Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Mrs Dalloway - Phần Hai



Virginia Woolf
Nguyễn Thành Nhân dịch







             “Họ đang nhìn gì thế?” Clarissa Dalloway hỏi người hầu vừa mở cửa.
            Đại sảnh của ngôi nhà mát rượi như một mái vòm. Bà Dalloway đưa tay lên che mắt, trong lúc cô hầu gái đóng cửa lại, và bà nghe thấy chiếc váy của Lucy kêu sột soạt, bà cảm thấy giống như một nữ tu đã lìa bỏ thế giới và cảm thấy bao phủ quanh bà là những lớp vải voan quen thuộc và lời phụ xướng cho những câu kinh cầu nguyện cũ. Người đầu bếp đang huýt sáo trong bếp. Bà nghe tiếng lách cách của cái máy đánh chữ. Đó là cuộc sống của bà, và, nghiêng đầu xuống cái bàn trong sảnh, bà cúi chào bên dưới sự tác động, cảm thấy hạnh phúc và thanh khiết, tự nhủ với mình, trong lúc cầm lấy tập giấy ghi chú với thông điệp điện thoại bên trên, những khoảnh khắc như vầy thật giống biết bao những chồi non trên cây sự sống, giống biết bao những bông hoa của bóng tối, bà nghĩ (như thể một đóa hồng xinh tươi nào đó đã nở chỉ riêng cho đôi mắt của bà); không một khoảnh khắc nào bà tin vào Thượng đế; nhưng càng có nhiều lý do hơn, bà nghĩ, cầm tập giấy lên, để người ta phải đền đáp trong cuộc sống thường nhật cho những người giúp việc, cho những con chó và những con chim yến, trên hết là cho Richard chồng bà, người là nền tảng của nó – của những âm thanh vui vẻ, của những ánh sáng xanh, thậm chí tiếng huýt sáo của bà đầu bếp, vì bà Walker là người Ái Nhĩ Lan và cứ huýt sáo suốt ngày – người ta phải đền đáp lại lớp trầm tích bí ẩn này của những khoảnh khắc tinh tế, bà nghĩ, giơ tập giấy lên, trong lúc Lucy đứng cạnh bà, cố giải thích lý do.
            “Ông Dalloway, thưa bà.”
            Clarissa đọc tập giấy ghi chú điện thoại: “Phu nhân Bruton muốn biết hôm nay ông Dalloway có thể tới dự bữa ăn trưa với bà ấy không.”
            “Thưa bà, ông Dalloway bảo tôi nói với bà rằng ông ấy sẽ ăn trưa ở ngoài.”
            “Ôi Trời!” Clarissa nói, và Lucy chia sẻ vì cô ta hiểu sự thất vọng của bà (nhưng không chia sẻ nỗi đau); cảm thấy sự tương hợp giữa họ; nắm bắt được hàm ý; suy nghĩ về cách thức yêu của tầng lớp xã hội cao; tô điểm tương lai của chính mình với sự bình thản; và, cầm lấy cái ô của bà Dalloway, xem nó như một thứ vũ khí thiêng liêng mà một nữ thần buông xuống sau khi làm xong bổn phận một cách vinh quang trên bãi chiến trường, và đặt nó vào cái giá ô.
            “Đừng sợ nữa.” Clarissa nói. Đừng sợ nữa sức nóng của vầng thái dương; vì cú sốc của việc phu nhân Bruton mời Richard dùng cơm trưa mà không có bà khiến cho khoảnh khắc bà đứng rung chuyển, như một nhánh rêu dưới đáy sông cảm thấy sự chuyển động của một mái chèo lướt qua và run rẩy; bà cũng chấn động như thế, bà cũng run rẩy như thế.
            Millicent Bruton, người mà những bữa tiệc trưa của bà ta được cho là cực kỳ vui thú, đã không mời bà. Không lòng ghen tuông thô tục nào có thể tách rời bà khỏi Richard. Nhưng bà sợ bản thân thời gian, và đọc thấy trên gương mặt của phu nhân Bruton, như thể nó là một cái đồng hồ mặt trời khắc trên tảng đá dửng dưng, sự hao mòn của cuộc sống; phần chia của bà đã bị cắt mỏng ra sao từ năm này sang năm khác; số dư còn lại ít oi biết bao để có thể kéo dài thêm, để thẩm thấu, như trong những năm trẻ trung, những sắc màu, những điều ý nhị, những cung bậc của sự tồn tại, để bà phủ đầy căn phòng bà bước vào, và thường xuyên cảm thấy, khi bà đứng đó trong giây lát trên bậc cửa phòng khách, một trang thái hồi hộp tinh tế, giống như cảm giác hồi hộp níu giữ một người thợ lặn trước khi lao mình xuống trong lúc biển cả hết tối sầm lại sáng rực bên dưới anh ta, và những lượn sóng đe dọa vỡ tung, nhưng chỉ nhẹ nhàng tách bề mặt của chúng ra, cuộn lên và che giấu và kết tụ lại trong lúc chúng lật ngửa những nhánh rong biển với những con trai.
            Bà đặt tập giấy ghi chú lên cái bàn trong sảnh. Bà bắt đầu chậm rãi đi lên gác, với bàn tay đặt trên thành cầu thang, như thể bà vừa rời khỏi một bữa tiệc, nơi khi thì người bạn này, khi thì người bạn khác đã quay phắt khỏi gương mặt của bà, giọng nói của bà; đã đóng cửa lại, đi ra và đứng một mình, một hình dáng đơn côi nổi lên trên màn đêm đáng sợ, hay nói chính xác hơn, nổi lên trên ánh nhìn đăm đăm của buổi sáng tháng Sáu thật sự này; mềm mại với sắc đỏ của những cánh hoa hồng, bà biết, và cảm thấy nó, khi bà dừng lại cạnh cửa sổ cầu thang mở rộng để cho tiếng phần phật của những tấm màn, tiếng chó sủa ùa vào, bà nghĩ, cảm thấy bản thân đột nhiên run rẩy, già nua, không còn hơi thở, để cho tiếng ken két, tiếng gió thổi, tiếng hoa nở của ngày thoát ra khỏi những cánh cửa ra vào, cửa sổ, thoát ra từ thân thể và bộ óc của bà mà lúc này trở nên bất lực, vì phu nhân Bruton, người mà những bữa ăn trưa của bà ta được cho là cực kỳ thú vị, đã không mời bà.
            Giống như một nữ tu đang rút lui, hoặc một đứa trẻ đang thám hiểm một tòa tháp, bà đi lên gác, dừng lại ở cửa sổ, đi tới phòng tắm. Có một tấm vải lót sàn màu xanh và một cái vòi rỉ nước. Có một sự trống vắng quanh trung tâm cuộc sống; một căn phòng áp mái. Những người phụ nữ phải tháo bộ trang sức giàu có của họ ra. Vào giữa trưa họ phải cởi áo dài ra. Bà chọc tay vào cái gối cắm kim và đặt cái mũ vàng gắn lông chim lên giường. Những tấm vải giường còn sạch, căng trải thành một mảng rộng trắng toát từ mé này sang mé kia. Cái giường của bà như ngày càng hẹp lại. Cây nến đã cháy hết phân nửa và bà đã đọc say sưa cuốn Hồi ký của Nam tước Marbot. Đêm qua bà đã đọc tới khuya về cuộc rút lui khỏi Moscow. Bởi Hạ viện đã họp lâu đến nỗi Richard cứ khăng khăng, sau cơn bệnh của bà, rằng bà phải ngủ cho yên giấc. Và thật sự bà thích đọc về cuộc rút lui khỏi Moscow. Ông ấy biết điều đó. Thế nên căn phòng nằm ở tầng áp mái; cái giường hẹp; và khi nằm đó đọc, vì bà khó ngủ, bà không thể xua đuổi một trạng thái trinh bạch đã bảo lưu suốt kỳ sinh sản cứ bám sát vào bà như một tấm chăn. Một khoảnh khắc của thời con gái đáng yêu đột nhiên xuất hiện – chẳng hạn trên con sông bên dưới cánh rừng ở Clieveden – khi mà, qua một cơn co thắt của nào đó của linh hồn lạnh lẽo này, bà đã lơ là với ông. Và rồi ở Constantinople, và cứ lặp đi lặp lại. Bà có thể nhìn thấy cái bà thiếu hụt. Nó không phải là vẻ đẹp; nó không phải là trí tuệ. Nó là một thứ gì đó tỏa lan ra từ giữa; một thứ gì đó ấm áp, phá vỡ những bề mặt và làm gợn sóng những cuộc tiếp xúc lạnh nhạt giữa đàn ông và đàn bà, hay giữa những phụ nữ với nhau. Bà có thể lờ mờ nhận thức được điều đó. Bà bực tức với sự thận trọng mà chỉ có trời mới biết đã mọc ra từ đâu, hoặc, như bà cảm thấy, đã được Tự nhiên gửi tới (kẻ luôn luôn khôn ngoan); thế nhưng đôi khi bà không thể cưỡng lại việc đầu hàng trước sự quyến rũ của một người đàn bà, không phải một cô gái, một người đàn bà đang tự thú một sự dại dột, một ý nghĩ điên rồ nào đó, vì họ thường làm điều đó với bà. Và dù đó là lòng thương hại hay là do vẻ đẹp của họ, hay vì bà lớn tuổi hơn, hay một sự ngẫu nhiên nào đó – như một mùi hương mơ hồ, hay một tiếng đàn vĩ cầm ở nhà bên (sức mạnh của những âm thanh thật lạ lùng trong những khoảnh khắc nhất định), khi đó, không ngờ gì nữa, bà cảm thấy điều mà những người đàn ông cảm thấy. Chỉ trong một khoảnh khắc; nhưng thế cũng đủ rồi. Đó là một phát hiện bất ngờ, một nét thoảng qua giống như một thoáng đỏ bừng trên mặt mà người ta cố kềm lại, và rồi, khi nó lan ra, người ta đầu hàng sự mở rộng của nó, và vội vã chạy tới một chỗ xa nhất, và ở đó run rẩy, cảm thấy thế giới đang tiến tới gần hơn, phình lên với một ý nghĩa lạ lùng nào đó, một sức ép nào đó của trạng thái mê ly, đang tách lớp vỏ mỏng của nó ra, phun trào và tuôn trút với một sự nhẹ nhõm lạ thường bên trên những vết nứt và những nỗi đau! Thế rồi, trong khoảnh khắc đó, bà nhìn thấy một làn ánh sáng; một que diêm bùng cháy trong màu vàng nghệ; một ý nghĩa nội tại hầu như hiển lộ ra. Nhưng sự tới gần lùi lại, trạng thái căng cứng mềm đi. Nó đã trôi qua – cái khoảnh khắc ấy. Tương phản với những khoảnh khắc như thế (cả với những người đàn bà) là cái giường (khi bà nằm xuống) và Nam tước Marbot, và cây nến đã cháy nửa phần. Nằm tỉnh thức, sàn nhà kêu cót két; ngôi nhà sáng đèn đột nhiên tối lại, và nếu ngóc đầu lên bà có thể nghe thấy tiếng lách cách của quả đấm cửa được thả ra hết sức khẽ khàng bởi Richard, kẻ đang rón rén đi lên gác trong đôi tất ngắn và rồi, thường thường, đánh rơi chai nước nóng của ông và cất tiếng chửi thề. Bà cười mới thỏa thích làm sao!
Nhưng câu hỏi này về tình yêu (bà nghĩ, cởi chiếc áo khoác ra), việc phải lòng những người đàn bà này. Cứ xét tới Sally Seton; mối quan hệ của bà với Sally Seton thuở xa xưa đó. Nói cho cùng, đó có phải là tình yêu không?
Cô ta ngồi trên sàn nhà – đó là ấn tượng đầu tiên của bà về Sally – cô ta ngồi trên sàn nhà, tay vòng quanh gối, đang hút một điếu thuốc. Nó có thể ở đâu nhỉ? Nhà của Mannings? Nhà của Kinloch-Jones? Trong một bữa tiệc nào đó (bà không thể chắc chắn ở đâu), vì bà có một ký ức rõ ràng về việc đã nói với người đàn ông đi cùng bà, “Đó là ai vậy?” Và ông ta đã nói cho bà biết, và bảo rằng cha mẹ của Sally không hòa thuận (việc đó đã khiến bà bị sốc quá chừng – rằng cha mẹ của một người cãi cọ nhau!) Nhưng suốt buổi tối hôm đó bà không thể rời mắt khỏi Sally. Đó là loại sắc đẹp lạ thường mà bà ngưỡng mộ nhất, mắt to, thẫm màu, với cái phẩm chất mà, vì bản thân bà không có, bà luôn ganh tị – một dạng buông thả tự do, như thể cô ta có thể nói bất cứ, làm bất cứ thứ gì; một phẩm chất phổ biến ở những người ngoại quốc hơn ở những phụ nữ Anh. Sally luôn bảo rằng cô ta có dòng máu Pháp trong huyết quản, một vị tổ tiên đã từng ở với Marie Antoinette[1], đã bị chặt đầu, để lại một chiếc nhẫn hồng nhọc. Có lẽ mùa hè đó cô ta đã tới sống ở Bourton, bước vào hoàn toàn đột ngột, không một xu dính túi, một đêm sau giờ ăn tối, và khiến bà cô Helena khốn khổ bực mình đến nỗi bà không bao giờ tha thứ cho cô ta. Đã có một cuộc tranh cãi ở nhà. Đúng là đêm đó khi tới chỗ họ cô ta không có xu nào. Đã đem cầm một cái trâm cài để tới đó. Cô ta đã bỏ đi trong một cơn tức giận. Họ ngồi trò chuyện suốt những giờ của đêm đó. Chính Sally là người đã khiến cho bà cảm thấy, lần đầu tiên, cuộc sống ở Bourton đã được che chở ra sao. Bà không biết chút gì về tình dục – không biết chút gì về những vấn đề xã hội. Có lần bà trông thấy một ông già bị chết bất đắc kỳ tử trong một cánh đồng – bà đã nhìn thấy những con bò cái ngay sau khi lũ bê con chào đời. Nhưng cô Helena không hề thích thảo luận về bất cứ thứ gì (khi Sally đưa cho bà cuốn sách của William Morris[2], nó được bao bằng giấy nâu). Họ ngồi đó, giờ này sang giờ khác, nói chuyện trên giường của bà ở tầng trên cùng của ngôi nhà, nói về cuộc sống, về cách họ cải tạo thế giới. Họ có ý định thành lập một tổ chức để thủ tiêu sở hữu tư nhân, và thật sự đã viết một lá thư, dù chưa gửi đi. Những ý tưởng đó là của Sally, tất nhiên, nhưng bà sớm trở nên kích động không kém – đọc Plato[3] trên giường trước giờ ăn sáng; đọc Morris; đọc Shelley[4] vào giờ đó.
            Năng lực của Sally, thiên tài của cô, tính cách của cô thật tuyệt vời. Chẳng hạn cái cách của cô với những bông hoa. Ở Burton họ luôn luôn đặt những lọ hoa cứng nho nhỏ suốt con đường tới bàn. Sally ra ngoài, hái những nhánh hoa thục quỳ, thược dược – tất cả những loài hoa mà người ta chưa từng nhìn thấy mọc chung với nhau – cắt hoa khỏi nhánh, và cho chúng nổi lềnh bềnh trên mặt nước trong những cái bát. Tác động thật đặc biệt – khi vào ăn tối lúc hoàng hôn. (Dĩ nhiên cô Helena đã nghĩ rằng thật ác độc khi đối xử với những bông hoa như thế.) Rồi cô ta quên lấy miếng bọt biển, và chạy trần truồng khắp hành lang. Người hầu gái già dữ dằn, Ellen Atkins, đi tới đi lui, càu nhàu: “Giả sử có quý ông nào trông thấy thì sao đây? Thật sự cô ta đã khiến cho họ bị sốc. Cô ta không ngăn nắp, Papa nói.
            Điều lạ lùng là, khi nhìn lại, sự thanh khiết, sự chính trực trong cảm giác của bà đối với Sally. Nó không giống như cảm giác của một phụ nữ đối với một người đàn ông. Nó hoàn toàn bất vụ lợi, và ngoài ra, nó có một phẩm chất chỉ có thể tồn tại giữa những người phụ nữ, giữa những người phụ nữ vừa trưởng thành. Nó mang tính bảo bọc, về phía bà; nảy sinh từ một ý thức cùng hội cùng thuyền với nhau, một linh cảm về điều gì đó khiến họ buộc phải bị tách ra khỏi nhau (họ luôn nói về hôn nhân như là một thảm họa), thứ đã dẫn tới tinh thần mã thượng này, cảm giác bảo bọc thuộc về phía bà nhiều hơn là về phía Sally này. Bởi trong những ngày đó bà hoàn toàn liều lĩnh; làm những việc ngốc nghếch nhất để làm ra vẻ bạo gan; đạp xe quanh bức tường chắn trên sân; hút thuốc. Ngốc nghếch – bà rất ngốc nghếch. Nhưng sự quyến rũ đang chế ngự, ít ra là đối với bà, khiến bà có thể nhớ đã đứng trong phòng ngủ của mình trên tầng cao nhất của ngôi nhà và nói to: “Cô ta đang ở dưới mái nhà này… Cô ta đang ở dưới mái nhà này!”
            Không, những lời đó giờ đây hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với bà. Thậm chí bà không thể tìm được một tiếng vang của cảm xúc cũ của mình. Nhưng bà có thể nhớ đã lạnh người đi vì phấn khích, và chải tóc trong một trạng thái mê ly (lúc này cảm giác cũ bắt đầu quay lại với bà, khi bà gỡ mấy cái kẹp tóc ra, đặt chúng lên bàn trang điểm, bắt đầu chải tóc), với những con quạ bay chấp chới lên xuống trong ánh chiều hồng, rồi thay quần áo và xuống thang, có cảm giác khi băng qua đại sảnh rằng “giá như lúc này mà chết thì đây là lúc hạnh phúc nhất.” Đó là cảm giác của bà, cảm giác của Othello[5], và bà cảm thấy nó, bà tin chắc, mạnh mẽ không kém Shakespeare muốn Othello cảm thấy nó, tất cả là vì bà đi xuống ăn tối trong một chiếc váy dài trắng tinh để gặp Sally Seton!
            Bà đang mặc chiếc váy bằng sa màu hồng – có thể không nhỉ? Dù sao đi nữa, dường như toàn thân bà tỏa ánh sáng, bừng lên rực rỡ, như một con chim hoặc một quả bóng bay nào đó vừa được thổi lên, tự gắn bản thân nó trong khoảnh khắc vào một bụi mâm xôi. Nhưng khi người ta đang yêu (và đây là gì ngoại trừ trạng thái đang yêu?) không có gì lạ lùng cho bằng sự dửng dưng hoàn toàn của những người khác. Cô Helena vừa ra ngoài đi dạo sau bữa tối; Papa đọc báo. Peter Walsh có thể có mặt ở đó, và cô Cummings lớn tuổi; Joseph Breitkopf chắc chắn có mặt, vì hè nào ông cũng tới, suốt tuần này sang tuần khác, ông cụ tội nghiệp, và vờ như cùng đọc tiếng Đức với bà, nhưng thật ra là chơi dương cầm và hát nhạc Brahms mà không có chút hơi nào.
            Tất cả những điều này chỉ là một cảnh nền đối với Sally. Cô ta đứng cạnh lò sưởi nói chuyện, với giọng nói đáng yêu khiến mọi điều cô ta nói nghe như một sự mơn trớn, đối với Papa, người đã bắt đầu bị cuốn hút ngược với ý muốn của mình (ông không bao giờ quên được việc đã cho cô ta mượn một trong số sách của ông và tìm thấy nó bị ướt sũng trên sân hiên), khi cô ta đột ngột nói, “Thật là đáng tiếc nếu ngồi trong nhà!” và cả bọn ra ngoài hiên, đi tới đi lui. Peter Walsh và Joseph Breitkopf tiếp tục bàn về Wagner. Bà và Sally đi theo sau một quãng ngắn. Thế rồi khoảnh khắc tinh tế nhất trong toàn bộ đời bà đã tới khi đi ngang qua một cái chậu đá trong có trồng hoa. Sally dừng lại, hái một bông hoa, hôn lên môi bà. Hẳn là toàn cõi thế đã bị lộn ngược! Những người khác biến mất; chỉ có mình bà ở đó với Sally. Và bà cảm thấy bà đã được tặng một món quà, gói kín, và được bảo hãy gìn giữ nó, đừng nhìn vào nó – một viên kim cương, một thứ gì đó vô cùng quý báu, được gói kín, mà, trong lúc họ bước đi (tới và lui, lui và tới), bà đã mở ra, hoặc ánh sáng chói lọi đã xuyên qua, sự mặc khải, cảm giác tín ngưỡng đó! – khi già Joseph và Peter chạm mặt họ:
            “Đang ngắm sao hả?” Peter hỏi.
            Nó giống như một người va mặt của mình vào một bức tường đá hoa cương trong bóng tối! Nó gây sốc; nó kinh khủng!
            Không phải đối với bản thân bà. Bà chỉ cảm thấy Sally đã bị đối xử thô bạo, bị ngược đãi; bà cảm thấy sự thù địch của anh ta; sự ghen tị của anh ta; quyết tâm của anh ta nhằm phá vỡ tình bạn hữu của họ. Bà nhìn thấy tất cả những điều này như người ta nhìn thấy một phong cảnh trong một tia chớp – và Sally (bà chưa bao giờ ngưỡng mộ cô nhiều đến thế!) tiếp tục cái cung cách bất khả chiến bại của mình một cách dũng cảm. Cô cười khanh khách. Cô yêu cầu ông già Joseph nói cho cô biết tên của những vì sao, việc mà ông thích làm một cách rất nghiêm túc. Cô đứng đó: cô lắng nghe. Bà nghe thấy tên của những vì sao.
            “Ôi chao, sự khủng khiếp này!” Bà tự nhủ; như thể bà đã biết ngay từ đầu rằng có cái gì đó sẽ gián đoạn, sẽ khiến cho khoảnh khắc hạnh phúc của bà trở nên cay đắng.
            Thế nhưng, nói cho cùng, sau đó bà đã nợ ông ấy nhiều biết bao. Luôn luôn, khi nghĩ tới ông ấy, bà nghĩ tới những cuộc cãi cọ của họ vì một lý do nào đó – có lẽ vì bà rất muốn có ý kiến tốt đẹp của ông ấy. Bà nợ của ông ấy những từ: ủy mị, lịch sự; họ đã nêu ra mỗi ngày trong cuộc đời của bà như thể ông ấy muốn cảnh giác bà. Một cuốn sách ủy mị; một thái độ ủy mị đối với cuộc sống. “Ủy mị,” có lẽ bà sẽ suy nghĩ về quá khứ. Ông ấy sẽ nghĩ gì, bà tự hỏi, khi ông ấy quay lại?
            Rằng bà đã già đi? Ông ấy sẽ nói thế, hoặc bà sẽ nhìn thấy ông ấy suy nghĩ khi ông ấy trở lại, rằng bà đã già đi? Điều đó đúng. Từ sau trận ốm, tóc bà hầu như bạc trắng.
            Khi đặt cây trâm cài tóc lên bàn, bà cảm thấy một cơn đau thắt đột ngột, như thể, trong lúc bà im lặng, những móng vuốt lạnh như băng đã có cơ hội cắm vào bà. Bà chưa gì. Bà vừa mới bước sang tuổi năm mươi hai. Nhiều tháng của cái tuổi đó vẫn còn chưa bị chạm tới. Tháng Sáu, tháng Bảy, tháng Tám! Mỗi tháng vẫn còn đó hầu như nguyên vẹn, như thể để tóm lấy một giọt nước đang rơi, Clarissa (đang đi tới bàn trang điểm) đã lao vào chính trung tâm của khoảnh khắc đó, chọc thủng nó, ở đó – cái khoảnh khắc của buổi sáng tháng Sáu này mà trên đó là áp lực của toàn bộ những buổi sáng khác, nhìn thấy tấm gương, cái bàn trang điểm, và tất cả những chai lọ một lần nữa, tập hợp toàn bộ con người bà vào một điểm (khi bà nhìn vào tấm gương), nhìn thấy gương mặt hồng hào thanh tú của người phụ nữ mà ngay đêm đó sẽ tổ chức một bữa tiệc; của Clarissa Dalloway; của bản thân bà.
            Bà đã nhìn thấy gương mặt của mình biết bao nhiêu triệu lần, và luôn luôn với cùng sự co thắt không thể cảm thấy đó! Bà mím môi khi nhìn vào tấm gương. Việc đó mang tới ý nghĩa thiết yếu cho gương mặt của bà. Đó là bản lai diện mục của bà; giống như chuyển động của một chiếc lao; xác định. Đó là bản ngã của bà khi một nỗ lực, một tiếng gọi nào đó bảo bà trở thành chính bản thân bà, kéo những bộ phận lại gần nhau, chỉ một mình bà biết là khác biệt thế nào, không tương hợp và bao hàm thế nào chỉ để cho thế giới thu vào trong một trung tâm, một viên kim cương, một người phụ nữ đang ngồi trong phòng khách của mình và tạo nên một điểm gặp gỡ, một ánh sáng huy hoàng mà không ngờ gì nữa có trong một số cuộc đời buồn tẻ, một nơi trú ẩn cho kẻ cô đơn tìm đến, có lẽ; bà đã giúp những người trẻ tuổi, những kẻ biết ơn bà; đã cố luôn là một người, không bao giờ biểu lộ một dấu hiệu nào về tất cả những khía cạnh khác của bà – những khiếm khuyết, lòng ghen tị, những thứ hão huyền, những mối hoài nghi, như việc phu nhân Bruton không mời bà ăn trưa này; điều mà, bà nghĩ (cuối cùng đang chải tóc), là cực kỳ hèn hạ! Bây giờ, cái váy của bà đâu nhỉ?
            Bộ váy áo buổi tối của bà treo trong tủ quần áo. Clarissa thọc tay vào lớp vải mềm mại, nhẹ nhàng gỡ chiếc váy màu xanh lá ra và mang nó tới chỗ cửa sổ. Bà đã làm rách nó. Một người nào đó đã dẫm lên cái váy. Bà đã cảm thấy nó bị rách ở đầu những nếp gấp trong bữa tiệc ở Đại sứ quán. Dưới ánh sáng nhân tạo màu xanh lá tỏa sáng, nhưng lúc này đánh mất màu sắc của nó dưới ánh mặt trời. Bà sẽ vá lại nó. Những người hầu của bà có quá nhiều việc phải làm. Đêm nay bà sẽ mặc nó. Bà sẽ mang mấy mảnh lụa và cây kéo – và gì nữa nhỉ? – cái đê của bà, dĩ nhiên, xuống phòng khách, vì bà còn phải viết, và coi xem nói chung mọi sự đã ít nhiều nằm trong vòng trật tự hay chưa.
            Lạ thật, bà nghĩ, dừng lại ở đầu cầu thang, và tập hợp lại hình dáng viên kim cương đó, con người đơn lẻ đó, thật lạ lùng biết bao khi một bà chủ nhà biết chính cái khoảnh khắc này, chính cái trạng thái này của nhà bà! Những âm thanh yếu ớt cất lên qua những đường xoắn ốc của cầu thang; tiếng sột soạt của một tấm giẻ lau sàn; tiếng vỗ, tiếng gõ; một tiếng động lớn khi cánh cửa chính mở ra; một giọng nói lặp lại một thông điệp ở tầng hầm; tiếng loảng xoảng của dao nĩa trên một cái khay; những dao nĩa sạch dành cho bữa tiệc. Tất cả đều dành cho bữa tiệc.
            (Lucy bưng cái khay vào phòng khách, đặt những cái giá nến to tướng lên bệ lò sưởi, cái tráp bạc ở giữa, quay con cá heo thủy tinh hướng về phía cái đồng hồ treo tường. Họ sẽ tới; họ sẽ đứng; họ sẽ trò chuyện với những giọng điệu uốn éo mà bà có thể nhại theo, các quý bà và các quý ông. Trong tất cả, bà chủ nhà đáng yêu nhất – bà chủ của những dao nĩa, của vải lanh, của đồ sứ, bởi mặt trời, các thứ dao nĩa, những cánh cửa tháo khỏi bản lề, những người thợ của Rumpelmayer, đã cho bà một cảm giác, khi bà con dao rọc giấy lên cái bàn khảm xà cừ, về một điều gì đó đạt được. Chú ý! Chú ý! Bà nói, với những người bạn cũ của mình trong tiệm bánh, nơi lần đầu tiên bà nhìn thấy sự phục vụ ở Caterham, khi tò mò nhìn vào lớp kính. Bà ta là phu nhân Angela, đang hầu hạ Công chúa Mary, khi bà Dalloway bước vào.)
            “Này Lucy,” bà nói, “dao nĩa trông thật đẹp!”
            “Và đêm qua cô đã thưởng thức vở kịch như thế nào?” Bà hỏi, xoay con cá heo thủy tinh đứng thẳng lên. “Ồ, họ phải đi trước khi kết thúc!” Bà nói. “Họ phải quay về lúc mười giờ!” Bà nói. “Vì thế họ không biết chuyện gì xảy ra.” Bà nói. “Điều đó thật rủi ro.” Bà nói (vì những người giúp việc của bà ở lại sau, nếu họ hỏi xin bà).
            “Điều đó thật đáng tiếc.” Bà nói, cầm lấy tấm đệm cũ sờn ở giữa cái trường kỷ và đặt nó vào tay Lucy, đẩy nhẹ cô ta và kêu lên:
            “Mang nó đi đi! Mang nó cho bà Walker với lời hỏi thăm của tôi! Mang nó đi đi!”
            Và Lucy dừng lại ở cửa phòng khách, ôm tấm đệm, và nói, rất bẽn lẽn, mặt hơi ửng hồng lên, Cô ta không thể giúp vá lại cái váy đó sao?
            Nhưng, bà Dalloway nói, bà đã có đủ đồ trong tay, hoàn toàn đủ để làm mà không cần giúp.
            “Nhưng cám ơn cô, Lucy, ồ, cám ơn.” Bà Dalloway nói, và cám ơn, cám ơn, bà tiếp tục nói (trong lúc ngồi xuống cái trường kỷ với cái váy trên đầu gối, cây kéo và mảnh lụa), cám ơn, cám ơn, bà tiếp tục nói với lòng biết ơn những người giúp việc của mình nói chung về việc giúp cho bà như thế này, trở thành người bà mong muốn, dịu dàng, phóng khoáng. Những người giúp việc của bà thích bà. Và sau đó là cái váy này của bà – chỗ rách ở đâu? và lúc này bà luồn chỉ vào cây kim. Đây là một cái váy được ưa thích, một trong những cái váy của tiệm Sally Parker, gần như là chiếc váy cuối cùng bà ta may, ôi trời, vì hiện giờ Sally đã nghỉ may, sống ở Ealing, và nếu có khi nào mình rảnh rỗi (nhưng bà sẽ không bao giờ có một phút rảnh rỗi), mình sẽ tới Ealing thăm bà ấy. Vì bà ấy là một nhân vật, Clarissa nghĩ, một nghệ sĩ thật sự. Bà ấy nghĩ về những chuyện vặt vãnh không đâu vào đâu; thế nhưng những chiếc váy của bà ấy không bao giờ kỳ quặc. Bạn có thể mặc chúng ở Hatfield; ở điện Buckingham. Bà đã mặc nó ở Hatfield; ở điện Bucking ham.
Sự im lặng đáp lên bà, bình thản, hài lòng, trong lúc cây kim của bà êm ái luồn qua mảnh lụa, tập hợp những nếp gấp xanh lại và đính chúng, rất nhẹ nhàng, vào thắt lưng. Những làn sóng của một ngày hè cũng tập hợp lại giống như thế, vượt quá trạng thái cân bằng, và rơi xuống; tập hợp và lại rơi xuống; và toàn cõi thế dường như đang nói: “đó là tất cả,” ngày càng trầm trọng hơn, cho tới khi ngay cả quả tim trong cơ thể đang nằm trên bãi biển dưới ánh nắng cũng nói: Đó là tất cả. Đừng sợ nữa, quả tim nói. Đừng sợ nữa, quả tim nói, chuyển gánh nặng của nó cho một biển cả nào đó đang thở dài chung cho những nỗi u sầu, và làm mới lại, bắt đầu, tập hợp, rơi xuống. Và chỉ có thân thể đó lắng nghe những con ong bay ngang qua; làn sóng vỡ tung; con chó sủa; cứ sủa mãi ở ngoài xa.
            “Ôi Trời, chuông cửa trước!” Clarissa kêu lên, dừng mũi kim lại. Bà sực tỉnh, lắng nghe.
            “Bà Dalloway sẽ gặp tôi.” Người đàn ông cao tuổi trong sảnh nói. “Ồ, phải, bà ấy sẽ gặp tôi.” Ông ta lặp lại, khẽ khàng đẩy Lucy sang một bên và chạy lên cầu thang thật nhanh. “Phải, phải, phải.” Ông ta lẩm bẩm trong lúc chạy lên cầu thang. “Bà ấy sẽ gặp tôi. Sau năm năm ở Ấn Độ, Clarissa sẽ gặp tôi.”
            “Ai có thể – cái gì có thể?” Bà Daloloway hỏi (suy nghĩ rằng thật kỳ quặc khi bị phá ngang vào lúc mười một giờ sáng của cái ngày bà sẽ tổ chức một bữa tiệc), nghe thấy tiếng chân trên cầu thang. Bà nghe thấy một bàn tay đặt lên cửa. Bà tìm chỗ giấu cái váy, như một trinh nữ bảo vệ sự trong trắng; tôn trọng sự riêng tư. Lúc này, cái quả đấm bằng đồng xoay đi. Lúc này cánh cửa mở ra, và ông ấy bước vào – trong một giây độc nhất bà không thể nhớ phải gọi ông ấy là gì! Bà rất ngạc nhiên khi nhìn thấy ông ấy, rất vui mừng, rất e thẹn, rất kinh ngạc, khi Peter Walsh bất ngờ đến thăm bà vào buổi sáng! (Bà chưa đọc thư của ông ấy.)
            “Bà khỏe không?” Peter Walsh nói, rõ là đang run rẩy; cầm lấy cả hai bàn tay của bà; hôn cả hai bàn tay. Bà ấy đã già đi, ông nghĩ, ngồi xuống. Mình sẽ không nói với bà ấy bất cứ điều gì về chuyện đó, ông nghĩ, vì bà ấy đã già đi. Bà ấy đang nhìn mình, ông nghĩ, một sự lúng túng bất ngờ ập tới với ông, dù ông đã hôn đôi bàn tay của bà ấy. Đưa tay vào túi, ông lôi ra một con dao nhíp to và mở con dao ra phân nửa.
            Vẫn hệt như trước, Clarissa nghĩ; vẫn cái vẻ kỳ quặc ấy; vẫn bộ đồ com-lê kẻ ô vuông; gương mặt hơi phị ra chút xíu, gầy hơn chút xíu, lãnh đạm hơn, có lẽ, nhưng trông ông ta vô cùng khỏe mạnh, và vẫn hệt như trước.
            “Thật tuyệt khi gặp lại ông!” Bà cảm thán. Ông móc con dao của mình ra. Điều đó thật giống với tính cách ông, bà nghĩ.
Ông ta chỉ mới tới thị trấn đêm qua, ông ta nói; phải đi xuống vùng nông thôn ngay; và mọi thứ ra sao, mọi người ra sao – Richard? Elizabeth?
            “Và tất cả những thứ này là gì?” Ông hỏi, nghiêng con dao nhíp về phía chiếc váy xanh của bà.
            Ông ta ăn mặc rất lịch sự, Clarissa nghĩ; thế nhưng ông ta luôn luôn chỉ trích mình.
            Bà ấy đang ở đây vá lại cái váy; vá lại váy của bà ấy như thường lệ, ông nghĩ; bà ấy ngồi ở đây trong suốt thời gian mình ở Ấn Độ; vá lại váy của bà ấy; đi chơi quanh quẩn; dự những bữa tiệc; chạy tới Hạ viện rồi quay về và tất cả những thứ đó, ông nghĩ, càng lúc càng bực mình, càng lúc càng khích động, vì không có gì trên đời này tệ hại đối với một số phụ nữ cho bằng hôn nhân, ông nghĩ; và chính trị; và có một ông chồng bảo thủ, như tay Richard đáng ngưỡng mộ. Là thế đó, là thế đó, ông nghĩ, khép con dao lại đánh tách một cái.
            “Richard rất khỏe. Richard đang họp ở một ủy ban.” Clarissa nói.
            Bà mở cây kéo ra, và nói, ông có phiền không nếu bà hoàn tất công việc đang làm cho cái váy, vì tối hôm đó bà tổ chức một bữa tiệc?
            “Mà tôi sẽ không mời ông.” Bà nói. “Peter thân mến của tôi!”
            Nhưng thật tuyệt khi nghe bà nói câu đó – Peter thân mến của tôi! Thật sự, tất cả những điều này thật tuyệt vời – những bộ dao nĩa, những cái ghế; tất cả đều rất tuyệt vời!
            Vì sao bà không mời ông dự tiệc? Ông hỏi.        
            Lúc này, dĩ nhiên, Clarissa nghĩ, ông ta đang bỏ bùa mê! Bỏ bùa mê một cách hoàn hảo! Giờ mình nhớ ra việc quyết định không lấy ông ta vào cái mùa hè dễ sợ đó luôn là bất khả ra sao rồi – và vì sao mình lại quyết định? Bà tự hỏi.
            “Nhưng việc ông tới sáng nay thật là bất thường!” Bà kêu lên, đặt hai bàn tay, tay nọ úp lên tay kia, xuống chiếc váy.
“Ông có nhớ những tấm màn cửa đã vỗ phần phật thế nào ở Bourton không?” Bà hỏi.
“Chúng đã vỗ.” Ông nói; và ông nhớ đã ăn điểm tâm một mình, rất lúng túng, với cha của bà; người đã chết; và ông đã không viết thư cho Clarissa. Nhưng ông chưa bao giờ hòa hợp với ông cụ Parry, cái ông cụ cáu kỉnh, đầu gối yếu ớt đó, cha của Clarissa, Justin Parry.
            “Tôi thường ước gì tôi hòa hợp với cha của bà.” Ông nói.
            “Nhưng ông cụ chưa bao giờ ưa bất kỳ người nào là bạn của chúng tôi.” Clarissa nói; và suýt cắn phải lưỡi của mình vì đã nhắc cho Peter nhớ rằng ông ta đã muốn cưới bà.
            Tất nhiên mình đã muốn, Peter nghĩ; việc đó hầu như đã khiến cho tim mình tan nát, ông nghĩ; và vượt qua nỗi đau riêng của mình, mọc lên như một vầng trăng nhìn thấy từ một khoảnh sân hiên, đẹp kinh khủng trong ánh ngày tàn. Mình đã bất hạnh hơn bao giờ hết kể từ đó, ông nghĩ. Và như thể ông đang thật sự ngồi đó trên sân, ông hơi nghiêng người về phía Clarissa; chìa tay ra; giơ nó lên; buông rơi nó. Bên trên họ, vầng trăng treo lơ lửng. Cả bà ấy nữa, dường như đang ngồi với ông trong sân, dưới ánh trăng.
            “Hiện giờ Herbert là chủ ở đó.” Bà nói. “Giờ tôi không bao giờ đi tới đó.”
            Thế rồi, như xảy ra trong một sân hiên dưới ánh trăng, khi một người bắt đầu cảm thấy xấu hổ vì anh ta đã phát chán, thế nhưng trong lúc người kia ngồi im lặng, rất lặng lẽ, buồn bã nhìn vầng trăng, không muốn nói năng gì, cựa quậy đôi bàn chân, hắng giọng, chú ý tới một hình trang trí bằng sắt nào đó trên một cái chân bàn, lay một chiếc lá, nhưng không nói năng gì – lúc này Peter Walsh cũng hành động như thế. Vì sao cứ quay về quá khứ như thế này? Ông nghĩ. Vì sao tự làm cho mình nghĩ tới nó lần nữa? Vì sao tự làm cho mình đau khổ, khi bà ấy đã hành hạ mình ghê gớm đến thế? Vì sao?
            “Ông có nhớ cái hồ nước không?” Bà hỏi, với một giọng vội vã, dưới sức ép của một cảm xúc đã choán lấy tim bà, khiến những cơ trong cổ họng bà cứng lại, và khiến đôi môi của bà thu nhỏ lại trong một cơn co thắt trong lúc bà nói “cái hồ.” Bởi bà là một đứa trẻ con, đang ném vụn bánh mì cho lũ vịt, giữa cha mẹ bà, và đồng thời là một phụ nữ trưởng thành đang đi tới chỗ cha mẹ mình đứng cạnh hồ nước, ôm trong hai cánh tay bà cuộc đời của chính bà; khi bà tới gần họ, nó ngày càng to hơn trên hai cánh tay bà, cho tới khi nó trở thành toàn thể một cuộc đời, trọn vẹn một cuộc đời mà bà đặt xuống cạnh họ và nói, “Đây là cái mà con đã tạo nên từ nó! Cuộc đời này!” Và bà đã tạo nên cái gì từ nó? Thật sự là cái gì? Khi đang ngồi đó may vá trong buổi sáng này với Peter.
            Bà nhìn Peter Walsh; cái nhìn của bà, đi ngang qua tất cả thời gian đó và cảm xúc đó, không ngờ gì nữa, đã chạm tới ông; khiến ông buồn phát khóc; và cất mình lên, vỗ cánh bay đi, như một con chim chạm phải một cành cây, cất mình lên và vỗ cánh bay đi. Bà chậm mắt, hoàn toàn đơn giản.
            “Có.” Peter nói. “Có, có, có.” Ông nói, như thể bà đã lôi lên bề mặt thứ gì đó đã khiến ông cực kỳ tổn thương khi nó ló lên. Thôi đi! Thôi đi! Ông muốn kêu lên. Bởi ông chưa già; cuộc đời của ông chưa kết thúc; chưa ở bất cứ ý nghĩa nào. Ông chỉ mới quá năm mươi. Mình sẽ nói với bà ấy, ông nghĩ, hay không nói? Ông muốn thú nhận hết tất cả những chuyện đó. Nhưng bà ấy quá lạnh lùng, ông nghĩ; đang may, với cây kéo của bà ấy; Daisy sẽ trông có vẻ bình thường bên cạnh Clarissa. Và bà ấy sẽ nghĩ mình là một kẻ thất bại, mà trong nhận thức của họ mình là thế, ông nghĩ; trong nhận thức của Dalloway. Ồ, phải, ông không còn ngờ gì về điều đó; ông là một kẻ thất bại, so với tất cả những thứ này – cái bàn khảm, con dao rọc giấy có giá đựng, con cá heo và những cái giá nến, những tấm vải bọc ghế và những bản in tiếng Anh cổ có màu giá trị – ông là một kẻ thất bại! Mình ghét cay ghét đắng sự tự mãn của toàn thể vụ này, ông nghĩ; việc làm của Richard, chứ không phải của Clarissa; trừ một điều là bà ấy đã cưới ông ta. (Tới đây Lucy bước vào phòng, mang theo dao nĩa, thêm nhiều dao nĩa, nhưng trông cô ta xinh xắn, mảnh mai, đáng yêu, ông nghĩ, khi cô ta khom người để đặt chúng xuống.) Và việc này đã tiếp diễn trong suốt thời gian đó! ông nghĩ; hết tuần này sang tuần khác; cuộc đời của Clarissa; trong lúc mình – ông nghĩ; và ngay tức khắc mọi thứ dường như tỏa sáng từ ông; những chuyến đi, những cuộc cưỡi ngựa; những vụ cãi cọ; những chuyến phiêu lưu; những ván bài; những chuyện yêu đương; công việc; công việc; công việc! Và ông mở toang con dao nhíp – con dao cũ có cán bằng sừng mà Clarissa có thể thề rằng ông ta đã giữ suốt ba mươi năm qua – và úp nắm tay của ông ta lên trên nó.
            Đó đúng là một thói quen kỳ lạ, Clarissa nghĩ; luôn nghịch chơi với một con dao. Cũng luôn khiến cho người ta cảm thấy phù phiếm; lơ đãng; chỉ là một kẻ ba hoa ngốc nghếch, như ông ta từng là. Nhưng cả mình cũng vậy, Clarissa nghĩ, và cầm cây kim lên, bà triệu tập, như một nữ hoàng mà những người lính cận vệ của bà ta đã ngủ say và bỏ mặc bà ta không ai bảo vệ (bà hoàn toàn kinh ngạc vì cuộc viếng thăm này – nó đã làm cho bà khó chịu) khiến bất kỳ ai cũng có thể bước vào và đưa mắt nhìn chỗ bà nằm với những bụi mâm xôi rũ xuống từ bên trên, triệu tập để hỗ trợ cho những điều bà đã làm; những điều bà thích; chồng bà; Elizabeth; nói tóm lại, là bản thân bà, mà giờ đây Peter hầu như không biết, triệu tập tất cả tới quanh bà và đánh đuổi kẻ thù đi.
            “À, chuyện gì đã xảy ra với ông vậy?” Bà hỏi. Vì trước khi một trận chiến bắt đầu, lũ ngựa gõ móng xuống đất, ngẩng đầu lên; ánh sáng bừng lên trên sườn chúng; cổ chúng cong lại. Peter Walsh và Clarissa cũng thế, đang ngồi bên cạnh nhau trên cái trường kỷ màu xanh dương, thách thức nhau. Những sức mạnh của ông cồn cào và quăng quật trong lòng ông. Ông tập hợp từ những khu vực khác nhau mọi thứ; lời tán tụng; sự nghiệp của ông ở Oxford; cuộc hôn nhân của ông, mà bà không biết bất cứ điều gì về nó; ông đã yêu như thế nào; và nói chung đã hoàn thành công việc của mình như thế nào.
            “Hàng triệu thứ!” Ông cảm thán, và, bị thôi thúc bởi sự tập hợp của những sức mạnh hiện đang tích nạp theo cách này cách khác và lập tức mang tới cho ông cảm giác sợ hãi và cực kỳ vui sướng về việc lao qua không trung trên đôi vai của những người mà ông không thể nhìn thấy nữa, ông đưa hai tay lên trán.
            Clarissa ngồi rất thẳng; hít sâu một hơi.
“Tôi đang yêu.” Ông nói, tuy nhiên không phải với bà ấy, mà với một người nào đó đang vươn lên trong bóng tối khiến bạn không thể chạm vào bà ấy mà phải đặt vòng hoa của bạn xuống mặt cỏ trong bóng tối.
“Đang yêu.” Ông lặp lại với Clarissa, lần này khá khô khan. “Yêu một cô gái ở Ấn Độ.” Ông đã đặt vòng hoa của mình xuống. Clariss có thể làm bất kỳ điều gì bà ấy muốn với nó.
            “Đang yêu!” Bà nói. Ông ấy, ở lứa tuổi này, lại có thể bị hút vào dưới cái nơ con bướm nhỏ xíu của ông ấy bởi con quái vật đó! Và trên cổ ông ấy không còn chút bắp thịt nào; đôi bàn tay ông ấy đỏ ửng; và ông ấy lớn hơn mình sáu tháng! Mắt bà phản ánh lại với bà; nhưng trong tim bà cảm thấy, dù sao đi nữa, ông ấy đang yêu. Ông ấy có điều đó, bà cảm thấy; ông ấy đang yêu.
            Nhưng tính tự cao tự đại bất khả khuất phục vẫn luôn xoa dịu những bà chủ nhà phản đối lại nó, cái dòng sông bảo tiếp, tiếp, tiếp; mặc dù, nó thừa nhận, không có bất kỳ mục tiêu nào cho chúng ta hết, vẫn tiếp tục, tiếp tục; cái tính tự cao tự đại bất khả khuất phục này khiến cho đôi má của bà ửng đỏ; khiến cho bà trông rất trẻ trung; rất hồng hào; đôi mắt rất ngời sáng, khi bà ngồi với cái váy đặt trên đầu gối, và cây kim cắm vào đầu mảnh lụa xanh, hơi run rẩy. Ông ấy đang yêu! Không phải bà. Mà là một cô gái trẻ nào đó, dĩ nhiên.
            “Cô ta là ai?” Bà hỏi.
            Lúc này pho tượng đó phải được đưa khỏi cái bệ cao của nó và đặt xuống giữa họ.
            “Thật không may, đó là một phụ nữ đã kết hôn.” Ông nói; “Vợ của một thiếu tá trong quân đội Ấn.”
            Và với một sự ngọt ngào đầy mai mỉa, ông mỉm cười khi đặt cô ta trước mặt Clarissa theo cái cách lố bịch này .
            (Dù sao đi nữa, ông ấy đang yêu, Clarissa nghĩ.)
            “Cô ta có hai đứa con nhỏ,” ông nói tiếp, “một trai và một gái; và tôi đã tới gặp các luật sư của tôi về việc ly dị.”
            Họ đấy! Ông nghĩ. Hãy làm những gì bà muốn với họ, Clarissa! Họ đấy! Và từng giây một, với ông, dường như bà vợ của viên thiếu tá trong quân đội Ấn Độ (Daisy của ông) và hai đứa bé ngày càng trở nên đáng yêu khi Clarissa nhìn chúng; như thể ông đã rọi ánh sáng lên một hòn cuội xám trong một cái đĩa và một thân cây đáng yêu đã mọc lên trong bầu không khí trong lành mặn mùi biển cả của tình thân của họ (vì theo cách nào đó không ai hiểu ông, cảm nhận với ông như Clarissa hồi đó) – tình thân đầy tinh tế của họ.
            Cô ta đã tâng bốc ông ấy; cô ta đã lừa phỉnh ông ấy, Clarissa nghĩ; định hình người phụ nữ đó, vợ của viên thiếu tá trong quân đội Ấn Độ, với ba nhát chém của một con dao. Thật lãng phí làm sao! Thật dại dột làm sao! Suốt cuộc đời dài của ông ấy, Peter vẫn cứ ngốc nghếch như thế; đầu tiên là bị thuyên chuyển khỏi Oxford; tiếp theo là cưới một cô gái trên một con tàu sang Ấn Độ; và bây giờ là vợ của một viên thiếu tá trong quân đội Ấn – tạ ơn Trời bà đã từ chối lấy ông! Tuy nhiên, ông ấy đang yêu; người bạn cũ của bà, Peter thân mến của bà, ông ấy đang yêu.
            “Nhưng ông sẽ làm gì?” Bà hỏi. Ồ, những luật sư và cố vấn pháp lý, các ông Hooper và Grateley của hãng luật Lincoln, họ sẽ thực hiện việc đó, ông nói. Và ông thật sự xén những cái móng tay của mình với con dao.
            Ôi trời, hãy để yên con dao của ông đi! Bà thầm kêu lên với sự bực tức không thể kềm nén; chính cái tính khác thường ngốc nghếch của ông ấy, khuyết điểm của ông ấy; sự thiếu vắng một ý thức nhỏ nhất về cảm giác của bất kỳ người nào khác của ông ấy khiến cho bà bực mình, luôn làm bà bực mình; và giờ này, ở lứa tuổi của ông ấy, thật ngốc nghếch biết bao!
            Mình biết tất cả những điều đó, Peter nghĩ; mình biết mình đang chống lại thứ gì, ông nghĩ, đưa ngón tay lướt qua lưỡi dao, Clarissa và Dalloway và tất cả số còn lại; nhưng mình sẽ chỉ cho Clarissa thấy – thế rồi với sự ngạc nhiên cực độ của ông, đột ngột bị ném qua bầu không khí bởi những sức mạnh không thể kiểm soát đó, ông rơi nước mắt; khóc; khóc không chút xấu hổ, khi đang ngồi trên cái trường kỷ, những giọt nước mắt lăn xuống má ông.
            Và Clarissa đã nghiêng người về phía trước, cầm lấy tay ông, kéo ông lại gần bà, hôn ông – thật sự cảm thấy mặt của ông trên mặt của bà trước khi bà có thể hạ tia chớp lóe màu bạc đó xuống – những chiếc lông chim giống như cỏ bông bạc trong một cơn bão nhiệt đới trong lồng ngực bà, mà khi đáp xuống, để lại bà trong tình trạng đang cầm lấy tay ông, vỗ nhẹ lên đầu gối của ông, và cảm thấy, khi bà ngồi ngay lại, đặc biệt thoải mái và dễ chịu với ông ấy, tất cả xâm chiếm lấy bà trong một tiếng nổ vang, Giá như mình lấy ông ấy, hẳn niềm vui này sẽ là của mình suốt cả ngày!
            Tất cả những điều đó đã kết thúc đối với bà. Tấm vải giường đã được trải ra và cái giường thì hẹp. Bà đã đi lên tòa tháp một mình và mặc cho họ hái quả mâm xôi trong ánh nắng. Cánh cửa đã đóng lại và ở đó, trong đám bụi vữa tường rơi xuống và rơm rác trong những tổ chim, cảnh vật trông mới xa xôi làm sao, và những âm thanh vọng tới mong manh và lạnh lẽo (một lần ở trên đồi Leith, bà nhớ), và Richard, Richard! bà kêu lên, như một người đang ngủ trong bóng tối bị giật mình và đưa tay ra tìm sự giúp đỡ. Đang ăn trưa với phu nhân Bruton, chuyện đó quay lại với bà. Ông ấy đã bỏ mặc mình; mình mãi mãi cô đơn, bà nghĩ, úp hai bàn tay lên đầu gối.
            Peter Walsh đã đứng lên và bước tới chỗ cửa sổ, đứng quay lưng về phía bà, vụt một cái khăn tay lớn in hoa từ phía này sang phía khác. Trông ông ấy có vẻ xuất chúng, khô khan và lẻ loi, bờ vai gầy của ông ấy nhẹ nâng chiếc áo khoác; đang sịt mạnh mũi. Hãy mang tôi theo ông, Clarissa nghĩ một cách bốc đồng, như thể ông ta đang trực chỉ tiến tới trong một chuyến du hành lớn nào đó; và rồi, khoảnh khắc tiếp theo, như thể một vở kịch năm hồi rất thú vị và xúc động giờ đã kết thúc, và bà đã sống cả một đời người trong đó và đã bỏ trốn, đã sống với Peter, và giờ đây nó đã kết thúc.
            Giờ đã tới lúc di chuyển, và như một người phụ nữ đang thu gom các thứ của mình, chiếc áo choàng, đôi găng tay, cặp kính xem kịch opera, và đứng lên để bước ra khỏi rạp hát xuống đường, bà đứng lên khỏi chiếc trường kỷ, bước tới cạnh Peter.
            Và thật lạ lùng, ông nghĩ, làm thế nào bà ấy vẫn có khả năng, khi bà đi tới với tiếng lanh canh, sột soạt, vẫn có khả năng, khi bà ấy băng qua căn phòng, khiến cho vầng trăng mà ông ghét cay ghét đắng mọc lên trên sân hiên ở Bourton giữa bầu trời mùa hạ.
            “Hãy nói cho tôi biết,” ông nói nắm lấy hai vai bà. “Bà có hạnh phúc không, Clarissa? Richard có…”
            Cánh cửa mở ra.
            “Đây là Elizabeth của tôi.” Clarissa nói, một cách xúc động, có vẻ như đóng kịch, có lẽ.
            “Chào ông.” Elizabeth nói, bước tới.
            Tiếng chuông Big Ben điểm nửa giờ vang lên giữa họ với một sức mạnh khác thường, như thể một thanh niên, khỏe mạnh, dửng dưng, khinh suất, đang đu đưa những cái chuông về phía này phía khác.
            “Chào Elizabeth.” Peter kêu lên, nhét cái khăn tay vào túi, vừa đi nhanh tới gần cô vừa nói, Tạm biệt, Clarissa, mà không nhìn bà, vội vàng rời phòng và bước nhanh xuống thang, mở cánh cửa đại sảnh ra.
            ‘Peter! Peter!” Clarissa kêu to, đi theo ông ta ra đầu cầu thang. “Bữa tiệc tối nay của tôi! hãy nhớ bữa tiệc tối nay của tôi!” Bà kêu lên, cất cao giọng trên tiếng ồn của bầu không khí bên ngoài, và bị áp đảo bởi tiếng xe cộ qua lại và âm thanh của mọi cái đồng hồ đang điểm giờ, giọng kêu của bà “Hãy nhớ bữa tiệc tối nay của tôi” nghe có vẻ mong manh, mơ hồ và rất xa xôi khi Peter khép cánh cửa lại.




[1] Marie Antoinette (1755 – 1793), công chúa nước Áo, trở thành Hoàng hậu Pháp khi vua Louis XVI của Pháp lên ngôi.  Bà bị xử tử bằng máy chém năm 1793.
[2] William Morris (1834 – 1896): nhà thiết kế hình họa trên các chất liệu vải, nghệ nhân, nhà văn người Anh.
[3] Plato (424/423 Tr.CN – 348/347 Tr.CN) triết gia, nhà toán học Hy Lạp cổ đại, đệ tử của triết gia Socrates.
[4] Percy Bysshe Shelley (1792 – 1822) một trong những nhà thơ lãng mạn trụ cột của Anh.
[5] Othello - Người Ma-rốc ở thành Venice, một vở bi kịch của thi hào, kịch tác gia Anh Shakespeare (1564-1616).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét