Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Mrs Dalloway - Phần Ba



Virginia Woolf
Nguyễn Thành Nhân dịch







Hãy nhớ bữa tiệc của tôi, hãy nhớ bữa tiệc của tôi, Peter Walsh nói trong lúc bước xuôi xuống phố, tự nhủ với mình theo một nhịp điệu, đúng với nhịp trôi chảy của âm thanh, cái âm thanh hoàn toàn trực tiếp của chuông Big Ben điểm nửa giờ. (Những vòng tròn xám xịt tan ra giữa không trung.) Ồ, những bữa tiệc này, ông nghĩ; những bữa tiệc của Clarissa. Vì sao bà ấy tổ chức những bữa tiệc này, ông nghĩ. Không phải ông phiền trách bà hay cái hình nộm của một người đàn ông mặc áo đuôi tôm với một bông cẩm chướng trên khuy áo đang đi về phía ông. Chỉ có thể có một người trên cõi đời này giống như ông, đang yêu. Và đó chính là ông, con người may mắn này, chính bản thân ông, phản chiếu lại trong lớp kính cửa sổ của một nhà máy sản xuất xe hơi ở phố Victoria. Toàn bộ nước Ấn nằm sau lưng ông; những thảo nguyên, những ngọn núi, những trận dịch tả; một quận to gấp đôi Ái Nhĩ Lan; những quyết định ông phải đưa ra một mình – ông, Peter Walsh; kẻ hiện đang thật sự yêu lầu đầu tiên trong đời mình. Clarissa đã trở nên khó chịu, ông nghĩ và ngoài ra còn hơi ủy mị nữa, ông ngờ thế, nhìn những chiếc xe hơi lớn – bao nhiêu ga-lông trên bao nhiêu dặm? Vì ông có năng khiếu về cơ khí; đã phát minh một cái cày ở quận của ông, đã đặt mua những chiếc xe cút kít ở Anh, nhưng những tay công nhân không dùng tới chúng, Clarissa không hề biết gì về tất cả những điều đó.
            Cách bà ấy nói, “Đây là Elizabeth của tôi!” khiến ông thấy khó chịu. Vì sao không nói một cách đơn giản “Đây là Elizabeth”? Nó không chân thành. Và cả Elizabeth cũng không thích nó. (Những dư chấn cuối cùng của tiếng chuông lớn vẫn còn rung động bầu không khí quanh ông; nửa giờ, vẫn còn sớm, chỉ mới mười một giờ rưỡi.). Bởi ông hiểu những người trẻ tuổi; ông thích họ. Ở Clarissa luôn có vẻ lạnh lùng nào đó, ông nghĩ. Bà đã luôn luôn, ngay cả hồi còn con gái, là một kẻ có tính rụt rè, và nó trở thành tính bảo thủ ở tuổi trung niên, và tất cả đã xong xuôi, tất cả đã xong xuôi, ông nghĩ,  nhìn với vẻ hơi sầu thảm vào những chiều sâu của lớp kính, và tự hỏi ông có làm bà bực mình không khi ghé thăm vào giờ đó; đột nhiên thấy mất tự chủ với nỗi xấu hổ vì đã tỏ ra ngu ngốc; đã khóc; đã xúc động; đã nói với bà mọi thứ, như thường lệ, như thường lệ.
            Như một đám mây bay ngang qua mặt trời, sự thinh lặng rơi lên London; và rơi lên tâm trí. Sự nỗ lực ngưng lại. Thời gian vỗ cánh trên cột cờ. Chúng ta dừng tại đó; chúng ta đứng đó. Cứng nhắc, bộ xương của thói quen một mình chống đỡ cái khung con người. Ở nơi không có gì cả, Peter Walsh tự nhủ; cảm thấy bị lõm vào, trống rỗng trong lòng. Clarissa đã từ chối mình, ông nghĩ. Ông đứng đó suy nghĩ, Clarissa đã từ chối mình.
            Chà, Thánh Margaret nói, như một bà chủ nhà bước vào phòng khách của mình đúng vào lúc chuông điểm giờ và thấy quan khách đã tề tựu ở đó. Tôi không bị muộn. Không, chính xác là mười một giờ rưỡi, bà ấy nói. Thế nhưng, dù bà ấy hoàn toàn đúng, giọng nói của bà ấy, vì là giọng nói của bà chủ, miễn cưỡng bộc lộ cá tính của nó. Một nỗi tiếc thương nào đó đối với quá khứ ngăn trở nó: một mối quan tâm nào đó đối với hiện tại. Bây giờ là mười một giờ rưỡi, bà ấy nói, và âm thanh của Thánh Margaret lướt vào những chỗ thầm kín của con tim và tự chôn mình trong những tiếng chuông tiếp nối, như một thứ gì đó sống động muốn thổ lộ bản thân, tự phân tán nó, muốn được nghỉ ngơi, với một cái rùng mình hoan hỉ, như chính bản thân Clarissa khi bước xuống cầu thang trong chiếc váy trắng vào giờ đổ chuông. Peter Walsh nghĩ. Đó chính là Clarissa, ông nghĩ, với một sự xúc động sâu sắc và một hồi ức rất rõ ràng nhưng gây bối rối về bà ấy, như thể tiếng chuông này đã vọng tới căn phòng hồi nhiều năm trước, nơi họ đang ngồi trong một khoảnh khắc rất thân tình, di chuyển từ người này sang người kia rồi rời khỏi, như một con ong với mật ong, chở đầy khoảnh khắc ấy. Nhưng căn phòng nào? Khoảnh khắc nào? Và vì sao ông đã vô cùng hạnh phúc khi đồng hồ điểm giờ? Thế rồi, trong lúc tiếng nói của thánh Margaret phai nhòa, ông nghĩ, Bà ấy đã bị ốm, và âm thanh đó biểu lộ sự suy nhược và đau khổ. Chính là quả tim của bà ấy, ông nhớ; và sự inh ỏi đột ngột của tiếng chuông báo tử cuối cùng ngân lên giữa cuộc sống khiến người ta kinh ngạc, Clarissa té xuống từ nơi bà ấy đứng, trong phòng khách của bà ấy. Không! Không! ông kêu lên. Bà ấy không chết. Tôi không già, ông kêu lên, và đi ngược lên phố Whitehall, như thể tương lai của ông đang lăn về phía ông, mãnh liệt, vô tận.
            Ít ra, ông không hề già, hay hết thời, hay khô héo. Về phần những gì họ nói về ông – gia đình Dalloway, gia đình Whitebread, và tầng lớp của họ, ông không mảy may quan tâm tới – không một mảy may (dù đúng là lúc này lúc khác ông cũng tìm hiểu xem Richard có thể giúp ông làm một công việc gì đó hay không). Bước sải chân, ánh mắt đăm đăm, ông nhìn vào bức tượng ngài Công tước vùng Cambridge. Ông đã bị điều động khỏi Oxford – đúng. Ông từng là một người theo Chủ nghĩa xã hội, ở một ý nghĩa nào đó là một kẻ thất bại – đúng. Tuy nhiên tương lai của nền văn minh, ông nghĩ, vẫn nằm trong tay của những người trẻ tuổi giống như thế; của những người trẻ tuổi như ông từng là, hồi ba mươi năm trước; với tình yêu của họ dành cho những nguyên tắc trừu tượng; nhận những quyển sách được gửi tới cho họ suốt cả quãng đường xa từ London tới một đỉnh núi trong dãy Hymalaya; đọc khoa học, đọc triết học. Tương lai nằm trong tay của những người trẻ tuổi giống như thế, ông nghĩ.
            Một tiếng lao xao giống như tiếng lao xao của những chiếc lá trong một khu rừng phát ra từ phía sau, và cùng với nó là một âm thanh sột soạt, thình thịch đều đều, mà khi bắt kịp ông, nó đã làm xáo trộn những ý nghĩ của ông, nghiêm trang cất bước ngược phố Whitehall, không để ý tới ông. Những cậu con trai mặc đồng phục, mang súng, đang bước đều với mắt nhìn thẳng về phía trước, cánh tay của họ cứng ngắc, và trên mặt họ là một biểu hiện giống như những mẫu tự của một truyền thuyết được viết quanh bệ của một pho tượng, ca tụng bổn phận, lòng biết ơn, lòng trung thực và tình yêu nước Anh.
            Đó là một cuộc huấn luyện rất đẹp mắt, Peter Walsh nghĩ, bắt đầu bước theo nhịp bước của họ. Nhưng trông họ không cường tráng. Hầu hết trong bọn đều gầy nhom, những cậu bé mười sáu tuổi; có thể ngày mai họ sẽ đứng sau những chén cơm, những bánh xà phòng trên mấy cái kệ. Hiện giờ họ khoác lên mình sự trang nghiêm không hề lẫn lộn với lạc thú xác thịt hay những mối bận tâm hàng ngày của những vòng hoa mà họ đã mang từ phố Finsbury Pavement tới ngôi mộ trống. Họ đã nguyện thề. Dòng xe cộ lưu thông tôn trọng nó; những chiếc xe tải bị chặn lại.
            Mình không thể theo kịp họ, Peter Walsh nghĩ, khi họ bước đều ngược lên phố Whitehall, và đúng là vậy, họ tiếp tục bước đều, vượt qua ông, vượt qua mọi người, với nhịp bước đều đặn, như thể người ta sẽ hoạt động những đôi chân và những cánh tay theo cùng một kiểu, và cuộc sống, với những trạng thái muôn màu muôn vẻ của nó, những sôi động ồn ào của nó, đã bị đặt bên dưới một con đường của những tượng đài và những vòng nguyệt quế và bị đánh thuốc tê thành một cái xác cứng đờ nhưng vẫn nhìn chòng chọc bởi tính kỷ luật. Người ta phải tôn trọng nó; người ta có thể cười phá lên; nhưng người ta phải tôn trọng nó, ông nghĩ. Họ đi, Peter Walsh nghĩ, dừng lại ở lề đường; và tất cả những pho tượng cao quý, Nelson[1], Gordon[2], Havelock[3], những hình ảnh màu đen, hùng tráng của những người lính vĩ đại đứng nhìn về phía trước, như thể cả họ cũng đã thực hiện sự quên mình tương tự (Peter Walsh cảm thấy cả ông cũng đã thực hiện nó, sự quên mình vĩ đại đó), dậm chân dưới cùng một sức cám dỗ, và cuối cùng đạt được một tia nhìn lãnh đạm. Nhưng chí ít, Peter Walsh không muốn có cái nhìn đó cho bản thân ông; dù ông có thể tôn trọng nó ở những người khác. Ông có thể tôn trọng nó ở những cậu bé. Họ chưa biết những rắc rối của xác thịt, ông nghĩ, trong lúc những cậu bé đang hành tiến biến mất về phía phố Strand – mình đã trải qua tất cả những thứ đó, ông nghĩ, băng qua đường, và đứng bên dưới pho tượng của Gordon, Gordon mà ông từng tôn thờ hồi còn là một cậu bé; Gordon đang đứng lẻ loi với một chân giơ lên và đôi tay khoanh lại – Gordon khốn khổ, ông nghĩ.
            Và chỉ vì chưa có ai biết ông đang ở London, trừ Clarissa, và thế giới, sau chuyến du hành, vẫn dường như là một hòn đảo đối với ông, sự khác thường của việc đứng một mình, đang sống, không ai biết tới, vào lúc mười một giờ rưỡi trong quảng trường Trafalgar khiến ông mất hết tinh thần. Nó là gì? Mình đang ở đâu? Và rốt cuộc, vì sao người ta thực hiện nó? Ông nghĩ. Toàn bộ vụ ly hôn dường như là ảo mộng. Và xuôi theo tâm trí ông, trải ra bằng phẳng như một đầm lầy là ba cảm xúc lớn lao đang áp đảo ông; sự thấu hiểu; một lòng nhân ái bao la; và cuối cùng, như là kết quả của hai cảm xúc kia, một niềm hân hoan tinh tế, không thể kềm chế; như thể những sợi dây trong bộ não của ông được kéo bởi một bàn tay khác, những con thoi di chuyển, và ông, không dính dáng gì tới nó, nhưng đứng ở đầu của những đại lộ vô tận, mà nếu chọn một con đường, ông sẽ xuôi theo nó. Suốt nhiều năm qua, ông chưa hề cảm thấy trẻ trung đến thế.
            Ông đã trốn thoát! tuyệt đối tự do – như những diễn biến trong sự sa sút của thói quen khi tâm trí, như một ngọn lửa không người coi sóc, rùn thấp xuống, uốn cong và có vẻ như sắp sửa bùng ra khỏi vật đang cầm giữ nó. Mình chưa từng cảm thấy trẻ trung đến thế suốt nhiều năm! Peter nghĩ, thoát khỏi con người thật sự của ông hiện tại (tất nhiên chỉ độ một giờ), và cảm thấy giống như một đứa bé chạy vụt ra khỏi cửa, và nhìn thấy, trong lúc chạy, bà vú già đang vẫy tay về phía cánh cửa sổ không đúng. Nhưng cô ta hấp dẫn lạ lùng, ông nghĩ, vì đang băng qua Quảng trường Trafalgar, hướng về phố Haymarket là một thiếu nữ mà, khi nàng đi ngang qua pho tượng của Gordon, có vẻ như, Peter walsh nghĩ (vẫn nhạy cảm như trước giờ), đã trút bỏ hết lớp voan này tới lớp voan khác, cho tới khi nàng trở thành chính người phụ nữ mà ông luôn có trong tâm trí; trẻ trung, nhưng nghiêm trang; vui tươi, nhưng dè dặt, ngăm đen, nhưng quyến rũ.
            Vươn thẳng người lên và len lén sờ ngón tay lên con dao nhíp, ông bắt đầu đi theo người phụ nữ này, sự kích động này, mà thậm chí với cái lưng quay về phía ông cũng soi rọi lên ông một thứ ánh sáng nối kết hai người bọn họ, chọn lọc ra ông, như thể tiếng ồn ào ngẫu nhiên của xe cộ lưu thông đã thì thầm qua những bàn tay ụp lại tên ông, không phải Peter, mà là tên riêng mà ông đã tự gọi mình trong những ý nghĩ của chính ông. “Ông,” nàng nói, chỉ “ông,” nói từ đó với đôi găng tay trắng và đôi vai của mình. Rồi cái áo choàng mỏng mà cơn gió khuấy động khi nàng bước ngang qua cửa tiệm Dent’s trên phố Cockspur tung bay phất phới với một sự từ ái bao trùm, một sự dịu dàng buồn bã, như đôi cánh tay sẽ mở rộng và đón nhận kẻ đã mệt nhoài…
            Nhưng nàng chưa kết hôn; nàng còn trẻ; rất trẻ, Peter nghĩ, đóa hoa cẩm chướng ông nhìn thấy nàng cài khi nàng băng qua quảng trường Trafalgar lại bùng lên trong mắt ông và khiến đôi môi nàng đỏ mọng. Nhưng nàng chờ ở lề đường. Ở nàng có một phẩm cách. Nàng không từng trải như Clarissa; không giàu có như Clarissa. Nàng, ông tự hỏi trong lúc nàng di chuyển, có khả kính không? Hóm hỉnh, với cái lưỡi liếng thoắng của một con thằn lằn, ông nghĩ (dù người ta phải bịa đặt, phải tự cho phép bản thân một sự tiêu khiển nho nhỏ), một người dí dỏm bình thản đợi chờ, một người dí dỏm nhanh như tên bắn; không ồn ào.
            Nàng di chuyển; nàng băng qua; ông đi theo nàng. Ông không hề muốn làm nàng bối rối. Tuy nhiên nếu nàng dừng lại ông sẽ nói “Hãy tới đây và dùng một que kem,” ông sẽ nói, và nàng sẽ trả lời, hoàn toàn đơn giản, “Ồ, vâng.”
            Nhưng những người khác trên đường đã chắn ngang giữa họ, ngăn trở ông, che khuất mất nàng. Ông đuổi theo; nàng đã thay đổi. Má nàng ửng đỏ; mắt nàng ánh lên sự chế giễu; ông là một kẻ phiêu lưu, khinh suất, ông nghĩ, nhanh nhẹn, liều lĩnh, (đã đáp máy bay từ Ấn Độ về đêm qua) thật sự là một tay cướp biển lãng mạn, không quan tâm tới tất cả những thứ đúng mực này, những cái áo khoác ngoài của phụ nữ màu vàng, những ống tẩu, những cái cần câu, trong những cửa sổ tiệm buôn; và tư cách khả kính và những bữa tiệc tối và những người đàn ông lớn tuổi ăn mặc bảnh bao mặc áo lót trắng bên dưới áo gi-lê. Ông là một tên cướp biển. Nàng tiếp tục đi, băng qua phố Piccadilly, ngược lên phố Regent, ở phía trước ông, tấm áo choàng của nàng, đôi găng tay của nàng, đôi vai của nàng kết hợp với những dải tua, những dải đăng ten và những cái khăn choàng bằng lông trong những cửa tiệm để tạo nên linh hồn của sự trang nhã và kỳ quặc đang thu nhỏ lại từ những cửa tiệm ra hè phố, như ánh sáng của một ngọn đèn đêm tỏa lung linh trên những bờ rào trong bóng tối.
            Cười to và vui vẻ, nàng đã băng qua phố Oxford và phố Great Portland, quẹo xuống một trong những con đường nhỏ, và lúc này, và lúc này, cái khoảnh khắc lớn lao đang tới gần, vì lúc này nàng bước chậm lại, mở cái túi xách ra, và với một cái nhìn về phía ông, nhưng không hướng vào ông, một cái nhìn nói lên lời từ giã, tổng kết toàn bộ hoàn cảnh và gạt bỏ nó một cách thắng lợi, mãi mãi, đã tra chìa vào ổ khóa, mở cửa, và biến mất! Giọng nói của Clarissa, Hãy nhớ tới bữa tiệc của tôi, Hãy nhớ tới bữa tiệc của tôi, vang lên trong tai ông. Ngôi nhà này là một trong những ngôi nhà đỏ mái bằng với những giỏ hoa treo lủng lẳng không đúng chỗ. Nó đã kết thúc.
            Vâng, mình đã vui vẻ; mình đã có nó, ông nghĩ, ngẩng lên nhìn những giỏ hoa phong lữ nhợt nhạt đang đong đưa. Và nó đã vỡ tan thành những nguyên tử – niềm vui của ông, vì nó chỉ được tạo nên một cách nửa vời, như ông biết rất rõ; đã được bịa đặt ra, cuộc phiêu lưu này với nàng thiếu nữ; được bịa đặt ra, như người ta  bịa đặt ra phần tốt đẹp hơn của cuộc đời, ông nghĩ – bịa đặt ra chính mình, bịa đặt ra nàng; tạo nên một niềm vui mạnh mẽ, và một thứ gì hơn thế. Nhưng nó thật kỳ quặc, và hoàn toàn có thật; người ta không bao giờ có thể chia sẻ tất cả những điều này – nó đã vỡ tan thành những nguyên tử.
            Ông quay lại; đi ngược lên phố, suy nghĩ tìm nơi nào đó để ngồi, cho đến giờ phải tới tửu quán Lincohn’s – để gặp các ông Hooper và Grateley. Ông nên đi đâu? Không quan trọng. Ngược lên phố, rồi đi về phía công viên Regent’s. Đôi ủng của ông trên vệ đường thốt lên “không quan trọng”; vì giờ còn sớm, hãy còn rất sớm.
            Đây cũng là một buổi sáng tuyệt diệu. Như nhịp đập của một quả tim hoàn hảo, sự sống tuôn trào thẳng qua những đường phố. Không chút dò dẫm – không chút ngần ngừ. Quét qua và phình lên, một cách chính xác, một cách đúng giờ, không tiếng động, chính xác ngay giây phút đó có một chiếc xe hơi dừng lại ở cửa. Cô gái, mang vớ lụa, đội mũ lông, phù du, nhưng không đặc biệt hấp dẫn đối với ông (vì ông đã vui vẻ chán chê), rạng rỡ. Những tay quản gia đáng ngưỡng mộ, những con chó su nâu vàng, những đại sảnh lát cẩm thạch hình thoi đen và trắng với những tấm màn che trắng đang phấp phới, Peter nhìn thấy qua cánh cửa mở và tán thưởng. London, một thành tựu tuyệt vời theo cách riêng của nó, nói cho cùng; mùa này; nền văn minh. Xuất thân như ông, từ một gia đình Anh-Ấn mà trong suốt ít nhất ba thế hệ đã điều hành những sự vụ của một lục địa (thật lạ lùng, ông nghĩ, cái cảm xúc mà mình có về điều đó, không thích Ấn Độ, và đế quốc, và quân đội như ông đã), có những khoảnh khắc khi nền văn minh, ngay cả loại này, dường như thân thiết với ông như một tài sản cá nhân; những khoảnh khắc của niềm tự hào về nước Anh; về những người quản gia; những con chó su; những cô gái trong sự an toàn. Tuy nhiên nó vẫn khá lố bịch, ông nghĩ. Và những tay bác sĩ và những doanh nhân và những người phụ nữ tài năng, tất cả đều lăng xăng với công việc của họ, đúng giờ giấc, nhanh nhạy, thiết thực, với ông dường như hoàn toàn đáng ngưỡng mộ, những người tốt, mà với họ người ta có thể giao trọn cả đời mình, những bạn đồng hành trong nghệ thuật sống, kẻ có thể nhìn thấu suốt một người. Với công việc bận bịu này khác, vở diễn này thật sự rất đáng khoan dung; và ông sẽ ngồi xuống dưới bóng râm, hút thuốc.
            Có công viên Regent’s. Phải. Hồi còn bé ông đã đi vào công viên Regent’s – thật lạ, ông nghĩ, cái cách ý nghĩ về thời thơ ấu vẫn tiếp tục quay lại với mình – có lẽ đó là kết quả của chuyến thăm viếng Clarissa; vì những người phụ nữ sống trong quá khứ nhiều hơn chúng ta, ông nghĩ. Họ tự gắn mình vào những nơi chốn; và những ông bố của họ – một người phụ nữ luôn tự hào về bố của mình. Bourton là một địa điểm xinh đẹp, rất xinh đẹp, nhưng mình không bao giờ có thể hòa hợp với ông cụ đó, ông nghĩ. Một đêm nọ đã có một màn kịch hoàn toàn – một cuộc tranh cãi về điều này điều nọ, ông không thể nhớ đó là chuyện gì. Có lẽ là chính trị.
            Phải, ông nhớ công viên Regent’s; quãng đường dài, thẳng; ngôi nhà nhỏ nơi người ta mua những quả bóng bay ở bên trái; một pho tượng ngớ ngẩn với một câu khắc ở nơi này nơi khác. Ông tìm một chỗ ngồi. Ông không muốn bị quấy rầy (ông cảm thấy hơi buồn ngủ) bởi những người hỏi về giờ giấc. Một người vú em già mặc đồ xám, với một em bé nằm ngủ trong cái xe đẩy; ngồi ở một đầu ghế cạnh người vú em – đó là điều tốt nhất ông có thể làm cho mình.
            Con bé là một cô gái có vẻ lạ lùng, ông nghĩ, sực nhớ tới Elizabeth khi cô bước vào phòng và đứng cạnh mẹ mình. Đã lớn phổng, hoàn toàn trưởng thành, không chính xác là xinh xắn, đẹp thì đúng hơn; và con bé không thể hơn mười tám tuổi. Có lẽ nó không hòa hợp với Clarissa. “Đây là Elizabeth của tôi”, đại loại thế – vì sao không nói đơn giản “Đây là Elizabeth?” – đang cố làm ra vẻ, như mọi bà mẹ, rằng mọi sự việc không phải là chính bản thân chúng. Bà ấy quá tin vào sự quyến rũ của mình. Bà ấy quá cường điệu điều đó.
            Làn khói thuốc thơm nhẹ nồng nàn bình thản cuộn xuống cổ họng ông; ông thổi nó ra thành những vòng tròn chống lại bầu không khí một cách quả cảm trong giây lát; xanh ngát, hình tròn – tối nay mình sẽ cố nói riêng một lời với Elizabeth – rồi bắt đầu giãn ra thành những hình đồng hồ cát và tan biến mất; chúng có những hình dáng lạ lùng, ông nghĩ. Đột nhiên ông nhắm mắt lại, giơ tay lên với một nỗ lực, và quẳng đi đoạn cuối nặng nề của điếu xì gà. Một nhát cọ lớn êm ái quét qua tâm trí ông, quét ngang qua nó là những nhánh cây lay động, những giọng nói của trẻ con, tiếng lê bước của những bàn chân, và mọi người đi ngang qua, và tiếng xe cộ ồn ào, tiếng xe cộ cao lên rồi hạ thấp. Ông chìm ngày càng sâu vào những lông vũ và lông cánh của giấc ngủ, chìm xuống, và bị bao trùm.
            Người vú em mặc đồ xám tiếp tục đan trong lúc Peter Walsh, ngồi trên cái ghế nóng cạnh bà ta, bắt đầu ngáy. Trong chiếc váy xám, di chuyển đôi tay một cách không biết mệt nhưng lặng lẽ, dường như bà ta giống một chiến sĩ bảo vệ cho quyền lợi của những người đang ngủ, giống một trong những hồn ma bóng quế hiện lên trong ánh chiều chạng vạng ở khu rừng tạo thành từ bầu trời và những nhánh cây. Người lữ khách cô đơn, kẻ hay lai vãng trên những con đường nhỏ, kẻ quấy rầy những lùm dương xỉ, và kẻ tàn phá những bụi độc cần to lớn, khi ngẩng lên, đột nhiên nhìn thấy nhân vật vĩ đại ở cuối con đường.
            Có lẽ do niềm tin của một kẻ vô thần, ông ngạc nhiên với những khoảnh khắc phấn chấn khác thường. Không có gì tồn tại bên ngoài chúng ta ngoại trừ một trạng thái tinh thần, ông nghĩ; một nỗi khát khao đối với sự an ủi, sự thư thái, đối với một cái gì đó ở bên ngoài những con người nhỏ bé bất hạnh này, những kẻ xấu xí, những người đàn ông và đàn bà hèn nhát này. Nhưng nếu ông có thể hình dung ra nàng, vậy là nàng tồn tại dưới một hình thức nào đó, ông nghĩ, và khi xuôi con đường với đôi mắt ngước lên bầu trời và những nhánh cây, ông nhanh chóng phú cho chúng một nữ tính; nhìn với sự kinh ngạc về việc chúng đã trở nên nghiêm nghị biết bao; đường bệ biết bao, khi làn gió nhẹ khuấy động chúng, với một nhịp vỗ kín đáo của những chiếc lá, chúng phân phát lòng nhân ái, sự thấu hiểu, sự thứ tha, và rồi, chúng đột ngột quăng mình lên cao, phá vỡ lòng trung thành với vẻ ngoài của chúng bằng một cuộc vui hoang dại. 
            Những ảo tượng như thế dâng hiến những cái sừng dê chứa đầy hoa quả cho người lữ khách cô đơn, hoặc thì thầm trong tai ông như những mỹ nhân ngư đang lượn lờ trên những làn sóng xanh biển cả, hoặc bị ném mạnh vào mặt ông như những bó hoa hồng, hoặc trồi lên trên mặt nước như những gương mặt nhợt nhạt mà những người ngư phủ ngoi ngóp lội qua những dòng nước cuồn cuộn để ôm chầm lấy.
            Những ảo tượng như thế không ngừng nổi lên, bước bên cạnh, đưa bộ mặt của chúng ra phía trước sự vật thật sự; thường khiến cho người lữ khách cô đơn mê mẩn và tước khỏi ông ý thức về quả đất, ước vọng quay về, và thay vào đó trao cho ông một sự an bình phổ quát, như thể (ông nghĩ thế trong lúc đi xuôi theo con đường rừng) tất cả những xôn xao của sự sống này đang tự đơn giản hóa chúng; và vô số sự vật hợp nhất thành một sự vật; và nhân vật này, tạo thành từ bầu trời và những nhánh cây, đã trồi lên từ biển cả bồn chồn (giờ ông đã lớn tuổi, quá năm mươi rồi) như một nhân vật có thể bị hút ra từ những làn sóng để trút xuống từ đôi bàn tay cao quý của nàng lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu, sự thứ tha. Vậy là, ông nghĩ, mình không bao giờ quay lại với ánh đèn; với căn phòng khách; không bao giờ hoàn thành cuốn sách của mình; không bao giờ gõ tẩu để trút bỏ cặn thuốc; không bao giờ gọi cho bà Turner để dọn dẹp; tốt hơn mình cứ bước thẳng tới nhân vật vĩ đại này, người sẽ, với một cái hất đầu, nâng mình lên trên những lá cờ đuôi nheo của nàng ta và để cho mình cuốn vào cõi hư vô cùng với số còn lại.
            Có những ảo tượng như thế. Người lữ khách cô đơn sẽ sớm ra khỏi cánh rừng; và ở đó, đi tới cửa với đôi mắt bị che mờ, có thể đang mong đợi chuyến quay về của ông, với đôi bàn tay giơ cao, với cái tạp dề trắng tung bay, là một phụ nữ cao tuổi (sự yếu ớt này mạnh mẽ biết bao), kẻ dường như đang tìm kiếm trên một sa mạc một đứa con thất lạc; tìm kiếm một kỵ sĩ đã bỏ mình; là hình dáng của một bà mẹ có những đứa con trai đã bị giết trong những trận đánh trên thế giới. Cứ thế, trong lúc người lữ khách cô đơn đi xuôi theo con đường làng nơi những người phụ nữ đứng đan và những người đàn ông đào xới trong vườn, buổi chiều hôm dường như báo điềm gỡ; những hình dáng bất động; như thể một định mệnh uy nghiêm nào đó, mà họ biết và chờ đợi không chút e sợ, đang sắp sửa cuốn họ tới sự hủy diệt hoàn toàn.
            Trong nhà, giữa những đồ vật bình thường, cái tủ chạn, cái bàn, cái bệ cửa sổ với những cây phong lữ thảo, đột nhiên đường nét của một bà chủ nhà, đang khom xuống để dời tấm vải trải bàn, trở nên mềm đi dưới ánh sáng, một biểu tượng đáng yêu mà chỉ ký ức về những mối liên hệ lạnh lẽo của con người mới ngăn cấm chúng ta ôm chầm lấy. Bà lấy món mứt cam; bà cất nó vào tủ chạn.
            “Đêm nay không có gì nữa, thưa ông?”
            Nhưng người lữ khách cô đơn trả lời với ai đây?
Cứ thế, người vú em cao tuổi ngồi đan bên trên em bé đang ngủ trong công viên Regent’s. Cứ thế Peter Walsh ngáy.
            Ông choàng tỉnh, cực kỳ đột ngột, tự nhủ: “Cái chết của linh hồn.”
            “Chúa ơi, Chúa ơi!” ông nói với chính mình, to thành tiếng, duỗi người ra và mở mắt. “Cái chết của linh hồn.” Những từ này tự gắn chúng vào một cảnh tượng nào đó, một căn phòng nào đó, một quá khứ nào đó mà ông từng mơ thấy. Nó trở nên rõ ràng hơn; cảnh tượng, căn phòng, quá khứ mà ông từng mơ thấy.
            Đó là ở Bourton mùa hè năm ấy, hồi đầu thập niên 90, khi ông đang yêu Clarissa say đắm. Có rất nhiều người ở đó, cười nói râm ran, ngồi quanh một cái bàn sau bữa tiệc trà và căn phòng tắm trong một ánh sáng vàng vọt, đầy khói thuốc. Họ đang trò chuyện về một người đàn ông đã cưới nàng hầu của mình, một trong những địa chủ ở gần đó, ông đã quên tên của ông ta. Ông ta đã cưới nàng hầu của mình, và cô ta đã được đưa tới thăm Bourton – đó là một cuộc thăm viếng khó chịu. Cô ta ăn mặc trưng diện một cách lố bịch, giống như một con vẹt mào, Clarissa bảo, nhại theo cô ta, và cô ta nói không ngừng. Cô ta cứ nói liếng thoắng, huyên thuyên. Clarissa nhại theo cô ta. Thế rồi có ai đó lên tiếng – đó là Sally Seton – việc biết rằng trước khi kết hôn cô ta đã có một đứa con có tạo nên bất kỳ khác biệt thật sự nào trong cảm giác của một người đàn ông hay không? (vào thời đó, trong một cuộc họp mặt lẫn lộn, nói thế là rất trơ trẻn.) Giờ đây ông có thể nhìn thấy Clarissa, mặt ửng hồng, hơi co người lại; và nói: “Ồ, tôi sẽ không bao giờ có thể nói chuyện với cô ta nữa!” Sau đó, toàn thể đám tiệc đang ngồi quanh bàn dường như rúng động. Điều đó rất khó chịu.
            Ông không trách bà ấy về việc lưu tâm tới thực tế đó, vì vào thời ấy, một cô gái mới lớn như bà ấy không biết gì cả, nhưng chính cung cách của bà ấy khiến ông phiền lòng; bẽn lẽn; nghiêm khắc; hơi ngạo mạn; thiếu đầu óc tưởng tượng; đoan trang vờ vịch. “Cái chết của linh hồn.” Ông đã nói câu đó theo bản năng, dán nhãn cho giây phút đó như ông thường làm – cái chết của linh hồn bà ấy.
            Mọi người đều rúng động; mọi người dường như cúi chào, trong lúc bà ấy nói, và rồi đứng lên, khác hẳn. Ông có thể nhìn thấy Sally Seton, như một đứa trẻ con đang bực tức, nghiêng người tới trước, hơi đỏ mặt, muốn nói, nhưng lại sợ, và Clarissa đã làm cho mọi người hoảng sợ. (Cô là  bạn thân nhất của Clarissa, luôn có mặt ở đó, hoàn toàn khác với bà ấy, một sinh vật hấp dẫn, xinh đẹp, da ngăm, nổi tiếng táo bạo hồi thời ấy, và ông đã cho cô những điếu xì gà mà cô hút trong phòng ngủ. Cô đã hứa hôn với ai đó hoặc đã gây gỗ với gia đình mình và ông cụ Parry không ưa cả hai người bọn họ như nhau, đó là một mối liên kết lớn lao giữa họ.) Thế rồi Clarissa, vẫn trong một dáng vẻ bị xúc phạm, đứng lên, viện một lý do nào đó, và bước ra khỏi phòng. Khi bà ấy mở cửa, cái con chó chăn cừu lông xồm ấy chạy vào. Bà ấy ôm chầm lấy nó, rơi vào trạng thái mê ly. Như thể bà ấy nói với Peter – tất cả đều nhắm vào ông, ông biết – “Tôi biết ngay lúc này anh nghĩ rằng tôi vô lý về người phụ nữ này; nhưng hãy nhìn xem tôi cực kỳ thông cảm ra sao; hãy nhìn xem tôi yêu Rob của tôi ra sao!”  
            Họ luôn có cái khả năng giao tiếp không cần lời lẽ lạ lùng này. Bà ấy biết ngay ông đang chỉ trích mình. Thế là bà ấy sẽ làm một điều gì đó hoàn toàn hiển nhiên để tự vệ, như cái trò nhặng xị với con chó này – nhưng nó không bao giờ đánh lừa được ông, ông luôn nhìn thấu Clarissa. Không phải ông đã nói bất cứ điều gì, dĩ nhiên; chỉ ngồi cau mặt nhìn. Những cuộc cãi vã giữa họ thường bắt đầu theo cách đó.
            Bà ấy đóng cửa. Ngay tức khắc ông trở nên cực kỳ phiền muộn. Tất cả dường như vô ích – tiếp tục yêu; tiếp tục cãi nhau; tiếp tục làm hòa, và ông rời phòng đi lang thang một mình, giữa những ngôi nhà phụ, những chuồng ngựa, nhìn những con ngựa. (Chốn này hoàn toàn là một nơi khiêm tốn, gia đình Parry chưa bao giờ rất giàu có; nhưng luôn có những người giữ ngựa và những cậu bé chăm sóc ngựa quanh đó – Clarissa thích cưỡi ngựa – và một người đánh xe già – tên ông ấy là gì nhỉ? – một bà vú già, cụ Moody, cụ Goody, họ gọi bà ta với cái tên đại loại như thế, ông đã được đưa tới thăm bà ta trong một căn phòng nhỏ có nhiều tấm ảnh, nhiều cái lồng chim.
            Đó là một buổi tối kinh khủng! Càng lúc ông càng buồn chán, không chỉ về chuyện đó; về tất cả mọi chuyện. Và ông không thể nhìn thấy bà ấy; không thể giải thích với bà ấy; không thể tranh luận. Luôn có mọi người quanh đó – bà ấy cứ tiếp tục như thể không có gì xảy ra. Đó là cái phần quái quỷ của bà – sự lạnh lùng này, sự thô cứng này, một điều gì đó rất sâu sắc trong bà, mà ông đã cảm nhận lại lần nữa hồi sáng này khi trò chuyện với bà ấy; một tính chất bất khả xâm nhập. Thế nhưng trời đất biết ông yêu bà ấy. Bà ấy có một quyền năng lạ lùng nào đó trong việc kéo đàn trên những sợi dây thần kinh của người ta, biến những sợi thần kinh của người ta thành những sợi dây đàn vĩ cầm, vâng.
            Sau đó ông đã vào ăn tối muộn, từ một ý tưởng ngu ngốc nào đó để cảm thấy dễ chịu hơn, và đã ngồi xuống cạnh bà cụ họ Parry – cô Helena – em của ông Parry, được xem là chủ trì bữa tiệc. Bà ngồi đó với chiếc khăn choàng Cashmere trắng toát, mái đầu nổi lên trên cửa sổ – một phu nhân già kinh khủng, nhưng tử tế với ông, vì ông đã tìm được cho bà một loại hoa hiếm có, và bà là một nhà thực vật học lớn, bước ra khỏi nhà với một đôi ủng dày và một cái thùng đựng mẫu vật treo giữa hai vai. Ông ngồi bên cạnh bà, và không thể nói năng gì. Mọi sự vật dường như đang chạy ào qua ông; ông chỉ ngồi đó, và ăn. Và vào giữa buổi tiệc, ông tự buộc mình nhìn sang Clarissa lần đầu tiên. Bà ấy đang nói chuyện với một thanh niên ngồi bên tay phải của mình. Ông có một phát hiện bất ngờ. “Cô ta sẽ lấy người đàn ông đó,” ông tự nhủ. Thậm chí ông còn chưa biết tên của anh ta.
            Bởi tất nhiên trong buổi tối đó, chính cái buổi tối đó, Dalloway đã tới, và Clarissa đã gọi anh ta là “Wickham”; đó là sự khởi đầu của tất cả mọi chuyện. Một người nào đó đã đưa anh ta tới, và Clarissa đã nghe nhầm tên của anh ta. Bà ấy đã giới thiệu anh ta với mọi người là Wickham. Rốt cuộc anh ta nói: “Tôi tên là Dalloway!” – đó là lần đầu tiên ông gặp Richard – một thanh niên trắng trẻo, hơi ngượng nghịu, ngồi trên một cái ghế xếp, và bật thốt “Tôi tên là Dalloway!” Sally đã chộp ngay lấy nó; sau đó cô luôn gọi anh ta là “Tôi tên là Dalloway!”
            Lúc ấy, ông là một nạn nhân của những phát hiện. Phát hiện này – rằng bà ấy sẽ cưới Dalloway – khiến mắt lòa đi – hoàn toàn áp đảo vào lúc đó. Có một kiểu – ông có thể nói sao nhỉ – một kiểu thoải mái trong cung cách của bà ấy đối với anh ta; một điều gì đó mang tính chất tình mẫu tử; một điều gì đó dịu dàng. Họ nói chuyện về chính trị. Suốt bữa ăn tối ông đã cố nghe xem họ đang nói gì.
            Sau đó, ông có thể nhớ đã đứng cạnh ghế của bà cô già Parry trong phòng khách. Clarissa đi tới, với cung cách hoàn hảo, như một bà chủ nhà thật sự, và muốn giới thiệu ông với một ai đó – đã nói như thể họ chưa bao giờ gặp nhau trước đó, điều này khiến ông giận điên lên. Thế nhưng ngay cả lúc đó ông vẫn ngưỡng mộ bà ấy về chuyện đó. Ông ngưỡng mộ sự can đảm của bà, bản năng xã hội của bà; ông ngưỡng mộ khả năng hoàn tất thành công mọi sự của bà. “Vị chủ nhân hoàn hảo,” ông đã nói với bà, khiến mặt bà nhăn lại. Nhưng ông muốn bà cảm thấy điều đó. Ông sẽ làm bất kỳ điều gì để khiến cho bà ấy tổn thương sau khi nhìn thấy bà ấy với Dalloway. Vì thế bà ấy đã rời khỏi ông. Và ông có cảm giác rằng tất cả bọn họ tập hợp với nhau trong một âm mưu chống lại ông – cười cười nói nói sau lưng ông. Ông đứng đó cạnh cái ghế của bà cô Parry như thể ông đang nói với những loài hoa dại. Chưa bao giờ, chưa bao giờ ông đau khổ kinh khủng đến thế! Hẳn ông đã quên ngay cả việc giả vờ lắng nghe; cuối cùng ông tỉnh lại; ông thấy bà cô Parry trông có vẻ hơi bực dọc, phẫn nộ thì đúng hơn, với đôi mắt lồi dán vào ông. Ông suýt kêu lên rằng ông không thể tham gia vì ông đang ở trong địa ngục! Mọi người bắt đầu rời khỏi phòng. Ông nghe họ nói về việc lấy những cái áo choàng; và việc trời lạnh trên mặt nước, vân vân. Họ sẽ đi thuyền trên hồ để ngắm trăng – đó là một trong những ý tưởng điên rồ của Sally. Ông có thể nghe cô mô tả mặt trăng. Và cả bọn kéo ra ngoài. Ông bị bỏ lại, hoàn toàn cô độc.
            “Cậu không muốn đi với họ à?” Cô Helena hỏi – bà cô già Parry! – bà đã đoán ra. Ông quay người lại và Clarissa lại xuất hiện. Bà ấy đã quay lại đón ông. Ông bị áp đảo bởi sự rộng lượng của bà – lòng tốt của bà.
            “Đi thôi.” Bà ấy nói. “Họ đang đợi.” Suốt cả đời mình, ông chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc đến thế! Họ đã làm hòa với nhau không cần nói một lời. Họ bước xuống hồ. Ông có hai mươi phút hoàn toàn hạnh phúc. Giọng nói của bà, tiếng cười của bà, chiếc váy của bà (một thứ gì đó bềnh bồng, trắng tinh, đỏ thẫm), tinh thần của bà, sự mạo hiểm của bà; bà đã khiến cho tất cả bọn họ phải lên thuyền và khám phá hòn đảo; bà đã làm cho một con gà mái giật mình; bà cười khanh khách; bà hát. Và trong suốt thời gian đó, ông biết rất rõ, Dalloway đã phải lòng bà; bà đã phải lòng Dalloway; nhưng điều đó dường như không quan trọng. Không có gì quan trọng. Họ ngồi trên mặt bước và trò chuyện – ông và Clarissa. Họ ra vào tâm trí của nhau không cần chút nỗ lực nào. Và rồi trong một giây tất cả kết thúc. Ông tự nhủ khi họ đi xuống thuyền: “Cô ấy sẽ lấy người đàn ông đó,” một cách ơ thờ, không chút oán giận; nhưng đó là một điều hiển nhiên. Dalloway sẽ cưới Clarissa.
            Dalloway chèo thuyền đưa họ vào. Ông không nói lời nào. Nhưng vì lý do nào đó khi họ quan sát anh ta xuất phát, nhảy lên chiếc xe đạp của mình để đạp hai mươi dặm qua khu rừng, ngoái lại trên yên xe, vẫy tay và biến mất, rõ ràng ông đã cảm thấy, một cách bản năng, lớn lao, mạnh mẽ, tất cả những điều đó; đêm đó; mối tình lãng mạn; Clarissa. Anh ta xứng đáng có cô ấy.
            Về phần mình, ông thật vô lý. Những đòi hỏi của ông đối với Clarissa (giờ ông có thể nhìn thấy nó) thật vô lý. Ông đã yêu cầu những điều bất khả. Ông đã tạo ra những màn kịch kinh khủng. Tuy nhiên, hẳn bà ấy sẽ chấp nhận ông, có lẽ, nếu ông ít vô lý hơn. Sally cũng nghĩ như vậy. Suốt mùa hè đó cô ta đã viết cho ông những lá thư dài; họ đã nói về ông ra sao; bà ấy đã ca ngợi ông thế nào, Clarissa đã khóc ra sao! Đó là một mùa hè đặc biệt – tất cả những lá thư, những cảnh tượng, những bức điện tín – tới Bourton vào sáng sớm, đi lang thang vơ vẩn cho tới khi những người giúp việc xuất hiện;  dọa dẫm nhau mặt đối mặt với ông cụ Parry vào bữa điểm tâm; bà cô Helena rất kinh khủng nhưng tốt bụng; Sally lôi ông ra vườn rau trò chuyện; Clarissa nằm trên giường vì bị nhức đầu.
            Cảnh tượng cuối cùng, cái cảnh tượng mà ông tin rằng đáng kể hơn bất kỳ thứ gì trong suốt đời ông (có thể đó là một sự cường điệu – nhưng đến giờ dường như nó vẫn như vậy), đã xảy ra lúc ba giờ chiều của một ngày rất oi bức. Một chuyện nhỏ nhặt đã dẫn tới nó – trong bữa ăn trưa Sally đã nói gì đó về Dalloway, và gọi ông ta là “Tôi tên là Dalloway”; tiếp đó Clarissa đột nhiên cứng người lại, đỏ mặt lên, theo cách của bà ấy, và gay gắt thốt lên: “Chúng ta đã có đủ cái thứ chuyện đùa nhạt như nước ốc đó.” Chỉ có thế. Nhưng với ông, nó chính xác như thể bà ấy đã nói, “Tôi chỉ giải trí với anh thôi; tôi có một sự thấu hiểu với Richard Dalloway.” Ông hiểu nó như vậy. Ông đã mất ngủ nhiều đêm. “Bằng cách này hay cách khác phải kết thúc chuyện này,” ông tự nhủ. Ông nhờ Sally gửi cho bà một lá thư đề nghị bà gặp ông ở cạnh đài phun nước lúc ba giờ. “Có một điều rất quan trọng đã xảy ra,” ông viết ở cuối thư.
            Cái đài phun nước nằm giữa một khu vực nhỏ nhiều bụi rậm, cách xa ngôi nhà, với những bụi rậm và cây cối xung quanh. Bà ấy tới đó, thậm chí trước giờ hẹn, và họ đứng đó, ở giữa là cái vòi phun nước, cái vòi (nó đã bị vỡ) không ngừng nhỏ giọt. Những cảnh tượng tự gắn chúng vào tâm trí lâu bền làm sao! Ví dụ, lớp rêu xanh rực rỡ.
            Bà ấy không nhúc nhích. “Hãy nói với tôi sự thật, nói với tôi sự thật,” ông lặp đi lặp lại. Ông cảm thấy như thể trán mình sẽ nổ tung. Dường như bà ấy co rúm lại, điếng người. Bà ấy không nhúc nhích. “Hãy nói với tôi sự thật,” ông lặp lại, khi đột nhiên ông già Breitkopf ló đầu ra, mang theo tờ Times; nhìn họ chòng chọc; thở dốc, rồi bỏ đi. Không ai trong hai người bọn họ nhúc nhích. “Hãy nói với tôi sự thật,” ông lặp lại. Ông cảm thấy ông đang nghiền một thứ gì đó rất cứng về mặt vật lý; bà ấy cứng cỏi. Bà ấy giống như sắt, giống như đá lửa, cứng rắn từ trong xương sống. Và khi bà ấy nói, “Việc đó chẳng ích gì. Việc đó chẳng ích gì. Đây là kết thúc” – sau khi ông đã nói hàng giờ, dường như vậy, với những giọt nước mắt lăn trên má – như thể bà ấy đã tát vào mặt ông. Bà ấy quay lưng, rời khỏi ông, bỏ đi mất.
            “Clarissa! Ông kêu lên. “Clarissa!” Nhưng bà ấy không bao giờ quay lại. Nó đã kết thúc. Đêm đó ông đi xa. Ông không bao giờ gặp lại bà ấy.




[1] Horatio Nelson, Đệ nhất Tử tước Nelson, Đệ nhất Công tước xứ Bronte, (1758 – 1805) anh hùng đô đốc hải quân Anh, nổi tiếng nhất với việc chỉ huy trận thủy chiến Trafalgar năm 1805 trong cuộc chiến tranh với Napoleon.
[2] Charles George Gordon, (1833 – 1885), còn có các biệt danh Gordon Trung Hoa, Tổng trấn Gordon, và Gordon Thành Khartoum, anh hùng, thiếu tá quân đội Anh.
[3] Sir Henry Havelock, Đại tướng quân đội Hoàng gia Anh (1795 – 1857).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét