Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Mrs Dalloway - Phần Bốn


Virginia Woolf
Nguyễn Thành Nhân dịch





               Thật kinh khủng, ông kêu lên, kinh khủng, kinh khủng!
            Tuy nhiên, mặt trời đang nóng. Tuy nhiên, người ta phải chấp nhận mọi sự đã qua. Tuy nhiên sự sống có một cung cách bổ sung thêm cho mỗi ngày. Tuy nhiên, ông nghĩ, ngáp dài và bắt đầu chú ý – công viên Regent’s đã thay đổi rất ít từ khi ông còn là một cậu bé, ngoại trừ những con sóc – tuy nhiên, giả sử có những bù đắp – khi em bé Elise Mitchell, người đã nhặt những hòn cuội để bổ sung cho bộ sưu tập đá cuội mà nó và anh nó đang thực hiện trên cái bệ lò sưởi của phòng trẻ em, đã trút ào cả nắm cuội lên đầu gối của người vú em và đã lao hết tốc lực vào đôi chân của một quý cô. Peter Walsh cười phá lên.
            Nhưng Lucrezia Warren Smith đang tự nhủ; vì sao mình phải chịu khổ? Cô đang tự hỏi, khi bước dọc theo con đường rộng. Không; mình không thể chịu đựng thêm nữa, cô đang nói, sau khi rời khỏi Septimus, kẻ không còn là Septimus nữa, cứ nói ra những điều khó nghe, độc ác, xấu xa, tự nói với chính mình, nói với một người chết, trên cái ghế đằng kia; khi một đứa bé chạy đâm sầm vào cô, ngã sóng soài và bật khóc.
            Điều đó an ủi đôi chút. Cô đỡ nó đứng lên, phủi bụi trên váy nó, hôn nó.
            Nhưng với chính mình cô chưa làm điều gì sai trái cả; cô đã yêu Septimus; cô đã hạnh phúc; cô đã có một ngôi nhà đẹp đẽ, và ở đó các chị em của cô sống lặng lẽ, làm những chiếc mũ. Vì sao cô phải chịu khổ?
            Đứa bé chạy thẳng về chỗ người vú em của nó, và Rezia thấy nó nhăn nhó, được vỗ về,  được người vú em của nó bế lên sau khi đặt món đồ đan xuống, và người đàn ông trông có vẻ tốt bụng đưa cho nó cái đồng hồ của mình để nó mở tung ra, để an ủi nó – nhưng vì sao cô lại bị phơi trần? Vì sao không bỏ đi ở Milan? Vì sao bị hành hạ? Vì sao?
            Hơi lung liêng chao động bởi những giọt nước mắt, con đường rộng, người vú em, người đàn ông mặc đồ xám, cái xe đẩy, dâng lên rồi hạ xuống trước đôi mắt của cô. Bị kẻ hành hạ hiểm ác này làm cho rúng động là số phận của cô. Nhưng vì sao? Cô giống như một con chim ẩn náu dưới lòng trũng mong manh của một chiếc lá, chớp mắt nhìn ánh mặt trời khi chiếc lá chuyển động; giật mình với một tiếng rạn lách tách của một nhánh cây khô. Cô bị phơi trần. Cô bị vây quanh bởi những cây cối to lớn, những đám mây thênh thang của một thế giới bàng quang, bị phơi trần; bị hành hạ; và vì sao cô phải chịu khổ đau? Vì sao?
            Cô nhăn mặt; cô dậm chân. Cô phải quay lại với Septimus vì đã tới lúc họ phải tới nhà ngài William Bradshaw. Cô phải quay lại và nói với anh ta, quay lại với anh ta đang ngồi đó trên cái ghế xanh bên dưới cái cây, đang nói chuyện với chính mình, hay với người đàn ông đã chết Evans đó, người mà cô chỉ thoáng nhìn thấy một lần trong trong cửa tiệm. Có vẻ như anh ta là một người lặng lẽ tốt bụng; một người bạn thân của Septimus, và anh ta đã bị giết trong chiến tranh. Nhưng những điều như thế xảy ra với mọi người. Mọi người đều có những người bạn bị giết trong cuộc chiến. Mọi người đều từ bỏ một thứ gì đó khi họ kết hôn. Cô đã từ bỏ ngôi nhà của mình. Cô đã tới sống ở đây, trong cái thành phố dễ sợ này. Nhưng Septimus cứ cho phép bản thân suy nghĩ về những điều khủng khiếp, vì cả cô cũng có thể, nếu cô cố gắng. Anh ta ngày càng trở nên xa lạ. Bà Filmer nghĩ là điều đó thật kỳ quặc. Anh ta còn nhìn thấy nhiều điều nữa – anh ta đã nhìn thấy đầu của một bà già ở giữa một lùm dương xỉ. Nhưng anh ta có thể hạnh phúc nếu anh ta chọn. Họ đã tới điện Hampton trên tầng trên của một chiếc xe buýt, và họ đã hoàn toàn hạnh phúc. Tất cả những loài hoa nho nhỏ màu đỏ và màu trắng đều ở ngoài bãi cỏ, như những ngọn đèn trôi nổi bập bềnh, anh ta đã nói, tán gẫu và cười lớn, bịa ra những câu chuyện. Đột nhiên anh ta nói, “Giờ chúng ta sẽ tự sát,” khi họ đang đứng cạnh dòng sông, và anh ta nhìn nó với một ánh mắt mà cô đã nhìn thấy trong mắt anh ta khi có một con tàu hỏa chạy ngang, hay một chiếc xe buýt hai tầng – một ánh mắt như thể có cái gì đó đang mê hoặc anh ta; cô cảm thấy anh ta sắp rời khỏi cô và cô chụp lấy cánh tay của anh ta. Nhưng khi về nhà anh ta hoàn toàn lặng lẽ – hoàn toàn hợp lý. Anh ta thường tranh cãi với cô về việc họ tự sát; và giải thích mọi người xấu xa như thế nào; anh ta có thể thấy họ bịa đặt những lời dối trá thế nào khi họ đi ngang qua trên phố. Anh ta biết tất cả những ý nghĩ của họ, anh ta bảo; anh ta biết mọi thứ. Anh ta biết ý nghĩa của thế gian này, anh ta bảo.
            Rồi khi họ đã về nhà anh ta hầu như không thể bước đi. Anh ta nằm trên cái trường kỷ và bảo cô nắm lấy bàn tay của mình để ngăn không cho anh ta rơi xuống, rơi xuống, vào những ngọn lửa! Anh ta khóc, và nhìn thấy những gương mặt đang cười nhạo anh ta, gọi anh ta bằng những cái tên kinh tởm khủng khiếp, từ những bức tường, và những bàn tay chỉ vòng qua bức bình phong. Thế nhưng họ hoàn toàn chỉ có một mình. Nhưng anh ta bắt đầu nói lớn tiếng, trả lời mọi người, tranh luận, cười, khóc, trở nên rất kích động và bắt cô phải viết lại các thứ. Điều đó thật phi lý; về cái chết; về cô Isabel Pole. Cô không thể chịu đựng được nữa. Cô sẽ quay lại.
            Lúc này cô đã tới gần anh ta, có thể nhìn thấy anh ta đang nhìn chòng chọc lên bầu trời, lẩm bẩm, vỗ tay. Thế nhưng bác sĩ Holmes đã bảo không có gì nghiêm trọng với anh ta hết. Vậy chuyện gì đã xảy ra – vậy vì sao anh ta bỏ đi, khi cô ngồi cạnh anh ta, anh ta lại giật mình, cau mặt nhìn cô, nhích ra xa, và chỉ vào tay cô, cầm lấy tay cô, nhìn nó một cách kinh hoàng?
            Có phải cô đã tháo chiếc nhẫn cưới ra không? “Tay em đã trở nên quá gầy,” cô ta nói. “Em phải cất nó vào ví,” cô ta nói với anh.
            Anh buông tay cô ta xuống. Cuộc hôn nhân của họ đã kết thúc, anh nghĩ, với sự thống khổ, với sự nhẹ nhõm. Sợi thừng đã bị cắt đứt; anh đã trèo lên; anh tự do, như lệnh đã ban rằng anh, Septimus, chúa tể của những người đàn ông, sẽ được tự do; đơn độc (vì vợ anh đã vất bỏ chiếc nhẫn cưới của mình; vì cô ta đã bỏ mặc anh), anh, Septimus, chỉ có một mình, được kêu gọi tiến lên trước đám đàn ông để nghe sự thật, để biết ý nghĩa, mà cuối cùng giờ đây, sau tất cả những công việc nhọc nhằn của việc dân sự hóa – những người Hy Lạp, những người La Mã, Shakespeare, Darwin và giờ là bản thân anh – sẽ phải trao tất cả cho… “Cho ai?” Anh lớn tiếng hỏi. “Cho ngài thủ tướng,” những giọng nói lao xao bên trên đầu anh trả lời. Bí mật tối cao phải được báo cho nội các; đầu tiên là những cây cối đang sống; tiếp đến là không có tội ác; tiếp đến là tình yêu, tình yêu phổ quát, anh lẩm bẩm, thở hổn hển, run rẩy, rút ra một cách đau đớn những chân lý sâu xa này, những chân lý rất sâu xa mà cần có một nỗ lực rất đỗi khó khăn, to lớn để nói lên, nhưng thế gian đã bị chúng làm cho thay đổi hoàn toàn mãi mãi.
            Không có tội ác; tình yêu; anh lặp lại, lần mò tìm tấm danh thiếp và cây bút chì, khi một con chó săn giống Skye đánh hơi cái quần của anh và anh giật mình hoảng hốt. Nó đang biến thành một người đàn ông! Anh không thể quan sát chuyện này diễn ra! Việc nhìn thấy một con chó biến thành một người đàn ông thật kinh hoàng, khủng khiếp! Con chó bỏ chạy ngay lập tức.
            Trời đất khoan dung cực kỳ, nhân từ vô hạn. Nó đã tha cho anh sống, khoan thứ sự yếu đuối của anh. Nhưng đâu là lý giải theo khoa học? (Vì trên tất cả mọi thứ người ta phải có đầu óc khoa học.) Vì sao anh có thể nhìn thấu qua những thân thể, nhìn thấy tương lai, khi những con chó trở thành người? Có thể cho đó là làn sóng nhiệt, tác động lên một bộ não đã trở nên nhạy cảm bởi nhiều niên đại tiến hóa. Nói theo khoa học, thịt da đã tan chảy khỏi trần gian. Thân thể anh trở nên cằn cỗi cho tới khi chỉ còn sót lại những sợi thần kinh. Nó trải ra như một tấm voan trên một tảng đá.
            Anh nằm ngửa trên ghế, kiệt sức nhưng giữ vững tinh thần. Anh nằm ngơi nghỉ, chờ đợi, trước khi một lần nữa anh diễn giải cho nhân loại, với nỗ lực, với niềm thống khổ. Anh nằm rất cao, trên lưng cõi thế. Quả đất rùng mình bên dưới thân anh. Những cây hoa màu đỏ mọc qua da thịt anh; những chiếc lá cứng của chúng lao xao cạnh đầu anh. Tiếng nhạc bắt đầu lanh lảnh vọng lên những tảng đá trên này. Đó là một tiếng còi xe ở dưới phố, anh lẩm bẩm; nhưng ở trên này nó bắn từ tảng đá này sang tảng đá khác, tách ra, nhập lại trong những âm thanh chấn động; chúng cất cao thành những cây cột mịn màng (việc có thể nhìn thấy thứ âm nhạc đó là một phát hiện) và trở thành một bản thánh ca, một bản thánh ca lúc này bị cuộn tròn lại bởi tiếng sáo của một thằng bé chăn cừu (Đó là một ông già đang thổi một cái còi thiếc cạnh tiệm rượu, anh lẩm bẩm); trong lúc thằng bé bất động, bản nhạc vẫn sôi sục thoát ra từ cái ống sáo, và rồi, khi anh trèo lên cao hơn, tiếng sáo trở nên cực kỳ ão não trong lúc xe cộ lưu thông bên dưới. Khúc bi ca của thằng bé này được chơi giữa đám xe cộ lưu thông, Septimus nghĩ. Lúc này anh rút lui vào lớp tuyết, và những bụi hoa hồng rũ nhánh quanh anh – những nhánh hoa hồng dày mọc trên vách phòng ngủ của mình, anh tự nhắc bản thân. Tiếng nhạc dừng lại. Thằng bé đã nhận được đồng xu của nó, nhận định về đồng xu, và đã đi sang tiệm rượu kế bên.
            Nhưng bản thân anh vẫn còn ở trên tảng đá cao của mình, như một thủy thủ chết đắm trên một tảng đá. Tôi vươn người ra thành tàu và rơi xuống, anh nghĩ. Tôi chìm xuống biển. Tôi đã chết, thế nhưng lúc này còn sống, nhưng hãy để tôi nằm yên; anh cầu xin (anh lại đang nói với chính mình – nó thật kinh khủng, kinh khủng!); và trong lúc, trước khi thức tỉnh, giọng hót của lũ chim chóc và âm thanh của những bánh xe trộn lẫn vào nhau và lao xao trong một sự hài hòa kỳ lạ, ngày càng lớn dần và người nằm ngủ cảm thấy mình bị cuốn tới những bãi biển cuộc đời, anh cảm thấy mình bị cuốn về phía cuộc sống như thế, mặt trời ngày càng nóng hơn, những tiếng kêu nghe lớn hơn, một điều gì đó lớn lao sắp xảy ra.
            Anh chỉ cần mở mắt ra; nhưng một sức nặng đè lên chúng; một nỗi sợ. Anh căng người; anh đẩy; anh nhìn; anh nhìn thấy công viên Regent’s trước mặt. Những luồng ánh nắng vuốt ve đôi bàn chân của anh. Đám cây cối nghiêng ngả, vươn cành. Chúng tôi chào đón, dường như thế giới nói; chúng tôi chấp nhận; chúng tôi sáng tạo. Vẻ đẹp, dường như thế giới nói. Và như thể để chứng minh (một cách khoa học), bất cứ nơi nào anh nhìn tới, những ngôi nhà, những hàng rào, những con linh dương đang vươn cổ qua hàng rào, vẻ đẹp ngay lập tức bừng lên. Quan sát một chiếc lá run rẩy trong luồng không khí là một niềm vui tinh tế. Trên trời, những con chim nhạn sà xuống, lượn vòng, chao liệng vào ra giữa đàn, hết vòng này sang vòng khác, thế nhưng luôn luôn với sự kiểm soát hoàn hảo như thể có một sợi dây cao su giữ chúng lại; và những con ruồi vút lên hạ xuống; và mặt trời đáp xuống khi thì chiếc lá này, lúc thì chiếc lá nọ, với sự chế giễu, khiến nó sáng lóa lên một sắc vàng mềm mại trong sự an hòa thuần khiết; và thi thoảng có một tiếng chuông hòa âm (có thể đó là một tiếng còi xe) kêu leng keng đến tuyệt vời trên những nhánh cỏ – tất cả những thứ này, êm đềm và hợp lý như thường lệ, được tạo nên từ những sự vật bình thường như thường lệ, giờ đây là chân lý; vẻ đẹp, giờ đây đó là chân lý. Vẻ đẹp ở khắp mọi nơi.
            “Đã tới lúc rồi.” Rezia nói.
Cái từ “lúc”[1] tách đôi cái vỏ của nó ra; trút những nội dung phong phú của nó lên anh; và từ đôi môi anh rơi xuống như những cái vỏ sò, như những dăm kim loại từ một chiếc máy bay, không hề do anh thốt ra, những từ cứng, trắng, bất diệt, và chúng bay lên, tự gắn vào vị trí của chúng trong một khúc tụng ca Thời gian. Anh hát. Evans đáp lại từ sau thân cây. Những người chết ở Thessaly, Evans hát, giữa những chùm phong lan. Họ ở đó chờ cho tới khi cuộc chiến tranh kết thúc, và giờ là những người chết, giờ là chính bản thân Evans…
            “Vì Chúa, đừng tới!” Septimus kêu lên. Vì anh không thể nhìn vào những người chết.
            Nhưng những nhánh cây tách ra. Một người đàn ông mặc đồ xám đang thực sự bước về phía chúng. Nhưng trên người anh ta không có bùn; không một vết thương; anh ta không thay đổi. Tôi phải nói với toàn thế giới, Septimus la lên, giơ cao tay (trong lúc người đàn ông mặc đồ xám tiến tới gần hơn), giơ cao tay như một nhân vật khổng lồ đã một mình than khóc trong sa mạc suốt nhiều niên đại cho định mệnh của con người, với đôi tay áp vào trán, những nếp nhăn tuyệt vọng hằn trên má, và lúc này nhìn thấy ánh sáng ở rìa sa mạc; nó mở rộng ra và tấn công vào nhân vật đen như sắt (và Septimus hơi nhổm lên trên ghế), và với những binh đoàn người nằm sóng soài phía sau ông ta, người than khóc khổng lồ, đón nhận trong khoảnh khắc trên mặt mình toàn bộ…
            “Nhưng em rất đau khổ, Septimus ạ.” Rezia nói, cố kéo anh ngồi xuống.
            Nhiều triệu người than khóc; họ đã đau buồn biết bao lâu nay. Anh sẽ quay người lại, anh sẽ nói với họ trong giây lát, chỉ thêm trong giây lát, về sự khuây khỏa này, về niềm vui này, về phát hiện đáng kinh ngạc này…
            “Mấy giờ, Septimus?” Rezia lặp lại. “Mấy giờ rồi?”
            Anh đang nói. Anh đang bắt đầu, người đàn ông này phải chú ý tới anh. Ông ta đang nhìn họ.
            “Tôi sẽ nói cho anh biết giờ.” Septimus nói, rất chậm rãi, rất uể oải, mỉm cười bí ẩn. Trong lúc anh mỉm cười với người đàn ông đã chết mặc đồ xám, đồng hồ đổ chuông – mười hai giờ kém mười lăm.
            Và đó là tuổi trẻ, Peter Walsh nghĩ khi ông đi ngang qua họ. Có một cảnh tượng đáng sợ – cô gái khốn khổ trông có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng – vào giữa buổi sáng. Nhưng đó là về cái gì, ông tự hỏi, người thanh niên mặc áo khoác đó đã nói gì với cô ta để khiến cho cô ta trông như vậy; họ đã tự gắn mình vào sự việc đáng sợ nào, khiến cả hai trông tuyệt vọng đến thế trong một buổi sáng mùa hạ đẹp trời?
            Điều thú vị về việc quay trở lại Anh, sau năm năm, là cái cách thức nó khiến cho, bất kể những ngày đầu tiên ra sao, những sự việc nổi bật lên như thể người ta chưa bao giờ nhìn thấy chúng trước đó; đôi tình nhân cãi nhau dưới một gốc cây; cuộc sống gia đình của những công viên. Ông chưa bao giờ thấy London có vẻ mê hoặc như thế – sự mềm mại của những khoảng xa; sự phong dật; sự xanh tươi; sự văn minh, sau Ấn Độ, ông nghĩ, lững thững băng qua bãi cỏ.
            Không ngờ gì nữa, sự nhạy cảm đối với những ấn tượng này đã làm hại ông. Ở tuổi mình, ông vẫn có những tâm trạng đan xen này như một cậu bé hay thậm chí một cô bé; những ngày tốt đẹp, những ngày tệ hại, bất kể vì lý do gì, niềm hạnh phúc từ một gương mặt xinh xắn rơi tụt xuống nỗi khốn khổ khi nhìn thấy một người đàn bà ăn mặc lôi thôi. Sau Ấn Độ, dĩ nhiên người ta phải lòng mọi  phụ nữ người ta gặp. Ở họ có một sự tươi tắn; ngay cả người ăn mặc tồi tàn nhất chắc chắn cũng đẹp hơn năm năm trước; và với đôi mắt của ông, các thứ thời trang chưa bao giờ thích hợp đến thế; những chiếc áo choàng đen dài; thanh mảnh; tao nhã; rồi tới thói quen thú vị và rõ ràng là phổ quát về mỹ phẩm. Mọi phụ nữ, ngay cả người khả kính nhất, đều như hoa hồng đang nở; những làn môi sắc sảo; những lọn tóc đen nhánh; có sự thiết kế, mỹ thuật ở mọi nơi; một thay đổi nào đó chắc chắn đã xảy ra. Những người trẻ tuổi nghĩ về cái gì? Peter Walsh tự hỏi.
            Năm năm đó – 1918 tới 1923 – vì lý do nào đó là rất quan trọng, ông ngờ thế.  Mọi người  trông có vẻ khác hẳn. Những tờ nhật trình dường như khác hẳn. Chẳng hạn như hiện nay có một người đàn ông viết hoàn toàn cởi mở trên một trong những tờ tuần báo khả kính về những nhà vệ sinh. Mười năm trước bạn không thể làm điều đó – viết hoàn toàn cởi mở về những cái nhà xí trên một tờ tuần báo khả kính. Rồi tới việc lấy ra một thỏi son môi hay một nùi bông thoa phấn và trang điểm trước đám đông này nữa. Trên boong con tàu về nhà có nhiều thanh niên nam nữ – cụ thể là Betty và Bertie, ông nhớ – xử sự hoàn toàn cởi mở; bà mẹ già ngồi quan sát với mớ đồ đan, thản nhiên như không. Cô gái đứng yên và thoa phấn lên môi trước mặt mọi người. Và họ chưa đính hôn với nhau, chỉ tận hưởng một thời gian vui vẻ; không bên nào có cảm giác tổn thương. Cô ta, Betty hay gì nhỉ, cứng như một cây đinh, nhưng là một người hoàn toàn tử tế. Cô ta sẽ trở thành một bà vợ rất tốt ở tuổi ba mươi – cô ta sẽ kết hôn khi tới thời điểm thích hợp; lấy một người đàn ông giàu có nào đó và sống trong một ngôi nhà lớn gần Manchester.
            Người đã thực hiện điều đó là ai nhỉ? Peter Walsh tự hỏi, quẹo vào đường Broad Walk – đã lấy một người đàn ông giàu có và sống trong một ngôi nhà lớn gần Manchester? Một ai đó đã viết cho ông một lá thư dài lai láng hoàn toàn muộn màng về “những bông hoa tú cầu xanh”. Chính việc nhìn thấy những bông hoa tú cầu xanh đã khiến cho bà ấy nghĩ tới ông và những ngày xưa – Sally Seton, tất nhiên rồi! Chính là Sally Seton – người cuối cùng trên đời này mong đợi lấy được một người đàn ông giàu có và sống trong một ngôi nhà lớn gần Manchester, cái cô nàng Sally hoang dã, táo tợn, lãng mạn!
            Nhưng trong cả đám bạn xưa của Clarissa – vợ chồng nhà Whitbread, Kinderley, Cunningham, Kinloch-Jones – có lẽ Sally là người tốt nhất. Bằng cách nào đó cô đã cố hiểu đúng được vấn đề. Bằng cách nào đó cô đã nhìn thấu Hugh Whitbreads – cái gã Hugh đáng ngưỡng mộ –  khi Clarissa và số còn lại đều bị anh ta mê hoặc.
            “Vợ chồng nhà Whitbread à?” Ông có thể nghe cô nói. “Vợ chồng nhà Whitbread là ai? Những thương gia ngành than. Những nhà buôn khả kính.”
            Cô ghét cay ghét đắng Hugh vì một lý do nào đó. Anh ta không nghĩ tới thứ gì khác ngoài ngoại hình của chính mình, cô ta bảo. Lẽ ra anh ta nên là một công tước. Chắc chắn là anh ta sẽ cưới một trong những công nương trong hoàng tộc. Và dĩ nhiên Hugh có một sự tôn kính đặc biệt, tự nhiên nhất, siêu phàm nhất, đối với giới quý tộc Anh trong số bất kỳ người nào anh ta từng gặp gỡ. Ngay cả Clarissa cũng phải thừa nhận điều đó. Chà, nhưng anh ta là một gã rất dễ thương, rất vị tha, đã từ bỏ việc săn bắn để làm vừa lòng bà mẹ già của mình, nhớ tới sinh nhật bà cô của mình, vân vân.
            Sally, thật đáng ngưỡng mộ, đã nhìn thấu tất cả những điều đó. Một trong những điều mà ông nhớ nhất là một cuộc tranh cãi vào một sáng Chủ nhật ở Bourton về những quyền của phụ nữ (cái đề tài cũ rích đó), khi Sally đột nhiên mất bình tĩnh, nổi cáu lên, và nói với Hugh rằng anh ta đại diện cho tất cả những thứ đáng ghét nhất trong cuộc sống của tầng lớp trung lưu nước Anh. Cô bảo với anh ta rằng cô cho là anh ta phải chịu trách nhiệm về tình trạng của “những cô gái nghèo ở khu Piccadilly” – Hugh, quý ông hoàn hảo, Hugh khốn khổ! – chưa từng có người đàn ông nào trông hoảng kinh hồn vía hơn thế! Sau đó cô ta bảo rằng cô ta làm thế là có mục đích (vì họ thường tụ hợp với nhau trong vườn rau và trao đổi ý kiến). “Anh ta không hề đọc thứ gì, suy nghĩ điều gì, cảm thấy điều gì,” ông có thể nghe cô ta nói với cái giọng nhấn mạnh đó, nó chuyên chở rất nhiều điều hơn mức cô ta biết. Trong những cậu bé chăm sóc ngựa còn có nhiều sức sống hơn là trong Hugh, cô ta nói. Anh ta là một mẫu vật hoàn hảo của kiểu trường công lập, cô ta nói. Không quốc gia nào ngoài nước Anh có thể sản sinh ra anh ta. Cô ta thật sự hằn học, vì một lý do nào đó; có một mối hận nào đó đối với anh ta. Một chuyện gì đó đã xảy ra – ông quên mất là gì – trong phòng hút thuốc. Anh ta đã sỉ nhục cô ta – đã hôn cô ta? Không thể tin nổi! Tất nhiên là không ai tin vào một lời chống lại Hugh. Ai có thể tin chứ? Hôn Sally trong phòng hút thuốc! Nếu đó là một công nương Edith hay phu nhân Violet thì có lẽ; nhưng không phải là cô nàng Sally ăn mặc nhếch nhác không có một xu thừa kế với một ông bố hay bà mẹ chơi cờ bạc ở Monte Carlo đó. Bởi trong số tất cả những người ông từng gặp Hugh là một gã hợm mình ghê gớm nhất – một gã xun xoe nhất – không, chính xác thì anh ta không khúm núm. Anh ta quá khinh khỉnh ta đây đối với điều đó. Một gã hầu phòng hạng nhất là một so sánh hiển nhiên – một ai đó đi theo sau mang những cái va li; có thể tin cậy để gửi những bức điện tín – tuyệt đối cần thiết đối với những bà chủ nhà. Và anh ta đã tìm được công việc của mình – kết hôn với cô nàng Evelyn danh giá; có một chức vụ nhỏ ở triều đình, chăm sóc cho những hầm rượu của đức vua, lau chùi những cái khóa giày của hoàng đế, đi lại với cái quần chẽn gối và những ống tay áo viền đăng ten. Cuộc sống thật tàn nhẫn biết bao! Một công việc nhỏ ở triều đình!
            Anh ta đã cưới tiểu thư này, cô nàng Evelyn danh giá, và họ sống gần đâu đây, ông nghĩ thế (khi nhìn vào những ngôi nhà tráng lệ quay ra hướng công viên), vì ông đã có lần ăn trưa ở đó, trong một ngôi nhà mà, như tất cả các tài sản của Hugh, có một thứ gì đó mà không ngôi nhà khác có thể có được – có thể đó là những cái tủ chứa quần áo vải lanh. Bạn phải tới và nhìn thấy chúng – bạn luôn phải bỏ ra nhiều thì giờ để tán thưởng bất kể nó là gì – những cái tủ chứa đồ vải lanh, những cái áo gối, những đồ nội thất cổ bằng gỗ sồi, những bức tranh, mà Hugh đã chọn ra cho một bài hát cũ. Nhưng đôi khi bà Hugh để lòi cái dốt ra. Cô ta là một trong những phụ nữ nhỏ nhắn như chuột nhắt luôn hâm mộ những gã đàn ông to lớn. Cô ta hoàn toàn không đáng kể. Rồi đột nhiên cô ta nói một điều gì đó hoàn toàn bất ngờ – một điều gì đó sắc sảo. Có lẽ cô ta có tàn tích những lề thói trưởng giả. Hơi than quá nồng đối với cô ta – nó khiến cho bầu không khí dày đặc. Và họ sống như thế, với những cái tủ đựng đồ vải lanh, những người chủ nhà đất già nua và những cái áo gối viền đăng ten thật với mức năm hoặc mười ngàn bảng mỗi năm, có lẽ, trong lúc ông, người lớn hơn Hugh hai tuổi, vẫn lang thang để tìm một việc làm.
            Ở tuổi năm mươi ba ông phải tới và nhờ họ gửi gắm ông vào một văn phòng thơ ký nào đó, tìm cho ông một công việc trợ giáo tiếng Latin cho những cậu bé, chịu sự sai khiến của một viên quan lại nào đó trong một văn phòng, một việc làm nào đó có thể mang lại năm trăm bảng một năm; vì nếu ông cưới Daisy, ngay cả với tiền lương hưu của ông, họ cũng không thể nào sống nổi.
            Có lẽ Whitebread có thể làm được điều này; hoặc Dalloway. Ông không quan tâm tới điều ông đã yêu cầu Dalloway. Ông ta là một người hoàn toàn tốt; hơi hạn chế một chút; chậm hiểu một chút; phải, nhưng là một người hoàn toàn tốt. Bất kể bắt đầu một việc gì, ông ta đều thực hiện nó với cùng một cách thức thực tế; không có chút đầu óc tưởng tượng nào, không một tia sáng tài hoa, nhưng với sự tỉ mỉ bất khả lý giải theo cách của ông ta. Lẽ ra ông ta phải là một quý ông ở nông thôn – ông ta đã lãng phí cho chính trị. Ông ta có khả năng tốt nhất ở ngoài trời, với lũ ngựa và lũ chó – chẳng hạn, ông ta đã tài giỏi biết bao khi con chó lông xồm to lớn của Clarissa bị mắc bẫy và đứt mất bàn chân, Clarissa ngất xỉu và Dalloway đã làm mọi thứ: băng bó, buộc nẹp, bảo Clarissa đừng có ngốc nghếch. Có lẽ bà ấy thích ông ta ở điều đó. Đó là thứ bà ấy cần. “Nào, cô thân mến, đừng có ngốc thế. Giữ lấy cái này, đi lấy cái kia,” suốt thời gian đó nói chuyện với con chó như thể nó là một con người.
            Nhưng làm sao bà ấy có thể nuốt trôi tất cả những thứ thơ thẩn đó nhỉ? Làm sao bà ấy có thể để cho ông ta nói tràng giang đại hải về Shakespeare thế nhỉ? Một cách nghiêm túc, trang trọng, Richard Dalloway tỏ ra tức giận và bảo rằng không người đàn ông lịch sự nào nên đọc những bài sonnet của Shakespeare vì nó giống như nghe lén qua lỗ khóa (ở ngoài những mối quan hệ không phải là một điều ông ta chấp nhận). Không người đàn ông lịch sự nào nên để cho vợ mình tới thăm một cô em gái đã chết. Thật không thể tin nổi! Điều duy nhất để làm là xối xả tấn công ông ta bằng món mứt quả hạnh – đó là vào bữa tối. Nhưng Clarissa đã bị che mắt hoàn toàn; nghĩ rằng ông ta rất chân thành; rất độc lập; có trời biết bà ấy có nghĩ rằng ông ta là người có đầu óc bình thường nhất mà bà ấy từng gặp hay không.
            Đó là mối liên kết giữa Sally và ông. Có một khu vườn nơi họ thường đi dạo, một nơi có tường bao bọc, với những bụi hoa hồng và những cây cải bắp to lớn – ông có thể nhớ Sally đã hái một bông hồng, dừng lại để cảm thán về vẻ đẹp của những lá cải bắp dưới ánh trăng (thật lạ lùng, cách thức tất cả những chuyện mà ông không nghĩ tới suốt nhiều năm quay lại với ông), trong lúc cô ta van nài ông, dĩ nhiên là nửa đùa nửa thật, hãy chiếm lấy trái tim của Clarissa, để cứu bà ấy khỏi gia đình Hugh và Dalloway và tất cả những quý ông hoàn hảo khác, những kẻ sẽ bóp nghẹt linh hồn của bà ấy (dạo đó bà ấy viết hàng tập thơ), biến bà ấy thành một bà chủ nhà đơn thuần, khuyến khích bà ấy trở nên phàm tục. Nhưng người ta ngưỡng mộ Clarissa. Dù sao đi nữa, bà ấy đã không lấy Hugh. Bà ấy có một nhận thức hoàn toàn rõ ràng về điều mình muốn. Tất cả mọi cảm xúc của bà ấy đều ở trên bề mặt. Bên dưới, bà ấy rất sắc sảo – chẳng hạn giỏi xét đoán về tính cách hơn Sally nhiều, và với tất cả những điều đó, bà hoàn toàn nữ tính; với khả năng thiên phú khác thường ấy, cái khả năng thiên phú của một người phụ nữ trong việc tạo ra một thế giới riêng ở bất cứ nơi đâu bà ấy có mặt. Bà ấy bước vào một căn phòng; bà ấy đứng, như ông thường nhìn thấy bà ấy, ở lối ra vào với nhiều người xung quanh. Nhưng thứ người ta nhớ chính là Clarissa. Không phải vì bà nổi bật; bà không xinh đẹp chút nào; ở bà không có gì ấn tượng; bà chưa bao giờ nói bất cứ điều gì đặc biệt thông minh; tuy nhiên, bà có mặt ở đó; bà có mặt ở đó.
            Không, không, không! Ông không còn yêu bà ấy nữa! Ông chỉ cảm thấy, sau khi gặp bà hồi sáng, với cây kéo và những mảnh lụa, đang chuẩn bị cho bữa tiệc, không thể nào thoát khỏi ý nghĩ về bà ấy; bà ấy cứ quay lại, quay lại mãi, như một cái giường ngủ cứ xóc người ông lên trong một toa xe lửa; dĩ nhiên đó không phải là tình yêu; chỉ là việc suy nghĩ về bà ấy, phê phán bà ấy, bắt đầu lần nữa, sau ba mươi năm, cố lý giải về bà ấy. Điều hiển nhiên để nói về bà ấy là bà ấy thực tế; quan tâm quá nhiều tới giai tầng và xã hội và việc tiến thân trong đời – ở ý nghĩa nhất định điều này đúng; bà ấy đã thừa nhận với ông điều đó. (Bạn luôn có thể làm cho bà ấy thừa nhận nếu bạn gắng công; bà ấy trung thực.) Điều bà ấy sẽ nói là bà ấy ghét những phụ nữ ăn mặc lôi thôi, những kẻ thất bại, có lẽ giống như ông; nghĩ rằng mọi người không có quyền đi lại lừ đừ với hai bàn tay thọc trong túi; phải làm điều gì đó, phải là một thứ gì đó; và người ta gặp những nhân vật lớn ăn mặc bảnh bao này, những nữ công tước này, những nữ công tước già khụ trong phòng khách của bà ấy, xa rời vô tả như ông cảm thấy với bất cứ thứ gì quan trọng, đại diện cho một thứ gì đó có thật đối với bà ấy. Phu nhân Bexborough, có lần bà ấy nói, đã giữ người rất thẳng (bản thân Clarissa cũng thế; bà ấy không bao giờ ngồi với vẻ uể oải theo bất cứ ý nghĩa nào của từ này; bà ấy thẳng như một chiếc lao, thật sự là hơi cứng nhắc). Bà ấy bảo họ có một kiểu can đảm mà càng lớn tuổi hơn bà ấy càng kính trọng hơn. Trong tất cả những điều này Dalloway chiếm một phần lớn, dĩ nhiên; một phần lớn của tinh thần vì mọi người, đế quốc Anh, sự cải cách thuế má, tinh thần của giai cấp thống trị, đã lớn lên trong bà như nó có xu hướng là thế. Với trí thông minh gấp đôi ông ta, bà ấy phải nhìn thấy mọi sự qua đôi môi của ông ta, một trong những bi kịch của cuộc sống hôn nhân. Với trí tuệ của mình, bà ấy phải luôn trích dẫn lời của Richard – như thể người ta không thể biết chút gì về một cái tựa mà Richard nghĩ tới bằng cách đọc tờ Morning Post của một buổi sáng! Mấy bữa tiệc này chẳng hạn, là tất cả đối với ông ta, hoặc đối với ý nghĩ của bà ấy về ông ta (nói một cách chính xác, lẽ ra Richard sẽ hạnh phúc hơn nếu sống trong một nông trại ở Norfolk.) Bà ấy biến phòng khách của mình thành một nơi hội họp; bà ấy có một thiên tài về việc chuyện trò. Lần này sang lần khác, ông đã nhìn thấy bà ấy tóm lấy một thanh niên non nớt nào đó, vặn người anh ta, xoay anh ta lại, đánh thức anh ta, lèo lái anh ta. Tất nhiên có vô số người đần độn xúm xít quanh bà. Nhưng có những người kỳ quặc bất ngờ xuất hiện; khi thì một diễn viên; khi thì một nhà văn; những con cá lạ trong bầu khí quyển đó. Và đằng sau tất cả những điều này là cái mạng lưới của sự thăm viếng, để lại những tờ danh thiếp, tỏ ra tử tế với mọi người; chạy lăng xăng với những bó hoa, những món quà nho nhỏ; một ai đó sẽ sang Pháp – phải có một cái gối hơi; một sự hút kiệt thật sự sức lực của bà ấy; tất cả những dòng lưu thông vô tận đó mà những người phụ nữ như kiểu bà ấy theo đuổi; nhưng bà ấy thực hiện nó một cách tài tình, từ một bản năng tự nhiên.
            Thật lạ lùng, bà ấy là một trong những kẻ hoài nghi tuyệt đối nhất mà ông từng gặp, và có thể (đây là một lý thuyết mà ông thường bịa ra để lý giải về bà ấy, rất minh bạch theo một số cách nào đó, rất bí hiểm theo một số cách khác), có thể bà ấy đã tự nhủ: Vì chúng ta là một chủng tộc có định mệnh bi đát, bị xiềng vào một con tàu đắm (tác giả ưa thích của bà hồi còn con gái là Huxley và Tyndall, và họ ưa thích những phép ẩn dụ về biển này), vì toàn bộ sự việc là một trò đùa tệ hại, chúng ta hãy, ở bất cứ giá nào, thực hiện phần việc của chúng ta; làm giảm bớt nỗi đau khổ của những người bạn tù của chúng ta (lại Huxley); trang trí căn ngục thất bằng những bông hoa và những cái gối hơi; cố hết sức tỏ ra lịch sự. Những tên vô lại đó, những thần linh, không thực hiện tất cả những điều đó theo cách riêng của họ – nhận thức của bà rằng những thần linh, những kẻ không bao giờ đánh mất một cơ hội để gây tổn hại, ngăn trở và làm băng hoại cuộc sống của loài người, sẽ bị cản trở ra trò nếu, dù sao đi nữa, bạn cư xử như một phu nhân. Giai đoạn đó đến ngay sau cái chết của Sylvia – sự kiện kinh khủng đó. Nhìn thấy em gái của mình bị giết chết bởi một thân cây đổ (tất cả là do lỗi của Justin Parry – tất cả do sự bất cẩn của ông ta) ngay trước mắt mình, một cô gái cũng đang ở bên rìa cuộc sống, người có tài năng nhất trong số họ, Clarissa luôn nói thế, là đã đủ để khiến cho một người trở nên cay đắng. Có lẽ sau đó bà không còn quá lạc quan nữa; bà nghĩ rằng không có các thần linh; không có ai để oán trách; và thế là bà đã phát triển thứ tín ngưỡng vô thần làm điều tốt vì sự tốt lành này.
            Và dĩ nhiên bà ấy tận hưởng hết mức. Bản chất của bà ấy là hưởng thụ (vì chỉ có Chúa biết, bà ấy có những dè dặt của mình; đó là một phác thảo đơn giản, ông thường cảm thấy, mà thậm chí ông, sau tất cả ngần ấy năm, mới có thể vẽ nên về Clarissa). Dù sao, trong bà không có sự khắc nghiệt; không có cái ý thức về đức hạnh luân lý đáng kinh tởm ở những người đàn bà tốt. Bà ấy thật sự tận hưởng mọi thứ. Nếu bạn tản bộ với bà ấy trong công viên Hyde, khi thì một luống uất kim hương, khi thì một đứa bé trong chiếc xe đẩy, khi thì một vở kịch nhỏ ngớ ngẩn nào đó mà bà ấy nghĩ ra do sự kích thích của khoảnh khắc. (Rất có khả năng bà ấy sẽ nói chuyện với cặp tình nhân đó, nếu bà ấy nghĩ họ không hạnh phúc.) Bà ấy có một cảm quan về hài kịch thật sự tuyệt vời, nhưng bà ấy cần tới mọi người, luôn phải có mọi người, để trưng nó ra, với cái kết quả không thể tránh khỏi là bà phung phí thì giờ của mình, ăn trưa, ăn tối, tổ chức những bữa tiệc liên miên này, nói những điều phi lý, nói những điều bà ấy không định nói, làm cùn mòn trí tuệ của mình, đánh mất sự suy xét đúng đắn của mình. Bà ấy thường ngồi ở đầu bàn, cố gắng vô hạn để chịu đựng một lão già ngu ngốc có thể có ích cho Dalloway – họ biết những thứ đáng chán kinh khủng ở châu Âu – hoặc Elizabeth bước vào và mọi thứ phải nhường bước trước con bé. Nó học ở một trường trung học, ở vào cái giai đoạn mơ hồ mà ông đã trải qua, một cô gái mặt tròn trĩnh, trắng trẻo, không có chút nét nào của mẹ mình, một sinh vật im lặng dửng dưng, xem mọi thứ là chuyện bình thường, mặc cho mẹ mình lăng xăng rối rít lên vì mình, và rồi nói: “Giờ con có thể đi chưa?” như một em bé bốn tuổi; ra ngoài để chơi khúc côn cầu, Clarissa giải thích, với sự trộn lẫn giữa niềm vui và sự tự hào mà dường như chính Dalloway đã khơi dậy ở bà ấy. Và giờ đây Elizabeth đang “ra ngoài”, có lẽ; nghĩ ông là một ông già cổ hủ, cười nhạo những người bạn của mẹ mình. Chà, tốt, cứ vậy đi. Sự bù đắp của tuổi già đơn giản là điều này, Peter Walsh nghĩ, bước ra khỏi công viên Regent’s, tay cầm mũ; rằng niềm đam mê vẫn còn mạnh mẽ như trước giờ, nhưng rốt cuộc người ta đã có được cái khả năng này: nó bổ sung thêm hương vị quan trọng cho sự tồn tại – khả năng nắm giữ kinh nghiệm, xoay tròn nó một cách chậm rãi trong ánh sáng.
            Đó là một lời tự thú kinh khủng (ông đội lại mũ lên đầu), nhưng giờ đây, ở tuổi năm mươi ba người ta hiếm khi cần tới mọi người nữa. Bản thân cuộc sống, từng phút giây của nó, từng giọt của nó, ở tại đây, vào khoảnh khắc này, ngay bây giờ, dưới ánh mặt trời, trong công viên Regent’s, đã đủ rồi. Thật sự là quá nhiều. Toàn bộ một cuộc đời là quá ngắn để đưa ra, khi giờ đây người ta đã thủ đắc được khả năng đó, hương vị trọn vẹn đó; để trích từng ao-xơ lạc thú, từng bóng dáng của ý nghĩa; cả hai thứ này đều đậm đặc hơn trước rất nhiều; ít tính chất cá nhân hơn rất nhiều. Việc ông sẽ lại đau khổ khi Clarissa làm cho ông đau khổ là điều không thể có. Suốt nhiều giờ liên tục (cầu Chúa để người ta có thể nói ra những điều này mà không bị nghe lén!), suốt nhiều giờ và nhiều ngày ông chưa bao giờ nghĩ tới Daisy.
            Có lẽ nào khi đó ông yêu cô ấy, nhớ lại nỗi khốn khổ, sự dằn vặt, niềm say mê lạ thường của những ngày đó? Đây là một việc hoàn toàn khác hẳn – một việc thú vị hơn nhiều – sự thật là, dĩ nhiên, bây giờ cô ấy đang yêu ông. Và đó có lẽ là lý do vì sao, khi con tàu thật sự ra khơi, ông cảm thấy một sự nhẹ nhõm lạ thường, không muốn gì hơn là được ở một mình; bực bội khi phát hiện ra những quan tâm nho nhỏ của cô ấy – những điếu xì gà, những cuốn sổ ghi chép, một tấm chăn cho chuyến đi – trong căn phòng trên tàu của ông. Mọi người, nếu họ trung thực, sẽ nói cùng một điều; người ta không cần tới mọi người sau tuổi năm mươi; người ta không muốn tiếp tục nói với những người phụ nữ rằng họ xinh đẹp; đó là điều mà hầu hết những người đàn ông ở lứa tuổi năm mươi sẽ nói, Peter Walsh nghĩ, nếu họ trung thực.
            Nhưng rồi những cơn dâng trào cảm xúc đáng kinh ngạc này – việc rơi nước mắt lúc sáng nay, tất cả những thứ đó là nghĩa làm sao? Clarissa có thể nghĩ gì về ông? Có lẽ nghĩ ông là một gã ngốc, không phải là lần đầu. Ở dưới đáy của nó là sự ghen tức – sự ghen tức đã cứu sống mọi đam mê khác của loài người, Peter Walsh nghĩ, mở con dao nhíp ra. Cô ấy đã gặp Thị trưởng Orde, Daisy nói trong lá thư cuối của cô ấy, nói điều đó với một mục đích, ông biết; nói thế để làm cho ông ghen tức; ông có thể nhìn thấy cô ấy nhíu trán lại trong lúc viết, tự hỏi có thể nói gì để làm tổn thương ôn; thế nhưng nó đã không tạo được điều gì khác biệt; ông đã nổi giận! Tất cả những sự nhặng xị này về việc trở lại nước Anh và gặp những luật sư không phải là để cưới cô ta, mà để ngăn không cho cô ta kết hôn với bất kỳ ai khác. Đó là điều đã dằn vặt ông, đó là điều đã áp đảo ông khi ông thấy Clarissa bình thản đến thế, lạnh lùng đến thế, quan tâm đến thế tới chiếc váy của mình hay bất cứ thứ gì; nhận ra rằng bà ấy có thể không cần tới ông, cái mà bà ấy có thể giảm thiểu ông thành – một con lừa yếu đuối, than van. Nhưng những người phụ nữ, ông nghĩ, khép con dao nhíp lại, không biết sự đam mê là gì cả. Họ không biết ý nghĩa của nó đối với những người đàn ông. Clarissa lạnh lùng như một cột băng. Bà ấy ngồi đó cạnh ông trên chiếc trường kỷ, để cho ông nắm tay mình, tặng cho ông một nụ hôn… Ông đã tới ngã tư rồi.
            Một âm thanh cắt ngang ý nghĩ của ông; một âm thanh run rẩy mong manh, một giọng nói trào lên vô phương hướng, vô sinh lực, đang bắt đầu hoặc kết thúc, chạy một cách yếu ớt và chói tai với một sự vắng mặt của toàn thể ý nghĩa loài người vào những từ
               ee um fah um so
               foo swee too eem oo…
            giọng nói không có tuổi hay giới tính, giọng nói của một dòng suối cổ trào lên từ quả đất; nó phát ra ngay từ phía đối diện trạm xe điện ngầm của công viên Regent’s từ một hình dáng cao run rẩy, giống như một cái máy bơm nước han rỉ, giống như một thân cây bị gió hoành hành mãi đến cằn cả lá đang để cho cơn gió quăng quật những nhánh cây của nó trong lúc hát
               ee um fah um so
               foo swee too eem oo…
            và đung đưa, kêu cọt kẹt và rên rỉ trong trận gió thiên thu.
            Xuyên qua mọi thời đại – khi mặt đường lát đá còn là cỏ, khi nó còn là đầm lầy, qua thời đại của ngà voi và khổng tượng, qua thời đại của bình minh lặng lẽ, người phụ nữ bị ngược đãi – vì bà  mặc một cái váy – với tay phải xòe ra, tay trái giữ chặt bên hông, đứng hát về tình yêu – tình yêu đã tồn tại một triệu năm, bà hát, tình yêu đã thắng thế, và hàng triệu năm trước, người yêu của bà, kẻ đã chết trong những thế kỷ này, đã bước đi, bà ngâm nga, với bà trong tháng Năm; nhưng trong quãng thời gian nhiều niên đại đó, dài như những ngày hè, và rực rỡ, bà nhớ, chỉ với những hoa cúc đỏ, ông ta đã ra đi; lưỡi hái to lớn của tử thần đã quét qua những ngọn đồi mênh mông, và cuối cùng khi bà đặt mái đầu bạc trắng già nua của mình lên mặt đất, lúc này đã trở thành một lớp xỉ băng, bà van nài các thần linh hãy đặt bên cạnh bà một bó hoa cúc tím, ở đó, trên ngôi mộ cao của bà, nơi những tia nắng cuối cùng của vầng thái dương cuối cùng ve vuốt; vì khi đó hoạt cảnh lịch sử của vũ trụ sẽ kết thúc.
            Trong lúc bài hát cổ xưa trào lên ở phía đối diện trạm xe điện ngầm của công viên Regent’s, dường như quả đất vẫn còn xanh mướt đầy hoa cỏ; vẫn còn, dù nó thoát ra từ một cái miệng rất thô lỗ, một cái lỗ trên mặt đất, đầy bùn, chằng chịt rễ cây và cỏ rối, bài hát cổ xưa phun trào vẫn còn đó, ngấm qua những cọng rễ đầy mấu đốt của vô vàn niên đại, những bộ xương và kho báu, chảy đi trong những dòng suối trên vệ đường và suốt dọc phố Marylebone, xuôi về hướng Euston, bồi bổ đất đai, để lại một vết ẩm ướt.
            Vẫn còn nhớ có lần trong một tháng Năm ban sơ nào đó bà đã bước đi với người tình ra sao, cái máy bơm han rỉ này, người phụ nữ già tơi tả này, với một bàn tay xòe ra để nhận những đồng xu và tay kia khép lại bên hông, sẽ còn ở đó suốt mười triệu năm, nhớ có lần bà đã bước đi thế nào trong tháng Năm, nơi hiện giờ biển khơi tuôn chảy, với ai không quan trọng – ông ta là một người đàn ông, ồ, phải, một người đàn ông đã từng yêu bà. Nhưng sự lướt trôi của nhiều niên đại đã bôi mờ đi sự rõ ràng của cái ngày tháng Năm xa xưa đó; những cánh hoa rực rỡ đã bị sương muối phủ lên, xám và trắng bạc; và bà không còn nhìn thấy, khi bà van nài ông ta (như hiện giờ bà đang làm rất rõ ràng): “hãy chăm chú nhìn vào mắt em với đôi mắt dịu dàng của chàng,[2]” bà không còn nhìn thấy đôi mắt nâu, bộ râu quai nón đen nhánh hay gương mặt rám nắng nữa mà chỉ một hình dáng lờ mờ, một bóng hình mà bà vẫn hát líu lo với sự tươi tắn như loài chim ở lứa tuổi già này, “hãy trao cho em bàn tay của chàng để em khẽ khàng áp tay lên” (Peter Walsh không thể không cho sinh vật khốn khổ này một đồng xu khi ông bước vào chiếc taxi), “và nếu có ai đó nhìn thấy thì có gì là quan trọng?” bà gặng hỏi; và bàn tay của bà khép chặt bên hông, và bà mỉm cười, bỏ đồng siling vào túi, và tất cả những đôi mắt tò mò đang nhìn dường như mờ đi, và những thế hệ lướt qua – vệ đường đông nghẹt những người trung lưu đang hối hả – biến mất, như những chiếc lá, để bị dẫm lên, bị nhúng và ngâm nước và làm cho mốc meo bởi mùa xuân vĩnh cửu đó…
            ee um fah um so
            foo swee too eem oo
            “Bà cụ tội nghiệp.” Rezia Warren Smith nói trong lúc chờ băng qua đường.
            Ôi bà cụ khốn khổ bất hạnh!
            Giả sử đó là một đêm ẩm ướt? Giả sử cha của một người, hay ai đó từng biết một người trong những ngày tốt đẹp hơn đã trôi qua, và nhìn thấy người ấy đứng đó trong bùn lầy nước đọng? Và bà ấy ngủ ở đâu vào ban đêm?
            Vui vẻ, hầu như hoan hỉ, âm thanh bất khả chiến bại mong manh như sợi chỉ đó cuộn vào bầu không như làn khói từ một ống khói nhà, cuốn lên trên những cây sồi thẳng tắp và tản mác thành một đám khói xanh giữa những chiếc lá trên cùng. “Và nếu có ai đó nhìn thấy thì họ có gì là quan trọng?”
            Vì cô rất khốn khổ, suốt mấy tuần qua, Rezia đã gán ý nghĩa cho những sự việc xảy ra, đôi lúc hầu như cảm thấy cô có thể chặn mọi người trên phố lại, nếu họ có vẻ là những người tốt bụng, tử tế, chỉ để nói với họ “Tôi thật bất hạnh”; và bà cụ đang hát “nếu có ai đó nhìn thấy, thì họ có gì là quan trọng?” giữa phố này khiến cô đột nhiên hoàn toàn chắc chắn rằng mọi thứ sẽ đi đúng hướng. Họ sắp tới nhà của ngài William Bradshaw; cô nghĩ tên của ông ta nghe có vẻ hay hay; ông ta sẽ chữa ngay cho Septimus. Và sau đó có một cỗ xe ngựa của người ủ rượu bia, và những con ngựa xám có gắn những túm rơm thẳng vào đuôi; có những tấm áp phích quảng cáo nhật trình. Cảm thấy bất hạnh chỉ là một giấc mơ ngu xuẩn, ngu xuẩn.
            Thế là họ băng qua đường, ông và bà Septimus Warren Smith, và nói cho cùng, có bất cứ thứ gì khiến họ bị chú ý, có bất cứ thứ gì khiến một khách qua đường ngờ rằng đây là một người đàn ông trẻ mang trong người một thông điệp lớn lao nhất trần đời, và hơn nữa, là người đàn ông hạnh phúc nhất trần đời, và bất hạnh nhất trần đời hay không? Có lẽ họ đi chậm hơn những người khác, và có gì đó do dự, dùng dằng trong bước chân của người đàn ông, nhưng điều tự nhiên hơn đối với một viên thư ký, người chưa từng có mặt tại khu West End vào giờ này của một ngày trong tuần suốt nhiều năm, là cứ nhìn lên bầu trời, nhìn người này, kẻ nọ, người kia, như thể phố Portland Place là một căn phòng anh ta đã bước vào khi gia đình đi khỏi, những ngọn đèn chùm treo trong những túi vải lanh Hà Lan và người chăm sóc – khi cô ta để cho những luồng ánh sáng dài mờ bụi tràn lên những cái ghế bành không người, trông có vẻ kỳ quặc – nhấc một góc của tấm màn che lên, giải thích với những vị khách rằng nó là một nơi chốn tuyệt vời thế nào; thật tuyệt, anh ta nghĩ, khi anh ta nhìn những thứ bàn ghế, thật lạ lùng.
            Thoạt trông, có thể anh ta là một viên thư ký, nhưng thuộc loại khá hơn; vì anh mang một đôi ủng nâu; hai bàn tay của anh có rèn luyện; nét mặt nhìn nghiêng của anh – cái mũi to, đầy góc cạnh, nét nhìn nghiêng thông minh, nhạy cảm; nhưng đôi môi của anh thì hoàn toàn không, vì chúng mềm nhũn; và đôi mắt của anh (như những đôi mắt có xu hướng là thế) chỉ đơn giản là một đôi mắt; màu lục nhạt, to; anh là thế, nhìn chung, một trường hợp nửa vời, không phải loại này cũng không phải loại kia, có thể kết thúc với một ngôi nhà ở Purley và một chiếc xe hơi, hoặc tiếp tục thuê những căn hộ ở các dãy phố mặt hậu suốt đời mình; một trong những người đàn ông có trình độ văn hóa nửa vời, tự học, mà toàn bộ học vấn của anh ta là từ những cuốn sách mượn ở những thư viện công cộng, đọc vào lúc chiều tối sau một ngày làm việc, làm theo lời khuyên của những tác giả nổi tiếng đã tư vấn qua thư.
            Còn về phần những kinh nghiệm khác, những kinh nghiệm cô đơn mà mọi người trải qua một mình, trong phòng ngủ, trong văn phòng, khi bước trên những cánh đồng và những đường phố của London, anh có chúng; đã rời khỏi nhà, khi chỉ là một cậu bé, vì mẹ của anh; bà đã nói dối; vì anh đi xuống uống trà lần thứ năm mươi với đôi tay chưa rửa; vì anh không thể nhìn thấy tương lai cho một nhà thơ ở thị trấn Stroud; và thế là, sau khi thổ lộ tâm tình với cô em gái nhỏ, anh đã tìm tới London, bỏ lại một lá thư ngớ ngẩn, như kiểu những người vĩ đại từng viết, mà sau đó thế giới sẽ đọc khi câu chuyện về những cuộc đấu tranh của họ đã trở nên nổi tiếng.
            London đã nuốt sống nhiều triệu thanh niên có tên là Smith; dù không có gì kỳ lạ ở những cái tên thánh như Septimus mà cha mẹ của họ đã nghĩ ra để phân biệt họ. Ở trọ trên phố Euston, có những kinh nghiệm, lại những kinh nghiệm, như thời gian hai năm đã biến đổi một gương mặt, từ  trái soan hồng hào ngây thơ trở thành một gương mặt gầy guộc, teo tóp, đầy thù địch. Nhưng trong số tất cả những điều này, một người bạn giỏi quan sát nhất có thể nói gì ngoại trừ điều một người làm vườn nói khi sáng ra ông ta mở cánh cửa vào nhà kính và phát hiện ra có một cây vừa mới trổ hoa:  Nó đã nở hoa; nở hoa từ sự phù phiếm, tham vọng, lý tưởng chủ nghĩa, niềm đam mê, sự cô độc, lòng can đảm, sự lười nhát, tất cả những hạt giống bình thường đã rối tung lên (trong một căn phòng ở phố Euston) khiến cho anh hổ thẹn và nói cà lăm, khiến anh nôn nóng muốn tự cải thiện bản thân, khiến anh phải lòng cô Isabel Pole, đang giảng dạy về Shakespeare ở phố Waterloo.
            Ông ấy không giống Keats sao? Cô ta hỏi; và nhớ lại cô ta có thể cho anh nếm thử cảm giác về Antony và Cleopatra và số còn lại ra sao; cho anh mượn những cuốn sách; viết cho anh những lá thư; và thắp lên trong anh một ngọn lửa chỉ bùng lên một lần trong suốt một đời người, không sức nóng, lấp lóe một ngọn lửa đỏ vàng vô cùng thoát tục và không có thật đối với cô Pole; Anthony và Cleopatra; và phố Waterloo. Anh nghĩ cô ta xinh đẹp, tin vào sự khôn ngoan hoàn hảo của cô ta; mơ về cô ta; viết cho cô ta những bài thơ, mà, làm ngơ không thèm chú ý tới chủ đề, cô ta sửa lại chúng bằng mực đỏ; anh nhìn thấy cô ta đang đi trong một quảng trường, mặc một cái váy xanh lá. “Nó đã nở hoa,” người làm vườn có thể nói, nếu ông ta mở cửa ra; nghĩa là nếu ông ta bước vào, vào giờ này của bất kỳ đêm nào, và nhìn thấy anh đang xé nát những gì mình viết; tìm thấy anh đang hoàn thành một kiệt tác vào lúc ba giờ sáng và chạy ra ngoài để thả bước trên những con đường, viếng thăm các nhà thờ, hôm này nhịn ăn, hôm khác say sưa chè chén, ngấu nghiến đọc Shakerpeare, Darwin, Lịch sử của nền văn minh và Bernard Shaw.
            Có điều gì đó đang xảy ra, ông Brewer biết; ông Brewer, chánh văn phòng hãng Sibleys và Arrowsmiths, người điều khiển các cuộc bán đấu giá, định giá viên, đại diện chủ đất và bất động sản; điều gì đó đang xảy ra, ông nghĩ, và, quan tâm tới những chàng trai giúp việc của mình như một người cha, và đánh giá rất cao các khả năng của Smith, tiên đoán rằng cậu ta, trong vòng mười hoặc mười lăm năm, sẽ ngồi vào cái ghế bành bọc da ở phòng trong bên dưới cửa sổ mái nhà với những cái hộp kim loại đựng hồ sơ xung quanh, “nếu cậu ta giữ gìn sức khỏe của mình,” ông Brewer nói, và nguy hiểm là chỗ đó – trông anh ta yếu ớt quá; ông đã khuyên anh ta chơi bóng đá, mời anh ta tới ăn tối và đang theo dõi cách thức của anh ta để xét tới việc đề nghị tăng lương thì một chuyện đã xảy ra, xóa đi nhiều tính toán của ông, tước mất những chàng trai có năng lực nhất của ông, và cuối cùng, những ngón tay của cuộc chiến châu Âu thật quá tọc mạch và xảo quyệt, đã phá tan một cái khuôn đúc tượng Ceres[3], xới một cái hố trong những luống cây phong lữ, và phá hỏng hoàn toàn những sợi dây thần kinh của người đầu bếp tại cơ sở kinh doanh của ông Brewer ở Muswell Hill.
            Septimus là một trong những tình nguyện viên đầu tiên. Anh sang Pháp để cứu một nước Anh bao gồm hầu như toàn bộ những vở kịch của Shakespeare và cô Isabel Pole mặc chiếc váy xanh đi dạo trong một quảng trường.
            Ở đó, trong những chiến hào, sự thay đổi mà ông Brewer ao ước khi ông khuyên về bóng đá đã xuất hiện ngay lập tức; anh đã phát triển tính cách đàn ông; anh được đề bạt; anh thu hút sự chú ý, thật ra là cảm tình của viên sĩ quan chỉ huy anh, Evans. Đó là trường hợp hai con chó đang chơi đùa trên một một tấm thảm trước lò sưởi; một con nhá nhá một con đinh ốc đóng giấy, gầm gừ, táp, thỉnh thoảng lại nhá nhá tai của con chó già; con kia nằm ngủ lơ mơ, hấp háy mắt trước ngọn lửa, giơ một bàn chân lên, quay lại và gầm gừ một cách hiền hậu. Họ phải ở bên nhau, chia sẻ với nhau, đánh nhau, cãi cọ nhau. Nhưng khi Evans (Rezia, chỉ gặp anh ta một lần, gọi anh ta là một “con người lặng lẽ”, một gã đàn ông tóc đỏ, cường tráng, kín đáo khi có mặt những người phụ nữ), khi Evans bị giết ở Ý, ngay trước Ngày đình chiến, Septimus, không hề biểu lộ chút cảm xúc hay ghi nhận nào, rằng đây là sự kết thúc của một tình bạn, đã tự chúc mừng mình vì đã cảm xúc rất ít và rất hợp lý. Cuộc chiến đã dạy anh. Nó thật phi thường. Anh đã trải qua toàn bộ vở kịch, tình bạn, cuộc chiến châu Âu, cái chết, đã được thăng cấp, vẫn chưa tới ba mươi và nhất định phải sống sót. Anh đã ở ngay tại đó. Những quả đạn pháo cuối cùng đã sượt qua anh. Anh quan sát chúng nổ tung với sự dửng dưng. Khi hòa bình lặp lại, anh đang ở Milan, tạm trú trong nhà của một ông chủ nhà trọ; ngôi nhà có một mảnh sân nhỏ, những chậu hoa, những cái bàn nhỏ đặt ngoài trời, các cô con gái hành nghề làm mũ, và một tối nọ anh đã hứa hôn với Lucrezia, cô con gái nhỏ hơn, trong lúc đang hoang mang – rằng anh không thể cảm nhận được.
            Vì bấy giờ tất cả đã kết thúc, thỏa ước ngừng bắn đã được ký kết, và những người chết đã được chôn cất, anh chợt có những cơn sợ hãi đến đột ngột như sét đánh này, nhất là vào chiều tối. Anh không thể cảm thấy. Khi mở cửa căn phòng nơi những cô gái Ý đang ngồi làm mũ, anh có thể nhìn thấy họ; có thể nghe thấy họ; họ đang chà những sợi dây giữa những hạt nhiều màu trong những cái đĩa nông; họ đang tạo dáng cho những mảnh vải hồ cứng; cái bàn vương vải những chiếc lông chim, trang kim, lụa, ruy băng; những cây kéo đang nhấp trên bàn; nhưng có gì đó đã hỏng trong anh; anh không thể cảm thấy. Tuy nhiên, những cây kéo vẫn nhấp, các cô gái cười lớn tiếng, những cái nón đang được làm ra bảo vệ anh; anh yên tâm về sự an toàn; anh có một nơi ẩn náu. Nhưng anh không thể ngồi đó suốt đêm. Có những khoảnh khắc thức giấc vào sáng sớm. Cái giường đang rơi; anh đang rơi. Ôi chao, vì những cây kéo, ánh đèn và những mảnh vải hồ tạo dáng! Anh đã đề nghị Lucrezia cưới mình; cô là người trẻ hơn trong hai cô gái, có tính tình vui vẻ, nhẹ dạ, với những ngón tay nhỏ nhắn của một nghệ nhân. Cô thường giơ mấy ngón tay lên và bảo: “Tất cả đều ở trong chúng.” Lụa, những cái lông chim, và những thứ khác đều sống động đối với chúng.
            “Chính cái mũ là thứ quan trọng nhất.” Cô thường nói, khi họ cùng đi dạo. Cô thường khảo sát từng cái mũ đi ngang qua; cả chiếc áo choàng, váy và cách thức người phụ nữ đó đi đứng. Cô chê bai: ăn mặc tệ, ăn mặc quá lòe loẹt, không hề có ác ý, mà đúng hơn với những cử động nôn nóng của đôi bàn tay, như đôi bàn tay của một họa sĩ gạt bỏ đi một sự lạm dụng rõ ràng sắc màu lòe loẹt dù là với thiện chí; và rồi, một cách khoan dung, nhưng luôn mang tính chỉ trích, cô sẽ hoan nghênh một cô gái bán hàng đã thay đổi cách phục trang một cách gan dạ, hoặc ca ngợi hết mình, với sự thấu hiểu nồng nhiệt và đầy tính chuyên nghiệp, một quý bà người Pháp đang bước ra khỏi cỗ xe ngựa, trong chiếc áo choàng lông sóc, cái váy ngắn và chuỗi ngọc trai.
            “Đẹp quá!” Cô sẽ lẩm bẩm, thúc cùi chỏ vào Septimus để anh có thể nhìn thấy. Nhưng vẻ đẹp nằm phía sau một tấm kính. Ngay cả chuyện ăn uống (cô thích kem, sô-cô-la, những món ăn ngọt)  cũng chả có mùi vị gì đối với anh. Anh đặt cái cốc lên cái bàn đá hoa nhỏ. Anh nhìn những người ở bên ngoài, họ có vẻ hạnh phúc, đang tụ hợp giữa phố, la hét, cười đùa, cãi cọ những chuyện không đâu. Nhưng anh không thể thưởng thức, anh không thể cảm nhận. Trong tiệm trà, giữa những cái bàn và những người bồi bàn đang tán gẫu, nỗi sợ kinh khủng lại chế ngự anh – anh không thể cảm nhận. Anh có thể suy luận; anh có thể đọc, Dante chẳng hạn, một cách hoàn toàn dễ dàng (“Septimus, hãy đặt cuốn sách xuống đi nào,” Rezia nói, nhẹ nhàng khép cuốn Inferno[4] lại), anh có thể cộng tờ hóa đơn của mình; bộ não của anh hoàn hảo; hẳn đây là lỗi của thế giới – rằng anh không thể cảm nhận.
            “Người Anh thật lặng lẽ.” Rezia nói. Cô thích điều đó, cô bảo. Cô tôn trọng những người Anh này, muốn tham quan London, những con ngựa Anh, những bộ com-lê may tiệm, và có thể nhớ đã từng nghe nói những cửa tiệm tuyệt vời như thế nào, từ một bà cô đã lấy chồng và sống ở Soho.
            Rất có khả năng, Septimus nghĩ, nhìn nước Anh từ cửa sổ toa tàu, khi họ rời Newhaven; rất có khả năng rằng chính bản thân thế giới không có ý nghĩa gì cả.
            Ở văn phòng, họ bổ nhiệm anh vào một chức vụ có trách nhiệm đáng kể. Họ tự hào về anh; anh đã được thưởng những chiếc bội tinh. “Cậu đã thực hiện xong bổn phận; việc của chúng tôi là…” ông Brewer mở đầu, và không thể nói hết câu, rất vui sướng là cảm xúc của ông ta. Họ đã có chỗ cư ngụ đáng ngưỡng mộ ở phố Tottenham Court.
            Tới đây anh lại mở cuốn kịch Shakespeare ra. Niềm say mê ngôn ngữ của một chàng trai – Antony và Cleopatra – đã hoàn toàn co rúm lại. Shakespeare kinh tởm con người biết bao – việc mặc quần áo vào, việc sinh con đẻ cái, sự bẩn thỉu của cái mồm và cái bụng! Điều này giờ đã hé lộ với Septimus; cái thông điệp ẩn nấp trong vẻ đẹp của ngôn từ. Cái dấu hiệu bí mật mà một thế hệ đã đi ngang qua, nằm dưới lớp ngụy trang, đối với thế hệ kế tiếp là sự kinh tởm, căm ghét, tuyệt vọng. Dante cũng vậy. Aeschylus[5] (đã được dịch) cũng vậy. Rezia ngồi bên bàn tô điểm những cái nón. Cô tô điểm chúng cho những người bạn của bà Filmer; cô đã tô điểm chúng cả tiếng đồng hồ. Trông cô có vẻ nhợt nhạt, bí ẩn, như một đóa hoa huệ chết đắm trong lòng nước, anh nghĩ.
            “Người Anh rất nghiêm túc.” Cô thường nói khi vòng đôi tay quanh người Septimus, má áp vào má của anh. 
            Đối với Shakespeare, tình yêu giữa nam và nữ thật đáng tởm. Công việc giao hợp trước khi kết thúc với ông là sự bẩn thỉu. Nhưng Rezia bảo cô phải có con. Họ đã lấy nhau năm năm.
            Họ đã cùng nhau tới tháp Big Ben; tới nhà hát Victoria và viện bảo tàng Albert; đứng trong đám đông để xem nhà vua khai mạc Quốc hội. Và có những cửa tiệm – những tiệm nón, tiệm quần áo, những cửa tiệm với những cái túi xách bằng da ở cửa sổ, nơi cô thường đứng nhìn chằm chặp. Nhưng cô phải có một đứa con trai.
            Cô phải có một đứa con trai giống Septimus, cô bảo. Nhưng không ai có thể giống như Septimus; rất dịu dàng, rất nghiêm túc; rất thông minh. Phải chăng cô cũng không thể đọc Shakepeare? Phải chăng Shakespeare là một tác giả khó đọc? Cô hỏi.
            Người ta không thể đưa trẻ con vào một thế giới như thế này. Người ta không thể duy trì sự khổ đau, hay gia tăng nòi giống của những con vật đầy dục vọng này, những kẻ không có những cảm xúc lâu dài mà chỉ có những ý thích bất chợt và những thứ hão huyền phù phiếm, cuốn xoay họ trong vòng xoáy khi theo hướng này, khi theo hướng khác.
            Anh quan sát cô cắt, tạo hình, như một người quan sát một con chim nhảy nhót, di chuyển nhẹ nhàng trên bãi cỏ, không dám nhúc nhích một ngón tay. Bởi sự thật là (cứ mặc cho cô ta làm ngơ nó) con người không có lòng tốt, hay sự trung thành hay lòng nhân ái ngoài những thứ phục vụ cho việc gia tăng lạc thú của khoảnh khắc. Họ đi săn theo đàn. Những bầy đàn của họ lùng sục khắp sa mạc và thét lên biến mất vào chốn hoang vu. Họ bỏ rơi những ai gục ngã. Họ trát dầy bộ mặt của mình với những nụ cười nhăn nhở. Có Brewer ở văn phòng, với bộ ria vuốt sáp, cái kẹp cà vạt màu san hô, cái áo lót trắng, và những cảm xúc thú vị – bên trong toàn là sự lạnh lùng và lãnh đạm – những chậu phong lữ của ông ta đã bị hủy hoại trong cuộc chiến – những sợi dây thần kinh của đầu bếp của ông ta đã bị hủy hoại; hoặc Amelia, tên cô ta là gì nhỉ, đã phân phát những tách trà vào đúng năm giờ – một nữ yêu tinh bé nhỏ tục tĩu hay liếc mắt đưa tình và cười khẩy; và các gã Tom và Bertie mà mặt trước áo sơ mi của họ rỉ ra những giọt đồi bại đậm đặc. Họ chưa bao giờ thấy anh đang vẽ những bức tranh về họ, trần truồng với những trò hề của họ, trong cuốn vở của anh. Trên đường phố, những chiếc xe tải gầm rú chạy qua anh; sự thô bạo gào rú om xòm trên những bức tranh cổ động; những người đàn ông mắc kẹt trong những cái mỏ; những phụ nữ bị thiêu sống; và có lần một hàng người điên, đang tập thể dục hay biểu diễn để giúp vui cho một đám đông (họ cười rất lớn), bước thong thả, gật đầu và nhe răng cười khi đi ngang qua anh trên phố Tottenam Court, mỗi người đâm thọc với vẻ hối lỗi nhưng đắc thắng vào vết thương vô vọng của anh. Và anh có sẽ nổi điên không?
            Vào giờ uống trà, Rezia nói với anh rằng con gái của bà Filmer đang mang thai một em bé. Cô không thể già đi và không có đứa con nào! Cô rất cô đơn, cô rất bất hạnh! Cô khóc, lần đầu tiên từ khi họ cưới nhau. Từ xa, anh nghe thấy tiếng nức nở của cô; anh nghe thấy nó một cách chính xác, anh nhận ra nó một cách bản năng; anh so sánh nó với một tiếng nổ pít-tông. Nhưng anh không cảm thấy gì cả.
            Vợ anh đang khóc, và anh không cảm thấy gì cả; chỉ có điều mỗi lần cô ta nức nở theo cách thức sâu sắc, im lặng, vô vọng này, anh lại dấn thêm một bước xuống cái hố sâu.
            Cuối cùng, với một cử chỉ thống thiết, mà anh giả định một cách máy móc và hoàn toàn có ý thức về sự không chân thành của nó, anh gục đầu vào đôi bàn tay. Giờ anh đã đầu hàng; giờ những người khác phải giúp anh. Mọi người phải được cử tới. Anh đã chịu thua.
            Không gì có thể đánh thức anh. Rezia đặt anh lên giường. Cô mời một bác sĩ tới – bác sĩ Holmes của bà Filmer. Bác sĩ Holmes khám cho anh. Không có bất cứ điều gì quan trọng, ông nói. Ôi thật nhẹ nhõm biết bao! Một người tử tế biết bao, một người tốt biết bao! Rezia nghĩ. Khi ông cảm thấy giống như thế ông sẽ tới Nhà hát lớn, bác sĩ Holmes nói. Ông sẽ nghỉ việc một hôm ở với vợ và chơi gôn. Vì sao không thử hai viên thuốc an thần hòa tan trong một ly nước vào giờ đi ngủ? Những ngôi nhà Bloomsbury cổ lổ này, bác sĩ Holmes nói, gõ lên tường, thường đầy những giấy dán rất đẹp, mà những người chủ nhà đã đủ điên rồ để dán nên. Chỉ có điều một hôm khác, khi đi thăm một bệnh nhân, Ngài gì đó Chức vụ gì đó ở quảng trường Bedford…
            Vậy là không có gì để biện minh; không có gì bất kể vấn đề thế nào, trừ tội lỗi mà vì nó bản chất con người đã tuyên án tử hình anh; rằng anh không cảm nhận được. Anh đã không quan tâm khi Evans bị giết; điều đó tệ hại nhất; nhưng tất cả những tội ác khác bên trên cái chấn song giường vào những giờ đầu buổi sáng cũng ngóc đầu lên, búng ngón tay, cười nhạo và châm chọc cái thân thể sóng soày đang nằm nhận thức về sự thoái hóa của nó; anh đã cưới vợ mình mà không yêu cô ta ra sao; đã nói dối cô ta; đã quyến rũ cô ta ra sao; đã sỉ nhục cô Isabel Pole, và bị đánh dấu, đầy những vết rỗ đồi bại đến nỗi những người phụ nữ phải rùng mình khi họ nhìn thấy anh trên phố ra sao. Phán quyết của bản chất con người đối với một kẻ xấu xa đến thế là cái chết.
            Bác sĩ Holmes lại tới. To cao, mặt mũi hồng hào tươi tắn, đẹp mã, vừa lật nhanh cuốn sách của ông, vừa nhìn vào cái ly, ông gạt tất cả các thứ sang một bên – chứng nhức đầu, mất ngủ, những nỗi sợ, những giấc mơ – những triệu chứng thần kinh và không có gì khác, ông nói. Nếu bác sĩ Holmes phát hiện ra chính mình bị giảm chỉ cần nửa cân Anh dưới 160 cân, ông sẽ bảo vợ mình thêm một đĩa cháo đặc nữa vào bữa điểm tâm. (Rezia sẽ học cách nấu cháo đặc.) Nhưng, ông ta nói tiếp, sức khỏe nói chung là một vấn đề nằm trong tầm kiểm soát của chính chúng ta. Hãy lao vào những mối quan tâm bên ngoài, tìm một thú tiêu khiển nào đó. Ông mở quyển kịch Shakespeare ra – Anthony và Cleopatra; hãy gạt Shakespeare sang một bên. Một thú tiêu khiển nào đó, bác sĩ Holmes nói, vì không phải ông đã thừa nhận rằng sức khỏe tuyệt vời của chính ông (và ông đã làm việc vất vả ngang với bất kỳ người đàn ông nào ở London) bắt nguồn từ thực tế rằng ông luôn có thể chuyển từ những bệnh nhân của mình sang những món đồ nội thất cũ hay sao? Và bà Warren Smith, nếu ông có thể nói, đang cài một cái kẹp tóc thật xinh xắn!
            Khi gã ngu ngốc chết tiệt đó đến lần nữa, Septimus từ chối gặp ông ta. Anh ta thật sự từ chối hả? Bác sĩ Holmes hỏi, mỉm cười dễ chịu. Thật sự ông phải thân mật đẩy quý bà nhỏ nhắn dễ thương đó một cái trước khi ông có thể đi ngang qua cô để vào phòng ngủ của ông chồng.
            “Vậy là anh đang khiếp sợ.” Ông ta nói với vẻ dễ chịu, ngồi xuống bên cạnh người bệnh. Anh đã thật sự nói về việc tự sát với vợ mình, một cô gái cực kỳ, một người ngoại quốc, phải không nhỉ? Điều đó có khiến cô ta có một ý tưởng rất kỳ quặc về ông chồng người Anh hay không? Người ta có mang ơn, có lẽ là một bổn phận, đối với vợ của mình hay không? Có tốt hơn khi làm một điều gì đó thay vì nằm trên giường hay không? Bởi ông ta có bốn mươi năm kinh nghiệm ở sau lưng; và Septimus có thể tin lời của bác sĩ Holmes về điều đó – không có bất kỳ vấn đề gì với anh cả. Và lần sau khi bác sĩ Holmes tới ông hy vọng sẽ tìm thấy Smith rời khỏi giường và không làm cho quý bà nhỏ bé đáng yêu vợ của anh phải lo lắng về anh.
            Bản chất con người, nói tóm lại, đang đè nặng lên anh – gã vũ phu kinh tởm đó, với hai lỗ mũi đỏ lòm máu. Holmes đang đè nặng lên anh. Bác sĩ Holmes đến rất đều đặn mỗi ngày. Một khi bạn sẩy chân, Septimus đã ghi vào mặt sau một tấm bưu thiếp, bản chất con người đè nặng lên bạn. Holmes đang đè nặng lên bạn. Cơ may duy nhất của họ là tẩu thoát, không để cho Holmes biết; sang Ý – bất cứ nơi nào, bất cứ nơi nào, tránh xa bác sĩ Holmes.
            Nhưng Rezia không hiểu anh. Bác sĩ Holmes là một người tử tế đến thế. Ông ta rất quan tâm tới Septimus. Ông ta chỉ muốn giúp đỡ, ông ta nói. Ông ta có bốn đứa con nhỏ và đã mời cô dùng trà, cô nói với Septimus.
            Vậy là anh đã bị bỏ rơi. Toàn thế giới đang gào thét: Hãy tự sát, hãy tự sát đi, vì chúng tôi. Nhưng tại sao anh phải tự sát vì họ chứ? Thức ăn là một lạc thú; mặt trời nóng ấm; và việc tự sát này, người ta thực hiện nó bằng cách nào, với một con dao ăn, một cách xấu xí, với những vòi máu – bằng cách hít một cái ống dẫn khí đốt chăng? Anh quá yếu ớt; anh hầu như không giơ tay lên nổi. Ngoài ra, hiện giờ khi anh hoàn toàn cô độc, bị kết án, bị bỏ rơi, như những người sắp chết luôn cô độc, có một sự xa hoa trong việc đó, một sự lẻ loi đầy tính siêu phàm; một sự tự do mà thân quyến không bao giờ có thể biết được. Holmes đã thắng, dĩ nhiên; gã cục súc với đôi lỗ mũi đỏ máu đã thắng. Nhưng ngay cả bản thân Holmes cũng không thể chạm vào thánh tích duy nhất đang lang thang ở rìa cõi thế này, kẻ bơ vơ này, kẻ ngoái nhìn lại những miền có cư dân, kẻ nằm, như một thủy thủ chết chìm, trên bờ của cõi trần gian.
            Chính cái khoảnh khắc ấy (Rezia đã đi mua đồ), phát hiện lớn lao đã xảy ra. Một giọng nói từ phía sau tấm bình phong. Evans đang nói. Những người chết đang đi với anh ta.
            “Evans, Evans!” Anh kêu lên.
            Ông Smith đang nói với chính mình, cô người hầu Agnes gọi bà Filmer đang ở trong bếp. “Evans, Evans,” ông ta đã nói khi cô ta mang cái khay vào. Cô đã nhảy nhổm lên, cô đã làm thế. Cô hấp tấp chạy xuống thang.
            Và Rezia vào nhà, cùng với bó hoa, băng ngang qua căn phòng, cắm những bông hồng vào lọ; mặt trời rọi thẳng vào cái lọ và nó cười phá lên, nhảy nhót quanh căn phòng.
            Cô phải mua hoa hồng, Rezia nói, từ một người đàn ông nghèo trên phố. Nhưng chúng gần như đã chết héo rồi, cô nói, sửa sang lại những nhánh hoa.
            Vậy là có một người đàn ông ở bên ngoài; có lẽ là Evans; và những nhánh hoa hồng, mà Rezia bảo là đã chết nửa phần, đã được anh ta hái ở những cánh đồng của Hy Lạp. “Giao tiếp là sức khỏe; Giao tiếp là hạnh phúc, giao tiếp….” anh lẩm bẩm.
            “Anh đang nói gì vậy, Septimus?” Rezia hỏi, phát điên lên vì kinh hoàng, vì anh ta đang nói với chính mình.
            Cô nhờ Agnes chạy tới mời bác sĩ Holmes. Chồng cô, cô bảo, đã nổi điên. Anh ta hầu như không biết cô.
“Đồ cục súc! Đồ cục súc!” Septimus kêu lên, nhìn thấy bản chất con người, đó là bác sĩ Holmes, đang bước vào phòng.
            “Nào, tất cả những vụ này là sao đây?” Bác sĩ Holmes nói với vẻ hòa nhã nhất trần đời. “Đang nói vớ vẩn để hù dọa vợ của anh hả?” Nhưng ông sẽ cho anh thứ gì đó để làm cho anh ngủ. Và nếu họ là những người giàu có, bác sĩ Holmes nói, nhìn một cách mỉa mai quanh căn phòng, tất nhiên họ có thể tới phố Harley; nếu họ không tin vào ông, bác sĩ Holmes nói, trông có vẻ hoàn toàn tử tế.





[1] Nguyên văn: “Time”.
[2] Theo cuốn khảo luận Virginia Woolf: An Inner Life của nhà phê bình nổi tiếng Julia Briggs, những lời của bài hát này dịch từ bài thơ Allerseelen (All Souls’ Day) của Heberb von Gilm, được nhạc sĩ Richard Strauss phổ nhạc. Bản tiếng Anh (do bà Malcolm Lawson dịch) như sau:
Lay by my side your bunch of purple heather,
The last red asters of an autumn day,
And let us sit and talk of love together,
As one in May, as once in May.

Give me your hand, that I may press it gently,
And if the others see, what matter they?
Look in mine eyes with your sweet eyes intently,
As one in May, as once in May.


Dịch nghĩa:
Hãy đặt cạnh em bó hoa thạch nam tím của chàng/ Bó hoa cúc tía cuối cùng của một ngày thu/ Và chúng ta hãy cùng ngồi chuyện vãn về tình yêu/ Như một ngày trong tháng Năm, như một lần trong tháng Năm.
Hãy trao cho em tay chàng, để em khẽ khàng áp tay lên/ Và nếu những người khác thấy, thì họ có gì là quan trọng?/ Hãy chăm chú nhìn vào mắt em với đôi mắt ngọt ngào của chàng/ Như một ngày trong tháng Năm, như một lần trong tháng Năm.

[3] Nữ thần về nông nghiệp, mùa màng, sinh sản trong thần thoại Hy Lạp.
[4] Địa ngục. Phần 1 trong kiệt tác Thần khúc (Divina) của Durante degli Alighieri, thường gọi là Dante ( khoảng 1265–1321), thi sĩ Ý nổi tiếng thời Trung cổ.
[5] Aeschylus: (khoảng 525/524 Tr.CN. –  khoảng 456/455 TR.CN) kịch tác gia Hy Lạp cổ đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét