẽ gọi nó là “bầu không khí”? – là một nguyên tố rất quan trọng trong đời sống nghề nghiệp; bất chấp thực tế rằng giống như các nguyên tố quan trọng khác, nó rất ư tinh tế. Nó có thể thoát khỏi lỗ mũi của những giám khảo trong những phòng thi, thế nhưng lại xâm nhập vào những ủy ban và bộ phận và làm ảnh hưởng tới các giác quan của những người trong đó. Ý nghĩa của nó đối với trường hợp đặt ra trước mặt chúng ta là không thể chối bỏ. Vì nó cho phép chúng ta quyết định trong trường hợp Baldwin chống Whitaker rằng cả ông Thủ tướng và Cuốn niên giám đều nói lên sự thật. Đúng là các nữ công chức xứng đáng được trả lương ngang với những người đàn ông; nhưng cũng đúng là họ không được trả lương nhiều bằng những người đàn ông. Sự khác biệt là do bầu không khí.
Bầu không khí hiển nhiên là một lực lượng rất hùng mạnh. Bầu không khí không chỉ thay đổi kích thước và hình dáng của các sự vật; nó tác động tới những thể rắn khác, như các mức lương, mà người ta có thể nghĩ là không thể thẩm thấu đối với bầu không khí. Người ta có thể viết một bài thơ mang tính sử thi về bầu không khí, hoặc một cuốn tiểu thuyết dài mười hoặc mười lăm tập. Nhưng vì đây chỉ là một lá thư, và ông rất bức bối về thời gian, chúng ta hãy tự giới hạn ở phát biểu giản đơn rằng bầu không khí là một trong các thứ quyền lực nhất, phần vì nó là một trong những thứ không thể thẩm thấu nhất, của những kẻ thù mà với họ những cô con gái của những người đàn ông trí thức phải đấu tranh. Nếu ông nghĩ rằng phát biểu đó cường điệu, hãy nhìn một lần nữa vào những mô hình của bầu không khí chứa đựng trong ba đoạn trích trên. Chúng ta sẽ tìm thấy ở đó không chỉ lý do vì sao tiền lương của người phụ nữ làm công việc chuyên môn vẫn còn rất thấp, mà cả một điều gì đó nguy hiểm hơn, một điều gì đó mà, nếu nó lan trải ra, có thể đầu độc cả hai giới tính ngang nhau. Trong ba đoạn trích trên, có quả trứng của cùng một con sâu mà chúng ta biết dưới những cái tên khác ở những đất nước khác. Chúng ta có sinh vật còn phôi thai này, chúng ta gọi hắn là Kẻ độc tài khi hắn ở Ý hay Đức, kẻ tin rằng hắn có thẩm quyền vô hình dù được ban cho bởi Thượng đế, Tự nhiên, giới tính hay chủng tộc, để ra lệnh cho những con người khác phải sống như thế nào; phải làm những gì. Chúng ta hãy trích dẫn lần nữa: “Những ngôi nhà là nơi chốn thật sự của những phụ nữ mà hiện nay đang ép buộc những người đàn ông phải ngồi chơi sơi nước. Đã tới lúc Chính phủ phải dứt khoát về người lao động, trao công ăn việc làm cho nhiều đàn ông hơn, từ đó cho phép họ cưới những phụ nữ mà hiện nay họ không thể tiếp cận.” hãy đặt nó bên cạnh một trích dẫn khác: “Có hai thế giới trong đời sống của một dân tộc, thế giới của đàn ông và thế giới của phụ nữ. Tự nhiên đã làm tốt khi giao phó cho đàn ông việc chăm sóc gia đình và dân tộc của anh ta. Thế giới của người phụ nữ là gia đình của cô ta, chồng của cô ta, con cái của cô ta, và ngôi nhà của cô ta.” Một trích dẫn được viết bằng tiếng Anh, trích dẫn kia được viết bằng tiếng Đức. Nhưng đâu là chỗ khác nhau? Không phải là cả hai đều nói lên cùng một điều hay sao? Không phải là cả hai đều là giọng nói của những Kẻ độc tài hay sao, dù họ nói bằng tiếng Anh hay tiếng Đức, và không phải là tất cả chúng ta đều đồng ý rằng Kẻ độc tài khi chúng ta gặp hắn ở bên ngoài là một con vật rất nguy hiểm cũng như rất xấu xí hay sao? Và hắn ở đây giữa chúng ta, đang ngóc cái đầu xấu xí của hắn lên, phun nọc độc của hắn, vẫn còn bé nhỏ, cuộn lại như một con sâu bướm trên một chiếc lá, nhưng ngay trong quả tim của nước Anh. Không phải là chính từ quả trứng này, xin lại trích dẫn ông Wells, mà “sự phá hủy thật sự nền tự do (của chúng ta) bởi những tên Phát xít hay Đức Quốc Xã” sẽ xuất hiện hay sao? Và không phải là người phụ nữ, kẻ phải hít thứ chất độc đó và chiến đấu với con côn trùng đó, một cách kín đáo và không vũ khí, trong văn phòng của cô ta, cũng đang chiến đấu với tên Phát xít và tên Đức Quốc Xã một cách chắc chắn như những người chiến đấu với hắn ta với vũ khí dưới ánh đèn quảng cáo chói chang hay sao? Và có phải là cuộc chiến đấu đó không được rút kiệt sức lực và tinh thần của cô ta hay không? Chúng ta có nên giúp cô ta nghiền nát hắn trong đất nước của chính chúng ta trước khi chúng ta yêu cầu cô ta giúp chúng ta nghiền nát hắn ở nước ngoài hay không? Và chúng ta có quyền gì, thưa ông, để rống lên những lý tưởng về tự do và công lý của chúng ta với các quốc gia khác khi chúng ta có thể lắc cho rơi ra từ những tờ nhật báo khả kính nhất của mình những quả trứng như thế vào bất cứ ngày nào trong tuần?
          Ở đây, một cách đúng đắn, ông sẽ kiểm tra cái có tất cả mọi triệu chứng của việc trở thành một đoạn kết của bài diễn văn bằng cách chỉ ra rằng dù những ý kiến thể hiện trong các lá thư đó không hoàn toàn nhất trí với lòng tự trọng dân tộc của chúng ta, chúng là những biểu hiện tự nhiên của sự sợ hãi và một sự ganh ghét mà chúng ta phải thấu hiểu trước khi khinh thị nó. Đúng là, ông sẽ nói, những quý ông dường như quan tâm một cách không chính đáng tới mức lương và sự an toàn của chính họ, nhưng điều đó có thể hiểu được, xét tới những truyền thống của giới tính của họ, và thậm chí nó còn tương hợp với một tình yêu tự do đích thực và một sự căm ghét đích thực đối với sự độc tài. Vì các quý ông đó là, hoặc mong muốn là, những ông chồng và những ông bố, và trong trường hợp đó sự ủng hộ của gia đình sẽ phụ thuộc vào họ. Nói cách khác, thưa ông, tôi muốn ông hình dung thế giới như chính bản thân nó hiện tại, bị chia thành hai hình thức phục vụ; một có tính chất công cộng và một có tính chất riêng tư. Trong thế giới này con trai của những người đàn ông trí thức làm việc với tư cách những công chức, quan tòa,  chiến sĩ được trả công cho công việc đó; trong thế giới kia, con gái của những người đàn ông trí thức làm việc với tư cách những người vợ, những bà mẹ, những cô con gái – nhưng họ có được trả công cho công việc đó hay không? Phải chăng công việc của một người mẹ, một người vợ, một người con gái, không đáng giá gì đối với dân tộc về mặt tiền bạc? Thực tế đó, nếu nó là một thực tế, đáng kinh ngạc đến độ chúng ta phải xác nhận nó bằng cách cầu cứu Whitaker hoàn hảo một lần nữa. Chúng ta hãy lật lại những trang sách của ông ta. Chúng ta có thể lật, rồi lại lật. Nó có vẻ như khó mà tin được, thế nhưng nó có vẻ như khó mà chối bỏ được. Trong số tất cả những văn phòng đó không có một văn phòng nào là văn phòng của một bà mẹ; trong tất cả những mức lương đó không có mức lương nào là mức lương của một bà mẹ. Công việc của một tổng giám mục đáng giá 15.000 bảng một năm đối với Nhà nước; công việc của một quan tòa đáng giá 5000 bảng một năm; công việc của một thư ký thường trực đáng giá 3000 bảng một năm; công việc của một đại úy hải quân, của một thượng sĩ không quân, của một cảnh sát, của một nhân viên bưu điện – tất cả các công việc đó đáng được trả lương từ các khoản thuế, nhưng những bà vợ, những bà mẹ và những cô con gái làm việc suốt ngày và hàng ngày, mà nếu không có công việc của họ Nhà nước sẽ sụp đổ và tan rã thành từng mảnh, nếu không có công việc của họ, con trai của các ông, thưa ông, sẽ ngưng tồn tại, lại không được trả cho bất cứ thứ gì. Có thể như thế được không? Hay chúng ta phải kết án Whitaker, con người hoàn hảo, về lỗi in ấn?
          À, ông sẽ ngắt lời, ở đây có một sự hiểu lầm khác. Chồng và vợ không chỉ là một xác thịt; họ còn là một ví tiền. Lương của bà vợ là phân nửa thu nhập của ông chồng. Người đàn ông được trả nhiều hơn phụ nữ chính là vì lý do đó – vì ông ta có một bà vợ để hỗ trợ. Vậy ra một cử nhân được trả ngang với một phụ nữ chưa kết hôn? Có vẻ là không phải – một tác động lạ lùng khác của bầu không khí, không ngờ gì nữa; nhưng cứ cho nó qua đi. Phát biểu của ông rằng tiền lương của bà vợ là phân nửa thu nhập của ông chồng dường như là một sự sắp xếp công bằng, và không ngờ gì nữa, vì nó công bằng, nó được xác nhận bởi pháp luật. Câu trả lời của ông rằng luật pháp để mặc cho các vấn đề riêng tư đó được quyết định một cách riêng tư kém thỏa đáng hơn, vì nó có nghĩa rằng phần chia phân nửa của bà vợ trong thu nhập chung không được trả một cách hợp pháp vào tay của bà ta, mà vào tay của ông chồng bà ta. Nhưng một quyền tinh thần vẫn có thể ràng buộc như một quyền pháp lý; và nếu bà vợ của một người đàn ông trí thức có một quyền tinh thần đối với phân nửa thu nhập của chồng mình, vậy chúng ta có thể giả sử rằng bà vợ đó có tiền để chi tiêu cho bất kỳ lý do gì cần thiết đối với bà ta, sau khi đã thanh toán những hóa đơn chung trong gia đình, ngang với chồng bà ta. Lúc này ông chồng của bà ta, với nhân chứng là Whitaker, với nhân chứng là những bản chúc thư trong những tờ nhật báo, thường không chỉ đơn giản được trả công bởi nghề nghiệp của mình, mà là ông chủ của một khoản vốn rất đáng kể. Do đó quý bà này, người xác nhận rằng 250 bảng một năm là tất cả những gì một người phụ nữ có thể kiếm được hiện nay trong các nghề nghiệp, đang lãng tránh vấn đề; vì nghề kết hôn ở tầng lớp trí thức là một nghề được trả công cao, vì bà ta có một quyền, một quyền tinh thần, đối với phân nửa tiền lương của ông chồng. Sự rắc rối sâu hơn; sự bí ẩn dày đặc hơn. Vì nếu bản thân những bà vợ của những người đàn ông giàu có cũng là những phụ nữ giàu có, làm sao có chuyện thu nhập của W.S.P.U. chỉ có 42.000 bảng một năm; làm sao có chuyện vị thủ quỹ danh dự của quỹ tái thiết trường cao đẳng đang hỏi xin 100.000 bảng; làm sao có chuyện vị thủ quỹ của một tổ chức nhằm trợ giúp cho những người phụ nữ có chuyên môn được tuyển dụng vẫn đang hỏi xin không chỉ tiền để trả tiền thuê nhân công của mình mà còn rất biết ơn về những cuốn sách, trái cây hay những quần áo bỏ đi?
Nó gắn liền với lý do rằng nếu người vợ có một quyền tinh thần đối với phân nửa thu nhập của chồng mình vì công việc của bà ta với tư cách là người vợ không được trả lương, khi đó bà phải có số tiền để tiêu xài cho những lý do hấp dẫn bà ngang bằng với số tiền ông ta có. Và vì những lý do đó đang đứng khúm núm xin xỏ, chúng ta buộc phải kết luận rằng chúng là những lý do không thu hút sự ưa thích của vợ người đàn ông trí thức. Gánh nặng chi tiêu của bà ta là một gánh nặng rất nghiêm trọng. Vì khi xét tới – nếu có tiền – số ngân quỹ dư thừa đó có thể dành cho giáo dục, cho niềm vui thú, cho hành động nhân ái khi các chi phí trong nhà đã được đáp ứng; bà ta có thể tự do tiêu xài phần chia của mình như chồng của bà ta có thể tiêu xài phần chia của ông ấy. Bà có thể tiêu nó cho bất kỳ lý do gì bà thích; thế nhưng bà sẽ không tiêu nó cho những lý do gần gũi với giới tính của mình. Chúng đứng đó, khúm núm xin xỏ. Đó là một bổn phận kinh khủng chống lại bà.
Nhưng chúng ta hãy tạm dừng giây lát trước khi quyết định về bổn phận chống lại bà ta đó. Chúng ta hãy hỏi các lý do, những niềm vui thú, những hành động nhân ái mà trên thực tế vợ người đàn ông trí thức tiêu phần chia của mình trong số ngân quỹ chung dư thừa đó là gì. Và tới đây chúng ta chạm trán với những thực tế mà, dù có thích chúng hay không, chúng ta phải đối mặt. Thực tế là những thị hiếu của người phụ nữ có chồng thuộc tầng lớp của chúng ta rõ ràng có thiên hướng nam tính. Bà ta tiêu một số tiền lớn hàng năm cho các quỹ tổ chức tiệc; cho thể thao; cho những cánh đồng hoang thả gà gô; cho môn crickê và bóng đá. Bà ta vung tiền cho những câu lạc bộ — Brooks’, White’s, the Travellers’, the Reform, the Athenaeum — chỉ đề cập tới những nơi nổi bật nhất. Chi tiêu của bà ta cho những lý do, những niềm vui và hành động nhân ái này phải tới nhiều triệu mỗi năm. Thế nhưng cho tới lúc này phần lớn hơn của số tiền đó được dùng cho những lạc thú mà bà ta không chia sẻ. Bà ta tiêu nhiều ngàn và nhiều ngàn bảng cho những câu lạc bộ mà giới tính của chính bà ta không được chấp nhận;XV cho những cuộc đua ngựa mà bà ta không thể tham gia; cho những trường cao đẳng mà giới tính của chính bà ta bị loại trừ. Bà ta chi trả một hóa đơn khổng lồ hàng năm cho khoản rượu vang mà bà ta không uống và cho những điếu xì gà mà bà ta không hút. Nói tóm lại, chỉ có hai kết luận mà chúng ta có thể rút ra về vợ của người đàn ông trí thức – đầu tiên, bà ta là con người vị tha nhất, kẻ thích tiêu phần chia của mình trong quỹ chung cho những lạc thú và lý do của chồng mình; thứ hai, và chắc chắn hơn, nếu ít đáng ca ngợi hơn, bà ta không phải là con người vị tha nhất, mà là quyền tinh thần của bà ta đối với phần chia bằng phân nửa thu nhập của chồng bà ta cạn kiệt dần trong việc thực thi một quyền thật sự đối với việc ăn ở và một khoản trợ cấp nhỏ hàng năm cho tiền bỏ túi và y phục. Kết luận nào trong hai kết luận này cũng đều khả dĩ; chứng cứ của các thiết chế công cộng và những danh sách đóng niên liễm khiến bất kỳ kết luận nào khác đều không khả dĩ. Bởi cứ xét tới việc người đàn ông trí thức đã hỗ trợ hào hiệp thế nào cho trường trung học cũ, trường đại học cũ của ông ta; ông ta đã quyên góp rộng tay ra sao cho các quỹ tiệc tùng; ông ta đã đóng góp hào phóng thế nào cho tất cả các tổ chức từ thiện và các môn thể thao mà nhờ chúng ông ta và các cậu con trai giáo dục tâm trí và phát triển thân thể của mình – những tờ nhật báo là nhân chứng hàng ngày cho các sự thật không thể tranh cãi đó. Nhưng sự vắng mặt của tên bà ta từ các danh sách đóng góp, và sự nghèo nàn của những tổ chức giáo dục tâm trí và thân thể của bà ta dường như chứng minh rằng có cái gì đó trong không khí của ngôi nhà riêng đã làm chệch hướng phần chia tinh thần của người vợ trong thu nhập chung một cách tế vi nhưng khó mà cưỡng được với những lý do mà chồng bà ta chấp nhận và những lạc thú mà ông ta tận hưởng. Dù có đáng tin hay không đáng tin, đó là thực tế. Và đó là nguyên nhân vì sao các lý do đó phải thò tay xin xỏ.
Với những thực tế của Whitaker và những thực tế của các danh sách quyên góp trước mặt chúng ta, có vẻ như chúng ta đã đi tới ba sự thật không thể tranh cãi và phải có một ảnh hưởng lớn lao đối với câu hỏi của chúng tôi là bằng cách nào chúng tôi có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh. Đầu tiên là các cô con gái của những người đàn ông trí thức được trả rất ít từ các quỹ công cho các phục vụ công của họ; thứ hai là họ không được trả tí gì từ các quỹ công cho các phục vụ tư của họ; và thứ ba là phần chia của họ trong thu nhập của ông chồng không phải là một phần chia máu thịt mà là một phần chia tinh thần hoặc chỉ có trên danh nghĩa, nghĩa là khi cả hai chi tiêu cho ăn mặc, cái ngân quỹ dư thừa vốn có thể dành cho các chính nghĩa, các lạc thú hay các việc làm từ thiện lại hướng một cách bí ẩn nhưng không thể tranh cãi tới các chính nghĩa, các lạc thú và các việc làm từ thiện mà ông chồng tận hưởng, và chấp nhận. Dường như cá nhân thật sự nhận được khoản tiền lương là cá nhân có quyền thật sự để quyết định khoản lương đó sẽ được tiêu như thế nào.
Các thực tế này đưa chúng ta quay lại trong một tâm trạng kềm chế và với những cách nhìn khá đổi khác đối với điểm xuất phát của chúng ta. Bởi chúng ta sắp, ông có thể nhớ, đặt lời khẩn cầu giúp đỡ của ông trong việc ngăn chận chiến tranh ra trước những người phụ nữ đang kiếm sống bằng nghề nghiệp chuyên môn. Chúng ta đã nói, chính họ là những người chúng ta phải khẩn cầu, vì chính họ, những kẻ có thứ vũ khí mới của chúng tôi, tầm ảnh hưởng của một ý kiến độc lập dựa trên một thu nhập độc lập, trong nghề nghiệp chuyên môn của họ. Nhưng các thực tế lại một lần nữa gây chán nản. Họ làm rõ ngay từ đầu rằng chúng tôi phải loại bỏ, với tư cách là những người trợ giúp khả dĩ, cái nhóm lớn đó của những người mà với họ hôn nhân là một nghề nghiệp, vì nó là một nghề nghiệp không lương, và vì phần chia tinh thần của phân nửa tiền lương của ông chồng không phải, dường như thực tế chỉ ra, là một phần chia thật sự. Do đó, tầm ảnh hưởng bất vụ lợi của bà ta đối với một khoản thu nhập độc lập là con số không. Nếu ông ta ủng hộ vũ lực, cả bà ta cũng sẽ ủng hộ vũ lực. Thứ hai, dường như các thực tế chứng minh rằng phát biểu “Kiếm 250 bảng một năm hoàn toàn là một thành tựu thậm chí đối với một phụ nữ có khả năng cao với nhiều năm kinh nghiệm” không phải là một lời dối trá tuyệt đối mà là một sự thật có khả năng được chứng minh cao. Do đó, ảnh hưởng mà con gái của những người đàn ông trí thức hiện có từ khả năng kiếm tiền của họ không thể được đánh giá cao cho lắm. Thế nhưng vì ngày càng hiển nhiên rằng chúng ta phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ họ, vì chỉ họ mới có thể giúp đỡ chúng ta, chính họ là những người chúng ta phải khẩn cầu. Kết luận này đưa chúng ta quay lại với lá thư mà chúng ta đã trích dẫn bên trên – lá thư của vị thủ quỹ danh dự, lá thư yêu cầu một khoản quyên góp cho tổ chức để giúp con gái của những người đàn ông trí thức được tuyển dụng vào các ngành nghề chuyên môn. Ông sẽ đồng ý, thưa ông, rằng chúng ta có những động cơ vị kỷ mạnh mẽ đối với việc giúp đỡ bà ta – không thể có nghi ngờ nào về điều đó. Bởi việc giúp đỡ những người phụ nữ kiếm sống bằng các nghề chuyên môn là giúp họ chiếm hữu thứ vũ khí của ý kiến độc lập vốn vẫn là vũ khí hùng hậu nhất của họ. Đó là giúp họ có một đầu óc của chính mình và một ý chí của chính mình mà với nó họ sẽ giúp ông ngăn ngừa chiến tranh. Nhưng… – ở đây, trong ba chấm đó, những hoài nghi và do dự lại một lần nữa tự khẳng định bản thân chúng – chúng tôi có thể, xét tới những thực tế đưa ra bên trên, gửi cho bà ta đồng ghi-nê của chúng tôi mà không đưa ra những điều kiện rất nghiêm ngặt về cách sử dụng đồng ghi-nê đó hay không?
Bởi những thực tế mà chúng ta đã phát hiện trong việc kiểm tra lời phát biểu của bà ta về vị thế tài chính của bà ta đã dấy lên những câu hỏi khiến chúng ta tự hỏi chúng ta có khôn ngoan hay chăng khi khuyến khích mọi người tiến vào các nghề nghiệp chuyên môn nếu chúng ta muốn ngăn ngừa chiến tranh. Ông sẽ nhớ rằng chúng tôi đang sử dụng nhận thức sâu sắc về mặt tâm lý của mình (bởi đó là phẩm chất duy nhất của chúng tôi) để quyết định loại phẩm chất nào trong bản chất con người có khả năng dẫn tới chiến tranh. Và những thực tế đã vạch ra bên trên là loại phẩm chất khiến chúng tôi cất tiếng hỏi, trước khi ký vào chi phiếu, rằng nếu chúng tôi khuyến khích con gái của những người đàn ông trí thức tiến vào các nghề nghiệp chuyên môn, chúng tôi có khuyến khích những phẩm chất mà chúng tôi muốn ngăn ngừa hay không? Chúng tôi có sử dụng đồng ghi-nê của mình một cách xứng đáng để bảo đảm rằng trong hai hoặc ba thế kỷ không chỉ những người đàn ông trí thức trong các ngành nghề chuyên môn mà cả những người phụ nữ trí thức trong các ngành nghề chuyên môn sẽ hỏi – ồ, về ai? như  nhà thơ nói – chính cái câu hỏi mà hiện ông đang hỏi chúng tôi: Chúng ta có thể ngăn ngừa chiến tranh hay không? Nếu chúng ta khuyến khích các cô con gái tiến vào các nghề nghiệp chuyên môn mà không yêu cầu bất cứ điều kiện nào theo cách thức mà trong đó các nghề nghiệp chuyên môn được thực hành, chúng ta có cố hết sức để lặp lại như đúc cái âm điệu cũ mà bản chất con người, như một cái máy hát bị kẹt kim, hiện đang rít lên với sự nhất trí đầy tai họa hay không? “Chúng ta đi quanh cây dâu, cây dâu, cây dâu. Đưa hết cả cho tôi, cho tôi, cho tôi. Ba trăm triệu đã tiêu cho chiến tranh.[3]” Với bài ca đó, hay thứ gì đại loại vậy, đang ngân lên trong tai chúng tôi, chúng tôi không thể gửi đồng ghi-nê của mình cho vị thủ quỹ danh dự mà không cảnh báo bà ta rằng bà ta sẽ chỉ có nó với điều kiện rằng bà ta phải thề rằng các nghề nghiệp chuyên môn trong tương lai sẽ được thực hành để chúng có thể dẫn tới một bài ca khác và một kết luận khác. Bà ta sẽ chỉ có nó nếu bà ta đáp ứng với chúng tôi rằng đồng ghi-nê của chúng tôi sẽ được tiêu vì chính nghĩa hòa bình. Khó mà phát biểu rõ ràng những điều kiện như thế; với sự thiếu hiểu biết về tâm lý hiện nay của chúng tôi có lẽ đó là điều bất khả. Nhưng vấn đề rất nghiêm trọng, chiến tranh là thứ không thể chấp nhận, khủng khiếp, phi nhân, đến độ chúng tôi phải thực hiện một nỗ lực. Vậy đây là một lá thư khác gửi cho cùng quý bà đó.
“Thưa bà, lá thư của bà đã chờ hồi âm một thời gian dài, nhưng chúng tôi đã kiểm tra những lời buộc tội cụ thể chống lại bà và có một số yêu cầu nhất định. Chúng tôi đã tuyên bố bà trắng án, thưa bà, bà sẽ nhẹ nhõm biết thế, về việc nói dối. Có vẻ như thật sự là bà nghèo. Chúng tôi còn tuyên bố cho bà trắng án về sự biếng nhác, sự thờ ơ và tham lam. Con số những nguyên nhân rằng bà đang thắng lợi, dù bí mật và chưa đầy đủ, ủng hộ cho bà. Nếu bà thích kem và đậu phọng hơn thịt sườn nướng và bia, nguyên nhân sẽ có vẻ vì lý do kinh tế hơn là vị giác. Có vẻ như chắc chắn rằng bà không có nhiều tiền để chi cho thực phẩm hay nhiều lạc thú hơn trong việc ẩm thực khi xét tới những cáo thị và tờ rơi bà phân phát, những cuộc họp bà chuẩn bị, những cửa hàng từ thiện bà tổ chức. Thật sự, có vẻ bà đang làm việc không lương nhiều giờ hơn mức Văn phòng quản lý gia đình chấp thuận. Nhưng dù chúng tôi sẵn sàng thương xót cho sự nghèo túng của bà và ca ngợi ngành của bà, chúng tôi sẽ không gửi cho bà một ghi-nê để giúp bà giúp những người phụ nữ tiến vào các nghề nghiệp chuyên môn trừ phi bà có thể bảo đảm rằng họ sẽ thực hành những nghề nghiệp theo một cách thức có thể ngăn ngừa chiến tranh. Điều đó, bà sẽ nói, là một phát biểu mơ hồ, một điều kiện bất khả thi. Tuy nhiên, vì những đồng ghi-nê thì hiếm và có giá trị, bà sẽ lắng nghe những điều khoản mà chúng tôi muốn đưa ra nếu, bà ngụ ý, chúng có thể được phát biểu một cách ngắn gọn. Vậy thì, thưa bà, vì bà chịu sức ép của thời gian, mà với Dự luật lương hưu, với việc lùa những Ông Nghị vào Thượng viện để họ có thể bỏ phiếu cho nó như bà đã hướng dẫn, với việc đọc Biên bản chính thức của các cuộc họp nghị viện và những tờ nhật báo – dù điều đó sẽ không mất nhiều thời gian; bà sẽ không tìm thấy đề cập nào về những hoạt động của bà ở đó;VXI  một sự thông đồng im lặng dường như là nguyên tắc; với việc lẳng lặng âm mưu cho tiền công bình đẳng đối với công việc bình đẳng trong ngành công chức, trong khi đồng thời bà đang chuẩn bị những chú thỏ rừng và những nồi cà phê cũ để dụ dỗ mọi người chi trả nhiều hơn mức họ đáng được nhận một cách nghiêm khắc ở một cửa hàng phúc thiện – vì, nói tóm một lời, rõ ràng là bà bận rộn, chúng ta hãy nhanh lên; tiến hành một khảo sát nhanh; thảo luận vài đoạn trong những cuốn sách trong thư viện của bà; trong những tờ báo trên bàn của bà, và sau đó xem coi chúng ta có thể khiến cho phát biểu đó ít mơ hồ hơn, các điều kiện trở nên rõ ràng hơn hay không.
“Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào phía ngoài của các sự vật, ở phương diện chung. Các sự vật có những phía ngoài cũng cho phép chúng ta nhớ lại những phía bên trong. Gần sát bên là một chiếc cầu bắc qua sông Thames, một chứng cứ tiện lợi tuyệt vời cho một cuộc khảo sát như thế. Dòng sông chảy bên dưới, những chiếc sà lan lướt qua, nặng trĩu những khúc gỗ, đầy ắp ngô; ở một bên bờ sông là những mái vòm và ngọn tháp của thành phố; ở bờ bên kia là Westminster và Tòa Thượng viện. Đó là một nơi để đứng và mơ mộng. Nhưng không phải lúc này. Lúc này chúng ta đang chịu áp lực của thời gian. Lúc này chúng ta ở đây để xem xét các thực tế; lúc này chúng ta phải dán mắt vào đám diễu hành – đám diễu hành của con trai của những người đàn ông trí thức.
“Họ tiến tới, những người anh em của chúng ta, những kẻ đã được giáo dục ở các trường tư thục và đại học, bước lên những bậc thềm đó, vào ra ngang qua những cánh cửa đó, bước lên những cái bục đó, giảng đạo, dạy học, thực thi công lý, thực hành y khoa, giao dịch kinh doanh, làm ra tiền. Nó luôn là một cảnh tượng trang nghiêm – một đám diễu hành, như một thương đoàn lớn băng ngang qua sa mạc. Những ông cố, những ông nội, những ông bố, những ông chú bác – tất cả bọn họ đều đi con đường ấy, mặc áo thụng, đội tóc giả, một số đeo ruy băng ngang ngực, số khác thì không. Một vị là giám mục. Vị kia là quan tòa. Một vị là đô đốc. Vị kia là tướng quân. Một vị là giáo sư. Vị kia là bác sĩ. Và một số rời khỏi đám diễu hành và được nghe nói tới lần cuối đang ở Tasminia mà chẳng làm gì cả; được nhìn thấy, ăn mặc khá tồi tàn, đang bán báo ở Charing Cross. Nhưng hầu hết bọn họ vẫn tiếp bước, đi theo lề luật, và với bất kỳ phương tiện nào có thể, tìm đủ tiền để duy trì ngôi nhà của gia đình, ở một nơi nào đó, đang mạnh mẽ phát biểu ở West End, được cung cấp thịt bò và thịt cừu cho cả nhà, và với một học vấn dành cho Arthur. Đó là một cảnh tượng nghiêm trang, cái đám diễu hành này, một cảnh tượng thường khiến chúng ta, bà có thể nhớ, nhìn vào một bên của nó từ một cửa sổ tầng trên, tự hỏi một số câu hỏi nhất định. Nhưng hiện giờ, trong khoảng hai mươi năm qua, nó không còn đơn thuần là một cảnh tượng, một tấm ảnh, hay một bức bích họa bò dọc lên những bức tường thời gian mà chúng ta có thể nhìn vào với một sự tán thưởng thẩm mỹ đơn thuần. Vì ở đó, đi thơ thẩn theo sau cái đuôi của đám diễu hành, là chính chúng ta. Và điều đó làm nên một khác biệt. Chúng ta, những kẻ đã nhìn quá lâu vào những hoạt cảnh lịch sử trong những cuốn sách, hay quan sát từ một cửa sổ buông rèm những người đàn ông trí thức rời nhà vào khoảng chín giờ rưỡi để tới một văn phòng, quay về nhà vào khoảng sáu giờ rưỡi từ một văn phòng, không cần trông có vẻ thụ động nữa. Cả chúng ta cũng có thể rời khỏi nhà, có thể bước lên những bậc thềm đó, vào ra những cánh cửa đó, đội tóc giả và mặc áo thụng, kiếm tiền, điều hành công lý. Cứ nghĩ xem – một ngày nào đó, bà có thể đội mái tóc giả của một quan tòa lên đầu, khoác một cái áo choàng lông chồn lên vai; ngồi bên dưới con sư tử và kỳ lân; hưởng một khoản lương năm ngàn bảng một năm với một khoản lương hưu khi nghỉ việc. Chúng ta, những kẻ hiện giờ đang bối rối về những điều hèn mọn này có thể đứng phát biểu trên một cái bục vào một hoặc hai thế kỷ nữa. Khi đó sẽ không ai dám phủ nhận chúng ta; chúng ta sẽ là phát ngôn viên của tinh thần linh thánh – một ý nghĩ nghiêm túc, phải không? Ai có thể nói được, theo thời gian, chúng ta có thể mặc quân phục, với những dải đăng ten vàng trên ngực, kiếm bên hông, và đội một thứ gì đó giống như một cái thùng đựng than cũ trong nhà lên đầu hay chăng, ngoại trừ rằng vật thể khả kính đó không bao giờ được trang trí với những chùm lông ngựa trắng. Bà bật cười – thật sự cái bóng của ngôi nhà riêng vẫn còn khiến cho những bộ y phục đó trông khá là kỳ cục. Chúng ta đã mặc y phục riêng quá lâu – cái tấm mạng che mặt mà St Paul đã giới thiệu. Nhưng chúng ta không tới đây để cười, hay để trò chuyện về thời trang của đàn ông và phụ nữ. Chúng ta ở đây, trên chiếc cầu, để tự hỏi chính mình những câu hỏi nhất định. Và chúng là những câu hỏi rất quan trọng; và chúng ta có rất ít thời gian để trả lời chúng. Những câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra và phải trả lời về đám diễu hành trong thời khắc chuyển tiếp này quan trọng đến độ chúng có thể biến đổi cuộc đời của tất cả đàn ông và phụ nữ mãi mãi. Bởi chúng ta phải tự hỏi chính mình, tại đây và ngay bây giờ, chúng ta có muốn tham gia đám diễu hành đó hay không? Chúng ta sẽ tham gia đám diễu hành đó với điều kiện nào? Trên hết, nó dẫn chúng ta tới đâu, cái đám diễu hành của những người đàn ông trí thức ấy? Thời khắc này ngắn ngủi; nó có thể kéo dài năm năm; mười năm, hay có lẽ chỉ kéo dài vài tháng. Nhưng những câu hỏi phải được giải đáp; và chúng quan trọng đến độ nếu tất cả các cô con gái của những người đàn ông trí thức không làm gì cả, từ sáng cho tới tối, ngoài việc xem xét cái đám diễu hành đó từ mọi góc độ, nếu họ không làm gì cả ngoài việc cân nhắc và phân tích nó, suy nghĩ về nó, đọc về nó và góp chung những điều họ suy nghĩ và đọc, những gì họ thấy và đoán, thì giờ của họ sẽ được sử dụng tốt hơn so với bất kỳ hoạt động nào khác hiện đang mở ra cho họ. Nhưng, bà sẽ phản đối, bà không có thì giờ để suy nghĩ; bà có những trận chiến phải xông vào, tiền thuê phải trả, những cửa hàng phúc thiện phải tổ chức. Lý do bào chữa đó sẽ không phục vụ cho bà, thưa bà. Như bà biết từ kinh nghiệm của chính mình, và có những thực tế đã chứng minh nó, con gái của những người đàn ông trí thức luôn luôn thực hiện việc suy nghĩ từ tay đến miệng; không phải dưới những ngọn đèn xanh ở những bàn học trong những hành lang của những trường cao đẳng tách biệt. Họ suy nghĩ trong lúc đang khuấy nồi, trong lúc đang đưa nôi. Chính vì thế họ đã giành được cho chúng ta cái quyền đối với đồng sáu xu mới toanh của chúng ta. Hiện giờ việc của chúng ta tiếp tục làm là suy nghĩ; chúng ta sẽ sử dụng sáu xu đó thế nào? Chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta hãy suy nghĩ trong những văn phòng; trong những chiếc xe buýt hai tầng; trong lúc chúng ta đang đứng trong đám đông quan sát những lễ đăng quang và những cuộc trình diễn của ngài Thị trưởng; chúng ta hãy suy nghĩ khi đi ngang qua đài tưởng niệm Cenotaph; và trên phố Whitehall; trong hành lang của Hạ nghị viện; trong những tòa án; chúng ta hãy suy nghĩ trong những buổi lễ rửa tội, trong những hôn lễ và tang lễ. Chúng ta hãy suy nghĩ không ngừng – “nền văn minh” mà chúng ta nhận ra mình đang ở trong nó này là cái gì? Những nghi lễ này là gì và vì sao chúng ta phải tham dự chúng? Những nghề nghiệp chuyên môn này là gì và vì sao chúng ta kiếm ra tiền từ chúng? Nói tóm, nó đang dẫn chúng ta tới đâu, cái đám diễu hành của con trai của những người đàn ông trí thức này?
“Nhưng bà đang bận; chúng ta hãy quay lại với những thực tế. Vậy hãy bước vào cửa, và mở những cuốn sách trên kệ thư viện của bà. Vì bà có một thư viện, một thư viện tốt. Một thư viện đang hoạt động, một thư viện đang sống; một thư viện không có thứ gì bị cột ràng lại, không có thứ gì bị nhét vào ngăn tủ khóa kín; một thư viện nơi những bài hát của những ca sĩ cất lên tự nhiên từ cuộc sống của những người đang sống. Kia là những bài thơ, đây là những tiểu sử? Chúng khuyến khích tới mức nào để chúng ta suy nghĩ rằng nếu chúng ta giúp các cô con gái trở thành những người phụ nữ có chuyên môn chúng ta sẽ ngăn cản chiến tranh? Lời giải đáp cho câu hỏi đó nằm rải rác trong tất cả những bộ sách này; và dễ đọc đối với bất kỳ một ai có thể đọc được tiếng Anh đơn giản. Và câu trả lời, người ta phải thừa nhận, cực kỳ lạ lùng. Bởi hầu như mọi tiểu sử mà chúng ta đọc về những người đàn ông trí thức trong thế kỷ mười chín, tự giới hạn mình ở thời kỳ không xa cách và có đầy đủ tư liệu đó, đều có liên quan rất nhiều tới chiến tranh. Có vẻ như họ đều là những chiến binh vĩ đại, những người đàn ông có chuyên môn dưới triều đại của Nữ hoàng Victoria. Có trận chiến Westminster. Có trận chiến phố Whitehall. Có trận chiến phố Harley Street. Có trận chiến của Viện hàn lâm Hoàng gia. Một số trận trong đó, như bà có thể kiểm chứng, vẫn còn đang tiếp diễn. Thật sự nghề nghiệp chuyên môn duy nhất có vẻ như không phải tham gia một trận chiến dữ dội hồi thế kỷ mười chín là nghề nghiệp văn chương. Tất cả các nghề chuyên môn khác, theo sự chứng thực của tiểu sử, có vẻ như khát máu không thua gì chính cái nghề cầm vũ khí. Đúng là những người tham chiến không gây ra những vết thương da thịt;XVII tinh thần mã thượng ngăn cấm điều đó; nhưng bà sẽ đồng ý rằng một trận đánh lãng phí thời gian cũng gây chết chóc không kém gì một trận đánh lãng phí máu xương. Bà sẽ đồng ý rằng một trận đánh tốn kém tiền bạc cũng chết người không kém một trận đánh phải trả giá một cánh tay hay một cẳng chân. Bà sẽ đồng ý rằng một trận đánh buộc tuổi trẻ phải tiêu phí sức mạnh của nó để tranh cãi trong những văn phòng ủy ban, khẩn nài những ân huệ, khoác một cái mặt nạ tôn sùng để che đậy sự lố lăng của nó; tạo nên những vết thương mà không cuộc phẫu thuật nào có thể chữa lành cho tinh thần của con người. Thậm chí trận đánh để đòi lương bình đẳng cho công việc bình đẳng cũng tước mất thời gian, tinh thần, như chính bản thân bà có thể thừa nhận, nếu như bà không kín đáo một cách bất khả lý giải về một số vấn đề nhất định. Hiện giờ, những cuốn sách trong thư viện của bà ghi chép lại nhiều trận đánh trong số này đến độ không thể nào đọc hết tất cả; nhưng vì tất cả bọn họ dường như đã chiến đấu theo cùng một kế hoạch, bởi cùng những bên tham chiến, nghĩa là những người đàn ông trí thức chống lại các chị em gái và con gái của họ, chúng ta hãy, vì thời gian thúc ép, liếc qua chỉ một trong các chiến dịch này và kiểm tra trận đánh ở phố Harley Street, để có thể hiểu những nghề nghiệp chuyên môn đã tác động ra sao tới những kẻ thực hành chúng.
“Chiến dịch này mở ra năm 1869 dưới sự lãnh đạo của Sophia Jex-Blake. Trường hợp của bà ấy là một ví dụ rất điển hình về trận chiến lớn thời Victoria giữa những nạn nhân của hệ thống xã hội gia trưởng và những kẻ gia trưởng, của các cô con gái chống lại các ông bố, đến độ nó đáng để kiểm tra trong giây lát. Cha của Sophia là một mẫu người khả kính của giới đàn ông trí thức thời Victoria, tốt bụng, có học thức và giàu có. Ông là một Tổng giám thị của Hội Luật sư Dân sự London. Ông có đủ tiền để duy trì sáu người hầu, một đàn ngựa và những cỗ xe, và có thể cung cấp cho con gái mình không chỉ nơi ăn chốn ở mà cả những “đồ nội thất xinh đẹp” và một “lò sưởi ấm cúng” trong phòng ngủ của cô. Về tiền lương tháng cho “y phục và tiền riêng bỏ túi”, ông cho cô 40 bảng một năm. Vì lý do nào đó cô thấy rằng số tiền này thì không đủ. Năm 1869, khi xét tới thực tế rằng cô chỉ còn chín si-ling và chín xu để sống tiếp ba tháng tới, cô muốn tự mình kiếm tiền. Và cô được đề nghị một vị trí gia sư với tiền công năm si-ling mỗi giờ. Cô nói với cha mình về đề nghị đó. Ông đáp: “Con thân yêu, giây phút này ta chỉ nghe rằng con đang ngẫm nghĩ tới việc được trả tiền cho công việc gia sư. Nó hoàn toàn thấp kém so với con, con yêu ạ, và ta KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐIỀU ĐÓ.” Cô tranh cãi: “Vì sao con không thể nhận nó? Cha là một người đàn ông làm công việc của mình và nhận tiền công cho nó, và không ai nghĩ rằng điều đó làm hạ phẩm giá, mà là một trao đổi công bằng… Tom đang làm ở một cấp độ lớn điều con đang làm ở một cấp độ nhỏ.” Ông đáp” Trường hợp con trích dẫn, con yêu, không phải là vấn đề… T.W. cảm thấy ràng buộc với tư cách một NGƯỜI ĐÀN ÔNG… để hỗ trợ cho vợ và gia đình mình, và anh ta có vị trí cao, chỉ có thể do một người đàn ông có tính cách hàng đầu đảm nhiệm, và mang tới cho anh ta gần một ngàn bảng một năm… Trường hợp của con hoàn toàn khác! Con không cần gì cả, và biết rằng (nói một cách con người) con sẽ không cần gì cả. Nếu ngày mai con kết hôn – và cha thích – và cha không tin con sẽ không bao giờ lấy chồng – cha sẽ cho con một tương lai tốt đẹp.” Bình luận của cô về câu này trong một nhật ký riêng là: “Như một đứa ngu xuẩn, tôi đã chấp nhận từ bỏ khoản tiền công chỉ vì điều này – dù tôi nghèo túng một cách khốn khổ. Vụ này thật ngu xuẩn. Nó chỉ trì hoãn cuộc đấu tranh.”XVIII
“Ở đó bà ta đúng. Cuộc đấu tranh với cha của bà ta đã kết thúc. Nhưng cuộc đấu tranh với các ông bố nói chung, với chính bản thân chế độ gia trưởng, đã hoãn lại cho một địa điểm khác và thời điểm khác. Trận chiến thứ hai là ở Edinburgh vào năm 1869. Bà ta đã được nhận vào trường Cao đẳng Phẫu thuật Hoàng gia. Sau đây là lý giải của một tờ báo về cuộc giao chiến đầu tiên. “Một sự náo động của một bản chất rất không thích hợp đã xảy ra vào chiều hôm qua ở trước trường Cao đẳng Phẫu thuật Hoàng gia… Ngay trước bốn giờ… gần 200 sinh viên tập hợp ở trước cánh cổng dẫn vào tòa nhà…” Các sinh viên y khoa hò hét và hát vang những bài ca. “Cánh cổng đóng kín trước mặt họ (những người phụ nữ)… Bác sĩ Handyside thấy rằng cực kỳ bất khả để bắt đầu sự chứng minh của ông… một chú cừu non đã được đưa vào phòng” vân vân. Các phương pháp rất giống với những phương pháp đã được vận dụng ở Cambridge trong trận chiến đòi Chứng chỉ. Và một lần nữa, như ở sự kiện đó, giới chức thẩm quyền đã triển khai các phương pháp thẳng thừng đó và tuyển dụng những người khác, tinh ranh hơn và hữu hiệu hơn. Không gì có thể dụ dỗ những kẻ có thẩm quyền cắm trại trong phạm vi những cánh cổng thiêng liêng để cho phép những người phụ nữ bước vào. Họ nói rằng Thượng đế đứng về phía họ, Tự nhiên đứng về phía họ, Luật pháp đứng về phía họ, và Của cải đứng về phía họ. Trường cao đẳng được thành lập chỉ cho lợi ích của những người đàn ông; và chỉ những người đàn ông được pháp luật cho phép hưởng lợi từ các tài sản của nó. Các ủy ban thông thường được thành lập. Các đơn thỉnh nguyện thông thường được ký. Các khẩn nài khiêm tốn được thực hiện. Các cửa hàng phúc thiện thông thường được tổ chức. Các câu hỏi thông thường về các chiến thuật được đưa ra tranh cãi. Như thường lệ, là câu hỏi, chúng ta có nên tấn công ngay lúc này, hay chờ đợi thì khôn ngoan hơn? Ai là bạn và ai là kẻ thù của chúng ta? Có những khác biệt thông thường trong các ý kiến, những phân rẻ thông thường giữa các vị cố vấn. Nhưng vì sao phải khu biệt hóa?
Toàn bộ đám diễu hành quen thuộc đến độ trận chiến của phố Harley hồi năm 1869 có thể là trận chiến của Đại học Cambridge ngay hiện tại. Ở cả hai sự kiện đều có cùng một sự lãng phí sức mạnh, lãng phí tâm trạng, lãng phí thời gian và lãng phí tiền bạc. Hầu như cùng những cô con gái yêu cầu cùng những người anh em trai về hầu như cùng các đặc quyền đặc lợi. Hầu như cùng các quý ông cùng phát ra cùng những lời từ chối vì những nguyên do hầu như giống nhau. Có vẻ như không có chút tiến triển nào ở nòi giống loài người mà chỉ có có sự lặp lại. Chúng ta hầu như có thể nghe thấy họ nếu chúng ta lắng nghe tiếng hát của cùng bài ca cũ, “Chúng ta ở đây đi vòng quanh cây dâu, cây dâu, cây dâu,” và nếu chúng ta bổ sung, “của tài sản, của tài sản, của tài sản,” chúng ta sẽ phủ đầy giai điệu mà không hề làm điều gì thô bạo đối với các thực tế.
“Nhưng chúng ta không ở đây để hát những bài ca cũ hay lấp đầy những giai điệu bị bỏ quên. Chúng ta ở đây để xem xét những thực tế. Và những thực tế mà chúng ta vừa trích ra từ tiểu sử dường như đã chứng minh rằng các nghề chuyên môn có một ảnh hưởng không thể chối bỏ đối với các giáo sư. Chúng khiến cho những người thực hành chúng trở nên có đầu óc chiếm hữu, ghen tức với bất kỳ xâm phạm nào tới các quyền lợi của họ, và trở nên cực kỳ hiếu chiến nếu bất kỳ một ai dám tranh chấp với họ. Vậy chúng ta có đúng hay không khi nghĩ rằng nếu chúng ta bước vào cùng các nghề nghiệp đó chúng ta sẽ thủ đắc cùng những phẩm chất đó? Và các phẩm chất đó có dẫn tới chiến tranh hay không? Ở một thế kỷ khác nếu chúng ta thực hành cùng các nghề chuyên môn theo cùng một cách, chúng ta có bị phán xét là cũng có đầu óc chiếm hữu, ghen ghét, cũng thích gây gỗ, cũng tiêu cực như phán quyết của Thượng đế, Tự nhiên, Luật Pháp và Tài sản như các quý ông này hiện giờ hay không? Do đó đồng ghi-nê này, nhằm giúp bà giúp những người phụ nữ đi vào các nghề chuyên môn, có một điều kiện với ý nghĩa là điều kiện tiên quyết gắn liền với nó. Bà phải thề rằng bà sẽ làm tất cả mọi điều trong khả năng của mình để dứt khoát rằng bất kỳ phụ nữ nào bước vào bất kỳ nghề chuyên môn nào sẽ không ngăn cản bất kỳ người nào, dù là đàn ông hay phụ nữ, trắng hay đen, miễn là anh ta hoặc cô ta có đủ phẩm chất bước vào nghề nghiệp đó, được tham gia nghề nghiệp đó; mà sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng để giúp họ.
“Bà đã sẵn sàng giơ tay thề điều đó, tại đây và ngay bây giờ, bà nói, và đồng thời giơ bàn tay đó ra để nhận đồng ghi-nê. Nhưng gượm đã. Các điều kiện khác gắn liền với nó trước khi nó là của bà. Hãy xem xét lần nữa đám diễu hành của con trai của những người đàn ông trí thức; tự hỏi bản thân lần nữa, nó đang dẫn chúng ta tới đâu? Ngay lập tức một câu trả lời tự đề xuất nó với chúng ta. Tới những khoản thu nhập, điều đó có vẻ hiển nhiên, ít nhất là đối với chúng ta, cực kỳ tuyệt vời. Whitaker xem điều đó vượt khỏi một sự ngờ vực. Và ngoài chứng cứ của Whitaker, còn có chứng cứ của nhật báo – chứng cứ của những chúc thư, của những danh sách quyên góp mà chúng ta đã xem xét. Trong một ấn bản của một tờ báo, ví dụ, nó phát biểu rằng có ba người đàn ông trí thức chết; một người để lại 1.193.251 bảng; người kia 1.010.288 bảng; người cuối 1.404.132 bảng. Đó là những khoản tiền lớn để những người làm việc nhà góp nhặt, bà sẽ thừa nhận. Và vào đúng lúc, vì sao chúng ta lại không góp nhặt? Hiện giờ, khi ngành công chức đã mở ra với chúng ta, chúng ta có thể kiếm được một ngàn tới ba ngàn mỗi năm; hiện giờ khi công đường mở ra với chúng ta, chúng ta có thể kiếm được 5000 bảng mỗi năm với nghề thẩm phán, và bất kỳ tổng số nào lên tới bốn mươi hoặc năm mươi ngàn mỗi năm với nghề luật sư. Khi giáo hội mở ra với chúng ta, chúng ta có thể nhận được những khoảng lương mười lăm ngàn, năm ngàn hoặc ba ngàn hàng năm, kèm theo là nhà ở và địa phận cai quản. Khi thị trường chứng khoán mở ra với chúng ta, cái chết của chúng ta có thể đáng giá nhiều triệu như Pierpont Morgant[4], hoặc chính bản thân Rockefeller[5]. Với nghề bác sĩ, chúng ta có thể kiếm được từ hai ngàn tới năm mươi ngàn một năm. Với nghề biên tập viên, thậm chí chúng ta có thể kiếm được những khoảng lương không tệ chút nào. Người này có một ngàn mỗi năm; người khác hai ngàn; nghe đồn rằng biên tập của một tờ nhật trình lớn có mức lương năm ngàn mỗi năm. Tất cả những số tiền sẽ đến tay chúng ta vào đúng lúc nếu chúng ta theo đuổi các nghề nghiệp chuyên môn. Tóm lại, chúng ta có thể chuyển đổi vị trí từ những nạn nhân của hệ thống gia trưởng, được trả công bằng hàng hóa, với một thu nhập tiền mặt mỗi năm 30 hay 30 bảng cộng với nơi ăn ở, trở thành những chiến sĩ của hệ thống tư bản, với một thu nhập hàng năm nhiều ngàn theo nghề nghiệp chuyên môn mà, với sự đầu tư sáng suốt, có thể lên tới một khoản vốn nhiều triệu lớn hơn số mà chúng ta có thể đếm được khi xuôi tay nhắm mắt.
“Đây là một ý nghĩ đầy quyến rũ. Hãy xét xem nó có ý nghĩa gì nếu trong số chúng ta hiện giờ có một phụ nữ là nhà sản xuất xe hơi. Với một nét bút, bà ta có thể chu cấp cho những trường cao đẳng dành cho phụ nữ, mỗi trường hai hoặc ba trăm ngàn bảng. Khi đó, ắt hẳn vị thủ quỹ danh dự của quỹ tái thiết, người chị em của bà ở Cambridge, có thể chiếu cố một đáng đáng kể cho những người lao động của mình. Sẽ không còn cần tới những lời nài nỉ hay những ủy ban, về những quả dâu tây, kem và những cửa hàng phúc thiện. Và hãy giả sử rằng không chỉ có một phụ nữ giàu, mà những người phụ nữ giàu cũng là chuyện bình thường như những người đàn ông giàu. Có điều gì mà bà không làm được? Bà có thể đóng cửa văn phòng của mình ngay tắp lự. Bà có thể tài trợ cho bữa tiệc của một người phụ nữ ở Hạ viện. Bà có có thể quản lý một tờ nhật báo gắn kết với một mưu đồ, không phải là của sự im lặng, mà là của lời phát biểu. Bà có thể chu cấp cho những phụ nữ không chồng; những nạn nhân của chế độ gia trưởng, với tiền tiêu vặt thiếu thốn và không có cả nơi ăn chốn ở. Bà có thể thể trả lương bình đẳng cho những công việc ngang nhau. Bà có thể cung cấp thuốc gây mê cho mọi bà mẹ đến ngày sinh nở;XIX, giảm đi tử suất của những bà mẹ từ bốn phần ngàn xuống còn con số không, có lẽ. Trong một phiên họp bà có thể thông qua những dự luật mà hiện giờ có lẽ bà phải mất cả một trăm năm lao tâm khổ tứ liên tục để thâm nhập vào Hạ viện. Dường như ở thoáng nhìn đầu tiên chẳng có điều gì mà bà không làm được, nếu bà có cùng số vốn tùy nghi sử dụng như những người anh em trai của mình. Vậy thì, bà cảm thán, tại sao không giúp chúng tôi cất bước đầu tiên tới việc thủ đắc điều đó? Những nghề nghiệp chuyên môn là con đường duy nhất để chúng ta có thể kiếm tiền. Tiền là phương tiện duy nhất để chúng ta có thể đạt được những đối tượng đáng khát khao vô tả. Thế nhưng bà đang ở đây, có vẻ như bà đang phản đối, tranh cãi và mặc cả về những điều kiện. Nhưng hãy xét tới lá thư này của một người đàn ông có nghề nghiệp chuyên môn đang yêu cầu chúng tôi giúp ông ta ngăn chận chiến tranh. Cũng hãy nhìn vào những tấm ảnh chụp những thi thể và những ngôi nhà đổ nát mà chính phủ Tây Ban Nha gửi tới hầu như mỗi tuần. Đó là lý do vì sao tranh cãi và mặc cả về những điều kiện là điều cần thiết.
“Vì khi kết hợp chứng cứ của lá thư và những tấm ảnh với những thực tế mà lịch sử và tiểu sử cung cấp cho chúng ta về những nghề nghiệp chuyên môn, có vẻ như chúng gieo một ánh sáng cụ thể, một ánh sáng đỏ, chúng ta phải nói thế, lên cùng những nghề nghiệp chuyên môn như nhau. Bà tạo ra tiền nhờ chúng; điều đó đúng; nhưng tiền, khi xét tới những thực tế đó, tự bản thân nó là một sự sở hữu đáng ước ao tới mức nào? Một quyền lực vĩ đại đối với kiếp người, bà sẽ nhớ, đã xác định từ hơn hai ngàn năm trước rằng những sở hữu to lớn thì có thể gây phiền toái. Bà đáp lại điều này, với một độ nóng như thể bà đang mong đợi một lý do khác để giữ chặt sợi dây buộc ví, rằng những lời của Chúa Ki-tô về người giàu và Nước Trời không còn hữu dụng đối với những người phải đối mặt với những thực tế khác trong một thế giới khác. Bà lập luận rằng với mọi thứ như ở nước Anh hiện nay, sự nghèo túng cực kỳ không đáng ước ao cho bằng giàu có cực kỳ. Sự nghèo túng của những người Cơ đốc sẵn sàng cho đi mọi của cải của mình đã tạo nên, như chúng ta có những chứng cứ hàng ngày và thừa thãi, sự què quặt trong cơ thể, sự nhu nhược trong tâm hồn. Kẻ thất nghiệp, xin đơn cử một ví dụ cụ thể, không phải là một nguồn của cải tinh thần hay tri thức đối với đất nước của họ. Đây là những lập luận có sức nặng, nhưng hãy xét tới trong giây lát cuộc đời của Pierpont Morgan. Phải chăng bà không đồng ý rằng với chứng cứ trước mặt chúng ta đó, giàu có cực kỳ cũng gây phiền toái không kém, và vì cùng những nguyên do? Nếu giàu có cực kỳ gây phiền toái và nghèo túng cực kỳ cũng gây phiền toái, có thể lý luận rằng có một ý nghĩa đáng ao ước nào đó nằm giữa hai điều này. Vậy ý nghĩa đó là gì – cần có bao nhiêu tiền để sống ở nước Anh ngày nay? Số tiền đó nên được sử dụng thế nào? Kiểu sống nào, kiểu người nào, bà đề nghị hướng tới như thể bà đã thành công trong việc trích xuất đồng ghi-nê này? Thưa bà, đó là những câu hỏi mà tôi đang yêu cầu bà cân nhắc và bà không thể chối bỏ rằng đó là những câu hỏi có tầm quan trọng tột cùng. Nhưng, chao ôi, chúng là những câu hỏi có thể đưa chúng ta ra xa khỏi thế giới hiện hữu của những thực tại đang giam hãm chúng ta. Vì thế chúng ta hãy gập lại quyển kinh Tân Ước; Shakespeare, Shelley, Tolstoy và số còn lại, rồi đối mặt với thực tế đang chòng chọc nhìn vào mặt chúng ta ở chính thời điểm quá độ này – thực tế của đám diễu hành; thực tế rằng chúng ta đang thơ thẩn đâu đó phía sau đám rước và phải cân nhắc thực tế đó trước khi có thể dán mắt vào viễn tượng ở phía chân trời.
“Vậy thì, trước mắt chúng ta, đám diễu hành của con trai của những người đàn ông trí thức, đang bước xuống những cái bục đó, bước lên những bậc thềm đó, ra vào những cánh cửa đó, giảng giải, giáo huấn, điều hành công lý, thực hành y khoa, làm ra tiền. Và rõ ràng nếu bà sắp kiếm được cùng những khoản thu nhập từ cùng những nghề nghiệp chuyên môn như những người đàn ông đó, bà sẽ phải chấp nhận cùng những điều kiện mà họ chấp nhận. Thậm chí từ một cửa sổ bên trên và từ những quyển sách, chúng ta cũng có thể biết hoặc đoán ra những điều kiện đó là gì. Bà sẽ phải rời nhà lúc chín giờ và trở về lúc sáu giờ. Việc đó chừa lại rất ít thời gian để những ông bố hiểu biết con cái họ. Bà sẽ phải làm điều này hàng ngày từ hai mươi mốt hoặc cỡ đó cho tới khoảng sáu mươi lăm tuổi. Việc đó chừa lại rất ít thời gian cho bạn hữu, du lịch hay nghệ thuật. Bà sẽ phải thực hiện một số bổn phận rất gay go, số khác rất ư man rợ. Bà sẽ phải mặc những bộ đồng phục nhất định và tuyên xưng những lòng trung thành nhất định. Nếu bà thành công trong sự nghiệp, những từ “Vì Thượng đế và Đế chế” sẽ rất có khả năng được viết ra, giống như dòng địa chỉ trên một cái vòng cổ chó quanh cổ bà.XX Và nếu ngôn từ có ý nghĩa, vì có lẽ hẳn ngôn từ phải có ý nghĩa, bà sẽ phải chấp nhận ý nghĩa đó và làm những gì bà có thể để thực thi nó. Nói tóm lại, bà sẽ sống cùng một cuộc sống và tuyên xưng cùng những lòng trung thành mà những người đàn ông có nghề nghiệp chuyên môn đã tuyên xưng suốt nhiều thế kỷ. Không thể ngờ vực gì về điều đó.
“Nếu bà trả đũa, ‘Thì có tổn hại gì trong chuyện đó chứ? Vì sao chúng ta phải do dự khi làm những điều mà cha ông chúng ta đã thực hiện trước chúng ta?’ Chúng ta hãy đi vào chi tiết lớn hơn và tham khảo những thực tế hiện đang mở rộng cho sự thẩm tra của tất cả những ai có khả năng đọc tiểu sử bằng tiếng mẹ đẻ. Chúng kia rồi, những công trình nhiều vô số và vô giá đó trên những kệ sách thư viện của chính bà. Chúng ta hãy liếc nhanh qua cuộc đời của những người đàn ông có nghề nghiệp chuyên môn và thành đạt với nghề của họ. Đây là một đoạn trích từ cuộc đời của một đại luật sư: “Ông vào phòng ngủ vào khoảng chín giờ rưỡi… Ông mang theo về nhà những bản tóm tắt hồ sơ vụ án… thế nên ông sẽ may mắn nếu được lên giường vào khoảng một hoặc hai giờ sáng.”XXI Đoạn đó lý giải vì sao khó mà ngồi gần hầu hết những luật sư thành đạt vào bữa tối – họ cứ ngáp dài ngáp vắn. Tiếp theo là một trích đoạn từ diễn văn của một chính khách nổi tiếng: “…từ năm 1914 tôi chưa từng trông thấy cảnh nở hoa từ cây mận tía đầu tiên cho tới cây táo cuối cùng – chưa từng có lần nào tôi nhìn thấy cảnh đó ở Worcestershire kể từ 1914, và nếu đó không phải là một sự hy sinh thì tôi không biết gọi nó là gì.”XXII Quả thật đó là một sự hy sinh, và một lý giải cho sự thờ ơ muôn thuở của Chính phủ đối với nghệ thuật – sao nữa, những quý ông không may mắn này hẳn phải mù như những con dơi. Kế tiếp hãy xét tới nghề nghiệp mang tính tôn giáo. Đây là một trích dẫn từ cuộc đời của một đại giám mục: “Đây là một cuộc sống đáng sợ có tính chất hủy diệt tâm trí và linh hồn. Tôi thật sự không biết làm sao để sống cuộc sống này. Các món nợ công việc quan trọng cứ đồn đống lại và đè bẹp [tôi].XXIII Điều đó khẳng nhận cho điều hiện rất nhiều người đang nói về Giáo hội và quốc gia. Các vị giám mục và tu viện trưởng của chúng ta dường như không có linh hồn để giảng đạo hay tâm trí để viết. Hãy lắng nghe bất kỳ bài thuyết giáo nào trong bất kỳ nhà thờ nào; hãy đọc bài của Tu viện trưởng Alington hay Tu viện trưởng Inge trong bất kỳ tờ báo nào. Tiếp theo hãy xét tới nghề bác sĩ: “Tôi đã kiếm được một khoản khá trên 13.000 bảng trong năm, nhưng không thể nào duy trì được việc này, và trong lúc nó tồn tại, nó là sự nô lệ. Điều tôi cảm thấy nhiều nhất là sự thường xuyên xa cách Eliza và bọn trẻ vào những ngày Chủ nhật, và một lần nữa vào những lễ Giáng sinh.”XXIV Đó là lời than phiền của một đại bác sĩ; và có khả năng bệnh nhân của ông lặp lại nó, vì có vị chuyên gia nào ở phố Harley có thì giờ để thấu hiểu cơ thể, chưa nói tới tâm trí hay sự kết hợp của cả hai, khi ông ta là một nô lệ của số tiền mười ba ngàn bảng một năm? Nhưng cuộc đời của một tác giả chuyên nghiệp có khá hơn tí nào chăng? Đây là một mẫu trích từ cuộc đời của một nhà báo rất ư thành đạt: “Vào giờ này hôm khác ông viết một bài báo dài 1.600 từ về Nietzsche, một xã luận dài tương đương về cuộc đình công ngành hỏa xa để yêu cầu Tiêu chuẩn, 600 từ cho tờ Tribune và vào buổi tối thì ngồi ở thư viện Shoe Lane.”XXV Điều đó, trong số các lý do khác, lý giải vì sao công chúng đọc các chính khách với sự hoài nghi giễu cợt, còn các tác giả đọc những bài điểm sách với những cây thước đo foot – chính quảng cáo là cái đáng tiền; ca tụng hay phỉ báng đã thôi không còn có bất kỳ ý nghĩa nào. Và chúng ta cũng hãy thoáng nhìn thêm vào cuộc đời của một chính khách, vì nói cho cùng, về mặt thực hành, nghề nghiệp của ông ta là thứ quan trọng nhất: “Thượng nghị sĩ Hugh LẢNG VẢNG TRONG HÀNH LANG… Dự luật [Dự luật về việc kết hôn với chị em gái của người vợ quá cố] đang bị bỏ xó, và các cơ may xa hơn của chính nghĩa này được quy cho những may rủi của một năm khác.”XXVI Đoạn này không chỉ giúp giải thích một mối hoài nghi phổ biến nhất định về các chính khách mà còn nhắc nhở chúng ta rằng vì bà có Dự luật về Lương hưu để lèo lái qua những hành lang của một thiết chế rất đỗi công bình và nhân ái như Hạ viện, chúng ta không được lảng vảng quá lâu giữa những tiểu sử thú vị này, mà phải cố tóm lược những thông tin chúng ta đã thu thập được từ chúng.
          “Vậy thì những trích dẫn từ cuộc đời của những người đàn ông có nghề nghiệp chuyên môn thành đạt đó chứng minh điều gì? bà hỏi. Chúng, như Whitaker chứng minh, chẳng chứng minh được gì hết. Nghĩa là, nếu Whitaker nói rằng một giám mục được trả năm ngàn bảng một năm, đó là một thực tế; ta có thể kiểm tra và xác nhận nó. Nhưng nếu Giám mục Gore bảo rằng cuộc đời của một giám mục là “một cuộc sống đáng sợ có tính chất hủy diệt tâm trí và linh hồn”, ông ta chỉ đơn giản đưa ra ý kiến của mình; một giám mục kế tiếp trên băng ghế hạ viện có thể thẳng thừng phủ nhận ông ta. Vậy nên những trích dẫn này không chứng minh cho điều gì có thể kiểm tra và xác nhận; chúng chỉ đơn giản khiến chúng ta phải nắm chắc các quan điểm. Và các quan điểm đó khiến cho chúng ta ngờ vực, phê phán và đặt dấu hỏi về giá trị của cuộc sống chuyên nghiệp – không phải về giá trị tiền mặt của nó; điều đó thì tuyệt; mà về giá trị tinh thần, luân lý, trí tuệ của nó. Chúng mang tới cho chúng ta quan điểm rằng nếu người ta rất ư thành công trong nghề nghiệp, họ đánh mất các tri giác của mình. Thị giác đội nón ra đi. Họ không có thì giờ nhìn những bức tranh. Thính giác lên đường. Họ không có thì giờ nghe nhạc. Lời lẽ cũng nhấn nút biến. Họ không có thì giờ để chuyện trò. Họ đánh mất ý thức về sự tương quan – những mối quan hệ giữa điều này và điều khác. Nhân tính không còn. Việc kiếm tiền trở nên quan trọng đến độ họ phải làm việc suốt ngày đêm. Sức khỏe biệt tăm. Và họ trở nên cạnh tranh đến độ họ sẽ không chia sẻ công việc của mình cho những người khác dù họ có nhiều hơn mức họ có thể tự thực hiện. Vậy thì còn lại thứ gì ở một con người đã đánh mất thị giác, thính giác và ý thức về sự tương quan? Chỉ là một người què trong hang động.
          “Tất nhiên đó chỉ là một con số, một câu chuyện tưởng tượng; nhưng có vẻ như có khả năng nó có một kết nối nào đó với những con số mang tính thống kê và không hề tưởng tượng – với ba trăm triệu bảng đã chi cho vũ khí. Một điều như thế, ở bất cứ giá nào, dường như là quan điểm của những quan sát viên bất vụ lợi mà vị trí của họ mang tới cho họ mọi cơ hội để phán xét một cách rộng rãi và công minh. Chúng ta hãy kiểm tra chỉ hai quan điểm như thế. Các Hầu tước ở Londonderry nói:
Dường như chúng tôi nghe thấy những âm thanh hỗn độn thiếu phương hướng và sự dẫn dắt, và có vẻ như thế giới đang đánh dấu thời gian… Trong suốt thế kỷ qua những lực lượng lớn lao của khám phá khoa học đã được nới lỏng, đồng thời trong lúc đó chúng ta không thể phân định được tiến bộ tương ứng nào trong thành tựu về văn chương hay khoa học… Câu hỏi chúng tôi đang đặt ra cho mình là con người có khả năng hưởng thụ những thành quả mới này của tri thức và khám phá khoa học hay chăng, hay do việc sử dụng chúng sai mục đích, con người sẽ mang tới sự hủy diệt của chính mình và của nền văn minh.XXVII
          Ông Churchill nói:
Tất nhiên là trong lúc con người đang thu thập tri thức và quyền lực với tốc độ không ngừng tăng lên và không thể đo lường, đạo đức và trí tuệ của họ không cho thấy bất kỳ một tiến bộ đáng kể nào sau nhiều thế kỷ. Bộ não của một người hiện đại về bản chất không khác chi bộ não của con người từng chiến đấu và yêu thương tại đây hồi nhiều triệu năm trước. Bản chất của con người cho tới nay thực tế không hề thay đổi. Dưới áp lực đủ mạnh - nạn đói, sự khủng bố, niềm đam mê chiến trận, hay thậm chí sự cuồng loạn lãnh đạm về trí tuệ - con người hiện đại mà chúng ta biết rất rõ sẽ thực hiện những hành vi khủng khiếp nhất, và người phụ nữ hiện đại của anh ta sẽ ủng hộ anh ta.XXVIII
          Đó chỉ là hai trích dẫn từ một số lượng lớn có cùng hiệu quả. Và chúng ta hãy bổ sung thêm vào đó một trích dẫn khác, từ một nguồn ít ấn tượng hơn nhưng đáng để bà đọc vì cả nó cũng chứa đựng vấn đề của chúng ta, từ ông Cyril Chaventry ở North Wembley.
Nhận thức của một phụ nữ về các giá trị [ông ta viết], khác biệt hiển nhiên với nhận thức của một người đàn ông. Do đó, rõ ràng một phụ nữ gặp bất lợi và chịu sự ngờ vực khi cạnh tranh trong một lĩnh vực hoạt động do đàn ông tạo ra. Hơn bao giờ hết, hiện nay phụ nữ có cơ hội để tạo dựng một thế giới mới mẻ và tốt đẹp hơn, nhưng với sự bắt chước mù quáng những người đàn ông, họ đã lãng phí cơ may của mình.XXIX
“Cả quan điểm đó cũng là một quan điểm điển hình, một quan điểm đến từ một số lượng lớn có cùng tác động do những tờ nhật báo cung cấp. Và cả ba quan điểm này khi đặt cạnh nhau có tính chất hướng dẫn lớn lao. Hai quan điểm đầu dường như chứng minh rằng khả năng chuyên môn lớn lao của người đàn ông trí thức đã không mang tới một tình trạng hoàn toàn đáng ước ao của mọi thứ trong thế giới văn minh; và quan điểm cuối cùng, vốn kêu gọi những phụ nữ có chuyên môn sử dụng “nhận thức khác biệt về các giá trị của họ” để “xây dựng một thế giới mới mẻ và tốt đẹp hơn”, không chỉ hàm ý rằng những kẻ đã xây dựng thế giới đó không thỏa mãn với các kết quả, mà còn, thông qua việc kêu gọi một giới tính khác khắc phục cái ác, đặt ra một trách nhiệm lớn lao và hàm ý một sự ca tụng lớn lao. Vì nếu ông Chaventry và các quý ông đồng ý với ông ta tin rằng “trong tình trạng bất lợi và chịu sự nghi ngờ” của người phụ nữ, với sự đào tạo ít oi hoặc không được đào tạo về chính trị và chuyên môn và tiền lương khoảng 250 bảng một năm, người phụ nữ có chuyên môn chưa có khả năng “xây dựng một thế giới mới mẻ và tốt đẹp hơn”, họ phải tin tưởng giao cho bà ta những quyền lực mà gần như có thể gọi là siêu phàm thoát tục. Họ phải đồng ý với Goethe:
Những sự vật phải trôi qua
Chỉ là những biểu tượng;
Ở đây mọi thất bại
Vươn lên sự tựu thành,
Ở đây cái Bất khả tư nghị
Thực thi mọi điều
Người phụ nữ trong phụ nữ
Mãi dẫn đường tiến lên.XXX

    một lời ca tụng lớn lao khác, và từ một nhà thơ rất ư vĩ đại, bà sẽ đồng ý.
“Nhưng bà không cần những lời ca tụng; bà đang suy ngẫm về những câu trích dẫn. Và vì thể hiện của bà rõ ràng đầy chán nản, có vẻ như thể những trích dẫn này về bản chất của đời sống chuyên nghiệp đã mang tới cho bà một kết luận u buồn nào đó. Nó có thể là gì? Đơn giản là vì, bà trả lời, chúng ta, con gái của những người đàn ông trí thức, đang nằm giữa nanh hùm và hàm sấu. Sau lưng chúng ta là hệ thống gia trưởng; ngôi nhà riêng, với sự bất lực của nó, sự vô đạo đức của nó, sự đạo đức giả của nó, tinh thần nô lệ của nó. Phía trước chúng ta là thế giới công cộng, hệ thống chuyên nghiệp, với sự chiếm hữu của nó, sự ganh ghét của nó, sự hung hăng hiếu chiến của nó, sự tham lam của nó. Người này buộc chúng ta ngậm im thin thít như những nô lệ trong một hậu cung; kẻ khác ép ta quay vòng vòng quanh cây dâu tằm, cái cây thiêng liêng của cơ ngơi sản nghiệp, từ đầu tới chân hệt như những con sâu bướm. Đây là sự chọn lựa của những cái ác. Mỗi chọn lựa đều tệ hại. Phải chăng tốt hơn chúng ta nên lao người từ cây cầu xuống dòng sông; từ bỏ cuộc chơi; tuyên bố rằng toàn bộ đời người là một sai lầm, thế nên kết thúc nó là vừa?
“Nhưng thưa bà, trước khi bà cất bước, một bước chân mang tính quyết đĩnh, trừ phi bà chia sẻ quan điểm của các giáo sư của Giáo hội nước Anh rằng cái chết là cánh cổng của sự sống – Mors Janua Vitae, được viết trên một vòm cổng ở nhà thờ St Paul’s — trong trường hợp đó, dĩ nhiên, rất nên nhắc tới nó, và chúng ta hãy xem một lời giải đáp khác có khả dĩ hay không.
          “Một giải đáp khác có thể đang nhìn trừng trừng vào mặt chúng ta từ những kệ sách trong thư viện của chính bà, một lần nữa, trong những cuốn tiểu sử. Phải chăng có khả năng rằng bằng cách xem xét những thí nghiệm mà những người đã chết từng thực hiện với cuộc đời của họ trong quá khứ, chúng ta có thể tìm được một sự trợ giúp nào đó để giải đáp cho câu hỏi khó khăn đang được đặt ra cho chúng ta? Với bất giá nào, chúng ta hãy cứ thử xem. Câu hỏi mà lúc này chúng ta đặt ra cho tiểu sử là: Vì những nguyên do đã nêu bên trên chúng ta đồng ý rằng chúng ta phải kiếm tiền nhờ vào những nghề nghiệp chuyên môn. Vì những nguyên do đã nêu bên trên có vẻ như đối với chúng ta những nghề nghiệp đó thật đáng ước ao. Câu hỏi chúng ta đặt ra cho ngươi, hỡi cuộc đời của những người đã chết, là chúng ta có thể thâm nhập vào các nghề nghiệp bằng cách nào, và tuy vậy vẫn giữ nguyên những con người văn minh; nghĩa là những con người mong muốn ngăn chận chiến tranh?
          “Lần này chúng ta hãy quay sang cuộc đời của những phụ nữ chứ không phải đàn ông hồi thế kỷ mười chín – cuộc đời của những phụ nữ có chuyên môn. Nhưng có vẻ như sẽ có một khoảng trống trong thư viện của bà, thưa bà. Không có cuộc đời nào của những phụ nữ có chuyên môn hồi thế kỷ mười chín. Một bà Tomlinson, vợ của một ông Tomlinson, F.R.S., F.C.S., giải thích lý do. Quý phu nhân này, kẻ đã viết một cuốn sách “ủng hộ việc tuyển dụng những phụ nữ trẻ làm bảo mẫu cho trẻ em” nói rằng: “…dường như thể không có cách nào để một phụ nữ chưa chồng có thể kiếm sống ngoài việc nhận làm nữ gia sư, mà đối với vị trí đó cô ta thường là không phù hợp do tính cách và giáo dục, hay mong muốn giáo dục.”XXXI Câu này được viết năm 1859 – chưa đầy một trăm năm trước. Điều đó lý giải cho khoảng trống trên những kệ sách của bà. Không có phụ nữ có chuyên môn nào, trừ những nữ gia sư, để có những cuốn sách về cuộc đời của họ. Và cuộc đời của những nữ gia sư, nghĩa là những cuộc đời được ghi chép lại, có thể đếm được trên những ngón của một bàn tay. Vậy chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của những phụ nữ có chuyên môn từ việc nghiên cứu cuộc đời của những nữ gia sư? Hạnh phúc thay, những cái tủ sắt đang bắt đầu để lộ những bí mật xa xưa của chúng. Một ngày nọ, một tư liệu như thế được viết vào khoảng năm 1811 đã xuất hiện. Có vẻ như đã có một cô Wheeton vô danh nào đó, người đã viết ra những ý nghĩ của mình về cuộc sống chuyên môn trong số những điều khác khi các học trò của cô đã lên giường. Đây là một ý nghĩ như thế: “Ôi! Mình khao khát biết bao được học tiếng Latin, các môn nghệ thuật, các môn khoa học, bất cứ thứ gì khác với con đường tẻ ngắt đều đều của việc may vá, dạy học, viết những bản sao và rửa chén bát hàng ngày… Vì sao nữ giới không được phép nghiên cứu vật lý, thần học, thiên văn học, vân vân, với những người dự học, hóa học, sinh học, logic, toán học…?”XXXII Nhận định này về cuộc sống của những nữ gia sư, câu hỏi đó từ đôi môi của những nữ gia sư, vươn tới chúng ta từ bóng tối. Nó còn có tính soi sáng nữa. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục thăm dò; chúng ta hãy thu nhặt một gợi ý ở nơi này nơi khác về những nghề nghiệp chuyên môn được thực hành bởi những phụ nữ hồi thế kỷ 19. Kế đến chúng ta tìm thấy Anne Clough, em gái của Arthur Clough, học trò của Tiến sĩ Arnold, Thành viên nhóm học giả của trường Oriel, người mà, dù bà phục vụ không lương, từng đảm trách chức vụ hiệu trưởng đầu tiên của trường Newnham, và do vậy có thể được gọi là một phụ nữ có chuyên môn ở thời kỳ phôi thai – chúng ta nhận thấy bà ta đã rèn luyện chuyên môn cho mình bằng cách ‘làm nhiều việc nội trợ’… ‘kiếm tiền để chi trả những khoản mà bạn hữu của họ đã cho vay’, “buộc phải cho thuê nhà để duy trì một ngôi trường nhỏ’, đọc những cuốn sách mà anh bà cho mượn, và cảm thán: ‘Nếu tôi là một người đàn ông, tôi sẽ không làm việc để trở nên giàu có, danh vọng hay để bỏ lại sau lưng mình một gia đình giàu có. Không, tôi nghĩ tôi sẽ làm việc cho đất nước tôi, và biến nhân dân thành người thừa kế của tôi.’XXXIII Dường như những phụ nữ ở thế kỷ 19 không phải là không có tham vọng. Kế đến chúng ta tìm thấy Josephine Butler, người mà, dù không phát biểu nghiêm khắc với tư cách một phụ nữ có nghề chuyên môn, đã dẫn dắt chiến dịch chống Đạo luật về các bệnh truyền nhiễm[6] tới thắng lợi, sau đó là chiến dịch chống việc mua bán trẻ em “vì những mục đích bỉ ổi” – chúng ta phát hiện ra rằng Josephine Butler khước từ việc viết lại cuộc đời của bà, và nói về những phụ nữ đã từng giúp bà trong các chiến dịch đó: ‘Sự vắng mặt tột cùng trong họ đối với bất kỳ ao ước được công nhận nào, đối với bất kỳ dấu tích của sự tự cao tự đại dưới bất kỳ hình thức nào, đáng được nhắc tới. Trong sự thuần khiết của những động cơ của họ, họ tỏa sáng “trong trẻo như pha lê.’XXXIV Vậy, đó là một trong những phẩm chất mà người phụ nữ thời Victoria này đã ca tụng và thực hành – một phẩm chất tiêu cực, điều đó đúng; không muốn được công nhận; không muốn tỏ ra tự cao tự đại; thực hiện công việc vì chính bản thân việc thực hiện công việc đó.XXXV Một đóng góp thú vị cho ngành tâm lý học theo cách của nó. Và rồi chúng ta tới gần hơn với thời đại của chính chúng ta; chúng ta tìm thấy Gertrude Bell, người mà, dù công việc ngoại giao đã và đang buộc những phụ nữ phải câm nín, đã chiếm một vị trí ở Đông phương khiến bà được tôn xưng là một nhà ngoại giao giả hiệu – chúng ta kinh ngạc khi phát hiện thêm rằng ‘Gertrude không bao giờ ra khỏi nhà ở London mà không có một người bạn nữ, hay, nếu không làm được điều đó, thì với một người hầu nữ.’XXXVI… khi đối với Gerrude có vẻ như không thể tránh khỏi việc phải ngồi xe ngựa với một người đàn ông trẻ từ một buổi tiệc này tới một buổi tiệc khác, bà cảm thấy buộc phải viết và thú nhận nó với mẹ tôi.’XXXVII Vậy ra họ là những phụ nữ trinh bạch, những nhà nữ ngoại giao giả hiệu hồi thời Victoria? Và không chỉ ở cơ thể; mà còn ở tâm hồn. ‘Gertrude không được phép đọc cuốn Tông đồ của Bourget vì e rằng sẽ nhiễm phải bất kỳ chứng bệnh nào mà cuốn sách đó có thể gieo rắc. Không thỏa mãn nhưng đầy tham vọng, đầy tham vọng nhưng khắc khổ, trinh bạch nhưng mạo hiểm – đó là một số trong số các phẩm chất mà chúng ta đã phát hiện. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục tìm xem – nếu không phải ở những dòng, thì là giữa những dòng tiểu sử. Và chúng ta tìm thấy, giữa những dòng tiểu sử của chồng họ, rất nhiều phụ nữ đang thực hành – nhưng chúng ta sẽ gọi thứ nghề bao gồm việc đưa chín hay mười đứa trẻ con vào cõi đời này, thứ nghề bao gồm việc điều hành một ngôi nhà, chăm sóc một người bệnh tật, thăm viếng những người nghèo và đau ốm, chăm sóc nơi này một cha già, nơi nọ một mẹ già là gì? – không có cái tên nào và không có khoản tiền nào trả cho nghề nghiệp đó; nhưng chúng ta tìm thấy nhiều bà mẹ, các cô chị em gái và con gái của những người đàn ông trí thức thực hành nó hồi thế kỷ 19 đến độ chúng ta phải dồn thành đống họ và cuộc đời của họ vào phía sau cuộc đời của những ông chồng và những anh em của họ và để mặc họ chuyển giao thông điệp của mình cho những ai có thì giờ để trích dẫn nó và có trí tưởng tượng để giải mã chúng. Vậy tự bản thân chúng ta, những kẻ mà theo gợi ý của bà đang chịu áp lực của thời gian, hãy tổng kết những gợi ý và phản ánh ngẫu nhiên này về đời sống nghề nghiệp của phụ nữ ở thế kỷ mười chin bằng cách trích dẫn thêm lần nữa những lời vô cùng hệ trọng của một phụ nữ vốn không phải là người có nghề nghiệp chuyên môn theo ý nghĩa nghiêm mật của từ này nhưng lại có một thứ thanh danh khó tả với tư cách là một khách du hành – Mary Kingsley:
“Tôi không biết đã bao giờ tôi tiết lộ với bạn sự thật rằng được phép học tiếng Đức là TẤT CẢ nền học vấn phải trả tiền mà tôi từng có hay chưa. Tôi đã tiêu của em tôi hai ngàn bảng mà tôi vẫn hy vọng là không uổng phí.”
Phát biểu đó có tính chất gợi ý đến độ nó có thể giúp chúng ta không phải bận tâm dò dẫm kiếm tìm giữa những dòng chữ về cuộc sống của những người đàn ông có nghề chuyên môn cuộc sống của những chị em gái họ. Nếu chúng ta phát triển các gợi ý trong phát biểu đó, và kết nối nó với những gợi ý và đoạn văn khác mà chúng ta đã phát hiện được, chúng ta có thể đi tới một lý thuyết hay quan điểm có thể giúp chúng ta giải đáp câu hỏi rất khó hiện đang đối mặt với chúng ta. Vì khi Mary Kingsley nói: “…được phép học tiếng Đức là TẤT CẢ nền học vấn phải trả tiền mà tôi từng có,” bà gợi ý tới một nền học vấn không phải trả tiền. Những cuộc đời khác mà chúng ta đã và đang kiểm chứng củng cố cho gợi ý đó. Vậy thì bản chất của “nền học vấn không phải trả tiền” mà dù tốt dù xấu đã là của chúng ta suốt nhiều thế kỷ đó là gì? Nếu chúng ta tập hợp cuộc đời của những kẻ vô danh sau bốn cuộc đời không hề vô danh mà lại thành đạt và nổi bật đến độ họ đã thật sự được viết về, cuộc đời của Florence Nightinggale, Cô Clough, Mary Kingsley và Gestrude Bell, dường như không thể chối bỏ được rằng tất cả bọn họ đều được giáo dục bởi cùng những vị thầy. Và những vị thầy đó, như tiểu sử cho thấy, một cách quanh co và gián tiếp, nhưng dù sao cũng rõ ràng và hiển nhiên, là sự nghèo khổ, sự trong trắng, sự nhạo báng, và – nhưng từ nào diễn tả nổi “sự thiếu các quyền và đặc quyền”? Chúng ta có nên dùng tới cái từ xưa cũ “tự do” không nhỉ? “Tự do thoát khỏi những lòng trung thành không có thật”, do vậy, là vị thầy thứ tư của họ; sự tự do thoát khỏi lòng trung thành với những trường trung học xưa cũ, những trường cao đẳng xưa cũ, những giáo đường xưa cũ, những nghi thức xưa cũ, những đất nước xưa cũ mà tất cả những người phụ nữ đó thụ hưởng, và ở một mức độ lớn lao, chúng ta vẫn còn thụ hưởng theo luật pháp và tập quán của nước Anh. Chúng ta không có thời gian để đặt ra những từ mới, dù ngôn ngữ rất cần tới chúng. Vậy hãy để cụm từ “thoát khỏi những lòng trung thành không có thật” đại diện cho vị thầy vĩ đại thứ tư của con gái của những người đàn ông trí thức.
“Như vậy, tiểu sử cung cấp cho chúng ta thực tế rằng con gái của những người đàn ông trí thức nhận được một nền giáo dục không phải trả tiền từ bàn tay của sự nghèo khổ, sự trong trắng, sự nhạo báng và sự thoát khỏi những lòng trung thành không có thật. Tiểu sử cho chúng ta biết chính nền giáo dục không phải trả tiền này đã gắn họ, khá là thích đáng, với những nghề nghiệp không lương. Và tiểu sử cũng cho chúng ta biết những nghề nghiệp không lương đó cũng có luật pháp, truyền thống và lực lượng lao động của chúng không thua kém chi những nghề nghiệp có lương. Hơn nữa, sinh viên ngành tiểu sử không thể ngờ vực từ chứng cứ của tiểu sử rằng nền giáo dục này và những nghề này tệ hại đến cực độ theo nhiều cách, cả đối với bản thân những người không được trả lương và con cháu họ. Sự sinh đẻ tập trung của bà vợ không lương, sự kiếm tiền tập trung của ông chồng có lương hồi thời Victoria có những hậu quả kinh khủng, chúng ta không thể ngờ vực, lên tâm trí và cơ thể của thời hiện đại. Để chứng minh điều này chúng ta không cần trích dẫn một lần nữa đoạn văn lừng lẫy mà trong đó Florence Nightingale đã tố giác giáo dục và những kết quả của nó; hay nhấn mạnh sự vui sướng tự nhiên khi bà chào mừng cuộc chiến Crimean; hay minh họa từ những nguồn khác – ái chà, chúng nhiều vô số – sự trống rỗng, sự nhỏ nhen, sự thù hằn ác ý, sự chuyên chế, sự đạo đức giả, sự vô luân mà nó sinh ra như cuộc đời của cả hai giới tính đã chứng thực một cách thừa thãi. Ở bất cứ giá nào, chứng cứ chung cuộc của sự áp chế của nó lên một giới tính có thể tìm thấy trong những biên niên sử về “cuộc chiến vĩ đại” của chúng ta, khi những bệnh viện, những đồng lúa và các công việc chế tạo đạn dược được cung cấp nhân sự một cách rộng rãi bởi những người tị nạn bay từ những cảnh tượng kinh hoàng của nó tới nơi tương đối tiện nghi của họ.
“Nhưng tiểu sử có nhiều mặt; tiểu sử không bao giờ đưa ra một giải đáp độc nhất và giản đơn cho bất kỳ câu hỏi nào được đặt ra với nó. Do vậy tiểu sử của những ai có tiểu sử – như Florence Nightingale, Anne Clough, Emily Brontë, Christina Rossetti, Mary Kingsley — chứng minh không chút ngờ vực rằng chính nền giáo dục không phải trả tiền này phải có những phẩm chất lớn cũng như những nhược điểm lớn, bởi chúng ta không thể chối bỏ rằng những người này, nếu không có học vấn, vẫn là những phụ nữ văn minh. Chúng ta không thể, khi xét tới cuộc đời của những người mẹ và người bà thiếu học vấn của chúng ta, phán xét nền giáo dục một cách giản đơn bằng quyền lực để “nhận được sự bổ nhiệm”, để được vinh danh, để kiếm tiền của nó. Nếu trung thực, chúng ta phải thừa nhận rằng những kẻ có một học vấn không phải trả tiền, không được hưởng lương và không được bổ nhiệm là những con người văn minh – họ có thể được gọi một cách đúng đắn là “phụ nữ Anh” hay chăng là một vấn đề để tranh luận; và do vậy thừa nhận rằng chúng ta phải cực kỳ ngu xuẩn nếu vứt bỏ những kết quả của nền học vấn đó hay từ bỏ kiến thức mà chúng ta thủ đắc từ nó vì bất kỳ sự mua chuộc hay tưởng thưởng nào. Như vậy tiểu sử, khi được hỏi câu hỏi mà chúng ta đặt ra – làm thế nào chúng ta có thể thâm nhập vào những nghề nghiệp chuyên môn nhưng vẫn là những con người văn minh, những con người ngăn cản chiến tranh, có lẽ sẽ đáp rằng: Nếu bạn khước từ việc bị tách rời khỏi bốn vị thầy vĩ đại của con gái của những người đàn ông trí thức – sự nghèo khổ, sự trong trắng, sự nhạo báng và sự thoát khỏi những lòng trung thành không có thật – mà kết hợp chúng với một sản nghiệp, một kiến thức và một sự phục vụ nào đó với những lòng trung thành có thật thì khi đó bạn có thể thâm nhập vào các nghề chuyên môn và thoát khỏi những nguy cơ mà có thể khiến cho chúng trở nên rắc rối.
“Đó chính là giải đáp của lời tiên tri, đó chính là những điều kiện gắn liền với đồng ghi-nê này. Bà sẽ có nó, nói tóm lại, với điều kiện là bà giúp đỡ cho tất cả mọi người có phẩm chất đúng đắn, thuộc bất kỳ giới tính, giai cấp hay màu da nào, để thâm nhập vào nghề chuyên môn của bà; và hơn thế, với điều kiện là trong khi thực hành nghề chuyên môn của mình, bà khước từ việc bị tách rời khỏi sự nghèo khổ, sự trong trắng, sự nhạo báng và sự thoát khỏi những lòng trung thành không có thật. Giờ đây phát biểu có tích cực hơn không, các điều kiện có được làm rõ hơn không, và bà có đồng ý với những điều kiện đó không? Bà lưỡng lự. Một số điều kiện, có vẻ như bà đề nghị, cần được thảo luận thêm. Vậy thì chúng ta hãy thảo luận chúng theo thứ tự.
Vượt qua sự nghèo khổ nghĩa là có đủ tiền sinh sống. Tức là bà phải kiếm đủ tiền để trở nên độc lập với bất kỳ con người nào và để mua chút ít sức khỏe, lạc thú, kiến thức, vân vân… cần thiết cho sự phát triển toàn vẹn của cơ thể và tâm trí. Nhưng không hơn. Không hơn một xu.
 “Vượt qua sự trong trắng nghĩa là khi bà kiếm đủ tiền để sống bằng nghề chuyên môn bà phải khước từ bán trí óc của mình vì tiền. Tức là bà phải ngưng thực hành nghề nghiệp của bà, hoặc thực hành nó vì công cuộc nghiên cứu và thực nghiệm; hoặc, nếu bà là một nghệ sĩ, thì vì nghệ thuật; hoặc trao tặng kiến thức chuyên môn đã thủ đắc cho những người cần tới nó không vì thứ gì cả. Nhưng ngay lập tức, cây dâu bắt đầu phá vỡ cái vòng tròn của bà. Hãy ném vào cây dâu những tiếng cười.
“Vượt qua sự nhạo báng – một từ không tốt đẹp, nhưng một lần nữa ngôn ngữ Anh rất cần tới những từ mới – nghĩa là bà phải khước từ mọi phương thức quảng cáo công trạng, và tâm niệm rằng sự chế nhạo, sự vô danh và sự chỉ trích thì thích hợp hơn, vì những nguyên do tâm lý, đối với danh vọng và sự ca tụng. Hãy lập tức ném trả vào mặt của người trao tặng những huy hiệu, những mệnh lệnh hay học vị mà bà nhận được.
          “Vượt qua sự thoát khỏi những lòng trung thành không có thật nghĩa là bà phải tự vất bỏ đầu tiên là lòng tự hào và quốc tịch; và cả lòng tự hào về tôn giáo, lòng tự hào về trường cao đẳng, lòng tự hào về trường trung học, lòng tự hào về gia đình, lòng tự hào về giới tính và những thứ trung thành không có thật nảy sinh từ chúng. Ngay lập tức, những kẻ cám dỗ xuất hiện với những thứ cám dỗ của họ để mua chuộc, đẩy bà vào tình trạng bị câu thúc, hãy xé toang những tờ giấy da dê; khước từ việc điền vào những mẫu đơn.
“Và nếu bà vẫn phản đối rằng những định nghĩa này vừa quá tùy tiện vừa quá chung chung, và hỏi một kẻ bất kỳ nào đó có thể nói cần có bao nhiêu tiền và bao nhiêu kiến thức cho sự phát triển toàn vẹn của cơ thể và tâm trí, và những lòng trung thành thật sự mà chúng ta phải bảo tồn là gì, những lòng trung thành không có thật mà chúng ta phải khinh miệt là gì. Tôi chỉ có thể chỉ dẫn bà tới hai thứ có thẩm quyền chuyên môn – do thời gian thúc ép. Một thứ khá là quen thuộc. Đó là cái thước đo tâm lý bà đeo trên cổ tay mình, cái thiết bị nho nhỏ mà bà cậy vào nó trong mọi quan hệ cá nhân. Nếu nó hữu hình, trông nó sẽ giống như một cái nhiệt kế. Nó có một mạch thủy ngân ở bên trong và mạch này bị tác động bởi bất kỳ cơ thể hay linh hồn, ngôi nhà hay xã hội nào mà trước sự hiện diện của những thứ đó nó được phơi bày ra. Nếu bà muốn tìm xem giàu có tới mức nào là đáng ước ao, hãy phơi bày nó trước sự hiện diện của một người giàu có; học tập tới mức nào là đáng ước ao, phơi bày nó trước sự hiện diện của một người trí thức. Cũng thế với lòng ái quốc, tôn giáo và các thứ còn lại. Cuộc đối thoại không cần phải bị cắt ngang trong khi bà tham khảo nó; sự thoải mái của nó cũng không bị quấy rầy chút nào. Nhưng nếu bà phản đối rằng đây là một phương thức quá cá nhân và có khả năng sai lầm để áp dụng mà không tạo ra nguy cơ hay lầm lỗi, khi chứng kiến thực tế rằng cái thước đo tâm lý riêng tư này đã dẫn tới nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh và những tình bạn tan vỡ, vậy thì có một thứ có đầy đủ thẩm quyền khác mà hiện khá dễ dàng nằm trong tầm tay của ngay cả kẻ nghèo nhất trong số những cô con gái của những người đàn ông trí thức. Cứ tới những phòng trưng bày mỹ thuật công cộng và nhìn những bức tranh; mở radio và cào âm nhạc từ không trung xuống; vào bất kỳ thư viện công cộng nào hiện miễn phí cho tất cả. Ở đó bà có thể tham khảo những phát hiện của cái thước đo tâm lý công cộng. Xin đơn cử một ví dụ, vì chúng ta không có thời gian. Vở bi kịch Antigone của Sophocles từng được dịch sang văn xuôi hay văn vần tiếng Anh bởi một người có cái tên phi vật chất.XXXIX Hãy xét tới nhân vật Creon. Ở đó bà có một phân tích sâu sắc nhất của một nhà thơ, vốn là một nhà tâm lý học trong hành động, về tác động của quyền lực và của cải lên linh hồn. Hãy xét tới lời yêu sách sự thống trị tuyệt đối đối với những thần dân của Creon. Đó là một phân tích mang tính hướng dẫn về sự chuyên chế sâu xa hơn phân tích của bất kỳ chính trị nào đưa ra cho chúng ta. Bà muốn biết đâu là những lòng trung thành không có thật mà chúng ta phải khinh miệt, đâu là những lòng trung thành thật sự mà chúng ta phải tôn vinh? Hãy xét tới sự phân biệt giữa các luật pháp và Luật của vở Antigone. Đó là một phát biểu sâu sắc về các bổn phận của cá nhân đối với xã hội cao xa hơn phân tích của bất kỳ nhà xã hội học nào có thể đưa ra cho chúng ta. Què quặt như bản dịch tiếng Anh, năm từ của Antigone cũng còn xứng đáng hơn mọi bài thuyết giáo của mọi tổng giám mục.XXXX  Nhưng bàn luận sâu hơn sẽ là xấc xược. Phán xét riêng tư vẫn tự do trong sự riêng tư và sự tự do đó là bản chất của sự tự do.
“Với số còn lại, dù các điều kiện có thể có vẻ nhiều và đồng ghi-nê, ái chà, chỉ có một, chúng không dành cho phần lớn nhất vì mọi sự hiện tại rất khó mà thành tựu. Với ngoại lệ của điều đầu tiên – rằng chúng ta phải kiếm đủ tiền để sống – chúng bảo đảm cho chúng ta một cách rộng rãi bởi luật pháp của nước Anh. Theo luật pháp Anh, chúng ta không thừa kế những tài sản lớn; luật pháp Anh khước từ chúng ta, và chúng ta hãy hy vọng nó còn tiếp tục khước từ chúng ta dài dài, một vết nhơ hoàn hảo của quốc tịch. Vậy thì chắc chắn là chúng ta không còn ngờ vực gì rằng những những người anh em của chúng ta sẽ cung cấp cho chúng ta trong nhiều thế kỷ sắp tới, như họ từng làm suốt nhiều thế kỷ qua, với thứ rất then chốt đối với sự đúng mực, và vô giá trong việc ngăn cản những tội ác lớn hiện đại của tính phù hoa, tự cao tự đại, hoang tưởng – nghĩa là sự nhạo báng, sự chỉ trích và khinh miệt.XXXXI Và chừng nào Giáo hội Anh còn từ chối sự phục vụ của chúng ta – có thể nó còn loại trừ chúng ta dài dài! – và những trường trung học và cao đẳng cổ xưa khước từ không cho chúng ta một phần chia của những tài sản hiến tặng và đặc quyền của chúng, chúng ta sẽ được miễn trừ mà không gặp bất kỳ rắc rối nào về phần chúng ta từ những lòng trung thành mà những tài sản hiến tặng và đặc quyền cụ thể đó mang tới. Ngoài ra, thưa bà, những truyền thống của ngôi nhà riêng, cái ký ức do tổ tiên truyền lại vốn nằm sau lưng khoảnh khắc hiện tại đó, đang có mặt tại đó để giúp bà. Chúng ta đã nhìn thấy trong những trích dẫn đưa ra bên trên về việc sự trong trắng, sự trong trắng cơ thể, đóng vai trò lớn lao thế nào trong nền giáo dục không phải trả tiền của giới tính chúng ta. Sẽ không khó mấy trong việc chuyển hóa lý tưởng xưa cũ về sự trong trắng cơ thể thành lý tưởng mới về sự trong trắng tinh thần – để cho rằng nếu việc bán thân vì tiền là sai thì sẽ còn sai trái hơn nữa khi bán tâm trí để lấy tiền, vì tâm trí, thiên hạ bảo, cao quý hơn thân thể. Vậy một lần nữa, phải chăng chúng ta không được củng cố vững mạnh trong việc chống lại những cám dỗ của cái có quyền lực nhất trong mọi thứ cám dỗ – tiền – bởi cùng những truyền thống đó? Vì đã bao nhiêu thế kỷ chúng ta không  hưởng thụ cái quyền làm việc suốt ngày và mỗi ngày vì 40 bảng một năm cộng thêm ăn ở? Và phải chăng Whitaker đã không chứng minh rằng phân nửa số công việc của con gái những người đàn ông trí thức vẫn còn là công việc không lương? Cuối cùng, danh dự, danh vọng, hệ quả – phải chăng chúng ta khó mà cưỡng lại sự cám dỗ đó, chúng ta, những kẻ đã lao động suốt nhiều thế kỷ mà không có thứ danh dự nào ngoài cái được phản ánh từ những mũ miện và huy hiệu trên đầu và trên ngực của cha hoặc chồng chúng ta?
“Như vậy, với luật pháp và tài sản đứng về phía chúng ta, và ký ức lưu truyền từ tổ tiên dẫn dắt chúng ta, không cần phải tranh luận thêm nữa; bà sẽ đồng ý rằng những điều kiện mà dựa vào đó đồng ghi-nê này thuộc về bà, với ngoại lệ của điều kiện đầu tiên, là tương đối dễ thực hiện. Chúng chỉ đơn giản đòi hỏi rằng bà phải phát triển, bổ sung và chỉ đạo thông qua những phát hiện của hai thước đo tâm lý những truyền thống và nền giáo dục của ngôi nhà riêng vốn đã tồn tại suốt 2000 năm qua. Và nếu bà sẽ đồng ý làm điều đó, vụ mặc cả của chúng ta có thể kết thúc. Khi ấy số ghi-nê dùng để trả tiền thuê nhà bà là của bà – nó sẽ là một ngàn! Bởi nếu bà đồng ý những điều khoản này, bà có thể tham gia vào các nghề chuyên môn thế nhưng vẫn không bị chúng làm cho ô uế; bà có thể trục xuất tính ích kỷ, tính ganh tị, tính gây hấn, tính tham lam của chúng. Bà có thể sử dụng chúng để có một tâm trí riêng và ý chí riêng. Và bà có thể sử dụng tâm trí và ý chí đó để xóa bỏ sự vô nhân đạo, sự tham lam vô độ, sự kinh hoàng, sự điên rồ của chiến tranh. Vậy hãy nhận đồng ghi-nê này và sử dụng nó, không phải để thiêu rụi ngôi nhà, mà để làm cho những ô cửa sổ của nó sáng bừng lên. Và hãy để cho con gái của những người phụ nữ thiếu giáo dục nhảy múa xung quanh ngôi nhà mới, ngôi nhà nghèo nàn, ngôi nhà nằm trên một đường phố hẹp nơi những chiếc xe buýt hai tầng chạy qua và những người bán rong cất tiếng rao hàng, và hãy để họ hát ca, ‘Chúng ta đã xong việc với chiến tranh! Chúng ta đã xong việc với sự chuyên chế!” Và mẹ của họ sẽ cất tiếng cười từ những nấm mộ, ‘Chỉ vì điều này mà chúng tôi đã gánh chịu sự lăng nhục và khinh miệt! Hãy thắp sáng những ô cửa sổ của ngôi nhà mới, các con gái! Hãy làm cho chúng sáng bừng lên!’
“Vậy thì đó là những điều khoản mà dựa vào đó tôi trao cho bà đồng ghi-nê này để bà giúp con gái của những người phụ nữ thiếu giáo dục thâm nhập vào các nghề chuyên môn. Và bằng cách rút ngắn đoạn kết bài diễn văn, chúng ta hãy hy vọng rằng bà sẽ có thể kết thúc các chi tiết cho cửa hàng phúc thiện của bà, chuẩn bị con thỏ rừng và bình cà phê, và đón tiếp Tôn ông cao quý Sampson Legend, O.M., K.C.B., LL.D., D.C.L., P.C., vân vân, với dáng vẻ tươi cười tôn trọng vốn thích hợp với con gái của một người đàn ông trí thức khi anh trai của cô ta hiện diện.”
Thế đấy, thưa ông, đó là lá thư cuối cùng gửi cho vị thủ quỹ danh dự của hội để giúp đỡ con gái của những người đàn ông trí thức thâm nhập vào các nghề chuyên môn. Đó là những điều kiện mà dựa vào đó bà ta sẽ có đồng ghi-nê của mình. Chúng đã được ấn định, càng sâu xa càng tốt, để đảm bảo rằng bà ta sẽ làm tất cả những gì một đồng ghi-nê có thể buộc bà ta phải làm để giúp ông ngăn chặn chiến tranh. Những điều kiện này có được đặt ra một cách đúng đắn hay không, ai mà nói được? Nhưng như ông sẽ thấy, cần thiết phải trả lời lá thư của bà ta và lá thư của vị thủ quỹ danh dự của quỹ tái thiết trường cao đẳng, và gửi cho cả hai người bọn họ những đồng ghi-nê trước khi trả lời thư của ông, bởi lẽ trừ phi họ được giúp đỡ, trước hết là để giáo dục con gái của những người đàn ông trí thức, sau nữa là để họ kiếm sống bằng những nghề chuyên môn, những cô con gái đó không thể thủ đắc một sự độc lập và một tầm ảnh hưởng bất vụ lợi mà nhờ đó sẽ giúp ông ngăn chặn chiến tranh. Các nguyên do dường như đã được kết nối. Nhưng sau khi đã chỉ ra điều này với khả năng cao nhất của chúng ta, chúng ta hãy quay lại với lá thư của ông và yêu cầu của ông về việc quyên góp cho hội của chính ông.

Chú giải và tham khảo (của tác giả)


1. Xin trích dẫn chính xác những từ của một khẩn cầu như vậy: “Lá thư này là để yêu cầu bà giữ lại cho chúng tôi những y phục mà bà không còn dùng tới nữa… vớ dài mọi kiểu, bất kể rách tới độ nào, đều có thể chấp nhận… Ủy ban nhận thấy rằng bằng cách bán  những quần áo này ở giá cả hợp lý… chúng đang thực hiện một dịch vụ thật sự hữu ích cho những phụ nữ mà nghề chuyên môn của họ đòi hỏi họ phải có y phục ban ngày và ban đêm chỉnh tề mà có thể họ không có đủ khả năng mua.” (Trích một lá thư nhận từ tổ chức London and National Society for Women’s Service, 1938.)
2. Testament of Joad, by C. E. M. Joad, p. 210-11. Vì số lượng các hiệp hội do phụ nữ Anh điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp là quá dài để trích dẫn (xem The Story of the Disarmament Declaration, p. 15, để tham khảo một danh sách các hoạt động hòa bình của phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, kinh doanh và chuyên nghiệp) không cần thiết phải nghiêm túc chấp nhận sự chỉ trích của ông Joad, dù sao cũng soi sáng về mặt tâm lý học.
3. Experiment in Autobiography, by H. G. Wells, p. 486. “Phong trào của nam giới để “chống lại sự xóa bỏ một cách thực chất tự do của họ bởi Đức Quốc Xã hay những người theo chủ nghĩa Phát xít có thể được nhận thức rõ hơn. Nhưng việc nó thành công hơn thì còn đáng ngờ. Hiện Đức Quốc Xã đang kiểm soát toàn bộ nước Áo.” (Báo Daily, 12/3/ 1938).
4. “Tôi nghĩ phụ nữ không nên ngồi cùng bàn với nam giới, sự hiện diện của họ phá hỏng cuộc đàm thoại, có xu hướng biến nó thành vặt vãnh và cầu kỳ, hoặc tốt nhất chỉ đơn giản là thông minh.” (Under the Fifth Rib, by C. E. M. Joad, p. 58.) Đây là một ý kiến được nói huỵch toẹt ra một cách đáng ngưỡng mộ, và nếu tất cả những ai chia sẻ những cảm giác của ông Joad đều tự bày tỏ một cách cởi mở, tình trạng tiến thoái lưỡng nan của nữ chủ nhân – mời ai, không mời ai – sẽ được sáng tỏ và bà ta sẽ tiết kiệm được công sức. Nếu những người vốn thích hiệp hội của giới tính riêng của họ ngồi ở bàn tuyên bố sự thật, những người đàn ông, chẳng hạn, bằng cách mặc áo đỏ, phụ nữ bằng cách đeo nơ hoa hồng bạch, trong lúc những người thích pha trộn cả hai giới cài hoa trắng và đỏ pha trộn trên khuyết áo, thì không chỉ nhiều bất tiện và hiểu lầm được ngăn chặn, mà còn có khả năng là sự trung thực của cái khuyết áo sẽ giết chết một hình thức cụ thể của sự đạo đức giả trong giao tiếp xã hội hiện đang quá thịnh hành. Đồng thời, sự bộc trực của ông Joad xứng đáng lời ca tụng cao nhất, và những mong ước của ông ta đáng được tuân thủ tuyệt đối.
5. Theo bà H. M. Swanwick, W.S.P.U. có “một thu nhập từ những quà tặng trong năm 1912 trị giá £42,000.” (I Have Been Young, by H. M. Swanwick, p. 189.) Tổng thu của tổ chức Women’s Freedom League trong năm 1912 là £26,772 12s. 9d. (The Cause, by Ray Strachey, p. 311.) Như vậy tổng thu của hai tổ chức này là £68,772 12s. 9d. Nhưng, tất nhiên hai hiệp hội này phản đối.
6. “Nhưng, trừ những ngoại lệ, tổng thu nhập nói chung của phụ nữ là thấp, và 250 bảng một năm hoàn toàn là một thành tựu, ngay cả đối với một phụ nữ có khả năng cao với nhiều năm kinh nghiệm.” (Careers and Openings for Women, by Ray Strachey, p. 70.) Tuy nhiên, “Con số phụ nữ đang làm các công việc chuyên môn đã tăng rất nhanh trong hai mươi năm qua, và vào khoảng 400.000 trong năm 1931, cộng thêm những người làm nghề thư ký hay làm việc trong ngành công chức.” (op. cit, p. 44.)
7. Thu nhập của Đảng Lao động năm 1936 là £50,153. (Daily Telegraph, 9/1937.)
8. The British Civil Service. The Public Service, by William A. Robson, p. 16.
Giáo sư Ernest Barker đề xuất rằng nên có một cuộc thi tùy chọn cho “nam giới và phụ nữ ở lứa tuổi cao hơn”, những người đã làm công việc xã hội và dịch vụ xã hội trong một số năm. “Nói riêng, ứng viên nữ có thể có lợi. Đây chỉ là một phần rất nhỏ của các nữ sinh viên thành công trong cuộc thi mở rộng hiện nay: thật sự có rất ít người ứng thí. Ở hệ thống tùy chọn đề nghị ở đây, có thể, và thật sự có khả năng là một tỷ lệ phụ nữ lớn hơn nhiều sẽ là những ứng viên. Phụ nữ có khả năng và tài năng bẩm sinh đối với công việc và dịch vụ xã hội. Hình thức thi tuyển chọn lựa sẽ cho họ một cơ hội để biểu lộ khả năng và tài năng bẩm sinh đó. Nó có thể cho họ một sự khích lệ mới để thi tuyển vào dịch vụ quản lý của quốc gia, trong đó tài năng và sự hiện diện của họ là cần thiết.”(The British Civil Servant. ‘The Home Civil Service,’ by Professor Ernest Barker, p. 41.) Nhưng trong khi sự phục vụ gia đình vẫn tồn tại chính xác như nó đang hiện hữu trong hiện tại, khó mà thấy một sự khích lệ có thể làm cho phụ nữ tự do để trao tặng “khả năng và tài năng bẩm sinh của họ” cho dịch vụ nhà nước, trừ phi quốc gia thực hiện việc chăm nom các bố mẹ lớn tuổi; hay quy định rằng những người già dù thuộc giới tính nào đòi hỏi sự phục vụ của các con gái ở nhà là vi phạm luật hình.
9. Ông Baldwin, phát biểu ở Downing Street, trong một cuộc mít tinh với tư cách đại diện cho Quỹ Newnham College Building, 31/3/1936.
10. Ảnh hưởng của một phụ nữ trong giới tăng lữ được xác định như sau trong cuốn Women and the Ministry, Some Considerations on the Report of the Archbishops’ Commission on the Ministry of Women (1936), p. 24. “Nhưng chúng tôi bảo lưu rằng sự chăm sóc của phụ nữ… sẽ có xu hướng tạo nên một sự hạ thấp tinh thần tín ngưỡng Công giáo, điều đó không nảy sinh bởi sự chăm sóc của nam giới trước khi những giáo đoàn mở rộng hay ưu tiên cho phụ nữ. Đó là một sự bày tỏ lòng tôn kính đối với phẩm chất của nữ tín đồ Công giáo nếu có thể đưa ra phát biểu này; nhưng nó sẽ có vẻ như một thực tế đơn giản rằng trong những ý nghĩ và mong muốn của giới tính đó tính tự nhiên dễ trở nên thấp kém hơn tính siêu nhiên, xác thịt thấp hơn tinh thần là trường hợp với nam giới; và rằng sự chăm sóc của một nam tu sĩ thông thường không khơi dậy khía cạnh đó của bản chất nữ giới vốn sẽ im lìm trong những thời gian của tình yêu mến Chúa. Mặt khác, chúng ta tin rằng các thành viên nam giới của giáo đoàn thuộc Giáo phái Anh không thể hiện diện ở một dịch vụ mà ở đó một phụ nữ được chăm sóc mà không trở nên ý thức một cách quá mức tới giới tính của mình.”
Do đó, theo ý của các Ủy viên Hội đồng Tổng Giám mục, nữ tín đồ Công giáo có đầu óc nghiêng về tinh thần hơn nam tín đồ - một nguyên do đáng chú ý, nhưng chắc chắn là thích đáng, để loại trừ họ khỏi giáo giới.
11. Daily Telegraph, 20/1/1936.
12. Daily Telegraph, 1936.
13. Daily Telegraph, 22/1/1936.
14. “Theo tôi biết, đến nay không có quy luật phổ quát nào về chủ đề này [chẳng hạn các quan hệ tính dục giữa những công chức]; nhưng những công chức và các quan chức đô thị ở cả hai giới hẳn nhiên được mong đợi được tuân thủ những quy định theo truyền thống và tránh thứ tư cách đạo đức có thể tự nó tìm đường đến những tờ nhật báo và bị mô tả là “đáng hổ thẹn” ở đó. Cho tới gần đây, các quan hệ giới tính giữa nam và nữ quan chức của Bưu điện có thể bị trừng phạt bằng cách sa thải ngay lập tức cả hai bên… Việc tránh sự công khai trên báo chí là một vấn đề khá dễ giải quyết miễn là có liên quan tới các vụ kiện tại tòa án: nhưng sự hạn chế ở giới văn phòng cần mở rộng hơn để ngăn các nữ công chức (thường là những người phải từ chức khi kết hôn) khỏi một quan hệ công khai ăn ở như vợ chồng với đàn ông nếu họ muốn làm như thế. Do đó, vấn đề này khoác một màu sắc mới.” (The British Civil Servant. The Public Service, by William A. Robson, pp. 14, 15.)
15. Phần lớn các câu lạc bộ của nam giới giam lỏng những người phụ nữ trong một phòng đặc biệt hoặc nhà phụ, và loại trừ họ khỏi các căn hộ khác, dù theo nguyên tắc được tuân thủ ở St Sofia rằng họ ô uế hoặc theo nguyên tắc được tuân thủ ở Pompeii rằng họ quá thuần khiết chỉ là một vấn đề để suy đoán.
16. Quyền lực của báo giới trong việc ỉm đi sự thảo luận về bất kỳ chủ đề không mong muốn nào đã từng, và hiện vẫn còn kinh khủng. Nó là một trong những “chướng ngại vật đặc biệt” mà Josephine Bulter đã đấu tranh chống trả trong chiến dịch chống Đạo luật về các bệnh truyền nhiễm. “Đầu năm 1870, báo giới London bắt đầu áp dụng chính sách im lặng đối với vấn đề này, và điều này kéo dài nhiều năm, và khuấy lên từ Hiệp hội Các quý bà “Văn bản phản đối chống lại âm mưu giữ im lặng”, ký bởi Harriet Martineau và Josephine E. Butler, trong đó có những từ sau: “Chắc chắn, trong khi một âm mưu giữ im lặng kiểu đó là khả dĩ và được thực hành ở các nhà báo hàng đầu, người Anh chúng ta cường điệu các đặc quyền của chúng ta với tư cách những người tự do khi chúng ta tuyên bố để động viên một nền báo chí tự do, và để nắm giữ quyền được nghe cả hai phía trong một vấn đề trọng đại về đạo đức và pháp chế.” (Personal Reminiscences of a Great Crusade, by Josephine E. Butler, p. 49.) Một lần nữa, trong trận chiến đòi quyền bầu cử, báo giới đã sử dụng sự tẩy chay một cách vô cùng hiệu quả. Và gần đây, hồi tháng 7/1937, trong một lá thư tựa đề “Một âm mưu giữ im lặng”, được in (xin vinh danh nó) bởi tờ Spectator, Cô Philippa Stratchey hầu như lặp lại những từ của bà Butler: “Nhiều trăm và nhiều ngàn đàn ông và phụ nữ đã tham gia vào một nỗ lực để thuyết phục Chính phủ xóa bỏ điều khoản trong Dự luật bổ sung lương hưu mới cho những công nhân áo đen vốn lần đầu tiên giới thiệu một giới hạn thu nhập phân biệt đối với những ứng viên nam và nữ… Trong tháng vừa qua, Dự luật này đã được trình ra Thượng viện, ở đó, điều khoản này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ và dứt khoát từ mọi phía trong Tòa… Đây là những sự kiện mà hẳn người ta phải cho là đủ thú vị để được tường thuật trên báo chí hàng ngày. Nhưng chúng đã được thông qua trong im lặng tuyệt đối bởi những tờ báo, từ The Times cho tới Daily Herald...  Sự đối xử phân biệt với nữ giới trong Dự luật này đã gợi lên trong họ một cảm giác căm giận vì đã không được chứng kiến từ khi ban bố quyền bầu cử… Người ta giải thích thế nào cho việc che đậy hoàn toàn này của báo giới?”
17. Những vết thương da thịt dĩ nhiên đã bị gây ra trong trận chiến ở Westminster. Thật sự, cuộc đấu tranh giành quyền bầu cử dường như nghiêm trọng hơn được thừa nhận hiện nay. Do vậy Flora Drummond nói rằng: “Dù chúng ta đạt được quyền bầu cử nhờ sự tích cực vận động của chúng ta, như tôi tin tưởng, hoặc chúng ta giành được nó vì những nguyên do khác, như một số người nói, tôi nghĩ nhiều người trong thế hệ trẻ hơn sẽ thấy khó mà tin rằng sự phẫn nộ và tàn bạo đã được khuấy động lên bởi sự đòi hỏi quyền bầu cử cho phụ nữ của chúng ta hồi gần ba mươi năm trước.” (Flora Drummond, in the Listener, 25 August 1937.) Có thể đoán là thế hệ trẻ hơn đã quá quen với sự phẫn nộ và tàn bạo để đòi tự do đến nỗi họ không có sẵn cảm xúc cho trường hợp cụ thể này. Ngoài ra, cuộc chiến cụ thể này không diễn ra trong những cuộc chiến đã biến nước Anh thành ngôi nhà, và biến người Anh thành những chiến sĩ, của tự do. Nhìn chung, cuộc chiến đòi quyền bầu cử vẫn được nhắc tới trong những từ ngữ phản kháng chua chát: “…và những người phụ nữ… đã không bắt đầu cái chiến dịch, quật bằng gậy và cắt xé tranh mà cuối cùng đã chứng minh cho cả hai nghị viện khả năng của họ đối với quyền bầu cử.” (Reflections and Memories, by Sir John Squire, p. 10.) Do đó, có thể tha thứ cho thế hệ trẻ hơn nếu họ tin rằng không có gì hào hùng trong một chiến dịch mà trong đó chỉ có vài cánh cửa sổ bị đập nát, vài ống quyển bị vỡ, và chân dung Henry James của Sargent bị phá hỏng, nhưng không thể sửa chữa, với một con dao. Đốt phá, quất gậy hay roi và rạch nát tranh dường như chỉ mang tính hào hùng khi được thực hiện trên một diện rộng bởi những người đàn ông mang súng.
18. The Life of Sophia Jex-Blake, by Margaret Todd, M.D., p. 72.
19. “Mới đây, người ta đã nói và viết nhiều về những thành tựu và thực hiện của Sir Stanley Baldwin trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông và quá nhiều là điều không thể có. Tôi có được phép kêu gọi sự chú ý tới những gì phu nhân Baldwin đã làm chăng? Khi tôi tham gia ủy ban của bệnh viện này lần đầu hồi năm 1929, những thứ thuốc giảm đau cho những ca sinh sản thông thường trong các khu sản phụ hầu như chưa được biết tới, hiện nay chúng được sử dụng hàng ngày và có sẵn cho 100% các ca, và điều gì đúng ở bệnh viện này cũng hầu như đúng đối với mọi bệnh viện tương tự. Thay đổi đáng chú ý trong một thời gian rất ngắn này là nhờ ở cảm hứng và những nỗ lực không mệt mỏi và sự cổ động của phu nhân Stanley Baldwin, như hồi ấy bà đã thực hiện…” (Letter to The Times from C. S. Wentworth Stanley, Chairman House Committee, the City of London Maternity Hospital, 1937.) Từ khi thuốc gây mê được áp dụng lần đầu cho Nữ hoàng Victoria khi sinh hạ Hoàng tử Leopold hồi tháng 4/1853 “những ca sinh sản ở các khu sản phụ” đã phải chờ đợi suốt 76 năm và sự ủng hộ tích cực của một thủ tướng phu nhân để đạt được sự giải phóng này.
20. Theo Debrett những Hiệp Sĩ and Phu nhân của Dames của Phẩm cấp Cao quý nhất của đế quốc Anh (The Most Excellent Order) đeo một huy hiệu bao gồm: “một chữ thập patonce, ngọc trai phủ men màu, ngoài phủ lông hay được phủ lên bởi một mề đai vàng với một đại diện của nước Anh ngồi bên trong một vòng tròn  đỏ khắc khẩu hiệu ‘Vì Thượng đế và Đế chế”. Đây là một trong vài phẩm cấp mở rộng cho phụ nữ, nhưng sự thấp kém của họ được đánh dấu bởi thực tế rằng dải ruy băng ở trường hợp của họ chỉ rộng hai và ¼ in-sơ, trong khi dải ruy băng của các Hiệp sĩ rộng 3 và ¾ in-sơ. Những ngôi sao cũng khác về kích cỡ. Tuy nhiên, câu khẩu hiệu thì giống nhau ở cả hai giới tính, và phải được duy trì để ngụ ý rằng những người đeo huy hiệu như thế nhìn thấy một sự kết nối giữa Thượng đế và Đế chế, và luôn sẵn sàng bảo vệ hai điều đó. Điều gì xảy ra nếu vị đại diện nước Anh ngồi trong một vòng tròn đỏ chống đối với (như có thể hình dung) một nhân vật quyền lực khác mà chỗ ngồi không xác định trên tấm huy chương, Debrett không nói, và các Hiệp sĩ và Phu nhân phải tự quyết định.
21. Life of Sir Ernest Wild, K.C., by R. J. Rackham, p. 91.
22. Lord Baldwin, speech reported in The Times, 20 April 1936.
23. Life of Charles Gore, by G. L. Prestige, D.D., pp. 240-41.
24. Life of Sir William Broadbent, K.C.V.O., F.R.S., edited by his daughter, M. E. Broadbent, p. 242.
25. The Lost Historian, a Memoir of Sir Sidney Low, by Desmond Chapman-Huston, p. 198.
26. Thoughts and Adventures, by the Rt Hon. Winston Churchill, p. 57.
27. Speech at Belfast by Lord Londonderry, reported in The Times, 11 July 1936.
28. Thoughts and Adventures, by the Rt Hon. Winston Churchill, p. 279.
29. Daily Herald, 13 February 1935.
30. Goethe’s Faust, translated by Melian Stawell and G. L. Dickinson.
31. The Life of Charles Tomlinson, by his niece, Mary Tomlinson, p. 30.
32. Miss Weeton, Journal of a Governess, 1807-1811, edited by Edward Hall, pp. 14, xvii.
33. A Memoir of Anne Jemima Clough, by B. A. Clough, p. 32.
34. Personal Reminiscences of a Great Crusade, by Josephine Butler, p. 189.
35. “Bạn và tôi biết rằng không quan trọng mấy nếu chúng ta phải là những móng cầu  nằm ngoài tầm nhìn và đâm sâu xuống đầm lầy mà trên đó những chân cầu có thể nhìn thấy chống đỡ cho chiếc cầu. Chúng ta không bận tâm nếu, sau đó, mọi người quên rằng, không có gì ở thấp bên dưới; nếu ai đó phải bị sử dụng để thử một thí nghiệm, trước khi cách tốt nhất để dựng một chiếc cầu được tìm ra. Chúng ta hoàn toàn sẵn lòng nằm trong số đó. Chiếc cầu là thứ chúng ta quan tâm, chứ không phải vị trí của chúng ta bên trong nó, và chúng ta tin rằng, tới lúc kết thúc, mọi người sẽ lưu giữ trong ký ức rằng chỉ mỗi một điều này mới là đối tượng của chúng ta.” (Letter from Octavia Hill to Mrs N. Senior, 20 September 1874. The Life of Octavia Hill, by C. Edmund Maurice, pp. 307-8.)
Octavia Hill (1838-1912) đã khởi xướng phong trào “để bảo đảm có những ngôi nhà tốt hơn cho người nghèo và không gian mở cho công chúng…” “Hệ thống Octavia Hill đã được áp dụng cho quy hoạch mở rộng của [Amsterdam]. Vào tháng 1, 1928 có tới 28,648 nhà ở đã được xây dựng’ (Octavia Hill, from letters edited by Emily S. Maurice, pp. 10-11.)
36. Hầu gái đóng một vai trò quan trọng trong đời sống giai cấp thượng lưu Anh từ những thời kỳ sớm nhất cho tới năm 1914 khi bà Monica Grenfell tới chăm sóc thương binh được hộ tống bởi một người hầu gái [Bright Armour, by Monica Salmond, p. 20] đến độ dường như phải kêu gọi một sự công nhận nào đó về những phục vụ của cô ta. Các bổn phận của cô ta rất lạ thường. Như cô ta phải hộ tống bà chủ của mình đi xuôi theo phố Piccadilly “nơi một vài quý ông trong câu lạc bộ có thể nhìn bà ta từ một cửa sổ,” nhưng không cần thiết ở Whitechapel, ‘nơi những gã bất lương lẩn lút quanh từng góc phố”. Nhưng không ngờ gì nữa, công việc văn phòng của cô ta rất đỗi gay go. Vai trò của Wilson trong cuộc sống riêng tư của Elizabeth Barrett  rất phổ biến với những độc giả của những lá thư nổi tiếng. Muộn hơn trong thế kỷ đó (khoảng 1889-92) Gertrude Bell ‘đi cùng với Lizzie, hầu gái của bà, tới các cuộc triễn lãm tranh;  bà được Lizzie đưa về từ những bữa dạ tiệc; bà đi với Lizzie để xem Việc cư trú ở Whitechapel nơi Mary Talbot đang làm việc...’ (Early Letters of Gertrude Bell, edited by Lady Richmond.) Chúng ta chỉ cần xét tới những giờ cô ta chờ ở phòng giữ mũ áo, những mẫu Anh cô ta quần quật đi qua trong những phòng trưng bày tranh, những dặm cô ta lê bước dọc theo vỉa hè West End để kết luận rằng nếu hiện giờ ngày làm việc của Lizzie đã kết thúc, trong thời của nó đó là một ngày dài. Chúng ta hãy hy vọng rằng ý nghĩ rằng cô ta đang thực hiện những mệnh lệnh đặt ra bởi Thánh Paul trong những lá thư của người gửi cho Titus và những người thành Corin, là một sự ủng hộ; và hiểu biết rằng cô ta đang làm hết sức mình để giao trả nguyên vẹn thân thể của bà chủ cho ông chủ là một niềm an ủi. Ngay cả như vậy, với sự yếu đuối của xác thân và bóng tối của tầng hầm lúc nhúc bọ cánh cứng, hẳn đôi lúc cô ta đã cay đắng phiền trách, một mặt là Thánh Paul vì sự trong trắng của người, và mặt khác là những quý ông ở phố Piccadilly vì sự dâm ô của họ. Chúng ta phải lấy làm tiếc rằng không có cuộc đời hầu gái nào, mà từ đó chúng ta có thể xây dựng một lý giải với tư liệu đầy đủ, được tìm thấy trong Từ điển tiểu sử quốc gia.
37. The Earlier Letters of Gertrude Bell, tuyển chọn và biên soạn bởi Elsa Richmond, pp. 217-18.
38. Vấn đề trong trắng, cả ở tâm trí lẫn cơ thể, là mối quan tâm và sự phức tạp lớn lao nhất. Khái niệm về sự trong trắng của thời đại Victoria, Edward và phần đông ở thời Đệ ngũ Georgia dựa trên, để không đi ngược lại xa hơn, những lời của Thánh Paul. Để hiểu ý nghĩa của chúng, chúng ta phải hiểu tâm lý và môi trường của ông – không phải một công việc nhẹ nhàng khi xét tới thân thế thường xuyên mù mịt và sự thiếu chất liệu về tiểu sử của ông. Từ chứng cứ nội bộ, có vẻ như rõ ràng rằng ông là một nhà thơ và nhà tiên tri, nhưng thiếu năng lực luận lý, và thiếu một sự đào tạo về tâm lý vốn buộc ngay cả kẻ ít thơ mộng hay khả năng thấu thị nhất hiện nay phải đưa những cảm xúc cá nhân của họ ra thâm cứu. Như vậy tuyên bố nổi tiếng của ông về vấn đề mạng che mặt, mà hình như lý thuyết về sự trong trắng của phụ nữ đã dựa vào, rất dễ bị đả phá bởi những phê bình từ nhiều góc cạnh. Trong Thư gửi những người Thành Corin, lập luận của ông rằng một phụ nữ phải che mặt khi cầu nguyện hay tiên tri dựa vào giả thuyết rằng không che mặt “là một và cùng một nghĩa như thể cô ta đã bị cạo trọc đầu”. Cứ cho là giả thuyết đó đúng, kế tiếp chúng ta phải hỏi: Có gì đáng xấu hổ trong việc cạo trọc đầu? Thay vì trả lời, Thánh Paul tiếp tục khẳng định, “Bởi một người nam thật sự không nên trùm vải lên đầu, vì anh ta là hình ảnh và vinh quanh của Thượng đế’: từ đó có vẻ như không phải bản thân việc bị cạo trọc đầu là sai; mà chính việc là một phụ nữ và bị cạo trọc đầu thì sai. Có vẻ như nó sai đối với người phụ nữ vì “người phụ nữ là niềm vinh quang của đàn ông.” Nếu Thánh Paul nói công khai rằng ông thích mái tóc dài nhiều người trong số chúng ta hẳn sẽ đồng ý với ông, và nghĩ tốt hơn ông nên nói như vậy. Nhưng đối với ông những nguyên cơ khác có vẻ thích đáng hơn, như nhận xét kế tiếp của ông: “Vì đàn ông không phải là của phụ nữ, mà phụ nữ là của đàn ông; bởi không phải đàn ông được tạo ra cho phụ nữ; mà phụ nữ được tạo ra cho đàn ông: vì lý do này, phụ nữ nên có một dấu hiệu của quyền lực trên đầu mình, vì những thiên thần.’ Chúng ta không có cách gì để biết các thiên thần đánh giá mái tóc dài như thế nào; và bản thân Thánh Paul dường như nghi ngờ sự ủng hộ của họ hoặc có thể ông không nghĩ cần phải viện tới bản chất đồng lõa quen thuộc đó. “Phải chăng ngay cả bản thân tự nhiên dạy các người rằng, nếu một gã đàn ông có tóc dài, đó là một nỗi ô nhục của anh ta? Nhưng nếu một phụ nữ có tóc dài, đó là một vinh quang đối với cô ta: vì tóc cô ta che phủ cho cô ta. Nhưng nếu bất kỳ người đàn ông nào muốn tranh cãi, chúng ta không có tập quán đó, các giáo đường của Thượng đế cũng không.” Đối với chúng ta có vẻ như lập luận từ tự nhiên có thể bổ sung; tự nhiên khi liên kết với thuận lợi tài chính, hiếm khi có nguồn gốc thiêng liêng; nhưng nếu nền tảng của lập luận này không đáng tin, kết luận lại vững chắc. “Hãy để những người phụ nữ giữ im lặng trong những giáo đường: bởi họ không được phép phát ngôn; nhưng hãy để họ trong trạng thái khuất phục, như luật pháp cũng nói vậy.” Sau khi viện tới tam vị nhất thể đồng lõa quen thuộc nhưng luôn đáng ngờ là Các thiên thần, tự nhiên và luật pháp để củng cố cho quan điểm riêng của ông, Thánh Paul đi tới kết luận lù lù hiện ra trước mắt chúng ta:
“Và nếu họ muốn biết bất kỳ điều gì, hãy để họ hỏi chồng của họ ở nhà: vì việc một phụ nữ cất tiếng nói trong nhà thờ là điều đáng xấu hổ.” Bản chất của “sự xấu hổ” vốn nối kết chặt chẽ với sự trong trắng, như lá thư cho thấy, đã bị giảm giá trị đáng kể. Bởi rõ ràng nó kết hợp cả những thành kiến về giới tính và cá nhân. Rõ ràng Thánh Paul không chỉ là một người độc thân (về những quan hệ của ông với Lydia, xin đọc Renan, Saint Paul, p. 149. ‘Est-il cependant absolument impossible que Paul ait contracté avec cette soeur une union plus intime? On ne saurait l’affirmer’); và như nhiều gã độc thân khác, ngờ vực về giới tính khác; mà còn là một thi sĩ và như nhiều thi sĩ khác thích tiên tri về chính mình hơn là lắng nghe những lời tiên tri của người khác. Ông cũng là kiểu người cường tráng hay vượt trội, rất quen thuộc với ở Đức hiện nay, những người mà một đề tài về chủng tộc hay giới tính là chủ yếu để đem tới sự hài lòng. Sự trong trắng theo định nghĩa của Thánh Paul được xem như một khái niệm phức hợp, dựa trên tình yêu đối với mái tóc dài; tình yêu đối với sự chinh phục, tình yêu của một khan giả; tình yêu đối với việc đặt ra luật pháp, và, trong tiềm thức, dựa trên một khát khao mạnh mẽ và tự nhiên rằng tâm trí và thân thể của một phụ nữ phải được bảo lưu cho việc sử dụng của một người đàn ông và chỉ một mà thôi. Một khái niệm như thế khi được củng cố bởi các thánh thần, tự nhiên, pháp luật, tập quán và giáo hội, và được thực thi bởi một giới tính với một thích thú cá nhân mạnh mẽ muốn thực thi nó, và các phương tiện kinh tế, chắc chắn là phải đầy quyền lực. Có thể thấu hiểu điều đó trên bất kỳ trang sử nào chúng ta mở ra từ Thánh Paul cho tới Gertrude Bell. Sự trong trắng được viện dẫn để ngăn cản không cho bà học ngành y, không được vẽ tranh lõa thể; không được đọc Shakespeare; không được chơi trong các ban nhạc; không được đi bộ xuôi phố Bond một mình. Vào năm 1848, việc những cô con gái của một người làm vườn ngồi trong một cỗ xe ngựa hai bánh xuôi xuống Phố Regent là một “hành động xúc phạm không thể tha thứ. (Paxton and the Bachelor Duke, by Violet Markham, p. 288); hành động xúc phạm ấy trở thành một tội ác, các nhà thần học phải quyết định tầm trọng đại của tội ác đó, nếu những vạt áo bị để mở. Vào đầu thế kỷ hiện tại con gái của một người sản xuất gang (chúng ta đừng miệt thị những phân biệt được nói tới ngày nay là hệ trọng), Sir Hugh Bell, “đã tới tuổi 27 và kết hôn mà chưa bao giờ đi bộ một mình dọc phố Piccadilly... Gertrude, dĩ nhiên, chưa từng mơ tới việc thực hiện điều đó…” Phố Wesr End là khu vực ô uế. “Nó thuộc về một tầng lớp cấm kỵ;..” (The Earlier Letters of Gertrude Bell, collected and edited by Elsa Richmond, pp. 217-18.) Nhưng những rắc rối và mâu thuẫn của sự trong trắng là cùng một cô gái vốn đã mang mạng che mặt, chẳng hạn, được hộ tống bởi một người đàn ông hay một người hầu gái, ở phố Piccadilly có thể đến thăm Whitechapel, hay Seven Dials, thời đó là những nơi chốn của sự đồi bại và bệnh hoạn, với sự chấp thuận của cha mẹ. Sự dị thường này không hoàn toàn thoát khỏi lời bình phẩm. Charles Kingsley hồi còn trẻ đã thốt lên: “… và những cô gái nhồi vào họ đầy những trường học, việc tới chơi ở quận, tả lót và các câu lạc bộ rẻ tiền. Quỷ tha ma bắt!!! và đi loanh quanh trong những cảnh tượng rác rưởi khốn khổ đáng tởm nhất, và tới thăm những người nghèo và đọc kinh Thánh cho họ nghe một cách không hợp khuôn phép. Mẹ tôi nói rằng những nơi họ đi vào không thích hợp để tới đối với bất kỳ cô gái nào, và rằng họ không nên biết những thứ như thế tồn tại.” (Charles Kingsley, by Margaret Farrand Thorp, p. 12.) Tuy nhiên, bà Kingsley là ngoại lệ. Hầu hết các cô con gái của những người đàn ông trí thức xem đó là những “cảnh tượng ghê tởm”, và biết rằng những thứ như thế tồn tại. Việc họ che đậy hiểu biết của họ là điều khả dĩ; sự che đậy đó có tác động thế nào về mặt tâm lý là không thể thắc mắc ở đây. Nhưng sự trong trắng đó, dù có thật hay áp đặt, là một thế lực to lớn, dù tốt dù xấu, không thể nghi ngờ điều đó. Thậm chí ngày nay cũng có khả năng rằng một phụ nữ phải tham gia một trận chiến tâm lý khá khốc liệt với hồn ma của Thánh Paul, trước khi cô ta có thể có quan hệ tình dục với một người đàn ông khác ngoài chồng mình. Không chỉ sự ô nhục xã hội được áp dụng với tư cách sự trong trắng, mà cả đạo luật Bastardy cũng cố hết sức áp đặt sự trong trắng bằng áp lực tài chính. Cho tới khi phụ nữ có quyền bầu cử vào năm 1918, đạo luật Bastardy năm 1872 ấn định tổng số 5s một tuần là số tối đa mà một ông bố, dù giàu có cỡ nào, có thể chi tiêu cho việc nuôi dưỡng con mình (Josephine Butler, by M. G. Fawcett and E. M. Turner, note, p. 101.) Hiện giờ Thánh Paul và các tông đồ của ông đã tự vén mạng che mặt của họ bởi khoa học hiện đại về sự trong trắng đã thực hiện một cải cách đáng kể. Thế nhưng thiên hạ nói có một phản ứng ủng hộ tới mức độ nào đó về sự trong trắng của cả hai giới tính. Điều này một phần là do các nguyên nhân kinh tế; sự bảo vệ trong trắng của những nàng hầu là một mục tốn kém trong ngân sách của nhà tư sản. Lập luận tâm lý ủng hộ cho sự trong trắng được thể hiện rõ bởi ông Upton Sinclair: “Ngày nay chúng ta nghe nói khá nhiều về những rắc rối tâm thần do sự kềm chế tình dục gây ra; đó là trạng thái của khoảnh khắc. Chúng ta không nghe bất kỳ điều gì về những phức cảm có thể bị gây ra bởi đam mê tình dục. Nhưng quan sát của tôi là những ai tự cho phép bản thân theo đuổi mọi thôi thúc tình dục là hoàn toàn khốn khổ không kém những ai đè nén mọi thôi thúc tình dục. Tôi nhớ một bạn học ở trường cao đẳng; tôi bảo với anh ta: ‘Anh có bao giờ nảy ra ý nghĩ dừng lại và nhìn vào tâm trí của mình không? Mọi thứ đến với anh đều biến thành tình dục.” Trông anh ta có vẻ ngạc nhiên, và tôi thấy rằng đó là một ý tưởng mới đối với anh ta; anh ta ngẫm nghĩ rồi nói: ‘Tôi đoán là anh đúng.’” (Candid Reminiscences, by Upton Sinclair, p. 63.) Một minh họa bổ sung được cung cấp bởi giai thoại sau: “ Trong thư viện tuyệt vời của Đại học Columbia có những kho tàng chứa cái đẹp, những bản in khắc đắt tiền, và theo kiểu tham lam thường ngày của tôi, tôi tới những thứ này, dự dịnh tìm hiểu mọi điều cần biết về mỹ thuật thời Phục hưng trong một hoặc hai tuần. Nhưng tôi phát hiện ra mình đang bị chôn vùi bời cái khối trần truồng này; các tri giác của rối bù; và tôi phải ngưng lại. (op. cit., pp. 62-3.)
39. Bản dịch ở đây được sử dụng bởi Sir Richard Jebb (Sophocles, the Plays and Fragments, với những chú giải quan trọng, bình phẩm và dịch ra văn xuôi tiếng Anh). Không thể phán xét bất kỳ quyển sách nào từ một bản dịch, thế nhưng dù là đọc bản dịch, Antigone rõ ràng là một trong những tuyệt phẩm của kịch bản văn học. Dù sao, chắc chắn nó có thể  được biến thành một tuyên truyền chống Phát xít, nếu cần. Bản thân vở kịch Antigone có thể chuyển hóa thành bà Pankhurst, kẻ đã đập vỡ một cửa sổ và bị giam ở Holloway; hay thành Frau Pommer, vợ của một quan chức khai mỏ người Phổ ở Essen, người đã nói: “Cái gai của sự căm ghét đã đâm đủ sâu vào mọi người bởi các xung đột tôn giáo, và đây là cao điểm để những người đàn ông hiện nay biến mất…” Bà đã bị bắt và cố gán cho tội sỉ nhục và vu khống Nhà nước và phong trào Đức Quốc Xã.(The Times, 12 August 1935.) Tội ác của Antigone có bản chất rất giống thế và đã bị trừng phạt rất giống thế. Những lời của cô, “Hãy xem những gì tôi gánh chịu và từ ai, vì tôi sợ phải vất bỏ nỗi sợ hãi trời cao!... Và luật trời nào tôi đã vi phạm? Vì sao, là kẻ không may, tôi có nên nhìn lên các thần thánh nữa không? Tôi nên cầu khẩn đồng minh nào – khi nhờ lòng mộ đạo tôi đã kiếm được cái tên nghịch đạo?” có thể được phát ngôn bởi bà Pankhurst, hay bà Frau Pommer; và tất nhiên có tính thời sự. Một lần nữa, Creon, kẻ đã “đẩy những đứa con của ánh thái dương vào bóng tối, và nhẫn tâm nhốt một linh hồn sống trong hầm mộ’”; kẻ khăng khăng rằng “sự bất tuân là tội ác xấu xa nhất,” và rằng “bất cứ ai thành phố có thể bổ nhiệm, kẻ đó phải tuân phục, cả những điều nhỏ lẫn điều lớn, cả những điều công bình và bất công…” là một điển hình của những chính khách cụ thể trong quá khứ và của Herr Hitler và Signor Mussolini hiện tại. Nhưng dù dễ ép những nhân vật này vào tấm áo đã cập nhật, không thể giữ họ ở đó được. Họ đề xuất quá nhiều; và khi tấm màn hạ xuống chúng ta thông cảm, có thể ghi chú thế, ngay cả với chính Creon. Kết quả này, với tuyên truyền viên không mong muốn, dường như do thực tế rằng Sophocles (ngay cả ở một bản dịch) sử dụng tự do tất cả mọi khả năng có thể thủ đắc của một nhà văn; và do đó, đề nghị rằng nếu chúng ta sử dụng nghệ thuật để tuyên truyền những quan điểm chính trị, chúng ta phải ép nhà nghệ sĩ phải cắt xén và cầm tù tài năng của mình để trao một sự phục vụ rẻ tiền và ngắn ngủi. Văn chương sẽ gánh chịu cùng sự cắt xèo mà con la đã gánh chịu; và sẽ không còn con ngựa nào nữa.
40. Năm từ của Antigone are: [văn bản Hy Lạp]  ‘Bản chất của tôi không phải là căm ghét mà là yêu thương.” (Antigone, dòng 523, Jebb.) Creon đáp lại: “Vậy thì hãy đi tới thế giới của người chết, và nếu ngươi cần tình yêu, hãy yêu họ. Trong lúc ta còn sống, không mụ đàn bà nào có thể thống trị ta.”
41. Ngay cả ở thời đại của áp lực chính trị lớn như hiện tại, rất đáng chú ý là có rất nhiều chỉ trích vẫn còn hướng tới những người phụ nữ. Lời thông báo: “Một nghiên cứu sắc sảo, thông minh và khiêu khích về phụ nữ hiện đại” xuất hiện bình quân ba lần mỗi năm trong bản danh sách của các nhà xuất bản. Tác giả, thường là một tiến sĩ ngữ văn, luôn luôn là nam giới, “với người đàn ông đơn giản” theo lời quảng cáo (xem Times Lit. Sup., 12 March 1938), “quyển sách này sẽ là một lời cảnh tỉnh.”



[1] Women's Social and Political Union: tổ chức đấu tranh cho quyền bầu cử của nữ giới ở Anh, thành lập ở Manchester ngày 10-10-1903.
[2] Từ khi những dòng này được viết ra, ông Baldwin đã thôi làm Thủ tướng và trở thành một bá tước.
[3] Nguyên văn: ‘Here we go round the mulberry tree, the mulberry tree, the mulberry tree. Give it all to me, give it all to me, all to me. Three hundred millions spent upon war.’
[4] John Pierpont Morgan (1837 – 1913): tỷ phú, nhà tài chính, ngân hàng, nhà từ thiện và nhà sưu tầm mỹ thuật người Mỹ.
[5] John Davison Rockefeller (1839 - 1937): tỷ phú, nhà công nghiệp và nhà từ thiện người Mỹ.

[6] The Contagious Diseases Acts, được Quốc Hội Anh thông qua lần đầu năm 1864, đạo luật này cho phép cảnh sát bắt giữ gái mại dâm trong một số cảng và thị trấn quân đội, và những người phụ nữ này sau đó bị kiểm tra bắt buộc về bệnh hoa liễu. Nếu một người phụ nữ được tuyên bố bị nhiễm bệnh, cô bị nhốt vào một “bệnh viện kín” cho đến khi  đã khỏi bệnh. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét