Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI (Chương cuối Phần I)

Nguyễn Thành Nhân dịch






CHƯƠNG XXIII


          Giá tôi có thể làm cho bản phác họa này trở nên phong phú với tên của tất cả những ai đã chăm lo cho niềm hạnh phúc của tôi! Có thể tìm thấy một vài người trong số họ được viết tới trong văn học và rất thân thương đối với quả tim của nhiều người, trong lúc những người khác hoàn toàn vô danh với hầu hết các độc giả của tôi. Nhưng ảnh hưởng của họ, dù nó nằm ngoài danh vọng, sẽ sống bất tử trong những cuộc đời đã được nó làm cho trở nên ngọt ngào và cao cả. Đó là những ngày đáng nhớ trong cuộc đời chúng tôi khi chúng tôi gặp những người khiến tim chúng tôi rộn rịp như một bài thơ hay, những người mà cái bắt tay của họ chứa chan niềm cảm thông không thốt thành lời, và bản tính ngọt ngào, phong phú của họ lan truyền cho tinh thần nôn nóng, háo hức của chúng tôi một sự nghỉ ngơi tuyệt diệu mà về bản chất đầy tính thiêng liêng. Những rắc rối, những bực dọc và những lo âu đã thấm đẫm chúng tôi trôi qua như những giấc mộng không vui, và chúng tôi thức giấc để nhìn với đôi mắt mới, nghe với đôi tai mới vẻ đẹp và bản hòa âm của thế giới thật sự của Thượng đế. Những điều vặt vãnh phủ đầy cuộc sống hàng ngày của chúng tôi đột nhiên nở bừng thành những khả năng rực rỡ. Nói tóm một từ, trong lúc những người bạn ấy ở gần bên, chúng tôi cảm thấy tất cả đều tốt đẹp. Có lẽ chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy họ trước đó, và có thể họ sẽ không bao giờ băng qua con đường của cuộc đời chúng tôi lần nữa; nhưng ảnh hưởng của bản tính điềm tĩnh, dịu hiền của họ là một cốc rượu rưới lên sự bất mãn của chúng tôi, và chúng tôi cảm nhận được cái va chạm chữa lành vết thương của nó, như đại dương cảm thấy dòng suối từ trên núi làm tươi mới lại lòng biển mặn của nó.

          Người ta thường hỏi tôi: “Mọi người có làm cho cô thấy chán không?” Tôi không hoàn toàn hiểu câu đó có nghĩa là gì. Tôi cho rằng những cuộc thăm viếng của những kẻ ngốc nghếch và kỳ quặc, nhất là các phóng viên báo chí, luôn luôn không thích hợp. Tôi cũng không ưa những người cố nói dưới tầm hiểu biết của tôi. Họ giống như những người khi đi bộ với bạn cứ cố làm ngắn lại bước chân của họ để phù hợp với bạn; sự đạo đức giả trong cả hai trường hợp đó đều khiến người ta cáu tiết như nhau.

          Bàn tay của những người tôi gặp có tính hùng biện không lời đối với tôi. Cái chạm của một số bàn tay là một sự xấc láo. Tôi đã gặp những người trống vắng niềm vui đến độ khi nắm lấy những đầu ngón tay lãnh đạm của họ dường như tôi đang bắt tay với một cơn bão đông bắc. Số khác là những người có đôi bàn tay tràn những tia nắng mặt trời, khiến cái xiết tay của họ làm ấm tim tôi. Nó có thể chỉ là một cái chạm qua của một bàn tay trẻ con; nhưng với tôi trong đó có nhiều ánh nắng ngang với một cái nhìn yêu mến đối với những người khác. Một cái bắt tay nồng ấm hay một lá thư thân thiện mang tới cho tôi một niềm vui đích thực.

          Tôi có nhiều người bạn ở xa mà tôi chưa hề gặp mặt. Thật sự họ đông đến nỗi tôi thường không thể hồi âm cho thư của họ; nhưng tôi muốn nói ở đây rằng tôi luôn biết ơn những lời tốt bụng của họ, dù tôi ghi nhận công ơn của họ một cách thiếu sót thế nào.

          Tôi xem một trong những đặc ân ngọt ngào nhất đời tôi là quen biết và trò chuyện với nhiều tài năng. Chỉ những ai biết Giám mục Brooks mới có thể đánh giá niềm vui mà tình bạn của ông mang tới cho những ai sở hữu nó. Hồi còn bé tôi thích ngồi trên đầu gối của ông và nắm chặt bàn tay to lớn của ông với một bàn tay của tôi, trong lúc cô Sullivan viết vào bàn tay kia những lời đẹp đẽ của ông về Thượng đế và thế giới tinh thần. Tôi nghe ông với sự kinh ngạc và vui sướng của một đứa bé. Linh hồn tôi không thể với tới linh hồn ông, nhưng ông cho tôi một cảm giác thật sự vui sướng trong đời, và tôi không bao giờ rời khỏi ông mà không mang theo một ý nghĩ tốt đẹp mọc lên từ vẻ đẹp và độ sâu của ý nghĩa khi tôi lớn lên. Có lần, khi tôi rối trí không biết vì sao lại có quá nhiều tôn giáo, ông nói: “Chỉ có một tôn giáo phổ quát, Helen – tôn giáo của tình thương. Hãy yêu thương người Cha trên trời của con với cả trái tim và tâm hồn của con, hãy yêu mọi đứa con của Thượng đế nhiều hết mức con có thể, và hãy nhớ rằng những khả năng của điều thiện lớn hơn những khả năng của điều ác; và con có chiếc chìa khóa để lên Trời.” Và cuộc đời ông là một minh họa hạnh phúc của chân lý lớn lao này. Trong linh hồn cao quý của ông tình yêu và tri thức sâu rộng nhất hòa vào niềm tin đã trở thành một nhận thức sâu sắc. Ông nhìn thấy

          Thượng đế trong tất cả những gì tự do và bay bổng,
          Trong tất cả những gì khiêm tốn, dịu ngọt và an ủi

          Giám mục Brooks không dạy tôi một tín điều hay đức tin đặc biệt nào; nhưng ông để lại trong tâm trí tôi hai ý tưởng lớn – tình cha của Thượng đế và tình huynh đệ của con người, và khiến tôi cảm thấy những chân lý này nằm bên dưới mọi tín ngưỡng và hình thức tôn thờ. Thượng đế là tình yêu, Thượng đế là Cha của chúng ta, chúng ta là con cái của Người; do đó những đám mây u ám nhất sẽ tan, và dù điều phải bị đánh bại, điều sai trái sẽ không chiến thắng.

          Tôi quá hạnh phúc trong thế giới này để có thể suy nghĩ nhiều về tương lai, trừ việc nhớ rằng tôi có những người bạn thân thương đang chờ tôi ở đó, Một chốn đẹp tươi nào đó của Thượng đế. Bất chấp dòng trôi của tháng năm, dường như họ vẫn gần tôi đến nỗi tôi thường nghĩ không có gì lạ nếu vào giây phút bất kỳ nào đó họ nắm lấy tay tôi và nói những lời âu yếm mà họ đã từng nói trước khi họ ra đi.

          Từ khi Giám mục Brooks qua đời tôi đã đọc kỹ Kinh Thánh; cả một số tác phẩm triết lý về tôn giáo, trong số đó có cuốn “Trời và Địa ngục” của Swedenborg và “Đường đi lên của Con người” của Drummond, và tôi không tìm thấy có tín điều hay hệ thống nào khiến linh hồn mãn nguyện như tín điều về tình yêu của Giám mục Brooks. Tôi biết ông  Henry Drummond, và ký ức về cái xiết tay mạnh mẽ, ấm áp của ông cũng giống như một phúc lành. Ông là người bạn cảm thông nhất. Ông biết nhiều và ân cần đến nỗi không thể nào thấy buồn khi có mặt ông.

          Tôi nhớ lần đầu tôi gặp Tiến sĩ Oliver Wendell Holmes. Ông mời cô Sullivan và tôi ghé thăm ông vào một chiều Chủ nhật. Khi đó là đầu mùa xuân, ngay sau khi tôi học nói. Chúng tôi được dẫn ngay lập tức tới thư viện của ông và thấy ông ngồi trong một cái ghế bành lớn cạnh một ngọn lửa lấp lánh và kêu tí tách trong lò sưởi, đang suy nghĩ, ông nói, về những hôm khác.

          “Và lắng nghe tiếng thì thầm của dòng sông Charles.” Tôi đề xuất.

          “Phải,” ông đáp, “sông Charles có nhiều gắn bó thân tình với tôi.” Mùi thơm của mực in và da trong phòng báo cho tôi biết rằng nó chứa đầy những quyển sách, và tôi giơ tay ra theo bản năng để tìm chúng. Những ngón tay của tôi đạt nhẹ lên một tập thơ đẹp của Tennyson, và khi cô Sullivan nói cho tôi biết nó là gì, tôi bắt đầu ngâm:

          Vỡ tung, vỡ tung, vỡ tung
          Trên những tảng đá xám lạnh lẽo của ngươi, hỡi biển!

          Nhưng tôi đột ngột dừng lại. Tôi cảm thấy nước mắt trên tay mình. Tôi đã khiến cho nhà thơ yêu dấu của tôi phải khóc, và tôi rất đau buồn. Ông bảo tôi ngồi vào cái ghế bành, trong lúc ông mang tới những cuốn thú vị khác để tôi kiểm nghiệm, và theo yêu cầu của ông tôi đọc bài “Ốc Anh vũ”; bài thơ tôi ưa thích vào lúc đó. Sau đó tôi còn gặp Tiến sĩ Holmes nhiều lần và học được cách yêu mến con người ông cũng như yêu nhà thơ.

          Một ngày hè đẹp trời, không lâu sau cuộc gặp gỡ Tiến sĩ Holmes, cô Sullivan và tôi tới thăm Whittier trong ngôi nhà lặng lẽ của ông trên bờ sông Merrimac. Sự lịch thiệp nhã nhặn và cách nói năng lạ lùng của ông chiếm được trái tim tôi. Ông có một tập thơ in chữ nổi mà từ đó tôi đã đọc bài “Những ngày đi học”. Ông vui sướng khi thấy tôi có thể phát âm các từ rất tốt và bảo rằng ông không có khó khăn gì trong việc hiểu tôi. Sau đó tôi đưa ra nhiều câu hỏi về bài thơ, và đọc những câu trả lời của ông bằng cách đặt những ngón tay lên môi ông. Ông nói ông là chú bé trong bài thơ, và tên của cô gái là Sally, và nhiều điều nữa mà tôi đã quên. Tôi cũng đọc bài “Laus Deo” (Nguyện cầu), và khi tôi thốt ra những câu cuối cùng, ông đặt vào tay tôi một pho tượng nô lệ mà từ thân hình thu lại của anh ta rơi xuống những cái cùm, cũng giống như nó rơi ra khỏi tứ chi của Peter khi vị thiên sứ dắt anh ta ra khỏi ngục. Sau đó chúng tôi vào thư phòng của ông, và ông viết bút tích của ông[1] để tặng cô giáo tôi và bày tỏ sự ngưỡng mộ công việc của cô, ông nói với tôi: “Cô ấy là người giải phóng linh hồn em.” Rồi ông dẫn tôi ra cổng và hôn nhẹ lên trán tôi. Tôi hứa sẽ lại thăm ông vào mùa hè sau; nhưng ông mất trước khi lời hứa đó được thực hiện.

Tiến sĩ Edward Everett Hale là một trong những người bạn lớn tuổi nhất của tôi. Tôi đã biết ông từ năm lên tám, và tình yêu của tôi dành cho ông tăng lên theo năm tháng. Sự đồng cảm thông minh, hiền dịu của ông là sự hỗ trợ cho cô Sullivan và tôi vào những thời kỳ thử thách và đau buồn, và bàn tay mạnh mẽ của ông đã giúp tôi qua nhiều nơi chốn khó khăn, và những gì ông đã làm cho chúng tôi ông cũng làm cho hàng ngàn người có những công việc khó khăn cần thực hiện. Ông đã phủ đầy những lớp vỏ cũ kỹ của tín ngưỡng với thứ rượu vang mới của tình yêu, và chỉ cho mọi người thấy tin tưởng, sống và tự do là gì. Những gì ông giảng dạy, chúng tôi đã nhìn thấy được thể hiện một cách đẹp đẽ trong chính cuộc đời ông – tình yêu đất nước, lòng tốt đối với những người anh em khốn khó, và một ao ước chân thành được sống hướng thượng và hướng về phía trước. Ông là một nhà tiên tri và một người tạo cảm hứng của mọi người, và là một người thực hiện giàu năng lực của Ngôn từ, người bạn của toàn thể giống nòi ông – Thượng đế phù trợ cho ông!


Ảnh: Marshall, 1902
CÔ KELLER, CÔ SULLIVAN VÀ TIẾN SĨ EDWARD EVERETT HALE

          Tôi đã viết về cuộc gặp gỡ lần đầu với tiến sĩ Alexander Graham Bell. Kể từ đó tôi đã trải qua nhiều ngày hạnh phúc với ông ở Washington và tại ngôi nhà xinh đẹp của ông ở trung tâm Mũiheart of đảo Cape Breton, gần Baddeck, ngôi làng trở nên nổi tiếng nhờ quyển sách của Charles Dudley Warner. Tại đây, trong phòng thí nghiệm của tiến sĩ Bell, hay trên những cánh đồng trên bờ biển của đại hồ Bras d'Or, tôi đã trải qua nhiều giờ khắc vui sướng lắng nghe những điều ông nói với tôi về những thực nghiệm của ông, và giúp ông thả những con diều mà thông qua đó ông phát hiện ra những quy luật sẽ chi phối chiếc máy bay trong tương lai. Tiến sĩ Bell rất thông thạo nhiều lĩnh vực khoa học, và có nghệ thuật làm cho mọi đề tài ông chạm tới trở nên thú vị, ngay cả những lý thuyết khó hiểu nhất. Ông khiến bạn cảm thấy nếu bạn chỉ có thêm chút ít thời gian, ngay cả bạn cũng có thể là một nhà phát minh. Ông cũng có một khía cạnh hài hước và nên thơ nữa. Niềm say mê lớn nhất của ông là tình yêu của ông dành cho thiếu nhi. Ông không bao giờ hoàn toàn hạnh phúc như khi ông bế một đứa trẻ khiếm thính trên tay. Những lao tâm khổ tứ của ông để thay mặt cho những người khiếm thính sẽ sống mãi và phù trợ cho các thế hệ trẻ con sắp tới; và chúng tôi cũng yêu ông như vậy đối với những gì ông đã đạt được và những gì ông khơi gợi từ những người khác.

          Trong hai năm ở New York, tôi có nhiều cơ hội trò chuyện với nhiều người khác nhau mà tên của họ tôi thường nghe nhắc đến, nhưng chưa bao giờ mong đợi sẽ gặp. Hầu hết trong số họ tôi gặp lần đầu trong ngôi nhà của người bạn tốt của tôi, ông Laurence Hutton. Một đặc ân lớn là tới thăm ông và bà Hutton thân mến trong ngôi nhà đáng yêu của họ, và nhìn thấy thư viện của họ, đọc những cảm xúc đẹp đẽ và những tư tưởng sáng ngời mà những người bạn tài năng đã viết cho họ. Thật sự có thể nói rằng ông Hutton có năng khiếu lấy ra từ mọi người những tư tưởng hay nhất và những cảm xúc tốt đẹp nhất. Người ta không cần đọc bài thơ “Một cậu bé tôi biết” để hiểu ông – cậu bé hào phóng, nhân hậu nhất mà tôi từng biết, một người bạn tốt trong mọi loại thời tiết, kẻ theo dấu những dấu chân của tình yêu trong đời sống của những con chó cũng như trong đời sống của những đồng bào ông.

Bà Hutton là một người bạn chân thật và đáng tin cậy. Tôi mắc nợ bà thật nhiều sự ngọt ngào quý giá. Bà thường khuyên bảo và giúp tôi trong tiến trình học đại học. Khi tôi thấy công việc của mình đặc biệt khó khăn và nản chí, bà viết cho tôi những lá thư khiến tôi thấy vui mừng và can đảm; vì bà là một trong những người mà từ đó chúng tôi hiểu rằng một bổn phận đau khổ được thực hiện sẽ khiến cho bổn phận kế tiếp đơn giản và dễ dàng hơn.

Ông Hutton đã giới thiệu tôi với nhiều bạn văn chương của ông, vĩ đại nhất trong số đó là ông William Dean Howells và Mark Twain. Tôi cũng gặp ông Richard Watson Gilder và ông Edmund Clarence Stedman. Tôi cũng biết ông Charles Dudley Warner, người kể chuyện hay nhất và người bạn thân yêu nhất, sự cảm thông của ông rộng lớn đến độ có thể thật sự nói về ông rằng ông yêu mọi sinh vật sống và láng giềng của mình như chính bản thân ông. Có lần ông Warner đưa tới gặp tôi nhà thơ thân mến của những khu rừng – ông  John Burroughs. Tất cả họ đều nhã nhặn và đầy thông cảm và tôi cảm thấy sự hấp dẫn trong cung cách của họ ngang với việc tôi cảm thấy sự xuất sắc của những bài thơ và tiểu luận của họ. Tôi không thể bắt kịp những tài năng văn học này khi họ lướt từ đề tài này sang đề tài khác và đi sâu vào cuộc tranh luận, hay làm cho cuộc đối thoại lóe sáng với những bài thơ trào phúng và những nhận xét dí dỏm vui tươi. Tôi giống như Ascanius[2], kẻ đi theo với những bước không đều những sải chân hào hùng của Æneas trên cuộc hành quân tới những định mệnh lớn lao của ông. Nhưng họ nói với tôi những từ hòa nhã. Ông Gilder kể cho tôi nghe những hành trình dưới ánh trăng của ông băng qua sa mạc mênh mông để tới những kim tự tháp, và trong một lá thư viết cho tôi ông làm dấu bên dưới chữ ký sâu đến nỗi tôi có thể cảm thấy nó. Điều này nhắc tôi rằng Tiến sĩ Hale từng có một dấu ấn cá nhân trong những lá thư gửi cho tôi bằng cách châm chữ ký của ông thành chữ nổi. Tôi đã đọc từ môi của Mark Twain một hai câu chuyện hay của ông. Ông có cách riêng của mình trong suy tư, nói năng và làm mọi việc. Tôi cảm thấy ánh lấp loáng của mắt ông trong cái bắt tay của ông. Thậm chí khi ông thốt ra sự minh triết đầy giễu cợt của mình với một giọng hài hước không thể tả, ông vẫn khiến cho bạn nghĩ rằng trái tim ông là một Iliad dịu dàng của sự đồng cảm con người.


Ảnh: E. C. Kopp, 1902
CÔ KELLER VÀ NHÀ VĂN MARK TWAIN

          Có một vị chủ nhà trong những người thú vị khác mà tôi gặp ở New York: bà Mary Mapes Dodge, biên tập viên yêu dấu của tạp chí St. Nicholas, và bà Riggs (Kate Douglas Wiggin), tác giả ngọt ngào của cuốn “Thằng khờ”. Tôi đã nhận từ họ những món quà chứa đựng sự đồng quy dịu dàng của con tim, những quyển sách chứa đựng tư tưởng của chính họ, những lá thư soi sáng linh hồn, và những tấm ảnh mà tôi thích được mô tả lại hết lần này sang lần khác. Nhưng không có chỗ để nhắc tới tất cả những người bạn của tôi, và thật sự có những điều về họ bị giấu kín sau đôi cánh của một tiểu thiên sứ, những điều quá thiêng liêng để đưa ra trong dòng chữ in lạnh lẽo. Chính với sự do dự này tôi đã nói chậm chí về bà Laurence Hutton.

          Tôi sẽ chỉ nhắc tới hai người bạn khác. Một là bà William Thaw, ở Pittsburgh, người tôi thường tới tại nhà của bà, Lyndhurst. Bà luôn làm điều gì đó để làm cho người khác vui lòng, và sự hào phóng và lời khuyên khôn ngoan của bà không bao giờ khiến cô giáo tôi và tôi thất vọng trong tất cả những năm tháng chúng tôi biết bà.
         
          Tôi cũng mang ơn rất sâu người bạn khác. Ông nổi tiếng với bàn tay đầy sức mạnh mà với nó ông dẫn dắt những công ty, và những khả năng tuyệt vời của ông đã mang tới cho ông sự kính trọng của tất cả. Tốt bụng với mọi người, ông thực hiện những việc thiện một cách lặng lẽ và kín đáo. Một lần nữa tôi chạm tới cái vòng tròn những cái tên được vinh danh mà tôi không nên nhắc tới; nhưng tôi đành phải tri ân sự hào phóng và mối quan tâm đầy tình cảm của ông mà nhờ đó tôi mới có khả năng vào trường đại học.
          
          Những người bạn của tôi đã tạo nên câu chuyện đời tôi như thế đó. Trong một ngàn cách thức họ đã biến những hạn chế của tôi thành những đặc ân đẹp đẽ, và cho phép tôi bước thanh thản và hạnh phúc dưới cái bóng đen của sự khiếm khuyết của tôi.


HẾT PHẦN TỰ TRUYỆN CỦA HELEN KELLER


[1] “Với sự ngưỡng mộ lớn lao dành cho công việc cao quý của cô trong việc giải thoát khỏi vòng kềm tỏa tâm trí của học trò cô, tôi thật sự là bạn của cô. JOHN G. WHITTIER”


[2] Ascanius /əˈskeɪniə/ vị vua huyền thoại của Alba Longa, con trai của người anh hùng Thành Troy Aeneas.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét