Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI - HELEN KELLER (Chương XIX + XX)

Nguyễn Thành Nhân dịch






 

CHƯƠNG XIX


          Khi bắt đầu năm thứ hai ở trường Gilman, lòng tôi tràn đầy hy vọng và quyết tâm thành công. Nhưng trong vài tuần đầu tôi đã chạm trán với những khó khăn chưa lường trước. Thầy Gilman đã đồng ý rằng năm đó chủ yếu tôi nên nghiên cứu về toán học. Tôi có các môn vật lý, đại số, hình học, thiên văn học, tiếng Hy Lạp và tiếng Latin. Thật không may, nhiều cuốn sách tôi cần đến chưa được khắc nổi kịp thời để tôi bắt đầu các lớp học, và tôi thiếu những dụng cụ thí nghiệm quan trọng cho vài môn học. Các lớp tôi dự học rất rộng lớn, và các thầy cô không thể nào cho tôi sự hướng dẫn đặc biệt. Cô Sullivan buộc phải đọc cho tôi tất cả các quyển sách, và diễn dịch giúp các thầy cô; và lần đầu tiên trong bảy năm, dường như thể bàn tay thân thương của cô không ngang tầm với công việc.
          Tôi cần viết đại số và hình học trong lớp và giải những bài toán vật lý, và tôi không thể làm được điều này cho tới khi chúng tôi mua một cái máy đánh chữ nổi mà nhờ đó tôi có thể tiến hành các bước và quá trình của công việc. Tôi không thể dùng mắt để theo dõi những hình của môn hình học được vẽ trên bảng, và phương tiện duy nhất của tôi để có một ý tưởng rõ ràng về chúng là tạo ra chúng trên một tấm đệm với những sợi dây thép thẳng và cong có những đầu cong và nhọn. Tôi phải hình dung trong tâm trí, như thầy Keith nói trong báo cáo của ông, hình dạng của các hình, giả thuyết và kết luận, việc xây dựng và quá trình chứng minh. Nói tóm lại, mỗi môn đều có những trở ngại của nó. Đôi khi tôi mất hết can đảm và phản bội lại những cảm giác của mình theo một cách mà tôi rất xấu hổ khi nhớ lại, nhất là khi những dấu hiệu của sự rắc rối của tôi sau đó bị dùng để chống lại cô Sullivan, cá nhân duy nhất trong tất cả những bạn tốt tôi có ở đó có thể biến những nơi cong oằn thành đường thẳng và những nơi thô ráp thành phẳng mịn.
          Tuy nhiên, dần dần từng chút một, các khó khăn của tôi bắt đầu biến mất. Những cuốn sách khắc chữ nổi và các dụng cụ khác đã tới nơi, và tôi đắm mình vào công việc với niềm tự tin đã khôi phục lại. Đại số và hình học là hai môn duy nhất vẫn tiếp tục bất chấp những nỗ lực để lĩnh hội chúng của tôi. Như đã nói, tôi không có năng khiếu về toán học; các điểm khác biệt không được giải thích rõ ràng cho tôi như tôi mong muốn. Những sơ đồ hình học đặc biệt khó khăn vì tôi không thể nhìn thấy sự liên hệ giữa các phần khác nhau, ngay cả trên tấm đệm. Chỉ tới khi được thầy Keith dạy, tôi mới có một ý tưởng rõ ràng về toán học.
          Tôi đang bắt đầu vượt qua những khó khăn này thì một sự kiện xảy ra đã làm đổi thay mọi thứ.
          Ngay trước khi những cuốn sách tới nơi, thầy Gilman đã bắt đầu phản đối cô Sullivan với lý do rằng tôi đang làm việc quá vất vả, và bất chấp sự cam đoan nghiêm chỉnh của tôi, ông đã giảm số lượng trả bài của tôi. Hồi đầu chúng tôi đã đồng ý rằng tôi nên, nếu cần, trải qua năm năm chuẩn bị cho đại học, nhưng vào cuối năm thứ nhất sự thành công trong các cuộc thi của tôi khiến cho cô Sullivan, cô Harbaugh (cô hiệu trưởng của thầy Gilman) và một người nữa thấy rằng tôi có thể hoàn thành bước chuẩn bị trong hai năm nữa mà không cần quá nỗ lực. Thoạt tiên thầy Gilman đã đồng ý điều này; nhưng khi các công việc của tôi trở nên khá phức tạp, ông khăng khăng rằng tôi đã làm việc quá sức và nên ở lại trường của ông thêm ba năm nữa. Tôi không thích kế hoạch của ông, vì tôi muốn vào đại học cùng với lớp của tôi.
          Ngày 27/10 tôi không khỏe trong người và không đến lớp. Dù cô Sullivan biết rằng sự khó ở của tôi không nghiêm trọng, nhưng khi nghe thấy điều đó, thầy Gilman đã tuyên bố rằng tôi đã bị suy sụp và đã đưa ra nhiều thay đổi trong các môn học của tôi khiến tôi không thể nào dự thi các đợt cuối cùng với lớp tôi. Rốt cuộc quan điểm khác nhau giữa thầy Gilman và cô Sullivan đã đưa tới kết quả là mẹ tôi rút tôi và Mildred khỏi trường Cambridge.
          Sau một số trì hoãn, mọi người sắp xếp rằng tôi nên tiếp tục các môn học dưới sự hướng dẫn của một thầy dạy kèm, thầy Merton S. Keith của trường Cambridge. Cô Sullivan và tôi trải qua phần còn lại của mùa đông với các bạn của tôi, gia đình Chamberlin ở Wrentham, cách Boston hai mươi lăm dặm.
          Từ tháng Hai tới tháng Bảy năm 1898, thầy Keith tới Wrentham hai lần mỗi tuần để dạy tôi đại số, hình học, tiếng Hy Lạp và tiếng Latin. Cô Sullivan thông dịch các hướng dẫn của ông.
          Tháng 10/1898 chúng tôi quay lại Boston. Trong sáu tháng thầy Keith đã dạy tôi năm lần mỗi tuần, mỗi lần chừng một tiếng đồng hồ. Mỗi lần như thế thầy đều giải thích những điều tôi chưa hiểu trong bài học trước, chỉ định công việc mới, và mang về nhà những bài tập tiếng Hy Lạp mà tôi đã viết trong tuần trên cái máy đánh chữ, chỉnh sửa chúng và trả lại cho tôi.
          Theo cách này, sự chuẩn bị cho đại học của tôi vẫn tiếp tục không hề gián đoạn. Tôi thấy việc học một mình dễ dàng hơn và thú vị hơn là ngồi trong lớp. Không có gì phải vội vã hay rối rắm. Thầy dạy kèm của tôi có nhiều thời gian để giải thích những gì tôi không hiểu, vì thế tôi tiến tới nhanh hơn và làm việc tốt hơn hẳn so với lúc ở trường. Tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc làm chủ các bài toán hơn so với bất kỳ môn học nào khác. Tôi ước gì đại số và hình học chỉ dễ bằng phân nửa các thứ ngôn ngữ và văn học. Nhưng ngay cả môn toán cũng được thầy Keith làm cho trở nên thú vị; thầy thành công trong việc đẽo gọt nhỏ các bài toán vừa đủ để thâm nhập não bộ của tôi. Thầy giữ cho đầu óc tôi linh hoạt và háo hức, và huấn luyện nó suy luận một cách rõ ràng để tìm ra những kết luận một cách điềm tĩnh và hợp lý thay vì nhảy như điên vào khoảng không và không đi tới đâu cả. Thầy luôn lịch thiệp và nhẫn nại bất kể tôi tối dạ tới cỡ nào, và tin tưởng tôi dù sự ngu ngốc của tôi thường khi có thể làm cạn kiệt cả sự nhẫn nại của Job.[1]
          Ngày 29 và 30 tháng Sáu năm 1899, tôi dự cuộc thi tuyển vào đại học Radcliffe. Ngày đầu tiên tôi thi môn tiếng Hy lạp sơ cấp và tiếng Latin cao cấp, và ngày thứ hai môn hình học, đại số và tiếng Hy Lạp cao cấp.      Các giáo chức ở trường đại học không cho phép cô Sullivan đọc các đề thi giùm tôi; vì thế thầy Eugene C. Vining, một trong các thầy ở Học viện Perkins cho những người mù được tuyển dụng để sao chép các đề thi sang chữ nổi Mỹ giúp tôi. Thầy Vining ;à một người xa lạ đối với tôi, và không thể giao tiếp với tôi, trừ khi viết chữ braille. Thầy giám thị cũng là một người lạ, và không hề cố giao tiếp với tôi bằng bất cứ cách nào.
          Chữ nổi có dụng ích rất tốt trong các môn ngôn ngữ, nhưng khi chuyển sang môn hình học và đại số, các khó khăn nổi lên. Tôi hoàn toàn rối trí, và cảm thấy nản lòng khi lãng phí mất nhiều thời gian quý giá, nhất là ở môn đại số. Đúng là tôi quen thuộc với mọi chữ braille văn học được dùng một cách phổ thông ở đất nước này – hệ tiếng Anh, hệ tiếng Mỹ và hệ New York Point; nhưng nhiều ký hiệu và biểu tượng khác nhau trong hình học và đại số trong ba hệ thống này rất khác nhau, và tôi chỉ từng sử dụng hệ chữ nổi tiếng Anh trong môn đại số.
          Hai hôm trước cuộc thi, thầy Vining gửi cho tôi một bản sao của một trong các đề thi đại số cũ của Harvard. Tôi thất vọng khi nhận ra nó được viết bằng hệ tiếng Mỹ. Tôi ngồi xuống ngay tắp lự và viết cho thầy Vining, đề nghị thầy giải thích những ký hiệu. Tôi nhận được một đề thi khác và một bản ký hiệu qua thư, và tôi bắt đầu công việc tìm hiểu lời chú giải. Nhưng một đêm trước cuộc thi môn đại số, trong lúc tôi đang đấu tranh với một số ví dụ rất phức tạp, tôi không thể nói ra những kết hợp của dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc ôm và căn số. Cả thầy Keith lẫn tôi đều lo lắng và đầy những linh tính xấu cho ngày mai; nhưng khi chúng tôi tới trường đại học ít lâu trước khi cuộc thi bắt đầu, thầy Vining đã giải thích đầy đủ hơn về các biểu tượng của hệ tiếng Mỹ.
          Trong hình học, khó khăn chủ yếu của tôi là tôi đã luôn quen thuộc với việc đọc các định đề tronng dòng chữ in, hoặc yêu cầu đánh vần chúng trên tay tôi; và theo cách nào đó, dù các định đề nằm ngay trước mặt tôi, tôi thấy chữ braille trở nên rối rắm, và không thể xác định rõ trong tâm trí điều tôi đang đọc. Nhưng khi thi môn đại số, tôi còn gặp một khó khăn lớn hơn. Những ký hiệu mà tôi học được quá muộn và cứ tưởng tôi đã biết khiến tôi rối trí. Ngoài ra, tôi không thể nhìn thấy những gì tôi đã viết trên máy đánh chữ. Tôi đã luôn thực hiện công việc bằng chữ braille hay trong đầu của mình. Thầy Keith đã dựa quá nhiều vào khả năng giải những bài toán trong đầu của tôi, và không huấn luyện tôi cách viết những bài thi. Hậu quả là công việc của tôi chậm một cách khốn khổ, tôi phải đọc đi đọc lại các ví dụ trước khi có thể hình thành một ý tưởng về điều tôi được yêu cầu thực hiện. Thật sự, giờ đây tôi vẫn không chắc chắn tôi đã đọc đúng tất cả các ký hiệu hay chăng. Tôi thấy rất khó giữ được sự bình tĩnh.
          Nhưng tôi không đổ lỗi cho bất kỳ một ai. Ban quản lý trường Radcliffe không nhận ra họ đang khiến cho cuộc thi của tôi trở nên khó khăn đến thế nào. Nhưng nếu họ vô tình đặt ra những chướng ngại trên bước đường của tôi, tôi vẫn có một niềm an ủi khi biết rằng tôi đã vượt qua tất cả.

 

CHƯƠNG XX


          Cuộc đấu tranh để được tuyển vào đại học đã kết thúc, và giờ đây tôi có thể bước vào trường Radcliffe bất cứ khi nào tôi muốn. Tuy nhiên, trước khi nhập học, mọi người nghĩ tốt nhất tôi nên học thêm một năm nữa với thầy Keith. Do đó, mãi tới mùa thu năm 1900 giấc mơ vào đại học của tôi mới trở thành hiện thực.
          Tôi còn nhớ ngày đầu tiên của tôi ở trường Radcliffe. Đó là một ngày tràn đầy sự thú vị đối với tôi. Tôi đã trông đợi nó suốt nhiều năm. Một sức mạnh tiềm tàng trong tôi, mạnh hơn những lời thuyết phục của các bạn tôi, thậm chí mạnh hơn những lời van nài của quả tim tôi, đã thôi thúc tôi thử sức với những tiêu chuẩn của những người nghe và thấy được. Tôi biết rằng trên đường đi có nhiều trở ngại; nhưng tôi nôn nóng muốn vượt qua chúng. Tôi khắc ghi trong tim những lời của một nhà thông thái La Mã: “Bị trục xuất khỏi thành Rome chỉ là sống ở ngoài thành Rome.” Bị ngăn cấm khỏi những đại lộ của kiến thức, tôi buộc phải thực hiện cuộc hành trình băng qua đất nước bằng những con đường khác thường – chỉ thế thôi; và tôi biết rằng ở trường đại học có nhiều con hẻm nơi tôi có thể chạm tay với những cô gái đang suy tưởng, yêu thương và tranh đấu giống như tôi.
          Tôi bắt đầu các môn học với sự nôn nao. Trước mặt mình, tôi nhìn thấy một thế giới mở ra trong vẻ đẹp và ánh sáng, và tôi cảm thấy trong tôi một khả năng để nắm biết mọi điều. Trong Xứ thần tiên của Tâm trí, tôi cũng sẽ tự do như người khác. Mọi người, cảnh vật, cung cách, niềm vui và bi kịch của nó sẽ là những người thông dịch sống động, hữu hình của thế giới thật. Các giảng đường dường như đầy ắp linh hồn của những người vĩ đại và thông thái, và tôi nghĩ các giáo sư là hiện thân của minh triết. Nếu kể từ đó tôi đã học theo cách khác, tôi sẽ không kể lại với bất cứ một ai.
          Nhưng tôi sớm phát hiện ra rằng đại học không hoàn toàn là khu vườn Lyceum lãng mạn mà tôi đã hình dung. Nhiều mơ ước từng mang tới hân hoan cho sự thiếu kinh nghiệm non trẻ của tôi trở nên kém tươi đẹp hơn và “nhòa vào ánh sáng của ngày thường.” Lần hồi, tôi bắt đầu nhận ra rằng có những bất tiện khi học ở trường đại học.
          Điều mà tôi cảm thấy và vẫn còn cảm thấy nhiều nhất là việc thiếu thời gian. Tôi từng có thời gian để suy tư, ngẫm nghĩ, tâm trí của tôi và tôi. Chúng tôi từng ngồi với nhau trong một buổi chiều và lắng nghe những khúc nhạc nội tâm của linh hồn, mà người ta chỉ nghe thấy trong những khoảnh khắc nhàn hạ khi những ngôn từ của một nhà thơ yêu dấu nào đó chạm vào một hợp âm sâu thẳm, ngọt ngào trong linh hồn mà cho tới khi đó vẫn lặng im. Nhưng ở trường đại học, người ta không có thời gian để giao tiếp với những suy tưởng của mình. Người ta đến trường để học, có vẻ như vậy, chứ không phải để suy nghĩ. Khi một người bước vào những cánh cổng của sự học hỏi, anh ta bỏ lại ở bên ngoài cùng với những hàng thông thầm thì những niềm vui thân quý nhất – sự cô quạnh, những quyển sách và trí tưởng tượng. Tôi cho là tôi nên tìm thấy một an ủi nào đó trong ý nghĩ rằng tôi đang tích lũy những kho báu cho niềm vui mai hậu, nhưng tôi khá hoang phí khi thích niềm vui hiện tại hơn là việc dành dụm những của cải và bỏ lỡ một ngày mưa.
          Các môn học năm thứ nhất của tôi là tiếng Pháp, tiếng Đức, lịch sử, nghệ thuật sáng tác tiếng Anh và văn học Anh. Trong khóa tiếng Pháp tôi đã đọc một số tác phẩm của Corneille, Molière, Racine, Alfred de Musset và Sainte-Beuve, và trong khóa tiếng Đức một số tác phẩm của Goethe và Schiller. Tôi nhanh chóng ôn lại toàn bộ thời kỳ lịch sử từ sự sụp đổ của Đế quốc La Mã cho tới thế kỷ 18, và trong văn học Anh tôi nghiên cứu có phê phán những bài thơ của và bài diễn văn “Aeropagitica” của Milton.
          Mọi người thường hỏi rằng tôi đã khắc phục những điều kiện khác thường trong công việc của tôi ở trường đại học như thế nào. Trong lớp, dĩ nhiên về mặt thực chất thì tôi đơn độc. Vị giáo sư xa xôi như thể ông đang nói qua một cái điện thoại. Những bài giảng được viết vào tay tôi càng nhanh càng tốt, và phần nhiều cá tính của giảng viên lạc mất khỏi tôi trong nỗ lực theo kịp cuộc đua. Những từ lao qua tay tôi như những chú chó săn đang đuổi theo một con thỏ rừng mà chúng thường để xổng. Nhưng về khía cạnh này tôi không nghĩ tôi khốn khổ gì nhiều so với những cô gái có thể ghi chép. Nếu tâm trí chứa đầy quá trình cơ học của việc nghe và viết những từ và viết những từ lên giấy với tốc độ hỗn loạn, tôi không cho rằng một người có thể chú ý nhiều tới chủ đề đang đề cập hay cung cách nó được thể hiện. Tôi không thể ghi chép trong giờ nghe giảng, vì đôi tay tôi đang bận rộn lắng nghe. Thường thường, tôi viết lại những gì tôi có thể nhớ về chúng khi trở về nhà. Tôi viết những bài tập, những chủ đề hàng ngày, những bài phê bình và kiểm tra tiết, những bài thi giữa học kỳ và cuối học kỳ, trên cái máy đánh chữ, khiến các giáo sư không có chút khó khăn trong việc phát hiện ra tôi biết ít đến thế nào. Khi bắt đầu nghiên cứu vận luật thơ Latin, tôi soạn và giải thích với các giáo sư một hệ thống ký hiệu chỉ ra những nhịp thơ và âm lượng khác nhau.
          Tôi sử dụng cái máy đánh chữ hiệu Hammond. Tôi đã thử nhiều máy, và thấy rằng cái máy Hammond thích hợp nhất với những nhu cầu khác thường trong công việc của tôi. Với cái máy này tôi có thể sử dụng những phím chữ di động, và một cái máy có thể có nhiều phím, mỗi phím có một bộ ký tự khác nhau – Hy Lạp, Pháp hay ký hiệu toán học, tùy theo loại văn bản người ta muốn thực hiện trên máy. Không có nó, tôi nghi ngờ không rõ tôi có thể vào đại học được chăng.
          Có rất ít sách được yêu cầu cho các khóa học khác nhau được in cho người mù, và tôi buộc phải nhờ đánh vần nó lên tay tôi. Hậu quả là tôi cần nhiều thời gian để chuẩn bị những bài học hơn các cô gái khác. Phần việc thủ công mất thời gian nhiều hơn, và tôi có những phiền phức mà họ không có. Có những ngày khi sự chú ý căng thẳng mà tôi phải trao cho những chi tiết trêu tức tinh thần tôi và cái ý nghĩ rằng tôi phải dành ra quá nhiều giờ để đọc một vài chương sách trong lúc ở thế giới bên ngoài các cô gái khác đang cười nói, hát ca và nhảy múa khiến tôi muốn nổi loạn; nhưng tôi sớm hồi phục lại tinh thần và bật cười với sự bất mãn đến từ quả tim tôi. Bởi, nói cho cùng, mỗi một người muốn thủ đắc kiến thức thật sự đều phải trèo lên Ngọn đồi Khó khăn một mình, và vì không có đại lộ hoàng gia nào để lên tới đỉnh, tôi phải đi theo con đường lắt léo của chính mình để tới đó. Nhiều khi tôi trượt xuống trở lại, tôi vấp té, tôi đứng yên, tôi chạy va vào mép của những trở ngăn giấu mặt. Tôi nổi nóng rồi bình tĩnh lại và giữ cho nó điềm tĩnh hơn, tôi xông pha tới trước, tôi thủ đắc được một ít, tôi cảm thấy được động viên, tôi trở nên nôn nóng hơn và trèo lên cao hơn và bắt đầu nhìn thấy chân trời mở rộng. Mỗi cuộc đấu tranh là một chiến thắng. Thêm một nỗ lực nữa và tôi chạm tới vầng mây sáng chói, những chiều sâu xanh thẳm của bầu trời, những núi non khát vọng của tôi. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng đơn độc; trong những cuộc đấu tranh đó, thầy William Wade và thầy E. E. Allen, Hiệu trưởng Học viện Pennsylvania dành cho người mù, đã mang tới cho tôi nhiều cuốn sách in chữ nổi mà tôi cần tới. Sự ân cần chu đáo của họ là một sự trợ giúp và động viên đối với tôi nhiều đến mức họ không bao giờ có thể biết.
          Năm ngoái, năm thứ hai của tôi ở Radcliffe, tôi nghiên cứu về nghệ thuật sáng tác tiếng Anh, Những bài Tụng ca của Horace, và hài kịch Latin. Lớp nghệ thuật sáng tác rất thú vị, sôi nổi, vui nhộn; vì giảng viên, thầy Charles Townsend Copeland, đã mang tới trước mặt chúng tôi văn học trong toàn bộ sự tươi tắn và sức mạnh của nó hơn bất kỳ người nào khác đã từng dạy tôi cho tới năm này. Trong một giờ ngắn ngủi bạn được phép uống lấy vẻ đẹp vô tận của những tuyệt phẩm cổ xưa mà không cần tới những diễn giải hay bình phẩm vô ích. Bạn say sưa với những tư tưởng đẹp đẽ của chúng. Bạn hân thưởng với cả hồn mình tiếng sấm ngọt ngào của Kinh Cựu ước, quên đi sự tồn tại của Jahweh và Elohim; và bạn trở về nhà, cảm thấy rằng bạn đã “thoáng nhìn thấy sự hoàn hảo mà ngự trị trong đó là tinh thần và hình thức trong sự hòa hợp bất tử; chân lý và vẻ đẹp đâm một chồi non mới trên cuống lá xưa cũ của thời gian.”
          Năm nay là năm hạnh phúc nhất vì tôi đang nghiên cứu những môn đặc biệt thú vị đối với tôi, kinh tế học, văn học thời Elizabeth và Shakespeare dưới sự giảng dạy của Giáo sư George L. Kittredge, và Lịch sử Triết học dưới sự giảng dạy của Giáo sư Josiah Royce. Thông qua triết học, người ta bước vào với sự đồng cảm đầy thấu hiểu những truyền thống của những thời đại xa xưa và những cách thức tư duy khác mà trước đó ít lâu có vẻ xa lạ và phi lý.
          Nhưng trường đại học không phải là thành Athens của cả mọi người như tôi từng nghĩ. Ở đó người ta không được gặp mặt giáp mặt những kẻ vĩ đại và thông thái; người ta thậm chí không cảm thấy cái chạm vào sống động của họ. Họ ở đó, điều đó đúng; nhưng dường như họ đã trở thành xác ướp. Chúng tôi phải lôi họ ra từ bức tường nứt nẻ của sự học hỏi và mổ xẻ phân tích họ trước khi chúng tôi có thể chắc chắn rằng chúng tôi có một Milton hay một Isaiah, và đó không chỉ là một sự mô phỏng thông minh. Với tôi, dường như nhiều học giả quên rằng việc thưởng ngoạn những tác phẩm văn học lớn của chúng ta tùy thuộc vào độ sâu của sự đồng cảm hơn là sự thấu hiểu của chúng ta. Vấn đề là có rất ít trong số các lý giải công phu của họ gắn chặt vào ký ức. Tâm trí buông rơi chúng như một cành cây buông rơi một quả chín mùi. Người ta có thể biết một cây hoa, bộ rễ, cuống lá và tất cả, và toàn bộ quá trình tăng trưởng, thế nhưng lại không có sự tán thưởng nào đối với đóa hoa tươi tắn đang tắm mình dưới những giọt sương của trời cao. Tôi cứ nôn nóng hỏi đi hỏi lại: “Sao tôi phải quan tâm tới những lý giải và giả thuyết này?” Chúng bay lẩn quẩn nơi này nơi khác trong ý nghĩ của tôi như những con chim mù đập vào không khí với những đôi cánh bất lực. Tôi không định phản đối một kiến thức uyên thâm về những tác phẩm nổi tiếng mà chúng tôi đã đọc. Tôi chỉ phản đối những nhận định tràng giang đại hải và những phê phán gây hoang mang chỉ dạy mỗi một điều: có nhiều quan điểm ngang với số lượng con người. Nhưng khi một học giả lớn như Giáo sư Kittredge diễn giải những điều mà bậc thầy đã nói, thì “cũng như thể một khả năng thị giác mới được trao cho một kẻ mù lòa.” Thầy đã mang trở lại Shakespeare, thi sĩ.
          Tuy nhiên, có những lúc tôi muốn quét sạch phân nửa những thứ mà tôi được kỳ vọng phải học hỏi; vì một tâm trí quá tải không thể thưởng ngoạn cái kho báu mà nó đã cố duy trì an toàn với cái giá phải trả lớn nhất. Tôi nghĩ không thể nào đọc trong một ngày bốn hoặc năm cuốn sách khác nhau với những ngôn ngữ khác nhau và đề cập tới những chủ đề rất đỗi khác nhau, và đánh mất tầm nhìn vào chính những mục đích mà vì nó người ta đọc. Khi một người đọc sách một cách bồn chồn vội vã, có trong đầu những văn bản và bài thi, bộ não của anh ta trở nên ngổn ngang với nhiều chọn lựa để có được một thứ hiếm quý mà dường như có rất ít dụng ích. Hiện tại, tâm trí tôi đầy ắp chất liệu hỗn tạp đến độ tôi hầu như tuyệt vọng với khả năng đưa nó vào vòng trật tự. Bất cứ lúc nào tôi bước vào khu vực từng là vương quốc của tâm trí của tôi, tôi cảm thấy như thể mình là một con bò đực trong một tiệm bán đồ sứ. Một ngàn thứ kiến thức linh tinh va đụng khắp đầu tôi như những hạt mưa đá, và khi tôi cố thoát khỏi chúng, những con yêu tinh-chủ đề và những thủy thần-đại học thuộc mọi dạng đuổi theo tôi, cho cho tới khi tôi ước – ồ, xin tha thứ cho nguyện ước xấu xa của tôi! – rằng tôi có thể đập nát những thần tượng mà tôi đã từng tôn thờ.
          Nhưng các cuộc thi là những con ngáo ộp chủ yếu trong cuộc đời đại học của tôi. Dù tôi đã đối mặt với chúng nhiều lần, quẳng chúng xuống chân và buộc chúng cắm đầu xuống đất, chúng vẫn ngoi lên trở lại và dọa dẫm tôi với vẻ mặt xanh xao cho tới khi như Bob Acres tôi cảm thấy lòng can đảm của tôi ứa ra từ những đầu ngón tay. Những ngày trước khi những cuộc thử thách này diễn ra được dành cho việc chất đầy đầu óc bạn những công thức bí ẩn và những ngày tháng không thể tiêu hóa nổi – những khẩu phần không tài nào nuốt trôi, cho tới khi bạn ước gì cả những quyển sách và khoa học lẫn chính bạn đều bị chôn vùi dưới những chiều sâu của biển.
          Cuối cùng cái giờ khắc đáng sợ ấy cũng tới, và bạn thật sự là một người được ân sủng nếu bạn cảm thấy đã chuẩn bị sẵn sàng và có thể vào đúng lúc kêu gọi những ý tưởng chuẩn mực sẽ trợ giúp bạn trong nỗ lực tối cao đó. Thường xảy ra việc cái kèn thúc quân của bạn không được ai chú ý tới. Điều khó chịu và bực mình nhất là vừa đúng lúc bạn cần tới trí nhớ của mình và một khả năng phân biệt tốt, các cơ quan này lại khoác đôi cánh vào và bay vù mất. Những sự kiện bạn đã thu cất vào kho chứa với khó khăn vô hạn rời bỏ bạn trong tình thế cấp thiết đó.
          “Hãy đưa ra một mô tả ngắn gọn về Huss và tác phẩm của ông.” Huss? Ông ta là ai và ông ta đã làm gì? Cái tên xem ra quen thuộc lạ lùng. Bạn lục lọi cái kho tàng sự kiện lịch sử của mình hệt như bạn săn lùng một mảnh lụa trong một cái túi đựng giẻ rách. Bạn chắc chắn nó nằm ở đâu đó trong đầu bạn, gần chóp đỉnh – bạn đã nhìn thấy nó ở đó hôm kia khi bạn đang tìm kiếm những bước khởi đầu của Cuộc cải cách. Nhưng hiện giờ nó ở đâu? Bạn moi móc ra mọi thứ linh tinh của kiến thức – những cuộc cách mạng, những cuộc phân ly giáo phái, những vụ thảm sát, các hệ thống chính phủ; nhưng Huss – ông ta ở đâu? Bạn kinh ngạc với mọi thứ bạn biết nhưng không nằm trên tờ đề thi. Trong tuyệt vọng bạn tóm lấy cái túi đồ và đổ mọi thứ ra, và ở đó, tại một góc là người đàn ông của bạn, đang trầm tư với những ý tưởng của ông ta, không ý thức gì tới thảm họa mà ông ta đã mang tới cho bạn.
          Vừa lúc đó vị giám thị thông báo với bạn rằng đã hết giờ. Với cảm giác cực kỳ căm phẫn bạn đá tung cái đống rác rưởi ấy vào một góc và đi về nhà, đầu óc tràn ngập những âm mưu cách mạng để xóa bỏ cái quyền thiêng liêng của các giáo sư là đưa ra những câu hỏi mà không được sự đồng ý của người bị hỏi.
          Tôi chợt nghĩ rằng trong hai ba trang cuối của chương này tôi đã sử dụng những nhân vật sẽ hướng sự chế nhạo chống lại tôi. Chà, họ đây rồi – những ẩn dụ pha tạp đang chế giễu và vênh váo đi quanh tôi, chỉ về phía con bò đực trong tiệm đồ sứ đang bị tấn công bởi mưa đá và những con ngáo ộp với vẻ mặt xanh xao, một loài không được phân tích! Cứ mặc cho chúng chế giễu. Những từ này mô tả chính xác bầu không khí của những ý tưởng đang chen chúc, đang nhào lộn mà tôi đang sống trong đó đến nỗi tôi sẽ nháy mắt với chúng lần nữa và khoác lên một vẻ khoan thai để nói rằng những ý tưởng của tôi về trường đại học đã đổi thay.
          Trong lúc những ngày học ở Radcliffe vẫn còn nằm ở tương lai, chúng được bao quanh bởi một vòng hào quang lãng mạn mà giờ đây đã mất đi; nhưng trong sự chuyển biến từ lãng mạn sang thực tế tôi đã học được nhiều điều mà tôi sẽ không bao giờ biết nếu tôi không thử qua trải nghiệm này. Một trong số đó là khoa học quý giá về lòng kiên nhẫn; nó dạy chúng ta rằng chúng ta nên tiếp nhận học vấn của mình hệt như chúng ta sẽ thực hiện một chuyến tản bộ ở miền quê, một cách nhàn nhã, tâm trí phóng khoáng mở ra trước đủ loại ấn tượng. Thứ trí thức đó tràn ngập tâm hồn vô hình với một cơn sóng thủy triều câm lặng của tư duy đã đào sâu. “Kiến thức là sức mạnh.” Đúng hơn, kiến thức là niềm hạnh phúc, vì có kiến thức – thứ kiến thức rộng và sâu – là biết được những mục đích thật sự từ những mục đích sai lầm lạc và những điều cao quý từ những thứ thấp hèn. Biết những tư tưởng và hành vi đã đánh dấu sự tiến bộ của loài người là cảm thấy nhịp đập phập phồng của quả tim vĩ đại của nhân loại qua nhiều thế kỷ; và nếu một người không cảm thấy trong những nhịp đập này một sự nỗ lực hướng vọng tới trời cao, anh ta phải thật sự là một người điếc đối với những bản hòa âm của sự sống.



[1] Nhân vật trong Kinh Thánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét