Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI - HELEN KELLER (Chương XXI & XXII)

Nguyễn Thành Nhân dịch






CHƯƠNG XXI


          Cho tới lúc này tôi đã phác họa lại những sự kiện của đời tôi, nhưng tôi chưa chỉ ra tôi phụ thuộc nhiều như thế nào vào những quyển sách, không chỉ vì niềm vui và sự thông thái mà chúng mang tới cho tất cả những ai đọc sách mà còn vì kiến thức đến với những người khác thông qua những đôi mắt và đôi tai của chúng.
          Thật sự, những quyển sách có ý nghĩa đối với học vấn của tôi nhiều hơn đối với học vấn của những người khác đến độ tôi sẽ quay trở lại thời điểm tôi bắt đầu đọc.
          Tôi đọc câu chuyện trọn vẹn đầu tiên vào tháng Năm, 1887, khi tôi lên bảy tuổi, và từ ngày hôm đó tới nay tôi đã ngấu nghiến mọi thứ có hình dạng của một tờ giấy in nằm trong tầm với của những đầu ngón tay khao khát của tôi. Như đã nói, tôi không học thường xuyên trong những năm đầu của sự học; tôi cũng không đọc theo nguyên tắc.
          Thoạt tiên tôi chỉ có vài cuốn sách “độc giả” in chữ nổi dành cho những người mới bắt đầu, một tuyển tập những câu chuyện cho trẻ em, và một cuốn sách nói về địa cầu gọi là “Thế giới của chúng ta”. Tôi nghĩ tất cả chỉ có thế; nhưng tôi đọc đi đọc lại chúng, cho tới lúc những từ mòn vẹt đến mức tôi hầu như không thể nhận ra chúng nữa. Thi thoảng, cô Sullivan đọc cho tôi, viết vào tay tôi những câu chuyện nhỏ và những bài thơ mà cô biết tôi hiểu được; nhưng tôi thích tự mình đọc hơn là nghe người khác đọc, vì tôi thích đọc đi đọc lại những thứ làm cho tôi thú vị.
          Chính trong chuyến viếng thăm Boston đầu tiên mà tôi thật sự bắt đầu đọc với thái độ nghiêm túc. Tôi được phép sử dụng một phần thời gian trong mỗi ngày ở thư viện của trường, và đi lang thang từ tủ sách này tới tủ sách khác, lấy xuống bất cứ cuốn sách nào những ngón tay của tôi đặt lên. Và cứ thế tôi đọc, dù tôi chỉ hiểu một từ trong mười từ hoặc hai từ trong một trang. Bản thân những từ mê hoặc tôi; nhưng tôi không chú ý tới những gì tôi đọc. Tuy nhiên, hẳn tâm trí tôi đã rất nhạy cảm vào thời kỳ đó, vì nó lưu giữ lại nhiều từ và toàn bộ những câu mà tôi không có một ý tưởng mơ hồ nhất nào về ý nghĩa của chúng; và sau đó, khi tôi bắt đầu nói và viết, các từ và các câu này thường hiện ra một cách tự nhiên, vì thế các bạn tôi rất ngạc nhiên với vốn từ vựng phong phú của tôi. Hẳn tôi đã đọc nhiều phần của nhiều cuốn sách (vào những ngày đầu đó tôi nghĩ tôi không bao giờ đọc trọn vẹn một cuốn sách nào) và rất nhiều thơ theo cách thức không hiểu biết này, cho tới khi tôi phát hiện ra cuốn “Lãnh chúa tí hon Fauntleroy”. Đó là cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc một cách thấu hiểu.
          Một hôm cô giáo tôi bắt gặp tôi đang mải mê nghiền ngẫm những trang của cuốn “Chữ A màu đỏ” ở một góc thư viện. Lúc đó tôi tám tuổi. Tôi nhớ cô đã hỏi tôi có thích cô bé Pearl không, và giải thích một số từ khiến tôi rối trí. Rồi cô nói với tôi rằng cô có một câu chuyện rất tuyệt về một cậu bé mà cô chắc rằng tôi sẽ thích hơn cuốn “Chữ A màu đỏ”.  Tên của câu chuyện là “Lãnh chúa tí hon Fauntleroy”, và cô hứa mùa hè năm sau cô sẽ đọc nó cho tôi. Nhưng mãi tới tháng Tám chúng tôi mới bặt đầu câu chuyện; những tuần đầu của tôi ở bờ biển đầy những khám phá và niềm phấn khích đến nỗi tôi quên hẳn sự tồn tại của những quyển sách. Sau đó cô giáo tôi tới thăm vài người bạn ở Boston, rời khỏi tôi một thời gian ngắn.
          Khi cô quay lại, điều chúng tôi làm đầu tiên là bắt đầu câu chuyện “Lãnh chúa tí hon Fauntleroy”. Tôi nhớ rõ thời điểm và địa điểm nơi chúng tôi đọc những chương đầu của câu chuyện thiếu nhi hấp dẫn này. Đó là một buổi chiều tháng Tám ấm áp. Chúng tôi cùng ngồi trên một cái võng treo từ hai cây thông to lớn cách nhà một quãng ngắn. Chúng tôi đã vội vã rửa chén dĩa sau bữa trưa để có thể có một buổi chiều càng dài càng tốt cho câu chuyện. Khi vội vã đi ngang qua những cụm cỏ dài tới cái võng, những con cào cào bu quanh chúng tôi và đeo bám vào quần áo của chúng tôi, và tôi nhớ cô giáo tôi đã khăng khăng phải gỡ hết chúng ra trước khi chúng tôi ngồi xuống, điều dường như đối với tôi là một sự lãng phí thời gian không cần thiết. Cái võng được che bằng lá thông, vì nó không được dùng tới trong lúc cô giáo tôi đi vắng. Mặt trời ấm áp tỏa nắng bên trên những cây thông và rút ra mọi hương thơm của chúng. Bầu không khí thơm ngát, với một tiếng rung ngân của biển. Trước khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện, cô Sullivan giải thích cho tôi những thứ mà cô biết tôi không thể hiểu, và trong lúc chúng tôi đọc, cô giải thích những từ không quen thuộc. Đầu tiên có nhiều từ tôi không biết, và việc đọc thường xuyên bị gián đoạn; nhưng ngay khi tôi hiểu hoàn toàn tình cảnh, tôi bắt đầu chìm đắm một cách rất nôn nao vào câu chuyện nên không chú ý tới những từ đơn lẽ, và tôi e rằng tôi đã lắng nghe một cách nôn nóng những lời giải thích mà cô Sullivan cảm thấy là cần thiết. Khi những ngón tay của cô quá mệt mỏi để viết một từ khác, lần đầu tiên tôi ý thức rõ ràng về những khao khát của mình. Tôi cầm quyển sách lên và cố cảm nhận những mẫu tự với sự khát khao khôn tả mà tôi không bao giờ quên được.
          Sau đó, với sự yêu cầu nôn nao của tôi, ông Anagnos đã cho khắc nổi câu chuyện này, và tôi đọc đi đọc lại nó nhiều lần cho tới khi tôi gần như thuộc lòng nó; và trong suốt thời thơ ấu, cuốn “Lãnh chúa tí hon Fauntleroy” là người bạn đồng hành thân yêu và thú vị của tôi. Tôi đã kể hết những chi tiết này với nguy cơ trở nên tẻ ngắt, vì chúng tương phản mạnh mẽ với những ký ức mơ hồ, thất thường và rối rắm của việc đọc trong thời kỳ đầu.
          Tôi ghi nhận cuốn “Lãnh chúa tí hon Fauntleroy” là thời điểm bắt đầu của sự quan tâm thật sự đến những cuốn sách của tôi. Trong suốt hai năm kế tiếp tôi đọc nhiều cuốn ở nhà tôi và trong những chuyến tới Boston. Tôi không nhớ tất cả những cuốn đó, hay tôi đọc chúng theo trình tự nào, nhưng tôi biết trong số đó có có cuốn “Những vị anh hùng Hy Lạp”, “Truyện ngụ ngôn của La Fontaine, Quyển sách kỳ diệu” của Hawthorne, Những câu chuyện trong Kinh Thánh, “Những câu chuyện từ Shakespeare” của Lamb, “Lịch sử nước Anh của một đứa bé của Dickens, “Nghìn lẽ một đêm”, “Gia đình Robinson người Thụy Sĩ”, “Chuyến đi của kẻ hành hương”, “Robinson Crusoe” “Người phụ nữ nhỏ bé” và “Heidi”, một câu chuyện thú vị mà sau đó tôi đọc bằng tiếng Đức. Tôi đọc chúng vào những khoảng thời gian rỗi giữa việc học và chơi với một ý thức ngày càng sâu sắc về niềm vui. Tôi không nghiên cứu hay phân tích chúng – tôi không biết chúng được viết hay hay dở thế nào; tôi không bao giờ nghĩ tới văn phong hay tác giả. Chúng trải những kho báu của chúng ra dưới chân tôi, và tôi chấp nhận chúng như chúng ta chấp nhận ánh nắng và tình yêu của các bạn hữu. Tôi yêu cuốn “Người phụ nữ nhỏ bé” vì nó cho tôi một ý thức về mối quan hệ với những bé gái và bé trai có thể nhìn và nghe. Bị giới hạn theo nhiều cách như cuộc đời trước đây của tôi, tôi phải tìm kiếm giữa những bìa sách những thông tin về thế giới nằm bên ngoài thế giới của tôi.
          Tôi không đặc biệt quan tâm tới cuốn “Chuyến đi của người hành hương” mà tôi nghĩ tôi không đọc hết, và cả cuốn “Truyện ngụ ngôn” cũng thế. Đầu tiên tôi đọc cuốn “Truyện ngụ ngôn” của La Fontaine trong một bản dịch tiếng Anh và chỉ thưởng thức nó theo một cách thức hững hờ. Sau này tôi đọc lại cuốn sách bằng tiếng Pháp và nhận ra rằng bất chấp những bức tranh ngôn từ sống động và sự tinh thông tuyệt vời của ngôn ngữ, tôi vẫn không thích nó hơn chút nào. Tôi không biết vì sao, nhưng những câu chuyện mà trong đó những con thú được phú cho khả năng nói chuyện và hành động như con người không bao giờ hấp dẫn tôi một cách mạnh mẽ. Những bức tranh biếm họa lố lăng của những con thú xâm chiếm tâm trí tôi và ngăn chận bài học luân lý.
          Thế nên, xin nhắc lại, La Fontaine hiếm khi, nếu có, hấp dẫn đối với ý thức luân lý cao hơn của chúng ta. Những hợp âm cao nhất mà ông đánh ra là những hợp âm của lý trí và lòng tự ái.  Xuyên suốt tất cả những câu chuyện ngụ ngôn là cái ý tưởng rằng đạo đức của con người hoàn toàn bắt nguồn từ lòng tự ái, và rằng nếu lòng tự ái được dẫn dắt và kềm chế bởi lí trí thì hạnh phúc sẽ đến sau. Giờ đây, ở mức độ tôi có thể xét đoán, lòng tự ái là cội nguồn của mọi điều xấu xa; nhưng, dĩ nhiên tôi có thể sai, vì La Fontaine có những cơ hội lớn hơn trong việc quan sát con người mà tôi có khả năng không bao giờ có được. Tôi không phản đối những câu chuyện ngụ ngôn chế giễu và nhạo báng nhiều như đối với những câu chuyện mà trong đó những chân lý quan trọng được dạy bảo bởi lũ khỉ và lũ cáo.
Nhưng tôi yêu cuốn “Sách rừng xanh” và “Những loài thú hoang tôi đã biết”. Tôi cảm thấy một mối quan tâm thật sự vào chính bản thân những con thú, vì chúng là những con thú thật chứ không phải những bức biếm họa về con người. Người ta đồng cảm với những tình yêu và lòng căm ghét của chúng, bật cười với những tấn hài kịch của chúng và khóc với những tấn bi kịch của chúng. Và nếu những quyển sách này hướng tới một bài học luân lý thì nó cũng tinh tế đến nỗi chúng ta không hề ý thức tới điều đó.
          Tâm trí tôi mở ra một cách tự nhiên và hân hoan trước một ý niệm về thời cổ đại. Hy Lạp, Hy Lạp cổ đại, là một sức mê hoặc đầy bí ẩn đối với tôi. Trong trí tưởng của tôi những vị nam thần và nữ thần ngoại giáo vẫn còn bước đi trên quả đất và trò chuyện mặt đối mặt với con người, và trong tim mình, tôi bí mật xây đắp những lăng tẩm cho những người tôi yêu quý nhất. Tôi biết và yêu toàn bộ những nhóm nữ thần và anh hùng và bán thần – không, không hoàn toàn là tất cả, vì sự độc ác và tham lam của Medea và Jason quá kinh tởm không thể tha thứ được, và tôi thường tự hỏi vì sao các thần linh cho phép họ làm điều sai trái rồi sau đó lại trừng phạt họ vì sự xấu xa của họ. Và bí ẩn đó vẫn còn chưa hé lộ. Tôi thường tự hỏi vì sao Thần linh có thể giữ im lặng
            Trong lúc Tội lỗi nhăn nhở bò qua ngôi nhà Thời gian của Ngài.

          Chính tác phẩm Iliad biến Hy Lạp thành thiên đường của tôi. Tôi quen thuộc với câu chuyện Thành Troy trước khi đọc bản gốc của nó, và hậu quả là tôi không gặp nhiều khó khăn mấy trong việc khiến cho những từ Hy Lạp phải dâng nộp các kho báu của chúng sau khi tôi đã vượt qua biên giới của văn phạm. Thi ca Hy Lạp, dù viết bằng tiếng Hy Lạp hay tiếng Anh, không cần một sự diễn dịch nào khác ngoài một con tim nhiệt tình. Giá mà đám đông những kẻ khiến cho những tuyệt phẩm của các thi nhân trở nên tẻ nhạt bởi các phân tích, các áp đặt và những bình luận khô khan của họ có thể hiểu được chân lý giản đơn này! Người ta không cần thiết phải có khả năng định nghĩa từng từ và xác định những mệnh đề chính hay vị trí văn phạm của nó trong câu để hiểu và thưởng ngoạn một bài thơ hay. Tôi biết những giáo sư hiểu biết của tôi đã tìm ra trong cuốn Iliad nhiều điều phong phú hơn so với tôi; nhưng tôi không tham lam. Tôi hài lòng với việc những người khác thông thái hơn tôi. Nhưng với tất cả kiến thức sâu rộng của họ, họ vẫn không thể đo lường mức độ thích thú của mình đối với thiên anh hùng ca tuyệt vời này, và tôi cũng vậy. Khi tôi đọc những đoạn đẹp đẽ nhất của Iliad, tôi ý thức được một cảm giác thuộc về linh hồn nâng bổng tôi lên trên những hoàn cảnh nhỏ hẹp, câu thúc của cuộc đời tôi. Tôi quên đi những hạn chế thể chất của mình – thế giới của tôi hướng lên trên, độ dài, rộng và phạm vi của bầu trời là của tôi!
Sự ngưỡng mộ của tôi dối với sử thi Æneid không lớn lắm, tuy nhiên nó là thật. Tôi đọc nó càng nhiều càng tốt mà không có sự trợ giúp của các chú thích hay tự điển, và tôi luôn thích dịch các đoạn thơ khiến tôi đặc biệt thích thú. Bức tranh bằng ngôn từ của Virgin đôi khi thật tuyệt vời; nhưng các thần linh và con người của ông di chuyển qua những phân cảnh của niềm đam mê, sự tranh chấp, lòng thương hại và tình yêu như những đường nét duyên dáng trên một tấm mạng che mặt thời Elizabeth, trong lúc trong cuốn Iliad chúng nhảy ba bước một và ca hát tiến lên. Virgin thanh bình và đáng yêu như một vị thần Apollo bằng cẩm thạch dưới ánh trăng; Homer là một chàng thanh niên xinh đẹp, năng động dưới ánh nắng mặt trời với ngọn gió luồn trong tóc.
          Thật dễ dàng biết bao khi bay trên những đôi cánh giấy! Từ “Những vị anh hùng Hy Lạp” tới Iliad không phải là cuộc hành trình của một ngày, và nó cũng không toàn là điều thú vị. Người ta có thể đi vòng quanh thế giới nhiều lần trong khi tôi lê bước trên con đường mệt mỏi của mình qua những mê lộ của văn phạm và tự điển, hoặc rơi vào những cạm bẫy đáng sợ gọi là những kỳ thi được quy định bởi các trường trung học và đại học để làm rối trí những ai kiếm tìm tri thức. Tôi cho rằng dạng Chuyến đi Hành hương này sẽ được chứng minh bởi đích đến cuối cùng; nhưng với tôi nó dường như vô tận, bất chấp những ngạc nhiên thú vị thỉnh thoảng chạm trán tôi ở một chỗ ngoặt của con đường.
          Tôi bắt đầu Kinh Thánh trước khi tôi có thể hiểu nó khá lâu. Giờ đây với tôi dường như thật lạ lùng khi đã từng có một thời gian linh hồn tôi điếc đặc trước những hòa âm tuyệt vời của nó; nhưng tôi nhớ rõ một sáng Chủ nhật mưa khi, do không có gì khác để làm, tôi đã năn nỉ chị họ tôi đọc cho tôi nghe một câu chuyện trong Kinh Thánh. Dù không nghĩ tôi có thể hiểu được, chị bắt đầu viết vào tay tôi câu chuyện của Joseph và các anh em của ông. Vì lý do nào đó nó không mấy thú vị đối với tôi. Ngôn ngữ khác thường và sự lặp lại khiến câu chuyện có vẻ không thật và xa xăm trong vùng đất của Canaan, và tôi ngủ thiếp đi, lang thang tới vùng đất của Nod, trước khi các người anh em với tấm áo khoác nhiều màu  bước vào túp lều của Jacob  và thốt lên lời dối trá xấu xa của họ! Tôi không thể hiểu vì sao những câu chuyện về người Hy Lạp lại rất quyến rũ đối với tôi, còn các câu chuyện trong Kinh Thánh lại quá tẻ nhạt, ngoại trừ rằng tôi đã làm quen với nhiều người Hy Lạp ở Boston và được gợi cảm hứng bởi sự nồng nhiệt đối với những câu chuyện về quê hương của họ; trong khi tôi chưa từng gặp một người Do Thái hay Ai Cập nào, và do đó kết luận rằng họ chỉ là những người man rợ, và có lẽ những câu chuyện về họ toàn là bịa đặt, mà các giả thuyết đã lý giải cho những lần lặp lại và những cái tên kỳ quặc. Thật lạ lùng, tôi chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ sẽ gọi những cái tên Hy Lạp là “kỳ quặc”.
          Nhưng tôi sẽ nói sao về những vẻ tráng lệ mà kể từ đó tôi đã phát hiện trong Kinh Thánh? Trong nhiều năm tôi đã đọc nó với một cảm giác luôn mở rộng hơn của niềm vui và cảm hứng; và tôi yêu nó hơn bất cứ cuốn sách nào khác. Vẫn còn có nhiều điều trong Thánh Kinh chống lại mọi bản năng nổi loạn của tôi, nhiều đến độ tôi thấy tiếc rằng sự cần thiết đã buộc tôi đọc nó từ đầu tới cuối. Tôi không nghĩ rằng kiến thức mà tôi có được về lịch sử và các nguồn gốc của nó đã bù đắp cho những chi tiết không thú vị mà nó buộc tôi phải chú ý tới. Về phần tôi, tôi ước ao, với ông Howells, rằng văn học của quá khứ có thể được thanh lọc mọi thứ man rợ và xấu xí trong đó, dù tôi cũng sẽ phản đối bất kỳ người nào làm cho những tác phẩm vĩ đại đó yếu đi hay bị bóp méo.
          Có điều gì đó thật ấn tượng, uy nghiêm trong sự đơn giản và trực tiếp khủng khiếp của cuốn sách về Esther. Còn có gì đầy bi kịch hơn cái cảnh Esther đứng trước vị vua xấu xa của nàng? Nàng biết cuộc đời nàng nằm trong tay ông ta; không có ai bảo vệ nàng khỏi cơn thịnh nộ của ông ta. Thế nhưng, chế ngự được nỗi sợ của một phụ nữ, nàng tiếp cận ông ta, bị thôi thúc bởi lòng ái quốc cao cả nhất, chỉ có một ý nghĩ duy nhất: “Nếu mình bỏ mạng thì đành bỏ mạng; nhưng nếu mình sống, nhân dân của mình sẽ sống.”
          Và câu chuyện về Ruth nữa – nó thật đầy tính chất Đông phương! Thế nhưng cuộc sống của những người dân giản dị từ thủ đô của Ba Tư đó thật khác biệt biết bao! Ruth rất trung thành và nhân hậu, chúng ta không thể không yêu mến nàng, khi nàng đứng với những người thợ gặt giữa làn sóng lúa. Linh hồn đẹp đẽ, vị tha của nàng tỏa sáng như một vì sao rực rỡ trong bóng đêm của một thời đại tối tăm và độc ác. Tình yêu cũng giống như linh hồn của Ruth, tình yêu mà có thể vượt lên trên những tín điều xung đột và những thành kiến chủng tộc đã thâm căn cố đế, thật khó mà tìm trên toàn thế giới.
          Kinh Thánh mang tới cho tôi một cảm giác an ủi sâu sắc rằng “những thứ hữu hình đều tạm bợ, và những thứ vô hình là vĩnh cữu.”
          Tôi nhớ không có thời gian nào từ khi tôi có khả năng yêu mến những cuốn sách mà tôi lại không yêu Shakespeare. Tôi không thể nói chính xác khi nào tôi bắt đầu cuốn “Những câu chuyện từ Shakespeare” của Lamb’ nhưng tôi biết tôi đọc chúng thoạt tiên với trí hiểu biết và sự ngạc nhiên của một đứa bé. “Macbeth” dường như khiến tôi có ấn tượng nhất. Chỉ một lần đọc đã đủ in dấu mọi chi tiết của câu chuyện vào ký ức của tôi mãi mãi. Suốt một thời gian dài, những hồn ma và phù thủy đuổi theo tôi đến tận Xứ Mơ. Tôi có thể nhìn thấy, tuyệt đối nhìn thấy, con dao găm và bàn tay trắng nhỏ nhắn của phu nhân Macbeth – cái vết ố đáng sợ đó cũng có thật với tôi không kém vị hoàng hậu đau khổ.
          Tôi đọc “Vua Lear” không bao lâu sau “Macbeth”, và tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác kinh hoàng khi đọc tới cảnh đôi mắt của Gloucester bị móc ra. Cơn giận dữ xâm chiếm tôi, những ngón tay của tôi từ chối di chuyển, tôi ngồi lặng đi một lúc, máu dồn lên hai thái dương, và tất cả niềm căm ghét mà một đứa bé có thể cảm thấy tràn ngập tim tôi.
          Hẳn tôi đã làm quen với Shylock[1] và Satan vào cùng một thời điểm, vì hai nhân vật này gắn bó lâu dài trong tâm trí tôi. Tôi nhớ rằng tôi thấy tiếc cho họ. Tôi mơ hồ cảm thấy họ không thể tốt dù cho họ muốn vì dường như không ai sẵn lòng giúp họ hay thậm chí cho họ một cơ may công bằng. Ngay cả đến giờ tôi tôi không thể tìm thấy trong tim tôi sự khinh bỉ cực độ dành cho họ. Có những lúc tôi cảm thấy  những Shylock,  những Judas, và thậm chí Ác quỷ, chỉ là những cái căm xe trong cái bánh xe vĩ đại của điều tốt mà vào đúng lúc sẽ được hoàn thiện.
          Có vẻ thật lạ lùng khi lần đầu đọc Shakespeare của tôi đã để lại  cho tôi quá nhiều ký ức không vui. Những vở kịch tươi sáng, tinh tế, giàu tưởng tượng – những vở mà giờ đây tôi thích nhất – có vẻ không mấy ấn tượng với tôi hồi đầu, có lẽ vì chúng phản ánh ánh mặt trời quen thuộc và sự vui vẻ của cuộc sống của một đứa bé. Nhưng “không có gì thất thường hơn ký ức của một đứa bé: cái gì sẽ giữ lại và cái gì sẽ mất đi.”
          Kể từ đó tôi đã đọc những vở kịch của Shakespeare nhiều lần và thuộc lòng nhiều phần của chúng, nhưng tôi không thể nói tôi thích vở nào nhất. Niềm vui đặt vào chúng cũng đa dạng như những tâm trạng của tôi. Những bài ca và thơ sonnet nho nhỏ có một ý nghĩa tươi tắn và kỳ diệu đối với tôi tương đương với những vở hài kịch. Nhưng, với tất cả tình yêu của tôi dành cho Shakespeare, thông thường việc đọc tất cả mọi ý nghĩa nằm trong những dòng thơ của ông mà những nhà phê bình và bình luận gán cho chúng là một công việc mệt nhọc. Tôi thường cố gắng ghi nhớ những diễn dịch của họ, nhưng chúng làm tôi nản lòng và bực dọc; vì thế tôi tự giao ước với chính mình sẽ không cố thêm nữa. Hiệp ước này tôi chỉ phá vỡ khi nghiên cứu Shakespeare dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Kittredge. Tôi biết có nhiều thứ ở Shakespeare, và trên thế giới, mà tôi không hiểu; và tôi vui mừng thấy rằng từng tấm mạng dần dần được nhấc lên, để lộ những lãnh địa mới của tư tưởng và cái đẹp.
          Sau thi ca, tôi yêu lịch sử. Tôi đã đọc mọi tác phẩm lịch sử mà tôi có thể đặt tay lên, từ một cuốn danh mục với những thực tế khô khan và những ngày tháng còn khô khan hơn cho tới cuốn sách vô tư, thơ mộng “Lịch sử của Nhân dân Anh” của Green”; từ “Lịch sử châu Âu” của Freeman cho tới “Thời Trung cổ” của Emerton. Cuốn đầu tiên cho tôi một cảm giác thật sự về giá trị của lịch sử là cuốn “Lịch sử Thế giới” của Swinton, mà tôi nhận được vào sinh nhật thứ mười ba. Dù tôi tin nó không còn được xem là có giá trị, tôi vẫn gìn giữ nó kể từ đó như một trong những kho báu của tôi. Từ nó, tôi biết những chủng tộc loài người đã trải rộng từ vùng đất này tới vùng đất khác và xây dựng những thành phố ra sao, những nhà cai trị lớn, những thần Titan phàm tục, đã đặt mọi thứ dưới chân của họ thế nào, và với một từ có tính quyết định đã mở ra những cánh cổng hạnh phúc và khép chúng lại trước nhiều triệu người ra sao: những quốc gia khác nhau đã đi đầu trong nghệ thuật và tri thức và tạo nền tảng cho những tiến triển mạnh mẽ hơn của các thời đại sắp tới ra sao; nền văn minh đã chịu đựng, có thể nói thế, sự hủy diệt hàng loạt của một thời đại suy đồi, và vươn lên trở lại, như chim phượng hoàng, trong số những người con cao quý hơn của miền Bắc ra sao; và bằng sự tự do, sự khoan dung và nền giáo dục, những con người vĩ đại và minh triết đã mở ra con đường cho sự cứu rỗi toàn thế giới ra sao.
          Trong việc đọc ở trường đại học tôi đã trở nên khá quen thuộc với văn học Pháp và Đức. Người Đức đặt sức mạnh lên trước vẻ đẹp và sự thật lên trước tục lệ, cả trong đời sống và văn học. Có một sức sống mãnh liệt, mạnh như búa tạ về mọi thứ mà anh ta thực hiện. Khi anh ta đọc, không phải để gây ấn tượng cho những người khác, mà vì quả tim của anh ta sẽ vỡ tung nếu anh ta không tìm được một lối thoát cho những tư tưởng đang thiêu đốt linh hồn của anh ta.
          Và trong văn học Đức cũng có một sự bảo tồn tốt đẹp mà tôi thích; nhưng vinh quang chính yếu của nó là sự thừa nhận mà tôi tìm thấy ở nó đối với tiềm năng bù đắp của tình yêu tự hy sinh của người phụ nữ. Tư tưởng này tràn ngập cả nền văn học Đức và được thể hiện một cách thần bí trong “Faust” của Goethe.
Trong tất cả các nhà văn Pháp mà tôi đã đọc, tôi thích nhất là Molière và Racine. Có những điều tốt đẹp ở Balzac và trong những đoạn văn của Mérimée ùa vào lòng ta như một làn gió biển mãnh liệt. Alfred de Musset thì quá quắt! Tôi ngưỡng mộ Victor Hugo – Tôi đánh giá cao thiên tài của ông, tài hoa của ông, sự lãng mạn của ông; dù ông không phải là một trong những đam mê văn chương của tôi. Nhưng Hugo, Goethe và Schiller và những thi hào của tất cả mọi quốc gia đều là những kẻ diễn giải những điều vĩnh cữu, và linh hồn tôi cung kính đi theo họ vào những cõi miền nơi Cái Đẹp, Chân Lý và Điều Thiện là một.
          Tôi e rằng tôi đã viết quá nhiều về những người bạn-sách của tôi, thế nhưng tôi chỉ mới nhắc tới các tác giả mà tôi yêu mến nhất; và từ thực tế này người ta có thể suy đoán dễ dàng rằng nhóm bạn hữu của tôi rất hạn chế và phản dân chủ; đây là một ấn tượng rất sai lầm. Tôi thích nhiều tác giả vì nhiều lý do – Carlyle vì sự thô kệch và sự khinh miệt những điều giả dối; Wordsworth, người dạy về sự thống nhất giữa con người và thiên nhiên; tôi tìm thấy một niềm vui tinh tế trong những điều kỳ quặc và những nỗi ngạc nhiên của Hood, trong vẻ cổ xưa và mùi hương hầu như chạm được của hoa huệ và hoa hồng trong những vần thơ của Herrick; tôi thích Whittier vì những nhiệt tình và đạo đức chính trực của ông. Tôi biết ông, và ký ức dịu dàng về tình bạn của chúng tôi nhân đôi niềm vui của tôi khi đọc những bài thơ của ông. Tôi yêu Mark Twain – ai mà chẳng yêu ông? Cả các thần linh cũng yêu ông và đặt vào tim ông mọi thể thức của sự minh triết; rồi sau đó, e rằng ông có thể trở nên một người yếm thế, họ bắc cầu cho tâm trí ông với một chiếc cầu vồng tình yêu và niềm tin. Tôi thích Scott vì vẻ tươi tắn, hăng hái và trung thực của ông. Tôi yêu tất cả những tác giả mà tâm hồn họ, như tâm hồn của Lowell, sôi lên trong ánh sáng của sự lạc quan – những đài phun nước của niềm vui và thiện ý, với thi thoảng một cơn giận dữ và đó đây một làn bụi nước có tác dụng chữa lành của sự cảm thông và lòng thương xót.
          Nói tóm lại, văn học là hòn đảo Utopia của tôi. Ở đây tôi không bị tước đi quyền công dân. Không một rào cản tri giác nào khép tôi lại trước lời diễn thuyết ngọt ngào, nhân hậu của những người bạn-sách của tôi. Họ nói với tôi không chút bối rối hay khó xử. Những điều tôi học được và những điều tôi đã được dạy dường như có ý nghĩa không mấy quan trọng một cách buồn cười so với “những tình yêu bao la và những lòng nhân ái rộng như trời biển của họ.”

 

 

CHƯƠNG XXII


          Tôi tin tưởng các độc giả của tôi không kết luận từ chương trước về những cuốn sách rằng đọc là thú vui duy nhất của tôi; những thú vui và thú tiêu khiển của tôi rất nhiều và đa dạng.
          Khá nhiều lần trong diễn tiến câu chuyện này, tôi đã nhắc tới tình yêu của tôi đối với đồng quê và các môn thể thao ngoài trời. Khi còn là cô bé gái, tôi đã học chèo thuyền và bơi, và trong mùa hè, khi sống ở Wrentham, Massachusetts, hầu như tôi sống trên chiếc thuyền của mình. Không gì mang tới cho tôi niềm vui thú lớn hơn việc rủ các bạn tôi ra chèo thuyền khi họ đến thăm tôi. Dĩ nhiên tôi không thể dẫn dắt con thuyền tốt cho lắm. Một người nào đó thường ngồi ở đuôi thuyền và điều khiển đuôi lái trong lúc tôi chèo. Tuy nhiên, thi thoảng tôi chèo mà không dùng tới đuôi lái. Thật là vui khi thử lái con thuyền theo mùi hương của cỏ nước và hoa huệ và của những bụi cây mọc trên bờ. Tôi dùng mái chèo có đai da để cố định vị trí của chúng vào cọc chèo, và tôi biết nhờ sức phản kháng của nước khi nào các mái chèo ngang bằng nhau. Cũng theo cách đó tôi có thể nói khi nào tôi đang đi ngược dòng nước. Tôi thích tranh đấu với gió và sóng. Còn gì hồ hỡi hơn việc khiến cho con thuyền nhỏ bé trung thành phải tuân theo ý chí và cơ bắp của bạn, lướt nhẹ trên những làn sóng lăn tăn lấp lánh và cảm thấy sự dâng lên đều đều, cấp bách của nước!
          Tôi cũng thích đi thuyền ca-nô, và tôi cho là bạn sẽ mỉm cười khi tôi nói rằng tôi đặc biệt thích nó vào những đêm trăng sáng. Đúng là tôi không thể nhìn thấy vầng trăng từ từ nhô lên bầu trời sau hàng thông và khẽ khàng băng qua bầu trời, tạo ra một con đường sáng để chúng tôi đi theo; nhưng tôi biết trăng ở đó, và khi tôi nằm xuống giữa những cái gối và thọc tay vào nước, tôi tưởng tượng rằng tôi cảm thấy ánh sáng lung linh của bộ y phục của nàng khi nàng lướt ngang qua. Đôi khi một con cá nhỏ liều lĩnh luồn giữa những ngón tay tôi, và thường thường một bông hoa súng e thẹn ép vào bàn tay tôi. Thông thường, khi chúng tôi ló ra từ nơi ẩn nấp của một vịnh nhỏ hay lạch nước, tôi đột nhiên ý thức về sự rộng lớn của bầu không khí quanh tôi. Dường như một hơi ấm phát quang trong bóng tối bao bọc lấy tôi. Tôi không bao giờ khám phá ra nó xuất phát từ những cây cối đã được sưởi nóng bởi mặt trời hay từ mặt nước. Tôi đã có cùng một cảm giác lạ lùng đó thậm chí ngay giữa trung tâm thành phố. Tôi cảm thấy nó vào những ngày trời lạnh, mưa bão và vào ban đêm. Nó giống như một nụ hôn của đôi môi ấm trên mặt tôi.
          Thú tiêu khiển ưa thích của tôi là đi tàu. Vào mùa hè năm 1901 tôi tới thăm Nova Scotia, và có những cơ hội trước giờ chưa từng có là kết bạn với đại dương. Sau khi trải qua vài ngày ở quê hương của Evangeline, mà về nó bài thơ tuyệt diệu của Longfellow đã dệt nên một tấm bùa quyến rũ, cô Sullivan và tôi tới Halifax, nơi chúng tôi ở lại trong suốt phần lớn mùa hè. Cái cảng đó là niềm vui, là thiên đường của chúng tôi. Thật là những chuyến tàu tuyệt vời mà chúng tôi đã trải qua để tới vịnh Bedford Basin, đảo McNabb's,  đồn York, và vịnh Northwest! Và vào ban đêm, chúng tôi trải qua những giờ khắc tuyệt diệu biết bao dưới bóng của những người chiến sĩ vĩ đại, lặng im. Ôi chao, tất cả đều rất ư thú vị, rất ư xinh đẹp! Ký ức về nó là một niềm vui mãi mãi.
Một hôm chúng tôi có một trải nghiệm rất hồi hộp. Ở vịnh Northwest có một cuộc đua thuyền bao gồm các chiếc thuyền của các tàu chiến khác nhau. Chúng tôi tới đó trên thuyền buồm cùng với nhiều người khác để xem cuộc đua. Hàng trăm chiếc thuyền buồm nhỏ vun vút qua lại bên cạnh, và biển lặng. Khi các cuộc đua kết thúc, chúng tôi quay thuyền hướng về nhà, một người trong nhóm nhận thấy một đám mây đen đang từ biển trôi vào; nó ngày càng to lên và trải rộng và dày đặc hơn cho tới nó che phủ toàn thể bầu trời. Gió nổi lên, và sóng giận dữ quật vào những rào chắn vô hình. Con thuyền nhỏ của chúng tôi đương đầu với cơn gió lớn không chút sợ hãi; với những cánh buồm mở rộng và những dây thừng căn ra, con thuyền dường như đang ngồi trên đầu gió. Khi thì nó xoay tròn trong những lượn sóng cồn, khi thì nó lao lên trên một đợt sóng lớn, chỉ bị hất xuống với những tiếng gió gào rít giận dữ. Cánh buồm chính bị hạ xuống. Chạy vát theo hướng gió và xoay trở buồm, chúng tôi vật lộn với những trận gió ngược chiều đang hất chúng tôi từ phía này sang phía khác với cơn thịnh nộ dữ dội. Tim chúng tôi đập dồn dập, và tay chúng tôi run rẩy vì phấn khích chứ không phải sợ hãi; vì chúng tôi có quả tim của những chàng viking, và chúng tôi biết rằng thuyền trưởng là một bậc thầy xử lý tình huống. Ông đã băng qua nhiều cơn bão với bàn tay vững trãi và con mắt khôn ngoan trước biển. Khi họ đi ngang qua chúng tôi, con tàu lớn và những chiếc chiến thuyền trong cảng hét chào và những thủy thủ hò reo hoan hô vị thuyền trưởng của chiếc thuyề nhỏ duy nhất dám mạo hiểm lao vào cơn bão. Cuối cùng, lạnh cóng, đói meo và mệt nhoài, chúng tôi về tới bến tàu của mình.
Mùa hè năm ngoái tôi đã ở tại một trong những góc yên tĩnh đáng yêu nhất của một trong những ngôi làng quyến rũ nhất ở New England. Wrentham, Massachusetts, gắn liền với hầu hết mọi niềm vui nỗi buồn của tôi. Trong suốt nhiều năm, Nông trại Đỏ, cạnh ao Vua Philip, quê hương của ông J. E. Chamberlin và gia đình ông, là quê nhà của tôi. Tôi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc nhất lòng tốt của những người bạn thân yêu ấy và những ngày hạnh phúc tôi đã trải qua cùng họ. Tình bạn đồng hành ngọt ngào của con cái họ có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi tham gia mọi trò chơi thể thao và những chuyến đi rong qua các cánh rừng và những trò vui nhộn trên mặt nước của họ. Những câu chuyện tầm phào của các bạn nhỏ và niềm vui của họ đối với những câu chuyện về những yêu tinh và thần lùn, anh hùng và gấu nhiều mưu mẹo mà tôi kể cho họ nghe là những niềm vui đáng nhớ. Ông Chamberlin đã khai tâm cho tôi về những bí mật của cây cối và hoa dại, cho tới khi với chiếc lỗ tai nhỏ của tình yêu tôi nghe thấy tiếng chảy của nhựa trong cây sồi, và nhìn thấy mặt trời lấp lánh từ chiếc lá này sang chiếc lá khác. Vậy là
          Những rễ nằm trong lòng đất tối
Chia vui với ngọn lá hân hoan,
thấy nắng, bầu trời và chim chóc
do niềm đồng cảm của tự nhiên
thế nên tôi đưa ra chứng cứ
hiện sinh của những vật vô hình
Dường như với tôi trong mỗi chúng ta đều có một khả năng thấu hiểu những ấn tượng và cảm xúc mà nhân loại đã trải nghiệm từ thuở hồng hoang. Mỗi cá thể có một ký ức thuộc về tiềm thức về quả đất xanh và những mặt nước thì thầm, và sự mất đi thị giác và thính giác không thể tước đoạt khỏi anh ta món quà từ những thế hệ quá vãng này. Khả năng được kế thừa này là một dạng giác quan thứ sáu – một cảm giác linh hồn có thể nhìn, nghe và cảm thấy, tất cả trở thành một.
          Tôi có nhiều cây cối bạn bè ở Wrentham. Một trong số chúng, một cây sồi tuyệt diệu, là niềm tự hào đặc biệt của quả tim tôi. Tôi đưa tất cả các bạn khác của tôi tới ngắm nhìn cây sồi này. Nó đứng trên một dốc cao nhìn xuống ao nước Vua Philip, và những người hiểu biết sâu về các truyền thuyết nói rằng hẳn nó phải đứng đó tám trăm năm hoặc một ngàn năm. Có một truyền thuyết là dưới cây sồi đó Vua Philip, vị tù trưởng da đỏ hào hùng, đã ngắm nhìn lần cuối bầu trời và mặt đất.
          Tôi có một người bạn-cây khác, dịu dàng và dễ gần hơn cây sồi đồ sộ – một cây đoạn mọc trong sân trước của Nông trại Đỏ. Một chiều nọ, trong một cơn mưa giông kinh khủng, tôi cảm thấy một sự va chạm lớn ở hông nhà và biết, thậm chí trước khi người nhà bảo với tôi, rằng cây đoạn đã ngã. Chúng tôi ra ngoài để nhìn người hùng đã từng chống lại rất nhiều cơn bão lớn, và tim tôi thắt lại khi nhìn thấy thân cây nằm sóng soày, kẻ đã chiến đấu kiên cường và nay liệt oanh ngã xuống. 
          Nhưng tôi không được quên rằng tôi sẽ viết riêng về mùa hè cuối. Ngay khi các đợt thi của tôi kết thúc, cô Sullivan và tôi vọi vàng tới cái chốn yên tĩnh xanh tươi đó, nơi chúng tôi có một ngôi nhà nhỏ trên một trong ba cái hồ mà nhờ chúng Wrentham trở nên nổi tiếng. Ở đây, những ngày nắng ấm kéo dài là của tôi và mọi ý nghĩ về công việc và trường đại học và thành phố ồn ào bị ném lại sau lưng. Ở Wrentham chúng tôi nghe tiếng vọng của điều đang xảy ra trong thế chiến, quân đồng minh và xung đột xã hội. Chúng tôi nghe thấy cuộc chiến dã man không cần thiết ở Thái Bình Dương xa xôi, và biết về những cuộc đấu tranh đang diễn ra giữa tư bản và giới cần lao. Chúng tôi biết rằng ngoài biên giới của khu vườn địa đàng của chúng tôi những người đàn ông đang làm nên lịch sử bằng những giọt mồ hôi trên trán khi lẽ ra họ nên có một kỳ nghỉ. Nhưng chúng tôi không quan tâm mấy đến những điều này. Những điều này sẽ trôi qua; ở đây là những cái hồ, những cánh rừng cà những cánh đồng rộng ngập tràn hoa cúc và những bãi cỏ thơm ngào ngạt, và chúng sẽ bền vững muôn đời.
          Những người nghĩ rằng tất cả những cảm xúc đến với chúng ta qua mắt và tai đã tỏ ra ngạc nhiên với việc tôi nhận thấy bất kỳ khác biệt nào, có lẽ ngoại trừ sự vắng mặt của những vỉa hè, giữa việc đi bộ trong những con đường thành phố và trên những đường đất thôn quê. Họ quên rằng toàn bộ cơ thể tôi sống với những điều kiện quanh tôi. Tiếng ầm ầm gầm rú của thành phố đập vào những dây thần kinh trên mặt tôi, và tôi cảm thấy tiếng đi lại nặng nề của một đám đông vô hình, và những náo động khó chịu khiến tôi bực dọc. Tiếng rền rền của những toa xe nặng trên mặt đường cứng và tiếng lanh canh đơn điệu của động cơ là tất cả những thứ hành hạ những sợi dây thần kinh nếu sự chú ý của một người không được chuyển sang hướng khác bởi bức tranh toàn cảnh luôn hiện diện trên những con phố ồn ào đối với những người có khả năng nhìn thấy.
          Ở thôn quê, người ta chỉ nhìn thấy những lao tác công bằng của Tự nhiên, và linh hồn họ trở nên u sầu với sự đấu tranh ác nghiệt chỉ đơn giản để tồn tại diễn ra ở thành thị đông người. Tôi đã nhiều lần tới thăm những đường phố hẹp, bẩn thỉu nơi người nghèo sinh sống và tôi cảm thấy nóng ruột, căm phẫn khi nghĩ rằng những người tốt thỏa mãn với việc sống trong những ngôi nhà xinh đẹp và trở nên mạnh mẽ, xinh đẹp, trong lúc những người khác buộc phải sống trong những căn nhà kinh tởm, thiếu ánh mặt trời và trở nên xấu xí, teo tóp và hèn hạ. Những đứa trẻ ăn không đủ no mặc không đủ ấm đông đúc trong những ngỏ hẹp bẩn thỉu co lại để tránh bàn tay đưa ra của bạn như tránh một cú đấm. Những con người bé nhỏ thân yêu ấy, họ luồn vào tim tôi và ám ảnh tôi với một nỗi đau thường trực. Cũng có cả những người đàn ông và phụ nữ, tất cả đều gầy gò xương xẩu và gập cả lưng. Tôi đã cảm nhận những bàn tay cứng, thô ráp của họ và nhận ra sự tồn tại của họ phải là một cuộc đấu tranh bất tận – không có gì khác ngoài một chuỗi dài những cuộc tranh đấu, những nỗ lực bị trở ngăn để thực hiện một điều gì đó. Cuộc đời của họ dường như là một sự cách biệt mênh mông giữa nỗ lực và cơ hội. Mặt trời và không khí là món quà miễn phí của Thượng đế dành cho tất cả, chúng ta nói thế; nhưng có phải vậy không? Trong nhũng ngõ hẹp ảm đạm của thành phố xa kia không có ánh nắng, còn không khí thì hôi thối. Ôi, bạn ơi, làm sao bạn có thể quên đi và cản trở người anh em của bạn và nói rằng, “Hãy cho chúng tôi miếng bánh hàng ngày của chúng tôi” khi anh ta không có cái bánh nào! Ôi, giá như những người đó rời khỏi thành phố, sự lông lẫy và náo động và vàng son của nó, và quay lại với khu rừng, cánh đồng và cuộc sống đơn giản, trung thực! Khi ấy con cái họ sẽ lớn lên vững trãi như những cây cối cao quý, và tư tưởng của chúng trở nên thuần khiết ngọt lành như những bông hoa ở vệ đường. Không thể nào không nghĩ tới tất cả những điều này khi tôi quay trở lại vùng thôn quê sau một năm hoạt động ở thị trấn.
           Thật là một hân hoan to lớn khi cảm nhận mặt đất mềm mại, đàn hồi bên dưới chân tôi lần nữa, men theo những con đường cỏ dại dẫn tới những con suối mọc đầy dương xỉ nơi tôi có thể nhúng những ngón tay vào một dòng thác của những con chữ lăn tăn gợn sóng, hoặc trèo qua một bức tường đá để đi vào những cánh đồng xanh đang nhào lộn, lăn tròn và bò trườn trong niềm vui náo động!
          Sau một cuộc tản bộ nhàn nhã, tôi thích tận hưởng một “cuộc dạo loanh quanh” trên chiếc xe đạp hai yên của tôi. Thật tuyệt khi cảm nhận cơn gió thổi vào mặt tôi và chuyển động đàn hồi của con chiến mã sắt của tôi. Sự lao nhanh qua không khí mang tới cho tôi một cảm giác tuyệt vời về sức mạnh và sự sôi nổi, và chuyến đi dạo khiến mạch máu tôi tung tăng nhảy múa và tim tôi cất tiếng hát vang.
          Bất cứ khi nào có thể, con chó của tôi cùng làm bạn đồng hành với tôi trong một chuyến tản bộ hay chèo thuyền. Tôi có nhiều người bạn chó – những con chó tai cụp to lớn, nhưng con chó spaniel mắt dịu dàng, những con chó săn lông xù thông minh và những con chó sục trung thành. Hiện tại, con chó mà tôi yêu mến nhất là một trong những con chó sục này. Nó có một phả hệ dài, một cái đuôi cong và một “khuôn mặt” khôi hài nhất trong các loài chó. Những người bạn chó dường như hiểu thấu những hạn chế của tôi và luôn luôn theo sát tôi khi tôi đi một mình. Tôi yêu những cung cách đầy tình cảm và những cái vẫy đuôi rất ư hùng biện của chúng.
Khi một ngày mưa giữ chân tôi trong nhà, tôi tự tiêu khiển theo cung cách của các cô gái khác. Tôi thích đan len và thêu; tôi đọc theo cung cách được chăng hay chớ mà tôi yêu thích, chỗ này một dòng, chỗ kia một dòng; hay có lẽ tôi chơi một hai ván cờ vua hay cờ ca-rô với một người bạn. Tôi có một bàn cờ đặc biệt để chơi các trò này. Những ô vuông chạm nổi để các quân cờ đứng vững trên đó.  Các quân cờ đen bằng phẳng còn các quân cờ trắng có những đường cong trên đầu. Mỗi quân cờ có một cái lỗ ở giữa trong đó tôi có thể đặt một cục đồng để phân biệt quân vua với các quân thường. Các quân cờ có hai kích thước, quân trắng to hơn quân đen để tôi không gặp khó khăn trong việc theo dõi các chiến thuật của đối thù bằng cách di chuyển nhẹ hai bàn tay trên bàn cờ sau một lượt đi. Tiếng ken két được tạo ra khi di chuyển các quân cờ từ ô này sang ô khác cho tôi biết khi tới lượt đi của tôi.
          Nếu tình cờ tôi chỉ có một mình và có tâm trạng thư thái, tôi chơi một ván bài một người mà tôi rất thích. Tôi dùng những lá bài có làm dấu ở góc cao bên phải những biểu tượng nổi chỉ ra giá trị của lá bài.
          Nếu có trẻ con xung quanh, không gì khiến tôi vui bằng bày trò vui nhộn với chúng. Tôi thấy rằng ngay cả một đứa trẻ bé nhất cũng là một người bạn tuyệt vời, và tôi vui sướng nói rằng trẻ con thường rất thích tôi. Chúng dẫn tôi đi loanh quanh và chỉ cho tôi những thứ mà chúng quan tâm. Dĩ nhiên những đứa nhỏ không thể viết lên tay tôi, nhưng tôi xoay xở bằng cách đọc môi chúng. Nếu tôi không thành công, chúng viện tới điệu bộ. Thỉnh thoảng tôi bị nhầm và làm những điều sai. Một tràng cười trẻ con chào đón sự ngớ ngẩn của tôi, và vở kịch câm này bắt đầu lại từ đầu. Tôi thường kể cho chúng nghe những câu chuyện hay dạy chúng một trò chơi, và những giờ khắc có cánh đến và để lại cho chúng tôi niềm hạnh phúc tốt lành.

Ảnh: Emily Stokes, 1902
 
 CÔ KELLER VÀ "PHIZ"

          Những viện bảo tàng và những cửa hàng mỹ thuật cũng là những nguồn vui thú và cảm hứng. Chắc chắn nhiều người dường như sẽ thấy lạ lùng rằng bàn tay không được sự trợ giúp của thị lực có thể cảm nhận hành động, cảm xúc và vẻ đẹp trong lớp cẩm thạch lạnh lẽo; thế nhưng đúng là tôi tiếp nhận được niềm vui đích thực từ việc sờ mó những tuyệt phẩm nghệ thuật. Khi những đầu ngón tay dõi theo những đường cong nét lượn, chúng phát hiện ra tư tưởng và cảm xúc mà người nghệ sĩ đã mô tả. Tôi có thể cảm thấy trên gương mặt của những vị thần và những anh hùng sự căm ghét, lòng can đảm và tình yêu, cũng như tôi có thể phát hiện chúng trên những gương mặt sống mà tôi được phép chạm vào. Tôi cảm thấy trong dáng điệu của nữ thần Diana sự thanh tú và tự do của rừng già và tinh thần thuần phục loài sư tử núi và kềm chế những đam mê dữ dội nhất. Linh hồn tôi vui sướng với sự hài hòa và những đường cong thanh tú của tượng thần Venus; và  những bức tượng đồng của Barré hé lộ cho tôi những bí mật của rừng già.
Có một cái huy chương khắc hình Homer treo trên tường thư phòng của tôi, khá thấp để tôi có thể dễ dàng với tới nó và sờ mó gương mặt u buồn đẹp đẽ với lòng sùng kính mến thương. Tôi biết rất rõ từng nét trên vầng trán nghiêm trang đó – những dấu vết của cuộc đời và chứng cứ đắng cay của sự đấu tranh và nỗi u sầu;  đôi mắt mù lòa đó đang tìm kiếm, ngay cả trong lớp thạch cao lạnh lẽo, ánh sáng và những bầu trời xanh thẳm của Hellas yêu dấu của ông, nhưng kiếm tìm trong vô vọng; cái miệng đẹp đẽ ấy, kiên nghị, chân thật và dịu dàng. Đó là gương mặt của một thi nhân, và của một con người quen với nỗi u sầu. Chao ôi, tôi rất hiểu khao khát của ông – cái đêm đen vĩnh viễn mà ông ngụ cư trong lòng nó – 

          Ôi bóng tối, bóng tối, giữa ban trưa chói lọi
          Bóng tối vĩnh viễn, nhật thực miên trường
Không chút hy vọng nào của ánh ngày!
         
Trong trí tưởng, tôi có thể nghe Homer đang ca hát, trong lúc ông lần mò từ trại này sang trại khác với những bước chân do dự, run rẩy – hát về sự sống, tình yêu, chiến tranh, về những thành tựu tuyệt vời của một chủng tộc cao quý. Đó là một bài ca kỳ diệu, diễm lệ, và nó mang tới cho nhà thơ mù lòa một cái vương miện bất tử, sự ngưỡng mộ của mọi thời đại.
          Đôi khi tôi tự hỏi bàn tay có nhạy cảm trước những vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc hơn con mắt hay chăng. Tôi cho rằng dòng chảy nhịp nhàng của những đường cong nét lượn có thể được cảm nhận một cách tinh tế hơn là nhìn thấy. Dù sao đi nữa, tôi biết rằng tôi có thể cảm nhận những nhịp tim phập phồng của Hy Lạp cổ đại trong những vị nam thần và nữ thần bằng cẩm thạch ấy.
Một niềm vui thú khác, hiếm khi đến hơn các niềm vui khác, là tới nhà hát. Tôi thích được nghe mô tả lại một vở kịch trong lúc nó đang được diễn trên sân khấu hơn nhiều so với việc đọc nó, vì dường như tôi đang sống giữa những sự kiện hào hứng. Với tôi, được gặp vài nghệ sĩ lớn là một đặc ân; họ có một quyền năng mê hoặc bạn đến độ bạn quên khuấy mất thời gian và nơi chốn và sống lại lần nữa trong quá khứ lãng mạn. Tôi từng được cho phép sờ vào mặt và trang phục của cô Ellen Terry là hiện thân của một nữ hoàng lý tưởng của chúng tôi; và ở cô có một yếu tố thần thánh chặn đứng nỗi đau buồn to lớn nhất. Bên cạnh cô là ông Henry Irving, mang những biểu tượng của hoàng gia; và có một vẻ oai nghiêm trong từng điệu bộ cử chỉ hoàng gia và sự chế ngự và khuất phục mọi thứ trong từng đường nét trên gương mặt nhạy cảm của ông. Trong gương mặt của vị vua, mà ông khoác lên như một cái mặt nạ, có một vẻ xa xăm và bất khả tiếp cận của sự thống khổ mà tôi sẽ không bao giờ quên được.
          Tôi cũng biết ông Jefferson. Tôi tự hào được xem ông là một trong số bạn hữu của tôi. Tôi tới thăm ông bất cứ khi nào tôi tình cờ có mặt ở nơi ông đang diễn. Lần đầu tôi được xem ông diễn là lúc ở trường trung học tại New York. Ông diễn vở “Rip Van Winkle”.  Tôi thường đọc câu chuyện đó, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy vẻ quyến rũ của những cung cách tốt bụng, chậm rãi, lạ lùng của Rip như trong vở kịch. Sự thể hiện đẹp đẽ, cảm động của ông Jefferson hoàn toàn xâm chiếm lòng tôi với niềm vui thích. Sau vở diễn, cô  Sullivan đưa tôi tới gặp ông ở phía sau sân khấu, và tôi đã cảm nhận bộ y phục kỳ lạ và mái tóc, bộ râu của ông. Ông Jefferson cho phép tôi sờ vào mặt của ông để tôi có thể hình dung trông ông như thế nào khi bừng tỉnh giấc sau giấc ngủ lạ lùng suốt hai mươi năm, và ông chỉ cho tôi ông già Rip tội nghiệp đã lảo đảo đứng lên ra sao.
          Tôi cũng từng xem ông trong vở “Những kẻ tình địch”. Có lần khi tôi ghé thăm ông ở Boston ông diễn những hồi gay cấn nhất trong vở kịch đó cho tôi xem. Căn phòng tiếp tân nơi chúng tôi ngồi được dùng làm sân khấu. Ông và con trai ông ngồi ở cái bàn lớn, và Bob Acres viết lời thách thức của anh. Tôi dõi theo mọi cử động của ông với đôi bàn tay, và nắm bắt vẻ hài hước trong những điệu bộ của ông theo một cách thức mà tôi không thể nào có được nếu nó được viết vào tay tôi. Sau đó họ đứng lên để đấu tay đôi, và tôi dõi theo những cú đâm nhanh và gạt đỡ của những thanh kiếm và những dao dộng của Bob tội nghiệp khi lòng can đảm của anh tuôn trào từ những đầu ngón tay anh. Rồi người nghệ sĩ lớn giật mạnh cái áo khoác và miệng mình, và trong khoảnh khắc tôi đứng trong ngôi làng của Falling Water và cảm thấy mái đầu tóc bờm xờm của Schneider tựa lên đầu gối tôi. Ông Jefferson ngâm những đoạn thoại hay nhất trong vở “Rip Van Winkle,”, trong đó nước mắt theo sát sau nụ cười. Ông yêu cầu tôi thể hiện càng nhiều càng tốt những điệu bộ và hành động đi kèm với những lời kịch. Dĩ nhiên tôi không biết gì về hành động kịch, và chỉ có thể đưa ra những giả đoán ngẫu nhiên; nhưng với nghệ thuật bậc thầy ông vẫn ứng phó hành động với ngôn từ. Tiếng thở dài của Rip khi ông lẩm bẩm: “Phải chăng một người bị quên lãng rất sớm khi anh ta đã ra đi?”; sự mất hết tinh thần mà với nó ông tìm kiếm con chó và khẩu súng sau giấc ngủ dài, và sự phân vân buồn cười của ông khi ký kết hợp đồng với Derrick – tất cả dường như tuôn trào từ chính bản thân cuộc sống; nghĩa là cuộc sống lý tưởng, nơi mọi sự xảy ra như chúng ta nghĩ chúng sẽ xảy ra.
          Tôi nhớ rõ lần đầu tôi tới nhà hát. Nó cách nay mười hai năm. Elsie Leslie, người diễn viên nhỏ tuổi, đang ở Boston, và cô Sullivan đưa tôi đến xem cô diễn vở “Hoàng tử và người cùng khổ”. Tôi sẽ không bao giờ quên những gợn vui buồn xuyên suốt vở kịch nhỏ tuyệt vời đó, hay đứa trẻ tuyệt vời diễn vở đó. Sau vở kịch, tôi được phép ra sau sân khấu và gặp cô ấy trong bộ trang phục hoàng gia. Khó mà tìm thấy một đứa bé đáng yêu hơn Elsie, khi cô đứng với một làn tóc xỏa như mây trên đôi vai, mỉm cười rạng rỡ, không chút dấu hiệu thẹn thùng hay mệt mõi nào, dù cô đã diễn kịch trước một đám đông khán giả. Khí ấy tôi chỉ vừa học nói, và trước đó đã lặp lại tên cô ấy cho tới khi tôi nói nó một cách hoàn hảo. Hãy tưởng tượng niềm vui của tôi khi cô ấy hiểu vài từ mà tôi nói với cô ấy và cô ấy không chút ngần ngừ giơ tay ra để chào tôi.
          Vậy có đúng chăng rằng cuộc đời tôi với tất cả mọi hạn chế của nó đã chạm vào nhiều điểm của cuộc sống của Vẻ đẹp trần thế? Mọi thứ đều có những diệu kỳ của nó, ngay cả bóng tối và sự thinh lặng, và tôi hiểu, dù tôi ở trong trạng thái nào, nơi đó sẽ có sự toại nguyện.
          Đúng là đôi khi một cảm giác quạnh hiu bao trùm tôi như một màn sương lạnh giá khi tôi ngồi một mình và chờ đợi ở cánh cổng đóng kín của cuộc đời. Ngoài kia là ánh sáng, âm nhạc, và tình bạn ngọt ngào; nhưng tôi có thể không vào. Định mệnh, sư thinh lặng, nỗi đắng cay đã chặn ngang đường. Tôi sẵn lòng đặt dấu hỏi cho bản án độc đoán của cuộc đời; vì tim tôi vẫn vô kỷ luật và say đắm; nhưng lưỡi tôi sẽ không thốt ra những từ cay đắng, vô hiệu quả đã dâng trào tới môi tôi, và chúng rơi trở vào tim tôi như những giọt lệ không ứa ra trên mắt. Thinh lặng ngự trị khắp hồn tôi. Thế rồi hy vọng đến với một nụ cười và những lời thì thầm: “Có niềm vui trong sự quên mình”. Thế nên tôi cố biến ánh sáng trong đôi mắt của những người khác thành mặt trời của tôi, âm nhạc trong tai những người khác thành bản hòa âm của tôi, nụ cười trên môi những người khác thành niềm hạnh phúc của tôi.

                                                            Ảnh: Gilbert
          
                  CÔ KELLER, CÔ SULLIVAN VÀ ÔNG JOSEPH JEFFERSON


[1] Một người cho vay nặng lãi, nhân vật trong vở kịch Người lái buôn thành Venice của Shakespeare.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét