Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN ĐÒI TÔI - HELEN KELLER (Chương XIV & XV)

Nguyễn Thành Nhân dịch






CHƯƠNG XIV


          Mùa đông năm 1892 trở nên u ám bởi một đám mây trên bầu trời thơ ấu tươi sáng của tôi. Niềm vui rời bỏ tim tôi, và suốt một gian dài, rất dài, tôi sống trong nỗi hoài nghi, lo lắng và sợ hãi. Những quyển sách mất đi sức quyến rũ đối với tôi, và thậm chí giờ đây ý nghĩ về những ngày đáng sợ đó khiến tim tôi giá lạnh. Một câu chuyện nhỏ gọi là “Vua Sương giá” mà tôi viết và gửi cho ông Anagnos ở Học viện Perkins dành cho người mù là nguồn gốc của vấn đề. Để làm sáng tỏ vụ này, tôi phải đưa ra những sự kiện kết nối với đoạn này, mà sự công bằng đối với cô giáo của tôi và bản thân tôi buộc tôi phải thuật lại.[1]
          Tôi đã viết câu chuyện này khi đang ở nhà vào mùa thu sau khi tôi học nói. Chúng tôi đã ở lại Khu mỏ Dương xỉ muộn hơn thường lệ. Trong lúc chúng tôi ở đó, cô Sullivan mô tả với tôi những vẻ đẹp của những tán lá muộn, và dường như những mô tả của cô đã làm sống lại trong ký ức một câu chuyện đã được đọc cho tôi nghe và hẳn là tôi đã lưu giữ lại một cách vô thức. Khi đó tôi nghĩ tôi “đang bịa ra một câu chuyện” như lũ trẻ con hay nói, và tôi nôn nóng ngồi xuống để viết nó trước khi những ý tưởng có thể trượt khỏi đầu tôi. Dòng ý tưởng của tôi trôi chảy khá dễ dàng; tôi cảm thấy hân hoan với tác phẩm này. Những ngôn từ và hình ảnh thoăn thoắt tuôn ra từ đầu những ngón tay của tôi, và trong lúc tôi nghĩ ra hết câu này sang câu khác, tôi viết chúng trên tấm bảng chữ braille. Lúc bấy giờ, nếu những ngôn từ và hình ảnh đến với tôi không cần chút cố gắng nào, có một dấu hiệu chắc chắn rằng chúng không phải là con đẻ của tâm trí của chính tôi, mà là những thứ trôi giạt khiến tôi phải loại bỏ một cách đáng tiếc. Vào thời điểm đó tôi nôn nao hấp thu mọi thứ tôi đọc mà không có một ý tưởng nào về quyền tác giả, và thậm chỉ tới giờ tôi vẫn không thể hoàn toàn chắc chắn về đường ranh giới giữa những ý tưởng của tôi và những ý tưởng mà tôi tìm thấy trong những quyển sách. Tôi cho rằng đó là vì rất nhiều ấn tượng đến với tôi thông qua sự trung gian của mắt và tai của những người khác.
          Khi câu chuyện đã hoàn thành, tôi đọc nó cho cô giáo nghe, và giờ đây tôi nhớ lại một cách rõ ràng nỗi hân hoan mà tôi cảm thấy trong những đoạn văn đẹp đẽ, và sự bực mình của tôi khi phải cắt ngang để chỉnh lại cho đúng cách phát âm của một từ. Vào bữa ăn tối, câu chuyện được đọc cho cả gia đình đang tụ họp, và mọi người rất ngạc nhiên khi thấy tôi có thể viết rất tốt. Có ai đó đã hỏi tôi có phải tôi đã đọc nó trong một cuốn sách hay không.
          Câu hỏi này khiến tôi rất ngạc nhiên; vì tôi không có một hồi ức mơ hồ nhất nào về việc đã nghe đọc nó. Tôi bật thốt lên: ‘Ồ, không, nó là câu chuyện của con, và con đã viết nó để tặng ông Anagnos.”
          Sau đó tôi chép lại câu chuyện và gửi cho ông ấy để làm quà sinh nhật. Có đề nghị rằng tôi nên đổi tựa đề từ “Những chiếc lá thu” thành “Vua Sương giá”, và tôi đã làm như vậy. Tôi tự mang câu chuyện tới bưu cục, cảm thấy như thể tôi đang bước trên mây. Tôi không tưởng tượng nổi rằng tôi sẽ phải trả giá cho món quà sinh nhật đó một cách tàn ác thế nào.
          Ông Anagnos rất vui với câu chuyện và xuất bản nó trong một trong những báo cáo của Học viện Perkins. Điều này là đỉnh điểm hạnh phúc của tôi, và sau đó ít lâu tôi đã bị quăng từ đó xuống mặt đất. Tôi có mặt ở Boston một thời gian ngắn thì người ta phát hiện ra rằng có một câu chuyện tương tự với “Vua Sương giá” tên là “Những nàng tiên sương giá” của cô Margaret T. Canby, đã xuất hiện trước khi tôi chào đời trong một cuốn sách tên là “Birdie và những người bạn”. Hai câu chuyện giống nhau về ý tưởng và ngôn từ đến nỗi rõ ràng là câu chuyện của cô Canby đã được đọc cho tôi nghe và câu chuyện của tôi là một tác phẩm đạo văn. Rất khó làm cho tôi hiểu được điều này, nhưng khi hiểu ra tôi rất kinh ngạc và đau khổ. Không có đứa trẻ nào uống sâu cái chén đắng hơn tôi. Tôi đã tự sỉ nhục bản thân; tôi đã mang tới sự ngờ vực cho những người mà tôi yêu quý nhất. Nhưng làm sao điều đó lại có thể xảy ra? Tôi tra vấn bộ não của mình cho tới khi mệt nhoài để nhớ lại bất kỳ điều gì về câu chuyện mà tôi đã đọc trước khi tôi viết nó ra nhưng tôi không thể nhớ được điều gì, ngoại trừ một nhắc nhớ tới Jack Frost và một bài thơ cho trẻ con, “Những điều kỳ lạ của Sương giá” và tôi biết tôi đã không sử dụng trong tác phẩm của mình.
          Lúc đầu ông Anagnos, dù rất khó chịu, có vẻ như vẫn tin tôi. Ông vẫn dịu dàng và tốt đối với tôi một cách bất thường, và cái bóng đen để lộ ra một khoảng trống nhỏ nhoi. Để làm vừa lòng ông tôi cố không tỏ ra khốn khổ, và sửa soạn để trở nên xinh xắn hết mức cho lễ mừng sinh nhật của Washington, sẽ diễn ra không lâu sau khi tôi nhận được cái tin buồn ấy.
          Tôi sẽ thủ vai Ceres trong một vở ca vũ kịch của những đứa trẻ mù. Tôi nhớ rất rõ những nếp vải duyên dáng bao bọc thân tôi, những chiếc lá thu kết quanh đầu tôi, và những thứ quả cây và ngũ cốc dưới chân tôi và trên tay tôi, và ở dưới đáy mọi niềm vui của vở ca vũ kịch là cảm giác ngột ngạt khiến tim tôi nặng trĩu.
          Đêm hôm trước ngày lễ, một trong những giáo viên của học viện đã hỏi tôi một câu có liên quan tới “Vua Sương giá” và tôi nói với cô ấy rằng cô Sullivan đã kể cho tôi nghe về Jack Frost và những tác phẩm tuyệt diệu của ông. Một điều gì đó tôi đã nói ra khiến cô ấy nghĩ rằng cô ấy đã phát hiện trong những lời của tôi một thú nhận rằng tôi đã nhớ câu chuyện ‘Những nàng tiên sương giá” của cô Canby và cô ấy đưa ra kết luận đó với ông Anagnos, dù tôi đã nói với cô ấy với sự nhấn mạnh hết mức rằng cô ấy đã nhầm lẫn.
Ông Anagnos, người rất mến yêu tôi, nghĩ rằng ông đã bị lừa dối, đã quay lưng với những lời khẩn nài của tình yêu và sự vô tội. Ông tin rằng, hay ít nhất cũng nghi ngờ rằng cô Sullivan và tôi đã cố tình đánh cắp những ý tưởng tươi sáng của câu chuyện kia và gửi cho ông để chiếm lấy sự ngưỡng mộ của ông. Tôi bị đưa ra trước một tòa án điều tra bao gồm các giáo viên và quan chức của học viện, và cô Sullivan bị yêu cầu phải để tôi lại một mình. Sau đó tôi bị hỏi và thẩm vấn với thứ mà dường như đối với tôi là một quyết tâm về phần của những vị phán quan nhằm buộc tôi thừa nhận rằng tôi có nhớ câu chuyện “Những nàng tiên sương giá” đã được đọc cho tôi nghe. Tôi cảm nhận được trong từng câu hỏi sự ngờ vực và hoài nghi trong tâm trí họ, và tôi cũng cảm thấy một người bạn thân yêu đang nhìn tôi oán trách, dù tôi không thể xếp đặt tất cả những điều này thành ngôn từ. Máu đè nặng xuống quả tim đập dồn dập của tôi, và tôi hầu như không thể nói được, ngoại trừ những nguyên âm đơn. Thậm chí cái ý thức rằng đây chỉ là một nhầm lẫn đáng sợ cũng không thể giảm đi sự đau đớn của tôi, và cuối cùng khi được phép rời khỏi căn phòng, tôi mụ người đi và không chú ý tới sự quan tâm của cô giáo của tôi hay những lời nói dịu dàng của những bạn bè tôi, những người nói rằng tôi là bé gái quả cảm và họ tự hào về tôi.
Đêm đó, khi nằm trên giường, tôi khóc trong lúc hy vọng sẽ rất ít trẻ con phải khóc. Tôi cảm thấy rất lạnh, tôi tưởng tượng tôi sẽ chết trước khi trời sáng, và ý nghĩ đó an ủi tôi. Tôi nghĩ giá như nỗi buồn này đến với tôi khi tôi lớn tuổi hơn, hẳn nó sẽ phá nát linh hồn tôi đến không còn phương cứu vãn. Nhưng vị thiên thần của sự lãng quên đã thu gom và mang đi phần lớn nỗi khốn khổ và tất cả nỗi đắng cay của những ngày đau buồn đó.
Cô Sullivan chưa từng nghe nói về “Những nàng tiên sương giá” hay cuốn sách mà trong đó có câu chuyện này. Với sự hỗ trợ của Tiến sĩ  Alexander Graham Bell, cô cẩn thận điều tra vấn đề, và cuối cùng phát hiện ra rằng bà Sophia C. Hopkins có một bản in của quyển “Birdie và những người bạn” xuất bản năm 1888, cái năm mà chúng tôi trải qua mùa hè với bà ở Brewster. Bà Hopkins không thể tìm lại cuốn sách của mình; nhưng vào thời điểm ấy bà đã kể cho tôi nghe trong lúc cô Sullivan đang đi nghỉ hè; bà cố làm vui tôi bằng cách đọc cho tôi nghe nhiều cuốn sách, và dù bà không nhớ có đọc cuốn “Những nàng tiên sương giá” hơn tôi chút nào chăng, nhưng bà cảm thấy chắc chắn rằng cuốn “Birdie và những người bạn” là một trong số chúng. Bà giải thích sự biến mất của cuốn sách với thực tế rằng bà có một thời gian ngắn trước khi bán ngôi nhà và đã vất bỏ nhiều cuốn sách thiếu nhi như các cuốn sách giáo khoa và những cuốn truyện cổ tích, và chắc chắn cuốn “Birdie và những người bạn” nằm trong số chúng.
Khi đó những câu chuyện có rất ý nghĩa đối với tôi; nhưng chỉ việc viết lại những từ lạ đã đủ để làm vui một đứa bé hầu như không thể làm gì để tự tiêu khiển; và dù tôi không nhớ một tình huống nào liên quan tới việc đọc những câu chuyện đó, nhưng tôi không thể không nghĩ rằng tôi đã cố hết sức ghi nhớ những từ, với dự định sẽ nhờ cô giáo giải thích chúng khi cô quay lại. Có một điều chắc chắn là ngôn ngữ đó đã in dấu vào não bộ tôi sâu tới mức không thể xóa, dù suốt một thời gian dài không ai biết tới nó, ít nhất là tôi.
Khi cô Sullivan quay lại tôi không nói với cô về “Những nàng tiên sương giá”, có lẽ là vì cô ngay lập tức đọc cho tôi nghe chuyện “Lãnh chúa tí hon Fauntleroy”, và câu chuyện này đã phủ đầy tâm trí tôi, loại trừ mọi thứ khác. Nhưng thực tế còn lại là câu chuyện của cô Canby đã được đọc cho tôi nghe một lần, và rất lâu sau khi tôi đã quên đi nó, nó quay trở lại với tôi một cách tự nhiên đến mức tôi không bao giờ ngờ rằng nó là con đẻ của một đầu óc khác.
Trong cơn bất hạnh của mình, tôi đã nhận được nhiều thông điệp của tình yêu và sự đồng cảm. Tất cả bạn hữu tôi yêu mến nhất, trừ một người, vẫn còn là bạn của tôi cho tới nay. Bản thân cô Canby đã viết cho tôi rất nhân hậu, “Một ngày nào đó em sẽ viết một câu chuyện tuyệt vời từ chính đầu óc của em, đó sẽ là một niềm an ủi và giúp cho nhiều người.” Nhưng dạng tiên tri này chưa bao giờ được hoàn thành. Tôi không bao giờ chơi đùa với ngôn từ chỉ vì niềm vui đơn thuần của trò chơi nữa. Thật ra, kể từ đó tôi bị hành hạ bởi nỗi sợ rằng những gì tôi viết không phải của chính tôi. Suốt một thời gian dài, khi tôi viết một lá thư, thậm chí cho mẹ tôi, tôi bị câm chiếm bởi một cảm giác kinh hoàng đột ngột, và tôi viết đi viết lại nhiều lần những câu để chắc chắn rằng tôi đã không đọc chúng trong một cuốn sách. Giá như không có sự kiên trì động viên của cô Sullivan, tôi nghĩ hẳn tôi sẽ từ bỏ hoàn toàn việc viết lách.
Từ đó, tôi đã đọc cuốn “Những nàng tiên sương giá” và cả những lá thư tôi viết mà trong đó tôi sử dụng những ý tưởng của cô Canby. Tôi tìm ra một trong số chúng, một lá thư gửi ông Anagnos, ngày 29/12/2891, những từ và cảm xúc y hệt như trong cuốn sách. Vào thời điểm tôi viết “Vua Sương giá” và lá thư này, giống như nhiều lá thư khác, chứa những cụm từ cho thấy tâm trí tôi thấm đẫm câu chuyện đó. Tôi mô tả cô giáo nói với tôi về những chiếc lá mùa thu vàng óng: “Vâng, chúng đẹp đủ để an ủi chúng ta trong mùa hè” – một ý tưởng lấy từ câu chuyện của cô Canby.
          Thói quen đồng hóa những gì tôi hài lòng này và viết lại nó như những ý tưởng của chính tôi xuất hiện trong nhiều thư từ thời kỳ đầu và những nỗ lực viết đầu tiên của tôi. Trong một tác phẩm tôi viết về những thành phố cổ của Hy lạp và Ý, tôi đã vay mượn những mô tả sinh động với nhiều biến đổi từ những nguồn mà tôi đã quên. Tôi biết tình yêu lớn của ông Anagnos đối với những thứ cổ xưa và khả năng thưởng thức nồng nhiệt của ông đối với mọi tình cảm đẹp đẽ về Hy Lạp và Ý. Do đó tôi đã thu thập từ mọi cuốn sách tôi đã đọc những đoạn thơ hay lịch sử mà tôi nghĩ sẽ khiến ông vui lòng. Khi nói về lá thư của tôi viết về những thành phố đó, ông Anagnos đã nói: “Những ý tưởng này rất thơ mộng trong bản chất.” Nhưng tôi không hiểu ông có bao giờ nghĩ một đứa bé mười một tuổi mùa và điếc có thể sáng tạo ra chúng hay chăng. Tôi không thể nghĩ rằng vì tôi không sáng tạo ra những ý tưởng đó nên tác phẩm nhỏ của tôi hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Nó cho tôi thấy tôi có thể thể hiện sự cảm kích đối với những ý tưởng nên thơ và đẹp đẽ bằng thứ ngôn ngữ rõ ràng và sinh động.
          Những tác phẩm thời kỳ đầu này là những rèn luyện trí não. Tôi đang học hỏi, như tất cả mọi cá nhân trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm học hỏi, bằng sự đồng hóa và mô phỏng, để sắp đặt những ý tưởng vào những từ ngữ. Mọi thứ tôi tìm được trong những cuốn sách khiến tôi thích thú được lưu giữ lại trong ký ức của tôi, có ý thức hoặc vô thức thức, và tôi phỏng theo đó. Một người viết trẻ tuổi, như Stevenson đã nói, cố sao chép theo bản năng bất cứ thứ gì có vẻ đáng hâm mộ nhất, và anh ta biến đổi sự hâm mộ này với sự linh hoạt đáng kinh ngạc, Chỉ sau nhiều năm thực hành cách này ngay cả những con người vĩ đại mới học được cách điều khiển binh đoàn từ ngữ ùa đến qua mọi ngõ ngách tâm trí.
          Tôi e rằng tôi chưa hoàn tất quá trình này. Một điều chắc chắn là tôi không thể luôn phân biệt được những ý nghĩ của chính tôi với những ý tưởng tôi đã đọc, vì những gì tôi đã đọc trở thành chất liệu và kết cấu của tâm trí tôi. Hậu quả là trong hầu hết những gì tôi viết, tôi tạo ra thứ gì đó rất giống với một mảnh vải chắp vá mà tôi từng tạo ra khi học may lần đầu. Mảnh vải chắp vá này được tạo nên từ mọi thứ vụn vặt – những mẩu lụa và nhung xinh đẹp; nhưng những mảnh thô không tạo niềm thích thú khi sờ vào luôn chiếm phần hơn. Tương tự như vậy, những tác phẩm của tôi được tạo ra từ những nhận thức thô kệch của chính tôi, đan xen với những ý tưởng đẹp đẽ và những ý kiến chín mùi hơn của những tác giả mà tôi từng đọc. Dường như đối với tôi, khó khăn lớn nhất của việc viết là tạo ra thứ ngôn ngữ của một tâm trí có giáo dục thể hiện những ý tưởng, những cảm xúc nửa vời, ý tưởng nửa vời rối rắm của chúng ta khi chúng ta không là gì ngoài những mớ các khuynh hướng mang tính bản năng. Cố gắng viết rất giống với cố gắng xếp những mảnh ghép thông minh (tangram) lại với nhau. Chúng ta có một khuôn mẫu trong tâm trí mà chúng ta mong muốn thực hiện bằng những từ ngữ; nhưng những từ sẽ không phù hợp với các khoảng không gian, hoặc nếu phù hợp, chúng sẽ không giống với thiết kế. Nhưng chúng ta vẫn cố gắng vì biết rằng những người khác đã thành công, và chúng ta không sẵn lòng chấp nhận sự thất bại.
          Stevenson nói: “Không có cách nào để trở nên độc đáo, ngoại trừ bẩm sinh đã là vậy,” và dù tôi có thể không độc đáo, tôi hy vọng một lúc nào đó sẽ loại bỏ được những tác phẩm giả tạo, đội lớp của mình. Có lẽ khi đó những ý tưởng và trải nghiệm của chính tôi sẽ hiện lên bề mặt. Trong lúc đó tôi tin tưởng, hy vọng và kiên trì, và cố không để cho hồi ức cay đắng của “Vua Sương giá” ngăn trở những nỗ lực của tôi.
          Vì thế, trải nghiệm đau buồn này có thể có ích cho tôi và khiến tôi suy nghĩ tới một số vấn đề rắc rối trong nghệ thuật sáng tác. Tiếc nuối duy nhất của tôi là việc đánh mất một trong những người bạn thân thương nhất của tôi, ông Anagnos.
          Từ khi công bố “Câu chuyện đời tôi trong tạp chí Ladies' Home, ông Anagnos đã phát biểu trong một lá thư gửi ông Macy rằng vào thời điểm xảy ra vấn đề “Vua sương giá”, ông tin là tôi vô tội. Ông bảo ban điều tra mà tôi bị đưa ra trước mặt gồm có tám người: bốn người mù, bốn người sáng mắt. Ông bảo bốn người trong số họ cho rằng tôi biết câu chuyện của cô Canby đã được đọc cho tôi nghe, và bốn người còn lại không chấp nhận quan điểm này. Ông Anagnos nói rằng ông đã biểu quyết cho những người ủng hộ tôi.
          Nhưng dù vụ việc có như thế nào, và ông đã biểu quyết cho phía nào, khi tôi bước vào căn phòng nơi ông Anagnos đã từng rất thường đặt tôi lên đầu gối của ông và quên đi những quan tâm của mình để chia sẻ cuộc vui với tôi và phát hiện ra tại đó những kẻ dường như ngờ vực tôi, tôi cảm thấy có một sự thù địch và đe dọa nào đó trong bầu không khí ấy, và những sự kiện sau đó đã xác nhận ấn tượng này. Trong suốt hai năm trời dường như ông vẫn duy trì niềm tin rằng cô Sullivan và tôi vô tội. Sau đó rõ ràng ông rút lại phán xét ủng hộ của mình, vì sao thì tôi không biết. Tôi cũng không biết những chi tiết của cuộc điều tra. Tôi không bao giờ biết tên của những thành viên của “tòa án” không nói chuyện với tôi. Tôi quá khích động để chú ý tới bất cứ điều gì và quá sợ đến độ không dám hỏi. Thật sự, tôi hầu như không thể nghĩ ra tôi đã nói gì, hay người ta đã nói gì với tôi.
          Tôi đưa ra giải thích về vụ “Vua Sương giá” này vì nó rất quan trọng trong cuộc đời và sự học hỏi của tôi; và để không có một hiểu lầm nào, tôi đã đưa ra tất cả những sự kiện như chúng diễn ra đối với tôi, không hề có ý nghĩ nào về việc tự biện hộ hay đổ lỗi cho bất cứ một ai.

CHƯƠNG XV

 

          Mùa hè và mùa đông sau sự cố “Vua Sương giá”, tôi sống cùng gia đình tại Alabama. Tôi hồi nhớ lại với niềm vui về chuyến trở về nhà đó. Vạn vật đâm chồi và nở hoa. Tôi rất hạnh phúc. Vụ “Vua Sương giá” đã bị lãng quên.
          Khi mặt đất ngập đầy những chiếc lá thu vàng và đỏ thẫm, và những dây nho thơm mùi xạ hương che phủ giàn cây ở cưới vườn biến thành màu nâu vàng dưới ánh mặt trời, tôi bắt đầu viết một phác họa về cuộc đời mình – một năm sau khi tôi viết “Vua Sương giá”.
          Tôi vẫn còn rất thận trọng với mọi thứ tôi viết ra. Cái ý nghĩ rằng những gì tôi viết có thể không hoàn toàn là của chính tôi hành hạ tôi. Không ai biết những nỗi sợ đó trừ cô giáo của tôi. Một cảm xúc lạ lùng ngăn tôi nhắc tới “Vua Sương giá”; và thường thường, khi một ý tưởng nảy sinh trong quá trình trò chuyện tôi thường khẽ khàng viết lên tay cô: “Em không chắc nó là của em.” Vào những lúc khác, ở giữa một đoạn văn tôi đang viết, tôi tự nhủ với mình: “Có lẽ người ra sẽ phát hiện ra rằng tất cả những điều này đã được ai đó viết ra từ lâu!” Một nỗi sợ hãi ma quái bóp chặt bàn tay tôi khiến tôi không thể viết thêm bất cứ điều gì ngày hôm đó. Và ngay cả hiện giờ đôi khi tôi vẫn cảm thấy sự khó chịu và băn khoăn đó. Cô Sullivan an ủi và giúp tôi bằng mọi cách cô có thể nghĩ ra; nhưng trải nghiệm kinh khủng mà tôi đã trải qua vẫn để lại một ấn tượng lâu dài trong tâm trí tôi mà tầm quan trọng của nó tôi chỉ mới bắt đầu hiểu ra gần đây. Chính vì niềm hy vọng khôi phục lại sự tự tin của tôi mà cô thuyết phục tôi viết cho tờ Bạn đồng hành của tuổi trẻ một bài ngắn về cuộc đời tôi. Khi đó tôi mười hai tuổi. Khi nhìn lại nỗ lực để viết câu chuyện đó, có vẻ như tôi phải có một viễn tượng mang tính tiên tri về sự tốt lành sẽ tới sau công việc này, không thì chắc chắn là tôi đã thất bại.
          Tôi viết một cách rụt rè, sợ sệt, nhưng kiên quyết dưới sự thôi thúc của cô giáo, người biết rằng nếu tôi kiên trì, tôi sẽ tìm lại được chỗ đứng và sẽ nắm chắc những khả năng của tôi. Cho tới giai đoạn “Vua Sương giá”, tôi đã sống cuộc sống vô ý thức của một đứa trẻ nhỏ; giờ những ý nghĩ của tôi quay vào nội tâm, và tôi nhìn thấy những điều vô hình. Dần dà, tôi thoát ra khỏi vùng nửa sáng nửa tối của kinh nghiệm đó với một tâm trí đã trở nên sáng tỏ hơn sau thử thách và một kiến thức chân thực hơn về cuộc sống.
          Những sự kiện chính của năm 1893 là chuyến đi tới Washington trong lễ nhậm chức của Tổng thống Cleveland, và chuyến du lịch tới Niagara và Hội chợ Thế giới. Dưới những hoàn cảnh đó việc học tập của tôi thường xuyên bị gián đoạn và bị gác lại suốt nhiều tuần, vì thế tôi không thể thuật lại mọi sự một cách mạch lạc.
          Chúng tôi tới Niagara vào tháng Ba, 1893. Khó mà mô tả những cảm xúc của tôi khi tôi đứng trên vị trí nơi những thác nước treo lơ lững và cảm thấy sự rung chuyển của bầu không khí và sự chấn động của mặt đất.
          Dường như mọi người rất lạ lùng khi tôi bị gây ấn tượng bởi những sự kỳ diệu và những vẻ đẹp của thác nước. Họ luôn hỏi: “Vẻ đẹp này hay thứ âm nhạc đó có ý nghĩa gì với cháu? Cháu không thể nhìn thấy những lượn sóng cuộn lên bãi biển hay nghe thấy tiếng gầm của chúng. Chúng có ý nghĩa gì với cháu?” Trong nhận thức hiển nhiên nhất chúng có nghĩa mọi thứ. Tôi không thể đo lường hay xác định ý nghĩa của chúng cũng tương tự như tôi không thể đo lường hay xác định tình yêu hay tôn giáo hay sự tốt lành.
          Vào mùa hè năm 1893, cô Sullivan và tôi tới Hội chợ Thế giới cùng Tiến sĩ Alexander Graham Bell. Tôi nhớ lại với niềm vui trọn vẹn những ngày khi một ngàn tưởng tượng trẻ con trở thành những hiện thực tươi đẹp. Mỗi ngày, tôi làm một chuyến du lịch vòng quanh thế giới trong trí tưởng, và tôi nhìn thấy nhiều điều kỳ diệu từ những nơi xa xôi nhất trên quả đất – những kỳ công phát minh, những kho tàng công nghệ và kỹ năng và tất cả những hoạt động của sự sống nhân loại đã thật sự lướt qua dưới những đầu ngón tay của tôi.
          Tôi thích tới thăm công viên Midway Plaisance. Dường như nó rất giống “Ngàn lẻ một đêm”; nó chất chứa đầy sự mới lạ và thú vị. Ở đây là xứ Ấn Độ của những quyển sách của tôi trong khu chợ lạ lùng với những vị thần Shivas và những thần voi; kia là xứ sở của những kim tự tháp tập trung trong một Cairo hiện đại với những nhà thờ Hồi giáo và những đoàn lạc đà dài dằng dặc; ở xa xa là những cái phá của Venice, nơi chúng tôi ngồi thuyền mỗi tối khi thành phố và những đài phun nước được soi sáng. Tôi cũng lên một con tàu Viking cách cái cảng nhỏ một quãng ngắn. Trước đó tôi đã gặp một chiến binh ở Boston, và tôi rất thích thú khi nhìn thấy người thủy thủ trước kia đã làm những gì trên con tàu Viking này – ông ta giương buồm ra sao, đương đầu với sóng gió ra sao với một trái tim quả cảm, và đuổi theo bất cứ một ai đáp lại tiếng hét của ông: “Chúng ta là của biển cả!” và chiến đấu với bộ não và cơ bắp, tự lực, độc lập thay vì bị đẩy vào hậu trường bởi một cỗ máy không thông minh như Jack hiện nay. Vì thế, luôn vẫn là: “con người chỉ thú vị đối với con người.”
          Cách con tàu này một quãng ngắn có một mô hình của con tàu Santa Maria, và tôi cũng tới thăm con tàu này. Vị thuyền trưởng chỉ cho tôi phòng của Columbus và cái bàn giấy trên có một cái đồng hồ cát. Thiết bị nhỏ bé này khiến tôi có ấn tượng nhất vì nó khiến tôi nghĩ nhà hàng hải hào hùng đó đã cảm thấy mệt mỏi thế nào khi ông thấy cát rơi xuống từng hạt trong lúc những con người tuyệt vọng đang âm mưu chống lại ông.
          Ông Higinbotham, Chủ tịch của Hội chợ Thế giới đã tốt bụng cho phép tôi sờ vào các đồ vật trưng bày, và với một sự nôn nao cực độ chẳng khác chi sự nôn nao chiếm lấy những kho báu của Peru của Pizarro, tôi tiếp nhận những vẻ huy hoàng của Hội chợ với những ngón tay của mình. Nó là một dạng kính vạn hoa hữu hình, cái thành phố trắng của miền Tây này. Mọi thứ đều mê hoặc tôi, nhất là những tượng đồng của Pháp. Chúng rất giống người thật, tôi nghĩ chúng là những ảo ảnh thiên thần mà người nghệ sĩ đã nắm bắt và nhốt vào những hình dáng trần tục.
          Ở phòng triển lãm Mũi Hảo Vọng, tôi biết được nhiều thứ về quá trình khai thác kim cương. Bất cứ lúc nào có thể, tôi sờ vào cỗ máy khi nó đang chuyển động để có một ý tưởng rõ ràng những tảng đá được cân, cắt và đánh bóng như thế nào. Tôi tìm kiếm một viên kim cương trong chậu đãi quặng và tìm được nó – viên kim cương thật duy nhất, họ nói, đã được tìm thấy tại Hoa Kỳ.
          Tiến sĩ Bell đi khắp nơi cùng chúng tôi và với cách thức vui vẻ của riêng ông mô tả cho tôi những đối tượng thú vị nhất. Trong tòa nhà đồ điện chúng tôi kiểm tra những cái máy điện thoại, máy hát đĩa và những phát minh khác, và ông giúp tôi hiểu làm cách nào để gửi một thông điệp trên những sợi dây chế nhạo không gian và qua mặt thời gian, và, như Prometheus, rút lửa từ bầu trời. Chúng tôi cũng tới thăm cơ sở nhân loại học, và tôi rất thích thú với những di tích Mexico cổ đại, những công cụ đá thô sơ thường là dữ liệu duy nhất của một thời đại – những tượng đài đơn giản của những đứa con mù chữ của thiên nhiên (tôi nghĩ thế khi tôi sờ vào chúng) mà dường như lưu giữ tới phút tận cùng những vật kỷ niệm của các vị vua và các thánh nhân đã tan thành tro bụi – và những xác ướp Ai Cập mà tôi co lại khi sờ chúng. Từ những di tích này tôi biết nhiều về sự tiến triển của nhân loại hơn tôi từng nghe hay đọc từ trước tới giờ.


Ảnh: Marshall, 1902
CÔ KELLER VÀ TIẾN SĨ ALEXANDER GRAHAM BELL

Tất cả những trải nghiệm này bổ sung nhiều từ ngữ mới trong vốn từ vựng của tôi, và trong ba tuần ở Hội chợ tôi đã có một bước nhảy vọt từ sự quan tâm tới những câu chuyện cổ tích và những thứ đồ chơi của một đứa trẻ nhỏ tới niềm thán phục sự có thật và nghiêm chỉnh của thế giới thường ngày.



[1]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét