Dịch từ nguyên tác
Collected Stories for Children [1947]
của Walter de la Mare
Dịch giả giữ bản quyền bản Việt ngữ
Copyright © Nguyễn Thành Nhân 2009
Ông cố của Sambo từng là một vị vua ở quê hương của nó, dù đó chỉ là một nước nhỏ. Ông nội của Sambo đã được một nhà truyền giáo, cha Silas Makepeace Grimble, đưa tới Đất của Người da trắng. Cha Grimble sinh trưởng ở Aberdeen. Cha của Sambo, sau khi làm người hầu và đánh xe cho con trai đầu của cha Grimble, đã đứng ra kinh doanh nghề cắt tóc. Nhưng dù rất vui vẻ gắng hết sức mình, ông vẫn không kiếm đủ khách, dù là để cắt tóc, sấy tóc, gội đầu hay cạo râu. Đôi khi ông ngồi suốt mấy giờ liền bên chậu nước trong cái tiệm vắng tanh của mình, nhìn ra ngoài đường phố ngập tràn ánh nắng. Cuối cùng, ông buộc phải buông màn, hạ cánh cửa sập xuống và lấy cái cọc chống ra; chẳng bao lâu sau đó ông qua đời và không để lại gì cho người con trai yêu quý Dinah, tức Sambo của ông.
Sambo là người hầu của
bác sĩ Grimble. Ông này là cháu họ của đức cha Grimble. Ông sống trong một ngôi
nhà cao bằng gỗ màu nâu. Ở phía trước nhà có ba cây dương Lombardy,
còn trên bậc cổng vòm thì mọc đầy kim ngân hoa. Sambo có nhiều nhiệm vụ. Với
hai mươi cái nút áo bằng bạc ở phía trước bộ chế phục và cái đuôi tóc ở phía
sau lưng bên trên cái quần ống chẽn, nó thường mở cửa cho các bệnh nhân của ông
chủ và hướng dẫn họ vào phòng đợi. Đó là một căn phòng nhỏ nhưng vui vẻ, có
những tấm mành chống muỗi trên các cửa sổ, nền trải vải dầu trắng đen, có một
bức tranh trên lò sưởi và một tấm màn sáo xinh xắn bằng lông ngựa đủ màu rũ
xuống trước vỉ lò trong suốt mùa hè.
Tấm màn sáo này che đi
những chấn song xấu xí của cái vỉ lò. Vì thế vào mùa hè Sambo không cần phải
đánh bóng chúng.
Sambo cũng giúp ông chủ
pha chế các loại thuốc. Khi ông bác sĩ đã cho thuốc vào một cái chai, Sambo đổ
thêm nước vào; khi ông bác sĩ vo xong những viên thuốc, Sambo cho chúng vào
những cái hộp đựng thuốc viên. Nó dùng một cái triện đóng sáp màu đỏ và một cái
đèn hàn nhỏ màu xanh để đóng dấu lên lớp giấy bao sau khi đã gói những cái chai
và cái hộp. Nó thích công việc đóng niêm phong hơn nhiều so với việc súc chai
trong một một cái bồn vuông bằng chì bên dưới cái vòi nước bằng đồng nhỏ xíu.
Tất cả mọi công việc diễn
ra lúc xế trưa. Khi các chai thuốc đã được gói lại gọn gàng và đánh số xong,
Sambo thường đặt chúng vào giỏ rồi mang đến giao cho các bệnh nhân của ông chủ.
Đôi khi nó phải đi bộ một dặm đường, đôi khi tới ba hoặc thậm chí năm dặm, tới
những vùng quê. Vì thế, thời gian đi đường phụ thuộc vào việc trên đường có bao
nhiêu tiệm bán kẹo, bao nhiêu đứa nhóc, bao nhiêu con vật diễn trò, bao nhiêu
nhạc công đường phố, bao nhiêu vụ chó cắn nhau, và bao nhiêu những thú vui hoặc
nguy cơ khác mà nó gặp phải trong lúc đi về. Miễn sao nó trở về nhà trước sáu
giờ thì mọi chuyện vẫn ổn. Vào chiều tối, nó chờ ông bác sĩ cùng ăn tối, và ông
bác sĩ ăn rất nhanh.
Khoảng chín giờ, Sambo
mang cho ông một ly rượu nặng pha nước rồi đi ngủ.
Nói chung, Sambo hạnh
phúc, dù nó chưa bao giờ nhận ra điều này cho tới khi nó bắt đầu cảm thấy khổ
sở. Dù nó phải chạy vắt giò lên cổ khi nghe ông bác sĩ gọi, nó ngưỡng mộ mái
tóc đỏ hoe trên đầu, đôi kính gọng vàng và sợi dây đồng hồ xinh xắn của ông. Nó
được ăn uống đầy đủ, có thời gian để biếng lười chút chút, một cái giường gầm
với một cái gối bông trong một căn phòng nhỏ dưới mái nhà. Chỉ có một điều duy
nhất chống lại nó. Nó có nước da đen. Nó đen như tất cả mọi tổ tiên của nó. Nó
đen như một kiện nhung đen, như một căn hầm không có một cánh cửa sổ nào, như
một cái ống khói đầy bồ hóng.
Bản thân nó ít khi nhận
ra nếu như bọn nhóc mặt mày nhợt nhạt của thị trấn không luôn luôn nhắc nhở nó
điều đó – đặc biệt là một thằng mũi hếch tên là William, người hầu của một nha
sĩ có cái tên kỳ cục: ông Tooth. Bất cứ lúc nào gặp nó, cái thằng William này
luôn hét lên: “Ê, thằng da đen! Ê! Mặt hắc ín! Ê, thằng nhãi nhỏ bé chân vòng
kiềng ốm nhách kia! Cút khỏi đường phố đi! Đường phố dành cho người da trắng!”
Nó cứ hét lên như vậy phần vì ganh tị với những cái nút áo của Sambo (làm bằng
bạc), thậm chí cả với cái giỏ hai nắp trên có phủ vải Mỹ sọc vằn, nhưng phần
lớn là vì nó không biết làm gì hơn thế.
Khi nghe thấy tiếng nó,
Sambo luôn vờ như không nghe và băng qua bên kia đường ngay lập tức. Trắng, đen
hay màu cà phê, nó tự nhủ, chỉ thấp kém
nếu như người ta nhìn thấy nó đánh nhau với người hầu của ông nha sĩ. Nhưng
trong thâm tâm, nó biết rằng nó sợ William, và nó băng qua bên kia đường. Tuy
nhiên, giờ đây tâm trí nó chỉ nghĩ tới màu da đen đúa của mình. Và bây giờ điều
đó làm cho nó khó chịu, không chỉ vì những kẻ thù, lũ nhóc trên đường phố, mà
ngay cả vì sự riêng tư của chính nó. Nói cho cùng, nó biết phần còn lại của bản
thân mình, cái nằm ở bên trong, rất ít khác biệt ngay cả với phần bên trong của
ông chủ nó! Thậm chí, nước da của nó đâu phải là do lỗi của nó. Thế nhưng càng
nhìn kỹ gương mặt mình trong tấm gương nhỏ ở phòng ngủ, dường như nó càng thấy
mình đen hơn.
Ở quê hương nó, điều này
không thể xảy ra. Ở đó, có nước da đen là một niềm hạnh phúc. Như nó biết, ông
cố của nó là một vị vua của đất nước đó và chính những thằng nhóc da trắng mới
là kẻ đáng bị chế nhạo ở đó. Thật sự khi lần đầu tiên cha Silas Grimble xuất
hiện ở Poojooboo, những người đàn bà và lũ trẻ con da đen đã cười với nhau rất
nhiều về cái mũ cao, gương mặt trắng nhợt và chòm râu bạc của ông khi cho rằng
quần áo của ông là một phần của ông cũng như những cái đốm là một phần của một
con báo cho tới khi họ trở nên thân thiện với ông. Họ thích ông vì trông ông
rất vui vẻ. Nhưng ngay cả họ, thậm chí cả những thanh niên da đen, cũng không
bao giờ cười nhạo thẳng vào mặt ông. Đó không phải là cung cách xử sự của họ.
Nếu như cái thằng William người nhà ông nha sĩ đó đáp tàu tới Poojooboo và phát
hiện ra Sambo đang ngồi trên ngai vàng, những thằng bé trên đường phố dưới
những hàng cây cơm nguội cũng có thể chế nhạo nó, nhưng sẽ không la lối om xòm
như thế.
Sambo biết khá rõ về tất
cả những điều này. Nó hay trầm ngâm suy nghĩ về chúng khi ở một mình, chỉ để
thấy thêm khó chịu và nhớ quê hương. Như vậy, nó không chỉ đơn giản muốn trở
thành một người da trắng. Nó không bao giờ muốn trở thành một người giống như
nhiều thằng bé da trắng nó nhìn thấy chút xíu nào. Không, nó chỉ ngày càng buồn
bã vì vẫn cứ đen thui đen thủi. Nó muốn tất cả đều trắng và chính bản thân mình
cũng thế. Nỗi buồn này xuất hiện trong nó theo những cách rất lạ lùng.
Ví dụ, sáng sớm khi thức
dậy, nếu như có chút ánh sáng nào đó để trông thấy chính mình, nó thường nhớ
lại nó đen đến mức nào giữa những tấm ra trải giường. Hoặc là sau khi thổi tắt
nến để lên giường - bác sĩ Grimble chỉ cho nó đốt một phân nến mỗi lần để phòng
khi nó ngủ quên – nó thường nhận ra rằng nếu không có cái áo ngủ, người ta
không thể nhìn thấy nó trong bóng tối. Thật sự không có gì đáng buồn hay đáng sợ
trong những thực tế này; nhưng chúng nằm lại trong đầu óc nó. Chúng ám ảnh nó
như một hồn ma ám ảnh một bãi trồng cây.
Có lẽ nếu Sambo không quá
chậm hiểu nó sẽ sớm hiểu ra để ít suy nghĩ vẩn vơ hơn. Nhưng chưa bao giờ có ai
nói với nó rằng đau khổ vì một điều gì đó cũng vô ích như cười ngớ ngẩn vì một
điều gì đó. Người ta ít khi nói cho nó biết điều gì. Vì thế hàng đêm và mỗi
buổi sáng Sambo lại nhìn mình trong tấm gương. Gương mặt tròn, bóng loáng,
nghiêm nghị nhìn lại Sambo, và, chao ôi, nó đen như hắc ín!
Nhưng dù Sambo chậm hiểu,
dù chủ của nó luôn phải nói với nó tới hai lần về một việc gì đó cho chắc ăn,
dù nó vẫn thường đi xa hơn mức cần thiết trong những chuyến đi về vì nhầm lẫn
trong việc sắp xếp những ngôi nhà mà nó cần phải tới, Sambo rất kiên trì, thậm
chí ngoan cố. Đã bắt tay vào việc gì thì nó nhất định phải hoàn thành. Giá như
chỉ cần cố gắng mà nó có thể trắng ra, chẳng bao lâu nó sẽ có màu da sáng như
một người mắc chứng bạch tạng. Nó thật sự đang gánh chịu những nỗi đau to lớn.
Đầu tiên nó cầu nguyện để
được trắng ra, gần như khóc nức nở trên giường, mong đợi một cách vô ích vị
thiên thần mà nó hy vọng sẽ hiện ra từ bầu trời đầy sao để đáp lại lời nguyện
cầu ngay lập tức. Rồi nó thôi không ăn những lát bánh mì đen vốn dành cho nó,
và sống bằng những mẩu bánh mì trắng của Pháp mà ông chủ nó ăn còn thừa. Chế
phục của ông bác sĩ có màu xanh thẫm viền vàng. Nhưng Sambo được phép mặc một
cái áo khoác trắng vào buổi sáng – sau mười một giờ. Nó giặt và ủi phẳng cái áo
này mỗi tuần ba lần và mặc lên người bất cứ lúc nào ông chủ nó ra ngoài, nhất
là những hôm ông tới thăm bà cô Clara của ông và ở lại nghĩ đêm ở đó. Sambo
thường ngủ với tấm chăn trùm kín đầu vì e bóng đêm sẽ làm tối thêm ngay cả nước
da đen đúa. Nhưng tất cả những cố gắng kiểu đó chỉ là vô ích.
Cuối cùng một sáng nọ –
nhưng không phải là lần đầu tiên – nó nghe ông bác sĩ nói tới chứng sốt ban đỏ,
và ngay chiều hôm ấy chính nó phải mang một chai thuốc lớn tới người bệnh đang
mắc phải chứng sốt đáng buồn này. Quý ông này sống trong một ngôi nhà vuông
xung quanh phủ đầy dây trường xuân và các loại dây leo, và Sambo có thể nhìn
thấy những cái cửa sập khép kín những cánh cửa sổ mà bên trong đó là người bệnh
đang nằm trên giường, đỏ ửng từ đầu tới chân – Sambo cho là thế.
Việc này nhắc nó nhớ tới
một bệnh nhân khác của ông bác sĩ – một phu nhân quê ở Mễ Tây Cơ bị bệnh sốt
vàng da; và một cô bé có những lọn tóc nâu vàng đã suýt chết vì bệnh đó, và sau
đó đứa em trai bé nhỏ của cô bé đã được mang tới cho ông bác sĩ vì chứng đau
mắt đỏ. Cả ông chủ nó cũng có lần thuê một bà đầu bếp da đen mà khi trăng tròn
luôn bị ám ảnh bởi cái mà bà ta gọi là “chứng sốt xanh”. Và không phải là thuốc
của ông bác sĩ đã chữa khỏi cho tất cả bọn họ hay sao? Sambo tự nhủ, nếu thuốc
men có thể loại bỏ những thứ ban đỏ, vàng da, mắt đỏ và da xanh, chắc chắn nó
cũng có thể tẩy được nước da đen lắm chứ?
Sambo để mắt tới những kệ
đựng chai lọ của ông chủ và hầu như không thể kiên nhẫn chờ cho tới khi nó còn
lại một mình. Nó thường được cảnh báo là đừng dây dưa với chúng. Nhưng nếu một
sáng nào đó nó xuất hiện trong phòng ngủ của ông bác sĩ để kéo những tấm màn
che lên với nước da trắng như của chính bản thân ông ta thì đó sẽ là một niềm
vui bất ngờ lớn lao đến chừng nào đối với ông ta. Thậm chí ông ta có thể tăng
cho nó gấp đôi tiền lương.
Thế là Sambo lần lượt thử
từng loại thuốc trên kệ, ngoại trừ những loại thuốc độc cất trong một cái tủ
nhỏ có khóa. Nó chỉ uống mỗi lần một ngụm nhỏ từng loại thuốc. Nếu sau khi mở
cái nắp thủy tinh mà loại thuốc đó có mùi quá hăng hay tanh thì nó còn uống ít
hơn nữa. Nó cũng thử uống những loại thuốc bột và thuốc viên hệt như đối với
những chai thuốc thoảng mùi nước hoa và mùi cồn. Nó chỉ uống thử mỗi lần không
hơn nửa muỗng cà phê thuốc bột, vừa đủ che kín ngón tay út của nó với mỗi lần chấm
và chỉ phân nửa những viên thuốc đủ loại và đủ cỡ.
Hầu hết những thứ thuốc
này đều chẳng mang tới khác biệt nào, nhưng vì còn ngây thơ hơn cả một đứa bé,
lúc đầu Sambo không dám nếm nhiều hơn số đó mỗi lần. Có những loại thuốc khiến
nó chóng mặt, nóng bừng, thở không ra hơi hay rủ cả người ra, trở nên kích
động, bơ thờ, nói nhiều, khát nước hay đói bụng; có một hai loại làm nó muốn
bệnh. Sau những lần thử này mặt nó trông xanh xao hơn một chút, nhưng ngay cả
lúc ấy đó cũng chỉ là một màu xanh đen và sớm biến mất. Bất chấp mọi đau đớn và
khó chịu đó, Sambo vẫn đen hệt như trước, nếu không phải là đen hơn thêm chút
xíu.
Có lẽ khá là kỳ lạ khi
ông bác sĩ không bao giờ nhận ra rằng những thứ thuốc của ông đang ít dần đi,
hay rằng đôi khi trông Sambo có vẻ khác thường. Nhưng vì ông không chỉ là một
người không giỏi quan sát mà còn bị cận thị nữa. Ngoài ra, đối với ông ta, dù
Sambo không biết điều này, nó chẳng có gì khác biệt dù có trở nên xám hay nâu,
cởi trần, có đốm hay có khoang gì đi nữa. Nghĩa là miễn sao nó vẫn làm tốt công
việc của mình. Mặt khác, ông bác sĩ lại rất nhanh chóng nhận ra khi Sambo mắc
phải một sai lầm – để cho bồn nước bị tràn, giao thuốc nhầm nhà, bỏ nhầm loại
thuốc viên này vào loại hộp khác hay ngược lại. Nhưng Sambo luôn giữ nguyên tắc
là lấy thật ít thuốc từ bất kỳ chai lọ nào.
Khi Sambo đã nếm tất cả
mọi loại thuốc trong phòng pha chế của ông chủ – ngọt, chua, mặn, đắng, khô, có
dầu, dầy hay mỏng, thậm chí kể cả một hai loại thuốc mà ông bác sĩ dành cho
những con thú cưng của những thân chủ tốt nhất hay những con chó dùng làm thí
nghiệm, những loại giúp cho mắt sáng, mọc tóc hay sạch răng, bóng móng tay – và
không có thứ nào tỏ ra có tác dụng, nó trở nên buồn bã hơn bao giờ hết. Tuy
nhiên, nó không hề tuyệt vọng, và đây là một phúc lành Trời ban, vì nếu thế,
trái tim tội nghiệp của nó cũng sẽ trở thành đen đúa như gương mặt nó. Thay vì
tuyệt vọng, nó bắt đầu đọc những cuốn sách của ông bác sĩ. Nhưng vì trong mỗi
trang lại có 20 -100 từ mà nó phải tra tự điển để biết nghĩa rồi sau đó lại
quên ngay, nó chẳng tiến xa hay tiến nhanh gì cho lắm.
Thế rồi một hôm nọ, khi
Sambo mang khay đựng rượu mạnh pha nước vào cho ông bác sĩ, nó đánh liều hỏi
ông.
“Nếu ngài vui lòng thưa
bác sĩ,” nó nói, “giả sử ngài muốn trở thành một người rất đen như Sambo tội
nghiệp thì ngài sẽ dùng loại thuốc gì?”
Không may là ông bác sĩ
hơi bị lãng tai, cũng giống như chứng cận thị, nên tất cả những gì ông nói là:
“Không, không, tối nay mọi chuyện sẽ ổn thôi.”
Khi nghe thấy thế, Sambo
rất vui mừng. Nó cho rằng ông chủ có ý nói là ngay tối hôm đó, sau khi lên
giường, ông sẽ thử biến bản thân mình thành da đen. Điều này gần như không thể
xảy ra, nhưng Sambo rất tin tưởng. Và nó đợi cho tới khi ngủ gật lúc ba giờ
sáng khi quỳ gối ở lỗ khóa cửa phòng ông bác sĩ với hy vọng nhìn thấy điều đó
xảy ra.
Nó chỉ hỏi ông chủ của
mình thêm một câu hỏi nữa, và đó cũng là câu hỏi cuối cùng mà nó cần phải hỏi.
Nó đã suy nghĩ mãi về câu hỏi đó trong suốt ba ngày trước. Đó là một việc thậm
chí còn liều lĩnh và can đảm hơn cả việc đáp trả lại thằng nhóc người hầu của
ông nha sĩ: “Ê, mặt phấn! Ê! Miếng bánh mì chấm sữa của Mẹ già! Cút khỏi đường
phố ngay! Đường phố dành cho những người lịch sự!”
Như thường lệ, vào chín
giờ đêm tối hôm sau nó vào phòng của ông bác sĩ với cái khay bạc đựng rượu
trong tay, nhưng không có gì bên trên hết. Tình cờ khi đó ông bác sĩ đang ngủ
gật trên ghế với cái mồm há rộng. Vì thế Sambo phải gõ cái khay lên bàn để đánh
thức ông dậy. Điều này khiến cho ông bác sĩ bực mình.
Khi nhận ra cái khay
trống rỗng, ông nói, “Cái khay đó để làm gì thế?’
Sambo trả lời, “Không còn
rượu rum thưa ngài” – rượu rum là loại
rượu mà ông bác sĩ ưa thích.
“Thế nó biến đi đâu?” Ông
bác sĩ hỏi.
“Tôi đã dùng nó hết, thưa
ông chủ,” Sambo nói.
“Cậu!” Ông bác sĩ kêu
lên. “Để làm gì?”
“Ồ, thưa ông chủ,” Sambo
quỳ xuống, “để làm cho Sambo khốn khổ mất đi màu đen. Để rửa cho nó bớt đen,
thưa ông chủ, rồi sẽ trắng ra như những con cừu bé bỏng, như chính bản thân ông
chủ. Ồ, thưa ngài, tôi đã rửa đi rửa lại, chà đi chà lại, và rượu rum chỉ khiến
cho cái mũi của Sambo bóng lên và làm mắt nó nhức nhối. Tất cả những gì nó xin chỉ là một viên
thuốc thôi, để làm mất đi nước da đen
như mực, và giúp nó làm việc
nhanh hơn.”
Một cách chính xác, Sambo
đã dành ra tám giờ đồng hồ để sáng tác và học thuộc lòng đoạn thơ đáng thương
đó. Nó nghĩ ông chủ sẽ hiểu rằng nếu nó phải chịu khốn khổ nhiều đến thế thì
hẳn là nó phải rất nôn nóng khát khao. Nó nghĩ ngay giây phút ông chủ biết rằng
rượu rum không thay đổi chút nào màu đen của Sambo ông sẽ bảo nó điều cần thực
hiện. Thay vì thế, ông bác sĩ, đang thất vọng về món rượu mạnh của mình, bấy
giờ nổi cơn thịnh nộ, đưa tay kéo nó đứng lên, nắm lấy tai nó kéo tới cửa, mở
cửa ra và tống nó té nhào lên tấm thảm bên ngoài. Thế là Sambo tội nghiệp lại
thất bại một lần nữa.
Tuy nhiên, ông bác sĩ
không phải là một người xấu bụng, và sáng hôm sau ông đã quên hết mọi thứ về
khoản rượu rum. Tuy nhiên, vì sợ ông có thể nhớ lại, Sambo đã khá khôn ngoan
khi bôi nhọ đen lên cái chóp mũi bóng loáng vì bị chà xát quá nhiều của nó. Nhưng
thật sự không cần thiết phải làm điều đó. Ông bác sĩ đã hoàn toàn quên hết, và
ngay trong ngày hôm đó một thùng rượu rum Jamaica loại thượng hảo hạng đã
được đưa xuống hầm rượu của ông.
Nhiều ngày và thậm chí
nhiều tuần cứ thế trôi qua. Sambo không dám hỏi ông chủ thêm một câu nào nữa.
Thay vì vậy, với một trái tim rời rã nó thử trộn lẫn hai ba loại thuốc bột và
thuốc nước với nhau và đưa tay bóp chặt mũi lại, nó nuốt những thứ đó xuống cổ.
Vào dịp nghỉ lễ giữa năm thậm chí nó còn đi xa hơn khi nuốt một viên thuốc mà
nó đã trộn với dung dịch amoniac và thuốc phiện rồi sấy thành một viên to hơn
với một ít xà bông y học và một nhúm keo. Đó là một viên thuốc to tướng và nó
suýt bị mắc nghẹn khi cố nuốt viên thuốc trong lúc đang ngồi trong vườn dưới
một cây lê đang trổ hoa. Nhưng dù trở nên tái nhợt, ít nhất đôi má nó cũng khác
xa đến hai mươi lần so với màu trắng của những bông hoa trên đầu nó. Chiều hôm
đó, khi Sambo đã thấy khá hơn, toàn bộ màu đen tự nhiên của nó lại quay về.
Cuối cùng, đôi mắt nó
liếc dọc theo hàng lọ được gọi là Thuốc độc bị khóa kín trong phòng của ông bác
sĩ. Có thể một loại nào đó trong số chúng là thuốc độc chỉ vì chúng có thể biến
một người da trắng thành da đen hay không, nó tự hỏi. Và ông bác sĩ có sợ rằng
chính ông sẽ uống nhầm một loại nào đó hay không? Có thể là thế không? Nhưng
Sambo không dám đụng đến cái ống khóa.
Thế nhưng nó vẫn mong
mỏi. Đôi khi nằm thao thức giữa những tấm ra trải giường trắng toát, vầng trăng
rằm rọi sáng mái tóc xoăn và lóng lánh trong đôi mắt đen sẫm, nó nhìn mặt trăng
cho tới khi thấy nhức cả đầu. Ở trên đó, nó nghĩ, có lẽ… Nhưng thông thường
trước khi có thể theo đuổi ý tưởng này xa hơn nó đã ngủ thiếp đi.
Một chiều nọ, khi ra
ngoài giao thuốc, nó lại gặp thằng bé người hầu của ông nha sĩ. Tim nó đập
thình thịch, nó đặt cái giỏ xuống vỉa hè, đưa hai tay lên bưng kín đôi tai để
ngăn những tiếng kêu “Ê! Ê!” đáng
ghét và chờ cho tới khi William tới gần. Thế rồi, cả người run rẩy, với một
giọng cao rung rung, nó hỏi cái thằng nhãi mũi hếch ấy rằng da đen thì có vấn
đề gì kia chứ.
“Có vấn đề gì?” William
the thé hỏi một cách chế giễu, “sao chứ, là thế đó,” nó tát vào một bên má
Sambo, “và thế đó!” nó tát vào má bên kia. Rồi nó hét lên “Ê! Ê!” và bỏ đi.
Vì thế, Sambo ngày càng
buồn hơn. Thế nhưng cho tới lúc đó nó chắc chắn rằng nó đã biết về việc khám
chữa bệnh và bốc thuốc không kém gì ông chủ của mình. Và nó đã đọc đi đọc lại
nhiều đến mức cuốn tự điển bị rách toang. Sau khi rửa sạch ba bậc thềm bước ra
phố, đánh bóng cái vòng gõ cửa và cái tay kéo chuông, dọn dẹp quét tước phòng
đợi và pha cà phê cho ông chủ, một trong những công việc hàng ngày của nó là
xếp những thư từ do người đưa thư mang tới vào một cái khay. Sau đó nó mang
những lá thư này cùng với cốc cà phê vào phòng ngủ của ông bác sĩ.
Một hôm, có một lá thư
trên ghi địa chỉ của ông chủ với nét chữ viết tay rất đẹp. Sambo chưa bao giờ
nhìn thấy những nét chữ mỏng manh và những nét cong thanh nhã đến thế. Ngoài
ra, lá thư còn tỏa ra một mùi nước hoa thơm ngát mũi. Nó đưa phong bì lên và cứ
ngửi mãi. Loài mèo thích mùi cây nữ lang thế nào thì nó cũng thích mùi thơm của
cái phong bì đó thế ấy. Nó ước gì lá thư đó là của riêng nó.
Dường như lúc đó con quỷ
Satan của Sambo ắt hẳn đã hiện diện ở đó, dù bản thân nó không thể tưởng tượng
được bằng cách nào Satan có thể rỗi hơi để cám dỗ một thằng bé da đen bé nhỏ
như nó. Sambo đưa mắt nhìn quanh. Nó không thấy một ai gần đó. Thế là thay vì
mang ngay lá thư tới cho ông chủ, Sambo cởi ba cái nút áo ra và nhét lá thư vào
bên dưới cái áo chế phục. Lá thư nằm ở đó suốt buổi sáng – một sự khó chịu nhất
mà nó từng trải qua. Chiều hôm đó, khi tới một bức tường cao bên dưới những cây
đoan rậm rạp, nó ngồi xuống bên cái giỏ dưới bóng râm, mở lá thư ra và bắt đầu
đánh vần.
Đầu tiên là là địa chỉ
của nơi gửi tới: Dốc Trắng, Núi Tuyết.
Và sau nửa giờ cố gắng một cách nhẫn nại, Sambo đọc được nội dung sau:
Cô Bleech cuối cùng của dòng họ gửi lời thăm tới bác sĩ
Grimble và muốn nói rằng hiện nay bà ấy là một phụ nữ rất già và đang nằm ốm
trên giường. Bà ấy buộc phải mời ông bác sĩ mang thuốc men tới và thăm bệnh cho
bà càng sớm càng tốt.
Sambo đánh vần lại cả lá
thư một lần nữa trong mười phút. Nó không hiểu vì sao lá thư này không bắt đầu
với chữ “Thưa ngài,” như tất cả những lá thư ít oi khác mà nó từng thấy mà lại
viết theo một cung cách lạ lùng: Cô
Bleech cuối cùng của dòng họ. Thế nhưng chính cái tên đó đã giúp cho nó
nhìn thấy bà cụ với đôi mắt trong tâm trí, cũng rõ ràng như bà ta đang nằm trên
cái giường ngay bên dưới những cây đoan trước mặt nó! Nét mặt bà ta hiện lên
những nụ cười nhân hậu nhất. Nhưng địa chỉ của bà ta còn khiến cho nó bị mê
hoặc nhiều hơn. Giống như một con rắn đang thôi miên một con chim hoàng yến.
Đột nhiên cái màu trắng tinh của băng giá hiện lên lấp lánh trong tâm hồn buồn
bã của nó với một ánh sáng chói chang mà nó hầu như không chịu đựng nổi. Giá mà
nó có cánh! Ở đây, đường phố thường tối tăm ảm đạm với mưa gió, còn ngôi nhà
của ông bác sĩ thì đúng là một chốn cư trú ảm đạm, và những gương mặt trắng của
mọi người mà nó nhìn thấy ít khi nhìn nó với lòng thiện cảm. Không hề có một sự
giúp đỡ hay hy vọng nào ở bất cứ nơi đâu để mang tới sự thay đổi mà nó khao
khát. Giá mà ông chủ nó cử nó đi chuyến này, bảo cho nó biết cần phải làm gì,
và sẽ mang theo những thứ thuốc men gì để thay thế cho ông ta!
Sambo biết rõ là điều này
không thể xảy ra. Lẽ ra nó nên gạt bỏ cái ý nghĩ đó ra khỏi đầu mình. Nhưng
ngay cả bên dưới những hàng cây đoan xanh ngắt con quỷ Satan mà nó sợ hãi hẳn
đã đứng bên cạnh nó. Nó nhét lá thư trở lại vào dưới áo, móc cái giỏ lên cánh
tay và hoàn tất chuyến giao thuốc. Nó đã quyết định sẽ không nói gì về lá thư
này. Nó sẽ tự gói ghém những thứ thuốc men. Khi đã tới nơi mà lá thư nói, nó sẽ
bảo với bà cụ đó, cô Bleech cuối cùng, rằng ông bác sĩ đã cử nó tới. Và chắc
chắn đó sẽ là nơi chấm dứt những nỗi khốn khổ của nó. Kế hoạch tội lỗi này đã
phát triển trong đầu nó nhanh như dây bầu của Jonah[1].
Sampo trở về nhà, đầu nóng bừng như lửa đốt với ý tưởng đó và chỉ chờ cho tới
khi ông bác sĩ đi thăm bà cô Clara của ông để thực hiện nó.
Sambo khốn khổ. Ông chủ
của nó đã không nói nhiều về những điều nó nên làm; và dù nó biết rằng mượn
tiền mà không trả lại là sai, nó không biết rằng việc đó gần như cũng xấu xa
như việc ăn cắp. Nó đã bị “bóng tối” giam giữ. Nhưng nó không biết rằng đường đi
tới Núi Tuyết rất xa, rằng nó phải tới đó bằng tàu hỏa, và nếu đi tàu hỏa thì
bạn phải ra nhà ga để mua một tấm vé. Giữa đêm hôm đó, khi ông bác sĩ đã xách
cái túi đen nhỏ rời khỏi nhà vào khoảng ba giờ chiều, nó len lén xuống nhà, mở
ngăn kéo của ông chủ nó ra, và lấy gần phân nửa số tiền đô la bạc giấy xanh
đựng trong cái hộp thiếc nhỏ bên trong đó. Nó đứng lắng nghe một lúc, đôi mắt
lồi của nó sáng lên trong ánh nến, đôi bàn tay của nó run rẩy. Nhưng không có
một âm thanh nào xuất hiện từ bóng đêm trống vắng.
Số tiền nằm an toàn trong
túi nó, nó lẻn lên một căn phòng nơi bà mẹ già của ông ta thường nằm ngủ lúc bà
còn sống. Lúc trước, đôi khi nó hay liếc nhìn vào đó với nỗi sợ nhìn thấy hồn
ma của bà cụ, và có lần với sự tò mò và trong ánh sáng ban ngày sáng sủa, nó đã
nhìn vào cái tủ ngăn đứng đối diện với cái giường. Với cây nến thắp sáng trong
tay và đôi chân trần, hàm răng trắng như ngà của nó va vào nhau lập cập, nó lẻn
vào căn phòng không một tiếng động, đen hơn cả một cái bóng. Nó mở cánh cửa tủ
ra. Trên mỗi cái móc treo bất động những bộ quần áo cũ của bà cụ – những tấm áo
choàng, khăn choàng và áo khoác; màu nâu và tím nhạt, hoa cà và tím thẫm; và
trên một cái móc là một cái áo lót nhỏ bằng vải satin, đáng yêu hơn tất cả với
một màu đỏ son đã phai, mà hẳn là khi còn trẻ bà cụ đã từng mặc nó. Sambo thở
hổn hển vì vui thích khi nhìn thấy những màu sắc, những thứ lụa là và gấm vóc
đó. Nó khẽ giơ ngón tay ra như để sờ vào chúng. Ông chủ nó, dù có tính tình
nóng nảy, lại rất yêu quý mẹ mình, và không thể chịu được việc chia tay với
những thứ quần áo của bà.
Trong số đó có một cái áo
choàng không tay làm bằng lông chồn. Đây là món quà mà ông bác sĩ tặng mẹ mình
vào ngày sinh nhật thứ bảy mươi của bà, và hẳn phải khá đắt tiền. Vì tình yêu
đối với con trai và niềm tự hào, sau đó bà luôn mặc nó khi ra ngoài vào ban đêm
để nghe nhạc hay ăn tối với bạn bè, dù điều này rất hiếm hoi.
Sambo cẩn thận đặt giá
nến lên cái bàn trang điểm nằm trước tấm gương lớn rồi đứng lên trên một cái
ghế để tháo cái áo choàng ra khỏi móc áo. Nó không chỉ lấy cái áo xuống mà còn
khoác nó lên người. Sau đó nó trèo lên một cái ghế đẩu và ngắm nghía chính mình
trong gương dưới ánh nến. Từ chiều sâu lặng lẽ của nó, tấm gương cho thấy cái
đầu tròn với mái tóc đen loăn xoăn, đôi mắt sẫm, hàm răng lấp lánh và đôi bàn
tay bé nhỏ của Sampo, còn từ cằm cho tới gót chân nó là lớp lông trắng mềm mại
óng ánh như bạc.
Sambo chưa bao giờ trông
thấy một vật kỳ diệu đến thế. Nó hầu như không thể ngăn nổi một tiếng thở dài
xúc động. Đây mới chính là cháu nội của một ông vua! Chỉ còn một rắc rối nhỏ
trong đầu nó – những chỏm lông đen. Và
lạ chưa, ngay trên cái bàn trang điểm là cây kéo may của bà cụ, với hai cái cán
bằng bạc và xà cừ, và hai mũi thép thon thon. Sambo ngồi xuống nền nhà, không
chú ý tới việc những giờ khắc của đêm khuya lạnh lẽo đang trôi qua như thế nào,
dùng kéo cắt bỏ mọi chỏm lông đen trên chiếc áo choàng. Nó gom chúng lại, bỏ
vào một cái hộp bìa cứng, cuộn cái choàng lại thành một bó, cầm lấy cây nến rồi
quay lại phòng của ông bác sĩ. Ở đó, vì cây nến đã chảy hết, nó thắp cái đèn
khí đốt rồi vặn nó nhỏ lại. Vì không thể mượn hết, nó lấy từ mỗi cái kệ mọi lọ
thuốc bột thứ ba và thứ bảy – vì cái đầu đen thui bé nhỏ của nó đang tối đi vì
những niềm mê tín – và nó cho một ít mỗi loại thuốc bột vào một số hộp đựng
thuốc viên. Nó chỉ lấy thuốc bột vì nó e rằng những chai thuốc có thể bị vỡ
trong chuyến hành trình dài. Bác sĩ Grimble bỏ những loại thuốc viên trong
những cái hộp có màu khác nhau, tùy theo mục đích của từng loại. Vì thế Sambo lấy
đi tất cả mười hộp, trong đó có hai hộp cùng màu, vì có năm cái kệ cả thảy. Nó
bỏ những hộp thuốc vào giỏ. Trong những hộp khác nó cho vào một số loại thuốc
mà nó thích, và nó không thể không lấy thêm một chai nước đường Nicey-Nicey, như cách ông bác sĩ gọi.
Với cái thứ nicey-nicey này, nó trộn vào các loại thuốc để làm cho chúng ngọt
hơn. Nó cũng bỏ vào giỏ một hai con dao nhỏ sáng loáng, vài cây kéo dài, một
cái ống nghe mỏng manh bằng gỗ, và một đôi kính gọng mai rùa màu sẫm. Thế là
xong.
Khi nó gói ghém xong cái
giỏ, ánh bình minh nhợt nhạt đã xuyên qua những khe hở của các cánh cửa sập.
Đôi má của nó gần như cũng nhợt nhạt như thế, dù nó không biết. Nó len lén đi
xuống thang. Cái giỏ ở một bên hông và một cái gói ở hông kia – bao gồm số
tiền, hai cái áo ngủ và hai cái khăn tay cũ. Nó ngồi xuống ăn sáng. Trời vẫn
còn rất sớm khi nó ăn xong cả phần điểm tâm của ông bác sĩ và của nó. Nó rời
khỏi nhà, len lén đi qua những hàng cây dương đang vi vu trong gió, rồi chạy
vụt đi. Đó là một việc làm tồi tệ, nhưng có lẽ nếu thằng nhóc người hầu của ông
nha sĩ nói cho nó biết là có vấn đề gì với nước da đen thì có lẽ nó không bao
giờ phải bỏ đi như thế.
Nhưng nó đã lên đường, và
trọn ngày hôm ấy, cho tới xế chiều, nó nằm nấp trong một cái máng cỏ chuồng
ngựa của mội ngôi nhà bỏ hoang mà nó đã chú ý tới trên những chuyến giao thuốc.
Khu vườn của ngôi nhà mọc um tùm những cỏ và đầy những lũ chim rối rít. Nó ngủ
được một chút, nhưng trong hầu hết thời gian đó nó ngồi với đôi tay lạnh ngắt
và cái miệng hé mở để lắng nghe một cách sợ hãi tiếng những con chó săn đang
đánh hơi, tiếng gọi của quỷ Satan, nhưng hơn tất cả là tiếng gọi của Núi Tuyết
mà nó chưa từng đặt chân tới. Có một lần duy nhất nó mạo hiểm rời khỏi nơi ẩn
nấp để xem có còn trái táo nào còn sót lại trên lớp cỏ hay không. Nó chẳng tìm
thấy trái nào và phải lên đường bụng đói.
Trong ánh hoàng hôn chạng
vạng, với cái giỏ và chiếc áo choàng lông chồn trên tay, nó len lén lên đường
tới nhà ga và hỏi mua một tấm vé tới nhà ga gần Núi Tuyết nhất.
“Ai cần nó?” Người bán vé
hỏi.
“Ông chủ tôi, thưa ông,”
Sambo nói.
“Nếu ông ấy cần một tấm
vé tới Núi Tuyết, sao ông ấy không nói thế?” Người đàn ông hỏi.
“Tôi không biết,” Sambo
đáp, và người đàn ông trao cho nó một tấm vé. Sambo không dám hỏi bất kỳ ai
khác một câu nào nữa, mà chỉ nhìn quanh cho tới khi nó trông thấy một cây sào
gỗ cao trên treo một tấm bảng chỉ đường. Trên tấm bảng này có một dòng chữ viết
bằng chì than: “Tới Núi Tuyết”. Nó chỉ tới một chiếc tàu hỏa – đang đậu trong
bóng tối ảm đạm của một đường tránh tàu.
Đó là một chiếc tàu hỏa trông có vẻ rất cũ kỹ, bạc màu, rệu rã.
Ở đây chẳng có một bóng
người nào cả, và cũng chẳng có dấu hiệu gì của bất cứ một ai, ngay cả người lái
tàu. Cuối cùng, khi Sambo rụt rè hỏi một hình dáng đang ngồi co ro trong bóng
tối chừng mấy giờ nữa con tàu sẽ khởi hành, chẳng có tiếng nào đáp lại, và nó
nhận ra nó đã hỏi một cái bao tải lớn đựng cám! Thế là nó trèo lên một trong
những toa tàu. Bên trong rất tối và hôi mốc. Nó nằm xuống một cái ghế gỗ, trùm
tấm áo choàng lên người và ngay sau đó ngủ thiếp đi.
Nó giật mình thức giấc
sau một cơn ác mộng, không biết mình đang ở đâu, và cho là đang có một trận
động đất. Khi quỳ gối lên và nhìn ra cửa sổ, nó nhận ra con tàu đang lắc lư
chạy dọc trên một con đường rất hẹp dưới ánh trăng, và ở hai bên đường chẳng có
gì ngoài những lớp băng tuyết trắng toát lấp lánh trải rộng. Cánh đồng hoang
đầy tuyết đóng băng đó chạy dài đến mút tầm mắt. Thật lạ lùng khi một con tàu
lại có thể lao nhanh về miền bắc đến như vậy. Nhưng vì Sambo ngủ, nó không biết
con tàu đã chạy bao lâu. Và chỉ một cái nhìn duy nhất vào ánh sáng rực rỡ của
tuyết cũng có tác dụng với nó hơn là việc giả sử nó nốc hết mọi loại thuốc của
ông bác sĩ, kể cả những thứ thuốc độc.
Con tàu tiếp tục rầm rập
chạy. Thậm chí Sambo có thể nghe thấy tiếng răng rắc của băng vỡ. Vầng trăng
vẫn sáng và lúc này tuyết lại bắt đầu rơi, nhưng rất thưa thớt. Sambo thò đầu
hết mức ra khỏi cánh cửa sổ hẹp để nhìn tới những toa tàu phía trước và phía
sau. Dường như cả hai đều trống rỗng. Thỉnh thoảng nó nhìn thấy một ngôi nhà,
nhưng luôn luôn đó là một ngôi nhà nhỏ xíu và ở rất xa. Có một lần con đường
ngoặt gắt đến nỗi thậm chí nó có thể trông thấy ánh lửa lập lòe trong đầu máy
và cái gì đó trông như một người da đen đang khom người ở đó, dù nó không thể
chắc. Và khi con tàu vẫn lướt vùn vụt, Sambo lại cảm thấy buồn ngủ do việc nhìn
mặt tuyết, nó nằm xuống cái ghế cứng trong cái áo choàng ấm áp và một lần nữa
ngủ thiếp đi.
Khi nó thức giấc, con tàu
đã dừng. Sambo nghe thấy có tiếng chuông kêu và nhìn ra cửa sổ. Trời đã sáng
rõ. Nó nhìn thấy một sân ga thấp ngập dưới lớp tuyết dầy và một cái kho để mở.
Trên cái kho nó đọc thấy hàng chữ: “Núi Tuyết. Chuyển tàu!” Gần như nó chỉ có
đủ thời gian để vơ lấy cái giỏ, gói đồ và cái áo choàng và nhảy xuống trước một
tiếng còi dài buồn thảm từ đầu máy, và trong khoảnh khắc con tàu đã chạy vụt
đi.
Tuy nhiên, vẫn chẳng có
một bóng người nào cả. Vì thấy lạnh, Sambo mặc áo choàng vào, treo cái giỏ lên
cánh tay, cầm gói đồ và đi tới cánh cổng xoay của nhà ga. Một ông lão có bộ râu
cằm đang đứng đó với một cái đèn lồng đang cháy trong tay, dù mặt trời đã lên.
Sau khi đưa vé, Sambo hỏi ông ta cô Bleech sống ở đâu. “Tên của chỗ đó là Dốc Trắng,” nó nói.
“Cậu đi theo con đường
đó,” ông lão lầm bầm, chỉ tới một con đường hẹp quanh co ở bên ngoài nhà ga,
“cho tới khi bắt đầu lên dốc. Cứ lên dốc mãi theo những hàng cây.”
Sambo cám ơn ông ta rồi
cất bước. Dù đã ngủ một giấc dài trên tàu, đôi chân của nó đau nhói và nó thấy
rất mệt. Cái giỏ ngày càng nặng, cái áo choàng ngày càng nóng và con đường ngày
càng dốc. Mặt trời rọi nắng xuống mặt tuyết trắng làm đôi mắt nó hoa lên. Từ
nhiều giờ trước, nó không còn đếm xuể những cây thông bên đường. Thậm chí nó
không thể đoán nó đã lê chân được bao nhiêu dặm qua mặt tuyết khi một cái dốc đứng
của dãy đồi đột ngột hiện ra và nó vui mừng nhìn thấy cái mà nó chắc chắn phải
là Dốc Trắng. Vì đó là ngôi nhà lạ lùng nhất trên đời. Những mái nhà rộng và
hẹp, dốc cao và thoai thoải phủ đầy tuyết sáng lấp lánh bên trên những bức
tường và cửa sổ. Đó không phải là một ngôi nhà mà là một tòa dinh thự lớn.
Sambo trèo lên những ngọn đồi hiu quạnh, đi theo những hàng thông đánh dấu con
đường mòn hẹp, cuối cùng đây là nơi mà nó đã mong mỏi tới. Kế tiếp nó sẽ làm gì
nữa?
Trước khi lên đường nó nghĩ
nó sẽ bảo bà cụ rằng ông chủ đã cử nó tới. “Ông bác sĩ bị ốm và ông ấy nói: cử
Sambo tới.” Nó sẽ nói như thế. Rồi sau đó nó sẽ trộn một chút thuốc bột từ mỗi
cái hộp màu với một ít nicey-nicey và chút nước, và sẽ cho bà ta uống mỗi ngày
một muỗng cà phê. Bây giờ nó đã thuộc nằm lòng từng loại thuốc. Và dù chúng
chẳng có ích gì đối với niềm mong mỏi của nó, chúng cũng chẳng gây chút tổn hại
nào.
Nó cảm thấy chắc chắn là
bà cụ sẽ cho phép nó ở lại đó chừng nào các thứ thuốc vẫn còn. Khi bà ta khoẻ
lại, có lẽ nó sẽ hỏi xin làm người giúp việc cho bà ta. Điều đó thật tuyệt vời!
Sambo tội nghiệp cảm thấy chắc chắn là nếu nó có thể ở lại đủ lâu trong tòa
dinh thự trắng lóng lánh giữa những ngọn núi, giữa màu tuyết sáng chói bất tận
đó, chắc chắn là nước da đen của nó sẽ dần dần biến mất. Không phải là những
màn che cửa của ông chủ nó, dù ở đó ánh mặt trời không mạnh mẽ và sáng chói như
thế này, đã biến từ màu xanh trời thành màu trắng bạc phếch đó sao?
Một cơn gió nhẹ thở dài
trong không trung. Nhẹ đến nỗi hầu như không làm động đậy những lớp tuyết lóng
lánh dưới chân Sambo. Nó rùng mình. Và những ý nghĩ của nó trở nên u ám hơn.
Giả sử khi nó xuất hiện trước giường, bà cụ không tin là ông chủ nó đã cử nó
tới thì sao? Giả sử bà ta dò hỏi nó và phát hiện ra rằng nó đã lấy trộm những
thứ thuốc; rằng nó là một thằng bé da đen dối trá thì sao?
Một lần nữa, nó nhìn ngôi
nhà lạ lùng đang nhô cao một cách cô quạnh dưới bầu trời xanh thẳm giữa những
dốc núi chập chùng. Nó tưởng như từ khoảng cách đó nó có thể nhìn thấy những
hành dáng sống động đang di chuyển trước sân, dù nó không thể biết chúng là gì.
Nếu vậy thì sao? Nó lại tự hỏi mình và bắt đầu thấy sợ hãi. Và dù bản thân nó
không thể tin rằng quỷ Satan sẽ không dám liều lĩnh tới một nơi đầy ánh sáng và
an bình như thế này, một ý nghĩ thậm chí còn xấu xa hơn đang len lỏi trong đầu
nó. Tại sao nó không giả làm chính ông chủ nó, giả làm ông bác sĩ? Trong lá thư
không có một lời nào nói rằng cô Bleech cuối cùng biết ông chủ nó. Không một
lời nào cả. Có lẽ vì thế mà bà ta đã không bắt đầu lá thư với từ “thân mến”. Có
lẽ nếu nó chỉ cho bà ta uống phân nửa số liều thuốc mà nó dự định lúc đầu, bà
sẽ khoẻ lại chậm hơn phân nửa thời gian. Khi đó nó có thể ở lại mãi, không bao
giờ quay về nữa. Không, không bao giờ.
Trong lúc nó đang ngồi đó
với ý nghĩ này trong đầu, ở mé bên dưới nó đột nhiên hiện ra một con thỏ rừng
trắng, với đôi mắt như than cháy. Ít nhất Sambo cũng nghĩ rằng đó là một con
thỏ, dù nó to hơn bất kỳ con thỏ nào mà Sambo từng thấy trước đó. Nó đứng bất
động như một cái cột trên mặt tuyết và nhìn chòng chọc vào Sambo khoảng một
phút, không hề có vẻ dữ tợn nhưng vì đôi mắt nó sáng lóng lánh.
Thế rồi, như thể đã chắc
chắn rằng Sambo không có ý làm hại nó, nó phát ra một tiếng kêu nho nhỏ gần như
là một tiếng cười và cào hai chân sau lên mặt tuyết thật nhanh. Những sinh vật
khác giống nó đáp lại. Và chẳng bao lâu cả một khoảng rộng bên dưới Sambo – đó
là một cái hồ đóng băng vây quanh bởi những thân cây phủ tuyết – đã đầy những
thỏ rừng. Hàng mấy trăm con thỏ rừng to nhỏ đủ cỡ. Chúng chẳng để ý tới Sambo
chút nào như thể nó cũng trắng toát như chúng. Có lẽ, Sambo nghĩ, chúng không
chú ý tới đôi bàn tay hay gương mặt nó. Nhưng bà cụ thì sẽ chú ý. Khi thấy nó
đen, bà ta không chỉ không tin rằng nó là một bác sĩ mà còn có thể run lên với
sự khinh bỉ và căm ghét. Nếu vậy thì sao?
Nó mệt và đói tới mức
không thể suy nghĩ thêm được nữa. Vì thế, nó khoác cái giỏ vào cánh tay rồi lên
đường, và một lúc sau tới phía sân sau của ngôi nhà. Ngoài những bóng râm trên
mái và tường, toàn bộ ngôi nhà trắng toát. Đây đó là nhiều căn nhà phụ nhỏ xíu
như những cái tổ ong phủ tuyết, và dường như tất cả đều vừa mới quét vôi trắng.
Sambo nhìn quanh và trông thấy ở một góc nhà có một cái chậu lớn như để hứng
nước mưa. Nó len lén tới gần và nhón chân nhìn vào. Cái chậu đầy phân nửa một
chất lỏng dầy màu trắng, giống như nước vôi. Nó đu cả người lên và khom xuống,
đập vỡ lớp băng mỏng trên bề mặt rồi nhúng đầu ngón tay vào đó. Nó trở thành
trắng như sữa. Nếu đầu ngón tay mà như thế, thì sao cả thân hình của nó lại
không thể như thế? Chắc chắn đây là điểm kết thúc mọi bất hạnh của nó!
Nó không ngần ngừ thêm
nữa. Nó cởi chiếc áo choàng lông, cái áo chế phục nút bạc, sơ mi, giày, mọi thứ
trên người ra. Rồi trần truồng và run bắn người vì lạnh, nó đu lên cái chậu,
buông người xuống, và nhúng ba lần từ đầu đến chân vào cái lòng nước màu kem
lạnh như băng – mặt, tay, mái tóc xoan và tất cả. Khi đã ra khỏi chậu an toàn,
nó chạy quanh cho tới khi khô ráo hoàn toàn rồi mặc lại quần áo. Dường như
không có ai nghe thấy tiếng quẫy nước của nó; không có ai nhìn thấy nó. Nhưng
khi đang móc cái khóa cổ bạc của chiếc áo choàng, nó nghe thấy một tiếng động
nhỏ. Một con nai xinh xắn đang đứng trên mặt tuyết nhìn nó. Con nai không có
sừng và cũng trắng toát như nó và cũng không lùi lại hay vội vã bỏ chạy khi nó
tới gần. Nó đưa bàn tay nhuộm trắng ra vuốt nhẹ cái đầu xinh đẹp của con nai.
Và nhờ sự thân thiện của con nai, nó không còn sợ nữa. Nó đi vòng ra phía trước
ngôi nhà, bước lên thềm và nghiêm trang gõ vào cánh cửa lớn.
Người quản gia mở cửa.
Sambo đoán ông ta là quản gia vì nó đã từng thấy nhiều người quản gia. Nhưng nó
chưa thấy người nào già nua và kỳ lạ đến thế. Bên ngoài cái áo gi-lê là cái áo
đuôi tôm sạch bóng gần như quét lên nền nhà. Mũi ông ta còn rộng hơn và bẹp hơn
mũi nó, đôi môi cũng dầy và mái tóc cũng xoăn không kém môi và tóc nó, chỉ trừ
gương mặt của ông ta, ông ta có nước da trắng. Ông ta có vẻ buồn bã và thận
trọng. Và dù đôi môi của Sambo cứng lại, phần vì lớp vôi và phần vì nó đang nói
dối, Sambo nói cho ông ta biết nó là ai. Rồi nó hỏi ông ta bà chủ của ông ta ra
sao, và có đủ khỏe để gặp bác sĩ hay không.
“Ồ, thưa ông,” người quản
gia già đáp, đôi tay giơ lên trong nỗi đau khổ, “ngày càng tệ hơn!” Và không
nói thêm lời nào nữa, ông ta dẫn Sambo đi lên một thang lầu rộng màu trắng, dọc
theo một hành lang có những cánh cửa sổ trông ra dãy núi. Rồi ông ta gõ vào một
cánh cửa.
Khi Sambo nhìn thấy cô
Bleech cuối cùng trên cái giường lớn, với cái đầu bạc trắng trên gối và đôi mắt
xanh nhìn đăm đăm vào cánh cửa sổ trước mặt bà ta, nó biết bà không còn sống
lâu trên cõi đời này nữa. Nó trầm ngâm suy nghĩ. Có vẻ bà phải đến chín mươi
tám nếu không phải là chín mươi chín tuổi. Giọng của bà nhỏ và trầm đến nỗi nó
hầu như không nghe được những gì bà nói với nó. Nhưng khi người quản gia nói
cho bà biết người khách này là ai, bà mỉm cười với Sambo. Bà rất vui được gặp
nó, dù bà chỉ có thể lờ mờ nhìn thấy nó. Tuy nhiên, không mờ đến mức đây không
chỉ là người bác sĩ trắng nhất từng đến chữa bệnh cho bà mà còn là người trắng
nhất trong tất cả mọi người. Tất cả các bác sĩ khác của bà, dù bà ít khi cần
tới họ từ khi còn bé, đều mặc những bộ áo khoác đen nghiêm trang để phù hợp với
mũ và quần của họ; và bà không ưa màu đen nhất trong tất cả mọi thứ trên đời.
Hay nói đúng hơn, bà thích nhất màu trắng; dù lúc đó Sambo không biết điều này.
Nhưng trước tiên bà chỉ
nghĩ tới sự tiện nghi của nó. Bà lệnh cho người quản gia chỉ cho nó phòng của
nó. Căn phòng đã được chuẩn bị để đón tiếp vị khách mà bà rất mong mỏi được
gặp, và nó nằm kế bên phòng bà. Bà bảo Sambo khi nó đứng đó – bé nhỏ - ánh mắt
chăm chú và bất động ở chân giường – rằng bà biết chuyến hành trình của nó lạnh
và mệt mỏi thế nào. Bà bảo rằng bà sẽ không làm phiền nó lâu lắm. Hy vọng duy
nhất của bà là nó có thể ở lại với bà càng lâu càng tốt.
Do thường nhại lại lời
nói và cung cách của chủ nó, giờ đây Sambo cố hết sức bắt chước theo chúng. Nó
bảo bà cụ rằng nó nghĩ trông bà đã khá hơn chút ít, và rằng nó sẽ cố hết sức để
giúp bà khoẻ lại. Miễn trong người còn hơi thở, nó nói, là còn có hy vọng.
“Chăm sóc, thuốc men và ngủ,” nó nói, giơ một ngón tay lên. Nhưng nó quay đôi
kính khỏi ánh sáng từ cửa sổ trong lúc nói vì sợ rằng bà có thể nhìn kỹ vào
gương mặt nhúng vôi của nó và biết rằng nó đang lừa bịp.
Khi còn lại một mình trong
căn phòng cao đã được chuẩn bị sẵn, nó nhìn quanh vào cái giường cao treo màn
nhung trắng, cái ghế sofa, tấm thảm – dầy và sâu như một lớp rêu, nhưng lại
trắng như tuyết. Nó ngồi lên một cái ghế đẩy và khóc òa. Nó còn trẻ, nó cô độc,
nó mệt mỏi; nhưng chính hành vi xấu xa của nó là gánh nặng nặng trĩu nhất. Tuy
nhiên, nó chỉ khóc trong giây lát, rồi vội vã tới trước tấm gương to trước bàn
trang điểm để xem nước mắt nó có để lại dấu trên mặt hay không. Không; nó đã
nhúng sâu vào nước vôi, và không có một vết ố nào. Thật sự, khi nhìn vào chính
nó lần đầu – gương mặt trắng bệch như giấy, đôi bàn tay trắng, một chú lùn
trong chiếc áo lông chồn – nó kinh hoàng. Như thể nó đã gặp hồn ma của chính
nó. Rồi nó thở dài. Thậm chí nó còn trắng hơn cả ông chủ nó! Nó nới lỏng cái
móc khóa ở cổ, quay lại nhìn ra cửa sổ.
Bên dưới nó ngọn núi trải
rộng những tầng tuyết trắng tới cái thung lũng xa xa dưới kia. Những hàng cây
và bụi rậm phủ đầy tuyết và đang lấp lánh trong ánh hoàng hôn hiện ra trước đôi
mắt ngạc nhiên của nó. Tiếng kêu ngọt ngào nhưng buồn thảm của những con chim
mỏ nhát mùa đông đang bay qua không gian lặng gió vọng tới tai nó. Và bên dưới
chúng là những sinh vật lạ rải rác mà nó chưa từng nhìn thấy hay biết tên. Một
số có gạc, một số nhỏ bé và nhanh nhẹn, và tất cả đều có một màu lông nhạt đến
mức hầu như khó mà nhìn thấy chúng trên mặt tuyết. và dù cảnh tượng nhìn ra từ
cửa sổ bao la như thế, những con vật rải rác xa như thế, chúng có vẻ như rất an
bình với nhau. Không có một tiếng gọi Nè
chế nhạo, không có một tiếng kêu đau đớn hay phẫn nộ nào xuyên qua bầu không
khí. Như thể khi đang nhìn ra những dãy núi tuyết và thung lũng êm đềm và sáng
chói bên dưới bầu trời xanh đó, Sambo đã được đưa tới một nơi gọi là Không nơi nào cả. Và trong một lúc nó
quên rằng nó có nước da đen.
Nhiều ngày sau đó nó chăm
sóc bà cụ, cho thật ít thuốc bột và thật nhiều chất ngọt vào những lọ thuốc đến
nỗi bà cụ thấy thích thú khi uống thuốc, thậm chí còn nhấm nháp thay vì uống ực
một lần. Sambo thường ngồi nhiều giờ bên giường của bà, thỉnh thoảng lại chạm
vào tay bà với những ngón tay nhuộm trắng thô kệch của nó, không phải để xem bà
có sốt không mà chỉ để an ủi bà, và chứng tỏ rằng nó đang ở đó. Và nó càng ở
lâu với bà, bà càng cảm thấy dễ chịu và an ủi với tình bạn của nó, còn nó thì
ngày càng buồn hơn: trước hết, với ý nghĩ rằng giờ đây bà đã quá già để có thể
trẻ lại, và thứ hai là nó đang lừa dối bà. Và nó cố hết sức, và dù nó thường
nằm thao thức nhiều giờ để suy ngẫm về điều này, nó không thể tìm ra lời để nói
với bà cụ, người mà giờ đây nó rất đỗi yêu mến. Nó đang nằm trong một tấm lưới
dối trá đáng sợ biết bao.
Có lần khi màu đen bắt
đầu lờ mờ hiện ra dưới lớp nước vôi, nó phải lẻn ra mé nhà ngoài để khoác lại
lớp da mới. và dù lần này cơn lạnh đột ngột khiến nó mắc phải chứng ho khan,
may mắn là nó đã mang theo trong giỏ một gói thuốc bột trị ho, và do bệnh nhân
của nó không cần thứ thuốc này, nó tự sử dụng cho chính mình.
Khi chứng ho đã bớt, đôi
khi nó hát cho bà cụ nghe với cái giọng the thé những bài hát của dân tộc nó mà
khi còn bé nó từng nghe. Trong số những bài bà cụ và chính nó thích nhất là
khúc bi ca “Đừng ngủ nữa, hỡi người yêu!”
Và khi nó hát bài này, đôi mắt đen của nó thường bắt gặp đôi mắt xanh trời nhạt
của bạn nó, và như thể nhờ giai điệu đơn giản của khúc nhạc họ đã chia sẻ với
nhau một bí ẩn không thể thấu hiểu được.
Đừng ngủ nữa hỡi người yêu
Thôi đừng ngủ nữa buổi chiều hôm
nay!
Chúng ta sẽ hát một bài
Cho quê nhà cũ giờ vời vợi xa…
Và rồi, để vui hơn, Sambo
thường hát bài ca rộn rã “Sáng lên, sáng
lên đi trăng ơi!” hay bài “Trong buổi
sớm mai” dù những lời ca đó khiến ký ức nó quay về với ông chủ nó trong
khoảnh khắc, và giọng nó run lên:
Tôi vẫn hay chờ lúc trẻ trung
Trên bàn ăn sáng mỗi bình minh
Để chuyền chai rượu khi ông khát
Và để xua con ruồi tham ăn…
Cuối cùng, một buổi chiều
nọ, sau một lúc lâu im lặng, khi nó đang ngồi trên cái ghế đẩu quen thuộc bên
cái giường lớn, nó hỏi bà cụ rằng bà có để ý tới những sự vật trông có vẻ như cái mà chúng thật sự
không phải là thế hay không. Và nó quay
toàn bộ gương mặt về phía ánh sáng khi nói điều đó.
“Vì sao chứ, nhưng không,
bác sĩ thân mến tốt bụng của tôi,” bà cụ đáp. “Điều quan trọng nhất không phải
là việc những sự vật trông như thế nào, mà là chúng là cái gì.” Khi bà còn trẻ,
bà nói tiếp – như thể bà đang đọc những ý nghĩ của nó mà không hề hay biết –
trước kia, khi bà còn trẻ, bà đã yêu những màu sắc – mọi màu sắc mơ hồ nhất có
thể nhìn thấy ở những dải cầu vồng; dù tất nhiên có một số trong đó là những
màu mà bà ưa thích hơn. Nhưng tất cả mọi màu sắc, cha bà giải thích với bà,
thậm chí khi bà còn là một cô bé gái với những bím tóc ngắn ngủn đong đưa quanh
đầu, đều nằm ẩn bên trong màu trắng. “Màu trắng,” cha bà đã nói với bà “không
phải là một màu; nó là tất cả các màu.” Bà không bao giờ quên điều đó. Và càng
sống lâu, bà nói với Sambo, bà càng trở nên yêu thích màu trắng: những cây hoa
giọt tuyết, những cây cỏ chân ngỗng, những cây bìm bìm; sương sớm trước lúc mặt
trời lên; sương muối, bọt nước, bụi nước của biển. Vì thế cuối cùng bà đã đến
sống ở vùng núi này nơi tuyết phủ hầu như quanh năm, và mọi sinh vật đều chia
sẻ sự diệu kỳ của nó.
“Hãy nghe xem, bác sĩ, có
phải tôi đã nghe thấy tiếng hót của những con chim hay không? Hãy nhìn ra
ngoài, vào những đôi cánh ánh sáng của chúng!”
Sambo ngẩng cái đầu nặng
trĩu của nó lên và nhìn ra cửa sổ. Nhưng hẳn là lũ chim chỉ có trong tâm trí
của bà cụ. Không có một bóng chim nào trên trời cả.
Thế rồi nó hỏi bà có bao
giờ bà du lịch tới vùng đất của người da đen, quê hương của họ. Nó khẩn khoản
hỏi bà, “Có phải sinh ra như thế là một điều đáng sợ hay không? Với nước da
đen?”
“Sao vậy, không, bác sĩ
thân mến ạ,” bà nôn nóng cam đoan với nó. “Với tôi thì không bao giờ. Đó cũng
lại là điều mà cha tôi đã nói với tôi. Màu trắng trả lại tất cả mọi màu; màu đen
tiếp nhận chúng. Màu đen, đó là cái nằm ở giữa mọi con mắt của loài người, cha
tôi thường nói thế. Ngoài ra mọi vật trên đời này đều cho đi và tiếp nhận. Ngay
cả một trái táo treo trên cành cũng là vì những hạt của nó. Một người da đen có
tâm hồn trong sạch và có trái tim nhân ái thật sự còn trắng hơn bất kỳ những
tâm hồn u ám nào.” Và bà mỉm cười với chính mình sau khi nói ra bài thuyết
giảng nhỏ bé này với một người hiểu biết như ông bác sĩ; nhưng bà đã nhận ra
rằng Sambo đang có điều gì đó vướng bận trong tâm trí.
“Chao ôi,” Sambo nói với
một giọng buồn thảm. “Và điều đen tối nhất trong mọi điều, đó là một lời nói
dối!” Rồi nó vội vã rời khỏi phòng.
Thật lạ lùng khi một
người trẻ tuổi và còn chút ít máu hoàng tộc trong người như nó lại có thể khóc
như thế khi nghĩ tới một lời nói dối. Nhưng nó đã khóc.
Đêm đó, sau khi cho bà cụ
uống thuốc, và thứ thuốc đó chỉ toàn là nicey-nicey, vì thuốc bột đã hết cả
rồi, thấy bà đã yên ổn trên giường, nó thắp cây nến sáp trong cái giá nến cạnh
giường, chúc bà ngủ ngon rồi trở về phòng mình.
Bên dưới giường có một
cái bồn tắm nông bằng thiếc màu trắng. Nó kéo cái bồn ra trước bàn trang điểm
và đổ nước lạnh từ bình vào đó. Chỉ tới không đầy ba phân nước trong cái bồn,
còn trên người nó lại có tới ba lớp nước vôi dầy. Vì thế nó phải mất thời gian
khá lâu để chùi rửa kỳ cọ để biến thành đen trở lại. Khi xong xuôi và lau chùi
khô ráo, nó nằm trên chiếc sofa nghỉ một lúc, vì nó muốn thức dậy vào lúc bình
minh. Khi đó nó sẽ nói với bà cụ mọi chuyện về nó. Nó chỉ sợ một nỗi là điều đó
có thể làm cho sức khoẻ của bà xấu đi.
Nhưng sáng hôm sau, cô
Bleech cuối cùng không thể trở nên tệ hơn được nữa, vì khi Sambo bước vào phòng
bà trong ánh bình minh, bà đã qua đời.
Nó đứng ở chân giường,
nhìn đăm đăm vào gương mặt bình an trên cái gối, vào đôi tay giống như chân
chim trên lớp khăn phủ giường. Và nó gật cái đầu tóc xoăn trong niềm đau khổ,
như thể muốn nói: “Đã muộn rồi!” Cuối cùng, nó len lén tới gần hơn và đánh bạo
đưa những ngón tay đen đủi ra sờ bàn tay lạnh như băng của bà cụ.
“Phu nhân ơi, Sambo đây,”
nó thì thầm.
Nhưng trong đôi mắt nhắm
nghiền của người bạn già của nó không có dấu hiệu nào chứng tỏ bà đã nghe thấy
nó. Và khi đứng đó trong nỗi đớn đau, nó nhìn thấy một mảnh giấy gấp đôi đặt
cạnh giá nến. Trên đó là dòng chữ “Những ý nguyện cuối cùng của tôi và bên cạnh
là một phong bì dài có gắn niêm phong. Sambo mang mảnh giấy tới bên cửa sổ, và dù chữ viết rất ngoằn ngoèo và
run rẩy, nó đã quen với nét chữ đó từ lúc ngồi bên dưới bóng những cây đoan, và
trong vài phút nó đã đọc xong thông điệp bên trong.
“Bác sĩ, và hơn thế nhiều, bạn thân mến của tôi, với lòng
nhân hậu và tốt bụng mà cậu dành cho tôi, vượt khỏi bất kỳ thứ thuốc men nào,
tôi muốn để lại cho cậu tất cả những gì tôi có. Cậu sẽ thấy rằng người quản gia
và những người giúp việc khác của tôi không bao giờ muốn chúng. Hãy chăm sóc lũ
thú vật, và đừng bao giờ mặc bất kỳ thứ gì ngoài màu trắng vì tôi. Cầu Trời phù
hộ cậu. Emily Bleech.”
Sambo đọc đi đọc lại, rồi
đặt nó lại vào chỗ cũ. Nỗi đau và tình thương mến của nó hầu như lớn hơn sức
chịu đựng của nó, nhưng có một điều duy nhất mà nó có thể thực hiện. Sau khi đổ
nước trong cái bồn tắm ra cửa sổ, nó vội vã đi xuống lầu. Không có một bóng
người nào cả. Như thể những khách lạ ban đêm vừa mới rời khỏi những căn nhà phụ
một giây lát trước đó, trả lại sự quạnh vắng hàng ngày của chúng. Sambo nhúng
ba lần từ đầu đến chân trong cái chậu lớn và bước ra, trắng như một viên phấn.
Nó đã làm điều mà bạn nó muốn nó làm.
Sau vài ngày, khi trái
tim Sambo đã bớt khốn khổ hơn, nó thực hiện vài điều mà nó muốn cho chính nó.
Khi bỏ trốn khỏi nhà ông chủ, nó không nghĩ gì tới tiền ngoại trừ món tiền đã
giúp nó tới được Núi Tuyết. Nó chỉ cần có thời gian để trở nên trắng hơn. Và
bây giờ thời gian trải dài trước mặt nó như cát trên sa mạc hay mặt biển mênh
mông. Và nó nghĩ lại những gì đã qua. Nó gói một số tiền, gấp đôi số mà nó đã
mượn của ông bác sĩ, một tấm chi phiếu với nhiều con số không để trả cho cái áo
choàng lông và mấy trăm đô cho số thuốc bị mất. Nó bí mật gửi cái gói này cho
ông bác sĩ, trong có ghi Người gửi: Sambo
nhưng không ghi địa chỉ. Đồng thời nó cũng gửi năm mươi đô cho tiệm kẹo nổi
tiếng nhất trong thị trấn của ông bác sĩ, bảo họ giao cho thằng bé người hầu
của ông nha sĩ một thùng lớn đường cây thích, một thùng chà là, một hộp bánh
làm từ mật đường rất ngon gọi là bánh nhồi kem, và một hộp đựng thứ gừng ngon
nhất của Trung Quốc.
Nói cho cùng, Sambo nghĩ,
hẳn nó sẽ không bao giờ đến Núi Tuyết nếu không vì thằng nhãi hay gào thét đó,
và từ món quà này nó sẽ biết rằng Sambo đã rời khỏi thị trấn. Còn về phần người
quản gia già và những người hầu khác, họ không bao giờ hy vọng có một ông chủ
tốt bụng hơn. “Cậu ấy là người tốt nhất trong số các ông chủ.”
Thế nhưng vào năm sau đó,
trong lúc đang sống yên bình trong tòa dinh thự trên Núi Tuyết, nó nhìn ra cửa
sổ – một việc mà nó chưa bao giờ thấy chán – một niềm khao khát kỳ lạ thỉnh
thoảng len vào tâm trí nó. Và nó sợ rằng quỷ Satan lại đang ở gần bên nó. Khi
nghĩ tới điều này nó len lén nhìn vào tấm gương, và đối diện với nó, trên gương
mặt trắng lốm đốm là đôi mắt bất động và đen như đá bazan. “Ôi dù chỉ một lúc
thôi,” một giọng nói kêu lên từ bên trong nó, như thể từ nơi thầm kín nhất của
con người nó. “Ôi, dù chỉ một lúc thôi, để được đen trở lại!” Và luôn luôn, để
dập tắt giọng nói đó, Sambo thường hái một vài đóa hoa tuyết và tới đặt chúng
lên mộ người bạn già của nó. Nó thường đứng ở đó một lúc, lẻ loi một mình trong
thung lũng, nhìn lên những dãy đồi yên tĩnh, rồi sau khi chậm rãi và nghiêm
trang lắc lắc cái đầu nhuộm nước vôi, nó quay trở về nhà, lòng nhẹ nhõm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét